Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Về Kinh Tế – 04

0
1298


DẪN NHẬP VÀO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

***

***

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ KINH TẾ

 

Chữ viết tắt

KT = Lao động

GHXH = Giáo huấn xã hội của Giáo hội

GLCG = Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

GS = Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và hy vọng) của công đồng Vaticanô II

TLHT = Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội

XH = xã hội

CA = Thông điệp Centesimus annus.

CV = Thông điệp Caritas in veritate. 

SRS = Thông điệp Sollicitudo rei socialis.

Chúng tôi sẽ chia bài này làm hai mục: 1/ Tóm lược nội dung chương Bảy của Sách TLHT. 2/ Nhận xét.

***

MỤC I

SÁCH TÓM LƯỢC GIÁO HUẤN XÃ HỘI

 

Sách TLHT bàn đến Đời sống Kinh tế trong chương Bảy (các số 323-376), gồm 5 đoạn: 1/ Khía cạnh Kinh thánh. 2/ Luân lý và kinh tế. 3/ Sáng kiến cá nhân và sáng kiến kinh doanh. 4/ Các định chế kinh tế phục vụ con người. 5/ Những điều mới mẻ trong lĩnh vực kinh tế.

Chúng ta có thể vạch ra một thứ tự lý luận như thế này.

1. Trước hết, tìm hiểu ý nghĩa của giàu sang và khó nghèo trong Kinh thánh (Lời Chúa).

2. Lý do của việc Giáo hội can thiệp vào lãnh vực kinh tế: bởi vì có một mối liên hệ chặt chẽ giữa kinh tế và luân lý. Trong lãnh vực này, Giáo hội mời gọi mọi người thiện chí hãy dùng lý trí để khám phá ý nghĩa của hoạt động kinh tế nhằm phục vụ con người và xã hội.

3. Một áp dụng cụ thể của những nguyên tắc vừa rồi là doanh nghiệp:  ý nghĩa của tự do trong hoạt động kinh doanh. Đây là một vấn đề gay cấn trong cuộc tranh luận giữa hai chủ nghĩa tự do và xã hội trong thế kỷ XX.

4. Tiếp đến là vai trò của những tác nhân có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế: thị trường tự do, sự can thiệp của Nhà Nước, những đoàn thể hoạt động vô vị lợi, và chính các người tiêu thụ.

5. Sau cùng, cũng như hồi cuối thế kỷ XIX thông điệp “Rerum novarum” đã mở màn cho giáo huấn xã hội, thì ngày nay, cũng cần phác hoạ những đường hướng mới (res novae) đang diễn ra.

Như sẽ thấy trong mục 2, các đề mục vừa nêu có thể được sắp xếp theo một thứ tự khác. Ngoài ra, các đề tài liên quan đến đời sống kinh tế không chỉ được sách TLHT bàn trong chương này mà thôi, nhưng còn ở những nơi khác, chẳng hạn như trong chương Bốn (về tài sản) và chương Sáu (về lao động). Hơn nữa, kinh tế cũng liên quan đến gia đình (chương Năm) và Nhà Nước (chương Tám).

I. KHÍA CẠNH KINH THÁNH

Xét về phương pháp trình bày, chúng ta nhận thấy rằng từ chương Sáu vừa rồi (Lao động) cho đến chương Mười Một (Hòa bình), sách Tóm lược luôn mở đầu GHXH bằng việc quy chiếu về Kinh thánh. Lời Chúa trở thành ánh sáng giúp chúng ta phân định các thực tại trần thế.

Trong lãnh vực kinh tế, sách TLHT đưa ra hai đề tài để suy niệm: 1/ Quan niệm về giàu nghèo. 2/ Sự chia sẻ tài sản.

A. Quan điểm Kinh thánh về giàu sang và nghèo nàn

1. Trong Cựu ước, người ta thấy có hai thái độ đối nghịch trước những của cải vật chất[1] (số 323). Một đàng, chúng được coi như là phúc lành của Chúa ban; đàng khác, chúng có thể bị chỉ trích khi sử dụng sai lệch (các ngôn sứ kết án những kẻ bóc lột và những cảnh bất công).

2. Sự nghèo nàn được nhìn nhận như một giá trị luân lý (số 324). Những lời Chúa hứa can thiệp giải cứu được dành cho những người nghèo: họ sẽ được kế thừa giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Ngài; họ sẽ được Đấng Mêsia bảo vệ quyền lợi. Sự nghèo nàn giúp cho tâm hồn con người biết lãnh nhận ân huệ của Đấng Tạo Hoá, đang khi người giàu dễ tự phụ vì dựa vào tài sản của mình. Người nghèo ý thức rằng các tài sản vật chất có tính cách tạm bợ, và chúng được Chúa ban để cho mình quản lý và chia sẻ.

3. Chúa Giêsu tiếp nối truyền thống của Cựu ước về tài sản, sự giàu sang và nghèo nàn (số 325). Người đến để thiết lập “Triều đại Thiên Chúa”, giải thoát con người khỏi cảnh lầm than, dẫn đến thông hiệp với Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các tín hữu tiếp tục công trình của Chúa Giêsu: trao trả lại công bằng cho người nghèo, giải thoát những kẻ bị áp bức, tìm kiếm một trật tự mới của công lý.

4. Kinh tế và tiến bộ xã hội nhằm phục vụ con người và xã hội (số 326).

– Tài sản được coi là sử dụng cách đúng đắn khi nhằm đến: hoàn thiện thế giới; làm chứng cho sự tốt lành và cao cả của Thiên Chúa; tiến đến sự tự do sung mãn; phát huy những tài năng cá nhân để làm việc nghĩa; làm giàu trước mặt Chúa (xc. Lc 12,21).

– Mục tiêu của kinh tế:

+ dụng cụ để giúp vào việc tăng trưởng toàn diện của con người và xã hội;

+ phục vụ phẩm chất của đời sống.

5. Đức tin vào Chúa Kitô soi sáng bản chất của sự phát triển (số 327). Theo thư thánh Phaolô gửi Colosê, Đức Kitô là trưởng tử trong mọi loài thọ tạo. Mọi vật được tạo dựng trong Người và nhờ Người. Mọi sự tồn tại nơi Người. Mọi sự viên mãn và hoà giải ở nơi Người. Lịch sử của chúng ta được viết ở trong Người.

B. Sự giàu có là để chia sẻ

1. Các tài sản được Chúa ban cho toàn thể nhân loại[2] (số 328). Mọi hình thức tích luỹ tài sản quá đáng đều trái ngược với luân lý. Sự cứu rỗi của Kitô giáo bao hàm sự giải thoát toàn diện con người đối với nhu cầu cũng như đối với việc chiếm hữu: “Bởi vì căn nguyên của mọi sự dữ là sự ham mê tiền bạc; vì buông theo lòng ham muốn ấy mà nhiều người đã xa lìa đức tin” (1Tm 6,10). Vì thế cần phải hoán cải và thay đổi lương tâm, hơn là đòi hỏi phải thay đổi các cơ chế xã hội và chính trị.

2. Quan điểm các giáo phụ đối với của cải (số 329):

– Clêmentê Alêxanđria: Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ người khác, nếu tất cả chúng ta đều chỉ có hai bàn tay trắng?

– Gioan Kim khẩu: Một số người được giàu có là để họ được tăng thêm công trạng khi chia sẻ tài sản cho người khác.

– Thánh Basiliô kêu gọi người giàu hãy mở các cửa kho chứa hàng.

– Thánh Grêgôriô Cả nói rằng người giàu chỉ là một kẻ quản lý những gì mình sở hữu; việc cung cấp cái nhu yếu cho người đang cần là điều phải thực hiện với lòng khiêm tốn, bởi vì tài sản không phải là đồ sở hữu của kẻ phân phát.

II. LUÂN LÝ VÀ KINH TẾ

A. Trật tự kinh tế một phần lệ thuộc vào trật tự luân lý (số 330)

Nhờ việc phân tích bản chất của các sự vật và bản tính con người xét theo cá nhân và xã hội, lý trí có thể khám phá ra mục tiêu mà Đấng Tạo hóa ấn định cho trật tự kinh tế (thông điệp Quadragesimo anno của ĐGH Piô XI).

B. Tương tác giữa những lãnh vực luân lý và kinh tế (số 331)

– Những giá trị bất khả nhượng kể cả trong lãnh vực kinh tế: a) phẩm giá của nhân vị; b) ơn gọi toàn diện của con người; c) điều thiện hảo của toàn thể xã hội. Thật vậy, con người là tác nhân, trung tâm và cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội (GS số 63).

– Mục tiêu của kinh tế không nằm ở trong chính kinh tế, nhưng là nhắm tới con người và xã hội (GLCG số 2426). Mục tiêu thực tiễn của kinh tế: sản xuất, phân phối và tiêu thụ các của cải và dịch vụ.

C. Chống lại những “cơ cấu của tội lỗi” (số 332)

Hiệu năng kinh tế và sự phát triển liên đới của nhân loại là hai cứu cánh không thể tách rời nhau. Luân lý là một thành tố của hiệu năng xã hội của kinh tế.

a) Khẳng định thứ nhất: chúng ta có bổn phận phải thực hiện hoạt động sản xuất của cải cách hiệu quả. (Không được lãng phí nguồn lực).

b) Khẳng định thứ hai: không thể nào chấp nhận một sự tiến triển kinh tế gây thiệt hại cho con người.

– Một nhân đức cơ bản: tình liên đới, trên bình diện cá nhân cũng như xã hội.

– Phải chống lại những “cơ cấu của tội lỗi” (phát sinh do tật ích kỷ), nguồn gốc của sự nghèo đói, kém phát triển, suy thoái.

D. Mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia vào đời sống kinh tế (số 333)

– Tất cả mọi người đều mang trách nhiệm đối với tất cả mọi người. Nghĩa vụ liên đới và công bằng đối với toàn thể nhân loại.

– Mỗi người đã được Chúa dựng nên để sống hiệp thông với người khác (CA số 41).

– Thách đố: sáng nghĩ và thực hiện những dự án kinh tế và xã hội có khả năng cổ võ một xã hội công bằng hơn và một thế giới nhân bản hơn.

E. Sự phát triển toàn diện và liên đới của con người và của xã hội (số 334)

– Sự phát triển không thể nào chỉ thu hẹp vào việc thu tích của cải và dịch vụ.

– Những nguy hiểm của xã hội tiêu thụ: làm nô lệ cho sự chiếm hữu của cải vật chất và hưởng thụ tức thời.

F. Kinh tế thị trường và tự do (số 335)

– Kinh tế thị trường: nhìn nhận vai trò cơ bản của doanh nghiệp, thị trường, tư sản, trách nhiệm cá nhân.

– Điều không thể chấp nhận được là tự do kinh tế không bị ràng buộc bởi pháp luật; không đếm xỉa đến sự tự do toàn vẹn của con người, và bỏ qua cứu cánh luân lý và tôn giáo của tự do con người.

III. SÁNG KIẾN TƯ NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP

1. Quyền sáng kiến kinh tế (số 336).

Sự tự do của cá nhân trong lãnh vực kinh tế là một giá trị cơ bản và là một quyền lợi bất khả nhượng. Sáng kiến tự do và trách nhiệm biểu lộ con người như là một chủ thể sáng tạo và sống tương quan. Chối bỏ quyền này sẽ phá huỷ tinh thần sáng khởi và bản lĩnh của người công dân. Quyền này chỉ có thể bị Nhà Nước hạn chế khi nó không thể nào dung hợp với ích lợi chung, hoặc khi sự hành sử nó gây ra xung đột với ích lợi chung.

2. Nguồn lực[3] chính yếu của con người là chính con người (số 337).

Tầm quan trọng của khả năng sáng tạo và kinh doanh. Con người dùng trí tuệ của mình để khai thác những tiềm lực sản xuất của trái đất và thoả mãn những nhu cầu của nhân loại.

A. Doanh nghiệp và các mục tiêu của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp như là một xã hội của những con người (số 338).

Những mục tiêu của doanh nghiệp nhắm phục vụ công ích:

a) Kinh tế: sản xuất các của cải và dịch vụ; tạo ra sự giàu sang cho các chủ nhân cũng như cho những tác nhân khác.

b) Xã hội và luân lý: tạo nên những cơ hội để gặp gỡ, hợp tác, đánh giá những khả năng của các cá nhân.

Dưới cái nhìn của Kitô giáo, doanh nghiệp là một xã hội của tư bản và một xã hội của những con người.

2. Cộng đồng là một lợi ích cho tất cả mọi người chứ không chỉ có một vài người (số 339). Thí dụ: hợp tác xã, xưởng thủ công nghệ, doanh nghiệp canh tác trong phạm vi gia đình, trong đó nêu bật giá trị của lao công, ý thức về trách nhiệm cá nhân và xã hội, tổ chức dân chủ.

3. Lợi nhuận chính đáng của doanh nghiệp (số 340)

Khi doanh nghiệp mang lại lợi nhuận thì có nghĩa là đã biết sử dụng tốt những nhân tố sản xuất. Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất mà doanh nghiệp đeo đuổi. Ngoài ra cần nhắm đến:

– bảo vệ phẩm giá con người;

– việc làm cho phép tăng trưởng nhân vị của người lao động;

– tạo nên một cộng đồng liên đới;

– vượt qua những tranh chấp đòi hỏi tiện ích của riêng nhóm (chủ / thợ);

– hướng đến một “sinh thái học xã hội” lao động;

– bảo vệ môi trường.

4. Tuy lợi nhuận chính đáng là điều được phép, nhưng cho vay nặng lãi là điều trái với luân lý (số 341)[4]. Sự cho vay nặng lãi cũng giống như giết người cách gián tiếp, bởi vì đã tiêu diệt nhiều sinh mạng. Sự lên án việc cho vay nặng lãi cũng nới rộng đến những quan hệ kinh tế quốc tế, cách riêng đối với những nước kém mở mang.

5. Hiện tượng toàn cầu hóa (số 342)[5].

Cần phải có một sự phát triển chung, đứng trước những bối cảnh kinh tế càng ngày càng rộng lớn. Nhà Nước càng ngày càng thấy bị giới hạn trong việc điều hành những tiến trình thay đổi nhanh chóng liên quan đến các tương quan kinh tế và tài chánh quốc tế. Từ đó các doanh nghiệp mang thêm những trách nhiệm mới trong việc phát huy sự phát triển toàn diện và liên đới của toàn thể nhân loại. Buộc phải lựa chọn, hoặc là sự phát triển trở thành chung cho tất cả mọi phần trên thế giới, hoặc là nó sẽ bị suy thoái ngay tại những miền vốn liên tục phát triển (thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 17).

B. Vai trò của doanh nhân và người điều khiển doanh nghiệp[6]

1. Cạnh tranh trong sáng tạo và hợp tác (số 343). Những đức tính của người điều khiển doanh nghiệp: ý thức trách nhiệm, hăng say làm việc, khôn ngoan trước những rủi ro, tín nhiệm và trung thành trong tương giao giữa người với người, nghị lực trong khi thi hành,.v.v…

2. Các công nhân là tài sản quý báu nhất của doanh nghiệp (số 344). Trong những quyết định quan trọng,  các doanh nhân và người điều khiển doanh nghiệp cần phải lưu ý không những đến hiệu năng kinh tế tài chánh, mà còn đến phẩm giá của các công nhân nữa.

3. Khuyến khích nhu cầu gia tăng phẩm tính (số 345)

– Cổ võ đời sống gia đình, đặc biệt là các bà mẹ;

– Tăng gia phẩm tính sản xuất, các dịch vụ, nếp sống trong doanh nghiệp

– Nâng cao phẩm tính trong việc đầu tư vào những lãnh vực cho phép các cá nhân tận dụng sức lao động của mình.

IV. NHỮNG ĐỊNH CHẾ KINH TẾ PHỤC VỤ CON NGƯỜI

Nguyên tắc tiết kiệm[7] (số 346)

Sử dụng hợp lý các nguồn nhiên liệu trong bối cảnh khan hiếm. Cần tổ chức hệ thống kinh tế toàn cầu hữu hiệu, trong đó nêu bật trách nhiệm của những tác nhân khác nhau: thị trường, Nhà Nước, các đoàn thể xã hội trung gian, và sau cùng chính những người tiêu thụ.

A. Vai trò của thị trường tự do

1. Tầm quan trọng của thị trường tự do (số 347)

Những lợi ích của thị trường tự do: nâng đỡ sự phát triển kinh tế; phân phối các nguồn lực và đáp ứng các nhu cầu; tạo cơ hội thuận tiện cho sự giao dịch hàng hóa; con người cam kết với nhau qua hợp đồng.

Để có một thị trường thực sự cạnh tranh và công bằng thì cần phải: điều hoà những thái quá của lợi nhuận của các doanh nghiệp; đáp ứng những đòi hỏi của người tiêu thụ; sử dụng thích hợp và tiết kiệm các tài nguyên; tưởng thưởng những cố gắng của người lãnh đạo và những tài năngï đổi mới; trao đổi thông tin để có sự cạnh tranh lành mạnh.

2. Lợi nhuận và sự hữu ích xã hội (số 348).

Tính cách hợp pháp của thị trường tự do không nằm ở ngay trong chính nó. Lương tâm và trách nhiệm cần thiết lập mối tương quan giữa những cứu cánh và phương tiện: không thể nào đặt lợi nhuận cá nhân như là một mục tiêu duy nhất; cần phải hoà hợp quy luật của thị trường với việc thực hiện sự hữu ích xã hội. Nói khác đi, thị trường tự do phải phục vụ ích chung và sự phát triển toàn diện của con người. Nếu không thì thị trường tự do sẽ bị thoái hoá thành một thể chế vô nhân đạo.

3. Thị trường và những mục tiêu luân lý (số 349)

Những sai lầm của chủ nghĩa tự do: giao cho thị trường việc cung cấp tất cả mọi loại thiện ích; như vậy con người và xã hội đã biến thành món hàng. HTXH vạch cho thấy những giới hạn của thị trường: thị trường không đủ khả năng thỏa mãn những đòi hỏi quan thiết của nhân loại; những đòi hỏi này không thể nào giải quyết theo những định luật cung cầu của thị trường.

4. Tự do kinh tế chỉ là một khía cạnh của tự do con người (số 350)

Thị trường có một chức năng xã hội: các tác nhân cần được hưởng sự tự do trong việc đánh giá và chọn lựa. Thị trường tự do cần được điều phối bằng một khung cảnh pháp lý thích hợp, nhằm phục vụ sự tự do toàn diện của con người. Con người sẽ bị tha hóa nếu chỉ được nhìn như một kẻ sản xuất và tiêu thụ, chứ không như là một chủ thể sản xuất và tiêu thụ để có thể sống như con người tự do.

B. Hành động của Nhà Nước

1. Những nguyên tắc hỗ trợ và liên đới (số 351)

– Nguyên tắc hỗ trợ: tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động kinh tế.

– Nguyên tắc liên đới: thiết lập những giới hạn của các bên để bảo vệ những bên yếu đuối.

Liên đới mà thiếu hỗ trợ: bao cấp. Hỗ trợ mà thiếu liên đới: óc địa phương, quyền lợi của kẻ mạnh,.v.v…

Vai trò của Nhà Nước: phối hợp và định hướng cho sự phát triển (CA số 48):

– nâng đỡ hoạt động của các doanh nghiệp và tạo ra công ăn việc làm

– kiểm soát những doanh nghiệp độc quyền làm cản trở sự phát triển

– thay thế các doanh nghiệp trong những hoàn cảnh bất thường.

2. Xác định một khung cảnh pháp lý để điều hành các tương quan kinh tế (số 352)

Thiết lập một thứ bình đẳng nào đó giữa các bên. Bảo đảm các quyền tự do cá nhân và tư hữu. Giữ vững tiền tệ. Tổ chức hữu hiệu các dịch vụ công. Soạn thảo các chính sách kinh tế và xã hội. Tránh các kiến trúc thượng tầng hoặc kiềm chế độc đoán hay độc tài.

3. Sự bổ túc giữa Nhà Nước và Thị trường (số 353)

Vai trò của Nhà Nước:

– xác định hướng đi của sự phát triển kinh tế

– bắt buộc việc tuân thủ các luật lệ công minh và trong sáng

– trực tiếp can thiệp nếu thị trường không đạt được những kết quả hiệu năng mong muốn; hoặc nếu thị trường không đủ khả năng phân phối đồng đều những hàng hóa và dịch vụ.

4. Sự quân bình giữa tự do cá nhân và hoạt động của chính phủ (số 354)

Tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ: khuyến khích các tư nhân phát triển khả năng sáng kiến, tự lập và trách nhiệm.

Sự can thiệp quá trực tiếp của Nhà Nước làm hại cho xã hội, làm giảm tinh thần trách nhiệm của các công dân, tăng thêm nhiều cơ quan công quyền với khuynh hướng quan liêu, không giải quyết những nhu cầu của nhân dân.

5. Việc tài trợ của Nhà nước nhằm phục vụ sự phát triển và tình liên đới (số 355)

Sự tài trợ công minh có những tác dụng tích cực đối với kinh tế: tăng thêm công ăn việc làm; nâng đỡ hoạt động cho các doanh nghiệp và những dự án hoạt động bất vụ lợi; bảo vệ những thành phần thấp kém (qua các chương trình bảo hiểm xã hội).

Các số tiền chi tiêu công cộng được coi như phục vụ công ích khi:

– được thu nhập bởi tiền thuế được phân bổ hợp tình hợp lý (thuế là một hình thức của nghĩa vụ liên đới);

– được quản lý phân minh rành mạch trong việc chi tiêu

– quan tâm đến việc tài trợ cho các gia đình.

C. Vai trò của những đoàn thể trung gian

1. Xã hội dân sự[8] và công ích (số 356)

Những tác nhân của đời sống kinh tế và xã hội: a) hoạt động công (Nhà Nước); b) hoạt động tư (tư nhân); c) hoạt động tư phi-lợi-nhuận.

Có một vài loại thiện ích mang tính công cộng mà không thể được cung ứng do cơ chế thị trường hoặc do thẩm quyền của Nhà Nước, nhưng là do những cơ cấu trung gian, đóng vai trò bổ túc. Chúng thúc đẩy việc phát triển một nền dân chủ kinh tế thích hợp.

2. Các tổ chức tư nhân phi-lợi-nhuận thể hiện việc kết hợp giữa sự sản xuất và tình liên đới (số 357).

Những tổ chức này được thành hình do một hợp đồng gia nhập tự do. Nhà Nước cần phải tôn trọng bản chất của những đoàn thể ấy, và nâng đỡ qua nguyên tắc hỗ trợ.

D. Tiết kiệm và tiêu thụ

1. Tiết kiệm và sự lựa chọn dựa trên luân lý và văn hóa (số 358)

Những người tiêu thụ có thể tác động đến thực trạng kinh tế qua việc lựa chọn tự do giữa tiêu dùng và tiết kiệm.

Những tiêu chuẩn lựa chọn khi tiết kiệm: a) lợi tức có thể tiên đoán được; b) mức độ rủi ro; c) chọn lựa lãnh vực đầu tư.

2. Những yêu sách luân lý trong việc tiêu dùng (số 358)

Việc mua sắm tiêu dùng cần được thi hành trong khung cảnh của những yêu sách luân lý: công bằng và liên đới; nghĩa vụ bác ái (trích những của dư dật hoặc cả của cần thiết để giúp đỡ người nghèo); lựa chọn những hàng được sản xuất trong những điều kiện làm việc hợp pháp và tôn trọng môi sinh.

3. Chiếm hữu hay hiện hữu[9] (số 360)

Xã hội tiêu thụ hướng dẫn đến sự chiếm hữu hơn là hiện hữu. Để chống lại trào lưu đó, cần phải xây dựng một nếp sống quyết định sự lựa chọn của những người tiêu dùng dựa trên việc tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ; hiệp thông với những người khác để cùng nhau thăng tiến; bảo vệ môi trường thiên nhiên.

V. NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ (RES NOVAE) TRONG LÃNH VỰC KINH TẾ

Đoạn này dài hơn cả, phác họa những viễn ảnh trong hiện tại và tương lai gần, xoay quanh ba vấn đề thuộc lãnh vực kinh tế tài chánh (1/ toàn cầu hóa; 2/ hệ thống tài chánh quốc tế; 3/ những cơ quan quốc tế), và đề nghị hai điểm thuộc lãnh vực đạo đức (sự phát triển toàn diện; giáo dục tâm linh)

A. Hiện tượng toàn cầu hóa: những cơ may và rủi ro

Hiện tượng toàn cầu hóa là một thực tại đa dạng và phức tạp không dễ gì mà khám phá (số 361).

1. Hiện tượng toàn cầu hóa trong lãnh vực kinh tế tài chính:

– quá trình tích hợp các nền kinh tế quốc gia qua việc thương mại và giao dịch tài chính;

– càng ngày càng có nhiều nhà hoạt động kinh tế đã tính toán ở tầm mức toàn cầu khi chọn lựa những cơ may tăng trưởng và thâu lợi;

– khả năng lan rộng các mối quan hệ kinh tế tài chánh của quốc gia đang làm việc tại nhiều nước khác nhau;

– vai trò quyết định của các thị trường tài chính;

– sự trao đổi số vốn khổng lồ từ nơi này sang nơi khác;

Tóm lại, đây là một thực tại đa diện liên tục tiến hóa theo những đường hướng khó lòng dự đoán.
 
2. Những hy vọng và băn khoăn (số 362)

a) Những ích lợi nhờ sự phát triển của kỹ thuật viễn thông:

– giảm giá chi phí các cuộc viễn thông và các công nghệ mới;

– đẩy mạnh những sự trao đổi thương maị và các giao dịch tài chính trên khắp địa cầu.

b) Những rủi ro:

– hố sâu về sự bất bình đẳng giữa những nước tiến bộ và những nước đang phát triển, và thậm chí ngay giữa các nước công nghiệp hóa.

– nhiều người càng ngày càng giàu, nhưng nhiều người càng ngày càng nghèo.

3. Cuộc thách đố

Bảo đảm một cuộc toàn cầu hóa trong tình liên đới và không loại trừ (số 363). Những điều kiện để cho một cộng đồng được hưởng những sự cải tiến về kỹ thuật: các người thụ hưởng phải đạt được một mức độ tối thiểu về kiến thức và nguồn tài chính. Vì có sự chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia cho nên hiện tượng toàn cầu hóa lại càng khơi sâu các sự chênh lệch thay vì thu hẹp lại. Sự tự do lưu thông các nguồn vốn chưa đủ để giúp cho các nước đang phát triển xích lại gần các nước tiến bộ.

4. Tầm quan trọng của những tiêu chuẩn luân lý trong các mối quan hệ quốc tế (số 364).

Nếu được định hướng thích đáng, nền thương mại quốc tế sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển và có khả năng tạo ra những việc làm mới cũng như cung cấp những nguồn tài nguyên hữu ích.

Trên thực tế, hệ thống thương mại quốc tế thường bị lệch lạc do các chính sách bảo hộ, kỳ thị các sản phẩm đến từ các nước nghèo, và vì thế cản trở sự tăng trưởng hoạt động công nghiệp tại các nước này cũng như việc chuyển giao công nghệ cho họ. Như vậy đào sâu thêm hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo.

Những tiêu chuẩn luân lý định hướng các mối quan hệ thương mại: theo đuổi ích chung; các của cải dành cho hết mọi người; công bằng; quan tâm đến những quyền lợi và nhu cầu của người nghèo.

5. Toàn cầu hóa và bảo vệ các nhân quyền (số 365).

Cho đến nay vẫn chưa có một thẩm quyền quốc tế phục vụ các quyền lợi con người, tự do và hoà bình. Nhiều quyền lợi chưa được tôn trọng: quyền có lương thực; quyền có nước uống; quyền có nhà ở; quyền tự quyết và độc lập,.v.v…

6. Trách nhiệm của những tổ chức của xã hội dân sự ở tầm mức quốc tế (số 366)

– Phân phối quân bình các tài nguyên trong một quốc gia và giữa các quốc gia.

– Đòi hỏi công bằng xã hội trong lãnh vực tự do thương mại.

– Tôn trọng tính đa dạng của các nền văn hóa: các niềm tin, các quan điểm về cuộc đời.

7. Liên đới giữa các thế hệ (số 367).

Đây là một thái độ tự nhiên trong các gia đình, và cũng là một nghĩa vụ bắt buộc của cộng đồng. Tình liên đới giữa các thế hệ đòi hỏi rằng trong việc thảo ra kế hoạch toàn cầu, người ta phải quan tâm đến nguyên tắc của cải được dành cho tất cả mọi người; do đó việc bắt các thế hệ mai sau phải gánh chịu các phí tổn hiện nay là điều trái luân lý và phản tác dụng về kinh tế. Nguyên tắc này phải được áp dụng trong lãnh vực các tài nguyên mặt đất và trong việc bảo vệ công trình tạo dựng, một vấn đề hết sức tế nhị vì liên lụy đến toàn thể điạ cầu.

B. Hệ thống tài chính quốc tế[10]

1. Sự phát triển của tài chính dựa theo tiêu chuẩn tự lập (số 368)

Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng nếu thiếu những hệ thống tài chánh cân xứng thì không thể có tăng trưởng kinh tế. Nhờ tư bản được lưu động dễ dàng hơn cho nên các hoạt động sản xuất có nhiều tài nguyên hơn, nhưng cũng mang theo hệ quả là cũng tăng thêm rủi ro về các cuộc khủng hoảng tài chính. Sự phát triển tài chính, với những khối lượng giao dịch vượt qua những giao dịch thật sự, dẫn đến nguy cơ là tài chính trở thành điểm quy chiếu cho chính mình mà không có liên kết với những nền tảng thật sự của nền kinh tế.

2. Khi một nền tài chính trở thành cứu cánh cho chính mình thì tương phản với mục tiêu của nó (số 369).

Mục tiêu của kinh tế tài chính phải là phục vụ kinh tế đích thực: sự phát triển con người và cộng đoàn con người.

Tiến trình cải tiến và bãi bỏ kiểm soát các thị trường tài chính chỉ được củng cố tại vài nơi trên thế giới; các quốc gia bị loại khỏi các tiến trình ấy không những không được hưởng các lợi ích của tiến trình, mà còn phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực do sự bất ổn tài chính gây ra cho nền kinh tế của họ.

Tình hình hiện tại: sự tăng tốc đột ngột của các giá trị đầu tư chứng khoán do các tổ chức tài chính quản trị. Vì thế cần phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp mang tính định chế có khả năng hỗ trợ cách hữu hiệu sự ổn định của hệ thống mà không làm giảm tiềm năng của nó; cũng như cần phải du nhập một khuôn khổ quy phạm bảo đảm sự ổn định của các cơ cấu, đồng thời cổ vũ sự cạnh tranh giữa các trung gian, bảo đảm tính minh bạch nhằm mang lợi cho các nhà đầu tư.

C. Vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu

1. Nhà nước và cộng đồng quốc tế (số 370)

Càng ngày Nhà Nước càng mất hiệu năng trong lãnh vực kinh tế và tài chánh; vì thế đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải dấn thân nhiều hơn để giữ vai trò hướng dẫn. Do những mối quan hệ mới mẻ giữa các người điều hành chương trình toàn cầu hóa, cho nên xem ra các biện pháp tự vệ cổ truyền  của các Nhà Nước đã thất bại. Khái niệm về thị trường quốc gia cũng bị lu mờ.

2. Yêu sách của việc điều hành bởi cộng đồng quốc tế (số 371)

Bên cạnh các Nhà Nước, cộng đồng quốc tế cần đảm nhận vai trò tế nhị này, nhờ những dụng cụ chính trị và pháp lý tương xứng và hữu hiệu.

Thái độ thụ động của cộng đồng quốc tế đứng trước sự thay đổi sẽ gây ra những kết quả bi đát cho những thành phần yếu kém trong cộng đồng thế giới.

3. Bảo đảm việc tôn trọng nhân phẩm và sự phát triển của con người nhắm đến ích chung (số 372).

Chính sách kinh tế cần phải mở rộng xa hơn ranh giới các quốc gia, ngõ hầu điều hành tiến trình đang diễn ra, dựa theo những quy chuẩn vừa kinh tế vừa luân lý: củng cố những định chế có sẵn; tạo ra những cơ quan mới để đảm nhận trách nhiệm này, với những quy tắc rõ ràng để hành động; thảo hoạch một dự án tăng trưởng luân lý, dân sự và  văn hóa cho toàn thể gia đình nhân loại.

D. Sự phát triển toàn diện và liên đới

1. Phát triển mỗi người và toàn thể con người (số 373).

Cần phải có một quan niệm mới về kinh tế:

– phân phối cân xứng các tài nguyên;

– ý thức sự lệ thuộc lẫn nhau – kinh tế, chính trị và văn hóa – ràng buộc mọi dân tộc;

– chiều kích hoàn cầu của những vấn đề xã hội;

– Nhà Nước không thể tự mình giải quyết các vấn đề trong lãnh vực quốc gia;

– Tình liên đới cần thiết,  vượt lên chủ nghĩa cá nhân;

– Tạo ra nếp sống nhân bản, giúp cho mỗi người đáp trả với ơn gọi của mình.

2. Những ranh giới giàu nghèo ngay trong một quốc gia (số 374)

Một sự phát triển nhân bản và liên đới hơn cũng mang lại lợi ích cho chính những quốc gia trù phú nhưng đã lạc mất ý nghĩa cuộc sống: tha hoá và mất nhân cách; đánh mất ý nghĩa phẩm giá con người dựa trên hình ảnh Thiên Chúa; tạo ra những an vui vật chất làm thiệt hại cho con người và những thành phần nghèo. Tại các nước đang phát triển cũng có hiện tượng biểu hiện tích ích kỷ và phô trương tài sản.

E. Sự cần thiết của công việc giáo dục và văn hóa

1. Sự phát triển toàn diện của xã hội cần đến ý thức về Thiên Chúa và ý thức về chính mình (số 375).

Theo HTXH, kinh tế chỉ là một khía cạnh và một chiều kích trong toàn bộ những hoạt động của con người. Những nguyên nhân của việc sùng bái vật chất (một thứ thờ ngẫu tượng): không biết đến chiều kích luân lý và tôn giáo; mất ý thức về Thiên Chúa và mất ý thức về sự hiểu biết về chính mình.

2. Giáo dục

Sự cần thiết của công tác giáo dục (số 376) để đào tạo một hình ảnh toàn diện về con người: tôn trọng tất cả mọi chiều kích của nhân sinh; thiết lập cấp bậc các giá trị: các chiều kích vật chất ở dưới các chiều kích tinh thần.

Chương trình đào tạo:

– giáo dục cho những người tiêu thụ biết sử dụng khả năng chọn lựa cách có trách nhiệm;

– đào tạo ý thức trách nhiệm nơi các nhà sản xuất, cách riêng các nhân viên của ngành truyền thông;

– khi cần thiết, các cơ quan công quyền phải can thiệp.

***

MỤC II

MỘT VÀI NHẬN XÉT

 

Sinh hoạt kinh tế bao gồm nhiều đề tài: sản xuất, tiêu thụ, mua bán (thương mại), lại còn thêm vấn đề tư bản, lao động, vv. Cách riêng, ta thấy đề tài kinh tế có liên quan chặt chẽ với đề tài lao động[11]. Trên thực tế, hai đề tài sôi bỏng mở màn cho những sự can thiệp của HTXH là: lao động và tư hữu, được đặt lên trong cuộc cách mạng kỹ nghệ bên châu Âu, với hai chủ trương đối nghịch: tự do và xã hội. Phe xã hội tố cáo giới tư bản bóc lột lao động, vì thế cần phải diệt trừ tư hữu. Phe tự do thì bảo vệ tự do như là quyền bất khả xâm phạm và là động lực cho kinh tế, chống lại mọi sự can thiệp của Nhà Nước. Thông điệp Rerum novarum tìm cách dung hoà cả hai chủ thuyết đó; vì thế, không lạ gì mà nhiều người cho rằng HTXH đề ra một con đường thứ ba ở giữa phe tư bản và phe cộng sản. Nên lưu ý là cả hai chương này đều nhắc đến “res novae” (những điều mới) vào thời đức Lêô XIII và vào thời đại hôm nay.

Ngoài ra, xét về nội dung, vấn đề đời sống kinh tế lôi kéo theo nhiều đề tài được bàn rải rác trong sách TLHT, chẳng hạn như khi bàn về các nguyên tắc phẩm giá con người, công ích, hỗ trợ, liên đới, tài sản phục vụ ích chung (ở trong phần tổng quát).

Trong mục này, chúng tôi muốn xếp đặt lại các đề tài theo một thứ tự khác, nhằm cho thấy lịch sử của vấn đề và quan điểm của GHXH (với sự tiến triển theo dòng thời gian). Trước hết, chúng ta ôn lại vài khái niệm căn bản về kinh tế (đoạn I). Kế đến là vài chủ đề cụ thể (đoạn II). Sau cùng là suy tư dưới ánh sáng Lời Chúa (đoạn III), được Sách TLHT đặt ở đoạn mở đầu, nhưng chúng tôi đem vào phần kết luận vì những lý do sẽ nói dưới đây.

I. KHÁI NIỆM VỀ KINH TẾ

A. Từ ngữ

Trong tiếng Việt, “kinh tế” gốc bởi “kinh bang tế thế” (trị nước, giúp đời). Lúc đầu được hiểu về hoạt động chính trị (trị nước, sắp đặt việc nước); ngày nay, được hiểu về việc sản xuất vật dụng tiền của. Các từ ngữ gắn liền: kinh doanh, kinh tài, tài chánh.

Thực ra, “kinh tế” được dùng để chuyển dịch các từ ngữ Âu châu: économie, économique (Pháp), economics (Anh), gốc bởi tiếng Hy-lạp oikonomia, gồm bởi oikos (nhà) và nomos (quy tắc): quy tắc quản trị gia đình; từ đó áp dụng cho người quản lý, người phân phát[12]. Từ chỗ quản lý tài sản trong gia đình, danh từ này được mở rộng đến việc quản trị tài sản của các cộng đồng rộng lớn hơn: quốc gia, quốc tế.

Cũng nên biết là động từ économiser có nghĩa là “tiết kiệm” (tiếng Anh là to economize).

B. Sự phát triển của môn kinh tế học

Kinh tế (với các đề tài sản xuất, mua bán, tiền bạc) là một đề tài được nghiên cứu từ xưa, trong các ngành triết học, luật học. Thần học luân lý cũng bàn đến kinh tế trong phạm vi của đức công bằng. Kinh tế học trở thành một khoa học tự lập kể từ thế kỷ XVII. Kinh tế học bao gồm nhiều chuyên ngành: lý luận (lý thuyết) hoặc ứng dụng, vi mô hay vĩ mô. Dù sao, sinh hoạt kinh tế không chỉ liên quan đến các kinh tế gia hoặc các doanh nhân, nhưng còn đến các nhà chính trị, luật gia[13], và nhiều ngành xã hội học khác.

Trong những thế kỷ gần đây, các nhà kinh tế đòi hỏi cho mình một quy chế hoạt động tự lập: kinh tế có những định luật riêng của nó (cũng tương tự như các khoa học khác), không chịu sự kiểm soát của luân lý hay pháp luật. Điều này có nghĩa là kinh tế không chịu sự chỉ huy của tôn giáo hay chính trị: đó là chủ trương của thuyết tự do của thế kỷ XIX. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra sau thế chiến thứ nhất, người ta thấy sự cần thiết của Nhà Nước vào hoạt động kinh tế. Tiếc rằng từ một thái cực này (thị trường tự do phi luật lệ), người ta lại rơi sang thái cực đối nghịch (các chủ nghĩa toàn chế). Hơn thế nữa, ngoài sự kiểm soát của pháp luật và chính trị, hoạt động kinh tế còn cần được hướng dẫn bởi các quy tắc luân lý. Chúng ta hãy ôn lại vài dữ kiện lịch sử.

1. Hoạt động kinh tế bắt nguồn từ mối tương quan giữa con người với những đồ vật hiếm hoi và hữu dụng. Vì thế nguyên lý căn bản của kinh tế là luật cung cầu : “vật gì càng cần và càng hiếm thì càng có giá trị; và giá trị của đồ vật sẽ giảm dần khi nó trở thành dồi dào”. Từ sau cách mạng Pháp, định luật này cũng được áp dụng cho lao động, coi sức lao động cũng tựa như món hàng tuỳ theo luật cung cầu: theo nguyên tắc tự do cạnh tranh, khi số cung của công nhân mà tăng thì tiền lương trả cho họ sẽ giảm. Đó là chủ trương của thuyết tự do, và nó đã đưa đến biết bao nhiêu bất công xã hội. Điều sai lạc của thuyết đó nằm ở chỗ họ chủ trương rằng định luật đó không thể nào điều chỉnh được.

Trong bối cảnh ấy, người ta thấy cần phải phát biểu nguyên lý căn bản thứ hai của kinh tế học là: luật tương tác trong các giao dịch, nhằm điều chỉnh các khuynh hướng của thị trường hướng theo Công ích. Định luật này trở thành điều kiện để cho luật cung cầu có thể hoạt động đứng đắn, không làm cho kinh tế của một quốc gia bị lệch lạc. Theo nguyên lý này, sau khi một số hàng hóa đã được sản xuất thì sẽ xảy ra một sự trao đổi. Cần làm thế nào để không xảy ra sự chênh lệch giữa các lãnh vực khác nhau, nghĩa là đừng để cho lãnh vực nào phải tiến hay lùi do hiệu quả của sự trao đổi. Nguyên lý này mang tính cách chính trị nhằm bảo đảm công ích, nhưng cũng sớm trở thành nguyên lý kinh tế học, bởi vì nếu nó không được tuân thủ thì những cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra. Kinh tế là một sự giao dịch, và guồng máy kinh tế đòi hỏi sự quân bình giữa bốn lãnh vực nền tảng đó là : a) sản xuất (nguyên liệu); b) kỹ nghệ; c) phân phối; d) tài chính. Tất cả bốn lãnh vực đều liên hệ chặt chẽ với nhau vào bổ túc cho nhau: nếu một lãnh vực nào tăng trưởng mà không mang theo sự tăng trưởng của các lãnh vực khác thì sẽ làm thiệt hại cho bộ máy kinh tế.

Kinh tế được hình thành bởi những cuộc trao đổi giữa người bán và kẻ mua: người bán ở thế lợi (bởi vì tượng trưng việc cung); người mua ở thế thiệt (bởi vì tượng trưng việc cầu). Khi bảo vệ quyền lợi của mình, người mua ở thế thua thiệt hơn là người bán; người bán có thể bắt chẹt người mua. Khi giao dịch,  nếu một lãnh vực nào mà người mua mạnh hơn người bán, thì lãnh vực đó bị thiệt; trái lại lãnh vực nào mà người bán mạnh hơn người mua thì lãnh vực đó có lợi.

Thí dụ người công nhân là một người mua: họ lãnh lương mà không có quyền ấn định giá cả của việc làm; do đó lãnh vực lao công luôn luôn bị thiệt thòi nếu không có sự điều chỉnh giao dịch. Ngược lại, lãnh vực tài chính được so sánh như người bán (bán dịch vụ vận chuyển tư bản) và luôn luôn được lời so với các lãnh vực khác. Chế độ kinh tế tự do gây ra một sự lệch lạc trong sự giao dịch, bởi vì lãnh vực công nhân luôn bị thiệt, lãnh vực sản xuất bị thiệt so với lãnh vực công nghệ, lãnh vực công nghệ bị thiệt so với lãnh vực phân phối, và lãnh vực phân phối bị thiệt so với lãnh vực tài chính. Theo dòng thời gian, lãnh vực tài chính sẽ tăng phồng lên, và lãnh vực công nhân sẽ bẹp xuống; như thế cuộc khủng hoảng kinh tế là điều không thể tránh được: bởi vì khi lương công nhân giảm xuống thì khả năng tiêu dùng cũng giảm, và sự sản xuất cũng bị ngưng trệ.

2. Trong lịch sử cận đại, người ta thường đối chọi hai chủ nghĩa kinh tế tư bản và xã hội. Thông điệp Centesimus annus bác bỏ cả hai bên: không thể chấp nhận một chế độ kinh tế đặt tư bản lên trên con người; không thể chấp nhận chế độ xã hội bởi vì nó cũng là một thứ chế độ tư bản của Nhà Nước. Thông điệp cổ võ một chế độ dựa trên lao động tự do, doanh nghiệp (hiểu như cộng đồng của những con người), sự tham gia. Thị trường được chấp nhận như là một khí cụ hữu hiệu để khai thác các tài nguyên và đáp ứng cho các nhu cầu; tuy nhiên thông điệp đòi hỏi rằng thị trường phải được kiểm soát bởi các lực lượng xã hội và bởi Nhà Nước (xc. GLCG số 2424-2425).

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là từ nay cứ để mặc hoạt động kinh cho sự thao túng cho chủ nghĩa tư bản. Thông điệp Centesimus annus đã dành ra số 42 để phân biệt những khía cạnh tích cực và tiêu cực của chủ nghĩa tư bản (capitalisme), được sách TLHT lặp lại ở số 335[14]. Xem ra đoạn văn muốn cho thấy hai bộ mặt của chủ nghĩa tư bản, được biểu lộ qua hai mô hình: a) mô hình sông Rhin (Đức, Ý, Nhật); b) mô hình Anh Mỹ (thuyết tân tự do).

HTXH chấp nhận giá trị tích cực của thị trường và doanh nghiệp, những đòi hỏi rằng nó phải hướng về công ích. Nhà Nước cần can thiệp, không phải để tham gia hoạt động kinh tế, nhưng là điều hành theo nguyên tắc hỗ trợ (TLHT số 351-353).

C. Học thuyết xã hội và sinh hoạt kinh tế

Như vậy, Giáo hội lên tiếng về các vấn đề kinh tế dưới khía cạnh luân lý[15]. Cũng như đối với các lãnh vực xã hội khác, Giáo hội muốn bảo vệ những quyền lợi của con người, xét theo từng cá nhân cũng như xét theo cộng đồng nhân loại.

Dĩ nhiên, tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá các hành vi luân lý là Lời Chúa. Tuy nhiên, khi trình bày đạo lý trong lãnh vực kinh tế xã hội, Giáo hội sử dụng ngôn ngữ của triết học ngõ hầu có thể đối thoại với mọi người dù thuộc các tín ngưỡng khác hay không theo tôn giáo nào. Nói cho cùng, ngôn ngữ triết học chính là ngôn ngữ của lý trí: Giáo hội sử dụng dùng những luận cứ của lý trí để thuyết phục những ai muốn hành động theo chân lý. Chúng tôi cũng muốn theo đường hướng đó: trong phần thứ hai, chúng tôi sẽ trình bày quan điểm của Hội thánh về đời sống kinh tế dựa theo triết học, và để dành giáo huấn Kinh thánh cho phần kết luận. Như sẽ thấy, Kinh thánh không chỉ giới hạn vào tương quan giữa con người trong cuộc sống trần thế này, nhưng còn muốn chỉ ra con đường hướng về Nước Thiên Chúa của thời cánh chung nữa. Điều này đòi hỏi con người sống “khó nghèo về tinh thần” (khác với sự nghèo nàn vật chất).

Riêng về mối tương quan giữa luân lý và kinh tế, thiết tưởng nên ghi nhận ba điểm sau đây:

1/ Giáo huấn xã hội của Hội thánh vừa gồm có những nguyên tắc bền vững vừa gồm những định hướng hành động  theo hoàn cảnh tình thế (xc. TLHT số 7; 85): chúng ta sẽ có dịp theo dõi sự tiến triển của GHXH về một vài đề tài chẳng hạn như về quyền tư hữu, đó là chưa nói đến những “vấn đề mới” (res novae) đang biến chuyển.

2/ Không chỉ Giáo hội Công giáo mới quan tâm đến khía cạnh luân lý và kinh tế; nhiều Giáo hội, tôn giáo khác cũng lên tiếng, và thậm chí cả các nhà kinh tế học nữa, chẳng hạn như giáo sư Amartya Sen, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1998. Việc tôn trọng luân lý không làm ngăn cản sự tiến triển của kinh tế nhưng còn giúp cho nó phát triển tốt đẹp nữa.

3/ Ngoài ra, ảnh hưởng của tôn giáo đối với hoạt động kinh tế đã trở thành một đề tài nghiên cứu của các nhà xã hội học từ đầu thế kỷ XX. Đang khi mà Karl Marx cho rằng tiến trình sản xuất đã sinh ra tôn giáo, thì Max Weber (1864-1920) đã chứng minh ngược lại: tôn giáo là chìa khoá giải thích sự phát triển kinh tế[16]. Những cuộc nghiên cứu vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay[17].

II. NHỮNG CHỦ ĐỀ SUY TƯ VỀ KINH TẾ

Chúng ta sẽ nghiên cứu bảy chủ đề:1/ Nhu cầu và sản xuất. 2/ Tiêu thụ. 3/ Lao động. 4/ Tư bản. 5/  Doanh nghiệp. 6/ Thị trường. 7/ Nhà Nước. Những chủ đề này có thể phân phối thành ba khối: những chủ đề nền tảng (số 1-2); kinh tế vi mô (số 3-5); kinh tế vĩ mô (số 6-7). Mỗi chủ đề sẽ được trình bày dưới hai khía cạnh chính: a) bối cảnh lịch sử hay tư tưởng; b) quan điểm của GHXH.

Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng cần nhấn mạnh đến  sự liên hệ giữa kinh tế và luân lý. Giữa đôi bên có ảnh hưởng hỗ tương. Bên cạnh những khía cạnh kỹ thuật liên quan đến sản xuất và trao đổi hàng hoá, kinh tế học còn phải quan tâm đến cách ứng xử của con người, vì thế cần tuân theo những quy luật của luân lý, bởi vì nói cho cùng, luân lý bàn về cứu cánh của con người cũng như về những phương tiện để đạt đến cứu cánh[18].

Từ nhận định sơ đẳng ấy, GHXH đã vạch ra vài nguyên tắc căn bản cho hoạt động kinh tế mà ta đọc thấy trong sách GLCG, chẳng hạn như:

– Số 2426: “Việc phát triển hoạt động kinh tế và sự gia tăng sản xuất nhằm phục vụ các nhu cầu của con người.  Đời sống kinh tế không chỉ nhằm để làm ra nhiều sản phẩm, gia tăng lợi nhuận hoặc quyền lực; nhưng trước tiên nó nhắm tới phục vụ các nhân vị, con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế phải được hướng dẫn theo những phương pháp và luật lệ riêng, phải được thực thi trong những giới hạn của trật tự luân lý, theo sự công bằng xã hội, để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa về con người” (GS số 64). Xc TLHT số 334.

– Số 2407: “Trong lãnh vực kinh tế, việc tôn trọng nhân phẩm đòi phải thực thi đức tiết độ, đề điều tiết sự say mê của cải trần thế; đức công bằng, để bảo vệ các quyền lợi người lân cận và trả lại cho họ những gì thuộc về họ; và tình liên đới, theo khuôn vàng thước ngọc (regula aurea: điều gì bạn muốn cho người khác làm cho bạn, thì bạn hãy làm cho họ), và theo lòng quảng đại của Chúa, là Đấng vốn giàu sang, đã trở nên khó nghèo vì chúng ta, để lấy cái nghèo của Ngài mà làm cho chúng ta trở nên giàu có (xc. 2Cr 8,9)”.

Luân lý không phải là cái gì áp đặt từ bên ngoài cho hoạt động kinh tế, nhưng là một điều kiện cho sự an toàn và quân bình không những các sinh hoạt kinh tế mà còn cho đời sống cá nhân và xã hội nữa. Việc tôn trọng các nguyên tắc luân lý giúp cho sự phát triển kinh tế (TLHT số 332; thông điệp Caritas in veritate số 5; 36; 45).

Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu vài nguyên tắc luân lý của sinh hoạt kinh tế, dựa theo các tiêu đề của kinh tế học, đi từ những nguyên tắc có tính tổng quát cho đến những nguyên tắc thuộc về từng lãnh vực riêng biệt. Nên biết là những nguyên tắc này chi phối cả người tiêu thụ nữa (nghĩa là tất cả chúng ta), chứ không phải chỉ riêng các doanh nhân (những người hoạt động kinh tế), và đã được đưa vào sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.

Chúng ta bắt đầu với hai đề tài cơ bản của kinh tế: nhu cầu (sản xuất);  tiêu thụ.

A. Nhu cầu

Theo số 2426 của sách GLCG đã được trích dẫn, kinh tế là một tổng bộ những hành vi nhắm đến việc thoả mãn những nhu cầu của con người, khởi đi từ sự khan hiếm nguyên liệu, do con người làm ra và nhắm phục vụ con người (toàn thể con người, và toàn thể nhân loại). Xc TLHT số 331.

Một nền kinh tế được luân lý hướng dẫn cần đặt ra những câu hỏi sau: cần phải sản xuất những loại hàng nào, với số lượng bao nhiêu? Phải sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Phải phân phối như thế nào? Phải tiêu thụ như thế nào?

1/ Những của cải cần sản xuất

Như đã nói trước đây, trong tiếng Việt, “của cải” (hoặc “tài sản”) thường chỉ được hiểu về những đồ vật chất, còn  trong ngôn ngữ châu Âu, từ ngữ được hiểu rộng hơn: biens (Pháp), goods (Anh) tự nó nói lên cái gì “tốt” (thiện hảo) và bao hàm cả lãnh vực tinh thần. Từ đó, luân lý công giáo đề ra một hệ trật giá trị, đó là: các của cải (biens, goods) phải dẫn chúng ta đến điều Thiện (Bien, Good): GLCG số 2420. Trong tiếng Việt, chúng ta khó nhận thấy mối liên hệ của sự “chơi chữ” ấy.

Cần phải sản xuất tất cả những của cải đáp ứng với nhu cầu (nghĩa là những gì cần thiết: needs) của con người. Sự sản xuất không phải là cứu cánh của chính mình (sản xuất vì sản xuất), nhưng nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Các nhu cầu này mang nhiều chiều kích khác nhau:

– Có những nhu cầu vật chất, có những nhu cầu văn hóa, có những nhu cầu tâm linh.

– Cần phân biệt giữa nhu cầu thực sự và nhu cầu giả tạo; giữa nhu cầu chính yếu và nhu cầu phụ thuộc hoặc thậm chí nhu cầu bỉ ổi.

– Có những nhu cầu cũng là những quyền lợi căn bản của con người, đó là: những quyền lợi nhắm đến việc bảo vệ nhân phẩm, tình liên đới xã hội và công lý.

– Có những nhu cầu cá nhân, có những nhu cầu xã hội (liên quan đến công ích), có những nhu cầu phổ quát (của nhân loại). Vì thế các quốc gia phải tổ chức thế nào để thoả mãn những nhu cầu của các công dân, và đồng thời góp phần vào việc thăng tiến các quốc gia kém mở mang.

– Không những chỉ lo sản xuất các của cải với số lượng đầy đủ, nhưng cũng còn phải lưu tâm đến phẩm tính của các dịch vụ, của môi trường và của đời sống nói chung.

– Xét vì các nhu cầu mang tính cách chủ quan, cho nên vấn đề giáo dục được đặt ra: con người không nên chỉ tìm thoả mãn các nhu cầu sinh lý mà bỏ qua những nhu cầu cao thượng hơn.

– Xét vì sự sản xuất nhằm phục vụ các nhu cầu của con người, cho nên không được phép sản xuất chỉ để sản xuất, hoặc nhằm đến tích lũy tài sản, củng cố quyền lực. Do đó, không thể chấp nhận những học thuyết cho rằng có thể sản xuất bất cứ cái gì có thể bán được (chỉ nhằm kiếm lợi), hoặc sản xuất những đồ vật để phô trương, hoặc sản xuất khí giới chiến tranh.

Dĩ nhiên, trong việc thẩm định các nhu cầu, lý trí (và ý chí) giữ một vai trò then chốt: lý trí phải cân nhắc cái gì là mục đích, cái gì là phương tiện, cái gì là chính yếu, cái gì là phụ thuộc.

2/ Sản xuất như thế nào?

Cần phải tổ chức việc sản xuất nhắm đến con người. Cần phải duy trì ba điểm sau đây: a) con người đứng trên khoa học và kỹ thuật; b) con người đứng trên tư hữu; c) sự tham gia của tất cả mọi người vào tiến trình sản xuất.

a) Con người đứng trên khoa học và kỹ thuật. Sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật cần nhắm đến việc đáp ứng những nhu cầu của con người, và phải đặt dưới sự kiểm soát của con người. Không được phép hy sinh phẩm giá con người cho sự tổ chức sản xuất tập thể hay cho hiệu năng sản xuất.

b) Con người đứng trên của cải vật chất: lao động của con người phải được đặt trên các phương tiện sản xuất, tư bản và kỹ thuật (thông điệp Laborem exercens).

c) Sự tham gia vào tiến trình sản xuất. Sự tham gia có thể nhìn dưới hai mặt:

– Các công nhân tham gia vào doanh nghiệp, vào lợi nhuận, vốn, sự quản trị, biến doanh nghiệp thành một cộng đồng (TLHT số 281).

– Các công dân tham gia vào sinh hoạt kinh tế, để tạo thăng bằng đối lại với sự canh thiệp của Nhà Nước cũng như để tạo nên sự phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội cho nhân loại. Sự tham gia không những là một quyền lợi nhưng còn là một nghĩa vụ. Quyền sáng kiến về kinh tế  của các cá nhân và đoàn thể là điều rất quan trọng đối với công ích (GLCG số 2429-2430; TLHT số 336).

B. Tiêu thụ

Việc tiêu thụ các đồ sản xuất cần tuân theo những quy tắc luân lý sau đây:

1/ Hãy quan tâm đến “cái Thực” hơn là “cái Hữu” (Etre / Avoir)[19]. Việc tham lam chiếm hữu của cải dẫn tới nếp sống duy vật, không bao giờ thoả mãn (xc. GLCG số 2544; TLHT số 360).

2/ Tính điều độ đứng trước chủ nghĩa tiêu thụ. Sự tràn ngập các tài sản vật chất và sự tạo ra những nhu cầu giả tạo có thể khiến chúng ta trở thành nô lệ cho sự chiếm hữu và hưởng lạc. Não trạng tiêu thụ phát sinh sự tha hoá và không mãn nguyện, khi lấy cái phụ thay cho cái chính; lòng tham không đáy bóp nghẹt những khát vọng cao thượng (GLCG số 2548; TLHT số 334).

3/ Liên đới thay cho cạnh tranh. Cần phải giúp đỡ những người nghèo; những của dư thừa tại các nước giàu phải được dùng để giúp đỡ các nước nghèo (xc. TLHT số 359).

C. Lao động

Đề tài này đã được bàn trong chương trước. Chỉ cần nhắc lại vài điểm để thấy sự mạch lạc trong đời sống kinh tế.

1/ Các chiều kích của lao động: chiều kích chủ thể (con người) và chiều kích khách thể. Con người đứng trên đồ vật sản xuất, tư bản và kỹ thuật (TLHT số 270-271).

2/ Lao động là một quyền lợi và một nghĩa vụ của mỗi người (TLHT số 274; 287).

3/ Những quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân (TLHT số 301-304).

4/ Tương quan giữa lao động và tư bản. Có thể nhìn dưới hai khía cạnh:

a) Lao động và tư bản[20] như là hai yếu tố góp phần vào tiến trình sản xuất (TLHT số 277-280). Trong quá khứ, hai bên đã có những tranh chấp:

– Chủ nghĩa tư bản tự do đã bóc lột lao động.

– Chủ nghĩa xã hội cho rằng lao động đã bị tha hoá do sự chiếm hữu các phương tiện sản xuất bởi giới tư bản; vì thế họ chuyển sự sở hữu này sang giới vô sản.

GLXH đề nghị một hình thức hợp tác giữa hai bên qua việc “đồng quản lý” (co-owner), nghĩa là để cho công nhân cũng được tham gia vào việc quản trị tư bản. Sự tham gia này có thể ở lãnh vực quản lý tư bản hay là ở lãnh vực lợi nhuận. Sự đồng quản lý có ích lợi là công nhân cảm thấy mình liên đới với số phận của doanh nghiệp, cũng như tránh sự tập trung tư bản vào một nhóm thiểu số (TLHT số 281).

b) Lao động là một phương thế để thủ đắc tài sản (TLHT số 282-283). Nói cách khác, lao động là một nguồn gốc của tư hữu. Điều này đưa chúng ta đến đề tài tư hữu sau đây.

D. Tư hữu

Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của GHXH trong thế kỷ XX, do hai chủ nghĩa đối lập nhau: a) chủ nghĩa tư bản bênh vực thuyết tư hữu, một động lực cho sinh hoạt kinh tế; b) chủ nghĩa xã hội (cộng sản) đòi dẹp bỏ quyền tư hữu vì cho rằng đó là nguyên nhân gây ra cảnh bóc lột lao động về phía giới tư sản. Quan điểm của Giáo hội như thế nào?

Thực ra vấn đề này khá phức tạp, bởi vì trong vòng một thế kỷ, bối cảnh chính trị xã hội đã thay đổi khá nhiều, và vì thế có sự tiến triển trong quan điểm của Giáo hội về quyền tư hữu. Chúng tôi xin trình bày ba điểm: 1/ Quyền tư hữu: sự tiến triển của GHXH. 2/ Những chiều kích của quyền tư hữu. 3/ Những khía cạnh mới của quyền tư hữu.

1/ Sự tiến triển của học thuyết công giáo về tư hữu

Những suy luận về tư hữu đã bắt đầu từ xa xưa: chúng ta đã thấy những quan điểm về tư hữu trong Kinh thánh và các giáo phụ, cũng như trong các cổ luật Rôma và Germanic. Thánh Tôma Aquinô đã tổng hợp quan điểm thần học Kitô về tư hữu (Summa Theologica II-II, q.66, a.2). Theo luật tự nhiên, toàn thể tài sản được dành cho tất cả nhân loại; nhưng luật chế định có thể trao tài sản cho tư nhân quản trị và sử dụng[21]. Thánh Tôma nhận thấy rằng khi tài sản nào được trao cho tư nhân quản trị thì nó được gìn giữ coi sóc kỹ lưỡng hơn (“cha chung thì không ai khóc”!). Mặt khác, sự quản trị tư sản là cơ hội để con người bộc lộ tài năng tự do của mình và cũng cần thiết cho sự ổn định tương giao xã hội.

Tuy thời nào cũng xảy ra những lạm dụng tư hữu, và thời nào cũng nảy lên  những phong trào đòi hỏi phân phát đồng đều tài sản cho mọi người, nhưng những cải cách quan trọng nảy sinh vào từ cuối thế kỷ XIX, với cuộc cách mạng kỹ nghệ với hố phân chia hai giai cấp tư bản và vô sản. Như chúng ta đã biết chủ nghĩa cộng sản chủ trương xóa bỏ quyền tư hữu, chuyển quyền sở hữu sang tay của tập thể. Chính quan điểm đối lập về quyền tư hữu đã phát sinh hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Dù sao chúng ta cũng đừng quên rằng trong vòng 100 năm qua cả hai chủ nghĩa đều có sự tiến triển; và học thuyết xã hội của Giáo hội cũng tiến triển. Chúng ta hãy lược qua những giai đoạn chính.

a) Thông điệp Rerum Novarum (1891) bênh vực quyền tư hữu như là một quyền lợi tự nhiên của con người. Lao động là nguồn gốc của tư hữu trên những tài sản hưởng dụng cũng như trên những tài sản bền vững, nhờ đó con người có phương tiện bảo đảm cho tương lai bản thân cũng như của gia đình. Hậu nhiên, sự truất hữu quyền tư hữu là một điều bất công (RN số 4-9). Cũng nên biết là đức Lêô XIII bênh vực tư hữu như một quyền lợi tự nhiên của con người, chứ không đả động tới chế độ tư bản hay sự phân phối chênh lệch các tài nguyên.

b) Đức Piô XI trong thông điệp Quadragesimo Anno (1931) mở rộng ra đến các chiều kích khác nhau của tư hữu (số 46,48,49). Tất cả các tài sản đã được Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại; do đó cần phải thiết lập một trật tự thế nào để đạt được mục tiêu đó. Mối liên hệ giữa con người với tài sản vừa có chức năng cá nhân vừa có chức năng xã hội. Vai trò của chính quyền là phải dung hợp hai chức năng đó để không rơi vào chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể. Thông điệp mở cửa cho quan điểm về “công bằng xã hội” (justitia socialis) cũng như việc quốc hữu hóa vài thứ tài sản.

c) Trong những sứ điệp truyền thanh, đức Piô XII vẫn tiếp tục bảo vệ quyền tư hữu như cái gì thuộc về phẩm giá và tự do của con người cũng như là điều kiện bảo đảm cho gia đình. Tuy nhiên, quyền tư hữu không có tính cách tuyệt đối. Dù sao xem ra đức Piô XII chỉ nhìn thấy quyền tư hữu của các cá nhân, nhưng chưa nhận ra vấn đề tư hữu của các công ty tư bản với khối lợi tức tích lũy kếch sù.

d) Chiều kích mới của vấn đề tư hữu được đức Gioan XXIII vạch ra trong thông điệp Mater et Magistra (số 104-106), mở đường cho công đồng Vatican II, thí dụ như chế độ an ninh xã hội được du nhập ở nhiều quốc gia; sự phân biệt giữa những nhà tư bản (cổ phần) và những cơ quan quyết định, hoặc giữa những chủ nhân và các doanh nhân trong các công ty. Nói khác đi, tư sản không chỉ hoàn toàn gắn liền với nhân phẩm mà còn kéo theo nhiều yếu tố khác nữa.

e) Sau công đồng, với thông điệp Populorum Progressio đức Phaolo VI mở rộng nhãn giới hơn nữa trước sự chênh lệch giữa các dân tộc. Tư hữu không phải là cái gì cứng nhắc gắn liền với nhân phẩm, nhưng phải cần được lồng trong mục tiêu phổ quát của các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại.

f) Từ khi chế độ cộng sản sụp đổ, nhân loại đứng trước một nguy cơ mới : tất cả đều dành cho nền kinh tế thị trường. Xem ra giá trị tối cao là tư bản, và con người lẫn lao động đều phải hy sinh cho thị trường. Thông điệp Centesimus Annus đã cảnh báo nguy cơ đó.

Như thế, trải qua những biến chuyển xã hội trong một thế kỷ vừa qua, học thuyết xã hội về tư hữu cũng tiến triển với sự bổ túc của những chiều kích khác nhau của tư hữu.

2/ Những chiều kích của tư hữu

Ta có thể tóm vào hai chiều kích chính : chiều kích nhân bản và chiều kích xã hội.

a) Xét theo chiều kích nhân bản, tư hữu là một quyền lợi của con người. Chính nhờ quyền tư hữu mà con người phát triển phẩm giá của mình như là chủ thể tự do, chiếm giữ và sử dụng các đồ vật và tài sản. Từ đó, ta thấy rằng nhân phẩm của con người bị thương tổn khi thiếu thốn những của cải tối thiểu nhất để sinh sống. Tuy nhiên, nhân phẩm của con người cũng bị thương tổn không kém khi con người chỉ biết chạy theo tài sản, tích lũy chúng, trở thành nô lệ cho chúng.

b) Chiều kích xã hội của tư hữu. Lúc vừa ra đời, học thuyết xã hội của Giáo hội đã bênh vực quyền tư hữu như là một quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm để chống lại với chủ thuyết cộng sản muốn truất bỏ quyền này. Nhưng dần dần, với sự tiến triển của thời gian và của các khoa học xã hội, đạo lý về quyền tư hữu đã được bổ túc thêm với chiều kích xã hội. Thông điệp Quadragesimo Anno (số 46), Mater et Magistra (số 19) đã ghi nhận điểm đó, và được Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 69 phát biểu như sau:

Thiên Chúa đã dành trái đất và tất cả các tài nguyên của nó cho hết mọi người và mọi dân sử dụng. Vì thế, các tài nguyên Chúa tạo dựng cần phải đến tay mọi người dưới sự hướng dẫn của công bằng và sự tháp tùng của bác ái. Dù các hình thức tư hữu có thế nào đi chăng nữa tùy theo sự thích ứng của những thể chế hợp pháp của các dân tộc vào những hoàn cảnh thay đổi, nhưng không bao giờ được làm mất đi việc dành các tài sản cho hết mọi người.

Điều này được lặp laị trong thông điệp Centesimus Annus ở số 31 và sách GLCG 2403-2406.

Chính vì dựa trên chiều kích xã hội của tài sản nên học thuyết xã hội của Giáo hội cho phép sự truất hữu trong một vài trường hợp, thí dụ như những khu đất đai không cầy cấy trồng trọt hoặc những tài sản làm ngăn trở cho sự thịnh vượng chung. Dĩ nhiên sự truất hữu (hay sung công) cũng phải tuân theo những quy tắc luân lý, thí dụ như phải nhằm tới lợi ích quốc gia chứ không phải chỉ nhằm thủ lợi cho một thiểu số. Mặt khác nếu trong quá khứ đã có lúc người ta chỉ biết hai giải pháp cực đoan giữa tư hữu (tài sản tư nhân) và quốc hữu (tài sản quốc gia),  ngày nay người ta thấy còn có nhiều giải pháp ở giữa hai thái cực ấy, nhất là một khi hai khái niệm Nhà Nước và Xã hội dân sự không còn gắn liền với nhau nữa.

Ngoài ra, về vấn đề tương quan giữa con người với tài sản, dựa theo truyền thống triết học Hy lạp và cổ luật Rôma, luân lý Công giáo đã phân biệt nhiều quan niệm chuyên môn:

+ Quyền “sở hữu” (làm chủ proprietas, dominium: property, ownership) và quyền “hưởng dụng” (sử dụng, quản lý: usus: use). Sở hữu chủ có thể là tư nhân (tài sản tư) hoặc là tập thể (kể cả Nhà Nước: tài sản công). Tư nhân có quyền định đoạt về tài sản thuộc quyền sở hữu của mình; nhưng trong việc sử dụng thì cần phải quan tâm đến những người khác nữa (GS 69; GLCG 2404; TLHT số 176-177), bởi vì xét cho cùng, trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người quản lý những tài nguyên mà Ngài đã ban cho toàn thể nhân loại sử dụng.

+ Tài sản (của cải) có thể được xếp vào hai hạng: của cải “tiêu dùng” (tiêu thụ: goods for use and consumption,  những đồ vật này sẽ bị huỷ hoại sau khi sử dụng, chẳng hạn như lương thực và áo quần); của cải “sản xuất” (goods of production, dùng vào việc sản xuất những của cải khác, thí dụ như máy móc). Giáo hội chấp nhận cho tư nhân được làm chủ cả những của cải sản xuất (GLCG 2405).

+ Dưới khía cạnh luân lý và tu đức, còn có sự phân biệt giữa của cải “cần thiết” (necessary) và của cải “dư thừa” (superfluous). Được coi là “cần thiết” khi cần để sinh sống và phát triển bản thân và gia đình (của ăn, áo mặc, nhà ở) cũng như để duy trì một mức sống cân xứng và dự phòng tương lai (bệnh tật, học hành, vv). Sự phân biệt này liên quan đến việc chia sẻ với người nghèo: nghĩa vụ này được đặt ra đối với của cải dư thừa, và đôi khi ngay cả đối với của cải cần thiết (TLHT số 359). Thậm chí, người nghèo có quyền chiếm đoạt của cần thiết để bảo vệ mạng sống của mình (GLCG số 2408, cuối).

3/ Những khía cạnh mới của tư hữu

Trong những xã hội cổ truyền, vấn đề tư hữu chỉ giới hạn tới mảnh vườn, cái nhà, cái cày cái cuốc với cặp trâu bò. Nhưng trong những xã hội tân tiến kỹ nghệ hiện nay, quan niệm về tư hữu được nới rộng rất nhiều: tài sản tiêu dùng hay sản xuất, tài sản vật chất hay tinh thần,.v.v…

a) Sở hữu chủ của tài sản không nhất thiết là một cá nhân. Trong các nền kinh tế tư bản hiện nay, chủ nhân của những công ty xí nghiệp lớn có thể là những nhóm tài phiệt nhưng cũng có thể là những nhóm cổ phần trong đó kể cả các công nhân cũng đóng góp.

b) Tuy phải cảnh giác về nguy cơ làm nô lệ của tiền của, nhưng Giáo Hội không chủ trương “bần cúng hóa nhân dân”. Ngược lại, cần cổ vũ cho quyền sở hữu được mở rộng đến người nghèo. Lao động là một phương tiện để mở rộng sự sở hữu.

c) Vấn đề giàu nghèo càng ngày càng mang tính chất quốc tế, đến nỗi thế giới chia thành hai khối Bắc (giàu) và Nam (nghèo), với những nhịp độ sản xuất khác nhau. Các nước nghèo sản xuất không đủ để trả tiền lãi chứ chưa nói chi tới việc hoàn lại vốn.

d) Bên cạnh khối tài sản vật chất, ngày nay người ta nói tới tài sản tinh thần (thí dụ chất xám): chính những đầu óc chuyên gia nhờ kiến thức hiểu biết và tài quán xuyến của họ, với những dự án và kế hoạch của họ, có thể ảnh hưởng đến cả chính sách kinh tế và phát triển của một quốc gia hay của toàn thể nhân loại.

e) Vì thế  các kế hoạch kinh tế không phải chỉ nhằm tăng gia những tài sản và dịch vụ vật chất, nhưng còn phải nhắm tới việc khuếch trương những tài sản tinh thần, tóm lại trong tiếng “văn hóa”.

f) Vấn đề phân phối đồng đều các tài nguyên trên thế giới cũng cần được áp dụng vào các tài sản tinh thần. Vì vậy nó cũng bao hàm việc tạo điều kiện để các dân tộc nghèo cũng được chia sẻ vào những kho tàng kiến thức và kỹ thuật của nhân loại. Mặt khác, không thiếu những nước tuy nghèo về vật chất nhưng có một gia sản văn hóa tinh thần rất phong phú và họ cần phải bảo tồn và phát triển. Chính nhờ sự phát triển những giá trị tinh thần mà họ sẽ không bị tha hóa khi chạy theo những tài sản vật chất và trở thành nô lệ của chúng.

g) Việc sử dụng tư bản còn liên quan đến việc đầu tư và lợi nhuận sẽ được bàn đến trong những đoạn tiếp theo.

Sách TLHT bàn đến tư hữu trong chương Bốn, trong phần tổng quát về những nguyên tắc của GHXH (số 171-181), cũng như trong chương nói đến gia đình (số 248-251) và lao động (số 282-283).

E. Doanh nghiệp

Cho đến nay chúng ta đã phân tích các yếu tố làm nên sinh hoạt kinh tế (khía cạnh tĩnh); bây giờ chúng ta ráp các yếu tố đó lại để xem chúng tương tác như thế nào (khía cạnh động), đứng đầu là doanh nghiệp (business, entreprise).

GHXH dành cho doanh nghiệp một vị trí quan trọng (TLHT số 336-345), bởi vì đây là nơi hội tụ của các tác nhân cơ bản của tổ chức kinh tế: lao động, tư bản, nghiệp đoàn, vv., cũng như là nơi áp dụng những nguyên tắc hỗ trợ, liên đới.

1/ Các tác nhân của sự sản xuất: tư bản và lao động

Doanh nghiệp là một đơn vị sản xuất trong đó các con người và tư bản gặp nhau, với mục tiêu là đáp ứng các nhu cầu qua việc sản xuất các tài sản và dịch vụ, từ đó thu được lợi nhuận.

Trong doanh nghiệp có hai tác nhân chính: những người góp vốn và những người góp sức lao động. Hai thành tố này cần bổ túc cho nhau thay vì chống đối nhau. Một nhân tố thứ ba có thể can thiệp nữa là các doanh nhân, nghĩa là những người được giao việc quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp[22].

GHXH đã nhìn nhận tầm quan trọng của các doanh nhân, và nêu bật những đức tính cần có (khôn ngoan, trung thực, sáng khởi) cũng như cảnh giác những nguy cơ (quyền lực, lợi lộc, ích kỷ). Doanh nhân cần phải biết rõ các nhu cầu của con người, tổ chức các thành tố sản xuất, tạo ra bầu khí nhân bản trong nội bộ doanh nghiệp, và duy trì liên lạc tốt đẹp với xã hội (TLHT số 343-345).

2/ Mục tiêu của doanh nghiệp

Doanh nghiệp là một cộng đồng gồm bởi những con người (society of persons, chứ không chỉ nguyên là công ty tài sản: society of capital goods). Vì thế cần tìm cách để cho mọi người đều được tham gia vào sự quản trị. Doanh nghiệp là nơi các công dân biểu lộ tinh thần sáng khởi và dân chủ.

Mục tiêu của doanh nghiệp là đáp ứng những nhu cầu của cá nhân và xã hội, cũng như nhân bản hóa các cơ cấu kinh tế. Doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm cho công nhân, và góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế của xã hội

Doanh nghiệp nhằm phục vụ con người, vì thế không thể nào để cho nó vụt khỏi tầm kiểm soát của con người. Sự phục vụ con người được diễn tả qua việc tôn trọng các quyền lợi của con người (trong đó có quyền được trả lương cân xứng), công ích, môi sinh (TLHT số 338-342).

3/ Trong khung cảnh của doanh nghiệp, sách TLHT bàn đến vấn đề lợi nhuận (số 340)

Dưới khía cạnh luân lý, lợi nhuận là điều chính đáng. Lợi nhuận chỉ đi trái với luân lý khi nó trở thành mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp (sách GLCG số 2424), không quan tâm đến các mục tiêu khác, trong đó có việc tôn trọng những quyền lợi căn bản của con người (về phía doanh nhân cũng như về phía công nhân).

F. Thị trường

1/ Kinh tế thị trường

Hoạt động kinh tế dựa trên cung và cầu. Sự gặp gỡ giữa cung và cầu diễn ra trong hợp đồng, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố (quảng cáo, kiếm lời, sự can thiệp của công quyền, vv). Bên cạnh luật cung cầu lại còn hệ thống tiền tệ nữa.

Trên lý thuyết, có thể hình dung bốn mô hình về  tương quan giữa người mua và người bán: a) “độc quyền” (monopoly: một người bán), b) “đầu sỏ” (oligopoly: tập đoàn, một số ít người bán), c) “cạnh tranh bất toàn” (nhiều người bán), d) “cạnh tranh hoàn toàn” (nhiều người mua và nhiều người bán). Trên thực tế, thời nay mô hình thứ nhất và thứ bốn (tượng trưng cho hai thái cực) không còn nữa; chỉ còn lại hai mô hình đang chế ngự tại một thị trường mà thông tin không được đầy đủ, các món hàng không khác nhau là mấy, và một vài thương gia có thể tác dụng trên giá cả.

Kinh tế thị trường thể hiện ba chức năng trong một sự cạnh tranh hợp lý: thúc đẩy sự sản xuất hàng hoá và dịch vụ; điều phối nhân sự và tài nguyên để giảm giá cả và tăng phẩm tính; phân phối hàng hóa để được sử dụng hữu hiệu.

Thị trường tôn trọng tự do kinh tế, kích thích sáng kiến, tạo ra và phân phối sự giàu có. Vì thế thông điệp Centesimus annus (số 34) coi thị trường như là dụng cụ thích hợp để phối trí các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu, kích thích sự giao dịch, đề cao ý muốn lựa chọn của con người (trích dẫn trong TLHT số 347).

Tuy nhiên, GHXH cũng ý thức về những nguy cơ của thị trường. Trong số những giới hạn, ta có thể kể đến: chỉ chú ý đến những nhu cầu nào mang lại nhiều món lợi; biến tất cả các nhu cầu thành món hàng mua bán (kể cả các nhu cầu tinh thần, văn hóa, tôn giáo); kích thích những nhu cầu giả tạo; đôi khi thị trường không phân phối lương bổng công bằng cho công nhân.

2/ Tiêu chuẩn luân lý cho thị trường: công ích

Thị trường cũng như hoạt động kinh tế nói chung cần phải góp phần vào sự phát triển con người. Cách riêng,

a) Tự do kinh tế cần phải phục vụ con người. Tự do kinh tế là một hình thức của tự do của con người;  sự tự do của con người không phải là tuyệt đối nhưng cần phải thi hàng trong tình liên đới xã hội, công ích, quan tâm đến những thành phần yếu kém.

b) Sự cạnh tranh cần phải phục vụ sự hợp tác. Cần phải tránh tật tham lam và ích kỷ. Sách GLCG số 2409 nói đến ba hình thức hoạt động bất chính: đầu cơ (làm biến động giá cả cách giả tạo để trục lợi nhưng làm thiệt hại cho tha nhân); hối lộ (làm sai lệch phán đoán của những người phải quyết định theo luật pháp); chiếm đoạt và sử dụng riêng của cải chung.

c) Các hợp đồng phải tuân giữ đức công bằng. Hợp đồng không thể gọi là hợp pháp do sự thoả thuận, nhưng còn phải xét đến nội dung và các điều kiện nữa (GLCG số 2410).

d) Lợi nhuận và đầu tư cần được hướng dẫn bởi các quy tắc luân lý. Lợi nhuận thu được chứng tỏ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tuy vậy, bên cạnh khía cạnh kinh tế, cần lưu ý đến các giá trị luân lý và văn hóa (TLHT số 349).

Một “vấn đề mới” được đặt ra trong thời gian gần đây là “thị trường tài chính”, hầu như độc lập với “thị trường hàng hóa”. Thực tại này đặt ra những vấn đề luân lý mới (TLHT số 368-369), và được bàn rộng trong thông điệp Caritas in veritate.

G. Nhà Nước

GHXH nhận thấy sự can thiệp của Nhà Nước vào hoạt động kinh tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, sự can thiệp quá mức của Nhà Nước cũng là điều nguy hiểm. Nhà Nước can thiệp vào hoạt động kinh tế theo nguyên tắc hỗ trợ.

– Nhà Nước phải tổ chức một khung cảnh pháp lý để tạo ra một tình trạng ổn định cho sinh hoạt kinh tế cũng như việc thực thi các quyền lợi của công dân.

– Nhà Nước và các định chế công có thể sở hữu các phương tiện sản xuất. Ngoài ra Nhà Nước có thể tác dụng đến việc sản xuất và thị trường qua việc thu thuế, hỗ trợ giá cả.

– Nhà Nước cũng cần can thiệp với các tổ chức quốc tế trong việc ổn định hệ thống tiền tệ thế giới, cũng như trong việc giải quyết các món nợ của những nước nghèo.

Vai trò của Nhà Nước được Sách GLCG liệt kê vắn tắt ở số 2431, và được quảng diễn trong sách TLHT số 351-355.

Mặt khác,  GHXH cũng nhấn mạnh đến vai trò đến các cộng đồng xã hội (chẳng hạn như: những đoàn thể trung gian, tổ chức tư nhân phi lợi nhuận) trong trách nhiệm điều chỉnh hoạt động của thị trường, cách riêng qua việc giáo dục về các nấc thang giá trị (TLHT số 356-357; xem thêm Caritas in veritate số 38; 46).

III. DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

Lời Chúa (Kinh thánh) được Sách Tóm lược Học thuyết xã hội đặt ở đầu chương như là khởi điểm cho mọi suy tư của người tín hữu, nhưng chúng tôi muốn để dành cho phần kết luận, vì hai lý do sau.

1/ Như đã thấy, khi trình bày giáo huấn luân lý về đời sống kinh tế, các đức giáo hoàng (và công đồng Vaticanô II) sử dụng những luận cứ của lý trí (triết học) để đối thoại với tất cả những người thiện chí, dù là họ là tín đồ Công giáo hay tôn giáo khác hay cả với người vô tín ngưỡng. Luận cứ Kinh thánh sẽ thiếu sức thuyết phục những người ngoài Kitô giáo.

2/ Ngay cả giữa các Kitô hữu, việc giải thích Kinh thánh không phải là chuyện đơn giản. Kinh thánh được viết ra trong một bối cảnh lịch sử và địa lý khác với khung cảnh hiện nay, vì thế chúng ta không thể kỳ vọng tìm được giải pháp cho tất cả các vấn đề nhiêu khê của xã hội ở thiên niên kỷ thứ ba. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng nên quên rằng tác giả Sách Thánh mang một viễn tượng “cánh chung”: các thực tại trần thế được đo lường trong viễn tượng đó, đang khi những bài toán kinh tế của chúng ta lại diễn ra trong đời sống “tạm bợ” ở trên đời này. Một cái nhìn thuần tuý “cánh chung” sẽ có tác dụng tiêu cực đối với sinh hoạt kinh tế (mọi sự đều là phù hoa), như Max Weber đã cho thấy khi nghiên cứu ảnh hưởng của tôn giáo đối với sự phát triển kinh tế.

Vì thế khi đi tìm ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta nên ý thức sự khác biệt về khung cảnh và bối cảnh giữa ngôn ngữ bình thường và ngôn ngữ Kinh thánh. Chúng ta đã được nghe giảng nhiều lần về chân phúc dành cho người nghèo (Lc 6,20: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em”). Phải chăng đây là một tuyên ngôn dành cho giai cấp bần cố nông? Chắc hẳn là không! Để khỏi hiểu lầm chúng ta cần phân biệt các loại ngôn ngữ:

1. Trong ngôn ngữ thường ngày, cái  “nghèo” thường đi đôi với “túng”, “khổ”, “cực”. Nhưng khi bước sang kinh-tế-học, thì các từ đó không đồng nghĩa với nhau, bởi vì các nhà chính trị thường ấn định một tiêu chuẩn để định nghĩa các cấp: bần cùng, vô sản, rồi tiến lên các bậc cao hơn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này vẫn dựa trên tài sản vật chất. Các nhà xã-hội-học còn sử dụng nhiều tiêu chuẩn khác để định lượng tình trạng nghèo khổ. Người nghèo không chỉ là người không đủ cơm ăn áo mặc, mà còn thiếu những nhu yếu căn bản để sống xứng với nhân phẩm (giáo dục, công ăn việc làm, quyền công dân): cái nghèo lôi kéo theo sự dốt nát, đồi tệ (“Cái khó bó cái khôn”! “Bần cùng sinh đạo tặc”!). Dưới cái nhìn đó, cảnh nghèo là một tai ương xã hội. Người tín hữu có nhiệm vụ tham gia vào chiến dịch “chống đói giảm nghèo”, chứ không thể nào cổ động duy trì cái nghèo.

2. Tuy nhiên, cái nghèo có thể mang một giá trị tích cực nếu nhìn dưới một khía cạnh tâm lý đạo đức. Người nghèo không phải là người cơ cực túng quẫn, nhưng là người đủ ăn đủ mặc và “an cư lạc nghiệp”. Có ý kiến giải thích rằng  tính từ pauper (trong tiếng Latinh, từ đó chuyển ngữ sang tiếng Pháp là  pauvre, tiếng Anh là poor) bắt nguồn bởi paucum, có nghĩa là “ ít” (không nhiều, nhưng không phải là không có chi): một người tuy ít tiền của nhưng cảm thấy đủ thì vẫn sướng hơn kẻ có  nhiều tiền nhưng lòng tham vô đáy! Sự vui sướng hoặc cực khổ không nhất thiết gắn liền với tình trạng giàu hay nghèo xét về tài sản sở hữu: có người nghèo mà an vui, và có người giàu mà lao đao.

3. Lên cấp độ cao hơn, cái nghèo không chỉ được nhìn trong tương quan với tài sản vật chất, nhưng trong tương quan với Thiên Chúa. Đối diện với vị Chủ tể vạn vật, con người ý thức thân phận thọ taọ mỏng manh của mình, và do đó tất cả những gì mình đang chiếm hữu thì sớm muộn cũng tới lúc phải buông ra. Từ đó, họ sẽ nhìn vạn vật với cặp mắt khác: họ lãnh nhận tất cả như hồng ân với tâm tình tri ân, nhưng không gán cho chúng giá trị tuyệt đối. Họ không khư khư muốn chiếm giữ tất cả cho mình, nhưng cũng muốn chia sẻ cho những người túng thiếu. Đây mới là viễn cảnh của chân phúc người khó nghèo: sự khó nghèo đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa, là Chủ tể của vạn vật, là Cha Quan phòng cho hết mọi người. Sự khó nghèo không chỉ liên quan đến việc chiếm hữu tài sản vật chất, nhưng còn đi kèm theo nhiều nhân đức khác: khiêm tốn, đơn sơ, tín thác, quảng đại, phục vụ,.v.v…

Sau đôi lời mào đầu như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu quan điểm của Kinh thánh về tài sản và sự giàu nghèo, trước tiên là trong Cựu ước, kế đó là trong Tân ước. Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều lối trình bày khác nhau.

A. Cựu ước

Sách TLHT số 323 lưu ý rằng Cựu ước không lên án sự giàu sang, nhưng chỉ trích những sự lạm dụng tiền của.

Nói đúng ra, trong Cựu ước, chúng ta nhận thấy có nhiều trào lưu tư tưởng, tuỳ thuộc vào thể văn cũng như vào hoàn cảnh lịch sử.

1/ Các sách lịch sử

Mở đầu Sách Thánh, chúng ta thấy rằng vũ trụ này cho Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người. Các tài nguyên vật chất do Chúa làm ra, và mang phúc lành của Ngài, chứ không phải là đồ xấu xa. Hơn thế nữa, sự giàu sang thịnh vượng còn được coi như phần thưởng dành cho những ai tuân giữ luật Chúa.

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tuyệt mỹ của buổi khởi nguyên, chúng ta cũng thấy những mệnh lệnh, cấm đoán. Như chúng ta đã biết, trong số Mười giới răn, có nhiều điều liên quan đến việc tuân giữ công bằng: phải tôn trọng sinh mạng, tài sản của tha nhân; ai làm trái ngược là xúc phạm đến chính Thiên Chúa, bởi vì Ngài là chủ của mọi sinh mạng, là Đấng bảo vệ công lý, đặc biệt là kẻ mồ côi, góa bụa, tha hương. Giới răn thứ bảy (chớ trộm cắp: Xh 20,15; Đnl 5,19) kèm theo nhiều nghĩa vụ, tựa như: không được cho vay lấy lời (Đnl 23,20), trả lương cho nhân công (Đnl 24,14), bảo vệ đồ thế chấp (Đnl 24,10-13.17-18). Thêm vào đó, còn hai định chế quan trọng nhằm hoàn trả lại đồ vật cho chủ, đó là : năm sabát (7 năm 1 lần: giải phóng các người nô lệ, xóa nợ, Xh 21,2-11; 23,10-11; Đnl 15,1-18) và năm toàn xá (50 năm một lần: trả lại đất đai và nhà cửa cho chủ cũ).

2/ Các ngôn sứ

Các ngôn sứ sống vào những thời buổi khác nhau, với những hoàn cảnh xã hội khác nhau (thời quân chủ thịnh vượng, thời phân tranh, thời lưu đầy, thời hồi hương). Tuy vậy, các ngài gặp nhau ở vài nguyên tắc chính yếu, đó là:

– nhấn mạnh đến nghĩa vụ phải trung thành với giao ước, cách riêng về việc tôn trọng sự công bằng đối với những thành phần thấp kém: kẻ mồ côi, người goá bụa. Thiên Chúa đã tự đồng hóa với họ để bênh vực họ (Is 1,17);

– các ngôn sứ sau thời lưu đày còn mở rộng sự săn sóc của Thiên Chúa dành cho mọi thọ tạo (chứ không chỉ giới hạn vào dân Israel); từ đó đặt ra nghĩa vụ phải giữ công bình kể cả đối với kẻ ngoại kiều nữa.

– Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Ngài cứu vớt kẻ yếu đuối và tội lỗi.

Từ những nguyên tắc ấy, các ngôn sứ diễn đạt ra những yêu sách cụ thể, đòi hỏi dân Israel không những phải tuân giữ các luật lệ về phụng tự mà còn các nghĩa vụ đối với tha nhân: từ chỗ chia sẻ bánh cho người đói (Is 58,7) cho đến chỗ buôn bán sòng phẳng, xử kiện công minh, cách riêng nơi các ngôn sứ Amos, Hosêa, Isaia, Giêrêmia, Mikha, Khabacuc (xc. Am 8,4-6; Is 5-8-10; Gr 22,13-19).

Cách riêng về tài sản, các ngôn sứ thường cảnh cáo về nguy cơ thờ tiền thay cho thờ Chúa (tội ngẫu tượng), cũng như về lòng tham đưa đến việc đóng cửa lòng trước tha nhân.

3/ Các sách Khôn ngoan

Chúng ta gặp thấy những suy tư về cách sử dụng tài sản nơi các tác phẩm: Châm ngôn, Khôn ngoan, Giảng viên, Huấn ca. Giọng văn của họ không nóng bỏng như lời của các ngôn sứ. Họ nhìn đời cách bình thản và thực tế. Họ nhận thấy mặt trái mặt phải của giàu sang.

– Một đàng, tiền của là cái phù vân, nay còn mai mất (sách Giảng viên)

– Đàng khác, tiền của cũng là phúc lành của Thiên Chúa, ra như là phần thưởng dành cho những kẻ trung thành với giao ước. Dù sao, chúng cũng chỉ là tương đối thôi, khi so sánh với điều Thiện tuyệt đối là sự Khôn ngoan.

Từ đó, họ có thái độ trung dung đối với tài sản: đừng bám víu tài sản cách vô độ, nhưng họ cũng xin Chúa đừng để rơi vào cảnh túng thiếu (xem lời nguyện trong sách Châm ngôn 30,7-9).

B. Giáo huấn của Chúa Giêsu

“Con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9,58): phải chăng Chúa Giêsu thuộc thành phần vô sản, vô gia cư, vô nghề nghiệp?

Một lãnh vực khá hấp dẫn của các sử gia về Kitô giáo là nghiên cứu bối cảnh xã hội thời Đức Giêsu cũng như về hoàn cảnh kinh tế của bản thân Người. Bối cảnh xã hội của vùng Palestina thì đã được nhiều người nói đến rồi (thí dụ: các giai cấp xã hội, đời sống kinh tế của họ); lý lịch kinh tài của Đức Giêsu thì còn nằm trong vòng tranh cãi. Chắc chắn Người không thuộc hạng người giang hồ, vô gia cư vô nghề nghiệp. Có lẽ Người thuộc vào hạng các rabbi lưu động, sinh sống nhờ sự đóng góp của những người mộ mến. Các môn đệ của Người thuộc nhiều thành phần khác nhau: thuyền chài, tiểu thương. Người lui tới các nhân viên thâu thuế, dùng bữa với các người Pharisiêu, nghĩa là giới có địa vị trong xã hội. Người không mạt sát những kẻ giàu có như là những kẻ bóc lột hà hiếp: Người tiếp đón ông Nicôđêmô và ông Giuse Aritmatêa.

Những lời giảng của Đức Giêsu về sự khó nghèo và giàu sang trong nhắm đến tương quan trong xã hội cho bằng trong bối cảnh của triều đại Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đòi hỏi nơi vài môn đệ một sự từ bỏ triệt để (gia đình, tài sản) để dấn thân phục vụ Nước Trời; nhưng không phải tất cả mọi người đều theo con đường từ bỏ ấy. Trọng tâm của giáo huấn luân lý của Người là tình yêu: tình yêu mới là tiêu chuẩn đánh giá mọi thực thể khác. Tiền bạc có thể làm cho con tim thành cứng cỏi trước nhu cầu của tha nhân (Lc 12,15), hoặc trở thành thần tượng (Lc 16,19-31; xc Gc 5,1-6; 1Ga 3,17; 1 Cor 16 và 2 Cr 9), nhưng tự nó tiền bạc không phải là điều xấu. Tiền bạc có thể được sử dụng tốt vào việc bác ái.

C. Hội thánh tiên khởi

Những chương đầu tiên của sách Tông đồ công vụ đã mô tả một nếp sống kiểu mẫu cho các Kitô hữu thuộc mọi thời đại: tất cả mọi người sống đồng tâm nhất trí trong đức tin, phụng vụ và chia sẻ tài sản (Cv 2,42-45; 4,32-35; 5,12-16). Tuy nhiên điểm cuối cùng xem ra là một lý tưởng hơn là một quy tắc[23]. Các chủ nghĩa cộng sản cũng lấy hứng từ đó. Các dòng tu cũng cố gắng sống lý tưởng đó.

Tuy nhiên, tình liên đới giữa các tín hữu không chỉ biểu lộ qua việc để chung tài sản, nhưng còn qua những hình thức khác, chẳng hạn như các cuộc quyên góp để cứu trợ (do thánh Phaolô tổ chức để giúp giáo đoàn Giêrusalem gặp cảnh đói kém: 2 Cr chương 8-9). Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu rằng việc chia sẻ niềm tin cũng mang theo việc chia sẻ của cải vật chất.

Một cuộc “cánh mạng tư tưởng” nữa mà thánh Phaolô đã thực hiện trên đường truyền giáo là đề cao giá trị của lao động, (trong thế giới Hy lạp coi rẻ lao động như là việc dành cho nô lệ). Chính thánh tông đồ đã làm gương trước hết (2Cr 11,7-10; Pl 4,14-20): lao động như là nguồn sinh sống và tương trợ tha nhân (2Tx 3,10-15).

Tóm lại, như đã nói, ta không tìm thấy trong Kinh thánh lời giải đáp cho tất cả các vấn đề kinh tế. Tuy vậy, trải qua thời gian, Hội thánh không ngừng trở về với Lời Chúa để tìm thấy ánh sáng để giải quyết những hoàn cảnh mới, cách riêng là những nguyên tắc liên quan đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa (tiền bạc không phải là Thượng đế), và mối tương quan giữa con người với nhau (dựa theo đức công bằng và yêu thương).

KẾT LUẬN

Như đã nói ở đầu, đời sống kinh tế không chỉ được bàn trong chương Bảy của sách Tóm lược Học thuyết xã hội mà thôi; các đề tài liên quan còn được đề cập trong các chương khác nữa. Trong mục Nhận xét, chúng ta chỉ lướt qua vài điểm của GHXH liên quan đến tiến trình sản xuất và tiêu thụ. Còn nhiều vấn đề nữa được đặt ra do hiện tượng toàn cầu hóa, cũng như liên quan đến chính sách phát triển, được trình bày trong thông điệp Populorum progressio và được cập nhật trong thông điệp Caritas in veritate. Chúng tôi hy vọng sẽ còn cơ hội để trở lại những vấn đề này (sách TLHT chương Chín, số 446-450).

 

[1] Nên lưu ý việc dịch thuật từ ngữ. Trong các ngôn ngữ châu Âu, “của cải” (hay “tài sản”) theo nguyên ngữ là “những điều tốt lành”: bona (Latinh), biens (Pháp), goods (Anh). Để làm rõ nghĩa, đôi khi người ta xác định thêm là “tài sản tinh thần” (thiêng liêng) – bona spiritualia, biens spirituels, spiritual goods, và “tài sản vật chất” – bona materialia vel temporalia, biens matériels, material goods.
[2] Dịch theo nghĩa đen: của cải được dành cho hết mọi người (destination universelle des biens). Nguyên tắc này được TLHT giải thích ở số 171-175.
[3] Nguồn lực hay tài nguyên, nguyên liệu: resources.
[4] Cho vay nặng lãi (tiếng Latinh usura, tiếng Pháp usure, tiếng Anh usury).
[5] Hiện tượng toàn cầu hóa sẽ còn được bàn rộng dưới đây (số 361-372).
[6] Tiếng Anh: business owners and management.- Tiếng Pháp: entrepreneurs et directeurs d’entreprise.
[7] Như sẽ nói trong mục Hai, trong các ngôn ngữ Tây phương, “kinh tế” là économie (Pháp), economics (Anh), gắn liền với “tiết kiệm”, économiser (Pháp), to economise (Anh).
[8] Ý niệm về “xã hội dân sự” sẽ được nói trong chương tới: TLHT số 417-419.
[9] Đây là một thuật ngữ khó dịch sang tiếng Việt. Sự phân biệt giữa “avoir / être” (tiếng Pháp) “to have / to be” (tiếng Anh) dựa trên triết lý về giá trị đích thực của con người: con người đáng quý vì phẩm giá của mình (être, being) chứ không phải vì những cái mình sở hữu (avoir, having). Những cái “sở hữu” nay còn mai mất; còn phẩm giá thì vững bền (xem thêm số 462). Nếu diễn tả theo phạm trù Đông phương cổ điển, phải chăng đây là sự phân biệt giữa “Tài” với “Đức”, hoặc “Danh” và “Thực”?
[10] Vấn đề này còn mới mẻ và mang tính chuyên môn. Sách TLHT trích dẫn vài diễn từ của đức Gioan Phaolô II (chứ không có nhiều văn kiện cổ điển).
[11] Vì thế có thể gom hai đề tài vào một chương. Lý do  tách rời ra vì sợ quá dài.  Trong nguyên bản tiếng Ý, sách TLHT dành 33 trang  cho lao động, và cho 23 trang cho kinh tế !
[12] Trong thần học, economia salutis được hiểu như là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện từng chặng trong suốt lịch sử (xc. Sách GLCG số 1066); economia sacramentalis được hiểu về sự phân phát các hiệu quả ơn cứu đô qua các nhiệm tích (xc. Sách GLCG số 1076).
[13] Trước năm 1975, môn kinh tế học là một trong ba chuyên ngành của luật khoa (hai ngành kia là: tư pháp và công pháp).
[14] “Nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò căn bản và tích cực của kinh doanh, nhìn nhận thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm về hậu quả đối với các phương tiện sản xuất, cũng như sự sáng tạo tự do của con người trong địa hạt kinh tế, thì câu trả lời về sự đánh giá chắc chắn là tích cực, dù có lẽ nên nói đó là nền “kinh tế thương mại”, “kinh tế thị trường”, hay đơn giản hơn là nền “kinh tế tự do”, thì thích hợp hơn. Còn nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống, trong đó tự do kinh tế không hề bị giới hạn trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc mà khuôn khổ này lại đặt tự do kinh tế để phục vụ sự tự do của con người xét như một tổng thể và hệ thống này lại coi tự do kinh tế chỉ là một khía cạnh đặc biệt của sự tự do toàn thể, còn cốt lõi của sự tự do toàn thể này mới có tính cách đạo đức và tôn giáo, thì câu trả lời về sự đánh giá của Giáo Hội chắc chắn là tiêu cực”.
[15] Nhiều điều sắp nói dưới đây nằm trong Sách GLCG, đặc biệt là khi bàn về điều răn thứ bảy (số 2419-2449).
[16] Tác phẩm Luân lý Tin lành và tinh thần tư bản, xuất bản năm 1905.
[17] Thí dụ: Patrick J. Welch – J.J. Mueller, The Relationships of Religion to Economics, Review of Social Economy, Vol. LIX (2001), No 2. – “The economy and religion” Concilium 2011 n.5.
[18] Xem thêm thông điệp Caritas in veritate số 36.
[19] Những văn kiện của Giáo hội nói về sự phân biệt này được sách TLHT trích dẫn ở chú thích 679 (liên quan đến số 318).
[20] Nên lưu ý đến tính cách hàm hồ của vài từ ngữ: “Tư bản” (capital, vốn) có thể hiểu theo nhiều nghĩa (TLHT số 276): a/ Đôi khi nó ám chỉ các phương tiện vật chất để sản xuất trong một xí nghiệp nhất định nào đó; b/ có khi nó có nghĩa là nguồn tài chính dùng để sản xuất hay dùng vào các dịch vụ của thị trường chứng khoán; c/ Người ta cũng có thể gọi nguồn nhân lực là “tư bản con người” (human capital), tức là bản thân những người đang dùng khả năng của mình để tham gia lao động, tận dụng kiến thức và óc sáng tạo của mình, nắm bắt các nhu cầu của đồng nghiệp và hiểu biết các thành phần khác trong tổ chức; d/ Thuật ngữ “tư bản xã hội” (social capital) ám chỉ khả năng của một tập thể biết làm việc với nhau, cũng là kết quả của những sự đầu tư vào một tập đoàn tín dụng có sự ràng buộc giữa các thành viên với nhau. – “Chủ nghĩa tư bản” (capitalism) cũng có hiểu theo nhiều nghĩa (TLHT số 335, đã được trích dẫn trong nhập đề của mục II).
[21] Sự phân biệt giữa “luật tự nhiên” (loi naturelle, được hiểu như luật của Thiên Chúa, hoặc luật dựa trên bản chất sự vật) và “luật chế định” (loi positive: do nhà cầm quyền đặt ra) là điểm quan trọng trong thần học luân lý Công giáo: luật chế định xác định rõ ràng hơn nghĩa vụ của luật tự nhiên vào một nơi và một thời nhất định, nhưng không được trái ngược với luật tự nhiên.
[22] Thông điệp Laborem exercens (số 17) còn muốn phân biệt hai hạng doanh nhân: gián tiếp và trực tiếp. Doanh nhân “gián tiếp” là người thảo ra chính sách cho toàn thể doanh nghiệp (bao gồm luôn cả các thể chế, nhân viên quản trị, Nhà Nước); doanh nhân “trực tiếp” là người trực tiếp liên hệ với công nhân (ký hợp đồng, ấn định tiền lương). Doanh nhân trực tiếp cũng có thể là chính chủ nhân.
[23] Hai vợ chồng Anania và Saphira cho thấy rằng có những người đã không áp dụng.