Hội Thánh – Bí Tích Cứu Độ

0
3417

Phan Tấn Thành

I. Ý nghĩa thuật ngữ “cứu độ” trong truyền thống Kitô giáo

A. Cựu ước

B. Tân ước

C. Lịch sử thần học

II. Giáo hội bí tích cứu độ

A. Giáo hội phục vụ ơn cứu độ

B. Extra ecclesiam nulla salus

1/ Thời các giáo phụ

2/ Thời Trung cổ

3/ Thời cận đại

4/ Huấn quyền của Tòa Thánh trước Vaticanô II

5/ Công đồng Vaticanô II

——–

“Cứu độ” là một thuật ngữ được nghe rất nhiều, nhưng có lẽ khó giải thích, bởi vì nó có thể hiểu theo nhiểu nghĩa, và thậm chí còn gặp thấy nơi các tôn giáo khác.

Thật vậy, một đàng chúng ta thấy bên cạnh “cứu độ” (tiếng Latinh salus, tiếng Pháp salut, tiếng Anh salvation) còn có các từ “cứu thoát, cứu chữa, cứu rỗi, cứu thế”[1]. Đàng khác, ở Việt Nam, do ảnh hưởng của Phật giáo, những tiếng “cứu độ, cứu nhân độ thế” đã trở thành quá quen thuộc[2]. Hơn thế nữa, nếu phân tích ngôn ngữ thường ngày, chúng ta sẽ thấy tiếng “cứu” được dùng trong một bối cảnh rộng hơn lãnh vực tôn giáo nhiều. Thí dụ: cứu cấp, cứu thương, cứu hỏa, cứu vớt, cứu tế, cứu giúp, cứu viện, cứu nước, giải cứu. Đại khái, thì tiếng “cứu” được dùng khi mà con người gặp phải một hoàn cảnh rất là khổ cực, bi đát (tựa như tai biến, hoạn nạn), và cần phải thoát khỏi cảnh đó. Để phân biệt tính cách “tôn giáo”, tiếng Việt thêm tiếng “cứu rỗi”, “cứu độ” ra như để nêu bật một hình thức “cứu” riêng biệt, mang tính cách thiêng liêng, khác với các thứ cứu khác.

Khi bàn về quan niệm “cứu độ” của Kitô giáo, chúng ta gặp nhiều khó khăn, liên quan đến từ ngữ và nội dung. Về từ ngữ, phải chăng chỉ giới hạn vào việc khảo sát từ “salus, salvare”, hay phải mở rộng đến những từ tương đương? Về nội dung, phải hiểu cứu độ như thế nào: chỉ giới hạn vào việc “cứu rỗi các linh hồn” (salus animarum) chứ không cần biết đến thân xác? Phải chăng sự cứu độ chỉ giới hạn vào việc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa trên thiên đàng, chứ không liên quan đến cuộc sống hiện tại trên dương gian? Phải chăng nó chỉ liên quan đến sự hoàn thiện cá nhân (giải thoát con người khỏi đam mê dục vọng), chứ không ảnh hưởng gì đến việc cải tổ các cơ cấu bất công của xã hội? Chúng ta có thể nhận thấy một nguồn gốc của các vấn nạn nằm ở chữ “cứu”: cứu mang tính cách tiêu cực, nghĩa là thoát ra một tình trạng cơ cực khó khăn (gọi tắt là “khổ”); nhưng chưa nói lên khía cạnh tích cực: đâu là lý tưởng mà con người ước mơ (gọi tắt là “sướng”)? Đề tài này được giải thích trong lớp Kitô học (gồm Christologia và Soteriologia); ở đây chúng ta chỉ ôn lại vài nét chính.

I. Ý nghĩa thuật ngữ “cứu độ” trong truyền thống Kitô giáo

Có một sự tiến triển về cách hiểu ơn cứu độ trong Kinh thánh và truyền thống Kitô giáo.

A. Cựu ước

Trong Cựu ước chữ “cứu” (salvare) cũng được dùng tương tự như là trong ngôn ngữ bình dân Việt Nam, theo nghĩa tới giúp cho một người nào đó đang gặp nguy khốn[3]. Trong Cựu ước, chúng ta thấy những cảnh nguy khốn ấy mang đủ hình dạng khác nhau. Ai đã quen đọc thánh vịnh đều nhận thấy điều đó. Nhiều lần, vịnh gia đang gặp cơn bệnh hoạn, và xin Chúa cứu; như vậy hiểu là cứu cho khỏi bệnh, và nhất là cứu cho khỏi chết. Đôi khi vịnh gia bị vu oan, lăng mạ, và xin Chúa đến cứu: nghĩa là xin gỡ cho khỏi cảnh oan ức bất công. Có khi là một cơn nguy khốn đè nặng lên cả dân tộc, điển hình là cảnh nô lệ của dân Israel bên Ai cập; hoặc là trước tai hoạ của một cuộc ngoại xâm. Như vậy, Israel xin Chúa cứu, nghĩa là xin cho thắng quân địch. Ngoài những nguy khốn có tính cách chính trị, Israel cũng nếm những nguy khốn do thiên tai, chẳng hạn như cảnh mất mùa, hạn hán, vân vân. Nói cách khác, hễ gặp bất cứ khó khăn tai hoạ gì, thì họ cầu cứu với Chúa, xin Chúa tới cứu. Thiên Chúa được nhìn như “Đấng Cứu độ” (Yehoshua = Cứu Chúa).

Thực ra, trong Kinh thánh, có sự tiến triển về tư tưởng liên quan đến sự cứu độ. Tuy rằng khi gặp bất cứ gian nan khổ cực nào, Israel cũng ngước mắt lên xin Chúa đến cứu giúp, nhưng từ sau thời lưu đày, quan điểm của Cứu Chúa càng ngày càng mở rộng nhãn giới. Họ không những cần Chúa giúp để thoát khỏi cơn hiểm nghèo trước mắt, nhưng họ nhìn xa hơn. Họ nghĩ tới sự phục hưng của dân tộc; họ nghĩ tới cảnh thái bình thịnh vượng hoàn toàn, khi mà họ không bao giờ còn bị khổ cực nữa, cũng như sẽ không bao giờ sợ phải xa lìa Thiên Chúa nữa. Các ngôn sứ dần dần hướng niềm hy vọng của Israel vào thời cánh chung, dám mơ ước sự cứu thoát toàn diện khỏi hết mọi cơn nguy khốn, kể cả được cứu khỏi sự chết nữa[4]. Vào cuối thời Cựu ước, sách Đaniel và Macabê quyển hai nhen nhúm niềm hy vọng người chết sẽ được sống lại.

Dù sao, tư tưởng Kinh thánh hàm ngụ rằng sự cứu độ là ân huệ của Thiên Chúa (chứ không phải là con người “tự cứu”); và ân huệ này được Chúa ban qua các nhân vật trung gian: ông Mosê, các thủ lãnh, các vua, các thiên sứ, và đặc biệt là Vua-Mêsia (x. 2Sm 7,12-16). Vì thế các ngôn sứ thường nói gắn liền ơn cứu độ với thời của vị Mêsia. Tuy nhiên sau thời lưu đày, niềm mong đợi vua Mêsia giảm sút, và được thay thế bởi hình ảnh vị ngôn sứ, vị tư tế, và thậm chí hình ảnh Con Người (văn chương khải huyền), hoặc người tôi tớ Thiên Chúa chịu đau khổ để đền tội cho tha nhân.

B. Tân ước

Tân ước tiếp nối chiều hướng ấy[5]. Sự cứu độ là một ân huệ do Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Giêsu, Đấng Mesia.

Sự gắn liền ơn cứu độ với Đức Giêsu là một điều được khẳng định trong tất cả các tác phẩm Tân ước. Nội dung của ơn cứu độ có thể được diễn tả  tùy theo điểm nhấn của mỗi tác giả, chẳng hạn như: “vương quốc Thiên Chúa” (Tin mừng nhất lãm)[6], “sự sống” “hiểu biết” “hiệp thông” (Gioan)[7], “sự công chính hóa”, “hòa giải, bình an”, “tạo dựng mới” (Phaolo)[8].

Từ đó, ta cũng có thể hiểu được những bức chân dung khác nhau về Đức Giêsu nơi các tác giả: a) Vị mục tử giải thoát (Tin mừng nhất lãm), cách riêng qua sinh hoạt trần thế; b) vị Thượng tế hằng cửu, qua thập giá và sự phục sinh (Phaolo và thư gửi Hipri); c) Ngôn sứ được Trời sai đến qua cuộc Nhập thể. Như thế chúng ta gặp lại bộ ba “Vua – tư tế – ngôn sứ” đã nói trong chương trước (ba chức vụ của Đức Kitô).

C. Lịch sử thần học

Thần học diễn tả ơn cứu độ Kitô giáo bằng những diễn ngữ thích ứng với văn hóa của không gian và thời gian khác nhau.

1/ Các giáo phụ Đông phương trình bày ơn cứu độ như là sự thành tựu của con người và của vũ trụ trong đời sống thần linh, nhờ Đức Kitô nhập thể và vinh hiển: việc “thiên linh hóa” con người (divinizatio). Việc cứu thoát khỏi sự dữ được gói ghém trong chương trình giáo dục (paideia) của Thiên Chúa. Đức Kitô là ơn cứu độ vì là ánh sáng, minh tuệ chiếu soi thế giới tối tăm. Lời Thiên Chúa đến thế gian là người giáo dục (paidagógos) của nhân loại. Nhưng Người cũng là Đấng cứu tinh bởi vì đã thắng các lực lượng ma quỷ đã giữ cầm giữ nhân loại sau tội nguyên tổ. Vì thế các giáo phụ Đông phương nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu xuống cõi âm ti, để giành lại khỏi ma quỷ những quyền lợi mà nó đè nặng trên con người. Sau cùng, Đức Kitô là Đấng thần linh hóa, bởi vì Người đã kết hợp thiên tính với nhân tính của chúng ta do việc nhập thể, và đã thâm nhập thiên tính và nhân tính của chúng ta qua việc phục sinh từ cõi chết.

2/ Các giáo phụ Tây phương nêu bật khía cạnh tha thứ tội lỗi và xóa bỏ những hệ quả tạm thời và vĩnh cửu của tội lỗi. Do đó các ngài đề cao hy lễ của Đức Kitô trên thập giá. Tertulliano viết rằng Đức Kitô được sai đến để chết vì chúng ta; vì thế Người cần phải sinh ra để có thế chết[9].

3/ Vào thời Trung cổ, ý tưởng cứu độ được gắn với ý tưởng “cứu chuộc” dựa theo tư tưởng của thánh Anselmô: Đức Kitô chuộc chúng ta khỏi làm nô lệ ma quỷ bằng giá máu của Người.

4/ Vào thời Cận đại, ông Martin Luther chuyển ơn cứu độ sang khía cạnh chủ quan của ơn cứu độ: ơn cứu độ được hiểu như là quyền năng giúp vượt thắng những sự tha hóa phát sinh bởi dục vọng, tội lỗi, lề luật, những lực lượng ma quỷ và sự chết. Ông nhấn mạnh đến các bản văn của thánh Phaolô về việc trở nên công chính (Rm 5,1-5; 8,28-30), cũng như trở nên tự do (giải thoát: thư gửi Galat, chương 5).

Tóm lại, trong lịch sử thần học, ơn cứu độ được giải thích theo ba chiều hướng: a) huyền nhiệm: nêu bật khía cạnh thần hóa của việc nhập thể và phục sinh của Đức Kitô (các giáo phụ Đông phương); b) pháp lý: nhấn mạnh đến khía cạnh hòa giải và cứu chuộc (thánh Anselmo, kinh viện và Luther); c) khía cạnh luân lý, đề cao khía cạnh giải phóng nằm trong những lời nói và hành động của Đức Giêsu.

5/ Thời nay, quan niệm cổ truyền về cứu độ bị chỉ trích là chỉ chú trọng đến linh hồn (bỏ qua thân xác), cá nhân (bỏ qua chiều kích xã hội và thế giới), cánh chung (mai sau trên trởi, bỏ qua việc canh tân thế giới hiện tại. Vì thế để đáp ứng với trào lưu vô thần tục hóa thời nay, cần phải lưu ý đến sự thành tựu trong thế giới này, đến những khát vọng của con người thời nay  (x. Thần học giải phóng, thần học chính trị, vv). Đề tài cứu độ không mang tính cách trừu tượng nhưng có ảnh hưởng đến đường hướng hoạt động của Giáo hội nữa. Nói cách khác, sự suy tư về đối tượng ơn cứu độ gắn liền với sự suy tư về vai trò của Giáo hội đối với ơn cứu độ, mà chúng ta đã gợi qua phần nào trong những đoạn trên đây khi bàn đến các hoạt động truyền giáo.

II. Giáo hội bí tích cứu độ

Trước tiên, chúng ta sẽ xét đến khía cạnh tích cực, tìm hiểu ý nghĩa của công tác của Giáo hội. Kế đó, chúng ta sẽ xét lại ý nghĩa của câu châm ngôn xem ra mang tính loại trừ: “không có ơn cứu độ bên ngoài Giáo hội”.

A. Giáo hội phục vụ ơn cứu độ

Về vai trò của Giáo hội đối với ơn cứu độ, kể từ công đồng Vaticanô II, có hai thuật ngữ dần dần trở nên quen thuộc: “Giáo hội là bí tích phục vụ ơn cứu độ”, và “và ơn cứu độ nhắm toàn diện con người” (hoặc:  “cứu độ toàn diện”, integral salvation), nghĩa là bao hàm vừa chiều kích siêu việc (chiều cao) vừa chiều kích lịch sử (chiều ngang). Chúng ta có thể trích dẫn bốn văn kiện tiêu biểu của Huấn quyền.

1/ Lumen gentium đã định nghĩa Giáo hội “như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (số 1), hoặc “bí tích phổ quát của sự cứu độ” (LG 48).  Như vậy sự cứu độ có nghĩa là vừa hiệp thông với Thiên Chúa vừa hiệp thông với loài người, vừa mang chiều kích cánh chung vừa mang chiều kích lịch sử. Ở một đoạn khác, hiến chế mô tả Giáo hội như là “một mầm mống rất hữu hiệu của sự hợp nhất, hy vọng và cứu độ cho toàn nhân loại” (LG 9). Và sau khi đã giới thiệu Chúa Giêsu như là “tác giả của ơn cứu độ và nguyên ủy của hợp nhất và hòa bình”, hiến chế nói đến Giáo hội như là “bí tích hữu hình của sự hợp nhất cứu độ này”. Thuật ngữ “hợp nhất cứu độ” (unitas salvifica) bắt nguồn từ thánh Cypriano, coi ơn cứu độ và hợp nhất như là đồng nghĩa (xem thêm số 13).

 2/ Gaudium et spes khai triển thêm chiều kích lịch sử của ơn cứu độ. Chẳng hạn ở số 40, công đồng viết: “Phát sinh từ tình yêu của Chúa Cha hằng hữu[10], được thiết lập trong thời gian bởi Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, được qui tụ trong Chúa Thánh Thần[11], Giáo Hội hướng về đích điểm liên quan đến ơn cứu rỗi và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu trọn vẹn trong thời tương lai. Nhưng bây giờ Giáo Hội đang hiện diện trên trái đất này, qui tụ những con người là phần tử của xã hội trần gian; những người được kêu gọi để hợp thành gia đình con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, vẫn đang tăng trưởng không ngừng cho tới khi Chúa đến. Được liên kết nên một để đón nhận những ân lộc thiên quốc và nhờ đó được nên sung mãn, gia đình này, nhờ Chúa Kitô, “được thiết lập và được tổ chức như một cộng đồng tại thế”[12], được trang bị “các phương thế thích hợp cho mối liên kết hữu hình mang tính xã hội”[13]. Như vậy, là “một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng”[14], Giáo Hội đồng hành với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ số phận trần thế với thế giới; Giáo Hội như men và linh hồn của xã hội loài người[15], một xã hội phải được đổi mới trong Chúa Kitô và trở nên gia đình của Thiên Chúa. Thật ra, sự tương nhập giữa hai thành đô trần thế và thiên quốc chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Hơn nữa, vẫn còn đó mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử vẫn còn bị xáo trộn vì tội lỗi cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn. Tuy nhiên, trong khi theo đuổi mục đích riêng của mình là đón nhận ơn cứu rỗi, Giáo Hội không chỉ thông truyền sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi một cách nào đó ánh sáng của sự sống ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước tiên bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá con người, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại, đồng thời làm cho hoạt động thường nhật của con người có được một hướng đi và mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Như thế, nhờ từng phần tử và tất cả cộng đoàn, Giáo Hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch sử loài người trở nên nhân đạo hơn”. Một tư tưởng tương tự được lặp lại ở số 45: “Khi trợ giúp thế giới cũng như khi được thế giới hỗ trợ, Giáo Hội chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà đoàn Dân Thiên Chúa, trong thời gian còn đang lữ hành tại thế, có thể đem lại cho gia đình nhân loại, đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi” (LG 48), tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người”.

Trong các văn kiện sau công đồng Vaticanô II, chúng ta chỉ giới hạn vào hai đoạn liên quan đến công tác truyền giáo của Giáo hội.

3/ Văn kiện thứ nhất là tông huấn Loan báo tin mừng (Evangelii nuntiandi: 8-12-1975) của ĐTC Phaolô VI. Ở số 9, chúng ta thấy khái niệm cứu độ được gắn với “giải phóng” dưới nhiều phương diện: “Đức Kitô loan báo ơn cứu độ như là nòng cốt và trung tâm của Tin Mừng. Ơn cứu độ là hồng ân lớn lao của Chúa giải thoát họ khỏi mọi áp búc, nhất là giải thoát họ khỏi tội lỗi và thần dữ, trong niềm vui nhận biết Thiên Chúa và được Ngài biết tới, được thấy Ngài, được hiến dâng cho Ngài. Ơn cứu độ được khởi sự suốt đời Đức Kitô và được hoàn tất qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài, nhưng ơn này phải kiên trì đi qua dòng lịch sử để được thực hiện cách viên mãn trong ngày Đức Kitô lại đến, ngày mà không ai biết, trừ Chúa Cha (Mt 24,36)”; bước sang số 28, khi bàn đến đối tượng của việc loan báo Tin mừng, văn kiện viết: “Vì thế việc loan báo Tin mừng không thể không chứa đựng sự tiên báo về một thế giới bên kia, vì đó là định mệnh sâu xa và quyết định của con người vừa liên tục, vừa gián đoạn với hoàn cảnh hiện tại vượt qúa thời gian và lịch sử, vượt quá cái thực tại của thế giới mà bộ mặt đang qua đi và mọi sự vật của thế giới mà chiều kích tàng ẩn, một ngày kia sẽ được biểu lộ ; vượt quá chính con người mà vận mệnh đích thực không mai một nơi vẻ mặt trần tục của nó, nhưng sẽ được mạc khải trong cuộc sống mai hậu (1Ga 3,2 ; Rm 8,29 ; Ph 3,20-21)”. Liền đó (số 29) văn kiện nói thêm: “Nhưng việc loan báo Tin mừng không hòan hảo nếu không để ý đến những liên hệ cụ thể và thường xuyên giữa Tin Mừng và đời sống, cá nhân và xã hội của con người. Vì thế việc loan báo Tin mừng bao gồm một sứ điệp minh nhiên, thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau, một sứ điệp luôn có tính cách hiện đại về những quyền lợi và những bổn phận của tất cả mọi người, về đời sống gia đình, vì không có gia đình thì cá nhân không thể phát triển được, về đời sống chung trong xã hội, về đời sống quốc tế, về hòa bình, công bình và phát triển. Đó là một sứ điệp mạnh mẽ đặc biệt của thời đại chúng ta về sự giải phóng.”  Do đó, có một sự liên kết chặt chẽ giữa việc loan báo Tin mừng vào sự thăng tiến con người. Lý do tại vì ơn cứu độ bao trùm toàn diện con người, như số 31 giải thích: “Giữa việc loan báo Tin mừng và việc thăng tiến con người, tức phát triển và giải phóng, có những mối liên hệ sâu xa thực sự. Liên hệ có tính cách nhân văn, bởi vì con người cần được loan báo Tin mừng không phải là một hữu thể trừu tượng nhưng gắn liền với những vấn đề xã hội và kinh tế. Liên hệ có tính cách thần học, bởi vì chúng ta không thể tách rời bình diện Sáng tạo khỏi bình diện Cứu chuộc ; thật thế, ơn cứu chuộc cũng đạt tới những hoàn cảnh rất cụ thể của sự bất công cần phải chấm dứt và sự công bình phải tái lập. Bác ái là liên hệ tiêu biểu nhất của Tin Mừng : Thực vậy, làm sao có thể loan truyền điều răn mới mà không làm phát triển sự lớn mạnh đích thực của con người trong công lý và hòa bình ? Chính Ta cũng lưu ý đến điều này khi nhắc lại là không thể chấp nhận quan niệm cho rằng : “Việc loan báo Tin mừng có thể hoặc phải khinh thường những vấn đề hết sức quan trọng và sôi nổi nhất hiện nay, liên quan đến công lý, giải phóng, phát triển và hòa bình trong thế giới. Nếu để tình trạng đó xảy ra, tức là không biết đến giáo lý Tin Mừng về tình yêu đối với tha nhân đang đau khổ hoặc thiếu thốn”.

4/ Trong thông điệp Redemptoris Missio (7-12-1990) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta thấy ơn cứu độ được liên kết với vương triều Thiên Chúa. Ngoài “bí tích của ơn cứu độ” (số 9) ta có thể nói rằng Giáo hội là “bí tích của vương triều” (số 20).

Thật vậy, sau khi đã giải thích những đặc tính của vương quốc ở số 14 và 15 (“Việc giải phóng và ơn cứu độ từ Vương Quốc của Thiên Chúa đến với con người theo cả chiều kích thể lý cũng như tâm linh”; “Vương Quốc của Thiên Chúa nhắm đến việc biến đổi các mối liên hệ loài người … Bởi thế, bản chất của Vương Quốc Thiên Chúa là một bản chất hiệp thông tất cả loài người -hiệp thông với nhau cũng như với Thiên Chúa”), thông điệp nói đến những cách thức chính yếu mà Giáo hội phục vụ Vương quốc: a) loan báo Tin mừng; b) thiết lập các cộng đồng; c) loan truyền “các giá trị Phúc âm”  (tự do, huynh đệ, hoà bình và công lý), nhờ chứng tá cũng như các hoạt động như đối thoại, đề cao nhân bản, dấn thân cho công lý và hòa bình, cho việc giáo dục con người và việc chăm sóc bệnh nhân, cho việc trợ giúp người nghèo và trẻ em; d) chuyển cầu.

Tóm lại, khái niệm cứu độ Kitô giáo bao gồm những yếu tố chính sau đây:

– Nó là ân huệ của Thiên Chúa ban, chứ không phải là thành quả của cuộc chinh phục từ phía con người. Ân huệ này được ban qua Đức Giêsu Kitô

– Con người đón nhận ân huệ này một cách tích cực, chứ không hoàn toàn thụ động. Điều kiện đầu tiên là tin và hoán cải.

– Ơn cứu độ này ảnh hưởng đến toàn thể con người: tâm linh và siêu việt; thể chất và lịch sử; cá nhân và cộng đồng.

B. Extra ecclesiam nulla salus

Vai trò quan trọng của Giáo hội đối với ơn cứu độ được diễn tả qua châm ngôn: “Không có ơn cứu độ bên ngoài Giáo hội”. Phải hiểu câu nói này như thế nào? Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử của châm ngôn ấy cùng với sự tiến triển của việc giải thích.

1/ Thời các giáo phụ

Công thức này xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ III, nơi các tác phẩm của ông Origène và thánh Cyprianô.

a) Ông Origène có lần tuyên bố : “Ở ngoài căn nhà này – nghĩa là ngoài Giáo hội – không ai được cứu độ” (extra hanc domum, id est extra ecclesiam, nemo salvatur)[16]. Tác giả đang khuyến khích những người Do thái hãy gia nhập Giáo hội, bởi vì “không có ơn cứu độ ngoài máu của Chúa Giêsu”, và duy chỉ trong Giáo hội mới có hoa trái của máu cứu chuộc của Chúa Kitô.

b) Tác giả câu châm ngôn “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (salus extra Ecclesiam non est: Ep 73) là thánh Cyprianô, người đã có lần tuyên bố: “Ai không có Giáo hội là mẹ thì không thể có Thiên Chúa là cha” (De catholicae ecclesiae unitate, 6). Bối cảnh lịch sử của nó là bài giảng về sự hợp nhất trong Giáo hội, được tượng trưng nơi cộng đoàn gắn bó với vị giám mục, đứng trước tình trạng chia rẽ phân hóa nội bộ. Thánh Cyprianô không đặt vấn đề tổng quát về sự cứu rỗi của người ở ngoài Giáo hội. Mối bận tâm của ngài là sự hợp nhất trong Giáo hội: sự chia rẽ là tội lỗi, nó không phải là con đường cứu độ mà là con đường diệt vong. Tác giả không lo lắng đến ơn cứu độ của toàn thể nhân loại cho bằng sự hợp nhất trong nội bộ, đang bị tổn hại do những cuộc bách hại bên ngoài và những chia rẽ bên trong. Cũng giống như ông Origene, bản văn của thánh Cyprianô mang tính khuyến dụ, chứ không phải là một tuyên bố tín lý phổ quát.

c) Với thánh Augustinô, bối cảnh đã thay đổi. Một đàng, chống lại nhóm Đonato, ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải gia nhập và ở lại trong Giáo hội công giáo, bởi vì chỉ ở đó mới có charitas ban ơn cứu độ. Đàng khác, khi bàn về ơn cứu độ trong tương quan với ân sủng và tội nguyên tổ, thánh nhân đưa ra bối cảnh Ecclesia ab Abel, nghĩa là một Giáo hội được cấu thành bởi tất cả những người được chọn và những người công chính ngay từ lúc khai nguyên của nhân loại. Theo quan niệm này, nguyên tắc “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” là đúng, bởi vì ai được cứu độ là ở trong Giáo hội.

d) Ngoài ra, một vài giáo phụ còn xướng lên những đề tài mở rộng đến ơn cứu độ phổ quát, tựa như “hạt giống của Lời” (semina Verbi) của thánh Giustino, hoặc “Đức Giêsu xuống âm ti” giảng sự cứu độ[17].

Tóm lại, các giáo phụ đã xác tín hai điều: 1/ Giáo hội là cộng đoàn cứu độ, vì thế cần phải gia nhập Giáo hội. 2/ Ơn cứu độ của Đức Kitô được ban cho tất cả mọi người, nghĩa là kể cả bên ngoài biên cương Giáo hội. Dù sao, đừng quên rằng thời ấy người ta cho rằng tin mừng đã được loan báo khắp thế giới, vì vậy ai không theo đạo là tại vì họ không muốn mà thôi.

2/ Thời Trung cổ

a) Câu châm ngôn được Fulgentius a Ruspe (k.467-532), một đồ đệ của thánh Augustino, giải thích theo nghĩa chặt chẽ, và sau này được công đồng Firenze (năm 1442) lấy lại. Bối cảnh là một lời khuyến dụ hãy ở lại trong Giáo hội công giáo. Ngoài Giáo hội không thể nào được cứu độ bởi vì ý định cứu độ của Thiên Chúa đã được tỏ lộ trong Giáo hội. Bởi vậy, không ai sống ngoài Giáo hội công giáo – những người ngoại đạo, những người Do thái, những người lạc giáo và ly giáo – có thể thông dự ơn cứu độ vĩnh cửu: họ sẽ rơi vào lửa đã dọn sẵn cho ma quỷ (Mt 25,41), nếu không gia nhập Giáo hội trước khi lìa đời[18]. Thiết tưởng chúng ta nên đặt câu văn trong bối cảnh huấn dụ: tác giả nói cho những người đã gia nhập Giáo hội (và yêu cầu họ đừng lìa bỏ Giáo hội), chứ không nói với những người ở ngoài Giáo hội. Sau này, khi trích lại đoạn văn của Fulgentius, công đồng Firenze không nói cách trừu tượng, nhưng đang bận tâm đến sự chia rẽ giữa Giáo hội Đông phương và Tây phương, và kêu gọi sự cần thiết phải tái lập Giáo hội bất khả phân ly.

b) Thánh Tôma Aquino mở rộng tầm nhìn ơn cứu độ đến Chúa Kitô. Một đàng, ngài lấy lại quan điểm Ecclesia ab Abel của thánh Augustino; đàng khác, ngài móc nối ơn cứu độ với Chúa Kitô. Người là đầu của nhân loại, và tháp nhập các phần tử cách tiệm tiến và bằng nhiều cách thức. Do đó, Giáo hội được mở rộng, vượt lên trên ranh giới của định chế hiện hành.

c) Nói chung, thần học kinh viện đã phát biểu vài nguyên tắc quý báu để giải quyết vấn đề ơn cứu độ của những người ngoài Giáo hội:

     – Để được cứu độ, cần phải tin vào một chân lý tối thiểu, dựa trên Hr 11,6 (“Ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và ban thưởng cho những kẻ tìm kiếm ngài”).

     – Phân biệt giữa việc lãnh bí tích rửa tội bằng nước (in re) và bằng lòng ước ao (in voto). Theo Petrus Lombardus, Thiên Chúa không ràng buộc quyền năng của mình vào các bí tích.

     – Sự vô tri bất khả kháng thì không có tội. Alexander Hales đưa ra giả thuyết là Chúa ban ánh sáng cần thiết cho người nào làm hết sức của mình.

d) Các bản văn Huấn quyền vào thời Trung cổ đi theo lập trường cứng rắn của Fulgentius, trong khung cảnh những cuộc chia rẽ trong Giáo hội. Trong những văn kiện nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thuộc về Giáo hội để được cứu rỗi, chúng ta có thể nhắc đến: Bulla Unam sanctam của ĐGH Bonifatius VIII (năm 1303: Dz.Sch 870-875), Decretum pro Jacobitis của công đồng Firenze (năm 1442: Dz.Sch. 1351)

3/ Thời cận đại

Với việc “khám phá” các lục địa mới (châu Mỹ, châu Phi, châu Á), Giáo hội nhận ra rằng còn rất nhiều dân tộc chưa hề được nghe giảng Tin mừng. Vấn đề ơn cứu độ của những người ngoài Giáo hội được đặt lại hoàn toàn! Dù sao, người ta bắt đầu lưu tâm hơn đến khía cạnh “chủ thể”, nghĩa là trách nhiệm luân lý của đương sự (sự ngay tình, hoặc sự vô tri bất khả kháng).

a) Trong thần học công giáo, có hai khuynh hướng:

– Một khuynh hướng khắt khe (điển hình nơi nhóm Jansenist) chủ trương rằng ai không ở trong Giáo hội thì không được cứu rỗi. Họ đồng hóa Giáo hội với ân sủng (P. Quesnel). Giáo hội gồm bởi tất cả những người công chính và được tuyển chọn (Denz-Sch 2472; 2476).

– Một khuynh hướng cởi mở (tượng trưng bởi Dòng Tên, do kinh nghiệm truyền giáo với các dân tộc), nhấn mạnh đến ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa.

b) Nói chung, để giải quyết vấn đề, người ta lấy lại các nguyên tắc của thời Trung cổ: sự vô tri bất khả kháng; sự tin nhận hai chân lý tối thiểu; bí tích rửa tội “in voto”. Tuy nhiên, vì phải đương đầu với vấn nạn mới của nhóm Phản kháng (chủ trương một Hội thánh vô hình), thần học công giáo cận đại nhấn mạnh đến việc thuộc về giáo hội hữu hình (qua ba mối dây của việc tuyên xưng đức tin, lãnh nhận bí tích, chấp nhận hàng phẩm trật), và gặp khó khăn khi giải quyết ơn cứu độ của những người sống ngoài Giáo hội. Cuộc tranh luận này làm lu mờ mối tương quan giữa ơn cứu độ với Chúa Kitô (mà Giáo hội chỉ là công cụ).

c) Những tuyên ngôn Huấn quyền vào giai đoạn này chống lại khuynh hướng khắt khe của nhóm Jansenist, chứ không đụng tới khuynh hướng cởi mở.

4/ Huấn quyền của Tòa Thánh trước Vaticanô II

Cần ghi nhận hai lần can thiệp dưới triều giáo hoàng Piô IX và Piô XII.

a) ĐTC Piô IX đánh dấu một bước tiến, khi nhìn nhận rằng những người ngoài Giáo hội có thể được cứu độ. Trong huấn quyền của ĐTC Piô IX cần ghi nhận hai khía cạnh của vấn đề. Một đàng, ngài lên án chủ trương cho rằng bất cứ tôn giáo nào cũng có thể mang lại ơn cứu độ. Đàng khác, ngài du nhập nguyên tắc “vô tri bất khả kháng” (ignorantia invincibilis, hoặc “lầm lẫn ngay tình”: error in bona fide). Thông điệp Quanta conficiamur moerore (1863), sau khi tái khẳng định tín điều về ơn cứu độ trong Giáo hội, nhìn nhận rằng có những người không biết Kitô giáo, nhưng vẫn trung thành tuân giữ luật tự nhiên, sống ngay chính. Họ có thể được cứu độ nhờ ánh sáng và ân sủng của Chúa. Lý do đưa ra không những vì Chúa nhân lành và giàu lòng thương xót, mà còn vì Ngài là Đấng Công bình: không lẽ nào Thiên Chúa lại phạt trầm luân những kẻ không phạm tội một cách ý thức!

b) Năm 1949, Bộ Thánh vụ (ngày nay là Bộ Đạo lý đức tin) gửi một lá thư cho tổng giám mục Boston, để phản đối sự giải thích cứng rắn phương châm extra ecclesiam nulla salus của cha Leonard Feeney S.J., theo đó muốn được cứu rỗi thì cần phải thuộc về Giáo hội một cách hữu hình và in re; hoặc ít là in voto explicito. Văn kiện lấy lại tư tưởng “vô tri bất khả kháng” và “votum implicitum”, nghĩa là thái độ của ý muốn sẵn sàng tuân theo ý Chúa, và khẳng định rằng một đàng Giáo hội là phương tiện cần thiết để được cứu độ; đàng khác, người ta có thể thuộc về Giáo hội in voto implicito (Denz-Sch. 3866-3873).

5/ Công đồng Vaticanô II

Công đồng bàn đến vấn đề này ở nhiều đoạn khác nhau, nhưng dưới một hình thức khác. Thay vì phát biểu cách tiêu cực “không có ơn cứu độ bên ngoài Giáo hội”, Lumen gentium phát biểu cách tích cực hơn: “Giáo hội cần thiết cho sự cứu độ”. Mặt khác, Giáo hội được nhìn dưới lăng kính của “mầu nhiệm” chứ không thuần túy như định chế; vì thế phân biệt những cấp độ “thuộc về” khác nhau, qua việc sử dụng các động từ pertinere, incorporari, coniungi, ordinari ở các số 14-16 khi nói đến các thành phần của Dan Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh của vấn đề: khách thể và chủ thể.

5.1 Dưới khía cạnh khách thể, công đồng tuyên bố rằng Giáo hội cần thiết cho ơn cứu độ.

Số 14 viết như sau: “Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công Đồng dạy rằng Giáo Hội lữ hành trên trần thế này rất cần thiết cho việc lãnh nhận ơn cứu độ. Thật vậy, chỉ có một Đức Kitô duy nhất là trung gian và là đường cứu độ, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta trong Thân Mình Người là Giáo Hội; chính khi minh nhiên công bố đức tin và ơn Thánh tẩy là cần thiết (x. Mc 16,16; Ga 3,5), Người đã cùng lúc xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa ngõ là bí tích Thánh tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô như một điều kiện thiết yếu, mà vẫn từ chối không gia nhập hoặc không trung thành sống trong Giáo Hội, thì không thể được cứu độ”.

Có vài điểm đáng ghi nhận:

– Công đồng nói đến sự cần thiết của Giáo hội “ở dưới đất” (chứ không bàn đến Giáo hội “ở trên trời”).

– Sự cần thiết của Giáo hội đặt nền tảng trên Đức Kitô dưới hai khía cạnh: a) Xét theo bản chất: bởi vì Đức Kitô là đấng trung gian duy nhất của ơn cứu độ; Giáo hội chia sẻ vào vai trò của Người xét vì là thân thể của Người. b) Xét theo ý định của Đức Kitô: khi ấn định sự cần thiết của đức tin và phép rửa, Người cũng ấn định sự cần thiết của Giáo hội. (xem thêm LG 48 nói đến “Giáo hội là bí tích của ơn cứu độ”). Nói cách khác, đối với ơn cứu độ, sự cần thiết của Giáo hội nằm trên bình diện “phương tiện” (necessitas medii); duy Đức Kitô mới thực sự là tuyệt đối cần thiết. Ta có thể đồng hóa ơn cứu độ với Đức Kitô, chứ không thể nào đồng hóa với Giáo hội, bởi vì Giáo hội chỉ là phương tiện, “bí tích” chuyển thông ơn cứu độ.

– Vì thế, người nào minh nhiên khước từ sự cần thiết của Giáo hội thì sẽ không được cứu độ.

5.2 Khía cạnh chủ thể

Công đồng xét đến những mối dây liên kết giữa Giáo hội với các thành phần tùy theo cấp độ hiểu biết của từng người.

a) Đứng đầu là các tín đồ Công giáo

Số 14 vừa trích dẫn nói về sự cần thiết của Giáo hội được áp dụng cách riêng cho các tín đồ Công giáo, nghĩa là những người đã biết rõ sự cần thiết ấy. Họ “thuộc về” Giáo hội công giáo nhờ ba mối dây (tuyên xưng đức tin, các bí tích, hiệp thông phẩm trật), nhờ ơn Chúa, và họ cần cảnh giác ngõ hầu duy trì tình trạng ân sủng, để tránh nguy cơ là chỉ thuộc về “thân xác” chứ không thuộc về “con tim” của Giáo hội (sự phân biệt này lấy từ thánh Augustino.

b) Thứ đến là các Kitô hữu ngoài Giáo hội Công giáo (số 15).

Trước đây, thông điệp Mystici corporis của ĐTC Pio XII đồng hóa Hội thánh Chúa Kitô với Giáo hội công giáo. Hiến chế Lumen gentium (số 8) châm chước khẳng định ấy khi tuyên bố rằng Hội thánh Chúa Kitô subsistit trong Giáo hội Công giáo. Động từ này gián tiếp nhìn nhận các Giáo hội ngoài công giáo cũng chứa đựng nhiều bona Ecclesiae (Lời Chúa, bí tích), vì thế họ cũng “thuộc về” Hội thánh Chúa Kitô. Công đồng tránh dùng những từ ngữ tiêu cực (ly giáo, lạc giáo, bởi những “tội” này do cá nhân lỗi phạm, chứ không phải do sự sinh ra trong các cộng đoàn giáo hội. Cần nói thêm là mối dây liên kết giữa Giáo hội công giáo với các cộng đoàn này không đồng đều (các giáo hội Chính thống thì khác với các giáo hội Tin lành).

c Mối liên lạc với những người ngoài Kitô giáo (số 16)

Tuy dù nhìn nhận những cấp độ khác nhau trong nhóm này (các tín đồ Do thái, đạo Islam, các tôn giáo khác, và kể cả người vô thần), nhưng nói chung, công đồng tuyên bố rằng: “vì Đấng Cứu Thế muốn mọi người đều được cứu độ (x. 1 Tm 2,4). Thật vậy, những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu[19]. Cả những người không vì lỗi của mình mà chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng cố gắng sống đời chính trực, dĩ nhiên là với ơn Chúa, thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ”.

Như vậy, những người “do sự vô trì bất khả kháng” mà không biết Tin mừng thì vẫn có thể được cứu độ dựa trên nguyên tắc “ý muốn phổ độ của Thiên Chúa” (1Tm 2,4). Thiên Chúa có thể an bài cho các tín đồ của các tôn giáo gặp gỡ Ngài nhờ “đạo” của họ, được coi như là những “chuẩn bị cho Tin mừng” (praeparatio evangelica).

Công đồng sẽ còn khai triển các đề tài này trong Sắc lệnh về đại kết (Unitatis Redintegratio) và Tuyên ngôn giữa Giáo hội và các tôn giáo (Nostra Aetate)[20].

——————————–

[1] Cần lưu ý đến sự khác biệt giữa “cứu” (salvare) và “chuộc” (redimere: chuộc lại, mua lại bằng một giá). Trong tiếng Hip-ri,  động từ “chuộc” là ga’al = chuộc lại một thân nhân đã bị bán hoặc bị bắt làm nô lệ; danh từ là go’el = người trả tiền để mua lại tài sản hoặc để giải thoát thân nhân bị bắt. Tiếng Hy-lạp là lytroo. Từ đó, Đức Kitô mang tước hiệu là Salvator (tiếng Pháp là Sauveur và tiếng Anh là Saviour) hoặc Redemptor (tiếng Pháp là Rédempteur, tiếng Anh là Redeemer). Tuy nhiên danh xưng Salvator hợp với Tân ước hơn, tuy dù danh xưng này (Soter) vừa áp dụng cho Đức Kitô (Lc 2,10; Ga 4,42; Cv 5,31; 13,23; Pl 3,20; Ep 5,23; Tt 3,6), vừa áp dụng cho Thiên Chúa (Lc 1,47; 1Tm 4,10). Tân ước nói đến sự “chuộc về” (redemptio) nhưng không gọi Đức Kitô với danh hiệu “Đấng chuộc về” (Redemptor).

[2] Độ là bến đò, đưa đò qua sông; chở qua bến; sóng mê, đạt đến bờ bên kia (paramita). Độ trì (giúp đỡ, cứu vớt). Phù trì (giúp đỡ).

[3] Hai động từ điển hình padah (giải thoát) và ga’al (chuộc về).

[4] Có thể xem một lời tuyên xưng đức tin điển hình cho tư tưởng này là Tv 68,21: “JHWH Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, Đấng cứu chúng ta khỏi cái chết”.

[5] Các từ ngữ trong tiếng Latinh: salvus (tốt đẹp, lành mạnh, nguyên vẹn), với các động từ salvere (mạnh khỏe, an mạnh) và salvare (cứu thoát); các danh từ salus (sức khỏe) và salvatio (sự cứu). Trong Tân ước, có nhiều từ tương đương với “cứu”: lyo (tháo gỡ, giải thoát, đôi khi để trao đổi cái gì đó, lytron, buôn bán); sódsó (cứu khỏi một mối nguy đe dọa sự sống), rhyomai (phòng ngừa khỏi một mối nguy). Đặc biệt là hai từ sotér (người giải thoát hay giữ gìn x. Mt 1,21; Le 2,11 ; Ga 4 42; Cv 5,32 1Tm 1,1; 4,10; Pl 3,20; Ep 5,23; 2Tm 2,10; Tt 1,4; 2,13; 1 Ga 4,14; 2Pr 1,1; Gđ 25), sotería ơn mà Đức Kitô mang đến (x. Lc 1,77; 19,9; Ga 4,22; Cv 4,12; Rm 1,16; Ep 1,13; 1Tx 5,9; 2Tx 2, 13-14; 2Tm 2,10; 3,15; Hr 2,10; 5,9; 9,28; 1Pr 1,5tt)

[6] Thí dụ Mc 1,15.

[7] Thí dụ 1Ga 1,1-4.

[8] Thí dụ 2Cr 5,18-21.

[9]«Solus Christus in carnem ex carne nasci habebat, ut nativitatem nostram nativitate sua reformaret, atque ita etiam mortem nostram morte sua dissolveret resurgendo in carne in qua natus est ut et mori posset»: Tertulliano, AdversusMarcionem, III 9,3 (PL II, col. 334).

[10] x. Tt 3,4: “Philanthropia”.

[11] x. Ep 1,3; 13-14; 23.

[12] x. VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8.

[13] x. nt., 9. 8.

[14] x. nt., 8.

[15] x. nt., 38, và ghi chú 9.

[16] In Iesu Nave hom. V,3: MG 12,841-842.

[17] Xem giải thích ở số 633 của sách GLCG.

[18] De fide ad Petrum 38,79; x. Denz.Sch 1351.

[19] x. Thư của Bộ Thánh Vụ gởi cho Tổng giám mục Boston: Denz-Sch 3869-72.

[20] Có thể đọc thêm các số báo Thời sự thần học: Số 63 (tháng 2/2014): “Thần học đại kết”. Số 62 (tháng 11/2013): “Đức tin và tín ngưỡng”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here