Hiểu Sống Đức Tin: Các Thánh Thông Công Là Gì?

0
1527


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

 

Ngày 01-11 hàng năm, Giáo Hội mừng kính trọng thể các thánh nam nữ. Còn trong kinh Tin Kính chúng ta đọc thì có câu: “Tôi tin các thánh thông công”. Các thánh thông công có nghĩa là gì?

Trước khi đi vào nội dung, cần nói qua vấn đề từ ngữ. Tiếng Việt mình nói là “các thánh thông công”, nhưng nguyên bản Latin thì nói ngược lại: “sự thông công của các thánh” (communio sanctorum). Hạn từ “Communio thường được dịch là “thông công, thông hiệp, hiệp thông, thông hảo, giao hảo”.

Vậy còn hạn từ “sanctorum thì sao? Có đến ba lối giải thích khác nhau, dựa theo cách cấu tạo văn phạm. Thường thì chúng ta quen hiểu “sancti”“các thánh”. Thế nhưng, các thánh là ai? Câu hỏi được đặt ra, vì lẽ trong khi chúng ta thường quan niệm “các thánh là những người thánh thiện nhân đức, các phúc nhân trên trời”, thì trong các thư gửi các giáo đoàn, thánh Phaolo đã nhiều lần gọi “tất cả các tín hữu là các thánh”, xét vì họ đã được thánh hóa trong Chúa Kitô nhờ Bí tích Rửa Tội. Như thế là chúng ta đã có hai lối giải thích rồi, tức là:

– 1/. Sự thông hiệp của các thánh trên trời (hay với các thánh trên trời);

– 2/. Sự thông hiệp của các Kitô hữu (giữa các tín hữu với nhau).

Thế nhưng dựa theo văn phạm, tiếng “santorum” có thể dùng theo trung tính (sancta), có nghĩa là “những sự thánh”; vì vậy “communio sanctorum” phải dịch là “thông hiệp trong những sự thánh”, tức là những Bí tích.

Giữa ba cách giải thích như vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về “communio sanctorum”? Thực ra, mỗi thuyết đều có thể trưng dẫn rất nhiều chứng cứ Giáo phụ và thần học để biện minh. Tuy nhiên, thay vì xét thuyết nào đúng, thuyết nào sai, thiết tưởng nên chấp nhận rằng: “communio sanctorum” bao gồm cả ba nghĩa. Cả ba cùng bổ túc cho nhau để làm sáng tỏ hơn bản chất của Hội Thánh.

Nhưng xét theo lịch sử, ý nghĩa nào có tính cách nguyên thủy hơn, cổ điển hơn?

Thật khó xác định được. Các sử gia chưa đồng ý về điểm công thức “communio sanctorum” được ghi vào các kinh Tin Kính từ bao giờ. Theo ý kiến của đa số, có lẽ vào thế kỷ thứ V. Tuy nhiên, sự phát biểu công thức là một chuyện, còn niềm tin là một chuyện khác. Ví dụ như tín điều về “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” được long trọng tuyên bố vào năm 1950, nhưng niềm tin của dân Kitô vào đạo lý ấy thì có cả hơn chục thế kỷ nay rồi. Trở lại với vấn đề đang bàn, chúng ta không rõ công thức “communio sanctorum” được xen vào kinh Tin Kính từ bao giờ, nhưng chắc chắn niềm tin về sự thông hiệp giữa các tín hữu đã có ngay từ thời đầu Giáo Hội. Xét về ba ý nghĩa của công thức ấy, chúng ta có thể giả thiết như sau:

– Như đã nói trên, trong các thư gửi các giáo đoàn, thánh Phaolo nhiều lần gọi các tín hữu là các thánh, xét vì họ đã được thánh hóa nhờ Đức Kitô qua Bí tích Rửa Tội. Vì thế, có thể là ý nghĩa này cổ điển hơn hết. Theo đó, “communio sanctorum” ám chỉ chính Giáo Hội, theo nghĩa là hợp bởi một cộng đoàn những thánh nhân, những người đã được Thiên Chúa cứu ra khỏi thế gian, tội lỗi. Họ họp thành một gia đình, một thân thể nhiệm mầu, vì cùng chia sẻ với nhau một niềm tin, một sức sống, một hy vọng.

– Có lẽ về sau, khi Kitô giáo được nhận làm quốc giáo ở Rôma, các tín hữu mất dần ý thức về sự khác biệt với thế giới chung quanh, xét vì xem ra tất cả mọi người đều có đạo rồi. Vì vậy mà sự liên kết giữa các tín hữu trong cộng đồng trở nên lỏng lẻo, đang khi đó thì thần học về việc tôn kính các thánh phát triển mạnh, nhất là từ thời trung cổ. Hậu quả là khi nói đến “communio sanctorum”, người ta nghĩ đến sự thông hiệp giữa những tín hữu ở đời này với các thánh nhân trên trời, giữa Giáo Hội chiến đấu với Giáo Hội khải hoàn: các tín hữu dưới thế xin các thánh trình bày công nghiệp của mình để cầu bầu cho mình. Dưới viễn ảnh này, chúng ta có thể dịch “communio sanctorum”“các thánh thông công”, nghĩa là các thánh chia sẻ những công đức của các ngài cho chúng ta.

– Cũng trong chiều hướng ấy, chúng ta có thể áp dụng “các thánh thông công” cho các người còn phải đền tội trong luyện ngục nữa. Chúng ta dâng lời cầu nguyện, việc hy sinh để đền bù thay cho họ.

Tóm lại, communio sanctorum có thể hiểu là tất cả các tín hữu (tức là các thánh nhân) họp thành một sự thông hiệp, một gia đình. hoặc có thể hiểu là các tín hữu tại thế này thông hiệp với các thánh nhân trên trời, hoặc các linh hồn nơi luyện tội. Thế còn thông hiệp trong các sự thánh có nghĩa là gì?

Điều đó tùy theo cách ta hiểu hạn từ “các thánh nhân”. Nếu ta hiểu hạn từ “các thánh nhân” theo nghĩa là “hết tất cả các tín hữu”, thì các “sự thánh” có nghĩa là “tất cả những gì giúp chúng ta nên thánh”, tựa như ân sủng, các nhân đức (đặc biệt là: đức tin, đức cậy, đức mến), và nhất là Chúa Thánh Thần, Đấng chủ động của sự thánh hóa. Tất cả chúng ta cùng chia sẻ một kho tàng ấy, và hậu nhiên, chính kho tàng ấy tạo ra một dây liên kết giữa chúng ta.

Còn nếu hiểu “các thánh nhân” như là “các phúc nhân trên trời”, thì sự thông hiệp vào “các sự thánh” được hiểu là chúng ta “được hưởng nhờ những công nghiệp, lời cầu bầu của các ngài; và các linh hồn trong luyện tội cũng được chia sẻ những việc lành ấy nữa”. Dù sao đi nữa, chúng ta không bao giờ được quên rằng: nguyên ủy, căn bản của các sự thánh, của các huân lao công trạng trong Hội Thánh chính là Chúa Kitô, ơn cứu chuộc mà Ngài đã mang cho nhân loại, và được chuyển cho chúng ta qua các Bí tích.

Sau khi đã giải thích nội dung súc tích của từ communio sanctorum, liệu có thể tìm ra từ ngữ nào trong tiếng Việt để chuyển ngữ sát với hạn từ đó hay không?

Tôi xin nhường cho những người khác chuyên môn hơn tôi về ngôn-ngữ-học. Thiết tưởng điều quan trọng ở đây là tìm ra những hậu quả của tín điều quen gọi là “các thánh thông công”:

– Trước hết, tín điều “các thánh thông công” nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta không lẻ loi cô đơn trong con đường cứu rỗi. Trong khi mà một số tôn giáo khác nhấn mạnh đến sự cố gắng cá nhân để được cứu độ, thì Kitô giáo chủ trương ơn cứu rỗi được Thiên Chúa ban cho cộng đồng Giáo Hội, đứng đầu là Đức Kitô. Chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi nhờ sự tham gia vào cộng đồng ấy. Hậu nhiên, trên con đường cứu rỗi, chúng ta không đi một mình, nhưng cùng đi với hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu,… người khác nữa, cùng liên kết nhau trong cùng một niềm Tin – Cậy – Mến. Chúng ta cùng giúp nhau tiến nước, san sẻ vui buồn với nhau.

– Một hậu quả khác của tín điều “các thánh thông công” là hình ảnh về Giáo Hội. Nhiều người quan niệm Giáo Hội như một xã hội tổ chức phẩm trật, trong đó có lớp người cầm quyền, và đa số còn lại chỉ biết vâng phục. Nhưng họ quên rằng, Giáo Hội tiên vàn là Hội Thánh, hội của các thánh, nhằm giúp nhau nên thánh, với những phương tiện thánh hóa. Và người cấp cao trong Hội Thánh ấy không phải là người có quyền thế mạnh mẽ hơn hết, nhưng là người công đức thánh thiện.

– Từ hai điểm về chiều kích cộng đồng của ơn cứu rỗi, cũng như về chiều kích thánh thiện cả Giáo Hội, chúng ta có thể rút thêm một hậu quả khác, đó là “tính cách liên đới” của bất cứ hành vi tốt hay xấu của bản thân. Khi ta làm điều tốt, cho dù nơi rất kín đáo không ai biết, thì công việc tốt ấy cũng mang lại công nghiệp cho tất cả cộng đồng Giáo Hội, tất cả những anh chị em trong Hội Thánh đều được hưởng nhờ công đức việc tốt của ta. Ngược lại, khi ta làm điều xấu, cho dù rất là tư riêng, thì nó cũng ảnh hưởng cách này hay cách khác tới các phần tử khác của Giáo Hội.

– Ngoài ra, chúng ta cũng còn có thể thêm một hậu quả khác nữa về hình ảnh của Giáo Hội. Khi giải thích tín điều “các thánh thông công”, các Sách Giáo Lý đều cắt nghĩa rằng: có sự thông công giữa “Giáo Hội chiến đấu” nơi trần gian với “Giáo Hội khải hoàn” trên trời và “Giáo Hội đau khổ” nơi luyện tội (cũng có nơi dùng cụm từ: “Giáo Hội lữ hành”, “Giáo Hội vinh thắng” và “Giáo Hội thanh luyện”). Thực ra, không phải là có ba Giáo Hội; nhưng chỉ có một Giáo Hội mở rộng lên trên các giới hạn không gian và thời gian. Giáo Hội không phải chỉ gồm các tín hữu hiện sống trên dương gian này. Giáo Hội được hiểu bao gồm hết tất cả những người công chính từ tạo thiên lập địa cho đến ngày tận thế. Giáo Hội bao gồm hầu như cả nhân loại, xét vì Thiên Chúa muốn cho hết tất cả mọi người được cứu rỗi. Hiểu rộng hơn nữa, thì Giáo Hội còn bao trùm cả những người “chưa gia nhập Giáo Hội hữu hình”, nhưng đã trở nên công chính nhờ ơn Chúa. Nhất là Giáo Hội bao trùm những người thân yêu của chúng ta đã ra đi, và chúng ta mong có ngày gặp lại; và như vậy, tất nhiên Giáo Hội bao trùm cả Đức Kitô, Đức Maria, các thánh: tất cả muốn coi chúng ta là anh em trong Đức Kitô.

Trên đây cha có nói rằng, các sử gia không đồng ý với nhau về việc công thức các thánh thông công được xen vào kinh Tin Kính từ lúc nào. Thế còn trong thời cận đại, có văn kiện nào quan trọng của Giáo Hội về tín điều này hay không?

– Văn kiện quan trọng hơn cả là Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vatican II, từ số 49 đến số 57.

– Tiếp đến, có thể kể đến là bức thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi các Giám mục ngày 28/5/1992, trong đó bàn đến ý niệm về Giáo Hội như một sự thông hiệp.

– Tiếp đó, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành qua Tông hiến Fidei Depositum (Kho Tàng Đức Tin), ngày 11-10-1992. Trong đó, tín điều “các thánh thông công” được bàn đến cách chi tiết từ số946 đến số 959.

Ngoài ra, còn nhiều văn kiện khác của Tòa Thánh sau này cũng bàn đến tín điều “các thánh thông công”, chúng ta có thể tham khảo trên website của Tòa Thánh: www.vatican.va