Ký sự của một người hành hương – Giới thiệu cốt lõi của linh đạo Nga

0
1043

Hồng y Tomas Splidlik S.J.

(Trích từ Thời sự Thần học số 78 (tháng 11/2017), trang 90-124)

Lời dẫn

          Đây là một tác phẩm vô danh trình bày cốt yếu linh đạo Chính Thống Nga, tập trung vào việc “niệm kinh Thánh Danh Chúa Giêsu”, và nhờ đó đạt tới sự an tịnh (hesychia). Cuốn sách mang tựa đề “Ký sự một người hành hương” (Récits d’un pèlerin russe hay với tựa đề dài hơn: “Tường thuật của một kẻ hành hương Nga với người cha tinh thần của mình”: Récits d’un pèlerin russe à son père spirituel). Cuốn sách này được xuất bản năm 1865 tại Kazan, và được tái bản năm 1884[1]. Viết dưới hình thức “Ký sự” (Tường thuật), tác giả mời gọi người đọc hãy đi theo mình trên chuyến hành trình đi về “con tim”. Nhân vật chính của câu chuyện là một nông dân lên đường về Optina để thụ giáo với lão phụ Macariô. Quyển sách được chia làm 4 phần.

          1/ Lúc ấy anh ta lên 30 tuổi (ngang trạc với Chúa Kitô). Vào một Chúa Nhật, anh vào nhà thờ và nghe đọc lời của thánh Phaolô: “Anh em hãy cầu nguyện liên lỉ” (1Tx 5,17). Anh xác tín rằng cần phải thi hành lời truyền đó cách nghiêm túc. Làm thế nào thực hành lời Chúa dạy? Anh ta lên đường tìm kiếm. Sau một thời gian dài, may thay, anh gặp một lão phụ (staretz). Lão phụ giới thiệu cho anh Kinh nguyện Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Việc kêu cầu liên lỉ Danh thánh Chúa với môi miệng, trí tuệ và tâm hồn, sẽ đưa con người đến kết hiệp với Chúa.

          2/ Sang đến phần thứ hai, người lữ hành kể tiếp rằng để có thể sống cô tịch và thinh lặng ngõ hầu chuyên chăm vào việc niệm Danh Chúa Giêsu, anh ta phải sang Siberia, nơi anh có thể gặp thấy khung cảnh thích hợp hơn cả. Anh bắt đầu nghiên cứu sách Philokalia[2], nhưng anh thấy các tác giả bàn đến nhiều vấn đề khác nhau, khiến cho anh không hiểu nổi cũng chẳng có thể tóm lược được. Thế rồi trong giấc mơ, anh thấy lão phụ hiện về, và giải thích cho anh về cách đọc sách Philokalia. Nhờ sự hướng dẫn của lão phụ, người lữ hành khám phá những công hiệu của việc niệm kinh nguyện Chúa Giêsu, qua ba biểu hiện như sau: an bình nội tâm, sức nóng trong tim, ánh sáng trí tuệ. Anh ta cảm thấy mình dễ tập trung ý tưởng; kế đó là cảm giác thanh thản ngọt ngào. Con người anh được biến đổi hòan tòan.

          3/ Hai phần tường thuật còn lại kể tiếp cuộc đời của anh trước khi bắt đầu cuộc hành trình.

          4/ Về sau, quyển sách được tăng thêm bốn cuốn tường thuật khác, tìm được trong các thủ bản của starez Amvrosij Optina. Dưới thể văn đối đáp, tác giả vô danh đào sâu nhiều câu hỏi được nêu lên chung quanh việc “cầu nguyện không ngơi”.

          Trong bài giới thiệu bản dịch tiếng Ý (1992)[3], Hồng Y Tomas Splidlik S.J. (1919-2010) trình bày nòng cốt của linh đạo nước Nga. Ngài cũng không quên đối chiếu với những phương pháp tâm nguyện của các tôn giáo Á Châu. Nội dung: 1/ Người hành hương. 2/ Cầu nguyện liên lỉ. 3/ Các lời nguyện vắn tắt (tên lửa). 4/ Kinh nguyện Chúa Giêsu. 5/ Kháng cự. 6/ Trạng thái cầu nguyện. 7/ Tâm tình thống hối. 8/ Trở về nếp sống thường nhật. 9/ Kinh nguyện thanh khiết. 10/ Biểu tượng của thân thể. 11/ Phương pháp của người Hành hương. 12/ Phương pháp vật lý. 13/ Lời khuyên thực tiễn. Vì khuôn khổ hạn chế của tờ báo, trong số 86 chú thích của nguyên bản, chúng tôi chỉ chọn lọc một vài điều xem ra cần thiết.

______________

1. Người hành hương

Người hành hương! Hành hương giữ một chỗ ưu tiên trong đời sống tâm linh, bởi vì nó hàm chứa rất nhiều yếu tố thuận lợi để linh hồn được nâng lên cùng Thiên Chúa. Cuộc hành hương đòi hỏi một sự cố gắng, một sự hy sinh năng lực và thời giờ riêng tư. Bù lại, việc lên đường là sự chiến thắng thời gian và giải thoát khỏi những lo lắng thường nhật.

Người hành hương nước Nga! Trong đất nước bao la bát ngát này, có một hạng người, mang danh là stranniki, suốt đời đi viếng thăm các thánh điện, các nhà thờ, các tu viện, núi Athos, Thánh địa. Người hành hương, nhân vật của cuốn truyện, tượng trưng cho những người đi tìm Chúa nhờ việc cầu nguyện liên lỉ trong tim, một lý tưởng được các sư phụ vạch ra trong sách Philokakia, tuyển tập những lời khuyên về việc cầu nguyện. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở chỗ thuyết phục về  sự cần thiết của việc cầu nguyện, nhưng còn trình bày một phương pháp cụ thể để đạt được lý tưởng, đó là Kinh nguyện Chúa Giêsu.

Cuốn sách “Ký sự” đã gặt hái nhiều thành quả khi dịch sang các ngôn ngữ Tây phương. Đó là một dấu hiệu chứng tỏ giá trị của nó. Tuy nhiên, không phải mọi người đều hiểu được giáo huấn của nó, bởi vì được gắn liền với một linh đạo hơi xa lạ. Từ đó độc giả gặp khó khăn vì không biết làm thế nào có thể thực hành kinh nguyện xem ra đơn giản ấy. Bài giới thiệu này muốn giúp độc giả vài ý niệm về môi trường phát xuất kinh nguyện.

 2.  Một vấn đề cổ điển của các đan sĩ : cầu nguyện liên lỉ

Để hiểu việc thực hành Kinh nguyện Chúa Giêsu, trước hết cần phải lồng nó trong khung cảnh của những người tìm cách thi hành lý tưởng được nêu lên trong Kinh thánh : « Hãy cầu nguyện không ngừng » (1Tx 5,16), ở mọi thời (Ep 6,18) và mọi nơi, hãy giơ đôi tay thanh sạch lên trời (1Tm 2,8).

Các đan sĩ thời xưa không coi đây như là một lời khuyên sốt sắng, nhưng là một mệnh lệnh của Chúa. Như ông Evagrio Pontico đã nói : « Không có chỗ nào truyền lệnh phải luôn luôn làm việc, tỉnh thức, chay tịnh ; nhưng có luật buộc phải cầu nguyện không ngừng »[4]. Maximus Confessor thêm rằng : Kinh thánh không dạy ta điều gì không thể làm được[5]. Tuy nhiên, các nhà huyền bí đã đưa nhiều ý kiến khác nhau khi giải thích hai hạn từ « cầu nguyện » và « không ngừng ». Phái messaliani, (gốc Syria có nghĩa là kẻ cầu nguyện), hiểu “cầu nguyện” theo nghĩa đen, tức là đọc kinh. Để có thể đọc kinh không ngừng, họ cho rằng cần phải rảnh rỗi khỏi mọi công việc khác. Theo họ, các đan sĩ cần phải bắt chước cô Maria, ngồi dưới chân Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người; cô ta để mọi việc khác cho cô Marta, tượng trưng cho những giáo dân sống ngoài đời. Họ bị bác bỏ tại quê hương của mình, và buộc phải phân tán sang các nước khác. Bên Phi châu, thánh Augustinô viết khảo luận « Các đan sĩ với lao động » (PL 40, 547-582).

Các đan sĩ bên Constantinopolis nghĩ ra một phương pháp khác, đặt tên là acemetos (gốc tiếng Hy-lạp có nghĩa là : những người không ngủ). Họ cũng mang một băn khoăn giống như phái messaliani, nghĩa là phải đọc kinh không ngừng, nhưng công việc này được thực hiện do cộng đoàn đan sĩ, chứ không do một cá nhân. Cộng đoàn được chia làm ba nhóm, và luân phiên nhau cầu nguyện, làm việc và nghỉ ngơi. Nhờ vậy, ở nhà thờ luôn có người đọc kinh ca hát. Bên Tây phương, cũng có tục lệ này, dưới hình thức laus perennis (ngợi ca liên tục). Ở các đan viện Rumani, có thói quen đọc « thánh vịnh trường kỳ », nghĩa là trong nhà thờ, luôn có một đan sĩ được cử ra để đọc thánh vịnh. Dù sao, các nỗ lực đáng khen vừa kể vẫn chưa thỏa mãn lời truyền của thánh Phaolô, bởi vì lệnh cầu nguyện nhắm tới mỗi người Kitô hữu, chứ không chỉ nhắm tới cộng đoàn.

Ông Origène đưa ra một giải pháp như sau: “Kẻ cầu nguyện liên lỉ là người kết hợp cầu nguyện với những công việc phải làm, và kết hợp việc làm với cầu nguyện. Có như thế chúng ta mới tuân hành mệnh lệnh phải cầu nguyện không ngừng”[6]. Theo nghĩa này, trót cuộc đời của thánh nhân có thể coi như một việc cầu nguyện trường kỳ, trong đó cái mà chúng ta gọi là lời kinh chỉ là một phần nhỏ. Quan điểm này của Origène bên Đông phương cũng sẽ trở thành đạo lý của Augustinô bên Tây phương, của Afraate bên Syria, và được đúc kết thành phương châm “cầu nguyện và làm việc” (ora et labora) của thánh Biển đức.

3. Tâm tình cầu  nguyện được duy trì nhờ các lời nguyện vắn tắt

Một khi đã chấp nhận “cầu nguyện và làm việc”, một vấn đề được đặt lên: mối tương quan giữa cầu nguyện chính thức và lao động như thế nào? Ông Origene cho rằng  mỗi ngày “cầu nguyện” ba lần là đủ. Alexandro, người sáng lập nhóm Acemetos, ấn định rằng mỗi ngày phải đọc kinh 24 lần để bao trùm 24 giờ trong ngày. Về sau, người ta ấn định mỗi ngày cầu nguyện 7 lần[7]. Dù sao, hầu như các thánh đều tổ chức giờ đọc kinh tùy theo sở thích của mình.  Tại sao vậy? Một câu trả lời cổ điển cho rằng lao động là cầu nguyện. Tuy nhiên thánh Basilio thêm rằng để được như vậy, cần phải lao động với một tâm tình tốt, với ý định dâng hiến việc làm cho Chúa. Thế nhưng một nghi vấn được đặt lên: nguyên một ý định dâng hiến đã đủ để nuôi dưỡng tâm tình cầu nguyện chưa? Tâm tình cầu nguyện cần phải được nuôi dưỡng bằng những lời cầu nguyện thường xuyên nữa chứ?

Vì lý do ấy, các đan sĩ tìm cách xen các lời cầu nguyện vào những lúc lao động, trong tầm mức  có thể.  Vừa làm vườn vừa hát thánh vịnh thì chẳng khó khăn gì lắm. Nhưng khi phải cuốc đất mệt nhọc thì lấy sức đâu mà hát? Thánh Pacomiô đề nghị một người anh em đọc kinh cầu nguyện bên cạnh những anh em khác lao động. Tuy nhiên, làm như vậy thì không thể nào tránh sự mệt nhọc và chia trí. Đàng khác, có những công việc đòi hỏi phải chú ý nhiều, cho nên không thể tập trung nghe các lời cầu của người khác.

Trong bối cảnh này, các giáo phụ đã nghĩ ra một phương pháp mới: đó là xen các lời nguyện vắn tắt vào những khoảnh khắc nghỉ ngơi. Các lời nguyện ấy được gọi là “tên lửa” (iaculatae) bởi vì ví được như tên lửa phóng lên trời[8]. Tục lệ này được gặp thấy ở nhiều nơi (Ai cập, Sinai, Syria). Đặc trưng của những lời cầu này là ngắn gọn và đơn sơ. Việc lặp lại các lời nguyện ấy trở thành một thứ “nhai lại”, suy gẫm thường xuyên. Các đan sĩ chọn một công thức tương ứng với nhu cầu cá nhân. Có khi họ đến xin sư phụ dạy cho họ một câu kinh: “Thưa cha, xin dạy con một lời để con có thể được cứu độ”. Như vậy, công thức được mang tên là politeia, phương thế để sống đời tâm linh.

Nói chung, các lời nguyện vắn tắt được chọn từ Kinh thánh. Lúc đầu, có rất nhiều công thức, nhưng dần dần, có vài công thức trở nên phổ thông, chẳng hạn như câu 2 của thánh vịnh

 69: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau đến trợ giúp con”. Sau cùng, bên Đông phương, người ta loại trừ các công thức khác, và chỉ dừng lại ở một kinh, đó là Kinh nguyện Chúa Giêsu.

4. Kinh nguyện Chúa Giêsu

Kinh nguyện Chúa Giêsu không có nghĩa là kinh nguyện « của » Đức Giêsu, nhưng là kinh khẩn cầu Chúa Giêsu, được phát biểu như sau : « Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin thương xót con » (người Nga còn thêm « là kẻ tội lỗi »). Kinh này được định nghĩa như là « trọng tâm của Chính thống giáo », tuy có nguồn gốc từ thời cổ, nhưng vẫn còn thịnh hành bên các Giáo hội Đông Phương. Các đan sĩ Rumani và Nga gắn liền kinh nguyện này với một xâu chuỗi (komvologion, komvoskoinon, lestovka, vervica, cˇëtki) để giúp đếm những lần đọc kinh và những lần cúi sâu đi kèm.

Kinh này có từ thời nào? Theo một đan sĩ Rumani, Đức Maria đã thực hành rồi, khi kêu Chúa Cứu thế bằng tên của Người. Dĩ nhiên là Mẹ không đọc theo công thức vừa nói trên đây. Sư phụ Philemon có đề cập đến kinh này: “Hãy mạnh dạn kêu cầu Chúa: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin hãy thương xót con là kẻ có tội. Hãy đọc kinh này liên tục, trong nhà thờ, ở nhà riêng, lúc đi đường, khi làm việc và dùng bữa, trên giường nằm; nói tóm lại, từ lúc mở mắt cho đến khi nhắm mắt”. Sau khi đã trích dẫn đoạn văn vừa rồi, Theophane Ẩn sĩ (1815-1894) thêm rằng: “Cũng tựa như khi đem đồ ra phơi nắng, bởi vì nó có nghĩa là ở trước sự hiện diện của Chúa Giêsu là mặt trời của thế giới tâm linh”. Nhưng sư phụ Philemon sống vào thời nào? Thật khó xác định. Điều chắc chắn là cho đến giữa thế kỷ XI, kinh nguyện Chúa Giêsu chưa được phổ biến rộng rãi như trong thế kỷ XIV. Từ đây về sau, các tác giả (được sách Philokalia trích dẫn) thi đua nhau để ca ngợi kinh này. Việc xuất bản quyển sách đã góp phần quyết định vào việc canh tân tinh thần tại các đan viện Rumani, Hy-lạp, Nga.

Tuy vậy, các tác giả không nhất trí khi bàn đến yếu tố nào trong kinh nguyện này cần nêu bật hơn: kêu cầu Danh thánh, hay là van xin lòng thương xót?

5. L’antirrhesis, kháng cự

Trong một tác phẩm, đức cha Ignatij Brjančianinov (+1867) cho rằng “sức mạnh tinh thần của kinh nguyện Chúa Giêsu nằm ở danh của Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người. Xét về hình thức bên ngoài, danh này có giới hạn; nhưng bởi vì danh ấy tượng trưng cho một đối tượng vô hạn, tức là Thiên Chúa, cho nên nó mang một giá trị vô hạn và thần linh, những đặc tính và sức mạnh của chính Thiên Chúa. Vì thế, ta thấy rằng các thánh tông đồ có lòng tín thác vô bờ vào danh thánh Chúa”[9]. Lòng tôn thờ tuyệt đối Danh Chúa Giêsu đã gây ra một xáo trộn trong Giáo Hội Nga, vào những năm 1912-1913, do một nhóm đan sĩ mang tên là onomolatria. Tuy không đồng hóa Danh xưng với Ngôi vị, S. Bulgakov đã phát triển một học thuyết về sức mạnh năng động (ra như bí tích) của danh thánh Chúa[10]. Họa theo truyền thống Đông phương, I. Kologrivof đặt kề việc kêu cầu danh thánh với sự hiện diện của Chúa, cho rằng việc xướng danh Chúa Giêsu cũng tựa như một bức icon, một icon được sáng tác không bằng nét vẽ nhưng bằng lời, không thấy được nhưng nghe được.

Tuy nhiên, đó là những lý thuyết cận đại. Đối với các tác giả thời xưa, việc kêu cầu Chúa Giêsu được gắn liền với nepsis (tỉnh thức), và do đó, nó là một antirrhesis (kháng cự) hữu hiệu chống lại ma quỷ. Tại sao vậy? Theo giáo huấn của các sư phụ Đông phương, tội lỗi cũng như các sự chia trí khi cầu nguyện đều bắt nguồn từ một ý tưởng xấu (logismos), như khêu gợi làm một điều gì trái luật Chúa. Nó giống như con rắn đã lẻn vào vườn địa đàng  và nói chuyện với bà Eva (x. St 3).

Các giáo phụ đồng ý rằng ta không thể nào giải thoát khỏi sự xúi giục tội lỗi. Ông Origène nói rằng các linh hồn muốn phụng sự Chúa đều phải chịu đựng những cuộc tấn công bằng tư tưởng[11]. Tất cả những gì mà ta có thể làm là đừng dừng lại để trò chuyện với nó (như bà Eva). Đức khôn ngoan dạy ta phải đạp dập đầu con rắn, không để cho nó lẻn vào vườn Địa đàng của trái tim.

Phương pháp tuyệt vời nhất được đặt tên là antirrhesis (kháng cự, đối đầu). Khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu đã nhanh chóng dùng lời Kinh thánh để đáp lại các lời xúi giục của ma quỷ, chứ không tranh luận với hắn (Mt 4, 3-11). Theo gương ấy, các đan sĩ học thuộc lòng các câu Kinh thánh để kháng cự những loại cám dỗ khác nhau. Người ta nói rằng một nhà ẩn sĩ đã thuộc lòng “tất cả Kinh thánh”. Điều này không có nghĩa là họ đã thuộc làu Kinh thánh từ đầu đến cuối; nói đúng hơn, họ có khả năng dùng lời Kinh thánh để đáp lại các câu hỏi được nêu lên, đặc biệt là họ luôn sực nhớ một câu Kinh thánh để chống lại lời xúi giục của ma quỷ. Chẳng hạn như nếu thấy bị cám dỗ muốn ăn quá mức cần thiết, thì họ liền làm dấu thánh giá và nói: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi” (Mt 4, 4). Khi bị cám dỗ muốn xét đoán tha nhân, thì chỉ cần nói: “Kệ người ta! Con hãy đi theo Thầy » (Ga 21,22).

Các câu này được mỗi đan sĩ chọn lựa cho mình từng lần, tùy theo hoàn cảnh. Nhưng ông Evagriô sưu tầm thay cho mọi người nhờ cuốn sách “Antirrheticos 41, chia làm tám phần, dựa theo tám loại tà kiến (mối tội đầu). Để chống lại mỗi tư tưởng xấu, có những câu Kinh thánh nhằm giúp xua đuổi chúng. Những câu này, trích từ sách Sáng thế cho đến sách Khải huyền, tổng cộng là 487. Đan sĩ phải học thuộc lòng, và thật là nặng nề đối với một đan sĩ quê mùa! Vì thế, một vấn đề được đặt ra: làm sao tìm được một công thức có khả năng chống lại tất cả mọi thứ cám dỗ? Danh Chúa có đủ quyền năng để làm chuyện đó. Vì thế, kinh nguyện Chúa Giêsu đã thay thế tất cả các công thức lòng thòng khác. Khi bị cám dỗ tham ăn, dâm dục, kiêu ngạo, lẩm bẩm, hay bất cứ điều gì đi nữa, đan sĩ chỉ cần đáp lại : « Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ».

Người Hành hương Nga đã qua một trải nghiệm lạ lùng: “Khi có ai xúc phạm đến tôi hay đánh đập tôi, nhưng chợt nhớ đến sự ngọt ngào của Kinh nguyện Chúa Giêsu, thì sự buồn bực và tức tối biến mất, và tôi chẳng còn nhớ đến nữa. Tôi ra như điên dại, chẳng còn âu lo xao xuyến gì nữa. Tôi chẳng thèm nhìn đến các sự hão huyền của thế gian nữa ». Vì không chú tâm đến những đau đớn thể xác, nên chúng giảm bớt hoặc bị quên lãng luôn. Khi tập trung hoàn toàn vào Kinh nguyện Chúa Giêsu, người hành hương cảm thấy một thứ apatheia (vô cảm) kể cả theo nghĩa thân xác : « Khi tôi cảm thấy rét run vì cái lạnh, tôi bắt đầu đọc Kinh nguyện Chúa Giêsu cách vội vã hơn, và lập tức tôi thấy ấm người. Khi bị cơn đói dằn vặt, tôi kêu van Danh Chúa Giêsu và tôi quên đi sự thèm ăn. Khi  tôi thấy đau lưng hay đau chân, nếu tôi tập trung cầu nguyện, thì tôi chẳng còn thấy đau đớn gì nữa ».

6. Trạng thái cầu nguyện

Antirrhesis (Kháng cự) có một mục tiêu chính xác: loại bỏ cái gì làm xáo trộn con tim. Vì thế nó là phòng thủ, tiêu cực. Cần thêm vào một khía cạnh tích cực nữa: tạo ra và củng cố một tình trạng an bình trong trái tim. Chúng tôi nhấn mạnh đến chữ “tình trạng” (stato) bởi vì đây là một hạn từ quan trọng trong linh đạo: katastasis.

Có một sự khác biệt đáng kể giữa các giáo trình luân lý của Giáo hội Tây phương với giáo huấn của các ẩn sĩ Đông phương. Các sách luân lý hầu như chú trọng đến việc xác định hành vi được coi là tốt và hành vi nào là tội lỗi, thêm vào đó là mức độ trầm trọng của nó (tội trọng, tội nhẹ, sự bất toàn). Các ẩn sĩ Đông phương chú ý đến ảnh hưởng của hành vi ấy đối với trạng thái  của con tim, nó làm thay đổi tình trạng của linh hồn. Nói cách khác, các sư phụ ít chú ý đến điều mà ta làm, cho bằng tìm cách nhận định con người của ta. Thật vậy, không thể nào chỉ xét đoán con người qua những biểu hiệu bên ngoài, qua cách hành động, bởi vì những hành động (tốt hoặc xấu) có thể do xung động lúc ấy, nghĩa là chỉ nhất thời. Ngược lại, con người được đồng hóa với trạng thái của con tim mình. Theophane Ẩn sĩ viết rằng: “Thú nhận rằng ‘tôi là kẻ tội lỗi’ thì hoàn hảo hơn là kẻ nhìn nhận ‘tôi đã phạm tội’[12]. Vì thế các tác giả tâm linh bên Đông phương nói đến “trạng thái tội lỗi” cũng như “trạng thái mến Chúa” và “trạng thái cầu nguyện”. Trạng thái cầu nguyện không thể đo lường bằng số lần đọc kinh, nhưng là một “tâm tình” bền bỉ của trái tim, luôn sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và đối thoại thân tình với Ngài. Tâm tình ấy nơi thánh Phanxicô Assisi được Tôma Celano diễn tả như sau: “Người không cầu nguyện, nhưng trở thành cuộc cầu nguyện”[13]. Nếu trạng thái ấy gợi cho ta lòng khâm phục thì câu hỏi đương nhiên được đặt lên là: làm cách nào đạt đến đó? Cũng như bất cứ nghệ thuật nào, câu trả lời do kinh nghiệm là “năng làm đi làm lại”. Các hành động được lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra một tâm trạng bền bỉ. Vì thế, áp dụng vào trường hợp đang bàn, trạng thái cầu nguyện là kết quả của việc lặp đi lặp lại lời kinh nhiều lần.

Tuy nhiên, hạn từ “cầu nguyện” khá rộng, và các “trạng thái” cũng đa dạng, như các tên gọi cho thấy: cầu nguyện ngợi khen, chúc tụng, khẩn cầu, tạ ơn, vv. Tùy theo hoàn cảnh, mà bộc phát những tâm tình khác nhau. Nhờ hiểu rõ cá tính của từng môn đệ, các sư phụ sẽ khuyên mỗi người hãy củng cố một tâm tình đặc thù. Phương tiện thích hợp nhất là lặp lại một vài công thức đã chọn, politeia. Tuy nhiên, sau một thời gian kinh nghiệm lâu dài, các sư phụ đã đạt đến sự thống nhất: “trạng thái” thích hợp nhất cho hết mọi người là penthos, sự thống hối trường kỳ.

7.  Tâm tình thống hối (penthos)

Các tài liệu bên Đông phương bàn về sự thống hối rất dồi dào[14]. Đạo lý về thống hối đã ăn sâu vào truyền thống, và được ghi lại trong hạnh các thánh. Sư phụ Thaleleus đã sống 60 năm trong đời đan tu và không ngớt khóc than về tội lỗi; ngài nói: “Thiên Chúa đã ban cho ta thời gian hiện tại để làm việc đền tội. Ta phải cố gắng tận dụng nó”. Tuy nhiên, đoạn văn này có thể gây hiểu lầm. Tất cả các giáo phụ đều khuyên nhủ đền tội. Sư phụ Menas tuyên bố: “Mọi tuổi đều cần làm việc đền tội, người trẻ cũng như người già, nếu muốn được hưởng đời sống hằng cửu trong ngợi khen và chúc tụng”. Tuy nhiên, dưới một mặt khác, kể cả các nhà khổ hạnh nghiêm khắc nhất cũng tin vào hiệu quả nhanh chóng của việc thống hối. Sư phụ Poemen trấn an một đan sĩ rằng: “Khi sa ngã, nếu biết nói lên ‘tôi đã phạm tội!’ thì mọi sự xong xuôi hết”.

Nếu vậy thì tại sao phải nhấn mạnh đến việc đền tội trường kỳ? Trong ngôn ngữ syriac, tên gọi các đan sĩ là abîlà, nghĩa là “các hối nhân”. Tấm áo của ẩn sĩ là cái áo mặc khi có tang. Trong phụng vụ, đặc tính thống hối nổi bật qua những lời Kyrie eleison (Xin Chúa thương xót chúng con) trong mọi hoàn cảnh, ngay cả lúc tư tưởng hân hoan vào lễ Chúa Phục sinh.

Thật ra, sự đối chọi giữa hai tâm trạng này sẽ không còn nữa nếu ta biết rằng đó là hai tâm tình liên kết với nhau và đồng thời khác nhau. Trong tiếng Hy-lạp, có hai hạn từ: metanoia (ăn năn) và penthos (thống hối)[15]. Thống hối  thì vượt xa ăn năn: nó đến sau ăn năn. Ta nhớ lại các tội đã được tha thứ, không phải vì nghi ngờ hay bối rối, nhưng vì biết ơn. Linh hồn ngập tràn thán phục vì lòng nhân lành của Thiên Chúa: ngài dã tha thứ biết bao nhiêu lỗi lầm và yêu thương tội nhân. Vì thế, đây là một thứ khóc đặc biệt. Người Hy-lạp gọi là charopoion penthos, nước mắt tạo ra niềm vui. Thánh Athanasiô dạy rằng thánh Antôn khóc suốt ngày, và vì thế khuôn mặt của Người toát ra một ơn diệu kỳ: Người không hề bị xao xuyến, vì linh hồn luôn luôn bình an.

Vì thế tâm tình thống hối có nghĩa là trái tim bình an, không bị xao xuyến, bất chấp những thiếu sót và yếu đuối của bản thân. Như đã nói trên, các nhà khổ hạnh Đông phương rất chú trọng đến tâm trạng này. Theo Theophane Ẩn sĩ, đó là “một trạng thái bộc lộ ở đời này, nhưng không bắt nguồn từ đời này mà từ cõi thiêng, vượt lên trên thời gian. Chúng ta biết những chặng đầu của trạng thái ấy, nhưng không biết được hồi kết thúc, bởi vì nó vẫn tiếp tục trên cõi vĩnh hằng”. Vì lý do ấy, các đan sĩ Đông phương năng đọc các lời cầu sám hối. Kinh nguyện Chúa Giêsu là một trong những kinh ấy; nhờ vậy mà kinh ấy được quảng bá rộng rãi.

8. Trở lại nếp sống thường nhật

Các tác giả đời sống tâm linh thâm tín rằng việc cầu nguyện chỉ trở thành liên tục theo nghĩa trọn vẹn khi nó trở thành một “trạng thái con tim không lay chuyển”. Chỉ lúc đó mới không còn bị quấy rối bởi những sự chia trí, ta có thể trở về đời sống thường nhật và chịu đựng những ấn tượng của thế gian. Thật vậy, nhờ thái độ của con tim như vậy, tất cả những gì trông thấy, cảm nhận, suy tư sẽ trở thành cầu nguyện.

Khi nói rằng đời sống đan tu bên Đông phương có tính “chiêm niệm” thì đừng nên hiểu rằng các đan sĩ sống ẩn dật cô tịch, không tiếp xúc với thế gian. Thánh Basiliô đã đề ra quy luật vàng như sau: chỉ có thể sai đi làm tông đồ những ai không mất ký ức về Thiên Chúa giữa những công chuyện trần thế, và chỉ có thể ra khỏi tu viện những ai có khả năng giữ gìn trái tim  khỏi những tư tưởng độc hại và vô bổ[16].

Trong bài giảng về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thánh Basiliô còn đưa ra một phương pháp cổ điển về cách thức mà một con người thiêng liêng phải cư xử ở giữa thế gian: cần biết đọc thế gian như khi đọc Kinh thánh, biết chiêm ngưỡng thiên nhiên hữu hình một cách thần khí. Để được như vậy, nhiều người sử dụng phương pháp ẩn dụ (metodo allegorico), được trường phái Alexandria khuyến khích trong việc chú giải Kinh thánh. Điều mà ta thấy nơi thế gian, thì hãy “đọc” như hình ảnh của điều xảy ra ở trong tâm hồn; chẳng hạn như con  bạch tuộc là hình ảnh của một người hèn hạ không trung tín với lời hứa; cây cối có thể là hình ảnh của sự tăng trưởng từ trẻ đến già; cây nho là linh hồn cần được thanh lọc, v.v…

Trong văn chương nước Nga, có một cẩm nang thời danh của thánh Tikhon Zadonsk, mang tựa đề “Kho tàng thiêng liêng rút từ thiên nhiên”:  khi quan sát thiên nhiên hữu hình, các sự vật cũng như đời sống con người, tác giả trưng dẫn những câu Kinh thánh và các chân lý đức tin mà ta có thể nhìn ngắm. Ông Origène đã ghi nhận rằng vũ trụ hữu hình, linh hồn con người và Kinh thánh là những cuốn sách cần được đọc đồng thời và giải thích kế tiếp nhau, nhờ cái này để hiểu cái kia.

Chuyện thoạt tiên xem ra dễ dàng, nhưng các ẩn sĩ không nghĩ như vậy. Nguy cơ “hão huyền” luôn rình rập. Tâm trí con người bắt đầu phát triển những hình ảnh tốt đẹp, thích thú nhìn ngắm chúng, rồi cuối cùng quên mất mục tiêu của nó, tức là sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trong bối cảnh này, người Hành hương nước Nga tin rằng Kinh nguyện Chúa Giêsu hữu hiệu hơn là phương pháp ẩn dụ. Ta có gặp gỡ người khác, ngắm nghía thiên nhiên, trông thấy động vật và cây cối ư? Chỉ cần đọc kinh nguyện vắn tắt thì đã đủ để gây ý thức rằng: Thiên Chúa đang hiện diện nơi đây. Tất cả những gì mà tôi gặp đều là hồng ân của Chúa Kitô, là Con Thiên Chúa, được cử đến với tôi là một kẻ tội lỗi. Không phải ngẫu nhiên mà kẻ cổ động Kinh nguyện Chúa Giêsu là một người hành hương, và bên Nga, những người hành hương thì rất nhiều. Đời sống của những kẻ hành hương như vậy, một đàng có nghĩa là phải dứt bỏ mọi người và mọi sự; nhưng đàng khác bao hàm những cuộc gặp gỡ mới lạ, không thể lường trước được. Tất cả mọi cảm nghiệm mới lạ đã được cảnh báo và chấp nhận bằng một tâm tình cố định, được gây ra bởi kinh nguyện vắn tắt được lặp đi lặp lại trong mỗi cuộc gặp gỡ.

Đời người là một chuỗi các cuộc gặp gỡ những con người và sự việc. Người hành hương gán cho Kinh nguyện Chúa Giêsu một quyền năng biến đổi ra như bí tích, như câu chuyện “đứa bé xấu xa” bị bắt buộc phải đọc kinh nguyện bằng cái roi, nhưng vẫn tỏ ra hiền từ.

9. Kinh nguyện thanh khiết

Những ai bước vào đường tâm linh đều gặp phải một thứ trăn trở: làm thế nào vừa giữ lòng trí luôn hướng về Chúa vừa gặp gỡ tha nhân ở giữa đời? Mỗi sư phụ tìm cách giải quyết sự căng thẳng ấy theo kinh nghiệm riêng của mình, chứ không thể đề ra một quy luật chung cho tất cả mọi người. Cần phải xa tránh thế gian, nếu thế gian được hiểu theo nghĩa luân lý, hoặc như lời của sư phụ Isaia, nếu nó « làm xao nhãng Thiên Chúa ». Vì thế, phàm ai muốn thực tập việc cầu nguyện liên tục đều phải xa tránh tất cả những gì gây ra sự « xao nhãng Thiên Chúa ».

Tuy nhiên, thế giới hữu hình do Thiên Chúa tạo dựng đâu phải để làm cho ta xao nhãng Thiên Chúa nhưng là để dẫn ta về với Chúa. Sự xao nhãng là hậu quả tội lỗi, và cần được vượt lên bằng sự thanh luyện con tim nhờ việc cầu nguyện. Về điểm này, các sư phụ đưa ra một vài thái độ tinh thần. Điều thứ nhất, do thánh Basiliô đề xướng, là thực hành sự « nhớ đến Chúa », đã được nói trên đây. Trong ngôn ngữ thông thường, chúng ta đặt tên là « kỷ niệm, lưu niệm, ký ức, ghi nhớ », cho những đối tượng mà ta gắn kết với cảm nghiệm trải qua tại một nơi đã viếng thăm hoặc những người đã gặp gỡ. Thánh Basiliô giả thiết rằng tất cả những gì nằm trong tầm nhìn của ta đều là « kỷ niệm » cuộc gặp gỡ của ta với Thiên Chúa. Ta gặp Chúa khi cầu nguyện, khẩn xin : « Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ». Khi đọc kinh nguyện này trong các cuộc gặp gỡ với thế giới hữu hình, thì các sự vật và sự kiện đều trở thành những kỷ niệm, ký ức thiêng liêng đối với một linh hồn đã được thanh luyện.

Nhưng linh hồn nào có thể nói là đã được thanh luyện, và kinh nguyện nào có thể gọi là « thanh khiết » ? Một cách giản lược, ta có thể phân biệt ba cấp độ cầu nguyện. Cấp thứ nhất được đặt tên là « luân lý ». Để nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa, cần phải xa tránh tội lỗi, những đam mê xấu xa làm ngăn cản cuộc đàm thoại với Cha cực tốt cự lành.

Cấp thứ hai của kinh nguyện thanh khiết là « tâm lý » : nghệ thuật tránh những sự đãng trí khỏi những lời đang đọc, và những tư tưởng không tương ứng với các chân lý thần linh mà ta đang suy gẫm. Để đạt đến cấp độ này, cần có một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa, dành cho các thánh, những kẻ cầu nguyện mà không còn chia trí.

Tuy nhiên, ông Evagrio Pontico còn mô tả một cấp thứ ba của kinh nguyện thanh khiết, cấp độ choáng váng. Tuy đã cầu nguyện mà không bị chia trí, nhưng các linh hồn huyền bí chưa thỏa mãn, vì họ cảm thấy việc nâng tâm hồn lên với Chúa chưa được hoàn hảo. Việc cầu nguyện được thực hiện bằng lời nói, bằng tư trưởng của con người (thí dụ : Ôi lạy Chúa, lòng thương xót của Ngài vĩ đại chừng nào; sự quan phòng của Ngài tuyệt với biết bao). Đó là những tư tưởng lành thánh, nhưng bất toàn. Thực tại vô biên của Thiên Chúa được kìm hãm trong cái chum chật hẹp của đầu óc con người, mặt trời vĩ đại chỉ phản ánh trong một bức gương nhỏ bé. Để vượt qua sự bất toàn ấy, các nhà huyền bí thuộc trường phái Evagrio từ  bỏ tất cả mọi tư tưởng, mọi hình ảnh phiến diện, và họ ước ao chiêm ngưỡng « ánh sáng tinh tuyền của Thiên Chúa » không ý niệm, không hình ảnh, không hình hài : chỉ còn « tâm trí trần trụi » mà thôi.

Liệu có thể đạt được trạng thái huyền bí ấy không, đang khi ta còn sống trên đời này, đầy dẫy những hình hài, hình ảnh? Người Hành hương cho rằng có thể được, nhờ linh đạo “nhớ Chúa” của thánh Basiliô ở giữa những sự vật trên đời. Thế nhưng, tới lúc nào đó, xem ra anh ta đã vượt qua cảm nghiệm ấy. Những vật đã gợi cho anh nhớ đến Chúa xem ra đều biến mất, bị lãng quên, và trong tâm trí của anh chỉ còn một mình Chúa. Anh chẳng tha thiết gì đến chuyện thế sự nữa.

Làm thế nào giải thích được sự tiến triển ấy? Phải chăng đó là một trạng thái bệnh hoạn?  Con người có thể nào sống với đầu óc trống rỗng, không còn một tư tưởng nào nữa chăng? Chắc hẳn tình trạng này không thể kéo dài lâu được. Nhưng nếu anh ta kể lại kinh nghiệm của mình, thì ắt là điều ấy đã xảy ra. Các sư phụ gọi đó là “cầu nguyện đơn giản”, thinh lặng tâm trí, để cho Chúa linh hứng. Tất cả những ai đã từng nếm sự ngọt ngào của lời Chúa thì đến một lúc nào đó không còn cảm giác ấy nữa, và ý thức rằng những hình ảnh và tư tưởng của chúng ta về Thiên Chúa đều là tương đối, và chỉ còn vui hưởng sự hiện diện của Ngài mà thôi.

Có thể so sánh với việc chúng ta tiến lại gần cửa sổ. Lúc đầu, chúng ta nhận thấy cửa sổ, hình thù của nó, chất liệu của tấm kính, vv. Nhưng tiếp đó, mắt chúng ta để ý nhìn các sự vật bên ngoài; chúng ta quên đi cái cửa sổ và chỉ thưởng thức quang cảnh thấy qua cửa sổ. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ áp dụng sự so sánh này dưới một khía cạnh mà thôi. Qua cái cửa sổ, chúng ta quan sát các sự vật ở “bên ngoài”; trái lại, các vật thụ tạo lại đưa chúng ta nhìn ngắm cái “bên trong” chúng ta, bởi vì Thiên Chúa được “chiêm ngưỡng” ở trong con tim. Nhìn thấy ánh sáng của Chúa, lắng nghe tiếng của Chúa, đấy là “cầu nguyện con tim” theo nghĩa chân chính nhất. Sách Philokalia đã nhiều lần nhắc nhở điều ấy. Bên Tây phương, sách Linh Thao của thánh Inhaxiô Loyola cũng nói như vậy. Ngài phân biệt nhiều thứ an ủi, cảm xúc trong linh hồn. Có thứ bắt nguồn từ bên ngoài, từ những thụ tạo, kể cả các thần khí tốt và thần khí xấu. Những cũng có những linh hứng phát xuất từ “bên trong con tim”, khi mà những gì bên ngoài đã bị lãng quên. Thánh nhân viết như sau: “Chính Thiên Chúa ban ơn an ủi cho linh hồn mà không có nguyên do nào trước. Thật vậy, chính Đấng Tạo Hóa đi vào, đi ra, gợi lên những cảm xúc trong linh hồn, thu hút tất cả linh hồn về với tình yêu của Ngài. Tôi nói rằng ‘không có nguyên nhân’, nghĩa là không có một cảm tình hay hiểu biết gì về bất cứ đối tượng nào”[17].

Hẳn nhiên chúng ta nên giải thích theo nghĩa ấy điều mà các tác giả sách Philokalia nói về “cầu nguyện thinh lặng”. Người Hành hương hầu như không đề cập đến, nhưng ta có thể hiểu như vậy khi anh ta thú nhận rằng mình hóa ra “như điên”. Phải chăng anh muốn đến với việc “xuất thần”, được nhiều nhà huyền bí nói đến (T. Gregorio Nyssa, Gioan Thánh Giá, Teresa Avila). Sự kết hợp với Chúa ví như một cuộc leo núi (Sinai, Carmelo, vv). Những ý niệm trí tuệ đưa chúng ta lên tới đỉnh; nhưng sau đó, cần phải đi ra khỏi trí tuệ, nghĩa là “ánh sáng”, và bay tới Chúa “trong đêm tối”, nghĩa là chỉ bằng tình yêu của Chúa mà thôi. Thần bí của Evagriô không muốn ra khỏi trạng thái hiểu biết, mà chỉ muốn rằng trí tuệ, nhờ tình yêu, trở nên “tinh trong” và nhờ vậy mà đạt đến đỉnh của tri thức. Evagrio nói đến “trí tuệ”; nhưng sau đó ông thích nói đến “trái tim”. Nhưng nếu nói rằng trong kinh nguyện trọn hảo, trái tim trở nên tinh trong, thì sự tinh trong lan tỏa ra khắp con người, gồm cả thân thể. Trên thực tế, trường phái hesychasmus muốn cho thân thể cũng được tinh ròng, cho nó được tham gia vào kinh nguyện của con tim nữa.

10. Biểu tượng của thân thể

Vai trò của thân thể trong việc cầu nguyện đã được các sư phụ bàn đến, và ý kiến của các ngài được tóm tắt trong câu khẳng định sau đây của thánh Basiliô: “Bạn hãy xem sức mạnh của linh hồn ảnh hưởng đến thân thể như thế nào, và mặt khác, các tâm tình của linh hồn tùy thuộc vào thân thể như thế nào”[18]. Ngoài ra, trong kinh nguyện phụng vụ, các cử điệu của thân thể mang ý nghĩa biểu tượng, và như Origene đã lưu ý, “con người mang trong thân thể hình ảnh của những tâm tình thích hợp cho linh hồn khi cầu nguyện”[19].

Vài cử điệu (cúi sâu, bái gối, dang tay, v.v…) đã mang một ý nghĩa tôn giáo từ lâu đời, và đã trở thành ngôn ngữ thánh thiêng. Nhưng trường phái hesychasmo đã nêu lên câu hỏi: các cử điệu và hành vi trong đời sống thường ngày (tựa như nhịp thở hay nhịp tim) có thể mang một ý nghĩa tôn giáo không? Cần thêm rằng kinh nguyện đơn giản (hiểu theo Evagrio) không thể thực hiện nếu không gắn liền với một biểu tượng rất đơn giản nhưng bền bỉ. Nhịp đập con tim xem ra thích ứng hơn hết. Làm thế nào mang lại cho nó một ý nghĩa thánh thiêng?

Đến đây chúng ta đi vào vấn đề “phương pháp vật lý”, “tâm vật lý”, hoặc “khoa học” của cầu nguyện. Sự mô tả phương pháp được gặp thấy lần đầu tiên trong một tác phẩm của một đan sĩ tên là Nicephorus (+ k.1340) mang tựa đề: “Về sự điều độ và canh giữ con tim”, với đoạn văn nổi tiếng sau đây:

Bạn hãy ngồi trong phòng yên tĩnh … Nhắm mắt lại, hướng tinh thần vươn lên trên mọi sự hư ảo phàm tục. Rồi áp chòm râu vào ngực, bạn hãy nhìn cắm mắt vào giữa bụng (tức là rốn), nín thở đừng cho khí thoát ra khỏi mũi, hãy đi tìm kiếm bằng tâm trí nhìn chỗ ở của con tim ở trong lòng bạn. Lúc đầu, bạn thấy ngột ngạt và khó chịu. Nhưng nếu bạn tập luyện lâu dài, thì bạn sẽ thấy hạnh phúc khôn tả. Khi nào tâm trí đã tìm được chỗ của con tim thì nó sẽ thấy những điểm xưa nay chưa hề thấy: nó sẽ thấy mình được  soi sáng, biết phân định. Các tư tưởng xấu xa vừa nhen nhúm thì liền bị đập tan nhờ việc kêu cầu danh thánh Chúa Giêsu. Linh hồn sẽ được ánh sáng giống như cảnh hiển dung trên núi Tabor, từ đó nó có thể chiêm ngắm Thiên Chúa[20].

Bản văn trên đây đã được đưa vào sách Philokalia và được truyền bá nơi các cộng đoàn Slavic của Giáo hội Đông phương. Về sau, các yếu tố “vật lý” được khai triển thêm: tư thế khiêm tốn trong một căn phòng, ánh sáng lờ mờ, kiểm soát hơi thở, chú ý đến nhịp tim, kiểm soát năng lực… Gần đây, những ai thực tập “yoga theo Kitô giáo” cho rằng phương pháp cần được phát triển thêm nhờ những cảm nghiệm của nhập thiền.

Xét dưới phương diện lịch sử đời đan tu Kitô Đông phương, người ta có thể thu gom nhiều cảm nghiệm tích cực cũng như tiêu cực. Có khá nhiều người ủng hộ phương pháp vì nó mang lại ích lợi rất lớn. Nhưng chúng ta hãy tạm dừng lại để xem người Hành hương Nga dạy ta điều gì.

10.  Phương pháp của người Hành hương

Phương pháp của người Hành hương Nga mà ta có thể theo dõi trong sách Ký sự, tuy thường trích dẫn sách Philokalia nhưng không hoàn toàn theo sát bài học trong đó. Ký sự bắt đầu với việc đặt vấn đề về việc cầu nguyện liên lỉ, đã từng gây băn khoăn cho nhiều thế hệ đan sĩ:

Nhờ ơn sủng vô biên của Thiên Chúa, con được làm Kitô hữu, qua hành động của một kẻ vô cùng tội lỗi và bởi lời gọi làm người thuộc dòng dõi hèn mọn nhất, lang thang không nhà, rong ruổi nơi này nơi nọ. Của cải trần gian của con là chiếc ba lô đựng ít bánh mì khô đeo trên lưng và cuốn Kinh Thánh trong túi áo trước ngực. Và chỉ có vậy thôi.

Hôm đó, ngày Chúa nhật thứ hai mươi bốn sau lễ Chúa Ba Ngôi, con tới nhà thờ, và trong thánh lễ, con dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của mình. Thư Thứ Nhất của Thánh Tông đồ Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica được đọc lên và trong những lời ấy con nghe có câu: “Hãy cầu nguyện không ngừng”. Hơn bất cứ bài đọc nào khác, bài đọc Sách Thánh ấy xâm chiếm tâm trí con. Con bắt đầu ngẫm nghĩ là làm sao có thể cầu nguyện không ngừng vì con người còn phải lo toan nhiều vấn đề trong cuộc sống. Con nhìn vào cuốn Kinh Thánh và tận mắt mình thấy lời vừa nghe. Và lời ấy có ý nghĩa rằng: chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện, trong mọi lúc và khắp mọi nơi, đưa cao tay mình lên mà cầu nguyện. Con nghĩ tới nghĩ lui mãi nhưng không hiểu ra manh mối của câu ấy. Con thầm nhủ:

– Mình phải làm sao đây? Biết tìm đâu ra người giải thích cho mình câu Kinh Thánh đó? Mình sẽ đi tới bất cứ nhà thờ nào mà người ta đồn rằng ở đó có người rao giảng nổi tiếng, có lẽ mình sẽ được nghe đôi điều rọi sáng câu ấy cho mình.

Câu chuyện không đơn giản như anh nghĩ. Về sau, anh thuật lại vị đạo sĩ như thế này:

Con đã nghe một số bài giảng rất thanh cao về sự cầu nguyện – cầu nguyện là gì, chúng ta cần cầu nguyện biết bao và cầu nguyện sinh hoa kết quả ra sao – nhưng không có vị nào nói rõ cách ta nên cầu nguyện như thế nào cho có kết quả. Con đã nghe một bài giảng về cầu nguyện có tính cách tâm linh và cầu nguyện không ngừng, nhưng bài ấy vẫn không vạch ra được là ta phải cầu nguyện theo cách nào.

Như thế, việc lắng nghe các bài giảng vừa không đem lại cho con điều con muốn, vừa làm lòng con đầy ứ chúng mà không thu đạt được chút am hiểu nào về câu Kinh Thánh ấy. Con bỏ cuộc, không đi nghe các bài giảng dành cho công chúng nữa. Con lập một kế hoạch khác là: nhờ Thiên Chúa giúp đỡ, con phải tìm cho ra người có kinh nghiệm và thông thạo chịu chuyện trò với con, dạy bảo con về cầu nguyện không ngừng, là cái càng ngày càng lôi cuốn con một cách cần kíp.

Nói cách khác, anh ta đã phê bình các giáo huấn cổ điển về việc cầu nguyện. Anh ta tìm đến một đạo sĩ có kinh nghiệm về Kinh nguyện Chúa Giêsu, dựa theo sách Philokalia. Anh đến gặp ngài, và thưa: “Thưa cha đáng kính, xin làm ơn giải thích cho con biết thế nào là cầu nguyện không ngừng, và làm thế nào để học được? Con thấy cha là người hiểu biết sâu xa về điều này”.

Vị đạo sĩ ân cần đón tiếp anh ta và nói : “Anh hãy đến với tôi. Tôi sẽ đưa cho anh một cuốn sách của các giáo phụ giúp anh hiểu biết tất cả cách rõ ràng chính xác, và nhơ ơn Chúa, nó sẽ dạy cho con biết cầu nguyện”.

Hai người cùng đọc những đoạn văn trong sách Philokalia bàn về sự cần thiết của việc cầu nguyện liên lỉ. Sau khi đã biết được lý tưởng rồi, đến lúc phải thực hành từng bước. Cấp thứ nhất, cũng như trong tất cả các kinh khác, là đọc bằng miệng. Người hành hương được lệnh đọc ba ngàn lần mỗi ngày.

«Con hân hoan đón nhận lời truyền ấy và trở về căn lều của mình. Con bắt đầu thi hành lệnh truyền cách trung thành tỉ mỉ như đạo sĩ đã dạy. Hai ngày đầu xem ra khó, nhưng dần dần tất cả đều trở nên trơn tru. Chừng nào con không đọc nữa, thì con cảm thấy trong mình nhu cầu phải lặp lại Kinh nguyện Chúa Giêsu; kinh này vọt ra từ môi miệng cách tự phát và nhẹ nhàng, không còn cảm thấy cưỡng bách như những lần đầu tiên nữa”.

Do đó, mục tiêu chặng đầu tiên là thủ đắc một tập quán tuy vẫn thuần túy “bên ngoài”: chuyển động đôi môi.

«Con thuật lại tất cả cho đạo sĩ; thế là ngài dạy con phải đọc sáu ngàn lẫn mỗi ngày, và nói thêm: Con hãy yên tâm, và hãy tìm cách đọc đúng số mà cha đã truyền. Thiên Chúa sẽ không ngừng ban ơn cho con”.

Trong túp lều cô đơn của mình, con đọc Kinh nguyện Chúa Giêsu sáu ngàn lần mỗi ngày, trong suốt một tuần. Con không cảm thấy khắc khoải. Con không để ý tới bất cứ ý nghĩ nào khác dù nó có dồn dập tấn công con đi nữa. Con chỉ có một mục tiêu duy nhất là thực hiện chính xác lệnh truyền của tôn sư. Và đã xảy ra cái gì? Dần dần con quen với lời cầu nguyện ấy tới độ khi con ngưng lại, dù chỉ ngưng trong một chút thôi, thì có thể nói là con cảm thấy như thể có cái gì đó đang vuột qua, như thể con đang đánh mất cái gì đó. Ngay lúc vừa bắt đầu trở lại đọc Kinh ấy thì con cảm thấy nó tiếp tục một cách dễ dàng và vui sướng. Nếu có gặp ai, con không ao ước chuyện trò với người đó.

Rồi người Hành hương nhận được lệnh đọc mười hai ngàn lần mỗi ngày. Lúc đầu, anh ta chịu không nổi vì cảm thấy mệt mỏi, lưỡi và hàm ra cứng đơ. Tuy vậy, đó không phải là một cảm giác bực bội. Nhưng rồi, riết anh cũng quen, đến nỗi chuyển từ tình trạng thức tỉnh đến chỗ thiếp ngủ.

«Một lần vào lúc sáng sớm, ra như lời kinh đánh thức con dậy. Khi tỉnh giấc, con có cảm tưởng dường như là môi và lưỡi tự nhiên chuyển động, không ngưng; con muốn dừng lại mà không được. Đến khi con tìm cách đọc kinh sáng, con nhận thấy rằng lưỡi con không thể đọc trôi chảy; tôi cảm thấy ước ao trở về với Kinh nguyện Chúa Giêsu, và khi vừa bắt đầu đọc kinh ấy, thì mọi sự hóa ra dễ dàng, vui tươi; lưỡi và miệng tự động đọc các lời mà con chẳng cần thúc giục gì hết”.

Điều này gợi lại chuyện của chân phước Giuliana Lazarevskoe († 1604), một người đã học Kinh nguyện Chúa Giêsu không theo một phương pháp nào hết, nhưng một cách tự phát đến nỗi đôi môi cứ mấp máy kể cả khi đang ngủ.

Người Hành hương tiếp tục đọc kinh, cảm thấy hạnh phúc, và tưởng rằng đã đạt đến tình trạng cầu nguyện liên lỉ rồi. Nhưng anh cần phải tiến thêm bước nữa: từ môi đến lưỡi, nghĩa là vào bên trong hơn nữa, mặc dù vẫn còn ở trên miệng. Anh ta tình cờ làm điều ấy, do hoàn cảnh thúc bách, nhờ một bác thợ may. Bác  kể lại:

Sau khi đọc sách Philokalia, tôi bắt đầu nghĩ rằng đó là một quy luật cho tôi. Tôi bắt đầu lâm râm kinh nguyện đang khi may vá. Tôi thích thú vô cùng, nhưng mà những người sống với tôi nhận ra điều ấy và họ chế nhạo tôi: Có cái gì mà bác cứ lâm râm mãi như vậy? Bác là phù thủy hay sao?”. Và để che giấu điều đang làm, tôi không động cái môi nữa, nhưng chỉ đọc bằng lưỡi. Sau cùng tôi đã quen với kinh nguyện đến nỗi lưỡi cứ đọc không ngừng, ban ngày cũng như ban đêm, và điều này mang lại cho tôi sự thú vị.

Nhưng tiến trình không dừng lại ở đây. Sách Philokalia nhấn mạnh rằng cần phải đưa kinh nguyện từ miệng vào trí và tim. Về sau, chính người Hành hương đã dạy cho bác thợ may, khi bác đã trở thành mù mắt:

“Này, bây giờ bác không còn thấy gì nữa, nhưng bằng tâm trí, bác có thể hình dung và tưởng tượng những gì bác đã thấy trước đây: bất cứ một người hay một vật nào, hoặc một bộ phận thân thể, chẳng hạn một bàn tay hay một bàn chân. Bác có thể hình dung các vật ấy, ra như bác thấy chúng bằng cặp mắt của mình, tuy rằng mắt bác đang mù, được không?”.

– Người mù trả lời: “Được”.

– “Tốt. Bây giờ bác cũng hãy tưởng tượng trái tim của mình cách tương tự như vậy, và hãy nhìn nó bằng cặp mắt, ra như bác thấy nó vậy. Hãy chú ý lắng nghe bằng tâm trí tiếng đập của nó. Các sư phụ gọi tác động này là đưa tâm trí từ đầu vào trái tim. Chừng nào bác đã quen với nó rồi, và cứ nhìn vào trái tim, bác hãy kèm theo mỗi tiếng đập bằng một lời của Kinh nguyện. Với tiếng đập thứ nhất, bác hãy đọc hoặc nghĩ: Lạy Chúa; tiếng thứ hai: Giêsu; tiếng thứ ba: Kitô; tiếng thứ bốn: xin thương xót; tiếng thứ năm: con. Hãy lặp lại bài tập này nhiều lần. Đối với bác, điều này dễ dàng, bởi vì bác đã thuộc lòng kinh này và đã được chuẩn bị rồi. Chừng nào quen rồi, bác hãy hít vào thở ra từ trái tim tất cả Kinh nguyện Chúa Giêsu cùng với hơi thở, theo như các sư phụ đã dạy. Khi hít vào, bác hãy nói hoặc nghĩ: Lạy Chúa Giêsu Kitô; khi thở ra: xin thương xót con”.

Như thế phương pháp của người Hành hương được mô tả cách đơn giản: liên kết kinh nguyện Chúa Giêsu với tiếng đập của con tim, cho nó gắn liền với cuộc sống. Ít ra đó là cách mà anh ta hiểu và anh đã cảm thấy hạnh phúc.

“Tôi đến tâm sự với lão phụ, kể lại mọi sự với đầy đủ chi tiết. Ngài lắng nghe tôi, và nói: Chúc tụng Thiên Chúa vì đã gợi lên cho con lòng ước ao và sự dễ dàng cầu nguyện. Dù sao, đây là chuyện tự nhiên, do việc tập luyện kiên trì và cố gắng. Cũng tương tự như một cái máy, nếu con đẩy mạnh, hoặc vận động trên động cơ chính, thì dần dần nó sẽ tự động chạy; sau đó, nếu muốn cho nó tiếp tục chạy, thì con phải thêm dầu nhớt, và tiếp tục đẩy nó (…) Bây giờ thì ta cho phép con đọc Kinh này bao nhiêu tùy ý, càng nhiều càng tốt; hãy cố gắng dành một thời gian để đọc kinh mỗi khi canh thức, bằng cách kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu Kitô càng nhiều càng tốt, và hãy khiêm tốn ký thác đời con theo ý Chúa, và tín thác vào Ngài, chắc chắn rằng Ngài sẽ không bỏ con và sẽ hướng dẫn trên đường con đi”.

12. Phương pháp vật lý

“Phương pháp vật lý” (được Nicephorus nhắc đến và được nhiều người chú giải) thì được phổ biết hơn là phương pháp của người Hành Hương. Nó bao gồm việc sử dụng nhiều yếu tố khác: cần đọc Kinh trong một phòng tối để tránh những hình ảnh, ngồi trên một chiếc ghế thấp, thở nhẹ nhàng để làm giảm dòng máu lưu thông, tập trung chú ý vào “phần trên của trái tim” (chứ không phải vào cái rốn như Nicephorus nói).

Tại sao phải đưa ra nhiều lời khuyên chi tiết như vậy? Người ta tìm cách giải thích mỗi yếu tố. Phòng tối, cách ly, là nơi thuận tiện để tránh những ấn tượng, và nhờ vậy mà tâm trí trở thành “trống rỗng” “trần trụi” như ông Evagrio nói. Hơi thở đều đặn kèm theo Kinh nguyện là một thực tập tự nhiên đối với ai muốn nếm hưởng sự  hiện diện của Thiên Chúa trong nhịp sống của cuộc đời. Những người thực hành Yoga quả quyết rằng làm chậm lại hơi thở thì cũng làm chậm lại nhịp sinh sống của cuộc đời và tuổi già. Như Paul Evdokimov đã nói, qua việc thực tập này, người Kitô hữu có thể sống cảm nghiệm riêng của mình: cần phải để cho “thời gian cánh chung” đứng trên “thời gian lịch sử” hoặc “sinh lý”[21]. Dòng đời sống không được đánh giá dựa theo chiếc đồng hồ, nhưng dựa theo sự gần gũi Chúa Kitô.

Cái thở gồm có ba thì: hít vào, nín thở, thở ra. Khi hít vào, con người sống lệ thuộc vào sự sống của thế gian. Kết hợp cái thì ấy với Kinh nguyện Chúa Giêsu có nghĩa là sống lệ thuộc vào Người, Đấng là sự sống của thế gian, theo nghĩa tinh thần. Thở ra là một sự buông xả của một người cảm thấy mình chiếm hữu sự sống ấy để trao ban.

Trong yoga, người ta cũng gán tầm quan trọng cho sự định vị tư tưởng, gắn nó với một cơ quan tương ứng với cơ cấu tâm sinh lý của con người. Theo họ, tư tưởng, nằm ở giữa ngực, tham dự vào việc thở; vì thế nó tạo được một nhịp độ ổn định hơn. Các đan sĩ bên Nga cho rằng sự ổn định đạt được nhờ định vị vào trái tim, vào “phần trên của trái tim”.

Việc thực hành các lời khuyên nói trên, sau một thời gian, sẽ phát sinh một vài “hiện tượng”, đặc biệt là một cảm giác nóng ấm nội tại và “thị kiến” nhìn thấy một ánh sáng từ tim chiếu tỏa khắp toàn thân, khiến cho con người ra như “trong sáng”. Trong tập sách Đối thoại về Kinh nguyện Chúa Giêsu một đan sĩ đã mô tả các hiện tượng ấy[22]. Đôi khi người ta cảm thấy sự nóng ấm quá mạnh cho nên các đan sĩ phải dùng một khăn ướt để xoa dịu. Mạch tim cũng mạnh hơn, và có thể kèm theo những “ánh sáng”.

Các tác giả nổi tiếng bên Đông phương nghĩ gì về phương pháp này? Trước hết, các ngài cảnh báo rằng đây là những “hiện tượng tự nhiên”, và sẽ là một ảo giác trầm trọng nếu coi chúng như là kết quả của ân sủng, hoặc đồng hóa chúng với việc cầu nguyện toàn thiện.

Nhưng ta có thể nêu lên một câu hỏi. Xét vì nó mang lại một hiệu quả an bình cho toàn thân con người, tại sao không lợi dụng việc thực tập này để chuẩn bị cho việc tập trung và cầu nguyện? Theo A. Bloom, một giám mục và y sĩ Đông phương, “Bên Tây phương, người ta ít biết đến khía cạnh thân thể trong việc luyện tập sự chú ý đã được các sư phụ Chính thống khai triển”[23]. Những lời này viết vào năm 1949 có lẽ ngày nay không còn hợp thời nữa, bởi vì ngày nay, bên Tây phương, nhiều người đã quan tâm đến “Kỹ thuật chiêm niệm”. Dưới khía cạnh thần học, việc lượng định không có gì khó khăn. Kinh nguyện Kitô giáo tìm cách đưa toàn thể con người đến tương quan với Thiên Chúa, cho nên không tiên thiên  loại trừ bất cứ yếu tố nào mà kinh nghiệm cung cấp ngõ hầu đạt đến mục tiêu. Dù sao, các nhà thần học để cho các chuyên viên về tâm lý học và y khoa việc nghiên cứu thuộc chuyên ngành của họ.

Tuy nhiên, ta không nên bỏ qua những dè dặt mà các đan sĩ Kitô giáo đã nêu lên chung quanh vấn đề này. Trước hết, tất cả đều đồng ý rằng không nên thực hành “phương pháp vật lý” trong việc cầu nguyện mà không có sự kiểm soát của một sư phụ chuyên môn. Thực vậy, có rất nhiều nguy cơ ảo tưởng, khi mà “trạng thái tâm lý” gây ra bởi các việc thực hành bên ngoài được đồng hóa với “trạng thái cầu nguyện”. Đây là sự sai lầm mà hồi thế kỷ IV, phái messaliani bên Syria đã rơi vào, và thỉnh thoảng lại tái hiện.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý đến thái độ khác nhau giữa Đông phương và Tây phương khi đề cập đến phương pháp này. Người Tây phương chú trọng vào việc thiết lập tương quan giữa nguyên nhân và hậu quả: điều đang xảy ra, bắt nguồn từ đâu và mang lại hiệu quả gì? Thái độ của người Đông phương thì khác. Người ta quan tâm đến “nguyên nhân kiểu mẫu”: điều mà chúng ta đang quan sát có ý nghĩa gì? Nó là biểu tượng cho thực tại tiềm ẩn nào? Với tiền đề như vậy,  không có gì đáng ngạc nhiên lối tiếp cận của một vài tác giả Tây phương cận đại về “phương pháp vật lý” trong việc cầu nguyện. Độc giả được hướng dẫn như thế này: việc kiểm soát hơi thở mang lại công hiệu gì ? Thái độ khiêm tốn của thân thể giúp cho những tâm tình khiêm tốn của linh hồn như thế nào? v.v… Như vậy, đối với người Tây phương, « phương pháp vật lý » trở thành một thứ văn hóa thể dục. Ngược lại, bên Đông phương, nó được xem như một thứ trợ giúp cho việc chiêm niệm.

Đó cũng là thái độ cổ truyền của các giáo phụ khi bảo vệ việc tôn kính các ảnh tượng và việc chiêm ngắm thiên nhiên hữu hình. Một cách tương tự như vậy, trong việc cầu nguyện, chức năng của thân thể cũng giữ một vai trò tương tự: thân thể mang hình ảnh của linh hồn. Phải làm thế nào để có thể hiểu được các trạng thái và cảm giác khác nhau của thân thể như là “hình ảnh” của trạng thái thiêng liêng ở trong linh hồn. Có dễ không?

Tuy nhiên, thái độ này cũng vẫn còn mang một nguy hiểm. Trong cuộc tranh luận về việc tôn kính ảnh tượng, vấn đề then chốt nằm ở chỗ: làm thế nào đi từ hình ảnh đến nhân vật được tượng trưng qua đó, và cuối cùng đến Chúa Cha, là Đấng mà mọi lời nguyện đều phải hướng tới. Nếu hành trình này bị tắc nghẽn, thì ảnh tượng sẽ thành một ngẫu tượng. Và áp dụng vào trường hợp đang bàn về hình ảnh của thân thể, điều ấy còn nguy hiểm hơn nữa, khi đối tượng của ngẫu tượng là thân thể.

Khi đọc kinh, chúng ta đã gặp thấy một nguy hiểm tương tự như vậy rồi: có thể xảy ra là kẻ cầu nguyện thích thú công thức của lời kinh, cho nên dừng lại thưởng thức lời kinh hoặc giọng hát  mà bỏ quên Đấng mà lời kinh nhắm tới. Trong việc cử hành phụng vụ, nguy cơ ấy cũng có thể xảy ra khi sự chú ý dừng lại ở các nghi thức bên ngoài. Khi thực hành “phương pháp vật lý” mang lại vài cảm giác êm dịu, người ta có thể chỉ “quay về với chính mình” (theo kiểu nói của các sư phụ) mà quên sự hiện diện trước mặt Cha trên trời. Như vậy, sự “tập trung” cắt đứt cuộc đối thoại, là yếu tố cốt yếu của cầu nguyện.

12. Những lời khuyên thực tiễn

Khi quay lại từ những vấn đề phức tạp được đặt ra do việc thực hành “phương pháp thể lý” về với bài học đơn giản của người Hành Hương, chúng ta phải trả lời một câu hỏi mà các độc giả cuốn Ký sự đặt ra: bằng cách nào một người tín hữu bình thường có thể sử dụng phương pháp cho đời sống tâm linh của mình, tuy vẫn tránh những điều lệch lạc? Chúng tôi xin đề nghị vài lời khuyên hữu ích sau đây.

Như đã ghi nhận, tiên vàn Kinh nguyện Chúa Giêsu được dùng để “kháng cự” các tư xưởng xấu xa. Về điều này, Kinh nguyện tỏ ra rất hiệu nghiệm. Nếu nảy lên những lo lắng làm cho trái tim phải trĩu nặng ư? “Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Nếu bị cám dỗ muốn báo thù vì sự dữ mà người ta gây cho ta ư? “Lạy Chúa Giêsu…”.

Những tư tưởng làm xáo trộn trái tim thì nhiều và khác nhau; Kinh nguyện Chúa Giêsu thì duy nhất và bền vững. Theo định luật của tâm lý, cái bền vững thì vượt thắng cái tạm bợ. Sau một thời gian, ta sẽ nhận ra rằng Kinh nguyện Chúa Giêsu trở nên thân thuộc và tự phát: nó bắt đầu bộc lộ thái độ bền bỉ của ta. Vì thế ta hãy đọc kinh đó “nhằm phòng ngừa”, trước khi gặp một người nào, trước khi mở một lá thư, đang khi chờ đợi một sự kiện không chắc chắn. Ra như chúng ta muốn củng cố nội thất của mình chống lại tất cả mọi cái có thể khuấy động ta.

Nhưng tại sao việc kêu cầu Chúa Giêsu chỉ giúp ta đề phòng và đập tan các tư tưởng xấu xa mà thôi? Dần dần chúng ta sẽ quen đọc Kinh này khi chúng ta gặp điều thích thú và điều hữu ích: chẳng hạn như khi nhìn một bông hoa đẹp, khi ngắm một quang cảnh tuyệt vời, v.v… Kinh nguyện Chúa Giêsu không làm giảm bớt sự thú vị; ngược lại, nó giúp cho tâm tình ấy được sâu đậm thêm nhờ cảm thấy sự hiện diện của Chúa, và lòng biết ơn đối với Người.

Đôi khi những tâm tình ấy tràn ngập tâm hồn ta đến nỗi ta không còn muốn đọc những kinh khác nữa, mà chỉ đọc Kinh nguyện “của tôi” mà thôi? Có gì xấu không? Ta nên phân biệt giữa lời kinh do ta tự ý lựa chọn, và lời kinh phần nào “bắt buộc”: Giờ Kinh phụng vụ, Thánh Lễ, các kinh nguyện cộng đoàn. Đối với các kinh tự ý chọn, thì càng đơn giản càng tốt: linh hồn được thảnh thơi hơn, và có thể coi như một sự tiến triển trong đời sống cầu nguyện. Bên Đông phương, đôi khi người ta cho phép thay thế Giờ Kinh phụng vụ bằng một số Kinh Nguyện Chúa Giêsu. Nhưng Theophan Ẩn sĩ không đồng ý với tập tục ấy: việc giản lược các kinh nguyện có thể dẫn đến sự đơn điệu trong tinh thần. Ngay từ xưa, cha Cassiano đã soi sáng tâm trí con người như là một cái máy xay: nếu không đổ thêm hạt thóc trong đó, thì các cục đá sẽ tự nghiền nát nhau! Tuy ông dùng hình ảnh đó để nói đến những người bỏ đọc Kinh thánh, nhưng ta cũng có thể áp dụng vào sự cầu nguyện mà không lo bồi đắp thêm bằng các bản văn được dùng trong phụng vụ. Vì thế, không được phép bỏ hoàn toàn các kinh nguyện cổ truyền.

Tuy nhiên, có nên khuyến khích người thời nay thực hành điều mà người Hành Hương dạy về “phương pháp vật lý” không? Trên thực tế, đây mới là điều hấp dẫn các nhà hành thiền (hoặc yoga) Kitô giáo. Chúng tôi đã nói đến vài điểm dè dặt, tiên vàn là cần sự kiểm soát của một sư phụ từng trải. Tại sao lại phải dè dặt như vậy? Phương pháp quá đơn giản mà! Đức cha Ignazio Brjancaninov trả lời: đúng rồi, nhưng tại vì bạn không đơn giản đấy thôi!

Dù sao, ta cũng đừng nên thổi phồng các sự dè dặt. Ta có thể tự mình thực hành vài điều đơn giản. Thí dụ như, chúng ta đặt mình ở trong một khung cảnh yên tĩnh, tay mặt cầm lấy tay trái để cảm thấy nhịp mạch. Chúng ta hãy chuyển động bằng cách đi theo cùng nhịp ấy. Sau khi đã thành công, chúng ta bắt đầu điều phối hơi thở cũng theo nhịp ấy. Sau cùng, thay vì đếm lần hít vào và thở bằng con số, chúng ta liên kết với những lời của Kinh nguyện Chúa Giêsu, bằng cách thích nghi theo cách thức của mình, và tiếp tục đi trong vòng một khắc đồng hồ. Kinh nghiệm sẽ dạy cho ta biết lợi dụng trạng thái an bình ấy vào việc cầu nguyện đích thực: một đàng việc cầu nguyện được giản lược đến mức tối đa, đàng khác, nó bao trùm toàn thể con người ta, cả hồn và xác; con người cảm thấy được thống nhất.

Đây chính là điều mà văn hóa Tây phương hiện đại đã đánh mất, bởi vì quá thiên về “phân tích”. Và chính cảm nghiệm đau thương của sự phân mảnh đã thúc đẩy người ta đánh thức tâm thức về sự toàn diện, ngõ hầu con người đạt được một hình ảnh của hạnh phúc vĩnh cửu, khi còn mang thân xác phàm nhân[24].

——————-

 [1] Lần đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp năm 1928 (Récits d’un pèlerin russe) trong tạp chí “Irenikon” của đan viện Biển đức ở Chevretogne, nhưng chỉ lưu hành trong giới chuyên môn. Mãi đến năm 1943 nhà xuất bản Nestlé (Neuchâtel) mới phát hành trên thị trường.  Thật ra có nhiều ấn bản khác nhau. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Ước, Chuyện người hành hương, NXB Tôn giáo Hà Nội 2007, dựa theo ấn bản dài hơn (7 chương) thay vì 4 phần như nhiều bản khác. Có thể download từ http://suyniemhangngay.net/2016/10/28/chuyen-nguoi-hanh-huong/

[2] Philokalia (trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: yêu chuộng vẻ đẹp) là tên một hợp tuyển các đoạn văn của  hơn 30 sư phụ (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII-XIV), được in tại Venezia năm 1782, và sau đó tại Athènes năm 1893.

[3] Racconti di un pellegrino russo. Saggio introduttivo di Tomàs Spidlik all’edizione critica a cura di Aleksej Pentkovskij, Città Nuova Editrice, Roma 1997. Tác giả là giáo sư tại Học viện Đông Phương Roma, đã  xuất bản nhiều sách bàn về linh đạo các Giáo hội Đông phương. Riêng về việc cầu nguyện, đề tài được trình bày trong  quyển sách La preghiera secondo la tradizione dell’Oriente cristiano, Lipa Roma 2002

[4] Le traité pratique (Praktikos) 49, Sources Chrétiennes,.n 171 (Paris 1971), p. 61

[5] Liber asceticus 25, PG 90, 923A.

[6] De oratione 12, PG 11, 452

[7] Cầu nguyện ba lần (sáng, trưa, chiều) dựa theo tập tục Kinh thánh đã có từ Cựu ước (Tv 55,17-118 ; Đn 6,11.14). Cầu nguyện bảy lần dựa theo câu thánh vịnh 118,164 : « Con ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lần »

[8] Cassiano, Institutiones II, 11, PL 49, 99; Collationes IX, 36, col. 818; Agostino, Epist. 129, 20, PL 33, 50

[9] Approches de la prière de Jésus, Bellefontaine 1983, p. 114. Nguyên bản tiếng Nga xuất bản tại St. Petersburg năm 1867.

[10] La philosophie du nom, Paris 1953, pp. 25ss

[11] Commentario sul Cantico II, GCS, pp. 133, 16ss

[12] T. Sˇpidlík, La doctrine spirituelle de Théophane le Reclus. Le Coeur et l’Esprit, OCA 172, Roma 1965, pp. 147s.

[13] «non pregava, ma divenne preghiera», T. Celano, Vita secunda, n. 95.

[14] T. Sˇpidlík, La spiritualità dell’Oriente cristiano, Roma 1985, p. 172 ss.

[15] Lời chú của người dịch. Thật khó tìm được từ ngữ tương đương trong tiếng Việt. « Ăn năn » có nghĩa là cảm thấy day dứt, đau khổ về lỗi lầm của mình, còn metanoia nói đến thay đổi não trạng. « Thống hối » (hoặc sám hối): hối hận đến mức thống thiết và quyết tâm sửa đổi, còn penthos còn bao hàm ý tưởng « nước mắt » thanh luyện.

[16] Regulae fusius tractatae 32, 2, PG 31, 996CD.

[17] Esercizi spirituali, trad. it., P. Schiavone, Francavilla (Chieti), p. 297.

[18] Hom. in illud Attende 7, PG 31, 216B.

[19] De oratione 31, 2, PG 11, 552A

[20] Ed. I. Hausherr, La méthode d’oraison hésychaste, Roma 1926, pp. 164-165.

[21] La teologia della bellezza, Roma 1971, pp. 151s.

[22] Serdobol’ 1938, pp. 329ss.

[23] A. Bloom, Contemplation et ascèse: contribution orthodoxe, in “Études Carmélitaines”, Paris 1949, pp. 49-67

[24] Cassiano, Collationes X, 17, SCh 54 (1958), pp. 81s.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here