Học Thuyết Xã Hội Công Giáo: Sinh Thái Toàn Diện Và Việc Phát Triển Bền Vững

0
1532


Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Ngày 5 tháng Ba năm 2016, tại Hội Nghị “Trách Nhiệm Hoàn Cầu 2030” tổ chức ở Katholisch-Sozialen Institut, Bad Honnef, German, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, đã đọc một bài diễn văn với chủ đề: “Học Thuyết Xã Hội Công Giáo: Sinh Thái Toàn Diện Và Việc Phát Triển Bền Vững”.[1] Sau đây là nguyên văn bài nói phát biểu:

***

Nhân danh Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, tôi rất sung sướng được tham dự hội nghị “Trách nhiệm hoàn cầu 2030” năm nay, được đồng bảo trợ bởi hiệp hội học thuật Ordo Socialis (Trật Tự Xã Hội)[2]Katholisch-Sociales Institut (Viện Xã Hội Công Giáo) của Tổng Giáo Phận Cologne.[3] Cũng nhân danh toàn thể Hội Đồng, xin cho tôi được hết lòng khen ngợi Đức Hồng Y Oscar Rodríguez Maradiaga, vì ngài rất xứng đáng lãnh nhận giải Ordo Socialis vì sự dấn thân Kitô giáo đầy đức tin của ngài và nhiều cách giá trị trong đó, ngài giải quyết các vấn đề loại trừ, nghèo đói và quản trị.

Ngoài ra, xin quý vị cùng tôi nhìn trước tới năm sắp đến trong giây lát. Năm này sẽ là năm kỷ niệm kép đầy triển vọng. “Viện Xã Hội Công Giáo” được thành lập năm 1947. Rồi tới năm 1967, Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập “Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình”. Vì chúng ta mừng các ngày sinh nhật đặc biệt này trong cùng một năm, nên Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình rất sung sướng được tôn vinh Viện Xã Hội Công Giáo như là người đi trước mình đến 20 tuổi!

Đến đây, tôi xin kính mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô tự giới thiệu Thông điệp Laudato Si’ một cách vắn tắt trong một cuốn video ngắn. Bây giờ, chúng ta hãy xem cuốn video này.[4]

Đây là một số điểm chủ yếu có thể lấy về từ cuốn video và từ chính Thông điệp Laudato Si’:

– Bản chất của ta đã được Thiên Chúa tạo dựng và bảo bọc bằng hồng phúc tạo thế.

– Các thất bại của chúng ta là: chúng ta tiêu thụ thái quá và không chia sẻ hồng phúc tạo thế. Chúng ta cầy sới nhiều quá và bảo tồn ít quá, mang lại nhiều hậu quả tồi tệ cho người nghèo và hành tinh.

– Và do đó, điều khẩn trương là chúng ta phải thay đổi cái hiểu của ta về tiến bộ, về việc quản trị kinh tế của chúng ta, và cả lối sống của chúng ta nữa.

Cách tiếp cận đời sống có tính gắn bó và lâu dài này là điều ta gọi là sinh thái toàn diện (integral ecology).

Sự đóng góp vào các suy tư hôm nay của chúng ta có tựa đề là “Học thuyết xã Hội Công Giáo: sinh thái toàn diện và việc phát triển lâu dài”, và điều tôi hy vọng là chứng tỏ ba yếu tố trong tựa đề này đều gặp nhau ra sao trong các đề xuất phong phú của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhất là trong Thông điệp Laudato Si’.

1. Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một trong các thách đố lớn nhất mà gia đình nhân loại đang phải đối diện. Ý niệm chính nhìn nhận rằng đo lường sự tiến bộ của con người nguyên bằng việc gia tăng “Sản Lượng Sổi Trong Nước” (GDP) mà thôi là điều không đủ. GDP luôn luôn là thước đo không thỏa đáng của phúc lợi (well-being). Là một thước đo sổi, nó làm ngơ nhiều biến thể (variations) có ý nghĩa của kết quả nơi các bộ phận dân số có thể nhận diện được; và hiện nay, ta đang phải chứng kiến những hố sâu phân cách bi thảm giữa người hết sức giầu và người hết sức nghèo. Là một thước đo đơn nhất, nó luôn bỏ qua các nền tảng chủ yếu khác của phúc lợi. Điều này đặc biệt đúng trong thực tại hoàn cầu hiện nay. Bởi thế hiện nay, chúng ta đang từ từ nhưng chắc chắn thừa nhận điều này: việc bao gồm có tính xã hội và tính bền vững của môi trường là điều nội tại của phát triển đích thực. Phát triển đích thực phải là phát triển bền vững. Nó phải như kiềng ba chân: “kinh tế”, “xã hội”“môi trường”. Nếu bỏ quên một chân nào, thì toàn bộ cơ cấu sẽ sụp đổ.

Trong nhiều phương diện, phát triền bền vững là câu trả lời cho vấn đề qui mô (scale). Từ thời cách mạng kỹ nghệ, bắt đầu từ thế kỷ XVIII, dân số hoàn cầu tăng gấp 9 lần, và nền kinh tế hoàn cầu hiện đang lớn hơn tới 200 lần; và chiều hướng không cho thấy bất cứ dấu hiệu chậm lại nào. Đến giữa thế kỷ, dân số hoàn cầu dự ứng sẽ vuợt quá 9 tỷ người, và theo ước tính hay nhất, cỡ nền kinh tế hoàn cầu sẽ gia tăng gấp ba. Đây là một thay đổi đầy kinh ngạc trong một khoảng thời gian ngắn như thế, và chắc chắn nó sẽ tạo ra nhiều thách đố kinh tế, xã hội và môi trường.

Ngay từ lúc bắt đầu có những “tân sự” (res novae) trên, Giáo Hội đã tìm cách đối phó với mọi thay đổi choáng váng ấy. Đây là lý do tại sao Học Thuyết Xã Hội Công Giáo hiện đại đã ra đời, trong cố gắng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, nhằm song hàng các nguyên tắc vượt thời gian của Kitô Giáo với những “res novae” (tân sự) của nền kinh tế kỹ nghệ hiện đại. Ấy thế nhưng, lúc Thông điệp vĩ đại Rerum Novarum (Tân Sự) được soạn năm 1891, cuộc cách mạng kỹ thuật mới ở trong giai đoạn non nớt của nó. Thời của hơi nước và hỏa xa đã xuông xẻ rồi, nhưng thời của điện khí thì mới chỉ bắt đầu, và những tiến bộ vĩ đại của xe hơi và hóa dầu (petrochemicals), chưa nói tới kỹ thuật thông tin, vẫn còn là chuyện của tương lai. Từ 1950, tiềm năng kinh tế từ cuộc cách mạng kỹ thuật mới từ từ, nhưng vẫn chưa đồng đều, gây ích lợi cho nhiều nơi trên thế giới. Diễn trình này bắt đầu với nhiều bất bình đẳng, trong đó có chủ nghĩa thực dân và thậm chí chế độ nô lệ; và diễn trình vẫn tiếp tục rất bất bình đẳng, chưa hoàn tất và, ở một số nơi, rất trì trệ nếu không muốn nói là bị tắc nghẽn.

Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) tập chú vào các điều kiện và quyền lợi của công nhân, nó cũng chứa đựng một số hạt giống sản sinh ra các ý niệm hiện nay về môi trường tự nhiên. Thí dụ, nó quả quyết rằng những người lãnh nhận được sự hào phóng của Thiên Chúa dưới hình thức tài nguyên thiên nhiên hay tài sản nên thi hành trách nhiệm của họ “như là người quản lý sự quan phòng của Thiên Chúa, vì lợi ích của người khác”.[5] Hơn nữa, Thông điệp Tân Sự, và mọi Thông điệp xã hội của các vị Giáo Hoàng sau đó, đều cảnh báo chúng ta về khuynh hướng tư bản chủ nghĩa hiện đại, là tạo ra các chia rẽ hết sức rõ rệt giữa người giầu và người nghèo trong nội bộ các quốc gia, và giữa các nước giầu và các nước nghèo với nhau. Khi kích thích kinh tế chủ yếu do tư lợi, tham lam, muốn tích lũy của cải và tiêu thụ thỏa thích thúc đẩy, thì kết quả sẽ là hoạt động bất thường (dysfunction) và mất quân bình, và sẽ dẫn tới việc một số đông người bị lãng quên, loại ra ngoài và vứt bỏ. Vì tập chú tương đối quá hẹp vào phát triển, nó để các nền kinh tế mặc sức nghiêng về những giãn nở co thắt có hại.

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nói tới việc “loại trừ các nguyên nhân cơ cấu gây ra các hành động bất thường trong nền kinh tế thế giới và sửa chữa các mô thức phát triển chứng tỏ không có khả năng bảo đảm việc tôn trọng môi trường”.[6] Điều này trở thành sứ điệp mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si’. Nền kinh tế hoàn cầu mở rộng kích cỡ và tầm với như thế nào, thì “các phương thức thiển cận của nó đối với nền kinh tế, thương mại và sản xuất” cũng mở rộng như vậy.[7] Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: điều này phát sinh ra “nền văn hóa vứt bỏ”, vốn là lực đẩy đứng đàng sau nền kinh tế loại trừ. Đức Thánh Cha phê phán rằng: những người bị loại trừ thậm chí bị coi không phải là một thành phần của xã hội, họ là những người bị vứt ra ngoài, “thứ thừa thãi”.

Nhưng không phải chỉ có thế. Khi Thông điệp Tân Sự được soạn thảo, qui mô nền kinh tế hoàn cầu nhỏ hơn nhiều, cũng như tác động của nó đối với trái đất và các hệ thống và chu kỳ tự nhiên. Ngày nay, tình hình không còn như vậy nữa. Khi viết Thông điệp Laudato Si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tham khảo một số khoa học gia hàng đầu của thế giới, kể cả ở Đức này. Sứ điệp khá to và rõ: con người đang gây trở ngại cho các chu kỳ tự nhiên của trái đất một cách chưa từng thấy và rất nguy hiểm. Qui mô hoạt động của con người có nghĩa chúng ta đang đụng tới một số biên giới sinh tử của hành tinh ta, trong đó có thay đổi khí hậu, axít hóa đại dương, phá rừng, làm cạn nguồn nước quý giá, ô nhiễm bởi quá dùng phân hóa học, ồ ạt đốt nhiên liệu hóa thạch, phá hoại các hệ sinh thái mỏng dòn và làm mất sự đa dạng sinh học một cách bi thảm.

Độc đáo đối với một Thông điệp Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã nhắc tới các nguy cơ này, nhất là trong chương đầu tiên: “Điều gì đang xẩy ra cho căn nhà chung của chúng ta”. Lý do rất đơn giản. Nếu chúng ta không từ từ dừng lại để tái thẩm định tác phong của mình, chúng ta sẽ tiêu diệt trái đất mà Thiên Chúa đã hậu hĩnh ban cho mọi người chúng ta. Làm thế, chúng ta đã phá hoại các điều kiện để con người triển nở, nhất là người nghèo và các thế hệ tương lai.[8]

Đó là lý do tại sao phát triển bền vững lại là một thách đố lớn lao đến thế của thời đại chúng ta. Chúng ta phải phục hồi cảm thức thích đáng về quân bình, và đặt các cột trụ xã hội và môi trường trên cùng một bình diện như cột trụ kinh tế. Phát triển bền vững kêu gọi một thế giới mà trong đó tiến bộ kinh tế được rộng khắp, nghèo đói bị loại trừ, các tài nguyên của trái đất được phân chia công bằng, môi trường được che chở khỏi bị con người hạ giá, và mọi người đều triển nở.

Trong tinh thần trên, các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại New York tháng Chín năm ngoái để chấp thuận 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững; rồi một lần nữa, tại Hội Nghị COP21 ở Paris hồi tháng Mười Hai, để cam kết loại trừ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đầy nguy hiểm. Các mục tiêu này là những ưu tiên đúng cho thế giới vào lúc này. Chúng nhằm làm cho nền kinh tế phục vụ mọi người; chấm dứt tai tiếng nghèo đói trong một thế giới dư thừa; bảo đảm có nước sạch, năng lượng tới tay, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho mọi người; bảo vệ các hệ thống sinh thái của thế giới và biết quay qua sử dụng cách bền vững các tài nguyên của trái đất; và xây dựng các xã hội có tính bao gồm, công lý và hòa bình hơn.

Trong nền kinh tế trên, “Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững” được xây dựng trên động lực của các “Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ”. Các mục tiêu trước đó chỉ áp dụng cho các nước đang phát triển, và tập chú vào một danh sách ngắn hơn gồm các phạm vi ưu tiên như nghèo, đói, sức khỏe, giáo dục, và bình đẳng phái tính. Ấy thế nhưng, chúng vẫn cho thấy những điều có thể làm được khi thế giới hợp nhất quanh một số các ưu tiên hợp luân hơn. Nhờ các mục tiêu này, cảnh nghèo đã giảm xuống một cách hết sức đáng kể, và thành quả sức khỏe đã được cải thiện cách đột ngột.[9] Các mục tiêu mới dành cho mọi người khắp nơi trên thế giới, và chúng bao trùm toàn bộ các thách đố đang đặt ra cho gia đình nhân loại của chúng ta. Thành thử, đúng, “Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững” có nhiều tham vọng hơn. Tuy thế, chúng ta đã học thấy rằng, khi người ta, nhất là các nhà lãnh đạo của họ, tập chú vào khuôn khổ hành động cụ thể, thành công là điều có thể. Hệ thống thị trường chắc chắn có khả năng sản sinh ra giầu có và đem lại phát triển kinh tế. Chúng ta có thể thấy điều ấy; nhưng nó không thể thực sự đi quá việc đó. Chúng ta cũng có thể thấy điều này; thị trường không thể bảo đảm việc bao gồm theo nghĩa xã hội, và chắc chắn không thể tìm cách duy trì bền vững các tài nguyên thiên nhiên có giới hạn của chúng ta. Do đó, thị trường mà thôi sẽ không có khả năng đem lại việc phát triển bền vững.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng, vấn đề không hẳn là chính thị trường, nhưng ý thức hệ cũng hay lấp ló ở phía sau nó, thứ “thị trường được thần thánh hóa” hay “quan niệm ảo thuật về thị trường”, một quan niệm chống lại mọi thứ giám sát và qui luật chính trị cần thiết. “Không được bắt chính trị lệ thuộc kinh tế, cũng không được bắt kinh tế lệ thuộc các lệnh truyền của một mô thức kỹ trị (technocracy) chỉ biết có hiệu năng”.[10] Theo “Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo”, giải pháp là chọn liên đới hơn tư lợi, ích chung hơn việc tối đa hóa lời lãi, phát triển con người toàn diện hơn là duy vật chủ nghĩa và sự bền vững hơn là ngắn hạn chủ nghĩa. Điều này không có nghĩa bác bỏ thị trường; nó có nghĩa thừa nhận các giới hạn rõ ràng của nó, và giữ nó dưới sự kiểm soát nhân bản và đạo đức.

Nói đến liên đới, xin cho phép tôi ghi nhận chủ trương tuyệt vời của Nước Đức hiện thời về phương diện này. Việc nước này tiếp nhận các người tỵ nạn là một thao tác đáng lưu ý, cụ thể của lòng cảm thương đối với những người bị loại trừ và hất hủi. Cả ở đây nữa, tính bền vững cũng là điều sinh tử. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng viết:

“Về việc di dân, hiện đang cần có những kế hoạch trung và dài hạn không chỉ giới hạn vào các đáp ứng khẩn cấp mà thôi. Các kế hoạch này nên bao gồm việc trợ giúp hữu hiệu để hội nhập di dân vào các nước tiếp nhận, trong khi vẫn cổ vũ việc phát triển xứ sở gốc của họ bằng các chính sách được linh hứng bởi tình liên đới, ấy thế nhưng không được liên kết sự trợ giúp này vào các chiến lược và thực hành ý thức hệ rất xa lạ hay đi ngược lại các nền văn hóa của các dân tộc đang được trợ giúp”.[11]

Số phận các di dân và người tỵ nạn đã là một yếu tố sôi nổi của triều Giáo Hoàng hiện nay; sự đáp ứng tại Đức quả là một việc thi hành Lòng Thương Xót trong Năm Thương Xót vĩ đại này.

2. Phát triển con người toàn diện, nền sinh thái toàn diện và Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo

Từ trước đến bây giờ, tôi đã tập chú vào các nhận định của tôi về phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn kêu gọi một điều rộng hơn và bao trùm hơn điều thế giới muốn hiểu về việc phát triển bền vững. Ngài kêu gọi “việc phát triển con người toàn diện và bền vững”. Điều này xem ra chỉ thêm được chữ “toàn diện”, nhưng chữ thêm vào này tạo rất nhiều khác biệt! Trong Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, phát triển con người toàn diện có ý nói tới việc phát triển trọn cả con người và mọi người. Việc phát triển nhiều mặt này vượt xa GDP lúc nào cũng lớn hơn, kể cả một GDP được phân phối tốt hơn, và tiến bộ chỉ có tính kinh tế hay vật chất. Nó bao trùm các chiều kích văn hóa, xúc cảm, tri thức, thẩm mỹ, và tôn giáo. Nó là một lời mời mỗi người trên hành tinh này triển nở, sử dụng các hồng phúc Thiên Chúa ban cho họ để trở nên những người họ được dự kiến trở nên.

Phương thức phát triển bao trùm và toàn bộ hơn này vượt xa các phương thức duy giản lược chật hẹp. Không nên quan niệm phát triển theo nghĩa kỹ trị vốn làm ngơ các xem xét luân lý. Thông điệp Laudato Si’mạnh mẽ lên án sự thống trị của “khuôn mẫu kỹ trị”. Đức Giáo Hoàng hiểu kiểu nói này là khuynh hướng lấy hiệu năng và năng xuất làm thước đo thành công, và coi thiên nhiên như một vật để thao túng, khuất phục và kiểm soát, không một chút quan tâm tới giá trị và giới hạn nội tại của nó. Ngược lại, điều này sẽ dẫn tới cơn cám dỗ đi tìm “một lớn mạnh không cùng và hay vô giới hạn” và tới khuynh hướng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung. Nó dẫn tới khuynh hướng xác định thành công kinh tế dựa vào lời lãi và tính toán vật chất, là thứ chỉ phản ảnh thèm khát vô trật tự muốn được thỏa mãn tức khắc. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chính thái độ thiển cận và tự phục vụ mình này nằm đàng sau cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường. “Liên minh giữa kinh tế và kỹ thuật kết cục sẽ loại qua một bên bất cứ điều gì không liên hệ với các lợi ích tức khắc của nó”.[12]

Trong thực hành, điều trên đòi phải tái lượng giá sự ám ảnh của ta đối với việc tăng GDP và chủ nghĩa duy tiêu thụ. Thông điệp Laudato Si’ ghi nhận rằng, một số nước quả cần một tăng trưởng kinh tế cao hơn, nghĩa là, các nước đang phát triển nào có hy vọng hợp lý sẽ cải thiện được tiêu chuẩn sống. Đây là một vấn đề công lý. Nhưng điều cũng quan trọng là các nước giầu có hơn cũng cần phải tái xem xét lối sống của họ và vai trò của nguyên việc phát triển kinh tế. Họ (chúng ta!) phải tái thẩm định cơn xoáy lốc duy tiêu thụ đang thúc đẩy việc lớn mạnh của họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang kêu gọi mọi người theo đuổi thứ tiến bộ toàn diện hơn, bền vững hơn, và sau cùng, xứng đáng hơn. Đây là một khía cạnh trong sinh thái toàn diện của Đức Giáo Hoàng: giá trị hội nhập và hòa hợp đời sống chúng ta với thế giới tự nhiên.[13] Nó bao gồm “vị trí độc đáo làm người của chúng ta trong thế giới này, và mối liên hệ của chúng ta với các khu vực chung quanh ta”,[14] trong các khía cạnh khác nhau của đời sống, trong kinh tế và chính trị, trong các nền văn hóa đa dạng, nhất là các nền văn hóa đang bị đe dọa hơn cả, và trong mọi khoảnh khắc đời sống hàng ngày của ta.

Đặc biệt, ta đừng quên người nghèo ngày nay “mà đời sống trên trái đất này vắn vỏi và không thể cứ tiếp tục phải chờ đợi”.[15] Trong thế giới ngày nay, nơi “đầy bất công và số người bị tước các nhân quyền căn bản và bị coi có thể hy sinh càng ngày càng gia tăng”, làm việc cho ích chung có nghĩa phải thực hiện các lựa chọn trong tình liên đới dựa trên việc “ưu tiên chọn người nghèo nhất”.[16]

Ích chung cũng liên quan tới các thế hệ tương lai: “chúng ta không thể nói tới việc phát triển bền vững nữa nếu không có tình liên đới giữa các thế hệ”.[17] Ở đây, trong ngữ cảnh sinh thái toàn diện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viện dẫn việc chăm sóc trẻ em của chúng ta để đưa ra câu hỏi chủ yếu của ngài về môi trường: “ta muốn để lại thứ thế giới nào cho những người đến sau ta, cho con cháu hiện nay đang lớn lên?”.[18]

Kết luận

Tôi đã nói về việc thay thế lối suy nghĩ truyền thống của thị trường, vốn làm méo mó quan niệm đầy đủ về việc phát triển toàn diện và bền vững. Nhưng đây không phải là một lời kêu gọi trở về với chủ nghĩa lãng mạn của thời tiền kỹ nghệ. Đúng hơn, tôi muốn thấy các khí cụ của thị trường và các kỹ năng của các chuyên viên của nó được áp dụng vào việc đạt được sự triển nở trọn vẹn của con người và việc phát triển bền vững. Tham lam lời lãi không nội tại đối với các thị trường được điều hành tốt đẹp; tham nhũng, hối lộ và tàn ác cũng không nội tại đối với các thị trường được điều hành tốt đẹp. Thực vậy, điều ngược lại mới đúng. Cai quản tốt hơn có nghĩa thịnh vượng chân chính sẽ lớn hơn. Cả các lý thuyết gia cổ điển cũng như ngày nay đều nhấn mạnh rằng, căn bản của các thị trường được đều hành tốt là các nhân đức như tin tưởng, trung thực, liên đới, hỗ tương, và hợp tác. Nếu có điều gì đó nội tại đối với thị trường, thì đó không phải điều xấu mà là nhân đức. Thành thử, không có điều gì lạ lẫm cả khi thách thức thị trường sản xuất các thành quả hợp nhân đức như: ích chung, sự bền vững và tình liên đới. Đây là điều tốt nhất trong những điều mà Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ trước đây và Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững mới đây hy vọng có được và cố gắng đạt được.

Niềm hy vọng như trên vang vọng lại huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Việc vượt qua các cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường liên hệ qua lại với nhau đòi phải có một thái độ hoàn toàn khác; theo ngài, là một cuộc cách mạng văn hóa. Qua kiểu nói này, Đức Thánh Cha không muốn nói tới việc ngây thơ bác bỏ kỹ thuật và các lợi ích của xã hội hiện đại. Không, ngài muốn nói đặt tài khéo léo của con người vào việc phục vụ một thứ tiến bộ tốt đẹp hơn, một tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn, và toàn diện hơn. Ngược lại, điều này kêu gọi cúng ta phải lật ngược điều ngài gọi là các huyền thoại của thời hiện đại: chủ nghĩa duy cá nhân, tiến bộ vô giới hạn, cạnh tranh, chủ nghĩa duy tiêu thụ, một thị trường vô luật lệ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi sự phát triển bền vững, đúng, nhưng cuối cùng là một viễn kiến sâu xa hơn về điều việc phát triển này phải phục vụ: Trái Đất trở về với sự khỏe mạnh và cái đẹp của nó, thành nhà chung của mọi thế hệ tương lai của chúng ta. Để được như thế, chúng ta phải cầu nguyện để cùng làm việc với nhau, được Thiên Chúa hướng dẫn, ngõ hầu làm cho Trái Đất xứng đáng một lần nữa được so sánh với Thiên Đàng. “Dein Wille geschehe, wie im Himmel, so auf Erden” – “Ý Cha thể hiện dưới Đất cũng như trên Trời!”.

 

Hồng Y Peter K.A. Turkson

Chủ Tịch

Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình

 

 

 


[1] Với lòng biết ơn Anthony Annett (New York) và Robert Czerny (Ottawa) vì đã giúp đỡ soạn thảo và sửa chữa bài diễn văn này.

[2] “ORDO SOCIALIS” để Cổ Vũ Giáo Huấn Xã Hội Kitô Giáo. http://ordosocialis.de/en/wir-ueber-uns/

[3] Tọa lạc ở Bad Honnef.

[4] Tiếng Anh: http://thepopevideo.org/en.html

[5] Đức Giáo Hoàng Leô III, Thông Điệp Rerum novarum (Tân Sự), Ngày 15-05-1891, số 22.

[6] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Diễn Văn với Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Tòa Thánh, Ngày 08-01-2007: AAS 99 (2007), 73.

[7] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm sóc ngôi nhà chung), Ngày 24-05-2015, số 32.

[8] “Easter Island” là một minh họa của các thực hành bất cẩn dẫn tới việc gần như tận diệt.

[9] Từ năm 1990, đã có những cải thiện đáng kể sau đây:

– Số người nghèo cùng cực đã giảm một nửa, từ 1.9 tỷ xuống còn 836 triệu.

– Những người thiếu ăn ở các nước đang phát triển gần như giảm một nửa, từ 23% xuống 13%.

– Số các trẻ em chết dưới 5 tuổi giảm hơn một nửa, từ 12.7 triệu xuống 6 triệu.

– Tử xuất khi sinh con của bà mẹ giảm 45%.

– Số vụ lây nhiễm HIV mới giảm 40% giữa các năm 2000-2013. 13 triệu 6 trăm ngàn người được điều trị chống tái phát, năm 2003 chỉ có 800,000 người.

– Mạng sống được cứu khỏi một số bệnh: AIDS, 7.6 triệu (1995-2013); sốt rét, 6.2 triệu (2000-2015); lao, 37 triệu (2000-2013).

– 2 tỷ người được hưởng những điều kiện vệ sinh tốt hơn.

Nguồn: The Millennium Development Goals Report 2015 (United Nations).

[10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm sóc ngôi nhà chung), Ngày 24-05-2015, số 189.

[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn với Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Tòa Thánh, 11.01.2016.

[12] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm sóc ngôi nhà chung), Ngày 24-05-2015, số 54.

[13] Ibid., số 225.

[14] Ibid., số 15.

[15] Ibid., số 162.

[16] Ibid., số 158.

[17] Ibid., số 159.

[18] Ibid., số 160.