HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ_PHẦN 1 – NGẮM NHÌN VÀ LẮNG NGHE

0
2380

BỘ CÁC HỘI DÒNG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ

NHŨNG ĐỊNH HƯỚNG

“Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”

                                                               (Ga 15,9)

 Chuyển ngữ: Nữ tu Marie Ange O.C.D.

Hiệu đính: Lm. Giuse Phan Tấn Thành O.P.

ĐAN VIỆN CÁT MINH SAIGON
2022

——————–

Dẫn nhập và Giới thiệu

——————–

PHẦN 1

NGẮM NHÌN VÀ LẮNG NGHE

I. HIỆN TƯỢNG RỜI BỎ: một vài điểm mấu chốt

Một hiện tượng đang chất vấn chúng ta

5. Sự kiện rời bỏ đời sống thánh hiến là triệu chứng của một sự khủng hoảng lớn hơn đang chất vấn những hình thức sống đã được Giáo Hội thừa nhận. Hiện tượng này không thể chỉ được biện minh bằng những nguyên nhân liên quan đến văn hóa-xã hội, cũng như không thể giải quyết bằng sự buông xuôi cho rằng đó là chuyện bình thường. Thật là không bình thường khi một người quyết định xin rời bỏ Hội Dòng sau một thời gian dài đào tạo sơ khởi, hoặc sau nhiều năm sống đời thánh hiến.

Bên cạnh những chứng tá về đời sống mẫu mực, chúng ta cũng thường gặp thấy những tình trạng của “một sự trung tín tùy hứng, và một sự vâng phục tùy nghi”, và có lẽ là triệu chứng của “một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường, không ý nghĩa[1]”. “Những yếu đuối và khó khăn nổi dậy làm lu mờ niềm vui đã nếm hưởng vào buổi đầu cuộc hành trình[2].” Thỉnh thoảng, những người đã sống trong sự hiến dâng rộng lượng và đạo đức gương mẫu lại bộc lộ những cách cư xử kỳ lạ, mà chúng ta cảm thấy rất khó để tìm ra động cơ thúc đẩy và càng thấy khó hơn nữa để chấp nhận nó. Lúc khác, lại bùng nổ những hành vi bê bối, gây ra gương mù làm tổn thương và đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về hành trình đào tạo và lối sống trước đó.

Tuy nhiên, hôm nay cũng như hôm qua, “có rất nhiều người thánh hiến và thừa tác viên, hiến dâng chính mình trong âm thầm, kiên trì làm việc tốt mà thường không gây tiếng động ồn ào […]. Họ tiếp tục tin tưởng và can đảm giảng dạy Tin Mừng của ân sủng và xót thương cho những con người đang khát khao tìm kiếm ý nghĩa để sống, để hy vọng và để yêu thương. Họ không sợ hãi trước những thương tích trên thân thể Chúa Kitô, gây ra bởi tội lỗi và không ít lần bởi những đứa con của Giáo Hội.

Những hình thái bất ổn

6. Những tình huống rắc rối đã đặt câu hỏi về những vấn đề then chốt và gây ra bất ổn thường gặp nơi đời sống thánh hiến nói chung. Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận rằng những nguy hiểm và giới hạn này cũng nảy sinh từ nền văn hóa trong thời đại chúng ta: “Cuộc sống của chúng ta bị nhận chìm trong cái được gọi là nền văn hóa rạn nứt, nền văn hóa tạm bợ [3].”

Trước khi đề xuất những lộ trình đồng hành, ngăn ngừa hoặc chăm sóc, cần nhận ra một vài mấu chốt có thể là nguồn gốc của những hình thức bất ổn, hoặc những vấn đề nghiêm trọng và then chốt hơn. Chúng tôi nêu bật một vài điểm trầm trọng và dễ nhận dạng. Trong viễn tượng này, việc nhận ra vấn đề và lắng nghe những người đang phải đối diện với chúng là vấn đề then chốt, để sau này không bị ép buộc phải chẩn đoán những tình huống có khuynh hướng không thể giải quyết được. Một sự tỉnh thức ngắm nhìn và một sự chăm chú lắng nghe

7. Chúng ta được mời gọi nhìn nhận, nghĩa là tỉnh thức ngắm nhìn và chăm chú lắng nghe: “sự tiếp xúc của một người môn đệ thừa sai là một sự tiếp xúc được nuôi dưỡng bởi ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần[4],” sự lắng nghe thôi thúc chúng ta biết lưu tâm đến người khác, quan tâm đến những người anh chị em bên cạnh mình. Việc nhận ra đã là “học cách biện phân và khám phá” cái gì “giữ chúng ta ra xa khỏi những kịch bản thực tế của con người[5].” Vì thế nó đòi hỏi một sự khiêm nhường, thân mật và cảm thông, để có thể hiểu và hòa hợp với “niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo lắng của những con người trong thời đại này, đặc biệt là những người nghèo đói hoặc những người đau khổ[6].” Cùng một sự ngắm nhìn và cùng một sự lắng nghe, mang đầy sự lo lắng và quan tâm, phải được hướng đến những người đang trải nghiệm những hoàn cảnh bất ổn, lo lắng hoặc khủng hoảng. Nó là một cái nhìn của “sự cảm thông […] chứ không phải là thương hại. […] Không có sự cảm thông nào mà lại không lắng nghe và liên đới với người khác.” Sự ngắm nhìn này phát sinh từ “sự tự do được sinh ra bởi tình yêu và lòng khao khát đặt thiện ích của người khác lên trên mọi sự[7].”

8. Một sự ngắm nhìn lơ đãng hoặc thiển cận, có nghĩa là hời hợt, luôn luôn là nguyên nhân của hiểu lầm, thành kiến, đau khổ và kết án, nó gây ra một sự rối loạn nguy hiểm giữa những bình diện khác nhau – tâm lý, tương quan và thiêng liêng – trong kinh nghiệm của con người. Nhìn nhận người anh em hoặc chị em đang trải qua một giai đoạn khó khăn là bước đầu tiên, ngày cả dưới khía cạnh chiến lược, để nhận dạng cần phải làm gì và cần thực hiện những bước nào để biện phân và ngăn ngừa hoặc đồng hành qua những quá trình, phương pháp để nâng đỡ và chăm sóc. Để có thể nhận ra, biện phân, đồng hành thì cần phải có một sự chuẩn bị chuyên môn. Điều này đòi hỏi một sự tương tác tích cực và hiệu quả của những nhà chuyên môn được kêu gọi khởi đầu con đường đồng hành thiêng liêng, liệu pháp tâm lý và quan tâm chăm sóc.

Cuộc khủng hoảng của các Dòng Tu: bấp bênh và lạc hướng

9. Trải qua bao thế kỷ, đời sống thánh hiến đã chứng tỏ một khả năng liên tục làm mới lại để thu hút[8] những người đang tìm kiếm một ý nghĩa, để họ có thể gặp thấy trong đó một kiểu mẫu quy chiếu quan trọng. Sự thu hút này cần phải được tái khám phá và khơi lên “vẻ hấp dẫn ban đầu, như là phương thuốc chữa trị ‘chứng bại liệt của tính tầm thường’ và như là một sự mở ra cho ân sủng có khả năng xoay chuyển thế giới và đảo ngược những cách suy luận của nó. Nhen nhúm lại sức quyến rũ của tinh thần Phúc âm triệt để nơi các thế hệ trẻ, để họ có thể khám phá lại lần nữa giá trị ngôn sứ của đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục như là một sự báo hiệu cho Nước Thiên Chúa, và một sự thể hiện sung mãn cuộc đời của họ là một điều gì đó không thể bị lờ đi vào thời đại đang bị thống trị bởi quan niệm của chủ nghĩa tiêu thụ và thương mại hóa[9].”

Ngay cả các Hội Dòng cũng đang trải qua những cuộc khủng hoảng với nguy cơ là “nhấn mạnh đến bóng tối hơn là nêu bật ánh sáng[10].” Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý với cái nhìn hiện thực đầy khôn ngoan rằng “khi đời sống cộng đoàn của chúng ta trải qua những thời kỳ ‘ọp ẹp’, chuộng yên hàn hơn là những điều mới mẻ từ Thiên Chúa thì đó là một dấu hiệu xấu. Nó có nghĩa là chúng ta đang tìm nơi ẩn tránh khỏi cơn gió của Chúa Thánh Thần[11].”

Sự thu hút mờ nhạt

10. Chúng ta được kêu gọi nhen nhúm lại sự hấp dẫn của việc sống Tin mừng triệt để, đang thành mờ nhạt, bên trong và bên ngoài chúng ta. Thực vậy, sự bất ổn và chán nản làm suy giảm lòng tin tưởng vào hình thức sống này, khi thấy nó không còn được quý trọng như là một kế hoạch toàn diện, bị xem là xa lạ với văn hóa thời đại chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần ngăn chặn những triệu chứng này. Đức Thánh Cha đã liệt kê một vài điều: “chủ nghĩa cá nhân, duy tâm linh, khép kín vào những thế giới hạn hẹp nhỏ bé, nghiện ngập, tìm vị trí an toàn,lặp đi lặp lại những mô hình tiền chế, giáo điều, hoài cổ, chủ nghĩa bi quan, ẩn nấp đằng sau những luật lệ và quy tắc[12].” Người thánh hiến không phải là một viên chức hay công chức, nhưng là một con người đầy say mê, là người không thể sống trong “cái tầm thường yên ổn và ảm đạm[13].” Nói cách cụ thể, trong Thư Gởi Tất Cả Những Người Thánh Hiến, Đức Thánh Cha đã không chấp nhận nhượng bộ: “Đừng có ai trong chúng ta mang bộ mặt rầu rĩ, những con người bực dọc và bất mãn, bởi vì ‘một môn đệ buồn bã là một người môn đệ đáng buồn.’ Cũng giống như bao nhiêu người khác, chúng ta đều nếm trải những đau khổ, đêm tối linh hồn, những thất vọng và bệnh tật, kiệt sức vì tuổi già. Tuy nhiên, trong tất cả mọi hoàn cảnh như thế, lẽ ra chúng ta phải khám phá ra ‘niềm vui trọn hảo’, học cách nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô, Đấng đã trở nên giống chúng ta trong tất cả mọi sự, và vui mừng khi biết rằng chúng ta trở nên giống Người, Đấng mà vì yêu thương chúng ta, đã không từ chối vác lấy thập giá. Trong một xã hội tôn sùng hiệu năng, khỏe mạnh và thành công, gạt ra bên lề những người nghèo và loại trừ những người thua cuộc, chúng ta có thể làm chứng cho chân lý cho những lời trong Thánh Kinh bằng chính cuộc sống của mình: ‘Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh’ (2 Cr 12:10) [14].”

“Chước cám dỗ sinh tồn làm đảo ngược điều mà Thiên Chúa ban cho như là một cơ may cho sứ vụ lại trở thành tai ương, đe dọa và thảm họa. Thái độ này không chỉ xảy ra cho đời sống thánh hiến, nhưng chúng ta đặc biệt được mời gọi đừng để mình bị rơi vào đó[15].”

Việc nhận định không đầy đủ về những khó khăn

11. Chúng ta cũng được mời gọi vượt lên sự ngại ngùng khi nói đến những khó khăn và yếu đuối của chúng ta, bởi vì trong đời sống thánh hiến, nếu biết hiểu đúng, mọi sự tố giác đều có thể trở thành một sự tố giác chính mình: không ai có thể thoát khỏi những vấn đề ám ảnh và làm phiền một cộng đoàn, một tỉnh dòng, một Hội Dòng. Xem ra vẫn chưa nhận ra rằng sự lo lắng, bất an, khủng hoảng là những cơ hội cho một sự đối diện bình tĩnh và có tính xây dựng, chứ không phải là những cuộc tranh luận vô bổ, hoặc tệ hơn nữa, đó là một sự giấu diếm làm ngơ. Tất cả những điều này cho thấy rằng chúng ta vẫn còn đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình vượt thắng não trạng muốn giữ kín những tình huống khó giải quyết, vì lo sợ hoặc ngập ngừng không muốn trình bày những yếu đuối. Ngược lại, chúng ta bất lực quan sát hiện tượng – vẫn thường bị Đức Thánh Cha Phanxicô lên án -“cuộc khủng bố của việc tán gẫu”, mà điều này chắc chắn là chẳng giúp ích cho việc tạo ra bầu không khí thanh thản và tôn trọng nhau trong đời sống cộng đoàn. Khi lượng định, đánh giá những số liệu thống kê của chính Hội Dòng mình, chúng ta vẫn có thể tìm thấy tâm lý giải thích những tình huống này như là một kết quả đương nhiên của một thời đại bấp bênh và lạc hướng, mà lại không tự vấn rằng biết đâu chúng cũng có thể là những thất bại và sai lầm của chính Hội Dòng. Người ta công bố con số những người mới gia nhập, nhưng lại giữ kín con số những người ra đi, với một khuynh hướng vô thức là không muốn đụng đến những người ra đi.

II. NHỮNG TRƯỜNG HỢP cần được giải thích
VÀ NHỮNG ĐỘNG lỰc cần được biến đổi

Những tiến trình xây dựng căn tính

12. Những yếu đuối, khó khăn, mỏng giòn – căn nguyên của sự lo lắng bất ổn – có thể được truy nguyên đến những tiến trình xây dựng căn tính, mà trong khung cảnh của nền văn hóa hiện nay, càng ngày càng trở nên phức tạp hơn, cả trên bình diện nhận thức/ý thức cũng như trên bình diện căn tính/phân biệt, và vì thế’ trong bình diện chấp nhận chính mình và sự bất toàn của chính mình. Khó khăn trong việc nhận dạng căn tính của chính mình, cả trên yếu tố tâm sinh dục cũng như trên bình diện nhận thức và cảm xúc, chính là nguồn gốc của rất nhiều hình thái bất an trong mối tương quan, khó khăn trong việc thích nghi và thậm chí những hình thái nghiêm trọng của tâm bệnh. Thuật ngữ khủng hoảng và sự biến cách của nó dường như đã trở thành mẫu thức chung cho những tình huống khác nhau, thường bao gồm những hệ quả tai hại cho cuộc sinh sống. Sự khủng hoảng có thể xảy ra hay được giải quyết như là một mối nguy hoặc một cơ may, thì điều này chỉ có thể được chứng minh bằng chính kết quả của nó. Những sự hỗn loạn làm tổn hại đến nhân tính của người thánh hiến có thể trở thành một cơ hội cho sự thanh tẩy, biến đổi và khôn ngoan qua cảm nghiệm cần thiết về ân sủng giúp đương sự có khả năng đáp trả ơn gọi (xc. 2 Cr 12,9).

Trong viễn tượng của mầu nhiệm vượt qua, việc thừa nhận sự mỏng giòn và yếu đuối của chính mình biểu lộ những giới hạn có liên quan đến điều kiện con người, mời gọi chúng ta xem xét môi trường xung quanh với đôi mắt tin tưởng chứ không phải là với cặp mắt nghi ngờ, ra như có một ai đó đang rình chờ để chợp bắt những lầm lỗi giả định hoặc thật sự của chúng ta. Một đầu óc hẹp hòi, thiển cận đổ thêm ngờ vực chứ không hề làm giảm những nguy hiểm và thiệt hại hoặc nỗi lo sợ thất bại có thể xảy ra. Dù sao đi nữa, nó làm suy giảm lòng tin tưởng vào sự trung thành của Thiên Chúa là Đấng nâng đỡ chúng ta và nơi Đấng chúng ta có thể trông cậy. Tin tưởng là nguyên tắc căn bản trong mọi hoạt động cứu độ. Lời mời gọi bước theo Con Thiên Chúa đòi hỏi một phó thác cho niềm tin tưởng này, ngay cả trong khi cảm nghiệm sự bất trung và tội lỗi. Thiên Chúa qua việc tặng ban Chúa Kitô cho lịch sử nhân loại, đã làm cho Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai phục tùng Người (Dt 5,9).

Đức tin trở nên tối tăm

13. “Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Sự tin tưởng cần phải lớn lên chính khi những hoàn cảnh ném chúng ta xuống đất[16].” Thỉnh thoảng những hoàn cảnh này được đánh dấu bởi đau khổ, gây ra bởi sự gánh chịu những thử thách cay đắng bên trong và bên ngoài Hội Dòng; những sa ngã, thường là vô tình nhưng và cũng có khi là hữu ý, nơi mà sự tin tưởng vào Thiên Chúa bị loại bỏ và sự mất tin tưởng vào chính mình chiếm ưu thế. Kế đó, các ngẫu tượng xâm nhập “gây ra một trống rỗng hiện sinh.”[17] Trong cảnh trống rỗng này, đức tin xuất hiện hư là “một ánh sáng viển vông”[18] và cuối cùng “được gắn kết với bóng tối Khi không có ánh sáng thì mọi thứ đều trở nên hỗn độn; không thể nào phân biệt đâu là điều tốt và đâu là điều xấu, hoặc không thể phân biệt đâu là con đường đưa tới đích điểm với những con đường khác dẫn ta đi loanh quanh, và mất hướng đi”[19]. Nó không phải là một hành trình giữa đêm tối, nhưng là sự sụp đổ của một hành trình, đến nỗi quyết định – có khi rất đột ngột mà chẳng hề có đối thoại và trao đổi – rời bỏ Hội Dòng. Đôi khi sự quyết định này che giấu một sự từ chối được giúp đỡ, phủ nhận khả năng được viếng thăm từ chốn cao vời (Lc 1,78).

Cũng gây ra không ít lo lắng đó là tình trạng của những người tiếp tục sống vắng bóng Thiên Chúa trong khi vẫn ở lại trong đời sống cộng đoàn. Dù có ý thức hay không thì bầu không khí lo lắng bất an vẫn lan truyền, nhiều khi làm cho các anh em, chị em và Bề Trên không thể tìm thấy giải pháp để ngăn sự căng thẳng và lo lắng mà có thể làm hại đến tính ổn định của cộng đoàn.

Cách thức hiểu và sống đời độc thân thánh hiến

14. Trong những khó khăn của tiến trình xây dựng căn tính của chính mình, nổi bật hơn cả là cách thức hiểu và sống đời độc thân thánh hiến. Cái được gọi là khủng hoảng tình cảm tùy thuộc vào rất nhiều biến số và hoàn cảnh thường là đau thương, mà không tránh khỏi những kết quả bi đát. Không thể nào bỏ qua ảnh hưởng của nền văn hóa quy ngã có khuynh hướng đề cao khoái cảm và đòi hỏi tự do không giới hạn, đặc biệt trong phạm vi cảm xúc và đời sống tình dục. Rất hiếm khi mà lời của Đức Giáo Hoàng lại vang dội cách nghiêm khắc đứng trước “một trong những thái độ tồi tệ nhất của một người tu sĩ là quy ngã, chỉ nghĩ tới mình[20].” Cuộc khủng hoảng căn tính gây khó khăn cho việc hiểu và sống đời độc thân thánh hiến như là một căn tính và một kế hoạch. Tiến trình đòi hỏi trong cuộc hành trình hướng tới sự trưởng thành này bao hàm một khả năng quyết định sáng suốt và có hiệu lực, cùng với một tình yêu tự do khỏi mọi chiếm hữu, chống lại mọi hình thức lệ thuộc tình cảm. Hơn nữa, không nên coi nhẹ thái độ ngây thơ đối với việc kinh nghiệm tình bạn và những mối quan hệ giữa cá nhân với nhau. Càng có cái nhìn hiện thực cùng với một sự ý thức rõ hơn về những giới hạn của chính mình, thì càng dẫn đến sự khôn ngoan hơn. Nếu chúng ta ý thức được sự yếu đuối của chính mình, thì chúng ta sẽ không sống trong ảo tưởng rằng chúng ta có thể quản lí, điều khiển những cảm xúc của mình và những đam mê mà nó sinh ra.

Một sự trung tín lỏng lẻo

15. Khó khăn trong việc thấu hiểu đời sống độc thân thánh hiến không thể không quan tâm đến cái được gọi là “câu chuyện ràng buộc”. Vấn đề này cần phải được xem xét cách nghiêm túc, để hiểu và cũng để ngăn ngừa hiện tượng vẫn thường xảy ra, đó là đưa tới việc đánh mất đi sự kiên trì, và để giúp đỡ, đồng hành và đối xử với những người biểu hiện những hình thái lo lắng bất an tâm linh và trong các mối tương quan, hoặc những hình thái khác của sự mất quân bình. Những người nam nữ thánh hiến phải tiếp xức với một nền văn hóa phung phí và tiêu thụ cảm xúc đang lan tràn: sự trung tín không còn là một chuyện đương nhiên nữa, và trung tín suốt đời thì càng không còn hiển nhiên. Trung tín là một nhân đức cấu thành nên sự tự do trọn vẹn và cho phép cá nhân đang tìm kiếm-biện phân được nhào nặn, nơi ánh sáng của chân lý và sự thiện hảo được hiểu cách đúng đắn. Cuộc khủng hoảng trung tín hiện nay đi song song cùng với cuộc khủng hoảng về căn tính và có liên kết với cuộc khủng hoảng về cảm thức thuộc về Hội Dòng, vì người ta cho rằng mọi mối ràng buộc đều làm hao mòn và cản trở tự do. Việc hiến thân đi theo Chúa là sự trao phó cuộc đời vì tình yêu; nhưng ngày nay ngay cả việc trao hiến này dường như cũng có giới hạn thời gian. Trên thực tế, sự mỏng manh trong các mối liên hệ bị phơi bày ra không phải là để tìm ra phương dược, nhưng thường được biểu thị như là một dấu hiệu tiến hóa của nền văn minh.

Ý nghĩa của một mối ràng buộc được định hướng bởi luật lệ

16. Thêm vào những vấn đề căn bản đã được nhắc đến, cần phải nhắc đến ảnh hưởng của việc hiểu lệch lạc về quan niệm tự do, coi nhẹ ý nghĩa của một mối ràng buộc được định hướng bởi luật lệ. Tâm thức này được củng cố bởi một ngôn ngữ phổ biến có khuynh hướng làm giảm ý nghĩa của vai trò trung gian của các thể chế” và luật lệ, đồng thời nuôi dưỡng ý nghĩa sai lạc về sự tự trị đội lốt của tính tự phát, tính trực tiếp, và tranh đấu cho không gian riêng tư ngay cả khi những điều này có thể làm tổn hại đến việc tìm kiếm lợi ích chung. Những mối trung gian mang lại cơ hội – cho tất cả mọi người- đánh giá những tài nguyên nhân bản, tâm linh, nghề nghiệp và, cuối cùng nhưng cũng không kém quan trọng, những tài nguyên quy phạm. Không thể giấu được những giới hạn của chúng, mà nếu xét cho kỹ, cũng là những giới hạn của chính chúng ta. Những trung gian của thể chế và lề luật trong đời sống thánh hiến khuyến khích chúng ta nhìn nhận chính mình như là những người anh chị em trong mối tương quan huynh đệ. Chủ nghĩa cá nhân và cái được gọi là những con đường song song thường sẽ mở đường tới sự rời bỏ Hội Dòng. Khi đề cao quá mức từng cá nhân, người ta bỏ qua bổn phận phải nhớ rằng sự thoải mái của bản thân thì có liên quan và lệ thuộc vào sự thoải mái của cộng đoàn, và do đó cần phải tăng trưởng sự gắn kết với tất cả trong sự trung tín tuân giữ Tu Luật.

Mối tương quan với thời gian và không gian

17. Một điểm mấu chốt khác nữa để có thể giải thích đúng đắn sự lo lắng bất ổn này là mối tương quan với thời gian và không gian, những nhân tố cần thiết của mọi tiến trình tăng trưởng và phát triển. Những chuyển tiếp và thách đố kèm theo và/ hoặc những khủng hoảng liên quan đến tuổi tác nhấn mạnh tầm quan trọng của một mối tương quan đúng đắn với thời gian và không gian. Nói cách cụ thể, lãng phí thời giờ làm hao mòn sự trung tín và kiên trì. Chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng nguy hiểm là sống một thời giờ bị tha hóa và trần tục; một thời giờ muốn “lập tức và tất cả”, một cuộc sống qua ngày; với một sự hời hợt, thiển cận là kết quả của tính không kiên định, không chỉ là về tính khí, nhưng trên tất cả là trong sứ vụ, với yêu cầu chuyển đổi vẫn thường hay xảy ra. Một hiện tượng như thế thì không còn là hiếm hoi trong các môi trường của chúng ta nữa. Biết cách quản lý thời giờ là một dấu hiệu của một sự tự trị lành mạnh, và do đó cũng là dấu hiệu của một khả năng lựa chọn trưởng thành. Cũng không nên coi nhẹ hiện tượng của những người thánh hiến đang trên bờ vực kiệt sức và, đối lại, của những người không khép mình vào quy luật lao động. Những người thánh hiến đã lập một giao ước với Thiên Chúa và với các anh chị em của mình. Vì thế thời giờ mà họ sống là nằm trong giao ước với một Chứng nhân trung thành, Chúa Giêsu Kitô (xc. Kh 3,14), là Đấng sẽ đòi hỏi họ một lời giải trình về thời giờ của họ.

Những tương quan khó khăn giữa cá nhân và với cộng đoàn

18. Trạng thái bất ổn phát sinh từ sự khó khăn – và đôi khi từ sự bất khả – trong những tương quan và sự giao thiệp giữa những cá nhân với nhau, trở thành một mấu chốt nữa, gây ra vô số hình thái bất ổn hoặc yếu đuối. Trong đời sống thánh hiến, tình huynh đệ xuống dốc đến nỗi duyệt chính những lối sống tầm thường, những cuộc họp mặt họa hiếm, và sự sống chung miễn cưỡng. Khi những tương quan giữa các cá nhân với nhau bị giảm xuống thành một sự tôn trọng lẫn nhau theo hình thức, những cuộc gặp gỡ vì công tác, những sinh hoạt chung theo giờ giấc; khi mà những cuộc hội họp cộng đoàn giống như là một nghĩa vụ và những thay đổi trong thời khóa biểu hằng ngày bị xem như là một sự đe dọa đến cuộc sống yên ổn, thì đó là những tiền đề đã được đặt ra để tiến dần đến chỗ khoét rỗng ý thức huynh đệ. Không lạ gì mà sự rời bỏ Hội Dòng đầu tiên xảy ra do việc xa lánh cộng đoàn của mình. Để chống lại những cám dỗ này, Đức Thánh Cha Phanxicô thôi thúc chúng ta hãy phục hồi lại ý nghĩa của đời sống cộng đoàn, nơi gìn giữ chúng ta khỏi “trở thành chủ nghĩa tiêu thụ cá nhân đưa chúng ta đến chỗ tìm kiếm sự thoải mái một mình, tách biệt khỏi những người khác[21].”

Cảm nghiệm cô đơn

19. Những khó khăn liên quan đến các tương quan liên bản vị có thể gây ra, đặc biệt là trong đời sống thánh hiến, sự bất ổn của một cảm nghiệm cô đơn miên man cực khổ – như là một trải nghiệm cá nhân – ngay cả trong khung cảnh được các anh chị em quan tâm vỗ về. Nỗi cô đơn của những người thánh hiến có thể mở ra những nguy hiểm, đang khi mà được bao quanh bởi các anh chị em – những người mà chúng ta chung sống hoặc gắn bó bằng mối dây kính trọng và tình bạn – là một cơ hội để bẻ gãy vòng cô lập mà mình tự nhốt mình. Nỗi cô đơn trở thành cô lập khi nó đưa đến việc “tìm kiếm chỗ trú ẩn nơi những điều mình chắc chắn và những nơi thoải mái, từ sự thờ ơ với những người khác và sự chia rẽ thành ‘bè phái.’ Đây là những tình huống đưa đến một loại cô lập và bất mãn, một sự buồn bã dần dần đưa tới bực bội, phàn nàn liên miên, buồn chán[22].” Mặt khác, sự cô đơn trở thành phong phú khi nó có sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta đã hiến dâng cuộc sống của chính mình, và sự hiện diện của anh chị em, một sự hiện diện quan phòng, giúp chúng ta đi ra khỏi chính mình để khám phá lại món quà của người khác.

Mối căng thẳng giữa cộng đoàn và sứ vụ

20. Một nhân tố khó khăn nữa có thể được nhìn thấy trong mối căng thẳng giữa cộng đoàn và sứ vụ, được hiểu cách tích cực như là một “sự căng thẳng theo ý nghĩa căn bản, tình trạng căng thẳng về sự trung tín[23].” Tình trạng căng thẳng này, nếu không được khắc phục hay giải quyết thì có thể dẫn tới xung đột; bất mãn và/hoặc thất vọng, đặc biệt khi có liên quan đến chủ nghĩa duy hoạt động hoặc chủ nghĩa cá nhân. Nó cũng có thể là một cơ hội cho sự sáng tạo và sự canh tân đổi mới, miễn là nó được nhìn như một cơ hội để đầu tư những năng lượng mới và nhất là để kết hợp với kế hoạch. Nếu biết vận dụng tốt, sự căng thẳng này có thể đưa đến một sự thay đổi của cá nhân và cộng đoàn, “cốt ở biến đổi lối nhìn của chúng ta: cố gắng nhìn người khác trong Thiên Chúa, và có khả năng đặt mình vào quan điểm của người khác: đó là hai thách thức được đặt ra việc tìm kiếm sự hiệp nhất […] trong các cộng đoàn tu sĩ [24]. …” Người ta có thể hiểu khá rõ rằng những căng thẳng không được giải quyết thường biến chất thành cuộc xung đột công khai, tăng thêm bất mãn đối với cộng đoàn, làm suy yếu cảm thức thuộc về Hội Dòng và cuối cùng, có thể làm mất động lực chọn lựa cuộc sống của mình, đến chỗ việc rời bỏ Hội Dòng được xem là lối thoát duy nhất.

Kiểm soát thế giới công nghệ

21. Trong các cộng đoàn của chúng ta, đặc biệt nơi những tình huống có vấn đề trong cộng đoàn, người ta có thể nhận thấy một cách sử dụng thế’ giới công nghệ không đúng mức, và do đó, tìm kiếm ẩn náu nơi những không gian truyền thông được đề xuất bởi những kỹ thuật công nghệ mới, đặc biệt là bởi các phương tiện thông tin đại chúng. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta: “Có những khía cạnh cần đặt vấn đề. Tốc độ mà thông tin được thông truyền thì vượt quá khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta, và không giúp biểu lộ bản thân cách điều độ và đích xác. Sự đa dạng của những quan điểm được bày tỏ có thể được nhìn nhận như là phong phú, nhưng nó cũng có thể làm cho con người nhốt mình trong một lãnh vực thông tin phù hợp với những mong đợi và ý tưởng của mình, hoặc với những lợi ích chính trị và kinh tế nhất định. Thế giới truyền thông có thể giúp chúng ta tăng trưởng, hoặc ngược lại, có thể làm chúng ta lạc hướng. Ước muốn kết nối nhờ công nghệ có thể mang lại cho chúng ta một sự cô lập với người thân cận, với những người gần gũi bên cạnh chúng ta[25].” Hơn thế nữa, chúng ta cũng không thể né tránh việc chất vấn về loại liên kết được thiết lập qua phương tiện truyền thông đại chúng, mà chúng đang lan rộng cách nhanh chóng và thường xuyên trong các cộng đoàn của chúng ta. Các hình thức tâm lý lệ thuộc đang lớn dần lên, mở ra con đường cho những hình thái bất ổn và yếu đuối khác: “Các phương tiện công nghệ – Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét – có thể mang đến cho con người nguy hiểm của thói nghiện, cô lập và dần dần mất đi sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, cản trở sự phát triển chân thành trong những tương quan giữa các cá nhân với nhau. Những hình thức bạo lực mới đang được lan truyền qua các trang mạng xã hội, cụ thể là sự bắt nạt trên mạng. Internet cũng là một kênh phát tán hình ảnh khiêu dâm và sự khai thác con người vì mục đích tình dục hoặc qua việc cá cược[26].” Mối quan hệ với quyền lực và chiếm hữu

22. Trong mọi mối tương quan của con người luôn luôn hiện diện “cơn khát quyền lực và những lợi ích trần tục làm hư hỏng chúng ta[27].” “Ngay cả người xem ra có một nhận thức đạo lý và tâm linh vững chắc cũng thường xuyên rơi vào lối sống đưa tới một sự dính bén với vấn đề an toàn tài chính hoặc một ước muốn quyền lực hoặc vinh quang trần thế bằng bất cứ giá nào, thay vì hiến dâng cuộc đời mình cho những người khác trong sứ vụ[28].” Tài liệu Rượu Mới Trong Bầu Da Mới bày tỏ sự quan tâm đến “sự tồn tại của những lối quản trị và thực hành xa cách hoặc trái ngược tinh thần phục vụ, tới mức thoái hóa thành chế độ độc tài[29].”

——————

[1]    Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu dành cho các tân Giám Mục tham dự hội thảo do Bộ Các Giám Mục tổ chức, Vatican, (13-9-2018).

[2]    Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu nhân dịp gặp gỡ Các Cộng Đoàn Tu sĩ ở Hàn Quốc, Kkottongnae (Hàn Quốc), (16-8-2014).

[3].    Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu dành cho những người tham dự phiên họp khoáng đại của Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, Vatican, (28-1-2017).

[4].   Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Evangelii gaudium, (24-11-2013), 50.

[5].    Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng trong dịp Làm Phép dây Pallium của các Đức Hồng Y mới vào dịp lễ kính trọng thể Tông Đồ Thánh Phêrô và Phaolô, Vatican, (296-2018); xem Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Evangelii gaudium, (24-11-2013), 270.

[6]    Thánh Công Đồng Chung Vatican, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et spes, 1.

[7]    Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu trong dịp gặp gỡ với Các Linh Muc, Tu Sĩ và Chủng Sinh, trong chuyến Tông du đến Ecuador, Bolivia và Paraguay (từ ngày 5 đến 13-7-2015), Santa Cruz de la Sierra (Bolivia), (9-7-2015).

[8]    “Chúng ta có thể áp dụng những lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho đời sống thánh hiến và đã được lặp lại trong Tông Huấn Evangelii Gaudium: ‘Giáo hội tăng trưởng không phải nhờ việc chiêu dụ, nhưng là nhờ sự thu hút:”’ Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Thư gởi Tất cả Những Người Thánh Hiến trong dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, (23-11-2014).

[9]     Khoá họp thông thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Lần thứ XV, Instrumentum laboris, “Những Người Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi,” Vatican 2018, 103.

[10]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu trong dịp gặp gỡ các Linh Mục, Nam Nữ Tu Sĩ, và Phó Tế Vĩnh Viễn, trong chuyến Tông Du tới Pompei và Napoli, Napoli, (21-3-2015).

[11]   Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng trong dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Vatican, (20-5-2018).

[12]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate, (19-3-2018), 134.

[13]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate, (19-3-2018), 134.

[14]   Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Thư gởi tất cả những người Thánh Hiến trong dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, (23-11-2014), II, 1.

[15]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng trong dịp Đời Sống Thánh Hiến Thế’ Giới lần thứ XXI, Vatican, (2-2-2017).

[16]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng trong dịp cử hành Kinh Chiều và Te Deum kỷ niệm 200 năm tái thiết Dòng Tên, Roma, (27-9-2014).

[17]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu dành cho những người tham dự phiên họp khoáng đại của Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, Vatican, (28-1-2017).

[18]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Lumen fidei, (29-6-2013), 2.

[19]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Lumen fidei, (29-6-2013), 3.

[20]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu nhân Đại hội quốc tế những người thánh hiến trẻ, Vaticanô, (17-9-2015).

[21]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate (19-3-2018), 146.

[22]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng, Trong chuyến Tông Du đến Cuba, Hoa Kỳ, và chuyến viếng thăm trụ sở Liên Hợp quốc (từ ngày 19 đến 28 -9- 2015), La Habana (Cuba), (20-9-2015).

[23]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Phát Biểu trong dịp Gặp gỡ Các Nam Nữ Thánh Hiến của Giáo Phận Roma, Vaticanô, (16-5-2016).

[24]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Phát Biểu cho những người tham dự Hội thảo Đại kết cho các Tu Sĩ Nam Nữ được Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ tổ chức, Vaticanô, (24-1-2015).

[25]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 48, Truyền Thông hướng về việc Phục Vụ trong một Nền Văn Hóa Gặp Gỡ Chân Thành, (1-6­2014).

[26]   Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Christus vivit, (25-3-2019), 108.

[27]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate, (19-3-2018), 91.

[28]  Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Evangelii gaudium, (24-11-2013), 43.

[29]  Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ, Những định hướng. Rượu Mới Trong Bầu Da Mới. Đời Sống Thánh Hiến và Những Thách Thức từ sau Công Đồng Vaticanô II, Rôma (6-1-2017), 43.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here