HUYỀN NHIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ

0
2820

Flavio di Bernardo, C.P. 

Thời sự Thần học, số 90 (tháng 11/2020)

Nguồn: “Passion, Mysti­que de la,” trong: Dictionnaire de Spiritualité, Vol. 12, Fasc. LXXVI ‑ LXXVII (Paris, Beauchesne, 1983), cols. 312‑338. Tác giả Flavio di Bernardo (1932-1982) là một linh mục dòng Thương khó (Passioniste) người Ý, giáo sư sử học. Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi đã bỏ thư mục ở cuối mỗi phần. 

Dẫn nhập
I. CUỘC THƯƠNG KHÓ TRONG KINH THÁNH
A. Kinh nghiệm tâm linh của Đức Giêsu trong cuộc Thương khó
1. Các nguồn: những tường thuật Tin mừng về cuộc Thương khó
2. Những thái độ căn bản của Đức Giêsu trong cuộc Thương khó
3. Kinh nghiệm Ghết-sê-ma-ni
4. Kinh nghiệm Gôn-gô-tha
B. Cuộc Thương khó trong kinh nghiệm Kitô giáo tiên khởi
1. Sequela Crucis (Bước theo thánh giá)
2. Cuộc Thương khó của Đức Kitô trong kinh nghiệm của thánh Phaolô
II. CUỘC THƯƠNG KHÓ TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC GIÁO PHỤ
A. Cuộc Thương khó của Đức Kitô, Mầu nhiệm Cứu độ
1. Cuộc Thương khó của Chúa Kitô mở cửa linh hồn đón nhận Mặc khải
2. Cuộc Thương khó biểu lộ quyền năng cứu độ của ân sủng
3. Cuộc Thương khó, nguồn cội của ân sủng thánh hóa
B. Đức Kitô chịu đóng đinh trong đời sống tâm linh
1. Sự cần thiết của việc suy gẫm về những đau khổ của Đức Kitô
2. Sự cần thiết của việc noi gương Đức Kitô chịu đóng đinh
C. “Nhân luận về Thánh giá” trong huấn giáo của các Giáo phụ
1. Cuộc Thương khó của Đức Kitô mang lại ý nghĩa cho những đau khổ của nhân loại và biến chúng thành phương tiện nên thánh
2. Kitô hữu phải vác lấy thánh giá mình cùng với Đức Kitô
III. CUỘC THƯƠNG KHÓ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
A. Giai đoạn sơ khai (thế kỷ I – VIII)
1. Huyền nhiệm Thánh giá và phúc tuẫn giáo
2. Chiều kích hiến tế và sự thông dự vào cuộc Thương khó trong đời sống đan tu khổ hạnh
B. Linh đạo Thương khó từ thế kỷ IX đến XI
1. Nhân tính của Đức Kitô và cuộc Thương khó của Người trong đời sống đan tu vào Giai đoạn trung kỳ của thời Trung cổ
2. Contemplatio dominicae passionis (Chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu)
C. Thời đại của thánh Bênađô và thánh Phanxicô (thế kỷ XII và XIII)
1. Thánh Bênađô và huyền nhiệm cuộc thương khó
2. Canh tân Sách Thánh, sự khó nghèo Tin mừng và huyền nhiệm thánh giá
3. Thánh Phanxicô, “diện mạo mới của Đấng chịu đóng đinh”
D. Thế kỷ XIV
E. Meditatio vitae et passionis Christi
1. Suy gẫm về cuộc Đời và cuộc Thương khó của Đức Kitô như là những Mầu nhiệm Cứu độ
2. Suy gẫm về cuộc Thương khó theo các Tin mừng
3. Cuộc Thương khó của Đức Giêsu và phương pháp suy gẫm
F. Từ Gioan Thánh giá đến Phaolô Thánh giá (thế kỷ XVI đến XVIII)
1. Sự tuẫn giáo của Trái tim Đức Kitô và các nhà huyền bí
2. Sự tuẫn giáo của ý chí và huyền nhiệm “fiat”
3. “Hiểu biết về Thánh giá” và huyền nhiệm của Thương khó
4. Những nhà huyền bí về Linh đạo Thương khó
G. Huyền bí Thương khó ngày nay
1. Mang những dấu tích cuộc Thương khó
2. Linh đạo và sự đau khổ
3. Công đồng Vaticanô II
4. Phong trào đại kết với huyền nhiệm Thương khó
Kết luận

——————–

Dẫn nhập

Nhờ cuộc Thương khó và Cái chết của Đức Kitô, linh đạo Kitô giáo giữ một chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thánh giá và ơn cứu độ là hai thuật ngữ có tương quan với nhau, cùng liên kết trong những ý niệm về sự cứu chuộc và sự thánh hóa Kitô giáo. Người Kitô hữu biết rằng, không phải sự đau khổ tự nó mang giá trị cứu độ, nhưng là do bởi tình yêu của Thiên Chúa; họ cũng biết rằng tình yêu của Chúa Cha đã được mặc khải và thông đạt cho họ qua cuộc Thương khó của Chúa Con (1 Ga 4,9-10; x. Ga 3,16; 15,12; Rm 5,8; Gl 2,20; Ep 5,2; Kh 1,5).

Để tránh sự hàm hồ và có thể gây nhầm lẫn, cần làm rõ một vài điểm sau đây: 1) Đặc tính quy Kitô của linh đạo về cuộc Thương khó không thể bị tách rời khỏi kinh nghiệm của chính Đức Kitô; 2) Sự hiện diện của thánh giá trong cảm nghiệm huyền bí (mystical experience) chỉ cỏ thể có trong khuôn khổ của mầu nhiệm trọng tâm: cái chết của Chúa Kitô dẫn đến sự Phục sinh vinh hiển; 3) Huyền nhiệm – mystique (theo nghĩa rộng hơn, thuật ngữ này ám chỉ một sức hấp dẫn đặc biệt) – về cuộc Thương khó không thể được tách rời khỏi cảm nghiệm bí tích và cảm nghiệm Giáo hội. Nắm rõ những điều này, chúng ta có thể theo dõi một vài ưu tiên trong các hành động của Đức Kitô, cũng như tranh khởi chỉ giới hạn việc noi gương các đau khổ của Người vào việc họa lại các sự đau khổ mà thôi[1]

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, huyền nhiệm cuộc Thương khó là một dạng linh đạo Kitô giáo (hoa trái của ân sủng đa dạng) với đặc trưng là việc chiêm niệm sâu sắc về những đau khổ của Chúa chúng ta, và thông phần vào những đau khổ ấy một cách đầy yêu mến, ngõ hầu đạt đến sự thông hiệp huyền nhiệm với cuộc Thương khó của Người. Sự thông hiệp này có thể càng mãnh liệt hơn khi mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa vốn được tỏ bày trên thánh giá là điều không thể dò thấu được. Giáo hội sơ khai đã khám phá ra công thức để giúp các Kitô hữu hiểu biết về mầu nhiệm này và sự thông phần vào nó: “Anh em hãy vui mừng vì được thông phần vào những đau khổ của Đức Kitô, để anh em có thể vui mừng hoan hỷ khi vinh quang của Người được tỏ hiện” (1 Pr 4,13).

Huyền nhiệm cuộc Thương khó và sự đau khổ gặp gỡ nhau trong bối cảnh trái nghịch này. Tầm quan trọng liên quan đến huyền nhiệm không phải là trải qua kinh nghiệm vui hay buồn, nhưng là chuyện mọi thứ có quy hướng về Thiên Chúa hay không: trong chiều hướng này, sự thông phần trở nên như một cách tiến tới sự kết hiệp , “một loại tâm tình siêu nhiên”. Việc noi theo (imitaion), điều thật sự cần thiết, không thể chỉ được đánh giá bằng những cử chỉ và tiếng rên xiết; nhưng nó đòi hỏi sự hiệp nhất của tâm trí. Trong bối cảnh này, “sự hiệp nhất với Chúa Kitô, một điều được coi như ‘hiểu biết thực hành’ chỉ đạt được nhờ tinh thần, là cách để hiệp nhất với Thiên Chúa. Như thánh Bônaventura đã nói rất đúng trong phần mở đầu của tác phẩm ‘Hành trình của tinh thần vươn tới Thiên Chúa’ (Itinerarium mentis ad Deum): Không có cách nào khác ngoài tình yêu bừng cháy dành cho Đấng chịu đóng đinh (Via non est nisi per ardentissimum amorem Crucifixi)[2].

I. CUỘC THƯƠNG KHÓ TRONG KINH THÁNH

Kinh Thánh nêu lêu một vài lý do thần học và tâm linh giải thích tại sao môn đồ của Đức Kitô nên suy gẫm thấu đáo về ý nghĩa của thánh giá đối với mình. Thánh giá liên kết đặc biệt với cuộc Thương khó và Cái chết của Đức Kitô nhờ phép rửa (Rm 6,3-6; Cl 2,12); thông phần những đau khổ của Người (2 Cr 1,5; 4,5; 4,10; Gl 6,17; 1 Pr 4,13); liên tục quy chiếu đến mẫu gương  Đức Kitô (1 Pr 2,19‑24; 4,1‑2), sự cần thiết phải đối mặt với những thử thách và mâu thuẫn, để làm chứng cho Tin Mừng (Cv 9,16; 20,18-24) và bước vào Vương quốc (Cv 14,21; 17,3), bước theo Con Chiên (Kh 14,4).

Đối với Cựu ước, không thể nói rằng Cựu ước mặc khải ý nghĩa đích thực của cuộc Thương khó, mặc dù các sách Tin mừng trích dẫn những lời tiên báo trong Cựu ước. Điều này được minh chứng nơi sự thiếu hiểu biết của các Tông đồ khi Chúa Giêsu nói về cuộc Thương khó sắp xảy ra của Người. Các tác giả Cựu ước ít quan tâm đến huyền nhiệm cuộc Thương khó trong tương lai, nhưng chú trọng hơn đến những hoàn cảnh trong thời đại của họ, ở đó Thiên Chúa can thiệp để hướng dẫn Dân Người, đồng thời để thử thách và thanh tẩy Dân (Đnl 30,19); 2 Sm 7,14; G 1,9-12; 2,4-6; 36,15; Cn. 3,11-12; Is 45,7; Gr 32; v.v… Bí ẩn về một người công chính phải chịu đau khổ chỉ được giải đáp vào thời sau đó qua số phận của vị ngôn sứ và các vị tuẫn giáo trong thời kỳ văn minh Hy-lạp.

A. Kinh nghiệm tâm linh của Đức Giêsu trong cuộc Thương khó

1. Các nguồn: những tường thuật Tin mừng về cuộc Thương khó

Kitô hữu phải đặt kinh nghiệm tâm linh của mình dựa trên kinh nghiệm tâm linh của Đức Giêsu: do đó, Kitô hữu phải chú ý đến những nguồn chính yếu chứa đựng kinh nghiệm của Đức Kitô, đó là những tường thuật Tin mừng về cuộc Thương khó. Các thần học gia và học giả Kinh Thánh đồng ý rằng, những tường thuật này giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong cấu trúc của các sách Tin mừng. Ở đó, họ nhìn thấy “chóp đỉnh” của cuộc đời và sứ điệp của Đức Kitô (X. Leon Dufour), “khoảnh khắc trọng yếu” (moment of significance) trong kinh nghiệm Kitô giáo (H. U. von Balthasar), “biến cố” làm sáng tỏ mọi điều khác (P. Tillich). Đặc biệt trong Tin mừng Máccô, một vài tác giả cho rằng, chúng ta có “một tường thuật về cuộc Thương khó được giới thiệu bằng một đoạn dẫn nhập dài” (M. Kahler, O Dibelius, H Schlier)[3].

Những nhà huyền bí tập trung vào cuộc Thương khó đã không đưa ra bất kỳ câu hỏi phản biện nào về các tường thuật Tin mừng. Họ đã có khả năng nắm bắt ý nghĩa, và nêu bật như thể do bản năng  chi tiết mà nhiều học giả gần đây mới bắt đầu ít nhiều chú ý đến: các môn đệ thiếu hiểu biết, sự cô độc của Đức Giêsu, những lý do của sự thống khổ và lời cầu nguyện của Người ở vườn Ghết-sê-ma-ni, sự bỏ rơi của Chúa Cha, cơn khát bí ẩn trên thánh giá, tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Mẹ, và vết thương ở cạnh sườn.

2. Những thái độ căn bản của Đức Giêsu trong cuộc Thương khó

Các trình thuật Tin mừng cho chúng ta thấy được những thái độ căn bản của Đức Kitô trong kinh nghiệm về cuộc Thương khó của Người. Đó cũng là những thái độ mà các nhà huyền bí Thương khó đã cố gắng diễn đạt  nơi bản thân. Những thái độ này có thể được rút gọn vào ba điều:

a. Tình yêu vâng phục cho đến chết

Đức Giêsu đã đạt đến cấp độ vâng phục cao nhất, và vì thế cũng đạt đến cấp độ cao nhất của tình yêu đối với  Cha Người trong cuộc Thương khó (Ga 4,34; 5,30; 6,38; 14,31; 17,4; 19,30; Mc 14,32‑42; Pl 2,8). Thực tế, có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự vâng phục và cuộc Thương khó của Người, bởi lẽ “Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Hr 5,8); từ khi Người chào đời, việc tuân theo thánh ý Thiên Chúa đã báo trước cho cuộc Thương khó (Hr 10,5-10). Chúa Cha đã muốn ban tặng Người Con trên thánh giá để cứu độ thế gian (Ga 3,15-16); về phần mình, Đức Giêsu đã chọn lấy cuộc Thương khó ngõ hầu tuân theo ý muốn của Cha. Vì vậy, Người mang đến một giá trị nội tại qua sự hiến thân của Người: đó là hành động của tình yêu vâng phục. Sự phù hợp tuyệt hảo được hiện thực nơi tặng phẩm tuyệt đối là chính Người. Tinh thần sẵn sàng vâng phục này, dù có phải chết, là đỉnh điểm của đời sống Kitô hữu, đồng thời cũng là nguồn gốc và chóp đỉnh của mọi kinh nghiệm tâm linh. Đó là nơi mà huyền bí thánh giá luôn tìm thấy nguồn cảm hứng ban sơ của mình.

b. Yêu tha nhân, tình liên đới, dù có phải hy sinh

Các tường thuật Tin mừng về cuộc Thương khó bắt đầu bằng cử chỉ biểu tượng là rửa chân (Ga 13,1-17) để cho thấy rằng mọi điều sau đó không đơn giản chỉ là một cử chỉ như bao cử chỉ khác trong sứ vụ của Chúa chúng ta, nhưng là cử chỉ quyết định trong việc phục vụ những người anh em của Người. Ý tưởng phục vụ này gợi hứng cho toàn bộ Tin mừng (Mc 9,35; Mt 7,12; Lc 6,27-28; 12,37). Việc phục vụ đầu tiên mà Đức Giêsu dành cho loài người là mặc khải tình yêu của Chúa Cha cho họ (Ga 1,18). Loài người hiểu điều này khi “Người ban tặng sinh mạng của Người cho họ” trên thánh giá (1 Ga 3,16). Do đó, như chính Người giải thích, việc phục vụ bao gồm cả việc trao ban chính mình (Ga 17,19; x. Ep 5,25; Gl 2,20). Trở nên một với các anh em của Người nghĩa là “yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1), qua việc mặc lấy thân phận khốn khổ và phải chết của họ. Khi chọn lấy thánh giá, Đức Giêsu đã uống chén đắng của nhân loại để con người, khi đến lượt mình, có thể uống được chén ngọt ngào của ân sủng. Trọn đời Người là một quà tặng để cứu độ các anh em của Người (Mt 20,28; 26,28; Mc 10,45; 14,24; Lc 22,19-20; 1 Tm 2,6). Tuy nhiên, chính trên thánh giá mà hiến tế chung quyết đã được thành toàn, và tình yêu của Người dành cho nhân loại đạt đến mức cao nhất, đó là “tình yêu vĩ đại nhất” (Ga 10,11,15,17,18; 15,13).

c. Hạ mình đến nỗi chịu treo trên thánh giá

Trong các tường thuật Tin mừng về cuộc Thương khó, sự tự hủy (kenosis) được trình bày như một hệ quả do việc lựa chọn yêu thương. Sự hạ mình, vốn đã rõ ràng qua thân phận phục vụ (“mặc lấy thân nô lệ”), đạt đến cấp độ hoàn trọn của nó khi Đức Giêsu hiến thân như một lễ phẩm dâng lên Chúa Cha thay cho các anh em của Người, “trở nên giống như họ” và “trở nên vâng phục, cho đến chết trên thánh giá” (Pl 2,7-8; x. Rm 5,19; 8,3; 2 Cr 8,9; Hr 12,2). Dĩ nhiên, sự tự hủy này diễn ra nhằmg sẽ dẫn dắt họ đi cùng với Người vào trong vinh quang, bởi vì Người đã được tôn vinh do sự vâng phục và lòng yêu mến anh em (Pl 2,9). Do đó, cuộc Thương khó mang lại ý nghĩa không chỉ đối với cuộc đời của Đức Giêsu mà còn đối với đau khổ của nhân loại, vì nó mang lại giá trị cho sự đau khổ như một đòi hỏi đặc biệt của tình yêu. Một cách hợp lý, tình yêu này đỏi hỏi cần có sự tự hạ như một điều kiện thiết yếu để được tôn vinh (Mt 23,12; Mc 10,43; Lc 14,11; 18,14; 22,26; Ep 1,20-23; Pl 2,9).

3. Kinh nghiệm Ghết-sê-ma-ni

Lòng đạo đức bình dân thường tập trung vào những cảnh tượng của cuộc Thương khó được miêu tả trong các Tin mừng, đề cao sự đau khổ về thể lý của Chúa Giêsu. Mặt khác, thần học huyền bí, đặc biệt từ thế kỷ XVI đến XVIII, quan tâm nhiều hơn đến những đau khổ về tinh thần và tâm linh của Đức Kitô. Các nhà huyền bí  cuộc Thương khó thích tập trung vào hai cảnh tượng ở đầu và cuối của thảm kịch này: Ghết-sê-ma-ni và Calvariô.

a. Nỗi thống khổ huyền bí

Chỉ có Tin mừng Nhất lãm mô tả nỗi thống khổ của Chúa chúng ta trong vườn cây dầu. Lần  đầu tiên, Đức Giêsu đối diện với “Giờ” của Người[4]. Người khẩn nài Chúa Cha giải cứu Người khỏi “giờ này” (Mc 14,35). Người trách ông Simon vì “không thể thức nổi một giờ” (Mc 14,37). Người nói với các môn đệ ưu tuyển: “Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm” (Mc 14,41). Như vậy, Người chỉ ra rằng, thời điểm ấy là đặc biệt quan trọng và Người đang đau khổ để thi hành sự chọn lựa dứt khoát về tình yêu vâng phục và mãnh liệt của Người.

Tại vườn Ghết-sê-ma-ni, mọi thứ đều có ý nghĩa, ngay cả việc ngủ và không hiểu của các môn đệ, những người đã bỏ mặt Thầy trong sự cô độc bi thương. Đó là lý do tại sao các nhà huyền bí của cuộc Thương khó đã không ngừng suy niệm về cảnh tượng thống khổ này. Về điều này, và cũng phù hợp với các nhà chú giải đương thời, họ ít suy gẫm hơn về nỗi sợ hãi do cái chết nội tại gây ra; những suy tư của họ đúng hơn chỉ tập trung vào mối liên hệ giữa cường độ của sự đau buồn bên trong và sự bao la của tình yêu vốn là căn nguyên của nó[5].

b. Tín thác vào ý muốn của Chúa Cha

Đối với Đức Giêsu, “giờ” tại vườn Ghết-sê-ma-ni là giờ thử thách (peirasmos). Vì thế, Người phải tỉnh thức và cầu nguyện (Mt 26,41). Lời cầu nguyện của Đấng Cứu Thế được các tác giả sách Tin mừng thuật lại một cách đặc biệt: lời khẩn cầu ba lần, mỗi lần đều lặp lại lòng trung thành với thánh ý Chúa Cha; Ghết-sê-ma-ni là một nơi đầy vinh dự vì diễn ra cuộc tâm sự giữa Cha và Con (Mc 14,32-42; Mt 26,36-46). Đức Giêsu từ bỏ chính mình theo ý muốn của Cha Người, và mời gọi các môn đồ của Người cũng làm như vậy.

Việc so sánh lời cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni với lời cầu nguyện mà Đức Kitô truyền lại cho các môn đệ là một chủ đề quan trọng cho cả việc chú giải lẫn đời sống tâm linh. Kinh “Lạy Cha” rất giống với lời cầu nguyện của Chúa chúng ta trong Vườn (Mt 6,9-13; Lc 11,2-4), đặc biệt cả hai lời cầu nguyện đều hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Chúa Cha: “Nguyện cho Ý Cha được thể hiện” (Mt 6,10; 26,42). Như đã thấy, sự phù hợp này làm cho kinh nghiệm tâm linh của Ngôi Lời Nhập Thể đạt đến chóp đỉnh, đồng thời cũng tạo nên chóp đỉnh của sự hoàn thiện Kitô giáo. Các nhà huyền bí  cuộc Thương khó nhìn nhận trong tiếng “fiat” tại vườn Ghết-sê-ma-ni là biểu hiện cao nhất của một thứ tình yêu có thể có trên trái đất này. Giống như Đức Giêsu, các nhà huyền bí này đã học được cách dành quyền ưu tiên cho sự tín thác, đặc biệt khi sự kết hiệp với Thiên Chúa vốn bao gồm cả việc chấp nhận đau khổ.

4. Kinh nghiệm Gôn-gô-tha

Chúa chúng ta đã dâng hai lời cầu nguyện đầy sầu não trong cuộc Thương khó của Người. Tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Người khẩn nài Cha Người cất khỏi chén này (Mt 26,39); và trên thánh giá Người kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Đâu là ý nghĩa và tầm quan trọng của sự “ruồng bỏ” này?

Giống như khoa chú giải, thần học cũng đã nghiên cứu vấn đề này[6]. Đối với các nhà huyền bí  –những người thường lưu tâm đến các thái độ chính yếu của Đức Kitô– sự ruồng bỏ nhất thời này cho thấy đỉnh điểm của sứ mạng cứu độ của Đức Kitô ở trần gian: nó đồng thời tạo nên chóp đỉnh của đau khổ và chóp đỉnh của mặc khải tình yêu. Chúa chúng ta đã mặc khải tình yêu của Người ngay khi Người hạ mình đến cực điểm. Người mặc khải lòng thương xót của Chúa Cha cho loài người đúng vào lúc Người nói mình đã bị Cha ruồng bỏ[7].

a. Lễ phẩm của Đức Kitô dâng lên Cha Người và ân ban của Người dành cho anh em

Đức Kitô trên thánh giá đã dâng lời cầu nguyện lên Cha Người (Mc 15,34; Lc 23,46), và đã trung thành với Cha cho đến cùng. Người đã dâng chính mình cho Thiên Chúa, thực thi tiếng “fiat” tại vườn Ghết-sê-ma-ni. Hơn nữa, bằng cách “phó thác thần khí” cho Cha Người (Ga 19,30), Người đã thông ban sự sống cho loài người. Cái khát của Chúa chúng ta trên thánh giá được các nhà chú giải liên kết đúng với những đoạn văn song song trong Tin mừng Gioan 4,13‑15; 6,34; 7, 37‑38. Nó diễn tả ước muốn của Chúa chúng ta, đó là trao tặng Thần khí của Người, “nước hằng sống” (Ga 4,10-14) và nước chảy ra từ cạnh sườn Người (Ga 19,34) bày tỏ Đức Kitô khao khát muốn thông ban ân sủng, như Người đã gợi lên vào ngày Lễ Lều: “Ai khát, hãy đến với tôi mà uống…” (Ga 7,37-38)[8].

Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Chúa chúng ta còn có ý nghĩa biểu tượng: Đức Giêsu ban tặng sự sống của Người bằng chính cái chết; sự sống của Người –vốn luôn được định hướng bằng thái độ chính yếu là phục vụ– không chỉ là một lời hứa về ơn cứu độ, mà còn được “dâng tiến” cho Thiên Chúa vì anh em của Người. Lễ phẩm này tạo nên mối liên hệ thiết yếu giữa sự sống và cái chết của Đức Giêsu. Sự sống của Người “phải” được tiến dâng trong chính cái chết của Người. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa tôn vinh Người, bởi vì Người “ban tặng mạng sống mình trong cái chết” (Ga 10,17), và “ban tặng” cái chết của mình trong sự hiệp thông của tình yêu và sự sống (Ga 3,14; 8,28; 12,32).

b. Mặc khải Thiên Chúa thật và tình yêu đầy lòng thương xót của Người

Rõ ràng, các trình thuật về cuộc Thương khó cho thấy mục đích mà hành trình của Đức Kitô trên trần gian hướng tới đó là nói và làm bất cứ điều gì ngõ hầu Cha Người được biết đến. Câu nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30) cho thấy toàn bộ sự sống của Người ở trần gian nay đã hoàn tất, cũng như những lời hứa trong Cựu ước đã được hoàn tất.

Chắc chắn đây là lý do thôi thúc ông Gioan thường hay nhắc lại việc ứng nghiệm Sách Thánh (Ga 19,24.28.36.37), và làm cho Tin mừng Nhất Lãm đặt các biến cố trên đồi Calvariô dựa vào nền tảng các tham chiếu Cựu ước (Mc 15,24. 29.34.36.38; Tv 21,19; 21,8; 68,22; 21,2; Ed 10,4.18.19; 11,23; v.v…). Khi tuyên bố bức màn của đền thờ bị xé ra từ trên xuống dưới (Mc 15,38), Máccô cho thấy rằng, cái chết của Chúa chúng ta cũng đã kéo xuống mọi bí ẩn về Thiên Chúa Tam Vị cho con người[9]: Thiên Chúa Cha đã để cho Con của Người phải chết ngõ hầu ban Thánh Linh cho chúng ta. Chỉ khi Chúa chúng ta trút hơi thở cuối cùng, khi bức màn trong đền thờ bị xé đôi, thì viên đại đội trưởng, ngập tràn trong ánh sáng, mới bày tỏ hành động đức tin qua lời nói của mình (Mc 15,39).

Trước khi được coi là sự chuộc tội, cái chết của Đức Kitô trong bối cảnh tỏ mình này là ánh sáng mặc khải Thánh Linh và tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Đó là ánh sáng mặc khải, bởi  vì Thiên Chúa hạ mình xuống để con người nhận biết Người; đó là bằng chứng của tình yêu, bởi vì tình yêu trên thế gian luôn đòi hỏi phải hy sinh bản thân. Huyền nhiệm cuộc Thương khó bao gồm tất cả những điều đó. Thay vì nhấn mạnh đến tính cách chuộc tội và đền bù  của những đau khổ của Đức Kitô,  cần luôn nhấn mạnh đến bằng chứng tình yêu khôn ví mà Người đã ban cho chúng ta qua cái chết trên thánh giá.

B. Cuộc Thương khó trong kinh nghiệm Kitô giáo tiên khởi

1. Bước theo Thánh giá (sequela Crucis)

Được xem như biểu hiện của đức tin sống động, các trình thuật về cuộc Thương khó cho thấy các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu mầu nhiệm thánh giá như thế nào, hoàn toàn dựa vào con đường mà Đức Kitô đã dự định. Các học giả Kinh thánh nổi tiếng đã chỉ ra một lối tiếp cận tiệm tiến về mầu nhiệm của Chúa chúng ta trong các trình thuật khác nhau[10]. Trình thuật của thánh Máccô mang lại cho những môn đồ của Đức Kitô một lời công bố dễ hiểu về nội dung cơ bản của Tin mừng (kerygma), để họ có thể nhìn thấy mặc khải của Thiên Chúa qua thảm kịch trên đồi Calvariô. Trình thuật của thánh Mátthêu giúp các môn đồ hiểu biết đầy đủ về bối cảnh giáo hội, và dạy họ biết phó thác vào thánh ý của Chúa Cha như Chúa chúng ta (Mt 6,9-13; 26,39-42). Lời chứng của thánh Luca còn tiến thêm một bước xa hơn, nhắc nhở người môn đệ của Đức Kitô rằng, cuộc Thương khó của Chúa chúng ta vẫn đang tiếp diễn trong Giáo hội (Lc 22,36-37; Cv 7, 54-60). Tin mừng Gioan đòi hỏi người môn đệ phải sẵn sàng bước theo con đường mà Thầy của họ đã mở ra, không dè dặt vì bất cứ điều gì, để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Trình thuật Gioan trình bày cuộc Thương khó như là ánh huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa.

Những cách giải thích khác nhau về “sequela Crucis” (Mt 16,24 và những trình thuật song song) trong vài năm qua đã để nguyên giải thích câu nói bước theo Đức Kitô, tiên vàn có nghĩa là phải liên kết chính mình với cuộc đời và số phận của Người, tức là cùng Người vác lấy thánh giá[11]. Thay vì chú ý vào khía cạnh đau khổ của thánh giá, điều quan trọng là cần nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc kết hiệp và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu chịu đóng đinh. Bước theo Đức Kitô có nghĩa là hình thành nơi mình những thái độ chính yếu trong kinh nghiệm của Người: sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và anh em, thậm chí đến mức phải hiến dâng mạng sống vì họ (Ga 12,26). Giống như Đức Giêsu, các môn đệ cũng phải vác thánh giá “hằng ngày” (Lc 9,23). Điều này gợi lên một kiểu tuẫn giáo kéo dài trong suốt cuộc đời chứ không nhất thiết phải là bất kỳ một hình thức anh dũng nào.

Bước theo Đức Kitô cũng có nghĩa là bắt chước Người. Toàn thể bố cục của các sách Tin mừng không chỉ nhằm mục tiêu nêu bật giáo huấn bằng lời nói của Chúa chúng ta, nhưng đặc biệt còn nêu bật gương mẫu mà Người đã để lại cho các môn đệ. Vào giờ bắt đầu cuộc Thương khó, Chúa chúng ta đã dành nhiều lời khuyên nhủ cho các tông đồ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Lệnh truyền này mang ý nghĩa đặc biệt vì liên quan đến những gì sắp diễn ra từ vườn Ghết-sê-ma-ni đến đồi Calvariô. Các tông đồ phải đặt mình vào vị thế phục vụ anh em, dù có phải hy sinh cả mạng sống (Ga 15,12-13). Điều răn mới này không giới hạn trong lời dạy: “Hãy yêu thương nhau”, nhưng còn bao gồm cả việc bắt chước: “… như Thầy đã yêu thương anh em”; nghĩa là sẵn sàng hiến dâng mạng sống theo mức độ mà tình yêu Kitô giáo đòi hỏi (1 Ga 3,16)[12].

Bước theo Đức Kitô còn bao gồm việc chọn “ở lại với Đức Kitô” (Ga 1,35-51), do đó cũng là bổn phận cộng tác vào sứ mạng của Người bằng cách thông phần vào cuộc Thương khó mà Người đã chịu: Thầy muốn mừng lễ Vượt qua “với các môn đệ của Thầy” (Mc 14,14-15). Người chia sẻ với họ bữa tiệc Thánh Thể, việc tưởng niệm cuộc Thương khó của Người, đồng thời cũng chia sẻ hành động bí tích giúp họ tham dự vào sự sống của chính Người, “điều sẽ được ban cho họ”. Nói cách khác, không thể ở lại với Đức Kitô nếu không thông phần vào cuộc Thương khó của Người một cách thể lý và tâm linh. Trong đoạn văn quan trọng Lc 23,26 liên quan đến “một ông Simon” nào đó người gốc Ky-rê-nê, thánh Luca trình bày như thể ông muốn ám chỉ mỗi cá nhân, mỗi một người trong chúng ta. Việc thánh Luca đề cập đến điều này là chi tiết rất quan trọng chứ nó được viết một cách tình cờ. Chỉ bước theo Đức Kitô mà thôi thì chưa đủ, phải “vác thánh giá đi theo sau lưng” và bị đóng đinh vào đó cũng với Người (Lc 9,23; 14,27; X. Gl 2,20).

2. Cuộc Thương khó của Đức Kitô trong kinh nghiệm của thánh Phaolô

Thật chẳng ích lợi gì khi cố xác định xem liệu thánh Phaolô có phải một nhà huyền bí theo nghĩa mà chúng ta hiểu ngày nay hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là: Đức Kitô chịu đóng đinh là trọng tâm của mọi giáo huấn của ông. Thánh giá không phải là công cụ tra tấn cho bằng là “quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,18-25) tác động trong đời sống ân sủng. Dầu vậy, toàn bộ các thư của thánh Phaolô luôn là điểm khởi đầu cho những ai đã viết về huyền nhiệm thánh giá một cách có hệ thống. Thật vậy, thánh giá và ân sủng là hai chủ đề then chốt đối với thánh Phaolô trong những suy tư thần học và tâm linh. Cụm từ “quyền năng Thiên Chúa” thường được áp dụng cho Đức Kitô phục sinh. Thế nhưng, trong 1 Cr 1,18, ý nghĩa của nó khác hẳn: quyền năng Thiên Chúa được áp dụng cho Đức Kitô chịu đóng đinh (câu 23) như đã được chính Thiên Chúa tuyển chọn, mong muốn mặc khải chính Người và ban ơn cứu độ cho nhân loại (Cf. Rm 3,25; 5,8; 8,32; 1Cr 15,3; Ep 1,7)[13].

Khi nhấn mạnh đến hai chủ đề “thánh giá và ân sủng”, thánh Phaolô đạt đến một trong những trực giác hữu hiệu nhất trong kinh nghiệm tâm linh của ông như  là môn đệ Đức Kitô. Nhờ hai chủ đề này mà thánh nhân có thể nói về sự kết hiệp huyền nhiệm của người Kitô hữu với Đức Kitô chịu đau khổ. Người môn đệ sống “trong Đức Giêsu”, và Đức Giêsu “sống trong người ấy”. Cả hai cùng đau khổ và mừng vui đến độ đạt tới một kiểu kết hiệp huyền nhiệm, ở đó sự đóng đinh của Thầy và của người môn đệ trở thành một (2 Cr 1,5; Pl 1,29; Cl 1,24). Chỉ sau khi nói: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thánh giá”, thánh Phaolô mới có thể thêm rằng: “Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Ngài nêu lên ý nghĩa thực sự cho việc chịu đóng đinh của chính mình. Sự đồng nhất huyền nhiệm này chỉ đạt được sau quá trình học hỏi gian khổ, được mô tả trong thư gửi các tín hữu Galát. Nội dung lá thư cũng có thể được xem như cẩm nang giới thiệu về huyền nhiệm cuộc Thương khó (Gl 3,1; 4,19; 6,17; 5,24; 6,2).

Trong thư thứ hai gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đề cập đến một chủ đề đặc biệt: sự thông hiệp vào những đau khổ của Chúa chúng ta, như là một tông đồ tiếp nối sứ mạng của Người – những đau khổ gây ra cho ông bởi cộng đoàn non trẻ ở Côrintô (2 Cr 5,17; 10,2; 11,19-20; 12,20-21); bởi những tông đồ giả (11,3-4; 13-15); bởi hoạt động truyền giáo của ông (6,4-5; 11,23); và bởi cái được gọi là “cái dằm đâm vào thể xác” (12,7). Những đau khổ mà thánh nhân đã trải qua cũng là đau khổ của mỗi người và những đau khổ của mỗi người, được kết hợp với những đau khổ của Đức Kitô trong Giáo hội của Người, cùng góp phần vào việc nên thánh (1,6; 4,10-12; X. Rm 8,17-18; Pl 3,10-11; Cl 1,24). Nhờ đức tin kết hiệp bản thân với Đức Kitô, vị tông đồ này có thể vượt qua đau khổ và đạt đến bước tiến từ việc cậy dựa vào bản thân đến hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, “Đấng làm cho kẻ chết sống lại” (2 Cr 1,9; 4,7). Do đó, những thử thách của ông dẫn  đến vinh quang, vì chúng có vị trí của chúng –cùng với những thử thách của Đức Kitô– trong kế hoạch cứu độ (4,8-9). Dù trong đau khổ hay vui sướng, người môn đệ này đều chia sẻ số phận của Thầy mình (1,5); “cái dằm đâm vào thể xác” là một điều đi kèm theo cuộc đời (4,12). Thánh Phaolô không nói rằng những đau khổ của ông cũng là một với những đau khổ của Chúa chúng ta trong cuộc Thương khó. Tuy nhiên, ngài gọi chúng là những đau khổ “của Đức Kitô”, bởi vì chúng là hoa trái của sự hiệp thông với Đức Kitô.

II. CUỘC THƯƠNG KHÓ TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC GIÁO PHỤ

Các Giáo phụ đã bàn luận rất dài về  đề tài cuộc Thương khó. Trong những bài chú giải các tường thuật Thương khó trong các sách Tin Mừng, các Giáo phụ không đơn thuần lặp lại giáo huấn của Tân ước, nhưng cố gắng giải thích nó. Các vị cổ thời nhất, như Inhaxiô Antiôkhia và Pôlycarpô, đạt được một linh đạo Thương khó vốn gợi nhớ linh đạo của Tân ước một cách rất gần gũi. Các tác giả khác vào thế kỷ II, phần lớn thuộc về truyền thống Đông phương, chẳng hạn Meliton Sardes, tỏ ra lưu tâm đến cảm xúc (pathos) và cảm thông (sympatheia). Các vị hộ giáo, những người khắc khoải tìm cách làm cho Kitô giáo được chấp nhận trên bình diện lý trí, có khuynh hướng làm thinh về cuộc Thương khó, và tìm ra ý nghĩa biểu tượng cho thánh giá[14].

A. Cuộc Thương khó của Đức Kitô, Mầu nhiệm Cứu độ

Trong một cụm từ tóm tắt giáo huấn của các Giáo phụ liên quan đến cuộc Thương khó của Đấng Cứu Thế, thánh Lêô Cả nói: “Passio Christi salutis nostrae continet sacramentum”[15].

1. Cuộc Thương khó của Đức Kitô mở cửa linh hồn đón nhận Mặc khải

Trên thực tế, bởi vì cuộc Thương khó chứa đựng một mầu nhiệm vượt quá khả năng của mọi trí khôn thụ tạo, cho nên nó là một công trình tuyệt vời của Thiên Chúa, là sự khôn ngoan của Người đánh đố sự hiểu biết của chúng ta[16]. Các Giáo phụ lấy cảm hứng từ tuyên bố của thánh Phaolô (Ep 3,18) vốn cho rằng “sự hiểu biết về thánh giá” (scientia crucis) trổi vượt hơn bất kỳ  sự hiểu biết nào khác, đến nỗi không thể đo được chiều dài, rộng, cao hay sâu của nó[17]. Inhaxiô Antiôkia nhìn thấy trong “huyền nhiệm thương khó” kiệt tác của Đấng Thượng Trí. Bằng việc đón nhận “tinh thần thánh giá” và trở nên “hiến tế của thánh giá”, mỗi Kitô hữu dâng hiến lối suy nghĩ của riêng mình cho những gì là “vấp phạm đối với những ai không tin”, nhưng đối với những người tin thì lại là “sự sống vĩnh cửu và ơn cứu độ”[18]. Trên cơ sở này, Tertullianô bác bỏ Marcion vì ông và những người theo thuyết Ngộ đạo phủ nhận Đức Kitô đã chịu đau khổ[19]

Mối liên hệ giữa cuộc Thương khó và sự mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa được thánh Lêô đặc biệt nhấn mạnh; ngài coi mầu nhiệm thánh giá là mầu nhiệm tình yêu. Thiên Chúa bày tỏ sự vĩ đại của Người qua việc tạo dựng, và còn hơn thế nữa qua “sự tái tạo”, bởi vì chính trong việc cứu chuộc mà tình yêu của Người được thể hiện theo cách không thể hiểu được[20].  Các Giáo phụ tin chắc rằng, nếu không có cuộc Thương khó của Chúa Con, chúng tasẽ  không bao giờ có thể biết đến tình yêu của Chúa Cha. Đó là lý do tại sao các ngài khuyên các tín hữu đừng thờ ơ đối với lòng thương xót vô biên đã đến với chúng ta trong Đức Kitô chịu đóng đinh[21]. Sự sung mãn của Tình yêu Thiên Chúa, mà máu của Chúa Con đã xác nhận, được nhắc lại bởi Clêmentê Rôma[22] và bởi  tác giả Ad Diognetes (7,5 và 9,2, SC 33 bis, 68 và 74); còn Irênê nhấn mạnh sự viên mãn của tình yêu này,  mang lại niềm hy vọng cho thế giới[23].

2. Cuộc Thương khó biểu lộ quyền năng cứu độ của ân sủng

Chấp nhận các đề tài của thánh Phaolô về thánh giá và ân sủng, thánh giá và sức mạnh, các Giáo phụ cố gắng lý giải tại sao những đau khổ của Chúa chúng ta được biến đổi thành sức mạnh cứu độ. Để chỉ về cuộc Thương khó và thánh giá, các vị phải viện đến nhiều hình ảnh: “cái thang”, “chìa khóa”, “phương dược”, v.v.[24]. Các ngài còn muốn khẳng định rằng, Chúa “do lòng thương xót bao la của Người, đã muốn chịu đựng đau khổ của kiếp phàm nhân chúng ta với ý định chữa lành đau khổ ấy”[25].

Do đó, cuộc Thương khó trở thành “một sức mạnh tuyệt vời để cứu độ”, bừng cháy vào đúng thời điểm Chúa chúng ta chịu chết và phóng vào thế gian lúc bức màn trong đền thờ bị xé đôi, để cho phép bước vào nơi Cực thánh[26]. Nói cách khác, Chúa chúng ta không đối đầu với đau khổ chỉ để chịu đựng nó, nhưng là để đánh bại nó[27]. Bằng cái chết của mình, Người đã chiến thắng cái chết của chúng ta; bằng sự đau khổ của mình, Người loại bỏ đau khổ của chúng ta. Trên bình diện này, cuộc Thương khó dùng ba sức mạnh giải phóng chống lại ba kẻ thù của con người: ma quỷ, tội lỗi và cái chết[28].

3. Cuộc Thương khó, nguồn cội của ân sủng thánh hóa.

Chính từ cuộc Thương khó mà các bí tích đã tuôn tràn[29]; từ cạnh sườn của Đức Giêsu  được cây giáo mở ra mà Giáo hội đã ra đời, giống như từ cạnh sườn của Ađam mà Eva được sinh ra[30]. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa chúng ta nhắc nhớ về bí tích Thánh thể và phép rửa. Nhờ hai bí tích này, cuộc Thương khó trở thành nguồn sống; từ nguồn sống này, có “hai con sông” được chảy ra mang chính nguồn sống ấy đi khắp thế giới[31]. Phép rửa có nguồn gốc từ cuộc Thương khó, và dấu chỉ xức dầu “khắc ghi dấu của cuộc Thương khó”[32].

B. Đức Kitô chịu đóng đinh trong đời sống tâm linh

1. Sự cần thiết của việc suy gẫm những đau khổ của Đức Kitô

Thánh Clêmentê  Rôma nói rằng người Kitô hữu ở Côrintô “phải đương đầu với những đau khổ”, và “phải để mắt đến máu của Đức Kitô ngõ hầu đáng được ơn hoán cải và cứu độ”[33]. Cũng như ông, nhiều tác giả thế kỷ II  (chẳng hạn thánh Irênê)[34] cũng khuyến khích suy gẫm Kinh thánh về chủ đề Thương khó. Đối với thánh Augustinô, cuộc Thương khó tượng trưng cho sự sống trên trần gian, còn sự phục sinh tượng trưng cho sự sống trên thiên đàng. Thời điểm thích hợp nhất để suy gẫm về cuộc Thương khó là vào Mùa Chay, đó là thời gian thuận lợi nhất để khóc than tội lỗi của chúng ta khi chúng ta nhìn xem các cảnh tượng của cuộc Thương khó[35].

Do đó, các Giáo phụ suy gẫm những đau khổ của Đức Kitô dựa vào các trình thuật Tin mừng[36]. Việc suy gẫm này dần dần đi vào nội tâm nhiều hơn, bởi lẽ Đức Kitô chịu đóng đinh được chiêm niệm “bằng đôi mắt của tâm hồn”[37]. Nó  trở thành lời cầu nguyện đích thực khi noi theo gương của Đức Kitô, Đấng đã khẩn cầu sự tha thứ cho kẻ thù của mình[38].

2. Sự cần thiết của việc noi gương Đức Kitô chịu đóng đinh

Việc noi gương Đức Kitô có liên quan đặc biệt đến cuộc Thương khó của Người. Người Kitô hữu có thể chọn các mẫu gương trong Tin mừng làm khuôn cho đời sống của mình, tuy nhiên nếu ai không noi gương “những đau khổ của Đức Kitô, thánh giá và cái chết của Người, thì họ sẽ không được cứu độ”[39]. Inhaxiô Antiôkhia yêu cầu các tín hữu ở Rôma rằng “hãy để tôi bắt chước (mimetes) cuộc thương khó của Thiên Chúa của tôi”[40]. “Cuộc Thương khó của Đức Kitô chỉ giúp ích cho những ai bước theo chân Người”[41].

B. “Nhân luận về Thánh giá” trong huấn giáo của các Giáo phụ

1. Cuộc Thương khó của Đức Kitô mang lại ý nghĩa cho những đau khổ của nhân loại và biến chúng thành phương tiện nên thánh.

Nếu chỉ xem thánh giá và đau khổ như hậu quả rắc rối của thân phận con người, thì  chúng quả là  tiêu cực. Thực vậy, chẳng ai  lại ước ao thánh giá và đau khổ, Thiên Chúa tốt lành lại càng không thích chúng. Tuy nhiên, nơi Đức Kitô, hai điều này trở thành công cụ của ơn cứu độ và nguồn vinh quang dành cho người Kitô hữu. Qua thánh giá và đau khổ, con người sửa chữa – tùy  theo sức mình-  những hậu quả tai hại do tội lỗi của mình gây ra[42] .

Nhờ sự đau khổ, Kitô hữu đem lại giá trị cho cuộc đời này và “sắm cho mình sự sống vĩnh cửu”[43]; họ làm chủ các cảm xúc của mình và chiến thắng cơn cám dỗ[44]. Họ tẩy trừ nết hư tật xấu[45]  và diệt trừ tội lỗi. Họ làm hồi sinh đức ái trong tâm hồn[46]. Đau khổ giúp họ sống theo Tin mừng[47], và làm cho việc thực hành khổ chế trong đời sống tâm linh được dễ dàng hơn[48]. Đức Giêsu tự mình gánh lấy những đau khổ và cái chết của chúng ta để giúp chúng ta vượt thắng chúng. Tuy nhiên, để làm được điều này, mỗi người chúng ta phải được đồng hóa với Người trong cuộc Thương khó. Vì thế, cuộc Thương khó là một lựa chọn cần thiết dành cho mỗi Kitô hữu[49].

Do đó, thánh giá trở thành dấu chỉ phân tách người tin và người không tin[50]. Vì thế, các Giáo phụ của thế kỷ II đã kịch liệt phản đối những giáo huấn của Ngộ đạo thuyết, những người phủ nhận tính hiện thực của cuộc Thương khó và làm cho đau khổ của con người ra vô nghĩa[51].

  1. Kitô hữu phải vác lấy thánh giá mình cùng với Đức Kitô

Quan điểm này gắn liền với đạo lý về Thân thể Chúa Kitô của thánh Phaolô: các chi thể của Thân, giống như Đầu của họ, phải trải qua cuộc Thương khó để đạt tới Phục sinh[52]. Chỉ những ai vác thánh giá, như Simon Cyrene, và chịu đóng đinh với Chúa Kitô, thì mới được cứu[53].

Có thể thấy, các Giáo phụ phác họa những nguyên lý của huyền nhiệm cuộc Thương khó như sau: Dưới giao ước cũ, con người tiến dâng đồ vật và súc vật lên Thiên Chúa; nhưng trong giao ước mới này, họ dâng chính mình trong “hiến tế” với Đức Giêsu[54]. Hilariô đề nghị một lối giải thích về lời cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni. Lối giải thích này gây tranh cãi xét về quan điểm chú giải, tuy nhiên nó được đề xuất từ quan điểm tâm linh; Đức Giêsu không xin được miễn khỏi chén này, nhưng “nó cũng có thể được chuyển cho người khác”[55]. Bắt đầu từ việc cho rằng Đức Kitô được tôn vinh không còn phải chịu thêm đau khổ nào nữa, thánh Augustinô nói về đau khổ của Thân thể Người là Giáo hội: cuộc Thương khó của Đức Kitô hoạt động trong Giáo hội như men. Cuộc thương khó của Giáo hội mang lại cho “Đức Kitô toàn thể” khả năng tăng trưởng. Nơi mồ hôi máu rỉ ra từ “toàn thân” của Người tại vườn Ghết-sê-ma-ni, thánh Augustinô nhìn thấy hình ảnh về phúc tuẫn giáo của Giáo hội[56]. Nơi cuộc Thương khó, Đức Kitô đã gánh lấy những đau khổ của tất cả mọi người[57].

III. CUỘC THƯƠNG KHÓ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

A. Giai đoạn sơ khai (thế kỷ I – VIII)

Việc thông phần vào cuộc Thương khó mang những hình thức khác nhau theo dòng lịch sử. Giai đoạn sơ khai có hai chiều kích: tuẫn giáo và đan tu khổ hạnh.

1. Huyền nhiệm Thánh giá và phúc tuẫn giáo

Mối liên hệ giữa sự tuẫn giáo và Đức Kitô chịu đóng đinh là quá rõ ràng, do đó cần được thảo luận nhiều hơn[58]. Thánh Luca đã sớm biết một điều gì đó về huyền nhiệm tuẫn giáo khi ông ví cái chết của Stêphanô với cái chết của Đức Kitô (Cv 7,59-60; Lc 23,34-36). Huyền nhiệm thương khó, vốn tập trung vào sự tuẫn giáo, đã phát triển vào thế kỷ II qua các Giáo phụ Inhaxiô Antiôkhia và Polycarp. Trinh nữ Blandina bước đến phúc tuẫn giáo “như vị khách mời bước vào tiệc cưới”[59]. Qua chính những cực hình tra tấn, cô được “kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô”, hình mẫu mà cô được noi theo khi bản thân bị trói vào cái cọc với hai cánh tay dang rộng.

2. Chiều kích hiến tế và thông dự vào cuộc Thương khó trong đời sống đan tu khổ hạnh

Xét về nguồn gốc, đời sống đan tu dựa trên chính quan niệm về sự tuẫn giáo. Vị tuẫn giáo, người “dâng tặng mạng sống mình”, được thay thế bằng vị sống đời khổ hạnh, người hiến dâng “mỗi ngày” của họ (Lc 9,23). Đó là lý do tại sao các Giáo phụ gọi các đan sĩ là “những vị tuẫn giáo trong thời bình”[60]. Việc khổ chế, vốn được thực hành hàng ngày trong sa mạc, vẫn đạt tới giá trị của sự tuẫn giáo[61]. Mặt khác, các trinh nữ tận hiến cũng được so sánh với các vị tuẫn giáo: “Non solum effusio sanguinis, sed devotae quoque mentis servitus immaculata quotidianum martyrium est”[62].

Do đó, “không chỉ có các vị tuẫn giáo mạnh mẽ và vinh quang được thông phần vào cuộc Thương khó của Chúa Kitô”, nhưng là tất cả những ai hàng ngày làm chứng cho chân lý bằng đời sống mình, đặc biệt là các đan sĩ, những người đã tiến đến cái chết một cách huyền nhiệm qua việc dâng mình cho Thiên Chúa[63]. Vì thế, những vị khổ hạnh được gọi là “các môn đệ của thánh giá”, “chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô”[64]. Họ là “những người đóng đinh thể xác của họ”[65]; “những người mang vào thân cuộc Thương khó của Chúa Kitô”; “những người vác thánh giá và đã chết cho thế gian”[66]; “những người chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô; cùng chết với Người; được mai táng với Người”, để được đưa đến vinh quang nhờ ân sủng của Người[67]. Các trinh nữ tận hiến cũng giống như vậy[68].

Cassianô cho rằng, chỉ có những vị khổ hạnh mới có thể đạt đến lời cầu nguyện tinh tuyền vốn là đỉnh cao của sự hoàn hảo. Thật vậy, bằng việc khổ chế, vị khổ hạnh uốn nắn cuộc đời mình phù hợp với Đức Kitô chịu đóng đinh[69]. Việc khổ chế này chắc chắn dẫn đến cái chết huyền nhiệm, đến một sự tuẫn giáo  “không có gì khác với sự tuẫn giáo về thể lý”[70]. Tuy nó không phải là phương tiện để đến với Thiên Chúa nhưng là hệ quả của mối gắn bó liên kết vị khổ hạnh với Chúa Kitô[71]. Giai đoạn Thượng Trung đại đã bảo tồn gia sản này. Chẳng hạn, viện phụ Columban, qua đời năm 615, cho rằng việc noi gương Chúa Kitô là cách tốt nhất để đạt đến sự chiêm niệm: “Các môn đệ đích thực của Chúa Kitô chịu đóng đinh bước theo Người trên thánh giá… Mọi mầu nhiệm cứu độ đều được giấu kín ở đó”[72]

B. Linh đạo Thương khó từ thế kỷ IX đến XI

Sự chiêm niệm cuộc Thương khó Chúa Giêsu (contemplatio dominicae passionis)

Các cuộc cải tổ đời đan tu trong thế kỷ X và XI đều nhấn mạnh đến chiều hướng nhân tính và cuộc Thương khó của Đức Kitô, đặc biệt là phong trào cải tổ Cluny[73]. Thay vì hướng đến đối tượng là Bản tính Thần linh (Divine Essence), sự chiêm niệm giới hạn vào Đức Kitô chịu đau khổ. Sau khi  đã được so sánh với phúc tuẫn giáo và sự khổ chế của vị khổ hạnh, huyền nhiệm cuộc Thương khó tìm thấy một lối diễn đạt mới trong “sự chiêm niệm về cuộc Thương khó của Chúa chúng ta”, Jean de Fécamp (+1078)[74] dừng lại ở các cảnh tượng của cuộc Thương khó, ở đó Đức Kitô chịu đóng đinh chỉ cho ông thấy sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, và ban cho ông một con đường để bắt nhịp cầu nối liền vực thẳm giữa linh hồn và Đấng tạo ra nó. Ông nài xin Chúa Giêsu chạm đến linh hồn đang tìm kiếm Người “bằng những mũi tên rực cháy với tình yêu của Người”, ông khao khát được kết hợp thiêng liêng với Người trên Thánh giá cùng với Đức Trinh Nữ diễm phúc[75]. Thánh Anselmô Canterbury biểu lộ một sức hấp dẫn huyền nhiệm đối với Đức Kitô chịu đau khổ, nối kết  sự kết hợp với lòng trắc ẩn. Ông chiêm ngắm vết thương ở cạnh sườn của Chúa ngõ hầu linh hồn mình “chịu đâm thâu với cơn đau dữ dội nhất”[76]. Ông ước ao vác thánh giá trên vai để cảm nhận được “sức nặng của đức ái vô bờ bến”[77].

C. Thời đại của thánh Bênađô và thánh Phanxicô (thế kỷ XII và XIII)

1. Thánh Bênađô thêm những yếu tố mới vào huyền nhiệm cuộc thương khó

Ngài dạy rằng, nhờ suy ngẫm và noi gương Đức Kitô chịu đóng đinh, linh hồn vươn tới sự kết hợp mật thiết và cá vị với Ngôi Lời Nhập thể. “Schola caritatis” (trường học đức ái)  là “schola Christi” (trường học Đức Kitô). Cuộc Thương khó của Đức Kitô không chỉ là lời chứng cho tình yêu, mà còn là yêu sách của tình yêu. Đức ái vượt ra khỏi không gian của lý trí đơn thuần. Chống lại tri thức tự nhiên dựa trên lý trí, thánh Bênađô đặt sự cao minh, vốn học được nhờ suy gẫm về cuộc đời và cuộc Thương khó của Chúa chúng ta: Haec mea sublimior interim philosophia, scrire Jesum et hunc crucifixum[78]. Tình Yêu Chịu Đóng Đinh thâm nhập vào linh hồn, đốt cháy và chiếm lĩnh nó cho đến khi nó tự chết đi. Chính cuộc tuẫn giáo nội tâm này đưa đến sự kết hiệp huyền nhiệm giữa Đức Kitô và linh hồn trong việc tìm kiếm Thiên Chúa.

Guillaume de Saint-Thierry cho rằng cuộc Thương khó –“những lời lăng mạ, nướt bọt, trận đòn, cái chết trên thánh giá”– nói lên thứ ngôn ngữ của đức ái. Đức Giêsu làm cho chúng ta hiểu được tình yêu gồm có những thứ gì khi Người ban tặng chính mạng sống cho chúng ta, yêu thương chúng ta đến cùng[79]. Suy gẫm về cuộc Thương khó cũng tương đương với việc rước lễ thiêng liêng, vì Thánh Thể được gọi là memoria a passionis và là sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô[80].

Cùng có cảm hứng ấy, Eckbert of Schonau (+1184) cho rằng cuộc Thương khó của Đức Kitô là Stimulus amoris seu dilectionis (Mũi dằm của tình yêu: PL184, 953-966). Hiền muội của, Elizabeth (+1164), là một trong những nhà huyền bí đầu tiên sống lại giây phút của thảm kịch Thương khó vào Tuần Thánh năm 1154[81]. Hildegard of Bingend (+.1179) cũng đã sống lại cuộc Thương khó, nhưng trong bối cảnh giáo hội và bí tích[82]

Trường phái huyền bí của dòng Xitô quan tâm đặc biệt đến khía cạnh nội tại của mầu nhiệm Đức Kitô chịu đóng đinh. Ví dụ nổi bật nhất là Lutgarde of Aywieres (1182-1246), người đã có kinh nghiệm về ân sủng của sự Trao đổi trái tim  trong một thị kiến về Đức Kitô chịu đóng đinh với Trái tim bị đâm thâu. Ân huệ tương tự cũng đã được ban cho các vị cùng thời với Lutgarde là Sybil of Gages, Elizabeth of Wans và Bertha of Marbais, cùng với các thành viên trong cùng đan viện; ngoài ra còn có Beatrice of Nazareth, Hadewjich và nhà huyền bí ở Helfta là Mechtilda of Magdebourg Cả. Linh đạo của cuộc Thương khó cũng xuất hiện trong các tác phẩm của Aelred of Rievaulx và Guerric  Igny.

Cũng trong thời kỳ này, thánh Bênađô và trường phái Saint-Victor đưa ra quan điểm về sự thôi thúc đạt đến tình yêu thuần khiết dựa trên nền tảng cuộc Thương khó và Cái chết của Đức Kitô. Trong bài chú giải về Thư gửi tín hữu Rôma, Abelard chỉ  nhìn thấy nơi thánh giá một mẫu gương về tình yêu thuần túy, vô vị lợi. Mặt khác, trong Thư gửi Severin, Ives nhìn thấy nơi thánh giá uy thế “mãnh liệt” và “tột bực” của một thứ tình yêu chinh phục tất cả. Thiên Chúa để cho Ngài “bị chinh phục” bởi tình yêu ấy, ngõ hầu tình yêu ấy sẽ chinh phục các linh hồn nhiều hơn[83]

2. Canh tân Sách Thánh, sự khó nghèo Tin mừng và mầu nhiệm thánh giá

Ở giữa thời đại cải cách của Grêgôriô VII và đầu thế kỷ XII, Kitô giáo đã thực hiện một cuộc tự kiểm bằng cách đối chiếu với Tin mừng, nơi mà người ta  thấy rằng Chúa Giêsu đã chào đời trong cảnh nghèo khó, sống như một người nghèo, chết một cách đáng thương và trần truồng trên thánh giá. Do đó, truyền thống giáo phụ đã được phục hưng. Truyền thống này luôn nhìn thấy sự liên kết giữa sequela crucis và việc thực thi sự nghèo khó. Không phải các phong trào giáo dân hay các dòng hành khất, nhưng chính các đan sĩ là những người đã tái khám phá mối tương quan giữa đức khó nghèo tu trì và thánh giá.

Stephen of Muret (+1124) mong muốn các đan sĩ ẩn dật của ngài kết hôn với đức khó nghèo triệt để, “thấy rằng Đức Kitô đã chọn sự khó nghèo như là phần tốt hơn. Xác tín tương tự cũng được tìm thấy nơi các vị cải tổ đan viện khác vào thế kỷ XII, chẳng hạn: Robert d’Arbrissel (+ 1117), Bernard de Tiron (+1109), Thánh Norbertô (+1134), và Fulcus  Neuilly (+1201). Odon Morimond (+ 1161) nhấn mạnh Đức Kitô đã chuẩn bị cho cái chết bằng cách từ bỏ mọi thứ Người có trên trần gian này: ví tiền Người trao cho kẻ nộp mình, Giáo hội Người trao cho Phêrô, thân mình Người trao cho các môn đệ qua Bí tích Thánh thể, các môn đệ Người trao cho Thiên Chúa, y phục Người trao cho tên lính, thân thể phải chết Người trao cho những kẻ đóng đinh Người vào thánh giá. Sở hữu cuối cùng của Người, Thân Mẫu, Người cũng trao cho con người[84].

3. Thánh Phanxicô, “diện mạo mới của Đấng chịu đóng đinh”

Rất ít người có được kinh nghiệm mãnh liệt và kéo dài về cuộc Thương khó như anh chàng nghèo Poverello (thánh Phanxicô). Sự thôi thúc đầu tiên đã đến với anh từ “tiếng nói của Đấng chịu đóng đinh” tại nhà thờ thánh Đamianô: “Kể từ lúc ấy, ký ức về cuộc Thương khó của Chúa đã in sâu vào tâm hồn ngài”[85]. Sự “từ bỏ hoàn toàn” dẫn anh bước theo thánh giá trần trụi; nụ hôn mà anhi dành cho người bệnh phong hủi (hình ảnh của Đức Kitô với thân thể đầy thương tích) làm biến đổi “mọi đắng cay trở nên ngọt ngào”. Ước muốn được tuẫn giáo làm nảy sinh nơi anhi khao khát mãnh liệt được chết trên thánh giá với Đức Kitô. Cuối cùng, anhi nhận được ân huệ ghi năm dấu thánh, điều mà một vài người cho là biến cố mới mẻ và lạ thường của thời đại. Cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô, hy tế tình yêu của anh đã được tiêu hao trong sự kết hiệp huyền bí. Nếu Đấng chịu đóng đinh đã từng là “quyển sách”, “trường học”, “khuôn mẫu” cho ngài, thì giờ đây Người “cư ngụ trong tâm hồn anh như chùm mộc dược thơm”, và Phanxicô khao khát được biến đổi trở nên như Người qua tình yêu tuôn trào[86]. Thánh Phanxicô là hình ảnh của Đức Kitô chịu đau khổ, một hình ảnh sống động, được ân sủng mang vào cuộc sống. “Bị đóng đinh vào thánh giá cả thân xác lẫn tinh thần”, trong hai năm cuối đời, anh đã tự mình vác thánh giá từ nơi này đến nơi khác “để khuyến khích người khác cũng hãy vác thánh giá[87]

Dòng Phanxicô tiếp bước thánh tổ phụ. Chị Clara Assisi nói rằng, ước muốn duy nhất của chị là được treo trên thánh giá cùng với Đức Kitô trong sự khó nghèo của Người: “Vòng tay Người đem lại hạnh phúc bất tận” (Thư gửi Agnes Bohemia). Người bạn đồng hành đầu tiên của thánh Phanxicô tin chắc rằng, chỉ những ai tự mình cởi bỏ mọi sự thế gian và “được nâng lên trên thánh giá cùng với Đức Kitô” (x Dante, Paradiso XI, 70) mới có hy vọng đạt tới sự kết hiệp huyền nhiệm với Ngôi Lời Nhập Thể. Thánh Bonaventura đã để lại nhiều tác phẩm huyền bí có giá trị rất lớn về cuộc Thương khó. Thánh Antôn Padua khao khát bước theo con đường thánh giá đến tận cùng của sự đắng cay “với đôi chân tình yêu”[88]

D. Thế kỷ XIV

Các nhà huyền bí của thế kỷ XIV, đặc biệt là nữ giới, đã sống lại cuộc Thương khó với “cảm xúc gợi hình” (graphic sensitivity). Angela de Foligno (+ 1309), trong các thị kiến, đã trải qua thảm kịch Thương khó và miêu tả các cảnh tượng này bằng chiều kích hiện thực chi tiết. Chắc chắn rằng, thánh nữ đã được gợi hứng từ những lời của Đức Kitô mà ngài đã nghe nhiều lần, “Ta đã chịu đựng nó, tất cả là vì con.” Rồi ngài khóc lóc với lòng yêu mến đến nỗi “những giọt nước mắt nung nấu đôi gò má”. Ngài dâng hiến bản thân như một hy tế và “mong muốn được chết” với Chúa chúng ta [89]. Chiều kích hiện thực như thế cũng được tìm thấy nơi các thị kiến của thánh Birgitta (+1373), đặc biệt là thị kiến mà thánh nữ nhận được trong nhà thờ Thương khó ở Giêrusalem, nhân một chuyến hành hương tại đây (Revelationes). Thánh Clara de Montefalco (+ 1308) cũng có được kinh nghiệm về lòng trắc ẩn lớn lao của Chúa chúng ta trong cuộc Thương khó, đến nỗi “bà thường cảm thấy đau đớn lạ lùng trong thân thể”. Ở phía Bắc Âu, bên cạnh các nhà huyền bí sông Rhine, còn nảy nở nhiều văn gia của tình yêu dành cho Đức Giêsu chịu đóng đinh. Có thể trích dẫn Christine (+1356) và Marguerite Ebner (+1351), cũng như Elizabeth Stagel (+1360), các nữ tu Đa Minh gần với tư tưởng của Henry  Suso. Ngay cả linh đạo của “Những bạn hữu của Thiên Chúa” –mà chân phước Marguerite Ebner được kết nối thông qua vị linh hướng của chị là cha Henry of Nordlingen, và chịu ảnh hưởng bởi Ruysbrock– nhìn thấy, nơi việc đồng cảm thông một nguồn mạch của nỗi buồn sầu thánh, thuần túy Kitô giáo bởi vì nó được đặt nền trên tình yêu [90]

Hành trình tâm linh của thánh Catarina Siêna (+. 1380) hướng tới Chúa Kitô chịu đóng đinh, Đấng mà thánh nữ vươn tới bằng ba “cái thang” nổi tiếng. Cái thang đầu tiên dẫn đến “bàn chân bị đâm thâu” của Người, cái thứ hai dẫn đến “cạnh sườn bị đâm thủng” và cái thứ ba dẫn đến “miệng của Người, nơi túi mật đắng đã để lại vị đắng của nó”[91]. Sau đó, linh hồn được yên nghỉ trên thánh giá, “đầy hạnh phúc và đau thương

Tại sao những nhà huyền bí này lại chứng tỏ sự nhạy cảm sống động như vậy? Một vài tác giả tin rằng, họ có thể lý giải ngôn ngữ của các nhà huyền bí thế kỷ XIV cũng như sự lan rộng của lòng sùng kính Chúa Kitô chịu đóng đinh vào cuối thời Trung cổ như một phản ứng trước một nỗi sợ hãi chung về vấn đề cứu rỗi[92]. Tuy nhiên, những tác giả khác lại cho rằng cách lý giải này quá đơn sơ. Thực tế, lòng sùng kính Chúa Kitô chịu đóng đinh đã bắt đầu sớm hơn nhiều so với các tu sĩ dòng Xitô và Phanxicô. Tốt hơn, hãy giả định một sự phát triển hài hòa giữa các yếu tố đã có trong Kitô giáo bên Tây phương[93]. Người ta không được quên những gì đã được tuyên bố trong Kinh Thánh, nguồn cảm hứng cho lòng đạo đức vào thời Trung cổ. Kinh Thánh quy cho những vết thương của Đấng Cứu Thế và Máu Châu Báu của Người một sức mạnh ban sự sống (1 Pr 2,24; Hr 9,13-14, v.v…)

E. Meditatio vitae et passionis Christi

1. Suy gẫm về cuộc đời và cuộc Thương khó của Đức Kitô như là những Mầu nhiệm Cứu độ

Tiếp theo thánh Bênađô và thánh Phanxicô, huyền bí Kitô giáo  suy ngẫm cuộc đời và cuộc Thương khó của Chúa Kitô như những mầu nhiệm cứu độ,  nền tảng của đời sống tâm linh. Mối bận tâm mới về Kinh Thánh trong thế kỷ XII là trực tiếp tập trung vào hai chủ đề: “Historia salutis” “Vita Christi”. Các sách viết về lòng sùng kính đã xoay quanh hai chủ đề này, hai chủ đề cuối cùng sẽ gặp nhau trong cuộc Thương khó  được coi như mầu nhiệm cứu độ. Bắt nguồn từ mầu nhiệm Tam Vị và trải dài đến sự Phục sinh và Thăng thiên vinh hiển, “Vita Christi” tiêu biểu cho cách thức chính yếu để nhờ đó mà Kitô hữu thời Trung cổ có thể hiểu về Mầu nhiệm Vượt qua.

Tác phẩm cổ điển nhất là khảo luận ngắn De meditatione  passionis Domini per septem diei horas (PL 94, 561‑568) của một đan sĩ dòng Xitô (Ps. Beda) viết khoảng năm 1150. Đây là một trong số ít các ví dụ mà trong đó chủ đề Thương khó được suy ngẫm đang lúc nguyện kinh Thần vụ, được trình bày bên ngoài bối cảnh thông thường của “Vita Christi”.

Đi theo thánh Phanxicô, thánh Bônaventura cho rằng Chúa Kitô trở nên “quyển sách” xuất sắc, được viết bên trong và bên ngoài (xc. Kh 5,1), trong đó “Thiên Chúa Cha đã gồm tóm mọi kho tàng khôn ngoan và kiến thức”[94]. Cuốn “Arbor vitae crucifixae Jesu” (Venice, 1485) của Ubertin of Casale cũng có cảm hứng như vậy. Còn “Stimulus amoris” của James of Milan hầu như chỉ mang giọng điệu tình cảm.

2. Suy gẫm về cuộc Thương khó theo các Tin mừng

Từ đầu thế kỷ XIV, những hoạt động về lòng sùng kính vẫn đặc biệt tuân theo các trình thuật Tin mừng về cuộc Thương khó. Tác phẩm “Meditationes vitae Christi” của Mạo-Bonaventura thực sự bao gồm các yếu tố vay mượn từ các ngụy thư (apocrypha), hoặc từ các mặc khải tư, theo thị hiếu của đại chúng. Tác phẩm “Vita Jesu Christi” của Ludolph de Saxe  thường chỉ họa theo những lời trong Tin mừng, chú giải của các Giáo phụ và của những dòng đan tu. Một chi tiết quan trọng là: quyển sách được chia thành hai phần, nối kết nhau bằng biến cố tại Caesarea Philippi, nơi mà lần đầu tiên Chúa Giêsu tiên báo  cuộc Thương khó của Người và khuyên bảo những môn đồ trong tương lai hãy sẵn sàng vác thánh giá theo sau Người.

3. Cuộc Thương khó của Đức Giêsu và phương pháp suy gẫm

Hẳn nhiên phong trào “Devotio moderna” hướng tới việc suy gẫm và noi gương cuộc đời cũng như cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Tác phẩm “Chronicon Windeshemense” của Jean Busch nêu lên một phương pháp suy ngẫm được gọi là Epistola de vita et de passione Domini[95].

Gerard de Zutphen là người bước theo dòng tư tưởng được thánh Bônaventura khai mở, và tuyên bố rằng việc suy gẫm về cuộc Thương khó dẫn đưa tinh thần lên đến chóp đỉnh của sự chiêm niệm[96]. Thomas a Kempis còn có một loạt bài suy ngẫm và cầu nguyện về cuộc đời và cuộc Thương khó của Chúa Kitô. Cùng có chủ đề và phương pháp như thế, có thể kể đến các tác giả: Jean Mombaer, Philip de Zwolle, Nicolas Kempb, và Jean Wessel. Ngoài ra, còn có nhiều tác giả khác chịu ảnh hưởng của phong trào “Devotio moderna”, chẳng hạn “Modus Meditandi” của Ludovico Barbo, tác phẩm “Exercitatorium vitae spiritualis” của Garcia de Cisneros (+ 1510).

Tác phẩm “Linh thao” của thánh Inhaxiô Loyola trình bày chủ đề này theo một cách rất cá biệt. Trong các “Thực tập” kéo dài một tháng, ba tuần được dành cho việc suy ngẫm cuộc đời Đức Kitô, một tuần dành cho cuộc Thương khó. Mầu nhiệm về cuộc đời Đức Kitô trước đó chưa bao giờ được trình bày một cách lớp lang thứ tự như vậy. Chỉ sau khi đặt một cách chắc chắn vị trí của mình dưới quy chuẩn của Đức Kitô, và ghi danh trở thành môn đồ của Người thì người tham gia khóa tĩnh tâm mới được dẫn nhập vào cuộc Thương khó. Giống như Đức Kitô, người môn đệ sẽ đi từ cuộc Thương khó đến vinh quang Phục sinh.

Từ thế kỷ XVI đến XVIII, những quyển sách suy gẫm được gợi hứng từ chủ đề Thương khó ra đời ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn: các khảo luận của Thomas de Jesus, Jean Baptiste de Crema, Pietror de Lucca, Luis de la Palma, và Gaetano di Bergamo (+1573). Tu sĩ dòng Tên, Gaspar Loarte (+1578), lý giải nguyên nhân phát triển của các sách về cuộc Thương khó như sau: cuộc Thương khó tạo thành một “bản tóm lược” toàn bộ cuộc đời Đức Kitô. Nó tựa như một “câu chuyện rút gọn” chứa đựng mọi sự khôn ngoan của Tin mừng[97].

F. Từ Gioan Thánh giá đến Phaolô Thánh giá (thế kỷ XVI đến XVIII)

Kể từ cuối thời Trung cổ, việc thông phần vào những đau khổ của Đức Kitô dần dần mang những hình thức mới. Sự tuẫn giáo về thể lý, hãm mình ép xác, túng thiếu do nghèo hèn – những điều này ngày càng nhường chỗ cho sự tuẫn giáo trong ý chí và trái tim. Đức Giêsu không chỉ được chiêm niệm trên đồi Calvariô, mà còn ở vườn Ghết-sê-ma-ni nữa.

1. Sự tuẫn giáo của Trái tim Đức Kitô và các nhà huyền bí

Một vài tác giả ở thế kỷ XIV, như Ubertino de Casale, đã nói về hiến tế vô hình do Đức Giêsu dâng lên “trong đền thờ vô biên của Trái tim Người”. Quan điểm này sẽ được giải thích đầy đủ hơn khi bàn về lòng sùng kính Thánh Tâm. Vào đầu thế kỷ XVI, cuộc tuẫn giáo nội tâm của Chúa Cứu Thế đã trở thành đề tài suy gẫm, đến nỗi các nhà huyền bí đã coi đau khổ nội tâm của Người là chủ đề chính để họ chiêm niệm và suy ngẫm. Thánh Catarina Genova (+1510) nhìn thấy nơi Đức Kitô chịu đóng đinh “một vết thương rất lớn của tình yêu”, vết thương này được tìm thấy trong chính trái tim của thánh nữ giống như “một vết thương thâm sâu” có cùng cường độ. Còn chân phước Osanna Andreassi (+1505), trong những lần xuất thần, ngài đặc biệt nói tới “sự đau buồn của trái tim”; và thánh Camilla Battista Varano (+1524) là tác giả của một tác phẩm có thể được coi là kiệt tác của thể loại này[98]. Rồi thánh Maria Mađalena de’ Pazzi (+1604) cũng nói rằng trong cuộc Thương khó, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trong tâm trí nhiều hơn nơi thân thể.

2. Sự tuẫn giáo của ý chí và huyền nhiệm “fiat”

Chính nhờ những kinh nghiệm huyền bí của các linh hồn thánh thiện mà Achille Gagliardi (+1607) có thể nói về tình yêu huyền nhiệm đã kết hợp  Trái tim chịu thương tích của Chúa Con với Ý muốn mang thương tích của Chúa Cha. Vị trí đặc trưng mà Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu vâng phục này là ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Trong tiếng “fiat” thốt lên tại khu vườn này, Đức Giêsu đã đạt đến chóp đỉnh của sự đau khổ và tình yêu[99]). Ở mức độ rộng lớn hơn, linh đạo của Bérulle cũng đi theo cùng một dòng suy nghĩ như thế. Trước khi chịu đau khổ dưới bàn tay của người Do-thái, Đức Giêsu đã phải chịu đựng những vết thương của tình yêu, do Chúa Cha gây ra “qua những hành động thánh thiện, thần thánh và đau buồn mà Thiên Chúa đã thực hiện trong linh hồn Người”[100]

Huyền bí “fiat” (hay tín thác vào ý muốn Thiên Chúa) đã khơi nên mối quan tâm riêng biệt ở Pháp vào thế kỷ XVII và XVIII, đặc biệt trong số những người được mô tả  như là văn sĩ của tình yêu thuần khiết. La Croix de Jesus của Louis Chardon O.P. (+ 1651) vẫn là một trong những tác phẩn thời danh nhất để hiểu các chi tiết huyền nhiệm liên quan đến sự thông dự vào ân sủng thánh hóa nhờ việc tôn sùng thánh giá. Alexandre Piny (+ 1709), và các tác giả khác, nhấn mạnh vào sự hoàn toàn từ bỏ ý muốn, và bàn về hy tế tuyệt đối. Fenelon nhìn thấy ở đó niềm hy vọng cuối cùng để giải cứu linh hồn khỏi mọi vết nhơ của sự ích kỷ. Trên bình diện tâm lý, linh hồn khước từ hạnh phúc vĩnh cửu và trút hơi thở cùng với Đức Kitô trên thánh giá trong “sự từ bỏ hoàn toàn”, “hầu như tuyệt vọng”. Pascal đã để lại cho linh đạo Kitô giáo một trong những bài suy ngẫm đẹp nhất về vườn Ghết-sê-ma-ni, và về “những đau khổ vượt sức con người” của Chúa Giêsu[101].

3. “Hiểu biết về thánh giá” và huyền bí của Thương khó

Thánh Gioan Thánh giá mô tả đêm tối như một cuộc đóng đinh thực sự của tinh thần. Bị tước mất mọi sự trợ giúp (kể cả về mặt tâm linh), linh hồn lên đồi Calvariô, được treo lên thánh giá cùng với Đức Kitô, cùng rên siết với Người vì bị Chúa Cha lìa bỏ, và cùng chết một cách huyền bí với Người (Noche II, 5,1‑7; Subida II, 7,9‑11). Đức Kitô chịu đau khổ luôn hiện diện trong các tác phẩm của thánh nhân, ít nhất cũng là con đường và gương mẫu để noi theo. Noi gương Đức Kitô chịu đóng đinh, đặc biệt trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, là điều rất cần thiết cho ai muốn đạt đến sự hoàn thiện (Subida I, 13,4). Được hiểu như một cam kết liên tục đối với đau khổ, thánh giá là “cánh cửa hẹp”, cánh cửa duy nhất dẫn đến Đấng Thượng Trí (Cantico 36,13). Đối với Gioan Thánh giá, tri thức về thánh giá là một con đường phủ định (negative). Trên thực tế, đức tin thấy trước những điều mà nó tin, và đức tin dẫn đến thánh giá[102].

Sự huyền bí của Phaolô Thánh giá (+1775) xoay quanh cuộc Thương khó của Đức Kitô[103]. Với ngài, Đức Kitô chịu đóng đinh là biểu hiện tối cao của tình yêu (agape) và cuộc Thương khó, “tác phẩm vĩ đại và tuyệt vời nhất của Tình yêu Thiên Chúa”[104]. Các tác phẩm của ngài, đặc biệt là quyển “Diario” cho thấy ngài liên lỉ thông phần  vào cuộc Thương khó qua những đau khổ thể lý và tinh thần.

Cuộc hôn nhân huyền nhiệm này không hủy bỏ nhưng xác nhận và củng cố sự kết hiệp mật thiết giữa thánh Phaolô và cuộc Thương khó của Chúa Giêsua. Chiếc nhẫn được đeo trên ngón tay của ngài có “khắc những dụng cụ của cuộc Thương khó”. Và Đấng Cứu Thế nhắc nhở ngài phải luôn ghi nhớ trong tâm trí ký ức về “cuộc Thương khó đau thương của Người”. Điều quan trọng nhất đối với ngài lúc này là “sự đau khổ thuần khiết”, điều mà  Stanislas Breton lý giải như một kinh nghiệm rõ rệt về sự hư vô của chính mình[105]. Nó cũng là “cái chết huyền bí”, một lối diễn giải mà Phaolô Thánh giá có vẻ đã vay mượn từ các tác giả viết về tình yêu thuần khiết – sự hiến dâng cho Thiên Chúa một linh hồn “chịu đóng đinh và chết” trong sự vâng phục, phiền muộn, thống khổ, chết và hy vọng[106].

4. Những nhà huyền bí về Linh đạo Thương khó

Kinh nghiệm tâm linh của thánh Veronica Giuliani, nữ tu dòng Clara (+ 1727) là một trong những kinh nghiệm thú vị nhất. “Nhật ký” của thánh nữ kể về những thị kiến và cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu trong cuộc Thương khó của Người, tạo nên Hình ảnh  đau thương của Người trong thánh nữ. Ngày nọ, một ánh sáng rực rõ chiếu từ cạnh sườn của Chúa  và xuyên qua trái tim thánh nữ “như ngọn lửa đang bừng cháy”, khơi nên trong ngài “niềm đau và tình yêu” không thể diễn tả được[107]. Hai tu sĩ Tommaso da Bergamo (+ 1631) và Charles de Sezze (+1670), thuộc dòng Capuxinô cũng là những nhà huyền bí về thánh giá. Trường phái nước Pháp đã đặt nền của huyền bí dựa trên sự vâng phục của Chúa Con đối với Chúa Cha.  Thánh Gioan Eudes, người tự cho mình là hiến lễ và tế vật, đã khuyến khích các tín hữu hãy nêu gương về huyền nhiệm thương khó và sự Phục sinh của Chúa Giêsu: các chi thể của Nhiệm Thể, để trở nên giống với Đầu, cần phải tự hiến mình làm tế vật nhằm cứu rỗi cho toàn Thân thể[108].

Trong thế kỷ XVIII và XIX, linh đạo Thương khó đã trở nên nguồn cảm hứng cho nhiều hội dòng mới thành lập. Có thể nêu lên các vị thánh và những linh hồn thánh thiện đại diện cho các tu sĩ dòng Thương khó dưới chân thánh giá như: Vincent‑Mary Strambi (+1824), Dominic Barberi (+ 1849) và Gabriel Đức Mẹ sầu bi (+ 1862). Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế cũng lấy cảm hứng từ lòng sùng kính của thánh Anphongsô Liguori đối với cuộc Thương khó. Các tu sĩ dòng Thừa sai Máu Châu Báu do thánh Gaspar del Bufalo (+1837) sáng lập, và các tu sĩ dòng Dấu Thánh Giá của thánh Gaspar Bertoni (+1853), đã sống theo một linh đạo có nguồn gốc từ xa xưa.  Huyền bí đòi hỏi linh hồn phải hiến dâng chính mình như tế vật đền tội đã truyền cảm hứng cho việc thành lập của nhiều dòng tu khác nhau như Các Nữ tu Đức Maria Phạt Tạ (The Sisters of Mary Reparatrix) do Chân phước Emilie d’Oultremont (+1878) sáng lập, và Dòng các linh mục Thánh Tâm của Đấng đáng kính Louis Dehon (+1925).

G. Huyền bí Thương khó ngày nay

1. Mang những dấu tích cuộc Thương khó

Vào thời đại của chúng ta, nhiều tín hữu nam nữ  thông phần vào cuộc Thương khó đến mức thực sự diễn lại trên thân thể của mình.

Mặc dù không dễ để đưa ra phán đoán về khía cạnh tự nhiên hay siêu nhiên của những hiện tượng vật lý vốn đi kèm với những cảm nghiệm này (quen gọi là “xuất thần”, nhưng cần nhớ rằng, những hiện tượng này không tượng trưng cho yếu tố thiết yếu là  kết hiệp mật thiết với Đức Kitô chịu đóng đinh. Việc lãnh nhậnu năm dấu thánh –cho dù liên tục hay bị ngắt quãng đối với những thời điểm mãnh liệt nhất của sự kết hiệp này– là sự kiện khá thường xảy ra sau kinh nghiệm của thánh Phanxicô Assisi. Chân phước Ann-Catherine Emmerich (+ 1823) đã nhận được đặc ân này, và trong thời đại của chúng ta còn có Đấng đáng kính Mar­the Robin (+ 1981).

Trường hợp của  thánh Gemma Galgani (+ 190)3 có tầm quan trọng riêng biệt. Trong tác phẩm “Estasi, thánh nữ tự gọi mình là “hoa trái của cuộc Thương khó” và là “một phần của những vết thương của Chúa chúng ta”. Nguồn gốc sự đau khổ của thánh nữ, cũng như các nhân vật tiêu biểu khác của huyền bí phạt tạ, đơn giản chỉ là ý thức về sự đau khổ vô hạn của Đức Kitô vì tội lỗi nhân loại. Thánh Gemma đã thông phần cách huyền nhiệm vào đau khổ của Chúa chúng ta, vui hưởng, thỉnh thoảng chạm đến Vinh quang của Người. Thánh nữ đã trải qua những đau khổ của cuộc thương khó: mão gai, những chiếc đinh, vác thánh giá, cái chết và mũi giáo đâm thấu cạnh sườn. Vào lúc hấp hối, thánh nữ đã dang rộng cánh tay theo hình thánh giá.

2. Linh đạo và sự đau khổ

Cảm thấy cần phải tái xem xét dưới góc độ phê bình về tâm thức và các thực hành của thời trước, các nhà thần học hiện đại đôi khi có những nhận định khắt khe về linh đạo của cuộc Thương khó, trong đó họ ghi nhận chiều hướng phóng đại hoặc yêu thích sự đau khổ xét chỉ vì chính nó. Một xã hội đi tìm tự do của con người sẽ nhìn nhận đau khổ như một điều gì đó hoàn toàn tiêu cực, như kẻ thù cần bị loại bỏ nếu không muốn mang tiếng là biện hộ cho sự dữ. Quan điểm này dễ làm giảm giá một dạng linh đạo mà trong nhiều thế kỷ đã nhấn mạnh đến chấp nhận  thánh ý Thiên Chúa và từ bỏ ý muốn của chính mình. Tất nhiên, Kitô hữu không bao giờ có thể biện minh cho sự dữ, đặc biệt khi  sự dữ phát xuất từ thói ích kỷ và lòng hận thù. Tuy nhiên, Kitô hữu không thể phủ nhận sự thật rằng, đau khổ thường là hậu quả của những giới hạn và tội lỗi của chúng ta. Điều này đôi khi cũng là một đòi hỏi không thể thiếu đối với tình yêu. Chính vì lý do này mà Chúa chúng ta đã chọn lấy thánh giá.

3. Công đồng Vaticanô II

Trong các thông điệp từ “Mystici Corporis” đến “Redemptor Hominis”, huấn quyền Giáo hội đã cố gắng chỉ bảo các tín hữu về ý nghĩa của thánh giá trong đời sống của người Kitô hữu. Chúng tôi sẽ chỉ nhắc đến các giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về những khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực thần học về Thánh giá. Trong khi trình bày ý tưởng về một Giáo hội lữ hành sống bằng đức tin và đức cậy, nhưng chưa được chia sẻ vinh quang đang đến, và “loan báo thánh giá và cái chết của Chúa cho tới khi Người đến” (LG 8), trên thực tế, Công đồng đã phát triển một thứ “thần học về thánh giá”. Chủ đề Thương khó và thánh giá là nền tảng cho những đặc trưng thiết yếu của đức tin: sự mặc khải, sự cứu chuộc và nhân luận. Việc công bố  cái chết và sự phục sinh được xem như sự biểu lộ cao nhất của Mặc khải (DV4). Trong tương quan giữa sự vâng phục và hiến tế nhằm nối kết Chúa Con với ý muốn của Chúa Cha, cuộc Thương khó biểu lộ dung nhan chân thật của Thiên Chúa và tình yêu của Người (LG 3; cf. 37‑38). Bằng cách hiến mạng sống vì anh em, Đức Giêsu vẫn đang làm chứng cho tình yêu huynh đệ của Người đối với họ và mặc khải ơn cứu độ cho họ (LG 22, 42; DV 4, 14; Unitatis Redintegratio,2).

Công đồng kêu gọi những ai rao giảng Tin mừng “hãy làm cho mầu nhiệm tình yêu chân thật này được nhận biết”, và không “xấu hổ vì sự vấp phạm của  thánh giá”, bởi trong đó chứa đựng quyền năng của Lời (AG 24). Tuy nhiên, cuộc Thương khó không đơn thuần chỉ là “dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người”, mà con là “nguồn cội của ân sủng” (AG 24). Chính từ cây thánh giá mà Đức Ki-tô tuyên bố “kéo mọi người lên với Người” (Ga 12,32), thông qua sức mạnh thánh hóa của nó (LG 3,48; DV 17). Nhờ cuộc Thương khó, Đức Kitô chiến thắng quỷ dữ, tội lỗi và sự chết, công bố tự do đích thực và hòa bình thực sự (LG 7; GS 2, 12,22,38; SC6), đồng thời hòa giải con người với Thiên Chúa (SC 5; GS78). Khi mũi giáo của tên lính đâm thâu cạnh sườn của Chúa chúng ta thì Thánh Linh đã đổ đầy ân sủng bí tích trên toàn thế giới (LG 5,7,21,39‑40; DV 4,17; AG 4; SC 5).

Qua Nhiệm Thể, Sự sống Thần linh trải rộng trên các chi thể, và chính tại nơi đây, Công đồng lặp lại lời của các nhà huyền bí về Thánh giá – “các bí tích duy trì mối liên kết huyền nhiệm với Đức Kitô chịu đau khổ” (LG 7). Noi theo cuộc Thương khó và uốn nắn bản thân theo khuôn mẫu Đức Kitô chịu đóng đinh là những chủ đề thường được lặp đi lặp lại (LG 7; GS 22,37). “Khi chấp nhận cái chết vì tội lỗi chúng ta, Đức Giêsu dùng chính gương mẫu của mình để dạy bảo chúng ta rằng, chúng ta cũng phải vác thánh giá mà bản tính nhân loại của chúng ta và thế gian đặt trên vai tất cả những ai tìm kiếm công lý và hòa bình” (GS 38).

4. Huyện nhiệm cuộc Thương khó và phong trào đại kết

Trong những năm gần đây, đối thoại đại kết đã gợi ý một lối tiếp cận mới về ý nghĩa của thánh giá dưới khía cạnh thần học và tâm linh. Lời kêu gọi theo chiều hướng này cũng đến từ các anh em Tin lành, đặc biệt khi hội thánh Tin lành, ở các thời kỳ khác nhau trong lịch sử, đã nhấn mạnh vào điểm này nhằm khám phá một lần nữa về nguyên tắc sống còn của nó.

Chúng tôi nghĩ rằng, có những khó khăn không thể coi thường đang cản trở sự kết hiệp giữa trường phái huyền bí Thương khó và “theologia crucis” của các Giáo hội Cải cách. Luther dạy rằng, đau khổ của chúng ta không thể làm cho chúng ta giống với Chúa Kitô; chính sự đau khổ của Người đã phá hủy tội lỗi nơi chúng ta, làm cho chúng ta nên giống Người. Sự canh tân thần học của anh em Tin lành vẫn luôn trung thành với nguyên tắc này. Chúa Kitô không hoạt động trong chúng ta bởi sự Toàn năng, nhưng là sự yếu đuối của Người. Người tín hữu, với tất cả sự yếu đuối của mình, đứng trước sự hiện diện của Đức Kitô chịu đóng đinh và vác thánh giá mình do một lý do đơn giản này là: anh ta là Kitô hữu[109]. Sự kết hiệp huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện, không trực tiếp, nhưng nhờ Đức Kitô, Đấng là sự tổng hợp nền tảng của đau khổ và tình yêu. Người Kitô hữu được hiệp nhất với “Thiên Chúa chịu đau khổ” qua trung gian Đức Kitô[110]. Chính vào thời điểm đặc biệt khi tuyên bố Người bị Thiên Chúa bỏ rơi trên thánh giá, Đức Giêsu mặc khải Chúa Cha và sự công chính của Cha[111]. Người nhận lấy vị trí của nhân loại bị bỏ rơi và bị áp bức. Người giải thoát con người khỏi những bất hạnh bằng cách gánh lấy họ[112].

Như vậy, điều gì giúp phân biệt “theologia crucis” với “mystica crucis”? Đối với “theologia crucis”, Đức Kitô chữa lành chúng ta bằng chính những thương tích của Người; đối với “mystica crucis”, nhân loại được kéo lên Thiên Chúa nhờ ân sủng từ cây thánh giá.

Kết luận

Có hai quan điểm chính trong nỗ lực lý giải cho con người hiện đại hiểu về ý nghĩa của thánh giá. Một là quan điểm truyền thống và thuần túy về tâm linh. Quan điểm này nhấn mạnh đến những thái độ cơ bản về kinh nghiệm của Đức Kitô và về cuộc Thương khó của Người. Quan điểm thứ hai có nguồn gốc gần đây, và mang một điểm nhấn rất mạnh về mặt xã hội: đặc biệt nó nhìn thấy trong cuộc Thương khó và Cái chết của Đức Kitô một hệ quả do việc Người tố cáo sự bất công, áp bức, việc thờ phượng các ngwxu tượng vật chất.  Bởi vì “memoria passionis” (ký ức cuộc thương khó) không thể nào tách khỏi “memoria resurrectionis” (ký ức cuộc phục sinh), cho nên đau khổ về mặt nhân tính của Đấng Cứu Thế là một lời mời gọi chúng ta chiến thắng đau khổ, ngõ hầu kiến tạo nên một điều kiện nhân sinh xứng đáng với cuộc tạo dựng mới do Đức Kitô thiết lập[113]. Quan điểm thứ hai này gói ghém một vài chân lý nào đó. Nó nhấn mạnh đến tình bác ái huynh đệ, không thể tách rời công lý của Nước Trời khỏi công lý của con người. Tình bác ái huynh đệ này thực sự có thể trổ sinh hoa trái thành một hình thức của huyền bí Thương khó. Nó giúp người Kitô hữu thông hiệp vào đức ái của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì những kẻ Người yêu mến (Ga 15,13), ngõ hầu làm cho mọi người được “tự do thực sự” (8,34-35). Tuy nhiên, hai quan điểm này –quan điểm truyền thống tập trung nhiều hơn vào con người Đức Giêsu chịu đau khổ trong cuộc Thương khó; và quan điểm gần đây hơn, hướng đến sự trải rộng của tình bác ái huynh đệ trên các con cái của Thiên Chúa– kết hợp lại với nhau như hai khía cạnh của điều răn duy nhất của Đức Kitô (Mt 22,34-40).

 

[1] R. Moretti, La Passione di Cristo nell esperienza mistica, in “La Sapienza della croce oggi. Atti del Congresso Internazionale”,  v. II, Torino, 1976, p.165-180.
[2] Xc. S. Breton, La Mystique de la Passion, Tournai, 1962, p.20‑25.
[3] Để nghiên cứu đầy đủ hơn về chủ đề này, xin coi: Xavier Leon-Dufour, art. “Passion”, DBS t.6, 1960, col. 1420-92.
[4] Xc. G. Ferraro,  “Il termine Ora nei Vangeli sinnotici,” in Rivista Biblica, t.21,1973, p. 383‑400.
[5] A. Feuillet, II significato fondamentale dell’agonia del Getsemani, in: La sapienza della croce oggi, t, I, Torino, 1976, p. 69‑85.
[6] Xc. bài “Mort,” Jésus devant sa mort, DS t. 10, col. 1752‑54.
[7] P. Lamarche, “L’Humiliation du Christ,” in Christus, t.26, 1979, p. 461‑470.
[8] Xc. I. de la Potterie, “La sete di Gesu morente e l’interpretazione giovan­nea della sua morte,” in La sapienza della croce oggi, t.l, p. 33‑49.
[9] Xc. P. Lamarche, “La mort de Jesus et le voile du temple selon Marc,” NRT, t.106, 1974, p, 583‑589.
[10] Xc. C.M. Martini, “Vangelo della passione ed esperienza mistica nella tradizione sinottica e giovannea’, in: Mistica e Misticismo oggi, Semaine d’Etudes de Lucques, 8‑13 Sept. 1978, Rome, 1979, p. 191‑201.
[11] Xc. X. Leon‑Dufour, “Perdre sa vie selon 1’Evangile” in: Etudes, 1979, p, 395‑409)
[12] Xc. “Imitation du Christ,” DS,  t.7, col 1536‑62.
[13] S. Virgulin,  “La Croce come potenza di Dio in 1 Cor 1, 18-24” in: La sapienza della Croce oggi, t.l. p. 144-150.
[14]  Justinus, 1 Apol. 55, PG 6, 412‑413; Ter­tullianus, Apolog. 16,6, CCL 1, p.115‑116; Ad nationes 1, 12, p.31‑32; Minucius Felix, Octavius 29,6‑8, CSEL 2, p.43.
[15] Sermo. 55,1, CCL 138A, p. 323.
[16] T. Lêô  Cả, Sermo 62,1, CCL 138A, p.376‑377.
[17] Xc. Gregorius Nyssa, In Christ resur 1, PG 46, 621‑624; Oratio catechetica 32, PG 45, 80‑81; Rufinus  Aquilea, Exp. Symboli 12‑26, CCL 20, p. 149‑151; Hieronimus, In Ep. ad Eph. 2,3, PL26, 522‑523).
[18] T. Ignatius, Ad Eph. 18,1‑2; SC 10,4th. Ed; 1969, p. 72‑74; cf. Ad  Diognetum 8,6‑8; SC 33 bis, 1965, P.70‑72)
[19] Tertullianus, De carne Christi 5,3, CCL 2, p. 880‑881.
[20] T. Lêô, Sermo 54,1, CCL 138A, p. 317; 62,1, p.376.
[21] T. Basilius, De Baptismo, 1, 2, PG31, 1576‑1577; Salvian of Marseilles, Ad Ecclesiam 2,4, SC 176, 1971, p. 178; Augustine, Sermo 23a, 2, CCL 41. p. 321‑322
[22] Ad Cor. 49, 6, SC 167, 1971, p.180.
[23] Adversus Haereses, v, 1,1, SC 153, p. 19.
[24] Ignatius  Ant., Ad. Eph 9,1, SC 10, p. 64; Leo, Serm. 59, 7. CCL 138A, p. 323; Gregoríus Naz., Oratio 29,20, PG 36, 101b. Theodoretus Cyr, De incarn. Domini 28, PG75, 1468b; Am­brosius, De poenitentia II 3,18, SC 179, 1971, p. 144.
[25] Leo, Sermo 58,4, CCL 138A, p.346‑347); cf. Gregory  Na­z., Oratio 45,22, PG36, 653b.
[26] Cyril of Jerusalem, Catech. 13,3, PG 33, 773b; Joannes Chrys., In Matth. 54,4 PG 58, 336‑337; Leo, Sermo 59,7, CCL 138A, p.357.
[27] Ps. ­Hyppolitus, In S. Pascha 1 and 55, SC 27, 1950, p. 119 và 181‑183; Ps. Cyprianus, De idol. Vanitae 14, CSEL 3/1, p. 30‑31).
[28] Origen, In Rom. 61,1, PG14 1056c; Pacien of Barcelona, De Bapt. 4‑7, PL 13, 1092‑94; Joannes Damasc., De Fide Orth. 4, Z1, PG 94, 1130bc.
[29] Epistle of Barnabas 11,1‑10, SC 172, 1971, p.158‑166.
[30] Joannes Chrys., Catech. 3,13‑19, SC 50, 1957, p. 174‑177; Augustinus, In John. 120, 2‑3)
[31] Theodoret, De incarn. 27, PG 75, 1468a.
[32] Ambrosius, De sacramentis 2,6,11; Pseudo‑Denis, Eccles. Hier. 4,10; PG3, 483b).
[33] Ad. Cor. 2,1, SC 167, p.101; 7,4, p. 111; cf. Chromatics of Aquila, Sermo 20, CCL 9A, p. 95.
[34] Demonstratio 68-82, SC 62, p.134-149.
[35] Sermo 254,4, PL 38, 1184b.
[36] S. Joannes Chrys. In Matth. hom 83‑88, PG 58, 745‑773; In Joh. hom 83-85, PG 59, 447‑467; Augustinus, In Joh. 60, 1‑5.
[37] S. Leo M., Serm. 66,2 CCL 138A, p.403.
[38] S. Gregorius M., Moralia in Job XIII, 22, CCL 143A, p. 682; Regula past. 3,12, PL 77, 69c.
[39] S. Basilius, De Spirit Sancto 15,35, PG 32, 128-129.
[40] Ad Rom. 6,3, SC 10, p. 115; Xc. Ad Philad. 7,2 et 8,2 p. 126; Ad Eph. 3,1, p. 60; Ad Magn. 5,2 p.82; Xc. Polycarpe, Ad Phil. 8,2, SC 10 p. 186; Martyrium Polycarpi 17,3, p. 232.
[41] S. Augustinus, Sermo 304,2, PL 38, 1396a; xc. Gregorius Nazianz., Oratio 45,23-24, PG 36, 656-657; Andreas Creten, Sermo 9, PG 97, 9936; Cyprianus, De Dom Orat. 14-17, CSEL 3/1, p.276-279.
[42] S. Ireneus. Adv. Haer. III 18,7 SC 211, p. 364-370; S. Gregorius M.., Moralia in Job III, 9, CCL143, p.124.
[43] S. Gregorius M., Regula past. 3,12,  PL 77, 660.
[44] Chromatius of Aquilea, In Matt. 25,1 CCL 9A, p. 315.
[45] S. Leo M., Sermo 72,5, CCL 138A, p. 446.
[46] Isaias Gaza, Oratio 21, PG 40, 1165a.
[47] Ps: Augustinus, Sermo 207, 3, PL 39, 2129.
[48] Apoph Patrum, Jean Colobos 34, PG65, 215bc.
[49] Tertullianus, De Carne Chr. 5,3, CCL 2, p. 880-881; Gregorius Nyssa, Or cath. 32, PG 54, 80-81; J. Damascenus, De Fide Orth. 4,11, PG 94, 1130a.
[50] Clemens Alex., Excerpta ex libris Theodoti 42, SC 23, 1948, p. 148.
[51] Ignatius, Ad. Smyrn. 1,2, SC 10, p.132‑134; Polycarpus, Ad. Phil. 7,1, p. 186; Ireneus. Adv. Haer. III 18, 1‑7, SC 211, p. 342‑370; Origenes, Contra Celsum, II, 25, SC 132, 1967, p. 352‑354)
[52] Meliton  Sardes, Peri Pasha 47 58, SC 123, p. 84-92; Pseudo Macarius, Hom. 12,5, PG 34, 560c.
[53] S. Leo M., Sermo 59,5, CCL 138A, p. 355.. Về chủ đề “cùng chịu đóng đinh” (concrucifixion), xem thêm: Origen, In Rom. 5,9; In Joh. 19,5; Ad Mart. 12; Basilius, De Bapt. 1,2; Augustinus, Sermo 3 2 3; v.v…
[54] Origenes, In Num. 24,2, SC29, p.462-467.
[55] In Matt. 31,7, PL9, 1068-1069.
[56] Enarratio in Ps. 140, 4, CCL 40, p. 2028; cf. Salvian of Marseilles, Ad Eccles. 2,4, SC 176, p. 178
[57] Andreas Creten, Serm. 9, PG 97, 1016b.
[58] Xc.. DS, t. 7, Col. 1565‑1567; t,10, 718‑737.
[59] Eusebius, Hist. Eccles. V.1,55; SC 41, 1955, p.21.
[60] Hilary of Arles, Life of St. Honorat, 57,3, SC 235, p. 170.
[61] Athanasius, Vita Antonii 46, PG 26, 911b.
[62] Hieronymus, Ep. 108,31, PL 22, 905c; cf. Ambrosius, De virginitate. 1,3,10, PL 16, 202a.
[63] Ps. Dionisius, Eccles. Hier. 3,9,8,6,3, PG 3, 437c et 536a.
[64] Ephrem, Comment sur 1’Evangile concordant 15,4, SC 121, p.266; Dorothy of Gaza, Instr. 1,11 et 13, SC92, p. 164-166
[65] Basilius, Ep. 207,2, PG 32, 761c.
[66] Isidorus  Sevil., Sent. 2,2, PL 83, 602a)
[67] Gregorius Naz., Oratio 38,18, PG36, 333a; cf. Or 7,23 PG 35, 785b; Poem. I,2, 565-567, PG37; 623a
[68] Hieronimuss, Adv Jovinianum 1,4: 12 13, PL 23, 225c, 239b 242a.
[69] Institutiones 4,34 35, SC 109, p. 172-174.
[70] Entychius of Constantinople, De pasch. et euchar. 5, PG 86/2, 2397a.
[71] Cassian, Conferences XXIV, SC 64, p.169-206
[72] Ep. 4, Opera. ed. G.S. Walker, Dublin 1957, p.30-32.
[73] J Leclercq, Sur la dévotion à l’humanité du Christ, Rev. Ben., t 63, 1953, p. 128-130.
[74] Xc. A. Wilmart, Auteurs spirituels et textes devots du M.A, Paris, 1932, repr. 1971; DS, t. 8, Col. 510, liên quan đến niên đại và quyền tác giả trong các tác phẩm của ông.
[75] Medit. 7‑8, PL 40, 906‑908; 37, 935d; Manuale 21‑33, 960‑961.
[76] Orat. 20, PL 158, 903c.
[77] Medit. 9, PL 158, 758-761.
[78] In Cant. 44,1, PL182, 666b; cf. De dilig. Deo 3,7-8, 978b, 979a.
[79] De contemplando Deo 9-11, SC 61, 1959, p. 90-96.
[80] Ep ad fratres de Monte Dei 115, SC 223, 1975, p. 234.
[81] Vita, viết bởi Eckbert, I,53‑56, PL195, 147‑149.
[82] Scivias, 2,6,17, CCM 43, p.232, 244; Lib. divin. oper. 3,10,34, PL197, 1034c). Về hai tác giả này, xem: Thời sự thần học số 89 (tháng 8/2020), trang 134-153.
[83]  Ed. G. Dumeige, Paris, 1955, p.46‑49; cf. Richard of Saint Victor, “The four degrees of ardent charity” same ed., p. 127‑177.
[84] Dos Homilias de Odon de Moribond., ed. 7. Canal, in “Sacris Erudiri,” t. 13, 1962, p. 432‑433.
[85] Thomas de Celano, Tract de miraculis 2,2, in “Analecta Franciscana,” t. 10 ed. Quaracchi, 1941, p. 272‑273.
[86] Bonaventura, Legenda maior 9,2, in Opera, ed. Quaracchi, t.8, 1898, p. 530.
[87] Op. cit.. 14,1, p.545; cf. DS, t.5, Col: 1279‑81.
[88] Xc. Sermones dominicales et festive, 3 vo1., Padua, 1979.
[89] cf. L. Lecleve, S. Angela. de Foligno: sa vie, ses oeuvres, Paris 1936.
[90] Xc. Das Buch vom geistlicher Armut 2,82, ed. H. Denifle, Munich, 1877, p. 218.
[91] Il Dialogo 49‑76, ed. G. Cavallini, Rome 1968, p. 110‑180.
[92] J. Delumeau, Naissance et affirmation de la Reforme, Paris 1973, p. 55.
[93] F. Rupp. L’Eglise et la vie religieuse en Occident à la fin du Moyen Age, Paris 1971, p. 147.
[94] Lignum vitae 46, Opera, ed. Quaracchi, t. 8, 1898, p. 84; Vitis mystica 24,2, p. 188.
[95] DS t.4, Col. 1926; ed K. Graube, Halle, 1886, p. 226 224; ed M. Medlund, Leyde, 1975.
[96] De spirit. ascensionibus, in Maxima Bibl. Patrum, t.26, Lyon, 1677, p. 237‑289.
[97] Esercitio della vita christiana, Rome, 1571, F. 21r.
[98] I dolori mentali di Gesu nella sua passione, Ed. G. Boccanera, Jesi, 1958.
[99] Breve compendio, ed. M. Bandiscioli, Florence, 1952, p. 99‑100.
[100] Trích theo  F.G. Preckler, Bérulle aujourd’hui. Pour une spiritualité de l’humanité du Christ, Paris 1978, p. 97; cf. p. 59‑67.
[101] Pensées, ed. L. Braunschvieg, n. 553: Le mystère de Jesus
[102] A. Cugno, Saint Jean de la Croix, Paris, 1979, p. 38‑39.
[103] Basilio de S. Pablo, “Pasiocentrismo en la vida mistica y apostolado de S. Pablo de la Cruz,” in Teologia Espiritual, t. 11, 1967, p.431‑454.
[104] Lettere, ed. Amedeo della Madre di Dio, t.2, Rome, 1924, p.499.
[105]  (La mystique de la passion, p. 187‑236.
[106] Morte mistica, ovvero olocausto del puro spirito di un anima religiosa, Bilbao, 1976, p. 13‑17.
[107] Diario, ed. O. Fiorucci, t.2, Citta di Castello, 1971, p.23.
[108] “Le royame de Jésus,” in: Ouevres completes, t.l, Vannes‑Paris, 1905, p. 310‑311.
[109] D. Bonhoeffer, Nachfolge, Munich, 1937.
[110] K. Kitamori, Theologie des Schmerzes Gottes, Gottingen, 1972.
[111] Xc. “Luther,” DS, t.9, Col. 1208‑40).
[112] J. Moltmann, Der gekreuzigte Gott. Das Kreuz Christi als Grund und Kritik christlicher Theologie, Munich 1972.
[113] J.B. Metz, Glaube in Geschichte und Gesellschaft. Studien zu einer praktischen Fundamentaltheologie, Mayence, 1977; Ch. Duquoc, “Attualità della croce”, in: La sapienza della Croce oggi, t. 1, p. 11‑17.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here