Hoạt Động Tông Đồ Của Người Tu Sĩ: Bản Chất Và Những Đặc Tính Chung – Vấn Đề 45

0
1159


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 45

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TU SĨ

BẢN CHẤT VÀ NHỮNG ĐẶC TÍNH CHUNG

Ngay từ khi xuất hiện đời sống tu, các tu sĩ đã có những hoạt động từ thiện giúp đỡ tha nhân hoặc về tinh thần hoặc về vật chất. Tuy nhiên, sang thời Trung cổ, với các Dòng hành khất, mới có những Dòng được thành lập với một mục đích tông đồ mang tính phổ quát. Rồi trong những thế kỷ kế tiếp, nhiều Dòng nam và nữ đã ra đời để phục vụ sứ mạng của Giáo Hội là loan báo Phúc âm. Dù đã có những bản văn giáo luật quy định rõ ràng quyền hạn của các Đấng bản quyền sở tại và của các Bề trên Dòng, nhưng vẫn thiếu những những nguyên tắc tổng quát về việc điều hành lãnh vực phục vụ giáo xứ, việc giảng thuyết và huấn giáo.

Bộ Giáo Luật 1983 phản ánh giáo huấn của Công Đồng Vatican II, và của các Giáo Hoàng đưa ra thực hành. Vì thế những khoản Giáo Luật mà chúng tôi trình bày dưới đây cần được bổ sung bằng việc tiếp xúc với các văn kiện của Công Đồng và của các Giáo Hoàng.[1]

Tất cả Giáo Hội đều được sai đi, nhưng trong nội bộ Giáo Hội mỗi người có một ơn gọi thừa sai theo cách thức riêng. Các Dòng Tu không làm việc tông đồ giống như các tu hội đời, hoặc các giáo sĩ hay giáo dân. Việc tông đồ của các Dòng Tu mang những đặc điểm xuất phát từ bản chất của đời tu và có giá trị cho tất cả các Dòng cũng các thành viên.

Trước tiên việc tông đồ của các tu sĩ hệ tại chứng từ của đời sống thánh hiến của họ, một đời sống cần được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện và thống hối (đ. 673). Kế đó, đặc trưng của các Dòng Tu là “đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” (đ. 607 §2). Ngược lại, cuộc đời thánh hiến của các tu hội đời là “sống giữa trần gian… để thánh hóa thế gian từ bên trong thế gian” (đ. 710), “giống như men để thấm nhuần mọi sự bằng tinh thần của Phúc âm” (đ. 713 §l). Như vậy, nói chung, các thành viên tu hội đời không sống trong cộng đoàn.

Văn kiện của Bộ Tu sĩ về “Tu Sĩ Và Sự Thăng Tiến Của Con Người ” (ngày 12 tháng 8 năm 1980) nói rõ tư tưởng của Giáo Hội về điểm này: “Các tu sĩ, với tư cách là những chuyên viên hiệp thông, được mời gọi trở thành những chứng nhân và những người kiến tạo “kế hoạch hiệp nhất” trong Giáo Hội, trong cộng đoàn tín hữu và trên thế giới: kế hoạch đỉnh cao của lịch sử loài người theo ý định của Thiên Chúa”.

Bản văn về những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Hội Thánh về đời tu (ngày 31 tháng 5 năm 1983), đã nhấn mạnh về bản chất chứng từ của đời sống các tu sĩ là tỏ bày địa vị tối thượng của tình yêu Thiên Chúa (số 32), kinh nghiệm sâu xa của bản thân về tình yêu Chúa Kitô (số 33), đòi hỏi một nếp sống tương ứng đó (số 34), được phản chiếu ngày trong lề lối làm việc (số 35).

Trong sứ điệp gửi cho hội nghị khoáng đại của Bộ Tu sĩ (tháng 3 năm 1980), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Điều đáng kể nhất không phải là những gì các tu sĩ làm, nhưng là sự kiện họ là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa”.[2]

Hệ luận thứ nhất của điều 673 trên đây có thể nhận thấy nơi điều 674 đối với các Dòng thuần túy chiêm nịêm như sau:

“Các Dòng sống đời thuần túy chiêm niệm vẫn luôn luôn giữ một chỗ quan trọng trong Nhiệm thể Chúa Kitô, bởi vì họ dâng lên Thiên Chúa hiến lễ ngợi khen tuyệt vời. Họ làm rạng rỡ Dân Thiên Chúa bằng những hoa trái trù phú của sự thánh thiện; họ thúc đẩy Dân Chúa bằng gương sáng và làm cho phát triển nhờ một sức phì nhiêu tông đồ kín nhiệm”.

Đó là giáo huấn thường hằng của Giáo Hội về tầm quan trọng của đời sống tu trì chiêm niệm đối với việc truyền bá Phúc âm.[3] Điều 674 nói tiếp:

“Vì lý do ấy, mặc dù những nhu cầu của việc hoạt động tông đồ thật cấp bách đi nữa, nhưng những thành viên của các Dòng ấy không thể được mời gọi cộng tác vào các công việc mục vụ khác”.

Khoản luật này nhắm tới các bề trên hữu trách nhưng cũng nhắm đến các Giám Mục là những vị “cùng với Đức Giáo Hoàng, được đặt làm những người cổ võ và bảo vệ gia sản của đời sống tu trì” (đ. 586 §2).[4]

Đối với các Dòng chuyên lo công việc tông đồ, thì hậu quả của nguyên tắc trên đây sẽ là:

“Đối với những Dòng chuyên lo về các công cuộc tông đồ, xét vì hoạt động tông đồ làm nên bản chất của họ, cho nên toàn thể đời sống của các phần tử phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ, phải toàn thể hoạt động tông đồ phải được chất chứa tinh thần tu trì” (đ. 675 §1). “Hoạt động tông đồ phải luôn luôn bắt nguồn từ việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chứa, đồng thời phải củng cố và nuôi dưỡng sự kết hiệp này” (§2).[5]

 

 

 


[1] Xem thêm vấn đề 3.

[2] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn “Redemptionis Donum”, ngày 25 tháng 3 năm 1984, số 14.

[3] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì), số 7 và phần thứ ba của văn kiện về Chiều kích chiêm niệm của đời sống tu trì.

[4] Xem văn kiện Mutuae Relationes, số 9c.

[5] Về điểm này, xem thêm Sắc lệnh Perfectae Caritatis (về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì), số 8 và Văn kiện về Chiều kích chiêm niệm trong đời sống tu trì, phần thứ hai.