Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Về Cộng Đồng Quốc Tế – 06

0
792


DẪN NHẬP VÀO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

***

***

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

 

Viết tắt:

GHXH = Giáo huấn xã hội của Giáo hội

GLCG = Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

TLHT = Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội

Như thói quen, chúng ta sẽ chia bài này làm hai mục: Mục 1, trình bày vắn tắt chương 9 của sách TLHT; Mục 2, nhận xét bổ túc.

***

MỤC I

CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

 

Chương 9 gồm bốn đoạn: đoạn 1 bàn về nền tảng Kinh thánh; đoạn 2 và 3 bàn về cộng đồng quốc tế dưới khía cạnh “triết học” và “pháp lý”; đoạn 4 bàn về khía cạnh “kinh tế”. Như sẽ nói trong mục 2, các vấn đề về Cộng đồng quốc tế sẽ còn tiếp tục được bàn trong hai chương kế tiếp (bảo vệ môi sinh, hòa bình). Có lẽ vì thế chương này tương đối ngắn (số 428-450: 23 số, so với 51 số của chương trước).

I. KHÍA CẠNH THÁNH KINH

Đoạn này gồm ba mục, tương đương với: 1/ Cựu ước. 2/ Tân ước. 3/ Truyền thống Giáo hội.

A. Nhân loại là một gia đình

Sách TLHT trình bày ba chặng của Cựu ước liên quan đến mạc khải về sự duy nhất của gia đình nhân loại: 1/ Khởi nguyên. 2/ Babel. 3/ Ngôn sứ

1/ Vào lúc khởi nguyên (số 428)

Kinh thánh cung cấp cho chúng ta những nền tảng cho việc suy tư về việc xây dựng cộng đồng quốc tế bao trùm toàn thể nhân loại.  Sự duy nhất của gia đình nhân loại dựa trên ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng con người:

– mọi người đều có phẩm giá ngang nhau vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa;

– con người có tự do;

– con người sống có tương quan, biểu tượng qua việc tạo dựng người nam và người nữ;

– con người mang trách nhiệm liên đới trong việc bảo vệ vũ trụ (canh tác cái vườn).

2/ Thời ông Noe (số 429)

Có lẽ chúng ta chỉ nhớ đến hình phạt lụt hồng thủy, nhưng sau cơn lụt ấy, Kinh thánh còn nhiều điều khác quan trọng hơn.

– Thiên Chúa lặp lại lời chúc lành, và hứa sẽ không hủy diệt nhân loại: giao ước với ông Noe. Qua giao ước này, muôn dân biết được những chân lý căn bản của luân lý tự nhiên (tôn trọng sự sống).[1]

– Tháp Babel: sự chia rẽ giữa các dân tộc xảy ra do tội kiêu căng của con người.

3/ Thời các ngôn sứ (số 430)

Giao ước với ông Abraham mở đầu cho một kế hoạch tập trung nhân loại thành một gia đình.

Lúc đầu Israel được Chúa chọn làm dân riêng, và họ nghĩ rằng Chúa chỉ quan tâm đến họ mà thôi.  Nhưng các ngôn sứ (cách riêng là Isaia) đã mở rộng nhãn giới: muôn dân sẽ được tụ họp thành một gia đình; hòa bình sẽ ngự trị, thay cho gươm giáo (Is 2, 2-5 ; 66, 18-23).

B. Đức Kitô là khuôn mẫu và nền tảng của nhân loại mới

Số 431 rất cô đọng, bởi vì nói đến công trình tái tạo nhân loại được thực hiện nơi Đức Kitô.

– Nhờ cái chết trên thập giá, Đức Kitô đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và giữa nhân loại với nhau. Người đã phá đổ những bức tường phân cách giữa các dân tộc (Ep 2,12-18).

– Biến cố Ngũ tuần (Cv 2,6) công bố vai trò của Thánh Linh quy tụ muôn dân về sự hợp nhất tuy vẫn duy trì tính đa dạng, lật ngược lại tìn thế của tháp Babel.

– Các thánh tông đồ loan báo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho muôn dân, tập họp họ vào trong một Hội thánh.

C. Ơn gọi phổ thế của Kitô giáo

(Số 432) Sứ điệp Kitô giáo cống hiến một cái nhìn phổ cập[2] về đời sống của các cá nhân con người và các dân tộc trên địa cầu, nhờ đó làm sáng tỏ sự duy nhất của gia đình nhân loại. Sự hợp nhất này được xây dựng theo khuôn mẫu của sự thông hiệp của Ba Ngôi, và được thực hiện nhờ sức mạnh tinh thần, chứ không phải do vũ khí.

Sứ điệp Kitô thúc đẩy sự hợp tác giữa các dân tộc, nhờ ý thức về nguồn gốc chung của nhân loại, nhằm tìm công ích của toàn thể gia đình nhân loại.

II. NHỮNG QUY LUẬT NỀN TẢNG CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Đoạn này bàn về những nguyên tắc luân lý quy định các bang giao quốc tế, gồm hai mục. Mục thứ nhất lặp lại những giá trị chung cho mọi cấp xã hội; mục thứ hai bàn cách riêng đến luân lý dành cho cộng đồng quốc tế.

A. Cộng đồng quốc tế và những giá trị

1. Hai yếu tố nền tảng để xây dựng một cộng đồng quốc tế là:

a) Lấy nhân vị làm trung tâm. Con người là trung tâm và cứu cánh của các mối tương quan; con người là chủ thể của các quyền lợi và nghĩa vụ; con người phải được đối xử như là chủ thể, chứ không phải là đối vật.

b) Các cá nhân và các dân tộc có khuynh hướng muốn tạo ra những mối dây liên kết (số 433).

– Những rào cản sự hợp nhất của gia đình nhân loại: các ý thức hệ duy vật và quốc gia quá khích, chối bỏ giá trị của nhân vị; sự kỳ thị chủng tộc.

– Sự chung sống giữa các dân tộc cần phải dựa trên những giá trị chi phối đời sống xã hội, đó là: chân lý, công bằng, liên đới và tự do.

– Những nguyên tắc mang tính cấu tạo của cộng đồng quốc tế: các mối tương quan được điều hành bởi lý trí, công bằng, pháp lý, đàm phán; loại trừ vũ lực, chiến tranh, kỳ thị, đe dọa, lừa lọc.

2. Công ích của một quốc gia cũng là công ích của gia đình nhân loại (số 434)

– Trật tự quốc tế cần được bảo đảm bởi pháp lý, nghĩa là công ích của tất cả các dân tộc.

– Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý được xây dựng dựa trên chủ quyền của mỗi quốc gia. Hiểu như vậy, cộng đồng quốc tế không giảm thiểu hoặc hủy bỏ những dị biệt và đặc trưng của mỗi dân tộc, nhưng ngược lại, cần phải khuếch trương những đặc trưng ấy.

3. Huấn quyền nhìn nhận tầm quan trọng của “chủ quyền”[3] mỗi quốc gia. “Chủ quyền” tượng trưng cho sự tự do trong tương quan giữa các quốc gia (số 435)

Mỗi quốc gia được nhìn nhận như là một chủ thể dưới khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. “Chủ quyền” duy trì sự độc lập của quốc gia trước đe dọa xâm lăng, bảo đảm căn tính của một dân tộc.

Tuy nhiên, chủ quyền quốc gia không có tính cách tuyệt đối. Các quốc gia có thể khước từ một vài quyền lợi, nhằm đạt đến một mục tiêu chung, với ý thức tạo lập nên một gia đình.

B. Những giá trị dựa trên sự hài hòa giữa trật tự pháp lý và trật tự luân lý

1/ Những tương quan giữa các quốc gia cũng cần được điều hành bởi luật luân lý điều hành cuộc sống của con người (số 436).

Luật luân lý được ghi khắc trong tâm khảm con người, diễn tả một thứ “quy phạm” chung cho nhân loại. Tiếng nói của luân lý có sức mạnh đến nỗi không ai có thể dập tắt được.

2/  Việc tôn trọng những nguyên tắc quy định một nền trật tự pháp lý phù hợp với trật tự luân lý cũng là điều kiện cần thiết để trật tự quốc tế được vững bền (số 437).

Những nguyên tắc phổ quát này hiện hữu trước và ở trên luật của quốc gia, đã được hình thành dưới dạng của một “công pháp chư dân”,[4] tựa như:

–  Chỉ có một nhân loại;

– Tất cả mọi dân tộc đều bình đẳng;

– Khước trừ chiến tranh như phương thế giải quyết các mối tranh chấp;

– Nghĩa vụ hợp tác vào ích chung;

– Nghĩa vụ phải tôn trọng các thỏa ước đã ký kết.

3/ Giải quyết những tranh chấp bằng những quy tắc chung và sự đàm phán, chứ không phải bằng chiến tranh (số 438).

Những yếu tố để xây dựng một nền trật tự quốc tế mới:

– Tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia;

– Bảo vệ những quyền lợi của những nhóm thiểu số;

– Phân phát công bằng những nguyên liệu của trái đất;

– Khước từ vũ lực và giải trừ vũ khí;

– Tôn trọng những thỏa ước đã ký kết (pacta sunt servanda);

– Chấm dứt những cuộc bách hại tôn giáo.

4/ Tạo ra một thẩm quyền pháp lý (authorité juridique) hữu hiệu, như là biểu hiệu của tính cách pháp lý quốc tế (số 439).

Để củng cố vai trò thượng tôn pháp luật, tiên vàn cần củng cố nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau.

Luật quốc tế cần phải tránh đừng để cho luật của kẻ mạnh thắng thế. (Phải tuân theo “sức mạnh của luật, chứ không phải luật của sức mạnh”: la force du droit / droit de la force).

III. SỰ TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Đoạn trên đây  bàn về chiều kích luân lý mang giá trị bền vững; đoạn này bàn đến khía cạnh tổ chức, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử. Hai đề tài được nêu lên: a) Tổ chức Liên hợp quốc; b) Tòa thánh.

A. Giá trị của các Tổ chức quốc tế

Đứng đầu các tổ chức quốc tế là Liên Hợp quốc; nhưng bên cạnh đó còn có những tổ chức chuyên môn khác, cũng như những cơ quan phi chính phủ.

1/ Giáo hội ủng hộ con đường tiến đến một cộng đồng quốc tế mang hình thức cụ thể là việc thành lập Tổ chức Liên Hợp Quốc vào năm 1945 (số 440).

Tổ chức này đã góp phần vào việc cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người, tự do của các dân tộc và yêu sách phát triển, chuẩn bị nền tảng văn hóa và thể chế để xây dựng hòa bình. Tuy tán đồng những thành quả đã đạt được, như GHXHHX cũng bày tỏ vài dè dặt bởi vì cơ quan này chưa hành động đúng mức.

2/ Ước muốn đạt đến sự chung sống yên ổn của gia đình nhân loại đã thúc đẩy Huấn quyền nhấn mạnh đến yêu sách thiết lập một quyền bính quốc tế được mọi người nhìn nhận, có quyền hành hữu hiệu để bảo đảm an ninh, thực hiện công bằng và tôn trọng các quyền lợi (số 441).

Một quyền bính chính trị ở cấp độ cộng đồng quốc tế cần phải được điều hành bởi pháp luật, nhắm tới công ích, và tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Quyền bính này không thay thể hoạt động của các quốc gia, nhưng là giúp cho các quốc gia chu toàn nhiệm vụ, thực thi những quyền lợi và nghĩa vụ của họ.

3/ Do tính cách toàn cầu của các vấn đề, ngày nay rất cần  một chính sách quốc tế đặt mục tiêu là hòa bình và phát triển nhờ những phương thế hợp tác (số 442).

Sự lệ thuộc hỗ tương giữa các quốc gia về kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo đòi hỏi phải xét lại vai trò của các tổ chức quốc tế.

Mục tiêu duy nhất của các tổ chức quốc tế là công ích, và cần vượt lên những sự tranh giành chính trị hoặc muốn lèo lái các tổ chức này theo mục đích riêng tư.

Cách riêng, những cơ cấu liên chính phủ cần thi hành hữu hiệu vai trò kiểm soát và hướng dẫn trong lãnh vực kinh tế.

4/ Huấn quyền nhìn nhận vai trò tích cực của các tổ chức phi chính phủ (ONG, hay NGO), đặc biệt là về sự đóng góp trong lãnh vực tôn trọng nhân quyền, cổ động tình liên đới và hòa bình (số 443).

B. Tư cách pháp nhân quốc tế của Tòa thánh

Hai điều khẳng định: một điều liên quan đến hoạt động của Tòa thánh nói chung; một điều liên quan đến cơ quan ngoại giao của Tòa thánh nói riêng.

1/   Tòa thánh là một chủ thể quốc tế,[5] xét như là một quyền bính có chủ quyền thi hành những hành vi riêng biệt mang tính pháp lý: quyền lập pháp, quyền ký thỏa ước, tham gia vào những cơ quan phi chính phủ. Tòa thánh thi hành chủ quyền được cộng đồng quốc tế nhìn nhận (số 444).

Mục tiêu của hoạt động Tòa thánh là công ích của gia đình nhân loại.

2/ Một dụng cụ để Tòa thánh thi hành sứ mạng là cơ quan ngoại giao của mình (số 445).

Mối quan tâm của ngành ngoại giao Tòa thánh là phục vụ con người, bảo vệ sự tự do của Giáo hội, bảo vệ nhân phẩm, cũng như để thiết lập một trật tự xã hội dựa trên những giá trị của công bằng, chân lý, tự do và tình yêu.

IV. SỰ HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẮM ĐẾN SỰ  PHÁT TRIỂN

Đoạn này bàn về một khía cạnh của sự hợp tác giữa các quốc gia: sự phát triển các dân tộc, chia làm ba mục: 1/ nguyên tắc: quyền lợi và nghĩa vụ đặt ra do sự phát triển; 2/ vấn đề cụ thể: chống nạn nghèo đói; 3/ vấn đề cụ thể: nợ nước ngoài.

A. Hợp tác để đảm bảo quyền phát triển

1/ Việc giải quyết sự phát triển đòi hỏi sự hợp tác giữa các cộng đồng chính trị nhằm vượt qua những nguyên nhân của sự kém mở mang (số 446).

Các nguyên nhân ấy là kết quả của những sự lựa chọn sai lầm, của những cơ chế kinh tế, tài chánh và xã hội, và những “cấu trúc của tội lỗi”.[6]

Tuy vậy, cần phải đối phó với  những khó khăn với sự quyết tâm kiên trì, bởi vì sự phát triển không chỉ là một khát vọng mà còn là một quyền lợi, và mọi quyền lợi đều hàm ngụ một nghĩa vụ. Sự hợp tác vào sự phát triển toàn diện con người và mỗi người là một nghĩa vụ đối với mọi người, và đồng thời, phải là chung cho tất cả bốn phương trời, Đông Tây, Bắc Nam.

Những nguyên tắc nền tảng của quyền phát triển:

– Gia đình nhân loại có cùng một nguồn gốc và chung một định mệnh.

– Sự bình đẳng giữa các cá nhân và các cộng đồng dựa trên phẩm giá con người.

– Mọi tài sản trên trái đất nhắm đến phục vụ cho toàn thể nhân loại.

– Quan điểm về sự phát triển toàn diện: phát triển tất cả con người và tất cả mọi người.

– Lấy nhân vị làm trung tâm.

– Tình liên đới.

2/ GHXH tán thành  những hình thức hợp tác có khả năng đưa tất cả các quốc gia lâm cảnh nghèo đói  tiến đến thị trường quốc tế (số 447).

Điều quan trọng là thị trường quốc tế được xây dựng không phải trên nguyên tắc đơn phương của việc khai thác nguồn lực thiên nhiên, nhưng là trên sự đánh giá các tài nguyên nhân lực (CA 33).

Những nguyên tắc đưa đến tình trạng kém phát triển: nạn mù chữ; sự bất ổn lương thực; thiếu thốn các cơ cấu và dịch vụ; thiếu những biện pháp bảo đảm y tế cơ bản; thiếu nước uống; tham nhũng; tình trạng bấp bênh của các thể chế và đời sống chính trị; thiếu tự do, thiếu sáng kiến kinh tế; thiếu chính quyền có khả năng thiết lập hệ thống giáo dục và thông tin.

3/ Tinh thần hợp tác quốc tế đòi hỏi rằng, bên trên lý luận chật hẹp của thị trường, cần phát triển ý thức về nghĩa vụ liên đới, công bằng xã hội và bác ái quốc tế (số 448), bởi vì có một món nợ đối với con người xét vì phẩm giá cao quý của nó.

B. Chống nghèo đói

Khởi đầu một ngàn năm mới, cảnh nghèo đói của hằng tỉ người là một vấn đề chất vấn lương tâm con người và Kitô hữu của chúng ta (số 449).

Sự nghèo đói đặt ra vấn đề công bằng: sự chênh lệch trong sự phát triển khiến cho nhiều dân tộc không được ngồi vào một bàn chung.

Động lực của việc chống lại sự nghèo đói là lòng thương yêu ưu tiên dành cho người nghèo.

Giáo hội không ngừng nhắc nhở các nguyên tắc tựa như: tài sản nhắm đến mọi người; tình liên đới (tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau) kèm theo nguyên tắc hỗ trợ (thôi thúc tinh thần sáng khởi ngay tại các nước nghèo).

Không nên coi những người nghèo như là một vấn đề, nhưng như là những chủ thể có khả năng đạt được một tương lai xứng với nhân đạo hơn.

C. Nợ nần nước

Quyền phát triển cần lưu ý đến những vấn đến liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ nần của nhiều nước nghèo (số 450).

Nguyên nhân của nợ người ngoài: hối đoái lên xuống; đầu cơ tài chính; chủ nghĩa tân thực dân về kinh tế; tham nhũng hoặc phung phí tài sản quốc gia; sử dụng tiền vay không phù hợp với mục đích.

Tuy vẫn tôn trọng nguyên tắc phải trả nợ đã vay, nhưng cần phải tìm ra những phương sách nhằm bảo đảm cho các dân tộc quyền được tồn tại và được tiến bộ.

***

MỤC 2

MỘT VÀI NHẬN XÉT

 

NHẬP ĐỀ

Vào cuối thế kỷ XIX, GHXH bắt đầu với những vấn đề lao động và tư hữu, nhưng cũng sớm mở rộng đến các vấn đề chính trị ở trong quốc gia. Với hai cuộc thế chiến của thế kỷ XX, GHXH quan tâm đến các vấn đề chính trị quốc tế. Những mốc điểm quan trọng là thông điệp Pacem in terris của chân phúc Gioan XXIII và hiến chế Gaudium et spes của công đồng Vaticanô II.

Trong những chương vừa rồi, chúng ta thấy sách TLHT trình bày quan điểm của Giáo hội về các vấn đề gia đình, lao động, kinh tế, chính trị (chương 5-8), những vấn đề tương đối nóng bỏng, bởi vì liên quan đến đời sống thường nhật trong một quốc gia. Trong ba chương cuối cùng, sách TLHT bước sang các vấn đề quốc tế, nghĩa là của cộng đồng nhân loại. Mỗi chương nhấn mạnh đến một khía cạnh:

– Chương 9 bàn đến những nguyên tắc luân lý và pháp lý về việc tổ chức cộng đồng quốc tế; thêm vào đó là sự hợp tác trong lãnh vực phát triển các dân tộc.

– Chương 10 bàn về việc bảo vệ môi sinh. Vấn đề này tương đối mới mẻ.

– Chương 11 bàn về hòa bình và chiến tranh. Đề tài này được bàn sau cùng, mặc dù có ý kiến cho rằng nên xếp trong những nguyên tắc căn bản của cộng đồng quốc tế, xét vì mục tiêu quan trọng nhất mà cộng đồng nhân loại nhắm tới là hòa bình.

Dù sao nên lưu ý là nhiều đề tài liên quan đến cộng đồng quốc tế đã được bàn đến trong các chương trước đây rồi. Thật vậy, đừng kể những nguyên tắc nền tảng của bất cứ xã hội nào (từ làng mạc đến quốc gia và quốc tế) đã được trình bày trong phần cơ bản và sẽ còn được lặp lại trong chương này (thí dụ: nhân phẩm con người, công ích xã hội, tình liên đới, sự hỗ trợ, và bốn giá trị), một chủ đề sôi bỏng hôm nay là hiện tượng “toàn cầu hóa” (globalization) đã được bàn trong chương Bảy (số 361-367).[7]

Tôn trọng thứ tự của sách TLHT, lần này chúng ta chỉ bình luận về những vấn đề được nêu ở chương Chín, và để dành những vấn đề còn lại cho những chương sắp tới.

Chương Chín gồm bốn đoạn, với tầm quan trọng không ngang nhau:

– Đoạn Một bàn về nền tảng Thánh Kinh, rất quan trọng đối với các Kitô hữu, nhưng không thể dùng để thuyết phục những người không cùng đức tin với chúng ta.

– Đoạn Hai mang tính cách “triết lý luật pháp” (philosophie du Droit), bàn về những nguyên tắc chi phối cộng đồng nhân loại, bao gồm cả những tương quan giữa các quốc gia. Những nguyên tắc này có giá trị bền vững.

– Đoạn Ba mang tính cách lịch sử, nghĩa là bàn về những tổ chức hiện hành điều hành đời sống quốc tế; nó mang tính cách lịch sử và cần được cải thiện.

– Hai đoạn vừa rồi bàn đến những vấn đề pháp lý và chính trị; đoạn Bốn bàn về khía cạnh “kinh tế” trong tương quan giữa các quốc gia.

Cũng như đối với hai chương trước đây, chúng tôi đảo ngược thứ tự, để dành Kinh thánh cho phần cuối cùng; chúng ta sẽ thấy rằng những suy tư của Kinh thánh không chỉ liên quan đến vấn đề tổ chức cộng đồng nhân loại nhưng còn ảnh hưởng đến sứ mạng của Hội thánh trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Vì vậy chúng ta bắt đầu với đoạn Hai, về những nguyên tắc triết học và luân lý liên quan đến cộng đồng nhân loại.

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC TRIẾT HỌC

A. Khái niệm về “cộng đồng quốc tế”, “gia đình nhân loại”

Tựa đề của chương này là “cộng đồng quốc tế”. Trong tiếng Hán-Việt, “quốc tế” chỉ có nghĩa “giao thiệp giữa các quốc gia” (tế: giao thiệp), và như vậy dịch sát từ “international” (gốc Latinh inter nationes: giữa các quốc gia). Tự nó, mối liên lạc giữa hai quốc gia đã đủ để mang danh “international” (thí dụ một trận túc cầu giữa đội Việt Nam và đội Căm-bốt đã có thể được gọi là trận cầu “quốc tế”). Tuy nhiên, trong bài này, khi nói đến “cộng đồng quốc tế” (international community) thì từ “international” được dùng theo nghĩa rộng hơn, không những bao gồm nhiều quốc gia mà thậm chí tất cả các quốc gia trên thế giới, nghĩa là toàn thể nhân loại được quan niệm như một gia đình.

Không rõ ý tưởng “gia đình nhân loại” đã ra đời từ lúc nào. Bên Đông phương cũng có khái niệm “tứ hải giai huynh đệ”. Trên thực tế, có lẽ thuật ngữ này muốn nói đến tình nghĩa giữa các cá nhân của loài người, chứ không áp dụng cho các cộng đồng. Lịch sử đã cho chúng ta thấy cảnh “cá lớn nuốt cá bé”, nước mạnh xâm chiếm nước yếu, bắt nước này phải phục tùng nếu chưa nói là bị thôn tính. Dân tộc Việt Nam chuyên bị phương Bắc lăm le bắt làm chư hầu của “thiên triều”, nhưng mặt khác, dân Việt cũng đã thôn tính và tiêu diệt các nước Lâm ấp (Chiêm thành), Chân lạp, đến độ xóa nhòa chúng khỏi bản đồ thế giới.

Qua kinh nghiệm của nước nhà, chúng ta có thể đọc lịch sử thế giới như là một chuỗi những cuộc xâm lăng của các đế quốc để mở mang bờ cõi. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng các đế quốc không chỉ hùng mạnh về lực lượng quân sự mà còn về văn hóa nữa. Các đế quốc thời cổ (Ai cập, Ba-tư, Aán độ, Trung hoa) là những thí dụ điển hình về sự liên kết giữa lực lượng quân sự và trung tâm văn hóa; kế đó là đế quốc Rôma (thống trị lâu dài nhất, từ đầu Công nguyên cho đến khi thủ đô Constantinopolis thất thủ năm 1453);  đế quốc Ả-rập (và Thổ nhĩ kỳ) vào thời Trung cổ, và các đế quốc Anh, Pháp vào thời cận đại. Thế kỷ XX được ghi dấu bởi những cuộc xung đột của các cường quốc muốn thiết lập “bá quyền” của mình (quân sự, ý thức hệ, văn hóa, kinh tế).

Trong bối cảnh lịch sử như vậy, khó lòng chấp nhận sự “bình đẳng” giữa tất cả các quốc gia. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nữa khi chúng ta biết rằng khái niệm “quốc gia” không có gì rõ ràng: trong một quốc gia có thể có nhiều “dân tộc” (Việt Nam là một trường hợp điển hình), và nếu mỗi dân tộc cũng đòi hỏi quyền tự trị, thì liệu cái thực thể quốc gia còn tồn tại nữa chăng? Vấn đề tương tự cũng được đặt ra trong các tổ chức quốc tế hiện nay: thế nào là chủ quyền của quốc gia? Chủ quyền này bất khả xâm phạm, hay có lúc nào đó, quốc gia phải hy sinh một phần chủ quyền vì ích lợi của “khối” hoặc của “tổ chức quốc tế”?

Chính vì tính cách phức tạp của vấn đề, cho nên chúng ta thấy rằng Sách TLHT phải tách biệt ra hai khía cạnh: một đàng là khía cạnh triết lý và luân lý, mang tính cách nguyên tắc bền vững; đàng khác là khía cạnh kỹ thuật, tùy thuộc vào sự tiến triển lịch sử.

B. Những nguyên tắc triết lý nền tảng của cộng đồng quốc tế

Trong thế kỷ XX, các tổ chức quốc tế (Hội Quốc tế, Liên Hợp quốc) đã thành hình sau mỗi thế chiến, xem ra nhằm mục tiêu xây dựng hòa bình, tránh những cuộc xung đột. Bên cạnh đó, còn có những tổ chức quốc tế được thành lập cho một mục tiêu cụ thể, thí dụ văn hóa (UNESCO), lương thực (FAO), di cư (UNHCR). Ngoài ra còn có những khối quân sự (thí dụ NATO), kinh tế (Thị trường châu Âu, ASEAN) giới hạn trong một vùng.

Sách TLHT (số 433) tìm thấy một nền tảng chung ở nơi tất cả các hình thức liên minh giữa các quốc gia và quốc gia, là khuynh hướng tự nhiên của con người muốn sống thành xã hội. Nói cho cùng, điều này có giá trị cho bất cứ hình thức xã hội nào, chứ không riêng gì của cộng đồng quốc tế. Có lẽ điều đặc trưng nằm ở chỗ là: tất cả mọi người đều là nhân vị, bình đẳng về phẩm giá (cho dù là người Âu Mỹ, hay người Á Phi), vì vậy họp thành một cộng đồng duy nhất, vượt lên trên biên cương dân tộc hay quốc gia.

Người ta có thể hình dung rằng vòng “xã hội tính” được nới rộng dần dần: từ bộ lạc, sang làng mạc, tộc, dân, nước và cuối cùng là thế giới. Như chúng ta đã biết, biên cương của các quốc gia trên thế giới ngày nay không giống như cách đây 100 năm, 500 năm, 1000 năm về trước. Điều này có nghĩa là qua dòng thời gian, các quan niệm về dân tộc và quốc gia đã thay đổi nhiều.[8] Tuy nhiên, việc xây dựng cộng đồng quốc tế cần được đặt nền tảng trên niềm thâm tín rằng: tất cả nhân loại họp thành một dòng giống duy nhất, và do đó loại bỏ tất cả mọi kỳ thị dựa trên màu da, sắc tộc, như đã từng xảy ra trong quá khứ, đưa đến chính sách diệt chủng (génocide) hoặc kỳ thị chủng tộc (racisme). Tương tự như vậy, một chế độ “quốc gia” (patriotisme, nationalisme) cực đoan (quen gọi là chauvinisme) cũng làm thiệt hại tình huynh đệ đại đồng.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ

Trong những chương vừa rồi, chúng ta nhận thấy rằng mỗi khi can thiệp vào chuyện thế sự (lao động, kinh tế, chính trị), Giáo hội nhìn từ góc cạnh luân lý, chứ không phải từ góc cạnh kỹ thuật. Đó cũng là lối tiếp cận trong vấn đề cộng đồng quốc tế.[9]

A. Luân lý và Pháp lý (Droit)

Như đã thấy trong những chương trước đây, GHXH nhấn mạnh rằng các hành vi kinh tế chính trị đều phải tuân thủ các nguyên tắc luân lý. Điều này cũng đúng đối với các bang giao quốc tế (TLHT số 433; 436).

Sách TLHT nhắc lại những nguyên tắc điều hành các mối tương quan xã hội đã được trình bày trước đây, chẳng hạn như:

– Việc tìm kiếm công ích (TLHT số 433). Đối với cộng đồng quốc tế thì đó là “công ích của nhân loại” (TLHT số 442).

– Những giá trị cần phải bảo vệ là: chân lý, công bằng, liên đới, tự do. Bốn cột trụ này được phát biểu trong thông điệp Pacem in terris, và đã được giải thích trong phần tổng quát của sách TLHT (số 197 tt).

B. Luật quốc tế

Trong tương quan xã hội, những giá trị luân lý cần được diễn tả thành quy tắc pháp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý sự khác biệt giữa cái “Pháp” và cái “Luật” (trong tiếng Pháp là “Droit” và “Loi”; tiếng Anh không có sự phân biệt này).

– Droit (tương đương với Ius trong tiếng La-tinh) – tạm dịch là “Pháp” – là cái ngay thẳng, hay nói cụ thể hơn, cái gì thuộc về một người nào đó. Công lý hay công bằng là như thế: của ai thì trả lại cho người đó. Trong tương quan xã hội, bên cạnh “công bằng giao hoán” (trao đổi: iustitia commutativa), còn có “công bằng phân phối” (iustitia distributiva) và “công bằng xã hội” (iustitia socialis).[10] Chúng ta đã đề cập điểm này trong chương trước đây khi bình luận khái niệm “Quốc gia pháp trị” (Etat de Droit: TLHT số 406; 408; 423).[11]

– Các “Luật” (Loi) xác định những gì là quyền lợi và nghĩa vụ giữa các phần tử; nhưng không phải mọi luật lệ đều hợp với Pháp (công lý). Pháp chế các quốc gia đều dự trù những định chế để kiện những đạo luật bất hợp hiến hay bất hợp pháp.

Khi bước sang lãnh vực quốc tế, chúng ta gặp thấy hai vấn đề khó khăn: 1/ Ai có thẩm quyền ban hành các luật? Ai có thẩm quyền lập pháp trong lãnh vực quốc tế? 2/ Ai có thẩm quyền cưỡng bách việc thi hành luật quốc tế, và chế tài khi có sự vi phạm?

Cho đến nay, ai câu hỏi này chưa được giải đáp, hay nói đúng hơn là chưa có giải pháp.

GHXH tìm cách bù đắp vào hai lỗ hổng đó bằng cách đưa ra hai đề nghị:

1/ Tương quan quốc tế cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “Pháp trị” (TLHT số 434), như đã nói về quyền bính trong quốc gia. Mặc dù chưa có cơ quan lập pháp cho luật quốc tế, nhưng đã có những truyền thống pháp lý điều hành các tương quan giữa các xã hội: luật tự nhiên, luật chư dân (droit des gens).[12] Truyền thống “bất thành văn” này là nền tảng của các thỏa ước quốc tế, cũng như cho công pháp quốc tế (TLHT số 437). Nói cho cùng, đó là luật của lý trí, thay cho luật của vũ lực (luật rừng).

2/ Cần tiến tới việc thiết lập một “quyền bính quốc tế hữu hiệu”, có khả năng bảo đảm an ninh, tôn trọng công lý và các quyền lợi, hay nói tắt là: “Công ích quốc tế”. GHXH dùng thuật ngữ “universal public authority” (TLHT số 441, trích dẫn Gaudium et spes 82; Pacem in terris 55; Populorum progressio 78).[13] Đề tài cũng được lặp lại trong thông điệp Caritas in veritate số 67.

III. NHỮNG HÌNH THỨC LỊCH SỬ

Trải qua lịch sử, đã có nhiều hình thức liên minh quốc gia. Đừng kể những tương quan giữa đế quốc và chư hầu,[14] thiết tưởng không nên bỏ qua những hình thức khá quen thuộc với chúng ta vào thời cận đại: Liên hiệp Anh (Commonwealth) và Liên hiệp Pháp (Union Française), tuy những khối này chỉ có tầm mức giới hạn. Vào thời đại chúng ta, do nhiều hoàn cảnh thúc đẩy cũng như nhờ những phương tiện liên lạc dễ dàng, đã có nhiều tổ chức ra đời với tầm mức hoạt động bao trùm toàn thể nhân loại.

Như đã nói ở nhập đề, những hình thức này đang trên đường tiến triển. GHXH chỉ đưa ra những “góp ý” cải thiện, khác với những nguyên tắc luân lý trên đây.

A. Các tổ chức quốc tế: Liên hợp quốc, NGO

Trong số những tổ chức bao gồm liên minh tất cả các quốc gia trên hoàn cầu, ta phải kể đến Liên hợp quốc (United Nations; Organization  des Nations Unies), với tiền thân là Hội Quốc Liên (Société des Nations, League of Nations).

Tuy rằng LHQ đã có những thành tựu đáng kể, nhưng cũng vẫn còn nhiều thiếu sót ngay trong cơ cấu tổ chức. Hội đồng Bảo An gồm năm cường quốc thắng trận (thế chiến thứ hai: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Hoa), và bất cứ nghị quyết nào cũng có thể bị tê liệt do phiếu biểu quyết của một trong năm nước đó. Ba nước bại trận, ngày nay là những quốc gia mạnh về chính trị và kinh tế (Đức, Ý, Nhật) thì lại không có tiếng nói quyết định. Đã có nhiều đề nghị cải tổ cơ cấu của LHQ kể cả về phía Tòa thánh. Các đức giáo hoàng cũng đã có cơ hội phát biểu tại diễn đàn của tổ chức này: đức Phaolô VI (4/10/1965), Gioan Phaolô II (2 lần: 2/10/1979 và 5/10/1995), Bênêđictô XVI (18/4/2008).

LHQ có những tổ chức trực thuộc, đặt trụ sở ở nhiều nơi: Paris, Bruxelles, Genève, Vienne, vv, là những cơ quan chuyên biệt, chẳng hạn về lương thực, văn hóa, nhân quyền.

Ngoài ra còn nhiều tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là các cơ quan phi chính phủ (trong đó có nhiều tổ chức của Công giáo).

B. Tòa thánh

Một cơ quan quốc tế đặc biệt là Tòa Thánh. Tòa thánh không phải là một quốc gia, nhưng từ lâu đời, Tòa thánh ý thức rằng mình là một cơ quan siêu quốc gia, với vai trò cổ võ sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia. Thiết tưởng, cần phải đánh tan một sự hiểu lầm (vô tình hay cố ý). Trong tiếng Việt, chúng ta thường nghe nói đến “Tòa thánh Vatican”. Thực ra, đó là hai thực thể khác biệt:

– Một bên là “Tòa Thánh” (Holy See, Saint Siège) nghĩa là Đức Thánh Cha. Đây là một thực thể tinh thần, tượng trưng cho Giáo Hội Công giáo, một tổ chức siêu quốc gia.

– Một bên là “Quốc gia Vatican” (Vatican City, Cité du Vatican). Quốc gia Vatican là một thực thể giống như các quốc gia khác (ra đời ngày 11/2/1929), với một lãnh thổ (rộng 44 mẫu nằm ở trong thành phố Rôma) và một pháp chế riêng; nó tượng trưng cho sự độc lập của Đức Thánh Cha khỏi các chính quyền dân sự, đặc biệt là đối với chính phủ Italia.

Các chính phủ (cho dù rằng thuộc một quốc gia đa số Hồi giáo, hoặc trung lập đối với tất cả các tôn giáo) gửi đại sứ đến Tòa Thánh, nghĩa là đến vị lãnh đạo của Giáo hội công giáo, vì nhìn nhận uy tín của Ngài đối với hòa bình và trật tự luân lý trên thế giới; chứ không ai cử đại sứ đến Quốc trưởng Vatican hết. Cần thêm rằng, trong các tôn giáo hoàn cầu, chỉ Giáo hội công giáo mới có tính cách pháp nhân quốc tế như vậy.

Tòa thánh (Đức Thánh Cha) cử các phái viên (sứ giả) đến các Giáo hội địa phương và các quốc gia.[15] Các phái viên này được phân làm nhiều cấp bậc:

–  Nếu chỉ có sứ mạng thuần túy tôn giáo, nghĩa là chỉ đại diện Đức Thánh Cha cạnh các giáo đoàn địa phương thì mang danh là: Khâm mạng Tòa thánh (Delegati Apostolici).

–  Nếu còn bao gồm thêm sứ mạng đại diện Đức Thánh Cha cạnh chính phủ nữa, thì sẽ được gọi là: “Sứ thần Tòa thánh” (Nuntii Apostolici). Sứ thần được hưởng quy chế danh cho ngoại giao đoàn, do các hiệp định quốc tế Vienne (1815 và 1961) ấn định. Dĩ nhiên, điều này giả thiết là giữa Tòa thánh với chính phủ liên hệ có sự trao đổi liên hệ ngoại giao, thường là trên cấp bậc Đại sứ.[16]

– Ngoài các Khâm mạng, Sứ thần với sứ mạng cạnh các Giáo hội địa phương, còn các loại phái viên Tòa thánh khác cạnh các tổ chức quốc tế, các hội nghị hay phiên nhóm, với nhiều cấp bậc: (a) “Đại biểu” (Delegati): khi đại diện Tòa thánh cạnh một cơ quan quốc tế mà Tòa thánh là thành viên, hoặc tham dự một hội nghị mà Tòa thánh có quyền biểu quyết. (b) “Quan sát viên” (Observatores): khi đại diện Tòa thánh tại một cơ quan quốc tế mà Tòa thánh không phải là hội viên (tỉ như LHQ), hoặc tham dự một hội nghị mà Tòa thánh không có quyền biểu quyết. Các Đại biểu và Quan sát viên có thể là một cá nhân hay một phái đoàn, có tính cách thường trực hay nhất thời, có thể gồm cả giáo dân làm thành viên.

– Sau cùng, chúng ta có thể thêm hai loại phái viên có tính cách ngoại thường đó là: (a) “Đặc sứ” (Legati a latere): thường là Hồng y được cử thay mặt Đức Thánh Cha chủ tọa một buổi lễ hay một Đại hội . (b) “Kinh lược”, hay “Thanh tra” (Visitatores apostolici): được cử thi hành một sứ mạng đặc biệt.

Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh; vì thế vị đại diện Tòa Thánh tại nước ta được gọi là Khâm mạng (hay Khâm sứ) chứ không phải là Sứ thần. Dù sao, giả như có quan hệ giữa chính phủ Việt Nam với Tòa thánh thì đó không phải là giữa hai quốc gia, nhưng là giữa một quốc gia (Việt Nam) với một cơ quan quốc tế (Tòa thánh), cũng tương tự như Đại sứ VN tại LHQ.

Vai trò ngoại giao của Tòa thánh không phải chỉ là để bảo vệ quyền lợi của Giáo hội mà còn cổ võ những quyền lợi của con người, một tiếng nói của lương tâm trên diễn đàn quốc tế.

IV. HỢP TÁC ĐỂ PHÁT TRIỂN

Sự hợp tác giữa các quốc gia mang nhiều hình thức: văn hóa, quân sự, kinh tế, vv. Trong chương 9, sách TLHT bàn đến một đề tài: hợp tác để phát triển.

A. Lịch sử vấn đề này khá phức tạp. Trong quá khứ, các nước Âu châu chiếm thuộc địa để khai thác tài nguyên. Mặc dầu chính sách thuộc địa đã cáo chung, nhưng ý đồ khai thác nhiên liệu vẫn tiếp tục dưới hình dạng khác, tinh vi hơn và thâm độc hơn. Mặt khác, chính sách thuộc địa kinh tế cũng kèm theo công tác “khai hóa” cho dân bị trị, với những ý đồ khác nhau, hoặc công tác “viện trợ”, “phát triển” ở các nước nghèo.

B. GHXH muốn đặt lại vấn đề trong bối cảnh tình liên đới các dân tộc, với dấu mốc là thông điệp Populorum progressio của đức Phaolô VI (26/5/1967), được cập nhật với thông điệp Sollicitudo rei socialis của đức Gioan Phaolô II (30/12/1987) và Caritas in veritate (29/6/2009) của đức Bênêđictô XVI.

A. Những nguyên tắc

Trong số những nguyên tắc luân lý mà GHXH nhấn mạnh, chúng ta nên lưu ý đến nguyên tắc: “phát triển toàn diện” (xc. TLHT số 373, trưng dẫn Populorum progressio), nghĩa là phát triển toàn thể con người, gồm cả tinh thần (trong đó có tín ngưỡng) lẫn vật chất, cũng như phát triển tất cả mọi người, làm sao để giảm bớt sự chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Quan điểm này cũng được lặp lại trong các văn kiện Tòa thánh về việc truyền giáo, chẳng hạn như tông huấn Evangelii nuntiandi (số 30-36) của đức Phaolô VI  và thông điệp Redemptoris missio (số 58-59) của đức Gioan Phaolô II. Cần phải tránh hai thái cực: có khi ta chỉ lo đến phần rỗi linh hồn mà không quan tâm đến nâng cao đời sống vật chất; đối lại, đôi khi chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế và bỏ qua việc rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Dù sao, một khía cạnh cần đặt nặng trong sự hợp tác là nâng cao trình độ giáo dục (Caritas in veritate số 61).

B. Những nguyên nhân

Sách TLHT không quên phân tích những nguyên nhân của sự kém phát triển (số 447) cũng như những nguyên nhân của nợ nước ngoài (số 450), mà lỗi có thể quy về phía các nước nghèo cũng như về phía các nước giàu. Điều này cũng đã được sách GLCG đề cập ở các số 2438-2440.

Trong lãnh vực này, ngoài những nguyên tắc dựa trên công bằng và liên đới,[17] các Kitô hữu còn được thúc đẩy bởi đức ái, khi biết rằng Chúa đồng hóa mình với những người nghèo, người bị bỏ rơi. Sách TLHT bàn đến nguyên tắc này ở phần cơ bản (số 184).

Khía cạnh này có thể đào sâu thêm bằng cách học hỏi thông điệp Caritas in veritate, đặc biệt trong khung cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay, có thể đối chiếu vài nguyên tắc căn bản:

– Yêu thương: 1, 2, 5a, 6b, 52, 77, 79

– Chân lý: 1, 3, 4, 8, 9b, 18, 52, 70, 73, 77, 79

– Công bằng: 6, 7, 35a, 37b

– Công ích: 7, 36a, 71, 73

– Huynh đệ: 19, 20, 73

– Tự do có trách nhiệm: 17, 40, 68, 70, 73

– Hỗ trợ: 57, 58, 60

– Liên đới: 38, 58

V. SUY TƯ KINH THÁNH

Sách TLHT mở đầu mỗi chương bằng việc tìm hiểu nền tảng Kinh thánh của vấn đề. Lời Chúa mang lại ánh sáng cho những suy tư của chúng ta. Tuy nhiên, chúng tôi đặt phần suy tư ở cuối vì hai lý do chính: thứ nhất, những lý luận của Kinh thánh chỉ có giá trị cho các Kitô hữu, chứ không thể thuyết phục những người khác tín ngưỡng với chúng ta; thứ hai, có nhiều cách tiếp cận Kinh thánh. Ở đây chúng tôi muốn dừng lại ở lý do thứ hai. Kinh thánh nói gì về gia đình nhân loại? Các Kitô hữu đã hiểu thế nào về cộng đồng nhân loại?

A. Lịch sử mạc khải

Kinh thánh nói gì về  “cộng đồng quốc tế”? Không dễ gì tìm được câu trả lời. Thoạt tiên, chúng ta có cảm tưởng rằng theo Kinh thánh, vào lúc đầu nhân loại là một “gia đình duy nhất”, nhưng sau đó đã bị phân tán vì tội lỗi (tháp Babel). Nhờ công trình cứu chuộc của đức Kitô, những bức tường chia rẽ đã bị phá hủy, nhân loại tìm lại được sự hợp nhất, nhờ được giao hòa với Thiên Chúa và với nhau.

Tuy nhiên, khi đọc lại lịch sử mạc khải Cựu và Tân ước cũng như lịch sử Hội thánh, người ta nhận thấy rằng câu chuyện phức tạp hơn nhiều.

1. Cựu ước

Lịch sử mạc khải Cựu ước không bắt đầu từ nguyên tổ Ađam, xuống tới ông Noe, rồi tiếp tục đến Abraham, Mosê, các ngôn sứ, vv. Thực vậy, các sử gia thời nay cho rằng cần khởi đi từ Mosê: dân Israel ý thức rằng mình được Thiên Chúa chọn làm dân riêng. Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước với họ, đã ban cho họ một vùng đất làm quê hương. Israel là một dân tộc ưu tuyển giữa ngàn dân.

Kinh nghiệm đau thương của sự mất nước và lưu đày sang Babylon đã làm thay đổi hình ảnh đó. Thiên Chúa (Giavê) không chỉ là một Chúa của dân Israel bên cạnh những Chúa khác, nhưng là Chúa của hết mọi dân: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn vật, muôn dân. Thiên Chúa đã ký kết với Israel một giao ước trên núi Sinai, nhưng Ngài cũng thiết lập một giao ước với muôn dân được đại biểu nơi ông Noe (Sách Sáng thế chương 9).

Nói cách khác, ý thức về Thiên Chúa chung cho tất cả mọi dân đã được tiến triển dần dần. Ngôn sứ Isaia tiên báo rằng vào thời cánh chung, muôn dân sẽ tiến về Sion để thờ lạy Giavê.

2. Tân ước

Đức Giêsu xuất hiện như là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ loan báo. Tiếc rằng dân tộc Israel có một ý tưởng sai lệch về Người: họ tưởng rằng đức Giêsu sẽ khôi phục vương triều Đavit. Đức Giêsu lại tuyên bố rằng Người đến thiết lập Nước Thiên Chúa (triều đại, vương quốc Thiên Chúa), nhưng vương quốc này không còn gắn liền với một dân tộc, một lãnh thổ như trong Cựu ước. Nước Thiên Chúa bao trùm tất cả muôn dân.

Lời giảng của đức Giêsu chứa đựng mầm mống cho sự hợp nhất của gia đình nhân loại, khi Người cho biết rằng Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, và muôn dân từ Đông sang Tây sẽ được tập họp vào gia đình của Chúa.

3. Lịch sử Hội thánh

Thánh Phaolô được mệnh danh là “Tông đồ của dân ngoại”, bởi vì Người mang Tin mừng cứu độ đến với Dân ngoại, loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho họ nữa, chứ không giới hạn vào dân tộc Israel.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phác họa đại cương. Trải qua hai ngàn năm lịch sử, đã có nhiều mô hình nảy sinh liên quan đến sự quy tụ gia đình nhân loại.

– Đã có một thời mà người ta nghĩ rằng sự duy nhất của gia đình nhân loại được thể hiện nhờ một đế quốc chính trị. Đó là giấc mơ của nhiều giáo phụ vào thời hoàng đế Constantinô: Chúa dùng bàn tay của hoàng đế để quy tụ các dân nước vào trong Hội thánh. Giấc mơ này vẫn còn tái diễn vào thời Trung cổ (chẳng hạn như với hoàng đế Charlemagne) và cận đại (các đế chế công giáo của Tây ban nha, Bồ đào nha, Pháp, vv). Với mô hình này, Giáo hội và thế quyền dễ trà trộn với nhau.

– Vào những thế kỷ gần đây, người ta ý thức rõ rệt hơn  sự phân biệt giữa “đạo / đời”. Kế hoạch của Thiên Chúa muốn quy tụ muôn dân nên một được hiểu về “đạo”, nghĩa là Hội thánh, đoàn dân nhìn nhận đức Kitô là Đấng cứu chuộc, chứ không phải về một “cộng đồng chính trị” (chẳng hạn một đế quốc).

Đến đây người ta tự hỏi: Kinh thánh có nói gì về sự duy nhất của nhân loại hiểu như một cộng đồng chính trị không? Đồng thời, một câu hỏi khác cũng được đặt ra. Ngày nay, chúng ta phân biệt Hội thánh khỏi các thể chế chính trị; nhưng đến thời cánh chung, có còn sự phân biệt ấy nữa không? Phải chăng vào thời cánh chung, các thể chế chính trị sẽ biến, Hội thánh cũng sẽ biến, và chỉ còn lại gia đình nhân loại được quy tụ nên một Dân của Thiên Chúa?[18]

B. Những hệ luận cho hoạt động truyền giáo

Ngay từ khi được thành lập, Hội thánh đã ý thức rằng sứ mạng của mình bao trùm toàn thể nhân loại, theo như Chúa Phục sinh đã nói: “Hãy đi rao giảng Tin mừng khắp muôn dân” (Mc 16,15). Biến cố lễ Ngũ tuần được coi như lật ngược lại biến cố Babel. Babel đánh dấu sự phân tán nhân loại vì ngôn ngữ bất đồng, lễ Ngũ tuần biểu lộ sự hợp nhất bất chấp sự khác biệt ngôn ngữ (Cv 2,8-11). Hội thánh là một cộng đồng có khả năng đón nhận hết mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ.

Như vừa nói, trong quá khứ, đã có lúc Hội thánh nghĩ rằng sự thống nhất nhân loại được thành tựu qua sự thống trị của một thể chế dân sự. Ngày nay, người ta không còn nghĩ như vậy nữa: Nước Thiên Chúa không bị đồng hóa với bất cứ một thể chế nào của nhân loại, dù đó là một đế quốc hay một hợp chủng quốc, và kể cả cơ cấu hữu hình của Hội thánh. Không ai biết được hình thù của “dân Thiên Chúa” vào thời cánh chung sẽ như thế nào. Đang khi chờ đợi, Hội thánh cố gắng xây dựng sự hợp nhất của nhân loại nhờ những chân lý được mạc khải cũng như nhờ quyền năng của Thánh Linh.

Hội thánh tìm thấy trong Kinh thánh những chân lý nền tảng cho việc xây dựng một gia đình nhân loại:

– Tất cả nhân loại có cùng một nguồn gốc và một định mệnh chung, như thánh Phaolô đã tuyên bố tại Athènes (Cv 17.26-28).

– Ở bình diện siêu nhiên, Hội thánh đã được trang bị với những yếu tố xây dựng sự hợp nhất: “một thân thể, một Thần khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha” (Ep 4,4-6).

– Hiện nay, Hội thánh là dấu chỉ và dụng cụ của sự hợp nhất của nhân loại, bởi vì các thành phần của Hội thánh thuộc nhiều sắc tộc, ngôn ngữ khác nhau, song vẫn tuyên xưng một đức tin duy nhất, và tương trợ lẫn nhau nhờ đức ái.

– Trên đường tiến tới sự hợp nhất, Hội thánh cố gắng dung hòa sự quân bình giữa hai yêu sách: duy nhất và đa dạng. Sự duy nhất không hủy bỏ vẻ phong phú của tính đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ. Sự đa dạng không được phép phá vỡ sự duy nhất của đức tin và thể chế. Khuôn mẫu của sự duy nhất trong đa dạng cần được học từ sự thông hiệp giữa Thiên Chúa Ba ngôi. Xem thêm Sách GLCG số 813-814 (Hội thánh duy nhất trong đa dạng), số 830-831 (Hội thánh công giáo).

KẾT LUẬN

Có lẽ do hoàn cảnh đặc biệt của quốc gia, chúng ta vẫn sống trong một não trạng bị “cấm vận”, ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế, ngay cả những vấn đề trong vùng ASEAN.

1/ Dù sao, chương Chín này cũng cung cấp cho ta vài suy nghĩ, cách riêng khi có dịp tiếp xúc với các người “dân tộc”. Như đã có dịp nhận xét trong bài trước, tên gọi “dân tộc” không chính xác: phải chăng người Việt không phải là “dân tộc” hay sao? Như thế gọi những nhóm người này bằng từ ngữ gì: Mọi, Thượng, Thiểu số ?  Tuy danh xưng quan trọng, nhưng cách chúng ta cư xử với họ mới là điều đáng nói hơn nữa. Chúng ta có thể đối xử với họ cách bình đẳng không? Chúng ta phải giúp họ bảo vệ văn hóa của họ, hay phải giúp họ vượt qua điều kiện “chậm tiến” của họ? Không dễ gì tìm câu trả lời.

2/ Một vấn đề khác được đặt ra do hiện tượng “toàn cầu hóa”, với nhiều hậu quả về kinh tế, chính trị, thương mại, văn hóa. Sách TLHT đã đề cập đến vấn đề này ở chương Bảy (số 361-372). Hiện tượng này mang lại nhiều điều tích cực và tiêu cực. Dù sao, trong bối cảnh này, người ta thấy rõ hơn rằng thế giới là một cái làng nhỏ, và tất cả mọi chuyện xảy ra trong làng đều có ảnh hưởng đến tất cả các người dân trong làng. Vì thế tương quan giữa các quốc gia đã thay đổi từ chỗ “dependence” (lệ thuộc, của nước yếu vào nước mạnh), sang qua “independence” (độc lập, tự trị), và đến chỗ “interdependence” (hỗ tương).

 


[1] Về tầm quan trọng của giao ước với ông Noe, xem GLCG số 56-58.

[2] “Phổ thế” (phổ cập, phổ quát): universalis; từ này có nghĩa là “toàn thể”; nếu hiểu về địa lý thì có nghĩa là “toàn cầu”, toàn thể thế giới hoặc toàn thể nhân loại.

[3] “Chủ quyền” (souveraineté) có nghĩa là tối cao, tối thượng (không có gì ở trên nữa).

[4] ius gentium (droit des gens) là một thuật ngữ đã được các triết gia Rôma sử dụng, theo đó, các công dân Rôma bị chi phối bởi luật “quốc nội” (ius civile, droit civil), còn các dân tộc khác tuân giữ ius gentium. Dần dần, thuật ngữ này được hiểu về một “công pháp”, luật chung có giá trị ở trên luật của quốc gia.

[5] Như sẽ nói trong mục 2, đừng lẫn lộn giữa “Tòa thánh” và “Quốc gia Vatican”.

[6] Xc. Thông điệp Sollicitudo rei socialis 36-37, được TLHT giải thích ở số 119.

[7] Xem thêm các số: 308; 310; 312-315; 322 thuộc chương Sáu (lao động).

[8] Trong bài trước, chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa: dân tộc (people), quốc gia (nation), nhà nước (state), tuy rằng các từ ngữ này thường được dùng lẫn lộn.

[9] Sách GLCG đề cập đến những vấn đề này ở các số 1882; 1911; 2437-2441.

[10] Xc. TLHT số 201; GLCG số 2411; 2236.

[11] Tiếng Việt (và tiếng Anh) thiếu nhiều từ ngữ chuyên môn để dịch các từ trong nguyên gốc Latinh, thí dụ như Ius (đối tượng của iustitia: công lý, công bằng), được dịch sang tiếng Pháp là Droit, nhưng tiếng Anh là Law (luật); như đã nói trên đây, “pháp” và “luật” không đồng nghĩa. Ordo iuridicus (gốc bởi ius, iuris) được dịch là ordre juridique (Pháp), juridic order (Anh), “trật tự pháp lý”. Đừng quên rằng trật tự này dựa trên “công lý” chứ không phải là “luật” của Nhà Nước.

[12] Xc. TLHT số 437

[13] Xin nhắc lại sự phân biệt giữa “authority” và “power” đã nói trong bài trước.  Ở đây chúng ta nói đến “authority”, một thứ  “thẩm quyền pháp lý” (juridical authority): TLHT số 439.

[14] Chẳng hạn như giữa “Trung quốc” (nghĩa là nước “ở giữa”) với các nước rợ bao quanh (trong đó Nam Man là một)

[15] Xc. ĐTC Phaolô VI, Tự sắc Sollicitudo omnium ecclesiarum (24/6/1969). Bộ Giáo luật điều 362-367.

[16] Hiện nay là 179 quốc gia, mới nhất là Malaysia, ngày 27/7/2011. Nên biết là Cuba không bao giờ cắt đứt bang giao với Tòa Thánh dù dưới chế độ Fidel Castro.

[17] Một số nguyên tắc này đã được đề cập ở phần tổng quát hoặc ở các chương trước, chẳng hạn như: Những quyền lợi của con người và những quyền lợi của các dân tộc; Mọi tài sản đều được nhằm phục vụ toàn thể nhân loại.

[18] Xc. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế về Hội thánh số 9; Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 39. Xem thêm TLHT số 52-55; 56-58.