Lời tựa
Ai là người xuất chúng nhất?
Ai là người xuất chúng nhất thế giới? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời. Điều này không giống như những chương trình tìm ra người khỏe nhất thế giới, với những quả tạ khổng lồ, những hòn đá to, hay những chiếc xe tải mà các vận động viên có thể dễ dàng nâng lên, ném xa, và kéo lê được. Thêm nữa, tôi không chỉ muốn nói tới người xuất chúng nhất của ngày hôm nay, nhưng của mọi thời đại.
Bạn nghĩ sao về Albert Einstein? Không phải ngày nào cũng có người đưa ra được công thức E = mc2 [năng lượng (E) bằng khối lượng (m) nhân với bình phương tốc độ ánh sáng (c) ; chẳng biết nghĩa chính xác của nó là gì]. Nhiều người cho rằng Einstein giúp cho Isaac Newton (cha đẻ ba Định luật về Chuyển động) trở nên vĩ đại hơn một khi công thức trên giải thích được các bí ẩn của vũ trụ vật lý này.
Nhân vật tiếp theo là Aristote, “cha đẻ của luận lý học”. Nhà khoa học xã hội Charles Murray, tác giả của Human Accomplishment (Thành tựu của nhân loại), khi so sánh các nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong giới khoa học, triết học, văn chương, và nghệ thuật, cho rằng Aristote của Hylạp cổ đại là chuyên gia hàng đầu của mọi thời, về mọi lĩnh vực, cách riêng là triết học. Thêm nữa, Murray còn xếp Aristote đứng hàng thứ hai chỉ sau Charles Darwin về lĩnh vực sinh học. Quả thực, lần đầu tiên khi đọc tác phẩm của Aristote, Darwin đã viết rằng, mặc dù Linnaeus và Cuvier từng được ông coi là “những ông thần”, nhưng ông thấy họ “chỉ là những cậu học sinh so với một Aristote già dặn”.
Còn một ứng cử viên khác nữa mà bất cứ ai yêu mến khoa học hẳn phải biết. Ông là người để lại nhiều tác phẩm nhất mọi thời, là vị giáo sư người Đức nổi danh nhất thời bấy giờ – một bộ bách khoa di động với những tác phẩm đề cập mọi đề tài từ giải phẫu học, nhân học, và thiên văn học đến động vật học. Ông có một trí tuệ xuất chúng đến nỗi người ta gọi ông là Magnus (Vĩ Đại) khi ông còn đang sống. Ông là bổn mạng của các khoa học gia và các học giả – đó là thánh Albertô Cả (1193-1280). Dầu vậy thánh Albertô Cả vẫn nhìn nhận một nhân vật còn vĩ đại hơn mình ; sáng láng đến nỗi khi thánh Albertô đọc hết toàn bộ kiệt tác của vị này, và thôi không còn viết lách nữa, lý do là không ai có thể viết một tác phẩm ngang tầm hoặc vượt qua được tác phẩm đó. Vậy nhân vật đó là ai? Đó chính là học trò của thánh Albertô, thánh Tôma Aquinô (1225-1274). Khi thánh Tôma qua đời ở tuổi bốn mươi chín, thánh Albertô đã than khóc về sự ra đi của “bông hoa và sự rạng ngời của thế giới”.
Tôi (và nhiều người khác) tin rằng thánh Tôma Aquinô chính là người xuất chúng nhất mà Thiên Chúa thương ban cho thế giới.
Ai nói rằng thánh Tôma là người tài trí?
Thánh Tôma không tự tuyên bố mình là thiên tài. Trong tác phẩm đầu tiên được viết theo yêu cầu, Summa Contra Gentiles (Tổng luận chống dân ngoại), ngài cáo lỗi với các độc giả rằng nỗ lực trình bày tác phẩm có lẽ đã vượt “tài năng có hạn” của mình, tuy vậy ngài đã viết trong niềm xác tín vào “lòng thương xót của Chúa”.
Nhưng kể từ khi ngài qua đời vào ngày 7 tháng 3 năm 1274, qua hơn bảy trăm năm nay, các Giáo hoàng, học giả, và các thánh đều nhất trí rằng sự khôn ngoan và tài trí của ngài, chẳng “giới hạn”, mà kiệt xuất đến nỗi ngài được gọi là Tiến sĩ Thiên thần.
Các triết gia vô thần, cả những người theo thuyết khách quan của Ayn Rand, đều nhìn nhận những thành quả trổi vượt của thánh Tôma trong lĩnh vực lý trí cũng như trong việc làm hồi sinh và phổ biến các tác phẩm của Aristote. Charles Murray, một người theo thuyết bất khả tri, đã đưa thánh Tôma vào danh sách những “người khổng lồ” của triết học phương Tây, xếp ngài đứng hàng thứ sáu trong những người gây ảnh hưởng nhất mọi thời đại –trên cả Socrates và thánh Augustinô. Cũng cần nhớ rằng triết học không phải là chuyên môn của thánh Tôma, nhưng chỉ là công cụ –“nữ tì” của thần học, thần học mới là ngành cao nhất của con đường học hành nghiên cứu.
Thánh Tôma cho thấy rõ điều này, ngài viết : “Khi đọc những lời của [thánh] Hilario ‘tôi biết rằng mình có được điều này là nhờ Thiên Chúa, trách nhiệm chính yếu của đời tôi là từng lời và từng ý nghĩ của mình đều phải nói về Người’”.
Khi các nhà tâm lý hiện đại nghiên cứu về đặc tính rõ nét nhất của trí tuệ siêu việt nơi con người, thì nhiều lần, họ đều nhất trí rằng điểm nổi bật nhất vẫn là khả năng lý luận trừu tượng. Đó là khả năng nhìn thấy được những sự vật và biến cố cụ thể trong thế giới và nắm bắt được nguyên nhân và nguyên lý cơ bản của chúng ; mặt khác, cũng thấu hiểu được những quy tắc nền tảng và phổ quát về thực tại và áp dụng chúng vào những sự vật và biến cố cụ thể.
Khả năng đó chính là sở trường của thánh Tôma ; nó đóng vai trò rất quan trọng trong đóng góp to lớn của ngài vào việc khai hóa – sẽ dạy chúng ta biết cách suy tư trong thế giới của Thiên Chúa và tìm thấy con đường tiến đến sự khôn ngoan đích thực. Chính thánh Tôma đã diễn tả điều này như sau : “Kinh nghiệm cho thấy có một vài người hiểu biết sâu sắc hơn người khác ; chẳng hạn như một người đưa ra được một kết luận đến tận những nguyên lý đệ nhất và nguyên nhân cuối cùng thì người đó thấu hiểu vấn đề tốt hơn người chỉ tìm ra được nguyên nhân gần mà thôi.” Như trong phần I của tập sách này, chúng ta sẽ thấy thánh Tôma còn giải thích cách thức hoạt động của việc trừu xuất. Suốt đời, ngài dành trọn trí tuệ cho nguyên nhân tối cao, quan trọng và nền tảng nhất. Trong phần II của tập sách này, ngài sẽ cho chúng ta thấy : “Nguyên nhân ấy, chúng ta gọi là Thiên Chúa”.
Thiên tài của nhân loại
Tuy vậy, chúng ta phải nhớ kỹ rằng thánh Tôma là con người thực tế chứ không phải là một “con mọt sách” hay một nhà hàn lâm uyên bác với đầu óc trên mây, chỉ viết lách cho giới giáo sư hay sinh viên đại học mà thôi. Nhưng vì là con cái của thánh Đa Minh, thành viên của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, thánh Tôma còn dùng tài năng Chúa ban để diễn giải sứ điệp Tin mừng Chúa Kitô cho người giáo dân bình thường nữa. Hồi còn trẻ, sau khi lãnh tác vụ linh mục tại Cologne, những bài giảng của ngài bằng tiếng Đức bản xứ (chứ không phải là tiếng Latinh) đã thu hút đông đảo dân chúng. Vào năm cuối đời, ngài giảng thuyết một loạt bài bằng phương ngữ Napoli tại nhà thờ thánh Đa Minh, mà theo những người đầu tiên viết tiểu sử, những bài giảng đó đã lôi kéo “hầu hết dân chúng thành Napoli”, và quả thực “dân chúng cung kính nghe ngài giảng như thể lời giảng đó đến từ Thiên Chúa”. Thế nên thánh Tôma là con người của tư duy, người của Thiên Chúa, nhưng cũng là người của thường dân.
Không thể nào xuất chúng mà lại không khôn ngoan. Như “Aristote cổ đại” đã nói : “Biết chút ít về những điều cao cả thì hơn là biết nhiều mà toàn là những điều tầm thường”. Nói cách khác, vì không ai trong chúng ta biết hết mọi sự, nên người khôn ngoan thường chỉ nhắm vào những điều quan trọng nhất, và đó là điều mà thánh Tôma đã làm, và một số ít người trước và sau ngài cũng vậy.
**********************************************************
Mục lục
Mục lục 5
Lời tựa 10
Giới thiệu
Những vấn đề quan trọng nhất 16
PHẦN I
LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC
HẠNH PHÚC NƠI TRẦN THẾ VÀ
TRÊN THIÊN ĐÀNG? 27
Chương một
Điều gì tất cả chúng ta đều mong muốn? Hạnh phúc 28
Chương hai
Con người chúng ta là gì? Thể xác và linh hồn 33
Chương ba
Linh hồn làm điều gì? 39
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 1 49
Chương bốn
Được điều khiển bởi ý chí tự do 50
Chương năm
Linh hồn và 11 đam mê 55
Chương sáu
Những tập quán định hình nên tâm hồn 62
Chương bảy
Nhân đức : Sức mạnh để thực thi điều thiện hảo 67
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 2 76
Chương tám
Trật mục tiêu : Nết xấu và tội lỗi 77
Chương chín
Luật : Chỉ dẫn đến mục đích88
Chương mười
Ân sủng ngập tràn 94
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 3 100
Chương mười một
Đức tin : Nền tảng của Lý trí 101
Chương mười hai
Đức cậy : Lòng can đảm để nhìn thấy Chân lý 107
Chương mười ba
Đức ái : Yêu mến Thiên Chúa qua tha nhân 112
Chương mười bốn
Đức khôn ngoan hoàn trọn hành động 117
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 4 123
Chương mười lăm
Đức công bình : Thực thi điều đúng đắn
đối với Thiên Chúa và tha nhân 124
Chương mười sáu
Đức hùng mạnh : Thủ lãnh của linh hồn 130
Chương mười bảy
Đức tiết độ : Chế ngự sự hỗn loạn của tâm trí 137
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 5 146
Chương mười tám
Ân sủng : Năng lực phi thường từ Thiên Chúa 147
Chương mười chín
Bạn là mẫu người suy tư hay hoạt động? 151
Chương hai mươi
Những ân sủng của riêng bạn 157
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 6 162
PHẦN II
THIÊN CHÚA 163
Chương hai mươi mốt
Làm sao để suy tư về Thiên Chúa 164
Chương hai mươi hai
Thiên Chúa hiện hữu 171
Chương hai mươi ba
Điều gì Thiên Chúa không là? 178
Chương hai mươi bốn
Thiên Chúa là ai? 188
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 7 194
Chương hai mươi lăm
Thiên Chúa Tam vị : Ba ngôi vị, một sự trọn hảo 195
Chương hai mươi sáu
Tại sao Thiên Chúa tạo dựng thế giới? 204
Chương hai mươi bảy
Các thiên thần : Rất thông tuệ,
nên không cần phải suy nghĩ ! 211
Chương hai mươi tám
Chuyện gì xảy ra vào Ngày Đầu Tiên? 215
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 8 222
Chương hai mươi chín
Thiên Chúa cai quản … từng thụ tạo ! 223
PHẦN III
ĐỨC KITÔ LÀ AI? 229
Chương ba mươi
Tại sao Thiên Chúa làm người? 230
Chương ba mươi mốt
Kính mừng Maria, đầy ơn phúc ! 238
Chương ba mươi hai
Cuộc sống của Đức Kitô,
và điều làm cho cuộc sống ấy nên hoàn trọn 244
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 9 253
Chương ba mươi ba
Các bí tích : Bảy dấu thánh của Thiên Chúa 254
Chương ba mươi tư
Bí tích Rửa tội : Cửa ngõ dẫn vào Thiên đàng 261
Chương ba mươi lăm
Bí tích Thêm sức :
Hãy tiến lên, hỡi những chiến binh Kitô hữu ! 264
Chương ba mươi sáu
Bí tích Thánh Thể : “Thiên tính ẩn giấu” 267
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 10 271
Chương ba mươi bảy
Bí tích Sám hối : Giải thoát khỏi tội lỗi 272
Chương ba mươi tám
Những nghi thức cuối cùng :
Chuẩn bị cho linh hồn sống lại 275
Chương ba mươi chín
Bí tích Truyền chức thánh :
Trao ban “quyền năng thiêng liêng” 277
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 11 279
Chương bốn mươi
Hôn nhân : Ân sủng trên tự nhiên 280
Chương bốn mươi mốt
Sự phục sinh của thân xác ‐ hướng đến sự trọn hảo 282
Chương bốn mươi hai
Các sự sau hết 284
Chiếc Hộp Con Bò Câm – Số 12 286
Kết luận Thánh Tôma – Một cuộc đời 287