Hiệp Hội Các Bề Trên Thượng Cấp – Vấn Đề 109

0
1309


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 109

HIỆP HỘI CÁC BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP

(đ. 708 – 709)

 

A. Lịch sử và từ vựng

Nhiều năm trước Công Đồng Vatican II, tại một số quốc gia, các Bề trên Cao Cấp các Dòng tu và Tu đoàn tông đồ đã họp nhau các hội đồng, liên hiệp, hiệp hội,… Quy chế được Bộ Tu sĩ phê chuẩn.

Sắc lệnh Perfectae Caritatis của Công Đồng yêu cầu hãy ủng hộ các hội nghị hoặc hội đồng các Bề trên Cao Cấp. Sắc lệnh nhấn mạnh “lợi ích lớn lao” của các hiệp hội này, và cũng yêu cầu hãy “thiết lập một sự phối trí và hợp tác thích ứng với các Hội Đồng Giám Mục trong lãnh vực hoạt động tông đồ”.[1]

Sắc lệnh Ad Gentes xác nhận “lợi ích rất lớn lao” của các Hội Đồng Tu Sĩ và các liên hiệp nữ tu.[2] Nhưng các thực tại nói ở đây thì khác với các thực thể nói trên.

Tự Sắc Ecclesiae Sanctae của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (ngày 6/8/1966), Phần II (số 42-43) và Phần III (số 16) quyết định như sau:

“Liên hiệp các Bề trên Tổng Quyền (nam) và Liên hiệp các Bề trên Tổng Quyền nữ phải được lắng nghe và tham khảo ý kiến qua trung gian một hội đồng bên cạnh Bộ Tu sĩ”. Đó là nguồn gốc của Hội Đồng 16 vị Bề trên Tổng Quyền hiện nay.

– Nhắc lại “tầm quan trọng lớn lao” của một sự cộng tác trong “niềm tin tưởng và trọng kính nhau”, giữa các Hội nghị hoặc Liên hiệp toàn quốc của các Bề trên Cao Cấp và các Hội đồng Giám mục, Sắc lệnh ước mong rằng: “những vấn đề liên quan đến hai bên sẽ được bàn luận do những Ủy ban hỗn hợp gồm các Giám Mục và các Bề trên Cao Cấp nam và nữ”.

– Chỉ thị rằng các đại diện của các Hội Dòng truyền giáo phải được tham dự các buổi họp của Bộ rao giảng Phúc âm, với phiếu tư vấn. Đó là nguồn gốc của Hội Đồng 18 vị Bề trên Tổng Quyền hiện nay.

Năm 1978, Huấn thị Mutuae Relationes của Bộ Giám mục và Bộ Tu sĩ:

– Yêu cầu “khuyến khích thiết lập những hiệp hội tu sĩ và nữ tu ở cấp Giáo phận” (số 59) với mục đích tương tự như các hội nghị cấp toàn quốc.

– Ghi nhận sự hiện hữu ở cấp quốc gia, miền, hoặc nghi điển, “những hội đồng hoặc hội nghị các Bề trên Cao Cấp ” (dành riêng cho tu sĩ nam và nữ, hoặc chung cho cả hai) (số 61).

– Nhắc lại các quy định của Tự sắc Ecclesiae Sanctae về các Ủy ban hỗn họp giữa các Giám mục và các bề trên cao cấp (số 63).

– Gợi ý việc “có thể thiết lập những hình thức phối trí giữa các Giám mục và các bề trên cao cấp ở các cấp liên quốc gia, lục địa, hoặc bán lục địa” (số 66).

– Sau cùng, nhắc lại rằng Đức Thánh Cha “đã cổ võ một vài hình thức cộng tác giữa các tu sĩ và Tòa Thánh, qua việc phê chuẩn hội đồng của liên hiệp các Bề trên Tổng quyền nam và nữ bên cạnh bộ Tu sĩ, và đưa đại biểu các tu sĩ vào Bộ rao giảng Phúc âm cho các dân tộc” (số 67).

Bộ Giáo Luật nhắc tới “lợi ích của các Hiệp hội hoặc Hội Đồng Bề trên Cao Cấp” (đ.708), nhưng không nhắc đến các cấp bậc như Mutuae Relationes đã nêu lên, cũng không đề cập đến các hội nghị hoặc liên hiệp các tu sĩ, hoặc liên hiệp các Bề trên cao cấp.

B. Qui chế Giáo Luật (đ. 709)

Các Hiệp hội này:

– Phải xin Tòa Thánh phê chuẩn bản nội quy của minh.

– Sẽ được Tòa Thánh thiết lập thành pháp nhân.

– Phải ở dưới quyền lãnh đạo tối cao của Tòa Thánh, qua trung gian của bộ Đời sống thánh hiến.

C. Thẩm quyền và mục đích (đ. 708)

Các Bề trên Cao Cấp họp nhau trong các Hiệp Hội hoặc Hội Đồng nhằm:

– Đạt tới mục tiêu của các Hội Dòng cách hoàn hảo hơn.

– Bàn bạc những công việc có ích lợi chung.

– Để thiết lập một sự phối trí và cộng tác thích hợp với Hội Đồng Giám Mục và với mỗi Giám mục.

Huấn thị Mutuae Relationes (số 69a) gọi đó là: “Những cơ quan để liên lạc với nhau, xúc tiến và canh tân đòi sống tu trì”.

Trước đó, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (số 23) cũng chủ trương rằng các hiệp hội này giúp cho sự phân phối những thợ của Phúc âm cách hợp lý hơn trong một địa hạt nào đó. Mục tiêu này đã không được bộ Giáo Luật tiếp nhận bởi vì vượt quá quyền hạn của một Hội nghị các Bề trên Cao Cấp. Thật vậy, Hội nghị các Bề trên Cao Cấp chỉ có thẩm quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc phạm vi nội bộ của mình mà thôi.

Tuy nhiên, Tòa Thánh phê chuẩn những nội quy trong đó có ghi rằng, đối vói một số những quyết định quan trọng chung liên quan đến đời sống tu trì trong một quốc gia, thì sau khi thỉnh ý và được phép của Tòa Thánh, và sau khi đã có những tham khảo cần thiết, các Bề trên Cao Cấp họp hội nghị có thể quyết định nhân danh tất cả các Hội Dòng, với đa số phiếu là hai phần ba.

Tất nhiên, chiếu theo điều 6 của Bộ Giáo Luật, những nguyện vọng và những quy định có trước Bộ Giáo Luật liên quan đến sự phối trí giữa các Giám Mục và các Bề trên Cao Cấp, vẫn còn hiệu lực, mặc dù Bộ Giáo Luật không đi vào chi tiết.

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 23.

[2] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 33.