Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Bộ giáo luật hiện hành số 603 nói đến nếp sống ẩn sĩ. Các ẩn sĩ là ai vậy? Làm thế nào để gia nhập nếp sống ẩn sĩ? Các ẩn sĩ có khác với với các đan sĩ hay không?
Khi nghiên cứu hiện tượng tu trì trong lịch sử Kitô giáo, chúng ta thấy có rất nhiều hình dạng, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II điểm qua ở phần đầu tông huấn “Đời sống thánh hiến” (số 5-12). Khởi đầu là các trinh nữ, rồi đến các đan sĩ, các kinh sĩ, các dòng hành khất, các hội dòng tông đồ, các tu hội đời, vân vân. Qua các hình thức đó, ta thấy có nhiều quan niệm khác nhau về đời tu. Có người rút lên núi hay sa mạc để tu, có người tu ngay ở thành thị vì muốn làm việc tông đồ, thậm chí có người muốn len lỏi vào các môi trường trần tục để ươm men Tin mừng. Ta thấy ra như có hai thái cực: tu trên đồng vắng và tu giữa đô thị, phần nào đánh dấu khởi điểm của lịch sử đời tu vào thế kỷ III với đời ẩn tu, và sự tiến triển của nó vào thế kỷ XX, với các tu hội đời
Thực vậy, theo ý kiến của nhiều nhà sử học, khởi điểm của nếp sống tu trì Kitô giáo bắt đầu từ cuối thế kỷ III sang đầu thế kỷ IV, khi mà vài tín hữu rời bỏ cộng đoàn để lên sa mạc tu hành, bắt đầu nếp sống ẩn sĩ. Chứng tích còn để lại nơi thánh Phaolô (qua đời khoảng năm 347), và thánh Antôn (qua đời năm 351), cả hai đều sống bên Ai cập. Nên biết là trong tiếng La-tinh, ẩn sĩ được gọi là eremita hay anachoreta, gốc bởi tiếng Hy-lạp eremia (sa mạc) và anakoreo (rút lui). Ẩn sĩ là người rút lên sa mạc, sống một mình.
Như vậy thì ẩn sĩ với đan sĩ cũng như nhau, nghĩa là sống một mình, phải không?
Thoạt tiên thì xem như ẩn sĩ với đan sĩ đồng nghĩa với nhau. Nhưng trong lịch sử Kitô giáo, ẩn sĩ là một hình thức của đan sĩ. Nói khác đi, ẩn sĩ là một đan sĩ, nhưng không phải tất cả các đan sĩ đều là ẩn sĩ. Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta cần phải hiểu đan sĩ là gì đã. Đan sĩ dịch từ tiếng La-tinh monachus, gốc bởi tiếng Hy-lạp monos (duy nhất, độc nhất). Các giáo phụ đã đưa ra ít là bốn cách giải thích khác nhau:
1/ Monos có nghĩa là sống một thân một mình.
2/ Monos có nghĩa là độc thân, không lập gia đình.
3/ Monos có nghĩa là người dâng trót con tim cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho ai hết. Họ sống trót cho Chúa.
4/ Monos có nghĩa là sự đồng tâm hiệp ý của các phần tử trong cộng đoàn.
Hai nghĩa đầu tiên chỉ nói lên hiện tượng sinh sống của đan sinh. Nghĩa thứ ba đi sâu vào bản chất thần học: đan sĩ là người đi tìm Chúa, chỉ sống cho một mình Chúa, điều thiện duy nhất. Nghĩa thứ bốn mở rộng ra chiều kích cộng đoàn, gồm bởi nhiều phần tử nhưng hợp nhất về tâm hồn trong lý tưởng phụng sự Chúa.
Tuy nhiên đó mới chỉ là dựa trên phân tích ngữ nghĩa. Khi đi vào thực chất thì chúng ta thấy rằng vào lúc khởi đầu đời đan tu, các ẩn sĩ và đan sĩ đồng nghĩa với nhau, nghĩa là họ rút lui lên nơi thanh vắng để tìm Chúa, sống một mình với Chúa. Nhưng chẳng bao lâu, các ẩn sĩ họp thành cộng đoàn, đưa đến sự phân biệt giữa hai dạng đan tu: có những người sống ẩn dật một mình, và có những người sống cộng đoàn. Hình thức tu trì cộng đoàn phát triển mạnh hơn, đến nỗi ra như lấn át hình thức tu một mình, nếu chưa nói là xóa bỏ luôn.
Vì lý do gì mà bộ giáo luật khôi phục lại hình thức ẩn sĩ?
Nói cho đúng, hình thức ẩn sĩ không bao giờ có tính cách tuyệt đối và cũng không bị xóa nhoà tuyệt đối. Nói rằng hình thức ẩn sĩ không mang tính cách tuyệt đối có nghĩa là không ai có thể suốt đời sống một thân một mình trên hoang địa như ông Robinson Crusoe được. Cách riêng trong việc sống đạo, nhà ẩn sĩ cần được huấn luyện về đức tin và đời sống thiêng liêng, nghĩa là tối thiểu phải tiếp xúc với một vị linh hướng (tạm gọi là sư phụ), và phải tham gia các buổi cử hành phụng vụ (cách riêng Thánh lễ ngày Chúa nhật, bí tích Hoà giải) với một cộng đoàn nào đó. Đàng khác, ai đã gia nhập đời ẩn sĩ thì không có nghĩa là buộc phải theo đuổi nếp sống này suốt đời. Hiểu như vậy, ta có thể nói rằng hình thức ẩn sĩ không bị xóa nhoà tuyệt đối trong lịch sử Giáo hội.
Mặc dù, nói chung, hình thức ẩn sĩ bị lấn át bởi hình thức cộng đoàn, nhưng chúng ta cũng nhận thấy vài nhịp cầu hoà hợp giữa hai hình thức đó. Ta có thể lấy một thí dụ từ dòng Chartreux, do thánh Bruno lập năm 1084. Các đan sĩ họp thành một cộng đoàn, dưới sự điều khiển của một viện phụ. Nhưng mỗi đan sinh được trao cho một căn hộ riêng biệt, với nhà nguyện, nhà bếp, và một mảnh vườn. Nếp sống căn bản là ẩn sĩ (đúng hơn là bán ẩn sĩ) tại căn hộ của mình, tuyệt đối thinh lặng, không giao thiệp với ai khác. Sự tiếp xúc chỉ diễn ra tại nhà thờ trong những giờ nguyện chính trong ngày. Một vài dòng khác (dù nam hay nữ) thì cho phép vài tu sĩ, sau khi đã sống đời cộng đoàn lâu năm, được sống một mình trong khu đất toạ lạc trong chu vi nhà dòng hay nơi cô tịch, nhưng vẫn ở dưới quyền của bề trên dòng. Nếp sống này tuy có thể dài hạn nhưng không có nghĩa là bất tận.
Trong cả hai dạng vừa nói, ta thấy hình thức ẩn sĩ được kết nạp với hình thức cộng đoàn, và trở thành hình thức “bán ẩn sĩ”. Đồng thời, ta cũng thấy có những tín hữu sống đời ẩn dật nhưng không gắn liền với dòng tu nào hết. Tôi xin kể hai trường hợp mà chắc chắn nhiều người Việt Nam đã quen thuộc. Trường hợp thứ nhất là thánh Phaolô Lê bảo Tịnh. Khi còn là chủng sinh, ngài đã rút vào nơi cô tịch một thời gian, và bất đắc dĩ phải rời bỏ nếp sống này vì vâng lời đức giám mục. Trường hợp thứ hai là cha Charles de Foulcauld, đã chọn sa mạc làm nơi tu trì trong vòng 13 năm (1903-1916) cho đến khi qua đời.
Các ẩn sĩ mà bộ giáo luật nói đến thuộc vào hạng nào?
Thuộc hạng thứ hai, nghĩa là không gắn liền với dòng tu nào hết. Trước đây, các ẩn sĩ (hay bán ẩn sĩ) đã tuyên khấn trong một dòng tu, đã được huấn luyện trong dòng tu, và xin theo đuổi đời sống ẩn dật tuy vẫn ở dưới quyền của bề trên. Trường hợp của thánh Lê bảo Tịnh và của cha Charles de Foucauld có tính cách lẻ tẻ, và không được giáo luật nhìn nhận như hình thức tu trì chính thức. Với việc ban hành bộ giáo luật 1983, Giáo luật phục hồi hình thức ẩn tu cổ truyền. Theo điều 603, nếu một tín hữu nào cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa theo hình thức ẩn tu thì có thể xin phép đức giám mục châu phê một bản luật sống (trong đó bao hàm việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm), và nhận lời khấn của mình. Dĩ nhiên là khoản luật này rất tổng quát, cần phải được diễn tả cụ thể qua các quy tắc chi tiết hơn. Trong số những vấn đề thực tế cần được nêu lên, phải kể đến việc phân định ơn gọi, sự đào tạo, những điều kiện sinh sống.
Ẩn sĩ có buộc phải rút lên rừng núi hay sa mạc để sống đời tu trì không?
Hiểu theo nghĩa đen, thì ẩn sĩ là người sống nơi cô tịch, nghĩa là xa chỗ ồn ào náo nhiệt đông dân cư. Ta thấy đó cũng là khung cảnh mà thánh Bảo Tịnh và cha Foulcauld đặt ra. Nếp sống cô tịch thinh lặng là biểu tượng của việc thoát ly khỏi thế giới, không những thoát khỏi những ràng buộc của tài sản, chức quyền, danh vọng, mà cả những tiện nghi của văn minh và sự tiếp xúc với nhân loại nữa. Nếp sống này muốn nói lên sự từ bỏ tận căn, từ bỏ hết tất cả để chỉ sống cho Đấng Tuyệt đối mà thôi. Bộ giáo luật số 630 nêu bật sự thinh lặng như là khung cảnh để dâng lên Chúa sự chuyển cầu cho thế gian, cùng với sự khắc khổ.
Tuy nhiên, cũng có người hiểu sự cô tịch không theo nghĩa đen cổ truyền nhưng theo nghĩa bóng, áp dụng vào thời đại hôm nay. Theo họ, nơi mà con người thời đại cảm thấy cảnh cô đơn hơn cả là các thành thị lớn. Ở thôn quê, người ta quen biết nhau từ đầu đến cuối xóm. Chuyện gì xảy ra ở xó bếp thì cả làng đều biết. Trái lại ở các thành phố lớn tại Âu Mỹ, trong những khu chung cư với nhà chọc trời, mỗi con người là một hoang đảo, không ai biết ai, kể cả người ở trước mặt phòng mình hay bên cạnh mình. Cảnh cô đơn này càng trở nên nặng nề đối với những người vô gia đình, những người mà gia đình tan vỡ (ly dị, mồ côi), những người già cả bệnh tật. Khác với sự cô tịch, một điều mà các nhà đạo sĩ chọn lựa để gặp gỡ Thiên Chúa, sự cô đơn là một Thánh giá mà ít người gánh nổi.
Trong bối cảnh xã hội này, nhiều người chủ trương rằng ngày nay không cần phải lên sa mạc rừng rú để thành ẩn sĩ; ta có thể thực hành đời ẩn sĩ ngay tại sa mạc của đô thị, chia sẻ cảnh cô đơn đang đè nặng trên rất nhiều người. Trên thực tế, đây không phải chỉ là lý thuyết sách vở, nhưng đã có nhiều người chọn sống đời ẩn sĩ tại những thành phố lớn như Paris, New York.
Đó là chuyện bên Âu Mỹ, còn bên Việt Nam thì phải hiểu thế nào về đời ẩn sĩ?
Tôi không biết đã có giám mục nào nhận lời khấn của các ẩn sĩ hay không. Tôi đoán là một vài tu sĩ đã xin phép bề trên cho phép sống đời ẩn sĩ một thời gian. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải chú ý đến động lực của nếp sống ẩn sĩ hơn là khung cảnh của nó. Động lực thúc đẩy đời ẩn sĩ là đi tìm Chúa cách triệt để hơn, sống một mình với Chúa. Nếu ai chỉ muốn đi tìm ẩn tu vì chán ngán xã hội loài người thì có lẽ họ vừa mất cả nhân loại vừa mất cả Thiên Chúa nữa. Khi bàn về nếp sống ẩn tu, thánh Tôma Aquinô nhận rằng nếp sống ẩn tu cao quý hơn nếp sống cộng đoàn. Thánh Tôma lý luận dựa theo truyền thống đời đan tu cổ truyền, chỉ có phép những ai đã đạt đến nhân đức cao trong đời tu mới được chuyển qua đời ẩn sĩ. Tuy nhiên, khi phân tích dưới khía cạnh tâm lý, thánh Tôma thú nhận rằng ai đã vào đời ẩn tu thì một là nên thánh lớn hoặc là nên quỷ, chứ không còn tà tà như trong các tu viện bình thường nữa (II-II,q.188, a.8).