Kitô Luận Theo Thánh Thomas D”Aquin

0
1307


Khoa Kin

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thánh Gioan đã chép trong Tin Mừng rằng: “Ngôi Lời đã trở thành người phàm”[1]. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lời thiên sứ đã thưa với Đức Trinh Nữ Maria khi truyền tin cho Người thụ thai Con Thiên Chúa làm người: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”[2]. Đó cũng là điều thiên sứ Gabriel đã mặc khải cho thánh Giuse, để thánh nhân khỏi phân vân về thai nhi mà Đức Maria cưu mang là Đấng Emmanuel: “Tất cả những sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”[3].

Như thế Kitô luận là một ngành Thần học có mục đích – căn cứ trên những chân lý mặc khải hàm chứa trong Thánh Kinh và Thánh Truyền để, theo khả năng của lý trí loài người – giải thích mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, nói cách khác để tìm hiểu căn tính và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu có thật là Đấng Nhân-Thần chăng? Có thực sự là Thiên Chúa trọn vẹn đồng thời cũng là con người trọn vẹn chăng, hay Người chỉ là phàm nhân thuần túy, hoặc chỉ là Thiên Chúa thuần túy? Người thi hành sứ vụ trung gian giữa Thiên Chúa và loài người như thế nào? Cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người mang lại những công trạng gì hay những ơn ích gì cho chúng ta?

Thần học là “khoa học đức tin theo ánh sáng của hai nguyên tắc phương pháp luận: lắng nghe đức tin và tìm hiểu đức tin. Theo nguyên tắc thứ nhất, thần học nắm vững nội dung của Mặc khải như đuợc phát triển dần dần trong Thánh truyền, trong Thánh kinh và trong Huấn quyền sống động của Giáo Hội. Nhờ nguyên tắc thứ hai, thần học muốn trả lời cho những đòi hỏi riêng biệt của tư tưởng, bằng cách nại đến suy tư trừu tượng”[4].

Như thế, để giải đáp cách thoả đáng những vấn đề được đặt ra trên đây liên can đến Kitô luận, cần phải vận dụng biết bao kiến thức khoa học, như Thánh Kinh, Giáo phụ, Giáo sử, Ngôn ngữ học, và Phong tục học. Lại phải nắm vững những quan niệm Triết học về yếu tính, về bản tính, về ngôi vị, về những ưu phẩm của Thiên Chúa hay những thuộc tính của con người, về sự hiện hữu.v.v…

Lịch sử ơn cứu độ của 20 thế kỷ nay đầy những tranh luận về căn tính của Đức Giê-su, về cuộc đời tri thức, mến yêu, và hoạt động của Người. Những cuộc tranh luận này đều có tính cách nghiêm túc, đều có thể tiêu cực hay tích cực mang lại ánh sáng, giúp chúng ta ngày càng hiểu biết mầu nhiệm cho đầy đủ hơn, vì thế đều có một giá trị nhất định. Để ý thức tính cách nghiêm trọng của Kitô học, chúng ta cần phải lưu ý đến những những lạc thuyết gián tiếp và trực tiếp liên can đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể.

1. Gián tiếp: những lạc thuyết trực tiếp về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng gián tiếp liên hệ đến Kitô luận, như lạc thuyết Ngộ đạo dưới nhiều hình thức, thuyết Ảo nhân, thuyết Độc nhất ngôi vị, Khổ phụ thuyết, Hình thái thuyết, Phục lụy thuyết, Dưỡng tử thuyết.v.v… Những thuyết đó phủ nhận Thiên Chúa tính của Đức Kitô, nên ít ra cũng gián tiếp sai lầm về Kitô học.

2. Trực tiếp: liên can đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể là những thuyết sai lầm về sự phối hiệp giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại nơi Đức Kitô, đó là vấn đề ngôi hiệp như:

a. Lạc thuyết Nestorio. Nestorius là Giám mục thành Constantino, được huấn luyện theo thần học của trường phái Antioquia, là trường phái nhấn mạnh đến hai bản tính – Thiên Chúa và nhân loại – của ngôi vị Chúa Giêsu, nhưng Nestorius đã đi xa hơn và chủ trương nơi Chúa Giêsu có hai ngôi vị. Nên ông cho rằng: Đức Trinh Nữ Maria chỉ là thân mẫu của con người Giêsu, chứ không thể là Thiên Chúa Thánh Mẫu (Theotokos). Thánh Cyrillo, Giám mục thành Alexandria, nhất trí với Đức Giáo Hoàng Celestino I, đã cực lực phi bác lạc thuyết của Nestorio, và lạc thuyết này bị luận phi trong Công Đồng Chung (CĐC) Nicea, năm 431. Nhưng hai năm sau, dưới sự lãnh đạo của thánh Cyrillo Alexandria và Gioan Antioquia, hai trường phái Antioquia và Alexandria mới đi đến một lập trường thần học chung, làm sáng tỏ mầu nhiệm bằng cách khảng định: Trong một ngôi vị của Chúa Giêsu, hai bản tính khác nhau, Thiên Chúa và nhân loại, phối hợp với nhau mà không lẫn lộn.

b. Lạc thuyết Eutyches. Đối lập với lạc thuyết của Nestorio là lạc thuyết của Eutyches. Eutyches, một đan sĩ ở Constantinople, chủ trương rằng, nơi ngôi vị Chúa Giêsu hai bản tính đã phối hợp với nhau cách bền chặt, đến nỗi bản tính nhân loại được thẩm thấu, được hoà tan trong bản tính Thiên Chúa, vì thế lạc thuyết này được mệnh danh là Nhất tính thuyết [Monophysismus]. Vấn đề được giải quyết trong CĐC Chalcedonia (năm 451) với công thức chính xác, khúc triết, sáng sủa và thời danh của Đức Giáo Hoàng Leo I (xc DS 302).

Hệ luận tất nhiên của Nhất tính thuyết là Nhất năng thuyết (Monoenergismus) và Nhất ý thuyết (Monothelismus).

3. Những ai phủ nhận siêu nhiên tính, như nhóm Bách khoa và những thuyết Duy vật, Duy lý, Duy tâm v.v. cho Đức Giêsu chỉ là con người thuần túy; hơn nữa những ai chủ trương ngôi vị chỉ là ngã ý thức, hẳn cũng sai lầm về Kitô học.

TÍNH CÁCH HỢP THỜI CỦA KITÔ HỌC

Theo kế hoạch của lượng an bài, “Thiên Chúa muốn quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô”[5], nên Đức Kitô đã trở nên trung tâm của thế giới, do đó Kitô học phải là vấn đề hiện đại của mọi thời. Nhưng mỗi thời mang một sắc thái khác nhau. Chẳng hạn, có thời người ta chú ý đến những yếu tố làm nên căn tính thực thể luận của Chúa Kitô, và bảo vệ căn tính ấy chống với những lạc thuyết; có thời người ta nghiên cứu chuyên biệt về công trình của Chúa Giêsu, tức là Giáo Hội, nhiệm thể của Người, về công ơn cứu chuộc, về các nhiệm tích, như nhiệm tích Thánh Thể và Hoà giải…

Ngày nay, hình như những suy tư trừu tượng liên can đến căn tính của Chúa Giêsu không được người ta lưu ý đến. Trái lại, các học giả đặc biệt lưu ý đến những vấn đề có tích cách thực tiễn, họ muốn nghiên cứu nguồn mạch của các vấn đề, như nghiên cứu một cách phê bình ý nghĩa của những chân lý mặc khải, cội gốc và lý do của các lạc thuyết, những quyết nghị của các CĐC. Những nghiên cứu đó đã mang lại những lợi ích lớn lao.

Phương pháp thực tiễn này cũng đã được áp dụng trong những khảo luận tổng quát về Kitô học. Phương pháp tích lũy những dữ kiện thực tiễn này có thể bổ ích trong những khảo luận chuyên đề, nhưng trong những sách giáo khoa tổng quát, nhằm đào tạo những khối óc suy tư thần học, thì sự tích lũy những dữ kiện thực tiễn mà không giải thích các vấn đề đến nơi đến chốn, không trình bày những nền tảng khách quan của vấn đề, không viện dẫn những lý lẽ chứng minh, không vạch ra mối liên hệ giữa các vấn đề thì không thể cung cấp cho các học viên kiến thức thoả đáng và đầy đủ về chân lý mặc khải. Những lối trình bày như thế có thể nuôi dưỡng trí nhớ, nhưng không đào luyện trí tuệ; có thể thông tin nhưng không giáo huấn, không giúp cho những học viên được trang bị đầy đủ để giải đáp những thắc mắc người đời có thể nêu ra, như thế có thể làm phát sinh nơi học viên óc hoài nghi về giá trị của những lý lẽ thần học, và về giá trị của chính thần học.

Khi bàn về sự tương tác giữa thần học và triết học, Đức Gioan Phaolo II viết: “Về phần mình, thần học tín lý phải có khả năng phối hợp ý nghĩa phổ quát của mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm cứu độ, hoặc theo lối trình thuật, hoặc trước hết bằng dạng thức biện luận. Thần học phải thực hiện công việc đó qua những triển khai tư tưởng trừu tượng, phổ cập, được trình bày một cách phê bình. Quả thực, không có sự trợ giúp của triết học, người ta không thể thuyết minh những đề mục thần học, chẳng hạn như ngôn ngữ về Thiên Chúa, những tương quan ngôi định giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, công trình tạo thành của Thiên Chúa trong thế giới, tương quan giữa Thiên Chúa và con người, căn tính của Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật”[6].

KITÔ HỌC THEO THÁNH THOMAS

Thánh Thomas là nhà thần học toàn diện, khi bàn đến bất cứ phần nào của thần học, người cũng luôn luôn lưu ý đến mạch lạc luận lý của toàn thể khảo luận, của từng phần khảo luận, của từng vấn đề và từng mục. Vì mỗi mục được nghiên cứu và trình bày một cách pháp thuật, nghĩa là theo đúng phương pháp “lắng nghe đức tin và tìm hiểu đức tin”. Chẳng những người không áp dụng cách chuyên biệt phương pháp thực tiễn hay suy luận, ngài còn lưu ý đến từng ý kiến tiêu cực hay tích cực của các tác giả tiền bối hoặc đồng thời với người; hơn nữa còn như dự đoán được những lạc thuyết tương lai nữa. Để xác tín điều đó dưới đây chúng tôi xin giới thiệu cách bố cục của thánh Thomas về Kitô học. Thánh tiến sĩ thiên thần đã bàn giải mầu nhiệm Nhập thể trong 59 vấn đề thuộc phần III của bộ Tổng Luận Thần Học, và phân chia khảo luận thành hai phần như thế sau: Nhập thể: I. Xét theo chính việc nhập thể (vđ. 1- 26); II. Xét theo công cuộc cứu chuộc (vđ. 27-59).

1.- Xét theo chính việc Nhập thể, người bàn về:

A. Sự xứng tiện của mầu nhiệm nhập thể (vđ.1)

B. Cách thức thể hiện việc Ngôi hiệp (vđ.2-15)

1) Bản tính của sự phối hiệp (vđ.2)

2) Về phía ngôi [Lời] cất nhắc (vđ.3)

3) Về phía bản tính [nhân loại] được cất nhắc (vđ.4)

4) Về những thành phần của bản tính nhân loại được cất nhắc (vđ 5)

5) Về trật tự trong việc cất nhắc các thành phần (vđ 6).

6) Về những điều Đức Kitô đón nhận làm một với bản tính nhân loại

a) liên quan đến sự hoàn bị

– về ân sủng: ơn riêng hay quán tập (vđ.7), ơn thủ cấp (vđ 8)

– về tri thức: nói chung (vđ 9); nói riêng: – phúc vinh (vđ.10) – phú bẩm (vđ.11) – thủ đắc (vđ.12)

– về quyền năng (vđ 13)

b) liên quan đến khuyết điểm

– về thân thể (vđ 14)

– về linh hồn (vđ 15)

C) Theo những hệ lụy mà việc ngôi hiệp phát sinh nơi Đức Giêsu

1) Xét tuyệt đối

a) theo việc Người là và hoạt động (vđ 16)

b) theo sự thuần nhất

– trong hiện hữu (vđ 17)

– trong ý muốn (vđ 18)

– trong hoạt động (vđ 19)

2) Xét theo tương quan

a) của Chúa Con với Chúa Cha (sự phục lụy của Đức Kitô (vđ.20)

b) của Chúa Cha với Chúa Con

– Sự cầu nguyện của Đức Kitô (vđ 21)

– Chức tư tế của Người. (vđ 22)

– Việc Đức Kitô được nhận làm con (vđ 23)

– Ơn tiền định của Đức Kitô ( vđ 24)

c) của chúng ta với Đức Giêsu

– Sự thờ lạy Chúa Giêsu (vđ.25)

– Sự trung gian của Chúa Giêsu (vđ.26)

2. Xét theo công cuộc cứu chuộc (vđ 27-59)

Thánh Thomas cũng xếp đặt các vấn đề, các mục của phần này theo sự mạch lạc luận lý, rồi trình bày các mục ấy theo đúng phương pháp lắng nghe đức tin và tìm hiểu đức tin.

Chúng tôi xin kết thúc cái nhìn khái quát về Kitô học của thánh Thomas bằng những lời, cũng khái quát về Thần học của thánh Thomas theo Thông Điệp Đức tin và Lý trí như thế này : “Trên con đường này, thánh Thomas chiếm địa vị thật đặc biệt, không những vì nội dung đạo lý, mà còn vì sự đối thoại mà người đã biết thực hiện với tư tưởng Ảrap và tư tưởng Do thái của thời người.Vào thời đại mà những nhà tư tưởng Kitô giáo khám phá ra những kho tàng triết học cổ thời, và trực tiếp là triết học của Aristốt, thánh nhân có công lớn là ưu tiên giãi bày sự hài hoà hiện hữu giữa lý trí và đức tin. Người giải thích, ánh sáng của lý trí và của đức tin đều phát xuất từ Thiên Chúa, cho nên không thể tương phản nhau….

Chính vì thế mà thánh Thomas luôn luôn được Giáo Hội đặt một cách đích đáng làm tôn sư của tư tưởng, và gương mẫu để nghiên cứu học hỏi Thần học cho đúng đắn” (số 43).

 

————–

[1] Ga 1,14. 

[2] Lc 1, 31-32 

[3] Mt. 1, 22-23 

[4] Thông điệp Đức tin và Lý trí, số 65, Bản dịch của Khoa kin, trg, 63 

[5] Ep 1, 10 

[6] Đức tin và Lý trí, số 66