Trần Văn Thiên lược dịch và tổng hợp theo
Rekha Chennattu, RA,
“Women in the Mission of the Church – An Interpretation of John 4,” https://sedosmission.org/old/eng/chennattu.htm
Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu về giới đồng quan điểm rằng người phụ nữ đã từng không được xem trọng và không được trao cho những vị trí quan trọng trong xã hội và ngay cả trong Giáo hội. Điều này được thể hiện ngay trong cách giải thích Kinh thánh của không ít các nhà chú giải, hay trong quan điểm thần học cũng như trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Đứng trước thực trạng này, chúng ta được mời gọi trở về nguồn Kinh thánh để xem xét lại vị trí của người phụ nữ cách thận trọng hơn.
Tin mừng Gioan trình bày hình ảnh người phụ nữ cách tích cực và họ có những vai trò quan trọng. Mặc dù hình ảnh người phụ nữ cũng được trình bày nhiều trong Tin mừng Nhất lãm, song nhiều trình thuật liên quan đến người phụ nữ chỉ được tìm thấy trong Tin mừng Gioan mà thôi. Chúng ta có thể lấy ra một số như: Thánh mẫu Đức Giêsu trong tiệc cưới Cana (2,1-11); người phụ nữ Samari trong chương 4; người phụ nữ ngoại tình (8,1-11); hai chị em Macta và Maria xin Đức Giêsu cứu giúp Lazarô rồi sau đó diễn tả niềm tin vào Người (11,1-45); Maria Bethania dùng dầu thơm xức chân Chúa trong chương 12,1-8; Đức Maria và những người phụ nữ khác đứng dưới chân Thập giá (19,25b-27); Maria Madalena thấy ngôi mộ trống và loan báo cho các môn đệ (20,1-2) và cũng chính bà là người đầu tiên gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Bên cạnh những phụ nữ kể trên, chúng ta còn thấy dáng dấp hình ảnh người phụ nữ trong thắc mắc của ông Nicôđêmô (3,4: trở về lòng mẹ để sinh lần hai), cha mẹ của anh mù trong 9,18-23,…
Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết, chúng tôi chỉ tập trung vào hình ảnh người phụ nữ Samari trong chương 4. Trong câu truyện này, thánh sử đã cho người phụ nữ trở thành nhân vật chính. Đây là một trong số ít những đoạn Tin mừng mà người phụ nữ được ca ngợi cách rõ ràng bởi chính Đức Giêsu. Câu truyện người phụ nữ Samari trong chương 4 không chỉ phản ánh thực tại văn hóa xã hội trong cộng đoàn Gioan mà còn báo trước những ý tưởng về xã hội hiện đại, trong việc nêu lên những gợi hứng và dấn thân cho sứ vụ của Giáo hội. Mẫu gương người phụ nữ Samari, một người phụ nữ đối thoại đầy sáng tạo và đầy tính phê bình với Đức Giêsu, người đã tích cực tham gia vào sứ vụ tông đồ, có thể trở thành khuôn mẫu cho người phụ nữ hiện đại.
1. Cộng đoàn Gioan
Tin mừng Gioan phản ánh lịch sử thần học và những mối bận tâm về xã hội học của cộng đoàn Gioan đương thời. Thánh sử đã tái giải thích các truyền thống của Đức Giêsu trong ánh sáng và hoàn cảnh sống của cộng đoàn. Cho dù câu truyện người phụ nữ Samari được viết cách khôn khéo với những bối cảnh tự nhiên, song nhiều nhà lịch sử và nhà chú giải lại tỏ ra nghi vấn về tính xác thực về mặt lịch sử trong sứ vụ của Đức Giêsu ở đây.[1] Nhìn chung các nhà phê bình đồng thuận rằng câu truyện này có bối cảnh trong lịch sử cộng đoàn Gioan hơn là trong sứ vụ trần thế của Đức Giêsu.[2] Câu truyện được hình thành trên nền tảng sứ vụ đã thực sự diễn ra trong cộng đoàn Gioan ở Samari sau lễ Ngũ Tuần. Sứ vụ của cộng đoàn Gioan ở Samari được soi chiếu bởi sứ vụ của Đức Giêsu. Hoạt động sứ vụ ấy đã tạo ra những căng thẳng trong cộng đoàn do chính cộng đoàn này, cơ bản, được hình thành bởi những người Do Thái trở lại. Qua câu truyện người phụ nữ Samari, thánh Gioan tông đồ muốn trình bày sứ điệp Giáo hội sẽ phá tan những rào cản lạc hậu của Do Thái giáo, và Kitô giáo không thể chỉ gói gọn trong cái khung của Do Thái giáo.[3] Thánh sử đã thực hiện điều này bằng cách gán cho sự trở lại của những người Samari là do lời rao giảng của chính Đức Giêsu chứ không phải các môn đệ của Người. Gioan đã cố gắng hợp thức hóa sứ vụ của người Samari và tạo ra sự bình đẳng giữa những người Kitô giáo gốc Do Thái và người Kitô giáo gốc Samari. Quả thế, câu truyện là một cuộc bút chiến đối với những ai phản đối sứ vụ của những Kitô hữu gốc Samari.[4] Nói cách khác mục đích cơ bản của câu truyện vừa mang tính nguyên nhân vừa mang tính Tin mừng. Mang tính nguyên nhân vì nó giải thích tại sao người Samari trở thành một phần không thể thiếu trong cộng đoàn Kitô giáo, mang tính Tin mừng là do nó khuyến khích những người Samari khác đón nhận Kitô giáo bằng cách theo khuôn mẫu những người Samari đến từ Xykha.[5]
Tuy nhiên, câu truyện người phụ nữ Samari còn biểu lộ một điều gì đó hơn là chỉ cho thấy một sự hợp thức hóa sứ vụ của người Samari. Câu truyện là một trong những đoạn hiếm gặp trong các sách Tin mừng mà vấn đề người phụ nữ lại được nêu cách rõ ràng (Ga 4, 9-27). Chẳng thế tác giả đã không để người phụ nữ thành nhân vật chính trong câu truyện. Câu hỏi đặt ra là hoàn cảnh nào dẫn đến việc tác giả chọn một người phụ nữ làm nhân vật chính của câu truyện ? Tại sao cộng đoàn Gioan lại giữ gìn và đón nhân câu truyện như một phần của Kinh thánh ? Có lẽ sẽ là hợp lý khi cho rằng có những người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cộng đoàn và tác giả muốn chân nhận và hợp thức hóa vai trò của họ bằng cách gán cho họ được đề cao bởi chính Đức Giêsu.
Hình ảnh các môn đệ ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu trò chuyện với người phụ nữ trong câu 27 cho chúng ta hiểu rõ hơn tại sao tác giả đã chọn người phụ nữ làm nhân vật chính và tại sao cộng đoàn lại lưu giữ câu truyện này. Sự ngạc nhiên, thậm chí thắc mắc của các môn đệ trong câu 27 cho thấy một sự kháng cự của nam giới đối với sự tham gia của người phụ nữ trong sứ vụ loan báo Tin mừng. Theo cha R. Brown các môn đệ đã thực sự sốc khi thấy Đức Giêsu nói chuyện với một người phụ nữ.[6] Chi tiết nhỏ này tưởng chừng chẳng liên quan gì đến toàn thể câu truyện, nhưng từ điều nhỏ bé đó lại cho thấy một sự phản kháng của nam giới về sự tham gia của nữ giới trong sứ vụ tông đồ, cũng như vai trò lãnh đạo của người nữ trong cộng đoàn. Nhưng qua cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari, tác giả Tin mừng đã bác bỏ não trạng cho rằng nam giới là người duy nhất tiếp nối vai trò sứ vụ của Đức Giêsu. Phản ứng của Đức Giêsu với các môn đệ trong câu 38 cho thấy suy nghĩ của Người về sứ vụ loan báo Tin mừng còn được thực hiện bởi cả người nữ: “Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” Ở đây, những tông đồ được miêu tả không phải như những người khởi xướng, những người độc quyền sở hữu sứ vụ loan báo Tin mừng trong cộng đoàn Gioan, nhưng họ được mời gọi tham gia và cộng tác với người phụ nữ Samari trong sứ vụ tông đồ mà cô vừa bắt đầu. Schneiders còn khẳng định rằng: “Bất cứ ai viết Tin mừng thứ tư nếu nhận ra những nữ Kitô hữu như những nhà thần học và những tông đồ, thì đều nhận thấy một sự căng thẳng nảy sinh trong cộng đoàn và muốn trình bày Đức Giêsu như một người hợp thức hóa vai trò của người nữ trong sứ vụ giống như nam giới.”[7] Từ những điều trên có thể kết luận rằng giả định người phụ nữ đóng vai trò quan trọng và tham gia cách tích cực trong sứ vụ của Giáo hội nơi cộng đoàn Gioan xem ra có vẻ hợp lý.[8]
2. Người phụ nữ Samari: Một hình ảnh mang tính đại diện
Câu truyện trong Gioan chương 4 tiếp tục theo khuôn mẫu chung về bối cảnh gặp gỡ bên bờ giếng được trình bày trong Cựu ước. Cựu ước đã trình bày nhiều câu truyện về cuộc gặp gỡ giữa những người lạ mặt và các tớ nữ ở bên bờ giếng.[9] Thông thường trong Cựu ước sau cuộc gặp gỡ giữa người đàn ông và người đàn bà bên bờ giếng là một cuộc hôn nhân. Cuộc gặp gỡ bên bờ giếng được xem như khung cảnh đính hôn. Sự khác biệt chủ yếu giữa cuộc gặp gỡ trong Gioan chương 4 và các câu truyện trong Cựu ước là cuộc hôn nhân không được đề cập đến. Trong khi các bối cảnh của Cựu ước kết thúc với một cuộc hôn nhân thì Gioan chương 4 lại kết thúc với lời tuyên xưng vào Đức Giêsu, tin Người là Đấng cứu độ trần gian. Tại sao tác giả lại sử dụng bối cảnh gặp gỡ bên bờ giếng trong trình thuật này ? Trong Cựu ước, mối tương quan giữa Thiên Chúa và Israel thường được xem như mối tương quan vợ chồng, giao ước giữa Thiên Chúa và Israel được xem như cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và con người. Do đó, qua lời tuyên xưng đức tin trong câu 42, những người Samari đã bày tỏ sự tái khám phá người chồng độc nhất và đích thực của họ là Đức Giêsu. Qua đó họ cũng canh tân giao ước cũ của mình. Nhưng làm sao chúng ta có thể hiểu được giao ước này ? Trong chương 3, Gioan Tẩy Giả đã xác định Đức Giêsu như tân lang đích thực mà Thiên Chúa đã ban cho Israel là tân nương (x. Ga 3,27-30). Bây giờ, Đức Giêsu – Đấng đảm nhận vai trò của Giavê, tân lang của Israel – đến để tuyên bố Samari là một phần không thể thiếu của dân Israel mới, mà cụ thể là cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt là cộng đoàn Gioan.
Qua những điều trên, chúng ta thấy rằng câu truyện người phụ nữ Samari muốn trình bày điều gì đó về thần học hơn là đời sống cá nhân của người phụ nữ. Quả vậy, từ những điều nói trên chỉ cho thấy người phụ nữ Samari không chỉ là một cá nhân nào đó song còn là nhân vật mang tính đại diện. Khi đọc hết câu truyện, đọc giả sẽ nhận ra vai trò người phụ nữ tiến triển từ mức độ cá nhân lên mức độ phổ quát. Trong câu 7, cô được giới thiệu như một người phụ nữ nào đó trong vùng Samari, nhưng đến câu 21 thì đó là người phụ nữ nói chung. Như vậy, người phụ nữ Samari đã trở thành khuôn mẫu cho những người phụ nữ,[10] không những trong cộng đoàn Gioan mà cho những nữ thần học gia hay những nữ tông đồ vốn là những người có khả năng lãnh đạo cộng đoàn.
3. Người phụ nữ Samari: Một người đối thoại đầy sáng tạo
Người phụ nữ Samari chất vấn Đức Giêsu vào thời khắc quan trọng của câu truyện. Trước hết lời yêu cầu cảu Đức Giêsu trong câu 7b: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” lại được hỏi bởi người phụ nữ trong câu 9: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao ?” Cô đã chất vấn mối tương quan tôn giáo giữa người Do Thái và người Samari và mối liên hệ xã hội giữa người đàn ông và người phụ nữ. Thứ đến, lời đề nghị ban nước hằng sống của Đức Giêsu trong câu 10 cũng bị người phụ nữ chất vấn. Lời chất vấn của người phụ nữ với Đức Giêsu: “Ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ?” gợi lại việc Giacob lăn tảng đá ra khỏi miệng giếng và lấy nước cho bày gia súc của Rakhen (x.St 29,1-12).[11] Ở đây có một sự liên hệ với việc kéo nước đầy mầu nhiệm của Giacob, bởi vì giếng thì quá sâu mà lại không có thùng nên cách duy nhất có thể lấy nước là thực hiện một phép lạ như Giacob đã làm. Người phụ nữ đã đưa ra những truyền thống tôn giáo của chính cô để hiểu Đức Giêsu. Thứ ba, người phụ nữ chất vấn đặc tính ngôn sứ của Đức Giêsu bằng cách đưa ra vấn đề về một nơi thờ phượng đích thực trong câu 19-20. Theo Schneiders trong những khung cảnh đặc biệt, người phụ nữ không đơn thuần chỉ có thiên chức làm mẹ nhưng còn là người đối thoại thần học đích thực.
Một con người phê bình xã hội
Lời đáp trả của người phụ nữ trong câu 9: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao ?” dường như đã tạo ra một sự phân cách giữa chính cô và Đức Giêsu. Cô có thể cho nước Đức Giêsu ngay, nhưng cô lại do dự là vì những ngăn trở của tôn giáo và xã hội. Người phụ nữ Samari đã nêu lên sự đối nghịch thâm căn cố đế giữa người Do Thái và người Samari. Nếu ai hiểu biết các truyền thống của người Do Thái thì sẽ hiểu ngay lời yêu cầu của Đức Giêsu bất hợp lý. Khía cạnh này được thể hiện rõ trong lời phê bình của người thuật chuyện: “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari.” Qua câu 9 này chúng ta có thể đặt ra vấn nạn: phải chăng người phụ nữ đồng tình với những ngăn trở giữa hai dân tộc mà người Do Thái và người Samari đặt ra ? Với lời nói của người phụ nữ và lời bình phẩm của người thuật chuyện cho thấy ngăn trở này là do quan niệm của người Do Thái, và có lẽ chính xác hơn là người đàn ông Do Thái.[12] Nhưng phải chăng người phụ nữ tuân theo lệnh cấm này ? Nhiều quan điểm cho rằng, người phụ nữ Samari thấy được quan điểm của Đức Giêsu giống mình nên đã sẵn sàng bước vào cuộc hội thoại. Quả thế, cô đã cho thấy chính cô cũng chẳng mấy bận tâm về những rào cản đó, cô coi Đức Giêsu như bao người Do Thái khác. Đức Giêsu cũng thế, trong cuộc hội thoại với cô, Người thể hiện như một con người không quan tâm đến những ngăn trở về tôn giáo, xã hội giữa người Do Thái và người Samari, giữa người nam và người nữ. Điểm nổi bật ở đây là thay vì tranh luận về vấn đề chia rẽ, Đức Giêsu lại thay đổi chủ đề nói chuyện. Bằng cách bước vào cuộc đối thoại với Đức Giêsu, và giống như Người, người phụ nữ đã thể hiện sự cởi mở vượt lên các truyền thống của tôn giáo, xã hội. Sự can đảm và tự do của người phụ nữ quả là mạnh mẽ bởi vì chính cô lúc này cũng chưa hiểu biết gì về căn tính của Đức Giêsu. Cô đã vượt ra khỏi sự chia rẽ giữa hai dân tộc, vượt ra khỏi bối cảnh tôn giáo xã hội để bước vào địa hạt gặp gỡ và tương quan giữa con người với nhau.
Một nhà thần học bối cảnh
Trong lịch sử chú giải Gioan chương 4, nhiều nhà chú giải cho rằng người phụ nữ trong câu truyện đã có một đời sống hôn nhân phi chuẩn, và chính Đức Giêsu đã cứu cô ra khỏi vòng luẩn quẩn tội lỗi này. Gioan 4,18 được giải thích như là việc Đức Giêsu đang trò chuyện với một người phụ nữ có một cuộc sống đầy tội lỗi.[13] Mặt khác, một số nhà chú giải lại khẳng định rằng không có bằng chứng nào trong đoạn văn cho thấy tác giả Tin mừng muốn trình bày câu truyện kể về việc Đức Giêsu đang đang trò chuyện và vạch trần bí mật của một người phụ nữ đầy tội lỗi.[14] Nếu chúng ta đứng trên quan điểm của người thuật chuyện thì sẽ thấy những tình tiết về đời sống riêng tư của người phụ nữ không có sức tạo cao trào trong câu truyện. Thực ra trong câu trả lời của Đức Giêsu với người phụ nữ, Người không kết án cô, đúng hơn Người đã đánh giá cao sự trung tín và sự thành thật của cô. Như vậy, sẽ hợp lý khi cho rằng đời sống riêng tư của người phụ nữ không phải là điều then chốt trong cuộc đối thoại trong các câu 18-20.[15] Vậy tại sao người thuật chuyện lại giới thiệu hoàn cảnh hôn nhân của người phụ nữ trong câu truyện ? Đọc giả có thể nhận ra một sự mâu thuẫn nơi Đức Giêsu khi Người bảo người phụ nữ “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”, rồi sau đó lại biết tường tận tình trạng hôn nhân của cô. Lời đáp trả của người phụ nữ với lời đề nghị của Đức Giêsu dẫn đến mộ cơ hội tốt để Người bày tỏ bản tính Mêsia của mình. Sự bày tỏ này là một bước ngoặt trong cuộc đối thoại. Sự hiểu biết của Đức Giêsu về hoàn cảnh của người phụ nữ đã làm cô nhận ra rằng Người quả là một vị ngôn sứ (câu 19). Đức Giêsu là Đấng có khả năng đặc biệt, Người biết những gì ẩn khuất bên trong (x. Ga 1,48-49).
Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ trong các câu 19-20 một lần nữa khẳng định cho chúng ta rằng bản tính tội lỗi của người phụ nữ không phải tâm điểm của câu truyện. Ở câu 20, lần đầu tiên người phụ nữ khởi xướng bằng việc đưa ra một đề tài mới. Sự khởi xướng này cho thấy cô thực sự cởi mở và tin tưởng vào Đức Giêsu. Nếu đời sống cá nhân của cô là chủ đề then chốt trong câu truyện thì giống như các môn đệ của ông Gioan tẩy giả rất có thể cô sẽ hỏi: cô phải làm gì đây (x. Lc 10,14). Ngược lại, vấn đề cô đưa ra liên quan đến tôn giáo và dân tộc của cô. Theo Kinh thánh của người Samari, tức Ngũ thư, thì chỉ có một nơi duy nhất để thờ phượng (x. Đnl 12,2-12), và họ xem núi Garadim là ngọn núi của ân sủng và được chúc phúc bởi vì Nôe và Abraham đã dâng hy lế trên núi ấy.[16] Theo Đnl 27,4 Garadim được xem như ngọn núi thánh, nơi thờ phượng Thiên Chúa của người Samari, nó được ví như Giêrusalem của người Do Thái. Sự bất đồng về nơi thờ phượng Thiên Chúa là cuộc tranh luận tôn giáo dai dẳng dẫn đến sự tách biệt giữa người Samari và người Do Thái. Những người Samari tin rằng chính Đấng Mêsia sẽ là người hòa giải cuộc tranh luận tôn giáo này. Người phụ nữ đã nhạy bén hướng cuộc đối thoại với Đức Giêsu về chủ đề tranh luận thâm canh cố đế giữa hai quốc gia. Có lẽ vì thấy Đức Giêsu như một ngôn sứ mà cô không ngần ngại bày tỏ sự khác biệt giữa Garadim và Giêrusalem. Qua cuộc đối thoại đã cho thấy người phụ nữ Samari có một sự hiểu biết tường tận về truyền thống tôn giáo của mình. Cô đã tranh luận trên quan điểm của một người Samari: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa.” Ở đây, thay vì nói “chúng tôi thờ phượng” cô lại nói: “cha ông chúng tôi đã thờ phượng.” Bằng cách viện đến tổ tiên, đến cha ông, cô đã chỉ ra rằng cách thực hành tôn giáo của người Samari tương phản với người Do Thái. Cô đặt kề truyền thống của tổ tiên cô với lối thực hành giáo lý của người Do Thái đương thời có ý ám chỉ rằng cách thực hành tôn giáo của tổ tiên cô đã có trước hành vi thờ phượng Thiên Chúa của người Do Thái ở Giêrusalem vốn mới có từ thời vua Đavít (x. 2Sm 6). Truyền thống của người Samari dựa trên uy quyền của các tổ phụ. Người phụ nữ đã chất vấn Đức Giêsu bằng cách nại đến uy quyền của cha ông mình. Ở đây, người phụ nữ Samari được miêu tả như một “thần học gia” dám thách thức một vị ngôn sứ và tranh luận các vấn đề thần học với ông, và cô đã thực hiện vai trò này trong bối cảnh văn hóa tôn giáo của chính mình. Ở cô có một sự cắm rễ sâu trong truyền thống tôn giáo của mình, nhưng cũng mở ra để đón nhận mạc khải của Đức Giêsu. Trong câu 25-26, khi được mạc khải Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, cô đã cho thấy người Samari trông chờ Đấng Mêsia chứ không phải người Do Thái: “Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Như vậy, người phụ nữ Samari trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa đã được miêu tả như một người khởi xướng và khuyến khích nhu cầu đối thoại và hoàn cảnh hóa các sứ vụ.
Vị tông đồ xác tín
Hành trình của người phụ nữ từ chỗ không tin đến việc tin nhận Đức Giêsu phản ánh những đặc tính của một con người có niềm tin xác tín. Lúc đầu, cô gặp Đức Giêsu với một chút bối rối bởi vì cô chưa biết, nhưng cô đã sẵn sàng mở lòng để tham dự cách tích cực trong cuộc đối thoại. Nếu so sánh người phụ nữ Samari với ông Nicôđêmô trong chương 3,1-15 thì thấy có một sự tương phản rõ rệt. Ông Nicôđêmô bối rối trước lời mạc khải của Đức Giêsu và biến mất trong bóng đêm, còn người phụ nữ Samari đón nhận mạc khải của Đức Giêsu và còn làm chứng cho những người khác đến với Người. Cô đã trở thành khuôn mẫu cho sứ vụ tông đồ. Khi cô nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, cô đã để vò nước lại và đi vào trong thành để loan tin vui về cuộc gặp gỡ của cô với Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Cô đã kiện toàn đặc tính của một người tông đồ bằng cách làm chứng cho người dân trong thành và mời gọi họ đến gặp Đức Giêsu (x. Ga 1,35-41). Lời nói của dân thành trong câu 42: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” không có ý xem thường sứ vụ tông đồ của người phụ nữ. Như Gioan Tẩy Giả và những chứng nhân trung tín khác, vai trò của người phụ nữ được đề cao chỉ trong tương quan với Đức Giêsu (x. Ga 3,25-30). Do đó, lời nói của những người Samari trong câu 42 không làm giảm vai trò chứng tá của người phụ nữ nhưng đúng hơn là đề cao vai trò của cô.
4. Vai trò của người phụ nữ trong Giáo hội
Người phụ nữ Samari được đề cao vì sự cởi mở, niềm xác tín và hành động đi bước trước trong những quyết định của cô. Cô không sợ phải đối mặt với người đàn ông Do Thái, cho dù người Do Thái xem thường người Samari. Cô không phải là một người đón nhận thụ động, đón nhận mà không chút nghi ngờ tất cả những gì Đức Giêsu nói. Người phụ nữ Samari đã đi bước trước trong sứ vụ loan báo Đức Giêsu mà không cần trông chờ sự chấp nhận của bất cứ ai, và không xin phép bất cứ ai. Văn hóa truyền thống thường coi người phụ nữ như những người sống thiên về tình cảm, kém thông minh và bị đặt bên rìa xã hội; do đó, họ bị xếp thứ yếu trong các vấn đề văn hóa tôn giáo và không được giữ vai trò lãnh đạo. Thế nhưng, như những gì chúng ta đã thấy ở trên thì bản chất của người phụ nữ Samari lại đi ngược lại những gì mà truyền thống gán cho người phụ nữ. Nếu chúng ta hiểu lãnh đạo như một vai trò của người biết phê bình, biết hành động xác tín, sáng tạo và đi bước trước thì người phụ nữ Samari quả là một người lãnh đạo kiệt xuất.[17]
Câu truyện về người phụ nữ Samari có thể tiếp thêm sức mạnh cho những người phụ nữ ngày nay để đánh thức những khả năng đang ngủ vùi của họ. Người phụ nữ Samari mời gọi các phụ nữ trong Giáo hội hãy tin tưởng và cắm rễ sâu vào trong các truyền thống tôn giáo của họ, dám can đảm đương đầu với các vấn đề hiện nay của dân tộc họ. Người phụ nữ Samari đã tiếp thêm sức mạnh giúp những người phụ nữ khác phá tan những rào cản của sự bất bình đẳng nam nữ, giúp họ có thể bắt tay vào bất cứ sứ vụ nào mà Giáo hội mời gọi, ngay cả trong các vị trí lãnh đạo.
Như người phụ nữ Samari, tất cả những người phụ nữ được mời gọi trở nên những người đối thoại đầy sáng tạo và phê bình, trở nên những người trung gian trong việc đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác.
5. Tạm kết: Một thách thức đối với Giáo hội
Trong khuôn mẫu của cộng đoàn Gioan, tất cả các thành viên đều là cành, quyền bính của nhóm Mười Hai là làm chứng chứ không phải thống trị. Như công đồng Vatican II đã nói, trong phép Rửa tất cả được kêu gọi tham gia vào sứ vụ và thừa tác vụ của Giáo hội (x. LG, 33). Do đó, tính xác đáng trong sứ vụ cần phải được hướng dẫn bởi ân sủng và Thần Khí hơn là những tiêu chuẩn về giới tính. Chúng ta được mời gọi để suy tư về cấu trúc của Giáo hội dưới ánh sáng của dấu chỉ thời đại. Những đặc tính như khéo léo, chuyên cần, nhạy bén,… vốn là những đặc tính cố hữu của người phụ nữ có thể đem đến cho Giáo hội nguồn sức mạnh để canh tân đời sống và sứ vụ.
Phương pháp đối thoại, xây dựng những chiếc cầu nối được thể hiện trong câu truyện người phụ nữ Samari sẽ là một mô thức cho Giáo hội trong việc đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn. Trong tiến trình đối thoại ấy, không có sự phân biệt nào giữa những người đối thoại, cho dù đó là nam hay nữ, là Kitô hữu hay không Kitô hữu. Câu truyện người phụ nữ Samari đã trình bày một thế giới trong tiến trình chuyển động mạnh mẽ từ sự phân biệt cá nhân, phân biệt xã hội và loại trừ tôn giáo đến sự liên đới giữa con người với nhau, đến sự hiệp thông mang tính giải thoát và sự hiệp thông mang tính biến đổi. Sự hiểu biết của chúng ta về Giáo hội có thể khác nhau trong nhận thức, nhưng đó không phải nguyên nhân của sự chia rẽ, mà là nguồn gốc của sự phong nhiêu. Nếu Giáo hội muốn thành toàn sứ vụ của mình trong thế giới ngày nay thì điều cần thiết là Giáo hội phải tìm cho mình một cách thức hiện hữu mới, một cách thế hành động mới mang tính đối thoại.
———————-
[1] Sứ vụ của Đức Giêsu ở Samari chỉ được đề cập trong Tin mừng Gioan. Theo Cv 8,1-8, Samaria là nơi lánh nạn của các môn đệ khi bị bắt bớ, và là nơi đón nhận lời rao giảng Tin mừng từ các môn đệ sau Lễ Ngũ Tuần. Theo cha Raymond E. Brown, thì lời tuyên xưng của những người Samari trong Ga 4, 42 vào Đức Giêsu là “Đấng cứu độ trần gian” cũng xuất phát từ niềm tin đã được đón nhận từ các môn đệ [cf. Raymond E. Brown, Gospel according to John (New York, 1966), pp. 175-176].
[2] cf. Raymond E. Brown, The Community of the Beloved Disciple (New York, 1979), pp. 36-40. 76-78.
[3] cf. J. Bligh, “Jesus in Samaria,” Heythrop Journal 3 (1962), 329-346.
[4] cf. Raymond E. Brown, Theo Gospel according to John (New York, 1966), pp. 175-176.
[5] cf. C.H. Talbert, Reading John (New York, 1992), p. 111. Theo cha Lê Minh Thông, OP. thành Xykha có thể là làng Askar ngày nay. Đó là một thị trấn của người Samari, ở dưới chân núi Ebal, gần giếng Giacob. Có thể đã có một cộng đoàn Kitô hữu ở Xykha vào lúc Tin mừng Gioan được biên soạn cuối thé kỷ I.
[6] cf. Raymond E. Brown, The Gospel according to John, p. 167.
[7] Sandra M. Schneiders, The Revelatory Text (New York, 1991), p. 192.
[8] cf. Raymond E. Brown, “Role of women in the fouth Gospel,” in The Community of the Beloved Disciple, pp. 183-198.
[9] Đó là cuộc gặp gỡ giữa lão bộc của Abraham và bà Rêbêca trong St 24,10-19; cuộc gặp gỡ của Giacob và Rakhen trong St 29,1-14; hay cuộc gặp gỡ của Môsê và Xíppôra trong Xh 2, 15b-21.
[10] Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng cách sử dụng hình ảnh người phụ nữ trong câu 21 không chỉ giống như cách dùng trong Ga 2,4 mà còn giống như trong Kh 12 nữa.
[11] cf. B. Barnhart, The Good Wine: Reading John from the Center (New York, 1993), p. 203.
[12] cf. Raymond E. Brown, The Gopel of John, p. 170.
[13] cf. F. Hoskyns, The Fouth Gospel (London, 1940), p. 243: Đức Giêsu đã vạch trần những tội lỗi của người Samari và của nhân loại thông qua tội lỗi của người phụ nữ.
[14] cf. Okure, The Johannine Approach to Mission, p. 110-111; E. Haenchen, Johannesevangelium: Ein Kommentar (Tubingen, 1980), p. 242.
[15] Có ý kiến cho rằng 5 người chồng của người phụ nữ ám chỉ 5 sắc tộc ngoại bang (Babylon, Cutha, Khamát, Ava, Xơphácvagim) đã mang những thần ngoại lai đến vùng đất Samaria (cf. 2V 17, 27-31).
[16] cf. J. MacDonald, The Theology of Samaritans (London, 1964), p. 406.
[17] cf. Sandra M. Schneiders, Ibid., pp.188-197.