HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ_Dẫn nhập và Giới thiệu

1
4540

BỘ CÁC HỘI DÒNG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ

NHŨNG ĐỊNH HƯỚNG

“Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”

                                                               (Ga 15,9)

 Chuyển ngữ: Nữ tu Marie Ange O.C.D.

Hiệu đính: Lm. Giuse Phan Tấn Thành O.P.

ĐAN VIỆN CÁT MINH SAIGON
2022

——————–

Dẫn nhập

Đây là một văn kiện “định hướng” của Bộ các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ (gọi tắt: Bộ Tu sĩ) được ban hành vào ngày 2 tháng 2 năm 2020. Có lẽ vì ra đời vào giữa mùa COVID cho nên ở Việt Nam ít người để ý. May thay nữ tu Marie Ange Dòng Cát-minh đã bắt tay phiên dịch nhằm bổ sung cho tập II của bộ sách “Theo Chúa Kitô”. Những văn kiện đời tu, (Nhà Xuất bản Tôn giáo 2021).

Tại sao có văn kiện này? Thưa đây là đúc kết phiên họp khoáng đại của Bộ Tu sĩ vào tháng 11 năm 2017 để suy nghĩ về một đề tài nhức nhối trong Giáo hội, đó là sự ra đi của nhiều tu sĩ. Theo thống kê, trong vòng 5 năm (2008-2012), Bộ đã cấp 11.805 phép miễn chuẩn lời khấn, như vậy trung bình mỗi năm có 2.361 đơn, đó là chưa tính các Dòng giáo phận thuộc thẩm quyền các giám mục địa phương, và các phép chuẩn nghĩa vụ giáo sĩ (1.188 linh mục, 130 phó tế) thuộc thẩm quyền Bộ giáo sĩ.

Văn kiện này không chỉ muốn phân tích nguyên nhân của những cuộc ra đi, nhưng còn muốn tìm cách giúp cho những người ở lại đào sâu thêm ý nghĩa ơn gọi của mình. Văn kiện được chia làm 3 phần, dựa theo tiến trình “xem- xét – làm”.

Phần Một (số 5-22) mang tựa đề “Ngắm nhìn và lắng nghe”, trình bày tình trạng của những việc rời bỏ đời tu, đặt trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay. Việc phân tíchcác nguyên nhân cũng là cơ hội để xét lại những biện pháp phòng ngừa cũng như đào tạo.

Phần Hai (số 23-61), với tựa đề “Nhen nhúm lên ngọn lửa nhận thức”, được phần làm ba mục. Mục thứ nhất (số 23 – 44) đưa ra những suy tư chung quanh đề tài “trung tín và kiên trì” (xét), trước hết trình bày đạo lý Kinh thánh về sự trung tín của Thiên Chúa và của Đức Kitô; kế’ đó là những bản văn huấn quyền từ công đồng Vaticanô II đến nay về căn tính và ơn gọi đời sống thánh hiến trong Giáo hội. Mục thứ hai (số 45-58) nói được là chuyển sang “làm”, theo nghĩa là đề ra những tiến trình đào tạo và biện phân giúp sống trung tín, cách riêng khi liên kết khía cạnh biện phân với khía cạnh đồng hành (tham gia biện phân). Mục thứ ba (số 59-61) nhắc nhở tầm quan trọng của cộng đoàn trong việc trung tín và kiên trì của các thành viên.

Phần Ba (số 62-98), “Rời bỏ Hội Dòng”, mang tính cách pháp lý, bàn đến những thủ tục pháp luật liên quan tới các hình thức rời bỏ đời tu (vắng nhà, chuyển dòng, ngoại vi, xuất dòng, sa thải). Chương này mang tính thực hành, giúp cho các vị hữu trách hiểu biểt, giải thích và áp dụng những quy tắc giáo luật, dựa theo kinh nghiệm thực hành của Bộ Tu sĩ. Nên biết là trong thời gian gần đây, vào ngày 12-2-2022, với tự sắc “Competentias quasdam decernere” ĐTC Phanxicô đã du nhập ba thay đổi quan trọng trong các thủ tục này: 1/ Bề Trên Tổng Quyền và ban Cố vấn có quyền ban đặc ân ngoại vi cho đến 5 năm (thay vì 3 năm, như nói ở điều GL 686 §1; xc. số 70 của văn kiện); 2/ Bề Trên Tổng Quyền và ban Cố vấn các Dòng giáo phận có thẩm quyền ban đặc ân tháo lời khấn tạm mà không cần sự xác nhận của giám mục giáo phận (sửa lại điều GL688 § 2; xc. số 75 của văn kiện); 3/ Sắc lệnh sa thải nói ở các điều GL 699 § 2 và 700 có giá trị kể từ khi thông báo cho đương sự: nếu đương sự kháng cáo thì sắc lệnh bị đình chỉ cho đến khi cấp trên xét xử; nếu không kháng cáo thì sắc lệnh có hiệu lực lập tức (xc. số 94 và 96 của văn kiện).

Văn kiện kết luận (số 99-106) với câu Tin mừng được dùng làm phụ đề: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga15,9). Có người đã phân biệt “ơn gọi vào đời tu” và “ơn gọi trong đời tu”. Ơn gọi vào đời tu là ơn gọi gia nhập đời tu; còn ơn gọi trong đời tu là ơn gọi trưởng thành trong đời tu, trưởng thành trong tình yêu với Chúa Kitô, tăng trưởng trong sự dâng hiến. Chỉ khi ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta mới mang lại hoa trái. Số chót của văn kiện (106) là lời cầu dâng lên Mẹ Maria, người phụ nữ trung tín và kiên trì, kiên trì dưới chân thập giá, kiên trì cầu nguyện với các môn đệ. Xin Mẹ cũng cầu chúng ta được đức tin sống động, đức ái khiêm tốn và năng động ngõ hầu chúng ta sống hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì, dấu chỉ của niềm hy vọng.

Cuối cùng, xin lưu ý về việc dịch thuật. Người dịch dựa theo bản Anh ngữ; còn việc hiệu đính dựa trên bản tiếng Ý (có lẽ là bản gốc). Hai danh từ được sử dụng nhiều nhất trong văn kiện này là “fedeltà”“perseveranza”: được dịch là “trung tín” và “kiên trì”, tuy có thể dùng nhiều từ tương đương: trung thành, tín trung, tín thành; – kiên vững, kiên định, kiên trung, bền vững, bền chí.

GIỚI THIỆU

  1. Thời đại của chúng ta là một thời thử thách: “sống cuộc đời thánh hiến trong thế giới hôm nay trở nên khó khăn hơn nhiều[1] [2].” Gian nan vì trung tín và thiếu sức mạnh để kiên trì là những kinh nghiệm thuộc về lịch sử của đời sống thánh hiến, ngay từ những bước khởi đầu của nó. Trung tín, bất chấp sự lu mờ của nhân đức này trong thời đại của chúng ta, được khắc ghi trong căn tính sâu xa nơi ơn gọi của những người thánh hiến: nó có liên hệ đến ý nghĩa đời sống của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh 2. Một sự trung tín bền chặt làm cho chúng ta có khả năng hiểu thấu và lấy lại ý nghĩa về căn tính của chính mình, đó là ở lại (xc. Ga 15,9) trong tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta nhận thức được rằng nền văn hóa tạm bợ của thời đại này ảnh hưởng đến những lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta, và cũng ảnh hưởng đến chính ơn gọi thánh hiến. Nền văn hóa này có thể đem đến một sự trung tín mong manh, bấp bênh; và Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng “khi ‘cái vĩnh viễn’ trở nên yếu đuối thì bất cứ lý do gì cũng đủ để rời bỏ con đường đã chọn [3].” Sự nhất quán và trung tín với công cuộc của Chúa Kitô không phải là những nhân đức đạt được chóng vánh. Chúng đòi hỏi một nhận thức sâu thẳm về những hàm ngụ nhân bản, tinh thần, tâm lý và luân lý trong một ơn gọi đời thánh hiến. Công cuộc của Chúa Kitô thì siêu việt, đầy thách thức, mời gọi một quyết định và một hiến dâng chính mình cho và nhằm việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Trong việc phục vụ này, những nhận thức cá nhân và những cam kết cộng đoàn là một hồng ân được cảm nghiệm nhờ ân sủng của sự hoán cải. Hồng ân này nâng đỡ sự trung tín chân chính, khác với sự trung tín cằn cỗi, thường được trưng ra để khẳng định chính mình, và cũng khác với sự trung tín thiếu thận trọng, không quan tâm đến những giới hạn của chính mình, và vượt quá những khả năng của chính mình.

  1. Trung tín và kiên trì là trọng tâm của bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô tại phiên họp khoáng đại của Bộ về các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ ngày 28-1-2017: “Chúng ta có thể nói khá đúng rằng vào thời buổi này sự trung tín đang bị thử thách […]. Chúng ta đang đối diện với một “sự xuất huyết” đang làm cho đời sống thánh hiến và sự sống của chính Giáo Hội bị yếu dần đi. Những chuyện rời bỏ trong đời sống thánh hiến khiến chúng ta cảm thấy ưu tư. Đúng là có một số người rời bỏ như là một hành động của sự nhất quán, bởi vì họ nhận ra rằng, sau khi nghiêm túc biện phân thì họ chưa bao giờ có ơn gọi. Tuy nhiên, những người khác, qua một khoảng thời gian thì không còn trung thành nữa, nhiều khi chỉ sau vài năm sau khi tuyên khấn vĩnh viễn. Điều gì đã xảy ra [4]?”

Câu hỏi được Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra không thể nào bị bỏ ngoài tai. Trước tình cảnh của hiện tượng rời bỏ hàng ngũ thánh hiến và giáo sĩ – một đặc điểm chung cho những tình huống đa dạng – từ lâu đã khiến Giáo Hội tự hỏi về cách thức ứng xử [5]. Chính đời sống thánh hiến đã nhiều lần được yêu cầu nhận dạng, biện phân và đồng hành với những tình huống không thỏa mái và những khủng hoảng, chứ không chỉ dừng lại ở việc thiết lập thống kê đáng báo động mà không đưa ra bất cứ câu hỏi nào, đồng thời tự chất vấn về ý nghĩa và những điều liên quan đến sự trung tín và kiên trì trong ơn gọi sequela Christi (đi theo Đức Kitô): một cuộc hành trình của sự hoán cải và thanh tẩy, giúp tái khám phá nền tảng và căn tính của ơn gọi của chính mình, nhưng không để cho mình rơi vào chỗ bi quan yếm thế’ hoặc thất vọng mệt mỏi của những người cảm thấy bất lực và chuẩn bị đối phó với tình cảnh tồi tệ hơn nữa.

Tính phức tạp và nhạy cảm của những vấn đề khiến cho việc tìm ra những giải pháp tương ứng trở nên khó khăn. Cần giữ thái độ lắng nghe và biện phân, tin tưởng cầu khẩn ánh sáng của Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta đọc thực tế với một thái độ nghiêm túc và thanh thản. Đây là những tình huống gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc nhận thức căn tính ơn gọi của những người nam nữ thánh hiến, làm lu mờ uy tín phúc âm của các Hội Dòng, và theo cách nào đó làm suy yếu sự tin tưởng của dân Chúa vào thế giới của những con người thánh hiến.

  1. Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ không thể nào không bị thách thức bởi những vấn đề liên quan đến trung tín và kiên trì trong đời sống thánh hiến. Vì thế, dựa trên những điều được quan sát thường xuyên trong kinh nghiệm của các Hội Dòng và Tu Đoàn, Bộ đã tìm cách soạn thảo và đề nghị một vài chỉ dẫn hoặc đường hướng phòng ngừa và đồng hành. Dưới viễn tượng đó, văn kiện này mong muốn cung cấp những nguyên tắc chỉ đạo, dựa trên những nguyên tắc của Giáo Luật và thực hành của Bộ, hữu ích cho tất cả những người thánh hiến, và cũng dành cho tất cả những người có vai trò trách nhiệm trong việc điều hành và huấn luyện.

Văn kiện này được chia thành ba phần:

Ngắm nhìn và lắng nghe: theo dõi và ngăn chặn những tình huống có thể gây ra lo lắng, bất an, khủng hoảng trong đời sống cá nhân và đời sống cộng đoàn của những người thánh hiến mà không gây ra hoảng hốt, hoặc ngược lại, khinh thường cách nguy hiểm trong việc đọc các sự kiện. Khi đảm nhận lấy một vấn đề, các Bề Trên, và các anh chị em đặt mình vào tư thế’ đối diện với nó. Như thế, những người thành thật và khiêm tốn nhận ra những vấn đề của mình có thể được giúp đỡ và đồng hành. Các vấn đề luôn có những khuôn mặt, câu chuyện, tiểu sử; cần nhận ra một người anh em, một người chị em đang gặp khó khăn, và đồng thời, nhận ra những khó khăn của chính mình. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ rằng: “Khi xem xét hành trình cuộc sống trước mặt Chúa thì không loại trừ bất cứ phạm vi nào: trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta đều có thể tiếp tục lớn lên và dâng hiến một điều gì đó lớn hơn cho Thiên Chúa, ngay cả trong những lãnh vực mà chúng ta cảm thấy khó khăn nhất [6]”.

Nhen nhúm lại ngọn lửa nhận thức. Cặp đôi trung tín – kiên trì tạo nên đặc điểm của Huấn quyền về đời sống thánh hiến. Hai thuật ngữ được hiểu như là những khía cạnh không thể tách rời trong cùng một thái độ tinh thần. Sự kiên trì là một phẩm chất không thể thiếu của sự trung tín. Trong động thái này, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp tục đào luyện, điều này đòi hỏi cả người thánh hiến và Hội Dòng “ một sự kiểm điểm liên tục về sự trung tín đối với Thiên Chúa; về sự ngoan ngoãn đối với Thần Khí của Ngài; […] về sự kiên trì trong việc dâng hiến chính mình; về sự khiêm nhường trong việc mang lấy những nghịch cảnh[7].’’ Trên thực tế, ơn gọi thánh hiến là một hành trình của sự biến đổi, làm mới lại con tim và trí óc của một con người “hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2). Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “món quà biện phân ngày càng trở nên cần thiết trong thế giới hôm nay[8]” để “không chỉ dừng lại ở những ý định tốt lành[9]”. Là những con người của sự biện phân, các người thánh hiến trở nên có khả năng đọc được những thực tế của cuộc sống nhân loại trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và do đó họ có khả năng chọn lựa, quyết định và hành động theo thánh ý Chúa[10]. Việc đào tạo đòi hỏi phải thường xuyên thực hành hồng ân biện phân: “biện phân là cái mang lại sự trưởng thành cần thiết cho một người thánh hiến. Nó là nền tảng cho đời sống thánh hiến trong thế giới hôm nay: sự trưởng thành[11]”.

– Rời bỏ Hội Dòng. Những Quy Tắc của Giáo luật và Thực Hành của Bộ: “Trong đời sống thánh hiến người ta không thể bước đi một mình. Chúng ta cần một ai đó đồng hành với chúng ta[12].” Một ai đó giúp chúng ta nhận ra và sửa chữa những thái độ, lối sống, những thiếu sót và bất trung gây ra sự phản chứng rõ ràng về tình trạng đời sống thánh hiến. Một ai đó giúp chúng ta khám phá lại một lần nữa ý nghĩa và việc tôn trọng kỷ luật, vì nó giúp bảo vệ trật tự trong đời sống cá nhân, và biểu lộ sự quan tâm đến anh chị em của mình. Kỷ luật nhào nặn nên người môn đệ Chúa Kitô, không phải theo lối đúc khuôn cứng nhắc, nhưng là hướng về sự nhất quán với thể thức sống của chính mình trong sequela Christi. Kỷ luật dạy chúng ta xa tránh những tư tưởng và ý thức hệ của thói đời làm suy giảm sự kính trọng đối với lối sống của chúng ta. Kỷ luật giúp tăng cường ý nghĩa của sự tỉnh thức, một thái độ nội tâm sẵn sàng và minh mẫn khi phải đối diện với thù địch hoặc những tình huống nguy hiểm. Cuối cùng, kỷ luật là một thực hành của lòng thương xót, bởi vì chúng ta đều là những người mang món nợ xót thương đối với những người khác.

Trong phạm vi biện phân – đồng hành, văn kiện cung cấp cho các Bề Trên và những người hữu trách – tùy theo cấp bậc – quy tắc quy định khuôn khổ và thực hành của Bộ, để đánh giá đúng đắn những tình huống kỷ luật quan trọng theo đúng những thủ tục được ấn định trong Giáo Luật.

Hành trình trung tín trong kiên trì đòi hỏi phải nhìn thẳng và khách quan vào cuộc sống người thánh hiến, mà không nhắm mắt trước những vấn đề hoặc những khó khăn nổi lên như là những dấu chỉ của một sự trung thành bấp bênh hoặc là những khuynh hướng của sự thiếu trung tín. Những người thánh hiến đi trên hành trình của sự trung tín chân thật có thể nhận ra và biện phân câu chuyện của chính mình, trong khi và trên tất cả, họ tự hỏi chính mình về “sự trung tín được phát sinh từ tình yêu[13]”. Họ học cách lắng nghe lương tâm của chính mình và nuôi dưỡng một lương tâm được rèn luyện tốt, được tặng ban cho một sự phán đoán đúng đắn[14]. Họ kỷ luật cuộc sống của chính mình để không làm mất đi ý nghĩa của việc quan tâm đến đời sống nội tâm. Họ đón nhận quà tặng của ân sủng, lời hứa và bảo chứng cho việc chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa (xem Ga 15,9)

——————-

[1]. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sức Mạnh của Ơn Gọi. Cuộc đàm thoại với Fernando Prado, EDB, 2018, Bologna, trang 49.

[2]. Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate (19-3-2018), 170.

  1. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sức Mạnh của Ơn Gọi. Cuộc đàm thoại với Fernando Prado, EDB, 2018, Bologna, trang 49.
  2. 4. Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài phát biểu dành cho những người tham dự phiên họp khoáng đại của Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ, Vatican, (28-1-2017).

[5]. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores dabo vobis (15-3-1992), 10.

  1. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate, (19-3-2018), 175.

[7]. Bộ Các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ, Potissimum Institutioni. Những hướng dẫn trong việc đào luyện trong các Dòng Tu (2-2-1990), 67.

[8].  Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate, (19-3-2018), 167.

[9].  Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate, (19-3-2018), 169.

[10].    Xem Bộ Giáo Sĩ, Món Quà Ơn Gọi Linh Mục, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, (8-12-2016), 43.

[11].   Đức Thánh Cha Phanxicô, Sức Mạnh của Ơn Gọi. Cuộc đâm thoại với Fernando Prado, EDB, 2018, Bologna, trang 52.

[12]    Đức Thánh Cha Phanxicô, Sức Mạnh của Ơn Gọi. Cuộc đàm thoại với Fernando Prado, EDB, 2018, Bologna, trang 52.

[13]   Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et exsultate (19-3-2018), 112.

[14]     Xc. Bộ Giáo Sĩ, Món Quà Ơn Gọi Linh Mục, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, (8-12-2016), 94.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here