KINH CHIỀU CÁC CHÚA NHẬT MÙA CHAY

0
2276

José Bernal

(Trích từ: Celebrar la Cuaresma, CPL, Barcelona 1993, p.122-134)

Chúng tôi xin cung cấp vài dữ liệu nhằm giúp cho buổi cử hành Kinh Chiều các Chúa Nhật mùa Chay được sống động hơn.

1/ Dẫn nhập. Có thể đọc liền sau những lời xướng và trước khi bắt đầu thánh thi, nhằm tạo ra một bầu khí cầu nguyện, và đưa vào khung cảnh thiêng liêng đặc biệt của mỗi Chúa Nhật.

2/ Các lời nguyện sau mỗi thánh vịnh và thánh ca của Kinh chiều II Chúa nhật, tìm cách móc nối những ý tưởng chính của thánh vịnh với bầu khí thiêng liêng, đã được gợi lên trong Điệp ca.

3/ Bài đọc Sách Thánh kèm theo một bài suy niệm ngắn, có thể thay thế bài đọc Lời Chúa của Kinh Chiều (x. Chỉ dẫn Giờ Kinh Phụng vụ, số 46).

———-

CHÚA NHẬT THỨ NHẤT

DẪN NHẬP

Giờ Kinh nguyện chiều Chúa Nhật  thứ nhất Mùa Chay muốn đáp lại lời Chúa nhắn nhủ: “Phải thờ lạy Thiên Chúa của ngươi và chỉ phụng sự một mình Người mà thôi”. Chúng ta vừa mới bắt đầu hành trình lên Giêrusalem, tiến đến Lễ Vượt qua. Chúng ta thực hiện cuộc hành trình này như một cộng đoàn lữ hành trong sa mạc, với niềm hy vọng và lòng trung tín, lắng nghe Lời Chúa soi sáng và nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta cũng cố gắng hoán cải và chiến đấu để giữ vững tinh thần tự do của các con cái Chúa.

Chúng ta hãy dâng lời chúc tụng Thiên Chúa đã tỏ mình cho các tổ phụ, và nơi Đức Giêsu Nazaret đã trở thành Đấng Cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng nài xin Chúa cho mùa phụng vụ này trở thành thời gian của ân sủng và thứ tha.

CÁC LỜI NGUYỆN SAU THÁNH VỊNH

Thánh vịnh 109

Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Thân phụ của Đức Giêsu, người anh cả của chúng con. Chúa đã muốn cho Người ngự ở bên hữu Chúa và đã đặt Người làm Thủ Lãnh và Chủ tể vũ trụ. Nhờ Người, các quyền lực của sự dữ đã bị đập tan. Xin đừng để chúng con chạy theo các ngẫu tượng của danh vọng và địa vị, và giúp chúng con luôn trung thành với vị Chủ tể duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con của Chúa,  Đấng hằng sống và hiển trị đến muôn đời.

Thánh vịnh 113 A

Lạy Chúa, trong buổi Kinh Chiều này, xin cho phép chúng con gợi lại những kỳ công mà xưa kia Ngài đã thực hiện cho các con cái Israel. Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ, đã đưa họ vượt qua Biển Đỏ và dẫn họ trải qua sa mạc. Giờ đây, xin dẫn đưa Hội thánh lữ hành của Ngài, xin giải thoát họ khỏi mọi hình thức nô lệ và làm cho mùa Chay này trở thành thời kỳ của ân sủng cứu độ. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Thánh ca

Lạy Chúa, xin nhìn đến Hội thánh Chúa đang lên đường. Xin cho cảm nghiệm của mùa Chay giúp chúng con tiếp tục sống trung thành hơn trên bước đường đi theo Đức Kitô cho đến núi thánh Giêrusalem. Xin cho chúng con biết càng ngày càng trở nên giống với Đức Kitô dâng mình hiến tế Thập giá. Xin cho mùa Chay mà chúng con vừa bắt đầu trở nên con đường dẫn đến cuộc Vượt qua, cho tới khi hoàn tất vĩnh viễn trong cuộc toàn thắng Phục sinh của Đức Giêsu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

BÀI ĐỌC KINH THÁNH. Sa mạc: Đnl 8,2-10

Trích sách Đệ Nhị luật.

2 Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. 3 Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. 4 Bốn mươi năm qua, áo anh (em) mặc đã không rách, chân anh (em) đã không sưng lên.

5 Suy nghĩ lại, anh (em) phải nhận biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình. 6 Anh (em) phải giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mà đi theo đường lối của Người và kính sợ Người.

7 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sắp đưa anh (em) vào một miền đất tốt tươi, miền đất có những dòng nước, những suối, những mạch nước ngầm chảy ra trong đồng bằng và trên núi, 8 miền đất có lúa mì, lúa mạch, cây nho, cây vả, cây lựu, miền đất có cây ô-liu để ép dầu và có mật ong, 9 miền đất ở đó anh (em) sẽ ăn bánh mà không bị hạn chế, ở đó anh (em) sẽ không thiếu thốn gì, miền đất mà đá là sắt, và núi có đồng cho anh (em) khai thác. 10 Anh (em) sẽ được ăn, sẽ được no nê và sẽ chúc tụng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vì miền đất tốt tươi mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em). Đó là Lời Chúa.

SUY NIỆM

Mùa Chay mời gọi chúng ta bước vào một khung cảnh sa mạc. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được mời rút vào sa mạc trong bốn mươi ngày. Sa mạc không phải là một nơi địa lý, nhưng là một thời kỳ đặc biệt của ân sủng và hoán cải. Vào sa mạc không có nghĩa là vào nơi cô tịch, xa tránh người nào hay cách ly với cái gì. Đi vào khung cảnh sa mạc có nghĩa là đi vào thâm tâm của ta, đi sâu vào chỗ không còn dùng mặt nạ che khuất. Tại nơi đó, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa, Người nói với chúng ta, và chúng ta tìm ra ý nghĩa của cuộc đời.

Mùa Chay có thể trở nên một thời cơ của ân sủng và hoán cải. Mùa Chay phải là một cảm nghiệm tâm linh không thể nào quên được. Nó phải giúp chúng ta khám phá ý nghĩa của cuộc sống trong mọi chiều kích của nó. Nó phải giúp chúng ta nhận ra rằng cuộc sống trên đời này cũng giống như cuộc đời của Dân Israel lữ hành trên sa mạc. Chúng ta đang tiến đến một mục tiêu, đã được xác định bởi cuộc phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta không thể cắm dùi ở trên đời này. Chúng ta không có trụ sở bền vững ở đây. Chúng ta chỉ có thể dựng lều, luôn sẵn sàng lên đường và hy vọng. Chúng ta sống trong tình trạng tạm bợ. Duy Thiên Chúa mới là Đấng Tuyệt đối của cuộc đời, lời duy nhất mang lại ơn cứu độ.

Sa mạc không phải là một chỗ cố định mà chỉ là nơi quá cảnh. Nhưng cần phải chịu đựng những nghịch cảnh của thời tiết, những thiếu thốn chật vật về tài sản, những bất ổn của chốn hoang vu. Cuộc đời là như thế. Chúng ta sống trên đời như là đi trên sa mạc. Nhưng Thiên Chúa là Đấng dẫn chắt và che chở chúng ta, như Người đã làm cho dân Israel. Thiên Chúa dưỡng nuôi ta bằng Lời của Người và bằng bí tích Thánh Thể, “bởi vì con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi”. Thiên Chúa che chở chúng ta trong những lúc khủng hoảng và giao chiến. Nhưng chỉ những ai có đức tin mới có thể khám phá ra nơi Thiên Chúa lương thực đích thật, bánh manna đích thật, tảng đá của nước hằng sống. Duy chỉ những ai trung kiên bền vững mới có thể chiêm ngưỡng nhan Chúa.

CHÚA NHẬT THỨ HAI

DẪN NHẬP

Đối với chúng ta, Mùa Chay phải là một cố gắng leo lên núi thánh, núi của Chúa, nơi mà Người biểu lộ  dung nhan cho chúng ta. Duy chỉ những ai cố gắng, những người biết trút bỏ mọi sự để vào sâu trong thâm tâm của mình, mới có thể được chiếu sáng bởi ánh quang của dung nhan Chúa.

Kinh nguyện chiều Chúa nhật hôm nay phải là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa, là Đấng đã tỏ mình cho Israel trên núi Sinai, cũng như Đấng đã tỏ lộ vinh quang nơi Đức Giêsu Nazareth. Nhưng chúng ta biết rằng sự tỏ lộ sung mãn của Đấng Mêsia sẽ diễn ra ở trên một núi khác, núi Calvariô, khi tới giờ cuối cùng, Đức Giêsu sẽ trao ban chính mạng sống mình như cử chỉ vâng phục Chúa Cha và yêu thương loài người. Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên nút Calvariô, như dấu chỉ của niềm tin và hy vọng, bởi vì chừng nào Đức Giêsu được tôn vình và tỏ mình như là Đấng Mêsia, thì cuộc giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi mới được hoàn tất.

CÁC LỜI NGUYỆN SAU THÁNH VỊNH

Thánh vịnh 109

Lạy Chúa Giêsu, xin tỏ dung nhan của Ngài cho chúng con. Xin cho chúng con cùng lên đỉnh núi với Ngài, giống như các môn đệ ưu tuyển xưa kia, để lắng nghe lời Ngài và cảm nghiệm sức mạnh của sự hiện diện của Ngài. Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha, chúng con nài xin Ngài đừng để những huyên náo của cuộc sống hằng ngày làm ngăn cản chúng con không được chiêm ngưỡng ánh quang vinh hiển của Ngài. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Thánh vịnh 113 B

Lạy Chúa, chúng con rất lo sợ nguy cơ của những ngẫu tượng giả dối. Chúng con rất lo sợ đồng hóa Chúa với những tượng thần do tay chúng con tạo ra để lèo lái theo sở thích. Chúng con rất lo sợ các ngẫu tượng của tiền tài, quyền lực, danh vọng, phú quý. Vì thế, lạy Chúa, trong kinh nguyện chiều nay, chúng con muốn nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa thật, duy nhất, hiện hữu ở trên chúng con, và đã tỏ mình nơi Đức Giêsu Nazaret để ban sự sống và ơn cứu độ cho những ai tin tưởng vào quyền năng của Ngài. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Thánh ca

Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con, và chiếu soi chúng con bằng ánh sáng của Ngài ngõ hầu hôm nay chúng con nghiêm ngắm Ngài rạng rỡ trên núi Tabor, thì cũng nhận ra Ngài bị khinh chê sỉ nhục trên núi Calvariô. Xin cho chúng con trở nên những chứng nhân giữa đời cho vinh quang của Ngài và phục vụ sứ điệp cứu độ mà Ngài đã đóng ấn bằng máu trên thập giá.

BÀI ĐỌC KINH THÁNH. Núi: Hr 12,18-24

Trích thư gửi Hip-ri.

18 Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, 19 có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa, 20 vì họ không chịu nổi mệnh lệnh sau đây : Ngay cả thú vật đụng đến núi, cũng phải bị ném đá. 21 Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Mô-sê phải nói : Tôi kinh hoàng và run rẩy ! 22 Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, 23 dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. 24 Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM

Cử hành mùa Chay là dường như leo lên núi, nơi mà Chúa tỏ hiện dung nhan của Người cho chúng ta. Núi tượng trưng cho những nơi mà Thiên Chúa tỏ hiện. Trên đỉnh núi Sinai, ông Mosê đã trải nghiệm cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, giữa cảnh uy nghi của sấm chớp và động đất. Ngược lại, trên núi Horeb, ông Elia trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa không qua bão tố, sấm chớp, nhưng qua cơn gió nhẹ hiu hiu. Thiên Chúa hiện ra trên núi để đàm đạo với ông.

Chúa Giêsu cũng tỏ mình cho các môn đệ trên đỉnh núi Tabor. Tuy nhiên, duy chỉ những ai được Người tuyển chọn để lên núi mới được chứng kiến vinh quang của Người. Chúa Giêsu đã tỏ mình, cùng với ông Mosê và ông Elia, tức là hai nhân vật đã trải nghiệm việc Thiên Chúa xuất hiện trên núi. Hai ông tượng trưng cho Lề luật và các ngôn sứ. Mặc khải của Chúa Giêsu trên núi là Tabor là tột đỉnh của Lề luật và các ngôn sứ, và ra như tiên báo cuộc Phục sinh. Do đó, dưới một khía cạnh khác, việc lên núi trở thành biểu tượng của việc lên Giêrusalem, tiến đến lễ Vượt qua. Mùa Chay giống như lên núi Tabor. Chúng ta hãy tránh xa tiếng ồn ào, đến chỗ cô tịch của núi, chúng ta cần tiến sâu vào nội tâm của mình, để tạo ra một bầu khí thuận lợi để Thiên Chúa mặc khải, nói cho ta biết lời của Người.

Nhưng núi cũng là nơi phụng tự, nơi của những cuộc hy tế. Trên núi, ông Abraham phải hiến tế người con của mình. Trên núi Sion, trong đền thờ, lúc về chiều, người ta sát tế các chiên vượt qua. Trên một núi khác, núi Calvariô, Đức Giêsu là chiên vượt qua đã được sát tế, khai mào của phụng tự của giao ước mới.

Núi là nơi Chúa tỏ hiện, là nơi phụng tự, núi cũng tượng trưng cho ta một cách thức sống đậm mùa Chay và tiến tới lễ Vượt qua.

CHÚA NHẬT THỨ BA

DẪN NHẬP

Đối với chúng ta, cộng đoàn các tín hữu, những người đã được tái sinh trong nước và Thánh Linh, cử hành Mùa Chay có nghĩa là mở cửa  để cho ân sủng được tràn vào tâm hồn chúng ta. Trong buổi kinh chiều hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha cho tất cả những ai, giống như người phụ nữ Samaria, đã nhận biết ân huệ của Chúa và được tái sinh trong nước hằng sống trong đêm Phục sinh. Họ là niềm hy vọng của một Hội thánh luôn trẻ trung và được đổi mới.

Chúng ta hãy bắt đầu lời ngợi khen ban chiều và thờ lạy Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, và ý thức rằng đối với chúng ta là những người tin theo Đức Giêsu, thì mọi nơi, mọi ngày, mọi giờ đều là thời cơ thuận tiện để gặp gỡ Chúa Cha.

CÁC LỜI NGUYỆN SAU THÁNH VỊNH

Thánh vịnh 109

Lạy Đức Kitô, Đấng ngự trị bên hữu Chúa Cha, và đã đập tan các địch thù của vương quốc của Ngài, xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ và bảo vệ chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Xin thay lòng đổi dạ chúng con và hướng dẫn chúng con trên bước đường  thống hối và cải hoán. Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn đời.

Thánh vịnh 110

Lạy Chúa, trong buổi kinh nguyện chiều nay, xin cho phép chúng con được tạ ơn Ngài hết lòng. Lạy Chúa, xin tạ ơn vì những công trình kỳ diệu và vĩ đại của Ngài. Xin tạ ơn vì lòng từ bi nhân hậu của Ngài. Xin tạ ơn vì giao ước, vì tình yêu đã ban cho chúng con và gia sản Ngài hứa ban cho chúng con. Xin tạ ơn Ngài, con chiên không tì ố đã  cứu thoát chúng con khỏi cái chết nhờ máu của Người. Xin đón nhận lời tạ ơn của chúng con trong Đức Kitô Chúa chúng con.

Thánh ca

Lạy Chúa, xin đoái nhìn khuôn mặt của Con Chúa đã bị sỉ nhục khi chịu treo trên thập giá. Với thân thể đã bị tan nát vì bạo lực và tinh thần bị lăng mạ vì những lời phỉ báng. Người đã chịu treo lên cây Thập giá như là dấu hiệu của sự phản kháng thầm lặng chống lại các hận thù, căm tức, bạo lực, bất công, áp bức. Người đã trở thành dấu chỉ hy vọng của chúng con vào một thế giới mới, được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Nhờ sức mạnh giải phóng của máu Người, xin thanh tẩy chúng con khỏi mọi tội lỗi và mở lòng chúng con đến niềm hy vọng. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC KINH THÁNH. Lòng thống hối: Gl 2,12-18

Trích ngôn sứ Gioel

12 Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA : “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” 13 Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. 14 Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em. 15 Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng ; 16 hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê ! 17 Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự ĐỨC CHÚA hãy than khóc và nói rằng : “Lạy ĐỨC CHÚA, xin dủ lòng thương xót dân Ngài ! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại ! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói : Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi ?”18 Nguyện xin ĐỨC CHÚA tỏ lòng yêu thương đối với đất của Người, và tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM

Đối với chúng ta, Mùa Chay là lời mời gọi hoán cải. Lời của Đức Giêsu vang lên trong lòng chúng ta cách cấp bách: “Thời giờ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần: hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Những lời của Đức Giêsu đã tóm gọn tất cả sứ điệp của ông Gioan Tẩy giả và lời giảng của các ngôn sứ. “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”: đó là sứ điệp long trọng khai mạc mùa Chay vào thứ tư lễ tro.

Cuộc cải hoán không chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Việc hoán cải là một cuộc dấn thân bền bỉ. Hoán cải là luôn chú ý lắng nghe các đòi hỏi của Thiên Chúa. Hoán cải là luôn sẵn sàng đáp lại “Dạ vâng” đối với các lệnh truyền của Tin mừng.

Công cuộc hoán cải của chúng ta chẳng bao giờ chấm dứt. Chúng ta phải luôn cố gắng để thay đổi trái tim của mình. Hoán cải thật sự, thống hối thật sự  nằm ở chỗ thay đổi trái tim. Mỗi ngày chúng ta phải tiếp tục mai táng trái tim cằn cỗi, để cho trái tim mới được tăng trưởng, trái tim được linh hoạt bởi thần khí mới.

Hoán cải và thống hối là hai từ ngữ thân cận với nhau. Việc thống hối mà Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta không phải là những việc chay tịnh nặng nề và khổ chế cam go. Thiên Chúa muốn chúng ta xé lòng chứ đừng xé áo. Thiên Chúa muốn chúng ta bứng nhổ các tội lỗi, các thái độ ích kỷ, ra khỏi những lợi lộc riêng tư và mở lòng đến các nhu cầu của tha nhân.

Hoán cải không chỉ là một công tác thuần túy cá nhân. Hoán cải còn có nghĩa là tham gia vào công cuộc thay đổi thế giới. Thế giới được hoán cải khi nào các cơ cấu  áp bức được thay đổi, khi cảnh bất công bị bẻ tan, nhường chỗ cho sứ điệp hòa giải và huynh đệ đại đồng của Tin mừng.

Tóm lại, hoán cải là định hướng cuộc đời của ta và của thế giới hướng tới sức mạnh canh tân của lễ Phục sinh, hướng đến việc xây dựng con người mới và trái đất mới.

CHÚA NHẬT THỨ BỐN

DẪN NHẬP

Khi ánh sáng của ngày xem ra tan dần trong bóng tối, thì chúng ta đây, những người được tái sinh trong bí tích rửa tội, tuyên xưng Đức Kitô là ánh sáng đích thực và không bao giờ tàn lụi. Đối với chúng ta là những người tin vào Người, đêm đã được biến thành ngày và tối tăm biến thành ánh sáng.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai sẽ được chìm ngập trong ánh sáng của Đức Kitô, và nhờ bí tích Thánh tẩy, sẽ trở thành con cái sự sáng. Chúng ta cầu xin cho ánh sáng đức tin giúp họ khám phá khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, và nhận biết sự thật về thế giới và về con người.

Chúng ta cũng hãy cầu cho chúng ta, cộng đoàn các tín hữu, ngõ hầu chúng ta khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử và sức mạnh của các cuộc can thiệp của Người.

CÁC LỜI NGUYỆN SAU THÁNH VỊNH

Thánh vịnh 109

Lạy Chúa Giêsu Kitô, là đấng được Chúa Cha tôn vinh và đặt làm thẩm phán xét xử người sống và kẻ chết, Xin đón nhận lời ca ngợi ban chiều của chúng con và dẫn dắt chúng con trên đường thống hối và hoán cải; xin luôn nâng đỡ chúng con bằng ân sủng của Ngài và ban cho chúng con luôn tin tưởng vào lòng nhân hậu của Ngài. Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Thánh vịnh 111

Lạy Cha nhân từ, Cha biết rõ các khả năng yếu ớt của chúng con, và những dự tính bấp bênh của chúng con. Xin đừng để cho các dốc quyết của chúng con chỉ dừng lại ở  lời nói hoặc ước ao. Xin mở cửa tâm hồn chúng con đến các nhu cầu của tha nhân và cho chúng con liên đới với những lo âu và khó khăn của các người nghèo và bị bỏ rơi. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Thánh ca

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận biết nơi Đức Giêsu trên thập giá Đấng Mêsia đã được các ngôn sứ loan báo và dân tộc Israel trông mong. Người chính là con chiên không tì ố, được cử hành trong lễ Vượt qua cũ; Người là tôi tớ đau khổ, bị lăng nhục và hành hạ, trở nên như sâu bọ, chứ chẳng còn hình hài con người nữa, bởi vì muôn vàn tội lỗi của chúng con. Xin cho chúng con tín thác vào Người, vào sức mạnh cứu chuộc của máu Người đã đổ ra. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

BÀI ĐỌC KINH THÁNH: Lên Giêrusalem với Đức Giêsu: Mc 10, 32-34

Trích Tin mừng theo thánh Marcô

32 Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình : 33 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.” Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM

Mùa Chay là một  hành trình tiến đến cuộc Vượt qua. Con đường mà chúng ta phải trải qua là hoán cải, chiến đấu chống lại quyền lực sự dữ, đoạn tuyệt với con người cũ.

Cuộc Vượt qua là một điểm đến của chúng ta. Trước kia, cuộc Vượt qua cũng là đích điểm đối với Đức Giêsu. Trong những lời giảng, Người thường nhắc đến “giờ”, và hiểu về “giờ mà Người  đi qua thế gian này và trở về với Chúa Cha”, với cuộc Vượt qua. Đó là tuyệt đỉnh của Người, giờ hoàn tất, khi Người sẽ hiến mạng sống mình cho các bạn hữu, cho hết mọi người, vì yêu thương họ. Khi “được giương cao lên”, Người tỏ ra là Đấng Cứu độ, Đấng Mêsia. Đó cũng là lúc mà Người hiệp thông sâu xa với nỗi đau khổ của con người. Không phải là quá lời khi nói rằng cuộc nhập thể đã đạt đến sự đỉnh cao khi Đức Giêsu cảm thông sâu xa với đau khổ con người vào lúc chết. Tiến về cuộc Vượt qua là đi về Giêrusalem. Những khắc khoải giải phóng của Đức Giêsu được tập trung về Giêrusalem. Dân Israel hướng mắt về Giêrusalem như là biểu tượng của  niềm trông mong vị cứu tinh. Giêrusalem cũng là biểu tượng cho tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa đáp lại khát vọng của con người. Giêrusalem là giao điểm gặp gỡ giữa Cựu ước và Tân nước. Sau cùng, Giêrusalem là lời kêu gọi hòa giải đại đồng, tình huynh đệ phổ quát. Vì thế Giêrusalem ra như là hình ảnh tiên báo trời mới đất mới, biểu tượng của nhân loại mới được tác tạo trong cuộc Vượt qua của Đức Giêsu.

Chiều nay, lời Chúa mời gọi chúng ta  lên Giêrusalem. Nhưng chỉ có thể lên Giêrusalem với Đức Giêsu những ai sẵn sàng hiến mạng sống mình, giống như Người; những ai tình nguyện muốn chia sẻ, với Người, cử chỉ trao hiến bản thân mình; những ai, giống như Người, ước muốn trở thành men cho thế giới mới, nhờ thập giá.

CHÚA NHẬT THỨ NĂM

DẪN NHẬP

Vào những thời điểm lịch sử như thời của chúng ta, hình ảnh sự chết, tàn phá, chiến tranh luôn ám ảnh chúng ra như một mối đe dọa không tránh được, chúng ta hãy dâng những lời van nài tha thiết lên Đức Kitô, vị duy nhất có lời hằng sống, vị duy nhất có thể trở thành mục tiêu hy vọng cho một thế giới bị đe dọa.

Nhờ lời của Người, sự sống đã trào ra trên thế giới và những người chết được sống lại. Nhờ sức mạnh của thần khí của Người, tất cả những ai tin vào Người và dìm mình trong nước thanh tẩy sẽ được tái sinh vào đời sống mới.

Trong buổi cử hành chiều nay, chúng ta hãy chúc tụng Đức Kitô đã cho ông Ladaro sống lại, và nhờ sự phục sinh, Người đã vĩnh viễn tiêu diệt sự chết.

CÁC LỜI NGUYỆN SAU THÁNH VỊNH

Thánh vịnh 109

Lạy Chúa, chúng con biết rằng con dân Israel, trên con đường gian truân ở sa mạc, đã giương lên một con  rắn bằng đồng như dấu hiệu của sự giải thoát. Chúng con biết rắng những ai nhìn vào con rắn ấy với lòng tin tưởng vào quyền năng cứu độ của Ngài thì được chữa lành mọi tật bệnh. Giờ đây, xin Chúa giải thoát khỏi sự chết tất cả chúng con là những người tìn tưởng vào quyền năng thần linh của Con Chúa, được nâng cao trên Thập giá, mà chúng con nhìn nhận như là Chủ tể và vị Thiên sai. Nhờ cũng một Đức Kitô Chúa chúng con.

Thánh vịnh 113 A

Lạy Chúa, chúng con sẽ không thể nào quên được những kỳ công mà Ngài đã thực hiện cho dân Israel để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai-cập. Xin cũng nhớ đến chúng con; xin hãy nhìn đến đến bàn tay đẫm máu và bất công đang bóp nghẹt sự sống của dân Ngài. Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sự chết và xin đặt chúng con vào nơi an toàn, nhờ máu cứu chuộc của Con Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị với Chúa đến muôn đời.

Thánh ca

Lạy Chúa, lễ Vượt qua đã đến gần, tâm thần chúng con trở nên xao xuyến. Chúng con cảm thấy đau xót khi nhìn ngắm khuôn mặt của Đức Giêsu là con Chúa bị sỉ nhục, tâm thần của Người bị đè bẹp bởi tội ác của chúng con. Lạy Cha chí thánh, xin ban cho chúng con sức mạnh để chỉa sẻ cuộc khổ nạn của Người, biết liên đới với nỗi khổ của biết bao người chịu nghiền nát bởi tội ác của thế gian. Xin làm bừng lên ánh sáng của tình thương và tình huynh đệ giữa lòng một nhân loại được đổi mới  do quyền năng của sự Phục sinh. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

BÀI ĐỌC KINH THÁNH. Người tôi trung của Chúa: Is 52,13-53,12

Trích ngôn sứ Isaia

13 Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. 14 Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, 15 cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.

1 Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được ? Cánh tay uy quyền của ĐỨC CHÚA đã được tỏ cho ai ? 2 Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. 3 Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. 4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm ; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. 6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. 7 Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. 8 Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới ? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. 9 Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. 10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu. 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. 12 Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân ; nhưng thực ra, người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM

Càng gần đến lễ Vượt qua, bóng của cuộc  Khổ nạn càng trở nên dày đặc trên tâm thức của Giáo hội. Trong kinh nguyện chiều nay, tâm tình của chúng ta tập trung vào hình ảnh của Đức Kitô đau khổ được gợi lên trong đoạn sách của Isaia. Những ai nhìn ngắm khuôn mặt của Người đều cảm thấy kinh hãi. Người ta xa lánh Người vì cho rằng Người bị Thiên Chúa trừng phạt. Nhưng người Tôi tớ là kẻ vô tội. Người đã muốn lãnh trên mình một sự trừng phạt ô nhục vì những tội mà mình không hề phạm. Người Tôi tớ chịu đau khổ thay cho dân tộc, vì tội lỗi của dân tộc, bởi vì nỗi khao khát lớn nhất của Người là quy tụ họ, cứu độ họ. Người Tôi tớ đã chấp nhận một cái chết ô nhục để giải thoát dân tộc khỏi cái chết và tội lỗi. Thế nhưng Thiên Chúa đã bảo đảm cho Người được tôn vinh sau cái chết. Những người được cứu độ sẽ trở nên gia nghiệp của Người. Cái chết của Người sẽ trở thành chiến thắng, và tiếng khóc của Người sẽ biến thành niềm vui.

Đối với chúng ta, Đức Kitô chính là người Tôi tớ của Giavê. Chính Người đã giải thích như vậy cho hai người môn đệ trên đường về Emmaus. Ông trợ tá Philipphê cũng giải thích Kinh thánh như thế trước khi rửa tội cho viên quan thái giám Etiôpi. Tội lỗi của nhân loại đè nặng lên Đức Kitô của Thập giá, Người đã muôn lãnh vào thân xác của mình tất cả mọi nỗi đau khổ lầm than của nhân loại.

Tuy nhiên, bên trên Thập giá, đã lóe lên ánh sáng của sự Phục sinh xé tan sự đen tối dày đặc của núi Calvariô. Thật vậy, những ai có đức tin, những ai có khả năng nhận ra vị Cứu tinh ở nơi Đức Kitô của thập giá, thì sẽ không rơi vào cảnh bi quan thất vọng. Ngày hôm nay Đức Kitô đau khổ là lời mời gọi hy sinh và từ bỏ, bởi vì chỉ những ai dám chết thì mới thủ đắc sự sống.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here