Hướng Đến Sứ Mạng Xã Hội Của Giáo Hội Tại Châu Á

0
462


Denis Kim, SJ.*

* Cha Denis Kim, SJ là giáo sư bộ môn “di dân quốc tế” của đại học Dòng Tên Sogang ở Seoul, Hàn Quốc. Cha vừa chấm dứt nhiệm kỳ làm điều phối viên của tông đồ xã hội của Vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Cha Denis Kim nhận định, sứ mạng xã hội cần được nhận định không chỉ qua cái nhìn tôn giáo và văn hóa, nhưng còn cần đến việc lưu tâm đến khía cạnh xã hội và chính trị. Qua bài nghiên cứu này, hy vọng gợi lên nỗ lực dấn thân vào việc nghiên cứu các bộ môn khoa học xã hội cũng như Giáo huấn xã hội của Giáo hội trong Giáo hội Việt Nam nói chung cũng như trong việc đào tạo tại các chủng viện và các học viện nói riêng. Việc dấn thân trong nghiên cứu như thế sẽ giúp chúng ta trở nên hữu hiệu trong việc nhận định và đáp trả lại “dấu chỉ thời đại”.

 

Trong bối cảnh những khác biệt to lớn giữa các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, mô hình dân chủ phổ biến ở những đất nước này thiên về hình thức của chủ nghĩa độc đoán, đề cao phát triển kinh tế và coi nhẹ phát triển chính trị – xã hội. Khi đối mặt với nền dân chủ phương Tây, mô hình này sử dụng ý tưởng “những giá trị châu Á” như một sự biện minh nhằm hạn chế việc tự do bày tỏ chính kiến của những công dân trong nước. Cách chung, Giáo hội ngày càng thành công và hội nhập văn hóa hơn vào những nơi Giáo hội dấn thân cho nhiệm vụ lịch sử của việc phát triển quốc gia.

Bối cảnh:  Châu Á trong sự phát triển 

Quả là một nhiệm vụ khó khăn khi mô tả chất lượng dân chủ ở châu Á – Thái Bình Dương. Sự phức tạp nằm ở chỗ châu Á – Thái Bình Dương có rất nhiều trường hợp đa dạng và đáng quan tâm: cộng sản (Bắc Triều Tiên), hậu xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc và Việt Nam), xã hội hậu nội chiến (Campuchia), chế độ độc tài quân sự (Myanmar), chế độ dân chủ tự do (Australia). Nhiều nước, chẳng hạn như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật Bản có thể được phân loại hoặc phi tự do hoặc được đặt ở một nơi nào đó giữa chế độ dân chủ tự do và “dân chủ phi tự do” (illiberal democracy).[1] Theo Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc năm 2011 (The UN Human Development Index 2011), Nhật Bản đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng, Hong Kong ở vị trí 13, Hàn Quốc ở vị trí 15, và Singapore ở vị trí 26, kế đến là Malaysia ở vị trí thứ 62, so với tất cả những nước trên thế giới.[2] Tuy vậy, hầu hết các quốc gia khác đều xếp hạng bên ngoài vị trí thứ 100. Tương tự như thế, xét về tình trạng tham nhũng và minh bạch, chỉ có một vài quốc gia nhận được thứ hạng cao: Singapore ở vị trí thứ 5, Hong Kong ở vị trí thứ 12, Nhật Bản ở vị trí thứ 14, Đài Loan xếp hạng thứ 32, sau đó là Hàn Quốc với vị trí thứ 43.[3] Do đó, một điều ai cũng biết là hầu hết các quốc gia châu Á ở vị trí thấp xét về mặt chất lượng dân chủ và yếu kém xét về mặt quản lý. Một vài quốc gia lại còn gây tai tiếng do việc vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
 

Hội nghị khoáng đại
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) lần X tại TGM. Xuân Lộc – 2012
 

Xa hơn những chỉ số, sự thay đổi lịch sử về bối cảnh kinh tế và chính trị trong khu vực giúp ta thấy rõ hơn vấn đề. Mặc dù có những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, và tính dân tộc, cộng với sự chuyên quyền về mặt lãnh thổ, chúng ta vẫn có thể hiểu Đông Á và Đông Nam Á ở khía cạnh kinh tế. Đây từng là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của thế giới kể từ năm 1965. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế được mô tả theo “mô hình phát triển kinh tế ngỗng bay’ (flying geese pattern of economic development)[4]. Nhật Bản dẫn dầu, kế đó là ‘bốn con hổ’ kinh tế (Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan), rồi tới ‘những tiểu hổ’ Đông Nam Á ( Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan), và cuối cùng là những nền kinh tế hậu cộng sản (Trung Quốc và Việt Nam). Ở mức thấp hơn, Myanmar và Bắc Triều Tiên giờ đây được kỳ vọng sẽ theo mô hình này. Việc “dân chủ hóa” gần đây của Myanmar có thể được giải thích theo chiều hướng này. Các báo cáo cho thấy Bắc Triều Tiên đang nỗ lực bắt chước mô hình của Thái Lan, mô hình theo đuổi cùng một lúc cả về nền quân chủ chính trị lẫn về phát triển kinh tế.

Như đã nói về bối cảnh của sự đa dạng chính trị cũng như về ý nghĩa của sự phát triển kinh tế trong khu vực, bài báo này nhắm vào vấn đề dân chủ của những nước “con hổ”. Cơ sở lý luận cho điểm nhắm này là việc nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á thuộc về sự phân loại này. Hơn nữa, mô hình kinh tế – chính trị của những quốc gia này, theo dự đoán, sẽ ngày càng được chấp nhận như một mô hình “châu Á”, thay thế cho mô hình châu Âu, dựa trên nền kinh tế thị trường, chế độ dân chủ tự do, và những quy định về nhân quyền. Sự trỗi dậy của Trung Quốc dường như không chỉ xác nhận mô hình thay thế này nhưng còn củng cố sự phổ biến của mô hình này nữa. Tuy nhiên, điều thú vị là dưới ảnh hưởng của những lần đàm luận về hội nhập văn hóa, Giáo hội đã tập trung sứ mạng vào bối cảnh văn hóa – tôn giáo hơn là vào bối cảnh kinh tế – chính trị. Bài báo này nhằm lấp vào khoảng trống đó ngang qua việc khảo sát bối cảnh kinh tế – chính trị và ngụ ý của bài báo này đối với sứ mạng xã hội của Giáo hội. Bài báo này bắt đầu với việc khảo sát nền kinh tế – chính trị của sự phát triển, kế tiếp là cuộc tranh luận về chế độ dân chủ châu Á. Cuối cùng, bài báo kết thúc bằng việc gợi ý về vai trò của Giáo hội trong khu vực.

 Nhà nước phát triển hay chủ nghĩa độc đoán phát triển

Trong sự phát triển của Đông Á và Đông Nam Á, có hai đặc điểm đáng quan tâm trong tương quan với chất lượng của nền dân chủ. Một là vai trò của lao động giá rẻ; và đặc điểm kia là vai trò của nhà nước. Phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào việc công nghiệp hóa sử dụng nhiều lao động. Do giá thuê lao động gia tăng nơi con ngỗng dẫn đầu, nên các công nghệ cũ kỹ, sử dụng nhiều lao động được chuyển từ những nước dẫn đầu đến những nước theo sau, nơi có thể tìm ra lao động giá rẻ, ngày càng nhiều hơn. Điều này bắt đầu với việc Nhật Bản chuyển công nghệ đến những nước Đông Nam Á, tiếp theo đó, bốn nước con hổ cũng làm như vậy. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chủ yếu cũng nhờ vào việc công nghiệp hóa dựa trên lao động giá rẻ và linh hoạt. Về điểm này, người ta có thể lướt qua trong một bài báo của tờ New York Times, nói về việc sản xuất iPad của hãng Apple.[5]

Mặt khác, vai trò của nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong hoàn cảnh lao động này. Nó khác với cả vai trò của nhà nước nhỏ trong chủ nghĩa tự do lẫn vai trò của hội đồng điều hành đối với toàn bộ tầng lớp tư sản trong chủ nghĩa Mác. Nó đã đóng vai trò chủ động của một chủ doanh nghiệp qua việc lập kế hoạch, quản lý các khu vực tư nhân, và ngay cả điều hành trực tiếp những lãnh vực kinh doanh. Nó cũng đã hỗ trợ cho những công ty xuyên quốc gia, không chỉ bằng việc cung cấp các khu vực mậu dịch tự do và các lợi ích về thuế nhưng còn bằng cách kiểm soát các quyền lao động và tiền lương, nhằm giúp cho các công ty xuyên quốc gia đảm bảo được lao động giá rẻ. Bài báo của tờ New York Times, một lần nữa, minh họa việc bằng cách nào hãng Apple đã thu được lợi nhuận qua việc sử dụng lao động bóc lột ở Trung Quốc. Vai trò của nhà nước ở Đông Á và Đông Nam Á đã nhận được những đánh giá trái ngược nhau. Công nghiệp hóa được định hướng bởi nhà nước chắc chắn đã góp phần vào việc giải phóng đất nước ra khỏi cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, nó đạt tới mục đích nhờ vào những chế độ độc đoán, chế độ kỷ luật người lao động bằng cây gậy và củ cà rốt. Những chế độ như vậy bao gồm không chỉ Trung Quốc hậu xã hội chủ nghĩa nhưng cả bốn nước con hổ. Những người nhấn mạnh đến khía cạnh trước, việc làm chủ của doanh nghiệp, gọi những nhà nước châu Á này là “nhà nước phát triển”; tuy nhiên, những người đề cao khía cạnh sau, chủ nghĩa độc đoán, gọi những nhà nước này là “chủ nghĩa độc đoán phát triển”.

Phiên họp khoáng đại của FABC lần X tại TGM. Xuân Lộc – 2012

Sự đánh giá trái ngược này đặt nền cho những tranh luận nổi tiếng về “những giá trị châu Á” và tính phổ quát của các quyền con người. Trước khi bài báo này tìm hiểu về những cuộc tranh luận như thế, chúng ta lưu ý rằng, thông thường những bóng mờ đi kèm với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong khu vực cũng sẽ được chỉ ra: sự hạn chế các quyền con người và các quyền lao động, việc phát triển của bộ máy quan liêu có ảnh hưởng định hướng, sự thắng thế của nhà nước trên xã hội dân sự, sự suy thoái môi trường, v.v. Công nghiệp hóa cũng đã dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng giữa những người hưởng lợi và những người bị loại ra khỏi các lợi ích của công nghiệp hóa, ví dụ như giữa tầng lớp trung lưu mới nổi và tầng lớp lao động, giữa những người làm việc thường xuyên và những người làm việc không thường xuyên. Mối quan hệ năng động giữa hai mặt bất bình đẳng này đã ảnh hưởng lên cảnh quan chính trị, và do đó, lên chất lượng của nền dân chủ trong khu vực.

Nền dân chủ phương Tây và nền dân chủ châu Á

Khu vực Đông Á và Đông Nam Á hình thành nên một phần quan trọng của làn sóng dân chủ hóa vào những năm của thập niên 80, cùng với sự sụp đổ của những nước cộng sản. Những nước, từ Philippines và Hàn Quốc cho đến Thái Lan và Đài Loan, đã trở nên dân chủ hóa nhờ vào quyền lực nhân dân, và những người lạc quan đã thuyết phục rằng các chế độ độc đoán sẽ dần biến mất trong làn sóng này. Tuy nhiên, vào những năm đầu của thập niên 90, trong thực tế, hồi ấy cái gọi là “những giá trị châu Á”, được thủ tướng của Singapore và Malaysia đưa ra, đã thách thức nền dân chủ tự do phương Tây. Họ chủ trương một kỷ luật độc đoán, trình bày “những giá trị châu Á” như là cốt lõi văn hóa, nơi mà qua đó việc lao động chăm chỉ, tính cần kiệm, kỷ luật và làm việc nhóm có thể được được sản sinh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đã thổi bay sự diễn tả có phần đắc thắng của “những giá trị châu Á”. Những giá trị trước kia được tôn lên như là động lực cho sự tăng trưởng châu Á giờ đây bị coi như là nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism), được sử dụng để biện minh cho sự vắng bóng các cuộc kiểm tra và cân bằng dân chủ. Tuy nhiên, một phần vì sự trỗi dậy của Trung Quốc và một phần vì sự hụt hẫng trước tình trạng mất an ninh kinh tế theo sau bởi chính sách dỡ bỏ các quy định, gần đây người ta quan sát thấy sự hồi sinh của “những giá trị châu Á”, sự trải rộng niềm hoài nhớ về những nhà độc tài đã bị lật đổ, và sự giảm nhẹ ký ức về luật lệ độc đoán ở nơi tầng lớp trung lưu. Trong bối cảnh này, cách đây một vài năm, Time, một tạp chí của Mỹ, đã viết một bài báo với tựa đề “Những nền dân chủ đang lung lay tại châu Á” trong ấn bản đầu Năm Mới.[6]

Những nhà quan sát phương Tây đưa ra một số lãnh vực mà những nước châu Á cần đến để mở rộng nền dân chủ.

* Văn hóa chính trị: các công dân nên trau dồi tư cách công dân của mình, khác với những đối tượng hay thân chủ, những người phụ thuộc vào người cai trị hay người bảo trợ cho họ.[7]

*Những thiết chế kiểm tra và cân bằng quyền lực: Xã hội nên phát triển những thiết chế độc lập của mình, chẳng hạn như truyền thông đại chúng và tòa án, là những thiết chế có thể kiểm tra quyền lực.

*Xã hội chính trị: Các đảng phái chính trị nên đại diện cho những lợi ích khác nhau và có thể làm trung gian giữa người dân với nhà nước.

*Xã hội dân sự: Đặc biệt, không gian công cộng (public sphere) nên độc lập với sự kiểm soát của nhà nước và cần được tăng cường.

Những nhận xét này dựa trên mô hình dân chủ tự do phương Tây. Có những người lại tin rằng mô hình Tây phương không có tính phổ quát nhưng họ biện hộ cho nền dân chủ châu Á. Không có sự đồng thuận nhất định về những giá trị châu Á hay về một kiểu mẫu của nền dân chủ châu Á. Tuy nhiên, chúng ta thấy xuất hiện khuynh hướng nhấn mạnh vào những khía cạnh sau:

*Sự hài hòa và đồng thuận xã hội vượt trên những đối đầu và bất đồng.

*Thịnh vượng kinh tế – xã hội thay vì tự do và các quyền chính trị của con người.

*Phúc lợi và thịnh vượng tập thể của cộng đồng vượt trên các quyền cá nhân.

Thỉnh thoảng, người ta cũng cho thấy như thể những thành viên công xã châu Á (Asian communitarians) vượt trên những người theo chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do, cùng với việc nhấn mạnh đến quốc gia hoặc nhà nước vượt lên trên các các nhân. Do đó, không phải là điều ngạc nhiên khi những chế độ độc đoán ở châu Á đã sử dụng luận lý tương tự để biện minh cho việc thi hành quyền bính có tính độc đoán của họ, và để trấn áp những vụ bất đồng chính kiến. Hơn nữa, luận lý này đã được sử dụng trong những cuộc tranh cãi về các quyền con người liên quan đến Trung Quốc, với lập luận rằng cách quy định về quyền con người là một vũ khí đạo đức của Tây phương nhằm chế ngự châu Á, bằng cách áp đặt tiêu chuẩn Tây phương lên châu Á.

Không kể các luận lý về chính trị và văn hóa, tuyên bố về mô hình dân chủ châu Á vẫn có thể được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Á đang cho thấy sự tăng trưởng của mình. Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), người đã lập ra và xây dựng một đất nước Singapore giàu có và hiện đại từ một thành phố nhỏ thuộc địa và không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, đã cứng rắn tranh luận cho những giá trị châu Á. Trong khi xây dựng sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Singapore, Lý Quang Diệu từng so sánh các chế độ xã hội chủ nghĩa với chế độ tư bản. Tuy nhiên, kể từ thập niên 90, ông đánh giá các nước bằng cách đối chiếu những điểm trái ngược giữa những nước sở hữu các giá trị châu Á với những nước không có được giá trị này. Khi được mời tới Manila, nơi mà tiến trình dân chủ hóa đã diễn ra vào năm 1986 nhưng nền kinh tế vẫn còn khó khăn, ông khẳng định rằng: “Trái ngược với những gì các nhà bình luận Mỹ nói, tôi không tin rằng nền dân chủ nhất thiết sẽ dẫn đến phát triển. Tôi tin rằng điều một quốc gia cần để tăng trưởng là kỷ luật hơn là nền dân chủ. Tính chất cởi mở của nền dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng vô kỷ luật và vô trật tự, những điều này là kẻ thù của sự phát triển.” Theo quan điểm của ông, đất nước Philippines vẫn còn những yếu kém do “hiến pháp kiểu Mỹ” của nó, kiểu hiến pháp làm suy yếu kỷ luật xã hội và tính ổn định xã hội, và do “thiếu” những giá trị châu Á. Hai yếu tố này giải thích cho việc đất nước này kém thành công hơn những nước châu Á đang phát triển khác. “Phép thử cuối cùng về giá trị của một hệ thống chính trị ở chỗ nó có giúp cho xã hội đó thiết lập những điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho đa số người dân hay không, cũng như việc nó có cho phép tối đa các quyền tự do cá nhân, phù hợp với tự do của những người khác trong xã hội hay không.[8]

Khẳng định của Lý Quang Diệu về những giá trị châu Á gặp phải sự chỉ trích, không những từ phía phương Tây, nhưng còn từ phía châu Á. Đặc biệt, Kim Tê Chung (Kim Dae Jung), một nhà lãnh đạo châu Á khác, người sau này đoạt giải Nobel Hòa bình và là tổng thống của Hàn Quốc, đã phi bác những người chủ trương về “những giá trị châu Á” này. Ông lập luận rằng các  truyền thống văn hóa châu Á nâng đỡ không chỉ về tăng trưởng kinh tế, như đã được bàn thảo rộng rãi trong đạo đức lao động của Khổng giáo, mà còn nâng đỡ việc dân chủ hóa chính trị, bằng cách chỉ ra trong Mạnh Tử rằng người dân có quyền lật đổ một bạo chúa. Điều này cho thấy những giải thích đa dạng về cái gọi là những truyền thống châu Á.

Các cuộc tranh cãi về “những giá trị châu Á” biểu lộ ra một vài lớp trong cảnh quan đang thay đổi của Đông Á và Đông Nam Á. Đặc biệt, Lý Quang Diệu và Kim Tê Chung đều đại diện cho những nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu châu Á. Ông Lý đã xây dựng Singapore, và điều này làm cho ông trở nên đáng tin. Ngược lại, ông Kim, một người bất đồng quan điểm, đã đấu tranh chống lại nhà độc tài Park, người mà ông Lý chia sẻ cùng quan điểm triết học chính trị và lối sống. Chính ông Lý, trong tự truyện của mình, đã minh nhiên tán dương ông Park như một nhà đổi mới của đất nước Hàn Quốc. Vì thế, sự khác biệt giữa ông Lý và ông Kim là điều tự nhiên. Ông Kim đã thành công trong việc giới thiệu về mình như một người chủ trương dân chủ; cuối cùng, ông đã được nhận giải Nobel Hòa bình sau khi tổ chức cuộc họp cấp cao giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Trong ý nghĩa này, các cuộc tranh luận về “những giá trị châu Á” đã phần nào được xây dựng về mặt chính trị và được trình bày qua cuộc ‘đột kích’ của các nhà chính trị vào kho tàng các truyền thống tín ngưỡng và văn hóa châu Á. Những khác biệt bên trong châu Á và sự phát triển mang tính biện chứng và đối thoại của những khác biệt này nơi Khổng giáo, Phật giáo, hoặc Hồi giáo, đã bị phớt lờ đi, hay đơn giản chỉ được nhấn mạnh một cách có chọn lọc.

Những cuộc tranh luận về giá trị châu Á cho thấy không chỉ niềm tự hào về điều mà các nước châu Á đã đạt được, nhưng còn biểu lộ một tuyên bố về tính ưu việt, ít nhất về văn hóa và đạo đức, nếu chưa có về kinh tế, hơn hẳn so với phương Tây, những quốc gia thực dân trước đây. Nhìn chung, những chủ trương của các nước châu Á đã chỉ ra những bóng tối, nơi đó cho thấy những giới hạn của tính hiện đại phương Tây, như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cá nhân quá mức, sự gia tăng tội phạm và tỉ lệ ly hôn. Tuy nhiên, sẽ là một điều sai lầm khi lý giải về cuộc tranh luận những giá trị châu Á trong cái khung nhị nguyên của nền dân chủ “châu Á” đối đầu với nền dân chủ “phương Tây”. Samuel Huntington, một người từng là nhà khoa học chính trị của đại học Harvard, đã trải qua cái bẫy này khi ông lập luận về “sự xung đột của nền văn minh”. Luận đề của ông chủ yếu diễn tả Đông phương như một sự trái ngược có tính biểu tượng đối với Tây phương và luận đề này đã nhìn vào cấu trúc kinh tế – chính trị, cấu trúc hỗ trợ cho sự khác biệt và cho những trở ngại. Bằng cách này, cả những người chủ trương giá trị châu Á lẫn Huntington đã đông phương hóa những truyền thống châu Á, như những truyền thống không chịu ảnh hưởng của thời gian và hiện thân rõ ràng trong tất cả mọi người châu Á.  

Như Aihwa Ong, một nhà nhân chủng học của đại học Berkeley, đã chỉ ra: Hơn cả sự khác biệt có tính văn minh hóa, những cuộc tranh luận về giá trị châu Á có thể được hiểu rõ hơn như là “sự hợp pháp hóa những chiến lược của nhà nước nhằm tăng thêm việc kiểm soát tại nhà và nhắm vào tình hình lợi thế kết dính trong nền kinh tế toàn cầu.[9] Nói cách khác, sự khác biệt giữa Đông và Tây có thể được hiểu rõ hơn trong bối cảnh của toàn cầu hóa tân tự do (neoliberal globalization). Trong khi chủ nghĩa tân tự do của Mỹ làm suy yếu những nguyên tắc dân chủ của bình đẳng xã hội thông qua các đặc quyền cá nhân quá mức, thì chiến lược chủ yếu của châu Á trong thị trường toàn cầu hủy hoại nền dân chủ, bằng cách giới hạn việc diễn tả chính kiến cá nhân qua việc đề cao quá mức đặc quyền an ninh của chủ nghĩa tập thể. Sự tiếc nhớ gần đây về những nhà lãnh đạo độc đoán cho thấy rằng tầng lớp trung lưu mới nổi, những người hưởng lợi chủ yếu của sự tăng trưởng kinh tế trong những nước con hổ này, không đòi hỏi một chính phủ tốt hơn, xét về mặt trình bày dân chủ, cho bằng về mặt hiệu quả của nhà nước trong việc đảm bảo sự an ninh và thịnh vượng cho toàn xã hội.

Nhà nước – Quốc gia và Việc di dân

Việc phát triển do nhà nước lãnh đạo và sự thành công của nó đã dẫn đến tình trạng di dân. Sau hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế, những thế lực kinh tế dẫn đầu ở Đông Á và Đông Nam Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, đã trở thành những quốc gia điểm đến của những người di dân, và do đó việc di dân quốc tế đã tăng lên nhanh chóng trong khu vực. Các nguyên nhân điển hình của tình trạng di dân quốc tế giữa miền Bắc và miền Nam, chẳng hạn như sự khác biệt trong những cấu trúc kinh tế, tuổi thọ, nhân khẩu học, các điều kiện xã hội và sự ổn định chính trị, rõ ràng có thể giải thích một phần cho tình trạng di dân mang tính khu vực này.

Tuy nhiên, các đặc điểm của việc phát triển do nhà nước lãnh đạo đã cho thấy một mô hình khác biệt về tình trạng bị loại trừ ra khỏi xã hội so với tình trạng di dân ở những nước phương Tây. Về mặt dân tộc và chủng tộc, ngoại trừ Singapore và Malaysia, những nước nhận di dân trong khu vực đều có tính đồng nhất dân tộc cao: 98% người Hàn ở Hàn Quốc, 98.5% người Nhật ở Nhật Bản, 91.5% người Hán Trung Quốc ở Trung Quốc, và 98% người Hán Trung Quốc ở Đài Loan. Không ngạc nhiên khi luật quốc tịch dựa trên quy định rằng quốc tịch của một đứa trẻ được xác định do huyết thống của bố mẹ nó (ius sanguinis), và cũng không ngạc nhiên khi những người nước ngoài không được đối xử công bằng. Nói cách khác, đường đứt gãy giữa ‘chúng ta và họ’ dễ dàng được vẽ ra trong những đường huyết thống. Điều này phần nào giải thích cho văn hóa dân tộc chủ nghĩa ở những đất nước này. Nhà nước được hình thành như là một phần mở rộng của gia đình, và quốc gia là một nhà nước. Do đó, những người nước ngoài dễ dàng trở thành đối tượng nhà nước chú ý, “chăm sóc” và kiểm soát cho chương trình của nhà nước, chương trình thông thường được giải thích như là chương trình quốc gia. Đây là kết quả của một nhà nước không chỉ đã sắp đặt nền kinh tế nhưng còn tổ chức toàn xã hội hướng vào tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, những nước này tự hào về tình trạng một đất nước đơn sắc tộc (mono-ethnic country), và như thế, những nhóm sắc tộc ít người dễ dàng bị lờ đi nhân danh lợi ích quốc gia. Hậu duệ người Hàn Quốc ở Nhật Bản và hậu duệ người Trung Quốc ở Hàn Quốc đã và đang còn bị phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề.

Nói tóm lại, khi tập trung vào những nền kinh tế con hổ trong khu vực, bài báo này nhắm vào việc tăng trưởng kinh tế, trong đó nhà nước đóng một vai trò quan trọng, như là đặc tính chung chủ yếu của khu vực. Việc thúc đẩy quyền lãnh đạo độc đoán hay việc thúc đẩy nền dân chủ châu Á không chỉ thể hiện niềm tự hào của những quốc gia này về những gì họ đã đạt được, nhưng còn về mô hình điều tiết xã hội của họ, một mô hình có thể đảm bảo việc tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong khi tối thiểu hóa cái giá phải trả liên quan đến chính trị – xã hội. Như đã nói lúc đầu, những đặc điểm này rõ ràng khác với Bắc Triều Tiên, Myanmar hay một số nước khác. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc được dự báo sẽ khẳng định và củng cố việc phổ biến về sự phát triển được lãnh đạo bởi nhà nước, cùng với việc điều tiết xã hội của nó trong khu vực.

Hướng đến sứ mạng xã hội của Giáo hội

Bối cảnh kinh tế, chính trị của Đông Á và Đông Nam Á buộc Giáo hội phải suy nghĩ lại sứ mạng xã hội của mình. Sự tiếp nhận và lãnh hội sáng tạo Giáo huấn xã hội của Giáo hội dường như khác nhau giữa các giáo hội địa phương. Hai yếu tố, một nội tại và một ngoại tại, có thể giải thích cho sự khác nhau về việc tiếp thu những giáo huấn này. Về mặt nội tại, việc thảo luận về “hội nhập văn hóa” đã giúp giáo hội địa phương đi đến việc chú tâm vào văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, mặc dù từ thời công đồng Vatican II, Giáo hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhạy bén của giáo hội địa phương, nhưng những nỗ lực hướng về việc hội nhập văn hóa vẫn chưa thoát khỏi sự nguy hiểm của việc diễn tả cơ bản văn hóa theo một cách thế nhị nguyên, như cách thức thảo luận về văn minh hóa đã mắc phải. Một số cuộc thảo luận về hội nhập văn hóa đã giả định cái gọi là hiện đại, Tây phương, văn hóa chủ nghĩa tư bản là tệ hại, trong khi văn hóa địa phương được lãng mạn hóa như là nguồn của việc đưa ra căn tính (a source of identity – giving). Tuy nhiên, Tây phương “bây giờ hiện diện ở khắp nơi, trong phương Tây và bên ngoài: trong những cơ cấu và trong những ý nghĩ.”[10] Trong thực tế, không có nền văn hóa thuần túy nào mà đã không chịu tính hiện đại của phương Tây chạm đến. Hội nhập văn hóa có thể rỗng tuếch nếu nó thiếu đi việc phân tích bối cảnh kinh tế và chính trị và một sự đáp ứng phù hợp với bối cảnh này. Về mặt ngoại tại, giáo hội địa phương là một tôn giáo thiểu số[11] trong một xã hội nơi mà nhà nước là một người điều khiển mạnh mẽ hơn. Vì thế, phải biết rằng giáo hội thường chịu nhiều rủi ro khi dấn thân vào những vấn đề chung. Điều này thể hiện qua việc sứ mạng xã hội của Giáo hội hiện nay dễ dàng bị giới hạn bên trong lãnh vực thiêng liêng và tôn giáo, và bên trong ranh giới của mối quan hệ đã tồn tại từ trước giữa nhà nước và xã hội, hơn là trong việc thi hành những đòi hỏi của Giáo huấn xã hội của Giáo hội.

Tuy nhiên, điều mỉa mai là, về mặt xã hội, các giáo hội nào tại châu Á càng dấn thân hơn cho công ích thì lại càng thành công hơn trong việc kêu gọi người ta trở lại đạo. Những giáo hội phát triển nhanh nhất trong vòng nửa thế kỷ vừa qua trong khu vực là những giáo hội ở Timor Leste và Hàn Quốc. Tại Timor Leste, số người Công giáo đã tăng từ khoảng 25 % vào năm 1975 đến khoảng 98% vào năm 2005. Cũng vậy, tại Hàn Quốc, số người Công giáo tăng khoảng 3% vào năm 1960 lên đến 10.1% vào năm 2010. Đây là một hiện tượng ngoại thường tại châu Á. Mặc cho có những khác biệt trong bối cảnh lịch sử và vị trí xã hội giữa các giáo hội, đặc điểm chung của Giáo hội Công giáo ở cả hai nước này nằm ở việc đóng góp của Giáo hội vào trong nhiệm vụ lịch sử của đất nước mình. Nhiệm vụ của giáo hội Timor Leste là giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân từ Indonesia; nhiệm vụ của giáo hội Hàn Quốc là thực hiện dân chủ hóa đất nước. Giám mục trước đây của Dili, Timor Ester, Đức cha Belo, và Đức Hồng y Kim ở Seoul, Hàn Quốc đã đáp ứng nhiệm vụ lịch sử này theo tinh thần của Tin Mừng và của công đồng Vatican II, mặc cho những nguy cơ cao có thể xảy ra. Nhờ khả năng lãnh đạo và sự đóng góp vào những nhiệm vụ lịch sử này mà các vị đã được kể như là một trong những người đáng kính nhất của đất nước mình. Kết quả là Giáo hội Công giáo ở cả hai đất nước này có được thẩm quyền về luân lý. Dĩ nhiên, đối với bất kỳ tôn giáo nào, thẩm quyền về luân lý luôn là một phẩm chất quan trọng hơn so với tiềm năng về kinh tế và chính trị. Quan trọng hơn, mặc dù người ta biết về nguồn gốc từ phương Tây của Giáo hội, Giáo hội giờ đây không còn được hiểu như là một tôn giáo đến từ một nước bên ngoài. Sự chuyển biến trong nhận thức này diễn ra ở cả hai đất nước, vì Giáo hội đã chiếm một phần quan trọng trong sự thay đổi mang tính lịch sử ở những nước này. Một cuộc hội nhập văn hóa thật sự!

Giáo hội trong khu vực có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm lịch sử của Timor Leste và Hàn Quốc. Đó là đóng góp của Giáo hội cho nhiệm vụ lịch sử của một xã hội rộng lớn hơn. Đức Hồng y Kim đã nhấn mạnh rằng lý do hiện hữu (raison d’être) của Giáo hội không phải vì chính lợi ích của Giáo hội, nhưng vì lợi ích của xã hội rộng lớn hơn, và ngài đã đấu tranh để cho điều này được thực hiện, bất chấp những chống đối cả bên trong lẫn bên ngoài. Đặc biệt, trong một xã hội nơi mà nhà nước ra sức thuần hóa xã hội và trình bày chính mình như là một tác nhân cho lợi ích quốc gia, thì vai trò của Giáo hội càng trở nên quan trọng hơn và có nhiều tiềm năng hơn. Chúng ta nên định nghĩa công ích trong bối cảnh của chính nó, một bối cảnh trong đó nhà nước thường xác định lợi ích quốc gia khác với định nghĩa của Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Trong một thế giới toàn cầu hóa, Giáo hội, như là một thể chế xuyên quốc gia, có thể tìm thấy không gian và nguồn lực thuận lợi dễ dàng hơn trước đây để cân bằng với nhà nước và xây dựng các mạng lưới phục vụ cho công ích. Các Giêsu hữu, như là những thành viên của một dòng tu mang tính toàn cầu, có thể đề ra nhiều đường hướng, nhằm phục vụ Giáo hội tại châu Á trong việc xác định công ích, đưa ra các kế hoạch chiến lược cho công ích, huy động và kết nối con người với các nguồn lực, để các kế hoạch này có thể được thực hiện đầy đủ.

(Philipphê Trần Thanh Minh, S.J chuyển ngữ từ “Denis Kim, S.J – Toward the Church’s Social Mission in Asia ” trong Promotio Iustitiae, no 109, 2012/2)

————————————
 

[1] x. Fareed Zakaria, “The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, November/December 1997.

[4]. Kasahara S. (2004) “The Flying Geese Paradigm: A Critical study of Its Application to East Asian Regional Development,” United Nations Conference on Trade and Development, Discussion Paper # 169, April. Mitchell Bernard and John Ravenhill (1995). “Beyond Product Cycles and Flying Geese: Regionalization, Hierarchy, and the Industrialization of East Asia.” World Politics 47, pp 171-209.

[7]. x. Robert D. Putnam, Making Democracy Work: Civic Traditions in Modern Italy (Princeton Univ.Press, 1993).

[8]. Far Eastern Economic Review, 10 December 1992. Trích từ Aihwa Ong, Flexible Citizenship (Durham, NC: Duke University) 1999, 71.

[9]. Ong, op. cit., 11.

[10]. Trích từ  A. Escobar, Encountering Development: The Making and Unmaking of the Third World (Princeton: Princeton University Press, 1995) 224.

[11]. Ở Đông Á và Đông Nam Á, chỉ có Philippines, Timor Leste, Hàn Quốc và Việt Nam là có tỉ lệ người Công giáo chiếm hơn 5% trên tổng số dân.