Hiểu Sống Đức Tin: Tại Sao Gọi Các Linh Mục Là “Cha”?

0
1124


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã dặn các môn đệ là đừng kêu ai là “cha” hết, bởi vì tất cả chúng ta chỉ có một cha ở trên trời. Thế thì tại sao lại gọi các linh mục là cha?

Chắc rằng khi dặn các môn đệ đừng có gọi ai dưới đất là cha”, Chúa Giêsu không hề có ý bảo họ về nhà hãy gọi ông thân sinh là đồng chí” thay vì gọi là cha! Khi đọc Phúc âm, chúng ta thấy rằng đức Giêsu đã muốn dành riêng tiếng Cha” cho Thiên Chúa. Lý do không những bởi vì đây là một hình ảnh mới mẻ về Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải cho nhân loại (Thiên Chúa là Cha gần gũi với chúng ta, chứ không phải là Thượng đế Ngọc hoàng ở trên chín tầng mây), mà còn vì Đức Giêsu muốn bộc lộ một mối tương quan độc đáo của mình đối với Thiên Chúa, mà Ngài gọi là Abba”. Chúng ta hãy nhớ lại cảnh Đức Maria tìm được con mình ở đền thờ sau 3 ngày thất lạc. Bà mẹ ra như trách móc: Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!(Lc 2,48). Thế nhưng thay vì hối hận xin lỗi, Đức Giêsu đã nhắn khéo bà mẹ rằng mình đang lo chuyện của Cha đấy chứ. Ông Giuse đâu có phải là cha! Vì lý do đó, không lạ gì mà Đức Giêsu rất cẩn trọng mỗi khi dùng tiếng cha”. Từ này có ý nghĩa quá đặc biệt đối với Ngài, bởi vậy đừng nên sử dụng bừa bãi.

Chính vì vậy cho nên Chúa Giêsu đã muốn cho các môn đệ của Ngài đối xử với nhau như anh em, bởi vì tất cả đều là con cùng một “Cha”. Thế thì tại sao lại không gọi các linh mục là “anh” mà lại gọi là “cha”?

Thực ra thì trong ngôn ngữ hàng ngày, tiếng cha” có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tôi chỉ xin lấy một thí dụ qua những sự gán ghép từ ngữ trong tiếng Việt. Tuy cùng bởi một gốc là cha”, nhưng mà khi nghe nói tới cha ông” (chẳng hạn truyền thống cha ông) thì cha” mang ý nghĩa tốt đẹp; còn khi ghép cha” với chú” (cha chú), thì nó đã mang nghĩa xấu rồi; và thậm chí có nơi dùng tiếng thằng cha” với giọng rất là khinh bỉ. Do đó, có thể nói được rằng người ta có thể sẵn sàng gọi các linh mục là cha nếu họ có tư cách giống như thân sinh của ta; nhưng chắc chắn là không ai muốn thấy các linh mục cư xử kiểu cha chú, bởi vì rõ ràng là trái ngược với Phúc âm. Tuy nhiên, thay vì đào sâu vào khía cạnh ngôn ngữ học, chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử của việc dùng từ cha” trong Giáo hội. Không phải chỉ có tại Việt Nam, các linh mục mới được gọi là cha, nhưng đây là một tục lệ có trong tất cả các ngôn ngữ: Père (tiếng Pháp), Father (tiếng Anh), Padre (tiếng Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha).

Tục lệ này đã bắt đầu từ bao giờ?

Có thể nói được là nó bắt đầu từ Thánh Phaolô. Trong các thư gửi các tín hữu, Thánh Phaolô đã gọi họ là anh em” (hay là để khỏi mất lòng các bà, ta có thể tán thêm anh chị em thân mến”). Chúng ta có thể mở thư gửi Rôma (chương 1 câu 13) thì thấy. Thế nhưng hơn một lần Thánh Phaolô đã gọi các tín hữu là con cái (Gl 4,19; 2 Cr 6,13), và ví mình như là cha của họ (1Cr 4,15). Lý do là vì nhờ việc rao giảng Tin mừng,Thánh Nhân đã giúp cho các tín hữu tái sinh vào đời sống mới. Thánh Phaolô đã ví những lao nhọc trong công cuộc tông đồ như những đau khổ cực nhọc của cha mẹ trong việc sinh thành dưỡng dục con cái.

Thực ra thì đây không phải là điều gì mới lạ trong lịch sử. Tục lệ Do Thái đã gọi các ông thầy của mình là cha (kiểu như sư phụ” bên Đông phương của ta), thí dụ như ông Êlisêu đã kêu ông Êlia, thầy của mình, là cha” (sách Các Vua, quyển 2, chương 2 câu 12).Hơn thế nữa, người Do Thái còn dùng tiếng cha không những trong tương quan cá nhân (kẻ đã sinh ra hay là đã dưỡng dục mình) mà còn trong tương quan của cả dân tộc (tương tự như người mình đôi khi nói đến cha già của dân tộc”); đó là khi họ gọi Abraham là cha của Israel, không phải cha về đàng huyết nhục cho bằng cha về đức tin. Kiểu nói này còn phản ánh trong Phúc âm theo thánh Gioan chương 8, câu 39.

Nhưng phong tục Do Thái có ảnh hưởng gì đến các Kitô hữu nữa đâu, nhất là khi mà Chúa Giêsu đã muốn dành riêng tiếng “Cha” cho Thiên Chúa?

Như đã nói trên đây, tuy rằng Chúa Giêsu đã muốn dành tiếng “Cha” cho Thiên Chúa, nhưng Ngài không hề dạy các môn đệ hãy tước quyền làm cha của các thân sinh của mình! Một cách tương tự như vậy, qua lối nói của Thánh Phaolô, ta có thể nhận ra được rằng các Kitô hữu đầu tiên cũng gọi các thầy dạy của mình là cha, nhất là khi nói tới những ông thầy không dạy chữ nghĩa văn tự cho bằng dạy đạo lý đức tin, những ông thầy giúp cho mình được tái sinh vào đời sống ơn nghĩa Chúa.

Như vậy, các linh mục được gọi là cha theo nghĩa là thầy dạy đạo lý và ban bí tích phải không?

Đúng thế,tuy vậy, cũng nên biết là trong lịch sử Giáo hội, tiếng cha” không phải chỉ dành riêng cho các linh mục. Tiên vàn, có nơi đã gọi Đức Kitô là Cha” bởi vì Ngài là thầy bậc nhất của chúng ta. Nhưng mà tục lệ này không được phổ biến cho lắm, bởi vì trong kinh nguyện phụng vụ, tiếng Cha đã được dành cho Thiên Chúa Cha rồi. Trong số các phần tử của Giáo hội, tiếng cha” được dành cách riêng cho các Giám mục. Trên đây tôi có nói đến từ ngữ cha của dân tộc” theo tục lệ Do thái. Các Kitô hữu ở các thế kỷ đầu tiên ra như cũng muốn tiếp tục truyền thống đó. Đối với cộng đoàn Kitô hữu, ai đáng được liệt vào hàng cha của dân tộc”? Thưa rằng các Giám mục khi phải bảo vệ đạo lý đức tin của Giáo hội. Từ đó, văn chương Kitô giáo nói tới hai loại cha: các giáo phụ” và các nghị phụ”. Trong nguyên gốc La-tinh, giáo phụ” có nghĩa là cha của Giáo hội” (Patres Ecclesiae), còn các nghị phụ” có nghĩa là cha của công đồng” (Patres Conciliares). Cả hai từ có liên lạc mật thiết với nhau. Các Giám mục đi họp công đồng được gọi là “nghị phụ” (nghĩa là cha), bởi vì họ là những người đã định nghĩa đạo lý đức tin và đời sống kỷ luật của Giáo hội, đặc biệt vào các thế kỷ đầu tiên khi mà đức tin bị tấn công về phía các lạc giáo hay người ngoại giáo. Cũng vì lý do đó mà các ngài được gọi là Giáo phụ” (cha của Giáo hội), bởi vì không những các ngài đã đóng vai trò dậy dỗ các tín hữu, nhưng mà các ngài còn là những chứng nhân đức tin của những thế hệ đầu tiên. Vì thế có thể ví như những cha ông” khai sơn lập quốc của Kitô giáo, những kẻ gầy dựng truyền thống Kitô giáo.

Cũng như kiểu các vị sáng lập một Dòng tu được gọi là “tổ phụ” phải không?

Đúng thế, duy có điều là nhiều khi chúng ta dùng danh từ phụ” của Hán ngữcho nên không thấy sự liên hệ tư tưởng. Chẳng hạn chúng ta quen với tiếng giáo phụ” mà quên rằng nó có nghĩa là cha của Giáo hội”. Trước khi áp dụng tiếng tổ phụ” cho những vị sáng lập các Dòng tu, văn chương Kitô giáo đã áp dụng nó cho những người khai sinh ra nếp sống tu trì trong Giáo hội. Vào thế kỷ III-IV, một số Kitô hữu đã rút lui vào sa mạc đồng hoang để sống đời cô tịch, khởi sự cho nếp sống đan tu trong Giáo hội; những người đó được gọi là các cha của sa mạc” (pères du désert). Trong khung cảnh đó mà ta thấy xuất hiện các cha linh hướng”, tức là những đạo sĩ già dặn kinh nghiệm có khả năng hướng dẫn người khác trên đường tiến đức. Nên lưu ý là các cha linh hướng” không nhất thiết là linh mục, và chúng ta có thể hình dung cả các phụ nữ trong số những người ấy nữa.

Như vậy thì cũng giống với các “sư phụ” ở bên Đông phương chứ gì?

Tôi nghĩ như vậy đó. Trên đây tôi đã nhắc tới sự kiện là tại các trường phái ngôn sứ ở Israel, vị lãnh đạo đã được gọi là cha”, như trường hợp ông Êlisêu kêu ông Êlia. Vì thế chúng ta không lạ gì vị lãnh đạo của một đan viện được gọi là cha” (abbas). Tiếc rằng từ abbas” thường được dịch là viện phụ”, nghe trang trọng quá, khiến chúng ta quên đi nguồn gốc của nó. Người đứng đầu một đan viện được gọi là cha theo nghĩa tinh thần, bởi vì ngài đã từng trải trên đường nhân đức, và có khả năng hướng dẫn anh em mình trên đường tiến đức. Ngoài trách nhiệm lãnh đạo tinh thần, ngài cũng lo lắng phần vật chất cho các đan sĩ giống như người cha (gia trưởng) lo cơm ăn áo mặc cho con cái. Một lần nữa, cần lưu ý là các viện phụ” (abbas, cha của đan viện) không hẳn là linh mục. Nếu là nữ giới, thì người ta sẽ gọi là mẹ”. Từ chỗ gọi người đứng đầu một đan viện là cha”, sang tới chỗ gọi người sáng lập một Dòng tu là tổ phụ” bước tiến không xa lắm. Tổ phụ” chung quy cũng là cha” thôi! Có điều là đôi khi từ tổ phụ” được sử dụng hơi bừa bãi. Trước đây, vị lập dòng được tôn làm tổ phụ khi họ đã làm thánh, quen gọi là cha thánh”. Còn ngày nay chỉ cần quy tụ được dăm ba môn đệ thì đã thành tổ phụ, khi mà chưa dám chắc là cái tổ chức này sẽ bền bỉ được bao lâu!