Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo: Một Cái Nhìn Mới Từ Thông Điệp Rerum Novarum Đến Thông Điệp Laudato Si’ – Phần I

0
801


GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG  GIÁO:

MỘT CÁI NHÌN MỚI

TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

*************

                                                  

Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thái Bảo, O.P.
Tu sĩ Phêrô Vũ Nguyễn Minh Tiến, O.P.

chuyển dịch từ tác phẩm

CATHOLIC SOCIAL TEACHING :
A NEW SYNTHESIS
RERUM NOVARUM TO LAUDATO SI’

By Daniel Schwindt

 

 

PHẦN I. VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI

1. Lời minh giải cho học thuyết

Tại một thời điểm nào đó trong quá khứ, mọi người cứ cho là Giáo Hội cũng có nhiều điều để nói về những hoạt động kinh tế của thế tục, vì công việc của Giáo Hội là hướng dẫn và huấn luyện những khía cạnh thâm sâu về sự hiện hữu của con người. Đáng tiếc thay, trường hợp đó không còn nữa. Con người ngày nay được đào tạo để suy tư về những chiều kích đa dạng trong cuộc sống: một bên là “cá nhân” và một bên là “tinh thần,” một bên là “giải trí” và một bên là “nghề nghiệp,” một bên là “công” và một bên là “tư.” Kết quả khi đó là Giáo Hội và Nhà nước, và hơn nữa Giáo Hội và “thị trường,” bị chia cách và khẳng định họ không có gì để nói về nhau. Vì lẽ đó, chúng ta nhận thấy mình bị giản lược vào một nơi mà từ đó chúng ta phải chứng minh sự tồn tại minh nhiên của những học thuyết mà chúng ta sắp khám phá. Trước khi chúng tôi muốn nói những điều Giáo Hội dạy về đời sống kinh tế và chính trị, chúng tôi phải thuyết phục độc giả là Giáo Hội có quyền đưa ra bất kỳ quan điểm nào về bất cứ thứ gì trong những vấn đề này. May mắn thay, nhiệm vụ này không khó khăn.

a. Ân sủng giả thiết thiên nhiên

Nếu được hỏi tại sao Giáo Hội lại bận tâm đến “những chuyện thế tục” cũng như những vấn đề dường như đã bị tách biệt ra khỏi tôn giáo, chẳng hạn như học thuyết kinh tế, chúng ta có thể đơn giản đối đáp lại rằng, hai lĩnh vực này thực sự không xa cách nhau như những nhà duy vật và những nhà kỹ tri muốn chúng ta tin như thế. Tuy nhiên, vẫn có một lời giải thích toàn diện hơn giúp chúng ta hiểu không chỉ tại sao Giáo Hội có lý khi soạn thảo học thuyết này, cũng như tại sao, khi đã soạn thảo, học thuyết này đáng để mọi người học hỏi.

Chúng ta có thể tìm thấy lời biện luận như thế bằng cách dựa vào lời phát biểu của Thánh Tôma Aquinô, rằng ân sủng giả thiết thiên nhiên.[1]

Hay nói một cách khác, không được phép tách rời chiều kích tinh thần của con người (nơi đó hạnh phúc đích thực của con người phải được tìm thấy và là mối bận tâm lớn nhất của Giáo Hội) ra khỏi thế giới “thông thường,” ở đó chúng ta sống cuộc đời thường nhật của mình. Truyền thống Kitô giáo không chấp nhận một sự phân đôi như thế. Truyền thống Kitô giáo dạy rằng con người không phải là thân xác vật chất mà cũng không là linh hồn thiêng liêng, nhưng đúng hơn là một kết hợp của xác và hồn. Vì thế, ân sủng, hay đời sống tinh thần, giả thiết và dựa vào nền tảng của thiên nhiên. Và mặc dù, điều đúng đắn là nền tảng thì thấp hơn phần ở trên (ân sủng) theo thứ bậc, nó vẫn là nền tảng, và những nền tảng này là một cái gì đó cần thiết đối với các cấu trúc, là cái dựa vào những nền tảng đó. Khi hiểu như vậy, người nêu lên ý kiến rằng các nhà lãnh đạo tinh thần đừng nên bận tâm đến những vấn đề kinh tế và chính trị, và hãy lo chuyện đạo nghĩa mà thôi, đã phạm phải một trong hai sai lầm lớn sau.

Đầu tiên, điều có thể xảy ra là người ta cho rằng trật tự cao hơn của thực tại (đời sống tinh thần) không có gì liên quan với trật tự thấp hơn của thực tại (thế giới vật chất). Từ một quan điểm như thế, thật là hợp lý để quan niệm rằng “phạm vi thẩm quyền” của Giáo Hội chỉ giới hạn vào lãnh vực tôn giáo, và vì thế, công việc của Giáo Hội không có gì liên quan đến cuộc sống thế tục. Đây chắc chắn là một sai lầm rất phổ biến. Nó liên kết chặt chẽ với khuynh hướng hiện đại như đã đề cập ở trên, để cố gắng và tổ chức (“hệ thống hóa”) cuộc sống vào những phạm trù được phân chia một cách gọn gàng. Đáng tiếc thay, để đưa ra một quan niệm sống như thế, và bởi vì chính những thực tại vật chất này đè nặng ý thức của chúng ta một cách triền miên, sớm hay muộn những mối bận tâm vật chất bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn nữa, nếu không phải tất cả, thì cũng một phần sự chú ý của chúng ta. Khi bước vào con đường này, người ta bắt đầu bằng việc phân chia trật tự của thực tại thành những thế giới khác nhau, và người ấy kết thúc bằng việc đánh mất hoàn toàn một trong những thế giới đó như nó mất dần trong ý thức của mình. Quan điểm này của người ấy trở thành một chủ nghĩa duy vật ngầm, và đôi lúc cũng trở thành chủ nghĩa duy vật tỏ hiện.

Nếu chúng ta tránh sai lầm đầu tiên và giữ lại được cả hai trật tự này của thực tại trong sự suy xét của mình, thì chúng ta cũng phải ngăn ngừa một sai lầm thứ hai, nó đến từ một sự hiểu lầm về mối quan hệ thứ bậc giữa những trật tự tinh thần và vật chất. Trong trường hợp này, mặc dù trật tự tinh thần không bị mất đi, nhưng nó vẫn vô vọng và bị gạt ra ngoài “những vấn đề thế tục” vì việc tưởng tượng hai trật tự này như sự tồn tại “riêng biệt nhưng đồng đẳng,” mà trong thực tế chúng chỉ được hiểu một cách thứ bậc.

Để hiểu bản chất của sai lầm thứ hai này, chúng ta cần xem xét hai người lạ mặt mà chúng ta gặp trên đường. Họ khác biệt nhau và không đồng đẳng – và vì lý do này, thật không thích hợp cho người này xen vào công việc của người kia. Đây là một quan điểm thích hợp cho hai người trên đường, nhưng không thích hợp cho mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước, bởi vì mối quan hệ này có tính thứ bậc chứ không bình đẳng. Mối quan hệ này có thể được minh họa thành hai nhân vị, tựa như một người cha và một người con. Người cha có thể và phải can thiệp vào cuộc sống của người con. Và từ quan điểm của người con, hay điều ngược lại thì vẫn đúng: người con không thể truyền lệnh cho người cha, nhưng thay vào đó, phải nghe những gì người cha truyền khiến, bởi vì theo bản chất, người con ở vị trí tùng phục.

Đó là bản chất của tất cả các mối quan hệ thứ bậc. Mặc dù cấp dưới không thể thấu hiểu hoặc ảnh hưởng đến cấp trên, nhưng cấp trên luôn luôn có thể thấu hiểu và phải ảnh hưởng đến cấp dưới. Và như thế, mặc dù cấp dưới không thể vượt quá quyền hạn cấp trên, nhưng cấp trên ở vị trí hợp pháp để quản lý cấp dưới. Theo cách nói truyền thống này, đây là quan điểm thích hợp cho mối quan hệ giữa Giáo Hội và những nhà cầm quyền thuộc một trật tự hoàn toàn thế tục.

b. “Linh hồn” của thân thể xã hội

Chúng ta phải thận trọng ở đây. Mặc dù chúng ta nói rằng thẩm quyền của tinh thần là cấp trên và nó có thể ra lệnh cho cấp dưới, nhưng chúng ta cũng phải hiểu rõ rằng nó chỉ nói đến những vấn đề của cấp dưới có liên quan đến những nguyên tắc phổ quát, vì đây là lãnh vực chuyên môn của nó. Như chúng ta sẽ lưu ý dưới đây, nó không cung cấp “những giải pháp chuyên môn” liên quan đến những vấn đề kinh tế và chính trị, vì những giải pháp chuyên môn và “thực tiễn” là lĩnh vực riêng của những nhà cầm quyền chính trị. Chính đây là chỗ Giáo Hội nhìn nhận quyền tự trị của họ. Mối quan hệ thứ bậc này, là sự kết hợp cẩn thận giữa ước muốn thống nhất và sự tôn trọng quyền tự trị, được gọi là “Gelasian diarchy,” vốn được đặt theo tên một bức thư của Đức Gêlasiô I gửi Hoàng đế Anastasiô vào năm 494 sau CN, khi ấy Đức Giáo hoàng đã khuyên hoàng đế như sau:

“Thưa Hoàng đế uy nghi, có hai quyền hành ngự trị trên thế giới này: quyền linh thánh của các Giám mục và quyền của các vua. Quyền của các Giám mục có uy thế lớn hơn quyền của các vua, vì các Giám mục sẽ phải đưa ra lời giải trình về mọi người, kể cả các vua trước tòa Thiên Chúa.”[2]

Đức Lêô XIII đã khẳng định lại truyền thống này, khi ngài nói rằng: “Đấng Toàn Năng… đã giao phó cho loài người trách nhiệm coi sóc hai quyền hành: giáo quyền và thế quyền, một quyền được thiết lập để lo những việc thánh thiêng, còn quyền kia được thiết lập để lo những việc của con người và vạn vật,” nhưng ngài chắc chắn cũng lưu ý rằng, ở đây phải “tồn tại giữa hai quyền hành này một sự nối kết thứ bậc chắc chắn, mà có thể so sánh với sự hợp nhất của hồn và xác nơi con người.”[3] Không một ai biết rõ sự liên kết giữa xác và hồn mà lại muốn đề nghị rằng hồn không cần biết đến hoạt động và chức năng của thân xác.

c. Đức tin và luân lý

Nhiều lời chỉ trích Giáo Hội hay có kiểu dai dẳng lặp đi lặp lại vài câu nói một khi Giáo hoàng đã phát biểu về các vấn đề kinh tế hay chính trị. Họ nói rằng Giáo Hội chỉ có quyền trên “các vấn đề đức tin và luân lý” mà thôi, ý của lời này là muốn phân tách các vấn đề xã hội – kinh tế không thuộc về hai lãnh vực ấy. Nhưng tiếc thay, đây không phải là cách hiểu truyền thống về đời sống xã hội, kinh tế và chính trị. Thực vậy, luân lý ảnh hưởng rộng khắp trên tất cả những lĩnh vực này. Công bằng là nền tảng của luân lý, và cách đặc biệt không thể phủ nhận điều này là, các vấn đề kinh tế luôn bị sàng lọc bởi các vấn đề về công bằng. Nếu không trả lời được các vấn nạn này, chúng sẽ gây ra một sự hỗn loạn. Đó là lý do tại sao Giáo luật khẳng định rằng:

“Giáo Hội phải loan báo các nguyên tắc luân lý trong mọi thời và mọi nơi, kể cả những nguyên tắc về trật tự xã hội, cũng như phải phán đoán về tất cả các thực tại nhân sinh, trong mức độ mà các quyền căn bản của con người hay việc cứu độ các linh hồn đòi hỏi.”[4]

d. Khi trần thế phá hoại sự vĩnh cửu

Quay lại với nguyên tắc của chúng ta là ân sủng giả thiết thiên nhiên, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội quan tâm đến trần thế, không phải vì Giáo Hội muốn gây ảnh hưởng một cách cụ thể đến những hoạt động chuyên biệt thuộc về trần thế, nhưng vì con người cần một nền tảng vật chất dồi dào, ngõ hầu giúp đời sống tinh thần phát triển tối đa. Giáo Hội chỉ bận tâm về những vấn đề trần thế trong tầm mức chúng đe dọa những vấn đề tinh thần, nghĩa là mối bận tâm của Giáo Hội sẽ cần được khai triển trong những thời điểm rối ren và khủng hoảng kinh tế. Đặc biệt khi hoàn cảnh sống của con người trên trái đất bị kéo xuống một mức tối thiểu nào đó, Giáo Hội không thể và sẽ không tiếp tục im lặng. Chính trong hoàn cảnh cụ thể này đã làm nảy sinh, và khơi nguồn cho sự phát triển xa hơn nữa của GHXH:

“… nói cho đúng, tình trạng xã hội kinh tế ngày nay là trở lực kinh khủng nhất, khiến loài người phần đông không chu toàn được việc khẩn cấp hơn cả, là việc rỗi linh hồn.”[5]

Vô phúc thay những ai khẳng định rằng các hoàn cảnh kinh tế và chính trị không liên quan gì đến đời sống thiêng liêng. Rõ ràng có một điều hoàn toàn chính xác, đó là Giáo Hội luôn có những mối bận tâm muôn thuở là vì không muốn thờ ơ với những bận tâm trần thế của con người.[6]

2. Việc giải thích những dấu chỉ của thời đại

Chúng ta đã nói rằng Giáo Hội hành động như người bảo vệ chân lý phổ quát, và không liên quan đến các giải pháp có tính kỹ thuật.[7] Giáo Hội hoạt động dựa trên những nguyên tắc mang tính vĩnh cửu. Mặc dù không bao giờ thay đổi, nhưng những nguyên tắc này cần đến những sự thích nghi mới, phụ thuộc vào thời gian và không gian nơi mà những nguyên tắc này được áp dụng. Điều này không phải vì chân lý cách nào đó mang tính “tương đối,” hay thay đổi, nhưng là vì con người và môi trường luôn biến thiên liên tục. Với tư cách là một chuyên gia am hiểu về con người,[8] Giáo Hội có bổn phận liên tục quan sát những biến thiên liên tục trong các hoàn cảnh xã hội, lượng giá xem những sự điều chỉnh này là tốt hay xấu, đồng thời đáp lại những điều chỉnh đó theo ngôn ngữ dễ hiểu với từng thế hệ mới.[9]

3. Liên tục và đổi mới

Giáo Hội được giao nhiệm vụ vừa bảo vệ những giáo huấn vĩnh cửu và không đổi của mình, vừa cung cấp những sự thích nghi, những sự giải thích, và những sự tái giải thích phù hợp khi cần thiết, cho mỗi giai đoạn lịch sử. Giáo Hội phải “trở nên tất cả cho mọi người,”[10] và dù điều này không hề đi đến “sự thỏa hiệp,” nhưng nó có nghĩa là khi một thời đại mới xuất hiện, chính nó thay đổi các phong tục, ngôn ngữ và suy nghĩ của con người, thì Giáo Hội phải có nhiệm vụ chắc chắn rằng Truyền Thống của mình, trong sự toàn vẹn của nó, được trình bày cách nguyên tuyền và dễ hiểu. Dựa trên quan điểm này, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ ước muốn của mình, đó là ước muốn muôn đời của Giáo Hội:

“Tôi nhằm chính yếu vào… để khẳng định lại sự liên tục cùng với sự đổi mới không ngừng trong giáo lý về vấn đề xã hội của Giáo Hội. Thật vậy, liên tục và canh tân xác nhận giáo huấn của Giáo Hội có giá trị bền vững… Hai tính chất đó là đặc tính của giáo huấn Giáo Hội về vấn đề xã hội. Một đàng, giáo huấn đó bền vững bởi vì đồng nhất trong hứng khởi nền tảng, trong các ‘nguyên tắc suy tư,’ trong các ‘tiêu chuẩn phán đoán,’ trong các ‘đường hướng hoạt động’ cơ bản, và nhất là trong mối liên lạc chính yếu với Tin Mừng của Chúa; đàng khác, giáo huấn đó luôn luôn mới mẻ vì có những thích nghi cần thiết và hợp thời do những yêu cầu của những thay đổi trong hoàn cảnh lịch sử, và sự nối tiếp liên tục của những biến cố đan kết nên đời sống con người và đời sống xã hội.”[11]

4. Những lời nhận xét về Công Đồng Vaticanô II

Nếu chúng ta nghiêm túc thừa nhận Giáo Hội như một thẩm quyền (nếu không, thì chúng ta dĩ nhiên đang làm mất thời giờ của mình), thì khi ấy chúng ta phải chấp nhận toàn thể Giáo Hội, chứ không nên lượm lặt và chọn lựa những phần nào đó vì nó làm hài lòng chúng ta. Bây giờ, điều này dường như dễ dàng trong nguyên tắc – nhưng cái gì sẽ xảy ra khi chúng ta phải đối phó với một điều xem ra mâu thuẫn trong truyền thống của chính Giáo Hội? Cái gì sẽ xảy ra nếu Giáo Hội dường như “thay đổi suy nghĩ của mình” hoặc trở thành “một ngôi nhà tự chia rẽ?”[12] Có phải điều này không thôi thúc chúng ta chọn ở phe này để chống lại phe kia không, dẫu chúng ta có hay không có óc bè phái hoặc những giai đoạn lịch sử? Đây là một tình huống khó khăn, thế nhưng quan điểm của cuốn sách này là không có bất kỳ mâu thuẫn nào như thế trong thực tế. Điều này cho phép độc giả yên tâm vì họ sẽ không phải đối mặt với bất kỳ câu hỏi hóc búa nào về vấn đề to lớn này.

Tranh luận đã nổi lên trong suốt lịch sử Giáo Hội – chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này, vì như có lời chép rằng phải có nguyên nhân gây sa ngã[13] – và những cuộc tranh luận này đòi hỏi sự giải thích, đặc biệt là kể từ khi một số nhóm nào đó đã tận dụng những giây phút bất hòa này để chia rẽ đàn Chiên. Cuộc tranh luận gần đây nhất thuộc loại này liên can đến Công Đồng Vaticanô II. Vì cuộc tranh luận này, nên bất cứ nghiên cứu nào về GHXH mà cố gắng bỏ qua những bất đồng kéo theo sau Vaticanô II sẽ làm cho những độc giả của nó bối rối và thất vọng. Chúng tôi không mong muốn tình trạng bất an này xảy ra cho độc giả của mình, và vì thế, chúng tôi sẽ hòa giải cuộc tranh luận này mà không dừng lại với nó lâu hơn mức cần thiết. Chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng: sự bất đồng về các vấn đề chỉ là bề ngoài, Truyền Thống của Giáo Hội vẫn nguyên vẹn, và độc giả không cần chọn lựa giữa Giáo Hội của ngày hôm qua và Giáo Hội của ngày mai, nhưng có thể được bình an trong Giáo Hội Vĩnh Cửu.

Phải thừa nhận rằng những cuộc tranh luận xung quanh Công Đồng Vaticanô II là mối đe dọa lớn nhất đối với sự hiệp nhất của Giáo hội Công giáo trong thế kỷ qua. Những người tham gia vào cuộc chiến này có khuynh hướng chọn một trong hai quan điểm; mà theo chúng tôi cả hai quan điểm trên đều hời hợt: hoặc Vaticanô II là một sự thỏa hiệp bất hợp pháp đối với lạc thuyết duy tân chủ nghĩa, và do đó, tất cả các Giáo hoàng sau Công đồng là “những ngụy Giáo hoàng” và là chính những kẻ lạc giáo;[14] hoặc Công đồng đã đưa ra một “sự thay đổi” của Giáo Hội theo những đường lối hiện đại, mà mãi đến lúc ấy, nó đã bị chống đối một cách ngoan cố và sai lầm.

Cả hai quan điểm này có cùng một điểm chung, đó là một thái độ bi quan đối với Giáo Hội như một cơ quan có thẩm quyền. Cả hai tin rằng Vaticanô II tượng trưng cho sự từ khước đối với những giáo huấn trước đây của Giáo Hội. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ, đó là liệu sự thay đổi này là tốt hay xấu mà thôi.

Hơn nữa, cả hai quan điểm này thúc đẩy sự chia rẽ. Quan điểm thứ nhất yêu cầu tín hữu chống lại Giáo Hội theo cách ngày nay người ta nhận thức, trong khi quan điểm thứ hai yêu cầu tín hữu đứng về phía Giáo Hội theo cách Giáo Hội đã tồn tại trong một ngàn năm trước. Đó là lý do tại sao, chúng ta chẳng nên quan tâm đến cuộc tranh luận này, mặc dù chúng ta có thể tìm thấy những bậc đáng kính ở phía bên này, hay phía bên kia của cuộc tranh luận. Sau đây, chúng tôi sẽ cố gắng dẫn dắt độc giả tránh qua tình trạng lộn xộn này để có thể tránh những cạm bẫy không cần thiết như thế.

5. Một ví dụ từ Tuyên ngôn Dignitatis Humanae        

Khi nói đến những cuộc tranh luận phức tạp như thế, thật là hữu ích để chúng ta lấy ra một chi tiết trong cuộc tranh luận này để tóm tắt nó; và khi đó, bằng việc phân tích sai lầm này, chúng ta có thể đạt đến một sự hiểu biết trọn vẹn về bản chất của vấn đề.

Theo kinh nghiệm của tôi, vấn đề gây tranh cãi nhất từ Công đồng là Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (bàn về “Phẩm giá của Con Người”). Khi so sánh với cuộc tranh luận mà Công đồng đã khơi lên, tuyên ngôn này là một tài liệu ngắn đáng kinh ngạc, và có giới hạn trong phạm vi của mình (điều này gợi ý rằng cần phải đọc tuyên ngôn này theo một cách thức nào đó). Cội nguồn của sự bất đồng này phụ thuộc vào câu hỏi, liệu tuyên ngôn này có đảo lộn những giáo huấn trước đây về việc thờ phượng Thiên Chúa, cách riêng, về mối quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo hay không. Ví dụ, tuyên ngôn này tuyệt đối ngăn cấm Nhà nước ép buộc công dân trong việc tuyên xưng một tín điều cụ thể nào đó. Đồng thời, bản tuyên ngôn này ủng hộ giáo huấn cao cả sau: chỉ có lương tâm tự do mới có thể đưa ra một lời tuyên xưng chân thật về đức tin.[15] Không được phép thúc bách công dân tin nhận một niềm tin trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chỉ mới nhìn thoáng qua, điều này thể hiện một sự thay đổi trong thái độ từ quan điểm mà trước đây Giáo Hội vẫn giữ vững, đó là luôn luôn đòi hỏi một lời tuyên xưng công khai về vương quyền của Đức Kitô trong xã hội – cách riêng qua tiếng nói của Đức Lêô XIII.

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề của Giáo Hội và Nhà nước theo một quan điểm thích hợp trong nghiên cứu của chúng ta,[16] nhưng giờ đây sẽ là đủ khi trích dẫn một phần trong tuyên ngôn Dignitatis Humanae, những điều vốn rất thường bị xem nhẹ, nhưng điều đó hướng chúng ta về phía của sự thông hiểu, như mục đích của Công đồng:

“Quyền tự do tôn giáo… liên quan tới sự miễn trừ khỏi mọi áp chế trong xã hội dân sự, vì thế quyền tự do đó hoàn toàn phù hợp với giáo lý truyền thống công giáo, về bổn phận luân lý của các cá nhân cũng như của những đoàn thể xã hội đối với tôn giáo chân thật là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô.”[17]

Giờ đây, khi tiếp nhận những gì mà chúng ta đã nói trên đây liên quan đến mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước,[18] và nếu chúng ta cũng thừa nhận rằng tuyên ngôn Dignitatis Humanae chứa đựng những tuyên bố mà dường như đối nghịch với “giáo lý Công giáo truyền thống,” thì chúng ta phải chọn giữa ba cách thế khả thi trong việc giải quyết tình huống này:

1. Chúng ta có thể lờ đi trích dẫn trên đây, coi cái có vẻ từ bỏ như là thực sự từ bỏ, đứng về phía ủng hộ truyền thống, từ bỏ tài liệu này, Công đồng, tất cả những vị Giáo hoàng sau Công đồng, và từ đó tách biệt chính chúng ta ra khỏi Giáo Hội như Giáo Hội hiện hữu ngày nay. Chọn lựa này phù hợp với những người được gọi là “những người theo chủ thuyết trống tòa.”

2. Chúng ta có thể lờ đi trích dẫn trên đây, coi cái có vẻ từ bỏ như là thực sự từ bỏ truyền thống, đứng về phía chống lại truyền thống, từ đó tự mình tách biệt ra khỏi hai ngàn năm giáo huấn của Giáo Hội. Đây là quan điểm của những phần tử tự do hay thuộc “người theo trào lưu duy tân” của Giáo Hội.

3. Chúng ta có thể tiếp nhận trích dẫn trên đây hoàn toàn, thật ích lợi khi trao quyền hoài nghi chính đáng vốn thuộc về Huấn quyền, khi giả định rằng nó sẽ không quá hiển nhiên mâu thuẫn với chính mình. Khi đó, tự chúng ta có thể bắt tay ngay vào nhiệm vụ hòa giải điều có vẻ mâu thuẫn giữa Tuyên ngôn Dignitatis Humanae và cách hiểu truyền thống về tự do tôn giáo, chẳng hạn cách hiểu mà Đức Lêô XIII đã dạy trong Thông điệp Immortale Dei Thông điệp Libertas. (Cả hai thông điệp của Đức Lêô XIII đều được trích dẫn trong Tuyên ngôn Dignitatis Humanae). Ví dụ, chúng ta có thể thừa nhận rằng một Nhà nước có thể bị cấm thúc ép niềm tin, nhưng đồng thời có nghĩa vụ bó buộc phải thừa nhận Đức Kitô là Vua.

Chúng tôi sẽ tiếp nhận cách tiếp cận thứ ba xuyên suốt nghiên cứu này. Còn những cách thức tiếp cận khác đều làm cho cuộc nghiên cứu này trở nên một nỗ lực lãng phí. Làm thế nào để sự hòa giải một điều xem ra mâu thuẫn thì sẽ được giải quyết rõ ràng trong những phần tiếp theo, cách riêng trong Phần VI, mục 4.

6. Giáo huấn Xã hội Công giáo, các hệ thống, và các hệ tư tưởng

Vì nhu cầu phải thường xuyên tái giải thích và tái áp dụng các nguyên tắc về giáo huấn xã hội của Giáo Hội, vốn tự thân không thay đổi, hẳn nhiên rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ trình bày một “hệ thống” kinh tế đặc biệt hay một “chương trình” chính trị nào đó theo bất kỳ loại hình nào.[19] Các ứng dụng kỹ thuật thì không, và không thể là phạm vi của giáo huấn về xã hội, vì chúng phải được xây dựng và bổ túc theo những hoàn cảnh riêng biệt của từng cảnh huống lịch sử, địa lý, và văn hóa. Các giải pháp kỹ thuật có thể có các hiệu quả cho một nhóm xã hội hay vùng địa lý nhưng lại tỏ ra không phù hợp các vùng khác, và vì thế thật là vô ích nếu Giáo Hội cố gắng và đưa ra một giải pháp “khuôn mẫu” và đòi hỏi rằng giải pháp của Giáo Hội được áp dụng cách máy móc cho mọi dân tộc thuộc mọi thời đại. Một giải pháp như thế là một mối đe dọa của việc suy tư có tính ý thức hệ, mà Giáo Hội luôn luôn tránh. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, vì Giáo Hội ở trên ý thức hệ và các hệ thống đặc biệt, Giáo Hội vẫn giữ lại khả năng phán quyết về sự phù hợp của các hệ thống này, với các đòi hỏi về nguyên lý của Giáo Hội. Điều này có nghĩa là khi Giáo Hội lên án chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, thì Giáo Hội vẫn ở trong phạm vi quyền hạn của mình; và Giáo Hội có thể tố cáo những hệ thống phi luật pháp này mà không buộc phải đưa ra một “hệ thống” khác thay thế. Việc biện phân nêu ra các nguyên tắc thì thuộc phạm vi của Giáo Hội. Điều mà Giáo Hội đòi hỏi và đề nghị là “một định hướng cần thiết và lý tưởng,”[20] mà Giáo Hội mời gọi các giáo dân đem ra thực hành trong phạm vi năng lực riêng của mỗi người theo ơn gọi của mình.

7. Thẩm quyền của Giáo huấn

Quả thật rất hữu ích khi đề cập điều này là, khi đụng đến những tác phẩm như tác phẩm mà bạn đang có trong tay đây, cũng như khi xem xét các tài liệu chính thức như sách Tóm lược Giáo lý, những trích dẫn được sử dụng sẽ khác nhau theo cấp bậc về thẩm quyền. Có những bài diễn văn của Giáo hoàng, các thông điệp và các tài liệu của Công đồng, cũng như công trình đặc biệt này được xuất bản bởi các Hội đồng Giám mục chẳng hạn USCCB. Thậm chí trong các tài liệu của Công đồng cũng có nhiều cấp độ thẩm quyền khác nhau giữa các Hiến chế, các Tuyên ngôn, và các Sắc lệnh.[21]

Mặc dù có thể nói thêm về sự liên hệ ràng buộc của mỗi loại tài liệu, phân tích cấp độ bó buộc các tín hữu, nhưng chúng tôi chọn không đi sâu vào chủ đề này ở đây. Lý do là vì cách tiếp cận này có thể được tìm thấy trong những điều kiện xã hội phổ biến trong thời đại của chúng ta. Chúng tôi đã gợi ý về những điều kiện này phía trên đây. Bên trong những chế độ tự do – dân chủ hiện đại như Hoa Kỳ, não trạng xã hội có khuynh hướng bị ám ảnh với việc giải thoát khỏi thẩm quyền tôn giáo, hơn là với nghĩa vụ hướng về nó. Kết quả là những việc nại đến thẩm quyền tôn giáo, dẫu có hợp pháp hay không, đều không có tác dụng nào trên các độc giả đương thời. Các thính giả theo bản năng chống lại bất cứ điều gì ràng buộc lương tâm mà không cho họ quyền tự chọn lựa. Nguyên tắc của tính dễ bảo, hoặc những đề nghị rằng một người có thể tiếp nhận một thái độ quy phục mà vẫn bảo toàn phẩm giá của mình, thì nguyên tắc ấy không được chấp nhận trong các nền văn hóa, nơi mà mỗi người được đảm bảo, từ khi sinh ra tới lúc chết đi, rằng không có thẩm quyền nào cao hơn lý trí hoặc sở thích riêng, và rằng người ta không phải vâng phục ai cả. Vì lẽ đó, chúng tôi nghĩ rằng trong quyển sách này không nên xét đến tính chất bó buộc của vài văn kiện, bắt nguồn từ chính các giáo huấn với niềm hi vọng rằng, dù chúng tôi sẽ không cố gắng chứng minh những cấp độ thẩm quyền khác nhau nơi mỗi giáo huấn, nhưng độc giả nào lưu tâm đến các giáo huấn sẽ tự mình khám phá ra vấn đề này.

Hơn thế nữa, khi công khai tránh mô hình vụ luật của điều buộc hoặc không buộc tin, chúng tôi có thể phác thảo toàn bộ giáo huấn xã hội một cách toàn diện hơn, bởi vì phần lớn giáo huấn không phải là việc trình bày điều mà Giáo Hội truyền, nhưng, như chúng tôi đã nói ở trên, là việc chỉ ra lý tưởng cao thượng mà Giáo Hội hy vọng, và rồi sau đó, chúng ta sẽ nỗ lực cố gắng sống như những người yêu mến của Đức Kitô.


 


[1]ST I-II, q. 2, a. 1.

[2] Trans. John S. Ott, Portland State University, from Andreas Thiel, ed. Epistolae Romanorum pontificum genuinae et quae ad eos scriptae sunt a S. Hilaro usque adPelagium II., vol. 1 (Brunsberg: Eduard Peter, 1867), Letter no. 12, pp. 349-358.

[3] ID, 14.

[4] Bộ giáo luật, điều 747, § 2.

[5] QA, 130.

[6] HTXHCG, 71; EN, 34.

[7] LS, 188.

[8] HTXHCG, 71; PP, 13.

[9] GS, 4.

[10]1Cr 9,19-23.

[11] SRS, 3; Cf. OA, 4.

[12] Mt 12,25.

[13] Mt 18,7.

[14] Đây là quan điểm của “những người theo chủ thuyết trống tòa” (sedevacantists), bắt nguồn từ tiếng Latin: sede vacante, nghĩa là “trống tòa.” Những người theo chủ thuyết trống toà thường khẳng định rằng: vị giáo hoàng hợp pháp cuối cùng là Đức Piô XII, và ngai tòa đã bị trống từ khi Đức Piô XII băng hà năm 1958.

[15] DH, 2.

[16] Liên kết đến Phần VI, 4d.

[17] DH, 1.

[18] Phần I, lb.

[19] CV, 10.

[20] CA, 43.

[21] HTXHCG, 8.