Hành Hương Và Du Lịch Có Gì Khác Nhau Không?

0
4143


 

Hành Hương Và Du Lịch Có Gì Khác Nhau Không?

 

 

Kính thưa quý vị đọc giả,

Việc tổ chức các cuộc hành hương không còn xa lạ gì đối với các giáo xứ Việt Nam: có những cuộc hành hương trong nước và có những cuộc hành hương ra nước ngoài, đặc biệt đi Thánh địa, Roma, Lộ Đức, Fatima. Nhưng nếu ngồi xe hay ngồi máy bay thì đâu còn có thể gọi là hành hương nữa, mà là du lịch. Muốn gọi là hành hương thì phải đi bộ mới đúng, phải không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

Hành hương là một hiện tượng tôn giáo đã có một lịch sử lâu đời, tuy rằng có lẽ nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Một vài từ điển giải thích rằng “hành hương” là cầm cây hương đi vòng quanh một bức tượng. Có lẽ đó chỉ là một lối giải thích tầm nguyên thôi. Nói chung, hành hương là đi kính viếng một nơi thánh nào đó, và có tôn giáo như Islam coi đó là một bổn phận căn bản của người tín đồ. Trong lịch sử Kitô giáo, vào thời Trung cổ, bên Âu châu, các cuộc hành hương thường mang tính cách đền tội, do những vất vả nhọc mệt gây ra bởi đường sá xa xôi cũng như do những nguy hiểm dọc đường. Khỏi nói ai cũng đoán được, vào thời đó, các cuộc hành hương thường được thực hiện bằng việc đi bộ, trừ khi nào sang sông vượt biển thì mới dùng thuyền hoặc tàu. Còn du lịch là một hiện tượng văn hóa được phát triển vào thời đại của chúng ta nhờ các phương tiện di chuyển (xe hơi, tàu thủy, máy bay). Dần dần nó mang tính đại chúng, nghĩa là tổ chức từng đoàn chứ không lẻ tẻ như các cuộc hành hương trước đây; và dĩ nhiên là nó mang nhiều động lực khác nhau: có thể là văn hóa, có thể là tôn giáo, hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi. Dù sao, có lẽ giữa hành hương và du lịch, một sự khác biệt dễ nhận ra hơn cả là dựa trên nguồn gốc lịch sử: hành hương có từ xưa rồi, còn du lịch là một hiện tượng tương đối mới xuất hiện.

Đó là tiêu chuẩn lịch sử. Ngày nay, có thể dùng tiêu chuẩn nào để phân biệt hai hiện tượng đó không?

Theo tôi nghĩ, vào thời nay, không dễ gì tìm được một tiêu chuẩn để phân biệt hai thứ. Như vừa nói, thời xưa, hành hương là đi bộ và mang tính đền tội. Ngày nay, các cuộc hành hương ít khi được thực hiện bằng việc đi bộ, và các trung tâm hành hương cũng được trang bị tiện nghi với những khách sạn hoặc nhà trọ tựa như các trung tâm du lịch vậy. Có người tìm cách đưa ra tiêu chuẩn phân biệt ở cái động lực của chuyến đi: cuộc hành hương được tổ chức vì lý do tôn giáo, còn việc du lịch thì có thể được thúc đẩy bởi những lý do khác. Thực tế không đơn giản như thế. Thí dụ một giáo xứ ở Saigon tổ chức một chuyến đi Vũng Tàu cho các em thiếu nhi để tắm biển, nhưng khi đến Bãi dâu thì họ ghé thăm tượng đài Đức Mẹ: như vậy là du lịch hay hành hương? Đối lại, một nhóm người đi La Vang để viếng Đức Mẹ, nhưng trên đường, họ tạt qua viếng thăm cố đô Huế, thì phải gọi là hành hương hay du lịch? Có lẽ vì thấy khó phân biệt như vậy, cho nên từ nhiều năm nay, xuất hiện thuật ngữ “du lịch tôn giáo” thay cho “hành hương”.

Nhưng làm sao biết được khi nào gọi là “du lịch tôn giáo” và khi nào thì “du lịch không tôn giáo?”

Thật là hợp lý khi nêu lên câu hỏi này! Bởi vì vấn đề không đơn giản như ta tưởng. Chúng ta tạm coi du lịch mang tính tôn giáo khi mục tiêu là đi đến một địa điểm tôn giáo (thí dụ một thánh điện, một đền thờ). Nhưng tôi có thể đến địa điểm tôn giáo đó không vì một lý do tôn giáo. Có thể thánh điện đó ở một miền núi mát mẻ, và tôi chỉ muốn đến đó để nghỉ mát, hoặc tránh cảnh ồn ào náo nhiệt của thành phố. Hoặc tuy là người công giáo nhưng tôi muốn đi tham quan một địa điểm hành hương của một tôn giáo khác để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa. Như vậy, có thể ngồi trên cùng một chuyến xe hướng về một địa điểm hành hương, người tín đồ thuộc tôn giáo ấy đi hành hương vì lý do tôn giáo, còn tôi đi vì muốn nghiên cứu văn hóa.

Như vậy là không thể nào phân biệt được, có phải như vậy không?

Có lẽ không phân biệt được, nhưng chúng ta đừng vội bi quan, đổ lỗi cho thời nay đã mất tinh thần đạo đức. Thực vậy, các sử gia đã tự hỏi: phải chăng thời xưa, khi đi hành hương, người ta chỉ nhắm mục tiêu thuần túy tôn giáo, chứ không hàm ngụ một mục tiêu nào khác?

Thử hỏi: có cuộc hành hương nào là “thuần túy tôn giáo”, chỉ bao gồm các hành vi đạo đức (kinh nguyện, cử hành) mà thôi hay không? Nhìn từ phía tâm lý con người, cần phải xen kẽ những khoảnh khắc nghỉ ngơi giữa các việc đạo đức chứ! Người đi hành hương vẫn là một con người, mang nhiều động lực khác nhau. Tuy rằng mục tiêu chính của hành hương là đi viếng nơi thánh, nhưng con người đi hành hương cũng muốn thỏa mãn tính tò mò, muốn biết những chỗ mới, thư giãn, gặp gỡ bạn bè. Điều này có thể nhận thấy nơi những cuộc hành hương lâu ngày, đặc biệt là đi bộ. Những động lực đó không làm biến đổi mục tiêu là hành hương.

Các bậc sư phụ đời sống tâm linh đã dạy rằng không thể nào kéo dài một buổi cầu nguyện sâu đậm. Cần phải ngắt quãng. Tình trạng quá căng thẳng có thể gây ra hiệu quả trái ngược với điều mong muốn. Con người cần giữ vệ sinh về thân thể, tâm lý và thiêng liêng. Vệ sinh thiêng liêng đòi hỏi giữ thăng bằng giữa những biến cố cao siêu và những biến cố tầm thường. Kể cả những sự kiện “tầm thường” cũng có thể trở thành con đường mà ta phải sử dụng để đạt đến các giá trị cao siêu. Ngồi quây quần quanh bếp lửa và chung vui ca hát, điều đó không quan trọng để tạo nên một cộng đoàn huynh đệ trong Chúa Kitô đấy ư? Ca hát chẳng phải là cách biểu lộ của niềm vui Phúc âm đấy ư?

Kết luận, phải nói rằng không có gì khác biệt giữa hành hương và du lịch cả, bao gồm du lịch tôn giáo?

Như đã nói, thật khó tìm được một tiêu chuẩn để phân biệt hành hương và du lịch tôn giáo. Đó là nói trên lý thuyết. Trên thực hành thì khác. Và ta có thể rút ra hai kết luận không kém phần hữu ích. Thứ nhất, việc tổ chức một cuộc hành hương (hoặc du lịch tôn giáo) đòi hỏi những người hữu trách phải chuẩn bị tinh thần cho những người tham dự trước khi lên đường, (giải thích cho họ biết ý nghĩa cuộc hành hương) và tổ chức những hành vi thờ phượng trên đường đi cũng như tại địa điểm hành hương (kinh nguyện, bí tích, vv). Nói cách khác, tổ chức một cuộc hành hương tôn giáo thì khác với việc tổ chức một cuộc du lịch văn hóa hoặc thể thao.

Kết luận thứ hai là: thay vì nhấn mạnh đến sự khác biệt, tại sao không khai thác những điểm giống nhau? Trong số những điểm giống nhau, thiết tưởng có hai chủ đề có thể đào sâu để phát triển đời sống tâm linh, đó là: “nghỉ ngơi” và “lên đường”.

Trước hết, nghỉ ngơi. Từ ngữ “nghỉ ngơi” theo nghĩa của Kitô giáo bao hàm nhiều khía cạnh. Nó có nghĩa là phục hồi sức lực, nhờ nghỉ dưỡng hoặc thao luyện, tùy theo nhu cầu của mỗi người (người lao công cần nghỉ dưỡng sức, còn nhà trí thức ngồi suốt ngày trên bàn giấy thì cần vận động). Nó có nghĩa là nghỉ ngơi về tâm lý, nhờ yên tĩnh, thinh lặng, chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc của các tác phẩm nghệ thuật. Nó cũng bao hàm việc trau dồi tinh thần nhờ văn hóa vật thể hoặc phi vật thể. Sâu xa hơn nữa, sự nghỉ ngơi còn bao hàm sự gặp gỡ với người khác để gây mối tình hiệp thông với họ. Như vậy, nghỉ ngơi theo ý nghĩa sâu xa nhất là nghỉ ngơi tinh thần, tiếp xúc với Linh thiêng, với Thiên Chúa. Đây là thời gian suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của cuộc đời, và từ đó định hướng cho mọi hoạt động của mình. Chính sự gặp gỡ Thiên Chúa là sự nghỉ ngơi cuối cùng của con người. Lúc đó con người đạt tới sự nghỉ ngơi đích thực, cuộc “tạo dựng mới”, cuộc tái tạo con người mới, con người trọn vẹn gồm cả thân xác và linh hồn.

Thứ đến là lên đường. Dù hành hương hay du lịch, dù đi bộ, đi xe, đi tàu, đi máy bay, chúng ta buộc phải ra khỏi nhà một thời gian. Điều này nhắc nhớ đến thân phận lữ hành của cuộc đời con người. Chúng ta sẽ không mãi mãi sống trên mặt đất này. Sớm muộn gì, chúng ta cũng buộc phải ra đi. Một tục ngữ bên Pháp nói rằng “ra đi là chết trong lòng một ít”. Khi lên đường, chúng ta chỉ mang một ít hành trang đủ dùng, và để lại những gì không cần. Chúng ta tập sống với những gì là thiết yếu cho cuộc sống, và gạt bớt những gì thừa thãi. Mặt khác, lên đường không chỉ có nghĩa là rời bỏ; nó còn có nghĩa là hướng đến những chân trời mới. Việc lên đường mời gọi chúng ta hãy vươn lên, hướng đến những chân trời mới mẻ, từ chỗ hiểu biết thêm những người mới và cảnh vật mới, đến chỗ khám phá thêm những văn hóa khác, và nhất là vươn lên Đấng Tuyệt Đối.

Nhìn như vậy, bất cứ cuộc du lịch cũng có thể trở thành du lịch tôn giáo, hoặc hành hương, khi mời gọi con người tiến về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc và tận điểm của cuộc đời.