Hiểu Sống Đức Tin: Sa Mạc Có Ý Nghĩa Gì Trong Đời Sống Đạo Của Người Kitô Hữu?

0
906


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Phúc Âm nhiều lần thuật lại Chúa Giêsu vào sa mạc để cầu nguyện. Nhiều người cũng tiết lộ rằng, mỗi tháng họ dành một ngày “vào sa mạc”. Tại sao phải vào sa mạc mới cầu nguyện được? Tìm đâu ra sa mạc ở Việt Nam?

Truy tầm nguyên ngữ của từ “sa mạc”, tôi được biết rằng: “sa” nghĩa là cát, “mạc” là bãi đất rộng. Sa mạc là vùng đất rộng mênh mông toàn cát. Hiểu theo nghĩa này thì có lẽ chỉ có ai ở gần bờ biển mới có cơ may chứng kiến các bãi cát. Tiếc rằng trong đầu óc của đại đa số dân chúng, bãi cát gợi lên tư tưởng đi tắm biển chứ không phải là đi cầu nguyện.

Theo tôi nghĩ, khi nói đến chuyện vào sa mạc để cầu nguyện thì sa mạc không nên hiểu là “bãi cát” nhưng là “nơi hoang vắng”. Đây cũng là ý nghĩa của từ “desertum” trong tiếng Latin. Hiểu như vậy, nơi hoang vắng (hay hoang địa) không nhất thiết phải là nơi “đồng không mông quạnh” hoặc “đồng hoang cỏ cháy”, nhưng có thể ám chỉ những khung cảnh khác nữa.

Thí dụ…

Có thể nói đến hai khung cảnh khác nhau: khung cảnh vật lý và khung cảnh tâm lý:

– Xét về khung cảnh vật lý, thì nơi hoang vắng được hiểu là chỗ yên tịnh (cô tịch), xa cách cảnh huyên náo của chốn đông người (nhất là thị thành). Nơi hoang vắng có thể là cánh đồng, rừng cây, núi đồi. Khung cảnh tĩnh mịch giúp chúng ta dễ tập trung tinh thần, suy nghĩ, cầu nguyện. Chúng ta đừng nên quên rằng Phúc Âm nhiều lần nói đến việc Chúa Giêsu rút vào nơi hoang vắng để cầu nguyện (Mc 1,12; Lc 5,16), và cũng có lúc nói rằng Người lên núi để cầu nguyện, chẳng hạn trên núi Tabor. Dĩ nhiên những kinh nghiệm này đã gặp thấy trong Cựu ước rồi, điển hình nơi ông Môsê và ông Êlia: cả hai đều vào nơi hoang địa và lên núi để gặp gỡ Chúa.

– Còn xét về khung cảnh tâm lý, thì đôi khi từ “hoang địa” được dùng trong văn chương hiện đại để ám chỉ cảnh cô độc ngay tại trung tâm những đô thị sầm uất như: Paris, New York, Sài Gòn,… Tuy sống giữa một biển người qua lại tấp nập nhưng nhiều người vẫn thấy cô đơn trơ trọi, bởi vì họ không gặp được một người hàn huyên tâm sự; quả là cảm nghiệm bơ vơ lạc lõng đáng sợ. Hiểu theo nghĩa này, chưa chắc cảnh hoang vắng là một khung cảnh thuận tiện để cầu nguyện.

Tuy nhiên, bên cạnh hai khung cảnh địa lý và tâm lý vừa nói (mà ai cũng có thể hiểu được), hình ảnh “sa mạc” (hay hoang địa) còn mang nhiều ý nghĩa khác trong truyền thống tu đức Kitô giáo nữa, khởi đầu từ Kinh Thánh.

Trong Kinh Thánh, sa mạc mang ý nghĩa gì?

Trong Kinh Thánh, “sa mạc” không chỉ gợi lên một khung cảnh địa lý, nhưng tiên vàn là một giai đoạn 40 năm trong lịch sử dân Israel, kể từ khi họ rời khỏi Ai Cập cho đến khi vào Đất Hứa. Đôi khi thời kỳ này được đặt tên là “lữ hành” và là đề tài của sách Xuất Hành. Nhưng các tác giả tu đức không chỉ dừng lại ở hiện tượng xã hội mà còn muốn phân tích những cảm nghiệm của Israel đối với Thiên Chúa. Nói cách khác, đối với Israel, sa mạc không còn là một “nơi” (xét như địa lý) nhưng là một “thời” (xét như một khoảng thời gian), thời làm quen với Thiên Chúa. Đây không còn là chuyện rút vào nơi thanh vắng để tâm sự gặp gỡ Chúa, nhưng chính Chúa dẫn Israel vào sa mạc để huấn luyện.

Thiên Chúa huấn luyện như thế nào?

Đề tài “sa mạc” như thời kỳ huấn luyện được bàn trong nhiều tác phẩm của Cựu ước, chứ không riêng gì sách Xuất Hành. Có điều đáng ghi nhận là khi đánh giá thời gian này, ta thấy có hai ý kiến đối nghịch:

– Một ý kiến nghiêm khắc cho rằng, cuộc huấn luyện thất bại, bởi vì Israel không tiếp thu được bài học;

– Ngược lại, một ý kiến khác thì đề cao thời kỳ này như là giai đoạn thơ mộng của mối tình đầu.

Hai lối đánh giá khác nhau phần nào cũng vì quan niệm khác nhau về chương trình huấn luyện trên sa mạc:

– Một quan niệm cho rằng, Israel không thuộc bài, vì thế cần phải học lại;

– Một quan niệm khác thì cho rằng, Isarel đã đậu cao, nhưng dần dần đã quên hết chữ của thầy.

Thiên Chúa đã dạy bài học nào mà Israel không thuộc?

Theo quan niệm thứ nhất, thì từ khi ra khỏi đất Ai Cập, Thiên Chúa đã cho dân Israel chứng kiến bao nhiêu kỳ công, nhằm chứng tỏ tình thương đặc biệt mà Người dành cho họ: từ khi vượt qua Biển Đỏ, rồi cung cấp thức ăn nước uống, rồi những cảnh huy hoàng trên núi Sinai. Thế mà dân Israel vẫn chưa tin tưởng vào Chúa đủ. Hơi một tý là họ lẩm bẩm than trách. Vì thế không có ai trong số những người ra khỏi Ai Cập được đặt chân vào Đất Hứa. Bài học sa mạc quả là chua chát.

Mỗi ngày vào lúc mở đầu kinh Nhật Tụng, chúng ta còn nghe lời trách móc khi đọc Thánh Vịnh 95: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mêriba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc. Nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán. Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta! Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta”.

Tóm lại, cuộc huấn luyện trong sa mạc thất bại: Israel không thuộc bài, và Thiên Chúa cũng chán. Quan niệm này cũng phản ánh trong Tân ước, trong thư thứ nhất thánh Phaolô gửi cộng đoàn Côrintô (10,1-13) và thư gửi cộng đoàn Hipri.

Thế còn quan niệm thứ hai thì sao?

Theo quan niệm thứ hai, thời gian ở sa mạc được ví thủa tình đầu. Lúc đó, Israel được ví như cô gái mới lớn chưa có người yêu nào hết. Thiên Chúa đã đưa cô vào sa mạc, kiểu như: “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”, để trao cho nhau biết bao nhiêu lời tình thắm. Thật là một giai đoạn vàng son.

Thế nhưng, khi khôn lớn, Israel bắt đầu liếc tình, chạy theo những tình nhân khác. Tình trạng này xảy đến sau khi Israel đã định cư bên đất Canaan. Israel bị cám dỗ từ bỏ Giavê và chạy theo các thần tượng khác. Trong bối cảnh đó, các ngôn sứ, đặc biệt là Giêrêmia (chương 2) và Hôsê (2,16), nhắc lại mối tình đầu trong sa mạc và khuyên Israel hãy quay về trường cũ: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”.

Nói khác đi, hồi mới tốt nghiệp thì Israel giỏi lắm, nhưng càng ngày càng quên chữ của thầy.

Tại sao lại có hai quan điểm khác nhau như vậy?

Thoạt tiên xem ra là hai quan điểm trái nghịch, nhưng kỳ thực chỉ xoay quanh một chủ đề, đó là quãng “thời gian lữ hành trong sa mạc”, Israel đã được chứng kiến mối tình đặc biệt của Thiên Chúa qua biết bao nhiêu hồng ân, đặc biệt là giao ước trên núi Sinai.

Thế nhưng đối với quan niệm thứ nhất, thì Israel đã không biết đón nhận hồng ân đó mà cứ phản bội Chúa. Còn theo quan niệm thứ hai, thì lúc trên sa mạc, Israel đã tiếp nhận giao ước, nhưng đến khi vào chốn định cư bên Canaan, thì quên hết lời thề xưa. Cả hai quan niệm đều gặp nhau ở một chỗ là Israel đã không tôn trọng giao ước với Chúa. Từ đó mới có lời kêu gọi trở về với sa mạc, nghĩa là trở về với giao ước.

Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh đã đọc lại các cơn cám dỗ của Đức Giêsu trong bối cảnh này. Sau khi lãnh phép rửa, Đức Giêsu vào sa mạc 40 ngày ăn chay và sau cùng chịu cám dỗ. Đức Giêsu tượng trưng cho dân Israel mới: Người cũng chia sẻ thân phận trong sa mạc, trải qua nhiều thử thách, nhưng lần này Người đã lướt thắng. Người chấp nhận tuân hành kế hoạch của Thiên Chúa, không lẩm bẩm kêu trách cũng không tìm thỏa mãn tư lợi.

Ngày nay các Kitô hữu vào sa mạc để bắt chước Đức Giêsu phải không?

Đúng vậy, các Kitô hữu vào sa mạc để bắt chước Đức Giêsu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta đừng nên hiểu sa mạc là bãi cát, nhưng nên hiểu theo nghĩa của khung cảnh địa lý và tinh thần.

Sa mạc là biểu tượng cho khung cảnh thanh vắng yên tĩnh giúp chúng ta dễ nghe tiếng Chúa. Sa mạc cũng là biểu tượng của nơi hoang dã, nghĩa là thiếu các thứ tiện nghi tối thiểu. Trong tình cảnh đó, con người ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng, tập sống phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa chứ không ỷ vào các thế lực trần gian (tiền tài, của cải, địa vị, danh vọng, khoái lạc,…). Đặc biệt, theo gương Đức Giêsu, người tín hữu tìm cách khám phá tình thương của Thiên Chúa qua giao ước, và muốn sống trung thành với giao ước đó bất chấp những thử thách, giống như Đức Giêsu sẵn sàng đi vào con đường tùng phục khiêm tốn để phục vụ Nước Thiên Chúa, thay vì con đường hiển hách.

Nhưng sa mạc ở đâu?

Có người hiểu sa mạc theo nghĩa vật lý, tuy không hẳn là bãi cát. Họ đi tìm nơi thinh lặng xa cách nơi huyên náo. Không thiếu những người đã dành mỗi tháng một ngày để “vào sa mạc” theo nghĩa này.

Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều tín hữu vào sa mạc không phải chỉ một ngày, nhưng họ ở lại đó luôn. Đó là nguồn gốc của nếp sống ẩn sĩ. Nhưng về sau, khi đời sống tu trì phát triển, người ta thấy có những Dòng Tu được thiết lập ngay giữa thành phố, nhưng ngăn cách với bên ngoài bằng tường cao lũy kín.

Ngày nay, “khung cảnh địa lý” không quan trọng cho bằng “khung cảnh tinh thần”. Điều khó nhất mà chúng ta phải thoát ly không phải là những tiếng động bên ngoài, cho bằng những tiếng động bên trong tâm hồn, những đòi hỏi muốn đặt “cái Tôi” làm trung tâm vũ trụ. Bao lâu còn mang não trạng đó, thì cho dù đi hoang đảo xa vắng, ta chỉ gặp thấy cái Tôi, chứ không thấy tha nhân mà cũng chẳng gặp Chúa!