Hoạt Động Bác Ái Của Giáo Hội Qua Các Thời Đại

0
960


Fr. Antoni Esteve I Sera[1]

 

 

Đức Thánh Cha Benedicto XVI lưu ý rằng, “bác ái là bổn phận của mỗi tín hữu, đồng thời cũng là bổn phận của cộng đồng Hội Thánh”.[2] Điều này giả thiết một sự phối hợp và tổ chức các công cuộc từ thiện, như đã diễn ra ngay từ thời Hội Thánh sơ khai. Bài này muốn trình bày những nét nổi bật của hoạt động bác ái của Hội Thánh trải qua lịch sử.

***

 

Khi khẳng định rằng, hoạt động bác ái trong Hội Thánh cần được phối hợp, Đức Thánh Cha Benedicto XVI không chỉ nhắm đến tính cách hiệu năng trong việc tổ chức công tác từ thiện, nhưng còn đi xa hơn nữa: điều này liên quan đến bản chất của Hội Thánh là bí tích của ơn cứu độ phổ quát. Là một bí tích (nghĩa là dấu hiệu và dụng cụ của ơn thánh), Hội Thánh cần phải diễn đạt, qua các cơ cấu hữu hình, bản tính của mình là phục vụ tình yêu của Thiên Chúa dành cho những thành phần yếu kém của nhân loại.

Ý thức sứ điệp đó, các tín hữu tiên khởi đã phân phát tài sản cho người nghèo, nhằm chứng tỏ rằng, bất chấp những dị biệt về nguồn gốc xã hội, việc chung sống liên đới là điều có thể thực hiện. Theo dòng thời gian, nhờ sức mạnh của Tin Mừng, các đan sĩ đã canh tác ruộng đất, các tu sĩ nam nữ đã thiết lập các bệnh viện và trạm xá tiếp đón người nghèo, các hiệp hội giáo dân nam nữ thuộc mọi tầng lớp đã dấn thân giúp đỡ những người túng quẫn; tất cả đều thâm tín những lời của Đức Giêsu đã dạy: “Những gì các con làm cho một người em nhỏ của Thầy là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40) không thể nào chỉ là tư tưởng lành thánh, nhưng cần diễn đạt cụ thể ra cuộc sống. Ngày nay, Hội Thánh cũng ý thức rằng, sứ điệp xã hội của mình chỉ đáng tin cậy nhờ chứng tá của hành động chứ không nguyên chỉ vì lý luận chặt chẽ mạch lạc. Cũng do ý thức đó mà phát sinh lòng ưu ái đối với người nghèo. Lòng ưu ái này không có nghĩa là phân biệt các giai cấp, cách riêng bởi vì trong xã hội ngày nay, tình trạng “nghèo” không chỉ giới hạn vào khía cạnh kinh tế, mà còn bao hàm những hình thức văn hóa và tôn giáo nữa. Lòng ưu ái dành cho người nghèo còn thúc đẩy Hội Thánh mở tầm mắt ra toàn cầu, nơi mà tuy đã có nhiều tiến bộ về công nghệ và kinh tế, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều cảnh nghèo: tại những quốc gia tiên tiến với nhiều nhóm bị gạt ra bên lề, chẳng hạn các người già lão bệnh tật, những người di dân, cũng như những người tại các quốc gia đang trên đường phát triển.

Chúng ta sẽ điểm qua các hoạt động bác ái của Hội Thánh trải qua năm giai đoạn lịch sử: 1/ Thời các tông đồ; 2/ Thời các giáo phụ; 3/ Thời Trung cổ; 4/ Thời cận đại; 5/ Thế kỷ XIX-XX.

I. CÁC ĐỊNH CHẾ BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Thánh Luca đã thu tóm yếu tố cấu thành của Hội Thánh vào hạn từ koinonia” (hiệp thông): cộng đoàn các tín hữu đồng tâm hợp ý với nhau trong việc gắn bó với lời giảng của các thánh tông đồ, với việc bẻ bánh và cầu nguyện (Cv 2,42); sự hiệp thông còn được diễn tả qua việc để chung tài sản và phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 2,44-45). Với sự tăng trưởng của cộng đoàn, việc chung tài sản không thể duy trì được nữa, nhưng tâm tình chia sẻ vẫn được duy trì, ngõ hầu trong cộng đồng không có ai thiếu thốn những nhu cầu căn bản.[3]

Từ tình hiệp thông nảy ra những hành động cụ thể và những tổ chức để cung ứng những đòi hỏi của cộng đoàn, dưới một danh nghĩa chung là “tác vụ” (dịch vụ: “diakonia”). Ở Chương 6 của sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta thấy các tông đồ đặt ra một nhóm Bảy người để phục vụ việc phân phát lương thực cho các bà góa. Những người này được chọn lựa không chỉ nguyên nhờ hoạt động đắc lực, nhưng còn là những người “đầy thần khí và khôn ngoan” (Cv 6,1-6): công cuộc từ thiện được nhìn như một công tác của Hội Thánh.

Tân ước còn thuật lại những cuộc lạc quyên tại Antiokhia (Cv 11,27-30) và Corinthians (2Cr Chương 8-9) nhằm giúp đỡ giáo đoàn Giêrusalem, mở đường cho tập tục trong Hội Thánh về việc chia sẻ tài sản giữa các tín hữu. Thánh Phaolô đã dành ra hai chương để bàn về vấn đề này. Người coi cuộc lạc quyên như là một diakonia” (2Cr 8,4; 9,1.12t), vừa mang tính cách phục vụ vừa mang tính cách phụng tự, ra như muốn nêu bật ý nghĩa linh thiêng của nó, họa theo tấm gương của Đức Kitô đã lấy cái nghèo của mình để làm cho chúng ta trở nên giàu sang. Thánh Tông đồ cũng đã thu xếp cách tổ chức cuộc lạc quyên này, chỉ định các nhân viên thi hành.

Thư gửi Timoteo cũng gợi ý cho thấy một thành phần khác đặc trách công tác từ thiện trong Hội Thánh là “hàng ngũ các quả phụ” (ordo viduarum). Một đàng, Hội Thánh phải săn sóc các quả phụ; đàng khác, các quả phụ cũng họp thành một đoàn ngũ để thi hành các công cuộc bác ái mà cộng đồng uỷ thác, tựa như: đón tiếp các lữ khách, thăm viếng các gia đình, giúp đỡ những kẻ túng quẫn (1Tm 5,9-10).

Sách Didakhé, một tác phẩm viết vào thời các thánh tông đồ (khoảng năm 70), đã đề ra một quy luật về sự khó nghèo như sau: “Bạn hãy lấy những sản phẩm đầu tiên của vụ hái quả hay gặt lúa, của các đàn bò hay cừu, và trao cho các ngôn sứ bởi vì những người này là các tư tế; nếu mà không có ngôn sứ thì hãy trao cho người nghèo. Nếu bạn làm một tấm bánh thì hãy lấy phần đầu tiên và thi hành quy luật. Cũng vậy, khi bạn mở một chum rượu hoặc dầu, thì hãy lấy phần đầu tiên và trao cho các ngôn sứ. Về tiền bạc, áo quần và tất cả những gì mà bạn sở hữu, thì hãy lấy phần đầu tiên theo như bạn xét, và hãy ban phát hợp với quy luật” (13,3-7).

Một điều đáng ghi nhận ở đây là trong Hội Thánh tiên khởi, hai ý tưởng diakonia”koinonia” liên kết với nhau: nếu thiếu “koinonia” thì sẽ không có “diakonia”, và nếu không có “diakonia” thì cũng chẳng có “koinonia”, cũng tương tự như hai ý tưởng “agap锓ekklesia” liên kết hòa hợp với nhau, như ta thấy trong các thư của thánh Ignatius. Thánh nhân gửi lời chào thăm các “agapé” Smyrna và Ephesians (Ad Trallianos 13,1): Hội Thánh được gọi là “agapé” bởi vì muốn diễn tả tình liên đới, tương trợ trong nội bộ của mỗi giáo đoàn cũng như giữa các giáo đoàn. “Agapé” phát sinh ra “koinonia”“diakonia”: sự hiệp thông, chia sẻ, phục vụ là dấu chỉ cho thấy tình yêu Thiên Chúa sinh động giữa các tín hữu.

Chứng tá về sự chia sẻ tài sản nơi cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã để lại vang âm nơi các văn phẩm tiếp theo thời các tông đồ. Thánh Clemente khẳng định rằng: “Người mạnh hãy chăm sóc kẻ yếu, và kẻ yếu hãy tôn trọng người mạnh; người giàu hãy giúp người nghèo, và người nghèo hãy tạ ơn Chúa vì đã quan phòng cho có người giúp đỡ sự thiếu thốn của mình” (Thư gửi Corinthians 38,2). Sách Mục tử Hermas kêu gọi các tín hữu như thế này: “Bạn hãy dùng sản phẩm do lao công của mình đã được Chúa ban để làm việc từ thiện giúp người nghèo, và đừng quan tâm phân biệt ai là người phải cho và ai là người không nên cho; bạn hãy cho hết tất cả mọi người, bởi vì Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người đều được hưởng nhờ những ơn lộc của Người (Pastor 27,4).

Do ảnh hưởng của cộng đồng Qumran và cộng đồng tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, tác giả “Thư của Barnabé bắt buộc phải để tài sản làm của chung: “Bạn hãy chia sẻ cho người thân cận tất cả những gì mình có, và đừng nói rằng những tài sản ấy là của riêng bạn, bởi vì nếu các bạn thông chia những của cải bất diệt thì các bạn lại càng phải thông chia những của cải tạm bợ biết mấy!… Bạn đừng giống như những người mở rộng tay khi nhận lãnh, nhưng nắm tay lại khi trao ban. Bạn đừng chần chừ khi trao ban, cũng đừng lẩm bẩm khi trao ban, nhưng bạn hãy nhận biết ai là kẻ sẽ trả lại sự đóng góp của bạn” (Thư Barnabé 19,8-11).

Tác giả của lá thư gửi Diognetus lấy việc bắt chước Thiên Chúa làm nền tảng cho việc phân phát. Kẻ nào phân phát những tài sản nhận lãnh bởi Thiên Chúa thì biến thành người bắt chước Thiên Chúa. Thực vậy, việc biến đổi giả thiết lòng ước ao san sẻ, ý chí muốn họa lại lòng quảng đại của Thiên Chúa, là ngọn nguồn của tất cả mọi tài sản: “Bây giờ bạn đã biết Thiên Chúa Cha, bạn hãy nghĩ đến niềm vui sẽ nhận được như thế nào? Bạn sẽ yêu thương thế nào kẻ đã yêu thương bạn trước tiên? Và khi bạn yêu Ngài thì bạn biến thành kẻ bắt chước lòng nhân hậu của Ngài... Lý do là vì hạnh phúc không hệ tại ở chỗ thống trị người khác, cũng không hệ tại ở muốn ở trên những người yếu ớt, cũng không hệ tại ở chỗ làm giàu và đàn áp kẻ túng quẫn. Kẻ nào lãnh nhận vào mình cái gánh nặng của tha nhân; kẻ nào sẵn sàng làm điều tốt cho hạ cấp của mình; kẻ nào giúp đỡ người túng quẫn cũng giống như khi mình nhận lãnh từ Thiên Chúa, thì biến thành Thiên Chúa của những kẻ lãnh nhận từ bàn tay của Ngài, kẻ ấy là người thực sự bắt chước Thiên Chúa” (11,3-6).

II. VIỆC TỔ CHỨC BÁC ÁI VÀO THỜI CÁC GIÁO PHỤ

Vào thời này chúng ta gặp thấy nhiều hình thức tổ chức bác ái dựa theo những quy tắc tiếp nhận từ thời các thánh tông đồ.

1. Từ giữa thế kỷ II, chúng ta đã có những tài liệu về việc lạc quyên vào các ngày chúa nhật, và về những quỹ tiết kiệm được gầy dựng do những việc giữ chay. Đức Giám mục là người quản lý những phương tiện để thực hành bác ái, nghĩa là những món tiền và những kho thực phẩm. Các quỹ được gây dựng bởi những cuộc lạc quyên thông thường và những sự dành dụm vào những ngày giữ chay. Tất cả mọi tín hữu, kể cả những người nghèo, đều góp phần vào “diakonia”. Trong quyển Minh giáo, thánh Justino cho biết như sau: “Những ai có của cải sung túc, và muốn đóng góp thì cứ tự tiện tuỳ theo ý định của mình. Của lạc quyên được trao cho vị chủ toạ (Thánh lễ ngày Chúa Nhật), và ngài trợ giúp những cô nhi quả phụ, những người túng quẫn vì bệnh tật hay vì lý do nào khác, những người bị giam tù, những kẻ ngoại kiều, nói tắt, ngài là kẻ che chở tất cả những ai túng cực” (I Apologia, c. 67). Ngoài ra, trong thời kỳ bắt đạo, một môi trường đặc biệt để thi hành bác ái là thăm viếng các tín hữu bị giam cầm, bị lưu đày, và nếu có thể, góp tiền chuộc họ về.

2. Bước sang thời đại tự do hành đạo kể từ hoàng đế Constantine, Chính quyền Rôma tài trợ cho Hội Thánh nhiều phương tiện để thi hành công tác xã hội, nhờ vậy các Giám mục cũng mở rộng các tổ chức bác ái. Thánh Basilius, vừa khi được bổ nhiệm Giám mục Caesarea đã thiết lập một cơ sở mà hồi thế kỷ V được người ta gọi là Basileide. Lúc đầu nó gồm vài nhà trọ dành để tiếp đón những lữ khách và những kẻ vô gia cư; về sau, nó phát triển thành một thị trấn đến nỗi xê dịch luôn cả trung tâm hoạt động của thành phố. Vị Giám mục đã phân trần với quan tổng đốc về việc khai triển cơ sở với những lời lẽ thế này: “Khi xây cất nhà cửa cho những lữ khách, những kẻ không cửa không nhà, những kẻ túng quẫn, thì chúng tôi đâu có làm thiệt hại cho ai? Cần phải thiết lập những đồ cần thiết để chăm sóc họ, các y tá, bác sĩ. Rồi cần phải có những điều cần thiết để sống xứng đáng; ngoài ra, còn phải làm những căn nhà để làm việc. Tất cả những điều này sẽ mang lại sự tiến bộ cho địa phương, và sự hãnh diện cho quan tổng đốc, bởi vì ông sẽ nhận được những lời ca ngợi” (Thư số 94).

3. Một trong những định chế vẫn còn được duy trì cho đến thời Tiền-Trung-cổ là “đăng ký” các người nghèo. Ra đời bên Ai Cập hồi thế kỷ IV, lúc đầu nó mang hình thức của một sở từ thiện, và được mang tên là “diakonia”. Thể chế này được các đan viện du nhập sang Tây phương. Tại Phi châu và Italia, vào thế kỷ V, danh từ “diakonia” tiếng Hy Lạp được chuyển sang tiếng Latin là matricula, nghĩa là sổ bộ, danh sách. Các Giáo Hoàng Leo Cả và Gelasius đã tổ chức lại cơ chế ở Rôma, và sau đó, định chế này lan rộng sang các thành phố bên Gallia (Pháp) vào thế kỷ VI. Cơ quan này chăm sóc những người nghèo không có công ăn việc làm, những phụ nữ không nơi nương tựa, nhất là những quả phụ. Những danh sách còn lưu lại cho ta một ý tưởng về số người được chăm sóc: 40 người ở nhà thờ chánh toà Autun và Reims, 726 ở Metz, bao gồm tất cả những người nghèo sống tại thành phố và ngoại ô. Những người nghèo ấy được gọi là “những kẻ nghèo của Chúa Kitô”. Họ trú ngụ ở các nhà gọi là matricula hoặc mansio pauperum, và họ được mang danh là những matriculari.[4] Hội Thánh cung cấp cho họ nơi ở, lương thực và quần áo. Các tín hữu cũng giúp đỡ họ. Những người matriculari trở thành một yếu tố quan trọng trong việc chọn lựa các Giám mục, bởi vì một tiêu chuẩn đặt ra là ứng viên phải có những nguồn để nâng đỡ các cơ sở ấy. Nhân dân đã biết rõ điều đó cho nên họ thường ủng hộ những người giàu và quảng đại. Khi vua Charles Martel muốn can thiệp vào các cuộc bầu Giám mục và đưa những người thuộc phe của ông, thì dân đã đặt tên cho ông là “tên ăn trộm của cải người nghèo”, bởi vì ông đưa ra những ứng viên không quan tâm đến dân nghèo.

4. Nhiều Giám mục, qua lời giảng hay bài viết, đã gây lên một ý thức xã hội, và cổ động những người giàu hãy giúp đỡ người nghèo, thậm chí đôi khi các ngài còn chỉ trích tâm hồn chai đá hoặc thói xa xỉ của các phú hộ. Đó là trường hợp của các thánh Hieronymus, Basilius Cả, Gioan Kim khẩu, Ephrem, Ambrosius. Các vị này cũng nổi tiếng trong việc tổ chức những hoạt động bác ái, tựa như thánh Gioan Kim khẩu, qua những viện mồ côi, trại tị nạn, đã trợ giúp đến khoảng 5000 người tại thủ đô Constantinopolis. Thánh Gioan Kim khẩu đã đặt vấn đề về nguồn gốc tài sản. Ngài chấp nhận rằng những tài sản kiếm được do lao động và chăn nuôi là điều lương thiện. Xưa khi tổ phụ Giacob đã gây dựng tài sản nhờ công lao khó nhọc. Tổ phụAbraham đã được Thiên Chúa trực tiếp ban cho của cải dồi dào. Tuy nhiên, lắm lần việc tích lũy tài sản bắt nguồn từ sự bất chính. Thực vậy, vào buổi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất cho tất cả mọi người. Ngày nay, một thiểu số sở hữu tài sản khổng lồ đang khi những người khác không có gì hết; điều này không thể chấp nhận được. Đức Giám mục Constantinopolis đã lên án những khối tài sản khổng lồ thành hình do sự bất chính, bởi lẽ đã cướp lấy đất đai của người nghèo, tước đoạt những mảnh đất đai của họ. Dù sao ngài lên án những tài sản bắt nguồn do việc cướp của, chứ không chỉ trích những tài sản thủ đắc do phúc lành của Thiên Chúa.

Đàng khác, dựa theo đường lối thực hành lạc quyên của thánh Phaolô, thánh Gioan Kim khẩu đề xuất một phương tiện hữu hiệu để chia sẻ tài sản cho người nghèo là lập ra những quỹ dành cho người nghèo.[5] Quỹ này có thể đặt ngay tại chỗ cầu nguyện, để các tín hữu vào nhà thờ cầu nguyện, thì trước hết họ hãy làm việc bác ái cho người nghèo rồi sau đó mới dâng lên Chúa lời cầu nguyện (Hom. super 1 Cor. 43,4).

5. Những bệnh viện của Kitô giáo đã ra đời rất sớm. Có lẽ thánh nữ Henena (k.242-329), thái hậu của hoàng đế Constantine, đã cất các bệnh viện đầu tiên dành cho những kẻ hành hương sang Giêrusalem. Những bệnh viện có chứng cớ chắc chắn hơn được cất vào thế kỷ IV: bệnh viện của thánh Ephrem tại Edesa gồm 300 giường dành cho người bị dịch hạch, bệnh viện của bà mệnh phụ Fabiola và nghị sĩ Panmaquin ở Rôma. Bên các giáo hội Đông phương, nổi tiếng hơn cả là những xenodokia, bệnh viện dành cho nhiều hạng người, được cất bên cạnh các đan viện thánh Basilius. Trên đây chúng ta đã nói lên việc ngài cất các “basileide” lúc còn sinh tiền.

6. Một đóng góp quan trọng của Kitô giáo vào việc cải tổ xã hội là việc du nhập tinh thần bác ái vào Bộ luật Rôma. Hoàng đế Constantine đã ban hành nhiều quy định về việc giúp đỡ các quả phụ. Tuy nhiên khi hoàng đế Theodosius ban hành Bộ Dân luật Rôma, thì ông đã xác nhận rằng Nhà Nước có nghĩa vụ nâng đỡ Hội Thánh trong công tác xã hội. Ông cũng quy định rằng hằng tuần các Giám mục phải thăm viếng các nhà tù, và đảm bảo cho các tù nhân được đối xử nhân đạo cũng như được nhận lãnh các trợ giúp tinh thần.

Tóm lại, ảnh hưởng của các Giám mục đối với các công tác xã hội trong Đế quốc Rôma rất rõ rệt. Khi hoàng đế Juliano lên ngôi, ông muốn hồi phục tôn giáo cổ truyền. Nhằm thực hiện ý định này, ông thiết lập một hàng giáo phẩm để chuyên lo công cuộc bác ái tại các quán trọ dành cho lữ khách và người hành khất, giống như tổ chức của Hội Thánh Công Giáo, bởi vì ông nghĩ đó là biện pháp hữu hiệu để thắng cuộc trong cuộc cạnh tranh.[6]

III. THỜI TRUNG CỔ

Chúng tôi không muốn dài dòng về công tác xã hội của các đan sĩ Benedict. Ngoài việc tiếp đón các lữ khách, các đan viện còn là trung tâm huấn nghệ cho dân làng về xây cất và trồng trọt.[7] Chúng tôi cũng bỏ qua những lời giảng của các mục tử về nghĩa vụ thực hành bác ái đối với người nghèo,[8] và chỉ ghi nhận vài hình thức nổi bật của hoạt động bác ái của Hội Thánh vào thời này.

1. Hình thức thực hành bác ái điển hình nhất là các bệnh viện,[9] được cất lên ở tất cả mọi thành phố. Vào thời ấy, tiên vàn bệnh viện là nơi đón tiếp bệnh nhân, hơn là nơi chữa trị (nhiều nơi không có y sĩ). Các bệnh viện mang chiều cỡ từ nhỏ đến lớn: nhỏ nhất thì chỉ có một hai phòng (mỗi phòng hai giường); cỡ trung bình là ba mươi phòng. Đặc trưng của bệnh viện thời Trung cổ là những toà nhà cất liền với thánh đường: các phòng bệnh nhân được đặt ngay bên trong lòng nhà thờ, nhờ vậy người bệnh có thể tham dự Thánh lễ hoặc kinh nguyện trên giường của mình. Khi bệnh tình trở nên nguy kịch, thì người bệnh được ban bí tích xức dầu. Khi qua đời, họ được an táng theo phụng vụ.

Quan niệm về bệnh viện thời đó chú trọng đến mặt tinh thần hơn là mặt y khoa. Trong khung cảnh đó, nhiều “hiệp hội” giáo dân đã ra đời để phục vụ người bệnh. Các thành viên tuân giữ kỷ luật tu trì, xen lẫn việc cầu nguyện với việc chăm sóc bệnh nhân. Đó là nguồn gốc của những “Dòng Bệnh viện” (Ordres hospitaliers) vào thế kỷ XII: Dòng thánh Gioan ở Giêrusalem (1090), Dòng Teutonico (1190), nhằm giúp đỡ các khách hành hương bên Thánh địa. Về sau, do hoàn cảnh thời thế, các Dòng này mang thêm tính cách quân sự (Ordres militaires, chevaliers).

2. Một hoạt động bác ái nữa là xây cất các cầu. Việc xây dựng và bảo trì các cầu được coi như một hình thức công tác xã hội cộng thêm ý nghĩa tôn giáo (bảo đảm giao thông an toàn cho khách hành hương). Các hiệp hội xây cầu (fratres pontifices) được thành lập với cơ cấu giống như Dòng tu. Các hội viên không những chứng tỏ tinh thần phục vụ nhưng còn bày tỏ tinh thần huynh đệ liên đới. Bên Pháp, hai tổ chức “xây cầu” điển hình được lập do thánh Benezet hay Benoit Hermillon (+1184) và thánh Raymond Gayard (1118).

3. Các Dòng tu giải phóng các nô lệ: các tu sĩ tình nguyện đi viếng thăm và giải thoát các Kitô hữu bị Hồi giáo bắt làm nô lệ, kể cả bằng cách bán mình để chuộc các người đó. Hai Dòng được lập bên Tây Ban Nha là Dòng Chúa Ba Ngôi (thánh Gioan de Mata 1160-1213, và Felix de Valois 1127-1212) và Dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi (thánh Phêrô Nolascô + 1256).

4. Monti di Pietà (dịch sát nghĩa đen la “Núi Đạo Đức”). Đây là một tổ chức ra đời bên Italia vào thế kỷ XV (bắt đầu ở Perugia năm 1672). Thời ấy, luân lý Công Giáo cấm cho vay tiền lấy lời, vì thế các tổ chức cho vay nằm trong tay người Do Thái với lãi xuất cắt cổ. Hậu quả là người Kitô hữu đâm ra thù ghét người Do Thái, và nhiều thương gia Kitô giáo bị khánh tận vì vỡ nợ. Để đương đầu với tai ương đó, cha Marco Strozzi, Dòng Phanxicô, đứng ra tổ chức các “núi” (monte, theo nghĩa là: gom góp, thu tích vốn) để giúp đỡ những người cần tiền, bắt đầu là các nông dân cần vay tiền để trồng trọt và hoàn nợ sau vụ gặt. Lúc đầu ý tưởng này gặp nhiều chống đối, kể cả trong hàng ngũ Giáo Hội, nhưng sau đó đã được Công Đồng Lateran V (năm 1515) ủng hộ. Tổ chức này phát triển cực thịnh tại châu Âu trong thế kỷ XVII, và vẫn tồn tại ở vài quốc gia châu Âu (chẳng hạn như tiệm cầm đồ Mont-de-piété tại Bruxelles, thành lập năm 1618). Tổ chức này được nhắc đến ở số 65 của Thông điệp Caritas in veritate.

5. Các hiệp hội giáo dân. Trong bầu khí của việc tự do lập hội ở thời Trung cổ, nhiều hiệp hội giáo dân được thành lập để giúp nhau sống đạo. Ngoài những hiệp hội cỗ võ các việc đạo đức thờphượng, cũng có nhiều hiệp hội dấn thân vào công tác xã hội, tựa như: giúp đỡ những người hấp hối, an táng người chết; cứu trợ các bệnh nhân, nâng đỡ các quả phụ, chuộc các người nô lệ,…[10] Nhiều hiệp hội vẫn hoạt động cho đến ngày nay.

Trước khi kết thúc thời Trung cổ, thiết tưởng nên nhắc đến một định chế mang tính cách chính trị, đó là chế độ “hưu chiến” (Pax Domini, Tréve de Dieu) do các giáo sĩ đề xướng từ thế kỷ XI.[11] Đứng trước tình cảnh nội chiến tương tàn giữa các lãnh chúa, Giáo Hội yêu cầu và áp đặt chế độ hưu chiến về không gian và thời gian. Xét về không gian, các thánh đường và tu viện là nơi bất khả xâm phạm (cũng tương tự như quyền tị nạn chính trị tại các tòa Đại sứ hiện nay). Xét về thời gian, phải đình chỉ các cuộc giao tranh vào ngày Chúa Nhật, Lễ Trọng (để cho các tín hữu có thể tuân hành luật buộc đi lễ), và vào vài mùa phụng vụ (mùa Chay, mùa Phục sinh, mùa Vọng, mùa Giáng sinh). Đề nghị của Giáo Hội được thực thi nhờ sự ủng hộ của các nhà cầm quyền dân sự, cũng như nhờ chính những hình phạt giáo luật dành cho kẻ vi phạm (vạ tuyệt thông).

IV. THỜI CẬN ĐẠI

Vài điểm nổi bật:

1. Việc chăm sóc các bệnh nhân

Các bệnh viện được tổ chức quy mô hơn, để đáp ứng những nhu cầu của người nghèo, vào thời buổi còn thiếu các cơ sở y tế của Nhà Nước. Trong lãnh vực này, hai Dòng tu nổi tiếng được thành lập vào thế kỷ XVI: đó là Dòng Bệnh Viện do thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), và Dòng Phục Vụ Các Bệnh Nhân do thánh Camillo de Lelis (1550-1614) thành lập.

Cũng trong chiều hướng ấy, sang thế kỷ XVII, thánh Vincente Phaolô (1581-1660) cùng với thánh Louise de Marillac (1591- 1660) lập Dòng Nữ Tử Bác Ái (1633), thăm viếng người nghèo, giúp đỡ các trẻ mồ côi, mở lớp cho các thiếu nhi thất học, huấn nghệ.

2. Những công tác bác ái xã hội ở Mỹ châu

Sau cuộc khám phá lục địa mới, nhiều đoàn người từ châu Âu sang khai thác đất đai. Các nhà truyền giáo cũng sang đây truyền giáo. Một cuộc tranh luận thần học đã sớm bùng nổ khi cha Bartolomé de las Casas O.P. (1474-1566) tố cáo các địa chủ Tây Ban Nha bóc lột người bản xứ. Đây là khởi điểm cho những cuộc suy tư về những quyền lợi tự nhiên của những người ngoại giáo. Dù sao bên cạnh những cuộc bảo vệ thổ dân về phương diện pháp lý, các nhà truyền giáo còn thiết lập các cơ sở để huấn luyện thổ dân về nhân bản và tôn giáo.[12]

3. Những trào lưu tục hóa

Cuộc cách mạng Pháp đã giải tán các Dòng tu.[13] Nhà Nước nắm giữ các cơ sở bác ái từ thiện của Hội Thánh. Đồng thời, các triết gia bắt đầu xét lại vấn đề sự hiện diện của người nghèo. Trước đây, các nhà giảng thuyết Kitô giáo trình bày người nghèo như là biểu tượng của Đức Kitô; sự hiện diện của người nghèo là cơ hội cho các tín hữu thực thi đức bác ái. Bây giờ, người ta coi những người nghèo và những người hành khất như là kẻ ăn hại, không ích lợi gì cho xã hội. Nhà Nước phải tìm cách giải quyết tệ nạn các người nghèo.

V. THẾ KỶ XIX-XX

Tiếc rằng lý tưởng cách mạng xã hội bên Pháp không đuổi kịp tình trạng mới gây ra bởi cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi xướng từ Anh quốc và lan sang nước Pháp và Đức từ thế kỷ XIX.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã khiến cho hàng loạt tá điền rời bỏ thôn quê để kiếm việc làm trong các công xưởng. Các chủ nhân có cơ hội khai thác sức lao động của những người đang cần việc làm, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, dựa theo luật cung cầu của thị trường tự do: các thợ thuyền làm việc quần quật nhưng chỉ nhận được đồng lương bèo, và không có gì bảo đảm an sinh. Trong bối cảnh này, phong trào công nhân ra đời để chống lại cảnh bóc lột của giới tư bản. Cũng trong bối cảnh ấy, thuyết Marxism đã chỉ trích các công cuộc bác ái từ thiện của các ông chủ cũng như của bất cứ ai (trong đó có Hội Thánh Công Giáo). Phần nào Karl Marx có lý khi đòi hỏi các chủ nhân hãy tôn trọng nghĩa vụ công bằng đối với thợ thuyền, thay vì phô trương những hành vi bác ái từ thiện.[14]

Tình trạng này đã làm đảo lộn quan điểm cổ truyền về các công cuộc bác ái của Hội Thánh; đồng thời nó cũng đặt lên nghĩa vụ của Nhà Nước trong việc cung ứng với những nhu cầu căn bản của người dân. Dần dần, nhiều đạo luật đã được ban hành, thúc đẩy Nhà Nước phải tổ chức những cơ sở giáo dục (trường học), y tế cho nhân dân. Dầu vậy, Giáo Hội không kết thúc các hoạt động bác ái xã hội của mình.

1. Học Thuyết của Giáo Hội

Ở một mức độ học thuyết, các Đức Giáo Hoàng đã viết các thông điệp xã hội để trình bày những yêu sách của công bằng trong hoàn cảnh mới. Người ta thường lấy Thông điệp Rerumnovarum của Đức Giáo Hoàng Leo XIII (ngày 15/5/1891) như mở đầu cho giáo huấn xã hội của các Giáo Hoàng, được tiếp tục qua Thông điệp Quadragesimo anno  của Đức Giáo Hoàng Pius XI, các Sứ điệp truyền thanh của Đức Giáo Hoàng Pius XII, hai Thông điệp Mater et Magistra Pacem in terris của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Thực ra, các thông điệp xã hội đã được chuẩn bị bởi những sách vở, hội thảo, đây đó do các giáo sĩ và giáo dân tổ chức, để suy nghĩ về những chiều kích mới mẻ của xã hội. Chúng ta có thể trưng dẫn vài nhân vật điển hình: linh mục F. R. Lamennais (1782-1854), Hồng y Manning bên Anh Quốc và Hồng y Gibbons bên Hoa Kỳ, các giáo dân và giáo sĩ ở Fribourg (Thụy Sĩ). Đó là chưa kể những nhà giảng thuyết đã mạnh dạn tố cáo tình trạng bất công trong việc đối xử các công nhân, chẳng hạn Đức Cha Wilhelm Emmanuel von Ketteler (1811-1877), Giám mục Mainz bên Đức.

Mặt khác, nên biết là có một sự tiến triển về tư tưởng trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Một đàng, các đề tài được mở rộng thêm, chẳng hạn như: vấn đề chiến tranh và hòa bình thế giới, bảo vệ môi sinh. Đàng khác, có sự thay đổi về quan điểm dựa theo những biến chuyển kinh tế chính trị của thời đại, chẳng hạn như: các công nhân ngày nay đã tham gia vào việc quản trị doanh nghiệp, Nhà Nước đã can thiệp vào các hoạt động kinh tế,… Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này khi phân tích Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công Đồng Vatican II, và các thông điệp xã hội được ban hành sau Công Đồng (Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II).

2. Hiện thực học thuyết

Trên bình diện thực hành, các Kitô hữu không ngừng sáng tạo những tổ chức để đáp ứng với tình thế mới.

Đứng đầu là các vị sáng lập các Dòng tu. Rất nhiều Dòng (đặc biệt là Dòng nữ) đã ra đời vào thế kỷ XIX để phụ trách các công tác bác ái xã hội, đặc biệt là giúp đỡ những người nghèo, những người bệnh, hoặc lo việc giáo dục các trẻ em, khi mà Nhà Nước chưa có những bệnh viện, trường học đầy đủ. Các Dòng tu này có thể mang tầm kích hoạt động nhỏ bé trong một Giáo phận, nhưng cũng có thể bành trướng hoạt động khắp thế giới, chẳng hạn như hai Hội Dòng của thánh Gioan Bosco: các cha Salésiens (1859) và các nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ (1874).

Kế đến là các dạng thức mới của tông đồ xã hội. Bên Đức, cha A. Kolping (1813-1865) xây dựng những cư xá dành cho các công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ. Bên Pháp, ông Antoine-Frédéric Ozanam (1813-1853) tổ chức những cơ quan từ thiện để giúp người nghèo ngay tại gia đình của họ, theo tinh thần thánh Vincente Phaolô, đồng thời ông cũng tham gia vào chính trị để tranh đấu cho người nghèo.

3. Thế kỷ XX

Trong giai đoạn này nảy sinh phong trào “linh mục thợ” gồm những linh mục muốn chia sẻ đời sống nghèo của giới lao động kể cả trong những cuộc đấu tranh của họ. Vào giữa thế kỷ, trước nhiều căng thẳng mang tính chính trị, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã ra lệnh cho các linh mục trở về với công tác mục vụ cổ truyền (năm 1953); tuy nhiên, Công Đồng Vatican II lại mở một cánh cửa cho phong trào này qua Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 8.

Một hình thức hiện diện khác của Giáo Hội với giới lao động là phong trào Thanh Lao Công (Jeunesse Ouvrière Chrétienne), do linh mục Joseph Cardijn thành lập bên Bỉ năm 1924 và P. Tiberghien bên Pháp năm 1926.

Tuy không trở thành phong trào, nhưng những tấm gương hiện diện hoặc phục vụ người nghèo của cha Charles de Foucaud, Abbé Pierre, Mẹ Therèsa Calcutta, đã khơi gợi lên trong lòng các tín hữu mối quan tâm đến người nghèo.

“Lòng ưu ái dành cho người nghèo” trở thành khẩu hiệu hoạt động đặc biệt của nhiều Giám mục và tu sĩ ở châu Mỹ Latin sau Công Đồng Vatican II.[15] “Thần học giải phóng” đã muốn đưa những tư tưởng này vào kế hoạch cải tổ xã hội tại đại lục này. Hiện tượng nghèo đói cần được giải quyết tận cội nguồn, vạch ra những nguyên nhân gây ra sự chênh lệch giàu nghèo.

Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, vấn đề “giàunghèo” không chỉ được đặt ra trong tương quan giữa “địa chủ – tá điền”, “chủ – thợ”, “tư bản – vô sản” trong một quốc gia, nhưng mở rộng đến tương quan giữa các quốc gia: “thế giới thứ nhất thứ ba”, quốc gia Bắc Bán cầu Nam bán cầu”.

Trong bối cảnh mới, các thông điệp xã hội hướng đề cập đến sự phát triển các dân tộc, mà khởi đầu với Thông điệp Populorum progressio của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1967, và mới nhất là Thông điệp Laudato si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2015.

Trong lãnh vực hoạt động, nhiều cơ quan bác ái hoặc tương trợ được thành lập mang tầm cỡ liên lục địa. Tổ chức Caritas Internationalis là một thí dụ điển hình: từ những cơ quan quốc gia (thành lập bên Đức năm 1897, Thụy Sĩ năm 1901, Hoa Kỳ năm 1910) kết hợp thành cơ quan quốc tế năm 1951 với 13 quốc gia (hiện nay lên tới 164).

KẾT LUẬN

Trong bài này, chúng tôi chỉ lướt qua một vài hình thức chính của những hoạt động bác ái mà Giáo Hội trải qua theo dòng thời gian. Mỗi thời đại có những thách đố mới, đòi hỏi phải đáp ứng với những sáng kiến mới.

1. Đàng sau những “nhu cầu” thời đại, thiết tưởng không nên bỏ qua sự thay đổi quan niệm về người nghèo trải qua lịch sử:

– Có thời mà người nghèo tượng trưng cho thành phần khiêm tốn, hoàn toàn nương tựa vào Thiên Chúa (phong trào “những người nghèo của Giavê” vào cuối thời Cựu ước).

– Có thời mà người nghèo tượng trưng cho chính Chúa Kitô: ai giúp đỡ người nghèo là giúp đỡ chính Đức Giêsu (dựa theo Tin Mừng MatthewChương 25).

– Có thời mà người nghèo bị coi xem như hạng người ăn bám xã hội, những người lang thang lười biếng, không chịu làm việc (Người nghèo là một vết nhơ xã hội, cần phải diệt trừ).

– Có thời mà người nghèo bị coi như nạn nhân của sự bóc lột của người giàu. Vì thế phải hủy diệt giới tư sản để giải phóng người nghèo.

– Có thời mà sự nghèo không chỉ giới hạn vào lãnh vực kinh tế, nhưng còn mở rộng sang các lãnh vực khác nữa. Tông thư Novo millennio ineunte số 50 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mô tả những hình thức mới của nạn nghèo.

2. Bài này giới hạn vào sự can thiệp của Hội Thánh tại châu Âu, một đại lục “Kitô giáo” (kể từ thế kỷ IV). Vai trò của Hội Thánh cũng thay đổi qua dòng lịch sử:

– Hội Thánh cảm thấy mình có nghĩa vụ phải chăm sóc người nghèo dưới mọi hình thức. Nghĩa vụ trước tiên là của các Giám mục, những người lãnh đạo Hội Thánh.

– Vào thời cận đại, việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là một công cuộc bác ái, nhưng còn là một bổn phận công bằng. Nhà Nước có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ cơ bản cho người dân. Sự can thiệp của Giáo Hội (qua các Dòng tu, các đoàn thể tự nguyện) giữ vai trò “bổ khuyết”.

– Ngày nay, trong việc giúp đỡ người nghèo (dưới nhiều hình thức), cần phải nhìn nhận sự đóng góp của các Giáo Hội ngoài Công Giáo (thí dụ các cơ quan của Giáo Hội Tin Lành), các tổ chức phi-chính phủ, các hội thiện nguyện. Trong bối cảnh này, Thông điệp Deus caritas est, số 30-31, lưu ý đến việc nêu bật căn tính Kitô giáo giữa những cơ quan từ thiện bác ái khác.

***

THƯ TỊCH

 

– Léon Lallemand, Histoire de la charité, 4 v., Alphonse Picard éd., Paris 1902-1912.

– Mario Scaduto, “Charity, Works of”, in: New CatholicEncyclopedia, Vol III, New York 1967, pp. 480-497.

– Santiago Cantera Montenegro, Historia breve de la caridady de la acción social de la Iglesia,Vozdepapel, Madrid, 2005.

 

 

 

 


[1]Linh mục Antoni Esteve I Sera, Diaconia de la caridad cristiana (Una aproximación teologica pastoral), Caritas diocesana de Orihuela-Alicante, cap. 2. “La tradición eclesial de la caridad institucional”, tại địa chỉ internet: www.caritasoa.org/Documentos/teoypastoral.pdf.

[2]Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 20.

[3]Những văn bản của Tân ước cho thấy rằng, sự phân biệt giữa người giàu với người nghèo vẫn tồn tại, tới mức độ sinh gương mù (xc. 1Cr 11,18-22; Gc 2,1­9). Việc thay đổi não trạng đòi hỏi thời gian. Mặt khác, thánh Phaolô không lên tiếng đòi hủy bỏ chế độ nô lệ, nhưng ngài khuyên ông Philemon đã đối xử với Onèsimo như một người anh em.

[4]Việc “đăng ký” những người nghèo không những giúp các nhà chức trách nắm được tình hình trong địa phận của mình, nhưng còn tạo ra sự “ổn định” cho các người nghèo, tránh cảnh đi từ nơi này sang nơi khác để xin bố thí.

[5]Ở đâychúng ta nóiđến những người nghèo dosốphận“bất đắcdĩ”,chứkhông nói đến nhữngngười nghèo “tự nguyện”, điển hình theo noi phong trào các đan sĩ phát triển từ thế kỷ IV.

[6]Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 24.

[7]Vai trò của các đan viện trong Giáo Hội vào thời Trung cổ mang cả bộ mặt tích cực và tiêu cực.Tích cực: đan viện là nơi tiếp đón các lữ khách, những kẻ vô gia cư, cách riêng trong thời buổi loạn lạc. Tiêu cực: đan viện sở hữu nhiều tài sản, và trở thành trung tâm quyền lực. Những cuộc canh tân Giáo Hội vào thế kỷ XII-XIII muốn đưa các tu sĩ trở về nếp sống khó nghèo nguyên thủy cả trên bình diện cá nhân lẫn trên bình diện cộng đoàn.

[8]Chẳng hạn như: thánh Bernardin Siena O.F.M.; cha Savonarola O.P.; thánh Antonino O.P., Giám mục Firenze.

[9]Trong tiếng Việt, “bệnh viện” là nơi để điều trị bệnh tật. Tiếng Pháp hôpital bắt nguồn từ tiếng Latin hospitaliscó nghĩa là nơi đón tiếp khác (hospes),từ đó có nhân đức hospitalitas(hiếu khách). Vết tích của nó còn duy trì trong tiếng Pháp Hôtel-Dieu (bệnh viện lớn nhất lại Paris, gần Nhà Thờ Đức Bà): hôtel là nơi dành cho khách (hôte, khách sạn); các bệnh nhân là khách của Chúa!.

[10]Từ thế kỷ XII, các sách giáo lý đã liệt kê 14 mối thương người (7 mối thương xác và 7 mối thương linh hồn). Các hiệp hội được thành lập để thực hành các nghĩa vụ ấy.

[11]Lần đầu tiên Sacramentum pacisđược nói đến là công nghị Elna năm 1021, rồi đến Tolouges (gần Perpignan) năm 1027, ở mạn Nam nước Pháp.

[12]Chẳng hạn các “reducciones” của Dòng Tên ở Paraguay (một thứ “hợp tác xã tự trị” dành cho các thổ dân, tránh cảnh bóc lột của các điền chủ Tây Ban Nha); hoặc các làng xã dành cho người da đỏ của Junipero Serra ở miền đất California ngày nay.

[13]Nghị quyết của Quốc Hội lập hiến năm 1790.

[14] Xc. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngày 25-12-2005, số 26.

[15]Đại Hội các Giám mục châu Mỹ Latin họp tại Medellin (1968), Puebla(1979).