Hành Khất Trong Một Xã Hội Tiêu Thụ: Suy Tư Về Đặc Sủng Đaminh

0
986


Fr. Charles E. Bouchard, O.P.

 

HÀNH KHẤT TRONG MỘT XÃ HỘI TIÊU THỤ[1]

SUY TƯ VỀ ĐẶC SỦNG ĐAMINH

Thế kỷ XIII, trong bối cảnh các tu viện và các hội kinh sĩ thuộc thành phố đều gắn liền với nhà thờ chính toà, thì các Dòng Hành Khất là một sự đổi mới. Dĩ nhiên, cái nhìn về hành khất được bắt nguồn từ hình ảnh Đức Kitô nghèo khó, Vị Giảng thuyết đi đây đó và sai các môn đệ lên đường mà không mang theo gậy, giày dép, và thậm chí không mang theo một chiếc áo dự phòng, buộc các ông phải lệ thuộc vào lòng hảo tâm của những người nơi mà các ông đến rao giảng. Giống như các đan sĩ, các Dòng Hành Khất muốn bắt chước Đức Kitô; thế nhưng, phương thức thực hiện của họ hoàn toàn mới mẻ, về cả tinh thần lẫn tài chính.

Lịch sử phát triển của việc hành khất

Anh em tiên khởi tránh lối sống vĩnh viễn kiểu đan viện, hướng đến hình thức di động cho phép họ tiếp cận với những dân cư đô thị mới (Đời sống của anh em cho thấy một sự tương phản rõ nét với đời sống của các phẩm chức có đặc quyền, và đôi khi quá phô trương, nhờ có các khoản thu nhập hoặc các nguồn tài sản cá nhân). Điều này cũng giúp các tu sĩ có khả năng chống lại các giáo phái, chẳng hạn những người phái Albi, mà lối sống đơn giản của họ đã lôi kéo được nhiều tín đồ.

Linh đạo của các tu sĩ phản ánh sự khó nghèo và lòng tin mạnh mẽ vào ơn Chúa. Guy Bedouelle, một thần học gia của Dòng Đaminh nói: “Khó nghèo Tin mừng đồng nghĩa với việc mất đi sự an toàn không phải chỉ vì muốn nghèo khó, mà là một dấu chứng cho thấy lòng tin của người du thuyết, cho thấy sự bấp bênh đầy đơn sơ và bình an của người ấy về tương lai”. Hành khất và đời sống chung được xem như là một hình thức khổ chế cá nhân và liên đới với người nghèo. Năm 2014, trong lá thư gửi anh em, cha Bruno Cadoré, Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết, đưa ra nhận xét này:

“Dầu sao, bên cạnh hệ quả của việc chọn lựa tương quan khá triệt để với đời sống khó nghèo, thì việc hành khất còn đưa ra chọn lựa về một cuộc sống lệ thuộc vào những người mà các vị giảng thuyết được sai tới, phản ánh sự lệ thuộc của Đức Giêsu và các môn đệ của Người, khi các ngài đi qua các thị trấn và làng mạc để loan báo Nước Thiên Chúa (Lc 8,1-3). Sự lệ thuộc này thể hiện khát mong chấp nhận nguy cơ bị thương tổn về mặt vật chất, và theo gương thánh Đaminh, là phó thác tuyệt đối cho Chúa Quan Phòng, cũng như chọn lựa giảng thuyết lưu động. Theo cách này, nói về sự liên đới trong sứ mạng loan báo Tin mừng khắp thế giới là muốn nhắm đến sự cần thiết phải hỗ trợ lẫn nhau trong sứ mạng lưu động theo kiểu Tin mừng, thì đồng thời có nghĩa là xác định đời sống của chúng ta (lưu động vì Tin mừng), và cũng vạch ra mục tiêu của chúng ta (lưu động để đem Tin mừng)”.

Động lực của các tu sĩ không chỉ mang tính tâm linh. Sử gia Lester Little chỉ ra rằng sự gia tăng con số các nhà hành khất trùng khớp với những thay đổi đáng kể ở châu Âu, đặc biệt là sự chuyển đổi từ nền kinh tế “trao đổi hàng hóa” nông nghiệp sang việc “kinh doanh lợi tức” đô thị. Sự xuất hiện của các thành phố, hàng hóa có thể tiêu thụ, và tiền xu (là thứ được xem là “tài sản lưu động”) đã làm xuất hiện một loại hình kinh tế mới trong đời sống Giáo hội, không dựa vào sản xuất nông nghiệp và đất đai, nhưng dựa vào việc xin của bố thí. Những thành phố thời Trung cổ tráng lệ, đông đảo những người có thu nhập dư thừa, tạo cơ hội phát triển cho lối sống hành khất.

Sự chuyển đổi kinh tế dựa trên một thực tế khách quan là “những dân cư thành thị muốn được nghe các nhà giảng thuyết, họ thích thú thưởng thức những trò tiêu khiển và cuộc biểu diễn, họ khao khát được chinh phục và muốn nghe những lời diễn giải… Và rồi các tu sĩ bước vào khung cảnh đó: các vị nói chuyện, giảng thuyết, hoặc như ông Thomas Spalato nói về thánh Phanxicô, “gào to”… Những tu sĩ ấy đã có một cách hiểu mới về việc xưng tội và sám hối; các vị nói chuyện với hối nhân để xác định mức độ nghiêm trọng tương đối của các lỗi phạm. Ông Little ghi nhận rằng các tu sĩ “đã phản ánh thực tế của xã hội mà các vị thâm nhập, bằng cách thường xuyên sử dụng ngôn ngữ thị trường; nhờ thánh Phanxicô Assisi, một thời là thương gia, lối thực hành này có được tầm ảnh hưởng và sự cuốn hút”.

Thánh Đaminh và thánh Phanxicô có những quan điểm rất tương đồng. Cả hai hội Dòng do các ngài thành lập đều lưu tâm đến việc giảng thuyết và dạy học; thế nhưng, cách các ngài hiểu về những điều đang thực hiện thì hoàn toàn khác nhau. Jeremy Miller và Simon Tugwell nhấn mạnh rằng Anh em Đaminh có cách tiếp cận thực tế hơn:

“Thánh Phanxicô đã lựa chọn một cách sống và nhận thấy rằng việc giảng thuyết là một phần của cách sống ấy; còn đức Giám mục Diego và thánh Đaminh tìm thấy một sứ vụ phải thực hiện, và rồi lựa chọn một cách sống đem lại điều kiện tốt nhất để các ngài thực hiện sứ vụ đó. Các tu sĩ dòng Phanxicô sau này lập luận rằng, bởi vì họ khấn khó nghèo, cho nên thật hợp lý khi họ phải rao giảng. Anh em Đaminh thì lại cho rằng, bởi lẽ họ đi giảng thuyết, cho nên điều dễ hiểu là họ phải khấn khó nghèo. Dòng Đaminh không mấy quan tâm tới các hình thức của chủ nghĩa cầu toàn có tính tôn giáo đang thịnh hành lúc bấy giờ, bởi chưng mối bận tâm hàng đầu của họ là làm sao để chu toàn tốt việc giảng thuyết của mình”.

Lối hiểu mới hàm ẩn những căng thẳng. Chính thánh Đaminh đã cam kết sống khó nghèo tuyệt đối và ngăn cấm quyền sở hữu tài sản. Thoạt đầu, ngài xem tu viện của chị em ở Prouilhe chính là ngôi nhà của mình, mà ở đó lại thiếu những thứ cần thiết cho một nơi dành để cư trú;[2] tuy vậy, quan điểm của ngài bớt cứng ngắc phần nào khi ngài nhận ra rằng việc nghiên cứu học hành và cầu nguyện đòi hỏi phải có phòng ốc, và để có những ngôi nhà như thế thì cần có tiền. Tugwell ghi nhận rằng, các anh em của thánh Đaminh “dường như không nhiệt tình tuân giữ sự khó nghèo tuyệt đối về vật chất xét theo nghĩa chặt”.[3] Vì thế, không lâu sau cái chết của thánh Tổ Phụ, Dòng bắt tay vào việc xây dựng các cơ sở cách nghiêm túc.

Anh em thấy cần phải có nhà cửa và tiền bạc, bởi lẽ một thực tế là anh em bị các giáo sĩ triều ganh ghét. Các giáo sĩ triều không cho anh em giảng thuyết trong các nhà thờ thuộc giáo phận. Một linh mục triều phàn nàn rằng, các tu sĩ là một “sự nguyền rủa” đối với họ, anh em “đến thu hoạch vụ mùa của người khác”. Cuối cùng thì anh em cũng có thể xây cất được các tu viện và những ngôi thánh đường rộng rãi, thích hợp cho việc giảng thuyết. Các công trình này được hoàn tất là nhờ sự đóng góp của các thương gia giàu có và của các chủ ngân hàng.[4] Chẳng hạn, nhà thờ thánh Giacôbê ở Toulouse, ngôi thánh đường rộng lớn được thiết kế lạ lẫm với chỉ một cây cột, rất phù hợp cho việc giảng thuyết, rõ ràng được tài trợ bởi những thành viên của tầng lớp này. Mặc dù con số tu sĩ Đaminh không phát triển nhanh như tu sĩ dòng Phanxicô, có lẽ do đòi hỏi đầu vào chặt chẽ hơn vì quy định dấn thân cho sứ vụ học hành nghiên cứu; thế nhưng vào khoảng năm 1303, Dòng đã có 590 nhà. Rõ ràng, bất kì một xung khắc nào giữa sự khó nghèo và nhà cửa cũng đều được giải quyết ổn thỏa.

“Thánh Phanxicô đã lựa chọn một cách sống và nhận thấy rằng việc giảng thuyết là một phần của cách sống ấy; còn đức Giám mục Diego và thánh Đaminh tìm thấy một sứ vụ phải thực hiện, và rồi lựa chọn một cách sống đem lại điều kiện tốt nhất để các ngài thực hiện sứ vụ đó”.

Việc hành khất có ý nghĩa gì trong xã hội hôm nay?

Chúng ta đang sống trong một xã hội tiêu thụ, và tiền bạc còn lưu chuyển nhiều hơn so với thời thánh Đaminh. Sống lệ thuộc vào Thiên Chúa và người khác có thể không có gì mới mẻ, thế nhưng, hơn bao giờ hết, nó lại đi ngược với nền văn hóa hiện thời. Người ta từng nói rằng chúng ta là “những kẻ ăn xin Lời Chúa”, nài xin Chúa hoàn thiện những nỗ lực yếu kém của chúng ta để chu toàn sứ vụ giảng thuyết. Chúng ta nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và chúng ta không thể làm được gì, nếu không có ân sủng của Chúa. Simon Tugwell nói rằng: “Sự háo hức ra đi giảng thuyết mà không được kiềm chế nhờ ý thức chân thành về sự bất tương hợp của mình đối với sứ vụ chính là bằng chứng cho thấy người đó không hề có ân sủng giảng thuyết”.

Việc hành khất cũng cho thấy rằng điều chúng ta xác tín, đó là chúng ta “đang rao bán” một cái gì đó có giá trị, và công sức của chúng ta bỏ ra để học hành nghiên cứu và cầu nguyện thì đáng được hỗ trợ bởi các tín hữu, những người hưởng hoa trái từ các việc ấy. Việc trao đổi này có vẻ khá phức tạp, giống như trường hợp dân chúng ở đền thánh Giuđa dâng cho chúng ta một khoản đóng góp với hy vọng rằng thánh Giuđa sẽ chuyển cầu cho họ. Nhiều người trong số họ còn không biết rõ những tu sĩ Đaminh là ai, hoặc những đóng góp của họ sẽ được sử dụng ra sao. Họ hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ sử dụng chúng hợp lý, họ chỉ bận tâm đến mối tương quan giữa họ với vị thánh, và cùng đích là với Thiên Chúa. Sự đóng góp này là một hành động bề ngoài, nhưng thể hiện cố gắng của họ nhằm làm sâu sắc thêm mối tương quan ấy.

Chúng ta có thể xem xét sự khó nghèo của người hành khất ngày hôm nay theo nhiều khía cạnh. Sự khó nghèo hành khất có thể phản ánh đời sống khó nghèo tuyệt đối, thậm chí đến mức không sở hữu một thứ tài sản nào cả và đi thuê các tòa nhà mà chúng ta cần. Đây chính là lý tưởng cả thánh Phanxicô lẫn thánh Đaminh tìm kiếm. Khó nghèo hành khất cũng có nghĩa là cam kết không đòi hỏi sự giàu có quá mức, nhưng chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cần thiết của cuộc sống, hay chỉ đủ để hỗ trợ chúng ta trong một khoảng thời gian tương lai. Sự khó nghèo hành khất còn có nghĩa là chúng ta “luôn ở trên đường”, từ chối cuộc sống ổn định và thoải mái. Ngay cả các tu sĩ Phanxicô, họ không bao giờ làm như thế. Xét về mặt tài chính, trong một giai đoạn mà cuộc sống trở đắt đỏ hơn bao giờ hết, có thể điều này là thiếu khôn ngoan. Chúng ta cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để hòa hợp dung hòa giữa một bên là lịch sử Dòng và hàng ngàn tu viện mà chúng ta đã cất công xây dựng, một bên là nhu cầu phải học hành nghiên cứu, đời sống cầu nguyện chung và nếp sống tu trì, là những yếu tố ngay từ đầu buộc chúng ta phải xây dựng.

Như mọi khi, người anh em của chúng ta là thánh Tôma Aquinô có nhiều điều để dạy chúng ta. Ngài tin rằng toàn bộ nền kinh tế phải đi qua 4 bước căn bản: sản xuất, trao đổi, tiêu thụ, phân phối hàng hóa và dịch vụ. Đối với thánh Tôma, bước cuối cùng là bước quan trọng nhất, bởi lẽ bước này tương ứng với cùng đích hay nguyên nhân của tài sản vật chất. Vấn đề muôn thuở là: tiền bạc dùng để làm gì?

Về vấn đề tư hữu, thánh Tôma phân biệt một mặt là sở hữu và thủ đắc tài sản, mặt khác là sử dụng chúng như thế nào. Việc sở hữu và thủ đắc là hợp pháp, bởi lẽ mọi người sẽ chăm sóc những gì thuộc về họ cách tốt hơn. Quyền sở hữu cũng làm giảm đi những khúc mắc liên quan đến việc chăm sóc tài sản và cổ võ bình an trong cộng đoàn, bởi vì sẽ ít xảy ra những xích mích tranh chấp về tài sản chung. Còn việc sử dụng tài sản lại là một chuyện khác. Ngay cả khi một người sở hữu tài sản cách hợp pháp, anh ta cũng cần cất giữ chúng và buộc phải sẵn sàng phân phát cho những người thiếu thốn. Xưa cũng như nay, tiền bạc chỉ là một phương tiện để đạt tới những điều thiện hảo đích thực.

Chúng ta là những tu sỹ dấn thân rao giảng Tin mừng, nên đã tuyên khấn khó nghèo; do đó, việc thủ đắc và sở hữu tài sản như là của riêng không phải là một lựa chọn. Tuy nhiên, là những anh em tu sĩ, chúng ta luôn được giao phó cho rất nhiều tài sản và chúng ta phải quyết định sử dụng cách nào cho hợp lý. Vấn đề sử dụng thời gian và duy trì sức khỏe của anh em cũng có thể được xét dưới khía cạnh này của sự khó nghèo. Vậy hãy suy nghĩ xem cần sử dụng tài sản mà chúng ta được quyền định đoạt như thế nào?

Theo lối phủ định (via negativa), chúng ta có thể xét xem thế nào là sử dụng tài sản sai mục đích, để nhờ đó hiểu được thế nào là sử dụng tài sản đúng cách. Vấn đề đầu tiên cần xem xét là lòng tham, xem tiền bạc như là cùng đích quy về chính nó, chứ không phải là một thứ mà chúng ta được trao phó vì lợi ích của tất cả mọi người. Một cách chủ yếu để ngăn chặn điều này, là chủ ý lựa chọn một lối sống đơn giản và chân thành ở cả cấp độ cá nhân, tu viện và Tỉnh Dòng.

Việc hành khất trong nền văn hoá thu tích

Khi người khác nhìn cách chúng ta sống, họ sẽ giật mình bởi những thứ xa hoa chúng ta đang sở hữu và sử dụng, hay họ sẽ nhận ra được những hy sinh và nếp sống đơn giản của chúng ta? Thức ăn, các kỳ nghỉ, những trò giải trí và các thiết bị điện tử mà chúng ta sử dụng có biểu lộ nếp sống thanh bần tự nguyện không? Liệu chúng ta có cẩn thận trong những chi tiêu chính đáng, như điện thoại hoặc xe hơi, hay chúng ta đang tìm mua những thứ tốt nhất mà cộng đoàn có thể chi trả được? Các tu viện của chúng ta có sắp xếp ngõ hầu các anh em có thể góp phần của mình vào công việc chung của cả nhà chưa? Với tư cách là các cộng đoàn, chúng ta đã đòi hỏi anh em chung vai gánh vác trách nhiệm cách tương xứng với những bổn phận mà những người giáo dân, ngoài những công việc chính, còn phải đảm đương với gia đình và con cái của họ chưa? Các cộng đoàn của chúng ta có thường xuyên xét lại lối sống của mình, để cắt giảm đi những thứ tốt đẹp nhưng không mấy cần thiết chưa? Cũng giống thời Trung cổ, ngày nay cách sống giản dị chân thật luôn mang lại tính khả tín cho lời chúng ta rao giảng, và là sự khích lệ mạnh mẽ đối với lòng quảng đại của những người hảo tâm. Chúng ta sống đơn giản là một dấu chứng cho thấy rằng bất kỳ một khoản tiền nào được giao cho chúng ta cũng đều được sử dụng với mục đích tốt đẹp, hoặc để đáp ứng cho nhu cầu cần thiết của anh em, hoặc để đáp ứng cho hoạt động tông đồ của Dòng.

Việc hành khất và sự đầu tư khôn ngoan

Thánh Tôma tin rằng ơn khôn ngoan là một trong các nhân đức, và ở vị trí trung tâm, nó điều khiển các hành động được thực hiện sao cho đạt tới mục đích tối hậu. Một khía cạnh của ơn khôn ngoan là sự ngoan ngoãn; đức tính này khiến cho một người biết đón nhận các lời khuyên tốt lành của người khác.[5] Trong thế giới hiện đại, điều này có nghĩa là chúng ta phải biết tin tưởng các chuyên gia tư vấn đầu tư để quản lý tài sản, nhằm đáp ứng được nhu cầu cần thiết của anh em vừa cung cấp cho sứ vụ mà Dòng đảm nhận.

Ơn khôn ngoan (Prudence) bao hàm khả năng nhìn xa trông rộng (trong tiếng Latinh: providentia) để sắp xếp đúng đắn các phương tiện nhằm đạt được cứu cánh.[6] Ví dụ, chúng ta có bổn phận chăm lo cho các thành viên lớn tuổi trong Dòng. Nếu việc này chỉ dựa trên các đóng góp riêng của từng nhà, thì sẽ đưa những anh em này vào chỗ rủi ro, không thể chấp nhận được. Do đó nhiều cộng đoàn đã lập ra quỹ hưu trí để các anh em này được chăm lo cách phù hợp. Dành ra một khoản cho việc đào tạo anh em trẻ cũng rất quan trọng, nhất là khi số các anh em này đang tăng lên.

Tuy nhiên, ơn khôn ngoan còn có thể giúp ta dự đoán được các sự kiện chưa xảy ra và biết rằng, ngay cả một khoản tiền lớn thì cũng chỉ có thể đem lại cho ta một sự bảo đảm có mức độ. Các vụ phá sản vào năm 2008 chắc chắn đã khiến chúng ta nhận thức được rằng những kế hoạch đã được sắp đặt tốt nhất của chúng ta cũng có những giới hạn. Thứ đến, chúng ta phải hiểu rằng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa phải trở thành một phần quan trọng trong linh đạo về sứ vụ của chúng ta. Thật sai lầm nếu chúng ta quyên góp quá nhiều tiền bạc và tổ chức quản lý tài sản theo hướng làm chúng ta thoát khỏi sự lệ thuộc vào Chúa. Các dòng tu có tài sản kếch xù thường có một lịch sử không mấy vẻ vang.

Một mối hiểm nguy của việc có quá nhiều tiền quỹ hoặc tiền tiết kiệm là chúng ta sẽ không có được những kinh nghiệm về cuộc sống bình thường của những người chúng ta đến phục vụ. Là những tu sĩ, chúng ta có một mạng lưới an toàn và những công việc ổn định. Hầu hết mọi người không được sống như thế. Nếu chúng ta có quá nhiều tiền, có thể chúng ta sẽ khó mà nhận ra những đau khổ hoặc nhu cầu của người khác. Chúng ta sẽ không thể dấn thân vì công bằng xã hội và liên đới với người nghèo, nếu chúng ta chưa bao giờ trải qua những khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng. Khi lập bất kỳ kế hoạch chiến lược nào hay khi gây quỹ, chúng ta cần nên xem xét khía cạnh này. Chúng ta cần phải lập kế hoạch cho sứ vụ, chứ không phải cho sự an toàn của riêng chúng ta.

Cha đẻ của chủ nghĩa tư bản hiện đại, Adam Smith, đã tỏ thái độ khinh thị đối với Giáo hội Công giáo nói chung và các Dòng Hành Khất nói riêng. Tuy nhiên, ngay cả ông ta cũng nhận ra giá trị của lối sống lệ thuộc vào những món quà người ta cho, đối lại với khoản tiền thu nhập của giới giáo sĩ. Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, The Wealth of Nations, ông nhận xét rằng:

“Các Dòng Hành Khất giống như những người đi dạy, mức thu nhập của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nghiệp của họ. Bởi đó, họ buộc phải tận dụng tất cả mọi tài nghệ để có thể làm khơi dậy lòng sùng mộ của những người dân thường. Ông Machiavelli đã nhận định rằng, việc thành lập hai Dòng Hành Khất của thánh Đaminh và thánh Phanxicô đã làm hồi sinh đức tin suy tàn và lòng đạo đức của Giáo hội Công giáo vào thế kỉ XIII và XIV”.

Ông Smith cho rằng bởi vì các tu sĩ hoàn toàn lệ thuộc vào công việc của họ để có bánh ăn hàng ngày, thế nên, họ phải hết sức chú tâm vào việc giảng dạy. Nhưng nếu chúng ta trở nên quá an toàn, mức độ chịu trách nhiệm của chúng ta sẽ bị suy giảm. Chúng ta quên đặt ra những vấn đề hệ trọng: Chúng ta đã thực hiện sứ vụ như thế nào? Chúng đã đóng góp thêm giá trị thiết thực cho cuộc sống của người khác chưa? Chúng ta đã đáp ứng được các nhu cầu hiện tại chưa? Chúng ta có tiếp tục duy trì những sứ vụ không còn hiệu quả nữa không? Những tổn thất có thể đem lại nhiều bài học hơn là những thành công đạt được. Tiền bạc không phải là thước đo duy nhất hoặc tốt nhất của sự thành công, nhưng nó là một dấu hiệu không nên bỏ qua.

Việc hành khất và sứ vụ gây quỹ

Ngày nay, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, xin bố thí đã trở thành một quá trình rất tinh vi được gọi là “gây quỹ”. Việc chuyên môn hóa là tốt, thế nhưng chúng ta không được đánh mất chiều kích tâm linh của nó, cả về phía người xin bố thí lẫn các nhà hảo tâm. Nhiều người thành công, giàu có, rộng rãi đã sẵn sàng chuyển từ tính hiệu năng – sản xuất hàng hoá – sang việc tạo nên một điều gì đó thực sự quan trọng, có ý nghĩa, và có sức biến đổi. Thật vậy, bởi vì họ thực hiện điều gì đó có sức biến đổi, nên bản thân họ cũng được biến đổi, theo cách mà thành công và sự giàu có của họ không thể đáp ứng được. Họ được thay đổi để trở nên tốt hơn, và chúng ta đang giúp họ thực hiện điều đó!

“… cách sống giản dị chân thật luôn mang lại tính khả tín cho lời chúng ta rao giảng, và là sự khích lệ mạnh mẽ đối với lòng quảng đại của những người hảo tâm. Chúng ta sống đơn giản là một dấu chứng cho thấy rằng bất kì một khoản tiền nào được giao cho chúng ta cũng đều được sử dụng với mục đích tốt đẹp, hoặc để đáp ứng cho nhu cầu cần thiết của anh em, hoặc để đáp ứng cho hoạt động tông đồ của Dòng”.

Trong một bài viết nhắm đến những người gây quỹ từ thiện trong Giáo hội có tên “Linh đạo của việc gây quỹ”, thần học gia Henri Nouwen nói: “Gây quỹ cũng mang tính chất tâm linh giống như khi giảng thuyết, cầu nguyện, thăm viếng kẻ liệt và cho kẻ đói ăn!… Gây quỹ là loan báo điều chúng tôi tin, bằng cách mang đến cho người khác cơ hội được cùng chúng tôi tham gia vào định hướng và sứ vụ của chúng tôi… Gây quỹ luôn luôn là một lời mời gọi hoán cải”.

Ông Nouwen còn thêm:

“Chúng tôi đang mời gọi mọi người có được cái nhìn mới về các nguồn lực của họ. Thông qua việc giúp họ có một định hướng tâm linh, chúng tôi muốn họ nghiệm ra rằng họ sẽ thực sự được hưởng lợi từ việc sẵn sàng mang các nguồn lực của họ đến cho chúng tôi. Chúng tôi thật sự tin rằng nếu những tặng phẩm họ đưa đến chỉ mang lại ích lợi cho chúng tôi mà thôi, thì xét theo ý nghĩa tâm linh, đó không phải là gây quỹ. Gây quỹ, xét theo quan điểm của Tin mừng, là: “Tôi sẽ nhận lấy tiền của anh và đầu tư nó, chỉ khi điều đó là tốt cho hành trình tâm linh của anh, cũng như đem lại ích lợi cho sức khỏe tinh thần của anh”. Nói cách khác, chúng tôi mời gọi họ trải nghiệm về sự hoán cải: “Anh sẽ không nghèo đi, mà ngược lại, anh sẽ trở nên giàu có hơn bằng cách cho đi”.

Kỳ quặc thay, chúng ta thật ích kỷ nếu chúng ta không muốn nhận sự giúp đỡ từ những người vừa có khả năng vừa có thiện ý. Nếu không làm như vậy, chúng ta lấy mất đi cơ hội của họ được tham gia vào sứ vụ của chúng ta, tức là không giúp họ sử dụng các nguồn lực của họ cách tốt đẹp. Hơn nữa, giống như dòng nước, lòng bác ái luôn tìm cách bày tỏ, và những người hảo tâm này sẽ đi tìm chỗ khác để giúp đỡ.

Đôi khi các anh em tu sĩ thấy miễn cưỡng để xin bố thí. Cha Timothy Radcliffe và một số vị khác đã có lý khi chỉ ra rằng, các tu sĩ không muốn xin bố thí, bởi lẽ đó là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, thất bại và lệ thuộc. Những người khác có thể không muốn xin bố thí, vì họ nghĩ rằng chúng ta không cần tiền, hoặc là vì họ sợ rằng chúng ta sẽ không biết chi tiêu cách khôn ngoan. Những dè dặt như thế là quan trọng, nhưng cũng phải nhớ rằng chúng ta không sống như những cá nhân riêng lẻ. Đời sống cộng đoàn và lời khấn vâng phục mời gọi chúng ta phải duyệt xét những nghi vấn theo chiều hướng sứ vụ và những ưu tiên chung đã được xác định từ các vị lãnh đạo do chúng ta bầu chọn để hoạt động thay cho chúng ta.

Liệu chúng ta có sẵn sàng thoát ra khỏi nỗi sợ hãi của việc xin bố thí, nỗi sợ hãi bị từ chối hoặc cảm thấy bị coi thường, nỗi sợ hãi bị ức chế khi có ai đó nói “không” chăng? Khi chúng ta có được sự tự do để xin bố thí mà không sợ hãi, để yêu thích gây quỹ như một hình thức của sứ vụ, thì việc gây quỹ đó sẽ đem lại ích lợi cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Những người thiếu thốn và những người có lòng hảo tâm cùng gặp gỡ nhau trên nền tảng chung là tình yêu Thiên Chúa.

Các người hành khất không đơn thuần là những kẻ ăn xin. Chúng ta là những nam nữ tu sĩ chủ tâm lựa chọn lối sống giản dị và lệ thuộc vào người khác vì Tin Mừng. Chúng ta hãy một lần nữa lựa chọn ơn gọi này như một phương cách giúp hoán cải chính mình cũng như người khác.

 

Học Viện Đaminh

Tháng 03-2016

 

 

 


[1] Nguyên tác: Mendicancy in a Consumer Society, trong “Religious Life Review”, 2015.

[2] Bedouelle, 149.

[3] Ibid., 43.

[4] Little, 205-206.

[5] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 49, a. 3.

[6] Ibid., a. 6.