GIÁO HỘI THÁNH THIỆN VÀ VẤN ĐỀ TỘI LỖI CỦA CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIÁO HỘI QUAN ĐIỂM CỦA JACQUES MARITAIN

0
1746

Nguyễn Hữu Nghị, OP.

Jacques Maritain [18/11/1882 – 28/04/1973] là một trong số các triết gia lớn của Giáo Hội Công giáo thế kỷ XX. Với tư cách là một triết gia, ông luôn bảo vệ tính cách độc lập cũng như vai trò và giá trị của triết học trong cuộc lữ hành truy tìm chân lý của cuộc đời con người. Tuy nhiên nền triết học của ông không tự giam hãm và đóng kín trong phạm vi giới hạn của chính khoa triết học, nhưng là một nền triết học mở ra với Siêu việt, mở ra với các chân lý thuộc lãnh vực tôn giáo. Sau khi thất vọng ê chề với những thầy dạy và các giáo sư lẫy lừng tại các đại học lớn tại Pháp và Đức thời bấy giờ, ông tìm đến đức tin Công giáo như một cuộc giao ngộ không thể đẹp hơn. Để từ đây, đức tin và lý trí không còn đối chọi nhau nữa, nhưng được hòa giải và tương hỗ nhau như thể đôi cánh đưa những suy tư của ông bay vút trong miền đất của các chân lý hữu hạn đến tận chính Chân lý vĩnh cửu, cội nguồn của mọi chân lý và vạn hữu trong vũ trụ tạo thành.

Maritain là một triết gia của niềm tin, luôn sống và dấn thân hết mình vì niềm xác tín mình chọn lựa. Chính vì lẽ đó, các nan vấn thần học không hoàn toàn nằm ngoài mối bận tâm của ông. Ngay từ những năm 1920-1973, năm ông qua đời, Jacques Maritian luôn có mặt tại hầu hết những « điểm nóng » liên quan đến các học thuyết quan trọng của Giáo hội. Chính các mối tương quan mật thiết cũng như những cuộc trao đổi sâu rộng với các thần học gia lớn của Giáo hội như cha A. Gardeil, cha R. Garrigou-Lagrange, Hồng y Charles Journet, cha Humbert Clérissac, cha M.-M. Labourdette, cha M.-V. Leroy, cha J.-H. Nicolas… đã soi sáng, gợi mở và làm phong phú rất nhiều các suy tư thần học của ông.

Chúng tôi phải nói ngay rằng các vấn nạn thần học Jacques Maritain suy tư và bàn luận không bao giờ chỉ hoàn toàn là những suy tư thuần túy suy lý, nhưng đó là những thực tại đã và đang diễn ra rất thật trong Giáo hội, liên quan đến bản chất và chính đời sống của Giáo hội. Những nan vấn này đòi buộc các thần học gia, tư tưởng gia nói riêng và Huấn quyền Giáo hội nói chung phải có lời giải đáp. Một trong những nan vấn quan trọng Jacques Maritain không ngừng chiêm nghiệm và cố gắng minh giải đó là : Sự thánh thiện của Giáo hội và vấn đề tội lỗi của các thành viên trong Giáo hội.

50 năm sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, chủ đề này xem ra đã trở thành bình thường và ít được quan tâm. Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng, xét trên bình diện Giáo hội học, đây là một vấn nạn lớn của thần học thế kỷ XX, và chỉ lần đầu tiên Huấn quyền Giáo hội chính thức giải đáp cho vấn nạn này trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân [Lumen gentium]. Jacques Maritain luôn chiêm ngắm mầu nhiệm Giáo hội với một nhãn quan năng động vừa mang tính thần học vừa mang tính tâm linh thâm diệu. Ông nghiêm cẩn tôn kính mầu nhiệm thánh thiện của Giáo hội, nhưng đồng thời ông cũng ý thức sâu sắc sự lầm lỗi và tội lụy của các thành viên. Không phải là không có lý khi nhiều người, ngay cả các tín hữu Ki-tô, ghi nhận rằng : khi Giáo hội tự nhìn nhận mình là thánh thiện, thì chính Giáo hội có nguy cơ trở thành ngẫu tượng. Chính vì lý do này, Công đồng Va-ti-ca-nô II một đằng luôn khẳng định sự thánh thiện của Giáo hội được tuyên tín trong Kinh Tin Kính, nhưng đàng khác Công đồng cũng nhìn nhận rằng các thành viên của Giáo hội, ít nhất là một phần nào đó, là những con người tội lỗi.

  1. Những chiêm nghiệm đầu tiên của J. Maritain về mầu nhiệm Giáo hội

Maritain ý thức sâu sắc rằng, trong mầu nhiệm Giáo hội, sự thánh thiện và sự tội lỗi không bao giờ có thể được đặt trên cùng một bình diện, và như thế ta cũng không thể có cùng một cái nhìn về hai thực tại này. Theo ông, nếu chỉ bằng con mắt tự nhiên ta cũng có thể nhìn thấy ngay được những tội lỗi của các thành viên trong Giáo hội, thì trái lại, ta chỉ có thể nhận ra được sự thánh thiện của Giáo hội với con mắt đức tin mà thôi.

Ngay trước khi lãnh phép Rửa gia nhập Giáo hội Công giáo [11/06/1906], ông và người bạn đời yêu dấu, bà Raïssa Maritain [12/09/1883 – 04/11/1960], đã thấm thía kinh nghiệm giữa một đàng là sự « thân thương và trìu mến biết bao » trong huyền nhiệm thánh thiện của Giáo hội và đàng khác là sự ghen tương, hận thù và chia rẽ đến xa lạ của các thành viên Giáo hội. Với J. Maritian và vợ ông, Giáo hội lúc ấy giống như thể một xã hội của những con người hạnh phúc hoan lạc của thế giới này, một xã hội liên minh với những kẻ quyền thế, trưởng giả và xa lánh dân chúng[1]. Năm 1906, J. Maritain viết trong cuốn Nhật ký[2] của mình như sau :

Chúng tôi không trốn chạy ngôi nhà trần thế của Thiên Chúa, chúng tôi hướng về ngôi nhà ấy, và chúng tôi sẽ bước vào trong ngôi nhà ấy. Nhưng làm sao chúng tôi có thể trà trộn với những người con khủng khiếp cứ suốt ngày tiệc tùng linh đình trong Giáo hội ? Chúng tôi vẫn luôn đứng cách biệt xa xa ngoài ngưỡng cửa. Chúng tôi không bác bỏ hay phủ nhận bất cứ một chân lý nào, chúng tôi không tách biệt Thiên Chúa khỏi Giáo hội của Ngài, đức ái khỏi phụng tự ; chúng tôi gìn giữ sự toàn vẹn của Đức tin. Nhưng làm thế nào đây để không bước vào cùng một trật trong gia đình của những con người vênh vênh tự mãn vì nhân danh ơn cứu độ vĩnh cửu của mình ?[3].

Sau khi lãnh nhận phép Rửa [1906][4], những nhãn quan và tình cảm tiêu cực trên đây, đôi khi có phần cay nghiệt của J. Maritain về các thành viên của Giáo hội, đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chính bản thân ông cũng thừa nhận những đánh giá và phê bình của ông lúc chưa lãnh nhận phép Rửa về các tín hữu Ki-tô là khá nghiêm khắc và có phần phiến diện[5]. Tuy nhiên sự phân biệt giữa Giáo hội và các thành viên của Giáo hội vẫn luôn được duy trì, ta có thể thấy được điều này trong một nhật ký không được xuất bản của ông đề ngày 20 tháng 07 năm 1915:

Sự thánh thiện của Giáo hội : Giáo hội tinh tuyền, không vết nhơ không tỳ ố. Đồng thời Giáo hội cũng bị bao phủ bởi bệnh phong cùi của những người tội lỗi, Giáo hội bao gồm cả những người tội lỗi và những người tốt lành. Nhưng làm sao lại có thể là như thế được đối với Giáo hội xét trong chính yếu tính của mình, trong những gì làm cho Giáo hội là một Giáo hội vô hình, theo nghĩa là tôi có một cái tôi vô hình ( linh hồn ) khác với cái tôi thân xác hữu hình ? […] Ta có thể minh giải như thế này : cũng giống như một vị thánh không vết nhơ không tỳ ố nếu xét về con người nội tâm, con người thiêng liêng, nhưng lại có thể bị bao phủ bởi bệnh phong cùi nếu vị thánh ấy mắc phải căn bệnh này, thì cũng vậy trong Giáo hội cùng tồn tại sự tinh tuyền vô nhiễm không phải của linh hồn Giáo hội là Chúa Thánh Thần trong sự so sánh này, nhưng là của yếu tính Giáo hội, và những căn bệnh hiện hữu trong Giáo hội, tuy nhiên những căn bệnh này lại không thể đụng đến được bản chất của Giáo hội : tự bản chất, Giáo hội là thánh.

Ngay từ năm 1915, những phân tích mang tính hệ thống về Giáo hội của J. Maritain đã bắt đầu được hình thành : Giáo hội là thánh thiện và vô nhiễm trong yếu tính của mình, và tội lỗi của các Ki-tô hữu chỉ làm hoen ố bề mặt của Giáo hội chứ không thể đụng đến chính bản chất sâu thẳm của Giáo hội. Bởi vì, nguồn mạch của Giáo hội là Đức Ki-tô cùng với các ân phúc, hoa trái của mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Ngài, và đích đến là sự hiệp thông các thánh trong vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa trong Vương quốc. Vào năm 1930, trong Tôn giáo và văn hóa (Religion et culture), J. Maritain đào sâu nan vấn này, và đồng thời nỗ lực xác định, trong Giáo hội, đâu là điều liên quan đến sự thánh thiện của Giáo hội, và đâu là điều liên quan đến các thành viên tội lỗi của Giáo hội :

Những lầm lỗi, những ù lỳ, những tắc trách cũng như những ngưng trệ và ngái ngủ của những người Công giáo không làm phương hại đến căn tính của Giáo hội Công giáo. Bản chất Giáo hội Công giáo không chịu trách nhiệm cung cấp những mưu mô trước quỷ biện minh cho những thiếu sót của những người Công giáo. Phương pháp biện giáo tốt nhất không phải là nhằm biện minh hay kết án những người Công giáo khi họ mắc phải lỗi lầm, nhưng trái lại ghi nhận những lầm lỗi ấy, bởi vì những lầm lỗi ấy không đụng đến được bản chất của Giáo hội, nhưng chỉ làm sáng tỏ hơn nhân đức của một tôn giáo luôn luôn sống động bất chấp những lầm lỗi ấy. Giáo hội là một huyền nhiệm, Giáo hội có đầu của mình ẩn giấu ở trên trời, tính hữu hình của Giáo hội không thể biểu tỏ cách xứng hợp CÁI ĐẦU trên trời ấy được. Nếu quý vị muốn tìm kiếm những điều chứng tỏ cho thấy sự huyền nhiệm và cái đầu ẩn giấu trên trời của Giáo hội mà không phản bội những điều này, thì quý vị hãy nhìn Đức giáo hoàng và các Công đồng giảng dạy đức tin và luân lý, đồng thời hãy chiêm ngưỡng những vị thánh trên trời cũng như dưới đất, chứ quý vị đừng nhìn đến chúng tôi là những kẻ tội lỗi. Hay đúng hơn hãy chiêm ngưỡng việc Giáo hội băng bó những vết thương của chúng ta và đồng thời long đong lận đận bước thấp bước cao dẫn đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cữu như thế nào. Leibniz có cao vọng biện minh cho Thiên Chúa bằng cách chứng minh rằng một công trình phát xuất từ đôi tay của một công trình sư hoàn hảo, thì chính công trình ấy cũng phải hoàn hảo, trong khi ấy trên thực tế, chính sự bất toàn triệt để của toàn thể thụ tạo lại chứng thực cách hoàn hảo hơn cả vinh quang của Đấng Hằng Hữu. Sự vinh quang vĩ đại của Giáo hội đó là Giáo hội thánh thiện với các thành viên tội lỗi của mình[6].

Chúng tôi xin lưu ý rằng, bạn thân của J. Maritain, cha Charles Journet, một nhà Giáo hội học lớn của thế kỷ XX [ Hồng y tháng 01- năm 1965 ], thường xuyên quy chiếu vào những suy tư của J. Maritain[7]. Năm 1934, C. Journet trình bày một suy tư ngắn gọn với tựa đề : « Từ vấn nạn về sự thánh thiện của Giáo hội đến vấn nạn về bản chất của Giáo hội[8] », cho thấy mối tương quan mật thiết giữa hai vấn nạn liên quan đến Giáo hội : bản chất của Giáo hội và sự thánh thiện của Giáo hội. Quả thật khẳng định sự thánh thiện của Giáo hội hữu hình đồng thời hàm chứa phải làm sáng tỏ cùng một lúc tình trạng của những người công chính không phải là thành viên hữu hình của Giáo hội, và tình trạng tội lỗi của các thành viên hữu hình của Giáo hội, từ đó đương nhiên đưa ta đặt vấn nạn về bản chất của Giáo hội.

Thực vậy, ta dễ dàng nhận ra rằng hai vấn nạn về bản chất và sự thánh thiện của Giáo hội soi sáng lẫn cho nhau, bởi lẽ việc xác định Giáo hội là thánh thiện phải được hiểu theo nghĩa nào cũng đồng thời đòi hỏi chúng ta phải xác định bản chất của Giáo hội. Việc đào sâu huyền nhiệm Giáo hội tự nhiên dẫn chúng ta đến việc phải xác định những mối tương quan phức tạp của Giáo hội trong vũ trụ tạo thành này. Nói một cách khác, càng chiêm ngắm và hiểu biết rõ hơn huyền nhiệm Giáo hội, ta càng có cơ may sống cách sâu sắc hơn huyền nhiệm ấy. Điều này giả thiết rằng chúng ta cần phải giải phóng khỏi Giáo hội những cái nhìn mang tính xã hội học sai lầm có nguy cơ làm vẩn đục tính hữu hình của huyền nhiệm Giáo hội. Đồng thời để chúng ta có được một cái nhìn đức tin đúng đắn về huyền nhiệm Giáo hội cũng đòi buộc chúng ta phải thanh tẩy nhãn quan mang tính con người của chúng ta vốn có nguy cơ chỉ dừng lại ở tội lỗi của các thành viên Giáo hội.

Chúng ta nhận thấy rằng Hiến chế Lumen gentium của Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng được khai triển theo đúng những viễn tượng này. Thực vậy khi bàn về chính mầu nhiệm Giáo hội, Hiến chế khẳng định về Giáo hội như sau : nhìn theo con mắt đức tin, Giáo hội luôn luôn thánh thiện[9]. Giáo hội duy nhất này của Đức Ki-tô vừa thánh thiện vừa luôn luôn cần phải thanh tẩy[10]. Không thể phủ nhận được rằng các khẳng định này của Công đồng mang âm hưởng rõ nét những tư tưởng của J. Maritain và C. Journet.

Năm 1970, J. Maritain hoàn thành công trình nghiên cứu mang tựa đề Về Giáo hội của Đức Ki-tô (De l’Église du Christ)[11]. Trọng tâm thần học của công trình này nhằm nghiên cứu mầu nhiệm Giáo hội, đây là điều mà J. Maritain gọi là ngôi vị của Giáo hội [ la personne de l’Église ][12]. Trong công trình này, J. Maritain bàn chủ yếu về bản chất và sự thánh thiện[13] của Giáo hội. Chúng tôi xin trình bày những tư tưởng chính của J. Maritain trong tác phẩm này.

  1. Sự nghịch lý của mầu nhiệm Giáo hội

Theo J. Maritain, trong một mức độ có thể nào đó, làm thế nào để có thể xác định và minh giải được rằng Giáo hội, trong chính bản chất huyền nhiệm của mình, là luôn luôn thánh thiện, nguyên vẹn trước tất cả mọi vết nhơ của tội lỗi, và đồng thời chính Giáo hội ấy lại được cấu thành từ những thành viên tội lỗi[14] ? Để trả lời cho vấn nạn này, J. Maritain đặt mình trong một truyền thống được cho là có nguồn gốc từ thánh Augustinô. Theo truyền thống này, Chúa Thánh Thần được tin nhận là linh hồn bất thụ tạo của Giáo hội (l’âme incréée de l’Église), đồng thời Giáo hội này cũng có một linh hồn được tạo dựng đó chính là sự sống của ân sủng và của đức ái. Nơi các thành viên của Giáo hội, những gì liên quan đến đức ái thì thuộc về Giáo hội và sự thánh thiện của Giáo hội, còn những gì tách biệt với đức ái thì cũng xa lạ với Giáo hội:

Linh hồn và sự sống của Giáo hội, đó là ân sủng và đức ái, là những thực tại vô hình tự bản chất. Ở đâu có ân sủng và đức ái, thì ở đó cũng có sự sống của Giáo hội, và bửu huyết của Đức Ki-tô cũng lan tràn đến đó. Ở đâu không có ân sủng và đức ái, thì ở đó cũng không có sự sống của Giáo hội, và bửu huyết của Đức Ki-tô cũng không lan tràn đến đó. Khi một người đã được lãnh nhận phép rửa trong Giáo hội mắc phải tội lỗi, thì người đó không còn được tham dự cách sung mãn vào trong đời sống của Giáo hội ; nếu người tín hữu ấy cứ ở lỳ trong tình trạng tội lỗi ( vẫn giữ đức tin, nhưng đức tin ấy, không có đức ái, thì chỉ là thứ « đức tin chết » ), thì dù người ấy vẫn luôn là thành viên của Giáo hội, nhưng khi ấy sự sống của Giáo hội không còn lưu chuyển nơi người ấy nữa. Chừng nào người tín hữu sống trong ân sủng và đức ái, thì người ấy cũng sống chính sự sống của Cái Toàn Thể mà người ấy là thành viên. Cái Toàn Thể ấy là Nhiệm Thể của Đức Ki-tô và là Hiền Thê của Đức Ki-tô. Như thế, tất cả mọi mâu thuẫn xuất hiện ngay khi ta hiểu rằng, một đàng, chính bản thân Giáo hội thì không tội lỗi, bởi vì sự sống riêng của Giáo hội là ân sủng và đức ái, […] và đàng khác, mỗi người trong các thành viên của Giáo hội thì tội lỗi trong mức độ, khi mà người ấy tách biệt với ân sủng, thì đồng thời người ấy cũng tách biệt với đời sống của Cái Toàn Thể mà người ấy là thành viên[15].

Maritain rất tâm đắc với những tư tưởng của Charles Journet, và ông thường trích dẫn : « Biên thùy của Giáo hội chảy ngang qua tâm can riêng của từng người chúng ta », « trong bản thân chúng ta, Giáo hội tách biệt giữa sự thiện và sự ác. Giáo hội nâng niu gìn giữ sự thiện và lánh xa sự ác[16] ». Theo C. Journet và J. Maritain, tội lỗi của một thành viên Giáo hội không phương hại đến chính bản chất của Giáo hội, vì những tội lỗi ấy chỉ ở bên ngoài bản chất huyền nhiệm của Giáo hội : « Những thiếu sót lầm lỗi mà một người tội lỗi mắc phải không thể là những vết nhơ bẩn đối với Giáo hội, bởi vì trong vụ này Giáo hội chẳng hề hấn gì ; những thiếu sót lầm lỗi ấy không làm nhơ nhuốc khuôn mặt của Giáo hội[17] ».

Giáo hội là hiền thê « thánh thiện và tinh tuyền » [Ép 5, 27], nhưng Giáo hội không hoàn toàn chính xác giống như Đức Ki-tô, Đấng là đầu và là hiền phu của Giáo hội, trong ngôi vị riêng của Ngôi Lời nhập thể : « Trong khi sự thánh thiện của Đức Ki-tô làm cho các chi thể trong thân xác thể lý của Ngài trở thành thánh như chính bản thân Ngài, còn sự thánh thiện của Giáo hội, hay của Nhiệm thể, không cản trở các thành viên của Nhiệm thể ấy là những con người tội lỗi[18] ». Như vậy trong khi Đức Ki-tô hoàn toàn không vương tội lụy « Ngài không bao giờ […] biết đến mùi vị của tội lỗi, và cũng chẳng bao giờ Ngài trải qua kinh nghiệm tội lỗi[19] », thì chính Giáo hội « lại không xa lạ với tội lỗi, Giáo hội biết đến mùi vị của tội lỗi. Giáo hội trải qua kinh nghiệm tội lỗi trong vô vàn vô số những người tội lỗi vốn là những chi thể của Giáo hội. Giáo hội có tội nơi các thành viên của mình[20] ».

Do ảnh hưởng từ những cuộc trao đổi với cha Humbert Clérissac[21], quan niệm về ngôi vị tính của Giáo hội luôn hiện hữu trong tâm trí J. Maritain. Ông suy tư rất nhiều để làm sao đấy có thể áp dụng một cách loại suy quan niệm ngôi vị vào mầu nhiệm Giáo hội. Những suy tư thần học của ông về Giáo hội nhằm cố gắng minh giải lý do tại sao Giáo hội lại có thể được chiêm ngắm như một chủ thể duy nhất hay như một ngôi vị duy nhất. J. Maritain đặt mình trong đường hướng Giáo hội học của thánh Phao-lô và của truyền thống Augustinô về Đức Ki-tô toàn thể (Christus totus) : « Trong tính duy nhất và phổ quát của mình, Giáo hội có một ngôi vị siêu nhiên siêu vượt trên ngôi vị của các thành viên Giáo hội[22] ». Nhiệm thể Đức Ki-tô, tức là Giáo hội, ngôi vị của vô vàn vô số các thành viên, tạo thành « một thực thể sống động và bất khả phân chia », thủ đắc một sự tồn hữu riêng, « theo hình ảnh của Đức Ki-tô mà Thiên Chúa thấy trong sự đông đảo vô ngần vô số lan tràn khắp mặt đất và trải qua muôn vàn thế hệ[23] ».

Chúng ta nhận thấy rằng ở đây J. Maritain sử dụng những ngôn ngữ và khái niệm rất triết học để cố gắng diễn tả và minh giải một khía cạnh của mầu nhiệm Giáo hội mà nhiều nhà thần học lớn của Giáo hội thế kỷ XX [ Urs von Balthasar, Charles Journet, Joseph Ratzinger …] không ngừng đào sâu, theo kiểu nói của thánh Tô-ma : Sự đông đảo vô vàn vô số của các thành viên Giáo hội làm thành gần như thể một ngôi vị mầu nhiệm [quasi una persona mystica]. J. Maritain ý thức rất rõ rằng việc áp dụng mang tính loại suy khái niệm ngôi vị vào Giáo hội là một điều hết sức phức tạp và tế nhị, bởi vì điều mà ông chiêm nghiệm và cố gắng minh giải là một huyền nhiệm. Giáo hội đón nhận cách siêu nhiên từ Thiên Chúa một sự tồn hữu đích thực được xem là nền tảng siêu hình cho tính cách ngôi vị của Giáo hội. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị, một điều gì đó rất riêng và là dấu ấn của huyền nhiệm Giáo hội :

Giáo hội của Đức Ki-tô là một cộng đoàn đông đảo vô ngần vô số. Cộng đoàn này, theo một cách thế siêu nhiên, có một sự hiện hữu độc lập mang tính cách ngôi vị, và làm thành, theo một hình thức siêu nhiên, một ngôi vị độc đáo và duy nhất. Đây là dấu chỉ cho thấy rằng Giáo hội của Đức Ki-tô là một huyền nhiệm đức tin. Những thuộc tính cũng như những hành động đều « thuộc về chủ thể ». Chủ thể này nơi các hữu thể có một linh hồn thiêng liêng là một ngôi vị. Vì thế chúng ta có thể nói được rằng chính ngôi vị của Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chính ngôi vị của Giáo hội đề nghị với chúng ta các chân lý đức tin. Chính ngôi vị của Giáo hội được Đức Ki-tô và Chúa Thánh Thần không ngừng trợ giúp và nâng đỡ[24].

Trong phần chú giải sách Diễm Ca (Cantique des cantiques), J. Maritain trình bày những suy tư của ông về phẩm tính của ngôi vị Giáo hội với tính cách là Hiền Thê của Đức Ki-tô. Theo ông, ngôi vị của Giáo hội chính là Hiền Thê mà sách Diễm Ca đã diễn tả theo hình thức thi ca và ngôn sứ về đời sống yêu đương với Hiền Phu. Ông xác định ý nghĩa mang tính siêu nhiên và hữu thể học của ngôi vị Giáo hội như sau :

Đây là Hiền Thê của Đức Ki-tô, luôn luôn thánh thiện, không vết nhơ, không tỳ ố, luôn luôn thăng tiến trong đức ái trải qua muôn vàn thế hệ mãi đến ngày hoàn thành chung cuộc của tình yêu giữa Hiền Thê và Hiền Phu trong vinh quang vĩnh cửu[25].

Từ những suy tư về ngôi vị của Giáo hội, J. Maritain tiếp tục suy tư về những vấn nạn liên quan : đặc ân bất khả ngộ là đặc ân của Giáo hội được hiểu trong tính duy nhất và phổ quát của Giáo hội ; nhờ Giáo hội, ơn cứu độ trải rộng đến tận những thành viên vô hình của ngôi vị Giáo hội. Ơn cứu độ lan tràn đến những thành viên này tại bất cứ nơi đâu họ hiên hữu, ngay trong lòng các cộng đoàn tôn giáo không phải là Ki-tô giáo (les religions non-chrétiennes)[26]. Phải nói rằng chính khi đào sâu suy tư về khía cạnh mầu nhiệm của ngôi vị Giáo hội, J. Maritain đã đổi mới tư tưởng của ông về sự thánh thiện của Giáo hội và về tội lỗi của các thành viên trong Giáo hội so với quan điểm trước đây của ông :

Dẫu rằng Giáo hội có tội nơi các thành viên, và dẫu Giáo hội có bị lôi kéo vào với tội lỗi, thì điều đó chẳng hề mảy may làm cho chính bản chất Giáo hội trở thành tội lỗi, bởi vì ngôi vị tính của Giáo hội siêu vượt trên ngôi vị tính của tất cả mọi thành viên Giáo hội. Những thành viên này chỉ được mang tính cách ngôi vị của Giáo hội chừng nào họ sống sự sống của ân sủng và đức ái của chính ngôi vị Giáo hội. […] Về ngôi vị của Giáo hội trong tình trạng tại thế, cần phải nói thế này, trong chính bản chất của Giáo hội, giống như Đức Ki-tô khi Ngài sống giữa chúng ta, Giáo hội không biết đến mùi vị của tội lỗi và cũng không trải qua kinh nghiệm tội lỗi ; tuy nhiên khác với Đức Ki-tô khi Ngài sống giữa chúng ta, Giáo hội biết đến mùi vị của tội lỗi và cũng trải qua kinh nghiệm tội lỗi qua và trong một điều gì đó rất riêng đối với Giáo hội, nghĩa là qua và trong các thành viên riêng của Giáo hội[27].

Ngôi vị của giáo hội là thánh thiện trong tất cả những gì là bản chất siêu nhiên của Giáo hội. Tất cả những gì là tội lỗi nơi các thành viên của Giáo hội không làm biến dạng bản chất ngôi vị của Giáo hội, và ngôi vị của Giáo hội hiện diện trong tất cả những gì là thánh thiện nơi các thành viên của mình, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến ân sủng và đức ái[28]. Ta có thể nói rằng những suy tư này của J. Maritain cho chúng ta thấy rõ con đường thanh tẩy mà Giáo hội tại thế phải không ngừng ý thức và thực hiện. Cũng trong chiều hướng này, Hiến chế Lumen gentium nói rằng : Giáo hội « không ngừng theo đuổi nỗ lực sám hối và canh tân của mình[29] ». Theo hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã mang vào mình những tội lỗi không phải là của chính mình, cũng thế ngôi vị của Giáo hội cũng mang vào mình những tội tỗi mà chính mình không mắc phải, nhưng là tội lỗi do các thành viên riêng của Giáo hội mắc phải. Giáo hội « ăn năn đền tội vì các thành viên của mình. Giáo hội kết án chính bản thân mình, trong các thành viên của mình, và vì tình yêu, Giáo hội đồng hóa mình với các thành viên ấy[30] ». Như vậy, trong ngôi vị luôn luôn thánh thiện và tinh tuyền của mình, Giáo hội không ngừng cầu xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm không phải do chính Giáo hội mắc phải, nhưng do các thành viên của mình lỗi phạm.

  1. Ngôi vị của Giáo hội và các thừa tác viên tội lỗi

Trong những phần trên, chúng tôi chỉ trình bày về sự phân biệt giữa Giáo hội và các thành viên của Giáo hội theo nghĩa chung chung và chưa phân biệt giữa sự thánh thiện của Giáo hội với sự tội lỗi của các thừa tác viên được truyền chức cũng như các tín hữu khác. Thực vậy, ta gặp thấy tội lỗi nơi tất cả mọi thành viên của Giáo hội ở tất cả mọi bậc sống, ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên trong Về Giáo hội của Đức Ki-tô, J. Maritain đã dành đến 5 chương để bàn cách đặc biệt về tội lỗi của các thừa tác viên trong Giáo hội. Lý do ý hướng này của J. Maritain là nhằm đề cao tính chất hữu hình của Giáo hội.

Theo cách nhìn này, trước hết cần phải phân biệt giữa ngôi vị của Giáo hội [bản chất thánh thiện và siêu nhiên của Giáo hội] với cộng đoàn hữu hình của vô vàn vô số những người chịu phép rửa, những người không sống cách sung mãn ân sủng và đức ái. Đối với J. Maritain, qua những người chịu phép rửa tội nói chung, ngôi vị của Giáo hội chỉ hữu hình một cách lẫn lộn và mờ ảo, nên ta không thể biết được những tính chất chính xác của ngôi vị ấy. Sự hiện diện mà Đức Ki-tô đã hứa, sự bảo đảm của đức tin ngay thẳng, những chứng tá của đức ái…, tất cả những điều ấy ta có thể dễ dàng nhận thấy được và liên quan đến ngôi vị của Giáo hội, nhưng ta không thể biện phân được những giới hạn đích xác, giống như hạt giống tốt và cỏ lùng cùng tồn tại nơi những người Ki-tô hữu. Trái lại ngôi vị của Giáo hội được thể hiện cách rõ ràng và phân biệt trong một số những điều rất bảo đảm : lãnh vực bí tích, đời sống cầu nguyện của Giáo hội, các thánh, huấn quyền đặc biệt và huấn quyền thông thường. Tất cả những điều này là những chứng thực bảo đảm và phân biệt về ngôi vị của Giáo hội.

Chính cách phân biệt này đưa J. Maritain đến một sự phân biệt khác, đó là sự phân biệt giữa ngôi vị của Giáo hội với những người đã lãnh nhận chức linh mục thừa tác để trở thành những người phục vụ của Giáo hội, và từ sự kiện này, tất nhiên họ được ủy thác quyền bính để phục vụ dân Ki-tô giáo[31]. Nếu xét theo cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, thì người ta thường nhìn Giáo hội qua những người đại diện, những linh mục thừa tác của Giáo hội. Bởi vì tính cách hữu hình của Giáo hội một phần nào đó thể hiện qua tính cách hữu hình của cơ cấu phẩm trật Giáo hội.

Giữa lòng cộng đồng dân Thiên Chúa, nếu sứ vụ của các thừa tác viên tách biệt họ với những anh chị em tín hữu không chịu thánh chức, thì các thừa tác viên này vẫn là những con người như tất thảy mọi người, luôn có nguy cơ mắc sai lầm và tội lỗi. Chính từ đây, ta nhận ra một phần nào những nguyên nhân của những thứ tội lỗi diễn ra trong Giáo hội : yên lặng, thoái thác, vô trách nhiệm, mù lòa, quyền lực và danh vọng cũng như tất cả mọi hành vi tội lỗi qua những đối tượng của các hành vi này. J. Maritian rất kính trọng các đấng bậc trong phẩm trật của Hội thánh, vì thế khi thực hiện sự phân biệt này, J. Maritain không có ý lên án hay kết tội một phần hữu hình nhất của Hội thánh, nhưng là nhằm giúp ta có một cái nhìn đức tin về những người, nếu xét trên nguyên tắc, là những người phục vụ sự thánh thiện của Hội thánh.

Những lỗi lầm mà các thừa tác viên trong Giáo hội mắc phải chắc chắn để lại những ảnh hưởng và hậu quả đối với đoàn chiên được trao phó cho họ. Tuy nhiên, ở đây chúng ta vẫn cần phải thêm một số những phân biệt ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề. Vì một số những lầm lỗi thiếu sót chỉ liên quan đến luân lý cá nhân của riêng thừa tác viên thực hiện những lỗi phạm ấy, trong khi một số những lầm lỗi hay tội lỗi lại liên quan trực tiếp đến việc hành xử quyền bính trong Giáo hội. Những lầm lỗi và tội lụy thuộc dạng thứ nhất liên quan đến thân phận hữu hạn và khốn khổ của con người nói chung, còn những tội lỗi và nhầm lẫn thuộc dạng thứ hai phức tạp hơn nhiều vì liên hệ đến hoạt động của chính Giáo hội, chứ không phải hành động của riêng cá nhân thừa tác. J. Maritain chiêm nghiệm đặc biệt những tội lỗi và thiếu sót thuộc dạng thứ hai này :

Có một vấn nạn được đặt ra đó là : ngang qua cá nhân của một vị thừa tác viên có thể bị nhầm lẫn trong việc hành xử quyền bính mà vị đó đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, […] chúng ta có thể […] được đặt đối diện với chính ngôi vị của Giáo hội, thấy chính ngôi vị của Giáo hội hành động, và đón nhận từ chính ngôi vị ấy các chân lý mặc khải của Thiên Chúa mà vị thừa tác viên ấy có bổn phận phải đề nghị và trình bày với chúng ta[32].

Một vấn nạn hóc búa J. Maritain mong muốn giải đáp trong chừng mực có thể đó là : làm sao có thể chấp nhận được rằng ngôi vị của Giáo hội có thể được diễn tả và biểu hiện thông qua chính các thừa tác viên, nghĩa là những cá nhân có thể dễ dàng mắc phải những sai lầm và tội lỗi trong chính việc thực thi sự biểu hiện này ? Phải nói rằng J. Maritain suy tư về vấn nạn này trong rất nhiều năm trời, bởi lẽ ông muốn có một sự hiểu biết sâu sắc và chính xác hơn về huyền nhiệm Giáo hội[33].

Maritain phải nhờ đến sự phân biệt cổ điển của triết học và thần học Kinh viện để minh giải vấn nạn này, đó là sự phân biệt giữa nguyên nhân riêng [causalité propre] và nguyên nhân dụng cụ [causalité instrumentale]. Điều này có nghĩa là : thừa tác viên của Giáo hội có thể hành động, hoặc là với tư cách nguyên nhân riêng của những hành vi của mình, hoặc là với tư cách nguyên nhân dụng cụ. Trong trường hợp thứ nhất, vị thừa tác viên không phân biệt với các tín hữu khác : vị thừa tác viên này cũng có thể dễ dàng bị mắc sai lầm. Trong trường hợp thứ hai, vị thừa tác viên hành động với tư cách nguyên nhân đệ nhị, nguyên nhân dụng cụ , còn nguyên nhân đệ nhất là chính Thiên Chúa :

Sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là một sự tác động của Thiên Chúa được thực hiện thông qua vị thừa tác viên nhằm tạo ra những hệ quả siêu việt ; khi đó, vị thừa tác viên hành động hay nói năng, nhưng chính là Chúa Thánh Thần hành động qua vị thừa tác viên ấy, và vị thừa tác viên ấy nói năng dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần[34].

Trong vấn đề chúng ta đang bàn đến ở đây, J. Maritain nhắm đặc biệt đến trật tự bí tích và lãnh vực quyền giáo huấn của Giáo hội, vì trong hai lãnh vực này ngôi vị của Giáo hội được biểu hiện cách phân biệt rõ ràng. J. Maritain cũng ghi nhận rằng, đối với thừa tác viên, không thiếu những trường hợp ở trong đó :

vẫn luôn có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và cũng không phải lỗi lầm từ phía thừa tác viên, nhưng do những giới hạn của bản tính tự nhiên của con người và những giới hạn về sự phát triển của lịch sử cũng như tất cả mọi hình thức trở ngại ngăn cản thừa tác viên có một sự nhận thức đúng đắn về một chân lý đặc thù nào đó mà đáng lý ra vị thừa tác viên ấy phải thấy được để không bị nhầm lẫn, hay đưa ra một phán đoán đúng đắn trong những hoàn cảnh nhất định nào đó[35].

Chúng ta nhận thấy rằng những điều vừa nói trên đây liên quan cách đặc biệt đến sự khôn ngoan cẩn trọng trong lãnh vực quản trị cũng như trong những hành vi mang tính tài phán. Phải nói rằng, học thuyết về thừa tác viên xét như nguyên nhân dụng cụ trong mối tương quan với nguyên nhân đệ nhất và thần linh chẳng có gì là hoàn toàn mới mẻ, ngay cả khi mà J. Maritain trình bày học thuyết này cách rõ ràng hiếm thấy. Tuy nhiên đóng góp độc đáo nhất của J. Maritain là ông đã làm cho nguyên nhân dụng cụ này gắn liền với Giáo hội và đồng thời tạo ra một mối tương quan sống động giữa nguyên nhân dụng cụ của thừa tác viên với chính Giáo hội.

Thực vậy, cho mãi đến tận trước Công đồng Va-ti-ca-nô II, do ảnh hưởng của những tư tưởng thần học từ Công đồng Tren-tô, nên người ta thường chỉ nhìn thừa tác viên trong tương quan với Thiên Chúa, nguyên nhân đệ nhất. J. Maritain đã vượt ra khỏi cách giải thích này, vì ông đã rút ra những bài học từ Giáo hội học của Công đồng Va-ti-ca-nô II, và ông đã thêm vào đó mối tương quan giữa thừa tác viên với Giáo hội. Vì vậy ông quả quyết rằng : « Giáo hội có thể dùng một trong các thành viên của mình làm nguyên nhân dụng cụ, để một cách nào đó qua thành viên này chính Giáo hội lên tiếng hay hành động, tôi tin đây là một tư tưởng mới, và như vậy cần phải được giải thích và biện minh[36] ».Thực vậy chính trong sự năng động của ngôi vị Giáo hội [ la personne Église], chúng ta có thể có một cái nhìn kép về một thành viên hay đặc biệt hơn về một trong các thừa tác viên của Giáo hội :

Mỗi người là một « thành viên đơn thuần xét về mặt số lượng » của Giáo hội, nghĩa là người ấy là một thực thể duy nhất trong đông đảo vô vàn các thành viên cấu thành Giáo hội, theo cách thế mỗi một cá vị là một thực thể duy nhất trong đông đảo các công dân của một đất nước. Khi đó người ấy hành động trong tư cách là nguyên nhân riêng của mình. Tuy nhiên mỗi người cũng là một « thành viên theo chức năng » của ngôi vị Giáo hội khi Giáo hội dùng người ấy theo cách thế là tôi, với tư cách một ngôi vị cá thể, tôi sử dụng một trong các chi thể của tôi hay một trong các cơ quan của tôi để thực hiện những điều tôi có ý hướng thực hiện […] Khi Thủ Lãnh của toàn thể Giáo hội trên trời và dưới thế, Đức Giê-su, muốn sử dụng một ai đó với tư cách là một thành viên chức năng hay một dụng cụ liên kết của ngôi vị Giáo hội, thì đây là hành động của chính ngôi vị Giáo hội được thực hiện qua nguyên nhân dụng cụ là chính thừa tác viên chức năng này. […] Trong trường hợp tương tự, thừa tác viên chức năng ấy không thể sai lầm, đó là sự bất khả ngộ của Giáo hội trên trời cũng như dưới đất, sự bất khả ngộ của chính ngôi vị Giáo hội được thể hiện qua người ấy[37].

Chúng ta nhận thấy rằng sự phân biệt này rất quan trọng, chính vì lẽ đó J. Maritain đã cẩn trọng xác định rõ :

Bởi vì chỉ khi nào một thừa tác viên nào đó hành động và lên tiếng với tư cách là nguyên nhân dụng cụ được Giáo hội sử dụng, thì khi đó chính Giáo hội hành động hay lên tiếng qua thừa tác viên ấy, hay nói cách khác chỉ khi đó chúng ta được đặt trước chính ngôi vị của Giáo hội, chẳng hạn khi Đức giáo hoàng dùng quyền tối thượng [ex cathedra] để giáo huấn[38].

Những suy tư thần học này của J. Maritain là rất hữu ích vì chúng cho phép ta có thể phân biệt trong hành động của một thừa tác viên những gì là liên quan đến hành động của chính ngôi vị Giáo hội – như thế trong trường hợp này thừa tác viên là dụng cụ – và những gì liên quan đến hành động mang tính cá nhân của thừa tác viên ấy, và như thế có thể bị mắc sai lầm như tất cả mọi tín hữu khác. Theo J. Maritain, trong lãnh vực bí tích, thừa tác viên chức thánh là nguyên nhân dụng cụ của ân sủng trong bàn tay Thiên Chúa, Đấng là tác nhân chính yếu và đệ nhất – nói theo ngôn ngữ của thánh Tô-ma d’Aquin – nhưng đồng thời cũng trong bàn tay của ngôi vị Giáo hội.

Như thế đối với thừa tác viên, Giáo hội là tác nhân đệ nhị chính yếu. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn công thức truyền thống nói về thừa tác viên, trong hành vi bí tích : thừa tác viên hành động trong ngôi vị của Giáo hội toàn thể [in persona totius Ecclesiae][39]. Theo học thuyết truyền thống, hành vi của thừa tác viên có hiệu lực, khi mà thừa tác viên đó có ý hướng làm những điều Giáo hội muốn làm, cho dù hoàn cảnh chủ quan của vị thừa tác viên đó như thế nào, điều đó giả thiết rằng « ý hướng của Giáo hội thực sự hiện hữu trong hành vi của thừa tác viên, và thực sự tác động. Đó chính là ý hướng của ngôi vị Giáo hội, qua vị linh mục với tư cách là nguyên nhân dụng cụ, năng động hóa và làm cho hành vi của vị thừa tác viên có hiệu lực[40] ».

Thực vậy trong vấn đề đang được bàn đến ở đây, chúng ta có thể nhận ra rằng J. Maritain chỉ rút ra những hệ quả từ nền thần học về ngôi vị của Giáo hội có nguồn gốc từ thánh Augustinô, và J. Maritain đã khéo léo áp dụng nền thần học này vào hành vi bí tích của thừa tác viên của và trong Giáo hội. J. Maritain đã tóm tắt những suy tư của ông về các vấn đề cốt lõi trong lãnh vực bí tích như sau :

Trong lãnh vực bí tích chúng ta cần phải cứu xét ba ngôi vị [ trois personnes] : Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã dùng nhân loại tính của Đức Ki-tô, dụng cụ liên kết với thần tính của Ngài, Đấng là Tác nhân chính, tối thượng và tuyệt đối đệ nhất. Ngôi vị thánh thiện và không hề khiếm khuyết của Giáo hội, Lễ vật của phụng tự và của hy lễ dưới trần gian này, Hiện thực hóa của các bí tích. Ngôi vị Giáo hội vừa là tác nhân chính đệ nhị [agent principal second] và, theo nghĩa rộng của hạn từ, tác nhân dụng cụ của Thiên Chúa. Thừa tác viên của bí tích, theo nghĩa chặt, là tác nhân dụng cụ mà ngôi vị Giáo hội sử dụng theo nghĩa thừa tác viên này là một chủ thể nhân linh qua vị thừa tác viên này Giáo hội hành động, và là tác nhân dụng cụ mà Thiên Chúa dùng khi thông ban hiệu lực cho những lời lẽ mà vị thừa tác viên đó phát biểu, cũng như cho những hành vi vị thừa tác viên đó thực hiện[41].

Nếu trong lãnh vực bí tích, vị thừa tác viên của Giáo hội hành động với tư cách nguyên nhân dụng cụ của Thiên Chúa và của ngôi vị Giáo hội, thì trái lại, lãnh vực thực hiện quyền tái phán và giáo huấn lại dành một vị trí rất rộng lớn cho nguyên nhân tính riêng của vị thừa tác viên, tuy nhiên nguyên nhân tính riêng này không tách rời với chức năng dụng cụ của vị thừa tác viên. Chúng ta thấy điều này được thể hiện cách đặc biệt nơi các vị tiến sĩ trong Giáo hội : thậm chí ngay cả những vị tiến sĩ lớn nhất trong Giáo hội cũng có thể bị nhầm lẫn, và ý thức của các ngài cũng có thể bị u tối vì những điều kiện lịch sử và văn hóa nhất định. Đối với các vị tiến sĩ của Giáo hội, J. Maritain ghi nhận rằng nơi các ngài : « nguyên nhân dụng cụ “ causalité instrumentale ” [ và như vậy không thể lầm lạc ] và nguyên nhân riêng “ causalité propre ” [ và như vậy có thể bị lầm lạc ] thường được hòa trộn với nhau[42] ».

Trong trường hợp huấn quyền thông thường, nguyên nhân riêng « hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân dụng cụ », và trong trường hợp huấn quyền đặc biệt, khi Đức giáo hoàng dùng quyền tối thượng [ ex cathedra ] để giáo huấn, hay các giám mục hội họp trong Công đồng hành động « dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần ; các giám mục hành động với tư cách là những tác nhân dụng cụ của ngôi vị Giáo hội được hiểu theo nghĩa toàn thể […] Như vậy, các ngài [ Đức giáo hoàng hay các giám mục trong trường hợp đang được nói đến ở đây ] là tiếng nói của chính ngôi vị Giáo hội được hiểu theo nghĩa toàn thể ngỏ lời với con người, và sự bất khả ngộ của giáo hội được truyền thông cho các ngài[43] ».

Khác với các Thánh Tông đồ thời Giáo hội khai sinh, các ngài hành động trong tư cách là những dụng cụ của một mình Đức Ki-tô, cơ cấu và phẩm trật của Giáo hội được vận hành theo một nguyên nhân dụng cụ hoàn toàn hòa lẫn với nguyên nhân riêng của từng vị trong số các Thánh Tông đồ thời ấy. Trong khi đó, đối với Đức giáo hoàng và các giám mục của Giáo hội thời nay, ta không thể nói được rằng chính ngôi vị của Giáo hội hành động trong từng vị qua tất cả mọi hành vi của ngài. Giáo hội chỉ có thể dùng những hành vi này trong một số trường hợp được xác định rõ ràng, ngoài những trường hợp được xác định cụ thể này, một số các hành vi khác của các ngài cũng có thể bị sai lầm : « Ngôi vị của chính Giáo hội không tham gia với bất cứ danh nghĩa nào, thậm chí là với danh nghĩa chỉ định, vào những điều mà một vị thừa tác viên của của ngôi vị Giáo hội có thể nói hay có thể làm, nếu không phải trong mức độ mà vị ấy là tác nhân dụng cụ của chính Giáo hội[44] ». J. Maritain tóm tắt lập trường của mình như sau :

Giáo hội, – duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, – Giáo hội phổ quát được hiểu trong tính toàn thể của mình, như chúng ta đã thấy điều đó, là duy nhất và cùng một ngôi vị được thể hiện dưới nhiều tình trạng khác nhau, – lữ hành dưới trần gian và vinh phúc trên thiên quốc. Duy chỉ một đằng là trong toàn thể lãnh vực bí tích [ trong lãnh vực bí tích, linh mục hành động dưới sự tác động trực tiếp của Thiên Chúa toàn năng, và đồng thời dưới một tương quan khác, với tư cách là dụng cụ của chính ngôi vị Giáo hội], và đàng khác là khi [ từ sự kiện là vị đại diện tối cao của Giáo hội giảng dạy, với sự trợ giúp bất khả ngộ của Chúa Thánh Thần, trong tư cách là tác nhân dụng cụ của ngôi vị Giáo hội ], thì huấn quyền của Giáo hội mới được thể hiện với một thế giá tuyệt đối và theo một cách thế bất khả thay đổi. Nói một cách khác, khi chỉ một mình Đức giáo hoàng « giảng dạy [ huấn quyền long trọng, không dành cho các thánh bộ Rô-ma ] », hay « liên kết với các giám mục quy tụ tại Công đồng chung [ huấn quyền long trọng ], hay « liên kết với các giám mục tản mác khắp thế giới [ huấn quyền thông thường ]. Chỉ trong những hoạt động này, thì ngôi vị của chính Giáo hội mới thể hiện một cách xác định và hoàn toàn rõ ràng trước mắt chúng ta. Chính Giáo hội này, – dẫu rằng dưới trần thế được cấu thành từ những thành viên tội lỗi cũng như từ các thừa tác viên lãnh nhận từ chính Giáo hội quyền bính, nhưng có thể sai lầm khi họ chỉ hành động với danh nghĩa là nguyên nhân riêng hành động của họ, – có những đặc tính bất khả chuyển nhượng : ơn vô ngộ và sự thánh thiện[45].

Những suy tư này của J. Maritain có thể biện minh cho câu nói được gán cho Jeanne d’Arc : « Những người của Giáo hội sẽ không bao giờ là chính Giáo hội[46] ». Đồng thời những suy tư này cũng giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta thường có thói quen gán cho Giáo hội những điều vốn chỉ thuộc về những thừa tác viên của Giáo hội vì khi đó họ hành động với tư cách là nguyên nhân riêng của hành động của họ. Chúng ta chỉ có thể gán cho Giáo hội với tư cách là một ngôi vị, Giáo hội duy nhất của Đức Ki-tô, những điều mà vị thừa tác viên của Giáo hội hành động với tư cách là nguyên nhân dụng cụ của chính ngôi vị Giáo hội.

KẾT LUẬN : Những suy tư thần học này của J. Maritain giúp chúng ta phân biệt rõ ràng giữa những điều liên quan đến chính ngôi vị của Giáo hội và những điều chỉ thuộc về các thừa tác viên hay những vị đại diện Giáo hội khi họ hành động với tư cách là nguyên nhân riêng của hành động của họ, như thế chúng ta không thể lẫn lộn giữa Giáo hội với các thừa tác viên của Giáo hội. Bởi lẽ nếu chúng ta không phân biệt cẩn trọng, thì tất cả mọi hình thức lỗi lầm và đặc biệt là các lỗi lầm trong việc quản trị của các thừa tác viên đại diện Giáo hội đều được gán cho chính Giáo hội « tội lỗi của Giáo hội ». Sự lẫn lộn này tất yếu sẽ dẫn đến việc làm lu mờ khẳng định về sự thánh thiện bất khả chuyển nhượng của Giáo hội cũng như về chính mầu nhiệm Giáo hội. Trái lại, một sự nhận thức đúng đắn về những gì liên quan đến tội lỗi của các thành viên, đặc biệt là các thừa tác viên được truyền chức, mời gọi chính ngôi vị Giáo hội khẩn cầu Thiên Chúa thứ tha lầm lỗi của họ. Theo J. Maritain tất cả những điều đó phải đưa chúng ta đến việc « chỉnh sửa, cách đúng đắn nhất có thể, ngôn ngữ, và đặc biệt là vấn đề tư tưởng[47] ».

Viết tại Nhà thánh Đa-minh – Fanjeaux tháng 07 năm 2012

 

[1] Xc. Raïssa MARITAIN, Les grands amitiés, dans Oeuvres complètes, vol. XIV, Fribourg-Paris, 1993, p. 778-780.

[2] Carnet de notes là cuốn nhật ký ghi lại những sự kiện lớn diễn ra trong cuộc đời vợ chồng Jacques và Raïssa Maritain, đặc biệt là những buổi hội thảo của các nhóm nghiên cứu học thuyết thánh Thomas A-qui-nô, các cuộc gặp gỡ trao đổi với các nhà thần học, các triết gia, các nhà trí thức, các văn nghệ sĩ, họa sỹ…Qua cuốn nhật ký này, ta thấy cuộc đời trí thức của J. Maritain thật sâu sắc và vô cùng phong phú.

[3] Jacques MARITAIN, Carnet de notes, dans Oeuvres complètes, vol. XII, Fribourg-Paris, 1992, p. 159-160.

[4] Raïssa MARITAIN, Les grands amitiés, op., cit, p. 781 : « Chúng tôi lãnh phép Rửa lúc 11 giờ sáng ngày 11 tháng 06 năm 1906 […] Một sự bình an vô bờ ngự xuống trên chúng tôi, cùng với sự bình an đó là những kho tàng của Đức tin. Không còn nữa những vấn nạn, cũng chẳng còn những âu lo và những thử thách nữa, nhưng chỉ có sự đáp trả vô biên của Thiên Chúa. Giáo hội luôn giữ lời hứa của mình. Và chúng tôi yêu mến Giáo hội trước hết. Bởi vì chính nhờ Giáo hội chúng tôi biết được Đức Ki-tô ».

[5] Jacques MARITAIN, Carnet de notes, dans Oeuvres complètes, vol. XII, Fribourg-Paris, 1992, p. 160 : « Bí tích rửa tội đã ngay lập tức quét sạch khỏi tâm trí chúng tôi những ghi nhận tiêu cực trước đây ; tôi đã hiểu được rằng hình ảnh mà trong những năm tháng chưa tin tôi đã thêu dệt về các tín hữu Ki-tô thực sự là một điều hoang đường. Bởi vì chính họ, ít nhất trong một mức độ nào đó, là những người biết được mình thuộc về tinh thần nào, và họ đã cho thấy lòng trung thành với tinh thần ấy ».

[6] Jacques MARITAIN, Religion et culture, dans Oeuvres complètes, vol. IV, Fribourg-Paris, 1983, pp. 224-225.

[7] J. Maritain và C. Journet có một tình bạn tuyệt đẹp vừa bền chặt vừa thâm sâu, tư tưởng của hai người soi sáng, gợi mở và làm phong phú lẫn nhau. Để hiểu về mối tương quan giữa J. Maritain và C. Journet trong những vấn đề liên quan đến Giáo hội, xc. René MOUGEL, « La correspondance Maritain-Journet : Un renouveau libérateur de la théologie de l’Église », Cahiers Jacques Maritain, n°31 (déc. 1995), pp. 3-22.

[8] Charles JOURNET, « Du problème de la sainteté de l’Église au problème de la nature de l’Église », Nova et Vetera 1(1934), pp. 25-35, sau này được lấy lại trong : L‘Église du Verbe Incarné, Essai de théologie spéculative, vol. 5. Compléments et inédits, Œuvres complètes, 5, Saint-Augustin, 2005, pp. 150-160.

[9] Xc. Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen gentium, số 12 và số 39.

[10] Xc. Ibid., số 8 và số 48.

[11] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, La personne de l’Église et son personnel, dans Oeuvres complètes, vol. XIII, Fribourg-Paris, 1992, pp. 9-411. Để hiểu biết hơn về công trình này, xc. Jean-Miguel GARRIGUES, « De l’Église du Christ : le dernier livre de Jacques Maritain », Cahiers Jacques Maritain, n°41 [déc. 2000], pp. 56-61.

[12] Trong tác phẩm này của J. Maritain, kiểu nói « la personne de l’Église » : ngôi vị của Giáo hội, nhằm biểu thị chính huyền nhiệm Giáo hội, biểu thị tính cách toàn thể mang tính siêu nhiên của Giáo hội, Giáo hội là Nhiệm Thể của Đức Ki-tô, còn kiểu nói « son personnel » nhằm nói đến các cá nhân, những người đại diện hay thừa tác viên chịu trức thánh trong Giáo hội. Vì lý do này, đôi khi, ta không thể đồng hóa cá nhân của những người đại diện Giáo hội với chính mầu nhiệm Giáo hội trong tính toàn thể và siêu nhiên của Giáo hội.

[13] Để hiểu biết rõ hơn về sự thánh thiện của Giáo hội trong tư tưởng của J. Maritain, xc. Charles JOURNET, « La sainteté de l’Église : Le livre de Jacques Maritain », Nova et Vetera 46(1971/1), pp. 1-33.

[14] Xc. Charles JOURNET, L‘Église du Verbe Incarné, Essai de théologie spéculative, vol. 5. Compléments et inédits, Œuvres complètes, 5, Saint-Augustin, 2005, chương II.

[15] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 30.

[16] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 34.

[17] Ibid., p. 34. J. Maritain lấy những tội lỗi và sai lầm của giáo hoàng Alexandre VI trong đời sống tình cảm riêng tư và trong việc quản trị Giáo hội [ làm giáo hoàng từ năm 1492-1503 ] làm thí dụ minh họa : « Những tội lỗi của Alexandre VI chỉ can hệ đến chính bản thân cá nhân ông ta mà thôi, vì những tội lỗi ấy phát xuất từ chính cá nhân ông ta ; những tội lỗi ấy không có bất cứ một mối tương quan nào đối với chính ngôi vị của Giáo hội ».

[18] Ibid., p. 78.

[19] Ibid., p. 78.

[20] Ibid., p. 79.

[21] Xc. Humbert CLÉRISSAC, Le mystère de l’Église, 1918, đặc biệt là chương III : « La personnalité de l’Église ».

[22] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 41.

[23]Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 44. Và tại p. 46, J. Maritain giải thích thêm rằng : « Qua hình ảnh này, sự đông đảo vô ngần vô số các thành viên của Giáo hội sống sự sống của Giáo hội mặc một hình hài mang tính cá vị, để một cách nào đó nhờ tính cách cá vị [individualité] của hình ảnh Đức Ki-tô, Giáo hội có thể đón nhận một sự tồn hữu riêng của mình như thể Giáo hội là một cá vị. Tính cách cá vị của hình ảnh Đức Ki-tô mà Giáo hội đảm nhận là mang tính loại suy với tính cách cá vị của một bản tính tồn hữu riêng mà mỗi người chúng ta đều thủ đắc ».

[24] Ibid., p. 47.

[25] Jacques MARITAIN, Le Cantique des cantiques, dans Approches sans entraves, dans Oeuvres complètes, vol. XIII, Fribourg-Paris, 1992, pp. 1165-1166.

[26] Để hiểu biết thêm về vấn đề này trong tư tưởng của J. Maritain, xc. François DAGUET, « Présence du Christ aux non-chrétiens : Jacques Maritain, héritier de Thomas d’Aquin et de Charles de Foucauld », Revue thomiste 106(2006), pp. 206-241.

[27] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., pp. 80-81.

[28] J. Maritain thường xuyên trở lại với suy tư này. Xc. Ibid, p. 233 :« Dòng nước phân chia chảy ngang qua trái tim của mỗi người, những dòng nước tinh khiết liên quan đến sự thánh thiện của Giáo hội, chính ân sủng hoạt động trong chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những người tham dự vào sự thánh thiện này ; những dòng nước nhơ bẩn liên quan đến những sự yếu hèn và những lầm đường lạc lối của chúng ta. Trong chính mức độ mà tôi nhân nhượng và chiều theo tội lỗi, thì chính tôi không còn thuộc về ngôi vị của Giáo hội nữa ».

[29] Công đồng Va-ti-ca-nô II, Lumen gentium, n°8.

[30] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 82.

[31] Xc. Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., pp. 236-237.

[32] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 238.

[33] Các thư từ trao đổi và tranh luận qua lại giữa J. Maritain và bạn thân Charles Journet trong các thư 1824-1828 cho chúng ta thấy rõ những suy tư và chất vấn về vấn nạn hóc búa này. Xc. JOURNET –MARITAIN, Correspondance, Vol. VI, Éditions Saint-Augustin, 2008, pp. 624-630. Xc. Jacques MARITAIN, Le Paysan de la Garonne, dans Oeuvres complètes, vol. XII, Fribourg-Paris, 1992, pp. 910-920.

[34] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 240.

[35] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., pp. 239-240.

[36] Ibid., p. 240.

[37] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., pp. 241-242.

[38] Ibid., p. 240.

[39] Để hiểu rõ hơn về những quan điểm thần học liên quan đến vấn đề này, xc. François DAGUET, Théologie du dessein divin chez Thomas d’Aquin, Finis omnium Ecclesia, Paris, Vrin, 2003, pp. 419-427.

[40] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 244.

[41] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 245, n. 21. Chúng tôi nhận thấy rằng, trong nghiên cứu này, J. Maritain luôn luôn ý thức rõ rằng ngôi vị duy nhất của Giáo hội hiện hữu trong hai tình trạng : tình trạng của Giáo hội trần thế và tình trạng của Giáo hội vinh quang. Giáo hội thiên quốc cũng tham dự vào việc cử hành bí tích, trung tâm điểm của hoạt động của Giáo hội [ Ibid. P. 246] : « Bởi vì Giáo hội có cùng một ngôi vị trên thiên quốc cũng như dưới trần thế này. Ta có thể nói rằng qua Giáo hội trần thế và vai trò dụng cụ của vị linh mục, Giáo hội thiên quốc cũng hiến dâng hy lễ này, “ được tiến dâng trên bàn thờ của Thiên Chúa toàn năng qua đôi tay thánh Thiên thần của Người ”, per manus sancti Angeli tui. Bởi vì, trước hết chính Đức Ki-tô hiến tế hy lễ này qua dụng cụ tính của vị linh mục và qua dụng cụ tính của giáo hội ».

[42] Ibid., p. 246.

[43] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., p. 248.

[44] Ibid., p. 253. J. Maritain cẩn thận xác định rằng nếu chính ngôi vị Giáo hội cử hành bí tích truyền chức cho các thành viên đại diện cho ngôi vị Giáo hội, thì chính ngôi vị Giáo hội lại không tuyển chọn hay chỉ định các thành viên này. Sự tuyển chọn này được tiến hành do chính các thành viên khác đại diện cho ngôi vị Giáo hội, chứ không phải chính ngôi vị Giáo hội. Ngoại trừ trường hợp Đức giáo hoàng, việc tuyển chọn ngài « bao hàm một sự đón nhận hay một sự chuẩn nhận nào đó từ phía chính ngôi vị của Giáo hội ». [ Ibid., p. 253. N. 30].

[45] Jacques MARITAIN, De l’Église du Christ, op. cit., pp. 400-401.

[46] Ibid., p. 397.

[47] Ibib., p. 403.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here