(Trích Thời sự thần học, số 80)
Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, O.P.
I – DẪN NHẬP
Trong bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào, việc xác định đối tượng hay định nghĩa đối tượng nghiên cứu là điều tối cần thiết, và lĩnh vực nghiên cứu về giới trẻ cũng không nằm ngoài quy định này. Thế mà, việc xác định đối tượng giới trẻ, hay định nghĩa giới trẻ, thoạt tiên xem ra dễ dàng, thế nhưng khi nghiên cứu kỹ lưỡng, thì lại gặp nhiều khó khăn. Chí ít, có 2 khó khăn chính yếu trong việc xác định một khung định nghĩa chung về giới trẻ : (1) xét về mặt ngữ nghĩa, giới trẻ là một hạn từ quá phổ quát, quá rộng : giới trẻ là những người trẻ, vừa được dùng để chỉ một giai đoạn của cuộc đời, từ lúc mới sinh cho đến khi trưởng thành, vừa được dùng để chỉ những đặc nét chỉ có nơi người trẻ, vốn được thể hiện ra qua phong cách, thần thái, tính tình, v.v., (2) giới trẻ có thể được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, tùy lĩnh vực nghiên cứu (Xã hội học, Tâm lý học, Pháp luật, Sinh học, Văn hóa, Kinh tế, Chính trị, v.v.), và tùy quan điểm của mỗi tác giả, có người nhìn theo hướng tích cực, có người lại nhìn theo hướng tiêu cực.[1]
Có nhiều giải pháp được đề xuất để giải quyết vấn đề khó khăn này. Trước hết là giải pháp dựa trên các công trình nghiên cứu của các ngành Sinh học và Tâm lý học cùng những quy định về tuổi, theo đó, người ta chia nhỏ giới trẻ thành vị thành niên (thiếu niên) và thanh niên. Thế nhưng, tình hình không mấy khả quan, vì lại có nhiều cách chia khác nhau.[2] Về giải pháp nối kết giới trẻ với tiến trình phát triển tâm sinh lý theo lứa tuổi, các nhà nghiên cứu cho rằng, không nên dựa vào yếu tố tuổi tác để định nghĩa giới trẻ, vì yếu tố này không nhất quán giữa các nền văn hóa và các giai đoạn lịch sử, nhưng sẽ chính xác hơn khi dựa vào tiến trình chuyển biến vị thế xã hội : giới trẻ là giai đoạn chuyển tiếp từ tình trạng phụ thuộc sang tình trạng độc lập của người trưởng thành.[3] Tuy nhiên, lại có nhận xét khác không đồng tình vì cho rằng cách định nghĩa này sẽ mơ hồ khi áp dụng đồng thời cho những người lớn tuổi nhưng có địa vị xã hội thấp, hoặc những người vẫn còn phải phụ thuộc vào các giám hộ.[4] Như vậy, xem chừng, dù đã có nhiều định nghĩa về giới trẻ, thế nhưng vẫn cần phải tiếp tục truy tìm.
Đối với Giáo Hội Công giáo, giới trẻ là thành phần được quan tâm cách đặc biệt, thế nên việc truy tìm một định nghĩa chính xác về giới trẻ cũng là một việc làm quan trọng và cần thiết. Vì hiện diện bên trong nền văn hóa nhân loại và luôn phải tìm cách tốt nhất để có thể trình bày các sứ điệp Tin Mừng, thế nên Giáo Hội luôn phải hội nhập và tiếp thu những tri thức của nhân loại. Vậy thì, trong bối cảnh của cuộc truy tìm một định nghĩa phù hợp về giới trẻ nhằm hình thành nên nền tảng, cơ sở cho công tác mục vụ giới trẻ, vấn đề nổi lên ở đây là, giữa những tri thức nhân loại về giới trẻ và những tri thức thần học về giới trẻ, nguồn mạch nào được sử dụng nhiều hơn ? Các công tác mục vụ giới trẻ được hình thành bao nhiêu phần trăm trên nền tảng tri thức nhân loại và bao nhiêu phần trăm trên nền tảng thần học ? Liệu Giáo Hội có đang chạy theo những mẫu hình hoạt động giới trẻ của thế gian không ?
Đây là những câu hỏi khó, và để có thể trả lời, cần có những định nghĩa thần học rõ ràng, dựa trên nền tảng Kinh Thánh, về giới trẻ. Bài viết này là một nỗ lực để tìm ra những khẳng định như vậy bằng cách khảo sát các hạn từ được dùng để chỉ giới trẻ trong Kinh Thánh (có ít là 9 hạn từ được dùng để nói về giới trẻ, nhưng bài viết chỉ tập trung vào 5 hạn từ, 3 thuộc Cựu ước và 2 thuộc Tân ước), đồng thời phân tích một vài bản văn có sự xuất hiện của các hạn từ này.
Đây là một công việc không dễ dàng vì đôi khi bối cảnh bản văn không trực tiếp nói về đề tài giới trẻ. Các sách chú giải cũng ít khi quan tâm đến đề tài này thường bỏ qua. Bên cạnh đó, vấn đề dịch thuật từ bản văn gốc sang các ngôn ngữ khác cũng ít nhiều tạo nên sự khó khăn. Thật vậy, có nhiều hạn từ trong bản văn gốc cùng một lúc mang nhiều nghĩa, mà trong các ngôn ngữ dịch thuật lại không có hạn từ tương đương. Trong trường hợp này, các dịch giả buộc phải chọn lựa, và sự lựa chọn nào cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ, được cái này thì mất cái kia. Vì vậy, việc tìm lại các bản văn gốc, cũng như nguồn gốc và gốc từ là điều cần thiết. Tuy cũng lại có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng chúng sẽ giúp làm lộ ra nhiều ý nghĩa thú vị về giới trẻ. Về việc sử dụng tên gọi của các nhân vật trong Kinh Thánh, vì sử dụng bản dịch của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Kinh Thánh, [Hà Nội : NXB Tôn giáo, 2011]), nên người viết sẽ theo cách phiên âm được dùng trong bản dịch này, tuy nhiên sẽ bỏ bớt các dấu phân cách vần cho đỡ rối mắt, với sự tin tưởng rằng, những ai đọc bài viết này đương nhiên biết cách đọc ra.
II – KHẢO SÁT CÁC HẠN TỪ VỀ GIỚI TRẺ TRONG KINH THÁNH
- Cựu ước
Kinh Thánh Cựu ước có rất nhiều câu chuyện cũng như những ám chỉ về giới trẻ. Những từ ngữ cơ bản được dùng để chỉ nhóm người này – bao gồm na‘ar (r[;n:), yeleḏ (dl,y<) và bāḥûr (rWxB’) – có ý nghĩa và cách sử dụng rất đa dạng. Hầu như mỗi câu chuyện trong Cựu ước, giúp đưa ra một khía cạnh thần học về giới trẻ, đều sử dụng một hoặc nhiều hạn từ được liệt kê trên đây.
Na‘ar (r[;n:)
Na‘ar (na‘ărāh hr””[]n: – giống cái) là hạn từ phổ biến được dùng để chỉ “giới trẻ”. Hạn từ giới trẻ số nhiều (nə‘ārîm) cũng xuất phát từ danh từ này. Xét về nguồn gốc của từ, các học giả cho rằng, na‘ar được cấu thành bởi từ vị n‘r, với nhiều nguồn gốc khác nhau[5] :
- Theo F. E. C. Dietrich, F. Mühlau và W. Volck, n‘r mô phỏng âm thanh gầm gừ, the thé, hay một loại âm thanh nào đó tương tự phát xuất từ cổ họng. Cho nên, các ông cho rằng, n‘r cho thấy giai đoạn dậy thì của các bé trai khi giọng nói thay đổi.
- Johann Buxtorf nối kết na‘ar với n‘r bằng ý nghĩa “tống khứ” hay “trút bỏ,” từ đó quan niệm na‘arlà một đứa bé bị tống khứ, hay được trút bỏ ra khỏi lòng mẹ. Trong Kinh Thánh, ý nghĩa này của n‘r xuất hiện trong nhiều bối cảnh với những đối tượng khác nhau : lá và bụi (Is 33,9 ; 52,2), giũ vạt áo (Nkm 5,13).
- Vào thời Ramses (1292–1069 tCN), ở Ai cập, các bản văn thường dùng hạn từ n‘r. Hạn từ này không phải là từ Ai cập, nhưng được vay mượn từ vùng Ca-na-an, dùng để chỉ một đội quân dự bị, ưu tú bao gồm những người trẻ tuổi thuộc các gia đình quyền quý.
Trong Cựu ước, na‘ar xuất hiện khoảng 239 lần với nghĩa chung nhất là “trẻ” đối lại với “già.” Tuy có một vài bản văn giúp xác định độ tuổi chính xác của một na‘ar, chẳng hạn trường hợp ông Giu-se ở St 37,2 được gọi là na‘ar khi được 17 tuổi, thế nhưng thật khó xác định được độ tuổi cụ thể cho na‘ar, vì ngoài thanh niên, trai tráng, na‘ar còn được dùng để chỉ đứa bé hay trẻ con, như trường hợp của Mô-sê được công chúa Ai cập vớt lên từ dưới sông Nin, khi chỉ mới được 3 tháng tuổi (x. Xh 2,1-6).
Quan sát các khoản luật của người Do thái, có thể thấy được một vài mốc tuổi được coi là trưởng thành. Theo đó, những ai bắt đầu bước vào các cột mốc này sẽ phải thi hành những bổn phận dành cho người lớn : 20 là độ tuổi bắt đầu được xem là người đàn ông (x. Ds 1,18), thế nên phải đóng thuế thân (x. Xh 30,14) và nhập ngũ (x. Ds 1,3) ; đối với con cái dòng họ Lê-vi, những ai trong độ tuổi từ 25 đến 30 phải thi hành nghĩa vụ phục dịch Lều Hội Ngộ (x. Ds 8,24).
Đối với na‘ărāh, hạn từ này được dùng tương tự na‘ar, tức là chỉ giai đoạn tuổi trẻ của người con gái, bắt đầu từ một bé gái (x. 2 V 5,2) cho đến khi trở thành một thiếu nữ trẻ đẹp, đặc biệt là những cô gái đã đến tuổi cập kê, có thể lấy chồng, điển hình như trường hợp của bà Rêbêca vợ ông Ixaác (x. St 24,16). Thông thường, na‘ărāh được đi kèm bởi danh từ bəṯûlāh (hl’WtB.) để cho thấy cô gái vẫn còn trinh trắng, chưa biết đến đàn ông (x. Tl 21,12), thế nhưng, na‘ărāh cũng được dùng để chỉ người phụ nữ đã có chồng, người thiếu phụ, trong trường hợp cô ấy vẫn tiếp tục lưu lại nơi gia đình hay ở bên cạnh người bố của mình sau khi kết hôn (x. Tl 19,3-9). Có vài khoản luật trong Cựu ước liên quan đến các na‘ărāh, chẳng hạn luật Xúc phạm đến danh dự một thiếu nữ (x. Đnl 22,13-21) hay Luật khấn hứa (x. Ds 30,3-5), cho thấy vị thế của na‘ărāh trong cộng đồng.
Nổi bật trong số các na‘ar và na‘ărāh là Đavít và Étte. Câu chuyện về thời thanh xuân huy hoàng của hai nhân vật này giúp chúng ta thấy giới trẻ là những người mạnh mẽ, dũng cảm, và biết cậy trông vào Thiên Chúa.
Trước hết là câu chuyện về na‘ar Đavít ở 1 Sm 17. Trong câu chuyện này, có một chi tiết giúp xác định độ tuổi của Đavít lúc bấy giờ, đó là việc vua Saun từ chối lời tình nguyện của Đavít xin được ra trận chiến đấu với gã khổng lồ Gô-li-át của quân Philitinh : “Con không thể đến với tên Philitinh ấy để chiến đấu với nó, vì con chỉ là một na‘ar, còn nó là một chiến binh từ khi còn trẻ” (câu 33). Theo Ds 1,3, độ tuổi nhập ngũ bắt đầu từ 20, thế nên việc từ chối của vua Saun có thể dựa trên luật này, và như thế, Đavít lúc bấy giờ vẫn còn là một cậu thiếu niên chưa đến 20 tuổi.[6] Tuy vẫn là một thiếu niên, thế nhưng lòng dũng cảm của cậu đã lớn hơn tuổi đời của cậu rất nhiều. Cậu đã đảm nhận những nghĩa vụ không dành cho trẻ em, chẳng hạn, chăn giữ đàn chiên giữa những miền đồi núi rộng lớn với rất nhiều thú dữ nguy hiểm (x. các câu 34 và 35), hay vâng lời ông Giesê mang hai thùng gié lúa rang với mười cái bánh ra chiến trường cho các anh (x. câu 17). Vậy đâu là sức mạnh của na‘ar Đavít, khiến cậu dám tự tin như vậy ? Câu trả lời đó chính là lòng tin mà cậu dành cho Thiên Chúa : “ĐỨC CHÚA là Đấng đã giật con khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, chính Người sẽ giật con khỏi tay tên Phi-li-tinh này” (câu 37).
Étte cũng được coi là một trang anh thư trong lịch sử Ítraen. Theo Et 2,7 ghi nhận, Étte là một na‘ărāh dung mạo xinh đẹp, dễ coi. Tuy nhiên, vượt xa vẻ xinh đẹp của dung mạo bên ngoài, nhân cách của Étte còn tuyệt vời hơn, thế nên việc nàng được đặt làm hoàng hậu thay thế hoàng hậu Vátti cũng là một chuyện chính đáng. Nhân cách của hoàng hậu Étte tỏa rạng nơi lòng trung hiếu mà nàng dành cho người cha nuôi của mình là ông Moócđokhai. Thật tuyệt vời khi một cô gái trẻ tuổi, đang ở cương vị là bậc mẫu nghi thiên hạ, đứng trên muôn người, lại luôn biết kính sợ và vâng phục cha mẹ của mình, cũng chính là sự thể hiện của lòng kính sợ và vâng phục Thiên Chúa. Nhờ lòng kính sợ và vâng phục ấy mà khi trải qua những khoảnh khắc kinh khủng nhất, Étte có thể vững vàng xoay chuyển tình thế để dành lại mạng sống cho toàn thể dân tộc Ít-ra-en. Dù là phận nữ nhi yếu đuối, nhưng Étte lại trở thành khí cụ mạnh mẽ trong tay Thiên Chúa qua đó tỏ lộ vinh quang và lòng thành tín của Người.
Câu chuyện 1 Sm 17 trên đây cho ta thấy được một chút về thời thanh xuân huy hoàng, cùng với lòng nhiệt huyết nóng bỏng của bạn trẻ Đavít. Tuy nhiên, đến khi về già, nhìn lại tuổi trẻ của mình, Đavít lại phải thốt lên trong lời Thánh vịnh được cho là của ông : “Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (26,7). Những lời này cũng đồng thời gợi lên tâm tình của ông Gióp : “Quả thật, nhằm chống lại con, Ngài đã viết những lời cay đắng, đã kể ra các tội con phạm lúc xuân xanh” (13,26). Như vậy, ngoài mạnh mẽ, dũng cảm và biết cậy trông vào Thiên Chúa, tuổi trẻ cũng là giai đoạn của nổi loạn và phạm nhiều tội lỗi.
Sự nổi loạn và phạm nhiều tội lỗi của tuổi trẻ được trình bày nhiều cách khác nhau trong Kinh Thánh, và câu chuyện về na‘ar Sikhem và na‘ărāh Đina ở St 34 có lẽ là hình ảnh rõ nét nhất cho điều này. Chàng trai Sikhem, con ông Khamo, người Khivi, vì quá say mê cô nàng Đina, con bà Lêa và ông Giacóp, nên đã cưỡng bức nàng. Hành động này của Sikhem khiến cho các anh trai của Đina tức giận, và họ đã quyết bày mưu để báo thù cho em gái bằng cách bắt toàn thể người dân của ông Khamo phải chịu phép cắt bì. Sikhem lúc này vì đã quá mê mẩn Đina nên về thúc giục cha mình thực hiện điều kiện ấy để có thể cưới nàng Đina. Và hậu quả là toàn bộ dân thành đã bị tru diệt.
Yeleḏ (dl,y<)
Mặc dù cũng như na‘ar, yeleḏ (yaldāh hD”l.y: – giống cái) được dùng để chỉ giai đoạn cuộc đời từ lúc bé thơ cho đến khi trở thành thanh niên chưa kết hôn, thế nhưng, bên cạnh đó, yeleḏ cũng được dùng để chỉ về dòng dõi hay hậu duệ. Ý nghĩa này xuất phát từ nguồn gốc của yeleḏ.
Về nguồn gốc, yeleḏ xuất phát từ gốc động từ ylḏ (xuất hiện 492 lần) với nghĩa cơ bản là “sinh con,” tuy nhiên, điểm thú vị ở đây là ylḏ không chỉ dùng cho phụ nữ mà còn cả đàn ông.[7] Trong Cựu ước, ylḏ có thể nói được là xuất hiện khá nhiều và chủ yếu trong các sách Sáng Thế và Sử Biên Niên, vốn là những nơi trình bày các bảng gia phả cùng các trình thuật về các tổ phụ. Chính vì vậy, yeleḏ mang nghĩa nhấn mạnh về mối tương quan giữa cha và con, mà dựa trên đó, một dòng dõi được hình thành. Việc truy tìm về gốc từ ylḏ cho ta một định nghĩa về giới trẻ : Giới trẻ là lời chúc phúc, là sự thành toàn của lời hứa mà Thiên Chúa dành cho dân thánh, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử con người.
Đối với Ítraen, thời các tổ phụ là thời kỳ tràn ngập các chủ đề về đất đai và con cái. Các chủ đề này được các truyền thống Ngũ Thư nhấn mạnh theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn, trong khi truyền thống J (Yahwist) nhấn về chủ đề đất thì truyền thống E (Elohist) lại tập trung vào người dân. Các tác giả J, vốn là những người được nhiều học giả xem là đã đóng góp một phần nền tảng, chính yếu cho truyền thống P, đã chuyển biến các truyền thống liên quan đến các tổ phụ vào trong khung cảnh lịch sử của một gia đình, mà trong đó việc sinh sản đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong quá trình chuyển biến đó, truyền thống J đã xem các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp, vốn là đại diện cho các chi tộc có liên quan đến việc đi tìm một nơi để định cư, như là những người đã tạo ra một dòng dõi thánh qua việc kết hợp mười hai người con của ông Giacóp tạo nên dân Ítraen. Nơi các tổ phụ, lời hứa về một dòng dõi đông như sao trên trời, như cát ngoài biển của Thiên Chúa được thực hiện.[8]
Bên cạnh sự ra đời của các tổ phụ (Ixaác : St 21 ; Ítmaên : St 16 ; Giacóp và Êxâu : St 25,19-26 ; các con trai ông Giacóp : St 29), sự ra đời của các anh hùng giải phóng dân tộc (Môsê : Xh 2,1-10 ; Samsôn : Tl 13 ; Samuen : 1 Sm 1) cũng được nhấn mạnh theo nhiều cách khác nhau và cuối cùng vẫn là do ý muốn của Thiên Chúa. Đấng Cứu Độ, là Đức Kitô, vốn xuất thân từ dòng dõi vua Đavít (x. Is 9,5) và là con của một thiếu nữ (‘almāh hm’l.[;), cũng được sinh ra để ứng nghiệm lời nói và hành động của Thiên Chúa. Điều này cho thấy, Thiên Chúa luôn hướng dẫn lịch sử dân riêng của Người.
Ngoài ra, vận mệnh của từng vị giải phóng dân tộc của Ítraen được liệt kê trên đây cũng cho thấy rằng, Thiên Chúa chính là khởi nguyên và cùng đích của sự sống, Người là Đấng ban sự sống, và sự sống là món quà quý giá của Người. Quan niệm này được thể hiện ở hai hình thức : (1) trong việc giải thích những cái tên, và (2) trong chủ đề về những bà vợ hiếm muộn của các vị tổ phụ. Eva nói : “Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người” (St 4,1) và “Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay cho Aben” (4,25). Qua những cái tên mà các bà vợ của ông Giacóp đặt cho những người con, các bà tuyên xưng rằng : Thiên Chúa đã nghe thấy nỗi sầu khổ và lời cầu nguyện của các bà, Thiên Chúa đã phân xử công minh cho các bà, Thiên Chúa đem lại sự giàu có và phần thưởng, Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục cho các bà (x. St 29,31–30,24). Trong tất cả những trường hợp sinh con này, sự can thiệp của Thiên Chúa cho thấy mỗi trường hợp đều là một biến cố thánh trong lịch sử, qua đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người.
Hình ảnh của một vài yeleḏ cũng giúp đem lại cái nhìn về giới trẻ. Trong khi các yeleḏ là Đanien, Khanania, Misaên và Adaria, tất cả đều cho thấy sự trưởng thành về mặt tinh thần và tâm linh, đồng thời xứng đáng là hậu duệ của dân thánh, hứa hẹn tương lai huy hoàng cho Ítraen (x. Đn 1), thì yeleḏ Rơkhápam lại hoàn toàn trái ngược. Cuộc ly khai về chính trị và tôn giáo của Ítraen được thuật lại trong 1V 12,1-33 đã cho thấy sự rồ dại của tuổi trẻ. Thay vì lắng nghe lời của các bậc lão thành, Rơkhápam lại “đi bàn hỏi với đám người trẻ (hayǝlāḏîm ~ydIl’y>h;), là những bạn thiếu thời hiện đang hầu cận vua” (câu 8). Lời góp ý của đám bạn trẻ này thật thiếu suy nghĩ : “Ngài sẽ trả lời cho dân đã từng nói với ngài: ‘Phụ vương ngài đã đặt ách nặng trên chúng tôi, nhưng xin ngài giảm bớt cho chúng tôi’, xin ngài nói với chúng thế này: ‘Ngón tay nhỏ của ta còn lớn hơn cả lưng của phụ vương ta. Vậy phụ vương ta đã đặt ách nặng trên các ngươi, còn ta, ta chất cho nặng hơn nữa; phụ vương ta trừng phạt các ngươi bằng roi, còn ta, ta sẽ trừng phạt các ngươi bằng bọ cạp’” (các câu 10 và 11). Câu chuyện này là một lời cảnh báo cho sự rồ dại, thiếu suy nghĩ, thói kiêu ngạo và tham vọng nơi giới trẻ.
Bāḥûr (rWxB’)
Ngoài hai hạn từ na‘ar và yeleḏ, Cựu ước còn dùng bāḥûr để chỉ giới trẻ với 21 lần xuất hiện, chẳng hạn, Cn 20,29 : “Sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão.” ; 1V 12,21 : “Về tới Giêrusalem, vua Rơkhápam tập họp toàn thể nhà Giuđa và chi tộc Bengiamin, được một trăm tám mươi ngàn quân tinh nhuệ để giao chiến với nhà Ítraen và thu hồi vương quốc về cho Rơkhápam con vua Salômôn” ; Dcr 9,17 : “Quả thật, họ hạnh phúc biết bao, họ xinh đẹp dường nào ! Lúa mì làm cho thanh niên được nẩy nở và rượu mới làm cho thiếu nữ được vui tươi.” Những trích đoạn này cho thấy bāḥûr được dùng để miêu tả sự tráng kiện và mạnh mẽ của tuổi trẻ. Tuy nhiên, đặc biệt hơn, bāḥûr còn có một nét nghĩa khác với na‘ar và yeleḏ, đó là chỉ việc chọn lựa hay người được chọn, chẳng hạn, Tl 20,34 : “Vậy 10.000 tinh binh được chọn từ khắp Ítraen tiến đến ngay trước Ghípa. Giao tranh dữ dội xảy ra, mà người Bengiamin không hay biết tai hoạ đang ập xuống trên mình” ; 1 Sb 19,10 : “Ông Giôáp thấy rằng mình phải đối phó với mặt trận cả phía trước lẫn phía sau, nên đã chọn trong toàn thể tinh binh của Ítraen một số người và dàn ra đối diện với người Aram.” Nguồn gốc của nét nghĩa này xuất phát từ gốc từ của bāḥûr, đó là động từ bḥr.[9] Việc phân tích gốc từ này sẽ giúp đem lại một ý nghĩa khác về giới trẻ.
Trước hết, cần ghi nhận rằng, bḥr được dùng rất nhiều trong các trình thuật Cựu ước. Trong các trình thuật đó, bḥr miêu tả một sự lựa chọn kỹ càng, được thực hiện bởi chủ thể là những con người bình thường, dựa trên một vài tiêu chuẩn sẵn có nào đó, chẳng hạn, cậu bé Đavít, khi ra trận với chiếc ná và năm hòn đá, Kinh Thánh cũng ghi lại rằng, cậu “chọn lấy (wayyiḇḥar) năm hòn đá cuội dưới suối” (x. 1 Sm 17,40), hay trong Isaia, “Người ít của muốn dâng lễ vật sẽ chọn (yiḇḥār) khúc gỗ không mục nát, rồi tìm đến tay thợ lành nghề đặt làm một tượng thần không lay không chuyển” (x. Is 40,20). Tuy nhiên, không dừng ở đó và thậm chí là đặc biệt hơn, bḥr còn miêu tả sự lựa chọn của Thiên Chúa, một sự lựa chọn tuy không theo bất kỳ nguyên tắc nào, nhưng lại được thực hiện rất cẩn trọng. Thật vậy, các lời sấm ở Ds 3,5 ; 4,1 ; Đnl 18,5 hay 1 Sm 2,28 ngay lập tức cho thấy điều này. Và sự lựa chọn cẩn thận của Thiên Chúa cũng được thực hiện trong việc lựa chọn các vua, cụ thể là vua Saun.
Kinh Thánh cho biết, khi được chọn làm vua, Saun là “một người trẻ và đẹp trai; trong số con cái Ítraen, không có người nào đẹp trai hơn ông. Ông cao hơn toàn dân từ vai trở lên” (1 Sm 9,2). Trong một vài bản dịch (như bản dịch của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ), chữ bāḥûr được dịch là trẻ, tuy nhiên, cũng có bản dịch (như bản dịch của New American Standard Bible), bāḥûr được dịch là người được chọn. Vì được chính Thiên Chúa tuyển chọn, nên ngôi vua là một chức vụ thiêng thánh. Chưa hết, trong bối cảnh của sách ngôn sứ Samuen, vua còn là người lãnh đạo những cuộc thánh chiến,[10] vì Thiên Chúa hiện diện trong những cuộc chiến đó với vai trò là tổng tư lệnh, thế nên vua phải thực thi sứ vụ này một cách chính xác và vững vàng theo thánh ý của Người.[11]
Tuy nhiên, đến trình thuật ở 1 Sm 15, ta lại thấy sự thất bại của vua Saun. Sự thất bại này đến từ hai yếu tố là không vâng phục và kiêu ngạo. Thay vì thi hành thánh lệnh tru hiến của Thiên Chúa, vua Saun đã bất tuân hành (x. câu 9). Việc này nhắc nhớ lại biến cố Akhan thuở xưa (x. Gs 7,16). Đã vậy, vua còn dựng đài tưởng niệm để tự tôn chính mình.[12] Chưa hết, sự bất tuân còn đi xa hơn khi ông ngụy biện về hành vi đó: “Người ta đã đưa chúng từ nơi người Amalếch về, vì dân đã tha chết cho những con tốt nhất trong đàn chiên dê và bò, để làm hy lễ dâng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông” (câu 15). Đứng trước những ngụy biện của Saun, Samuen đã đáp lời bằng hình thức tuyên sấm để nhấn mạnh sự khác biệt giữa nghi lễ và thái độ. Không thể đối xử với Thiên Chúa như với một ngẫu tượng, chỉ cần dâng lễ vật thơm ngon, béo tốt thì Người sẽ nguôi lòng. Sự vâng lời và lòng đạo đức thì trọng hơn muôn vàn của lễ (x. các câu 22 và 23). Mâu thuẫn đã xảy ra như vậy, và cách giải quyết đó là vua Saun phải bị truất phế và thay vào đó là một người khác biết trung thành với Thiên Chúa, đó là vua Đavít. Câu chuyện về vua Saun cho thấy Thiên Chúa tin tưởng chọn giới trẻ để thực thi những công việc quan trọng,và đảm bảo cho họ hoàn thành tốt những công việc ấy, miễn là phải vâng lời Người.[13]
Trở lại với hạn từ bāḥûr, sách Giảng Viên dạy rằng : “Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ : cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích” (11,9a), đồng thời “hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn, khử trừ đớn đau khỏi thân xác, vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả” (11,10). Tuy nhiên, sách Giảng Viên hoàn toàn không đề nghị một thứ chủ nghĩa khoái lạc hay chủ nghĩa hưởng thụ vật chất. Thật vậy, ngay lúc mời gọi tận hưởng tuổi thanh xuân (câu 9a), sách Giảng Viên lập tức đưa ra lời cảnh báo : “Nhưng bạn phải biết rằng : về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử” (câu 9b).[14] Về điều này, bước sang chương cuối cùng, sách Giảng Viên đưa ra lời nhắn nhủ hết sức tha thiết và trìu mến : “Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói : ‘Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả !’” (12,1). Tác giả cảnh tỉnh người trẻ bằng cách châm biếm những đam mê và khoái lạc mà họ dễ bị trượt dài trong thời xuân xanh của mình, và khuyên bảo họ hãy biết hướng những đam mê ấy vào một đối tượng khác cao cả hơn đó là Thiên Chúa.[15]
- Tân ước
Cũng như Cựu ước, Tân ước có thể cung cấp một cái nhìn về giới trẻ thông qua các hạn từ thường được các tác giả Tân ước dùng như pais (παῖς)và neaniskos (νεανίσκος). Tuy không có nhiều trình thuật nhắc đến giới trẻ để có thể bàn thảo cách rộng rãi như Cựu ước, thế nhưng, Tân ước cũng giúp mang lại nhiều quan niệm khác quan trọng không kém về giới trẻ. Và cách đặc biệt, những quan niệm đó lại càng có giá trị hơn khi được chính Đức Giêsu khẳng định trong các lời giảng dạy của Người.
Pais (παῖς)
Nhìn chung, cũng giống như na‘ar của Cựu ước, hạn từ pais được dùng để chỉ một bé trai, một bé gái, hoặc một người trong độ tuổi từ lúc mới sinh cho đến khi trưởng thành.[16] Tuy xuất hiện khoảng 24 lần trong Tân ước (tính cả các từ xuất phát từ gốc pais), và thường được dịch là “trẻ con,” “trẻ thơ,” “cậu bé,” “cô bé,” với nghĩa tuyệt đối chỉ lứa tuổi, chẳng hạn, trong Lc 2,41-43, Đức Giêsu, khi được 12 tuổi lên Giêrusalem với cha mẹ để mừng lễ Vượt Qua, được gọi là “cậu bé” hay “cậu bé” có năm chiếc bánh và hai con cá trong Ga 6,9, và “cô bé” con ông Giaia được Đức Giêsu cho sống lại ở Lc 8,40-56, thế nhưng, hạn từ này cũng được áp dụng cho cả các môn đệ của Đức Giêsu và các Tông Đồ, chẳng hạn, khi Đức Giêsu sống lại và hiện ra với các Tông Đồ ở Ga 21,5, Người hỏi : “Này các chú,[17] không có gì ăn ư ?” hoặc trong 1 Ga 2,18, thánh Gioan gọi những người trong cộng đoàn của mình là “những người con thơ bé.” Chắc chắn rằng, các môn đệ của Đức Giêsu hay của các Tông Đồ đa phần đều không còn là trẻ con theo độ tuổi, thế nên việc áp dụng pais cho những đối tượng này cho thấy một nét nghĩa khác, không phải là trẻ con theo độ tuổi, mà là tình trạng, thái độ, hay cung cách sống trẻ trung.
Về tình trạng, thái độ và cung cách sống trẻ trung, Đức Giêsu đánh giá cao và lấy đó làm tiêu chuẩn cho những ai muốn theo Người. Mt 18,1-3 cho thấy rõ điều đó : “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng : ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?’ Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo : ‘Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.’” Những lời này cho thấy hai điểm quan trọng : (1) Đức Giêsu vượt qua quan niệm của Cựu ước vốn coi thường tuổi trẻ,[18] và (2) Đức Giêsu muốn nhấn mạnh chiều kích đơn sơ và nguyên tuyền của các pais so với người lớn. Sự bé nhỏ, non nớt và cần giúp đỡ, dẫu thường bị coi thường, thế nhưng đó lại là con đường để đến được với tình yêu phụ tử của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô cũng đi gần với quan điểm này của Đức Giêsu. Trong thư 1 Cr 14,20, thánh nhân đã dùng pais để nói về thái độ ngây thơ đúng đắn mà các Kitô hữu cần phải có : “Thưa anh em, về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con ; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành.” Tuy nhiên, ở chỗ khác, thánh Phaolô cũng xem các pais là những người non nớt theo nghĩa còn bị lệ thuộc như những người nô lệ (x. Gl 4,1), dễ bị lừa phỉnh mà lung lạc đức tin (x. Ep 4,14).
Dẫu sao, sự ngây thơ của các pais vẫn là tiêu chuẩn cần có để được tái sinh (x. Ga 3,1–8) và đạt được ơn cứu độ (x. 1 Pr 2,2). Ngoài ra, theo cái nhìn của Nước Trời, pais còn là khoảng thời gian lý tưởng, vì khi đó, con người không còn bất kỳ ước muốn quyền lực hay danh vọng nào, không còn bất kỳ sự phân biệt, được giải thoát khỏi cái tâm tà ác và chỉ còn một con tim ngoan hiền, biết mở ra cho ân sủng và Thánh Ý của Thiên Chúa.
Như vậy, có thể thấy rằng, người trẻ được tôn trọng và được kể là thuộc về cộng đoàn. Họ tham dự vào các biến cố quan trọng trong đời sống cộng đoàn (x. Cv 21,5), và ít là khi đến tuổi được tự do làm theo ý muốn, họ cũng tham gia vào những công việc phục vụ (x. Cv 20,9.12 ; Cl 3,20 ; Ep 6,1–3). Khi lớn hơn, người trẻ cần phải được giáo dục đức tin và nhân bản (1Tm 3,4 ; 5,4 ; Tt 1,6).
Nói về vấn đề giáo dục đức tin và nhân bản, trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca cho thấy đường lối giáo dục chuẩn mực giúp hướng dẫn người trẻ đi vào đời sống tôn giáo.
- Trước hết là việc Đức Giêsu chịu phép cắt bì ( Lc 2,21). Đối với dân Ítraen, phép cắt bì là nghi thức quan trọng đánh dấu việc trẻ em trở thành phần tử của cộng đồng, có tư cách tham dự các nghi lễ, và nhờ đó, các em được nuôi dưỡng trong bầu khí thờ phượng Thiên Chúa. Khi lớn lên, các em tiếp tục được bổ túc các kiến thức về tôn giáo. Kiến thức đầu tiên phải có đó là những nền tảng lịch sử của việc thờ phượng Thiên Chúa Giavê (x. Đnl 4,9), tiếp đến là những lệnh truyền của Người (x. Đnl 11,19), và cuối cùng là những tri thức khôn ngoan giúp giữ vững căn tính của một dân thánh trước các ảnh hưởng đến từ nhiều nền văn hóa ngoại giáo xung quanh (x. Cn 4,1).[19]
- Tiếp đến là việc thụ huấn của Đức Giêsu (x. Lc 2, 41-52). Trình thuật này cho chúng ta thấy, bên cạnh Đền Thờ, vốn là nơi đào luyện đức tin cơ bản với các bộ môn chính yếu là Kinh Thánh và Giáo Lý, thì gia đình cũng là một ngôi trường quan trọng giúp đào luyện các giá trị nhân bản, vừa theo chiều kích đối nhân, vừa theo chiều kích đối thần. Hai giá trị nhân bản nền tảng mà đời sống gia đình mang lại phải kể đến trước hết đó là lòng hiếu thảo, hiếu thảo với cha mẹ, qua đó biết cách sống thảo hiếu với Thiên Chúa ; và giá trị thứ hai là học cách sống chan hòa với mọi người, vì tất cả đều là anh chị em với nhau trong cùng một Cha là Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Ngoài ra, những hạn từ cùng gốc hoặc có họ hàng với pais, như paidion (παιδίον), paidarion (παιδάριον), teknon (τέκνον), cũng cho thấy nhiều ý nghĩa khác khá thú vị. Để không bị dài dòng và lan man, chỉ xin liệt kê ra đây một ý nghĩa, đó là ý nghĩa về người con thiêng liêng. Người con thiêng liêng ở đây có khi được hiểu trong mối tương quan giữa một người trao phó toàn bộ cuộc đời cho một người khác (như trường hợp các môn đệ và Chúa Giêsu phục sinh ở Ga 21,5), có khi được hiểu trong mối tương quan giữa một người học trò và một người thầy (như trường hợp cộng đoàn của các thánh Tông Đồ, cụ thể là Tông Đồ Gioan ở 1 Ga 2,12.14 ; 3,7). Những mối tương quan này có thể là cá nhân, nhưng cũng có thể là cả cộng đoàn.
Neaniskos (νεανίσκος)
Giống như neanias cũng bắt nguồn từ neos (mới), neaniskos thường được dùng để chỉ “giới trẻ,” “thanh niên,” “thiếu niên,” hay người đang trong giai đoạn sung sức của cuộc đời.[20] Điều thú vị là, một người 40 tuổi cũng có thể được coi là neaniskos như trường hợp chàng thanh niên giàu có trong Mt 19,16-22.[21] Ngoài ra còn có các neaniskos khác như, chàng thanh niên trần truồng bỏ chạy ở Mc 14,51, chàng thanh niên mặc áo trắng trong ngôi mồ đá của Đức Giêsu ở Mc 16,5, chàng thanh niên con của bà góa thành Nain ở Lc 7,14, cậu thiếu niên Êutykhô vì ngủ gật lúc nghe thánh Phaolô giảng nên ngã từ tầng ba xuống chết ở Cv 20,9, và cậu bé báo tin người Do thái âm mưu giết thánh Phaolô ở Cv 23,17.
Bỏ qua hai neaniskos bỏ chạy và ngủ gục, vốn cho thấy những nét rất trẻ con luôn có nơi giai đoạn nửa bé nửa lớn của tuổi trẻ, chúng ta đến với một nét khác của tuổi trẻ mà neaniskos giàu có ở Mt 19,16-22 thể hiện : tuổi trẻ là giai đoạn thao thức đi tìm kiếm hạnh phúc.
Đoạn Tin Mừng song song với Mt 19,16-22, là Lc 18,18-23, cho biết người thanh niên giàu có này đồng thời là một thủ lãnh. Với một cương vị như vậy, thật anh chẳng còn thiếu sự gì trên thế gian. Thế mà anh vẫn còn cảm thấy mình thiếu một điều gì đó để được nên trọn vẹn và được hưởng sự sống đời đời. Khi đề cập đến người thanh niên giàu có, trong thông điệp Veritatis Splendor, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ghi nhận như sau :
Câu hỏi mà người thanh niên giàu có đặt ra cho Đức Giêsu thành Nadarét là một câu hỏi nổi lên từ tận thâm sâu cõi lòng của anh. Đó là một câu hỏi căn cốt và bất khả tránh đối với cuộc đời mỗi người, vì đó là câu hỏi về sự thiện luân lý phải thực hiện, và về sự sống đời đời. Người thanh niên cảm thấy có một mối liên hệ giữa sự thiện luân lý và sự hoàn thành cứu cánh của anh. Anh là một người Ítraen nhiệt thành, sống trong chiếc bóng là Lề Luật của Thiên Chúa. Nếu anh đặt câu hỏi này với Đức Giêsu, thì chắc chắn không phải vì anh không biết câu trả lời vốn có trong các Sách Luật. Nhưng đúng hơn, anh hỏi vì anh bị chính con người của Đức Giêsu lôi cuốn. Nhìn vào Người, anh cảm thấy trong mình nổi lên những câu hỏi mới về sự thiện luân lý. Anh cảm thấy cần phải đến gần với Đấng đã khởi sự hành trình rao giảng Tin Mừng mới mẻ này với lời công bố chắc nịch : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).[22]
Và Đức Giêsu đã trả lời : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Đây là một lời mời gọi vượt xa những thành tựu người thanh niên giàu có đạt được ở thế gian. Lời mời gọi đó đưa người thanh niên vào một hành trình mới mang tên sequela Christi, được khởi đầu bằng việc từ bỏ gia sản trần gian để có được gia sản đích thực là sự sống đời đời.[23]
Vậy sự sống đời đời là gì ? Hay hỏi cách khác : khi được sự sống đời đời, con người sẽ ở giai đoạn nào của cuộc đời ? Trong bối cảnh câu trả lời của Đức Giêsu : sự sống đời đời chính là niềm hạnh phúc đích thực mà người trẻ hằng tìm kiếm, vậy thì sự sống ấy có điều gì hấp dẫn với giới trẻ ? Thiết nghĩ, neaniskos mặc áo trắng đứng trong mồ đá ở Mc 16,5 sẽ có thể trả lời tất cả những câu hỏi này.
Nói về chàng thanh niên mặc áo trắng đứng cạnh ngôi mồ đá của Đức Giêsu ở Mc 16,5, thánh Mátthêu ghi nhận đó là một vị thiên thần (x. Mt 28,2), còn thánh Máccô vẫn gọi đó là chàng thanh niên. Thật thú vị khi một hữu thể thiêng liêng thuộc về vĩnh cửu lại được mô tả là chàng thanh niên đang ở tuổi xuân sắc. Điều này cho thấy ý tưởng tuyệt vời về một tình trạng thanh xuân vĩnh cửu mà những ai được sinh lại nhờ công nghiệp sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô sẽ được hưởng. Đây một tình trạng được dành riêng cho những người con của Thiên Chúa bởi họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, là“những người được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” và “được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,35-36). Thật vậy, đối với những tâm hồn tin yêu Thiên Chúa, chết cũng đồng nghĩa với tái sinh, và tình trạng thanh xuân, vốn là một tình trạng căng đầy sức sống, niềm vui và sáng tạo, chính là phần thưởng dành cho những ai “biết từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Đức Kitô” (Mt 16,24). Về điều này, thánh Tôma Aquinô viết :
Khi sống lại, con người sẽ không còn bất kỳ khiếm khuyết nào trong bản tính nhân loại của mình, vì Thiên Chúa đã sáng tạo nên bản tính ấy mà không có bất kỳ khiếm khuyết nào, và Người sẽ tái tạo bản tính ấy mà không có bất kỳ sự khiếm khuyết. Trong tình hình hiện tại, bản tính con người có một khiếm khuyết kép. Thứ nhất, vì nó vẫn chưa đạt đến sự hoàn hảo tối hậu của nó. Thứ hai, vì nó sẽ lụi tàn dần từ sự hoàn hảo tối hậu đó. Khiếm khuyết đầu tiên được tìm thấy nơi trẻ con, còn khiếm khuyết thứ hai được tìm thấy nơi người già : và do đó, nhờ được phục sinh, mỗi bản tính con người sẽ được mang đến tình trạng hoàn hảo tối hậu vốn có nơi tuổi thanh xuân, vốn là đỉnh điểm của tiến trình phát triển đồng thời là khởi điểm của tiến trình lụi tàn.[24]
Với 3 lời giải thích : (1) cuộc đời của người trung tín là một tiến trình vĩnh cửu hướng về sự hoàn thiện vô hạn, (2) cuộc đời của người trung tín giúp phục hồi và giữ lại nét thanh xuân, và (3) người trung tín sẽ được sống trong một thân xác không thể già đi, McLaren cũng khẳng định rằng :
Đối với những tâm hồn biết tin tưởng và yêu mến, chết cũng chính là chào đời. Tất cả những ai vượt qua cái chết để đến cùng Thiên Chúa, thì trước hết, “da thịt họ được tươi tắn như thời trai trẻ, họ mạnh mẽ như lúc còn thanh niên” (G 33,25). Kế đó, khi “ngôi nhà của họ ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì họ có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1). Họ sẽ đứng cạnh ngai tòa, và giống như chàng thanh niên mặc áo trắng ngồi trong ngôi mồ đá (x. Mc 16,5), họ cũng được choàng lên tấm áo trắng sáng ngời và tỏa rạng nét thanh xuân không bao giờ thay đổi.[25]
Trong ánh sáng của những nhận xét này, lời dạy của sách Giảng Viên trở nên sáng tỏ : “Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ. Hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình giữa tuổi thanh xuân” (Gv 11,9a ; 12,1). Thật vậy, tuổi trẻ của con người là hành trình tìm kiếm tuổi trẻ của Thiên Chúa.
III – KẾT LUẬN
Vẫn còn nhiều điều chưa được khai thác, thế nhưng đến đây có lẽ đã đủ cho một bức tranh về giới trẻ trong Kinh Thánh. Xin được tóm tắt lại như sau :
- Nhìn chung, tuy các từ ngữ trong Kinh Thánh không cho ta một độ tuổi chính xác để biết giới trẻ bắt đầu khi nào và kết thúc khi nào, nhưng cũng có thể xác định giới trẻ nằm trong khoảng từ lúc bắt đầu dậy thì cho đến khi được 40, có thể đã kết hôn hoặc chưa kết hôn. Nói đúng hơn, các từ ngữ Kinh Thánh chỉ đơn thuần là những kiểu diễn đạt về giới trẻ : Giới trẻ là những người trẻ.
- Kinh Thánh xem giới trẻ đã là một người trưởng thành. Họ có quyền và nghĩa vụ như những người trưởng thành (x. Ds 1,18 ; Xh 30,14 ; Ds 1,3 ; 8,24). Một số trình thuật Kinh Thánh thậm chí còn cho thấy Thiên Chúa tin tưởng giao những trách nhiệm to lớn và nặng nề cho người trẻ (x. 1 Sm 17, 17-23 ; Gr 1,6-10). Tuy nhiên, dù được coi là người trưởng thành, thế nhưng, trong một mức độ nào đó, giới trẻ vẫn phải phục tùng quyền bính của cha mẹ hoặc của cộng đồng mà mình thuộc về (x. 1 Sm 17,17-23 ; St 37,12-14 ; 1 Pr 5,5).
- Kinh Thánh cũng cho thấy giới trẻ là những người dễ bị tổn thương trước những rồ dại của tuổi thanh xuân (x. St 34,1-2 ; 1 V 12,10-11), là giai đoạn phải chiến đấu với nhiều cám dỗ về giới tính, dễ nổi giận, hung hăng, tự mãn cùng biết bao đam mê và cạm bẫy khác (x. Tv 25,7 ; 2 Tm 2,22). Không phải lúc nào họ cũng hành động cách khôn ngoan và tự chủ. Mặc dù giới trẻ nên được xem là những người trưởng thành, nhưng đó lại là những người trưởng thành không có kinh nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là chỉ có giới trẻ mới bị cám dỗ. Chắc chắn độ tuổi nào cũng dễ bị cuốn vào các đam mê và cám dỗ khác nhau, thế nhưng, tuổi trẻ vẫn là giai đoạn dễ đưa ra những lựa chọn sai lầm hơn cả. Chính vì vậy, giới trẻ rất cần có sự đồng hành khôn ngoan của gia đình và cộng đồng để có được những bước đi đúng đắn.
- Dầu vậy, giới trẻ vẫn được Kinh Thánh mô tả là những người tràn đầy lòng nhiệt huyết đức tin. Có rất nhiều mẫu gương về lòng nhiệt thành đức tin này, chẳng hạn, vua Đavít, ngôn sứ Giêrêmia, Đức Maria, v.v.. Tuổi trẻ cũng là giai đoạn để nhớ về Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên mình (x. Gv 12,1), là khoảng thời gian để cho Lời Chúa được cư ngụ trong tâm hồn (x. 1 Ga 2,14) và chính là lúc để tưởng niệm sự tốt lành của Thiên Chúa (x. Tv 68,25 ; Lc 1,46-55). Giới trẻ trong Kinh Thánh không phải là những đứa trẻ không có năng lực, không bị hạn chế trong các khả năng. Họ được thánh Phaolô khuyến khích phải sống sao cho người khác không coi thường mình, và phải trở thành một mẫu gương về đức tin (x. 1 Tm 4,12).
- Ở khía cạnh cánh chung, giới trẻ là hình ảnh của tình trạng thanh xuân đời đời, vốn là phần thưởng dành cho những ai thực tâm tìm kiếm Thiên Chúa, biết từ bỏ những gì thuộc về thế gian để đi theo Đức Kitô.
Ngoài những tóm tắt trên đây, trong quá trình khảo sát các hạn từ Kinh Thánh về giới trẻ, người viết nhận thấy luôn có một mối liên hệ giữa những người trẻ và gia đình hay cộng đoàn mà người trẻ thuộc về. Điều này cho thấy vai trò của gia đình và cộng đoàn đức tin đối với tiến trình thành nhân của người trẻ. Vì thế, để mở rộng vấn đề, xin mạo muội trình bày một chút suy nghĩ về vai trò của cộng đoàn đức tin đối với tiến trình thành nhân của người trẻ như sau :
- Trước hết, với các bạn trẻ ở tuổi vị thành niên, cộng đoàn cần có trách nhiệm nhiều hơn so với các bạn trẻ ở tuổi trưởng thành theo pháp luật, bằng cách dự đoán những rủi ro có thể xảy ra và nỗ lực xây dựng một môi trường an toàn cho lứa tuổi này. Tuy nhiên, dù phải thực hiện điều đó, nhưng cộng đoàn cũng nên bắt đầu xem các bạn ở tuổi vị thành niên là người lớn, để có thể đối xử với các bạn khác với cách đối xử với trẻ em. Dầu vậy, một vấn đề nảy sinh ở đây là, do các bạn ở tuổi này tuy được xem là người lớn nhưng vẫn chưa có toàn quyền như một người lớn thực thụ, cho nên dễ tạo ra những mặc cảm dẫn đến tình trạng nổi loạn tuổi trẻ. Chính vì thế, trong mức độ nào đó, những người lớn hay các vị lãnh đạo cộng đoàn cần có sự tương tác, cũng như sự tin tưởng, dám trao phó những công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, để tập và giúp các bạn vượt qua những mặc cảm này. Một môi trường chỉ có những bạn trẻ vị thành niên mà không có tương tác nào với người lớn sẽ không giúp ích được gì.
- Tiếp đến, cộng đoàn cần xem các bạn trẻ là những thành phần trước hết thuộc về gia đình, vốn là đơn vị cơ bản của Giáo Hội và xã hội, đồng thời cần tạo điều kiện để các bạn trẻ và các thành viên khác trong gia đình có cơ hội thi hành bổn phận thờ phượng Thiên Chúa và sinh hoạt cùng với nhau. Tuy nhiên, cũng không được giới hạn các bạn trẻ vào trong khuôn khổ của gia đình hay cộng đoàn đức tin địa phương. Cần khuyến khích các bạn tham gia vào những cộng đoàn rộng lớn hơn để có thể gặp gỡ nhiều bạn bè hơn. Điều này sẽ rất có ích cho tiến trình thành nhân của các bạn trẻ, không chỉ về mặt tôn giáo mà còn về mặt xã hội. Trong trường hợp này, cộng đoàn phải liệu sao để các bạn trẻ có được những gương mẫu “thanh niên nghiêm túc” để giúp họ biết được thế nào là trưởng thành.
- Bên cạnh công tác cung cấp môi trường phát triển lành mạnh cho giới trẻ, cộng đoàn đức tin cũng phải biết cách đối phó với những cám dỗ của thời đại vốn có thể kích hoạt những rồ dại của tuổi thanh xuân. Để làm điều đó, cộng đoàn cần có những chính sách và kế hoạch thực tiễn giúp chống lại những đam mê không phù hợp liên quan đến tiền bạc, nóng giận, tình dục hoặc những cuộc tranh luận vô ích ; đồng thời giúp các bạn trẻ theo đuổi những lý tưởng cao đẹp về công lý và hòa bình, sự khiết tịnh và linh đạo phò sự sống.
- Cuối cùng, cộng đồng đức tin cần cổ võ và khuyến khích các bạn trẻ sống đức tin sao cho thật nồng nàn. Không được chỉ hài lòng với con số các bạn trẻ đi tham dự các buổi cử hành phụng vụ, mà phải làm cách nào đó để các bạn thể hiện nhiều nhu cầu tâm linh hơn. Có vậy các bạn mới tham dự phụng vụ tích cực, sinh động và sâu sắc.
****************
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Tài liệu Huấn quyền
Gioan Phaolô II. Thông điệp Veritatis Splendor (1993).
- Kinh Thánh
Nhóm PDCGKPV. Kinh Thánh (Hà Nội : NXB Tôn Giáo, 2011).
Lockman Foundation bt.. New American Standard Bible (California : Foundation Publications, Inc., 1998).
Robert Carroll & Stephen Prickett bt.. King James Bible (Oxford : Oxford University Press, 2008).
- Từ điển
Theological Dictionary of The Old Testament. Bt. Gerhard Johannes Botterweck, Helmer Ringgren và Heinz-Josef Fabry. Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., eng-1998 ed..
Theological Dictionary of The New Testament. Bt. Gerhard Kittle và Gerhard Friedrich. Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., eng-1998 ed..
The New Analytical Greek Lexicon. Bt. Wesley J. Perschbacher. Massachusetts : Hendrickson Publisher, 1990 ed..
Diccionario Exegetico Del Nuevo Testamento. Bt. Horst Balz & Gerhard Schneider. Salamanca : Ediciones Sígueme, 1998 ed..
- Hợp tuyển các bài viết theo chủ đề
Vappu Tyyskä. “Conceptualizing and Theorizing Youth: Global Perspectives,” Contemporary Youth Research : Local Expressions and Global Connections, bt. Gunilla Holm (London: Ashgate Books, 2005).
Paul G. Kelly, “A Theology of Youth,” Journal for Baptist Theology and Ministry, số 1 (mùa xuân/2016).
- Sách
Granville Stanley Hall. Adolescence : Its Psychology and Its Relations to Physiology, Anthropology, Sociology, Sex, Crime, Religion and Education. New York : Appleton and Co., 1904.
Andy Furlong. Youth Studies : An Introduction. London : Routledge, 2012
Mary J. Evans. New International Biblical Commentary : 1 and 2 Samuel. Massachusetts : Hendrickson Publisher, 2000.
University of Navarre. The Navarre Bible: Wisdom Books. Dublin : Four Courts, eng-2004 ed..
Thomas C. Odens. Ancient Christian Commentary on Scripture. Illinois : InterVarsity Press, 2001.
Alexander MacLaren. Expositions of Holy Scripture. Delaware : Delmarva Publications, Inc., 2014.
The Complete Biblical Library : Proverbs – Ecclesiastes – Song of Solomon. World Library Press, Inc. 1996.
Thomas Aquinas. Summa Theologica.
Curtis Mitch và Edward Sri. The Gospel of Matthew. Michigan : Baker Academic, 2010.
- Trang mạng
Biblehub.com
__________________________
[1] Như trường hợp của G. Stanley Hall. Trong phần dẫn nhập của bộ sách gồm hai quyển mang tựa đề Adolescence: Its Psychology and Its Relations to Physiology, Anthropology, Sociology, Sex, Crime, Religion, and Education, Hall đã trình bày giới trẻ như là giai đoạn đầy “sóng gió và căng thẳng” (storm and stress) (x. G. Stanley Hall, Adolescence : Its Psychology and Its Relations to Physiology, Anthropology, Sociology, Sex, Crime, Religion and Education [New York : Appleton and Co., 1904], tr. xiii).
[2] Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định lứa tuổi 10–19 là độ tuổi vị thành niên. Thanh niên trẻ là lứa tuổi 19–24. Chương trình Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục vị thành niên-thanh niên của khối Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) lấy độ tuổi 15–24. Trên thế giới, các nước có quy định về độ tuổi thanh niên khác nhau : nhiều nước quy định từ 18–24 hoặc 15–24, một số nước quy định từ 15–30. Ở nhiều quốc gia, bao gồm Úc, Ấn Độ, Philippines, Brazil, Croatia và Colombia, trẻ vị thành niên được xác định là một người dưới tuổi 18. Trong khi Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc, trẻ vị thành niên là người dưới 20 tuổi. Pháp luật New Zealand quy định trẻ vị thành niên là người dưới 18 tuổi là thích hợp, nhưng hầu hết các quyền của tuổi trưởng thành được giả định ở độ tuổi thấp hơn : ví dụ, giao kết hợp đồng và có một ý chí là có thể hợp pháp ở tuổi 15. Tại Việt Nam vị thành niên là lứa tuổi từ 10–19. Thanh niên là từ 19–24. Trẻ em được luật pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục là dưới 16 tuổi. Về mặt luật pháp vị thành niên là dưới 18 tuổi (x. “Vị Thành Niên,” truy cập 08/04/2018, https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%8B_th%C3%A0nh_ni%C3%AAn).
[3] X. Vappu Tyyskä, “Conceptualizing and Theorizing Youth: Global Perspectives,” Contemporary Youth Research : Local Expressions and Global Connections, bt. Gunilla Holm (London: Ashgate Books, 2005), tr. 3.
Thượng nghị sĩ Robert Francis Kennedy (1925–1968) là người ủng hộ cách định nghĩa này. Trong bài phát biểu tại trường Đại học Cape Town, Nam Phi, vào ngày 06/06/1966, ông nói : “Thế giới này rất cần những phẩm chất có nơi giới trẻ : đó không phải là một giai đoạn của cuộc đời, nhưng là một tình trạng nhận thức, một sự sôi sục ý chí, một khả năng tưởng tượng, một sự can đảm vượt thắng những rụt rè, và là một niềm khao khát dấn thân vào những cuộc phiêu lưu, chứ không chấp nhận một cuộc sống dễ dãi” (x. Robert F. Kennedy, “Day of Affirmation,” truy cập 08/04/2018, http://www.rfksafilm.org/html/speeches/unicape.php).
[4] X. Andy Furlong, Youth Studies : An Introduction (London : Routledge, 2012), tr. 300.
[5] X. H. F. Fuhs, “r[;n: na‘ar,” Theological Dictionary of the Old Testament, bt. Gerhard Johannes Botterweck, Helmer Ringgren và Heinz-Josef Fabry, tập IX (Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., 1998), tr. 475.
[6] Paul G. Kelly, “A Theology of Youth,” Journal for Baptist Theology and Ministry, số 1 (mùa xuân/2016): tr. 7.
[7] X. J. Scheiner, “dl;y” yālaḏ,” Theological Dictionary of The Old Testament, bt. Gerhard Johannes Botterweck, Helmer Ringgren và Heinz-Josef Fabry, tập VI (Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., 1998), tr. 76-77.
[8] X. J. Scheiner, “dl;y” yālaḏ,” tr. 77-78.
[9] Würzburg H. Seebass, “Bāḥar : Etymology, derivatives,” ibid., tập II, tr. 74.
[10] Trình thuật 1 Sm 10,17-27 cung cấp hai yếu tố cấu thành một cuộc thánh chiến : (1) Vua Saun được chọn làm vua bằng cách rút thăm (x. câu 24), điều này gợi lại khung cảnh cuộc thánh chiến ở Gs 7,2-16, khi con cái Ítraen, dưới sự lãnh đạo của ông Giosuê, thất bại ở thành Ai do vi phạm giao ước là dám cất giữ những đồ vật bị án lệnh biệt hiến và thủ phạm được tìm thấy bằng cách rút thăm. Như vậy, việc rút thăm là cách cho thấy sự chọn lựa của Thiên Chúa chứ không phải sự chọn lựa của người phàm. (2) Sau khi được chọn làm vua, Saun thành lập một đoàn quân cũng gọi được là đoàn quân thánh chiến vì đoàn quân này bao gồm “những người can đảm đã được ĐỨC CHÚA cảm hoá tâm hồn” (câu 26).
[11] x. ibid., 76.
[12] X. Mary J. Evans, New International Biblical Commentary : 1 and 2 Samuel (Massachusetts : Hendrickson Publisher, 2000), tr. 75.
[13] Xin nói thêm rằng, ngoài việc chọn người trẻ ra làm vua, Thiên Chúa cũng chọn người trẻ làm ngôn sứ, điển hình như ông Samuen và ông Giêrêmia, cả hai đều được gọi làm ngôn sứ khi còn là một na‘ar (1 Sm 3,1-21 ; Gr 1,6).
[14] University of Navarre, The Navarre Old Testament Bible : Wisdom Books, bt. James Gavigan, Brian McCarthy & Thomas McGovern (New York : Scepter Publishers, 2004-english ed.), tr. 294.
[15] Charles Bridges, “Ecclesiastes : 12,1,” The Complete Biblical Library : Proverbs – Ecclesiastes – Song of Solomon, bt. Gregory A. Lint, tập 11 (Missouri : World Library Press Inc., 1998), tr. 365-397.
[16] “Pais,” The New Analytical Greek Lexicon, bt. Wesley J. Perschbacher (Massachusetts : Hendrickson Publisher, 1990), tr. 303.
[17] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dùng chữ “các chú” để dịch paidia. Thiết nghĩ, để sát hơn, cần dịch là “các chú em,” hoặc “chúng con.” Các bản dịch nước ngoài, chẳng hạn NASB, KJB, v.v., đa phần đều dùng “children.”
[18] Tuy vẫn cho thấy vị trí của người trẻ qua tình phụ tử (St 22,2 ; 37,35 ; 2 Sm 12,16 ; Tv 103,13 ; Gr 31,20), tình mẫu tử (1 V 3,26 ; 2 V 4,18-27 ; Is 49,15 ; 66,13), những nghĩa vụ đương nhiên là vâng lời và học hỏi (Xh 20,12 ; Đnl 11,19 ; Cn 4,1), v.v., thế nhưng nhìn chung, Cựu ước vẫn nhận xét tuổi trẻ theo hướng tiêu cực (x. Albrecht Oepke, “Pais : The Estimation of the Child,” Theological Dictionary of The New Testament, bt. Gerhard Kittle và Gerhard Friedrich, vol. V (Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., eng-1998 ed.), tr. 646.
[19] X. Albrecht Oepke, “Pais : The Participation of the Child in Religious Exercises,” Theological Dictionary of The New Testament, bt. Gerhard Kittle và Gerhard Friedrich, vol. V (Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., eng-1998 ed.), tr. 647.
[20] “Νεανίσκος,” “νεανίας,” The New Analytical Greek Lexicon, bt. Wesley J. Perschbacher (Massachusetts : Hendrickson Publisher, 2006), tr. 282.
[21] “Νεανίσκος,” Diccionario Exegetico Del Nuevo Testamento, vol. 2, bt. Horst Balz & Gerhard Schneider (Salamanca : Ediciones Sígueme, 1998), tr. 380.
[22] John Paul II, Veritatis Splendor, số 8.
[23] X. Curtis Mitch và Edward Sri, The Gospel of Matthew (Michigan : Baker Academic, 2010), tr. 247-248.
[24] ST, Supplementum, q. 81, a. 1.
[25] A. MacLaren, “Mk 16,5 : Perpetual Youth,” MacLaren Expositions Of Holy Scripture, truy cập ngày 08/04/2018, http://biblehub.com/commentaries/maclaren/mark/16.htm.