Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo : Một Cái Nhìn Mới Từ Thông Điệp Rerum Novarum Đến Thông Điệp Laudato Si’ – Phần VI.b

0
690


GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO :

MỘT CÁI NHÌN MỚI

TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

*************

                                                  

Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thái Bảo, O.P.
Tu sĩ Phêrô Vũ Nguyễn Minh Tiến, O.P.

chuyển dịch từ tác phẩm

CATHOLIC SOCIAL TEACHING :
A NEW SYNTHESIS
RERUM NOVARUM TO LAUDATO SI’

By Daniel Schwindt

 

 

 

6. Các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ

a. Nhà nước với vai trò bảo vệ quyền lợi

Kể từ khi xuất hiện của chủ nghĩa tự do theo trường phái Locke, quan niệm chung là mục đích của Nhà nước không gì khác hơn là làm “người dàn xếp các quyền lợi” giữa các cá nhân, và Nhà nước không được dính líu đến sự thăng tiến về bất kỳ lợi ích cụ thể nào vượt quá vai trò thuần tuý về các đặc quyền bảo vệ cá nhân. Đáng tiếc, điều này không bao giờ là quan điểm của Công giáo về mục đích của thẩm quyền chính trị – hay chính xác hơn, quan điểm của Công giáo bao gồm bảo vệ quyền lợi như một mục đích của Nhà nước,[1] nhưng quan điểm này không giới hạn Nhà nước vào riêng mục đích đó, ra như Nhà nước chẳng có bổn phận nào khác.

Hơn nữa, khi Giáo Hội đề cập đến việc duy trì “quyền lợi” của công dân, thường thì Giáo Hội nghĩ đến những điều khác hơn là những cái được đề cập trong cuộc đàm luận chính trị ngày nay. Quyền được làm việc có ý nghĩa, quyền được giáo dục, cũng như quyền có lương thực và nước, là tất cả ý niệm mà Giáo Hội có trong quan điểm của mình khi yêu cầu Nhà nước bảo đảm chắc chắn các quyền căn bản đó.

Vai trò của Nhà nước là một người chủ động – chứ không chỉ là người trung gian giữa các cá nhân tranh chấp với nhau trong việc thi hành cái quyền tự do của họ. Nó được mời gọi đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra một môi trường, trong đó quyền lợi và bổn phận được thực thi trọn vẹn.[2]

b. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí

Giáo Hội dạy rằng các quyền lợi, dù hợp lý, nhưng không tất thiết tuyệt đối. Mỗi quyền lợi phải tuân theo tiêu chuẩn về chân lý và giới hạn theo công ích, cụ thể khi nó xuất hiện trong lãnh vực công cộng. Tách ra khỏi chân lý và công ích, quyền lợi đưa đến việc tự huỷ và sẽ hầu như thoát khỏi tầm kiểm soát của nó. Ở đây, quyền tự do ngôn luận là một thí dụ phù hợp, như Đức Lêô XIII đã nói:

“Giờ đây chúng ta phải xem xét vắn tắt đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Khỏi cần phải nói, cũng có thể hiểu được rằng quyền ấy sẽ không tồn tại nếu như nó không được sử dụng đúng đắn, cũng như vượt qua những ranh giới và mục đích của mọi quyền tự do đích thực. Bởi quyền lợi là một sức mạnh luân lý – như chúng ta đã nói trước đó và phải nhắc đi nhắc lại – nên thật là ngớ ngẩn khi ủng hộ rằng tự bản chất không có gì khác biệt giữa đúng và sai, công bằng và bất công. Con người có quyền lợi cách tự do và khôn ngoan để phổ biến trong khắp đất nước những điều gì đúng đắn và chân thực, ngõ hầu mọi người có thể sở hữu chúng; thế nhưng những quan điểm sai lầm, là tai hoạ vô cùng về tinh thần, cộng với các nết xấu làm băng hoại con tim và đời sống luân lý phải bị ngăn chặn cách tích cực nhờ công quyền, vì sợ rằng những sai lầm đó âm thầm làm đổ nát đất nước. Nhưng thái quá của một trí tuệ tháo túng, vốn luôn luôn dẫn tới sự đàn áp của đa số ngây thơ, ít được kiểm soát cách đúng đắn nhờ thẩm quyền của lề luật hơn là những thương tổn bị gây ra do bạo lực chống lại những kẻ yếu thế. Và điều đó hoàn toàn rõ ràng hơn nữa, bởi rất nhiều nhóm cộng đồng lớn hoặc là hoàn toàn bất lực, hoặc chỉ có khả năng với sự khó khăn lớn, để thoát ra khỏi những ảo tưởng và những khéo léo dối trá, đặc biệt như kiểu tâng bốc các đam mê. Giả như tự do ngôn luận và viết lách bừa bãi được cấp cho mọi người, thì chẳng còn gì là quyền thánh thiêng và bất khả xâm phạm; thậm chí những lệnh truyền cao nhất và chân thực nhất của thiên nhiên, được nhìn nhận như là di sản chung và cao quý nhất của nhân loại, cũng sẽ không được tha. Vì lẽ đó, chân lý dần dần bị che khuất bởi bóng tối, sai lầm đa dạng và tai hại, như vẫn thường xảy đến, sẽ thắng thế cách dễ dàng. Cũng thế, phóng túng sẽ dành lấy cái mà tự do đã mất; bởi tự do sẽ tự do hơn và bảo đảm tùy mức độ phóng túng được giữ trong khuôn khổ hoàn toàn. Tuy nhiên, liên quan đến tất cả vấn đề về ý kiến mà Thiên Chúa để lại cho con người tự do thảo luận, tự do tuyệt đối trong tư tưởng và ngôn luận vốn dĩ là quyền của mỗi người; bởi tự do đó không bao giờ hướng con người đến để loại bỏ chân lý, nhưng thường để khám phá ra chân lý và truyền bá chân lý.”[3]

c. Quyền tư hữu

Con người ngày nay tưởng rằng thể xác và cái “ngã” của mình như là một phần của quyền tư hữu của mình. Tuy nhiên, các vị Giáo hoàng phát biểu cách khác:

“Không phải chỉ có trái đất được Thiên Chúa ban cho con người mà con người phải sử dụng nó trong sự tôn trọng ý hướng nguyên thuỷ, tốt đẹp của Đấng Tạo Hoá, nhưng cả con người cũng được Thiên Chúa ban cho chính mình. Như vậy, con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà mình đã lãnh nhận.”[4]

Chúng ta đã bàn luận sâu xa về ý nghĩa đúng đắn về quyền tư hữu,[5]qua việc giải thích tại sao và như thế nào quyền tư hữu không bao giờ được xem như là tuyệt đối, nhưng nó chỉ là một lợi ích trong hệ trật các lợi ích, và những ai phủ nhận hệ trật lợi ích thì cũng huỷ bỏ các lợi ích được cấu thành trong đó. Tuy thế, đến đây, thiết tưởng nên bác bỏ một sai lầm khác của thời đại này vốn nhìn nhận nhân vị, đặc biệt là thể xác, như quyền sở hữu hợp pháp của người đó. Quyền tư hữu, tuy là đúng dưới một quan điểm đặc thù, thực sự chỉ đúng một nửa, và vì thế là lầm đường lạc lối nếu nó được chấp nhận cách mù quáng như một nguyên lý hướng dẫn của luật lệ. Thí dụ, nếu chúng ta chấp nhận quan điểm đó cách thiếu hiểu biết, chúng ta đi đến nguy cơ phải dàn xếp giữa quyền của đứa con sắp sinh và quyền của người mẹ, và chúng ta bị dẫn xuống một con đường mù tối. Rất nhiều hiểu biết sai lầm ở đó xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân vốn đã ăn sâu vào chúng ta, chủ nghĩa đó nhắc bảo mỗi người rằng họ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc họ là ai và sẽ trở thành cái gì. Vì thế, con người phải nhìn nhận cái “ngã” của mình như là tài sản của mình. Thế nhưng, Đức Bênêđictô XVI đưa ra quan điểm khác:

“Tự bản chất, con người tham gia cách tích cực vào sự phát triển chính mình. Sự phát triển được bàn đến ở đây không chỉ đơn thuần là kết quả của vận hành tự nhiên, vì như mọi người đều biết, tất cả chúng ta đều có thể có những chọn lựa tự do và có trách nhiệm. Phát triển cũng không chỉ tùy thuộc vào tính khí thất thường của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều biết rằng mình là một quà tặng chứ không phải là cái gì tự sinh. Tự do của ta được định hình cách sâu xa bởi chính hữu thể và bởi cả những giới hạn của mình. Không ai định hình lương tâm của mình cách độc đoán nhưng tất cả chúng ta đều xây dựng cái “tôi” trên nền tảng cái “ngã” (nhân tính) đã được ban cho ta. Không chỉ những người ở bên ngoài không thể kiểm soát chúng ta, nhưng ngay chúng ta cũng không thể hoàn toàn kiểm soát chính mình. Sự phát triển của một con người sẽ bất thành nếu người đó cho rằng mình là tác giả duy nhất của phát triển.”[6]

Đức Giáo hoàng Phanxicô chống lại tư tưởng tương tự vậy, thay thế vào đó là khích lệ việc thông dự tự nguyện vào thân xác tự nhiên, thân xác mà chúng ta đón nhận như tặng phẩm từ Đấng Tạo Hoá:

“… khi nghĩ rằng chúng ta tuyệt đối làm chủ thân xác thì sẽ dễ dàng đưa đến việc nghĩ rằng mình tuyệt đối làm chủ cả thiên nhiên. Phải học hỏi để chấp nhận thân xác của mình, để chăm sóc và tôn trọng những ý nghĩa đa dạng của nó, là yếu tố cốt yếu của sinh thái học nhân bản đích thực. Cũng như việc đánh giá thân xác mình là nam hay nữ cũng cần thiết, để có thể nhận ra chính mình trong việc gặp gỡ với người khác mình. Với cách này, có thể vui mừng đón nhận hồng ân đặc biệt của kẻ khác là đàn ông hay đàn bà, là công trình của Thiên Chúa, và giúp làm phong phú cho nhau.”[7]

Chúng ta không thể sở hữu chính mình bởi lẽ chúng ta là một món quà, và gần nhất một người có thể trở nên sở hữu của chính mình bằng cách tạo ra món quà của mình cho người khác. Hay nói cách khác, bất cứ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó.[8]Chỉ bằng cách chấp nhận nguyên lý về tặng phẩm và vai trò căn bản của nó trong cuộc đời của chúng ta thì chúng ta mới có thể hiểu đúng về bản chất của quyền “sở hữu” của chúng ta. Điều đó thành ra là một quan điểm khiêm tốn hơn luận thuyết chính trị đương thời muốn thuyết phục chúng ta.

d. Những quyền lợi của Thiên Chúa

Cuối cùng, sẽ không đúng khi bỏ qua đề tài về quyền lợi mà không nhắc đến một sự thật không mấy được hoan nghênh về truyền thống của Giáo Hội – một điều không vừa ý với những ai đã đơn thuần chấp nhận sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước, cùng với quan điểm của chủ nghĩa nhân văn về quyền tối thượng của nhân dân và về chủ nghĩa tục hoá. Sự thật không mấy được hoan nghênh đó là xã hội, nếu muốn cho các quan điểm của xã hội về tự do được hợp pháp, thì không bao giờ được phủ nhận bổn phận với Thiên Chúa, bởi quyền lợi của Thiên Chúa đến trước quyền lợi của con người, và quyền lợi của con người sẽ không tiếp tục tồn tại mà không có nền tảng đó. Như lời của Đức Lêô XIII tuyên bố: “Thế giới đã nghe đủ về cái được gọi là ‘quyền lợi của con người,’ giờ đây hãy nghe chút xíu về quyền lợi của Thiên Chúa.”[9]

Và trong thông điệp của ngài về quyền tự do con người, Đức Giáo hoàng giải nghĩa sâu xa hơn ý tưởng truyền thống về Nhà nước và mối liên hệ giữa Nhà nước và tôn giáo:

“Thiên Chúa đã làm ra con người cho xã hội, và đặt con người vào trong cuộc đồng hành với người khác giống mình, để điều con người đòi hỏi đối với bản tính mình và vươn xa đến cái con người có nếu nó được đặt để trong các nguồn lực của con người, thì con người phải dành lấy bằng mối liên hệ với người khác. Do đó, xã hội phải công nhận Thiên Chúa như Đấng sáng lập ra xã hội và là Người Cha của xã hội, cũng như phải tùng phục, tôn kính sức mạnh và thẩm quyền của Người. Vì thế, đức công bằng ngăn cấm, cũng như chính lý trí can ngăn, Nhà nước là vô thần; hoặc chấp nhận một mối dây hành sử sẽ kết thúc trong tính vô thần, để đối xử cách bình đẳng với các tôn giáo (như họ gọi) khác biệt, và dành cho các tôn giáo các quyền lợi cũng như những đặc quyền ngang bằng. Bởi vì tuyên xưng một tôn giáo là thiết yếu đối với đất nước, thì tôn giáo đó phải bày tỏ cái gì là đúng, và cái gì có thể được công nhận mà không gặp khó khăn, đặc biệt là trong những Nhà nước Công giáo, bởi dấu vết của chân lý, như nó đã là, được ghi khắc trong nó. Vì thế, các nhà lãnh đạo quốc gia phải bảo tồn và bảo vệ tôn giáo này, nếu họ muốn mang đến – như nhiệm vụ phải làm – điều tốt đẹp cho cộng đồng với sự khôn ngoan và hữu dụng. Vì chính quyền hiện hữu để mang đến hạnh phúc cho những người mà họ cai trị; và mặc dù cùng đích gần nhất của Nhà nước là dẫn con người đến với sự phồn thịnh được tìm thấy trong cuộc đời này, thế nhưng, khi làm điều đó, Nhà nước không được phép giảm bớt, nhưng đúng hơn là phải làm tăng, khả năng của con người trong việc đạt tới sự thiện hảo tối thượng, nơi mà hạnh phúc bất diệt của con người cốt tại chỗ này là: hạnh phúc đó sẽ không thể đạt tới nếu coi thường tôn giáo.”[10]

Ở đây, chúng ta cảm thấy thật đúng lúc để nhớ lại lời đối đáp của các vị tông đồ, những người mà trước những Lời của Chúa Giêsu đã nói rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”[11]Chúng ta có thể cảm nghiệm được điều khó chịu tương tự vậy trong đề nghị về mối tương quan được chấp nhận giữa Nhà nước và Giáo Hội. Và tuy vậy, sự thật là thế, dù chướng tai hay không chướng tai.

7. Những thái độ đúng đắn về tiền bạc

a. Một “dịp tội” cần thiết

Đức Lêô XIII cảnh báo rằng “Kẻ phú quý đời này phải biết rằng, dầu tiền của nhiều, họ cũng không tránh được sự đau khổ, mà cũng không thêm phần ích lợi gì, để mua chuộc phúc lợi đời sau. Nói đúng hơn tiền của đối với đời sau chỉ là một trở ngại.”[12]Trong khi nói những điều đó, Ngài diễn tả thái độ về truyền thống của Kitô hữu đối với tiền bạc, hiện thân của “dịp tội” cần thiết.

Các dịp tội là “những hoàn cảnh bên ngoài – những sự vật hoặc những con người – hoặc do bản chất đặc biệt của nó hoặc do sự yếu ớt chung cho loài người hay cụ thể ở cá nhân nào đó, xúi dục và lôi kéo phạm tội.”[13] Nói rằng tiền bạc là “dịp tội” là công nhận nó có một vai trò quan trọng trong việc gây ra tội, chứ tiền bạc tự bản chất không phải là tội. Tiền bạc lại còn thể hiện được cấp độ của tinh thần trách nhiệm. Và lúc này thật hợp lý khi quay trở lại với Đức Lêô XIII với lời trích dẫn ở khía cạnh này:

“Kẻ phú quý đời này phải biết rằng, dầu tiền của nhiều, họ cũng không tránh được sự đau khổ, mà cũng không thêm phần ích lợi gì, để mua chuộc phúc lợi đời sau. Nói đúng hơn, đối với đời sau, tiền của chỉ là một trở ngại. Họ nên run sợ trước những lời Chúa Giêsu đặc biệt đe doạ kẻ giàu trong phúc âm. Ngày Chúa tái hiện phát xét mọi người thì họ phải rành mạch tính sổ với Người, về cách đã dùng tiền của họ được hưởng dư.”[14]

b. Phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng

Một điểm quan trọng về tiền bạc được ẩn dụ trong những lời của Chúa Giêsu: quyền sở hữu không cấp quyền được sử dụng tài sản tùy thích (hoặc từ khước sử dụng tiền bạc, khi cần). Đó là sự phân biệt cổ điển giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. Chúng ta tiếp tục với lời của Đức Lêô:

“Kèm theo đây là những nguyên tắc sử dụng tiền của, mà các triết gia ngoại đạo đã phác qua. Những nguyên tắc ấy chỉ có Giáo Hội toàn quyền giải nghĩa minh bạch và đưa từ phạm vi ‘lý thuyết’ sang phạm vi ‘thực hành.’ Ðiều căn bản ai cũng phải nhớ, là phân biệt quyền được sở hữu tiền bạc và quyền được sử dụng tiền của tùy thích cho phải lẽ. Quyền sở hữu – (như đã thấy ở trên) là quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của con người. Thực hiện quyền ấy đối với con người sống trong một xã hội không những là một việc hợp pháp mà lại là một sự tối cần nữa. Thánh Tôma nói: quyền sở hữu của cải là điều hợp pháp và cần phải sử dụng quyền ấy để sống. Nhưng hỏi rằng: Phải dùng tiền của như thế nào cho phải lẽ? – Giáo Hội không ngần ngại quả quyết bằng những lời của Vị Thánh Tiến sĩ rằng: ‘Trong phạm vi ấy con người phải chân nhận một điều như sau: không ai được coi các sự vật trong thiên nhiên là của riêng mình. Các sự vật ấy đều là của chung, nên dầu mình có bao nhiêu, nếu mình thấy ai là kẻ túng thiếu thì mình phải tình nguyện phân chia với họ tùy theo sự túng thiếu của họ. Bởi thế, Thánh Phaolô có câu: ‘Hãy bảo kẻ giàu có ở thế gian này phải phân chia của cải cho rộng tay.’ Ðã hẳn không ai buộc lấy của cải cần thiết cho mình, hay cho gia đình đủ sống, mà cứu độ anh em đồng loại. Cũng không ai bắt buộc giảm bớt những của cải tiện nghi và thích đáng với địa vị của mình. ‘Thật ra không ai bắt ai phải ăn ở trái ngược với những tiện nghi của xã hội.’ Nhưng đã liệu cho mình đủ sự cần và tiện nghi, nếu còn phần dư, ai cũng bắt buộc dành để thí cho kẻ khó. ‘Phần của dư thì hãy phân phát.’ Ðó là bổn phận bắt buộc ai cũng phải thi hành, trong những trường hợp tối cần, là bổn phận do lẽ công bằng bắt buộc. Nhưng thường ngày chỉ là do bổn phận bác ái, nên không có luật pháp nào buộc giữ trọn phận sự ấy.”[15]

c. Từ thiện của tư nhân đối lại với hoạt động của chính quyền

Sự phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản theo Đức Lêô đã trợ giúp chúng ta rất nhiều trong các vấn đề tranh luận ngày nay. Thí dụ, ngày nay người ta nói nhiều vai trò “việc từ thiện của tư nhân” để cứu giúp người nghèo đói và người túng quẫn. Một số đi xa hơn nữa khi nói, nếu chúng ta chỉ cắt giảm các chương trình của chính phủ và dành các loại thuế vốn hỗ trợ các chương trình đó cho quyền tự quyết của người đóng thuế, thì vấn nạn nghèo đói sẽ được xoa dịu cách hiệu quả hơn nhiều. Vì thế, chúng ta hãy tìm hiểu đạo lý của Công giáo, trước tiên là bác ái, sau đó tới vai trò của Nhà nước với nhiệm vụ cứu trợ nghèo đói.

d. Công bình đến trước bác ái

Trước tiên, dù thông thường bác ái vẫn được coi là cái gì đó như “nhân đức tư nhân,” được thực hành bởi cá nhân hơn bị thúc bách bởi Nhà nước, chúng ta cũng phải công nhận rằng bác ái vẫn hoạt động trong tương quan với công bình và công bình có sự đòi buộc ưu tiên. Điều đó có nghĩa là nếu những đòi hỏi của công bằng chưa được đáp ứng thì bác ái vẫn không đi vào thực tế được, và vì thế điều mà Nhà nước trích ra từ những hạng mục thuế của người giàu không tất thiết là vấn đề của bác ái cưỡng bách nhưng là vấn đề của công lý cưỡng bách.

Bác ái cưỡng bách là điều không thích hợp, nhưng công lý cưỡng bách thì khác. Theo những lời của Đức Bênêđictô XVI thì bác ái vượt trên cả công bình:

“Bác ái vượt trên công bình, vì yêu thương là trao ban cho kẻ khác điều ‘thuộc về tôi;’ nhưng bác ái không thể hiện hữu nếu không có công bình, là điều buộc tôi phải trao trả cho kẻ khác điều ‘thuộc về họ;’ điều thuộc về họ căn cứ vào hữu thể và hoạt động của họ. Tôi không thể ‘ban tặng’ cho kẻ khác điều ‘thuộc về tôi’ mà trước tiên không trao trả lại cho họ điều thuộc về họ dựa theo công bình. Ai yêu thương anh em trong tình bác ái, thì trước hết phải thực thi công bình đối với họ. Công bình không những không xa lạ với bác ái, cũng không phải là con đường thay thế hay song song với bác ái: công bình liên kết chặt chẽ với bác ái, công bình là yếu tố nội tại của bác ái. Công bình là con đường đầu tiên của bác ái hay – như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói – là ‘tiêu chuẩn tối thiểu’ của bác ái.”[16]

Giáo lý Hội thánh Công giáo cũng vọng lên sự đồng thuận, với việc viện dẫn những câu nói có thẩm quyền khác biệt về chủ đề: “Không cho người nghèo dự phần lợi ích với chúng ta là chúng ta đã đánh cắp chúng và tước đoạt nó ra khỏi cuộc đời họ. Các lợi ích mà chúng ta sở hữu không phải là của chúng ta mà là của họ.”[17] “Tiên vàn các đòi buộc của công bình phải được thoả mãn tất cả; điều mắc nợ theo công bình thì không thể được ban tặng như một món quà của lòng bác ái.”[18]“Khi chúng ta phục vụ nhu cầu cho những người túng thiếu là chúng ta trao cho họ cái thuộc về họ, không phải thuộc về chúng ta. Hơn nữa chúng ta đang trả món nợ công bình chứ không phải là những việc thể hiện lòng thương xót.”[19]

Những ai cố gắng đặt bác ái đối nghịch với công bình, và cố dùng cái này để tránh cái kia là đang cố gắng phân chia hai mặt của một đồng tiền:

“Không có cách biệt giữa yêu thương đồng loại và khao khát công bình. Làm cho chúng tương phản nhau là làm méo mó đi cả tình yêu lẫn công bình. Thực vậy, ý nghĩa về lòng thương xót hoàn thiện ý nghĩa về công bình nhờ việc ngăn chặn công lý đóng chặt chính mình trong vòng thù hận.”[20]

e. “Các bạn đã không xây dựng nó”

Đó có lẽ là thái độ của “chế độ nhân tài,” đã đưa tới sự đối chọi giữa bác ái và công bình. Thái độ đó được hình dung như kiểu không ai xứng đáng với cái mà họ không “làm” ra xét về mặt công bằng, và nó cho thấy, bất cứ cái gì tôi sở hữu hợp pháp thì thuần tuý và tuyệt đối là của tôi bởi vì tôi làm ra nó, và thật là bất công khi đề nghị tôi phải phân chia tài sản của tôi. Nhưng ở đây, Kinh Thánh đưa ra lời cảnh bảo:

“Anh em sẽ được ăn, sẽ được no nê và sẽ chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vì miền đất tốt tươi mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em. Anh em hãy ý tứ đừng quên Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà không giữ các mệnh lệnh, quyết định và thánh chỉ của Người, mà tôi truyền cho anh em hôm nay. Khi anh em được ăn, được no nê, khi anh em xây nhà đẹp để ở, khi anh em có nhiều bò và chiên dê, nhiều vàng bạc và nhiều mọi thứ của cải, thì lòng anh em đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em… Anh em đừng tự bảo: ‘Chính năng lực của tôi và sức mạnh bàn tay tôi đã tạo ra cho tôi sự giàu có này.’ Anh em hãy nhớ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vì Người ban cho anh em năng lực tạo ra sự giàu có…”[21]

Nói cho cùng, tất cả những gì chúng ta có đều là quà tặng từ Thiên Chúa. Theo ý nghĩa hẹp hơn, tất cả những gì chúng ta có đều là sản phẩm của xã hội mà ta sống trong đó, và trong xã hội ấy chúng ta có thể tham gia, sống, học hỏi, lao động và gặt hái thành quả. Không ai là một hòn đảo, người ta hay nói như vậy.

Trong khi đưa ra đòi hỏi quyền sở hữu và đòi trả lương cho người lao động đã góp sức là chính đáng, thì thật là viển vông khi nghĩ tưởng rằng chúng ta tạo ra mọi thứ từ hư không và chúng ta chẳng mắc nợ điều gì khác ngoài công khó của mình. Đúng thế, những hành động, năng khiếu, và ý tưởng tương tự đã mang lại cho con người một gia tài trong một đất nước phát triển, thí dụ, sẽ có những kết quả rất khác nhau trong thế giới thứ ba, vì thế vai trò của sự quan phòng về những thành tựu của chúng ta có ưu thế hơn. Thánh Ambrôsiô nói lên điều đó:

“Bạn nói, ‘của tôi’? Bạn có được cái gì là của mình? Khi được sinh ra từ cung lòng mẹ, bạn mang theo mình tài sản gì? Cái bạn nắm giữ nhiều hơn sự cần thiết là do bạo lực. Phải chăng Thiên Chúa bất công khi không phân phát cho chúng ta những phương tiện sống đồng đều với nhau, để bạn có được sung túc trong khi những người khác lại thiếu thốn? Hoặc đúng ra khi Thiên Chúa mong muốn trao ban cho bạn những dấu chỉ lòng nhân từ của Người, trong khi đó đồng bào của bạn lại được Người ban cho nhân đức kiên nhẫn? Như thế, khi bạn đón nhận quà tặng của Thiên Chúa mà lại giữ cho riêng mình phương tiện sống của nhiều người khác thì bạn nghĩ là mình có bất công hay không? Đó là bánh của kẻ đói mà bạn giữ lấy, áo quần của kẻ trần truồng mà bạn cất đi; tiền mà bạn cất giấu là giá cứu mạng người nghèo.”[22]

f. Tốc lực của tiền

Thánh Basiliô ví tiền bạc như một dòng sông lớn: Nếu nước ở đó thường xuyên được lưu chuyển thì dòng sông đó sẽ vẫn giữ được mọi thứ tinh tuý; còn nếu nước ở đó bị bỏ quên không được dùng đến thì dòng sông sẽ trở nên hôi thối và tù đọng.[23] Thật là điều thú vị, bởi vì nó tương đồng với kinh tế, vốn là khái niệm về tốc lực của tiền bạc. Khái niệm đó nói rằng, tiền bạc, nếu rơi vào tay người nghèo, sẽ ngay tức khắc biến mất, hoặc là cho thuê hoặc cho bữa trưa hoặc cho một nhu cầu cấp bách nào đó. Nếu tiền nằm trong tay của một người rất giàu, nó có thể sẽ đi vào trong tài khoản ngân hàng để sinh ra lợi nhuận, hoặc là không đi đâu cả trong một thời gian rất dài. Giờ đây, nói theo kiểu kinh tế, cái sinh ra lợi nhuận là tốt đẹp, ít nhất từ quan điểm về một nền kinh tế vững mạnh, đầy sức sống và vận chuyển, trong khi tiền bị giữ lại quá lâu là điều nguy hiểm và dẫn đến tình trạng ứ đọng. Về điểm này dù cho người giàu có thường xuyên xài tiền và đầu tư đi nữa thì anh ta cũng không thể nào cân bằng với tốc lực của người nghèo. Và vì thế, ít nhất là từ quan điểm cụ thể, nhiều tiền lại là “vật cản” của nền kinh tế theo đúng nghĩa đen, trong khi đó tiền vô tay người nghèo càng nhiều càng tốt.

8. Những thái độ đúng đắn đối với người nghèo

Trong khi sự giàu sang, vốn bị xem và bị đối xử cách rõ rệt như dịp phát sinh tội lỗi, có thể được hòa hợp với công ích, còn nghèo đói thì không hợp với công ích, cho nên nghèo đói cần giảm thiểu, thậm chí cần phải xóa bỏ, vì là một trong những hệ quả luôn hiện hữu của tội lỗi. Chúa Kitô đã nói: “Người nghèo anh em luôn có bên cạnh,”[24]thế nhưng không bao giờ được giải thích cách “bình thường hoá” về nghèo đói, đặc biệt là khi lời phát biểu đó nói đến sự cao quý do Chúa Kitô hiện diện, chứ không phải về khả năng chịu đựng đau khổ.[25]Vậy thì thái độ đúng đắn mà Kitô hữu phải có đối với vấn đề nghèo đói là gì?

a. Cả tư nhân lẫn Nhà nước đều có vai trò của mình

Điều đầu tiên và trước hết là chúng ta cần phải loại bỏ vấn nạn chống lại hoạt động của chính quyền giúp đỡ người nghèo, theo đó chính quyền phải để những điều đó cho “lòng từ thiện tư nhân,” dựa trên giả định là Nhà nước không có danh nghĩa pháp lý để can thiệp. Thực là một quan điểm quá vô lý, chắc chắn thế, nhưng dù sao nó vẫn phổ biến. Về vấn đề này các Đức Giám mục Hoa Kỳ đã thẳng thắn trả lời rằng:

“Trách nhiệm làm vơi bớt tình cảnh khó khăn cho người nghèo là thuộc về mọi thành viên trong xã hội. Xét như cá nhân, mọi công dân có bổn phận trợ giúp người nghèo qua các hành động bác ái và trách nhiệm cá nhân. Tuy vậy bác ái cá nhân và hành vi tự nguyện vẫn chưa đủ. Chúng ta cũng phải gánh vác trách nhiệm đạo đức để trợ giúp và động viên người nghèo nhờ chung tay làm việc thông qua chính quyền để thiết lập các chính sách công bằng, hiệu quả.”[26]

b. Chống lại hình thức đúc khuôn bêu xấu người nghèo

Tiếp đến, chúng ta cũng phải chiến đấu chống lại thái độ bất khoan dung với người nghèo, cứ như là họ thuộc tầng lớp bị trừng phạt công khai. Thật không khó để trích ra đây những đoạn Kinh Thánh vốn tôn trọng người nghèo thay vì bực bội vì tình cảnh nghèo khó của họ – tỏ lòng thương xót thay vì trịch thượng hay thái độ hợm mình. Trong thực tế, chúng ta có cảm tưởng khi khảo sát giáo huấn Kitô giáo là quan điểm truyền thống hoàn toàn đối nghịch với quan điểm ngày nay: trong quá khứ, nghèo khổ mang những dấu chỉ thiêng thánh và được coi như một biểu tượng, dù cho nó không được biểu hiện rõ ở bản thân và cuộc đời Chúa Giêsu. Ngày nay, khi xem xét các lời nói cùng hành động của nhiều người, thì dường như cảnh nghèo là điều tội lỗi xấu xa, và, như mối tương quan tất nhiên, những người giàu có nhất trong xã hội tự động được coi là đức độ, và nó cân xứng với số tài sản mà anh ta kiếm được. Vì thế, xoá bỏ đi những đúc khuôn phổ biến đang lớn dần làm đảo lộn giá trị trong thái độ của Kitô hữu đối với người nghèo là cấp thiết.[27]

c. Nghèo đói không hàm ý tính lười biếng hay không muốn làm việc

Những người nằm trong các chương trình của chính phủ thường hay bị nói bóng gió là xao lãng làm việc, những người đó hưởng trợ cấp xã hội hàng năm dù cho họ có thể làm việc nếu muốn. Thống kê cho thấy, không có một giả định nào trong số đó được chứng minh đúng.[28] Rất nhiều người nhận trợ cấp xã hội là những bà mẹ, họ phải, hoặc có sự chọn lựa đáng khen, ở nhà để dưỡng nuôi con cái. Một số là người già. Số khác là trẻ em. Vậy mà những bà mẹ đó lại bị công kích và ẩn ý rằng họ phải sinh con không vì lý do nào khác hơn là duy trì điều kiện đủ để chính phủ chi trả trợ cấp – cứ như là một người nào đó có suy nghĩ thông suốt không nhận thấy rằng kiếm một công việc thường thường thì dễ dàng hơn là ở nhà chăm sóc con cái. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy người nghèo thể hiện khát khao muốn được làm việc giống như bao tầng lớp xã hội khác. Chúng ta phải cùng với các Đức Giám mục Hoa Kỳ yêu cầu loại trừ những quan điểm sai lầm đó:

“Chúng tôi yêu cầu mọi người hãy kiềm chế các hành động, lời nói và thái độ nhằm bêu xấu người nghèo, cường điệu những lợi ích mà người nghèo nhận được và thổi phồng lên những trò gian lận trong việc chi trả những khoản trợ cấp xã hội. Đó là những triệu chứng của một thái độ gay gắt với người nghèo.”[29]

Các Đức Giám mục đã đúng đắn để ý đến bọn đạo đức giả trong thái độ nhờ quan sát đến những những khoản trợ cấp thiết thực nhất được chính phủ “chi trả” không đến được với tầng lớp thấp nhưng lại về tay những cá nhân và các tổ chức không phải là nghèo khổ. Tuy vậy, việc chỉ trích trực tiếp đến khoản chi trả cho người giàu hầu như không được đề cập đến. Vì sự xúc phạm có chọn lựa nên những quan điểm nói trên rõ ràng không xuất phát từ bất cứ loại hiểu biết thực sự về sự gian lận của dân nghèo, nhưng đúng hơn xuất phát từ những thái độ tiêu cực – đặc biệt là nỗi sợ – trong thâm tâm những người không thuộc về tầng lớp thấp này.

d. “Đói kém là một nguồn động lực tuyệt vời.”

Tất cả chúng ta đã nghe, hoặc trên đài hoặc từ một người nào đó trên đường, lời phát biểu này: sự đe doạ đói khổ hay một loại đau khổ khác nào đó tốt cho người nghèo và người thất nghiệp. Chúng ta nói vậy là vì sự đe doạ đau khổ là cái thúc đẩy những sinh vật lười biếng đó tham gia vào lao động tạo sản phẩm, và nếu sự đe doạ đó mất đi thì vấn đề nghèo đói sẽ chỉ trở nên tồi tệ. Thế nhưng một lần nữa, kinh nghiệm và phản ánh chung cho thấy rõ thái độ đó là sai lầm. Rất ít người giới hạn giờ làm việc của mình lại vì lương họ nhận được. Hầu hết mọi người, sau khi “làm việc,” về nhà chỉ chuyển sang một công việc hay một dự án khác nào đó. Như đã nói trên, thì những người khoẻ mạnh vẫn cố gắng làm việc. Những ai tuyên bố “đói kém là nguồn động lực tuyệt vời” lại rất hiếm khi dám thú nhận rằng chính họ cũng cần động lực đó. Tệ hơn nữa, lời nói ấy ngụ ẩn rằng nghèo đói là một vấn đề về động lực, và qua ngụ ẩn đó nó cho phép người nói tránh được hoàn toàn những đòi buộc về đạo đức về vấn đề nghèo đói đưa đến cho anh ta và xã hội. Đó là một sự rũ bỏ trách nhiệm đối với người nghèo bằng cách nhìn cái nghèo như một phương thuốc tốt nhất để chữa cái nghèo.

e. “Ai không làm thì cũng đừng ăn.”

Người ta nói rằng ma quỷ cũng thích trích dẫn Kinh Thánh bao lâu có thể viện dẫn nó cho phù hợp với mục đích của mình. Điều này dường như có thể áp dụng cho việc giải thích lời phát biểu quen thuộc của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Thêxalônica: “Ai không làm thì cũng đừng ăn.”[30]

Đối với vấn đề này, điều cần nói là có vô số những đoạn Kinh Thánh chỉ dẫn cho chúng ta thấy thái độ mà chúng ta phải có đối với người nghèo và câu trên không phải là một trong số đó. Trong thực tế, khi đặt vào bối cảnh của nó, thì chẳng có gì liên quan đến người nghèo cả. Thánh Phaolô đang nói với những người rõ ràng là chẳng có nguy cơ bị đói. Bởi vậy, trong khi lời cảnh báo của Thánh nhân chắc chắn là chống lại những kẻ lười biếng, nhưng thật là một lỗi lầm tai ác khi coi toàn bộ những lời Kinh Thánh chống lại kẻ lười biếng đều nhắm đến người nghèo, ra như người nghèo chính là những người duy nhất có khả năng phạm lỗi đó.

9. Thuế

Thật là ngây ngô khi nghĩ rằng đã có một thời mà người ta cảm thấy sung sướng với việc đóng thuế. Tuy vậy, Giáo Hội chưa bao giờ đặt vấn đề về việc thu thuế, trong tự bản chất, như một thủ tục đúng đắn – hơn nữa, chính Chúa Giêsu không cho chúng ta nhiều lý do để nghi ngờ việc Vua Caesar không được nhận điều thuộc về ông ta.[31] Và vì vậy, mặc dù có quá nhiều nhân tố đến nỗi chúng ta không tuyên bố được mức thuế bao nhiêu là chính đáng, thì ít nhất chúng ta cũng có thể đề cập đến vài đường lối chỉ đạo mà Giáo Hội đòi hỏi về vấn đề này.

a. Công bằng trong một hệ thống thuế luỹ tiến

Nguyên tắc thứ nhất, chắc chắn không còn phổ biến trong các trường phái ý thức hệ hiện đại, liên quan đến ý tưởng cho rằng chỉ thu thuế lợi tức những người có khả năng trả được và trong số lượng lớn hơn từ những ai thu nhập được lợi tức cao nhất từ hệ thống kinh tế mà họ sống trong đó. Như những lời Đức Piô XI nói trong Thông điệp Divini Redemptoris:

“Cũng cần phải có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước trong việc tạo ra những điều kiện sống vật chất mà nếu không có những điều kiện này sẽ không có được một xã hội trật tự… Để đạt được mục tiêu này, vốn là điều bị đòi buộc bởi các nhu cầu về sự thịnh vượng chung, các tầng lớp giàu có phải tham gia vào việc gánh vác những gánh nặng xã hội mà nếu không làm điều này, xã hội loài người sẽ vô phương cứu chữa, và chính họ, những người thuộc tầng lớp giàu có, cũng không thể được bảo đảm. Tuy nhiên, các chính sách của Nhà nước nhằm đạt được mục tiêu này phải là những chính sách thế nào đó có thể thực sự tác động đến những người trong thực tế đang sở hữu nhiều hơn những gì họ chia sẻ trong những nguồn tài chính, cũng như tác động đến những ai vẫn tiếp tục tích góp tài chính mà làm phương hại nghiêm trọng đến người khác.”[32]

Không cần nói, việc áp dụng chính xác nguyên lý đó có thể tạo ra nhiều hình mẫu khác biệt, thế nhưng người ta có thể nói chắc ăn rằng hệ thống được biết đến như “thuế luỹ tiến” là một phương thức hoàn toàn không khó và thích hợp để hiện thực mục đích. Và điều này được diễn tả trong USCCB (Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ) khi nó nói rằng:

“Hệ thống thu thuế nên được tổ chức theo nguyên tắc luỹ tiến, để những người có nguồn tài chính tương đối lớn hơn thì trả một mức thuế cao hơn. Việc bao trọn nguyên lý này trong các chính sách thuế là một phương cách quan trọng để giảm tải các vấn đề bất cân xứng về thu nhập và giá trị tài sản trong đất nước. Cần phải ra tay giảm bớt hoặc điều chỉnh tình trạng sau, đó là hầu hết các loại thuế tiêu thụ và thuế theo số lương trả đặt một gánh nặng không cân xứng lên những người có nguồn thu nhập thấp.”[33]

b. Người nghèo không phải đóng thuế lương bổng

Chỉ dẫn thứ hai, gắn liền với chỉ dẫn thứ nhất, đó là chính quyền phải miễn bất kể loại thuế thu nhập nào cho những người nằm dưới mức nghèo bởi gia cảnh của họ “được xác nhận là không đủ sức để mua lấy những thứ cần thiết nhất cho cuộc sống. Họ không buộc phải gánh vác thêm các loại thuế trên lương bổng nữa.”[34]

10. Sự không đồng đều và sự tái phân phối tài sản

Trọng tâm của khái niệm đại xá trong Kinh Thánh là việc tái phân phối tài sản nhằm giảm bớt tình trạng tích lũy của cải và xóa bỏ nợ nần. Sự tập trung đó xuất hiện rất tự nhiên trong rất nhiều nền kinh tế, bởi không có gì là hoàn hảo, thế nhưng nó trở nên khuếch đại trong các quốc gia công nghiệp: “Mẫu thức phát triển của các xã hội công nghiệp là khả năng tạo ra số lượng tài sản khổng lồ, nhưng cũng có những thiếu sót cực kì nghiêm trọng khi đụng đến việc tái phân phối hoa lợi đó cách công bằng và thúc đẩy sự gia tăng ở những vùng kém phát triển.”[35]

GHXH đã dành khá nhiều thời gian để khuyến khích các chính phủ và các tư nhân hành động chống lại sự gia tăng của bất bình đẳng xã hội.[36] Đức Giáo hoàng Phanxicô còn đi xa tới mức gọi sự bất bình đẳng là “cội rễ của mọi tội ác xã hội.”[37] Và nếu chúng ta chấp thuận tính tương thuộc giữa quyền lực chính trị và kinh tế, vốn ngụ ý rằng bất bình đẳng về tài sản tất thiết luôn ẩn chứa bất bình đẳng về quyền lực chính trị, vậy thì không có gì khó để nhận ra tại sao nó lại như vậy.

a. Vấn đề công bằng phân phối

Trên đây, chúng ta đã thảo luận về các khác biệt giữa công bằng phân phối và giao hoán. Công bằng giao hoán thì riêng tư, thiết thực và hiển nhiên nhất, thế nhưng nó cũng mơ hồ không kém. Việc xem xét các cuộc giao dịch mỗi ngày, dù cả đôi bên đều có ý muốn thành thực đến giá cả công bằng của các mặt hàng và các dịch vụ được trao đổi, thì họ hiếm khi đạt được mục tiêu. Khi mà ai đó trả giá cao hơn hay thấp hơn thì mở đầu cho sự mất thăng bằng trong hệ thống, và rồi một số lớn sai lệch bắt đầu chồng chất lên. Trên cấp độ xã hội, khi các chồng chất ấy đưa đến một điểm nào đó, thì sự vi phạm công bằng phân phối trở nên rõ ràng và, bởi vì công bằng phân phối là vai trò của Nhà nước, và vì rõ ràng rằng chỉ ở thời điểm đó Nhà nước mới có thể giải quyết được sự bất công, hành động chính trị có bổn phận đề nghị giải pháp. Cần chú ý rằng chúng ta mới chỉ đề cập đến việc giao dịch vốn dĩ là nơi con người chân thành nhắm đến giá cả công bằng. Nên lưu ý là chúng ta phải thừa nhận ở đây rằng các sai lệnh phải xảy ra và phải tích lũy. Chúng ta trông mong điều gì trong một xã hội, nơi con người được dạy cách sử dụng các phương thức theo cách sắp xếp riêng để trả ít nhất và thu lại nhiều nhất các giao dịch kinh tế? nơi mà một số người ở vị trí bóc lột và một số khác ở vị trí bị bóc lột? Một xã hội vốn quên đi Giá cả Công bằng mà thiên về tư lợi và động cơ lợi nhuận sẽ cần phải có hành động của Nhà nước hơn là của một xã hội vốn kiếm tìm sự công bằng do sự thỏa thuận với nhau, bởi vì nó sẽ tích cực tìm kiếm sự bất công trong mọi giao dịch. Sự cần thiết của công bằng phân phối trong trường hợp sự bất công diễn ra trên phạm vi lớn lại càng cấp bách hơn.

b. Loại bỏ đi những căn nguyên gây bất bình đẳng trong cấu trúc

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói đến “những nguyên nhân cơ cấu gây ra rối loạn kinh tế.”[38]Sau này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nối kết ý tưởng này, Ngài nói:

“Bao lâu những vấn đề về người nghèo chưa được giải quyết triệt để bằng cách loại bỏ quyền tự trị tuyệt đối của các thị trường cũng như quyền đầu cơ tài chính và nhờ việc đánh thẳng vào các căn nguyên trong cấu trúc gây ra bất bình đẳng, thì sẽ không bao giờ tìm thấy giải pháp nào cho những vấn đề của thế giới hoặc, cho vấn đề đói nghèo, hay bất cứ vấn đề nào khác. Bất bình đẳng là cội rễ của các bệnh hoạn trong xã hội.”[39]

Ở điểm này, Đức Phanxicô đi xa hơn nữa khi đưa ra lời thách thức bằng cách viện dẫn lời Đức Kitô: “Chính anh em hãy cho họ ăn!”[40]

Thế nhưng điều đó có nghĩa gì? Và các Đức Giáo hoàng đang nghĩ về điều gì? Chúng ta có thể bắt đầu nhờ việc để ý rằng rất nhiều vấn đề trong thế giới hiện đại là do tự chuốc lấy, được bén rễ trong những kế hoạch dở dang và trong tính ích kỷ:

“Việc coi mình là trung tâm, loài người tội lỗi có khuynh hướng xác nhận chính mình và thoả mãn với ước vọng vô tận về những thứ như: tiền bạc, quyền lực và khoái lạc, khinh miệt kẻ khác, cướp bóc cách bất công và đối xử với họ như những đồ vật hoặc công cụ. Như vậy, con người đã góp phần tạo ra những cấu trúc bóc lột và nô lệ mà chính con người đã lên án.”[41]

Song, dù cho chúng ta có thừa nhận phán đoán đó là xác đáng đi nữa thì chúng ta vẫn cần một phân tích rõ ràng hơn nếu như chúng ta hy vọng đạt được những giải pháp thiết thực. Vì lý do đó, một khảo sát nhanh chóng của GHXH đưa ra khá nhiều nguyên do rõ ràng hơn gây ra sự mất quân bình: tập trung đất đai và sự cần thiết cải cách ruộng đất, cụ thể cho những nước kém phát triển;[42]nạn thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm; nhiều rào cản không thể vượt qua được trong việc du nhập thị trường; các rào cản trong việc giáo dục;[43]ưu tiên đến phương tiện truyền thông và có nhiều chi phí rất cao trong việc quảng cáo làm lời cho thiểu số và loại trừ đa số.[44] Đối với điểm cuối cùng này, chúng ta có thể nói đến số người thuộc nhóm “giàu thông tin” đối lại với nhóm “nghèo thông tin,”[45] một vấn đề nảy sinh từ việc sử dụng không cân đối công nghệ. Sau cùng, tất cả các khả năng đó bao hàm hay khuyến khích tình trạng mắc nợ quy mô lớn, vốn có thể bị quy gán phần nào đó cho chọn lựa cá nhân, nhưng cũng có phần nào do nhu cầu.[46]

Nhưng có lẽ vấn đề được lặp đi lặp lại mà chúng ta đã đề cập đến, và là vấn đề được xem như khó giải quyết nhất, sự tập trung tài sản, và giải pháp đưa ra là tái phân phối tài sản.

c. Việc tái phân phối

Cụm từ “tái phân phối tài sản” có lẽ không chiếm được thiện cảm của nhiều câu lạc bộ, nhưng nó là một đề tài phổ biến trong GHXH. Trong Thông điệp Caritas in Veritate, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết:

“Hoạt động kinh tế không thể nào giải quyết được mọi vấn đề xã hội qua việc áp dụng lô-gích thương mại cách đơn giản. Lô-gích này phải nhắm đến việc đạt được công ích, là điều mà cộng đồng chính trị phải có trách nhiệm cách đặc biệt. Vì thế, không được quên rằng, một trong những nguyên nhân tạo nên sự mất quân bình trầm trọng là tách rời hoạt động kinh tế – vốn được quan niệm chỉ là sự làm giàu – với hoạt động chính trị vốn được coi là phương thế phục vụ công bằng qua việc tái phân phối.”[47]

Trong suốt Thông điệp, Đức Giáo hoàng sử dụng thuật ngữ “tái phân phối” tổng cộng 8 lần,[48] thậm chí đề cập cách vui mừng đến “khả năng tái phân phối tài sản trên quy mô rộng lớn chưa từng xảy ra trên phạm vi toàn cầu.”[49]

Dù điều đó làm sáng tỏ rằng Giáo Hội chấp nhận quan điểm ủng hộ sở hữu cá nhân hơn là chống lại nó, thì các Đức Giáo hoàng vẫn liên tục bị cáo buộc là phò chủ nghĩa xã hội, ra như việc kêu gọi tái phân phối cũng đồng nghĩa với việc huỷ bỏ hoàn toàn quyền sở hữu. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô không ủng hộ điều gì khác hơn là giáo lý về quyền sở hữu được tán rộng mà chúng ta đã đề cập ngay từ đầu và đâm rễ trong chính Thông điệp Rerum Novarum. Vì để thuận tiện, nên chúng ta viện dẫn lại bản văn liên quan đến ý nghĩa đó ở đây, và chúng ta thấy Đức Lêô XIII cũng đồng tình với quan điểm của Đức Bênêđictô XVI:

“Vì thế, luật lệ nên ủng hộ quyền sở hữu, và chính sách của nó phải trợ giúp cho mọi người trở nên những chủ nhân bao nhiêu có thể.”[50]

 

 


[1] PT, 273.

[2] PT, 274-275.

[3] LP, 23.

[4] CA, 38.

[5] Phần III, 2 và 3a-c.

[6] CV, 68.

[7] LS, 155.

[8] Mt, 16,25.

[9] TFP, 13.

[10] LP, 21.

[11] Ga 6,60.

[12] RN, 22.

[13] Delany, Joseph. “Occasions of Sin.” The Catholic Encyclopedia, Vol. 11. New York: Robert Appleton Company, 1911. 19 Dec. 2014.

[14] RN, 22.

[15] RN, 22.

[16] CV, 6; PP, 22; GS, 69; Đức Giáo hoàng Phaolô IV, Diễn từ cho Ngày Phát triển (23/08/1968).

[17] St. John Chrysostom, Hom. In Lazaro 2, 5: PG 48, 992.

[18] AA, 8,5.

[19] St. Gregory the Great, Regula Pastoralis. 3, 21: PL 77, 87.

[20] Libertatis Conscientia, 57.

[21] Đnl 8,10-18.

[22] Will Durant, The Age of Faith (New York, 1950), p. 630.

[23] Cf. Saint Basil the Great, Homilia in Illud Lucae, Destruam Horrea Mea, 5.

[24] Mt 26,11.

[25] Để trình bày chi tiết hơn những nguyên tắc về hành động giúp người nghèo, xem thư của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Economic Justice for All (01/11/1986), 186-214.

[26] Economic Justice for All, 189.

[27] Economic Justice for All, 193.

[28] Ibid.

[29] Economic Justice for All, 194.

[30] 2 Tx 3,10.

[31] Mc 12,17; Mt 22,15-22.

[32] DR,75.

[33] Economic Justice for All, 202.

[34] Ibid.

[35] Pontifical Council for Justice and Peace, Towards a better distribution of land, 1.

[36] EG, 52-53, 59-60, 202; RN, 3; PP, 9; CV, 22, 32, 42; SRS, 14; HTXHCG, 94, 145, 192, 297, 362, 363, 374, 389, 561.

[37] This comment appeared on the Pope’s twitter account on April 28, 2014.

[38] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Ngoại giao đoàn, 08/01/2007.

[39] EG, 188.

[40] Mc 6,37.

[41] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị về Tự do Kitô hữu và Giải phóng (22/03/1986), 42.

[42] Pontifical Council for Justice and Peace, Towards a Better Distribution of Land. The Challenge of Agrarian Reform (23 November 1997), 13.

[43] HTXHCG, 314.

[44] HTXHCG, 416.

[45] Pontifical Council for Social Communications, Ethics in Communications (4 June 2000), 20.

[46] HTXHCG, 450.

[47] CV, 36.

[48] CV, 32, 36, 37, 39, 42, 49.

[49] CV, 42.

[50] RN, 46.