KHỔ CHẾ TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

0
3319

Phan Tấn Thành

(Đời Sống Tâm Linh, Tập III, Chương 9, Mục 3)

I. Ý nghĩa: các động lực

II. Thực hành

A. Kinh thánh

B. Đời đan tu

C. Thời Trung đại: Thánh Tôma Aquinô

D. Thời cận đại

E. Thế kỷ XX

————————–

Truyền thống tu đức nói đến ba chướng ngại ngăn cản sự triển nở của đức mến: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Sau khi đã bàn về “ma quỷ”, chúng ta bước sang “thế gian” và “xác thịt”.

Trong phần thứ nhất, khi bàn về con người như chủ thể đời sống tâm linh (chương 5), chúng tôi đã có dịp giải thích ý nghĩa vài từ ngữ hàm hồ đã từng gây hiểu lầm đáng tiếc trải qua lịch sử Ktiô giáo, trong đó có “xác thịt”, “thế gian”. Như đã biết, thánh Phaolô không hiểu tiếng “xác thịt” như là “thân thể”, và thánh Gioan không hiểu tiếng “thế gian” theo nghĩa “thế giới”. Sống đời tâm linh không có nghĩa là giết chết thân xác để cho linh hồn được siêu thăng, hoặc rút lui lên hoang địa để ở một mình với Thiên Chúa! Thân xác và thế giới đều là công trình của Thiên Chúa tạo dựng (chứ không phải là sản phẩm của Ác thần). Xã hội là một môi trường cần thiết để cho ta nên thánh: xã hội (bao gồm cả gia đình, Hội thánh) là môi trường đào tạo đời sống tâm linh của ta; xã hội cũng là môi trường để ta thực thi đức ái (phục vụ Đức Kitô nơi những người nghèo).

“Thế gian” và “xác thịt” có thể trở thành chướng ngại cho hành trình tâm linh khi chúng ta sử dụng chúng không phù hợp với ý định của Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta tôn sùng chúng như thần tượng. Nói cho cùng, căn do tội lỗi không phải là thế gian hay xác thịt nhưng là chính cái tâm của ta. Trên thực tế, ai ai cũng cảm nghiệm chua chát rằng toàn thân của ta chưa thuộc trọn về Thiên Chúa: lý trí thì u mê, ý chí thì yếu ớt, các cảm xúc tha hồ tung hoành, lại thêm các ngoại giác tiếp tế thêm chất lượng nuôi dưỡng dục vọng. Thần học gọi đó là tinh trạng “thương tích” của con người. Hiểu như vậy, hành trình tiến đến việc kết hiệp với Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải sửa chữa những lệch lạc của các quan năng, ngõ hầu đặt chúng dưới sự chỉ đạo của đức mến. Công tác này được gọi là khổ chế, được diễn tả qua nhiều từ ngữ khác nhau: “thao luyện” (ascesis, bởi động từ Hy-lạp askeo có nghĩa là luyện tập, áp dụng cho các lực sĩ, quân nhân cũng như thủ công); “đền tội” (hoặc việc thống hối: paenitentia), “hãm mình” nghĩa là cầm hãm chính mình (tuy gốc Latinh mortificatio có nghĩa là: làm chết đi).

Thực ra, đâu chỉ riêng gì Kitô giáo mới nêu bật tầm quan trọng của khổ chế trong đời sống tâm linh. Đạo lý này cũng gặp thấy nơi nhiều tôn giáo khác nữa, cách riêng là các tôn giáo Đông phương. Phải chăng đây là một kinh nghiệm ngàn đời của nhân loại? Kitô giáo có gì khác biệt không?

Những vấn nạn này được nêu lên không phải vì muốn chứng tỏ Kitô giáo có cái gì hơn người, nhưng nhất là vì nhiều quan niệm lệch lạc đã nổi lên trong lịch sử khi bàn về vấn đề khổ chế. Ngay từ thời các giáo phụ, đã có những nhóm người chủ trương kiêng kỵ rượu chè và ngăn cấm luôn cả hôn nhân nữa, tựa như nhóm Tiết dục (encratiti), nhóm Ngộ giáo (gnostici), nhóm Mani (chủ trương nhị nguyên, kéo dài sang thời Trung cổ dưới dạng Cathari). Điều đáng tiếc là đôi khi chủ trương quá khắc khổ dẫn họ tới thái cực trái ngược: họ kết án hôn phối để rồi sống chung chạ lang bang[1]. Vì thế, việc duyệt xét các động lực thực hành khổ chế là điều cần thiết.

I. Ý nghĩa

Người ta có thể thực hành khổ chế vì nhiều động lực khác nhau: bảo vệ sức khỏe thể lý hoặc tâm lý, phụng tự, kết hiệp với Đức Kitô.

1/ Vì lý do sức khỏe thể ly. Đông y cũng như Tây y đều cảnh cáo chúng ta về việc ăn uống quá độ (cách riêng là rượu chè, thuốc lá) bởi vì nó có hại đến sức khỏe. Việc kiêng cữ vài thức ăn trở thành bắt buộc đối với một số bệnh (chẳng hạn kiêng muối đối với người áp huyết cao)! Các lực sĩ cũng phải tập luyện kham khổ, như thánh Phaolô đã nhận xét ở các thao trường bên Hy lạp: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt được phần thưởng chóng hư; trái lại, chúng ta nhắm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1Cr 9,25). Đó là chưa nói đến chuyện thẩm mỹ: ai muốn giữ thân hình thon thẻ thì không thể bạ đâu ăn đó?

2/ Sức khỏe tâm lý: giáo dục nhân bản. Việc kiềm chế các đòi hỏi của bản năng là một điều kiện thiết yếu của tiến trình giáo dục. Cha mẹ nào thực tình thương con cái đều có lúc buộc phải nói “không được” với chúng, chứ không thể nào chiều theo hết mọi sở thích của chúng. Tâm lý giáo dục nêu bật sự cần thiết của sự “đối kháng” như vậy để cho con em trưởng thành nhân cách, biết đắn đo suy nghĩ[2]. Đây cũng là động lực của các việc khổ chế đặt ra cho giới tu hành, nhằm tập luyện kiểm sóat các nhu cầu bản năng, buộc chúng phải tuân theo ý chí (chứ không phải ngược lại). Đó cũng là nhiệm vụ của đức tiết độ đã nói trước đây: nhờ việc làm chủ bản năng, chúng ta trở thành tự do hơn, nghĩa là để cho ý chí (chứ không phải bản năng) điều khiển các hành vi của chúng ta. Một người nghiện rượu thì làm nô lệ cho rượu (bởi vì không thể cưỡng lại sự khống chế của cơn nghiện); kẻ tiết độ là người tự do: họ chỉ uống khi nào và trong mức độ nào do ý chí định đoạt.

3/ Động lực tôn giáo. Hai động lực trên đây nằm trong lãnh vực nhân bản (nhằm đến sức khỏe thể lý hay tinh thần của con người); ngoài ra, còn thêm những động lực tôn giáo, nghĩa là trong mối liên hệ với thế giới thần linh.

– Vài tôn giáo bắt buộc giữ việc kiêng khem (kiêng cữ lương thực, kiêng cữ ái ân vợ chồng) như  điều kiện thanh tẩy trước khi con người đi gặp gỡ thần linh. Ta thấy vết tích trong Cựu ước (xc. Xh 19,15; 1S 21,5-6). Người ta gọi đó là “khổ chế phụng tự”.

– Nơi các tôn giáo Ấn độ, các công tác khổ chế được gọi như là bước chuẩn bị tiến đến thiền định (yoga).

– Tại nhiều tôn giáo, các việc khổ chế mang tính cách sám hối đền tội. Chúng biểu lộ sự đau xót vì đã xúc phạm đến Chúa, và chấp nhận đau khổ để đền tội. Chúng ta đọc thấy nhiều chứng tích trong Kinh thánh ngay từ Cựu ước, chẳng hạn dân thành Ninivê sau khi nghe lời giảng của ngôn sứ Giôna đã ăn chay, mặc áo vải thô (Gn 3,4-10). Bà Esther cũng yêu cầu toàn dân Israel ăn chay để gia tăng hiệu lực cho lời cầu nguyện xin Chúa giải thóat khỏi cảnh diệt vong (Et 4,8,15).

4/ Đồng hóa với đức Kitô. Những giá trị vừa nói thuộc về kinh nghiệm tu đức cổ truyền của nhân loại và được đón nhận vào Kitô giáo. Dưới ánh sáng Tân ước, truyền thống đó cũng được thanh lọc và kiện toàn.

a- Thanh lọc. Kitô giáo không chấp nhận những động lực trái nghịch với mạc khải, chẳng hạn như: không có thức ăn nào “ô uế” (Mc 7,19) khiến ta phải tránh; thân xác không phải là tù ngục của linh hồn khiến ta phải hành hạ!

b- Kiện toàn. Giá trị của các việc khổ chế nằm ở đức ái chứ không phải ở sự đau đớn mà nó gây ra. Cách riêng, toàn bộ công tác khổ chế nhằm đến việc hoà đồng với Đức Kito “chịu đóng đinh, mai táng và sống lại”. Khi lãnh bí tích rửa tội, chúng ta đã được liên kết với mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô (Rm 6, 3-7). Thực tại huyền nhiệm này cần được diễn đạt ra suốt cuộc đời: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,19-20). “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24). “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương khó của đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10)[3].  Cũng như đức Kitô, người tín hữu cũng mang thao thức cứu độ nhân loại, vì thế họ cũng muốn góp phần vào kế hoạch cứu độ nhờ việc tham dự vào những khổ nạn thập giá.

II. Thực hành khổ chế

Trải qua lịch sử Kitô giáo, chúng ta thấy có nhiều lối quan niệm về việc thực hành khổ chế, tùy theo thời đại cũng như tùy theo môi trường sinh sống.

A. Kinh thánh

Trong Tân ước, bên cạnh những nguyên tắc tổng quát về việc khổ chế, ta còn thấy nhắc đến vài thực hành cụ thể tiếp thu từ đạo Do thái.

1/ Những nguyên tắc tổng quát

– Lời mời “đi theo Chúa Giêsu” bao hàm việc “từ bỏ mình, vác khổ giá hàng ngày” (Mc 8,34-35; Mt 10,39; 16,24-26; 17,33; Lc 9,23; Ga 12,25). Việc từ bỏ đôi khi được diễn tả qua hình ảnh ghê rợn, tựa như “chặt tay, móc mắt, hy sinh mạng sống”, nếu chúng làm ngăn trở chương trình (Lc 14,26-27), đó là chưa nói đến việc từ bỏ những mối tình cảm rất chính đáng đối với thân quyến: cha mẹ, vợ con, anh em, họ hàng (Mc 10,29).

– Thánh Phaolô dùng diễn ngữ: lột bỏ con người cũ (Cl 3,1.9-10; Ep 4,22-24), làm chết đi (nekrosis, mortificatio: 2Cr 4,10; Cl 3,5), chiến đấu (2Cr 11,23-29), thao luyện (1Cr 9,24-27; 2Tm 2,4-5; 4,7).

2/ Ba công tác cụ thể: cầu nguyện, chay tịnh, bố thí

Các tín đồ Do thái quen thâu tóm các việc đạo đức vào ba công tác: cầu nguyện, chay tịnh, bố thí (Tb 12,8). Hội thánh tiên khởi đã tiếp nhận truyền thống này (Cv 10,2.4.31; 13,2-3; 14,23), tuy không quên những lời căn dặn của Đức Giêsu chú trọng đến tinh thần của chúng hơn là tuân giữ hình thức (Mt 6,1-18).

Về sau, các giáo phụ đào sâu ý nghĩa của ba công tác, được coi như là ba chiều kích của đời sống tâm linh: “cầu nguyện” ám chỉ mối tương quan với Thiên Chúa, “chay tịnh” ám chỉ cách đối xử với bản thân ta; “bố thí” ám chỉ mối tương quan với tha nhân[4].

Việc chay tịnh được thực hành như hình thức thống hối không những trên bình diện cá nhân mà còn trên bình diện cộng đoàn, đặc biệt là trong vòng 40 ngày chuẩn bị lễ Phục sinh (Mùa Chay, trong nguyên gốc latinh là mùa “Bốn Mươi”: quadragesima). Trong quá khứ, việc chay tịnh được áp dụng vào việc ăn uống, nhưng ngày nay được mở rộng sang các lãnh vực khác: kiêng thuốc lá, giải trí, phim ảnh, du ngoạn, vv.. vừa để hãm mình đền tội vừa để dành dụm tiền bạc để giúp người nghèo.

B. Đời đan tu

Từ khi xuất hiện nếp sống đan tu vào cuối thế kỷ thứ ba, đời sống tâm linh được gắn liền với nhiều công tác khổ chế: từ bỏ gia đình, từ bỏ tiện nghi thành thị, từ bỏ tài sản, từ bỏ ý riêng. Dưới sự hướng dẫn của các sư phụ hay bản luật, các đan sĩ phải thực hành việc chay tịnh, kiêng thịt, canh thức, cầu nguyện, lao động[5].

Những việc khổ hạnh này được duy trì trong hết các Dòng tu cho đến công đồng Vaticanô II. Cũng nên thêm là vào thời Trung cổ, nhiều người đã thêm những hình thức khổ chế tự nguyện nhằm hoạ lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu: đánh tội, mặc áo nhặm. Một cách tương tự như vậy, có những vị thánh xin được chia sẻ sự đau khổ với Chúa (xc. Cl 1,24). qua bệnh tật thể lý, sỉ nhục tinh thần.

C. Thời Trung đại: Tổng luận thần học của thánh Tôma

Khi bàn đến lộ trình “trở về với Thiên Chúa” (reditus ad Deum) trong phần thứ hai của bộ Tổng luận thần học, thánh Tôma không liệt kê các công việc khổ chế, nhưng chú trọng đến việc thực hành các nhân đức. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, các nhân đức chi phối toàn thể đời sống tâm linh của con người: lý trí, ý chí, tình cảm. Việc thực tập nhân đức nhắm sửa trị những thiếu sót lệch lạc nơi các quan năng con người, thí dụ đức hùng mạnh vừa sửa trị tính hung hăng thô bạo, vừa điều chỉnh tính nhút nhát hoặc thiếu kiên trì khi thi hành bổn phận.

Ngoài ra, khi bàn về con đường trọn lành, thánh Tôma cho thấy cốt yếu của nó hệ tại đức mến. Để đạt đến lý tưởng đó, không những ta phải tránh tội lỗi nhưng còn gắng cất đi những trở ngại. Trong bối cảnh đó, ba lời khấn dòng vừa mang tính cách khổ chế vừa có giá trị dâng hiến (II-II, q.186, a.7). Ba lời khấn giúp tu sĩ cắt đứt lòng ham mê của cải (thanh bần), lòng ham muốn khóai lạc (khiết tịnh), sự thao túng của ý chí (vâng lời). Đồng thời ba lời khấn cũng dâng hiến cho Chúa các tài sản vật chất (thanh bần), thân xác (khiết tịnh), ý chí tự do (vâng lời). Cũng nên biết là xét về kỷ luật tu trì, dòng Đaminh quan niệm việc học hành như một thứ khổ chế (II-II, q.166; q.188 a.5).

D. Thời cận đại

Dựa theo kinh nghiệm rút từ các bản luật đan tu, những bài giảng của trường phái sông Rhin (Henri Suso), các tác phẩm của Dòng Carmêlô (Têrêsa Avila, Gioan thánh giá), thần học tu đức Kitô giáo đã phác hoạ một hệ thống những công tác khổ chế áp dụng cho hết mọi quan năng: ngoại quan, nội quan, cảm xúc, cơ năng tinh thần.

1/ Ngoại quan (ngũ giác)

– Thị giác. Tránh nhìn những gì gây dịp tội. Chỉ nhìn xem những điều cần thiết và hữu ích. Kìm hãm cặp mắt không đảo tứ phía.

– Thính giác (tai và miệng). Không nghe và nói những lời thô tục, những lời dèm pha tâng bốc, những lời lẩm bẩm ca thán. Không ngồi lê bới móc. Tập giữ thinh lặng, để hồi tâm cầu nguyện.

– Khứu giác (Mũi). Chịu đựng những mùi hôi hám, nhất là khi tiếp xúc với người nghèo, người bệnh, người tù. Tránh dùng nước hoa.

– Vị giác (Lưỡi). Việc hãm mình không những đòi hỏi ăn uống điều độ chừng mực, mà còn tránh đồ cao lương mỹ vị, nhịn bớt những món khóai khẩu.

– Xúc giác. Tránh những cử chỉ vuốt ve. Rèn luyện thân thể chịu đựng đau khổ, thay vì nuông chiều nó với những tiện nghi.

2/ Nội quan

– Óc tưởng tượng và ký ức. Chú ý tập trung tư tưởng, không để cho óc tưởng tượng lôi cuốn dông dài. Tránh việc ăn không ngồi rồi, thả hồn theo mộng. Tránh đọc những chuyện hoang đường.

– Tư tưởng. Loại bỏ những ý tưởng xấu, hướng chiều về đam mê (kiêu ngạo, ghen tương, thù hận, giận dữ, tà dâm, vv). Tránh tật tọc mạch tìm hiểu những chuyện không cần thiết.

3/ Cảm xúc

Thần học kinh viện liệt kê 11 thứ cảm xúc, phân làm hai nhóm:

a) Sáu cảm xúc thuộc “tham dục” (appetitus concupiscibilis): “yêu” (amor: ái) và “ghét” (odium: ố); “ước ao” (desiderium: dục) và “trốn tránh” (fuga, abominatio: đào); “vui” (gaudium: hỉ) và “buồn” (tristitia: ai).

b) Năm cảm xúc thuộc“nộ dục” (appetitus irascibilis): “hy vọng” (spes: hy), và “thất vọng” (desperatio: thất); “liều” (audacia: đảm) và”sợ” (timor: cụ); “tức giận” (ira: giận). (xc. Chương Năm)

Như ta đã biết, đức tiết độ nhằm điều khiển “tham dục” và đức mạnh bạo điều khiển “nộ dục”. Việc khổ chế cảm xúc nhằm tập luyện việc kiểm sóat chúng, và đồng thời hướng đến những đối tượng tốt. Thí dụ sự “ghét” được hướng đến việc ghét tội lỗi, ghét những gì hạ giá con người. Dù sao đi nữa, ta không thể nào “diệt dục” được, nhất là tình yêu. Thánh nhân không phải là người không biết yêu! Phải nói ngược lại, thánh nhân là người yêu đến tột độ. Vấn đề then chốt nằm ở chỗ: “yêu ai? yêu cái gì? yêu thế nào?” Những điểm này đã được đề cập khi bàn về đức Mến.

4/ Tinh thần

Việc khổ chế trở nên cam go hơn khi bước sang các cơ quan tinh thần: lý trí và ý chí, nhằm tiêu diệt tính kiêu căng và ích kỷ.

Lý trí cần phải hướng đến việc truy tầm chân lý, dẹp bỏ những thiên kiến, những phán đóan nông nổi, và nhất là đi tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa chứ không phải sự khôn ngoan của thế gian. Điều này giả thiết việc nghiền gẫm Lời Chúa ngõ hầu huấn luyện phán đóan của ta theo tinh thần Phúc âm.

Ý chí cần được uốn nắn để không tìm thỏa mãn sở thích riêng tư, nhưng tìm kiếm ý Chúa, và vì Chúa sẵn sàng khước từ ý riêng để phục vụ Nước Trời. Như vậy việc thanh luyện ý chí nhằm giúp cho ta tạo ra ý hướng ngay thẳng trong khi hành động: đi tìm vinh danh Chúa, chứ không phải tiếng khen của người đời.

Nói đến việc khổ chế lý trí và ý chí, chúng ta liên tưởng đến việc thực tập các nhân đức khiêm nhường. Tuy nhiên, thánh Gioan Thánh giá móc nối việc khổ chế tinh thần với ba nhân đức hướng Chúa: tin (lý trí), cậy (ký ức), mến (ý chí). Người cũng thêm rằng ngoài những khổ chế mà chúng ta tự đặt cho mình (thanh luyện chủ động: purificatio activa), chính Thiên Chúa sẽ can thiệp để thanh luyện chúng ta (thanh luyện thụ động: purificatio passiva). Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong chương tới.

E. Thế kỷ XX

1/ Vào thế kỷ XX, vấn đề khổ chế được xét lại từ hai phía: tâm thức thời đại và thần học.

a) Thời đại khoa học kỹ thuật khuyến khích việc phát triển các giá trị nhân bản, (thay vì kiềm chế bản năng) cũng như cung cấp nhiều tiện nghi vật chất (khác với nếp sống chật vật trước đây). Đối với đời sống tâm linh, nó có thể tạo  ra não trạng hưởng thụ, thích khóai lạc, ngại hy sinh. Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy hãy khám phá những giá trị tích cực của thế giới và cuộc sống, thay cho quan điểm yếm thế bi quan.

b) Mặt khác, các hình thức khổ chế cổ truyền cũng bị một số nhà thần học chỉ trích là phản Phúc âm; nhiễm thuyết nhị nguyên (Manikê) khinh rẻ vật chất; tìm sự cứu độ nhờ công sức bản thân thay vì dựa vào ân sủng (Pêlagiô).

2/ Chính trong bối cảnh này mà vấn đề truy tầm các động lực khổ chế được đặt ra: tại sao phải thực hành khổ chế? Đâu là động lực chính yếu của khổ chế Kitô giáo? Cũng nhờ vậy các việc khổ chế được đánh giá theo đúng vị trí của nó. Thực vây, đời sống tâm linh nhắm đưa ta đến việc kết hiệp với Thiên Chúa, với nguyên ủy là đức mến: sự thánh thiện trọn lành không nằm ở chỗ thực hiện các việc khổ chế rùng rợn nhưng ở tại đức mến. Một thí dụ có thể nhận thấy nơi linh đạo “con đường nhỏ” của thánh Têrêsa hài đồng Giêsu[6]: ta có thể nên thánh nhờ lửa mến tình yêu nồng cháy khi thực hiện những công việc nhỏ nhặt. Đặt trong bối cảnh của đức mến, các việc khổ chế chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh trong đời sống tâm linh: vai trò của chúng là dẹp bỏ những trở ngại cho sự triển nở của đức mến, hoặc biểu lộ nhiệt tình yêu mến (khi đã yêu ai thì không quản ngại làm bất cứ điều gì để làm đẹp lòng người yêu).

3/ Thần học cận đại cũng nêu bật ba hình thức khổ chế được gắn liền với đức mến: thi hành công tác bác ái, chu toàn nghĩa vụ, chấp nhận đau khổ.

a) Trước đây, các tác phẩm viết về đời sống tâm linh ra đời trong khung cảnh của các đan viện. Các việc khổ chế (hãm mình, chay tịnh) hướng đến việc giúp đan sĩ đạt đến sự kết hiệp với Thiên Chúa bằng việc chiêm niệm. Các hoạt động tông đồ bác ái không có chỗ đứng trong hành trình đó. Với sự xuất hiện của các dòng tu dấn thân vào sinh hoạt tông đồ, người ta cần thấy cần phải xét lại vấn đề: Công tác tông đồ đòi hỏi nhiều hy sinh từ bỏ, vì thế cũng phải được coi là khổ chế chứ? Chúng ta hãy đọc lại tự thuật của thánh Phaolô tông đồ thì đủ rõ:

Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng.  Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả (2Cr 6,4-10; xem thêm 11,23-29).

Những gì thánh Phaolô viết về hoạt động truyền giáo cũng có thể áp dụng cho các công tác bác ái xã hội: việc dấn thân phục vụ người nghèo đòi hỏi phải khước từ nếp sống an toàn bản thân, chấp nhận chia sẻ nhiều gian nan quẫn bách, miễn là được thúc đẩy do đức mến: “Lòng yêu mến Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2Cr 5,14). Thực vậy, nhờ cảm nhận được tình thương Thiên Chúa, người tín hữu cũng muốn chia sẻ tình thương đó cho tha nhân, nhất là những thành phần yếu ớt. Dù sao, một đoạn văn của Phúc âm theo thánh Luca làm ta phải suy nghĩ. Trong bài giảng trên núi theo Tin mừng thánh Matthêu, chúng ta được mời gọi hãy “trở nên trọn lành như Cha trên trời” (Mt 5,48). Thử hỏi: làm thế nào để nên trọn lành giống như Cha trên trời? Thánh Luca diễn tả cách cụ thể như sau: “Anh em hãy trở nên lân tuất như Cha trên trời (Lc 6,36). Như vậy, đường trọn lành không nằm ở chỗ ngây ngất xuất thần, nhưng ở chỗ có lòng từ bi thương xót, thông cảm những thống khổ của tha nhân, và tìm cách giúp đỡ họ.

b) Nhìn dưới viễn ảnh của đức mến, người ta cũng có thể đánh giá việc chu toàn bổn phận hàng ngày như là một việc khổ chế, dưới rất nhiều hình dạng: từ bà nội trợ loay hoay với việc cơm nước trong nhà, cho đến một nhân viên tính tiền ở quầy hàng; từ một giáo viên ngày ngày đến trường dạy học cho đến một y tá phục vụ bệnh viện, vv. Những công việc lặt vặt nhàm chán lại có thể trở nên việc khổ chế, khi được thúc đẩy bởi đức mến: một cơ hội để thi hành công tác ở mức tối ưu, với khuôn mặt tươi cười đem lại niềm vui cho tha nhân, bất chấp những quấy rầy (xc. Rm 15,1-3). Đức mến mang lại giá trị cho các việc khổ chế chứ không phải ngược lại. Thực vậy, người đạo đức không hẳn là người lúc nào cũng nhắm mắt không trông không nhìn không xem. Khi trông thấy người không mấy thiện cảm, tôi có thể phớt lờ không chào họ: đó đâu phải là hành vi nhân đức? Mặt khác, chưa hẳn cái nhìn nào cũng là tốt lành đạo đức: đừng kể những cái nhìn với ý xấu mà Phúc âm đã kết án (Mt 5,28-29), ta cũng thể kể đến thái độ nhòm ngò để dò xét bới móc khuyết điểm tha nhân. Dĩ nhiên, cái nhìn thông cảm thương yêu là điều đáng ca ngợi. Một cách tương tự như vậy, tuy xác tín rằng “thinh lặng là vàng” nhưng có những trường hợp mà một lời an ủi khuyến khích có giá trị hơn là sự tẻ lạnh; việc kiên nhẫn lắng nghe lời tâm sự còn có giá trị hơn là bịt tai.

Trong bối cảnh này, chúng ta nên ghi nhận luồng thần học về giá trị của lao động, bắt đầu thành hình từ hiến chế Vui mừng và Hy vọng của công đồng Vaticanô II (số 67-72), và được quảng diễn trong thông điệp Laborem exercens của đức Gioan Phaolô II (14/9/1981). Lao động vừa là cộng tác vào công trình sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa, vừa phát huy các khả năng của con người, vừa góp phần vào việc kiến tạo xã hội, vừa là đóng góp vào công cuộc cứu độ của Đức Kitô qua những nhọc nhằn vất vả của mình (xc. GLCG 2427-2436).

c) Nhìn dưới ánh sáng của đức mến kết hiệp với Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, người ta tái khám phá giá trị cứu độ của những đau kho: bệnh tật, già nua, cơ cực… Những đau khổ đó xảy đến ngoài ý muốn của ta, chứ không do chúng ta chọn lựa. Tuy nhiên thay vì chịu đựng cách miễn cưỡng, chúng ta có thể lợi dụng cơ hội để kết hợp với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc nhân loại: những đau khổ có thể biến thành hy lễ cầu nguyện cho tha nhân được ơn cứu độ[7].

Tóm lại, trải qua lịch sử Kitô giáo, đã có nhiều dạng thức thực hành khổ chế khác nhau.  Điều quan trọng là ta cần biết đánh giá chúng đúng mức, như là những phương tiện giúp cho sự triển nở của đức mến (mến Chúa và yêu tha nhân). Nó vừa biểu lộ nỗ lực của ta muốn tiến trên đường trọn lành, vừa biểu lộ sự đáp trả sáng khởi của ơn thánh Chúa: “tôi có thể làm được vạn sự nhờ sức mạnh Chúa ban” (Pl 4,13).. “Ân sủng của Chúa đã không vô hiệu nơi tôi” (1Cr 15,10). Do lòng mến Chúa thôi thúc, mỗi người tín hữu sẽ tìm ra những hình thức khổ chế mới tùy theo hoàn cảnh. Có khi hãm bớt một sự thích thú nào đó (kiêng  thuốc lá, tắt máy truyền hình); nhưng có khi là vượt thắng ngại ngùng để đi phục vụ người khác (tiếp chuyện một người không mấy thiện cảm, những người hay quấy rầy).

Trước khi kết thúc chương này, thiết tưởng nên thêm một nhận xét quan trọng. Chúng ta đang bàn đến những trở ngại cho hành trình tâm linh xét dưới khía cạnh thần học luân lý, nghĩa là những gì trái nghịch hoặc làm cản trở sự phát triển của đức ái. Tâm lý hiện đại (cách riêng là tâm lý trị liệu) cũng bàn đến những trở ngại cho đời sống tâm linh nhưng xét dưới khía cạnh khác, đó là tâm bệnh, làm ngăn cản sự triển nở cuộc sống quân bình. Các tâm bệnh  có thể phân loại dựa theo những cơ quan tinh thần[8]:

1. Xét về nhận thức. “Ảo giác” (hallucination, illusion): khi không phân biệt được thực tại và ảo ảnh (tưởng rằng mình thấy, nghe một điều gì, nhưng thực sự không có như vậy). Một cách tương tự như vậy, một người lo sợ vu vơ vì tưởng tượng ra những tai hoạ đe doạ tính mạng của mình hay của người thân. Bệnh “hoang tưởng” (delire) cũng được xếp về loại này, gồm nhiều hình thức, từ chỗ những mặc cảm tự ti hay tự tôn, cho đến những trường hợp yên trí rằng mình bị bách hại, phản bội. Những người bị tư tưởng “ám ảnh” (obsession) cũng thuộc cùng lứa tâm bệnh.

2. Xét về cảm xúc. Những nhận thức vừa kể gây nhiều hậu quả trầm trọng cho cảm xúc, đưa đến những “rối loạn tâm thần” (psychose). Có người tưởng tượng mình là lãnh tụ vĩ đại của thế giới, từ đó họ nói năng cư xử tương tự như vậy. Đối lại là trường hợp của người bị bệnh “trầm uất” (dépression) có thể đưa đến chỗ tự tử vì thấy mình hoàn toàn vô dụng, bất lực. Những “âu lo” (anxiéte) và “sợ hãi” (phobie) cũng được xếp vào những rối loạn về cảm xúc.

3. Xét về cử chỉ, các tâm bệnh đôi khi phát hiện ra bên ngoài cơ thể, từ những sinh hoạt dinh dưỡng (mất ăn mất ngủ, dị ứng đối với vài thức ăn, hoặc ăn uống vô độ) và tính dục, cho đến cung cách giao tiếp xã hội (thái độ hống hách, gắt gỏng) hoặc mất kiểm sóat các quan năng tinh thần như trong tình trạng “điên khùng” (démence, schizophrénie) dưới nhiều hình thức.

Người mắc bệnh tâm thần không đương nhiên là người tội lỗi, bởi vì tội lỗi luân lý giả thiết sự hiểu biết và tự do, hai đặc tính không hội đủ trong những trường hợp vừa nêu. Tuy nhiên, người mắc tâm bệnh gặp nhiều khó khăn trong đời sống tâm linh, do hậu quả của căn bệnh của mình: từ chỗ tưởng tượng thấy Chúa hoặc Đức Mẹ hiện ra, đến chỗ yên trí bị ma quỷ ám hại. Có người nghĩ rằng họ được Chúa ủy thác sứ mạng cải tổ Giáo hội đang rơi vào cảnh sa đọạ; có người thì bối rối vì bất cứ ý tưởng, lời nói, hành động nào cũng là tội lỗi.

Đối với những trường hợp tương tự, ngoài những phương thế siêu nhiên (cầu nguyện, bí tích), nhiều lần đương sự cần sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Đôi khi đối với họ, thà cho ăn uống đầy đủ và một thời kỳ tĩnh dưỡng thì tốt hơn là khuyến khích khổ chế!

———————————

[1] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 77 (Tiết dục); 90-95 (Ngộ giáo, Manikê, Montanô).

[2] Xem: Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng  (do Bộ các tu hội tận hiến và tu đòan tông đồ xuất bản ngày 2/2/1990) số 37. Nên biết là trong tiếng latinh, danh từ  discipulus (môn sinh) và disciplina (môn học, kỷ luật) đều chung  nguồn gốc bởi động từ discere (học tập).

[3] Những động lực này được trình bày trong tông hiến Paenitemini của đức thánh cha Phaolô VI (17/2/1966)

[4] GLCG 1434; 1969. Xem thêm bài giảng của thánh Lêo Cả, trích đọc giờ Kinh Sách thứ năm sau lễ tro; bài giảng của thánh Gioan Kim ngôn, trích đọc giờ Kinh Sách thứ ba tuần III mùa Chay; lời nguyện chúa nhựt thứ III mùa Chay.

[5] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 106-109. Dân Thiên Chúa (giải thích giáo luật quyển 2, tập 4), trang 716-725.

[6] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 341-345.

[7] Xc. Tông thư Salvifici doloris của đức thánh cha Gioan Phaolô II ( 11/2/1984).

[8] L.J. Gonzalez, Terapia spirituale, Libreria editrice Vaticana, Città del Vaticano 2000

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here