Hiến Pháp Của Một Hội Dòng – Vấn Đề 14

0
1519


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 14

HIẾN PHÁP CỦA MỘT HỘI DÒNG

(đ. 587 §1 và 3)

 

Nhằm bảo vệ và duy trì sự trung thành với ơn gọi và căn cước riêng biệt của mình, mỗi Dòng phải có Bộ Luật nền tảng, hay còn gọi là “Hiến Pháp”. Trong quyển luật này, cần dung hoà các yếu tố pháp lý và các yếu tố thiêng liêng với nhau cách khéo léo, nhưng không nên gia tăng các quy tắc khi không cần thiết.

Đối với Dòng và các phần tử, bản Hiến Pháp phải là “luật sống” theo ý nghĩa sâu xa của từ ngữ này. Bản Hiến Pháp phải được soạn thảo và viết ra thế nào để các tu sĩ có thể cảm thấy thích thú và năng đọc đi đọc lại, cũng như dùng để cầu nguyện riêng tư hoặc cộng đoàn. Lời lẽ của Hiến Pháp phải rõ ràng và trong sáng, dễ ghi lòng tạc dạ, giống như các bản tu luật thời xưa. Vì thế, cần phải loại bỏ khỏi Hiến Pháp, không những các kiểu nói hàm hồ và hai nghĩa, nhưng kể cả những ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của thời đại: hôm nay thì nghe kêu lắm, nhưng chẳng bao lâu sẽ trở thành lỗi thời! Hiến Pháp mang tính lâu bền vượt qua dòng thời gian, cho nên cần sử dụng những lời lẽ đơn sơ và rõ ràng cho mọi thời.

Hiến Pháp không chỉ là cuốn sách dùng cho việc suy gẫm và đọc sách thiêng liêng, nhưng chức năng của nó còn là “luật sống” nữa , nghĩa là chỉ ra cho người tu sĩ biết phải tổ chức nếp sống như thế nào. Vì thế, Hiến Pháp không thể nào chỉ đưa ra những nguyên tắc của thần học tâm linh, hoặc những thái độ, những tâm tình nội tại, mà còn cần phải phác họa một nếp sống khá rõ ràng, ngõ hầu trở nên dấu chỉ và chứng từ cho Dân Thiên Chúa.

Bởi vậy, trong Hiến Pháp, phải xếp đặt[1] một bên là các nguyên tắc thiêng liêng làm động lực cho cuộc sống và hoạt động của các tu sĩ, một bên là những đòi hỏi căn bản rút ra từ những nguyên tắc này, trên bình diện sinh hoạt và các thái độ trong cuộc sống. Hiến Pháp sẽ chỉ trở thành “luật sống” nếu nó có khả năng chỉ ra một con đường khá rõ nét. Khi có ai đến gõ cửa tu viện và hỏi: “Dòng này như thế nào, sống ra sao?” thì ta có thể đưa cho họ bản Hiến Pháp và nói: “Bạn hãy đọc và sẽ tìm thấy câu trả lời trong đó!”.

Trước hết, Hiến Pháp phải xác định tinh thần, bản chất và sứ mạng của Dòng trong Giáo Hội, hình thức phục vụ tông đồ riêng của mình. Tất cả những điều này làm nên những đặc sủng của Dòng; dĩ nhiên không được diễn tả vắn tắt khái quát đến nỗi có thể áp dụng cho bất cứ hình thức nào của đời sống Kitô hữu.

Kế đến, chiếu theo đặc sủng của Dòng và những đòi hỏi của đời sống thánh hiến, Hiến Pháp phải ấn định rõ ràng những đòi hỏi trong lãnh vực các lời khuyên Phúc Âm, đời sống cộng đoàn, đời sống cầu nguyện. Bản Hiến Pháp phải xác định đối tượng của các Lời Khấn Dòng, chiếu theo các điều khoản 599, 600 và 601.

Sau cùng, Hiến Pháp phải đưa ra các quy tắc cần thiết cho việc đào tạo, việc cai quản, việc quản trị các tài sản, việc rời bỏ Hội Dòng.

Bộ Giáo Luật 1983 hiện hành không đi vào nhiều chi tiết như Bộ Giáo Luật 1917 cũ, và quy chiếu vào Hiến Pháp hoặc và luật riêng của mỗi Dòng.[2] Điều này cho phép mỗi Dòng có nhiều cơ hội để soạn cho mình những quy tắc phù hợp với đặc sủng của mình. Đó là ý định của nhà lập pháp. Vì thế ngày nay, Hiến Pháp có tầm quan trọng hơn trước đây. Thực vậy, trong nhiều trường hợp, Bộ Giáo Luật 1983 hiện hành không đặt ra một luật chung cho tất cả mọi Dòng, nhưng quy định rằng: “Điều này tùy theo Hiến Pháp của mỗi Dòng”. Ta có thể nhận thấy ở các điều: 581; 596, §l; 598, §l; 601; 609, §l; 614; 615; 616, §l, 3, và 4; 623; 624, §l; 625, §l, và 3; 627, §l; 631, §l, và 2; 634, §l; 648, §2; 662; 667, §3; 668, §l.

 

 


[1] Các phần trong Tu Luật sắp xếp cận kề nhau và hài hòa với nhau

[2] Luật riêng gồm cả Hiến Pháp và và những bản văn pháp lý khác