Hiểu Sống Đức Tin: Những Người Đã Lập Gia Đình Có Thể Đi Tu Được Không?

0
732


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Gần đây nghe nói có những Dòng tu được lập cho người đã kết hôn. Đó là tin thực hay tin bịa?

Trước khi trả lời câu hỏi về tính cách xác thực của tin đồn Dòng tu lập cho người đã kết bạn, thiết tưởng nên nhớ lại câu ví ở Việt Nam: “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Nếu tôi không lầm thì câu ví đó muốn nói rằng tu ở gia đình còn khó hơn là tu ở chùa. Hậu nhiên, nếu muốn lập công đức thì tu ở nhà đủ rồi, cần gì phải tính chuyện vào chùa mới tu được. Lắm khi nghĩ tới cảnh đêm đêm nghe bọn tí nhau khóc oe oe, tôi cũng thấy rằng quả là tu ở nhà khó hơn tu ở chùa thật! Tuy nhiên, xin tạm gác chuyện công phúc ra một bên, để bàn về chuyện người có gia đình mà xin đi tu. Vấn đề cần được xét dưới nhiều khía cạnh. Chúng ta cần phải xác định rõ ràng ý nghĩa của đời tu trì dành cho người đã có hôn thú, cũng như những giới hạn mà giáo luật hiện hành đặt ra. Kế đó chúng ta sẽ xét tới những thử nghiệm còn thăm dò. Trước tiên chúng ta hãy xem những giới hạn của giáo luật hiện hành. Một điều có lẽ hiếm ở Việt Nam nhưng đã được giáo luật chấp nhận là những người góa đi tu. Phải nhận rằng có nhiều trường hợp của các ông góa vợ đi tu hơn là trường hợp của các bà goá chồng. Thêm vào đó chúng ta có thể hiểu việc đi tu vừa theo nghĩa là làm tu sĩ vừa theo nghĩa là làm linh mục. Và tôi đã thấy trường hợp người con linh mục đồng tế với bố vào ngày ông cụ chịu chức! Một hoàn cảnh khác là các người có gia đình xin gia nhập Dòng Ba. Dĩ nhiên đây là hiểu việc đi tu theo nghĩa rộng, khi mà người chồng hoặc người vợ hoặc cả hai vợ chồng hứa tuyên giữ kỷ luật Dòng Ba (thí dụ Dòng Ba Đaminh, Phanxicô, Carmêlô). Đôi khi họ cũng được lãnh tu phục (nhất là các bà), nhưng điều này không có nghĩa là họ trở thành tu sĩ. Hội Dòng Ba cũng tương tự như những hội đoàn tông đồ giáo dân khác nhằm mục đích giúp cho các giáo dân sống ơn gọi thánh thiện hoặc tham gia vào sinh hoạt tông đồ, chứ không phải là tu hội. Đó là hai hình thức cổ truyền theo giáo luật mà ta có thể nói tới chuyện đi tu của những người đã lập gia đình, tức là hoặc vì người bạn đã qua đời hay chỉ là hình thức Dòng Ba.

Thế còn bây giờ người ta muốn tiến tới đâu nữa?

Người ta muốn tiến tới chỗ là những người tuy đã lập gia đình và người bạn mình còn sống, có thể được tận hiến theo nghĩa chặt chứ không phải chỉ như hội viên Dòng Ba.

Như vậy là họ muốn bắt cá hai tay, vừa muốn đi tu vừa muốn có gia đình. Tại sao không chọn lựa dứt khoát một đường cho xong mà lại muốn đứng chân trong chân ngoài như vậy?

Thiết tưởng chúng ta đừng vội phán đoán trước khi tìm hiểu tất cả những lý do và động lực của hình thức tu trì dành cho những người đã lập gia đình. Dĩ nhiên, không thể nào chấp nhận cho các tu sĩ đã khấn hứa khiết tịnh trọn đời và sau đó lại còn muốn kết hôn. Đây quả đúng là muốn bắt cá hai tay: nếu người tu sĩ nào cảm thấy không có khả năng sống lời cam kết độc thân thì họ sẽ xin tháo lời khấn để đi kết bạn, chứ không thể vừa mang danh là tu sĩ mà lại vừa là người có gia đình. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra cho những người đã lập gia đình mà muốn sống theo những yêu sách triệt để của Phúc âm. Vấn đề được gợi lên với một cái nhìn mới về giá trị hôn nhân. Trước đây, người ta cho rằng việc nên thánh được dành cho các tu sĩ, những người được ơn kêu gọi dâng mình cho Chúa. Còn những người tầm thường, không thể giữ mình khiết tịnh được thì đành an phận đi kết bạn sinh con đẻ cái. Với một quan niệm như vậy, các đôi vợ chồng khỏi cần phải nghĩ đến chuyện nên thánh làm gì. Họ ráng sao giữ trọn mười điều răn để rỗi linh hồn là đủ rồi. Thế nhưng công đồng Vaticanô II đã sửa đổi não trạng đó. Tất cả các tín hữu đều được kêu gọi nên thánh, bất kỳ là người độc thân hay đã lập gia đình. Hậu nhiên các tín hữu không nên dừng lại ở mức độ tầm thường (lo tránh tội trọng kẻo sa hỏa ngục), nhưng cần cố gắng tiến tới đức ái trọn hảo nữa.

Như vậy là công đồng khuyến khích các người có đôi bạn hãy đi tu, có phải không?

Không phải như vậy. Công đồng không có ý định bảo rằng nếu các tín hữu muốn nên trọn lành thì phải từ bỏ vợ con để đi tu! Việc nên thánh hệ tại thực hành đức ái, đặc biệt qua việc sống các mối phúc thật. Mặt khác, không thể chối cãi được rằng trải qua dòng lịch sử, sự thánh thiện Kitô giáo gắn liền với việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Từ đó chúng ta có thể hiểu được lý do vì sao có chuyện những người đã kết bạn mà còn muốn đi tu. Dĩ nhiên là họ không chủ ý bỏ bê chuyện gia đình để rút lui vào tu viện kín cổng cao tường, nhưng họ muốn tìm cách để sống các mối Phúc thật (cách riêng 3 lời khuyên Phúc âm) trong bậc hôn nhân.

Nhưng đó mới là dự án hay là đã có được áp dụng?

Đã có vài thí nghiệm rồi. Những cuộc thí nghiệm này cũng có đà tiến triển của nó. Những bước đầu tiên đã có vào thập niên 50, kể từ khi các Tu hội đời được Toà thánh châu phê. Như chị đã biết, các hội viên Tu hội đời sống lăn lộn giữa đời chứ không rút lui vào tu viện; họ làm nghề nghiệp như bao nhiêu người khác, chứ không có những cơ sở chung. Vài Tu hội đời đã dự trù hai loại hội viên: những hội viên theo nghĩa chặt, phải tuyên hứa giữ khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời; những hội viên theo nghĩa rộng thì bao gồm cả những người đã lập gia đình, lúc đầu thì được thâu nhận từng người một, về sau thì cả đôi đều xin được kết nạp. Sang bước thứ hai, các Tu hội đời ước ao cho những người đã kết bạn cũng được kết nạp như phần tử chính danh, với đầy đủ các nghĩa vụ và bổn phận. Bộ Tu sĩ đã phải can thiệp vào năm 1975, không chấp nhận giải pháp này. Bộ giáo luật ban hành năm 1983 cũng duy trì lập trường đó ở đ.721 $1, số 3. Thấy rằng lối này bị cụt, người ta xoay qua lối khác. Một vài Dòng tu đứng ra lập cộng đoàn trong đó có ba nhóm: các người độc thân nam và nữ, các người có đôi bạn cùng với con cái của họ. Dần dần, người ta tiến thêm một bước nữa là chỉ lập những cộng đoàn dành riêng cho những đôi vợ chồng (dù có con hay không). Dĩ nhiên ta có thể hình dung được rằng cách tổ chức những cộng đoàn như vậy không có tính cách chặt chẽ như là các tu viện. Dù sao thì những hình thức cộng đoàn này còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, và thường chỉ gồm trên dưới chừng 10 cặp hôn nhân.

Liệu trong tương lai các cộng đoàn này sẽ có cơ hội bành trướng hay không?

Tôi không phải là tiên tri nên không dám dự đoán tương lai. Chỉ xin ghi nhận những vấn nạn mà các nhà thần học và giáo luật đang tranh luận. Vấn nạn quan trọng nhất không phải là bắt cá hai tay (vừa muốn lập gia đình lại còn muốn đi tu). Nhưng vấn nạn quan trọng nhất là ý nghĩa của lời khấn khiết tịnh. Xưa nay, học thuyết cũng như quan niệm bình dân đặt sự độc thân như là yếu tố căn bản của lời khấn khiết tịnh tu trì. Thế thì làm sao áp dụng cho những người đã kết bạn và tiếp tục duy trì đời hôn nhân? Để giải quyết vấn nạn này, người ta đưa ra hai giả thuyết thế này: 1) Sự độc thân không phải là cốt yếu của lời khuyên khiết tịnh: có thứ khiết tịnh trong bậc độc thân cũng như có thứ khiết tịnh trong bậc vợ chồng. 2) Khi khấn khó nghèo, tu sĩ dâng cho Chúa khả năng chiếm hữu và sử dụng tài sản, nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ không bao giờ đụng tới tài sản. Họ vẫn có thể và cần phải sử dụng tài sản, tuy rằng không phải như là tư hữu của mình nữa nhưng như là của Chúa. Một cách tương tự như vậy, những người đã có đôi bạn có thể khấn khiết tịnh với Chúa, nghĩa là dâng hiến người bạn trăm năm cho Chúa, và rồi sau đó lại lãnh nhận không phải như là người yêu độc hữu của mình nữa, song như là món quà của Chúa, được ban như người bạn đường của mình.

Những ý kiến đó có được Giáo hội chấp nhận không?

Chắc chắn là nhà chức trách của Giáo hội vui mừng vì thấy có những đôi hôn nhân muốn dấn thân trên đường trọn lành và trên đường phụng sự Nước Chúa. Nhưng cho đến nay, Giáo hội không xếp họ vào hàng ngũ tận hiến. Lập trường của Giáo hội được bày tỏ trong tông thư của đức Gioan Phaolô II về đời sống tận hiến, ở số 62. Đức Thánh Cha cũng nhắc cho các đôi vợ chồng nhớ là bí tích hôn nhân cũng là một hình thức thánh hiến, do đó không nên trà trộn với sự thánh hiến qua việc tuân giữ sự khiết tịnh độc thân.