Giáo Hội Hiệp Thông

0
5236

Phan Tấn Thành

Mục I. Khái niệm về hiệp thông

I. Ý nghĩa của communio trải qua lịch sử

A. Kinh thánh

B. Truyền thống thần học

C. Công đồng Vaticanô II

D. Sau công đồng

E. Kết luận: Những chiều kích của sự hiệp thông

II. Những yếu tố hiệp thông của Giáo hội

A. Những điều kiện gia nhập Giáo hội

B. Những yếu tố cấu thành hiệp thông Giáo hội: 1/ Lời Chúa. 2/ Các bí tích

Mục II. Hiệp thông Giáo hội. Giáo hội địa phương

I. Hội thánh địa phương dưới khía cạnh thần học

A. Kinh thánh

B. Lịch sử

C. Công đồng Vaticanô II

D. Thần học

—————

Trong tiếng Việt, có lẽ từ “hiệp thông” mới trở thành thông dụng khoảng chừng ba-bốn chục năm gần đây. Hiệp thông được dùng để dịch từ communio tiếng Latinh; nhưng danh từ này còn được dịch bằng nhiều từ khác nữa: “thông hiệp” (trong phụng vụ, lời chào đầu lễ vẫn dùng từ “ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần), “thông hảo” (trong các thư chung của các giám mục), và xưa hơn nữa “thông công” (các thánh thông công); đối lại là “tuyệt thông” (dứt phép thông công). Ngoài ra, còn một từ ngữ rất quen thuộc được sử dụng hầu như mỗi ngày là “rước lễ” (hoặc: “hiệp lễ”) áp dụng cho việc rước Mình Thánh Chúa.

“Hiệp thông” là gì? Trong tiếng Việt, đôi khi nó được hiểu như là “hiệp ý cầu nguyện”, hoặc “chia sẻ, cảm thông”. Nó có tương ứng với “communio” không? Xin thưa rằng danh từ này cũng hàm hồ không kém, bởi vì có thể được giải thích theo nhiều chiều hướng. Vì thế chúng ta hãy nhìn lại lịch sử của khái niệm này trong Kinh thánh, rồi trong truyền thống Giáo hội, sau cùng là ý nghĩa được dùng trong Giáo hội học kể từ Vaticanô II[1]. Sau đó, chúng ta sẽ tổng hợp qua những đặc điểm của khái niệm hiệp thông.

I. Ý nghĩa của communio trải qua lịch sử

A. Kinh thánh

Theo tầm nguyên, “communio” tiếng Latinh gồm bởi cum (với) và unio (hợp nhất), nhưng có người lại cho rằng nó gồm bởi cum (với) và munus (nhiệm vụ); hoặc là cum moenus (phòng thủ, pháo đài); cả hai nguyên gốc này nói lên sự liên đới, đồng trách nhiệm. Chúng ta cũng thấy những từ cùng họ hàng với nó là communis, communitas, communicatio.

Dù sao, điều đáng lưu ý là từ communio đã được dùng dịch tử koinonia tiếng Hy-lạp. Đây là một danh từ trừu tượng, gốc bởi koinos có nghĩa là “chung” (đối lại với idios: riêng tư, đặc thù). Động từ koinonein có nghĩa là tham gia, dự phần.

Trong tiếng Hip-ri của Cựu ước, tương đương với koinonia haburah dùng để gọi cộng đoàn các tín hữu theo hàng ngang, nhưng không áp dụng để nói đến tương quan của con người với Thiên Chúa, bởi vì con người chỉ là tôi tớ của Ngài, hoàn toàn suy phục Ngài. Điều mới mẻ của Tân ước là dám sử dụng cho mối tương quan với Thiên Chúa, bởi vì con người được chia sẻ bản tính của Thiên Chúa (theias koinonoi physeos: 2 Pr 1,4).

Trong Tân ước, danh từ này xuất hiện 19 lần với ý nghĩa thay đổi tùy theo bối cảnh khác nhau.

1/ Chia sẻ của cải (2Cr 8,4; 9,13: nhân cuộc lạc quyên của thánh Phaolô cho các tín hữu nghèo ở Giêrusalem).

 2/ Chia sẻ cuộc sống với Đức Kitô (1Cr 1,9)[2] và với những đau khổ của Người (Pl 3,10)[3].

3/ Liên đới với các tông đồ trong công cuộc loan báo Tin mừng (Pl 1,5)[4].

4/ Hiệp thông bí tích Thánh Thể (1Cr 10,16)[5].

5/ Hiệp thông trong Thánh Linh (2 Cr 13,13)[6]

6/ Hiệp thông huynh đệ được mô tả trong Cv 2,42: “Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy (didaskalia), luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Đây là đoạn văn tiêu biểu nói đến sự hiệp thông trong Giáo hội, được thành hình nhờ ba yếu tố: a) đức tin; b) đời sống chung và các bí tích; c) hiệp thông với những người đã cảm nghiệm Đức Giêsu Kitô.

Như vậy, khái niệm koinonia có một nội dung rất phong phú. Dựa trên sự phân tích của Heinrich Seeseman[7], cha Jérôme Hamer O.P. cho thấy danh từ này bao hàm ba ý tưởng sau đây:

a) đóng góp, góp phần (Mittelsamkeit: contributing), trong bối cảnh của cuộc lạc quyên, chẳng hạn 2Cr 9,13; Rm 15,26.

b) tham gia, thông phần vào, chia sẻ (anteilhaben: participating), chẳng hạn 1Cr 10,16; Pl 3,10.

c) cộng đoàn (Gemeinshaft: community), một nhóm người cùng ý hợp tâm đồng với nhau, giả thiết sự liên đới và chia sẻ: Gl 2,9-10; Cv 2,41-42; 1Ga 1,3.6-7.

Nhìn dưới khía cạnh đối tượng tham gia, chúng ta nhận thấy ba điểm quy chiếu: về Đức Kitô, về Thánh Linh, về Hội thánh:

– quy chiếu về Đức Kitô: hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta được kêu gọi trở thành anh em là Con của một Cha (1Cr 1.9); hiệp thông với Mình và Máu của Người (1Cr 10, 16); hiệp thông vào những đau khổ của Người (Pl 3, 10), vv.

– quy chiếu về Thánh Linh: được hiệp thông trong Thánh Linh, chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), cộng tác vào cuộc loan báo Tin mừng (Pl 1,5). Thánh Linh là chủ động của sự thông hiệp (2Cr 13, 13; Pl 2,1). Nên lưu ý là thánh Phaolô không nói đến hiệp thông với Thánh Linh (như khi nói về Chúa Kitô); ngược lại Thánh Linh là chủ động của hiệp thông; hiệp thông là một ân huệ do Thánh Linh ban.

– quy chiếu về Hội thánh: hiệp thông với Hội thánh; cộng đoàn các tín hữu chia sẻ các của cải tinh thần và vật chất (Cv 2,42-45; 4,32-37), tham gia các hoạt động liên đới của cộng đồng (2Cr 8,4), công tác của vị tông đồ ở các cộng đoàn khác (2Cr 8, 23), vv.

B. Truyền thống thần học

Trong truyền thống Kitô giáo, communio được dùng trong nhiều bối cảnh khác nhau.

1/ Communio Trinitatis

Tư tưởng này muốn nói lên sự khác biệt và hợp nhất nơi Tam vị: Tam vị nhất thể. Cha không phải là Con, Con không phải là Thánh Linh, Thánh Linh không phải là Cha; nhưng không phải là ba mà chỉ là một Thiên Chúa. Hơn thế nữa, thần học còn tạo ra thuật ngữ tiếng Hy-lạp Perichoresis để diễn tả sự “thấm nhập” lẫn nhau, chứ không chỉ “hướng về nhau” (tương quan, relatio) mà thôi, và được dịch sang tiếng Latinh là circuminsessio (hay circumincessio).

Trong tiếng Hy-lạp perichoreo có nghĩa là xoay vòng tròn (quay đi quay lại, mà vẫn đứng yên một chỗ). Bên Đông phương, thánh Grêgôriô Nazianzênô là người đầu tiên sử dụng từ perichoresis để trình bày sự “thâm nhập” hỗ tương giữa thiên tính và nhân tính nơi Đức Kitô. Thánh Gioan Đamascô áp dụng vào mầu nhiệm Tam Vị (De fide orthodoxa: I,8;14; III,5). Bên Tây phương, đạo lý về sự “thâm nhập” ( được dịch thành hai thuật ngữ circuminsessio: ngồi trong hay ngồi quanh, hoặc circumincessio, tiến bước chung quanh) giữa Ba ngôi được thánh Augustinô chú giải trong De Trinitate VI, 10,12; IX, 5,8. Diễn ngữ này cũng được Huấn quyền sử dụng tại Công đồng Firenze (năm 1442) để diễn tả sự hợp nhất của Tam Vị: “Do sự hợp nhất, Cha hoàn toàn ở trong Con và hoàn toàn ở trong Thánh Linh; Con hoàn toàn ở trong Cha và hoàn toàn ở trong Thánh Linh; Thánh Linh hoàn toàn ở trong Cha và ở trong Con” (Denz-Sch. 1331)

Ý tưởng này dựa trên nền tảng Kinh thánh nói rằng Cha “ở trong” Con và Con “ở trong” Cha: “Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha” (Ga 10,38). “Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?… Các con hãy tin đi: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 17,11.21.23.26).

Như đã nói trong chương trước, Tam Vị không chỉ nguồn gốc mà còn là mẫu mực và cứu cánh của Giáo hội. Tất cả mọi hoạt động của Giáo hội đều nhắm đến lý tưởng và thánh Gioan đã vạch ra ở đầu bức thư thứ nhất:

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt,điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,chúng tôi đã thấy và làm chứng,chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1, 1-4).

Thoạt tiên xem ra bản văn chỉ nói đến Chúa Cha và Đức Giêsu. Tuy nhiên, dựa theo 2Cr 13,13, ta có thể nói rằng Thánh Linh chính là sự hiệp thông giữa Cha và Con. Cũng có tác giả lưu ý rằng niềm vui là biểu tượng của Thánh Linh[8].

2/ Communio eucharistica: Sự hiệp thông bí tích Thánh Thể. Ý tưởng này dựa trên đoạn văn 1Cr 10,16, và nêu bật sự kết hiệp với Chúa Giêsu. Trong ngôn ngữ bình dân, người ta thưởng hiểu communio (hoặc sacra communio) theo nghĩa này: rước Mình Thánh Chúa, hiệp lễ.

3/ Communio sanctorum: Sự hiệp thông giữa các thánh. Cụm từ này đã xuất hiện trong Tín biểu các thánh tông đồ (thế kỷ IV), và có thể hiểu theo hai nghĩa: sự hiệp thông “trong những sự thánh” (bí tích), hay là “giữa các thánh”. Nên biết là vào lúc đầu, các “thánh” được hiểu về tất cả những người đã lãnh bí tích Thánh tẩy, như chúng ta đọc thấy trong các thư thánh Phaolo. Đến khi có phong trào trở lại đạo cách ồ ạt, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giai đoạn dự tòng, các “thánh” được dành cho các phúc nhân trên trời. Từ đó dịch sang tiếng Việt là “các thánh thông công”. Sách GLCG đã duy trì cả hai nghĩa đó (946-961; xem thêm 1026-1027; 1029; 1474-1477). Chúng ta sẽ trở lại đề tài này, khi bàn về chiều kích cánh chung của Giáo hội.

4/ Communio ecclesialis. Thuật ngữ này được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau trải qua dòng thời gian.

a) Nghĩa đơn giản hơn cả là sự hợp nhất trong nội bộ Giáo hội, dựa trên tư tưởng của thánh Phaolô trong thư gửi Ephêsô 4,3 (“Một thân thể, một Thần khí, một niềm hy vọng … một Chúa, một niềm tin, một phép rửa … một Thiên Chúa, Cha của mọi người”).

b) Nó cũng được hiểu về sự hợp nhất giữa các các giáo hội communio ecclesiarum. Sự hiệp thông này được diễn tả qua nhiều hình thức:

– Trong thiên niên kỷ thứ nhất, các giáo hội địa phương gặp gỡ nhau tại các công đồng, công nghị; thông tri cho nhau việc đắc cử giám mục (littera communionis) [9]; trao đổi cho nhau bánh hiệp thông. Đó là hình ảnh của một “Ecclesia communio”.

– Sang thiên niên kỷ thứ hai, từ khi xảy ra sự cắt đứt hiệp thông giữa Rôma và Constantinopolis (năm 1054), hình ảnh được thay thế bằng “Ecclesia universalis”: Giáo hội duy nhất dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng. Các giám mục được bổ nhiệm “nhờ ơn Tòa Thánh”. Sự cắt đứt “giao hảo với Tòa Thánh” dẫn tới sự ly giáo[10].

C. Công đồng Vaticanô II

Thượng hội đồng giám mục, khóa ngoại thường năm 1985 nhằm kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II đã tuyên bố rằng “khái niệm communio là đặc trưng của Giáo hội học công đồng”[11]. Thực tế không đơn giản như vậy.

Như chúng ta đã thấy trong chương hai, từ sau Công đồng Trentô, Giáo hội thường được nhìn dưới khía cạnh hữu hình và định chế phẩm trật. Cuộc canh tân Giáo hội học trong thế kỷ XX tìm cách nêu bật khía cạnh siêu nhiên và vô hình của Giáo hội, khởi đi từ khái niệm “Thân thể mầu nhiệm Đức Kitô”, được đánh dấu bởi thông điệp Mystici corporis  của ĐGH Piô XII (1943). Một khái niệm khá phổ thông vào những năm trước Công đồng là “bí tích”, như chúng ta đã thấy trong chương trước. Hiến chế Lumen gentium du nhập thêm hai khái niệm quan trọng là “Mầu nhiệm” và “Dân Thiên Chúa” được đặt làm tựa đề cho hai chương đầu. Trong các văn kiện Công đồng, thuật ngữ “communio” xuất hiện 112 lần[12] (khá nhiều, nếu so với 4 lần trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô I), nhưng dùng theo nhiều nghĩa khác nhau.

1/ Trước tiên, communio là sự kết hợp nội tâm, vô hình, bí tích và siêu nhiên liên kết tất cả các Kitô hữu với Đức Kitô và  với nhau trong Người. Nói chung toàn thể nhân loại được mời gọi đến communio với Thiên Chúa (GS 19). Nói chính xác hơn, nhân loại được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh (UR 7.15). Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta đến hiệp thông với Đức Kitô và với nhau (LG 7). Đây là sự hiệp thông giữa những kẻ có đức tin (UR 2), hoặc cộng đoàn huynh đệ mới (GS 32) mà nguồn mạch và trung tâm là Đức Kitô (UR 20). Được thiết lập như là sự hiệp thông của sức sống, tình yêu và chân lý (LG 9), cộng đoàn này có Thánh Linh làm nguyên ủy hợp nhất (UR 2). Sự hiệp thông nội tại, siêu nhiên được biểu lộ ra bên ngoài, do đó trở thành cộng đoàn đức tin, hy vọng và yêu mến (AG 19). Lumen Gentium khẳng định rằng trong Giáo hội có một sự hiệp thông sâu xa giữa tất cả mọi người đã được rửa tội: tất cả đều có chung một Đức Chúa và một Thánh Linh, họp thành một thân thể duy nhất; tất cả chia sẻ cùng một đức tin và cùng một phép rửa, cùng một ân huệ và ơn gọi, và cùng trách nhiệm và công tác (LG 32). Sự hiệp thông này không chỉ giới hạn vào những người trên trần thế mà còn mở rộng đến những người đã đi vào vinh quang thiên quốc (LG 50). Vì thế communio có một ngoại biên rất rộng, mở rộng đến biên cương trên trời dưới đất, thời gian và không gian vô tận của Giáo hội.

b/ Communio cũng được dùng để ám chỉ những mối tương quan giữa các nhóm ở trong Dân Thiên Chúa. Các tu sĩ được liên kết với nhau bằng sự hiệp thông huynh đệ (LG 43). Có sự hiệp thông giữa các Giáo hội Đông phương công giáo với nhau (OE 2) và giữa họ với Đức Giáo hoàng (OE 24). Công đồng lấy lại khái niệm thời các giáo phụ, áp dụng communio cho mối tương quan giữa các giáo hội địa phương với nhau (AG 19) cũng như với giáo hội phổ quát (AG 38).

3/ Công đồng còn sử dụng thuật ngữ communio hierarchica (cách riêng ở chương Ba của LG) để diễn tả cơ cấu của Dân Thiên Chúa. Giáo hội được tổ chức thành cơ cấu phẩm trật. Sự hiệp thông phẩm trật được áp dụng cho mối dây liên kết giữa tập đoàn giám mục với vị nguyên thủ (LG 21). Sự hiệp thông phẩm trật cũng được áp dụng cho mối tương quan giữa các linh mục giáo phận với giám mục (PO 7).

4/ Công đồng còn áp dụng từ communio trong lãnh vực đại kết để nói về những cấp độ liên kết khác biệt: “trọn vẹn hoặc chưa trọn vẹn”. Các Kitô hữu ngoài công giáo được gọi là những “anh em chưa được hiệp thông trọn vẹn” (GS 92). Thuật ngữ communio non plena chứa đựng một yếu tố tích cực: có một sự hiệp thông về cầu nguyện và ân huệ thiêng liêng (LG 15) giữa các giáo hội, và tất cả được Thánh Linh kết hợp với nhau cách nào đó. Tuy nhiên, công đồng nhìn nhận rằng communio này còn bất toàn, và làm ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn, biểu hiện qua việc cùng chia sẻ việc cử hành Thánh thể (UR3).

D. Sau Công đồng

Như đã nói trên đây, sau Công đồng Vaticanô II, các sách thần học thường nêu bật khái niệm “Dân Thiên Chúa” như là tư tưởng đặc trưng của công đồng, và đã được hiến chế Lumen gentium dành chương Hai để khai triển. Sự chuyển hướng sang khái niệm communio được thúc đẩy do nhiều lý do, trong đó ta không thể bỏ qua một lý do nhân bản và một lý do thần học. Lý do nhân bản là con người thời đại cảm thấy cần gắn kết với nhau, để không bị rơi vào tình trạng cô độc do chủ nghĩa cá nhân đề xướng. Lý do thần học là ý thức về sự tham gia vào đời sống Giáo hội được gợi lên từ hình ảnh Dân Thiên Chúa. Ý tưởng hiệp thông nói lên sự tôn trọng nguyên tắc hợp nhất đồng thời với nguyên tắc đa dạng trong đời sống Giáo hội. Một lý do nữa được gợi lên do những cuộc đối thoại đại kết: vào thời các giáo phụ, communio được dùng để nói đến tương quan giữa các giáo hội địa phương với nhau.

Những dấu mốc của sự chuyển hướng này có thể tóm lại như sau.

1/ Thượng hội đồng giám mục khóa 1985 đã cô đọng bản chất Giáo hội vào ba khái niệm “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”. Riêng đối với khái niệm hiệp thông, văn kiện kết thúc khóa họp đã nhấn mạnh đến ba điểm:

– Sự hiệp thông được dựa trên các bí tích và bản tính là thiêng liêng. Vì thế “Giáo hội học hiệp thông” không thể nào thu gọn vào những chuyện tổ chức hoặc thực thi quyền bính.

– Giáo hội duy nhất và phổ quát hiện hiện trong tất cả các giáo hội địa phương. Cần phải nhìn nhận sự duy nhất và đa dạng trong Giáo hội.

– Sự tham gia và đồng trách nhiệm cần được diễn ra ở mọi cấp độ và trong các mối tương quan hỗ tương giữa các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Sự hiệp thông là một sự cam kết của tất cả mọi tín hữu (chứ không phải chỉ vài người dấn thân, hoặc có ơn gọi) đối với Chúa Kitô. Điều này làm thay đổi bộ mặt của Giáo hội: từ một xã hội được cấu trúc dựa trên quyền bính do chức thánh (hàng giám mục) sang một cộng đồng các tín hữu có ý thức về nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc xây dựng Giáo hội.

2/ Hạn từ communio xuất hiện 100 lần trong tông huấn Christifideles Laici (1988) bàn về người tín hữu giáo dân, ra như muốn nêu bật tương quan giữa các hàng ngũ trong Giáo hội. Điều này mang theo hai thách đố (số 18-20):

– Cần phải hiểu sự thông hiệp như một thực tại vừa thiêng liêng vừa hữu hình. Đừng nên quan niệm sự hiệp thông như là một thực tại theo quan điểm xã hội học và tâm lý học (như là một nguyên tắc tổ chức, thảo kế hoạch để đạt được mục tiêu nào đó).

– Cần phải hiểu sự thông hiệp trong Giáo hội với tính cách hữu cơ (organica) nghĩa sự đa dạng và bổ túc giữa các ơn gọi. Trong Giáo hội có nhiều ơn gọi: chính trong sự bổ túc ơn gọi mà người giáo dân nhận ra sứ mạng của mình trong toàn thân thể.

Văn kiện cũng muốn liên kết giữa “hiệp thông và sứ vụ”. Đức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, là nguồn mạch của sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa loài người, đồng thời cũng la nguồn mạch của việc loan báo Tin mừng, nghĩa là công bố vương quốc Thiên Chúa giữa loài người. Hiệp thông và sứ vụ ảnh hưởng lẫn nhau: sự hiệp thông (hợp nhất) là dấu chỉ hữu hiệu cho việc truyền giáo (x.Ga 17,21), và làm cho Giáo hội biểu lộ như là bí tích của sự hợp nhất.

3/ Khái niệm communio dần dần đã trở thành quen thuộc trong văn chương thần học, nhưng cũng không thiếu những giải thích lệch lạc. Vì thế ngày 28-5-1992, Bộ Giáo lý đức tin đã gửi cho các giám mục một bức thư để giải thích “Vài khía cạnh của Giáo hội hiểu như là communio[13] (Communionis notio), nhắc lại vài điểm quan trọng sau đây:

– Khái niệm hiệp thông bao gồm khía cạnh hữu hình và vô hình: không thể nào tách biệt hai khía cạnh ấy. Mặt khác Giáo hội được thiết lập như bí tích cứu độ, vì thế không thể nào khép kín trong mình, nhưng cần phải mở ra chiều kích đại kết và truyền giáo ngõ hầu quảng bá mầu nhiệm hiệp thông.

– Khái niệm hiệp thông bao hàm sự hợp nhất trong đa dạng. Giáo hội là cộng đoàn huynh đệ mà cũng là cơ cấu phẩm trật. Giáo hội phổ quát vừa bao hàm sự thống nhất chặt chẽ vừa bảo vệ sự đa dạng dưới nhiều phương diện: tác vụ, các hình thức sinh sống và hoạt động tông đồ.

4/ Cũng vào năm 1992, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo được ban hành, đúc kết những giáo huấn của Giáo hội về sự hiệp thông, cách riêng khi giải thích đặc điểm của Giáo hội là “duy nhất” (số 813-822) và khi nói đến các hàng ngũ khác nhau trong Giáo hội: giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ (số 871-873).

5/ Năm 1996, tông huấn Vita consecrata được ban hành, trong đó từ hiệp thông xuất hiện 95 lần. Tông huấn nói đến nhiều cấp độ hiệp thông khác nhau: hiệp thông huynh đệ (trong cộng đoàn), hiệp thông giữa các tu sĩ và giám mục, hiệp thông giữa các hội dòng, hiệp thông với các giáo dân. Đặc biệt là tông huấn nói đến “linh đạo hiệp thông” (số 46). Chủ đề này được ĐTC Gioan Phaolô II khai triển hơn trong tông thư Novo millennio ineunte (6-1-2001) từ số 42-46. Ý tưởng được tóm lại ở số 43 như sau:

Biến Giáo Hội thành nhà và trường hiệp thông: đó là thách đố lớn giáp mặt chúng ta trong ngàn năm đang bắt đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với chương trình của Chúa và đáp ứng những ước mơ sâu xa nhất của thế giới.

Nhưng điều đó có nghĩa gì trên thực tế ? Ở đây cũng vậy, ý nghĩ chúng ta hướng ngay tới việc phải làm, nhưng đó không phải là động lực đúng phải theo. Trước khi vạch ra những chương trình thực hành, chúng ta cần cổ võ một linh đạo hiệp thông, làm cho linh đạo đó thành nguyên lý hướng đạo giáo dục bất cứ nơi nào huấn luyện các cá nhân và người Kitô hữu, bất cứ nơi nào đào tạo những kẻ phục vụ bàn thờ, những người tận hiến và những lao công mục vụ, bất cứ nơi nào xây dựng các gia đình và các cộng đồng.

Một linh đạo hiệp thông dạy cho biết trước tiên sự chiêm ngắm trong lòng về mầu nhiệm Ba Ngôi ở trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng suy nghĩ đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong phạm vi hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu Nhiệm, và do đó như “những người là thành phần của tôi”. Điều này cho chúng ta khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm giác những ước muốn của họ và chăm chú đến những nhu cầu của họ, hiến cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính. Một linh đạo hiệp thông cũng bao gồm khả năng thấy điều tích cực nơi kẻ khác, đón nhận điều đó và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban: không những như là một hồng ân cho người anh người chị đã trực tiếp lãnh, mà còn như là “một hồng ân cho tôi”. Sau cùng, một linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết cách “nhường chỗ” cho các anh chị em chúng ta, bằng cách “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6, 2) và chống chọi những cám dỗ ích kỷ thường hay bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, sự ham danh vọng, sự ngờ vực và ghen tương.

Chúng ta không nên có những ảo tưởng: nếu chúng ta không theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu bên ngoài để hiệp thông sẽ sinh rất ít kết quả. Chúng sẽ biến thành những cỗ máy không hồn,“những mặt nạ” hiệp thông hơn là những quyết định, (29) nhưng điều đó không phải là chúng ít có ý nghĩa và kém thích hợp. Khoa thần học và linh đạo hiệp thông khuyến khích một sự đối thoại đầy hiệu quả giữa các Chủ Chăn và các tín hữu: một mặt liên kết họ ưu tiên trong tất cả những gì thiết yếu, và mặt khác đưa họ tới sự đồng thuận có cân nhắc trong các vấn đề mở rộng cho bàn cãi.

Muốn đạt mục đích này, chúng ta cần làm như của riêng mình sự khôn ngoan mục vụ ngày trước, sự khôn ngoan đó khuyên các vị mục tử lắng nghe rộng rãi hơn toàn Dân Chúa, mà không thiệt hại gì đến uy quyền của mình. Thật ý nghĩa lời thánh Bênêđitô nhắn nhủ Viện Phụ của một đan viện, người mời ông ấy hỏi ý kiến ngay cả những thành phần trẻ nhất trong cộng đoàn : “Nhờ Chúa soi sáng, thường một người trẻ hơn lại biết điều hay nhất”[14]Và Thánh Paulinus thúc giục: “Chúng ta hãy nghe điều giáo dân nói, bởi vì trong mỗi một người đó Thần Khi Chúa thổi hơi”[15]

Khi sự khôn ngoan lề luật, bằng cách cung cấp những qui tắc chính xác cho sự tham dự, làm chứng cho cấu trúc phẩm trật của Giáo Hội và đẩy xa mọi chước cám dỗ dẫn tới những chuyên quyền hay là những thỉnh nguyện bất công, linh đạo hiệp thông, nhờ thúc giục một sự tín cẩn và cởi mở hoàn toàn phù hợp với phẩm giá và trọng trách của mỗi thành phần Dân Chúa, làm cho thực tại cơ chế có một linh hồn.

E. Kết luận: Những chiều kích của sự hiệp thông

Hiệp thông là một hạn từ có thể dễ gây hiểu lầm bởi vì nó quá súc tích, bao hàm nhiều chiều kích.

1/ Khái niệm “hiệp thông” có thể bị lèo lái một chiều, hoặc chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh huyền bí, hoàn toàn nội tâm và không ảnh hưởng gì đến cộng đoàn; hoặc chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý (đồng cảm) hay xã hội (dân chủ) mà bỏ qua khía cạnh siêu nhiên. Để tránh những sự lệch lạc ấy, cần phải duy trì tất cả mọi chiều kích siêu nhiên (chiều dọc) và cộng đoàn (chiều ngang) của nó. Chiều kích siêu nhiên (dựa trên bí tích) là nguồn mạch tạo ra chiều kích cộng đoàn. Chúng ta hãy đọc lại số 19 của tông huấn Christifideles laici:

Đây là tư tưởng chính mà Giáo Hội đã đưa ra ánh sáng để tự định-nghĩa mình trong Công Đồng Vaticanô II, cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại lệ năm 1985, đã nhắc lại: “Giáo-hội-học về hiệp thông là tư tưởng trung tâm căn bản của các văn kiện Công Đồng. Giáo Hội Hiệp Thông (koinonia – communio) dựa trên Thánh Kinh, đã được tôn trọng trong Giáo Hội thời sơ khởi, và trong Giáo Hội Đông phương cho tới ngày nay. Công Đồng Vaticanô II đã nỗ lực làm việc, khảo sát để Giáo Hội được hiểu một cách rõ ràng như là một sự hiệp thông và để khái mệm này được thực thi một cách cụ thể trong đời sống. “Hiệp thông”, tiếng phức tạp này có nghĩa gì? Từ nguồn gốc nó có nghĩa là sự hiệp thông với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông này chúng ta. nhận được nhờ Lời Chúa và các phép Bí Tích. Phép Rửa Tội là cánh cửa và cũng là nền tảng của sự hiệp thông trong Giáo Hội. Phép Thánh Thể là nguồn và đỉnh cao của sự sống người Kitô hữu. Sự hiệp thông với Thánh Thể Chúa Kitô là dấu chỉ và phát sinh, hay nói cách khác, xây dựng sự hiệp thông mật thiết của mọi tín hữu trong Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội”.

2/ “Hiệp thông” chưa hẳn là khái niệm thích hợp nhất để diễn tả bản tính của Giáo hội. Một đàng, “hiệp thông” cần được liên kết với “mầu nhiệm” và “sứ vụ”; đàng khác, hình ảnh “Thân thể Chúa Kitô” theo thánh Phaolô cũng tương đương với khái niệm “hiệp thông”: nó nói lên sự hợp nhất huyền nhiệm với Chúa Kitô là đầu, vừa sự hợp nhất giữa các chi thể trong một thân thể. Nội dung tương tự cũng được gói ghém trong khái niệm “bí tích”: Hội thánh là bí tích của sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhân loại. Dù sao, lời điểm của khái niệm “hiệp thông” ở chỗ nêu bật[16]:

– Khía cạnh duy nhất và đa dạng của Giáo hội.

– Sự tham gia của tất cả các phần tử vào ích chung: thông phần, chia sẻ; từ đó nảy ra tình liên đới. Về điều này có lẽ bản văn súc tích nhất của Vaticanô II là số 13 của Lumen gentium:

Như thế, nơi mọi quốc gia trên địa cầu, chỉ có một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, gồm những người được kết nạp từ muôn dân nước để trở thành công dân của một vương quốc không thuộc về thế gian nhưng thuộc thiên quốc. Quả thật, tất cả các tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần, và như thế “kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình”. Vì vương quốc Đức Kitô không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36), nên Giáo Hội, hay Dân Thiên Chúa, trong khi kiến tạo vương quốc, không hề lấy mất đi gia sản trần thế của bất cứ dân tộc nào, trái lại, Giáo Hội cổ vũ và đảm nhận để tinh luyện, củng cố và thăng hoa tất cả những gì là thiện hảo nơi các nguồn năng lực, những di sản phong phú và nơi nếp sống của các dân tộc. Thật vậy, Giáo Hội luôn nhớ đến bổn phận phải thu họp cùng với Vua Kitô, Đấng đã nhận các dân tộc làm sản nghiệp (x. Tv 2,8), và là Đấng mà muôn dân phải mang tiến vật và lễ phẩm đến thành đô của Người (x. Tv 71 (72),10; Is 60,4-7; Kh 21,24). Đặc tính phổ quát này như một trang sức tăng thêm nét đẹp cho Dân Thiên Chúa, là tặng phẩm Chúa ban, nhờ đó Giáo Hội Công giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu để cho toàn thể nhân loại cùng với gia sản phong phú của con người được thu phục dưới quyền Đức Kitô Thủ lãnh, trong sự hợp nhất với Thần Khí của Người.

Nhờ đặc tính công giáo (catholicitas) ấy, mỗi phần tử thực thi những đóng góp của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội, để tất cả và từng người được tăng triển nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hợp nhất. Như thế, Dân Thiên Chúa không chỉ được qui tụ từ các dân tộc khác nhau, nhưng nơi chính mình cũng bao gồm nhiều chức vụ khác nhau. Thật vậy, sự khác biệt (diversitas) giữa các thành viên có thể hoặc do nhiệm vụ, như trong trường hợp những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu ích cho anh chị em mình, hoặc do trạng huống và bậc sống, như trong trường hợp những người gia nhập bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khổ chế và khích lệ anh chị em bằng gương sáng của mình. Hơn nữa, các Giáo Hội địa phương vẫn hiện diện cách chính thức trong tình hiệp thông Giáo Hội (in ecclesiastica communione), vẫn có thể nắm giữ những truyền thống của riêng mình trong khi vẫn bảo toàn quyền tối thượng của ngai tòa Phêrô đứng đầu toàn thể cộng đoàn đức ái, bảo toàn các dị biệt hợp pháp (legitimae varietates), đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt ấy không làm phương hại, trái lại còn phục vụ cho sự hợp nhất (unitas). Sau cùng, giữa các thành phần khác nhau của Giáo Hội còn có mối dây hiệp thông mật thiết (vincula intimae communionis), nhờ đó họ chia sẻ những ơn phúc thiêng liêng, những người làm việc tông đồ và những nguồn tài lực vật chất. Quả thật, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ cho nhau những điều thiện ích, và lời nói sau đây của vị Tông Đồ cũng có giá trị cho từng Giáo Hội: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).

3/ Dù sao, trong lịch sử thần học, khái niệm communio mang tính loại suy, và được gắn với nhiều thực thể khác nhau, như chúng ta đã thấy:

Communio trinitaria: Tam Vị là nguồn mạch, khuôn mẫu và mục tiêu của sự hiệp thông trong Giáo hội. Ý tưởng này gắn kết “hiệp thông với “mầu nhiệm”: mầu nhiệm hiệp thông.

Communio eucharistica: Trong bí tích Thánh Thể, người tín hữu hiệp thông với Đức Kitô và với Thân thể của Người. Tư tưởng nêu bật chiều kích huyền nhiệm cũng như bí tích của sự hiệp thông.

Communio sanctorum: sự hiệp thông giữa các thánh nêu bật chiều kích cánh chung của Giáo hội.

Communio fidelium: sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau do sự hiệp thông vào những kho tàng thiêng liêng của Giáo hội (Lời Chúa, bí tích).

Communio ecclesiarum: sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương với giáo hội phổ quát.

Communio hierarchica: ý tưởng bình đẳng giữa các phần tử cần được kết hợp với ý tưởng cơ cấu phẩm trật của Giáo hội.

Đối lại với communio có thể là communio non plena (hiệp thông chưa trọn vẹn) hoặc ở cấp nặng hơn: excommunicatio (tuyệt thông, nghĩa là cắt đứt hiệp thông).

II. Những yếu tố hiệp thông của Giáo hội

Chúng ta sẽ bàn vắn tắt hai vấn đề chính: 1/ Những điều kiện để gia nhập Giáo hội hiệp thông. 2/ Những yếu tố cấu thành sự hiệp thông của Giáo Hội. Vấn đề thứ nhất liên quan đến khía cạnh chủ thể, vấn đề thứ hai liên quan đến khía cạnh khách thể.

A. Những điều kiện gia nhập Giáo hội

Cần có điều kiện gì để trở nên phần tử của Giáo hội hiệp thông? Câu trả lời được tìm thấy trong số 14 của Hiến chế Lumen gentium (được trưng dẫn nguyên văn ở số 837 của sách GLCG):

Được kể là nhập hiệp hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những người có Thần Khí Đức Kitô, đồng thời chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương thế cứu độ được thiết lập nơi Giáo Hội, và trong cơ chế hữu hình của Giáo Hội, nhờ mối dây liên kết qua việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, và sự cai quản của hàng giáo sĩ và sự hiệp thông, họ sống kết hiệp với Đức Kitô, Đấng đang lãnh đạo Giáo Hội qua Đức Giáo Hoàng và các Giám mục.

Bộ giáo luật diễn tả thành ngôn ngữ pháp lý như sau: “Những người đã được rửa tội, liên kết với Đức Kitô trong cơ cấu hữu hình của Giáo hội Công giáo bằng những dây liên kết của việc tuyên xưng đức tin, của các bí tích và của việc lãnh đạo của Giáo hội thì được hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo trên địa cầu này[17].

Chúng ta nên ghi nhận hai điểm:

1/ Ngôn ngữ của giáo luật thường liệt kê ba mối dây liên kết:

a) mối dây tuyên xưng đức tin (vinculum symbolicum);

b) mối dây bí tích (vinculum sacramentale);

c) mối dây phẩm trật: chấp nhận thể chế của Giáo hội (vinculum hierarchicum).

2/ Ba điều kiện trên đây cần thiết để được “hiệp thông Công giáo” (communio catholica). Các phần tử của các Giáo hội khác cũng được liên kết với Giáo hội Công giáo nhưng “không trọn vẹn” (non plena). Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở cuối chương, khi bàn đề đặc điểm “duy nhất” của Giáo hội.

B. Những yếu tố cấu thành hiệp thông Giáo hội

Ba điều kiện kể trên đây xét đến các chủ thể: ai được kể như được hiệp thông với Giáo hội? Bây giờ chúng ta xét đến các điều kiện khách thể: những yếu tố nào tạo nên sự hiệp thông của Giáo hội?

Câu trả lời là: ba mối dây liên kết vừa nói cũng chính là ba yếu tố tạo nên sự thông hiệp Giáo hội, tức là: đức tin, các bí tích, thể chế. Ba yếu tố này đã được nhắc đến trong sách Tông đồ công vụ (2,42): “Các tín hữu chuyên cần trong việc lắng nghe lời giảng của các Tông đồ, và trong sự hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện”. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta chỉ bàn đến bộ mặt “hiện tượng”, nghĩa là có thể quan sát được, chứ không bàn đến các thực thể vô hình. Thực vậy, nói cho cùng, yếu tố cấu thành Giáo hội là chính ý định cứu độ của Thiên Chúa, ơn thánh, đức ái.

Tuy nhiên đó mới là ba yếu tố “tĩnh”. Chúng ta có thể nhìn vấn đề dưới khía cạnh “năng động”, và trả lời rằng: hai yếu tố cấu tạo sự hiệp thông Giáo hội là Lời Chúa và các bí tích.

1/ Lời Chúa

Tông huấn Verbum Domini (số 7) lưu ý chúng ta rằng “Lời Chúa” là một thuật ngữ loại suy, như đã ghi nhận[18]. Ngay chính văn kiện cũng là một thí dụ rõ ràng về việc sử dụng thuật ngữ Lời Chúa một cách loại suy, bởi vì chúng ta có thể tìm thấy 8 ý nghĩa khác nhau:

(1) Lời Chúa hiểu là Ngôi Hai trong Thiên Chúa Tam Vị. Đây là ý nghĩa tiên khởi và chính yếu, nguyên uỷ của các ý nghĩa khác (analogatum princeps).

(2) Nhân tính được kết hợp với Ngôi Lời.

(3) Thiên Chúa thông đạt mình cho một người nào đó.

(4) Thiên Chúa mặc khải trong Cựu ước

(5) Trong Tân ước, thuật ngữ này được sử dụng để ám chỉ lời giảng của các thánh Tông đồ (x. Verbum Domini 4.7).

(6) Kinh thánh cũng được gọi là Lời Chúa.

(7) Truyền thống của Hội thánh cũng có thể được gọi là Lời Chúa (x. Dei Verbum10).

Việc tạo dựng, cuốn sách thiên nhiên (Liber Naturae) cũng có thể được gọi là lời của Chúa, bởi vì Ngôi Lời tự phát biểu ở trong đó.[19]

Ý tưởng căn bản của Lời Chúa là chính Đức Kitô. Lời Chúa “triệu tập” Giáo hội. Giáo hội được thành hình bởi những người chấp nhận Lời Chúa và tuyên xưng đức tin.

2/ Các bí tích

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã mở đầu đoạn nói về các bí tích với những khái niệm “Các bí tích của Đức Kitô” (số 1114-1116) và “Các bí tích của Hội thánh” (số 1117-1121). Thuật ngữ này được giải thích như sau (số 1118):

Các bí tích là “của Hội Thánh” theo hai nghĩa: chúng là “do Hội Thánh” và “cho Hội Thánh”. Các bí tích là “do Hội Thánh” bởi vì Hội Thánh là bí tích của hành động của Đức Kitô Đấng đang hoạt động trong Hội Thánh nhờ sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Và các bí tích là “cho Hội Thánh”, “nhờ chúng mà Hội Thánh được xây dựng” bởi vì chúng biểu lộ và truyền thông cho con người, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của sự hiệp thông của Thiên Chúa-Tình Yêu, Đấng là Một Chúa Ba Ngôi.

Hiến chế Lumen gentium số 11 đã mô tả những cách thức khác nhau mà mỗi bí tích góp phần vào việc xây dựng Hội thánh. Hơn nữa, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo còn vạch ra mối liên hệ của vài bí tích đối với sự hiệp thông:

a) Bí tích rửa tội tháp nhập vào Hội thánh là Thân thể Đức Kitô (số 1267-1270). Bí tích Rửa tội đặt nền tảng cho sự hiệp thông giữa tất cả các Kitô hữu (số 1271, quy chiếu về sắc lệnh Unitatis redintegatio 3).

b) Bí tích Thánh Thể làm nên Hội thánh (số 1396). Một ngạn ngữ từ thời Trung cổ viết rằng: “Thánh Thể làm nên Hội thánh – Hội thánh làm nên Thánh Thể: “Ecclesiam aedificavit Eucharistia et Ecclesia Eucharistiam efficit ”. ĐTC Gioan Phaolô II đã dành một thông điệp Ecclesia de Eucharistia (ngày 17-4-2003) để trình bày mối tương quan giữa Thánh Thể và Hội thánh, đặc biệt ở chương Hai (“Thánh Thể xây dựng Hội thánh”: số 21-25 ) và chương Bốn (“Thánh Thể và sự hiệp thông Hội thánh”: số 34-46). Như sẽ thấy sau, không những bí tích Thánh thể hợp nhất các tín hữu nên một Thân Thể, mà chính buổi cử hành Thánh lễ còn biểu lộ bản tính của Giáo hội.

c) Mặc dù cả hai bí tích Truyền chức thánh và Hôn phối đều được xếp chung vào các “bí tích phục vụ sự hiệp thông” (số 1534), nhưng danh xưng này được áp dụng cách riêng cho bí tích Truyền chức bởi vì những người lãnh nhận được “thiết định nhân danh Đức Kitô để nên mục tử chăn dắt Giáo Hội bằng lời và ân sủng của Thiên Chúa” (số 1535).

Sau khi đã tìm hiểu bản chất của hiệp thông và những yếu tố tạo nên sự hiệp thông Giáo hội, chúng ta bước sang sự thể hiện hiệp thông cách cụ thể qua các cộng đoàn Giáo hội cụ thể, bắt đầu là các Giáo hội địa phương.

———————

Mục II: Hiệp thông Giáo hội. Giáo hội địa phương

 Phải nhìn nhận rằng một trong những thành quả lớn của công đồng Vaticanô II về Giáo hội học là thần học về Giáo hội địa phương. Mỗi khi nghe nói đến Giáo hội, chúng ta liên tưởng đến một tổ chức toàn cầu với Đức Giáo hoàng làm nguyên thủ; tổ chức này được phân chia ra nhiều đơn vị hành chánh với nhiều cấp lãnh đạo khác nhau, cũng tương tự trong một quốc gia có chính quyền trung ương, rồi dưới đó là các ban hành chánh ở địa phương (tỉnh, quận, huyện, xã, vv). Điều mới mẻ của Vaticanô II ở chỗ là coi các giáo hội địa phương cũng là giáo hội, chứ không phải chỉ là đơn vị của Giáo hội. Tại sao vậy? Giáo hội địa phương là gì? Mục này được phân làm hai đoạn chính: 1/ Thần học về Giáo hội địa phương. 2/ Những hình thức Giáo hội địa phương.

I. Hội thánh địa phương dưới khía cạnh thần học

Trước khi vào vấn đề, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ. Trong tiếng Việt, “địa phương” theo tầm nguyên có nghĩa là vùng đất, khu vực đất đai. Trong ngôn ngữ hành chánh, “địa phương” đối lại với “trung ương”; nhưng trong ngôn ngữ thông thường, đôi khi “địa phương” mang nghĩa tiêu cực là cục bộ. Ở đây, “địa phương” được dùng để dịch tính từ localis tiếng La-tinh có nghĩa là thuộc về một nơi chốn (locus); nhưng local (trong tiếng Pháp và tiếng Anh) có thể hiểu theo nghĩa xấu là sản phẩm “nội hóa”, không tốt bằng hàng ngoại nhập. Có lẽ từ “bản địa” đỡ tính tiêu cực hơn. Còn khi gắn với Giáo hội thì sao? Xin thưa rằng ecclesia localis thường được dùng để đối lại với ecclesia universalis (dịch ra tiếng Việt là “địa phương” và “phổ quát”), nhưng quan điểm về mối tương quan giữa hai vế đã thay đổi nhiều trải qua dòng lịch sử. Chúng ta sẽ lần lượt ôn lại: Kinh thánh, lịch sử Giáo hội, công đồng Vaticanô II, thần học.

A. Kinh thánh

Trong Tân ước không có sự phân biệt giữa Giáo hội địa phương và phổ quát. Nhưng trong chương Một, khi tìm hiểu việc sử dụng ekklesia, ta thấy danh từ được thánh Phaolo dùng để gọi toàn thể đoàn tín hữu của Chúa Kitô, hoặc cộng đoàn tín hữu ở một nơi nào đó (vùng, thành phố, thậm chí tại một tư gia), thí dụ:

– Theo nghĩa phổ quát: 1 Cr 6,4; 10,17.32; 12,28; 14,4.5.12; 15,9; Gl 1,13; Pl 3,6; Ep 1,22; 3,10.21; 5,23.24.25.27.29.32; Cl 1,18.24.

– Theo nghĩa cộng đoàn tại một nơi: 1 Cr 1,2; 11,16.22; 2 Cr 1,1; 1 Tx 2,14. Cộng đoàn họp nhau tại một nhà: Rm 16,5; 1 Cr 16,19b; Cl 4,15. Hiểu theo nghĩa này, ekklesia có thể được dùng ở số nhiều (các giáo hội)

B. Lịch sử

Quan niệm về giáo hội “phổ quát” đã biến đổi từ thiên niên kỷ thứ nhất sang thiên niên kỷ thứ hai.

1/ Thiên niên kỷ thứ nhất

Vào thời các giáo phụ, tiếp nối truyền thống của Tân ước, từ ecclesia được áp dụng cho mỗi cộng đoàn địa phương. Chẳng hạn thánh Inhaxiô Antiôkia viết cho các tín hữu Smyrna (8,2): “Đâu có giám mục thì đấy có cộng đoàn, cũng như đâu có Chúa Giêsu Kitô, thì đấy có  ecclesia catholica”. Giáo hội hiện diện tại mỗi cộng đoàn cử hành Thánh Thể. Và cũng chính Thánh Thể tạo nên sự liên kết giữa các cộng đoàn. Giáo hội phổ quát thành hình qua sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương (communio ecclesiarum). Sự hiệp thông được diễn tả qua các cuộc gặp gỡ giữa các giám mục (công đồng, thuộc nhiều cấp khác nhau) hoặc qua các Litterae communionis đã nói trong mục thứ nhất.

Công đồng Nixêa (325) ghi một dấu mốc quan trọng trong việc tổ chức các Giáo hội. Các giáo phận được gom thành “giáo tỉnh” (canon 4), và vị trưởng giáo tỉnh giữ vai trò chủ tọa các công đồng tỉnh, họp nhau mỗi năm hai lần. Ngoài ra, công đồng cũng nhìn nhận truyền thống dành cho ba giám mục Alêxandria, Antiôkia, Rôma có thẩm quyền trên các giáo tỉnh trong miền của mình (canon 6).

2/ Thiên niên kỷ thứ hai

Dần dần bên Tây phương phát triển khuynh hướng tập trung quyền bính vào giám mục Rôma, và biến vị này thành nguyên thủy của Giáo hội duy nhất và công giáo; còn các giám mục chỉ còn là những viên chức hành chánh “địa phương”. Nhiều nguyên nhân góp phần vào tiến trình này:

– Từ thế kỷ IX, nổi lên khuynh hướng liên mình giữa các đan viện, trở thành “dòng” (Ordo), với tổng viện phụ (Cluny, Camaldoli). Vị này trực thuộc giáo hoàng, chứ không lệ thuộc giám mục giáo phận.

– Các “dòng hành khất” ra đời vào thế kỷ XIII rao giảng Lời Chúa khắp nơi. Họ được đặt dưới sự bảo trợ của giáo hoàng, và được “miễn trừ” khỏi thẩm quyền giám mục.

– Dù sao, yếu tố quyết liệt hơn cả là cuộc cải tổ Giáo hội dưới thời Giáo hoàng Grêgôriô VII (1073-1085). Ngài muốn dành tự do cho Giáo hội chống lại thế lực của Hoàng đế, đồng thời bảo vệ sự thống nhất Giáo hội trước những nguy cơ chia rẽ nội bộ. Văn kiện đánh dấu một khúc ngoặt là Dictatus papae năm 1075[20]. Trước đó, đã có những nhà thần học dọn đường như hồng y Humbertô da Silva Candida, (De sancta Romana Ecclesia,1053), và Phêrô  Damiani (1007-1072). Dựa theo lời của thánh Lêô Cảo chú giải Mt 16,18, thuyết này chủ trương rằng vị kế nhiệm thánh Phêrô đã lãnh nhận quyền bính sung mãn (plenitudo potestatis) trên toàn thể Giáo hội; là chủ thể duy nhất của mọi quyền bính trong Giáo hội. Nói cách khác, giáo hội Rôma là giáo phận duy nhất trong Giáo hội, các giám mục khác chỉ là những đại diện của ngài, được chia sẻ trách nhiệm với ngài[21]. Như vậy, quan niệm giáo hội phổ quát đã biến đổi, từ communio ecclesiarum đến ecclesia Romana. Chỉ có Giáo hội Rôma mới thực sự là Giáo hội toàn vẹn, các giáo hội địa phương chỉ là giáo hội bất toàn. Đàng sau hai quan niệm về Giáo hội phổ quát, ta thấy một bên đề cao tính đa dạng (pluralitas) một bên đề cao sự đồng nhất (uniformitas) từ kỷ luật cho đến phụng vụ, linh đạo.

3/ Việc tái khám phá giáo hội địa phương trong thế kỷ XX là kết quả của nhiều yếu tố.

– Cuộc nghiên cứu lịch sử thời các giáo phụ cho thấy một mô hình khác về sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương. Một kết quả mở đường cho hướng đi này là tác phẩm L’Église et sa divine constitution (1885) của Dom Adrien Gréa OSB.

– Những nghiên cứu Kinh thánh cho thấy ekklesia được áp dụng cho các cộng đoàn địa phương cũng như cho Giáo hội phổ quát.

– Phong trào phụng vụ cho thấy rằng Giáo hội không phải là một ý niệm trừu tượng nhưng được biểu lộ nơi cộng đoàn cử hành Thánh Thể.

– Những cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống cho thấy quan niệm đặc thù của họ về mối tương quan giữa các Giáo hội địa phương.

– Đồng thời, những canh tân Giáo hội học đã sửa đổi bộ mặt của Giáo hội : từ một xã hội hữu hình định chế, đến Giáo hội là Thân thể Chúa Giêsu, với Thánh Thể là tâm điểm, và Thánh Linh là sức sống.

D. Công đồng Vaticanô II

Công đồng không đưa ra một đạo lý hệ thống về Giáo hội địa phương, và từ ngữ cũng không thống nhất (ecclesia localis, particularis, peculiaris). Tuy nhiên công đồng đã cung cấp nhiều đoạn văn phong phú cho những suy tư kế tiếp, đặc biệt trong hiến chế về phụng vụ, hiến chế về Hội thánh, các sắc lệnh về đại kết, về chức vụ giám mục, về hoạt động truyền giáo.

1/ Hiến chế về Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium = SC)

– Ở số 2, chúng ta gặp thấy sự mô tả Giáo hội khởi đi từ phụng vụ. Phụng vụ bộc lộ bản tính của Giáo hội (nhân bản và thần linh, hữu hình và vô hình, dấn thân vào hoạt động nhưng chìm đắm trong chiêm niệm, hiện diện trong thế giới nhưng lữ hành về thiên quốc).

– Số 41 là bản văn đầu tiên của Công đồng nói về cộng đoàn phụng vụ biểu lộ Giáo hội  (manifestatio Ecclesiae): trong buổi cử hành Thánh lễ do giám mục cử hành có sự hiện diện của tất cả mọi thành phần Dân Chúa: « Họ phải xác tín rằng Giáo Hội được tỏ bày cách đặc biệt khi toàn thể đoàn Dân Thánh của Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và tích cực vào những cử hành phụng vụ, nhất là trong cùng một Hiến lễ Tạ ơn, cùng một lời cầu nguyện, nơi một bàn thờ duy nhất, ở đó Giám mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên đang qui tụ quanh Ngài ». Số 42 cũng thêm rằng điều này cũng được diễn ra tại các cộng đoàn Thánh Thể khác, tuy không do giám mục chủ tọa : « Vì Giám mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội của ngài, nên phải thiết lập các cộng đồng tín hữu, trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Đức Giám mục: vì một cách nào đó (quodammodo), các giáo xứ là hình ảnh của Giáo Hội hữu hình được thiết lập trên toàn cõi trái đất ».

2/ Hiến chế tín lý về Hội thánh (Lumen gentium = LG)

Có ba đoạn văn căn bản cho sự phát triển thần học về giáo hội địa phương :

– Số 13 bàn đến tính cách phổ quát của Dân Chúa, trong đó Công đồng tuyên bố tính cách công giáo chấp nhận sự đa dạng dưới nhiều phạm vi : các dân tộc, các chức vụ, các ơn gọi, các đặc sủng. Hơn nữa, các Giáo Hội địa phương vẫn hiện diện cách chính thức trong tình hiệp thông Giáo Hội, vẫn có thể nắm giữ những truyền thống của riêng mình trong khi vẫn bảo toàn quyền tối thượng của ngai tòa Phêrô đứng đầu toàn thể cộng đoàn đức ái, bảo toàn các dị biệt hợp pháp, đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt ấy không làm phương hại, trái lại còn phục vụ cho sự hợp nhất..

– Số 23 đưa ra một công thức về tương quan giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội phổ quát như sau: Sự hợp nhất của Giám mục đoàn cũng hiển hiện qua những mối liên hệ hỗ tương giữa mỗi Giám mục với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát. Vị Giám mục Rôma, Đấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hợp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong Giáo Hội địa phương của mình vốn được hình thành theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát, chính nhờ và trong các Giáo Hội này mà có một Giáo Hội công giáo duy nhất. Chính vì lẽ này, mỗi Giám mục tiêu biểu cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám mục, cùng với Giáo Hoàng, tiêu biểu cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hợp nhất.

Như vậy công đồng trở về với quan niệm về Giáo hội phổ quát của thời các giáo phụ: Giáo hội công giáo duy nhất hiện hữu nhờtrong các giáo hội địa phương (in quibus et ex quibus). Như thế các giáo hội địa phương không phải là đơn vị hành chánh của một Giáo hội phổ quát, nhưng có đầy đủ tính chất Giáo hội. Có thể so sánh như mầu nhiệm Tam vị: mỗi ngôi vị ở trong ngôi vị kia (perichoresis).

Điều này còn được lặp lại ở số 26, khi công đồng nói rằng mỗi cộng đoàn cử hành Thánh thể, dù nhỏ bé nghèo nàn, cũng biểu lộ Giáo hội với đầy đủ bốn đặc tính, dựa theo đạo lý của Tân ước : Giáo Hội Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các vị Chủ chăn của mình, và Tân Ước cũng gọi đó là các Giáo Hội. Thật vậy, trong địa phương của mình, các cộng đoàn này là đoàn dân mới, được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự sung mãn dồi dào (x. 1 Tx 1,5). Nơi các cộng đoàn đó, các tín hữu được tụ họp lại nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, và mầu nhiệm bữa Tiệc của Chúa được cử hành “để nhờ Thịt và Máu Chúa, tình huynh đệ trọn vẹn được kết thành trong một thân thể” (…). Đức Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, thường là nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi, và chính nhờ thần lực của Người mà Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được qui tụ. Bởi vì “việc tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành điều mà chúng ta nhận lãnh”.

3/ Những văn kiện khác của công đồng

– Ngoài hai hiến chế vừa kể, chúng ta còn tìm thấy thần học về giáo hội địa phương nơi vài văn kiện khác, trước hết là định nghĩa về giáo phận trong Sắc lệnh về tác vụ giám mục (Christus Dominus = CD), số 11: Giáo phận là một phần của đoàn Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăn dắt, với sự trợ giúp của Linh mục đoàn, để khi liên kết với vị chủ chăn của mình và được chính ngài qui tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Tin Mừng và Thánh Thể, giáo phận lập thành một Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Chúa Kitô thật sự hiện diện và hành động.

Khái niệm này nêu bật những yếu tố cốt yếu cấu thành Giáo hội, trong đó bên cạnh các yếu tố nhân loại hữu hình, còn có những yếu tố vô hình : Lời Chúa, Thánh Thể, Thánh Linh. Cần ghi nhận là bản dịch tiếng Việt không được chuẩn lắm : giáo phận không phải là một « phần » (pars) nhưng là một « mảng » (portio) nghĩa là có đầy đủ các yếu tố cấu tạo nên Giáo hội của Chúa Kitô. Từ ngữ portio cũng được sử dụng trong LG 23b.

– Trong sắc lệnh về đại kết (Unitatis redintegratio = UR) số 15 lặp lại những ý tưởng về Giáo hội biểu lộ nơi cộng đoàn Thánh Thể.

D. Thần học

Từ những đoạn văn của công đồng, thần học đã tìm cách xếp đặt thành hệ thống và rút ra những hệ luận. Chúng ta có thể tóm thành hai điểm căn bản: 1/ Những yếu tố căn bản cấu tạo Giáo hội địa phương; 2/ Vài hệ luận.

1/ Những yếu tố cấu tạo nên Giáo hội địa phương.

Dựa trên đoạn văn CD 11, chúng ta có thể liệt kê 5 yếu tố cốt yếu tạo ra Giáo hội như sau: một “mảng” của Dân Chúa, Thánh Linh, Tin mừng, Thánh Thể, sự chủ tọa của giám mục. Các yếu tố này không có giá trị ngang nhau: cộng đoàn Dân Chúa (chất thể) được quy tự bởi Thánh Linh nhờ Tin mừng và bí tích (yếu tố tác thành), còn giám mục giữ vai trò phục vụ (dụng cụ) cho các yếu tố vừa kể.

a) Một “mảng” (portio, chứ không phải là “phần”, pars) của Dân Thiên Chúa, với tất cả các đặc tính của Dân Thiên Chúa được nói ở chương Hai của LG (cách riêng là số 9: căn tính của đoàn dân thiên sai).

b) Thánh Linh là Đấng quy tụ cộng đoàn Dân Chúa, nhờ sự thông ban đức tin cho các tín hữu và sự hiệp thông giữa các phần tử (x. 2Cr 13,13) để họ trở thành “chúng tôi” trong sinh hoạt nội bộ cũng như trong việc thi hành sứ vụ.

c) Tin mừng kêu gọi loài người hoán cải, tin vào Thiên Chúa, và lãnh bí tích rửa tội (x. Mc 1,15). Tin mừng là đối tượng của lời loan báo, đồng thời cũng là nội dung của lời tuyên xưng đức tin, tạo ra sự hợp nhất trong cộng đoàn (Cv 2,42). Tin mừng cũng là quy chuẩn cho mọi hành động của Giáo hội.

d) Thánh Thể. Có thể hiểu theo hai nghĩa:

– Nghĩa hiện tượng: cộng đoàn được quy tụ để cử hành Thánh lễ biểu lộ sự hiện diện của Dân thánh.

– Nghĩa năng động: bí tích Thánh thể kết hợp nên một tất cả những người cùng chia sẻ một bánh thánh và một chén thánh (1Cr 10,16b-17).

Chính vì Chúa Kitô hiện diện trong mỗi cộng đoàn cử hành Thánh Thể, cho nên cộng đoàn địa phương thực sự là Giáo hội trọn vẹn (chứ không phải là một “phân bộ”). Mặt khác, chính vì Chúa Kitô cũng hiện hiện nơi các cộng đoàn khác, cho nên Giáo hội địa phương cảm thấy hiệp thông với tất cả các cộng đoàn trên toàn thế giới.

e) Tác vụ mục tử cũng là yếu tố cấu thành Giáo hội địa phương. Tuy nhiên tác vụ này chỉ giữ vị trí phục vụ, so với các yếu tố trên đây (Thánh Linh, Lời Chúa và Thánh Thể). Nhờ bí tích truyền chức thánh, giám mục được đặt làm chủ sự cộng đoàn. Thánh Inhaxio tử đạo đã có những lời quý báu về giám mục như là dấu chỉ của sự hợp nhất của Giáo hội. Trong tương quan đối nội, giám mục điều khiển cộng đoàn nhờ sự cộng tác của các linh mục và phó tế, Trong tương quan đối ngoại, giám mục là cầu nối giữa giáo hội của mình với các giám mục khác, và với giám mục Rôma, tạo nên sự hiệp thông giữa các giáo hội (communio ecclesiarum).

2/ Vài hệ luận

Thần học về giáo hội địa phương mang theo nhiều hệ luận không những về lý thuyết mà còn về thực hành mục vụ.

a) Về lý thuyết, chúng ta không nên coi giáo hội địa phương như là một đơn vị hành chánh của Giáo hội phổ quát; giáo hội địa phương thực sự là giáo hội của Chúa Kitô. Giáo hội phổ quát được thành hình do sự thông hiệp của các giáo hội địa phương.

b) Về thực hành, cần chấp nhận sự đa dạng của các giáo hội địa phương. Mỗi giáo hội địa phương phải tìm cách hội nhập vào văn hóa của địa phương, từ cách thức diễn tả thần học, đến cách thức cầu nguyện cũng như cách tổ chức[22].

c) Trên thực tế, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: một đàng là chủ trương đồng nhất (uniformitas) trong tất cả (chẳng hạn: nghi thức Thánh lễ bằng tiếng Latinh); một đàng là chủ trương tôn trọng bản sắc của các dân tộc, với nguy cơ rơi vào cảnh đa ngôn ngữ tháp Babel khiến cho việc giao tiếp bị bế tắc. Đâu là con đường trung dung? Chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu trong mục tới.

Liên quan đến các văn kiện Tòa Thánh, có thể đọc thêm:

– Commission Pontificale Biblique, Unité et diversité dans l’Eglise (11-4-1988)

– International Theological Commission, Faith and inculturation (1988).

– Bộ Phụng tự, Huấn thị « Varietates legitimae » về phụng vụ Rôma và hội nhập văn hóa (25-1-1994)[23].

——————————

[1] G. Panikulam, Koinonia in the New Testament. A dynamic expression of Christian life,  Biblical Institute Press, Rome 1979. P. C. Bori, L’idea della comunione nell’ecclesiologia recente e nel Nuovo Testamento, Paideia, Brescia 1972. J. Hamer, The Church is a Communion, Sheed and Ward, New York 1964. J.M.R. Tillard, Church of Churches.  The Ecclesiology of Communion, Liturgical Press, Collegeville 1992. Congrega­tion For The Doctrine of The Faith, Some aspects of the Church understood as Communion, 1992.

[2] 1 Cr 1,9: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

[3] Pl 3,10: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.

[4] Pl 1,5: “Tôi luôn cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi câu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin mừng”.

[5] 1Cr 10,16: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng Bẻ Bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?”.

[6] 2Cr 13,13: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Linh”.

[7] H. Seeseman, Der Begriff Koinonia in Neuen Testament, Giessen 1933, trích trong J. Hamer, The Church is a Communion, Sheed and Ward, New York 1964, p.160-161

[8] J. Ratzinger, Intervento sull’ecclesiologia della costituzione “Lumen gentium” al Convegno internazionale sull’attuazione del Concilio ecumenico Vaticanô II promosso dal Comitato del Grande Giubileo dell’anno 2000 (27-2-2000). Tác giả móc nối niềm vui như là kết quả của sự Phục sinh (Ga 16,20.22.24) và quà tặng Thánh Linh (Lc 11,13).

http://www.vatican.va/Rôman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000227_ratzinger-lumen-gentium_it.html

[9] Thời xưa, trong các giáo hội có hai loại litterae communionis: 1/ “chứng minh thư” trao cho giáo sĩ hay giáo dân đi đường, để giới thiệu cho cộng đoàn sẽ đón tiếp họ. 2/ “thư báo” được một giám mục gửi cho các giám mục khác nhờ các frumentarius (giao liên) để tò tình hiệp thông (báo tang; thông tri về việc đắc cử giám mục; kết quả công nghị; lạc quyên; cắt đứt liên lạc trong trường hợp lạc giáo hoặc tái lập hiệp thông)

[10] X. Y. Congar, Saggi ecumenici, Roma 1986.

[11] X. Bản tường trình kết thúc của Thượng hội đồng giám mục1985, II, C,1.

[12] Cf. X. Ochoa, Index verborum cum documentis Concilii Vaticani Secundi, Rôma, 1967. P. Delhaye – M. Gueret,  Concilium Vaticanum II. Concordance. Index, Louvain, 1974, p. 114 ss.

[13] Congregatio Pro Doctrina Fidei, Litterae “Communionis notio”, ad Catholicae Ecclesiae episcopos de aliquibus aspectibus Ecclesiae prout est communio, (28-5-1992), in: AAS 85 (1993) pp. 838-850.

[14] Regula, III, 3: “Ideo autem omnes ad consilium vocari diximus, quia saepe iuniori Dominus revelat quod melius est”.

[15] “De omnium fidelium ore pendeamus, quia in omnem fidelem Spiritus Dei spirat”: Epistola 23, 36 to Sulpicius Severus: CSEL 29, 193.

[16] Bản tường trình kết thúc của Thượng hội đồng giám mục1985, II, C.6.

[17]  CIC can. 205: “Plene in communione Ecclesiae catholicae his in terris sunt illi baptizati, qui in eius compage visibili cum Christo iunguntur, vinculis nempe professionis fidei, sacramentorum et ecclesiastici regiminis”.

[18] X. E. Marlés Romeu, Đức Kitô – Lời Thiên Chúa. Từ Dei Verbum đến Verbum Domini, trong: Thời sự thần học, số 70 (tháng 11/2015), trang 11-31.

[19]   Cf. J. M. Sánchez Caro, «La Palabra de Dios, fuente y origen de la Tradición y la Escritura. Comentario a Verbum Domini 6-21», Estudios Bíblicos 69 (2011) 384.

[20] Dictatus Papae là bộ sưu tập các bản văn giáo luật cổ điển về các quyền lợi và đặc ân của Giáo hoàng, gồm 27 mệnh đề.

[21] S. Petrus Damiani: “Solus omnium ecclesiarum universalis episcopus” (Opus 23,1: PL 145, 474c)

[22] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đại kết : “Trong khi luôn giữ gìn sự hợp nhất trong những điều thiết yếu, tất cả mọi người trong Giáo Hội, tùy theo phận vụ được giao phó, vẫn được tự do trong những dạng thức khác nhau về đời sống thiêng liêng và kỷ luật, cũng như trong các lễ nghi phụng tự và ngay cả trong việc khảo cứu thần học về các chân lý mạc khải; tuy nhiên trong tất cả mọi sự, hãy thực thi đức bác ái. Khi hành động như thế, họ sẽ làm cho đặc tính công giáo và tông truyền đích thực của Giáo Hội ngày càng được biểu lộ trọn vẹn hơn” (số 4).

[23] De Liturgia Romana et inculturatione. Instructio quarta “Ad exsecutionem Constitutionis Concilii Vaticani Secundi de Sacra Liturgia recte ordinandam” (Ad Const. art. 37-40), in Notitiae 332, vol. 30 (1994) 80-115

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here