HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO – THỜI HIỆN ĐẠI

0
2140

Nguồn: “Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo”
trích trong Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IV
(Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình,  2015), trang 185-290.

Mục V. Thời hiện đại

Trong những thế kỷ gần đây, không có tác giả nào nổi bật về thần học huyền bí, có lẽ dưới ảnh hưởng của những luồng phản huyền bí từ thế kỷ XVII. Sự kết hiệp huyền bí được coi như một đặc ân dành cho một số ít tín hữu. Tiếc rằng sự kết hiệp huyền bí thường được đồng hóa với các “hiện tượng thần bí”, đối tượng của các sách viết về “thần học huyền bí”. Trong bối cảnh đó, khi khảo sát về đời sống huyền bí trong Hội thánh công giáo trong hai thế kỷ XIX-XX, người ta thường chú ý đến những người được thị kiến hoặc được mang dấu thánh, chẳng hạn như: thánh Phaolô thánh giá (1694-1775), thánh Gemma Galgani (1878-1903), thánh Piô de Pietralcina (1887-1968).

Tuy nhiên, vào hậu bán thế kỷ XX, người ta nhận thấy có sự chuyển hướng đáng kể trong thần học huyền bí Kitô giáo, nhờ cuộc tranh luận về ơn gọi huyền bí của các Kitô hữu, và nhờ cuộc đối thọai tôn giáo.

I. Ơn gọi kết hiệp huyền bí

Trong khi vài nhà thần học Tin lành cho rằng chiều kích huyền bí hòan tòan xa lạ với Kitô giáo, thì về phía thần học công giáo, một cuộc tranh luận khác nổi lên. Tuy nhìn nhận rằng chiều kích huyền bí là một đặc trưng của Kitô giáo, nhưng phải chăng sự kết hiệp huyền nhiệm là một đặc ân Chúa ban cho một số ít người, hay tất cả các tín hữu đều được mời gọi tiến tới sự kết hiệp huyền nhiệm?

Cuộc tranh luận này được nhen nhúm từ đầu thế kỷ XX nhưng trở nên rõ rệt vào giữa thế kỷ, với ba ý kiến.

1/ Ý kiến thứ nhất đuợc phát biểu do cha Augustin-Francois Poulain SJ (Des grâces d=oraison. Traité de théologie mystique, 1901), phân biệt hai cấp độ trong đời sống tâm linh: tu đức và huyền bí. Tất cả mọi tín hữu đều buộc đi vào con đường tu đức, nhưng rất ít người đạt đến sự kết hiệp thần bí. Ý kiến này được bênh vực bởi cha Albert Farges PSS và nhiều cha dòng Tên như A. Bainvel, Joseph de Guibert.

2/ Ý kiến thứ hai do linh mục Auguste Saudreau (Les degrés de la vie spirituelle, 1896; La vie d=union à Dieu et les moyens d=y arriver, 1901; L=état mystique, 1903) khởi xướng, và được các cha dòng Đaminh ủng hộ: Juan Gonzalez Arintero, Ambroise Gardeil, Réginald Garrigou-Lagrange. Trái ngược với nhóm thứ nhất,  nhóm này chủ trương rằng đời sống của người Kitô hữu tự nó hướng đến sự kết hiệp thần bí.

3/ Ý kiến thứ ba tìm cách hòa giải hai chiều hướng vừa nói. Họ cho rằng ý kiến thứ hai đúng nếu xét trên nguyên tắc, nghĩa là đời sống Kitô hữu tự nó hướng đến sự trọn lành thánh thiện và kết hiệp với Thiên Chúa. Nói cách khác, tất cả mọi tín hữu đều được gọi nên thánh. Tuy nhiên, đó là nói trên nguyên tắc, còn trên thực tế thì sao? Thử hỏi có bao nhiêu tín hữu đã sống thánh thiện? Bao nhiêu tín hữu đạt đến sự kết hiệp huyền bí? Dựa trên quan sát thực nghiệm, y kiến thứ nhất có lý khi trả lời rằng: ít người đã đạt đến sự kết hiệp huyền bí.

Lập trường dung hòa này được chấp nhận trong sách Giáo lý Hội thánh công giáo số 2014, khi viết rằng tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi đến sự “kết hiệp huyền bí” (union mystique) theo nghĩa là thông dự vào mầu nhiệm của Chúa Kitô, cách riêng qua các nhiệm tích. Mặt khác, vài dấu chỉ ngọai thường của sự kết hiệp đó (des grâces spéciales ou des signes extraordinaires de cette vie mystique) chỉ được ban cho một ít người.

Một hậu quả tích cực của cuộc tranh luận vừa rồi là các tác giả nhận thấy cần xác định rõ hơn bản chất của sự kết hiệp huyền nhiệm: nhiều lần các cuộc tranh luận nổi lên do cảnh “ông nói gà bà nói vịt”. Thực vậy, trong cuộc tranh luận vừa kể, không phải mọi người đều hiểu từ “huyền bí” theo một nghĩa như nhau.

a- Như đã nói trên đây, vào thời cận đại, nhiều người đồng hóa “đời sống huyền bí” với những “hiện tượng huyền bí” (xuất thần, thị kiến, dấu thánh vv). Hiện tượng huyền bí có thể đi kèm với đời sống huyền bí nhưng không phải cốt yếu của nó. Bản chất của đời sống cốt yếu  cần phải tìm ở trọng tâm của đời sống Kitô hữu, tức là Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh nhờ Kinh thánh và các bí tích. Điều này đã được cha Anselm Stolz OSB (1900-1942) khẳng định từ năm 1936 (Theologie der Mystik).

b- Dù đã xác định bản chất huyền bí như vậy, cũng cần phải đi xa hơn nữa khi xét đến đặc trưng của đời sống kết hiệp. Theo một vài tác giả, đặc trưng của nó là sự chiêm niệm thiên phú (contemplatio infusa), dựa theo ngôn ngữ của thánh Têrêsa Avila. Nhưng cũng có tác giả cho rằng sự chiêm niệm thiên phú không hẳn là đặc trưng của sự kết hiệp huyền bí, bởi vì trong lịch sử Kitô giáo, đã có nhiều mô hình diễn tả sự kết hiệp đó (ánh sáng, đêm tối, kết hiệp, vắng lặng, vv).

Những sự phân biệt vừa nói cũng đưa tới những trả lời khác nhau cho câu hỏi: có bao nhiêu nhà huyền bí vào thời đại của chúng ta?

Có nhiều cách trả lời:

– Nếu chỉ căn cứ vào các hiện tượng huyền bí như là xuất thần hoặc mang năm dấu thánh thì con số thống kê không cao lắm. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào bản chất của đời sống huyền bí thì chắc chắn con số những người sống kết hiệp với Chúa Kitô không phải là ít, dưới nhiều dạng thức khác nhau. Có những người tìm kết hiệp với Chúa Kitô trần trụi trong sa mạc như cha Charles de Foucauld (1858-1916), có người gặp Chúa Kitô hiện diện nơi người nghèo như Mẹ Teresa Calcutta, có người dám trao đổi mạng sống của mình cho tha nhân như thánh Maximiliano Kolbe (1894-1941), đó là chưa nói đến những người chia sẻ nếp sống cực khổ của các công nhân như Madeleine Delbrel (1904-1964).

– Mặt khác, chúng ta không nên đồng hóa những “nhà huyền bí” với các “tác giả huyền bí”. Những nhà huyền bí thì sống kinh nghiệm kết hiệp với Chúa, nhưng lắm lần họ giữ kín mối tình thân mật này chứ không ưa quảng cáo rầm rộ. Thực ra, lý do của sự kín đáo không chỉ do đức khiêm nhường thúc đẩy nhưng còn nằm trong chính bản chất của sự kết hiệp huyền bí: đây là một cảm nghiệm độc nhất vô nhị, không để nào diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường được. Đối lại, nhiều “tác giả huyền bí” chẳng có tí kinh nghiệm huyền bí nào cả: họ nghiên cứu các tác phẩm của các nhà huyền bí, phân tích và đối chiếu các cảm nghiệm đó để rút ra vài nhận xét dùng cho việc giảng huấn.

– Sau cùng, nếu chủ trương rằng chiều kích huyền bí nằm trong bản chất của đời sống Kitô giáo, thì phải chăng cần phải kết luận rằng: tất cả các thánh nhân đều là những nhà huyền bí? Câu trả lời tùy theo ý nghĩa mà ta gán cho từ “huyền bí”: nếu hiểu huyền bí theo nghĩa là “cảm nghiệm đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống” thì có lẽ không phải tất cả các thánh đều nhận được; nhưng nếu hiểu huyền bí theo nghĩa là sống dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh hoặc thuận tuân theo ý Chúa, thì hẳn đó là một yếu tố cốt yếu trong thủ tục phong thánh.

II. Huyền bí Kitô giáo và các tôn giáo

Phong trào đối thọai đại kết đã mở cửa cho thần học công giáo biết đón nhận những trào lưu của các giáo hội khác, chẳng hạn như truyền thống huyền bí của Chính-thống-giáo và vài hướng của Tin-lành (bao gồm nhiều truyền thống: Luther, Anh giáo, Cải cách, vv). Cũng trong thái độ cởi mở đó mà thần học công giáo mạnh dạn tiếp xúc với các tôn giáo khác. Riêng trong lãnh vực thần học huyền bí, việc nghiên cứu các truyền thống huyền bí nơi các tôn giáo hòan cầu đã mở đường cho sự đối chiếu cả về lý thuyết cũng như thực hành.

1/ Nói về lý thuyết, người ta đặt vấn đề như sau: các tôn giáo khác có thể đạt đến sự kết hiệp huyền nhiệm với Thiên Chúa không? Nếu có thì chân dung của Thiên Chúa sẽ như thế nào: Thiên Chúa Ba ngôi, hay là Vô Ngã?

Đó là chưa kể những sự đối chiếu học thuyết về sự kết hiệp giữa Kitô giáo với từng tôn giáo cụ thể: Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo. Những công trình của các tác giả đó (Jacques Maritain, Louis Gardet, Olivier Lacombe, Henri de Lubac, Georges C. Anawati,  Raimon Pannikar) sẽ được nhắc đến trong phần II của tập này.

2/ Xét về thực hành, vài tác giả đã thử nghiệm đường lối kết hiệp của các tôn giáo khác. Đáng kể nhất là:

– Hồi giáo: Louis Massignon (1883-1962), Louis Gardet là hai tác giả đã viết nhiều sách về Hồi giáo sau khi trải qua một thời gian lâu dài sống ở giữa môi trường tôn giáo này.

– Ấn giáo. Một sáng kiến độc đáo còn vang âm đến ngày nay do sự táo bạo  ba linh mục Jules Monchanin (1895-1957), Henri Le Saux OSB (1910-1973), Bede Griffith OSB (1906-1993) đã muốn sống đời tu trì Kitô giáo trong khung cảnh của asrham Ấn giáo. Năm 1948 cha Jules Monchanin (với tên hiệu là Parama Arubi Anandam: “kẻ-tìm-thấy-hạnh-phúc nơi-Đấng-Chí-tôn không-hình-thái”) đã thành lập một ashram tại Shantivanam cùng với cha Henri Le Saux (tên hiệu là Abhishiktananda, kẻ-tìm-thấy-niềm-vui-nơi-đức-Kitô). Sau đó cha Monchanin trở về Pháp và qua đời tại đây. Từ năm 1968 cha Le Saux giao lại ashram Shantivanam (mang tên là Saccidananda, kính Chúa Ba ngôi) cho cha Bede Griffiths và chuyển sang nếp sống ẩn sĩ trên núi Himalaya. Cha Griffiths, nguyên là tín đồ Anh giáo, sau đó gia nhập giáo hội Kitô giáo và trở thành đan sĩ Biển đức từ năm 1932. Thụ phong linh mục vào năm 1940, cha sang Ấn độ từ năm 1955. Sau nhiều cuộc thử nghiệm, từ năm 1968 cha dừng lại ở Shantivanam cho đến lúc qua đời[1].

– Kinh nghiệm tương tự cũng áp dụng đối với Phật giáo (và Thiền cách riêng), với những linh mục Heinrich Dumoulin SJ, Hugo M. Enomyia-Lassale (1898-1990), Thomas Merton OCist (1915-1968), William Johnston SJ, Yves Raguin SJ, Oshida Shigeto OP.

——————————-

[1] Vài tác phẩm tiêu biểu. J. Monchanin, Mystique de l=Inde, mystère chrétien, Paris 1974. H. Le Saux, Sagesse hindoue, mystique chrétienne, Paris 1965. B. Griffiths, Return to the Centre, London 1976; The Marriage of East and West, London 1982.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here