HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO – NHẬP ĐỀ

0
1776

Nguồn: “Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo”
trích trong Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IV
(Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình,  2015), trang 185-290.

Nhập đề

Trước khi trình bày lịch sử những khuynh hướng huyền bí trong Kitô giáo, thiết tưởng cần nhắc đến những cuộc tranh luận thần học đã nảy lên trong thế kỷ XX với hai vấn đề chính: Kitô gíao có phải là đạo huyền bí không? Phải chăng tất cả các Kitô hữu đều có thể đạt đến trình độ huyền bí?

1/ Kitô giáo có phải là đạo huyền bí không? Câu hỏi này được đặt lên về phía vài nhà  thần học Tin lành. Như đã gợi lên trong bài mở đầu, hồi đầu thế kỷ XX vài nhà thần học Tin lành (Karl Barth, Emil Brunner) đã chủ trương rằng bản chất của Kitô giáo là một tôn giáo ngôn sứ, và hòan tòan trái nghịch với huyền bí. Những tư tưởng huyền bí bắt nguồn từ triết học Hy-lạp chứ không phải từ Kinh thánh. Ngòai ra, tính cách huyền bí là đặc trưng của các tôn giáo Á châu (Ấn giáo, Phật giáo), chứ không thuộc về truyền thống Kinh thánh.

2/ Sự kết hiệp huyền bí nằm trong bản chất của ơn gọi Kitô hữu không, hay chỉ là đặc ân Chúa ban cho một thiểu số? Đây là một đề tài tranh luận giữa các nhà thần học Công giáo kéo dài suốt tiền bán thế kỷ XX cho đến công đồng Vaticano II. Một ý kiến cho rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi vào đời sống huyền bí. Một ý kiến khác cho rằng ơn gọi huyền bí là một đặc ân được dành riêng cho rất ít linh hồn ưu tuyển.

Những cuộc tranh luận này đã làm chảy khá nhiều bút mực! Một nguyên nhân của sự bất đồng ý kiến nằm ở chỗ mỗi bên hiểu từ “huyền bí” theo nghĩa khác nhau. Vì thế không phải là thừa khi ôn lại những ý nghĩa khác nhau của từ “huyền bí” trong lịch sử Kitô giáo.

I. Từ ngữ

Huyền bí là gì? “Huyền bí” (hoặc thần bí, huyền nhiệm) dịch bởi mystica trong tiếng latinh (Pháp: mystique). Từ này có thể được dùng như là danh từ hoặc như là tính từ.

1. Danh từ mystica không xuất hiện trong Kinh thánh (cả Cựu ước lẫn Tân ước): hiểu như vậy, quả là có lý khi nói rằng mặc khải Kitô giáo không biết tới huyền bí! Thực vậy, mãi tới thế kỷ XVII, mystica (Pháp: la mystique; “nh: mysticism) mới được dùng như danh từ trong văn học Kitô giáo[1].

2. Nếu hiểu như tính từ, thì cũng có thể được sử dụng nhiều cách khác nhau:

– xét trên lý thuyết, cần phải truy tầm xem tính từ mystica bắt nguồn từ đâu? Bởi động từ myo (che, bịt, giấu), hoặc bởi danh từ mysterium (huyền bí, mầu nhiệm)?

– xét về thực hành, tính từ mystica thường đi kèm theo danh từ nào: cảm nghiệm? cầu nguyện? tri thức? thần học?

Khi khảo sát từ ngữ, người ta nhận thấy rằng Tân ước, cách riêng là thánh Phaolô, có nói đến mysterium (mầu nhiệm) được áp dụng về chương trình cứu độ nơi Đức Kitô, nhưng lại không nói đến “cảm nghiệm huyền bí” khi bàn về sự kết hiệp với Đức Kitô. Nhận xét này cũng đúng cho thánh Gioan tông đồ, được coi như tôn sư của thần học huyền bí Kitô giáo: sự kết hiệp với đức Kitô không được đặt tên là “huyền bí”! Điều này củng cố thêm cho ý kiến cho rằng mặc khải Kitô giáo không mang theo chiều kích huyền bí.

II. Thực chất

Việc phân tích từ ngữ “huyền bí” (mystica) trong Tân ước mang lại kết quả hết sức tiêu cực. Phải chăng chiều kích “huyền bí” là yếu tố ngọai lai được du nhập vào Kitô giáo, chứ không bắt nguồn từ Kinh thánh?

Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng nên phân biệt giữa “thực chất” và “từ ngữ”.

1. Phải chấp nhận rằng từ “huyền bí” (mystikos) được du nhập vào Kitô giáo sau thời Tân ước, và được áp dụng vào nhiều lãnh vực khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét theo thực chất thì phải nói rằng nó nằm trong chính trọng tâm của Tân ước.

Thực vậy, bản chất của “huyền bí” là sự kết hiệp giữa con người với Thiên Chúa. Điều này đã diễn tả ở mức tột đỉnh nơi Đức Giêsu. Tin mừng nhất lãm trình bày đức Giêsu không chỉ như một ngôn sứ rao giảng Nước Thiên Chúa, nhưng còn như một người “biết” Thiên Chúa một cách độc đáo (“không ai biết Cha trừ Con”: Mt 11,27), và hòan tòan vâng theo ý Chúa Cha kể cả khi phải hy sinh mạng sống (Mt 26,39). Phúc âm thánh Gioan khẳng định rằng đức Giêsu chính là Thiên Chúa làm người (Ga 1,14): đây là nền tảng của đạo lý về sự kết hiệp của thiên tính và nhân tính trong một ngôi vị (union hypostatica). Thánh Gioan cũng cho thấy rằng Đức Kitô đã mở đường để cho các môn đệ có thể “ở lại” trong Ngài (Ga 14,20; 15,4-5), hoặc chính Thiên Chúa đến “cư ngụ” nơi các môn đệ (Ga 14,23). Các thư của thánh Phaolô thì đầy những từ ngữ “sống trong Đức Kitô”, “sống với Đức Kitô”, “Đức Kitô sống trong tôi”.

2. Tuy nhiên, trong lịch sử Kitô giáo, từ “huyền bí” được áp dụng vào nhiều thực tại khác nhau trong Hội thánh.

– Vào thời các giáo phụ, thực tại “huyền bí” (mystica) được gắn liền với mầu nhiệm căn bản (mysterium), đó là Đức Kitô: sự liên kết với Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội và thánh thể; hoặc sự hiểu biết đức Kitô nhờ sự nghiền ngẫm Sách thánh. Nói cách khác, thực tại “huyền bí” mang tính cách khách quan (bởi vì dựa theo mạc khải).

– Vào thời cận đại, từ “huyền bí” được hiểu về một cảm nghiệm hiệp nhất với Thiên Chúa. Cảm nghiệm này thường diễn ra trong khung cảnh cầu nguyện, đưa đến sự xuất thần.

Những nhận xét vừa nói mang theo nhiều hệ luận khi bàn đến “lịch sử huyền bí Kitô giáo”: người ta có thể khảo sát lịch sử của sự sử dụng “từ ngữ” (mystica: huyền bí) trải qua các tác giả, hoặc là lịch sử của những “cảm nghiệm” (experientia mystica) khác nhau. Ngòai ra, lại còn thêm lịch sử “thần học huyền bí” (theologia mystica) tìm cách trình bày cách hệ thống những chặng đường dẫn tới cảm nghiệm huyền bí.

III. Phân lọai

Như vậy, khi muốn khảo sát lịch sử huyền bí Kitô giáo, cần phải lưu ý đến khía cạnh nào muốn bàn đến: từ ngữ, cảm nghiệm, hay thần học (lý thuyết). Điều này cho thấy cho thấy rằng ít là đã có ba khía cạnh khác nhau của huyền bí Kitô giáo.

Khi đi vào khía cạnh cảm nghiệm và thần học, người ta lại còn nhận thấy nhiều khuynh hướng khác nhau nữa, đưa đến nhiều thứ phân lọai khác nhau.

1/ Dựa theo tiêu chuẩn Giáo hội, người ta phân biệt ba truyền thống lớn: Công giáo, Chính thống, Tin lành.

Thực ra sự phân chia này không chỉ dựa theo hình thức cơ chế và điều hành, nhưng phần nào cũng dựa theo những đặc trưng đạo lý và lịch sử của nó.

a- Các giáo hội Chính thống dựa theo truyền thống của các đan sĩ Đông phương, và muốn móc nối với thần học của thánh Gioan tông đồ.

b- Truyền thống Công giáo dựa theo lịch sử của các tác giả thuộc văn chương latinh, dưới sự lãnh đạo của các những người kế vị thánh Phêrô, đề cao sự cầu nguyện và đời sống bí tích.

c- Truyền thống Tin lành nhấn mạnh đức tin vào Lời Chúa, mà thánh Phaolô năng lặp lại trong các bức thư.

2/ Dựa theo cách thức diễn tả cảm nghiệm kết hiệp với Thiên Chúa, người ta quy vào ba dạng thức chính: kết hiệp, đồng nhất, vắng lặng.

a- Cảm nghiệm về sự kết hiệp yêu thương: kết hiệp tâm tình, cách riêng dưới dạng thức của việc kết hôn huyền nhiệm giữa Đức Kitô và linh hồn.

b- Cảm nghiệm về sự đồng nhất bản thể: con người hợp nhất bản thể với Thiên Chúa.

c- Cảm nghiệm về sự vắng lặng: con người cảm thấy giới hạn của ngôn ngữ khi diễn tả Thiên Chúa. Ngài vượt lên trên các hình thức diễn tả: cảm nghiệm mang tính cách phủ định, thậm chí dưới hình thức đêm tối, xa vắng.

3/ Trong từ điển Catholicisme, Paul Guilluy đề nghị một tiêu chuẩn khác vừa dựa theo tiến trình lịch sử vừa dựa theo nội dung thần học, vạch ra bảy khuynh hướng khác nhau dưới ảnh hưởng của bảy ơn Chúa Thánh thần[2]:

a- huyền bí của các nhà khổ hạnh: nổi bật nơi họ là ơn mạnh bạo giống như các ngôn sứ xưa kia, can đảm làm chứng cho Chúa Kitô đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống. Các nhà khổ hạnh muốn tiếp nối chí khí của các thánh tử đạo qua việc chấp nhận những gian truân thử thách của đường tu đức như dấu hiệu của việc chia sẻ vào cuộc Tử nạn của đức Kitô.

b- huyền bí của đời đan tu cộng đòan: họ chúc tụng Thiên Chúa cách riêng nhờ việc cử hành phụng vụ, biểu hiện ơn kính sợ.

c- huyền bí tâm tình phát triển từ thời Trung đại, dưới những hình thức sùng kính mến yêu đặc biệt dành cho Đức Kitô, biểu lộ ơn hiếu thảo.

d- huyền bí chiêm niệm đào sâu nội dung đức tin, tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa; đây là hậu quả của ơn cao minh.

e- huyền bí suy tư là đặc trưng của các nhà thần học tìm hiểu các mầu nhiệm mặc khải và tìm cách diễn tả đạo lý. Đây là mục tiêu của ơn thông hiểu.

f- huyền bí khải huyền cũng là một hình thức diễn tả mầu nhiệm kết hiệp với Thiên Chúa ở cõi bất diệt nhưng với ngôn ngữ ẩn dụ, khi thì dưới hình ảnh đe dọa khi thì dưới hình ảnh tương lai không tưởng. Các thực tại thế trần ra như vô giá trị khi đối chiếu với thực tại vĩnh cửu. Có thể coi đây như hiệu quả của ơn minh luận.

g- huyền bí họat động tông đồ nhìn nhận những dấu chỉ và khát vọng của thời đại và tìm cách đáp ứng. Biểu hiệu của ơn chỉ giáo.

Dĩ nhiên, mỗi thứ phân lọai đều mang giới hạn của nó, nhưng ít là chúng muốn lên rằng huyền bí Kitô giáo khá đa dạng. Đây là điểm mà chúng tôi muốn trình bày.

IV. Phương pháp trình bày

Trong chương này, chúng tôi cố gắng phác họa những khuynh hướng huyền bí đã xuất hiện trải qua dòng lịch sử Hội thánh. Chúng tôi sẽ không lặp lại những gì đã viết trong tập II về “những đường hướng linh đạo nổi bật trong lịch sử Kitô giáo”.

Lịch sử các linh đạo chú ý đến tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến nếp sống đạo của Hội thánh (cầu nguyện, phụng vụ, khổ chế, truyền giáo, bác ái, vv) kể cả những sa sút và cải cách. Dựa theo vài học giả, lịch sử các khuynh hướng huyền bí chỉ giới hạn vào những bút tích thuật lại cảm nghiệm kết hiệp với Thiên Chúa: phạm vi khảo cứu hẹp hơn, xét vì văn chương tự thuật trở nên thịnh hành từ thời Trung cổ. Nhiều người sống kết hiệp thân mật với Chúa, nhưng chỉ mình họ biết với Chúa, chứ không thổ lộ cho ai khác. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu lịch sử huyền bí thì chú trọng đến những người không chỉ thuật lại cảm nghiệm của mình, mà còn kể lại những phương thế và tiến trình đã trải qua.

Lịch sử các khuynh hướng huyền bí Kitô giáo[3] có thể phân chia thành bốn giai đọan chính: Tân ước; giáo phụ; trung đại; cận đại. Mỗi giai đọan được dành một mục riêng để khảo sát.

1/ Tân ước: những nền tảng của huyền bí Kitô giáo, cách riêng dựa theo thánh Phaolô và thánh Gioan.

2/ Thời giáo phụ. Từ ngữ “huyền bí” được phổ biến trong văn chương đời đan tu Đông phương, qua những thuật ngữ  “thiên hóa” “vô ngôn”, cùng với những sự mô tả tiến trình tiến đến sự kết hiệp nhờ cầu nguyện an tĩnh. Giáo phụ thời danh bên Tây phương bàn về hành trình kết hiệp là thánh “ugustinô.

3/ Thời Trung đại. Với thánh Bênađô, thành hình một luồng văn chương bàn về sự kết hiệp với Thiên Chúa bằng lòng yêu mến. Sang thế kỷ XIV, trào lưu “kết hợp bản thể” được khai triển nơi học phái Bắc Âu.

4/  Thời Cận đại. Về phía công giáo, tác giả điển hình của thần học huyền bí là thánh Gioan thánh giá. Đồng thời, bắt đầu nảy lên những cuộc tranh luận về huyền bí trong nội bộ Giáo hội công giáo cũng như trong nội bộ Giáo hội Tin lành.

5/ Sau cùng, mục thứ năm được dành cho những hướng nghiên cứu huyền bí trong thế kỷ XX, mở rộng sang lãnh vực đối chiếu với các tôn giáo khác.

———————————

[1] M. De Certeau, “Mystique” au XVII siècle. Le problème du langage “mystique”, en: L’Homme devant Dieu (Melanges offerts au Père Henri de Lubac) t.II, “ubier, Paris 1964, p.267-291.

[2] P. Guilluy, Mystique, in: “Catholicisme” vol.IX (1986), 931-961

[3] C. “. Bernard, Il Dio dei mistici. I. Le vie dell=interiorità. II. La conformazione a Cristo, , San Paolo, Cisinello Balsamo 1996; 2000. H. Egan, “n “nthology of Christian Mysticism, Liturgical Press, Collegeville 1991. – H. Graef, The story of Mysticism, P. Davies, London 1966. – J.P. Jossua, Seul avec Dieu: l=aventure mystique, Gallimard, Paris 1996. – G.Ruhbach e J. Sudbrack (cura), Grandi mistici, 2 voll., EDB, Bologna 1987.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here