Phan Tấn Thành
Có lẽ khi bàn về đời sống tâm linh, không ai nghĩ đến con trâu. Con trâu là con vật dùng để đi cày ruộng, chứ không phải để “thăng thiên”. Tuy vậy, truyền thống của Thiền tông đã mô tả hành trình tâm linh như là cuộc “tìm trâu” qua những bức tranh nổi tiếng được thiền sư Suzuki phổ biến sang Tây phương. Những bức tranh này có thể được giải thích theo chiều hướng tâm-không hoặc theo chiều hướng Kitô-giáo[1]. Đây là điều mà chúng tôi muốn trình bày khi so sánh những chặng đường của thiền đạo với hành trình huyền bí Kitô giáo.
I. Truyền thống thiền đạo
Có ba lưu truyền về các bức tranh tìm trâu được đặt tên là: 1/ “trâu tiệm hóa” của Fumyo (Phổ Minh, thế kỷ XI). 2/ “Mười hình con trâu” của Kakuan (Hán: Quách Am, thế kỷ XII). 3/ “Con trâu trắng” gán cho Kyotetsu, người đã đề bài thơ bên cạnh bức tranh (thế kỷ XVII). Chúng ta hãy tìm hiểu nội dung của các bức tranh, rồi sau đó so sánh với Kitô giáo. Mỗi tác giả trình bày một quan điểm khác nhau về tiến trình.
A. “Trâu tiệm hóa” của Fumyo (Phổ Minh)
Ông muốn trình bày sự tiến triển của linh hồn trải qua 10 chặng. Lúc đầu con trâu màu đen, dần dần biến thành trắng, và sau cùng biến mất. Khi mới bắt đầu, thì cái tâm còn vương mắc nhiều tính xấu, dơ nhớp bẩn thỉu như con trâu đen, nhưng từ chặng thứ 8 thì trở nên trắng, để đạt đến sự hoàn hảo khi hoà đồng với cái Ngã tuyệt đối.
1) Con trâu sổng, thoát chạy vào rừng. Một đám mây đen phủ trên rặng núi, và có nguy cơ hủy hoại cả cánh đồng.
2) Mục đồng đi bắt trâu về, cột dây vào mũi, dùng roi quất mỗi khi nó cưỡng lại không chịu về nhà. Mục đồng phải dùng sức lực để trị con trâu cứng đầu.
3) Dần dần con trâu trở nên thuần thục (đầu nó đổi thành trắng), không chạy lăng xăng nữa. Nó để cho mục đồng dắt đi qua suối qua đồi. Tuy vậy, mục đồng không thả dây trói con trâu.
4) Sau nhiều cuộc huấn luyện, con trâu bắt đầu quay đầu hướng về mục đồng. Tính hung hăng của nó đã giảm bớt. Nhưng mục đồng vẫn chưa tin tưởng nó. Anh ta buộc dây vào một thân cây.
5) Dưới bóng cây liễu bên cạnh dòng nước, con trâu thong dong đi đi lại lại. Đến khi ngả bóng chiều, mục đồng về nhà, con trâu cũng đi theo anh ta, không còn bị cưỡng bách nữa.
6) Từ đây, con trâu hoàn toàn biến đổi màu (từ đen sang trắng). Con trâu nằm nghỉ trên bãi cỏ, không còn bị trói buộc nữa. Mục đồng ngồi dưới cây thông, sung sướng đem cây sáo ra thổi.
7) Mặt trời xuống thấp gần mặt nước. Mục đồng đánh một giấc trên bãi cỏ. Con trâu được ăn cỏ và uống nước thoả thuê.
8) Con trâu trắng đứng trước đám mây trắng. Mục đồng cảm thấy an tĩnh thoải mái. Mặt trăng đã nhô lên sau đám mây trắng, toả bóng trắng lên đám mây. Thế rồi trăng lìa đám mây, đi về hướng tây, mây bay về hướng đông, mỗi bên đi về hướng của mình.
9) Con trâu biến mất. Mục đồng thấy thong dong. Dưới ánh trăng, anh ta vỗ tay ca hát.
10) Cả con trâu lẫn mục đồng đều biến mất, không để lại dấu vết tích gì nữa. Ánh trăng chiếu toả trên không trung.
B. Mười bức tranh của Kakuan (Quách Am)
Khác với Fumyo chú trọng đến tình trạng nhơ nhớp của tâm hồn và cần được thanh luyện (từ đen sang trắng), ông Kakuan (Quách Am) không quan tâm đến màu sắc của con trâu (luôn luôn trắng) cho bằng việc đi tìm con trâu. Con trâu tượng trưng cho Phật tính mà ta phải đi tìm. Nhưng đồng thời, không dễ gì mà bắt được trâu bởi vì nó ương ngạnh lắm.
Mười bức tranh mang tựa đề như sau: tìm trâu – thấy dấu – thấy trâu – được trâu – chăn trâu – cỡi trâu về nhà – quên trâu còn người – người trâu đều quên – trở về nguồn cội – thõng tay vào chợ. Sau khi mô tả bức tranh, tác giả thêm lời chú dẫn.
1) Tìm trâu
– Chú mục đồng lạc lõng chốn rừng sâu, đi tìm trâu lạc nhưng không biết quay sang hướng nào. Trước mặt thì thấy sông sâu, không thể lội qua. Hắn nghe tiếng ve sầu, báo hiệu chiều tà.
– Thực ra, con trâu đâu có mất, chỉ có ta không biết nó ở đâu mà thôi: ta đi tìm nó không đúng chỗ. Chính ta mới thực là kẻ lạc lối, bởi vì bị dục vọng lôi cuốn. Ta càng đi thì càng cách xa nhà, và càng đi lạc.
2) Vết chân trâu
– Dọc theo bờ sông, mục đồng thấy vết chân trâu. Cánh rừng trở thành rậm rạp hơn. Liệu có tìm thấy lối ra không?
– Nhờ kinh điển, con người tìm thấy dấu vết con trâu. Hắn nghiệm thấy rằng tất cả các bình vàng trên mặt đất này chỉ khác nhau về hình mà thôi; tất cả mọi sinh linh đều tận cùng nơi một hữu thể là Ngã. Tuy nhiên hắn chưa biết phân biệt đâu là thực đâu là giả. Hắn mới nhận ra các dấu vết mà thôi.
3) Tìm thấy trâu
– Một con chim đang hát trên cành cây. Một làn gió thổi, mang lại mát mẻ dưới ánh nắng mặt trời. Kìa, con trâu, một thân một mình, không ẩn núp.
– Từ dấu hiệu ta phải đi sâu vào thực tại, cũng tựa như nhờ tiếng trâu rống mà ta tìm thấy con trâu. Tất cả các giác quan đều hoà hợp với nhau. Sự hoà hợp này toả lan ra qua hành động và mọi người đều nhận thấy.
4) Bắt trâu
– Mục đồng gắng hết sức mình để bắt con trâu. Nhưng nó vừa bướng bỉnh lại vừa khỏe mạnh. Đôi khi nó chạy lên núi cao hơn, vượt quá khỏi đám mây, hoặc khuất dạng sau đám sương mù che phủ hố thẳm.
– Sau một thời gian xa cách, mục đồng gặp lại con trâu của mình, nhưng khó bắt nó lại được bởi vì trâu thích sống ngoài đồng cỏ xanh, và bản tính của nó còn ương ngạnh. Muốn trị được trâu thì phải dùng roi.
5) Dẫn trâu
– Với sợi dây và cây roi, mục đồng dắt con trâu về nhà, không để cho nó đi lang thang và bị nhơ nhớp. Nếu biết dạy nó, nó sẽ trở nên thuần thục.
– Khi một tư tưởng đã nổi lên thì tư tưởng khác liên tiếp nổi lên. Nếu được soi sáng, thì tất cả những tư tưởng đó bộc lộ một chân lý duy nhất. Nhưng khi các tư tưởng còn trong tình trạng hỗn độn thì nó đưa ta đến lầm lẫn. Các sự vật chèn ép ta không do thế giới khách thể nhưng tại vì tinh thần của ta còn u mê. Muốn giữ con trâu lại, ta không nào rời bỏ sợi dây và cây roi, nghĩa là không thể nào dung dưỡng chiều chuộng các sở thích.
6) Cưỡi trâu
– Mục đồng cưỡi lên lưng trâu để về nhà, rút cây sáo ra thổi, lòng thì vui thoả, và miệng hát ca.
– Cuộc chiến đấu đã chấm dứt. Mục đồng không còn nhớ tới những thành công hay thất bại. Anh ta sung sướng nhìn lên bầu trời. Nếu ai gọi thì anh cũng chẳng ngoái cổ lại. Không gì thu hút được anh nữa.
7) Thả trâu
– Về tới nhà, mục đồng thả trâu ra. Không còn thấy con trâu trong bức tranh nữa, mà chỉ còn mục đồng ngủ say dưới mái tranh. Sợi dây và cây roi được để bên cạnh.
– Muôn vật chỉ là một, và con trâu chỉ là biểu tượng. Pháp chỉ một chứ không có nhiều. Con trâu chỉ là một phương tiện để giải thích Pháp. Một khi đã nắm bắt được Pháp rồi, thì phương tiện không cần thiết nữa và vì thế biến mất. Lưới và bẫy không cần nữa khi đã bắt được cá hay thú. Như trăng đã nhô lên khỏi đám mây và chiếu toả ánh sáng cho nhân gian, thì ánh quang-minh hỉ-lạc cũng lan ra khắp chốn.
8) Quên hết
– Bức tranh số tám chỉ có một vòng tròn trống trơn: không còn thấy mục đồng, con trâu, dây, roi, cây cối. Xem ra tất cả đều tan biến vào khoảng trời bao la. Một thiền sư đã nói: trên một bếp lửa, tìm đâu ra được một hạt tuyết?
– Tất cả mọi vật trên đời này đều hão huyền. Kể cả thánh nhân, phật tính cũng vậy. Vì thế đừng đi tìm Đức Phật nơi mà không có Phật. Đức Phật không có hình tượng gì hết. Các tượng Phật với hương đèn ở trước mặt chỉ là hình tượng giả dối.
9) Về nguồn
– Cần phải lên đường, quay về với nguồn mạch của mình: làm thế là sai rồi! Chẳng cần phải đi đâu hết. Hãy ngồi ở nhà, yên tĩnh, tâm bất động, không nghe không nhìn gì hết. Có thấy dòng nước chảy không? Chảy về đâu, ta không biết. Có thấy các bông hoa tươi thắm không? Đẹp cho ai, ta không biết.
– Trong cãnh thanh tịnh tuyệt đối, mục đồng nhìn ngắm vạn vật biến thiên, sinh tử. Người mục đồng đạt tới an tĩnh tuyệt đối, nên có thể nhìn thấy bản tính đích thực của muôn vật.
10) Ra chợ
– Mục đồng, mình cởi trần và đi chân không, đi ra chợ, tươi vui. Anh chẳng cần quyền lực thần thánh gì hết.
– Mục đồng đi vào thị thành, hoà lẫn với nhân thế, làm bạn với hết mọi người. Anh ta sống tự do cách lạ thường, với nếp sống bình dị. Anh gặp gỡ thiên hạ, kể cả hàng cá hàng rượu, để nhờ sự tiếp xúc với anh mà họ được cảm hoá.
C. Những bức tranh của ông Kyotetsu
Ông có một quan điểm khác với hai tác giả trên:
– Trái với Phổ Minh cho con trâu đổi màu từ đen đến trắng, ông Kyotetsu luôn vẽ con trâu trắng: con trâu không cần phải thanh luyện, nhưng cần phải đi tìm.
– Khác với Quách Am, con trâu đã xuất hiện ngay từ bức tranh thứ nhất: con trâu tượng trưng cho Phật tính, hiện diện khắp nơi. Ta cứ ngỡ rằng mất trâu; nhưng thực ra trâu chẳng có mất đâu, mà chỉ tại vì ta không thấy nó thôi. Ông Kyotetsu muốn cho thấy rằng trong bất cứ con người nào cũng có khuynh hướng muốn đi tìm chân lý; nhưng chân lý không ở chỗ nào xa xôi cả, chỉ cần biết tìm đúng chỗ thì sẽ gặp.
Sau đây là diễn tiến của mười bức tranh
1) Lạc trâu
– Con trâu trắng đứng đàng đông và trông về hướng đông. Mục đồng đứng đàng tây và trông về hướng tây.
– Trâu là trâu, mục đồng là mục đồng, hai bên cách xa nhau và quay lưng với nhau. Xem ra một khoảng cách vô tận đã tách lìa hai bên. Kỳ thực, cả hai gần nhau; chỉ vì mê muội mà ta không hiểu nổi.
2) Tìm trâu
– Ông chủ hỏi mục đồng: “con trâu đâu rồi?”. Mục đồng không biết trả lời ra sao. Có một người đến từ hướng đông và trỏ cho mục đồng.
– Người ta hỏi mục đồng: “con trâu đâu rồi?”. Mục đồng không biết. Một người khác biết dấu vết con trâu, và khi ông chỉ cho mục đồng, hắn liền chuyển hướng.
3) Dấu của trâu
– Mục đồng chạy về hướng đông và nhận thấy nhiều dấu vết trên đồng.
– Băng qua núi đồi và lần theo nhiều ngỏ khúc khuỷu, cậu bé tiến về hướng đông và thấy nhiều dấu vết. Bây giờ cậu ta biết mình đang tìm cái gì rồi: mình đi tìm cái mình đã biết và không còn do dự nữa.
4) Gặp trâu
– Con trâu trắng đang gặm cỏ trên cánh đồng, và mục đồng hớn hở vì thấy nó.
– Sau một chặng đường dài, mục đồng tìm thấy con trâu của mình đang gặm cỏ. Cậu thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ tiến lại gần trâu.
4) Bắt trâu
– Con trâu từ từ chỗi dậy, và mục đồng vuốt ve nó.
– Cậu ta không còn những lo âu vất vả khi đi tìm bò. Cậu ta quá sướng khi gặp nó, và vồn vã vuốt ve nó.
5) Trông trâu
– Mục đồng ngồi nghỉ bên tảng đá, và con trâu đi uống nước.
– Con trâu thấy thoải mái; mục đồng cũng an tâm. Gió mát trăng thanh. Mục đồng quên cả đói. Hương hoa toả lan khắp đồi khiến cậu quên hết cả thời gian.
6) Dẫn trâu về
– Bóng chiều đã ngả trên núi. Con trâu trở về chuồng, cậu bé cưỡi trên lưng trâu và thổi sáo.
– Gió đưa cành liễu khiến cho bóng nó lung lay. Mục đồng thổi những bài ca trường cửu làm rung động tấm lòng. Thử hỏi: mấy khi gặp được cảnh thư thái như vậy?
7) Quên trâu
– Trăng chiếu xuống dương gian, và cậu bé vỗ tay ca hát.
– Con trâu trắng biến mất. Cậu bé sung sướng vì cảnh cô tịch trên núi. Những rặng núi in hình trên mặt nước, trăng lên cao dần và toả thêm ánh sáng.
8) Biến tan
– Cả con trâu lẫn chú mục đồng đều biến đi. Chỉ còn lại vòng tròn trống rỗng.
– Vũ trụ bao la hiện ra trong chớp mắt. Cõi Không tỏ lộ cảnh vô biên. Các thứ đạo lý thánh hiền đều biến tan hết. Ta cảm thấy tỉnh lên sau một giấc mơ triền miên.
9) Ra làng
– Cậu bé đi về hướng đông, và con trâu đi theo. Con trâu trắng đi theo cậu bé ra chốn đô hội. Cậu bé hớn hở chào thăm hết mọi người. Cậu thấy không có chi khác biệt giữa đi tìm Phật và đi tìm chúng sinh.
D. Nhận xét
Tuy cả ba loạt bức tranh đều xoay quanh hình ảnh con trâu, nhưng đàng sau biểu tượng này, mỗi tác giả muốn gửi một sứ điệp khác nhau.
1) Loạt bức tranh thứ nhất (Tiệm hoá của Phổ Minh) mô tả tiến trình biến đổi tương tự như các bậc thầy thuộc các tôn giáo lớn: hành trình huyền bí gồm chặng tu đức, nghĩa là thanh luyện linh hồn (bằng gậy và roi) trước khi tiến đến sự hoàn thiện.
2) Hai loạt bức tranh của Quách Am và Kyoetsu muốn giải thích tiến trình theo chiều hướng khác: sự bất toàn không hệ tại nết xấu làm cho ta đen đuổi, nhưng ở chỗ lạc đường (mất trâu), hoặc đi tìm chân lý không đúng chỗ. “Đường” hay “chân lý” là chính Phật tính.
3) Từ đó ta thấy có hai quan niệm về hành trình huyền bí, dựa trên hai biểu tượng của con trâu:
– Một đàng, con trâu tượng trưng cho con người cần được biến đổi (từ đen đến trắng). Kết quả của hành trình huyền bí được nhận thấy ở nơi con trâu.
– Đàng khác, con trâu tượng trưng cho “chân lý” hay “Phật tính” mà ta phải đi tìm. Chủ thể của hành trình huyền bí là ta (mục đồng) chứ không phải là con trâu.
4) Xét về tận điểm của hành trình huyền bí, chúng ta nhận thấy có sự trùng hợp và khác biệt.
– Cả ba tác giả đều gặp nhau ở một bức tranh vẽ một vòng tròn, trong đó không thấy con trâu hoặc mục đồng. Phải chăng cả ba đều quan niệm tận điểm của hành trình huyền bí là “Vô”, theo quan điểm của thiền tông?
– Sự khác biệt của tác giả thứ nhất (Phổ Minh) với hai tác giả kia (Quách Am và Kyotetsu) ở chỗ vị trí của bức tranh đó. Fumyo xếp nó ở hàng thứ 10, nghĩa là bức tranh chót. Hai tác giả kia đặt nó ở số 8 (Quách Am) hoặc số 9 (Kyotetsu). Dù sao, đối với hai tác giả này, bức tranh cuối cùng diễn tả anh mục đồng trở về với xóm làng, nghĩa là sau khi anh đã giác ngộ, thì anh đã trở lại giáo hoá chúng sinh, chứ không hưởng riêng một mình.
II. Đối chiếu với Kitô giáo
Tóm lại, giữa các thiền sư đã có những dị biệt trong việc giải thích hành trình huyền bí. Liệu có thể đối chiếu với hành trình Kitô giáo được không? Theo cha Ichiro Okumura OCD, giữa hành trình thiền đạo và hành trình Kitô giáo, có những sự khác biệt không nhỏ, tuy nhiên không hẳn là bất khả dung hợp.
1) Những khác biệt
– Sự khác biệt quan trọng nhất ở chỗ hành trình huyền bí không đưa đến sự kết hiệp với Thiên Chúa (theo quan điểm của Kitô giáo), nhưng đến chỗ Vô. Đây là sự khác biệt về tận điểm.
– Một sự khác biệt nữa nằm ngay ở hướng đi của lộ trình. Thực vậy, hướng đi của hành trình không phải là từ Hữu đến Vô, nhưng là đến chỗ khám phá ra Phật tính ở ngay trong mình. Hai loạt bức tranh của Quách Am và Kyotetsu nêu bật điều đó: mục đồng đi tìm con trâu lạc, tức là đi tìm Chân lý (hay Phật tính); anh tưởng rằng chân lý ở mãi tận đâu đâu, nhưng nào ngờ ở ngay trong chính mình. Vì thế cần phải trở lại với chính mình.
2) Những điểm tương đồng
– Ta có thể nhận thấy điểm tương đồng căn bản ở chỗ tất cả các bức tranh đều nói lên một cuộc hành trình. Điều này giả thiết một nỗi khắc khoải của con người muốn tìm biết chân lý, và khiêm tốn thú nhận rằng con người hoặc chưa thấu triệt chân lý hoặc còn bị rơi vào chốn u mê lầm lẫn. Tệ hơn nữa, con người lắm lần muốn đi tìm chân lý, nhưng không biết đường, vì thế tìm không đúng chỗ.
– Mục tiêu của hành trình, ít là theo Quách Am và Kyotetsu, là đi tìm Phật tính, và Phật tính đó nằm ở trong con người. Truyền thống Kitô giáo cũng nhận rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa, tuy cũng thêm rằng hình ảnh đó đã bị méo mó do tội lỗi, vì thế cần được cứu chuộc. Vài giáo phụ đã phân biệt giữa “hình ảnh Thiên Chúa” (imago Dei) và “giống như Thiên Chúa” (similitudo): con người tội lỗi vẫn duy trì hình ảnh Thiên Chúa, nhưng không còn “giống Chúa” nữa. Dù sao, công trình cứu chuộc của Đức Kitô vừa có thể diễn tả như là “trở nên giống Thiên Chúa” (thiên hoá), vừa có thể nói như công đồng Vaticanô II là giúp cho ta trở nên người chân chính hơn. Thực vậy, chúng ta biết rằng xét cách trừu tượng thì tất cả mọi người đều mang bản tính con người và khác với súc vật; nhưng nhìn dưới khía cạnh luân lý, thì trong chúng ta có “nửa người nửa ngợm”. Vì thế mà nỗ lực của chúng ta là giảm bớt chất ngợm và tăng thêm chất người, để sống hợp với “đạo làm người”. Thánh nhân là con người tuyệt hảo nhất. Vì thế hành trình tâm linh (hay huyền bí) cũng nói được là “trở về với mình”, khám phá cái chân ngã. Triết gia Socrate cũng răn ta “hãy biết mình” (nosce teipsum). Đây cũng là lời răn của nhiều bậc mô phạm Kitô giáo cổ kim[2].
– Vết chân trâu. Hai bức tranh của Quách Am và Kyotetsu cho thấy những vết chân trâu: đó là những bản hướng dẫn hành trình, nghĩa là đạo lý của sách thánh hoặc các tôn sư. Thậm chí trong bức tranh của Kyotetsu, một nhân vật xuất hiện để trỏ cho mục đồng biết hướng để tìm trâu. Trên hành trình tâm linh, ta cần những người hướng dẫn, tuy rằng theo quan niệm thiền tông, người hướng dẫn được ví như ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi: ta hãy ngắm mặt trăng chứ đừng dừng lại ở ngón tay trỏ.
– Vòng tròn trống rỗng có thể giải thích nhiều cách. Có thể hiểu như là sự trở về với hư vô; hoặc có thể hiểu là sự giác ngộ về tính vô thường của vạn vật; hoặc có thể hiểu như là sự siêu thoát hoàn toàn. Con người cần phải lột bỏ tất cả, lột bỏ cả cái “ngã” (cái tôi) cũng như lột bỏ cái ý niệm về Thiên Chúa do mình dựng lên[3]. Thánh Gioan thánh giá đã chẳng nói đến sự thanh luyện đức tin (đêm tối đức tin) đấy ư? Dù sao đi nữa, không nên hiểu cái vòng tròn trống rỗng như là tận điểm của hành trình huyền bí, mà chỉ là chặng cuối cùng của hành trình đó. Sự thanh luyện tuyệt đối được thánh Gioan thánh giá diễn tả qua bài ca bất hủ sau đây:
Để thưởng thức tất cả, bạn đừng thích thú gì hết. Để chiếm hữu tất cả, bạn đừng chiếm hữu gì hết. Để trở nên tất cả, bạn hãy là hư vô trong mọi loài hư vô. Để biết tất cả, bạn đừng muốn biết gì hết. Để tới nơi chưa hề nếm hưởng, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn kinh tởm. Để tới nơi chưa hề biết, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không biết. Để tới nơi mà bạn chưa chiếm hữu, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không chiếm hữu. Để tới nơi mà bạn muốn trở thành, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không tồn tại. Nếu bạn dừng lại ở một điều nào đó, thì bạn sẽ không còn lao mình về tất cả nữa. Bởi vì để đạt tới tất cả trong mọi sự, bạn hãy từ bỏ mình trong mọi sự. Và khi bạn đã đến chỗ có tất cả, bạn hãy chiếm hữu nó mà không muốn gì hết. Bởi vì nếu bạn muốn có cái gì trong tất cả, thì bạn không còn lấy Thiên Chúa là kho báu duy nhất nữa[4].
Một điều đáng lưu ý là bức tranh vòng tròn được xếp vào số 8 nơi Quách Am và số 9 nơi Kyotetsu, nghĩa là chưa phải tận điểm. Hai tác giả này còn muốn cho mô tả sự hoan hỉ của cậu bé sau khi tìm thấy “chân ngã”, một sự hoan hỉ toả lan ra chung quanh, cho xóm làng và thiên nhiên vạn vật.
III. Đạo Thiền và Đạo Kitô
Đang khi mà cha Ichiro Okumura so sánh ba loạt tranh về con trâu và đối chiếu hai quan niệm Thiền và Kitô giáo về hành trình huyền bí, cha Mariano Ballester SJ[5] sử dụng một lối tiếp cận khác, đó là tìm cách chú giải 10 bức tranh của Quách Am theo tinh thần Kitô giáo.
– 1) Tìm trâu
Hành trình huyền bí khởi đầu từ ý thức về sự sai trái của mình, và ý muốn tìm về chính đạo. Quyết tâm muốn thay đổi cuộc đời là điều kiện căn bản cho sự “tái sinh” (Ga 3,7). Tuy nhiên, cần phải biết ngay từ đầu rằng hành trình này mang theo nhiều trở ngại và khó khăn. Một trong những trở ngại để bắt đầu là không biết đi theo hướng nào để tìm chân lý. Những cuộc loay hoay để định hướng dễ làm con người nản chí bỏ cuộc khi mới bắt đầu. Đối với người Kitô giáo, duy chỉ Đức Kitô mới là Đường, Sự Sống, Sự Thật. Chúng ta cần làm quen với Người bằng cách học cầu nguyện.
– 2) Vết chân trâu
Trên đường đi tìm trâu, mục đồng cầm trên tay sợi dây và cái roi, tượng trưng cho những biện pháp kỷ luật. Điều kiện cơ bản để đi theo Đức Kitô là “từ bỏ”: từ bỏ tài sản, thân nhân; cắt đứt mọi ràng buộc với thọ tạo (xc. Lc 9,57-62).
Sự từ bỏ này tạo ra tinh thần siêu thoát và đơn sơ để dễ đón nhận Lời Chúa. Sách thánh trỏ cho ta những “dấu vết” của Chúa. Nhưng nếu thiếu “thần khí” hướng dẫn thì những lời đó không mang lại lợi ích gì hết.
– 3) Tìm thấy trâu
Ta có thể ví với giai đoạn “chiếu sáng” trong ngôn ngữ thần học tâm linh Kitô giáo: linh hồn nhận được sự soi sáng của Chúa, đánh giá mọi vật dưới nhãn quan mới. Tâm trí của người tín hữu được “khai quang” nhờ Thánh Linh soi sáng (xc Ga 16,12-13).
– 4) Bắt trâu
Mục đồng phải vận dụng hết sinh lực để bắt con trâu, vừa khỏe vừa bướng. Hành trình tâm linh là một cuộc chiến đấu không ngừng. Nhờ ánh sáng đức tin, ta mới biết được điều gì đúng và điều gì sai. Sự nhận thức này đòi hỏi ta phải lựa chọn và bày tỏ lập trường, khác với tình trạng mập mờ trước đó. Việc lựa chọn và quyết định đòi hỏi ta phải chiến đấu chống lại điều sai trái.
– 5) Dẫn trâu
Mục đồng buộc dây tròng con trâu và dắt đi. Như đã nói trên đây, sợi dây và cây roi tượng trưng cho kỷ luật (khổ chế) trong hành trình tâm linh. Ở đây, có thể nói thêm về một khía cạnh khác của kỷ luật thiền đạo, đó là luyện tập sự chú ý vào giây phút hiện tại (việc mà ta đang làm, chứ không phải là trăm ngàn công việc đã làm hay toan tính sẽ làm). Phúc âm cũng mời gọi ta hãy tỉnh thức, luôn cầm đèn đợi chờ ông chủ đến bất thình lình (xc. Mt 25,14-30; Lc 12,35-38).
– 6) Cưỡi trâu
Bức tranh mô tả niềm hoan hỉ an lạc của mục đồng, ngồi trên lưng trâu vừa thổi sáo vừa ca hát. Đó là hình ảnh của niềm hân hoan do cảm nghiệm huyền bí mang lại. Phúc âm ghi lại nhiều dụ ngôn nói đến niềm vui của kẻ đã tìm được viên ngọc quý sau bao tháng ngày lặn lội (Mt 13,44), niềm vui của bà lão tìm được đồng tiền đã mất sau khi lần mò khắp cùng mọi ngóc ngách (Lc 15,9).
– 7) Thả trâu
Ở những bức tranh trên đây, mục đồng và con trâu là hai đối thể tách rời nhau. Từ bức tranh này, không còn thấy con trâu nữa. Mục đồng đã về tới nhà và an nghỉ: anh không nghĩ tới con trâu nữa. Thần học huyền bí Kitô giáo cũng nói đến “cầu nguyện an tĩnh” như là một cấp độ cao trong hành trình tâm linh. Mặt khác, an tĩnh (an bình) là một hồng ân của Thánh linh mà Chúa Kitô Phục sinh ban cho các môn đệ (xc. Ga 14,27; 20, 19-22).
– 8) Quên hết
Trong loạt các bức tranh của Quách Am, ta thấy nhiều chặng “biến”: sợi dây và cây roi biến từ hình số 6, con trâu biến từ hình số 7. Nơi bức tranh số 8, mục đồng cũng biến luôn. Giờ đây chỉ thấy một hình tròn trống trơn, tượng trưng cho “Vô”. Xem ra tận điểm của hành trình huyền bí là cái gì tiêu cực (“Không”). Tuy nhiên, theo ngôn ngữ của các nhà huyền bí, “Vô” không phải là hư vô (vô hữu), nhưng là một sự “tự hủy”, chết cho cái “ngã” của mình ngõ hầu Thiên Chúa có thể ngự trị hoàn toàn: Thiên Chúa là tất cả. Tương đương với từ “Vô”, các nhà huyền bí Kitô giáo cũng nói đến “đêm tối”, “thinh lặng” (hesychia), “vô ngôn” (apophatismus).
– 9) Về nguồn
Trước ông Quách Am, các bức tranh chấm dứt hành trình với vòng tròn. Ông Quách Am muốn thêm hai cảnh nữa, ra như tiếp nối hành trình qua những hậu quả của nó.
Bức tranh số 9 được đặt tên là “về nguồn”. Ta có thể giải thích như tình trạng “tái sinh” mà Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô (Ga 3,3), nghĩa là tình trạng trong trắng nguyên thủy, tinh thần “thơ ấu” của Phúc âm. Tinh thần thơ ấu không có nghĩa là “ấu trĩ, non nớt”, nhưng là tinh thần đơn sơ khiêm nhường.
Dĩ nhiên, sự “trở về” cũng có thể hiểu như là “hoán cải”, một tiến trình kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, thiết tưởng ở đây nên hiểu về sự “trở về” với nội tâm, (thay vì phóng ngoại), nơi mà Thiên Chúa đang hiện diện với ta, và mời ta hãy “ở lại” trong Ngài.
– 10) Ra chợ
Bức tranh thứ mười có thể xem như kết thúc của hành trình huyền bí, nhưng cũng có thể xem như mở đầu cho hành trình mới. Người được giác ngộ muốn trở lại nhân thế để giúp cho tha nhân cũng biết đường tìm chân lý. Anh ta trở lại xóm làng trong tư thái mới: anh đã được giác ngộ rồi; trạng thái này không biến anh thành một người tự cao tự đại, nhưng ngược lại, làm cho anh nên nhún nhường hơn.
Ta có thể ví anh ta như một người môn đệ của Chúa Kitô đem ánh sáng vào đời. Theo gương Thầy mình, chấp nhận đường lối “tự hủy” trong mầu nhiệm Nhập thể, người môn đệ cũng vào đời theo đường lối âm thầm chứ không tự quảng cáo ầm ĩ (xc. Lc 17,21). Theo gương của Thầy, người môn đệ đến gặp gỡ hết mọi tầng lớp: họ mang Tin mừng đến cho tất cả mọi người; nhất là họ rao giảng chân lý chứ không rao giảng chính mình. Họ muốn làm dấu chỉ cho Chúa Kitô ở giữa đời (xc. Mt 5,1). Qua cuộc sống của họ, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện trên trần gian này cho đến tận thế (xc. Mt 28,20).
Trước khi kết luận, chúng ta đừng quên rằng mặc dù tác giả bức tranh không nói ra, nhưng trong truyền thống thiền đạo, người môn sinh luôn luôn cần đến sự hướng dẫn của một thiền sư, kể cả trong việc giải thích các bức tranh. Truyền thống Kitô giáo cũng nhìn nhận sự cần thiết của một linh hướng trong hành trình tâm linh, nhưng bên trên vị linh hướng đó còn có những vị Thầy nội tại: đó là Đức Kitô và Thánh Linh.
———————————————-
[1] Ichiro Okumura, Bouddhisme-Zen et mystique chrétienne, in : Teresianum 42 (1991) 475-510.
[2] Cha I. Okumura (op.cit., p.491-492) trưng dẫn vài giáo phụ điển hình bên Đông và bên Tây : Origène, St Grégoire de Nysse, St Ambroise, St Augustin, St Bernard, Guillaume de St Thierry.
[3] Có thiền sư không ngần ngại nói với đệ tử rằng : “Nếu anh gặp đức Phật, thì hãy giết ông đi !”. Dĩ nhiên, thiền sư không khuyến khích đệ tử giết đức Phật, nhưng là giết hình ảnh về đức Phật mà người đệ tử dựng lên trong đầu mình.
[4] Subida, lib.I, c.13 : “Para venir a gustarlo todo, no quieres tener gusto en nada. Para venir a poseerlo todo, no quieras poseer algo en nada. Para venir a serlo todo, no quieras ser algo en nada. Para venir a saberlo todo, no quieras saber algo en nada. Para venir a lo que no gustas, has de ir por donde no gustas. Para venir a lo que no sabes, has de ir por donde no sabes. Para venir a lo que no posees, has de ir por donde no posees. Para venir a lo que no eras, has de ir por donde no eres. Cuando paras en algo, dejas de arrojarte al todo. Porque para venir del todo al todo, has de negarte del todo en todo. Y cuando lo vengas del todo a tener, has de tenerlo sin nada querer. Porque si quieres tener algo en todo, no tienes puro en Dios tu tesoro”.
[5] M. Ballester, Il Cristo, il contadino e il bue. Via zen e via cristiana, Ed. Appunti di Viaggio, Roma 1997.