Giới thiệu sách: Thần học Bí tích

0
4595

GIỚI THIỆU

“Hành động có giá trị hơn lời nói.” Dùng câu này để dẫn vào một quyển sách nghiên cứu về phụng vụ và các bí tích xem ra có vẻ lạ. Tuy nhiên, dù câu nói này có quen thuộc thế nào, thì thông điệp của nó vẫn đúng đắn – và vô cùng thích hợp để áp dụng cho quyển sách này.

Hành động có giá trị hơn lời nói. Các bí tích là một trong những phương thế quan trọng nhất mà người Công giáo dùng để thực hành, hay “trình diễn,” đức tin của mình. Đức tin Công giáo là một khoa tín lý và giáo điều, và Công giáo là một đạo của giáo huấn và lề luật. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, trên hết, đức tin Công giáo là một lối sống luôn mời gọi chúng ta thực hành những điều mình tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Điều mà chúng ta, trong tư cách là người Kitô hữu, tin tưởng, được xem là kim chỉ nam cho hoạt động của chúng ta giữa lòng thế giới này.

Hành động có giá trị hơn lời nói. Nhà thần học muộn thời người Đức, Hans Urs von Balthasar, đã chỉ ra điểm tương đồng về mặt tôn giáo mà câu nói này gợi lên. Ông nói, giá trị của Kitô giáo, khi nhìn vào chính nó, thì không quan trọng và tiên quyết cho bằng giá trị đó được nhìn thấy nơi mỗi người chúng ta. Nói cách khác, nếu thế giới muốn biết điều chúng ta tin, trong tư cách là Kitô hữu, thì cách dễ dàng nhất là nhìn vào lối sống và cách làm việc của chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nói cho cùng, lời giản Tin mừng hiệu quả nhất không xuất phát từ các linh mục nơi các nguyện đường và nhà thờ, nhưng ở từ những người Kitô hữu hằng ngày biết sống triệt để điều họ tuyên xưng trong những ngôi nguyện đường và nhà thờ ấy.

Hành động có giá trị hơn lời nói. Đối với người Công giáo, phụng vụ và các bí tích là những hành động có sức âm vang hùng hồn và rõ ràng nhất. Bí tích là những ngôn từ khả thị, như thánh Augustinô, từ thế kỷ thứ 5, đã viết: các bí tích là những ngôn từ mà chúng ta có thể nhìn thấy và đụng chạm, những ngôn từ mà chúng ta có thể phô bày ra bên ngoài – những ngôn từ mà chúng ta phải hành động theo. Bí tích không phải là nghi thức chúng ta thực hiện khi tới nhà thờ. Đúng hơn, bí tích là những hành động thánh thiêng mà chúng ta thực hiện, bởi vì chúng ta Hội Thánh. Và chúng ta sẽ đánh mất mục đích của mình, nếu những việc chúng ta làm trong một ngôi thánh đường vật chất, không tác động – định hướng, dẫn dắt, thách thức, và hỗ trợ – lên cuộc đời của mỗi người chúng ta trong thế giới này.

Mục đích và trọng tâm

Cuốn sách này là một loại sách dẫn nhập, dùng để giới thiệu nền phụng tự và các bí tích của Hội Thánh dưới các góc độ lịch sử, thần học và mục vụ. Sách nhắm đến đối tượng là những người không có cơ hội tham dự vào các khóa học chính thức, có hệ thống về các suy tư và nghiên cứu thần học. Sách cung cấp nhiều ví dụ thực tiễn về việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả việc trình bày các ví dụ, cuốn sách này cố gắng giúp độc giả hiểu hơn những điều Giáo Hội nghĩ về các bí tích của mình – và lý do tại sao.

Công đồng Trentô đã tuyên bố có 7 bí tích, nhưng cũng lại thừa nhận rằng, không phải tất cả các bí tích đều có giá trị ngang nhau trong việc đem lại ơn cứu độ. Cuốn sách sẽ suy tư và phản ánh về “những bất bình đẳng” này. Điểm nhấn chính yếu của cuốn sách là về phụng vụ và bí tích tổng quát: về những tư tưởng và nguyên tắc áp dụng cho toàn thể nhiệm cục bí tích của Giáo Hội. Rửa Tội và Thánh Thể, hai hành động bí tích trổi vượt hơn cả, vì thế xứng đáng được bàn trong hai chương riêng biệt. Năm bí tích còn lại được sắp xếp tùy theo mức độ quan tâm tìm hiểu mà các cha sở thường có hoặc muốn có.

Cấu trúc

Chương 1 trình bày nguyên tắc nền tảng của phụng vụ và các bí tích: phụng vụ được hiểu như công việc của Hội thánh và công việc của Thiên Chúa. Ba chương tiếp theo đào sâu nghiên cứu về một vài giáo huấn quan trọng hơn của Hội thánh về các bí tích, sử dụng những định nghĩa truyền thống về bí tích để làm định hướng, chẳng hạn câu định nghĩa, bí tích là “dấu chỉ hữu hình do Đức Kitô thiết lập để ban ân sủng.”

Chương 2 nghiên cứu bí tích dưới khía cạnh những dấu chỉ hữu hình, và Chương 3 khám phá những gì Hội thánh dạy về bí tích như là khí cụ trao ban ân sủng. Chương 4 bàn về về việc Đức Kitô thiết lập các bí tích, cung cấp một lịch sử ngắn gọn về tiến trình phát triển sơ khai của 7 bí tích và cung cấp một cái nhìn tổng quát về cách nghĩ và cách tiếp cận của Hội thánh với các bí tích trong toàn bộ lịch sử Giáo hội.

Chương 5 bàn về bí tích Rửa Tội, bí tích đầu tiên mà mọi Kitô hữu đều cử hành – thật vậy, nhờ hành động rửa tội mà chúng ta trở thành Kitô hữu và thành người Công giáo. Phép Rửa cho người lớn và Phép Rửa cho trẻ em đều sẽ được đưa ra bàn luận: đây là hai cách diễn đạt của cùng một bí tích duy nhất, vì tính cách độc đáo nên hai loại Phép Rửa này sẽ được bàn riêng, dù chắc chắn chúng có liên hệ với nhau. Vì Rửa Tội là “bí tích đầu tiên”, thế nên phải tìm hiểu kỹ bí tích này mới có thể hiểu và đánh giá đúng các bí tích còn lại mà chúng ta sẽ dần dần lãnh nhận trong cuộc đời.

Chương 6 phác họa lịch sử và thần học của bí tích Thánh Thể vốn được Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium (LG) của Công đồng Vaticanô II mô tả như là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu.” Chương 7 thảo luận ngắn gọn về 5 bí tích còn lại của Hội Thánh, nhấn mạnh đặc biệt đến hai bí tích Hòa Giải và Thêm Sức dưới khía cạnh thần học và mục vụ.

Cách sử dụng

Cuốn sách này tự nó không đủ, và không phải là một nghiên cứu thâu tóm mọi khía cạnh lịch sử cũng như thần học về nền phụng vụ và bí tích của Giáo Hội. Đây chỉ là một sách dẫn nhập cho việc nghiên cứu các bí tích – cuốn sách vỡ lòng – cho những ai muốn dấn thân nghiên cứu chuyên sâu hơn. Vì vậy, cần có những nguồn mạch khác thích hợp để đồng hành cùng cuốn sách này, chẳng hạn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) và các tài liệu của Công đồng Vaticanô II. Độc giả cũng nên đào sâu thêm các tác phẩm khác viết về lịch sử và thần học của các bí tích. (Chẳng hạn, cuốn Cửa Vào Thánh Thiêng của Joseph Martos, được nhắc đến trong bản văn này và liệt kê trong phần danh mục sách tham khảo).

Tôi có thêm một vài điểm đặc biệt để giúp cuốn sách này trở nên hữu ích và thân thiện nhất có thể với người đọc. Ví dụ, mỗi chương đều được bắt đầu với “những câu hỏi chủ đạo” dùng để duyệt trước phần nội dung tiếp đó, và giúp người đọc tập trung vào điểm quan trọng sẽ được thảo luận. Tiếp theo những câu hỏi mở đầu này là một vài gạch đầu dòng mang tiêu đề “chúng ta bắt đầu.” Đây là những khẳng định ngắn về các sự kiện – thường là những sự kiện lịch sử – giúp độc giả nhanh chóng nắm được những thông tin cơ bản liên quan đến phần thảo luận theo sau. Kết thúc mỗi chương là một phần “tóm tắt” và những câu hỏi “suy tư,” giúp người đọc nắm chắc và, quan trọng hơn, áp dụng các khái niệm và nguyên tắc bí tích đã được thảo luận.

Phụ trương 1 cung cấp nhiều thông tin hữu ích dưới hình thức 3 biểu đồ. Phụ trương 2 bổ sung cho phần thảo luận về bí tích Rửa Tội ở chương 4 qua bài viết ngắn về một mô hình thần học cụ thể để hiểu được tầm quan trọng của bí tích này.

Cuối cùng, mặc dù chúng ta không cần biết các từ ngữ chuyên môn, cũng như không cần biết tiếng Latin để cử hành các bí tích xứng đáng, thế nhưng, như các ngành khác, thần học bí tích cũng có những cách diễn đạt, định nghĩa, và những tác giả nổi tiếng. Phần mục từ sẽ mang đến một vài thông tin thêm về các khái niệm cũng như các nhân vật quan trọng này.

Hành động có giá trị hơn lời nói. Giá trị của Kitô giáo, rốt cuộc, phải được nhìn thấy nơi mỗi người chúng ta. Bí tích là những ngôn từ khả thị dẫn chúng ta đến những kho báu của đời ta trong Đức Kitô. Việc những kho báu này thi thoảng tinh tế, có lúc lại bình thường – nhiều khi còn ẩn dấu – không hề làm mất đi giá trị của chúng đối với cuộc sống mỗi người, trong tư cách là những Kitô hữu độc lập, và với đời sống Giáo Hội. Mục đích cuối cùng của cuốn sách là gợi lên giá trị của những kho báu này, đồng thời cung cấp một số công cụ giúp định vị và khai quật các kho báu ấy.

Tôi xin dành tặng cuốn sách cho ba mẹ tôi, là Joe và Suzanne. Các ngài chính là những người thầy đức tin đầu tiên của tôi, là “những vị linh hướng” đầu tiên của tôi. Và, vì hành động có giá trị hơn lời nói, nên các ngài thường là gương mẫu tuyệt vời minh chứng cho điều này.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here