Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Về Mục Vụ Xã Hội – 09

0
775


DẪN NHẬP VÀO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

***

***

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ MỤC VỤ XÃ HỘI

 

Viết tắt:

TLHT: Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội

GHXH: Giáo huấn Xã hội của Hội thánh

GLCG: Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

 

***

MỤC I

GIÁO HUẤN XÃ HỘI VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO HỘI

 

 

Với chương này, sách TLHT bước sang phần III. Phần I mang tính tổng quát (gồm 4 chương). Phần II gồm bảy chương, bàn về những đề tài chuyên biệt. Phần III chỉ có một chương, chuyển từ học thuyết sang hành động, với hai đoạn chính: 1/ Hoạt động mục vụ trong lãnh vực xã hội. 2/ Học thuyết xã hội và việc dấn thân của các giáo dân.

I. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ TRONG LĨNH VỰC XÃ HỘI

Đoạn này trình bày những bước chuyển tiếp từ lý thuyết sang thực hành, được gọi là “mục vụ xã hội”, với 5 điểm: 1) Hội nhập văn hóa. 2) Mục vụ xã hội. 3) Việc đào tạo. 4) Đối thoại. 5) Những tác nhân mục vụ xã hội.

A. Giáo Huấn Xã Hội Và Hội Nhấp Đức Tin Vào Văn Hóa

1. Kể từ đức Lêô XIII, Giáo hội đã có một tổng bộ đạo lý cung cấp cho  các tín hữu một hướng dẫn cho những quyết định mục vụ. Những định hướng này đào tạo cho các Kitô hữu những nguyên tắc để phân tích thực trạng xã hội, lượng định về những tình trạng của những người nghèo khổ và bị bỏ rơi; từ đó, họ nhận thấy sự cần thiết phải hành động phù hợp với sứ điệp Tin mừng qua những sự can thiệp cụ thể (số 521).

2. Trong GHXH, chúng ta có thể tìm thấy một “nhân học Kitô giáo”[1] làm nền tảng cho mọi hoạt động xã hội, nhằm thăng tiến con người và thiện ích của nhân loại. Nền nhân bản ấy là nền tảng cho hành vi luân lý cũng như cho hoạt động mục vụ, phù hợp với đức tin (số 522).

3. Chính nền nhân học là động lực của việc hội nhập đức tin vào văn hóa, nghĩa là nhờ sức mạnh Tin mừng để canh tân các tiêu chuẩn nhận định, các giá trị quyết định, các kiểu mẫu sinh sống. Vì thế “cuộc loan báo Tin mừng mới mẻ” (tân phúc âm hóa) phải bao gồm việc loan báo giáo huấn xã hội của Giáo hội. Thật vậy, “hội nhập văn hóa” không phải chỉ là công tác quét một vỏ sơn bên ngoài, nhưng là sự thay đổi những giá trị chân chính dựa theo tinh thần của Kitô giáo, đem Tin mừng vào trong đời sống[2] (số 523).

B. Giáo Huấn Xã Hội Và Mục Vụ Xã Hội

1. Mục vụ xã hội[3] và bác ái cần dựa trên GHXH để xác định bản chất, cơ cấu của mình. Mục vụ xã hội là một công tác loan báo Tin mừng trong lãnh vực xã hội, nhằm soi sáng, thúc đẩy và hỗ trợ công cuộc thăng tiến toàn diện con người: con người với những nhu cầu vật lý, cảm xúc, tình cảm, trí tuệ, xã hội, siêu việt. Nguyên tắc “nhân vị”[4] là nền tảng cho mọi hoạt động bác ái xã hội (số 524).

2. Sứ điệp xã hội của Tin mừng nhằm hướng dẫn Giáo hội trong việc thi hành hai nhiệm vụ: a) giúp đỡ con người khám phá chân lý và lựa chọn con đường phải theo; b) thúc đẩy các tín hữu dấn thân vào việc làm chứng tá cho Tin mừng trong lãnh vực xã hội. Con người, dù ở bất cứ hoàn cảnh kinh tế và xã hội nào đi nữa, cũng đều được mời gọi lãnh nhận chân lý và ơn cứu độ. Vì thế, mục vụ bác ái phải làm thế nào để cho những người nghèo và bị gạt bỏ có thể đến gặp gỡ Thiên Chúa là cha của mọi người (số 525).

3. GHXH giúp ích cho mục vụ xã hội bằng cách: a) cung cấp những tiêu chuẩn nền tảng cho hoạt động mục vụ; b) loan báo Tin mừng; c) đối chiếu Tin mừng với những thực trạng xã hội; d) thảo hoạch những thực trạng ấy sao cho phù hợp với luân lý Kitô giáo. Nhờ thế, công cuộc mục vụ bác ái được bảo đảm duy trì căn tính của đạo Kitô (số 526).

4. Hoạt động mục vụ của Giáo hội trong lãnh vực xã hội cần phải làm chứng tá cho chân lý về con người, cách riêng về chiều kích siêu việt của nó. Vì thế, sự xa cách Thiên Chúa là sự nghèo khổ thứ nhất của con người, và hoạt động bác ái cần bao gồm chiều hướng siêu việt của cá nhân cũng như của xã hội (số 527).

C. Giáo Huấn Xã Hội Và Việc Đào Tạo

1. GHXH đã không được nhiều người học hỏi và hiểu biết, vì thế không được mang ra thực hành. Các giáo dân sinh hoạt giữa trần thế cũng không được huấn luyện về vai trò của mình trong đời sống công cộng. Vì thế việc học tập GHXH rất cần thiết (số 528).

2. Việc huấn luyện GHXH bắt đầu từ các lớp huấn giáo. Cần làm sáng tỏ sứ mạng của tín hữu là phải tìm kiếm sự giải phóng toàn diện, xây dựng một xã hội liên đới và huynh đệ, công lý và hòa bình (số 529).

3. Trong việc huấn giáo, cần trình bày GHXH hướng đến việc Tin-mừng-hóa và nhân-bản-hóa[5] các thực tại trần thế. Nó gồm cả khía cạnh lý thuyết và thực hành, và sẵn sàng đón nhận những đóng góp của các chuyên ngành khác, nhằm hiểu biết thêm các thực tại xã hội: cá nhân, gia đình, kinh tế, chính trị. Dù sao, sự đào tạo hữu hiệu nhất là chứng tá sống động, cách riêng là các thánh (số 530)

4. Việc đào tạo GHXH nhằm ưu tiên cho các giáo dân: a) giúp cho họ biết cách xử sự trong lãnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị; b) chuẩn bị cho họ đảm nhận các chức vụ lãnh đạo công quyền (số 531). Các cơ cấu đào tạo có thể là các học viện, các tuần lễ học hỏi, các lớp tập huấn (số 532).

5. Các chủng sinh và linh mục cũng cần được đào tạo về GHXH, để được chuẩn bị cho công tác mục vụ, và để hướng dẫn các giáo dân trong các hoạt động thuộc sứ mạng của họ (số 533).

D. Cỗ Võ Việc Đối Thoại

Trong các số 534-537, sách TLHT cho thấy rằng GHXH là một dụng cụ thích hợp cho cuộc đối thoại:

– Giữa các cộng đoàn Kitô hữu, và với cộng đồng xã hội chính trị.

– Giữa giáo hội Công giáo và các giáo hội khác, khi cùng nhau hợp tác trong việc bảo vệ nhân quyền.

– Với các anh em đạo Do thái, bởi vì có chung gia sản Kinh thánh Cựu ước.

– Với các tôn giáo, trong việc hợp tác để cổ võ sự phát triển con người.

E. Những Tác Nhân Của Mục Vụ Xã Hội

1. Tất cả các tín hữu đều là tác nhân chủ động của mục vụ xã hội: đây không phải là một lãnh vực chuyên môn của ai, nhưng là bổn phận của toàn thể Dân Thiên Chúa trong việc phục vụ bác ái, từ giáo xứ lên đến giáo phận, và cho tới Giáo hội hoàn vũ (số 538).

2. Tại Giáo hội địa phương, đức giám mục là người đầu tiên có trách nhiệm đối với việc loan báo Tin mừng trong lãnh vực xã hội. Cùng với các linh mục, ngài phải tổ chức các tiến trình đào tạo: học hỏi giáo huấn, cử hành các bí tích, đồng hành với các giáo dân dấn thân vào hoạt động xã hội, đặc biệt nhờ các hội đoàn (số 539).

3. Hoạt động mục vụ xã hội cũng cần đến các dòng tu, tùy theo đặc sủng của mỗi dòng. Chứng tá của họ, đặc biệt  giữa những môi trường khó nghèo, là lời mời gọi sống đời thánh thiện và quảng đại phục vụ tha nhân (số 540).

(Lẽ ra phải kể thêm các giáo dân trong các hàng ngũ của Dân Thiên Chúa, nhưng vì tầm quan trọng của vấn đề, nên sách TLHT đã dành riêng một đoạn cho các giáo dân).

II. GIÁO HUẤN XÃ HỘI VÀ VIỆC DẤN THÂN CỦA CÁC GIÁO DÂN

Đoạn này khá dài, gồm 5 điểm: 1) Căn cước người tín hữu giáo dân. 2) Linh đạo người tín hữu giáo dân. 3) Khôn ngoan trong hành động. 4) Các hiệp hội. 5) Bốn lãnh vực phục vụ: nhân vị, văn hóa, kinh tế, chính trị.

A. Chân Dung Người Tín Hữu Giáo Dân

Dựa theo đạo lý của công đồng Vaticanô II và tông huấn Christifideles laici của đức Gioan Phaolô II, Sách TLHT mô tả chân dung của người tín hữu giáo dân như sau.

1. Đó là một người đi theo Chúa Kitô, được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa qua việc quản lý các chuyện trần thế theo chương trình của Thiên Chúa. Đó là cách thức mà họ kiến thiết vương quốc Thiên Chúa. Họ cũng được tham gia vào sinh hoạt Giáo hội, bởi vì họ đã được tham gia vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô (số 541).

2. Sinh hoạt của người giáo dân phát sinh và được nuôi dưỡng nhờ các bí tích: bí tích rửa tội đúc nặn họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, bí tích thêm sức ban cho họ ân huệ của Thánh Linh, bí tích Thánh Thể cho họ được thông phần vào hiến tế của Đức Kitô lên Chúa Cha. Nhờ được liên kết với các bí tích, cuộc đời và hoạt động của các giáo dân mang tính cách siêu nhiên, khác biệt với các cơ quan thuần túy chính trị xã hội (số 542).

3. Sứ mạng của người giáo dân là loan báo Tin mừng bằng cuộc sống gương mẫu, được cắm rễ trong Đức Kitô và sinh động trong các thực tại trần thế: gia đình, nghề nghiệp, các trách nhiệm dân sự. Tất cả mọi môi trường sinh sống đều trở nên cánh đồng hoạt động của họ, sao cho chúng được thấm nhuần bằng đức bác ái (số 543).

4. Chứng tá của người giáo dân bắt nguồn từ một ân huệ của Chúa, mà họ cảm nhận và vun trồng. Hoạt động mục vụ không chỉ tùy thuộc vào kế hoạch của con người, nhưng còn dựa vào ơn Chúa, và cần được nhìn trong viễn tượng cánh chung (số 544).

B. Linh Đạo Giáo Dân

HTXH muốn nêu bật hai điểm:

1. Linh đạo giáo dân vừa phải đắm chìm trong huyền nhiệm Thiên Chúa, vừa thấm nhập vào xã hội. Thật không dễ gì duy trì sự quân bình này: vừa yêu mến Thiên Chúa cách say đắm, vừa dán mắt vào các anh chị em của mình.[6] Có như vậy ta mới có thể nhìn tha nhân như Chúa nhìn, và yêu họ như Chúa yêu (số 545).

2. Linh đạo giáo dân cần phải biết kết hợp đức tin với cuộc sống, đời sống tâm linh với dấn thân xã hội, vừa trau dồi đời sống thiêng liêng (qua việc suy niệm Lời Chúa, cử hành bí tích, cầu nguyện cá nhân), vừa bồi dưỡng những kiến thức chuyên môn của nghề nghiệp (số 546).

C. Hành Động Khôn Ngoan[7]

1. Đức khôn ngoan là nhân đức cốt yếu của hoạt động mục vụ, nhắm giúp chúng ta biết phân định trong từng hoàn cảnh cái gì là điều tốt và chọn lựa những phương tiện tương xứng để đạt được mục tiêu. Đức khôn ngoan giúp cho ta áp dụng những nguyên tắc luân lý vào hoàn cảnh cụ thể. Đây là một tiến trình gồm ba chặng: a) suy nghĩ và bàn hỏi để nghiên cứu vấn đề; b) lượng định việc phân tích thực trạng và phán đoán dưới ánh sáng của kế hoạch Thiên Chúa; c) quyết định hành động (số 547).

2. Đức khôn ngoan giúp ta quyết định phù hợp với các quy tắc luân lý và đảm nhận trách nhiệm về hành động của mình. Khôn ngoan không có nghĩa là mưu mô xảo quyệt, cũng không phải là rụt rè, nhút nhát, lừng khừng, nhưng là sự chín chắn trong quyết định và can đảm khi thực hành. Con người hành động sáng suốt, chứ không chiều theo cảm xúc bồng bột (số 548).

Kèm theo số 548, sách TLHT giải thích bản chất của đức khôn ngoan dựa theo đạo lý của thánh Tôma (Summa Theologiae, II-II, qq.47-56).

a) các hành vi của nhân đức (hoặc cũng có thể coi như các đặc tính): memoria ôn lại kinh nghiệm quá khứ; docilitas phục thiện, sẵn sàng lắng nghe những lời bàn; sollertia, khả năng biết nắm bắt thực tại với những rủi ro của nó; providentia, lượng định những hậu quả mà hành vi có thể gây ra; circumspectio, cân nhắc những hoàn cảnh cụ thể của hành vi.

b) Trong đời sống xã hội, đức khôn ngoan mang hai dạng thức:

–  regnativa (về phía chính quyền): biết cai quản nhắm đến điều thiện ích của xã hội;

–  politica (về phía người dân): biết tuân theo sự hướng dẫn của chính quyền mà không làm thương tổn phẩm giá của mình.

D. GHXH Và Các Hiệp Hội Đoàn Thể

1. Các hiệp hội là môi trường thuận tiện để đào tạo các giáo dân. Tại đây, người ta học tập việc thực hành bác ái, phục vụ, liên đới (số 549).

2. GHXH là chủ đề quan trọng trong việc đào tạo các hội đoàn giáo dân, cách riêng những hội đoàn nhắm đến hoạt động mục vụ xã hội. Kể cả đối với các hiệp hội nhắm liên kết với nhau trong một nghề nghiệp (thí dụ bác sĩ, giáo viên), GHXH cũng hữu ích để huấn luyện về lương tâm và văn hóa (số 550).

E. Những Môi Trường Phục Vụ Xã Hội

Đặc trưng của hoạt động tông đồ giáo dân là sự hiện diện và phục vụ yêu thương giữa môi trường gia đình, văn hóa, lao động, kinh tế, chính trị. Đó là những nơi “trần tục” cần được biến đổi thành vương quốc của hòa bình và công lý. Tiếc rằng nhiều người tín hữu chỉ giới hạn việc sống đạo vào lãnh vực nội tâm hoặc giáo xứ, và trở thành xa lạ với khu xóm, đảng phái, nghiệp đoàn, và như vậy đã bỏ qua vai trò làm chứng tá cho Tin mừng tại những nơi đang cần đến (số 551).

Sách TLHT đã mô tả vài hoạt động cụ thể trong 4 lãnh vực:

1. Phục vụ phẩm giá con người. Xã hội ngày nay còn nhiều cơ cấu phản lại nhân phẩm, khi chúng theo đuổi các ngẫu tượng như là: tiền bạc, ý thức hệ, giai cấp, khoa học công nghệ (số 552). Việc cổ võ phẩm giá con người đòi hỏi việc bảo vệ các quyền lợi căn bản của con người: quyền sống, quyền tự do lương tâm, bảo vệ hôn nhân và gia đình (số 554).

2. Văn hóa. “Văn hóa là cái gì làm cho con người trở nên người hơn”.[8] Nhiều nền văn hóa chỉ nhằm đến các cơ cấu mà bỏ qua giá trị của con người, đặc biệt là các giá trị luân lý và tôn giáo. Văn hóa phải tạo ra những điều kiện thăng tiến toàn diện con người, cách riêng là những người nghèo (số 554-556). Trong những thách đố quan trọng nhất trong lãnh vực này, cần kể đến: a) bảo đảm cho tất cả mọi người được hưởng một nền văn hóa nhân bản (bao gồm: quyền của các gia đình được giáo dục con cái theo niềm tin của mình; quyền được sử dụng các phương tiện truyền thông); b) thứ hai, dấn thân cho việc tìm kiếm chân lý về con người; c) thứ ba, lưu ý đến chiều kích tôn giáo trong nền văn hóa; d) thứ bốn, lưu tâm đến các phương tiện truyền thông xã hội, xét vì tầm ảnh hưởng đối với việc điều khiển dư luận (số 557-562).

3. Kinh tế. Hoạt động kinh  tế mang một chiều kích luân lý và nhân bản, liên quan đến nhiều thành phần xã hội: các công nhân, doanh nhân, kinh tế gia, và cách riêng có ảnh hưởng đến số phận của người nghèo. Việc phục vụ trong lãnh vực kinh tế nhằm giải quyết nhiều vấn đề khẩn trương của lao động (nạn thất nghiệp, những bất công trong vấn đề lương bổng, vv), qua những hình thức mới của tình liên đới, những mô hình mới của sự tham gia của các công nhân vào xí nghiệp (số 563-564).

4. Chính trị. Sách TLHT dành khá nhiều trang cho lãnh vực này (số 565-574). Việc tham gia hoạt động chính trị cần thiết để cổ võ việc phục vụ công ích, dưới nhiều hình thức khác nhau (kinh tế, lập pháp, hành chánh, văn hóa). Một hình thức quan trọng của hoạt động chính trị là việc giáo dục công dân, ngõ hầu gây ý thức về bổn phận và trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo. Trên thực tế, cần phải tìm ra những phương thế để mang ra thực hành các nguyên tắc của GHXH liên quan đến vai trò của các cơ quan Nhà nước. Dù sao, trong một chế độ dân chủ, mỗi người dân đều lãnh trách nhiệm về các hoạt động của Nhà Nước qua lá phiếu mà mình đã bỏ. Điều này giả thiết là mỗi công dân phải lựa chọn kỹ lưỡng những cá nhân hay đảng phái khi đi bầu.

Đối với các giáo dân tham gia các cơ quan lập pháp và hành pháp, một vấn đề đặc biệt được đặt ra liên quan đến các đạo luật tương phản với luân lý Kitô giáo (chẳng hạn về sự sống, an tử, kinh tế). Trong một thể chế dân chủ, không thể “áp đặt” quan điểm của một tôn giáo nào, nhưng phải dựa theo quan điểm của “đa số”: người công giáo phải quyết định thế nào? Số 569 đưa ra vài tiêu chuẩn để phân định: a) phân biệt giữa hệ trật luân lý và hệ trật pháp lý; b) phải trung thành với niềm tin của mình nhưng cũng sẵn sàng đối thoại với các quan điểm khác; c) cần trung thành với các giá trị “tự nhiên”, “luân lý”, “siêu nhiên”.

Lương tâm công giáo không cho phép bỏ phiếu chấp thuận các dự án hay dự luật trái nghịch với đức tin và luân lý. Nếu dự luật đã được thông qua và biểu quyết, người công giáo cố gắng để giảm bớt những hậu quả tai hại của nó, đến mức hy sinh tính mạng nếu cần (số 570).

Nhà chính trị công giáo cần ý thức rõ rệt về sự  độc lập của lãnh vực chính trị (không lệ thuộc vào lãnh vực tôn giáo): sự độc lập này không có nghĩa là hoạt động chính trị không cần quy chiếu về các nguyên tắc luân lý (số 571-572).

Hai số cuối cùng (573 và 574) bàn đến việc tham gia đảng phái chính trị.  Việc gia nhập đảng phái nằm trong chương trình phục vụ đức bác ái và công ích. Thật khó lòng tìm được một đảng mà cương lĩnh hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của GHXH công giáo. Người công giáo có thể gia nhập vào nhiều đảng phái (thay vì lập một đảng công giáo), để góp phần giúp cho các đảng phái chú ý hơn đến công ích và các giá trị nhân bản. Tuy nhiên, các tín hữu chỉ tham gia những đảng phái mà tôn chỉ không trái ngược với đức tin và các giá trị Kitô giáo.

***

MỤC II

MỘT VÀI NHẬN XÉT

 

Phần thứ ba của sách TLHT tìm cách đưa ra vài hướng dẫn để áp dụng những điều đã được bàn trong các chương trước đây. Chúng tôi chỉ xin bổ túc với ba “thông tin” thuộc lãnh vực thần học: 1/ Khái niệm về mục vụ xã hội. 2/ Linh đạo giáo dân. 3/ Đức khôn ngoan.

I. MỤC VỤ XÃ HỘI

Đây là một thuật ngữ tương đối còn mới, hình như chỉ mới ra đời tại các nước Mỹ châu Latinh từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Việc tạo ra một thuật ngữ mới có những dụng ý của nó vừa lý thuyết vừa thực hành.

A. Từ Ngữ

Chúng ta hãy đối chiếu thuật ngữ “mục vụ xã hội” với những thuật ngữ tương tự thì sẽ nhận ra vài nét độc đáo của nó.

1/ Học thuyết XH (doctrine sociale) và Hoạt động XH (action sociale)

Hai thuật ngữ này bổ túc cho nhau, tương tự như giữa lý thuyết và thực hành. Việc nghiên cứu học hỏi là điều cần thiết, nhưng cuối cùng các đạo lý cần đưa tới hành động. Như đã biết, phương pháp quen sử dụng trong Giáo hội là : xem – xét – làm,

2/ Hoạt động XH (action sociale) và Mục vụ xã hội (pastorale sociale)

Sự chỉnh sửa từ ngữ diễn ra bên châu Mỹ La-tinh, nhằm xác định căn cước Kitô giáo. “Hoạt động xã hội” có thể gặp thấy nơi các tổ chức chính phủ hoặc các tôn giáo khác, chứ không hẳn là nơi Kitô giáo. Hơn thế nữa, “hoạt động xã hội” có thể dẫn đến cả những cuộc cách mạng, lật đổ một chế độ (theo chủ trương của mác-xít).

“Mục vụ xã hội” muốn nêu bật tính cách đặc thù của người Kitô giáo.

a) Xưa nay, “mục vụ” vốn được đặt tên cho hoạt động của Giáo hội, mang tính cách thực hành (khác với các ngành đạo lý, nặng về lý thuyết). Có lẽ đó là dụng ý của Công đồng Vaticanô II khi đặt tiêu đề cho hiến chế “Vui mừng và “Hy vọng” (hiến chế mục vụ về Hội thánh trong thế giới ngày nay), khác với hai hiến chế “tín lý” (về Mạc khải, về Hội thánh).

b) Hơn thế nữa, “mục vụ” (pastorale) còn muốn quy hướng về vị “Mục tử nhân lành” (bon pasteur) là Đức Kitô. Hoạt động xã hội của Giáo hội muốn họa lại tâm tình của Đấng tìm cách đưa các con chiên về nguồn sự sống, Đấng đi tìm con chiên lạc, Đấng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cho đoàn chiên được sống.

3/ Mục vụ xã hội và công tác bác ái

Giáo hội đã thực hiện công tác bác ái ngay từ khi mới ra đời, và công tác này dần dần đã trở thành một định chế.[9] “Mục vụ xã hội” ra đời muộn hơn, trong thế kỷ XX. Hai khái niệm bổ túc cho nhau.

a) “Mục vụ xã hội” bổ túc cho “công tác bác ái”. Các công tác bác ái[10] nhiều lần mang tính cách “bố thí” nhắm đến cá nhân. “Mục vụ xã hội” quan tâm đến khung cảnh xã hội nơi mà người nghèo sinh sống, nhắm gây ra một tổ chức mang tính cộng đồng (sửa đổi những cơ cấu bất công), cũng như ý thức đây là một nghĩa vụ (công bằng) chứ không phải là điều nhiệm ý (bố thí).

b) Mặt khác, đức Bênêđictô XVI cũng lưu ý rằng, đối với các Kitô hữu, động lực hoạt động xã hội là đức bác ái, chứ không phải là một ý thức hệ. Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động công bằng và bác ái là giúp cho con người nhận được tình yêu của Thiên Chúa (thông điệp Deus caritas est số31).

B. Thực Hành

Mục vụ xã hội không phải là một môn học lý thuyết nhưng là một khía cạnh mục vụ của Giáo hội. Vì thế, ngoài các cơ quan ở cấp Trung ương Giáo hội, các Hội đồng giám mục và cách riêng các giáo phận, giáo xứ đều thiết lập  “ủy ban mục vụ xã hội” (cũng tương tự như: ủy ban giáo lý, ủy ban phụng vụ, ủy ban truyền giáo, vv), để phối hợp các hoạt động bác ái xã hội tại địa phương, tùy theo nhu cầu. Chúng ta có thể kể ra vài ngành chuyên biệt: Caritas (phụ trách những trường hợp cứu trợ, thiên tai), mục vụ sức khỏe, mục vụ di dân, mục vụ lao động, mục vụ các trại tù.

Một công tác không thể nào thiếu là đào tạo nhân viên, qua việc học tập giáo huấn của Giáo hội, cũng như phân tích những đòi hỏi cụ thể của địa phương. Những lớp học tập như vậy có diễn ra tại các học viện, chủng viện, hoặc những khóa học đặc biệt, kể cả tại các khóa đào tạo nhân sự của các hội đoàn.
 
II. LINH ĐẠO GIÁO DÂN

Số 545-546 của sách TLHT bàn đến “linh đạo giáo dân”. Thiết tưởng cần phải bổ túc thêm.[11]

Trong hiến chế tín lý về Hội thánh (chương Năm), công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh. Công đồng muốn sửa đổi một thành kiến sai lầm, theo đó chỉ có các linh mục hoặc tu sĩ mới có thể làm thánh được. Không phải thế, các giáo dân cũng có thể và buộc phải nên thánh.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt lên là: có linh đạo dành cho giáo dân hay không (tựa như linh đạo dành cho các linh mục, linh mục dành cho các tu sĩ) ? Câu hỏi này lệ thuộc vào một câu hỏi khác nữa: giáo dân là ai? yếu tố nào cấu tạo nên hàng ngũ giáo dân?

A. Khái Niệm Về Giáo Dân

Phải định nghĩa các giáo dân như thế nào? Để hiểu vấn đề, nên biết là người ta thường nói đến ba hàng ngũ trong Giáo hội: linh mục, tu sĩ, giáo dân. Hàng ngũ linh mục được cấu thành bởi bí tích truyền chức, và do đó linh đạo linh mục dựa theo bản chất của bí tích: các linh mục buộc nên thánh bởi vì họ là hiện thân của Chúa Kitô Mục tử. Hàng ngũ đời tận hiến được cấu tạo do việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm nhằm diễn tả lại cuộc đời của Chúa Kitô, và đây là nền tảng của linh đạo đời tu. Thế còn hàng ngũ giáo dân thì sao? Đâu là yếu tố cấu thành hàng ngũ này?

Xưa nay, các giáo dân thường được định nghĩa tiêu cực: họ là những tín hữu không làm linh mục hoặc không khấn dòng. Công đồng Vaticanô II (Hiến chế về Hội thánh số 31) muốn tìm một định nghĩa tích cực hơn: các giáo dân là tín hữu sống giữa đời. Đặc trưng của giáo dân là “trần thế” (saeculum).

Tuy nhiên, nhiều tác giả tỏ ra không hài lòng lắm với định nghĩa vừa nói, bởi vì đâu phải chỉ các giáo dân mới sống trong đời; kể cả các giáo sĩ và tu sĩ cũng sống trong đời chứ đâu phải sống ngòai đời (trong sa mạc, hoặc trên cung trăng). Mặt khác, phải hiểu thế nào là “giáo dân”? Một em bé vừa mới rửa tội đã hội đủ điều kiện để được gọi là giáo dân chưa, hay phải chờ đến khi lãnh bí tích thêm sức, hoặc bí tích hôn phối?

Cha Hans Urs von Balthasar chủ trương rằng không có linh đạo nào đặc trưng của giáo dân cả: họ chỉ là những tín hữu và gắng nên thánh trong những điều kiện sinh sống cụ thể hàng ngày.

Sau công đồng Vaticanô II, một Thượng hội đồng giám mục đã nhóm họp vào tháng 10 năm 1987 để bàn về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Hội thánh và thế giới; thành quả được đúc kết trong tông huấn Christifideles laici do đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 30/12/1988. Trong văn kiện, chân dung của người tín hữu giáo dân được diễn tả qua vị trí của họ trong Hội thánh nhìn từ ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ.

1/ Xét theo chiều kích mầu nhiệm (chương I: trong tương quan với Thiên Chúa Ba ngôi), các giáo dân được hưởng trọn vẹn phẩm giá của Kitô hữu, đó là: “con cái Thiên Chúa, thân thể của đức Kitô, đền thờ Thánh Linh” (số 11-13). Họ được thông dự vào ba chức vụ tư tế – ngôn sứ – và vương giả của đức Kitô (số 14). Vì là đền thờ của Thánh Linh, họ được mời gọi nên thánh bằng cách phát triển những hoa trái của Thánh Linh (số 16).

2/ Xét theo chiều kích thông hiệp (chương II: nội bộ của Hội thánh), các giáo dân lãnh nhận những đặc sủng khác nhau, và sử dụng những đặc sủng đó để xây dựng cộng đòan, duy trì những dây liên kết với các phần tử khác và với các cấp độ cộng đòan khác nhau (giáo xứ, giáo phận, hòan vũ).

3/ Xét theo chiều kích sứ vụ (chương III), các giáo dân tham gia vào sứ mệnh của Hội thánh trong thế giới, đặc biệt vào những môi trường mà Tin mừng chưa thấm nhập: những môi trường ngòai Kitô giáo, thậm chí còn tỏ ra lãnh đạm hoặc chống đối tôn giáo.

B. Đường Nên Thánh Của Giáo Dân

Từ những điểm vừa trình bày, chúng ta có thể rút vài kết luận sau đây.

1/ Các giáo dân có thể và buộc nên thánh. Đây không phải là một nguyên tắc tổng quát hoặc một nghĩa vụ pháp lý, nhưng là một thực tại biểu hiện qua con số những vị thánh “không phải là giáo sĩ và tu sĩ” trong suốt hai ngàn năm lịch sử Giáo hội. Trong những thế kỷ đầu tiên, các thánh tử đạo thuộc đủ mọi thành phần xã hội, lứa tuổi. Sang thế kỷ IV, khi xuất hiện phong trào đan tu trong Hội thánh, các người chủ xướng vẫn không ngừng khẳng định rằng họ chỉ muốn sống triệt để ơn gọi Kitô hữu mà mình đã cam kết lúc lãnh bí tích rửa tội. Trải qua lịch sử, nhiều phong trào giáo dân đã nổi lên để nhắc nhở thể Dân Chúa hãy sống trọn vẹn những yêu sách Tin mừng. Một vài phong trào đó trở thành Dòng tu (điển hình là Phanxicô Assisi), nhưng nguyên khởi của họ không nhằm đề ra một linh đạo mới mà chỉ muốn sống trọn những yêu sách của Tin mừng.[12]

2/ Các phương tiện nên thánh của các giáo dân cũng là những phương thế chung cho hết mọi tín hữu: đời sống nhân đức, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các bí tích, việc cầu nguyện, và sinh họat hàng ngày, nhờ đó toàn thể cuộc đời trở nên hiến lễ tinh thần đẹp lòng Chúa và góp phần thánh hóa nhân lọai.

3/ Các giáo dân nên thánh trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống: gia đình, học đường, chợ búa, những nơi làm việc thuộc đủ mọi ngành nghề (chính quyền, luật gia, bác sĩ, nghệ sĩ, thương gia, quân đội, vv). Họ sống đạo giữa những môi trường đó, và nhờ vậy họ “Phúc âm hóa” môi trường xã hội. Như chúng ta đã biết các môi trường xã hội vẫn còn mang nhiều giá trị trái nghịch với Tin mừng. Đó là ý nghĩa của “sứ mạng trần thế” của các giáo dân. Họ nên thánh “giữa đời”, chứ không phải là “trong nhà Chúa”.

4/ Tuy nhiên, các giáo dân cũng mang sứ mạng tông đồ ở trong Hội thánh nữa, qua những sáng kiến nhằm cổ động việc sống đạo trong các cộng đòan tín hữu. Các giáo dân có quyền thành lập các phong trào tông đồ để cổ võ việc cầu nguyện, truyền bá đạo lý, thi hành bác ái, đặc biệt dành cho các thành phần bị xã hội bỏ rơi (những người nghèo, những người bệnh, những người di cư, vv).

C. Những Hình Thức Đa Dạng

Trên đây là vài nét chính của con đường nên thánh của các giáo dân. Đồng thời phải nhận rằng linh đạo giáo dân khá đa dạng, xét vì những hoàn cảnh sinh sống rất khác nhau. Chúng ta có thể điểm qua vài tiêu chuẩn phân chia đã được tông huấn Christifideles laici nói tới: hôn nhân và trinh khiết, nghề nghiệp, tuổi tác và sức khỏe.

1/ Hôn nhân và trinh khiết (số 40). Có  tác giả muốn coi bí tích hôn nhân là đặc trưng của hàng ngũ giáo dân (cũng tựa như bí tích truyền chức đối với hàng ngũ linh mục). Dù thuyết này bị chỉ trích, nhưng chúng ta phải nhận rằng đại đa số các giáo dân đã ở trong bậc hôn nhân. Vì vậy, cần phải có một linh đạo dành cho họ, làm sao cho thấy hôn nhân như là ơn gọi  nên thánh, và những người đã kết hôn thì nên thánh qua việc chu toàn bổn phận của vợ chồng, cha mẹ.  Ngoài ra họ cũng được gọi làm việc tông đồ bằng cách giúp cho các gia đình khác sống ơn gọi hôn nhân. – Mặt khác, người ta cũng ghi nhận rằng không phải tất cả các giáo dân đều kết bạn, và ai không muốn kết bạn thì hãy đi tu. Ngày nay có những người nam nữ đã chọn con đường độc thân, với lời khấn tư hay đôi khi chẳng có lời khấn nữa, để phục vụ Chúa và Hội thánh. Những người này cần có một linh đạo riêng dành cho họ.

2/ Nghề nghiệp (số 41-44). Ngoài tiêu chuẩn hôn nhân hay trinh khiết, linh đạo dành cho các giáo dân cũng cần phải để ý tới nghề nghiệp nữa. Thực ra, nhiều người phải làm một nghề mà họ chẳng ưa thích tí nào cả: cực chẳng đã họ mới phải đâm đầu vào chấp nhận một việc làm để kiếm đồng lương sinh sống. Tuy nhiên, ngoài việc kiếm kế sinh nhai, liệu có thể coi nghề nghiệp như là cơ hội để làm chứng cho đức Kitô hay không? có thể coi đó như là cơ hội để phục vụ tha nhân hay không? Những câu hỏi đó được đặt ra một cách đặc biệt hơn nữa đối với  những người tự ý đi chọn một nghề nghiệp: ký giả, thương gia, bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, vân vân. Một vấn đề thời sự tại nhiều nước Âu châu hiện nay là môi trường chính trị: người giáo dân thay vì coi đó như là nơi tranh giành quyền hành thế lực, thì cần coi đó như phương tiện phục vụ xã hội, tìm cách đưa các giá trị công bằng bác ái vào đời sống xã hội nhờ các pháp chế, guồng máy chính quyền.

3/ Tuổi tác (số 47-48) và sức khỏe (số 53-54). Nói tới “bậc sống” là nói tới một “trạng thái” (status) bền vững. Do đó ta có thể nói tới “trạng thái” hôn nhân, độc thân, nghề nghiệp, xét vì chúng là những điều kiện sinh sống kéo dài ra như suốt đời. Tuy nhiên, ở trên đời này, các sự bền vững chỉ có tính cách tương đối, cũng như chính cuộc sống của chúng ta vậy. Ít ai trong chúng ta mơ sống tới trăm tuổi. Do đó mà tuổi tác tuy tự bản chất của nó là chóng qua, nhưng cũng có thể trở thành yếu tố để nên thánh. Vì thế có thể nói tới linh đạo dành cho tuổi trẻ, cũng như linh đạo dành cho lứa trung niên hay tuổi gìa. Thực ra những yếu tố này không phải chỉ riêng cho giáo dân mà chung có cả các linh mục và tu sĩ. Nếu có khác thì các linh mục và tu sĩ già yếu bệnh tật thì có nhà hưu dưỡng của giáo phận hay dòng tu, còn các giáo dân thì phải tự lo: nếu có con cháu thì may mắn, nhưng nếu sớm nếm cảnh góa bụa thì cảnh đơn chiếc sẽ trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, chính trong điều kiện đau khổ đó mà họ được gọi nên thánh.[13]

III. ĐỨC KHÔN NGOAN

Hai số 547-548 nhắc đến nhân đức khôn ngoan. Tiếc rằng ít ai biết đến nhân đức này, rất quan trọng trong đời sống luân lý. Sau một vài nhận xét về từ ngữ, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát đức khôn ngoan dựa theo Kinh thánh và đạo lý của thánh Tôma Aquinô.

A. Từ Ngữ

1. Trong tiếng Việt

Theo ông Lê Gia (Tiếng nói nôm na, TP Hồ chí Minh 1999, trang 379), gốc của chữ khôn có thể là khoan (rộng rãi, chứa chất được nhiều). “Khôn” là lòng dạ rộng rãi, không gò bó nhỏ nhen, chứa chất được nhiều sự hiểu biết, cư xử tốt đẹp với mọi người. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học, Hànội 1997, trang 491), định nghĩa khôn như là: “có khả năng suy xét trên mức bình thường để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có”; trái với dại”.

Trên thực tế, nghĩa của từ  khôn ngoan không đơn giản như vậy, bởi vì đôi khi nó mang ý nghĩa trái nghịch với nhân đức mà chúng ta đang bàn. Có lúc “khôn” ám chỉ một sự sắc sảo trí tuệ (trí khôn sắc bén). Có khi “khôn” được hiểu về lối cư xử trong đời (khôn khéo). Thường tiếng  “khôn” được ghép với  “ngoan” (hiền lành), và được hiểu theo nghĩa tốt (khôn thì ngoan, gian thì nồng), tuy cũng lúc mang nghĩa xấu (khôn ngoan chẳng lại thật thà). Thực vậy, lắm khi người “khôn” được hiểu như là người mưu kế thủ lợi cho mình:  khôn lõi, khôn vặt (khôn ăn cái, dại ăn nước; khôn sống mống chết)

2. Trong các ngôn ngữ Âu châu

Có hai từ ngữ thường được dùng như đồng nghĩa, tuy đôi khi cũng có thể hiểu lệch lạc: prudentia, sapientia.

a) Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, nhân đức khôn ngoan được gọi là Prudence (tính từ prudent). Tuy nhiên trong ngôn ngữ thường ngày, những từ này được hiểu là thái độ “cẩn thận, thận trọng, dè dặt”. Trong nguyên ngữ latinh, prudens có lẽ bắt nguồn từ previdens (tiên liệu) hoặc providens (trù liệu).

b) Sagesse (Pháp), Wisdom (Anh), – đôi khi được dịch là “Cao minh, Thượng trí, Triết minh” -, được thần học dành cho ơn huệ Chúa Thánh thần. Tính từ sage (Pháp), wise (Anh) được áp dụng cho người từng trải, kinh nghiệm, tựa như các nhà hiền triết. (Nên biết nguyên ngữ hy lạp của philosophia là quý chuộng sự khôn ngoan, ghép bởi hai từ: philia + sophia). Nguyên ngữ của tiếng Sapientia trong tiếng latinh thì được móc nối với cảm nghiệm, kinh nghiệm (động từ sapere: nếm, thưởng thức).

B. Kinh Thánh

1/ Trong bộ Kinh thánh Cựu ước, bên cạnh các sách Lịch sử và các sách Ngôn sứ, ta gặp thấy một khâu được đặt tên là “các sách Khôn ngoan” (libri sapientiales), đó là : Gióp, Châm ngôn, Giảng viên, Khôn ngoan, Huấn ca, cộng thêm hai thi phẩm (Tập Thánh vịnh, Sách Diễm ca). Sự khôn ngoan bao gồm lãnh vực hiểu biết (kiến thức bác học) cũng như cách xử sự trên đời đối với bản thân và đối với tha nhân; hơn nữa, sự khôn ngoan được đặt trong bối cảnh tôn giáo, nghĩa là trong tương quan với Thiên Chúa: người khôn là người biết sống đẹp lòng Chúa là chính lẽ Khôn ngoan. Người tín hữu không ngừng xin Chúa ban ơn khôn ngoan để biết cư xử cho hợp với luật của Ngài: điều này trở thành khẩn trương đối với những người có trách nhiệm hướng dẫn cộng đồng, như chúng ta thấy trong lời nguyện của vua Salomon (Kn 9,1-11, được đọc trong Giờ Kinh Sáng, thứ bảy tuần III).

Tuy biết rằng đức khôn ngoan là một ân huệ Chúa ban, nhưng sách Châm ngôn cũng nhắc nhở rằng con người cũng cần góp phần của mình, qua việc cầu nguyện, biết lắng nghe bàn hỏi các người từng trải. Kinh nghiệm cũng là một bài học cho sự khôn ngoan. Dù sao, người khôn ngoan không phải là kẻ mưu mô xảo quyệt: người khôn ngoan là người công chính trước mặt Chúa; đầu mối sự khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa.

2/ Trong Tân ước, ta gặp thấy nhiều giáo huấn theo chiều hướng đó. Thoạt tiên, đôi khi ta có cảm tưởng là người khôn được hiểu là lanh lợi trong cách xử thế (chẳng hạn như châm ngôn: “khôn như con rắn, đơn sơ như bồ câu”: Mt 10,16); nhưng Phúc âm bàn đến khôn ngoan trong tương quan với Thiên Chúa. Người khôn là người mang Lời Chúa ra thực hành (Mt 7,24): họ được ví như kẻ  xây nhà trên đá (chứ không phải trên cát). Người trinh nữ khôn ngoan tìm cách dự trữ dầu để cho đèn khỏi tắt trong thời gian đợi chờ Chúa quang lâm (đối lại với các cô khờ dại Mt 25,2). Người khôn là người biết tích lũy tài sản cho Nước trời chứ không phải chỉ nghĩ đến tài sản vật chất (Lc 12,20-21). Người khôn được ví với một nhà kinh doanh biết nhìn xa, sẵn sàng bán hết tài sản của mình để tậu thửa ruộng chứa viên ngọc Nước trời (Mt 13,44-46).

Như vậy, “khôn ngoan” đối nghịch với “khờ dại” không chỉ theo nghĩa thông thường, nhưng còn được quy chiếu vào hai tiêu chuẩn khác biệt khi tính toán  hành động. Nói theo thánh Phaolô, có hai thứ khôn ngoan: khôn ngoan theo xác thịt và khôn ngoan theo thần khí, hoặc khôn ngoan “theo thế gian” và “theo Thiên Chúa” (1Cor 1,17-25; xc Gc 3,15-17). Thế gian tìm thứ khôn ngoan của danh vọng chức quyền; trái lại sự khôn ngoan của Thiên Chúa biểu lộ qua thập giá thì không tìm ích lợi cá nhân nhưng ích lợi của cộng đòan, phục vụ kế hoạch cứu rỗi nhân lọai.

C. Thánh Tôma

Khôn ngoan được hiểu về lãnh vực trí tuệ (khác với những nhân đức thuộc về phạm vi ý chí, tình cảm, hành động). Tuy nhiên, nhân đức khôn ngoan không liên quan đến việc học hỏi nghiên cứu cho bằng cuộc sống cụ thể. Người khôn ngoan không phải là người học rộng tài cao, nhưng là người biết điều khiển các hành vi của mình sao cho hợp với mục tiêu tối hậu, tức là hạnh phúc vĩnh cửu.

1/ Chức năng

Vai trò của khôn ngoan trong đời sống đạo đức rất quan trọng. Không những ta cần biết phân biệt điều tốt và điều xấu nói chung (chẳng hạn: đọc kinh là điều tốt, giết người là điều xấu), nhưng còn phải thẩm định điều gì là tốt trong tình huống cụ thể (ở đây, lúc này): đi lễ là điều tốt, thậm chí là bổn phận (đi lễ ngày chúa nhựt); thế nhưng điều đó sẽ không là điều tốt đối với một bà mẹ có đứa con thơ đang mắc bệnh nặng, không ai chăm sóc: bà không nên bỏ đứa con một mình ở nhà để đi nhà thờ!

Thí dụ vừa nêu cho thấy rằng lắm lần một việc tốt có thể trở thành điều xấu khi đặt trong một hoàn  cảnh khác. Trên thực tế, điều này không chỉ diễn ra ở vào vài tình huống éo le nhưng xảy ra hầu như cơm bữa. Một thí dụ lấy ngay từ bữa ăn: dĩ nhiên, ăn no đến nỗi bội thực là điều xấu; nhưng một người tuyệt thực hoặc ăn uống không đủ sức dinh dưỡng cũng chẳng phải là người đức hạnh đâu! Đức khôn ngoan cần can thiệp để nhận định cho biết thế nào là ăn uống có chừng mực (“ăn để sống chứ không phải sống để ăn”). Một cách tương tự như vậy: đối lại với tật kiêu căng là đức khiêm nhường; nhưng khiêm nhường  không đồng nghĩa với tự ti mặc cảm, tiểu nhân, không dám màng  tới chuyện đại sự. Đối lại với sự nhút nhát là sự can đảm, nhưng đức can đảm không đồng nghĩa với hung hăng thô bạo hay liều lĩnh. Đối lại với tật hoang phí là tiết kiệm, nhưng tiết kiệm không đồng nghĩa với hà tiện. Công bình không đồng nghĩa với cứng cỏi tàn ác; hiền lành không đồng nghĩa với nhu nhược.

Từ những nhận xét thông thường đó, người ta gán cho đức khôn ngoan vai trò “cầm cương”, điều khiển cỗ xe các nhân đức (auriga virtutum): nó giúp cho con người biết xử sự hợp lý trong từng hòan cảnh, không bị rơi vào thái quá hay bất cập. Đức khôn ngoan chỉ dạy cho ta biết lựa chọn những phương thế tốt nhất để hành vi chúng ta trở thành đức hạnh.

2/ Thực hành

Làm thế nào để hành động của ta được “khôn ngoan”? Thánh Tôma (Summa Theologica II-II, q.49) đưa ra 6 lời khuyên như sau:

a) Ôn lại những kinh nghiệm quá khứ: những điều hay dở của bản thân hay của người đi trước.

b) Nhận định đúng đắn tình hình hiện tại: điều gì tốt, điều gì xấu; đâu là điều được phép làm và điều không được phép làm. Điều này giả thiết là ta phải sử dụng đầu óc để phán đóan khách quan, chứ đừng để lôi cuốn theo cảm xúc đam mê.

c) Ước lượng những hậu quả mà hành vi có thể gây ra. Người khôn cần biết nhìn xa trông rộng, đề phòng cả những bất trắc có thể xảy đến.

d) Phân tích những lợi hại của hành vi. Để đạt tới một mục tiêu, ta có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau: trong số các phương thế đó, cái nào tiện hơn? Trong hòan cảnh khẩn trương, biết chọn cái gì đỡ hại hơn cả?

e) Bàn hỏi với những người hiểu biết. Điều này giả thiết sự khiêm tốn biết lắng nghe học hỏi, kể cả những người mà ta không có thiện cảm.

f) Cân nhắc những hòan cảnh cụ thể của hành vi. Có khi một điều trên lý thuyết là tuyệt vời, nhưng chưa đến lúc thực hiện vì chưa đúng thời.

Đó là những điều cần phải áp dụng trước khi quyết định hành động. Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi hành vi đều có tầm quan trọng ngang nhau: việc ăn uống hằng ngày thì khác với việc lựa chọn một nghề nghiệp, hoặc quyết định lập gia đình! Ngoài ra, một quyết định chỉ liên hệ đến bản thân thì khác với quyết định liên hệ đến người khác, tựa như trường hợp những người lãnh đạo một gia đình (gia trưởng), một đòan thể (mục tử, bề trên), một quốc gia.

Nhờ tập luyện và nhờ kinh nghiệm, dần dần ta thủ đắc nhân đức khôn ngoan. Nhưng chúng ta cũng đừng nên quên cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để biết điều khiển cuộc sống cá nhân và của những người được ủy thác cho ta. Chúa ban ơn khôn ngoan cho những người khiêm tốn bé mọn (Mt 11,25).

3/  Những khuyết điểm

a) Đối lại với khôn ngoan là dại dột. Dại dột không phải là thiếu thông minh. Chúng ta đang ở trong bình diện luân lý, nghĩa là cuộc sống đạo đức. Có người rất thông minh, nhưng vụng về trong nếp sống. Điều này không những chỉ xảy ra đối với những “thuyết gia” lý luận sắc bén nhưng không biết cách mang ra thực hành, nhưng nhất là đối với những người thiển cận, chỉ nhìn cái lợi, cái khóai trước mắt mà không tính đến những hậu quả tai hại về lâu về dài. Một liều thuốc phiện có thể  mang lại cho ta sự sảng khóai trong chốc lát, nhưng lôi kéo đến chỗ tan gia bại sản khi ta đã trở thành nô lệ cho ma túy.

b) Như trên đã nói, nhiều lần người ta hiểu lầm “khôn ngoan” như là “mưu mô, xảo quyệt”: đây là thứ khôn giả dối, chứ không phải là “nhân đức”. Thánh Giacôbê đã kể ra những dấu hiệu của thứ khôn ngoan “thế gian” và khôn ngoan “từ trời ban”: “Đức khôn ngoan (sapientia) Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòâ, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,13-18).

c) Nếu sự khôn ngoan là dây cương điều khiển các nhân đức, thì cũng có thể nói ngược lại: người cầm cương cũng tùy thuộc vào các bánh xe và ngựa kéo xe nữa. Một con người đã bị chế ngự bởi đam mê dục vọng thì khó lòng có đầu óc sáng suốt để nhận định khách quan. Người quyết định vội vã, thiếu suy nghĩ cũng không thể gọi là khôn ngoan được.

KẾT LUẬN

Như đã nói trên, trong ngôn ngữ Âu châu, có hai từ ngữ để ám chỉ khôn ngoan: prudentia và sapientia. Ta có thể coi đó như hai cấp độ của tiến trình đạo đức: từ chỗ điều khiển hành vi luân lý đến chỗ kết hiệp với Thiên Chúa.

– Trong Cựu ước, đức khôn ngoan không những ám chỉ một đức tính của con người nhưng còn ám chỉ một ưu phẩm của Thiên Chúa, và thậm chí đôi khi được gán cho một bản vị thiên tính: Đấng Khôn ngoan tạo dựng vũ trụ và điều hành lịch sử (Kn 8,22-23; Cn 3,14; Hc 1,24)). Ở đây, “Khôn ngoan” không phải là “prudentia” nhưng  là “sapientia”.

– Trong Tân ước, đối với thánh Gioan và thánh Phaolô,  “Đấng Khôn ngoan” là chính Đức Kitô, Ngôi Lời tạo dựng (Ga 1,3.14; 1Cr 1,24.30). Trong bối cảnh này, đức Maria được chào kính như là “ngai tòa của Đấng Khôn ngoan” (Sedes sapientiae), bởi vì đã cưu mang Lời Chúa nhập thể.

– Mặt khác, chúng ta cũng không nên quên sự quy chiếu về Chúa Thánh thần (xc 1 Cr 2,10-16): ơn khôn ngoan (sapientia: cao minh) được kể như linh ân cao cấp nhất trong số bảy linh ân. Không những nó giúp ta biết sống đẹp lòng Chúa nhưng còn dẫn chúng ta vào kết hiệp với Người.

 


[1] Nhân học Kitô giáo: anthropologie chrétienne. Cũng có thể dịch là “nhân sinh quan”: quan điểm về con người.

[2] Đây là một lối chơi chữ trong tiếng châu Aâu. évangélisation de la culture – inculturation de l’évangile.

[3] “Mục vụ xã hội”: pastorale sociale. Chúng tôi sẽ giải thích từ ngữ này trong mục Hai.

[4] Nguyên tắc “nhân vị” (personne humaine), đã được sách TLHT trình bày ở chương ba.

[5] “Tin mừng hóa” (evangeliser) biến đổi cho phù hợp với Tin mừng. “Nhân bản hóa” (humaniser) biến đổi cho xứng hợp với con người.

[6] Nói đúng ra, sự khó khăn này là của tất cả các Kitô hữu chứ không phải riêng các giáo dân, đó là dung hòa giữa “chiêm niệm” (contemplation) và “hoạt động” (action).

[7]  Ở đây, Prudence có nghĩa là đức khôn ngoan, chứ không phải là sự thận trọng, dè dặt. Xem phụ trương trong mục Hai.

[8] Diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II tại trụ sở UNESCO, ngày 2-6-1960, trích dẫn tư tưởng của thánh Tôma Aquinô:  Genus humanum arte et ratione vivit (chú giải Aristote,  Post. Analyt., n.1).

[9] X. Antoni Esteve I Sera, Hoạt động bác ái của Hội thánh qua các thời đại, trong “Thời sự thần học” số 56 (5/2012), trang 36-56.

[10]  Các việc bác ái được tóm lại trong bản kinh “Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối và thương linh hồn 7 mối (Xc Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2447).

[11] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III (Thần học về đời sống tâm linh Kitô giáo), Roma 2003, trang 377-382.

[12] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 71-72; 78-81; 145-149; 186-191; 223-229.

[13] Đức Gioan Phaolô II đã viết một lá thư cho các nhi đồng (13/12/1994), và kể từ năm 1986, hàng năm gửi một sứ điệp nhân ngày thế giới bạn trẻ. Ngài cũng gửi một lá thư cho những người già lão (1/10/1999). Một năm trước đó, Hội đồng Tòa thánh về giáo dân xuất bản văn kiện Phẩm giá của người già lão, và sứ mạng của họ trong Hội thánh và trong thế giới (1/10/1998).