“HY VỌNG KHI KHÔNG CÒN HY VỌNG”

0
2354

TĨNH TÂM THƯỢNG HỘI ĐỒNG

“HY VỌNG KHI KHÔNG CÒN HY VỌNG”.

Fr. Timothy Radcliffe OP, nguyên Tổng Quyền Dòng Đa Minh

Vào sáng Chúa Nhật 1-10-2023, cha Timothy Radcliffe OP, tu sĩ và là nguyên Tổng Quyền dòng Đa Minh đã chia sẻ một bài suy niệm về đề tài: “Hy vọng khi không còn hy vọng” cho các tham dự viên của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ khai mạc vào thứ Tư ngày 4 tháng 10.

Suy niệm 1: “Hy vọng khi không còn gì hy vọng” (1/10/2023)

Khi Đức Thánh Cha yêu cầu tôi hướng dẫn buổi tĩnh tâm này, tôi vừa cảm thấy hết sức vinh dự nhưng cũng vừa thấy lo lắng. Tôi ý thức sâu sắc về giới hạn của cá nhân mình. Một lão già da trắng, mắt xanh mũi lõ và là một người đàn ông như tôi thì không biết có cái gì tệ hơn! Tất cả những khía cạnh làm nên căn tính của tôi như thế hạn chế sự hiểu biết nơi tôi. Vậy thì xin mọi người thứ lỗi cho những thiếu sót của tôi trong ngôn từ.

Tất cả chúng ta đây đều có những bất toàn căn bản và chúng ta cần đến anh em mình. Karl Barth, thần học gia tầm cỡ của anh em Tin Lành nói về chữ “lẫn hay ” của bên Công giáo. Chẳng hạn, Kinh Thánh Truyền Thống, Đức Tin việc làm. Ông ấy được cho là đã thốt lên: “Cái ‘và’ Công giáo chết tiệt”. Vậy nên khi chúng ta cùng nhau lắng nghe trong những tuần sắp tới và khi có bất đồng, tôi cũng như chúng ta đây sẽ phải thường xuyên thốt lên: “Đúng vậy, và…” thay vì nói từ “Không”. Đó là cách tiến hành Thượng Hội Đồng vậy. Dĩ nhiên, đôi lúc cũng cần phải nói “Không”.

Trong bài đọc II, thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê, “xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi nên trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau”. (Pl 2,2). Chúng ta họp nhau lại ở đây là để cùng một lòng một ý. Đa số những người tham dự tiến trình của Thượng Hội Đồng lần này phải là những người bị ngạc nhiên bởi niềm vui vì trong tiến trình này, nhiều người lần đầu tiên được Giáo Hội mời đến để nói về Đức Tin và niềm hy vọng. Tuy nhiên, cũng có những người trong chúng ta đây lo lắng sợ hãi cho cuộc hành trình của những ngày sắp tới và không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một số người hy vọng Giáo Hội sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, đó là khi chúng ta đưa ra những quyết định hệ trọng, chẳng hạn về vai trò của nữ giới trong Giáo Hội. Một số khác sợ rằng những thay đổi như thế sẽ chỉ dẫn Giáo Hội đến bờ chia cắt, thậm chí là ly giáo. Hẳn là có một số tham dự viên chẳng muốn có mặt ở đây chút nào. Có một giám mục nói với tôi ông đã cầu nguyện để không được chọn đi họp lần này và lời cầu nguyện của ông đã được nhậm lời! Ai đó ở đây có thể thấy mình giống như đứa con trong Tin Mừng, lúc đầu không muốn đi làm vườn nho, nhưng rồi lại đi.

Trong Tin Mừng, vào những lúc hệ trọng, chúng ta luôn được nghe những từ này: “Đừng sợ!”. Thánh Gioan nói, “Tình yêu đích thực loại bỏ sự sợ hãi”. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách cầu xin Chúa giải thoát lòng chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Có một số người, nỗi sợ nằm ở sự thay đổi. Một số khác, sợ rằng không có gì thay đổi. Nhưng “cái chúng ta thực sự phải sợ đó chính là nỗi sợ hãi của bản thân chúng ta”[1]. Hẳn nhiên ai trong chúng ta cũng có nỗi sợ. Thánh Tôma Aquinô bảo rằng, can đảm là từ chối làm nô lệ cho sợ hãi. Hy vọng là chúng ta luôn biết cảm thông trước nỗi sợ của người khác, nhất là những ai bất đồng ý kiến với mình. “Như Ápraham, chúng ta đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hr 11,8). Nhưng nếu chúng ta để trái tim mình được tự do khỏi sự sợ hãi, hẳn là sẽ tuyệt vời hơn những gì chúng ta tưởng tượng.

Để hướng dẫn trong buổi tĩnh tâm này, tôi chọn biến cố Biến Hình làm chủ đề suy niệm. Biến cố Biến Hình chính là một buổi tĩnh tâm Đức Giêsu dành cho những môn đệ thân tín trước khi các ông khởi sự cho một cuộc “synod-hiệp hành” đầu tiên trong đời sống Giáo Hội, đó là khi các ông cùng nhau bước (syn-hodos) trong hành trình tiến về Giêrusalem. Các môn đệ cần tĩnh tâm vì các ông cũng đã sợ khi phải cùng nhau bước vào một cuộc hành trình. Vào giai đoạn đó, các ông vẫn còn quanh quẩn đâu đó ở phía Bắc Israel. Mãi tới lúc ở Caesarea Philiphê, Phêrô mới tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô và kể từ đó, Đức Giêsu mời các ông cùng tiến bước về Giêrusalem nơi Người sẽ chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Các môn đệ không thể đón nhận được điều này. Phêrô đã ra sức ngăn cản khiến Đức Giêsu gọi ông là “Satan”, nghĩa là “kẻ chống đối”. Cộng đoàn nhỏ bé của các môn đệ rơi vào bế tắc. Bây giờ là lúc Đức Giêsu dẫn các ông lên núi. Chúng ta hãy cùng nghe lại những gì thánh Máccô tường thuật:

“Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.” (Mc 9,2-8)

Cuộc tĩnh tâm này đã giúp cho các môn đệ lấy lại can đảm và hy vọng để lên đường. Nhưng rồi hành trình này không luôn suôn sẻ. Liền sau đó, các ông đã thất bại không trừ được tên quỷ ra khỏi người thanh niên, rồi trong các ông nổ ra cuộc cãi vã xem ai là người lớn nhất. Các ông chẳng hiểu gì về Đức Giêsu. Tuy vậy, các ông lại tiếp tục lên đường cùng với một niềm hy vọng mỏng manh.

Chúng ta ở đây cũng vậy, chúng ta đang chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng bằng cách lên đường tĩnh tâm và giống với các môn đệ khi xưa, chúng ta học cách lắng nghe lời Chúa. Chúng ta dành cho nhau ba ngày, và sẽ giống các môn đệ xưa thôi, chúng ta hiểu lầm nhau và cũng có thể tranh cãi. Tuy nhiên, Đức Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta trên đường hướng về cái chết và sự sống lại của Hội Thánh. Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng: Niềm hy vọng về Thượng Hội Đồng lần này sẽ dẫn chúng ta đến một Giáo Hội được đổi mới và không gây chia rẽ; niềm hy vọng chúng ta sẽ xích lại gần nhau hơn trong tình anh chị em. Niềm hy vọng của chúng ta không chỉ dành cho Giáo hội Công giáo mà thôi mà còn cho mọi anh chị em của chúng ta là những người chịu cùng một phép rửa. Người ta nói với nhau về cái gọi là “mùa đông đại kết”. Chúng ta hy vọng sẽ có một “mùa xuân đại kết”.

Chúng ta cũng quy tụ để hy vọng cho nhân loại. Tương lai phía trước xem ra mờ tối. Các thảm hoạ môi sinh đang đe doạ phá huỷ ngôi nhà chung của chúng ta. Cháy rừng và lũ lụt đã nuốt chửng nhiều nơi trong mùa hè này. Những hòn đảo nhỏ bắt đầu chìm xuống lòng biển. Có hàng triệu người đang trên đường chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói. Không xa nơi chúng ta đang họp nhau đây, hàng trăm người đã chết chìm ngoài khơi Địa Trung Hải. Có nhiều cha mẹ từ chối để con cái của họ bước vào một thế giới trông có vẻ u ám. Tại Trung Quốc, người trẻ mặc một chiếc áo thun đề chữ: “Chúng ta là thế hệ cuối cùng”. Như vậy, chúng ta quy tụ để hướng về nhân loại, đặc biệt là hy vọng cho giới trẻ. Tôi không biết có bao nhiêu tham dự viên ở đây là cha là mẹ, nhưng xin cảm ơn họ vì đã nuôi nấng dạy dỗ cho thế hệ tương lai của chúng ta. Lần kia, sau một chút khó khăn gặp phải ở Nam Sudan, vùng giáp giới Côngô, tôi lấy được vé bay về lại Anh Quốc và ngồi bên cạnh một em bé nhỏ liên tục la hét trong suốt tám tiếng đồng hồ. Tôi xấu hổ khi thú nhận, lúc đó tôi nghĩ đến chuyện giết người! Vậy còn có sứ vụ nào mang tính tư tế cho bằng sứ vụ nuôi nấng con cái và tìm cách mở rộng tâm trí chúng cho lời hứa ban sự sống. Cha mẹ và các thầy cô giáo là những thừa tác viên của niềm hy vọng.

Chúng ta quy tụ ở đây là để cùng nhau hy vọng về tương lai của Giáo Hội và nhân loại. Tuy nhiên, vẫn còn đó chướng ngại: Chúng ta có những niềm hy vọng đối lập nhau, vậy thì liệu có thể cùng nhau hy vọng? Ở điểm này, chúng ta sẽ cũng giống như các môn đệ xưa. Mẹ của Giacôbê và Gioan hy vọng hai đứa con của bà sẽ được ngồi bên tả bên hữu của Chúa trong vinh quang. Vậy thì Phêrô sẽ mất phần. Có sự đối kháng ngay giữa nhóm bạn hữu thân thiết nhất của Đức Giêsu. Giuđa hẳn đã hy vọng cho một cuộc nổi dậy để đánh đuổi quân Rôma. Một số khác nữa có thể đã hy vọng mình không bị giết chết. Tuy vậy, các ông vẫn tiến bước cùng nhau. Như thế, liệu có hy vọng nào mà chúng ta có thể cùng chia sẻ?

Vào bữa Tiệc Ly, các môn đệ đã lãnh nhận một niềm hy vọng mà các ông có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới: Đó là Thân Mình và Máu của Đức Kitô, là giao ước mới, là sự sống đời đời. Trong ánh sáng của niềm hy vọng mang tính Thánh Thể, tất cả những hy vọng gây đối kháng của chúng ta dường như chẳng là gì, ngoại trừ trường hợp Giuđa tuyệt vọng. Đây là điều thánh Phaolô gọi là “Hy vọng khi chẳng có chi để hy vọng” (Rm 4,18), một niềm hy vọng siêu việt, vượt trên mọi niềm hy vọng của chúng ta.

Chúng ta cùng nhau quy tụ nơi đây giống như các môn đệ xưa ở bữa Tiệc Ly chứ không phải họp nhau lại như trong quốc hội để tranh luận chính trị và mong phần thắng. Niềm hy vọng của chúng ta là Thánh Thể. Tôi mường tượng được ý nghĩa của điều này khi đến thăm Rwanda năm 1993, đó là thời điểm những biến động bắt đầu nhen nhóm. Chúng tôi lên lịch đi thăm các chị em Đa Minh ở vùng phía Bắc nhưng ông đại sứ người Bỉ khuyên chúng tôi nên ở nhà vì đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Nhưng mà lúc đó tôi còn trẻ và dại dột! Giờ thì tôi đã già và …dại dột. Chúng tôi đã đi và ngày hôm đó chúng tôi thấy những điều khủng khiếp: Bệnh viện lấp đầy những cậu bé cụt tay cụt chân vì bom mìn. Một cậu nhỏ kia mất cả hai chân, cánh tay và một con mắt. Người cha ngồi bên cạnh em và khóc. Tôi tìm đến chỗ một bụi cây để khóc và đi cùng tôi là hai em nhỏ đang lò cò một chân.

Khi chúng tôi đến được chỗ các chị em Đa Minh, tôi chẳng còn nói được lời nào. Khi đối mặt với những thứ bạo lực vô nghĩa như thế, chẳng ai còn gì để nói. Thế rồi tôi nhớ đến lời của Đức Giêsu, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta đã được trao ban điều gì đó để làm. Vào bữa Tiệc Ly, tương lai dường như không có. Tất cả những gì ở phía trước xem ra là thất bại, đau khổ và chết chóc. Chính trong thời khắc đen tối cùng cực này, Đức Giêsu đã làm một cử chỉ hy vọng cho lịch sử của thế giới: “Đây là Mình Thầy, trao nộp vì anh em. Đây là Máu Thầy, đổ ra vì anh em.” Đây chính là hy vọng mời gọi chúng ta vượt lên trên mọi sự phân ly.

Một người anh em của chúng tôi ở miền Đông Ukraine đi dâng lễ cho một số nữ tu đang trên đường rời đi. Họ gói gọn mọi thứ. Tất cả những gì họ tìm được là một cái đĩa nhựa đỏ dùng làm đĩa thánh. Người anh em ấy viết: “Đây là cách mà Chúa cho chúng tôi thấy Người ở với chúng tôi. “Các con trú ẩn ở hầm, trong cái mốc meo và ẩm ước, nhưng Ta ở với các con trên cái đĩa nhỏ màu đỏ này, dành cho con trẻ, chứ không phải trên đĩa bằng vàng”. Đây chính là niềm hy vọng Thánh Thể và chúng ta cần đến niềm hy vọng đó cho hành trình Thượng Hội Đồng lần này. Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta.

Niềm hy vọng Thánh Thể là những gì nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Sách Khải Huyền viết: “Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (Kh 7,9-10). Đây là niềm hy vọng mà các môn đệ đã thoáng thấy trên núi Biến Hình. Nó làm cho xung đột giữa những hy vọng của chúng ta trở nên nhỏ nhặt và gần như vô lý. Nếu chúng ta thực sự đang trên đường đến Vương Quốc, thì việc chúng ta đứng về phía nhóm gọi là chủ nghĩa truyền thống hay chủ nghĩa cấp tiến có thực sự quan trọng? Ngay cả những khác biệt giữa Dòng Đa Minh và Dòng Tên cũng chẳng là gì! Vậy chúng ta hãy nghe lời Người, xuống núi và vững tin bước đi. Những món quà lớn nhất sẽ đến từ những người bất đồng với chúng ta nếu chúng ta dám lắng nghe họ.

Trong hành trình Thượng Hội Đồng, chúng ta có thể bận tâm chuyện liệu chúng ta có gặt hái được thành quả nào không. Giới truyền thông có thể sẽ cho rằng, đó chẳng qua là một thứ mất giờ, chỉ toàn những ngôn từ. Họ tìm kiếm chuyện liệu sẽ có những quyết định mang tính táo bạo liên quan đến bốn hoặc năm chủ đề đang sôi nổi. Nhưng các môn đệ trong lần hiệp hành đầu tiên, tiến bước lên Giêrusalem dường như không đạt được điều gì. Họ thậm chí còn cố gắng ngăn chặn việc chữa lành cho anh mù Batimê. Các ông trông thật vô dụng. Khi đám đông đói khát tụ tập quanh Chúa Giêsu, các môn đệ hỏi Chúa: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Đức Giêsu hỏi các ông có những gì và họ chỉ có được bảy chiếc bánh và vài con cá. (x. Mc 8,1-19). Vậy là quá đủ rồi. Nếu chúng ta đủ quảng đại để cống hiến bất cứ điều gì chúng ta có trong Thượng Hội Đồng này thì thế là quá đủ rồi. Thiên Chúa, chủ của mùa gặt sẽ lo liệu.

Bên cạnh một tu viện của anh em chúng tôi ở Baghdad, có một ngôi nhà điều hành bởi các chị em của Mẹ Têrêsa. Họ nuôi các trẻ em bị bỏ rơi thuộc mọi tôn giáo. Tôi sẽ không bao giờ quên cô bé Nura, khoảng tám tuổi, sinh ra không có tay hay chân gì đó, đang dùng miệng ngậm chiếc muỗng đút thức ăn cho những đứa bé hơn. Người ta có thể tự hỏi mục đích của những hành động tốt đẹp nhỏ bé trong vùng đất chiến tranh này là gì vậy. Chúng có tạo ra sự khác biệt nào không? Làm như vậy có phải là đắp thạch lên một cơ thể đã thối rữa không? Chúng ta hãy làm những việc lành bé nhỏ và để cho Chúa, Đấng làm chủ mùa gặt sẽ ban tặng những hoa trái Người muốn. Hôm nay chúng ta quy tụ đúng vào ngày lễ thánh Têrêsa thành Lisieux. Thánh nữ sinh ra cách đây 150 năm. Ngài mời gọi chúng ta đi theo “con đường thơ ấu” dẫn tới Vương Quốc. Thánh nữ nói: “Đừng bao giờ quên rằng, không có gì là nhỏ bé trong mắt Chúa.”

Ở Auschwitz, một người Do Thái gốc Ý tên là Primo Levi được Lorenzo chia một phần bánh mì mỗi ngày. Ông ấy viết: “Thực sự tôi tin là nhờ Lorenzo mà tôi mới sống được đến ngày hôm nay; và không phải vì sự giúp đỡ vật chất của anh ấy mà vì anh ấy đã liên tục nhắc nhở tôi bằng sự hiện diện của anh ấy, bằng lòng tốt cách tự nhiên của anh ấy mà nhờ đó tôi tin rằng có một thế giới bên ngoài chúng ta, một điều gì đó và một ai đó vẫn trong sáng và trọn vẹn, không tàn lụi, không dã man…thứ gì đó khó định nghĩa, một khả thể của điều tốt đáng để sống. Nhờ Lorenzo mà tôi đã không quên mình là một con người.[2]’ Một chút bánh mì nhỏ đã cứu linh hồn Primo.

Thánh giám mục Đa-vít, vị thánh bảo trợ của xứ Wales đã nói những lời trước khi chết: “Hãy làm những điều nhỏ bé cách trọn vẹn”. Hy vọng của chúng ta là bất cứ hành động nhỏ nào chúng ta thực hiện trong Thượng Hội Đồng này sẽ mang lại kết quả ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Vào đêm cuối cùng, Chúa Giêsu đã trao tặng bản thân cho các môn đệ: “Thầy trao nộp chính mình cho anh em”. Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta không chỉ chia sẻ cho nhau lời nói và niềm xác tín nhưng còn chính bản thân chúng ta nữa với lòng quãng đại Thánh Thể. Nếu chúng ta mở lòng ra cho nhau, những điều tuyệt vời sẽ đến. Các môn đệ thu lại bánh và cá còn sót lại sau khi cho năm ngàn người ăn. Như vậy, không có gì mất đi cả.

Tôi muốn chia sẻ điều cuối cùng. Phêrô cố gắng ngăn cản Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem vì ông thấy hành trình đó không có ý nghĩa gì với ông. Thật vô lý tìm đến nơi mình sẽ bị giết. Tuyệt vọng không phải là bi quan. Tuyệt vọng là nỗi khiếp đảm khi không còn thấy ý nghĩa nữa. Còn hy vọng không phải là lạc quan mà là niềm tin rằng tất cả những gì chúng ta đang sống, tất cả những bối rối và nỗi đau của chúng ta, bằng cách nào đó sẽ có được ý nghĩa. Chúng ta tin tưởng vào điều đó, như Thánh Phaolô nói: ‘Bây giờ, tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12)

Bạo lực vô nghĩa phá hủy mọi ý nghĩa và giết chết tâm hồn chúng ta. Khi thánh Oscar Romero, Tổng Giám mục San Salvador đến thăm hiện trường vụ thảm sát của quân đội Salvador, ông đã nhìn thấy xác một cậu bé nằm trong một con mương: “Bé ấy chỉ là một đứa trẻ, ở dưới đáy mương, khuôn mặt hướng lên. Có thể nhìn thấy những lỗ đạn, những vết bầm tím do những cú đánh để lại, những vệt máu khô. Đôi mắt em mở to, như thể đang hỏi lý do cái chết của mình mà không hiểu.”[3] Nhưng vào chính vào lúc này, ngài đã khám phá ra ý nghĩa cuộc đời mình và lời mời gọi để dâng hiến nó. Đúng là ngài đã sợ hãi cho đến phút cuối cùng. Ngài toát mồ hôi khi nhìn thấy người đàn ông sắp giết mình nhưng ngài không còn là nô lệ của sự sợ hãi nữa.

Tôi hy vọng sẽ chẳng có bạo lực nào xảy ra ở Thượng Hội Đồng này cả! Nhưng thường chúng ta sẽ tự hỏi ý nghĩa của tất cả những điều này là gì. Nếu chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và lắng nghe nhau, chúng ta sẽ hiểu về con đường ở phía trước. Đây là chứng tá niềm tin Kitô giáo của chúng ta trong một thế giới thường đánh mất niềm tin vào ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người. Nhân vật Macbeth trong vở kịch của Shakespeare khẳng định, cuộc đời chỉ là một câu chuyện, “được kể bởi một kẻ ngốc, ồn ào và giận dữ, chẳng có ý nghĩa gì”[4]. Nhưng qua việc cùng nhau suy nghĩ và cầu nguyện về những vấn đề lớn lao mà Giáo Hội và thế giới phải đối mặt, chúng ta làm chứng cho niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa, Đấng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi con người.

Mỗi trường học Kitô giáo là một bằng chứng cho niềm hy vọng của chúng ta vào “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Ở thành phố Baghdad, các tu sĩ Đa Minh chúng tôi đã thành lập một trung tâm nghiên cứu với phương châm: “Ở đây, không câu hỏi nào bị cấm.” Ở giữa vùng chiến tranh, một ngôi trường làm chứng cho niềm hy vọng của chúng ta, đó là làm chứng thứ bạo lực vô nghĩa sẽ không phải là tiếng nói sau cùng. Phần lớn thành phố Homs ở Syria đã bị phá hủy do bạo lực vô nghĩa, nhưng ở giữa đống đổ nát đó, chúng tôi nhận thấy có một trường học Công giáo. Tại đây, một tu sĩ Dòng Tên người Hà Lan tên là Franz van der Lugt đã từ chối rời đi bất chấp những lời đe dọa giết chết. Anh đã bị bắn khi đang ngồi trong vườn. Nhưng rồi chúng tôi lại thấy một tu sĩ Dòng Tên khác người Ai Cập, đã lớn tuổi nhưng vị này vẫn tiếp tục giảng dạy. Vị tu sĩ này đang huấn luyện cho một thế hệ trẻ khác tiếp tục đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Hy vọng là thứ có mặt mũi trông như vậy đó.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta có thể bị chia rẽ bởi những hy vọng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta lắng nghe Chúa và lắng nghe lẫn nhau, tìm cách hiểu ý muốn của Người đối với Giáo hội và thế giới, chúng ta sẽ hiệp nhất trong một niềm hy vọng vượt lên trên những bất đồng của chúng ta, và được đụng chạm bởi Đấng mà Thánh Augustinô gọi là “vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi…Con đã nếm thử Ngài và này con đói khát Ngài; Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm bình an của Chúa”[5]. Trong phần kế tiếp, chúng ta sẽ nhìn vào một con đường khác. Trên con đường này chúng ta có thể bị chia rẽ bởi các cách hiểu khác nhau về cách gọi Giáo Hội là nhà.

——————————————

[1] Franklin D. Roosevelt

[2] Survival in Auschwitz’ The Tablet 21 January 2006

[3] Scott Wright Oscar Romero and the Communion of Saints Orbis New York 2009 p.37

[4] Macbeth Act 5, Scene 5

[5] Bài đọc Kinh Sách II, lễ thánh Augustinô 28/8

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here