“Hiệp thông các thánh” (communio sanctorum)
Phan Tấn Thành
Thuật ngữ communio sanctorum đã được đưa vào “Tín biểu các thánh tông đồ”, và dịch sang tiếng Việt là “các thánh thông công”. Trong việc giải thích tín điều này, các tác giả cổ điển nói sự thông hiệp giữa ba “tình trạng của Giáo hội” (tres status Ecclesiae): Giáo hội chiến đấu, Giáo hội đau khổ, Giáo hội khải hoàn. Công đồng Vaticanô II (LG 48) đã đổi danh xưng thành “Giáo hội lữ hành – thanh luyện – hiển vinh”. Đây không phải là ba Giáo hội nhưng là ba chặng của một Giáo hội duy nhất, với Chúa Kitô là nguyên thủ. Cả ba đều chung một niềm mong đợi, đó là sự quang lâm của Chúa Kitô. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 954) viết như sau (trích lại LG 49):
Ba tình trạng của Hội Thánh. “Cho tới khi Chúa ngự đến trong sự uy nghi của Người, có tất cả các Thiên thần với Người, và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi sự đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ của Chúa, có những người đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những người đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, lại có những người đã được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng ‘cách tỏ tường chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, như Ngài là… Tuy nhiên, tất cả chúng ta, theo mức độ và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và cùng hát lên bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Thật vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Kitô, có Thần Khí của Người, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Người”.
Chúng ta có thể mô tả đặc điểm của mỗi trạng thái như thế này:
1/ Giáo hội thanh luyện chia sẻ vài điều kiện chung với Giáo hội lữ hành và Giáo hội hiển vinh: sự kết hợp với Chúa Kitô bằng đức tin và đức mến; niềm hy vọng chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Tuy nhiên, Giáo hội thanh luyện không còn các bí tích và cơ cấu phẩm trật nữa.
2/ Giáo hội lữ hành hướng đến Giáo hội trên trời. Giáo hội lữ hành đã hưởng phần nào những phúc lộc cánh chung, nhưng còn trong tình trạng khởi đầu và trông mong sự viên mãn. Đây là giai đoạn của đức tin, chứ chưa phải của vinh quang, vì thế thánh Tôma đặt tên là congregatio fidelium (cộng đoàn những kẻ có đức tin, đang trên đường lữ hành viatores; khác với các phúc nhân được gọi là comprehensores, những người chiêm ngưỡng Chúa nhãn tiền). Họ sống trong chế độ của đức tin và các bí tích. Trước đây trạng thái này được gọi là giáo hội “chiến đấu”, bởi vì họ phải nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, tỉnh thức cầu nguyện đang khi mong đợi Chúa quang lâm. Họ phải hoán cải và canh tân liên lỉ
3/ Giáo hội hiển vinh cũng được gọi là Giáo hội “quê nhà” (in patria), nghĩa là đã đến nhà (so sánh với người đi đường). Các thiên sứ cũng được thánh Tôma Aquinô kể vào số thành phần của Giáo hội này. Đặc trưng của Giáo hội này là họ đã thực hiện hoàn toàn sự kết hợp với Chúa Kitô. So với giai đoạn trước đây, điều mới mẻ là họ không cần đến đức tin và các bí tích nữa (x. Kh 21,9tt). Tuy nhiên, dưới một mặt khác, họ vẫn chưa được thành tựu hoàn toàn, bởi vì họ vẫn còn “trông đợi” ngày được chia sẻ vinh quang hoàn toàn như Chúa Kitô, nghĩa là với thân xác phục sinh, cũng như sự thông hiệp trọn vẹn với toàn thân thẻ Người là tất cả mọi anh chị em (x. Rm 8,23).
Sự thông hiệp giữa ba “trạng thái” của Hội thánh được gọi là communio sanctorum. Tuy nhiên thuật ngữ này được hiểu theo hai nghĩa, tùy theo từ sanctorum được hiểu nghĩa đối thể (sancta) hay là nghĩa chủ thể (sancti).
1/ Nghĩa đối thể (những sự thánh) áp dụng cách riêng cho Giáo hội lữ hành, nghĩa là các phần tử thông dự vào các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể.
2/ Nghĩa chủ thể (những người thánh)[1]. Sự hiệp thông được hiểu về sự chia sẻ giữa các tín hữu, trên trời hay dưới thế, về sự nâng đỡ, cầu nguyện, đền tội. Điều này có thể giải thích theo nhiều chiều hướng:
a. Giữa lòng Giáo hội lữ hành. Các giáo phụ đề cập đến sự chia sẻ giữa các tín hữu về các ơn huệ (thánh sủng cũng như đặc sủng). Thông điệp Mystici corporis nêu bật rằng tất cả những gì tốt lành (cầu nguyện, hy sinh) mà một người thực hiện đều giúp ích cho người khác.
b. Giữa Giáo hội lữ hành và Giáo hội thanh luyện. Các linh hồn đang thanh luyện có thể nhận được sự trợ giúp của các thánh nhân cũng như các tín hữu còn lữ hành. Các linh hồn đang thanh luyện có thể chuyển cầu cho các tín hữu lữ hành không? Đây là vấn đề còn tranh cãi. Nhiều người cho rằng các linh hồn có thể cầu nguyện cho chúng ta. Nhưng thánh Tôma Aquinô nghĩ ngược lại: Các linh hồn còn phải thanh luyện chưa nhìn thấy nhan Chúa, vì thế họ không thể biết lời van nài của chúng ta.[2] Dĩ nhiên, khi nào lên thiên đàng, họ sẽ không quên ơn chúng ta đâu. Vì không muốn giải quyết cuộc tranh luận thần học vừa nói, nên khi ban hành Hiến chế tín lý về Hội thánh, công đồng Vaticanô II đã cắt bỏ một câu nằm trong các lược đồ dự thảo tương đương với số 50a: “Giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ những người đã chết, và đối lại, nhờ họ cầu nguyện cho mình (atque vicissim se orationibus eorum sedulo commendando)”[3]
c. Giữa Giáo hội lữ hành và Giáo hội vinh quang. Các thánh trên trời cộng tác vào sứ vụ của Giáo hội lữ hành nhờ lời chuyển cầu cũng như nhờ gương tốt.
Sự hiệp thông giữa ba tình trạng của Giáo hội diễn ra cách đặc biệt trong buổi cử hành phụng vụ, cách riêng là Thánh Lễ.
Tóm lại, communio sanctorum bao hàm ba khía cạnh:
1/ Sự thông hiệp trong những “sự thánh”, những phương tiện giúp nên thánh (đức tin, cậy, mến và các ơn huệ Thánh Linh).
2/ Thông hiệp giữa “các thánh” với nhau: Giáo hội là một gia đình. Gia đình này có thể được hiểu:
a) Giữa các phần tử của Giáo hội lữ hành: chia sẻ một niềm tin, một niềm hy vọng, một sức sống, các bí tích … họ họp thành một thân thể của Chúa Kitô, một gia đình của Thiên Chúa.
b) Giữa các phần tử của ba “trạng thái” của Giáo hội (lữ hành, thanh luyện, vinh quang), chia sẻ những công trạng, lời cầu nguyện.
Như đã nói trên, Đức Maria và các thiên thần cũng họp thành “Giáo hội vinh quang”. Như vậy, communio sanctorum diễn tả rất trọn vẹn khía cạnh hiệp thông của Giáo hội, bao gồm cả chiều ngang lẫn chiều dọc.
Xem thêm Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo ở các số 946-959.
———————————-
[1] Các “thánh” là những ai? Trong Tân ước, các thánh ám chỉ các Kitô hữu (x. Cv 9,13.32.41; 26,10.18; 1Cr 1,2; 6,1-2; 14,33, Ep 1,15 …): Họ được thánh hoá nhờ bí tích Thánh tẩy (x. Ep 5,26), họ trở nên phần tử của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Dần dần (cách riêng từ thế kỷ IV, với những cuộc trở lại đạo cách ồ ạt), các Kitô hữu mất dần ý thức về yêu sách nên thánh của mình, và các “thánh” được hiểu là các phúc nhân trên trời.
[2] X. Summa theologica II-II, q. 83, a. 4, ad 3m; a. 11. ad 3m.
[3] Modi ad c. 7 De Ecclesia ad n. 50, modus 44: Acta Synodalia vol. III/8, tr. 145: “Ne dirimi videretur quaestio disputata de imploranda intercessione”.