Hậu Quả Của Việc Hồi Tục Đối Với Một Tu Sĩ Giáo Sĩ – Vấn Đề 100

0
1097


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 100

HẬU QUẢ CỦA VIỆC HỒI TỤC ĐỐI VỚI MỘT TU SĨ GIÁO SĨ

(đ. 693)

A. Tu sĩ giáo sĩ rời bỏ Dòng tu

Nếu tu sĩ hồi tục là một giáo sĩ thì vẫn phải giữ các nghĩa vụ của bậc giáo sĩ. Ai không mất “hộ tịch” (việc nhập tịch) trong giáo phận của mình do việc khấn Dòng, thì phải trở về Giáo phận của mình, và Đức Giám Mục không có quyền từ chối đón nhận đương sự. Trái lại, ai đã mất “hộ tịch” trong giáo phận của mình do việc khấn Dòng, hoặc chưa hề nhập tịch một giáo phận, thì chỉ có thể được hồi tục sau khi đã tìm được một Giám Mục sẵn lòng cho mình nhập tịch vào giáo phận, hoặc ít ra nhận cho thử nghiệm trong một thời gian (đương sự sẽ được nhập tịch sau năm năm, trừ khi trong quãng thời gian đó đương sự bị Đức Giám Mục khước từ).

B. Sự hồi tục của một tu sĩ giáo sĩ

Muốn rời bỏ bậc giáo sĩ để trở thành giáo dân, một phó tế phải có những lý do nghiêm trọng, một linh mục phải có những lý do rất nghiêm trọng (đ. 250).

Tu sĩ phó tế hoặc linh mục sẽ gởi đơn lên Bề trên Cao Cấp (hoặc Bản quyền sở tại nơi mình cư ngụ). Vị này sẽ đích thân hoặc nhờ một đại diện, trước mặt các nhân chứng, để điều tra về những lý do đã nêu trong đơn, ngõ hầu giúp cho nhà chức trách có đầy đủ dữ liệu để quyết định.

Toàn bộ hồ sơ, kèm theo nhận xét của các Bề trên Dòng (hoặc của Bản quyền sở tại) sẽ được chuyển lên Bộ Giáo Sĩ, là cơ quan có thẩm quyền duyệt xét đơn xin của một giáo sĩ được hồi tục.