Hữu Thể Học: Khoa Học Và Triết Học

0
2696


Lm. Nguyễn Đăng Tuệ

 

Chương mở đầu cho giáo trình Siêu Hình Học nhằm mục đích tìm hiểu xem có thể xác lập mối tương quan tích cực giữa khoa học và triết học mà không đồng hoá hai bộ môn này. Để làm công việc này, ta sẽ cố gắng trả lời các vấn nạn :

Triết học là gì ?

Đâu là yếu tính của khoa học ?

Triết học có thể là một khoa học không ?

I. TRIẾT HỌC LÀ GÌ?
 
Từ Triết học xuất từ Hy ngữ : Philosophia. Philo = yêu mến; sophia = khôn ngoan. Người Á đông gọi là minh triết. Ta thử tìm hiểu thuật ngữ philosophia.

A. Sophia có nghĩa là hiểu biết chính sự vật. Khái niệm sophia (danh từ; sophos : tính từ) thường chỉ sự nhạy bén trong lãnh vực thực hành. Từ việc đánh hơi được tình huống, sự việc, đưa đến việc hiểu được tường tận ngóc ngách, ngọn nguồn của tình huống, sự việc đó. Nghĩa nguyên thuỷ được áp dụng trong lãnh vực nghề nghiệp, như nghề thầy thuốc, thủy thủ, y sĩ…. Do đó, cách hiểu tốt nhất của từ sophia là hiểu, nắm bắt. Hiểu, nắm bắt ở đây bao quát hơn nhận thức xét như là sinh hoạt của trí năng. Hiểu và nắm bắt được dàn trãi qua ba khía cạnh : nhờ bản năng (tức thời), tường tận (cơ bản), theo kiểu mẫu (mẫu mực). Nghề nghiệp và thành thạo giả thiết một quan hệ với thế giới và tầm hiểu biết về thế giới. Vì thế, nghĩa của sophia vượt ra ngoài khuôn khổ nghề nghiệp : bàn tay không chỉ đơn thuần là một dụng cụ, mà còn là sự thông minh (có khả năng thông hiểu): bàn tay của nhà giải phẩu, của nhạc sĩ …Heidegger thường ví hữu thể dưới tầm bàn tay, hữu thể trước tầm bàn tay. 

B. Philosophia = tiến gần các sự vật nhờ nắm bắt và hiểu.

Nếu nghĩa của sophia đã vượt ra ngoài khuôn khổ của công nghệ, nghiệp vụ, để chỉ toàn bộ những năng hướng cơ bản của hữu thể, những sự vật được tỏ lộ cho con người; thì từ philosophia được đồng hoá với kiến thức tổng quát. Heidegger đã mượn lại câu định nghĩa của Ciceron để gọi triết học tất cả những gì làm nên nhận thức về các sự vật trong yếu tính của chúng, và tất cả những gì là tự nhận biết chính mình qua những yếu tính ấy.

Càng nới rộng, nhận thức càng nhận ra những giới hạn của mình trong việc hiểu và nắm bắt các thực tại. Vì thế, cần nổ lực không ngừng để quay về với chính sự vật, tạo nên một gần gũi và thân thuộc; gọi đó là yêu mến sự khôn ngoan (philo). Nhờ thân thuộc và gần gũi với khôn ngoan và dựa vào khôn ngoan để biết cách đo lường, thẩm định…Vì thế, Héraclite gọi triết gia là bạn, là người tình, là người thân thuộc của khôn ngoan, của chuẩn mực và đo lường.

Heidegger lưu ý rằng cho tới thế kỷ V sau công nguyên, triết học nhắm tới 6 định nghĩa khác nhau :

– Hai định nghĩa qui về đối tượng tra cứu :

+ Nhận thức tồn thể xét như là tồn thể (hữu thể đang có và tồn tại)

+ Triết học là nhận thức về các sự vật thần linh và phàm tục
 

– Hai định nghĩa nhằm gán cứu cánh cho triết học :
+ Triết học suy tư về cái chết

+ Triết học làm cho mình nên giống thượng đế trong mức độ khả thi đối với con người; nói cách khác, triết học là ngưỡng vọng đạt tới một phương cách hiện hữu thần thiêng.

– Một định nghĩa nói lên sự cao cả của triết học đối với những nhận thức khác :

+ Triết học là nghệ thuật của các nghệ thuật; là nhận thức của các nhận thức

– Một định nghĩa có giá trị cổ điển :

+ Triết học là lòng yêu mến sự khôn ngoan. 

C. Triết học là gì ?

a. Triết học không là gì khác ngoài khát vọng hiểu và nắm bắt tường tận thực tại. Khát vọng này không dễ được thoả đáng, vì ở đâu có vấn đề hiểu, nắm bắt thì ở đó có sự hiểu sai lệch; ở đâu có triết học, ở đó có ngụy biện, theo kiểu lầm lẫn chó sói với chó nhà. Điều đó cũng có nghĩa là triết gia và nhà nguỵ biện có thể xuất hiện như một nhân vật duy nhất và như nhau.

Cuối cùng, trong khi các khoa học khác đều lắp ráp với “logie”, triết học thì không. Bởi lẽ khôn ngoan (sophia) không phải là đối tượng của triết học : triết học không phải là nhận thức về khôn ngoan, cũng không là một ngôn trình (logos) về khôn ngoan, nhưng là một hành vi. Vì thế, cần luôn nhấn mạnh ý nghĩa động từ “philosophein” hơn là chủ ý tới danh từ. Yếu tính của triết học nằm tại động từ.

b. Triết học đệ nhất của Descartes
 
Theo nguyên ngữ Hy lạp, từ Philosophai dùng để chỉ các khoa học như toán học, y học…, và thuật ngữ Protê phisosophia không phải chỉ bộ môn thứ nhất trong các bộ môn triết học, nhưng chỉ triết học hiểu cách đơn giản là nguyên thuỷ. Descartes hiểu như thế, nên đã gọi triết học đệ nhất (prima philosophia). Heidegger nhận định đó là một sai lầm cơ bản của Descartes vì đã để mắc bẫy và bị thu hút bởi lý tưởng toán học phổ quát và coi triết học đệ nhất là khoa học đầu tiên trong các khoa học, là khoa học siêu cổ đại và đồng hoá khoa học này với siêu hình học.

Kant trong “Critique de la raison pure” không chủ ý thiết lập một siêu hình học mới đối lập với siêu hình học cổ truyền, nhưng tìm cách phá vỡ sợi dây nối nhận thức toán học với siêu hình học cổ truyền theo Descartes. Ta nhận ra con đường thời cổ là đồng hoá triết học với khoa học và con đường thời mới là biến triết học thành khoa học.

II. YẾU TÍNH CỦA KHOA HỌC
 
Đặc tính của khoa học là không để các sự vật ở yên và không ngừng biến đổi những điều kiện sống của con người. Khoa học mang lại những tiện nghi. Nhưng những biến đổi ấy tạo nên lo lắng và hoang mang (theo cách nói của Heidegger). Chữ lo âu (un-ruhe) của ông theo nghĩa mô tả chứ không theo nghĩa một báo động khẩn cấp. Để mô tả mối lo âu này, Heidegger nói lên cuộc khủng hoảng các nền móng trong khoa học vào thập niên XX. Heidegger không coi đây như một biến cố đơn thuần, nhưng cho rằng những khủng hoảng này nằm trong chính yếu tính của khoa học dưới ba khía cạnh :
A. Hướng nội. 

Càng tiến bộ, khoa học càng mất khả năng nhận thức mối quan hệ của mình đối với nền móng. Khủng hoảng của toán học là một bằng chứng nổi bật. Thế nhưng cuộc khủng hoảng này, trong mỗi khoa học, không gây cản trở cho tiến bộ của khoa học; ngược lại cuộc khủng hoảng mạc khải yếu tính của khoa học. Chẳng hạn, về vật lý : Thuyết tương đối của Einstein, thuyết vật lý số lượng đòi phải tái định nghĩa các khái niệm nhân quả, vật chất, không gian, thời gian;  về sinh học : Cần tìm một định nghĩa mới cho sinh vật và cơ thể, suy nghĩ lại về hai khuynh hướng duy sinh (vitalisme) và duy cơ (mécanisme) và cần phải thấy rằng sinh học và sinh hoá hiện đại không còn khả năng bàn về sự sống; về ngữ học : phải suy nghĩ lại về yếu tính của ngôn ngữ, coi lại văn phạm…; về thần học : cần coi lại các khái niệm đức tin và mạc khải.
 

Heidegger gọi đó là khủng hoảng nền móng. Cuộc khủng hoảng sẽ vô nghĩa nếu không hiểu thật sự thế nào là nền móng của khoa học. Cần phải có khủng hoảng để tạo cơ may, không phải để tổ chức khoa học tốt hơn mà là thay đổi tận căn thái độ của ta đối với khoa học .
B. Hướng ngoại.

Cuộc khủng hoảng liên quan đến vai trò của khoa học đối với lịch sử và xã hội. Đây là vấn đề liên quan đến sự đóng góp của khoa học vào sự phát triển của nền văn hoá  của cộng đồng nhân loại. Càng ngày người ta càng phổ biến các thành quả của khoa học, gọi đó là việc quảng bá khoa học, dưới nhiều hình thức thông tin đại chúng.  Heidegger cho đó là một khủng hoảng. Vì Heidegger cho rằng khoa học là nghiên cứu, chứ không phải là việc chồng chất thành quả. Nghiên cứu đòi phương pháp chứ không phải kỷ thuật. Kỷ thuật thì mù quáng, còn phương pháp đòi biết mình đang làm gì. Quảng bá khoa học nhằm nêu lên và tán thưởng những áp dụng thực tiễn. Dựa vào thực tiễn để nói lên tính chất lý thuyết của khoa học là triệu chứng của khủng hoảng. Triệu chứng này nói lên tình trạng thiếu khả năng truy nhận yếu tính đích thực của khoa học. Ví dụ : các sinh viên y khoa thâu nhận các kiến thức y học mà quên thế nào là một y sĩ. Họ không biết rằng giữa nhậh thức y học và cuộc sống y sĩ có mối liên kết nội thuộc và bao lâu mối giây liên kết ấy chưa được nêu bật, thì bấy lâu y học còn bị mây mù che khuất.

C. Vấn đề tương quan giữa cá thể với khoa học.

Càng đi vào chuyên biệt, khoa học càng che đậy sự bất lực, không đủ khả năng truyền đạt bằng ngôn ngữ giản dị, khả năng giải thích những gì khoa học mang lại và những gì khoa học không thể mang lại. Điều này cho thấy sự mù mờ về chổ đứng hiện sinh của khoa học. Điều ấy cũng tạo nên một khoảng cách giữa một bên là văn hoá của những chuyên gia và bên kia là văn hoá nhân bản với những lý tưởng trống rổng, thiếu nền tảng. Đó chính là khủng hoảng về chổ đứng hiện sinh của khoa học.

III. TRIẾT HỌC CÓ THỂ LÀ MỘT KHOA HỌC KHÔNG?
 
Theo Heidegger, chỉ có khoa học nếu có đam mê tra vấn, niềm hăng say khám phá, nổ lực đúc kết trong tinh thần phê phán, để đem đến một công trình hợp thức hoá và biện minh. Vậy đâu là phẩm vị triết học ? Triết học có phải là khoa học cao nhất, nền tảng và căn cơ nhất không ? Sau đây ta thử liệt kê một số giải đáp tích cực từ thời khoa học hậu Galilê :
A. DESCARTES
 
Descartes chủ trương cần có một prima philosophia (triết học đệ nhất) để luận bàn bề những sự vật đầu tiên là những sự thật hiển nhiên, bắt đầu từ sự thật nào hiển nhiên nhất và cứ thế tiếp tục. Sự thật hiển nhiên đệ nhất sẽ đứng vững trước thử thách của hoài nghi triết để. Bởi thế sự thật hiển nhiên trở thành đệ nhất đối với hết mọi khoa học và trở thành khoa học của mọi khoa học. Hiểu theo nghĩa này, ở bước đầu của lộ trình triết học Descartes, toán học phổ quát được áp dụng cho triết học đệ nhất. Prima philosophia của Descartes đã mắc sai lầm như Heidegger đã nhận định.
B. KANT
 
Theo Kant, siêu hình học phải là một triết học suy lý vượt trên kinh nghiệm, bao gồm những khái niệm thuần tuý vượt trên cả những khái niệm toán học. Vì thế, theo Kant, một siêu hình như thế mới là một khoa học hoàn toàn mới và là khoa học của mọi khoa học.
C. HEGEL
 
Kant mơ ước một siêu hình học mới, Hegel thực hiện siêu hình học ấy trong “khoa học luận lý” của mình. Nếu Kant vạch giới hạn cho lý trí, Hegel vượt qua mọi giới hạn ấy khi cho rằng ý thức trải qua các kinh nghiệm và các kinh nghiệm dẫn ý thức tới nhận thức tuyết đối (Hiện tượng luận về Tinh Thần). Khoa học luận lý của Hegel là biến nhận thức tuyệt đối thành hiện thực. Cái tự thân là khái niệm và khái niệm chính là cái tự thân. Với đối tượng là sự vật tự thân và chân lý tuyệt đối, khoa học luận lý hẳn nhiên không phải là bộ môn thuần hình thức, nó bao gồm toàn bộ hiện thực kể cả thực tại thần linh.
D. HUSSERL
 

Nhà sáng lập hiện tượng luận ưu tư kiến tạo một triết học như thể một khoa học sít sao đúng nghĩa nhất. Và đó là yêu sách của triết học dù phải vượt qua nhiều trở ngại. Trở ngại do triết duy nhiên trong đó ý niệm khoa học bị giản lược vào các khoa học tự nhiên; trở ngai do triết học về thế giới quan vốn là con đẻ của thái độ hoài nghi phát sinh từ khuynh hướng duy sử, không chấp nhận nhìn vào cỏi siêu việt. Để vượt qua các trở ngại đó, cần có một phương dược. Điều cần thiết là phải xây dựng một khoa học đặt nền tảng trên phương pháp sít sao. Husserl trao cho triết học nhiệm vụ cung cấp phương dược nói trên. Và như thế hiện tượng luận siêu nghiệm của ông xứng danh là triết học đệ nhất theo nghĩa của Descartes; lý do vì hiện tượng luận mở lối cho chúng ta về với chủ thể siêu nghiệm là cánh đồng cội nguồn của mọi lý trí và của mọi sinh hoạt lý trí, tức của toàn thể các khoa học gộp chung lại.

TỔNG KẾT

Bên cạnh các chủ trương tích cực, còn có những chủ trương đối lập cho rằng triết học không phải là khoa học và triết học không có chổ đứng nơi học đường. Tiêu biểu là Schopenhauer và Nietzsche.  Theo Schopenhauer, khi khoác lên mình chiếc áo khoa học, triết gia đang làn trò hề và đóng vai tên luờng gạt, nhà ngụy,  vì theo ông triết học không đủ khả năng thoả mãn nhu cầu cao quý mà ông gọi là nhu cầu siêu hình học, khi mà các học thuyết tôn giáo đang ngày càng vuột mất uy thế.

Đâu là mối tương quan giữa triết học và khoa học ?

Heidegger khẳng định không được lấy khoa học làm khái niệm tổng quát để gói ghém triết học vào trong đó. Thế nhưng không phải vì thế mà được quyền cho rằng triết học không mang tính chất khoa học. Do đó thay vì bảo không có tương quan, cần phải bàn về một tương quan mang tính nguồn cội giữa khoa học và triết học.

Tương quan nguyên nhân-hậu quả là tương quan mang tính tương đồng : hiệu quả nhất thiết tương đồng với nguyên nhân.

Còn tương quan nguyên lý – phát sinh lại nói lên tương quan bất tương đồng : giữa nguyên lý và yếu tố phát sinh không cần có sự tương tự.

Tương quan giữa triết học và khoa học thuộc loại bất tương đồng này. Philosophia (philosophare) mời gọi triết học trở về với căn tính của mình là truy nhận căn tính ngay nơi cội nguồn.

– Câu trả lời tiêu cực không có nghĩa là tự nhận mình yếu kém, giống khi nói người mù với phẩm tính khiếm thị. Cũng không được thêm một phẩm từ khoa học nào cho triết học, vì như thế triết học sẽ mất đi giá trị chẳng khác nào nói vòng tròn khá tròn trịa. Cũng không được thêm gì cho triết học, chẳng hạn triết học Kitô giáo, vì như thế là phi lý chẳng khác nào nói sắt làm bằng gỗ.

– Chối bỏ phẩm tính khoa học là để đề cao triết học. Triết học thì cao cả trổi vượt : triết học là khoa học theo cách thức mà khoa học sẽ không bao giờ đủ khả năng đạt tới vì triết học nguyên sơ hơn và nguồn cội của khoa học là ở nơi triết học.

Như thế, theo Heidegger, triết học là nguồn gốc của khoa học. Vì lý do này mà triết học không phải là khoa học, cho dầu đó là khoa học nguyên thuỷ nhất.