HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO TRẢI QUA LỊCH SỬ – Kỳ II

0
599

HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO TRẢI QUA LỊCH SỬ

Juan Martin Velasco
Tác giả là một linh mục giáo phận Madrid (1934-2020), giáo sư khoa hiện tượng luận tôn giáo tại đại học Salamanca, và đã xuất bản nhiều sách về thần học huyền bí, (nổi tiếng nhất là El fenómeno místico. Estudio comparado, Trotta, Madrid, 2009). Bài viết này được đọc trong buổi thuyết trình tại Hội nghị “A Experiência Mística Cristã” tại Fatima từ ngày 17 đến 19 tháng 10 năm 2014, với tựa đề:  La mística cristiana. Existencia. Rasgos característicos. Algunas figuras actuales.

http://www.carmelitas.pt/teresadejesus/ficheiros/multimedia/Cong2014_02_ExpMisticaCrista_JuanMartinVelasco.pdf

Kỳ II:

IV. Thế kỷ XI. Từ huyền bí đan tu sang huyền bí thởi Trung cổ.

V. Thời cận đại. Thế kỷ XVI-XVII: 1/ Những trào lưu huyền bí. 2/ Những trào lưu phản huyền bí

—————-

IV. Thế kỷ XI. Từ huyền bí đan tu sang huyền bí thời Trung cổ

Gioan Scotus Erigena là cầu nối kết huyền bí giáo phụ với thời Trung cổ bằng cách giới thiệu các tác phẩm của Grêgoriô Nyssa, Ps.Dionysius và Maximus Confessor. Kể từ thế kỷ XI, huyền bí Kitô giáo phát triển cách phi thường chung quanh ba trục chính, xét về nội dung cũng như văn chương.

1/ Trục thứ nhất. Đại diện là thánh Bênađô Clairvaux, người khởi xướng cuộc cải tổ Xitô. Là một con người chiêm niệm và hoạt động, ngài đã gây ảnh hưởng rất lớn trên đời sống chính trị, văn chương, tôn giáo ở Âu châu thời ấy. Thánh Bênađô tiếp tục huyền bí đan tu và thêm vào những nét riêng tư cá nhân.

Cũng trong luồng huyền bí đan tu thời Trung cổ, chúng ta có thể xếp các đại biểu của thần học đan tu tựa như Guillaume de Saint Thierry, Aelred de Rievaulx[1], cũng như Hugo và Richard thuộc các kinh sĩ Saint-Victor.

2/ Trục thứ hai gồm bởi các phụ nữ quy tụ quanh các nhóm quan trọng của các béguines, các nữ đan viện hoặc quanh các dòng hành khất mới thành lập. Đời sống tâm linh của họ mang những sắc thái đặc thù, khiến ta có thể xếp họ vào một “huyền bí mới”. Những đại biểu quan trọng nhất là: Hildegard de Bingen, và “bốn phụ nữ loan truyền bá tin mừng” (B. McGinn) là Angela Foligno, Hadewijch de Amberes, Mechthilde de Magdeburgo và Margarita Porete [2] .  Phản ánh những điều kiện lịch sử mới mà họ đang sống, các phụ nữ này trình bày một hình thức mới về vị trí của huyền bí trong tương quan với thế giới. Những phụ nữ này, hoặc sống trong các đan viện của các dòng hành khất mới thành lập, hoặc sống trong các cộng đoàn giữa đời như các nhóm béguines, diễn đạt một hình thức tương quan đặc biệt giữa chiêm niệm và hoạt động.

Một đặc trưng khác của huyền bí nữ giới là ngôn ngữ sử dụng. Các đan sĩ của Giáo hội Latinh biên soạn các tác phẩm bằng tiếng Latinh; còn các nữ huyền bí viết bằng ngôn ngữ địa phương, sử dụng những cách diễn đạt mới. Tầm quan trọng của ngôn ngữ địa phương mang theo một thần học mới, đến nỗi có thể nói đến một “thần học bản địa” bên cạnh thần học đan tu và thần học kinh viện.

Xét về cách thức diễn tả cảm nghiệm, các thị kiến xuất thần chiếm một vị trí quan trọng; còn xét về nội dung thì trọng tâm là Đức Giêsu dưới hình ảnh là người yêu của linh hồn, cùng với các mầu nhiệm của đời sống và cuộc khổ nạn của Người. Thật không dễ kiểm chứng tính xác thực các thị kiến và nội dung của chúng. Như B. McGinn đã viết, có lẽ đó là những hình ảnh do óc tưởng tượng tạo ra, dựa trên việc suy gẫm các hình ảnh Kinh thánh và phụng vụ, cũng như các nghệ phẩm trình bày Chúa Giêsu, các thiên thần, các thánh, thiên đàng và hỏa ngục.

Tầm quan trọng của chủ đề tình yêu trong các tác phẩm của họ đã đưa đến chỗ đặt tên là “huyền bí tình yêu” (Minnemystik); việc diễn tả tương quan của Thiên Chúa và Đức Kitô theo từ ngữ kết hôn đã dẫn đến tên gọi là “huyền bí kết duyên” (Brautmystik).

3/ Trục thứ ba mang tên là “huyền bí bản thể” (Wesensmystik) hoặc “huyền bí hữu thể” (Seinsmystik), với đại diện là Meister Eckhart.

Cha Eckhart có một ý thức sâu sắc về tính siêu việt của Thiên Chúa và bá chủ hết mọi hiện hữu. Thiên Chúa là Đấng Tự hữu, và ở trên muôn vật. Các thụ tạo không chỉ xuất hiện sau Ngài mà phần nào còn hiện hữu trong Ngài. Ta không nên hình dung Thiên Chúa hiện hữu, rồi sau đó Ngài dựng nên muôn vật ở bên ngoài của Ngài. Ngoài Ngài ra thì chẳng có gì hết. Sự tạo dựng không chỉ diễn ra vào lúc khởi nguyên, nhưng vẫn tiếp diễn liên tục, và các thụ tạo không ngừng lãnh nhận sự hiện hữu từ sự xuất phát vĩnh cửu từ Thiên Chúa hằng hữu.

Linh hồn con người là một thực tại phức tạp, bao gồm giác quan, các quan năng và một chiều kích tận cùng mang nhiều tên gọi: cái thâm sâu, cái đáy, bản thể, chóp đỉnh, con mắt nội tâm, nơi mà Thiên Chúa ngự trị cùng với tất cả thiên tính, “gần gũi linh hồn còn hơn là linh hồn gần vói mình”. Cái đáy linh hồn được liên kết với nguyên mẫu nơi Thiên Chúa, với lý tưởng của mình, nơi mà nó được thông dự vào bản tính Thiên Chúa.

 Dựa trên quan niệm vừa nói về bản tính của Thiên Chúa và của linh hồn, Eckhart xây dựng đạo lý tâm linh và huyền bí của mình. Căn bản có thể tóm vào ba điểm. Thứ nhất là thuật ngữ Abgescheidenheit, (từ bỏ, siêu thoát) như là con đường dẫn đến hạnh phúc. Sự từ bỏ giúp thực hiện sự “bỏ mặc” hay “phó thác” (Gelassenheit), từ bỏ tất cả và trao phó toàn thân vào tay Thiên Chúa. Linh hồn được giải thoát sẽ từ bỏ chính mình, vượt lên chính mình để đến cùng Thiên Chúa. Kết quả của chuyển động này là sự thiên hóa, được diễn tả như là sự sinh ra của Lời Thiên Chúa trong đáy linh hồn. Đoạn văn sau đây của tác giả có thể tóm lại tất cả học thuyết: “Hãy từ bỏ tất cả mọi cảm giác và hoạt động tri thức, và qua con đường vô-tri, hãy vươn đến sự kết hiệp với Đấng vượt lên trên mọi bản thể và mọi kiến thức”.  Sự thanh luyện triệt để của tiến trình hướng về Thiên Chúa đã khiến Eckhart biến đổi công thức “Đừng cầu xin điều gì khác ngoài chính Thiên Chúa” của thánh Augustinô thành lời nguyện : “Sis mihi Deus ”, “Xin hãy trở thành Thiên Chúa cho con”[3]. Dù sao, việc trình bày học thuyết của Eckhart mặc dù có giản lược mấy đi nữa cũng không thể nào bỏ qua hai khía cạnh quan trọng, đó là: lòng yêu mến Thiên Chúa bao hàm lòng yêu mến tha nhân; và hoạt động được thực hiện từ việc kết hiệp với Thiên Chúa, được tượng trưng nơi cô Mácta, thì cao hơn việc chiêm niệm đơn thuần, được tượng trưng nơi cô Maria.

V. Thời cận đại

Vào thời cận đại, thần học huyền bí Kitô giáo mang nhiều đặc tính xem ra trái ngược nhau. Một đàng là sự xuất hiện của một tác giả được mệnh danh là Acổ điển@ của thần học huyền bí, đó là thánh Gioan Thánh giá; đàng khác là sự nổi lên những luồng chống đối huyền bí ở trong Giáo hội công giáo, và cách riêng là nơi Giáo hội Tin lành. Chúng ta sẽ lần lượt trình bày cả hai trào lưu đối nghịch đó.

1/ Những trào lưu huyền bí

Năm 1926, từ khi được đức Piô XI trao tặng tước hiệu tiến sĩ Hội thánh, thánh Gioan Thánh giá quen được gán danh xưng là Atiến sĩ huyền bí@ (doctor mysticus), bởi vì không những người đã lãnh nhận được cảm nghiệm huyền bí nhưng còn biết sử dụng ngôn ngữ thần học để diễn đạt nó. Dù sao, trước khi vào chi tiết, thiết tưởng nên ghi nhận vài đặc điểm của thời cận đại.

Thứ nhất, sự tách rời “thần học tâm linh” thành một ngành độc lập. Hồi thế kỷ XIII, thánh Tôma và thánh Bonaventura đề cập đến những vấn đề tâm linh trong tổng thể thần học. Tiếc rằng, sau đó, khi nhận thấy những cuộc tranh luận thuần lý giữa các trường phái kinh viện không giúp ích cho đời sống đạo đức, cho nên một khuynh hướng được đặt tên là devotio moderna  chủ trọng đến việc phát triển tâm linh, cắt đứt khỏi thần học.

Thứ hai, như một hệ luận, thần học tâm linh chú trọng đến khía cạnh chủ thể (cảm nghiệm) hơn là khía cạnh khách thể (dựa trên Kinh thánh, tín lý và các bí tích). Người ta đào sâu vào sự tiến triển của các cấp độ huyền bí. Chúng ta hãy rảo qua vài khuôn mẫu điển hình.

Thế kỷ XVI. Hai khuôn mặt nổi bật nhất bên Tây-ban-nha là: thánh Têrêsa Giêsu (Avila) và thánh Gioan Thánh giá.

a) Thánh nữ Têrêxa Avila (1515-1582)

Xét về khía cạnh học thuyết, thánh Têrêsa không có gì mới  mẻ so với các tác giả tiền nhiệm thuộc khuynh hướng Ahuyền bí kết hôn@. Tuy nhiên, điểm độc đáo nằm ở chỗ phân tích các cấp độ cũng như những hiện tượng kèm theo. Trong tác phẩm Castillo interior (lâu đài nội tâm), tác giả mô tả những chặng của đời sống huyền bí từ khởi đầu cho đến lúc kết hiệp.

Linh hồn được ví như một lâu đài với bảy căn hộ. Nó bị bao vây bên ngoài bởi các rắn độc, tức là tội lỗi và quyến luyến với thế sự. Tình trạng này vẫn tồn tại khi rút vào căn thứ nhất, tức là nền của đời sống tâm linh, dựa trên sự biết mình và khiêm tốn. Lên tới những căn cao hơn ở căn thứ hai và ba, linh hồn cũng tiến tới trong đường cầu nguyện, từ khẩu nguyện cho đến suy niệm, mang theo nhiều lúc chia trí và khô khan. Linh hồn cần biết kiên trì khi đương đầu với những khó khăn, ngõ hầu có thể tiến tới.

Một khúc rẽ quan trọng bắt đầu từ căn thứ tư, khi chuyển sang tình trạng huyền bí, bởi vì Thiên Chúa giữ phần chủ động hơn. Linh hồn tiến đến Atĩnh nguyện@, cảm thấy được yên tĩnh và dịu ngọt khi gần gũi Chúa. Tuy vậy, sự kết hiệp vẫn chưa trọn vẹn, bởi vì các quan năng khác (đặc biệt là lý trí và óc tưởng tượng) chưa được chế ngự. Lên đến căn thứ năm, (tương ứng với Akết hiệp đơn giản@), thì linh hồn cảm nhận được việc Chúa đến và ngự ở trong mình. Sự kết hiệp này kéo dài không lâu lắm, khoảng chừng nửa giờ, trong đó các quan năng đều ngủ yên. Ở căn thứ sáu, sự kết hiệp với Thiên Chúa được diễn tả như cuộc Ađính hôn thiêng liêng@ được thuật lại khá tỉ mỉ, kèm theo nhiều hiện tượng huyền bí, cách riêng là sự xuất thần, khi mà tất cả các quan năng của con người hầu như bị tê liệt : họ không còn nói được, thân thể ra lạnh ngắt hầu như không còn sức sống. Sự xuất thần không kéo dài lâu, nhưng để lại nhiều dấu vết trong linh hồn, trong đó có Avết thương của tình yêu@ gây nhiều đau đớn do lòng khao khát mến Chúa gây ra. Căn thứ bảy được mô tả như hôn phòng, nơi diễn ra cuộc Akết hôn thiêng liêng@, khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho linh hồn. Đây là tình trạng cao cấp nhất trên đời này, chỉ còn thua sự hưởng kiến trên trời mà thôi.

Một đặc trưng của linh đạo Têrêsa Avila, khác biệt với thánh Gioan thánh giá, ở chỗ thánh nữ dành chỗ quan trọng cho Đức Giêsu, dưới cả khía cạnh nhân tính lẫn thiên tính. Đức Giêsu trở nên người bạn thân tình để hàn huyên trò chuyện, và là trung gian dẫn đến Thiên Chúa.

b) Thánh Gioan thánh giá (1542-1591)

Thánh nhân thuật lại cảm nghiệm của mình khi bị giam trong ngục tu viện Toledo, dưới hình thức các bài thơ. Những tác phẩm viết sau đó ra như chú giải cho các bài thơ.

Con đường dẫn đến sự kết hiệp với Thiên Chúa được sánh với cuộc Atrèo lên đỉnh núi Cát-minh@. Để đạt đến mục tiêu này, linh hồn phải từ bỏ không những là những gì ràng buộc với thế giới khả giác mà còn tất cả những gì không dẫn tới Thiên Chúa. Nơi thánh Gioan Thánh giá, ta thấy tái hiện luồng thần bí Ađêm tối@. Hành trình lên núi bị bao phủ bởi nhiều đợt đêm tối.

Đợt một mang danh là Ađêm tối giác quan@. Linh hồn phải từ bỏ tất cả những gì mà trước đây mình ưa thích. Họ phải khước từ không những là tội lỗi (bất kỳ tội trọng hay tội nhẹ), mà còn tất cả những khuyết điểm cũng như mọi ràng buộc với thọ tạo, tuy dù vô tội vô vạ chăng nữa. Tác giả ví các sự quyến luyến đó như là dây trói : dù lớn hay nhỏ, nó cũng ngăn cản con chim không thể bay lên cao được. Do đó, ai muốn bước vào hành trình huyền bí thì hãy học con đường từ bỏ. Hãy chọn cho mình không phải điều dễ nhất nhưng là điều khó nhất; không phải là điều mình thích nhất nhưng là điều ngại ngùng nhất; không phải là điều thoải mái nhưng là điều cực nhọc. Thoạt tiên xem những lời khuyên này mang tính cách tiêu cực, nhưng thực ra chúng chuẩn bị cho tâm hồn được mở rộng : chính vì không chiếm hữu gì hết cho nên ta mới có thể ôm ấp tất cả; chính vì ước ao không biết gì cho nên mới biết tất cả. Sự từ khước chỉ là phương tiện dẫn đến sự kết hiệp huyền bí mà thôi.

Phạm vi từ khước còn mở rộng đến những điều mà có lẽ nhiều nhà thần bí khác ước muốn, chẳng hạn như các thị kiến, mặc khải (được thánh Têrêsa Avila liệt vào những đặc sủng của hành trình tâm linh). Đối với thánh Gioan, các hiện tượng đó không trực tiếp dẫn ta tới Thiên Chúa, bởi vì chúng có thể bắt nguồn từ Thiên Chúa, hoặc bởi ma quỷ hay do chính ta gây ra. Tuy nhiên lý do chính mà tác giả muốn cảnh giác các tín hữu là bao lâu ta còn sống trên đời này thì ta chỉ có thể nắm bắt Thiên Chúa qua Ađêm tối đức tin@ mà thôi, chứ không phải bằng những hình tượng khả giác. Tác giả cũng khuyên ta đừng tọc mạch tìm kiếm những mặc khải riêng tư, bởi vì những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho nhân loại thì Ngài đã nói qua đức Kitô rồi.

Đợt hai của sự thanh luyện mang danh là Ađêm tối của tinh thần@. Đây là một cuộc thanh luyện rất đau đớn, bởi vì linh hồn cảm thấy mình bị Thiên Chúa và mọi người bỏ rơi hoàn toàn. Họ rơi vào cảnh bị hủy diệt, ra như bị tiêu tan thành hư vô; sức lực hao mòn, không còn khả năng để thi hành việc bổn phận, còn nói chi đến cầu nguyện. Họ có cảm giác đau đớn như khi ở trong luyện ngục, và thời kỳ thanh lọc càng kéo dài nếu Thiên Chúa có ý định muốn đưa linh hồn đến cấp cao của huyền bí. Tuy nhiên, sau thời gian đêm tối dày đặc, linh hồn sẽ chẳng còn nhớ đến những đau đớn đã qua, bởi vì không sánh nổi với niềm hân hoan của sự kết hiệp huyền bí.

Thánh Gioan thánh giá giải thích bản chất của sự kết hiệp này bằng ngôn ngữ lấy từ sách Diễm ca. Sau những thời kỳ nhớ nhung tìm kiếm mòn mỏi, linh hồn tìm gặp được người yêu. Cuộc gặp gỡ này được gọi là Acuộc kết hôn với Ngôi Lời, Con Thiên Chúa@. Linh hồn được biến đổi nên giống Thiên Chúa (Athiên hoá@), cảm nhận sự kết hiệp với Thiên Chúa : trí tuệ được chiếu sáng bằng sự cao minh của Ngôi Lời, ý chí được kích thích bởi Thánh linh, và Chúa Cha. Linh hồn cảm nhận được Thiên Chúa đến trong linh hồn mình, và thu hút nó trong vòng tay âu yếm của mình.

Xét về ngôn ngữ, chúng ta biết rằng hình ảnh Ađêm tối@ đã được nhiều tác giả từ thời giáo phụ sử dụng (chẳng hạn như Grêgôriô Nyssa, Điônysius Areopagita). Đặc trưng của thánh Gioan thánh giá là đề tài Ađêm tối@ được diễn tả thành hệ thống với nhiều cấp độ và lãnh vực :

– hai cấp độ : đêm tối Achủ động@ (activa) và Athụ động@ (passiva), tương ứng với hai giai đoạn tiến đức. Đêm tối Achủ động@ tương đương với sự thanh luyện vào lúc khởi đầu, do chính đương sự tự ý thi hành; đêm tối Athụ động@ nằm ở cấp độ cao hơn khi chính Thiên Chúa ra tay thanh luyện linh hồn.

– hai lãnh vực : đêm tối Agiác quan@ và đêm tối Atinh thần@, áp dụng cho những quan năng của con người. Đêm tối Agiác quan@ nhằm chế ngự các giác quan là điều tương đối dễ hiểu. Đêm tối Atinh thần@ tác dụng đến lý trí và thậm chí đến cả đức tin nữa.

Hai tác giả vừa rồi không chỉ mô tả tỉ mỉ những chặng tiến triển tiến đến sự kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng còn đặt nền tảng cho sự phân biệt giữa “tu đức” và “huyền bí” sau này. Cấp độ huyền bí ra như chỉ dành cho một ít người đặc biệt.

Thế kỷ XVII. Các tác giả bên Pháp

Sang thế kỷ XVII, chúng ta gặp thấy các tác giả nổi bật ở bên Pháp, mà chúng tôi chỉ trưng dẫn hai khuôn mẫu điển hình

a) Thánh François de Sales (1567-1622) được coi như một nhà cách mạng về thần học tâm linh, bởi vì người muốn cho ơn gọi thánh thiện thâm nhập vào cả đời sống của các gíao dân chứ không chỉ đóng khung trong các nhà dòng. Người đã viết hai tác phẩm căn bản : Introduction à la vie dévote (Dẫn nhập vào đời sống đạo đức) và Traité de l’amour de Dieu (Khảo luận về lòng mến Chúa). Quyển thứ nhất gồm những chỉ dẫn về việc cầu nguyện và thực tập nhân đức ở mọi hoàn cảnh cuộc sống. Quyển thứ hai dành cho những linh hồn muốn tiến triển trên đường trọn lành, trong đó tác giả trình bày vài quan điểm cá nhân về sự kết hiệp huyền bí. Tuy rằng bản chất của sự trọn lành và đời sống huyền bí đều nằm ở lòng mến Chúa, nhưng cấp độ trọn hảo của lòng mến được diễn tả qua thái độ hoàn toàn phó mặc để cho Thiên Chúa dẫn dắt, được tóm lại trong công thức Adửng dưng thánh thiện@ (sainte indifférence). Nó không những ám chỉ sự tín thác hoàn toàn vào sự dẫn dắt của Chúa quan phòng, tựa như trẻ thơ nép mình trong lòng mẹ, nhưng còn dám đi tới chỗ không thể nào xảy ra được. Tác giả bị ám ảnh với việc làm theo ý Chúa đến nỗi sẵn sàng xuống hoả ngục nếu Chúa muốn như vậy (livre 9, ch.2). Thực là một khẳng định quá đáng, khi biết rằng bản chất của hình phạt hoả ngục không phải lửa nung đốt nhưng là xa cách Chúa ! Đời nào Chúa lại muốn cho một linh hồn yêu mến Chúa phải chịu cảnh đày đoạ phải xa cách Ngài ? Ta chỉ hiểu được theo nghĩa của huyền bí Ađêm tối@, nghĩa là Chúa đòi chúng ta phải thanh luyện những hình ảnh cảm giác về Ngài, chứ không thể nào đi tới chỗ lánh xa Ngài.

Khi so sánh thánh François de Sales với thánh Têrêsa Avila, người ta thấy một sự khác biệt không nhỏ. Đối với thánh Têrêsa, sự xuất thần (ngất trí : extasis) là hiện tượng xảy ra ở cấp cao của đời sống cầu nguyện, còn thánh François thì cho rằng đó là những phản ứng tâm lý thường tình, khi linh hồn được nâng lên chiêm ngắm hoặc khát khao những thực tại quá mức thực hiện. Mặt khác, một vị thánh khác cũng mang tên Têrêsa sẽ mang ra thực hành đạo lý của thánh François, đó là thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu (1873-1897) tông đồ của con đường nhỏ, con đường phó thác.

b) Trường phái Bérulle, – mang danh của vị sáng lập Pierre de Bérulle (1575-1629), cũng còn gọi là ATrường phái Pháp quốc@ (Ecole Francaise) – nhắm đến việc đào tạo hàng giáo sĩ thánh thiện để canh tân Hội thánh. Một đặc trưng của học phái này là gắng tiến tới việc hoà hợp cuộc đời linh mục với cuộc đời của Chúa Giêsu, vị Thượng tế và hiến lễ. Sống đời huyền nhiệm có nghĩa là sống kết hiệp với Chúa Kitô, nhờ việc suy gẫm Kinh thánh và thông dự bí tích Thánh thể (chứ không dựa theo các thị kiến, xuất thần). Một hình thức biểu lộ sự hoà đồng với Chúa Kitô là hiến dâng trót đời làm hiến-lễ giống như Người. Nên biết là tinh thần Ahiến lễ@ (victime) được cổ động không chỉ trong hàng linh mục (những người dâng thánh lễ hằng ngày), mà ngay cả trong hàng tu sĩ và giáo dân nữa.

2/ Những trào lưu chống đối huyền bí

          Thế kỷ XVI-XVII được đánh dấu với sự xuất hiện những tác giả sâu sắc về Thần học huyền bí[4], đồng thời với sự nổi lên những phong trào chống lại huyền bí, từ trong nội bộ Giáo hội công giáo và từ phía Giáo hội Tin lànha)

a) Phía Công giáo

Vào thế kỷ XVI, tại nước Tây-ban-nha (quê hương của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan thánh giá) diễn ra một cuộc bài trừ nhóm alumbrados, khiến cho những tác phẩm viết về sự chiêm niệm và phó thác bị nghi ngờ là lạc đạo. Cuộc tranh luận này được kéo dài sang thế kỷ XVII dưới hình thức của thuyết quietismus (cha Miguel de Molinos, bà Guyon, và cuộc tranh luận giữa Bossuet với Fénelon), đưa đến sự luận phi dưới thời giáo hoàng Innocentê XII (12/3/1699). Khuyết điểm của nhóm này là đề cao sự kết hợp với Chúa bằng cầu nguyện tâm tình, thái độ phó-mặc thụ-động, đến nỗi bỏ rơi kinh nguyện phụng vụ và các công việc khổ chế. Thậm chí có người khẳng định rằng ai đã đạt được cảm nghiệm huyền bí (= trọn lành) thì không còn có thể phạm tội nữa : dù họ có làm một điều xấu đi nữa nhưng vì họ đã đắm chìm trong Chúa cho nên các việc đó không phải là điều xấu.

Trong bối cảnh đó, người ta hiểu được vì sao Dòng Tên, một dòng tu lớn nhất vào thời cận đại đã không cổ động thần học huyền bí. Thực vậy, không ai chối được rằng thánh Inhaxiô Loyola (1495-1556) đã có những cảm nghiệm huyền bí, đặc biệt là tại Manresa (gần Barcelona) và La Storta (gần Rôma). Tác phẩm Linh thao là kết quả của những cảm nghiệm đó. Dù vậy, sách Linh thao không nhằm hướng dẫn người đọc tiến đến sự kết hiệp huyền bí, cho bằng trở thành một tông đồ hoạt động để phục vụ Nước Chúa. Tuy tác giả nói đến những cấp độ tiến triển về tu đức, nhưng chóp đỉnh của sự trọn lành không phải là sự chiêm niệm kết hiệp với Thiên Chúa mà là tôn vinh Danh Chúa qua việc giúp đồng loại tin kính Ngài. Có học giả muốn xem như là một khuynh hướng huyền bí mới : Ahuyền bí hoạt động@ (mystique de l’action), thể hiện qua phương châm Contemplativus in actione.

Tuy nhiên, lịch sử của Dòng Tên không thiếu những nhân vật nổi tiếng về Ahuyền bí@ theo nghĩa cổ truyền, chẳng hạn như thầy Alphonsus Rodriguez (1533-1617), cha Louis Lallemant (1587-1635), cha Jean-Pierre de Caussade (1675-1751).

Ngoài ra, trên phương diện học thuyết, cần ghi nhận một sự chuyển hướng trong thần học tâm linh gây ra bởi cha Battista Scaramelli (1687-1752), với việc xuất bản hai quyển sách Direttorio asceticoDirettorio mistico (Kim-chỉ-nam khổ chế và huyền bí). Kể từ đó thần học tâm linh được phân chia thành hai phần : Akhổ chế@ (hay tu đức : ascetica) dành cho tất cả mọi tín hữu; Ahuyền bí@ (mystica) dành riêng cho một số linh hồn ưu tuyển. Một cách vô tình, đề tài Ahuyền bí@ bị gạt ra khỏi cuộc sống đạo của đại đa số các Kitô hữu.

b) Phía Tin lành

Các nhà thần học Tin lành chống đối sự kết hiệp huyền bí, bởi vì trái ngược với nguyên tắc căn bản của họ, tức là Acon người được nên công chính hoá nhờ đức tin, chứ không phải nhờ việc thiện@. Ngược lại, các tác phẩm về đời sống tâm linh lại cỗ vũ nỗ lực của con người (công tác khổ chế, luyện tập nhân đức, cầu nguyện chiêm niệm) như là phương tiện dẫn tới sự thánh thiện và kết hiệp với Thiên Chúa.

Điều trớ trêu là nguyên tắc căn bản vừa nói đã được chín mùi nhờ việc làm quen các tác phẩm huyền bí. Martin Luther (1483-1546) đã thú nhận rằng ông từng say mê đọc các tác phẩm của Eckhart và Tauler cũng như một tác phẩm vô danh tựa đề Theologia Teutsch (Thần học Đức). Những tác phẩm này thuộc khuynh hướng thần học phủ định, nhấn mạnh đến khoảng cách vô biên giữa thọ tạo với Thiên Chúa. Từ đó mà Luther đã đào sâu cảm nghiệm về tình trạng tội lỗi và thân phận hư-vô của thọ tạo, hoàn toàn bất lực trước mặt Thiên Chúa. Vì thế con người hoàn toàn thụ động, không thể làm được việc lành gì, mà chỉ còn biết tín thác vào công trạng của Chúa Kitô.

Jean Calvin (1509-64) cũng chấp nhận nguyên tắc Acon người được nên công chính nhờ đức tin@, nhưng dựa trên tiền đề khác với Luther. Ông Luther khởi hành từ cảm nghiệm về thân phận tội lỗi của con người. Ông Calvin khởi hành từ thuyết tiền định : có những người được tiền định lên thiên đàng, và có những người được tiền định xuống hoả ngục. Tiền đề này gây ra nỗi lo lắng sợ sệt nơi con người, bởi vì nó không biết được ý định khôn dò của Thiên Chúa. Thái độ này đặt con người trong thái độ run sợ trước Thiên Chúa uy nghi, và ngăn cản lòng ước ao đạt đến sự kết hiệp huyền bí.

Thực ra, chủ trương bài trừ huyền bí còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nữa, trong số đó không thể nào bỏ qua thái độ bài bác Giáo hội công giáo : những gì được Giáo hội công giáo đề cao (chẳng hạn : các bí tích, Đức Maria, bậc tu trì) thì bị hạ thấp trong Giáo hội Tin lành. Ta cũng có thể nói ngược lại : những gì được đề cao về phía Tin lành thì cũng gặp dị ứng nơi Giáo hội công giáo (chẳng hạn : việc đọc Kinh thánh, vai trò hoạt động của các giáo dân). Dù sao, tuy các nhà khởi xướng Tin lành tuyên bố cắt đứt với truyền thống Công giáo thời đó, nhưng dần dần, người ta nhận thấy sự phục hồi của những trào lưu huyền bí dưới những dạng khác nhau.

– Một đàng, có thể nói được là chính ông Luther cũng mở ra một khuynh hướng huyền bí, dựa trên thánh Phaolô : huyền bí của Aniềm tin vào ân huệ cứu độ@ do quyền năng của Thiên Chúa, một niềm tin mang tính cách cảm nghiệm tín thác chứ không chỉ là chấp nhận đạo lý. Đối với ông Luther, tin vào Đức Kitô không hệ tại tuyên xưng Ngài có hai bản tính trong một ngôi vị, cho bằng tin rằng Đức Kitô đã yêu thương tôi và cứu chuộc tôi (sự phân biệt giữa AChristus in se@ và AChristus pro me@)[5].

– Đàng khác, truyền thống Tin lành đã sớm chứng kiến sự xuất hiện của phong trào Asùng mộ@- piétisme (Johann Arndt, Philip-Jakob Spener, George Fox, Gerald Tersteegen, John và Charles Wesley) -, đề cao khía cạnh tâm tình trong đời sống đạo, cách riêng khi suy gẫm Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, một chủ đề quan trọng trong thần học Luther (Theologia crucis). Thí dụ như bá tước Nicolas-Louis Zindendorf (1700-1760) sau khi nhìn ngắm tượng Chúa chịu nạn, ông nghe như tiếng Chúa phán : Hoc feci pro te, quid facis pro me ? (Ta đã làm như vậy cho con, con làm gì cho Ta ?), và ông đã xin Chúa hãy cưỡng bách mình chia sẻ đau khổ với Người, nếu mình chưa đủ khả năng tình nguyện. Một luồng đạo đức tâm tình khác dựa trên niềm tin về tác động của Thánh Linh trong các tín hữu, khởi điểm cho phong trào Ngũ tuần (Pentecostal movement).

– Sau giai đoạn tẩy chay nảy ra trong bầu khí tranh biện, dần dần các tác phẩm huyền bí lại được lưu hành giữa vài nhóm tín hữu Tin lành, nối kết lại với truyền thống xưa kia. Mục sư Pierre Poiret (1646-1719) chuyển dịch các tác phẩm huyền bí sang tiếng Pháp.

Hơn nữa, khi nói đến truyền thống huyền bí của các giáo hội Tin lành, chúng ta không nên dừng lại ở các tác phẩm thần học, nhưng còn chú ý đến các thánh thi, thánh ca nữa. Johann Sebastian Bach đã diễn tả ra cảm nghiệm huyền bí ra các hợp tấu nổi tiếng.

———————

[1]      Philippe Nouzille, Expérience de Dieu et Théologie monastique au XIIe siècle. Étude sur les sermons de Aelred de Rievauxl, Cerf, Paris, 1999.

[2]     X. B. McGinn, o. c., vol 3, The flowering of mysticism. Men and Women in the new mysticism 1200-1350 Cross Toad Herder Book, New York, 1994. Chú thích của người dịch: Một tóm lược các khuôn mặt phụ nữ nổi bật có thể đọc trong Thời sự thần học số 89 (tháng 8 năm 2020), với hai bài viết: Maria Burger “Những phụ nữ được xếp chung với các giáo phụ” (tr.134-153); Bạch Thành Duy “Những nhà huyền bí giữa thời đại phát triển kinh viện” (trang 154-199).

[3]      Về Eckhart và những người đương thời, x. Marie-Anne Vanier, Encyclopédie des mystiques rhénans. D’Eckhart à Nicolas de Cues et leur réception, Cerf, Paris, 2011. Tác phẩm này đề cập nhiều thông tin về các nhân vật và chủ đề của huyền bí Trung đại.

[4]      Về huyền bí Tây ban nha trong các thế kỷ XV-XVI, xc. Eulogio Pacho, El apogeo de la mística cristiana, Monte Carmelo, Burgos, 2008. Về thế kỷ XVII bên Pháp, xc. bộ sách đồ sộ của H. Bremond, Histoire littéraire du sentiment religieux en France với 11 quyền, được Jean Duchesne tuyển chọn thành một tập mang cùng tựa đề, do nhà xuất bản Presses de la Renaissance, Paris, 2008.

[5] Xc. Chú giải II Moyses, c.12. Một câu nói tương tự của Philipp Melanchton diễn tả trung thực quan điểm của Luther : AHoc est Christum cognoscere, beneficia eius conoscere@ : Biết Đức Kitô có nghĩa là biết các ân huệ của Người.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here