Kinh Cầu Thánh Giuse

0
1452

Phan Tấn Thành

Lễ thánh Giuse năm nay có một kỷ niệm đặc biệt, đó là 110 năm kinh cầu thánh Giuse được Tòa Thánh phê chuẩn, vào ngày 18 tháng 3 năm 1909.

I. Lịch sử

Thực ra, những bản kinh cầu thánh Giuse đã được lưu hành từ hơn 300 năm trước đó. Bản kinh cầu Thánh Giuse lâu đời nhất là của cha Jerónimo Gracián Dòng Carmel, xuất bản ở Rôma năm 1597 bằng tiếng Italia và Tây Ban Nha. Có lẽ ngài đã lấy từ một quyển sách nhỏ về bảy sự buồn cùng bảy sự vui của Thánh Giuse do Hiệp hội các thợ mộc in ở Perugia, và đã thêm vào nhiều lời cầu: ấn bản tiếng Tây Ban Nha có 49 lời cầu, trong khi bản tiếng Italia chỉ có 21 lời. Tiếc rằng vào thời gian này, nhiều kinh cầu của các thánh khác đã xuất hiện. Một vài bản kinh chứa đựng những lời cầu sai lầm về thần học; vì thế, năm 1601 dưới thời Đức Giáo Hoàng Clemente VIII, Tòa Thánh đã ra sắc lệnh buộc tất cả các kinh cầu, (ngoại trừ những kinh cầu đã được chấp thuận, (đó là kinh cầu Các Thánh và kinh cầu Đức Bà Loreto) phải đệ trình để được duyệt y trước khi cho sử dụng công khai. Các hàng giáo phẩm tại Italia và Tây Ban Nha giải thích và áp dụng Sắc lệnh này cách chặt chẽ, nên không sử dụng kinh cầu Thánh Giuse tại hai nước này. Nhưng ở các quốc gia khác bên Âu châu, hàng giáo phẩm giải thích rằng, sắc lệnh Tòa Thánh chỉ áp dụng cho các kinh cầu được đọc nơi công cộng chứ không áp dụng cho việc sử dụng riêng tư. Không lạ gì mà có hơn ba mươi phiên bản kinh cầu khác nhau được lưu hành đây đó, trong số này đáng kể hơn cả của chị María de San José Dòng Carmel (1548-1603), người bạn thân của Thánh Terexa Avila và cha Gracián; Thánh Francois de Sales trong lá thư gửi cho thánh nữ Gioanna Chantal năm 1614,.v.v… Trong những kinh cầu đa dạng, một vài lời cầu ca ngợi Thánh Giuse, nhìn nhận vai trò của Người trong thời thơ ấu của Chúa Kitô, sự hiệp nhất của Người với Đức Maria và những đặc ân của Người như là người chủ của Thánh Gia. Một vài kinh tóm tắt đời sống và sự ưu việt của Người, trong khi những kinh khác liệt kê những ân huệ chính với ước vọng sẽ đạt được nhờ lời chuyển cầu của Người. Một vài kinh chứa đựng những ý kiến đạo đức cá nhân chưa được Hội Thánh tuyên bố, ví dụ như sự thánh hóa của Người trong lòng mẹ và thân xác Người được đưa về trời, nhưng những điều này không bị Hội Thánh phản đối bởi vì nó phản ánh những ý tưởng thần học của thời đại.

Vào đầu thế kỷ XX, nhiều Giám mục tại châu Âu và châu Mỹ xin Tòa Thánh phê chuẩn kinh cầu để được đọc công khai. Sau nhiêu lần thỉnh nguyện bị từ chối, sau cùng Tổng Viện phụ Dòng Trappe, cha Sébastien Wyart (+ 1904) đã soạn một kinh cầu để xin phê chuẩn. Tuy nhiên theo nhiều học giả, công thức của kinh cầu được Đức Giáo Hoàng Piô X châu phê ngày 18/3/1909 và được lưu hành hiện nay là do Đức Hồng y Alexis Lépicier soạn ra. Ngài là một tu sĩ huộc dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, giáo sư đại học Urbaniana và Tổng trưởng bộ tu sĩ, đã viết cuốn sách thần học về thánh Giuse.

II. Nội dung

Kinh cầu có 25 lời khẩn nài. Lời khẩn nài đầu tiên “thánh Giuse” nói lên sự thánh thiện của Người, và khỏi cần chú giải. Trong phần còn lại, chúng ta có thể phân ra thành bốn nhóm: nhóm thứ nhất nói đến nguồn gốc (các câu khẩn nài số 2-3); nhóm thứ hai nói đến các chức vụ trong tương quan với Mẹ Maria và với Chúa Giêsu (từ số 4 đến số 8); nhóm thứ ba nêu bật 8 nhân đức của Người (từ số 9 đến số 16) kèm theo hai mẫu gương cho giới lao động và gia trưởng (số 17 và 18); nhóm cuối cùng kêu cầu Người như là kẻ bảo trợ (từ số 19 đến số 25). Nên biết bản dịch tiếng Việt hơi cổ điển và không sát với bản văn cho lắm; hơn nữa còn thêm “Thánh Giuse là” ở đầu mỗi lời xin, còn trong nguyên bản Latinh thì kêu cầu thẳng tước hiệu. Chúng tôi chú giải theo nguyên bản Latinh.

A. Nhóm thứ nhất: nguồn gốc trong lịch sử cứu độ

Hai tước hiệu đầu tiên là “miêu duệ vinh hiển của dòng dõi Đavit” và “ánh sáng của các tổ phụ”.

Tước hiệu “miêu duệ của dòng dõi Đavit” gợi lại lời của thiên sứ hiện ra với thánh Giuse được thuật lại trong Tin mừng thánh Matthêu: “này Giuse, con vua Đavit, đừng ngại nhận bà Maria làm vợ” (Mt 1,20; Lc 1,27). Chính nhờ thánh Giuse mà lời hứa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Nathan được ứng nghiệm, như chúng ta nghe đọc trong bài đọc thứ nhất của Thánh lễ (2Sm 7,12). Nhờ thánh Giuse mà Chúa Giêsu được nhìn nhận là “Con vua Đavit”, như đã đọc thấy nhiều lần trong Tân ước (chẳng hạn như Mc 10,47; Rm 1,4).

Tước hiệu “ánh sáng của các tổ phụ” có lẽ không chỉ gợi lại hình ảnh của ông Giuse trong Cựu ước cho bằng ông Abraham, tổ phụ của một gia tộc mới, gia tộc dựa trên đức tin và hy vọng, chứ không trên huyết tộc (được thánh Phaolô nhắc tới trong bài đọc 2 của Thánh Lễ: Rm 4,16).

B. Nhóm thứ hai: các chức vụ trong kế hoạch cứu độ

Các lời cầu trong nhóm này nói đến các chức vụ mà thánh Giuse được ủy thác trong kế hoạch cứu độ, trong tương quan với Đức Maria và với Chúa Giêsu, dựa trên các bản văn của Tin mừng thơ ấu.

Trước hết, Người là “Chồng của Thánh mẫu”, dựa theo lời thiên sứ mà chúng ta vừa nhắc đến trên đây (Mt 1,20). Vì là chồng của Đức Maria mà Chúa Giêsu trở thành con vua Davit; hơn thế nữa, thánh Giuse còn bảo vệ cho Đức Mẹ khỏi phải ném đá vì tội ngoại tình (bởi vì không có chồng mà lại có con). Đó là ý nghĩa của tước hiệu “Kẻ giữ gìn rất thanh khiết của Đức Trinh nữ”.

Hai tước hiệu kế tiếp nói lên tương quan với Chúa Giêsu: “Nghĩa phụ của Con Thiên Chúa” và “Kẻ bảo vệ ân cần của Chúa Kitô”. Tước hiệu thứ nhất ra như muốn chơi chữ một chút, bởi vì tuy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (tức là Thiên Chúa là Cha của ngài, như câu trả lời cho Đức Mẹ khi gặp lại sau 3 ngày thất lạc), nhưng ở dưới đất này, Đức Giêsu cũng có một người cha khác (quen dịch là: cha nuôi, dưỡng phụ, nghĩa phụ, hoặc linh phụ). Có tác giả cho rằng thánh Giuse giữ vai trò “dấu chỉ” hoặc “bí tích” của Chúa Cha đối với Đức Giêsu. Tước hiệu thứ hai “Kẻ bảo vệ” muốn nói đến vai trò của thánh Giuse trong giai đoạn thơ ấu của Chúa Hài đồng, đặc biệt là trong thời kỳ phải lánh nạn sang Ai cập rồi sau đó đưa về định cư ở Nazaret. Tại đây, trong gần 30 năm trường, thánh Giuse trở thành kẻ “cai quản thánh gia” như tước hiệu kế tiếp thuộc giai đoạn ẩn dật của Chúa Cứu thế.

C. Nhóm thứ ba: các nhân đức

Nói đúng ra, không ai có khả năng liệt kê trọn vẹn tất cả mọi nhân đức Kitô giáo. Chúng ta thường nghe nói đến ba nhân đức đối thần (tin – cậy- mến) và bốn nhân đức nhân bản (khôn ngoan – công bằng – can đảm – tiết độ). Nhưng với sự giúp đỡ của các triết gia Aristote và Ciceron, thánh Toma Aquino đã khai triển thành 54 nhân đức[1]. Liệu thánh Giuse có đủ hết các nhân đức đó hay không? Có lẽ có đủ đấy, nhưng nếu kể ra thì chắc là kinh cầu sẽ rất dài. Không lạ gì mà soạn giả chỉ giới hạn vào 8 nhân đức, nhưng đặt ở cấp cao nhất (superlative). Tám nhân đức là: công chính, khiết tịnh, khôn ngoan, mạnh bạo, vâng phục, trung tín, nhẫn nại, yêu mến thanh bần. Chúng ta nên ghi nhận là kinh cầu chỉ liệt kê các nhân đức nhân bản, bởi vì ba nhân đức “hướng Chúa” đã được hiểu ngậm trong các tước hiệu trên đây rồi, chẳng hạn như đức tin và đức hy vọng theo gương của các tổ phụ, nhất là Abraham, đức mến khi nói đến tương quan với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và nếu Tân ước đã ca ngợi Đức Maria có phúc vì đã tin vào Lời Chúa, thì chắc chắn lời khen này cũng có thể áp dụng cho thánh Giuse, kể từ khi nhận được lời mời của thiên sứ cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Kitô. Hẳn là những năm tháng sống bên cạnh Chúa Giêsu ở Belem, Ai cập và Nazareth cũng là thời gian lắng nghe, nghiền ngẫm lời Chúa, và tăng trưởng trong đức tin. Câu chuyện này đưa chúng ta trở về với chuỗi các nhân đức nhân bản vừa kể.

Đứng đầu là đức “công chính”. Bản dịch tiếng Việt “gồm no mọi nhân đức” là không sát với nguyên bản. Nhân đức này được đặt vào hàng đầu bởi vì được đề cao trong Tin mừng thánh Matthêu 1,19. Thực không dễ gì dịch sang tiếng Việt, bởi vì tính từ “Justus” thường được hiểu là “công bình”, áp dụng cho mối tương quan với tha nhân; tuy nhiên, Kinh thánh thì lại áp dụng tính từ này cho tương quan với Thiên Chúa, và vì thế phải dịch là “công chính” thì mới đúng. Sự đói khát công chính trở nên một trong 8 mối phúc. Thánh Phaolô tóm lại tất cả kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu là làm cho nhân loại được nên công chính (thường được gọi là “công chính hóa”), nghĩa là được ơn nghĩa trước mặt Chúa.

Tiếp theo là đức “khiết tịnh”, được hiểu đặc biệt trong tương quan với Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Thực vậy, nếu Đức Maria được gọi là “người mẹ trinh khiết”, thì ta cũng có thể gọi thánh Giuse là “người cha khiết tịnh” của Chúa Cứu thế. Điều này được Tin mừng thánh Matthêu nêu bật ở chương một, khi thuật lại cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu.

Sau hai nhân đức được minh thị nhắc đến trong Tin mừng, kinh cầu nhắc đến các nhân đức mà chúng ta nhận thấy nơi cuộc đời của Người: đức khôn ngoan đứng đầu bốn nhân đức trụ, nhưng ta có thể hiểu về lời khen dành cho người tôi tớ “trung tín và khôn ngoan” được trao nhiệm vụ quản trị nhà Chúa. “Can đảm” (hoặc “mạnh mẽ, mạnh bạo) vừa là một nhân đức trụ, vừa là một trong bảy ơn huệ Thánh Linh giúp vượt qua những trở ngại trong việc thi hành ý Chúa; vì thế không lạ gì mà liền đó, nó được gắn với đức vâng phục, luôn sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy. Trong tư thế đó, Người tỏ ra là kẻ “trung tín” (tiếng Việt dịch là “ngay chính thật thà”), trung thành với nhiệm vụ đã trao phó. Hai nhân đức kế tiếp “nhẫn nại” và “khó nghèo” cần được hiểu theo nghĩa Kinh thánh như là đặc tính của kẻ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự.

Đành rằng những nhân đức vừa nêu thích hợp cho tất cả mọi Kitô hữu, nhưng hai câu khẩn nài kế tiếp giới thiệu thánh Giuse như là mẫu gương cho hai hàng ngũ: thứ nhất là giới lao động (mà bản dịch tiếng Việt gọi là “thợ thuyền”), đặc biệt khi ĐTC Pio XII đã thiết lập lễ thánh Giuse lao công vào ngày lễ lao động quốc tế (1 tháng 5); thứ hai là các gia đình, bởi vì trên đây, chúng ta đã nêu bật tấm gương của Người tại thánh gia Nazareth. Và như thế là kinh cầu đã chuyển sang nhóm thứ bốn, tuyên dương thánh Giuse làm đấng bảo trợ của những đoàn ngũ khác nhau trong Hội thánh, dường như là kết luận của những điều đã suy gẫm từ đầu đến nay.

D. Nhóm thứ bốn: Thánh Giuse đấng bảo trợ

Thánh Giuse lần lượt được gọi là Đấng bảo trợ (hoặc quan thầy, che chở) cho những người sống trinh khiết cũng như những người lập gia đình; những người lầm than cơ cực, những người bệnh tật ốm đau, bởi vì Người đã trải nghiệm những cảnh ấy. Đặc biệt, Người được kêu cầu như là bổn mạng của những người lâm tử, bởi vì Người đã được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đứng kề bên cạnh vào lúc lìa đời. Lời khẩn cầu áp chót “Kẻ làm cho ma quỷ kinh hoàng” dĩ nhiên là không nói đến vai trò bảo trợ đối với ác thần, nhưng là cho chúng ta được an tâm, bởi vì thánh Giuse cũng được chia sẻ sự chiến thắng của Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã hứa sẽ giữ gìn Hội thánh khỏi mọi tấn công của ma quỷ (Mt 16,18). Điều này đưa chúng ta đến lời khẩn nài cuối cùng, với tước hiệu “bổn mạng của Hội thánh”, được ĐTC Piô IX tuyên bố vào ngày 8 tháng 12 năm 1870.

________

Kinh cầu thánh Giuse tiếng Latinh

Kyrie, eléison.
Kyrie, eléison.

Christe, eléison.
Christe, eléison.

Kyrie, eléison.
Kyrie, eléison.

Christe, audi nos.
Christe, audi nos.

Christe, exáudi nos.
Christe, exáudi nos.

Pater de cælis Deus,
miserére nobis.

Fili, Redémptor mundi, Deus,
miserére nobis.

Spíritus Sancte, Deus,
miserére nobis.

Sancta Trínitas, unus Deus,
miserére nobis.

Sancta María, (R.)
ora pro nobis.

Sancte Ioseph, R.
Proles David ínclita, R.
Lumen Patriarcharum, R.
Dei Genetrícis Sponse, R.
Custos pudice Vírginis, R.
Filii Dei nutrície, R.
Christi defénsor sédule, R.
Almae Familiae praeses, R.

Ioseph iustíssime, R.
Ioseph castíssime, R.
Ioseph prudentíssime, R.
Ioseph fortíssime, R.
Ioseph obedientíssime, R.
Ioseph fidelíssime, R.

Spéculum patiéntiae, R.
Amátor paupertátis, R.
Exémplar opíficum, R.
Domésticae vitae decus, R.
Custos vírginum, R.
Familiárum cólumen, R.
Solácium miserórum, R.
Spes aegrotántium, R.
Patróne moriéntium, R.
Terror daémonum, R.
Protéctor sanctae Ecclésiae, R.

Agnus Dei, qui tollis peccata mundi,
parce nobis, Dómine.
Agnus Dei, qui tollis peccata mundi,
exáudi nos, Dómine.
Agnus Dei, qui tollis peccata mundi,
miserére nobis.

V. Constítuit eum dóminum domus suae.
R. Et príncipem omnis possesiónis suae.

Orémus.

Deus, qui ineffábili providéntia beátum Ioseph sanctíssimae Genetrícis tuae sponsum elígere dignátus es: praesta, quaesumus; ut, quem protectórem venerámur in terris, intercessórem habére mereámur in caelis: Qui vivis et regna in saecula saeculorum.

Amen.



Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúa Kitô nghe cho chúng con.

Chúa Kitô nhậm lời chúng con.


Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật. Thưa: Thương xót chúng con.
(Câu nào cũng thưa như vậy)

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.

Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.

Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Rất Thánh Đức Bà Maria.

Thưa: Cầu cho chúng con.

(Câu nào cũng thưa như vậy)

Thánh Giuse.
Thánh Giuse là Đấng sang trọng bởi dòng Đavít.
Thánh Giuse là sự sáng láng các Thánh Tổ Tông.
Thánh Giuse là bạn Đức Mẹ Chúa Trời.
Thánh Giuse là Đấng thanh sạch giữ gìn Đức Nữ Đồng Trinh.
Thánh Giuse là Đấng dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời.
Thánh Giuse là Đấng ân cần gìn giữ Chúa Kitô.
Thánh Giuse là Đấng cai quản Thánh Gia Thất xưa.

Thánh Giuse gồm no mọi nhân đức.
Thánh Giuse cực thanh cực tịnh.
Thánh Giuse cực khôn cực ngoan.
Thánh Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ.
Thánh Giuse chịu lụy mọi đàng.
Thánh Giuse rất ngay chính thật thà.

Thánh Giuse là gương nhân đức nhịn nhục.
Thánh Giuse yêu chuộng sự khó khăn.
Thánh Giuse là kiểu thức thợ thuyền noi theo.
Thánh Giuse là Đấng làm cho sáng danh gia đạo.
Thánh Giuse che chở kẻ giữ mình đồng trinh.
Thánh Giuse là Đấng nâng đỡ gia thất chúng con.
Thánh Giuse là Đấng an ủi kẻ mắc gian nan.
Thánh Giuse là nơi cậy cho kẻ liệt lào.
Thánh Giuse là bổn mạng kẻ mong sinh thì.
Thánh Giuse làm cho quỷ thần kinh khiếp.
Thánh Giuse là quan thầy bàu chữa Hội Thánh.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu nhậm lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu thương xót chúng con.

Chúa đã đặt Thánh Giuse làm chủ nhà Chúa.
Đáp: Cùng quản cai gia nghiệp Chúa.

 Lời nguyện

Lạy Đức Chúa Giêsu là Chúa chúng con, Chúa đã khấng toan liệu cách khôn ngoan, lưỡi khen chẳng xiết, mà chọn Thánh Giuse làm bạn thanh sạch Đức Mẹ thân sanh Chúa. Xin Chúa hãy khấng ban cho chúng con như đã cung kính Thánh Giuse làm quan thầy bàu chữa dưới đất, thì cũng được nhờ Người cầu thay nguyện giúp trên trời, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị đời đời.

Amen.





[1] X. Phan Tấn Thành, Các nhân đức Kitô giáo (Đời sống tâm linh, tập XII), TPHCM 2014.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here