HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO – KẾT LUẬN

0
1977

Nguồn: “Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo”
trích trong Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IV
(Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình,  2015), trang 185-290.

Kết luận

Để kết luận chương này, chúng tôi xin bàn thêm hai điểm: 1/ những nét đặc trưng của huyền bí Kitô giáo; 2/ những hiện tượng huyền bí.

A. Đặc trưng của huyền bí Kitô giáo

Ở đầu chương, chúng tôi đã nhắc tới vài sự phân lọai các khuynh hướng huyền bí Kitô giáo. Khi rảo qua lịch sử, chúng tôi đã trình bày sơ qua các khuynh hướng đó, không những dựa theo tiêu chuẩn thời gian (giáo phụ, trung đại, cận đại, hiện đại), mà còn dựa theo sự giải thích bản tính sự kết hiệp với Thiên Chúa: huyền bí ánh sáng hay đêm tối; huyền bi giao duyên, bản thể hay vắng lặng.

Đàng sau những nét đa dạng ấy, thử hỏi có mẫu số chung nào không? Liệu có thể kê ra vài đặc trưng của huyền bí Kitô giáo, tạo nên một căn cước  khác biệt với các tôn giáo khác không?

Có ý kiến cho rằng chẳng có yếu tố nào cấu thành đặc trưng huyền bí Kitô giáo hết: nó cũng đa dạng giống như các tôn giáo khác, đến nỗi có thể dễ vạch ra nhiều điểm tương đồng giữa Eckhart với Sankara (Ấn giáo), hơn là giữa Eckhart với Têrêsa Avila.

Tuy nhiên, những ai đã nghiên cứu sâu xa về Eckhart và truyền thống Kitô giáo thì không dễ gì chấp nhận ý kiến vừa nói. Thực vậy, Eckhart gần gũi với Têrêsa Avila hơn là với Sansara, bởi vì họ gặp nhau ở những mẫu số chung của huyền bí Kitô giáo. Những đặc trưng của huyền bí (mystique) Kitô giáo gắn liền với bản tính của mầu nhiệm (mystère) đức Kitô, như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2014) đã lưu ý. Chúng tôi xin tóm lược trong bốn mệnh đề sau đây.

1) Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải nơi đức Kitô.

Thiên Chúa mà các Kitô hữu tôn thờ không phải là một ý tưởng mơ hồ, nhưng đã được mặc khải như là “Đấng Tạo hóa”, vừa siêu việt vừa nội tại trong vạn vật. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn được biết như là “Thân phụ của đức Kitô”, và là “cha của tất cả mọi người”. Thiên Chúa muốn cho mọi người được nhận biết tình thương của Cha, và chia sẻ hạnh phúc trong cuộc sống vĩnh cửu. Chính Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta biết chương trình đó, và đã trở thành Đường dẫn chúng ta về với Thiên Chúa.

Dù sao, khi nói đến “mầu nhiệm Thiên Chúa” chúng ta phải tránh hai thái cực:

– Một đàng là chủ trương “vô tri” (agnostic), cho rằng chúng ta không biết gì về Thiên Chúa hết. Thiên Chúa hòan tòan xa cách con người. Chủ trương này ra như không nhìn nhận giá trị của mặc khải.

– Đối lại là chủ trương “nhân hình” (anthropomorphic), mô họa Thiên Chúa theo hình thù con người. Họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng Siêu việt, đường lối của Ngài khôn dò khôn thấu (xc Rm 11,33-35).

Giữa hai thái cực đó, thần học huyền bí của Kitô giáo duy trì một thế quân bình duy trì cả hai yêu sách:

– một đàng là niềm thâm tín rằng mầu nhiệm Thiên Chúa đã được mặc khải do Đức Kitô. Vì thế sự kết hiệp với Thiên Chúa bao hàm cả sự hợp nhất với đức Kitô. Có trường phái thì chú trọng đến nhân tính của Đức Kitô, có trường phái thì chú trọng đến Đức Kitô như là Con Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa.

– đàng khác là niềm thâm tín về Thiên Chúa như Đấng Siêu việt. Con người được mời gọi kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng mãi mãi vẫn là thọ tạo chứ không thể nào đồng hóa với Thiên Chúa. Bao lâu còn sống trên đời này, cách thức hình dung của chúng ta mang nhiều giới hạn. Khuynh hướng thần học “tiêu cực” (hoặc “đêm tối”) muốn đề cao khía cạnh này.

Trường phái sông Rhin (Eckhart, Tauler) kêu gọi con người hãy gột bỏ hết mọi ý niệm về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa (hoặc Ngôi Lời) có thể chiếm hữu “đáy” của linh hồn. Đây không phải là một Thiên Chúa trừu tượng nhưng là Thiên Chúa được biết nhờ Đức Kitô.

2) Mầu nhiệm Hội thánh và các bí tích

Mặc khải của Thiên Chúa được truyền lại cho chúng ta trong Hội thánh. Nói đến Hội thánh, ta đừng vội liên tưởng đến các cơ chế phẩm trật. Hội thánh tiên vàn là cộng đòan các tín hữu được quy tụ nhờ quyền năng của Thánh linh. Hội thánh đón nhận và chuyển thông những hồng ân cứu độ mà Chúa Kitô đã trao lại, đó là Thánh Kinh và các bí tích. Vì thế đời sống huyền nhiệm của các Kitô hữu được nuôi dưỡng nhờ việc lắng nghe Lời Chúa và thông dự các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh thể.

3) Sự kết hiệp huyền bí không dẫn đến sự tiêu hủy cá nhân trong Thiên Chúa, nhưng biểu lộ qua lòng yêu mến, cao điểm của đời sống Kitô hữu.

Lòng mến Chúa trào ra lòng mến tha nhân. Dĩ nhiên, tiến trình này khởi đầu với đức tin, nghĩa là chấp nhận mặc khải của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tin không dừng lại ở việc chấp nhận vài đạo lý nhưng còn kèm theo việc gắn bó với Thiên Chúa. Ba đức tin-cậy-mến liên kết với nhau, và đưa con người đến việc hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, và thông hiệp với những gì được Thiên Chúa biết và yêu. Lòng mến Chúa bao gồm việc yêu mến những người được Đức Kitô nhận làm em nhỏ của Người.

Dĩ nhiên, nếu khẳng định rằng sự kết hiệp huyền bí là cao điểm của đời sống tin-cây-mến thì đương nhiên nó giả thiết một nếp sống đạo hạnh: không thể nào dung hòa sự kết hiệp huyền bí với nếp sống vô luân, trác táng. Sự kết hiệp huyền bí đòi hỏi phải đi theo Đức Kitô, họa lại nếp sống nhân đức của Người.

4) Đời sống Kitô hữu và đời sống huyền bí

Như đã nói trên đây, vào giữa thế kỷ XX một cuộc tranh luận đã xảy ra về ơn gọi huyền bí: phải chăng tất cả các Kitô hữu đều được gọi vào đời sống huyền bí? Câu trả lời tùy thuộc vào sự giải thích từ “huyền bí”: có người đồng hóa nó với “hiện tượng huyền bí” (chẳng hạn như “xuất thần”), có người đặt tiêu chuẩn của huyền bí nơi sự “chiêm niệm thiên phú”. Thiết tưởng có thể tìm một câu trả lời dung hòa như thế này.

– Đời sống Kitô hữu đã mang tính cách huyền bí ngay từ lúc khởi đầu rồi, nghĩa là từ lúc lãnh nhận bí tích thánh tẩy, bởi vì từ lúc đó, người tín hữu được liên kết vào Đức Kitô, trở nên chi thể của Người. Thánh Linh đã biến đổi họ trở nên “con cái Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”.  Tuy nhiên, đây mới chỉ là “mầm mống” hoặc “nền tảng” của đời sống huyền bí. Trong suốt cuộc đời mình, người Kitô hữu cần phải phát triển những mầm mống đã được đặt trong lòng mình, hay nói cách khác, họ cần sống một cách có ý thức hơn bản tính huyền bí của đời mình. Cuộc sống này đòi hỏi không những là họ phải lọai trừ những gì trái nghịch với lòng mến Chúa, mà còn tăng cường lòng mến bằng cách sống thân mật với Ngài hơn: sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, hòa hợp ý chí của mình với ý Chúa, tuân hành ý Chúa trong hết mọi việc. Có bao nhiêu tín hữu đạt tới điểm này? Dù sao, điều này vừa tùy thuộc vào cố gắng của ta vừa là tác động của ân sủng của Chúa nữa.

– Mặt khác, vài tác giả muốn phân biệt giữa “đời sống huyền bí” (vita mystica) và “cảm nghiệm huyền bí” (experientia mystica). Như vừa nói, tất cả các Ktiô hữu đều được gọi phát triển “đời sống huyền bí”: đây là một tiến trình lâu dài và tiệm tiến. “Cảm nghiệm huyền bí” thì bị giới hạn hơn: a/ xét về chủ thể: có lẽ ít người được Chúa ban ơn cảm nhận được sự gần gũi với Ngài; b/ xét về thời gian: cảm nghiệm đó không thể nào kéo dài suốt ngày hoặc suốt tháng suốt năm (khác với “đời sống huyền bí”).

B. Những hiện tượng huyền bí

Trong bài nhập đề cũng như trong chương này, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng những hiện tượng huyền bí không nằm trong bản chất của sự kết hiệp huyền bí. Nhiều người đã đạt tới sự kết hiệp huyền bí nhưng không hề biết đến các hiện tượng huyền bí; thậm chí đôi khi họ còn tỏ ra dè dặt với những hiện tượng đó nữa. Hiện tượng thần bí là gì? Thiết tưởng nên nói đôi lời về những hiện tượng đó.

1. Khái niệm (và phân lọai)

Hiện tượng thần bí (phénomènes mystiques) được đặt tên cho những hiện tượng vật lý khác thường năng gặp thấy nơi những thánh nhân hoặc những người được Chúa tác động cách đặc biệt.

Các sách giáo khoa cổ điển về thần học tâm linh liệt kê khá nhiều hiện tượng, có thể phân lọai dựa theo ba quan năng của con người (tri thức, tình cảm, thân xác) như sau[1]:

a) Những hiện tượng thuộc loại tri thức: thị kiến, siêu ngôn, mặc khải, phân định tinh thần, thiên cảm,

– Thị kiến (visio): nhìn thấy một đối tượng mà mắt thường không nhận thức được. Nói cụ thể, đương sự thấy Chúa, Đức Mẹ, thiên thần, một vị thánh hiện ra, hoặc nhận thấy một đồ vật (thí dụ thập giá, hình ảnh). Nên biết đối tượng của thị kiến còn được phân biệt thành hai lọai: đối tượng hiện diện ở ngòai chủ thể, hoặc ở trong chủ thể (qua óc tưởng tượng, hay ý niệm).

– Siêu ngôn (locutio): nghe thấy một tiếng nói, một sứ điệp. Tiếng nói đó có thể phát ra từ bên ngòai đương sự, hoặc ở bên trong thâm tâm (sứ điệp nội tại). Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế, rất khó kiểm chứng được thực sự thị kiến hay siêu ngôn diễn ra ở ngọai tại hay nội tại của đương sự.

– Mặc khải (revelatio). Hai hiện tượng vừa rồi nhằm chuyển thông một sứ điệp nào đó (“thị kiến” có nghĩa là thấy và “siêu ngôn” có nghĩa là nghe), được gọi tắt là “mặc khải”. Đôi khi cả thị kiến và siêu ngôn đi kèm với nhau (thí dụ thánh Bernadette thấy Đức Mẹ hiện ra, và nghe Người nói), nhưng hai hiện tượng có thể tách rời được (nghĩa là hoặc chỉ thấy một hình ảnh, họăc chỉ nghe một tiếng nói). Dù thế nào đi nữa, thần học đặt tên cho hiện tượng này là “mặc khải tư”, đối lại với “mặc khải công” đã kết thúc với Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa (xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 67).

– Phân định tinh thần (discretio spirituum). Ơn này được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là ơn biết phân biệt điều gì là tốt và điều gì là xấu (nguồn gốc bởi Chúa, bởi ma qủy, hoặc do ảo tưởng). Nghĩa thứ hai là ơn đọc được tư tưởng của người khác, dù họ muốn giấu kín (thí dụ như thánh Gioan Vianney và thánh Piô Pietralcina khi ngồi tòa giải tội đã nhắc nhở cho hối nhân những tội mà họ đã vô tình hay chủ tâm không xưng thú).

– Linh giác (hierognosis): khả năng nhận thấy tính cách linh thiêng của một đối vật, chẳng hạn biết tấm bánh đã được truyền phép (Mình thánh Chúa Giêsu) hay không.

– Ngòai ra, những hiện tượng thuộc lãnh vực tri thức cũng còn bao gồm “kiến thức thiên phú”, nghĩa là không do học hỏi mà biết được những điều thuộc phạm vi thần học (tri thức về Thiên Chúa) hoặc phạm vi tự nhiên (khoa học, ngọai ngữ, vv). Ơn “tiên tri” cũng được liệt vào hạng này.

b) Những hiện tượng thuộc lãnh vực cảm xúc gồm hai lọai chính: xuất thần, lửa mến.

– Xuất thần (extasis), theo nguyên ngữ có nghĩa là “ra khỏi mình”. Đây là hiện tượng thường được nói nhiều hơn hết, khi đương sự bị thu hút bởi đối tượng chiêm ngắm đến nỗi mất hết tương quan với thế giới hiện tại. Hiện tượng này có thể xảy ra chớp nhóang hay kéo dài, tiệm tiến hay đột ngột (ravissement: xảy đến đột ngột)

– Hiện tượng “lửa mến” ám chỉ ngọn lửa tình yêu bừng cháy trong con tim và tùy theo nồng độ, lan ra cả cơ thể và môi trường.

c) Những hiện tượng ảnh hưởng đến thân thể thường gây ấn tượng đối với người chung quanh, và dễ quan sát, gồm nhiều lọai.

– Ấn thương (stigmata): đương sự mang trên thân mình những thương tích của Chúa Giêsu. Chứng tích đầu tiên về hiện tượng này là thánh Phanxicô Assisi (ngày 17 tháng 9 năm

1224). Từ đó đến nay, đã có hơn 300 trường hợp xảy ra, nổi tiếng là thánh Catarina Siena, Anne-Catherine Emmerick (1774-1824), Gemma Galgani (1878-1903). Trong thế kỷ XX có ba nhân vật được mang năm dấu thánh là thánh Piô Pietralcina (1887-1968), bà Therese Neumann (1898-1961), bà Marthe Robin (1902-1981).

– Khinh hóa (levitatio): thân thể được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, có khi chỉ vài gang tay, có khi cao hẳn như bay bổng vậy. Trường hợp nổi tiếng hơn cả là thánh Giuse Copertino (1603-1663), không những vì “bay cao” (vượt quá nóc nhà thờ) mà còn xảy ra nhiều lần trong đời (hơn 70 lần) trong số đó có lần trước mặt đức giáo hòang Urbanô VIII. Những hiện tượng tương đương: di chuyển nhanh chóng như bay; hoặc ra như hiện diện một lúc  ở hai nơi (bilocatio).

– Sau cùng, có thể kể thêm các hiện tượng “phát quang” hoặc “phát hương” nghĩa là thân thể phát ra một luồng sáng hay hương thơm (đặc biệt là sau khi chết).

  1. Giải thích

Các hiện tượng vừa kể được đánh giá dưới nhiều phương diện khác nhau: khoa học, thần học tổng quát và thần học huyền bí.

a) Dưới phương diện khoa học, người ta nhận thấy rằng những hiện tượng này không chỉ xảy ra trong Giáo hội công giáo mà còn nơi các tôn giáo khác nữa (thí dụ: năm phép thần thông trong Thiền tông, linh phù trong Mật tông của Phật giáo). Hơn thế nữa, các chuyên gia về y khoa và tâm bệnh cho thấy rằng những hiện tượng này có thể xảy ra nơi những chủ thể lành mạnh và thánh thiện, cũng như nơi những chủ thể mắc tâm bệnh hay suy nhược tâm thần[2], đó là chưa nói đến những trường hợp ảo thuật, ảo giác, hoặc đánh lừa dư luận.

b) Dưới phương diện thần học tổng quát, vấn đề khó khăn được nêu lên do nguồn gốc của các hiện tượng đó. Chúng có thể bắt nguồn từ Thiên Chúa, hoặc bởi ma qủy, hay chỉ là phía đương sự hoặc vô tình hay cố ý. Đây là cả một vấn đề được đặt ra cho việc “phân định thần khí”[3]. Mặt khác, dù các hiện tượng vừa rồi bắt nguồn từ Thiên Chúa đi nữa, chúng được xếp vào hạng đặc sủng (gratia gratis data), dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô (1 Cr 12, 1-11). Theo thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica, I-II, q.111,a.1), đó là những ân huệ được ban nhằm ích lợi cho cộng đòan chứ không hẳn tăng gia sự thánh thiện của người lãnh nhận. Nói cách khác, những người lãnh nhận các đặc sủng đó chưa hẳn là những người thánh thiện. Trong thủ tục phong thánh, Giáo hội đòi hỏi việc thực hành các nhân đức anh hùng, chứ không phải là các hiện tượng huyền bí.

Xét về ý nghĩa của các hiện tượng huyền bí, người ta có thể coi đó như là những dấu chỉ của một thế giới siêu nghiệm: có những người đã được thông dự phần nào vào thế giới đó, hoặc qua kiến thức, hoặc qua cảm xúc; họ ra như đã bị thu hút bởi thế giới đó, mà dứt ra khỏi thế giới hữu hạn này.

c) Dưới phương diện thần học huyền bí, các hiện tượng này không nhất thiết gắn liền với bản chất sự kết hiệp huyền bí. Thánh Gioan thánh giá (Subida del Monte Carmelo, lib.II, 11-12; Noche oscura II parte, c.1,2) đã lưu ý chúng ta hai điều:

– Thứ nhất: cần phân biệt giữa “ân sủng” và “hiện tượng”. Ân sủng đưa chúng ta đến kết hiệp với Thiên Chúa; các hiện tượng gây ra do giới hạn của cấu trúc con người, và làm ngăn cản sự kết hiệp.

– Thứ hai: các hiện tượng không xảy ra vào lúc bắt đầu đời sống tâm linh, bởi vì lúc ấy con người chưa quen biết với thế giới siêu nhiên; các hiện tượng cũng không xảy ra vào những cấp độ chót (đây là một chủ trương khác với thánh Têrêsa Avila), nhưng là vào giai đọan nửa chừng, khi con người chưa quen thuộc với việc Thiên Chúa tự thông ban.

Cho đến nay, chúng ta đã lần lượt nghiên cứu các khuynh hướng huyền bí nơi các tôn giáo bên Ấn độ (Ấn giáo, Phật giáo) và Trung hoa cũng như sự tiến triển của các khuynh hướng huyền bí trong Cựu ước và Tân ước. Lẽ ra các dữ kiện đã đủ để đối chiếu giữa những quan điểm huyền bí Đông-Tây. Tuy nhiên, chúng ta hãy kiên nhẫn tìm hiểu thêm một tôn giáo nữa xuất hiện bảy thế kỷ sau Kitô giáo, và mang nhiều dấu vết của đạo Do thái và đạo Kitô: chúng tôi muốn nói đến Hồi giáo, được bàn trong chương kế tiếp.

————————————————-

[1] A. Royo Marin, Teologia de la perfección cristiana, BAC Madrid 1954, p.887-945.

[2] Có những người vốn đã mắc tâm bệnh và từ đó phát sinh những ảo tưởng; tuy nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp một người nhận được ơn kết hiệp đích thực, nhưng vì cơ thể yếu nhược cho nên sinh ra bệnh  tâm thần. Vì thế sự phân định không đơn giản. Xc. R. Zavalloni, Grazia e fenomeni mistici, in: AA.VV. Vita cristiana ed esperienza mistica, Roma 1982, p.159-182.

[3] Xc. Đới sống tâm linh, tập III trang 292-295.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here