Hiểu Sống Đức Tin: Tại Sao Lại Gọi Là "Dòng Ba"?

0
1615


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Tại Việt Nam, có nhiều hội viên Dòng Ba Đaminh, Dòng Ba Phanxicô, Dòng Ba Carmêlô. Tại sao gọi là Dòng Ba?

Từ “Dòng Ba” giả thiết “Dòng Nhì” và “Dòng Nhất”. Cho đến thời gian gần đây, người ta cho rằng từ này xuất hiện thời Trung cổ, cách riêng với Thánh Phanxicô Assisi. Ngày nay, các sử gia cho rằng nó đã được sử dụng ít là ba thế kỷ trước Thánh Phanxicô. Thiết tưởng nên lưu ý về danh từ Ordo trong tiếng La-tinh (tương đương với Ordre tiếng Pháp, Order tiếng Anh). Ordo tự nó không phải là một Dòng Tu, nhưng chỉ có nghĩa là một đoàn ngũ, chẳng hạn như ngày nay bên Pháp, từ Ordre vẫn còn dùng cho đoàn ngũ các y sĩ, luật sư, ký giả. Trong Giáo hội thời cổ, chúng ta thấy bên cạnh đoàn ngũ các giám mục, linh mục, trợ tá (ordo episcoporum, presbyterorum, diaconorum), còn có đoàn ngũ các trinh nữ (ordo virginum), đoàn ngũ các góa phụ (ordo viduarum). Sang thời Trung cổ, từ thế kỷ X, người ta thấy vài tác phẩm nói đến ba hàng ngũ (đẳng trật) trong Giáo hội, đó là: hàng giáo sĩ, hàng đan sĩ, và hàng giáo dân. Các giáo dân được xếp vào hàng ngũ thứ ba, tertius ordo, sau các giáo sĩ và các tu sĩ. Với Thánh Phanxicô Assisi, người ta sử dụng một lối phân hạng khác: dòng nhất là các nam tu sĩ, dòng nhì là các nữ tu Clara, Dòng Ba là các giáo dân sống ngoài đời. Từ đó, Dòng Ba được hiểu là các giáo dân sống ngoài đời, nhưng muốn nên trọn lành qua việc khấn hứa giữ một bản tu luật.

Như vậy là Thánh Phanxicô là người đầu tiên lập ra Dòng Ba phải không?

Trước đây (nghĩa là cho đến giữa thế kỷ XX), câu trả lời là: đúng thế! Nhưng kể từ thập niên 60 của thế kỷ vừa rồi, những cuộc nghiên cứu lịch sử Dòng Tu thời Trung cổ đã lật ngược câu trả lời. Vì thế ngày nay, các sách lịch sử về các Dòng Ba phải được viết lại. Thực ra, ngay từ thế kỷ VIII, đã có nhiều giáo dân muốn chia sẻ nếp sống tu trì của các đan sĩ Biển đức dưới nhiều dạng thức (tựa như các bõ ngãi hay các cư sĩ ở Việt Nam). Họ xin đến trọ tại các đan viện, tình nguyện làm công không lấy lương, và bù lại họ muốn được tham gia vào sinh hoạt phụng vụ của nhà dòng. Đôi khi họ cũng mặc áo dòng như các đan sĩ, nhưng họ không tuyên khấn. Đó là hình thức oblati, donati, conversi. Nhưng sang đến thế kỷ XII-XIII, chúng ta lại chứng kiến một hiện tượng khác, đó là: nhiều phong trào gíao dân nổi lên, yêu cầu cải cách Giáo hội, bằng việc trở về với nếp sống khó nghèo của Phúc âm.

Tuy rằng một số phong trào đó đã ly khai khỏi Giáo hội, nhưng đa số không dừng lại ở chỗ kêu gào cải cách bằng miệng nhưng còn thực hành lý tưởng bằng đời sống bản thân. Họ mang danh là đoàn ngũ các hối nhân (Ordo penitentium). Đến khi Dòng Thánh Đaminh và Dòng Thánh Phanxicô xuất hiện thì họ đến nhờ các tu sĩ hướng dẫn. Dĩ nhiên là họ cũng chia sẻ lý tưởng Phúc âm mà hai thánh tổ phụ đề ra, và thậm chí còn xin mặc tu phục của hai dòng đó. Từ đó, hàng ngũ hối nhân (Ordo penitentium) chia thành hai ngành, ngành xám (màu áo Dòng Thánh Phanxicô) và ngành đen (màu áo choàng của Dòng Thánh Đaminh). Lần lượt các bản luật cũng được soạn ra: luật ngành xám được Toà thánh châu phê từ năm 1289; còn luật ngành đen thì được cha Munio de Zamora soạn từ năm 1285, nhưng mãi tới năm 1405 mới được Toà thánh châu phê. Lần lượt Toà thánh cũng châu phê bản luật của các Dòng khác soạn cho các giáo dân muốn chia sẻ tinh thần của mình, chẳng hạn như: dòng Âutinh (1399 cho nữ giới và 1470 cho nam giới), Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (1424), dòng Carmêlô (năm 1476), vv. Nên biết là Dòng Thánh Phanxicô đã sớm gọi hàng ngũ hối nhân của mình là “Dòng Ba Phanxicô” (như nhận thấy qua một văn kiện năm 1292), chứ các dòng khác thì mãi mấy thế kỷ sau mới du nhập từ ngữ Dòng Ba.

Các hội viên Dòng Ba có mặc áo dòng như các tu sĩ không?

Như vừa nói trên đây, từ thế kỷ XIII, các hối nhân đã phân thành hai nhánh – xám và đen – dựa theo màu áo choàng. Nói chung, vào lúc đầu các hội viên Dòng Ba cũng xin được mặc áo dòng như các tu sĩ. Nhưng dần dần, vì sự tiến triển y phục bên châu Âu cũng như vì công tác lao động, cho nên các hội viên Dòng Ba không mặc toàn bộ áo dòng như các tu sĩ (trừ khi tham dự các buổi rước kiệu và lúc tẩm liệm trong quan tài), nhưng chỉ mặc một áo cộc, làm biểu hiệu.

Các hội viên Dòng Ba có phải tuân giữ những nghĩa vụ nào không?

Dĩ nhiên các tín hữu xin gia nhập Dòng Ba không phải để lãnh áo dòng làm kiểng. Như đã nói trên đây, nguồn gốc của các Dòng Ba là phong trào các hối nhân: họ chủ trương nếp sống khắc khổ, trở về với những yêu sách của Tin mừng. Trên thực tế, đã có nhiều sự thay đổi về kỷ luật các hội viên Dòng Ba từ thế kỷ XIII cho đến nay. Vào lúc đầu, các hội viên cũng tuyên khấn tuân giữ vài nghĩa vụ mà bản Kỷ luật đặt ra, chẳng hạn như việc cầu nguyện (nguyện kinh nhật khóa), thực hành khổ chế (trong đó có việc kiêng thịt suốt đời, khước từ tham dự các buổi lễ hội giải trí dân gian), và đôi khi lời hứa giữ khiết tịnh (ai chưa lập gia đình thì phải giữ độc thân, còn người đã có gia đình thì không được tái hôn).

Như vậy, các hội viên cũng phải tuyên khấn như các tu sĩ hay sao?

Bản luật của Dòng Ba Đaminh soạn năm 1285 đã dự trù một thời kỳ tập luyện là 1 năm, và sau đó hội viên tuyên khấn. Tuy nhiên, bản chất pháp lý của lời khấn Dòng Ba không được coi như tương đương với lời khấn của các tu sĩ. Điều này càng rõ rệt hơn khi mà trong số các hội viên Dòng Ba, một vài người đã họp nhau thành cộng đoàn, tuân giữ một bản luật khác với bản luật dành cho các giáo dân. Người ta gọi họ là “Dòng Ba tu trì” (tertiarii regulares), đối lại với “Dòng Ba đời” (tertiarii seculares). Các hội viên Dòng Ba tu trì – đa số là nữ giới – sống thành cộng đoàn, giữ ba lời khấn dòng; họ chỉ khác với các đan nữ dòng nhì ở chỗ là họ không ở trong nội vi, nhưng tham gia các công tác tông đồ và bác ái. Đó là nguồn gốc của các dòng nữ tu hoạt động tông đồ vào thời nay.

Từ khi các cộng đoàn Dòng Ba tu trì lớn mạnh, cách riêng từ thế kỷ XV, thì vai trò của các hội viên Dòng Ba “đời” bị giảm. Nhiệt tình của phong trào “hối nhân” giảm sút. Vì thế, các nghĩa vụ của họ cũng được giảm nhẹ. Tính cách pháp lý của lời khấn hứa của họ không đáng kể. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, các Dòng Ba đời mới được phục hồi, nhưng thường được đồng hóa với các hội đoàn đạo đức cầu nguyện, nhưng không tác dụng vào đời sống Giáo hội cách mạnh mẽ như hồi thế kỷ XIII-XIV nữa. Dĩ nhiên, đó là nói các đường hướng chung, chứ khi đi vào lịch sử của mỗi Dòng Ba thì có nhiều đặc trưng khác nữa.

Hiện nay có bao nhiêu thứ Dòng Ba?

Sự phân biệt giữa Dòng Ba “tu trì” với Dòng Ba “đời” coi như không còn nữa. Các Dòng Ba tu trì trở thành các Dòng Tu như bao nhiêu Dòng Tu khác, chẳng hạn như các Dòng nữ tu Đaminh, Phanxicô, Cát minh, vv. Còn các Dòng Ba “đời” thì dần dần cũng đổi tên: thay vì gọi Dòng Ba Đaminh đời, thì người ta gọi là “huynh đoàn giáo dân Đaminh”; một cách tương tự như vậy, “Dòng Ba Phanxicô đời” được đổi thành “Dòng Thánh Phanxicô tại thế” (bỏ tính từ “thứ ba” để khỏi gây mặc cảm).

Dưới một khía cạnh khác, có thể nói được là có nhiều thứ Dòng Ba dựa theo các linh đạo khác nhau. Về điểm này ta thấy có sự khác biệt khá lớn giữa bộ giáo luật 1917 và bộ giáo luật 1983. Trong bộ giáo luật 1917, chỉ có các Dòng sau đây được phép nhận hội viên Dòng Ba: Phanxicô, Đaminh, Augustin, Carmêlô, Tôi tớ Đức Mẹ, Chúa Ba ngôi, Prémontrés, Minimi, Đức bà chuộc kẻ làm tôi, Biển đức. Như vậy, con số khá hạn hẹp, và chỉ giới hạn vào vài Dòng cổ điển. Ngược lại, Bộ giáo luật hiện hành không còn đặt giới hạn như vậy. Điều 303 của bộ giáo luật 1983 cho phép tất cả các Dòng Tu (dù cổ hay tân, dù là nam hay nữ) cũng đều có quyền kết nạp các giáo dân muốn tham gia vào linh đạo của mình. Đó là nói trên nguyên tắc. Cần phải chờ một thời gian nữa thì mới biết được điều luật này được áp dụng như thế nào.

Mặt khác, cũng nên biết rằng nhiều Dòng Tu, điển hình là Dòng Tên, tuy vốn không có Dòng Ba, nhưng vẫn điều khiển nhiều phong trào đạo đức gíao dân (thí dụ như trước đây gọi là Hiệp hội thánh mẫu, Hội tông đồ cầu nguyện, Phong trào Linh thao, vv). Sau cùng, để kết thúc bài hôm nay, cần thêm một nhận xét khác không kém phần quan trọng. Trong quá khứ, các phần tử Dòng Ba tìm đến các Dòng Tu để tìm con đường nên thánh, và con đường nên thánh được diễn tả qua việc hãm mình cầu nguyện.

Từ sau công đồng Vaticanô II, với cái nhìn mới về sứ mạng của các tín hữu giáo dân, đường nên thánh của các giáo dân không thể chỉ giới hạn vào việc hãm mình đền tội, đọc kinh cầu nguyện mà thôi, nhưng còn phải tìm cách đem men Phúc âm vào các môi trường sinh sống: từ gia đình, nghề nghiệp, cho tới các cơ chế kinh tế, chính trị. Hậu nhiên, Giáo hội mong đợi nơi các phần tử Dòng Ba không phải chỉ là những chuyên viên đọc kinh cầu nguyện, nhưng còn là những cộng sự viên của hàng giáo phẩm trong các sinh hoạt mục vụ giáo xứ (chẳng hạn: dạy giáo lý, thăm viếng người bệnh tật), các công tác bác ái xã hội, cũng như là những chứng tá tin mừng trong các môi trường giáo dục, lao động, chính trị. Tại Italia, người ta đang tiến hành thủ tục phong thánh cho ông Giorgio La Pira, một hội viên Dòng Ba Đaminh, nguyên thị trưởng thành phố Firenze (1904-1977). Giữa thời chiến tranh nóng bỏng tại Việt Nam, ông đã đưa ra chủ trương đàm phán. Nếu tôi không lầm, thì ông là chính khách đầu tiên của khối Tây phương đi gặp chủ tịch Hồ chí Minh tại Hà nội, vào tháng 8 năm 1965, để tìm cách bắt nhịp cầu.