Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, SJ.
Văn hóa gia đình Việt Nam, đó là vấn đề rộng lớn gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Nói một cách tổng quát, có thể hiểu văn hóa gia đình Việt Nam là những cái đẹp, cái hay của gia đình Việt Nam. Những cái đẹp ấy có thể tồn tại hàng thế kỷ, cũng có thể chỉ đứng vững trong một thời gian nhất định nào đó, trong khung cảnh xã hội Việt Nam cụ thể.
Khi Tin Mừng được rao truyền ở xã hội Con Rồng Cháu Tiên này, thì Giáo hội phải thích nghi, hay nói như ngày nay là phải hội nhập hay hòa nhập vào xã hội Việt Nam, vào nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam. Ai cũng biết rằng, gia đình Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng. Theo thiển ý chúng tôi, nếu Tin Mừng chỉ vào được cơ cấu thượng tầng xã hội Việt Nam (chính quyền) hay cho dù vào tới cơ cấu trung tầng xã hội Việt Nam (nếp sống làng xã), mà chưa thấm nhập vào cơ cấu hạ tầng xã hội Việt Nam (gia đình), thì nói được chăng là Tin Mừng mới tiếp cận với cái vỏ hay với cái ngọn, chưa “chui” vào trong, chưa tiếp cận với cái gốc của xã hội Việt Nam. Quả thật, nhờ việc Giáo hội đã hòa nhập được phần nào vào nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, nên trải qua bao thăng trầm, Tin Mừng ở xứ này vẫn đứng vững và sống động.
Dưới đây chúng tôi xin đứng về mặt lịch sử trình bày đôi nét trong nhiều nét mà Giáo hội đã hòa nhập vào văn hóa gia đình Việt Nam.
1. HIẾU THẢO VỚI ÔNG BÀ CHA MẸ
Thời kỳ đầu tiên truyền giáo ở Việt Nam, các thừa sai đã chú trọng rất nhiều nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, cụ thể là lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Khi giải thích về điều răn thứ bốn cho các dự tòng, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã viết trong cuốn Phép giảng tám ngày, xuất bản tại Roma năm 1651: “Ấy vậy mà mlời răn thứ bốn trong kinh đức Chúa blời […] thì dạy ta thảo kính cha mẹ cho nên […]. Lại sự thảo kính thì hằng có bốn phần, là yêu mến, kính dái, chịu luỵ, giúp cho [cha mẹ] mọi sự” (tr.293).
Tác giả cuốn sách trên còn nhấn mạnh tới sự hy sinh cụ thể của cha mẹ đối với con cái trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời đó, nên con cái thảo kính cha mẹ: “Ta chịu ơn cha mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm; có khi thì mẹ cắt [phần ăn] của miệng mình mà cho con ăn; cũng có khi mẹ ăn miếng đắng, mà miếng ngon để dành cho con ăn; lại có khi mẹ nằm chốn ướt, mà chốn ráo để cho con nằm. Cha đẻ con đoạn thì lo việc nuôi nấng […]. Thật con thảo kính cha mẹ thì chậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng” (ntr. tr.18)
Khi cha mẹ còn sống: Ngoài việc tỏ lòng hiếu thảo như thăm viếng, săn sóc, quà bánh… thì ngày mồng Một Tết, người dân, và cả những quan lớn sau khi theo vua chúa đi tế Nam giao về, “ai nếy về nhà mà lạy cha mẹ oũ bà oũ vải (ông bà ông vải), bởi vì có mlẽ (lý lẽ) ở tlaõ làõ mình dẽại (dạy) kính phụ (cha) thứ ba là chức dưới bệy (vậy)” (ntr.tr.23). Thầy giảng Bentô Thiện cũng viết bằng chữ Quốc ngữ trong tập Lịch sử nước An-nam năm 1659 tại Thăng Long về vấn đề này như sau: “Thói nước Annam, đầu năm, mùng một tháng giêng gọi là ngày tết Thiên hạ đi lậy vua đoạn lậy chúa mới lậy ông bà ông vải cha mẹ, cùng Kẻ cả bề trên, quan quyền thì lậy vua chúa, thứ dân thì lậy bụt trước” (ghi theo chính tả ngày nay) (1).
Lúc cha mẹ qua đời: Vào năm 1625, các thừa sai ở Hội An nói rõ với anh chị em bổn đạo là, đạo Đức Chúa Blời buộc mọi người phải tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nên phải thi hành nghi lễ cúng vái, trừ ít điều mê tín dị đoan, như đốt vàng mã, hay khi cúng lại tin là tổ tiên về ăn của cúng (2). Một trăm năm sau, ngày 21-2-1717, cha G.B.Sanna, công bố tại Huế cho bổn đạo biết: – Bổn đạo được mang cờ gia triệu khi di quan ra phần mộ; – Bổn đạo được khấu đầu trước thi thể người quá cố; – Phải cúng giỗ cha mẹ, ai không làm là lỗi điều răn thứ bốn (3). Trong các gia đình Công giáo Việt Nam, nơi cao trọng nhất trong nhà đặt bàn thờ Chúa, sau đó đến “bàn thờ” tổ tiên cùng những người thân trong gia đình đã qua đời.
Việc cầu nguyện, tưởng nhớ những người qua đời không phải chỉ làm trong dịp tảo mộ, giỗ chạp, hay tháng đôi ba lần, cũng không phải chỉ nhớ và cầu nguyện cho người thân thuộc, mà là nhớ cầu nguyện hàng ngày sáng tối cho mọi người đã qua đời, tại nhà thờ trong Thánh Lễ, trong Kinh Phụng vụ. Hơn nữa, việc cầu nguyện cho người thân đã lìa cõi thế, không phải chỉ làm ở nhà thờ với tính cách xứ đạo, làng xã, Giáo hội mà đủ; đối với các gia đình Công giáo Việt Nam, việc này còn phải được thực hiện trong ngôi nhà của gia đình nhất là trong chính ngôi nhà người thân trút hơi thở cuối cùng. Vì vậy, sáng tối mọi người trong gia đình phải họp nhau cầu nguyện, đặc biệt cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên cùng thân nhân qua đời.
Nói cách chung, việc tỏ lòng hiếu thảo “bề ngoài” đối với người quá cố, như cúng vái nhang hương đã không thực hiện được kể từ ngày 11-7-1742 khi Hiến chế Ex quo Singulari providentia ra đời. Nhưng từ 14-6-1965, thời thế đã thay đổi, nên người Công giáo Việt Nam lại thể hiện lòng hiếu thảo theo nếp sống “tín ngưỡng” chung của xã hội như xưa.
2. ĐỌC KINH SÁNG TỐI TRONG GIA ĐÌNH
Vua là Thiên tử , là cha mẹ dân, thay mặt con dân tế Trời ở Đàn Nam Giao mỗi năm một lần vào dịp đầu năm mới; tụng kinh niệm Phật chính thức do các nhà Sư tại Chùa; cúng thờ Thành Hoàng lại do vị chức sắc cao nhất trong làng tại Đình làng. Nhưng việc cúng vái chính thức tổ tiên thì do các gia trưởng chủ lễ, đa số được diễn ra trong ngôi nhà của gia đình, đôi khi do vị trưởng tộc trong từ đường, nếu có từ đường.
Ngôi nhà là nơi gia đình sinh hoạt, cũng là nơi đặt bài vị, để mọi người trong nhà kính nhớ ông bà tổ tiên. Cho nên ngôi nhà vừa có tính vật chất, lại vừa có tính “thần thiêng”, vì Thần chủ “ngự” ở đó; ngôi nhà là nơi “hiệp thông” giữa kẻ sống và người chết. Ngôi nhà kết hợp những người trong gia đình còn sống đã vậy, nhưng cũng là nơi dễ gợi nhớ đến ông bà tổ tiên.
Đối với người Công giáo, việc thờ phượng Thiên Chúa với tính cách tập thể gia đình trong ngôi nhà sinh hoạt chung hàng ngày cũng quan trọng. Vì thế, người Công giáo Việt Nam “ngoan đạo” thường đọc kinh trong gia đình sáng tối, nhất là những khi không có điều kiện đọc kinh chung trong nhà thờ. Kinh nguyện loại này có tính cách tập thể gia đình rất chặt chẽ. Mọi người trong nhà đều cùng nhau đọc kinh (thuộc lòng) trung bình 30 phút, nhất là trước khi đi ngủ. những kinh thường đọc là kinh Chúa Thánh Thần, Tin Cậy Mến, 50 kinh Mân côi, kinh Vực sâu, kinh Trông cậy, có khi thêm kinh thánh Bổn mạng, kinh Cầu Đức Bà, hay kinh Cầu Trái Tim, vv…. Trước đây, trong những vùng hoàn toàn nông nghiệp, hầu như gia đình Công giáo nào cũng đọc kinh tối chung. Vì thế, vào buổi tối khoảng 7-8 giờ, nếu một ai bước vào xóm làng Công giáo, sẽ nghe được lời kinh trầm bổng, với giọng vui, thương, mừng, từ các ngôi nhà vọng vang qua luỹ tre xanh. Phải nói là cả một thôn xóm, một làng, từ chính ngôi nhà thân thương, “nơi chôn nhau cắt rốn” cùng cất tiếng tạ ơn ca tụng Thiên Chúa. Nhờ việc đọc kinh chung trong gia đình như vậy, mà đức Tin thấm nhập dần dần, được nuôi dưỡng và lớn lên dù ở giữa những hoàn cảnh rất khó khăn: không có nhà thờ, chẳng có linh mục, không được học giáo lý bài bản, hàng chục năm “chạy loạn”, cả ngày “bán lưng cho trời bán mặt cho đất”.
3. NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI
Tổ chức nhà Đức Chúa Trời tại các nhà cha xứ bền vững suốt 300 năm trời, kể từ năm 1630 đến khoảng 1945. Bền vững như thế phần nhiều do đã mạnh dạn hòa nhập sâu xa vào văn hóa gia đình Việt Nam.
Quả thật, các cha xứ, cha phó ở phương Tây thường ăn riêng, ở nhà riêng, cha mẹ, thân nhân có thể ở chung với các ngài. Còn tại Việt Nam, trong nhiều giáo phận, cha xứ (cha sở), cha phó cùng ở một nhà, ăn chung với nhau; đặc biệt còn có các thầy giảng, kẻ giảng, các chú, các cậu, và một số ông bõ. Nhà xứ lớn thì có tới vài chục người, nhà xứ nhỏ cũng tới 5, 10 người.
Nói chung, đó là nhà Đức Chúa Trời: cha xứ, cha phó, giống như ông bố, các thầy giảng giống như bà mẹ, các chú các cậu giống như con cái, các ông bõ là những người giúp việc trong nhà xứ cùng ăn ở trong nhà xứ và cũng sống độc thân như ai (kẻ thì gác cổng, người làm bếp, làm vườn, làm ruộng…). Rõ ràng, nhà xứ mang hình ảnh một gia đình gồm cha mẹ con cái. Có thể nói được nét làm nổi bật cái hình ảnh gia đình ở đây là mấy chú mấy cậu nhỏ có khi tới 20 em. Vắng những chú cậu đó thì hình ảnh gia đình cũng bị lu mờ, thiếu kẻ “nối dõi tông đường”.
Nhà xứ hao hao như một Cộng đoàn nam tu sĩ, kín cổng cao tường, vì trên nguyên tắc, mọi của cải để chung, cha xứ là bề trên, chịu mọi trách nhiệm. Trước khi nghỉ đêm, mọi người trong nhà xứ còn đọc kinh tối chung, dù trước đó đã đọc kinh chung với bà con giáo hữu tại nhà thờ. Vì là nhà Đức Chúa Trời, nên đàn bà con gái, kể cả “bà Cố” cha xứ, không khi nào được nghỉ đêm trong nhà xứ, mà phải tạm qua đêm trong nhà giáo hữu hay nhà Mụ.
4. LINH TÔNG
Tại nhiều giáo phận ở Việt Nam trước đây, và ngày nay cũng còn một số nơi, các linh mục triều nhận bảo trợ đặc biệt ơn gọi tu trì, cách riêng đối với chủng sinh và thầy giảng, nói nôm na là nuôi “các con”, hướng dẫn và nâng đỡ chẳng những về mặt thiêng liêng, tinh thần, mà cả về vật chất nữa, để sau này họ làm linh mục hay thầy giảng. Các cha xứ, cha phó cũng nâng đỡ các cô Mụ (danh từ cao quý dùng để gọi các nữ tu ở miền Bắc từ đầu thế kỷ XX trở lên thế kỷ XVII), cũng coi như là “con” của các vị tương tự như “đám con trai” trên đây. thế là “gia đình Linh tông” này đủ cả con trai con gái, ít ra cũng hai ba “mống”, có ông cha Bố (cha quan thầy) “mắn” hơn, “mát tay” hơn, được tới 12 người con loại này cũng “đỗ Cụ” như cha Bố, tức là làm linh mục, chưa kể những “con” làm thầy giảng, cô Mụ hay ngày nay gọi chung là các nữ tu.
Rõ là đoàn con trên sẽ “nối dõi” tông đường tinh thần này trong sứ vụ linh mục, thầy giảng, nữ tu. Hạnh phúc, rôm rả cho cha Bố nào “con đàn cháu đống”, nhất là có được những người con “làm lớn” hay có “vai vế” trong giáo phận do nhân đức, khôn ngoan, thông thái…
Các cha Bố thường bắt đầau vun trồng bằng cách nhận đám con trai muốn “đi ở nhà Thầy” tức là bắt đầu “thoát ly” gia đình đến ở trong nhà xứ với cha Bố có thể từ lúc chín mười tuổi, gọi là các cậu (danh từ chỉ con trai trong các gia đình quý phái). Thời gian này, các cậu được tập tành dần dần cho quen với nếp sống tu trì thời đó, được học sơ sài kinh sách, chữ nghĩa bằng Hán, Nôm và cả Quốc ngữ mới do các Thầy giảng, Kẻ giảng cùng sống trong nhà xứ hướng dẫn. Cha Bố được quyền sử dụng tài sản trong nhà xứ cấp dưỡng cho các cậu tới khi các cậu khôn lớn, “thành đạt” trong đời sống tu trì. Sau mấy năm sống trong nhà xứ, cậu nào thích hợp với đời tu, học hành tạm đủ, thì được gia nhập tuần tự, từ trường Tập cũng gọi là trường Thử (tiến trình hơi giống như Tập viện các Dòng tu), rồi tiểu chủng viện, đại chủng viện (quen gọi là trường Lý đoán) cho đến khi thụ phong linh mục. Ai không đủ điều kiện để tiến tới sứ vụ linh mục, có thể trở thành kẻ giảng, thầy giảng được phát thị (bổ nhiệm) đi phục vụ trong các xứ đạo (giáo xứ).
Trong kỳ nghỉ hè, các chủng sinh trên đây không về sống với cha mẹ, nhưng suốt ba tháng hè, đều ở trong nhà xứ với cha Bố. Riêng các cô Mụ, chỉ tới thăm cha Bố chừng một hai lần mỗi năm, chuyện trò thăm hỏi vắn tắt, chẳng bao giờ được ở lại dùng cơm với cha Bố, nói chi đến việc nghỉ đêm trong nhà xứ là điều tối kỵ.
Tại một số giáo phận phía Bắc, khi một cậu bắt đầu vào trường Thử, cha Bố đổi tên cậu, lấy mẫu tự đầu tên mới của cậu giống với mẫu tự đầu tên cha Bố; ví dụ: tên cha Bố là Trần Ngọc Hưởng, thì các con có thể mang tên với mẫu tự đầu là H, như Hân, Hảo, Hinh, Huấn… Đây là một trong những dấu chỉ người ấy thuộc “gia đình” linh tông cha Trần Ngọc Hưởng. Các con của một cha Bố nào đó đương nhiên là anh em với nhau, người con đầu tiên trở thành con Cả, Bác Cả. Vai anh, thì được xưng hô bằng một danh chức mỹ miều là Quan Bác, vai em gọi là Quan Chú. Nếu cha Bố qua đời, thì người anh Cả phải có trách nhiệm thay cha Bố săn sóc, cấp dưỡng cho các em, khi các em còn đang trong thời kỳ huấn luyện ở các chủng viện.
Sống tết, chết giỗ! Cha Bố còn sống các con phải tụ họp về tết cha Bố, hoặc trong các ngày kỷ niệm của cha Bố cũng phải thể hiện lòng biết ơn ngài. Mỗi Linh tông gồm nhiều thế hệ còn sống, có khi tới “tứ đại đồng đừơng” thì thế hệ dưới phải chu toàn lòng hiếu thảo đối với thế hệ trên, ví dụ: con đi tết bố, bố con đến tết ông, ông cháu kéo lên tết cố… Trong nghi lễ an táng, tang chế, con cháu cũng phải để tang như bên Huyết tộc, dù có vẻ đơn giản hơn. Linh tông cũng làm gia phả có kém chi Huyết tộc đâu!
Tuy nhiên, chỉ có các linh mục mới được nhận nuôi các con; các thầy giảng, cô mụ không được phép như các linh mục; do đó họ chỉ có thể là con là cháu, không hề được nhận ai làm con trong hệ thống linh tông.
Năm mươi năm trước đây, và ngày nay, nhiều nơi hệ thống linh tông này rất phổ biến; có điều xã hội đang thay đổi, nên linh tông hiện thời không chặt chẽ, đậm đà như xưa.
Hệ thống linh tông quả là một hòa nhập của Giáo hội Việt Nam vào văn hóa gia đình Việt Nam, vì Giáo hội chẳng những đề cao văn hóa gia đình Việt Nam, mà còn mặc lấy cơ cấu văn hóa gia đình Việt Nam qua tổ chức nhà Đức Chúa Trời cũng như linh tông. Ở giáo phận nào tại Việt Nam trước đây có hai tổ chức trên, thì con số linh mục, tu sĩ đông hơn, vì đó làm môi trường thích hợp cho việc nâng đỡ ơn gọi tu trì, và sinh hoạt tôn giáo cũng linh động, sầm uất hơn. Tính gia tộc đã ăn sâu vào nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, một người đi tu, rời xa gia đình huyết tộc, thì được tháp nhạp ngay vào “gia đình” linh tông: tuy xa cha mẹ anh em ruột thịt, nhưng lại được gần gũi ngay với “cha mẹ anh em” trong linh tông ngay từ lúc khăn gói đến ở nhà Thầy, tức là vào sống trong nhà xứ với cha xứ, các thầy và các cậu.
Thiết nghĩ, bốn sự việc vắn tắt trên đây là mấy nét son của Giáo hội trong việc hòa nhập vào văn hóa gia đình Việt Nam. Đặc biệt về nhà Đức Chúa Trời và linh tông, nói được chăng: đó là một Giáo hội rất Việt Nam, một Giáo hội đã mang lấy xương thịt Việt Nam, mà vẫn là thành phần sống động của Giáo hội Công giáo toàn cầu.
—————————————————–
Chú thích
(1) Archivum Romanum Societatis Iesu, Jap-Sin 81, tờ 257 mặt trước – Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, Sài Gòn 1972, tr.145
(2) Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Phần 1 tr.77
(3) A.Launay, Histoire de la mission de Cochichine t.1 Paris, 1925 tr.601-602