Giáo Hội Được Cân Đo Bằng Lòng Thương Xót

0
1082


LÒNG THƯƠNG XÓT

YẾU TÍNH CỦA TIN MỪNG VÀ CHÌA KHÓA DẪN VÀO ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Tác giả: Hồng Y Walter Kasper

Chuyển ngữ: Vinc. Vũ Văn An

***

Đức Hồng Y Walter Kasper

nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Hiệp Nhất Kitô Giáo

***

CHƯƠNG I: LÒNG THƯƠNG XÓT – CHỦ ĐỀ BỊ LÃNG QUÊN

CHƯƠNG II: NHỮNG CHỦ TRƯƠNG XẤP XỈ

CHƯƠNG III: SỨ ĐIỆP CỦA CỰU ƯỚC

CHƯƠNG IV: SỨ ĐIỆP ĐỨC GIÊSU VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

CHƯƠNG V: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA “HỆ THỐNG”

CHƯƠNG VI: PHÚC THAY AI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT

***

CHƯƠNG VII:

GIÁO HỘI ĐƯỢC CÂN ĐO BẰNG LÒNG THƯƠNG XÓT

 

 

I. GIÁO HỘI: BÍ TÍCH TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Giới răn thương xót không những áp dụng cho các Kitô hữu cá thể, mà còn cho Giáo Hội như một toàn thể nữa. Giống trường hợp Kitô hữu cá thể, giới răn đòi Giáo Hội phải có lòng thương xót đặt cơ sở trên hữu thể Giáo Hội như nhiệm thể Chúa Kitô. Do đó, Giáo Hội không phải là một thứ cơ quan xã hội hay bác ái; trong tư cách nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội là bí tích của sự hiện diện liên tục và hữu hiệu của Chúa Kitô trong thế giới. Trong tư cách ấy, Giáo Hội là bí tích của lòng thương xót. Giáo Hội là bí tích này trong tư cách “Chúa Kitô toàn diện”, nghĩa là Chúa Kitô làm đầu và làm chi thể. Như thế, Giáo Hội gặp gỡ chính Chúa Kitô ngay trong các chi thể của mình và trong các người đang cần sự giúp đỡ.

Giáo Hội giả thiết phải làm cho Tin Mừng thương xót, vốn là chính Chúa Giêsu Kitô bằng người, trở thành hiện diện, qua lời nói, bí tích, trọn đời sống mình trong lịch sử, và đời sống các Kitô hữu cá thể. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng là đối tượng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Là thân thể Chúa Kitô, Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Nhưng Giáo Hội chứa đựng người tội lỗi trong lòng mình và, do đó, cần được thanh tẩy đi thanh tẩy lại ngõ hầu hiện diện ở đó tinh tuyền, thánh thiện (Ep 5:23,26tt). Thành thử, Giáo Hội phải luôn tự hỏi mình một cách phê phán xem liệu mình có sống thực điều mình là và nên là không. Ngược lại, như Chúa Giêsu Kitô đã làm, chúng ta cũng thế, chúng ta giả thiết phải xử lý các lỗi lầm và thiếu sót của Giáo Hội, không theo cách tự cho mình là đúng, nhưng theo cách thương xót. Tuy thế, ta phải hiểu rõ điều này: Giáo Hội nào không có đức ái và lòng thương xót thì không còn là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nữa.

Các phát biểu nền tảng liên quan tới yếu tính và sứ mênh của Giáo Hội, sự thánh thiện của Giáo Hội và nhu cầu phải canh tân liên tục không thể được biện minh hay khai triển chi tiết ở đây được. Việc này cần phải được làm với một học lý của Giáo Hội, mà chúng ta giả thiết đã có trước bối cảnh hiện nay của chúng ta.[1]

Dây nối kết nội tại giữa đức ái và Giáo Hội, hay nói cho chính xác hơn, giữa đức ái/lòng thương xót và tính hợp nhất của Giáo Hội đặc biệt trở nên rõ ràng trong một bản văn của Thánh Augustin. Ngài nhắc tới bài ca tình yêu trong 1Cr 13: “nếu tôi không có tình yêu, tôi không là gì cả”. Về phương diện này, ngài hiểu tình yêu, không những theo nghĩa cá thể như công việc của các Kitô hữu cá thể, mà còn theo nghĩa Giáo Hội như yếu tố hợp nhất Giáo Hội. Thành thử, các việc làm của tình yêu, việc bố thí, cả đức đồng trinh, thậm chí tử đạo nữa sẽ không có một giá trị nào bên ngoài tình yêu trong Giáo Hội và bên ngoài cộng đồng Giáo Hội. Không có cộng đồng tình yêu này, dây gắn bó hợp nhất sẽ bị xé nát và các việc làm tốt giống như cành lá bị cắt khỏi cây nho.[2] Do đó, để trả lời nhóm ly giáo Donatisme, Thánh Augustin liên tiếp nhấn mạnh điểm này: không có tình yêu và bên ngoài cộng đồng Giáo Hội, mọi điều khác không là gì cả.[3]
Các phát biểu sau đây, trong nền tảng, luôn luôn đúng: đức ái và lòng thương xót không phải là bổn phận tư riêng của các Kitô hữu cá nhân; đức ái và lòng thương xót trong Giáo Hội cũng phải chỉ là các hành vi phục vụ xã hội, giống như nhiều dịch vụ khác hiện nay. Đúng hơn, chúng có chiều kích Giáo Hội; xét về yếu tính, chúng thuộc cộng đồng Giáo Hội, đức tin Giáo Hội, và thuộc sự hợp nhất sống động của Giáo Hội.

Mặt khác, ngày nay, khi nghĩ đến phong trào đại kết, chúng ta khó có thể nói lại các phát biểu trích từ Thánh Augustin, vốn được rút ra từ cuộc tranh luận của ngài với ly giáo Donatisme. Chúng ta phải hiểu các lời lẽ đó cùng với những phát biểu khác mà Thánh Augustin đã đưa ra trong cùng một bối cảnh. Trong đó, ngài nói rằng nhiều người chỉ ở trong Giáo Hội một cách hời hợt, nhưng tâm hồn họ thì ở bên ngoài Giáo Hội; trong khi ấy, nhiều người ở ngoài Giáo Hội nhưng tâm hồn họ thì ở bên trong Giáo Hội.[4] Chỉ làm chi thể bề ngoài mà thôi không đủ. Người ta phải thuộc về Giáo Hội với cả cõi lòng của mình, nghĩa là, sống bằng Chúa Thánh Thần, có tinh thần yêu thương. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy lòng yêu thương này ở bên ngoài, nơi những người không thuộc Giáo Hội hữu hình.

Công Đồng Vatican II đã tiếp thu các suy nghĩ trên. Công Đồng thừa nhận rằng, Giáo Hội Công Giáo quả có sự viên mãn trong các phương thế cứu rỗi, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn hành động trong nhiều hồng ân thiêng liêng ở bên ngoài các biên giới hữu hình của Giáo Hội này.[5] Cũng có những việc yêu thương và thương xót ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo nữa. Trong nhiều cách, ta có thể lấy những người không phải là Công Giáo, thậm chí không phải là Kitô hữu, làm mẫu mực về phương diện này và học hỏi nơi họ. Ngược lại, những người thuộc Giáo Hội hữu hình phải cố gắng hết sức để sống thực tình yêu Giáo Hội và làm tình yêu này trở thành hiển hiện qua các hành vi thương người phần hồn và phần xác.

Do đó, sứ điệp thương xót có nhiều hậu quả không những đối với đời sống các Kitô hữu cá nhân, mà cả đối với giáo huấn, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội nữa.[6] Một trong những kết án nặng nề nhất có thể nêu lên và thực tế đã từng được nêu lên chống lại Giáo Hội là định chế này không làm điều mình công bố với người khác. Thực vậy, nhiều người cảm nhận Giáo Hội quá cứng ngắc, thiếu lòng thương xót. Vì lý do này, lúc khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói rằng trước hết, Giáo Hội phải dùng thuốc thương xót.[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nhận lời tuyên bố này trong Thông điệp Dives in Misericordia của ngài và dành cả một chương cho chủ đề: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Ngài nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của Giáo Hội là làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa.[8]

Việc trên có thể diễn ra ba cách: Giáo Hội phải công bố lòng thương xót của Thiên Chúa; Giáo Hội phải cụ thể cung cấp cho dân lòng thương xót của Thiên Chúa trong bí tích thương xót, tức Bí tích Hòa Giải; và Giáo Hội phải để cho lòng thương xót của Thiên Chúa xuất hiện và được thể hiện trong các cơ cấu cụ thể, trong trọn đời sống và thậm chí trong các luật lệ của nó.

II. CÔNG BỐ LÒNG THƯƠNG XÓT

Nhiệm vụ thứ nhất của Giáo Hội là công bố sứ điệp thương xót. Trong tình thế hiện thời, trong đó, nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu, Giáo Hội không được để mình bị đẩy qua bên lề hay bị dành cho những địa điểm hạng nhì để công bố sứ điệp này. Giáo Hội cần phải xốc tới tâm điểm sứ điệp của Tin Mừng và biến sứ điệp Thiên Chúa hay thương xót thành tập chú của mình. Do đó, Giáo Hội phải công bố, không phải một Thiên Chúa nhạt nhẽo, mơ hồ, hoặc có tính tôn giáo chung chung và trừu tượng kiểu triết lý, cũng không thể nói một cách tầm phào về một “Thiên Chúa dấu yêu” kiểu bọc đường hoặc khiến người ta lo lắng với những câu truyện về một Thiên Chúa ưa phán xử và trừng phạt. Bằng các Thánh Vịnh, Giáo Hội phải ca ngợi lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa và công bố Người như “Người Cha của mọi thương xót và là Thiên Chúa của mọi ủi an” (2Cr 1:3), “Đấng giàu lòng thương xót” (Ep 2:4). Giáo Hội phải thuật lại lịch sử cụ thể của việc Thiên Chúa tương tác với dân của Người, như đã chứng thực trong cả Cựu lẫn Tân Ước. Giáo Hội phải trình bày lịch sử này, như Chúa Giêsu đã trình bày trong các dụ ngôn của Người, và làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng đã rạch ròi mạc khải lòng thương xót của Người trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Trong công bố của mình, Giáo Hội phải chứng tỏ rằng lịch sử các chứng cớ về lòng thương xót của Thiên Chúa là một lich sử chân thực đối với chúng ta và các người nghe khác của thời nay (x. Lc 4:21). Theo một nghĩa nào đó, lịch sử cứu rỗi của thời đó trở thành lịch sử cứu rỗi của thời nay và do đó, trở thành lịch sử đời sống ta hiện nay. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, ta tìm được một điển hình trong Thánh Kinh nói về một công cuộc Phúc Âm hóa như thế đối với ngày nay. Thư này được viết trong một hoàn cảnh trong đó, sự phấn khích lúc ban đầu đã vơi đi, và mối nguy nhiều người sẽ sa ngã là một điều có thực. Trong một hoàn cảnh như thế, một hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh chúng ta ngày nay, chữ “ngày nay” hay “hôm nay” này được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hôm nay, khi các bạn nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa” (Dt 3:7-8; 15); “hãy khuyên bảo nhau mỗi ngày bao lâu còn được gọi là ngày ‘hôm nay’” (Dt 3:13). Vì “trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần nữa ngày ‘hôm nay’” (Dt 4:7).

Sứ điệp về Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, mà hôm nay đã trở thành sống động, nhận được tính liên quan của nó một cách đặc biệt trong bối cảnh tân Phúc Âm hóa, một bối cảnh không lưu tâm tới việc hội nhập hoặc chế biến rẻ tiền theo thời trang và tính khí thời nay.[9] Tân Phúc Âm hóa không thể công bố một tân tin mừng, nhưng là làm cho tin mừng duy nhất và trước sau như một trở thành hiện thời trong hoàn cảnh mới. Là những nhà rao giảng, chúng ta chỉ có thể đánh động được tâm hồn người nghe nếu biết nói về Thiên Chúa một cách cụ thể, dưới ánh sáng của chính những khốn khó và đau buồn của họ, và giúp họ khám phá ra Thiên Chúa thương xót ngay trong cuộc sống của họ. Trong diễn trình này, chỉ phê phán thế giới hiện đại và con người hiện thời, trong đó có chúng ta, là điều không ích lợi chi. Ta phải lưu tâm tới hoàn cảnh hiện nay một cách thương xót và nói rằng, vượt trên sương mù và sự ảm đạm của thế giới chúng ta, dung nhan từ bi thương xót của Cha chúng ta vẫn luôn trổi vượt; Người là Đấng nhẫn nại và nhân hậu, Người biết và yêu thương mỗi cá nhân, và Người biết ta cần gì (Mt 6:8,32).

Tân Phúc Âm hóa có thể nói với những ai đang xa lìa Thiên Chúa và Giáo Hội rằng Thiên Chúa là Đấng gần gũi với họ một cách nhân hậu và đầy thương xót, ngay cả khi họ tưởng họ xa lìa đối với Người, và giống hệt người cha trong dụ ngôn đứa con trai hoang đàng, chạy ra gặp đứa con này, Thiên Chúa cũng đang chờ mong họ để nghinh đón họ trở về và tái lập họ làm con theo quyền của họ (x. Lc 15:20-24). Như người Samaria tốt lành, Thiên Chúa cũng nâng họ dậy như thể từ ven đường, cúi xuống với họ, và băng bó các vết thương cho họ (Lc 10:30-35). Giống người chăn chiên lành, Người đi tìm họ, khi họ đi lạc và vướng vào bất cứ bụi rậm nào, và khi tìm thấy, bèn vác lên vai và hân hoan đem họ trở về với cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta có thể trấn an những người xa lạc nhưng lại là những người thường gần gũi hơn họ tưởng, rằng trên trời vui mừng với một người tội lỗi ăn năn hơn là với chín mươi chín người công chính, không cần phải ăn năn (xc. Lc 15:3-7).

Khi làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội không những công bố sự thật sâu xa nhất của Thiên Chúa, mà còn công bố cả sự thật sâu xa nhất về con người nhân bản nữa. Vì sự thật sâu xa nhất về Thiên Chúa là sự thật này: Người là tình yêu tự cho đi và sẵn sàng tha thứ lần nữa (1Ga 3:8,16). Sự thật sâu xa nhất về con người nhân bản là sự thật này: vì tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng chúng ta một cách tuyệt diệu, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả khi chúng ta tự tách xa ra khỏi Người, Người luôn thương xót tái lập chúng ta và phẩm giá chúng ta một cách còn tuyệt diệu hơn nữa.[10] Người xuống thế với chúng ta một cách hạ mình hết sức để nâng chúng ta lên với Người và kéo chúng ta lại gần trái tim Người. Ở đấy, cuối cùng, chúng ta tìm được sự nghỉ ngơi và bình an. Thánh Augustin bắt đầu cuốn Tự Thú của ngài sau một đời thao thức bằng cách nói rằng: “Ngài khiến chúng con mừng vui khi ca ngợi Ngài; vì Ngài đã nặn nên chúng con cho Ngài, và trái tim chúng con sẽ thao thức cho tới khi tìm được nghỉ ngơi nơi Ngài”.[11]

Chúng ta chỉ có thể công bố sứ điệp về Thiên Chúa thương xót một cách khả tín khi ngôn từ của chúng ta được lên khuôn bởi lòng thương xót. Ta nên dấn thân vào một cuộc tranh luận với những kẻ đối nghịch Tin Mừng, mà ngày nay rất đông, cũng như ngày xưa vậy, luôn kiên định trong chính nghĩa của mình, nhưng không xùi bọp mép theo nghĩa luận chiến, cũng không lấy oán báo oán. Dưới ánh sáng Bài Giảng Trên Núi, trả đũa đối thủ mình không phải là tác phong được Giáo Hội biện minh. Ngay trong các cuộc tranh luận với các địch thủ, không phải luận chiến nhưng đúng hơn là cố gắng nói sự thật một cách yêu thương và hành động theo chiều hướng này phải xác định ra cung cách nói năng của ta (Ep 4:15). Thánh Chrysostom dạy: ta phải lâm chiến cho sự thật một cách cương quyết, nhưng không ngược với đức ái.[12] Do đó, Giáo Hội không được quở trách cử tọa của mình từ trên cao trong cung cách ta đây biết hết. Chỉ nhìn thế giới ngày nay một cách tiêu cực, như một hiện tượng suy đồi, là không công bằng và bị coi là không công bằng. Giáo Hội nên trân trọng các quan tâm chính đáng của con người hiện nay và sự tiến bộ của nhân loại đang diễn ra thời hiện đại, và xử lý một cách đầy thương xót các nan đề và các vết thương của họ.

Lòng thương xót mà không có sự thật sẽ là một sự an ủi không chân chính; nó có thể chỉ là một hứa hẹn trống rỗng và, xét cho cùng, chỉ là một chuyện tầm phào sáo rỗng. Ngược lại, sự thật mà không có lòng thương xót chỉ là môt sự thật lạnh lùng, thô bạo, và gây thương tích. Chúng ta không thể công bố sự thật theo khẩu hiệu “chìm hay bơi”. Sự thật không như chiếc khăn ướt chúng ta dùng chấm quanh tai người ta; nó như chiếc áo khoác nhiều hơn, mà ta dùng khoác vào người ta để họ được ấm áp và được che chở khỏi thời tiết độc hại.

Về phương diện trên, ta cần phải có một giọng điệu mới và một phong thái đối thoại mới. Phong thái luận chiến mà ta đã thấy ở một số trường hợp trong Tân Ước,[13] thường lại hay có nơi các Giáo phụ. Thần học tranh biện (controversial theology)[14] đôi khi không có đặc điểm công bằng, khách quan, và biết sẵn sàng nghe và hiểu người khác. Tương phản với nó, Công Đồng Vatican II đã bỏ phiếu cho một phong thái đối thoại mới. Phong thái này không hề nhằm tương đối hóa sự thật hoặc che đậy các phản đề hiện có. Cuộc đối thoại nào không quan tâm tới sự thật thì không xứng danh đối thoại. Hiểu cho đúng, đối thoại giả thiết phải có một tâm hồn biết lắng nghe và biết lắng nghe nhau. Nó có nghĩa phải hỗ tương xác minh sự thật và tiến tới việc trao đổi, sẵn sàng hiểu sự thật để có thể tiến tới một thỏa thuận chung trong sự thật, bao nhiêu có thể, nhưng nếu một thỏa thuận như thế không thể đạt được, thì phải trung thực nói rằng mình thỏa thuận để bất đồng.[15] Cần phải nói sự thật trong yêu thương. Chỉ khi ấy, sự thật mới lôi cuốn và có tính thuyết phục; chỉ khi ấy, nó mới được hiểu và được chấp nhận như là sự thật cứu rỗi.

III. THỐNG HỐI: BÍ TÍCH THƯƠNG XÓT

Sứ điệp của Tin Mừng thương xót là sứ điệp trung tâm. Tuy nhiên, nơi Chúa Giêsu Kitô, lời đã thành xác thịt (Ga 1:14); do đó, lời của Giáo Hội cũng mang lấy hình thù cụ thể trong các bí tích.[16] Mọi bí tích đều là bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa. Bí tích khai tâm, phép rửa, tháp nhập người được rửa tội vào hiệp thông Giáo Hội, vốn là một cộng đồng sự sống và yêu thương. Vì phép rửa tha thứ tội lỗi (Cv 2:38; 1Cr 6:11; Ep 1:7; Cl 1:14), nên nó là bí tích của lòng Chúa thương xót. Điều này cũng đúng đối với bí tích xức dầu bệnh nhân (Gc 5:15). Trong bí tích Thánh Thể, sức mạnh tha thứ tội lỗi của Máu Thánh Chúa, từng đổ ra trên thập giá, lại hiện diện trở lại mỗi lần cử hành (Mt 26:23). Như thế, việc cử hành Thánh Thể có sức mạnh tha thứ các tội lỗi hàng ngày của chúng ta. Theo phát biểu nổi tiếng của Thánh Augustin, nó là bí tích của hợp nhất và yêu thương [17] nối kết chúng ta vào sự hợp nhất trong và với Chúa Giêsu Kitô và với nhau, và qua sự hợp nhất này, chúng ta được sai vào thế gian để phục vụ tình yêu và lòng thương xót.[18]

Từ rất sớm, Giáo Hội vốn biết rằng các Kitô hữu, từng trở thành các tạo vật mới nhờ phép rửa (2Cr 5:17; Gl 6:15), đã sa ngã trở lại với lối sống và các thói hư của thế giới trước đó. Trong Giáo Hội sơ khai, đã có cuộc tranh luận gắt gao về việc liệu các người này có được hưởng hành vi thống hối lần thứ hai không sau khi đã sa ngã như thế. Lời lẽ của Chúa Giêsu rằng Giáo Hội được ban trọn quyền buộc và tha (Mt 16:19; 18:18) cho thấy câu trả lời là tích cực. Trong Tin Mừng Gioan, thẩm quyền này được giải thích là quyền tha hay không tha tội lỗi (Ga 20:22tt). Thẩm quyền này là hồng ân Phục Sinh mà Chúa Sống Lại ban cho các môn đệ của Người. Dựa trên nền tảng này, Giáo Hội sơ khai đã khai triển một thực hành thống hối với Bí tích Hòa Giải. Giáo Hội này hiểu thực hành thống hối này như mảnh ván cứu vớt thứ hai sau cơn đắm tầu tội lỗi [19] và như phép rửa đầy cheo leo lần thứ hai, không phải bằng nước mà bằng nước mắt.[20] Do đó, bí tích thống hối đúng là bí tích của lòng Chúa thương xót, Đấng không ngừng tha thứ chúng ta hết lần này tới lần khác và liên tiếp ban cho chúng ta cơ hội mới và một bắt đầu mới.[21]

Trong suốt nhiều thế kỷ, bí tích này đã kinh qua nhiều thay đổi, mà chúng ta không thể thảo luận ở đây.[22] Như quá trình thay đổi của nó cho thấy, Bí tích Hòa Giải đã được tiến dẫn bằng những lời lẽ ấm áp nhất bởi nhiều vị đại thánh như Catarina thành Sienna, Alfonso thành Liguori, Cha Xứ Ars, Cha Pio, Faustina và nhiều vị khác. Giáo huấn và các mục tử của Giáo Hội cũng nhiệt thành tiến dẫn bí tích này.[23] Một thực hành lâu đời, lại được Giáo Hội liên tiếp tiến dẫn như thế không thể là một khai triển không được ưa thích, đúng hơn, nó hẳn phải có ích lợi lớn lao đối với việc phát triển đời sống thiêng liêng.

Karl Rahner, người rất quan tâm tới lịch sử và thần học của Bí tích Hòa Giải, đã viết một tiểu luận gây ấn tượng về thực hành hoà giải và ý nghĩa của việc năng xưng tội.[24] Người ta không nên giải thích ý nghĩa của nó chỉ theo hay chủ yếu theo viễn tượng hướng dẫn thiêng liêng hay đào luyện lương tâm, một điều có thể có được ở bên ngoài việc xưng tội và là những điều đáng ca ngợi. Cũng còn nhiều phương thế khác, nhất là Phép Thánh Thể, giúp nhận được sức mạnh để đương đầu với các thách đố hàng ngày. Hơn nữa, Bí tích Hòa Giải là biểu hiện chân chính và chủ yếu của đời sống Giáo Hội. Vì các tội lỗi thế trần vẫn là những vết nhơ và vết nhăn trên gương mặt nàng dâu của Chúa Kitô làm nó giảm lực chiếu sáng của nó, và, nói chung, đè nặng lên đời sống Giáo Hội. Vì thế, mỗi lần xưng tội cũng là một hành vi hữu hình quay hướng về thân thể hữu hình của Chúa Kitô, tức Giáo Hội.

Hiện nay, người ta phải nói đến cuộc khủng hoảng trầm trọng liên quan tới bí tích này. Trong phần lớn các giáo xứ, bí tích này ít còn được lui tới và nhiều Kitô hữu, ngay cả những người tham dự Thánh Thể Chúa Nhật thường xuyên, cũng chỉ tham dự bí tích này mà không thực hành Bí tích Hòa Giải. Sự kiện này là vết thương sâu xa của Giáo Hội hiện nay; đây hẳn phải là một cơ hội để ta nghiêm chỉnh xem xét lương tâm bản thân và lương tâm mục vụ của ta. Vì tương lai Giáo Hội, điều chủ yếu là phải tiến tới một trật tự thống hối có sinh khí và canh tân Bí tích Hòa Giải.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này khá đa dạng. Nhiều người không còn cảm nghiệm Bí tích Hòa Giải như một hồng ân giải thoát của Phục Sinh nữa. Ngược lại, nó thường bị hiểu là dụng cụ kiểm soát cưỡng bức nhằm qui định lương tâm người ta và tước đoạt quyền của họ được đưa ra quyết định riêng. Đối với một số người có tuổi hơn, nhiều cảm nghiệm hoàn toàn có tính chấn thương đã được nối kết với Bí tích Hòa Giải. Nhưng phần lớn người trưởng thành hiện nay biết các cảm nghiệm tiêu cực này qua tin đồn. Trong khi thế hệ có tuổi hơn dè dặt vì họ có các cảm nghiệm xấu, thì ngày nay, thế hệ Kitô hữu trẻ hơn dè dặt vì họ tuyệt đối không có những cảm nghiệm cần phải xưng tội. Thêm nữa, nhiều người hiện nay có ảo tưởng gần như bệnh hoạn về sự trong trắng vô tội.[25] Chỉ những người khác hay “hệ thống” là có tội mà thôi. Cả một bộ máy giải tội khổng lồ đang vận hành mà kết cục là nghi vấn chính trách nhiệm bản thân và do đó, nhân phẩm. Trong khi đó, dường như một trang mới hướng tới điều tốt hơn đang từ từ được lật qua. Đặc biệt tại các địa điểm hành hương, các trung tâm linh hướng, và các đại hội giới trẻ thế giới, Bí tích Hòa Giải đang được nhiều người tìm đến và cảm nghiệm trở lại như một hồng phúc ơn thánh.

Bí tích hòa giải là nơi trú ẩn thực sự của những người có tội vốn là tất cả chúng ta. Ở đây, các gánh nặng ta mang theo mình được tháo gỡ. Không nơi nào khác ta gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa một cách tức khắc, trực tiếp và cụ thể như khi ta nghe được những lời này nhân danh Chúa Giêsu “tội lỗi của con đã được tha!”. Chắc chắn không ai thấy việc khiêm nhường xưng thú tội lỗi mình và thường cứ phải xưng đi xưng lại cùng một thứ tội là điều dễ dàng. Nhưng những ai làm việc này và được ngỏ lời rằng “Cha tha tội cho con” không phải một cách chung chung đại khái hay vô danh lạnh lùng, mà rất cụ thể và có tính bản vị, đều nếm được sự tự do nội tâm, bình an trong tâm hồn và niềm vui mà bí tích này vốn đem lại. Khi Chúa Giêsu nói tới niềm vui trên thiên đàng trước sự ăn năn của một người tội lỗi (Lc 15:7,10), thì bất cứ ai lãnh nhận bí tích này đều cảm nghiệm được điều này: niềm vui này không những chỉ ở trên thiên đàng mà còn vang vọng trong cả trái tim của họ nữa. Do đó, điều cần thiết là phải tái khám phá bí tích này. Điều này đặc biệt đúng đối với các linh mục. Vì việc ủy quyền tha tội là một việc ủy quyền được Chúa sống lại ban cho các tông đồ. Do đó, bổn phận của mọi linh mục là sẵn sàng ban phát bí tích này, nó cũng là một việc thương xót đối với các ngài.

Chắc chắn, có nhiều hình thức thống hối: cầu nguyện, việc thương xót, sửa trị theo tình huynh đệ, tự ý ăn chay, và các hình thức khác. Mọi cử hành Thánh Thể đều bắt đầu bằng một hành vi thống hối và lời kinh xoá tội có tính cầu bầu. Tất cả các hình thức thống hối này đều có giá trị và ý nghĩa của chúng; chúng phải chuẩn bị cho Bí tích Hòa Giải, đồng hành với nó, và thoi dõi nó, nhưng chúng không có ý định thay thế Bí tích Hòa Giải, mà chúng cũng không thể thay thế được bí tích này. Việc linh hướng và huấn đạo tâm lý cũng có giá trị của chúng, nhưng chúng vẫn không thể thay thế được Bí tích Hòa Giải. Các huấn đạo viên cũng như các nhà tâm lý học có thể giúp ta hiểu ta và hiểu các tình huống rối rắm của ta một cách tốt đẹp hơn; họ có thể giúp ta chỉnh đốn lại những gì không ngay ngắn trong cuộc sống ta, biết chấp nhận mình và người khác, và họ có thể cho ta các lời khuyên tốt đối với các tình uống này. Là các mục tử, ta thường phải kêu gọi tới khả năng chuyên nghiệp và kinh nghiệm nhân bản của họ. Nhưng không một nhà tâm lý hay một huấn đạo viên nào có thể nói: “các tội lỗi của con đã được tha” hay “hãy đi bình yên”.

Ngày nay cũng như ngày xưa, bí tích này tương ứng với một nhu cầu sâu xa và nó vẫn còn có tính liên quan của nó. Nó là một việc thương xót cả đối với cá nhân lẫn đối với cộng đồng Giáo Hội. Nó có thể giúp để ta thắng vượt sự gây hấn và tạo phe tạo phái trong Giáo Hội; nó có thể trợ giúp trong việc đem lại cho đức khiêm nhường Kitô Giáo một sức sống mới, thiết lập ra nhiều cách đối xử đầy lòng thương xót với nhau hơn trong Giáo Hội và do đó, giúp Giáo Hội trở nên thương xót hơn.

IV. THỰC HÀNH CỦA GIÁO HỘI VÀ NỀN VĂN HÓA THƯƠNG XÓT

Dĩ nhiên, đối với Giáo Hội, chỉ nói đến chữ thương xót mà thôi là điều không đủ; điều cần là phải thực hành nó (Ga 3:21). Nhất là ngày nay, người ta phê phán Giáo Hội qua việc Giáo Hội làm nhiều hơn qua lời Giáo Hội nói. Do đó, sứ điệp của Giáo Hội phải gây hiệu quả trên các thực hành cụ thể của mình và đem lại một nền văn hóa thương xót trong toàn bộ sinh hoạt của mình.[26]

Trong thế giới Hy Lạp và La Mã, quả có lòng từ thiện và lòng bác ái, nhưng chúng không hướng về người nghèo, mà hướng về người công dân (phân phối thực phẩm, các cơ sở sức khỏe v.v…). Trái lại, đời sống Giáo Hội ngay từ lúc khởi đầu đã được nhận diện nhờ thực hành bác ái rất sinh động. Nó rút tỉa từ thực hành Do Thái, nhưng dựa vào sứ điệp của Chúa Giêsu, nó cũng có đường lối riêng. Từ buổi ban đầu, một đặc điểm khác biệt của thực hành này là: nó không phải là một việc đạo đức tư riêng, mà đúng hơn được cộng đồng đem ra sống dưới một hình thức định chế hóa.

Như thế, ngay từ lúc khởi đầu, việc tụ họp với nhau để dự Bữa Ăn Tối của Chúa đã được liên kết với bữa ăn agape (yêu thương, tức một bữa ăn no bụng được cử hành như một buổi lễ yêu thương). Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại rằng việc phục vụ bàn ăn, ngay trong cộng đồng nguyên thủy ở Giêrusalem, cũng đã chiếm khá nhiều thì giờ đến nỗi các tông đồ không thể đương đầu được nữa, nên bẩy tác nhân, sau đó, được gọi là phó tế, đã được cử nhiệm để phụ trách việc này (Cv 6:1-4). Trên thực tế, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến sự dị biệt giữa Bữa Ăn Tối của Chúa và một bữa ăn thường vì có những lời kêu ca của cộng đồng. Ngài không muốn hai loại bữa ăn này lẫn lộn với nhau, nhưng không ai nghi vấn sự kiện chúng thuộc về nhau (1Cr 11:17-34).[27] Ngay từ những ngày đầu tiên, việc giúp đỡ nhau đã vượt quá các cộng đồng cá biệt liên hệ. Thánh Tông Đồ Phaolô đã lập ra các cuộc lạc quyên thường xuyên cho người nghèo ở Giêrusalem (Gl 2:10; Rm 15:26; 2Cr 8:9). Có một sự thật nền tảng sau đây: “Hãy mang gánh nặng của nhau, và nhờ thế, anh em sẽ làm trọn lề luật của Chúa Kitô” (Gl 6:2). Như thế, các Kitô hữu đầu tiên không những coi nhau là anh em, họ còn hành động như anh em nữa.[28]

Các chứng cớ của Giáo Hội sơ khai thì có nhiều và là các chứng cớ khiến ta sửng sốt. Các chứng từ tiên khởi này cho ta hay: các của bố thí được phân phối lúc kết thúc các buổi thờ phượng Chúa Nhật.[29] Chúng được dùng để nâng đỡ các quả phụ, cô nhi, bệnh nhân, người yếu đuối, người nghèo và những người không thể làm việc; các của bố thí cũng được dùng trả lương cho những người phục vụ cộng đồng cũng như hỗ trợ việc săn sóc tù nhân, những người mất sức tại các hầm mỏ, và những người nô lệ; chúng được dùng để tiếp đón những người mới tới và giúp đỡ các cộng đồng nghèo và gặp nguy hiểm. Tertullian tường trình rằng cách các Kitô hữu săn sóc người túng thiếu làm các người ngoại giáo cùng thời rất đỗi ngạc nhiên. Ông thuật rằng các người ngoại giáo này nói với nhau: “Xem họ thương yêu nhau xiết bao!”.[30] Một chứng từ đẹp đẽ về đời sống các Kitô hữu tiên khởi được tìm thấy trong Lá Thư không tên gửi cho Diognetus, viết khoảng thế kỷ thứ hai hay thứ ba. Nó mô tả: các Kitô hữu không sống lối sống kỳ lạ, mà đúng hơn họ sống cuộc sống hướng ngoại và hoàn toàn bình thường, nhưng họ cư xử rất khác. “Họ thương yêu mọi người, nhưng lại bị mọi người bách hại… Họ nghèo, ấy thế nhưng họ làm nhiều người ra giàu có; họ hoàn toàn không có tài sản, ấy thế nhưng họ hưởng được một sư dư dật hoàn toàn”.[31]

Vị giám mục chịu trách nhiệm đối với sự phục vụ có tính phục dịch (diaconal) này và vì mục đích này, ngài sử dụng các phó tế. Từ thế kỷ thứ tư, người ta thấy xuất hiện các nhà dành cho người bệnh và khách hành hương và, ngoài ra, còn có những nơi tạm trú cho người nghèo, những nhà sau đó đã trở thành các bệnh viện thời Trung Cổ dành chăm sóc người nghèo và người bệnh. Sau đó, người ta thấy xuất hiện các dòng tu chuyên chăm sóc người bệnh và nhiều người khác; họ đã tranh đấu một cách vô vị lợi cho chính nghĩa trẻ em, người nghèo, người già, người bệnh, và người khuyết tật và vẫn tiếp tục làm như thế cho tới nay. Khi làm như thế, Kitô Giáo đã gây ảnh hưởng lên nền văn hóa Âu Châu và nền văn minh của nhân loại nói chung. Ngày nay, ảnh hưởng này vẫn tiếp tục hữu hiệu, nhưng phần lớn dưới hình thức tục hóa. Không có đà thúc đẩy của Kitô Giáo này, cả lịch sử văn hóa và xã hội của Âu Châu lẫn lịch sử loài người đều không thể hiểu được.

Dựa trên các hoàn cảnh xã hội đã và đang thay đổi, nhiều câu hỏi mới đã được đặt ra và nhiều thách đố xã hội mới đã xuất hiện mà ta sẽ xem xét một cách chi tiết.[32] Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chỉ chú ý tới một vấn đề: sự nguy hiểm của việc biến Giáo Hội thành tiểu tư sản trong xã hội Tây Phương giàu có. Trong nhiều cộng đồng, người ta đã khai triển ra một môi trường trong đó những người không thích hợp với các thông số của lối sống ít nhiều trung lưu, những người đã lâm vào những lúc khó khăn, chỉ tìm được một chỗ đứng hết sức khó khăn. Đó là một môi trường rất ít tương hợp với triết lý thực hành của Chúa Giêsu. Vì trong thời Người còn sống trên dương gian, không có gì gây xôn xao bàn tán cho bằng việc Người quan tâm đến những người tội lỗi. Người ta trách móc đặt câu hỏi: “Tại sao ông ta lại ăn uống với phường thu thuế và những kẻ tội lỗi?”. Câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Những người khỏe mạnh đâu cần thầy thuốc, mà chỉ những người có bệnh mới cần mà thôi; tôi đến không phải để kêu gọi người công chính mà là người tội lỗi” (Mc 2:16-17). Chúa Giêsu cũng thấy nhiều đức tin hơn nơi những người thu thuế và gái điếm hơn là nơi những người thuộc giai cấp quyền thế ở thời ấy. Do đó, Người nói rằng những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước những người tự coi mình là đạo hạnh (Mt 21:31-32). Với những người tố cáo, điệu người đàn bà bị bắt vì ngoại tình đến trước Người, Người chỉ vỏn vẹn nói: “Ai trong các ông không có tội hãy là người đầu tiên ném đá cô ta”. Và khi không còn một ai trong số những người muốn lên án nàng, Người nói với người đàn bà: “Tôi cũng không lên án chị. Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8:7,11).

Bởi thế, lời chỉ trích nặng nề nhất có thể nêu lên chống lại Giáo Hội là lời tố cáo cho rằng thường chỉ rất ít việc làm tốt đi theo, hay xem ra đi theo, lời nói của Giáo Hội mà thôi. Giáo Hội bị chỉ trích vì tuy nói về lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng theo cái nhìn của nhiều người, Giáo Hội là người nghiêm khắc, ác nghiệt và nhẫn tâm. Những tố cáo như thế càng lớn tiếng hơn liên quan tới vấn đề Giáo Hội cư xử với những người có đời sống tan nát hay thất bại; với những cá nhân ly dị và tái hôn phần đời; với những người khác đã xa lìa Giáo Hội (căn cứ vào dân quyền của họ), thường chỉ vì họ không muốn hay không thể trả thuế nhà thờ, hay xa lìa vì đã chỉ trích hoặc thậm chí bác bỏ những người có lối sống không phù hợp với kỷ luật Giáo Hội hoặc, cách khác, không xứng hợp với hệ thống luật lệ của Giáo Hội.

Nếu muốn không những công bố, mà còn sống sứ điệp của Chúa Giêsu về Chúa Cha hay sự tha thứ của Người và cách thức Người cư xử với những người sống ở bên lề hối ấy, thì Giáo Hội không nên xa lánh những người, hồi ấy cũng như bây giờ, không được kể là đạo hạnh. Không cần phải kết án người giàu và người thuộc giai cấp thượng lưu một cách quyết liệt, nhưng Giáo Hội cần có một trái tim dành cho những người bé nhỏ, người nghèo, người bệnh, người khuyết tật, người hè phố, di dân, những người bị đẩy qua bên lề và bị kỳ thị, người không nhà, người nghiện ngập, những người mắc bệnh AIDS, các phạm nhân và cả các gái điếm nữa, những người, thường vì túng cực, không còn đường nào để sống ngoại trừ bán chính thân xác mình và, do đó, thường nhận được những sỉ nhục kinh khủng. Lẽ dĩ nhiên, Giáo Hội không thể biện minh cho tội lỗi, nhưng chắc chắn Giáo Hội nên lưu tâm tới những người tội lỗi một cách thương xót. Theo chân Chúa Giêsu, Giáo Hội không bao giờ để người ta nhận thấy là một Giáo Hội chủ yếu của người giàu, người quyền thế, và người đáng kính trong xã hội. Ưu tiên chứ không độc chiếm chọn người nghèo, theo nghĩa rộng rãi nhất của kiểu nói này, quả thực được dành cho Giáo Hội.

Lịch sử các thánh dạy ta rất nhiều về phương diện này. Người thu thuế Lêvi đã trở thành Thánh Matthew Thánh Sử và Saulo trở thành Thánh Phaolô. Những vị sau này trở thành thánh như Charles de Foucauld, đều khởi đầu là những người không ra gì (deadbeat). Nếu ta nhìn vào cuộc sống trước đó của ngài, thì Thánh Augustin đến làm một phó tế cũng bất xứng, xét theo tiêu chuẩn đề cử giám mục ngày nay. Tất cả đều là các thí dụ cho thấy Thiên Chúa có thể tạo nên một điều hữu dụng từ một cây gỗ cong queo.

May mắn thay, vẫn còn những không gian và những chỗ thương xót như thế trong Giáo Hội. Và đối với những người phục vụ một cách thương xót như thế, ta không thể bầy tỏ đủ lòng kính trọng, biết ơn và nhìn nhận sâu xa. Sự phục vụ nói đây không chỉ về phương diện giúp đỡ thể lý trong các bệnh viện, trong các nhà dành cho người cao niên, người tàng tật, người không nhà và những người tùy thuộc họ. Nền văn hóa thương xót của Kitô Giáo phải giúp các nhà này, các nhà nghỉ chân này và các nhà trọ này vượt quá việc giúp đỡ cần thiết bề ngoài. Các nhà này cần được trang bị, hết sức có thể, với mọi dụng cụ y khoa hiện đại, nhưng các nhà này không được để mình bị cột chặt vào việc trở thành một hệ thống được điều hướng về kỹ thuật và càng ngày càng nặng về kinh tế và bàn giấy, đến nỗi không còn cả thời gian lẫn không gian cho việc chăm sóc nhân ái, lắng nghe người khác, và an ủi họ. Để đạt mục đích này, cần có những người chăm sóc, bất kể là giáo sĩ hay giáo dân, có lòng thương xót như anh như chị. Các cộng đồng L’Arche của Jean Vanier dành cho những người khuyết tật chậm phát triển có thể được dùng một cách đặc biệt làm mẫu mực sáng chói cho một nền văn hóa thương xót Kitô Giáo như thế.

Là một giám mục, bất cứ khi nào đi thăm các tù nhân vào dịp Giáng Sinh hoặc, trong năm, tới thăm một thừa tác mục vụ dành cho người không nhà và gặp gỡ người ta ở đấy, những người mà xã hội trung lưu của chúng ta thường hay tránh xa, là mỗi lần tôi cảm thấy họ được ngẩng cao đầu lên xiết bao khi họ được nhìn đúng, được coi trọng và được chấp nhận trong nhân phẩm của họ bởi các nhóm công dân Kitô Giáo hay nhân đạo và khi, ít nhất trong vài giờ, họ cảm nhận được tình anh em và sự an toàn. Nhờ cách này, tia sáng hy vọng và ấm áp sẽ bừng lên cho cả họ nữa giữa thế giới vốn xám ngắt và ảm đạm này.

Nền văn hóa thương xót không thể tự giới hạn vào việc giúp đỡ vật chất; các tương tác đầy cảm thương với nhau cũng là điều cần thiết. Từ rất sớm, Thánh Phaolô vốn đã than phiền về việc lập phe lập phái trong cộng đồng (1Cr 1:10-17). Ngài mạnh mẽ chỉ trích các Kitô hữu về việc họ cắn xé lẫn nhau, thay vì để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn (Gl 5:15). Những than phiền về việc thiếu yêu thương giữa các Kitô hữu cũng là điều các Giáo Phụ hay nhắc đến. Một trong các chứng từ hậu Thánh Kinh đầu tiên, tức thư của Thánh Clemente, đã can thiệp làm trọng tài cho cộng đồng Corinto. Thánh Gregorio thành Nazianzo than phiền bằng những lời cay đắng và nghiêm khắc về việc thiếu yêu htương và cãi cọ trong Giáo Hội, nhất là trong hàng giáo sĩ: “Sỉ nhục đã trút xuống các nhà lãnh đạo… Chúng ta nhẩy xổ vào nhau và ăn thịt nhau”.[33] Những lời rõ ràng tương tự như thế cũng phát xuất từ thánh Chrysostom. Đối với ngài, việc thiếu yêu thương nơi các Kitô hữu đơn thuần chỉ là một điều ô nhục.[34] Như thế, nơi các bản văn giáo phụ này, độc giả thời nay tìm được một chút an ủi nho nhỏ nào đó: vì điều hiện ta đang cảm thấy trong Giáo Hội cũng chẳng có chi mới lạ cả; xem ra nó không tốt gì hơn quá khứ.
Văn hóa thương xót nơi các Kitô hữu, trước hết, phải trở nên cụ thể ngay trong phụng vụ, trong đó, ta làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa hiển thị trong các cử hành của ta. Về phương diện này, Thư của Thánh Giacôbê đưa ra cho chúng ta một bài học rõ ràng:

“Giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo!” (Gcb 2:2-6).

Thánh Giacôbê nhấn mạnh hai lần rằng Chúa Kitô không thiên vị với bất cứ ai và, do đó, cũng một tinh thần như thế phải áp dụng cho các Kitô hữu.

Một lần nữa, về phương diện này, Thánh Chrysostom hết sức rõ ràng. Trích dẫn chi tiết lời lẽ của vị giám mục và giáo phụ vĩ đại này là điều nên làm:

“Như thế ta sẽ bào chữa ra sao khi ăn thịt chiên, ta trở thành chó sói? Khi nuôi chiên, ta bắt đầu cuỗm chúng như những con sư tử? Mầu nhiệm này đòi ta phải hoàn toàn xa lánh không những bạo lực mà cả thù hằn đơn giản nữa. Thực vậy, mầu nhiệm này là mầu nhiệm hòa bình; nó không cho phép ta chạy theo giàu có bằng các phương tiện bất chính… Như thế, ta hãy chạy xa khỏi vực thẳm này; ta cũng đừng nghĩ rằng sau khi cướp bóc cô nhi quả phụ, ta dâng lên bàn thờ chén vàng chén ngọc là đủ để được cứu rỗi… Vì Giáo Hội không phải là cửa hàng bán vàng bán bạc, mà đúng hơn là một cộng đoàn thiên thần tôn vinh Thiên Chúa… Chiếc bàn của Bữa Tiệc Ly không phải bằng bạc mà cũng không phải chén vàng Chúa Kitô đã dùng để ban máu Người cho các môn đệ; nhưng nó vẫn quý giá và tuyệt vời vì tràn đầy Thánh Thần. Anh chị em có muốn tôn vinh thân thể Chúa Kitô không? Anh em đừng phớt lờ Người khi thấy Người trần truồng; anh em đừng tôn kính Người ở đây trong nhà thờ này với đồ lụa là trang trí, trong khi làm ngơ, để Người chết cóng vì lạnh và trần truồng ở bên ngoài! Vì Đấng từng phán rằng “Này là Mình Thầy” và, qua lời nói, đã chứng thực sự thật, cũng Đấng ấy đã phán “Các ngươi thấy ta chết đói, nhưng không cho Ta ăn”; và “khi các ngươi không làm điều ấy cho một trong số những người nhỏ bé nhất này, là các ngươi không làm cho Ta”. Vì thế, không cần đồ lụa là trang trí, mà chỉ cần một linh hồn tinh trong. Nhưng điều ấy cần rất nhiều lưu tâm… Thiên Chúa vốn không cần chén vàng, mà cần các linh hồn vàng”.[35]

Điều đúng với phụng vụ cũng phải đúng với lối sống của Giáo Hội như một toàn thể, nhất là lối sống của những người thay mặt Giáo Hội. Giáo Hội công bố Chúa Giêsu Kitô, Đấng, vì chúng ta, đã đổ hết vinh quang Thiên Chúa của Người ra và hạ mình xuống, trở thành nghèo nàn và giống một nô lệ (Pl 2:6-8; 2Cr 8:9). Cho nên, Giáo Hội không thể làm chứng cho Chúa Kitô một cách đáng tin cậy, Đấng đã trở nên nghèo nàn vì chúng ta, nếu Giáo Hội, nhất là qua các giáo sĩ của mình, tỏ ra là những chủ nhân ông giàu có. Trong Hiến chế Lumen Gentium về Giáo Hội, Công Đồng Vatican II đã đưa ra một đoạn quan trọng, nhưng, chẳng may, ít được trích dẫn, nói về lý tưởng của một Giáo Hội nghèo.[36] Trong khi đoạn nói tới cơ cấu định chế của Giáo Hội cũng tìm thấy ở cùng một chương và được liên tục trích dẫn, thì đoạn này rõ ràng ít được lưu ý. Bước chân theo Chúa Kitô, Giáo Hội chỉ có thể là một Giáo Hội cho người nghèo khi Giáo Hội, và nhất là hàng giáo sĩ, nếu không muốn sống như người nghèo, thì ít nhất cũng phải tìm cách chấp nhận một lối sống đơn giản và khiêm tốn.

Ngày nay, thời đại phong kiến cũng nên chấm dứt đối với Giáo Hội. Vì lý do này, Công Đồng, trong căn bản, đã bác bỏ các đặc quyền trần gian.[37] Hai tuần lễ trước khi bế mạc Công Đồng, 40 giám mục khắp thế giới đã ký kết Thỏa Ước Toại Đạo (Catacombs’Pact), trong đó, các ngài từ bỏ các đặc quyền và mọi điều có dáng dấp giàu có, tự cam kết làm một Giáo Hội nghèo để phục vụ người nghèo.

Khi kết thúc chuyến tông du mục vụ nước Đức ngày 25 tháng Chín năm 2011, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhắc lại các tuyên bố trên trong bài diễn văn của ngài tại Freiburg im Breisgau, một bài diễn văn được nhiều người lưu ý và gây nhiều tranh cãi. Ngài nói tới việc phải loại bỏ các yếu tố trần gian khỏi Giáo Hội. Dĩ nhiên, với tuyên bố này, ngài không có ý nói tới việc phải rút ra khỏi trần gian. Đúng hơn, ngài nhắc nhớ Tin Mừng Thánh Gioan, theo đó, Giáo Hội chắc chắn ở trong trần gian và có sứ mệnh trong trần gian, nhưng không thuộc trần gian và không được mô phỏng tiêu chuẩn trần gian (Ga 17:11,14). Lẽ dĩ nhiên, không một người thấu suốt nào có thể bác bỏ được điều này: Giáo Hội ở trần gian này cần có các phương tiện trần thế và các cơ cấu định chế để chu toàn các trách vụ của mình. Nhưng nếu thế, phương tiện luôn phải là phương tiện chứ không được bí mật trở thành mục đích. Do đó, các quan điểm định chế và hành chánh không được trở thành quá mạnh mẽ và quyết định mọi sự đến nỗi, thay vì phục vụ đời sống thiêng liêng, chúng lại đè bẹp và làm đời sống ấy chết ngạt. Bởi thế, giải thoát khỏi quyền lực thế gian và giàu có trần thế có thể tạo ra sự tự do mới mẻ để Giáo Hội chu toàn sứ mệnh của mình.

Như thế, việc thế tục hóa đầu thế kỷ XIX mà thoạt đầu người ta cảm thấy như là một hành vi giải tư và bất chính, và thực là thế, đã trở thành một khởi điểm cho việc canh tân thiêng liêng. Dù không thể so sánh hoàn cảnh lúc đó với hoàn cảnh ngày nay, nhưng, ít nhất ở Đức hiện nay, mối nguy hiểm tương tự cũng đang được đặt ra do việc quá định chế hoá và quá quan liêu hóa Giáo Hội, vốn là một hình thức thế tục hóa thực sự khiến Giáo Hội khó khác biệt với các cơ chế trần gian và dẫn tới tác phong định chế vốn làm mờ khuôn mạo thiêng liêng của Giáo Hội. Việc loại bỏ và hủy diệt các cơ cấu ấy, các cơ cấu, về nguyên tắc, vốn xa lạ đối với Giáo Hội, để sống đơn giản và nghèo khó hơn, chắc chắn sẽ làm cho Giáo Hội ngày nay được tin tưởng hơn và trở thành con đường để Giáo Hội tiến về tương lai.

Nếu không tự ý tiến theo con đường trên, thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ bị các thế lực bên ngoài bắt phải làm thế. Vì Giáo Hội (nói rõ hơn, hai Giáo Hội lớn ở Đức) càng ít đại diện cho xã hội chính dòng và càng ít là Giáo Hội nhân dân, theo nghĩa của nó, ngày nay và càng như thế trong tương lai, thì sự việc sẽ vĩnh viễn giống như điều chúng đã trở nên vào những thời điểm khác dưới những tiền đề khác. Như thế, việc thoát ra khỏi cơ cấu xã hội trước đây của Giáo Hội, một cơ cấu ngày nay đã đến hồi kết thúc, có thể trở thành một khởi đầu mới cho Giáo Hội.[38]

V. LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG GIÁO LUẬT

Người ta hiểu sai và dùng sai chữ thương xót không những trong phạm vi cá nhân mà còn trong cả phạm vi định chế của Giáo Hội nữa. Việc này diễn ra cả ở hai nơi khi người ta lẫn lộn thương xót với việc khoan dung yếu đuối và quan điểm để mặc nữa. Khi xảy ra như thế, điều sau đây cũng sẽ đúng: corruptio optimi pessima (sự thối nát của người tốt nhất là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra). Lúc đó, người ta có nguy cơ biến ơn thánh quý báu của Thiên Chúa, vốn được “mua”“nhận được” bằng giá máu của Người trên thập giá, thành của rẻ của ôi và biến nó thành một thứ hàng hóa bán hạ giá ở tầng hầm. Đó chính là điều Dietrich Bonhoeffer muốn nói khi tuyên bố rõ ràng, không mầu mè hoa lá, rằng “ơn thánh rẻ tiền nghĩa là biện minh cho tội lỗi chứ không phải người tội lỗi… Ơn thánh rẻ tiền là giảng dạy tha thứ không cần ăn năn; giảng dậy phép rửa không cần kỷ luật Giáo Hội; giảng dậy rước lễ không cần nhìn nhận tội lỗi; giảng dậy giải tội không cần phải đích thân xưng tội”.[39]

Sự suy sụp kỷ luật Giáo Hội một cách sâu rộng là một trong các yếu điểm của Giáo Hội hiện nay. Nó cho thấy một sự hiểu lầm đối với điều Tân Ước có ý nói về lòng thương xót và đối với điều chiều kích mục vụ của Giáo Hội muốn hiểu. Việc triệt phá thứ thực hành cứng ngắc, vụ luật mà không đồng thời xây dựng một thực hành mới cho kỷ luật Giáo Hội để nó phù hợp với Tin Mừng, đã dẫn tới một khoảng chân không làm dịp cho nhiều tai tiếng khiến xảy ra cuộc khủng hoảng trầm trọng cho Giáo Hội. Chỉ gần đây thôi, trong bối cảnh lạm dụng tình dục khủng khiếp, người ta dường như mới nhớ ra rằng kỷ luật Giáo Hội là điều cần thiết.

Do đó, trong ngữ cảnh sứ điệp thương xót, điều cần là đặt câu hỏi một lần nữa về ý nghĩa và thực hành của kỷ luật Giáo Hội. Vì việc suy sụp kỷ luật Giáo Hội không thể nào nại tới Chúa Giêsu và Tân Ước được. Hạn từ nguyên khởi được Tân Ước dùng để chỉ Giáo Hội là ecclesia (ἐκκλησία) vốn chứa đựng các yếu tố luật pháp ngay từ đầu. Ý tưởng cho rằng Giáo Hội của yêu thương lúc ban đầu sau đó bị cho là đã trở thành Giáo Hội của luật lệ không thể được chứng thực.[40] Theo Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô quyền chìa khóa và ban cho ngài, cũng như cho mọi Tông Đồ, thẩm quyền buộc và tha, nghĩa là thẩm quyền đuổi các cá nhân ra khỏi cộng đồng và nhận lại họ. Tin Mừng này đã đưa ra qui luật rõ ràng để thi hành thẩm quyền vừa nói (Mt 16:19; 18:18).[41]

Việc trục xuất khỏi cộng đồng diễn ra ngay trong các ngày đầu tiên của Giáo Hội (Cv 5:1-11; xem 19:19). Trong nhiều đoạn, Tân Ước đã kể ra các tội khiến người ta bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa và không thể có chỗ đứng trong Giáo Hội. Thánh Phaolô kể tên tội gian dâm, lòng tham lam, việc trộm cắp, và việc thờ ngẫu thần (1Cr 6:9).[42] Do đó, ngài không ngần ngại trục xuất người phạm tội loạn luân ra khỏi cộng đồng (1Cr 5:4tt). Trong các đoạn khác, cũng đã có những lời cảnh cáo về việc bất đồng và chia rẽ trong cộng đồng: Hãy tránh xa chúng! (Rm 16:17); đừng liên hệ với chúng! (1Cr 5:11).[43] Bởi thế, Thánh Phaolô khẩn khoản yêu cầu đệ tử của ngài là Timôtê và những ai ở trong Giáo Hội ghi tâm những lời sau đây của ngài: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4:2).

Đặc biệt trong việc tham dự Thánh Thể, việc xét mình và trục xuất là điều cần thiết (1Cr 11:26-34). Phép Thánh Thể là gia tài tối cao của Giáo Hội, một gia tài không được biến thành món hàng hạ giá bán ở tầng hầm có thể chào mời bất cứ ai không cần phân biệt và mọi người tin rằng họ đều có quyền được hưởng. Ở đây, Thánh Phaolô đưa ra lời kết án rất gay gắt: bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa; họ ăn và uống án phạt mình (1Cr 11:27,29). Nếu ta đọc những lời này trong ngữ cảnh của chúng, thì tư cách làm chi thể trong Giáo Hội Công Giáo không thể là tiêu chuẩn duy nhất để xác định người nào được lãnh nhận Thánh Thể, bất kể tiêu chuẩn này quan trọng đến đâu theo truyền thống xưa của Giáo Hội. Nhưng ngay người Công Giáo cũng phải tự nghiêm chỉnh xét mình xem liệu đời sống mình có xứng hợp với Phép Thánh Thể hay không, coi nó như việc cử hành cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Việc thực hành thống hối xưa không phải vô cớ khi được trực tiếp nối kết với việc không được hay lại được chịu Phép Thánh Thể. Những việc này không liên hệ tới điều gì khác ngoại trừ sự thánh thiện của Giáo Hội.[44]

Vì kỷ luật của Giáo Hội là để phù hợp với ý nghĩa của Tin Mừng, nên nó cũng phải được áp dụng theo ý nghĩa và tinh thần của Tin Mừng. Vì thế, Thánh Phaolô nói rõ rằng hình phạt bị loại ra ngoài phải được hiểu là một hình phạt nhằm buộc người có tội suy nghĩ về tác phong của mình mà ăn năn thống hối. Thánh Phaolô có ý trao người có tội cho quỷ “để phần hồn họ được cứu trong ngày của Chúa” (1Cr 5:5). Nếu người có tội hối lỗi và ăn năn, cộng đồng phải để lòng nhân từ thắng thế một lần nữa (2Cr 2:5-11). Hình phạt là phương thuốc cuối cùng và, bởi thế, có giới hạn về thời gian. Nó là phương thế quyết liệt và cuối cùng được lòng thương xót sử dụng. Có thể nói đây là ý nghĩa giáo dục và chữa trị của thực hành thống hối. Xét cho cùng, nó có ý nghĩa cánh chung; nó dự ứng việc phán xét cánh chung và nó cứu người ta khỏi hình phạt đời đời bằng cách bắt họ chịu hình phạr tạm bợ ở đời này. Khi được hiểu cách này, thì thực hành thống hối của Giáo Hội không phải là điều khắc nghiệt nhẫn tâm, mà đúng hơn là một hành vi thương xót.

Lối hiểu như thế về kỷ luật Giáo Hội như thuốc thương xót đắng đót nhưng cần thiết không phải là một hình thức vụ luật cũng không phải là một hình thức buông thả. Nó phù hợp với truyền thống hiểu Chúa Giêsu Kitô, dưới ánh sáng các lần chữa bệnh cách lạ lùng của Người, như thầy thuốc, người chữa bệnh, và là Đấng cứu rỗi, một truyền thống trong đó, các thầy thuốc thánh thiện (Luca, Cosma, Damian và nhiều vị khác) được vinh danh và vị mục tử, nhất là vị giải tội, được hiểu không phải là quan tòa mà chủ yếu là thầy thuốc của linh hồn.[45]

Lối hiểu có tính điều trị này về luật lệ và kỷ luật Giáo Hội dẫn ta tới vấn đề nền tảng phải giải thích và giải nghĩa thế nào về luật Giáo Hội, tức, khoa giải thích giáo luật.[46] Đây là một phạm vi rất rộng, và trong ngữ cảnh này, dĩ nhiên chúng ta không thể bàn luận một cách toàn diện được, mà chỉ có thể bàn tới mối tương quan giữa luật Giáo Hội và lòng thương xót.

Trong cuộc tranh luận của Người với các biệt phái, Chúa Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn dứt khoát để suy nghĩ về cách áp dụng luật Giáo Hội sao cho phù hợp với Tin Mừng. Trả lời cho lối giải thích giới răn liên quan tới ngày Sabath ngược với ý nghĩa nhân đạo khởi thủy của nó, Người quả quyết: “Ngày Sabath được làm cho con người, chứ không phải con người được làm cho ngày Sabath” (Mc 2:27). “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisee giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23:23). Khi nói thế, Chúa Giêsu không bãi bỏ Torah. Vì quả thực, Người đến không phải để hủy bỏ lề luật và các tiên tri, mà là để làm chúng nên trọn (Mt 5:17). Nhưng Người khuyên răn người ta phải giải thích Torah theo phẩm trật các sự thật, nghĩa là, theo sự hướng dẫn của sứ điệp chính là công lý và thương xót.

Theo chiều hướng trên, truyền thống Chính Thống đã khai triển ra nguyên tắc “nhiệm cục” (economy). Theo nguyên tắc này, cần phải nói sự thật một cách rõ ràng, không úp mở, không thêm không bớt. Cần phải giải thích sự thật một cách tỉ mỉ (ἀϰϱιβεία,akribeia=nhiệm nhặt). Nhưng cũng cần giải thích nó theo nhiệm cục trong từng trường hợp đặc thù, phù hợp với ý hướng chân chính của nó, nghĩa là phù hợp với οἰκονομία (oikonomia=nhiệm cục) tức toàn bộ trật tự cứu rỗi của Thiên Chúa.[47] Truyền thống Công Giáo không quen thuộc với nguyên tắc nhiệm cục này, nhưng có biết tới epikeia (lệ đình luật), một nguyên tắc tương tự. Ngay Aristotle cũng biết rằng các luật tổng quát không bao giờ bao trùm thỏa đáng mọi trường hợp cá biệt hết sức phức tạp. Do đó, epikeia phải trám các lỗ hổng, và vì là sự chính trực cao hơn, nó không hủy bỏ qui lệ khách quan trong trường hợp cá biệt, trái lại áp dụng qui lệ này một cách khôn ngoan sao cho việc áp dụng này thực sự công chính chứ không bất công.[48] Thánh Thomas d’Aquin tiếp nhận nguyên tắc này theo tinh thần của hạn từ misericordia (thương xót) của Thánh Kinh và thâm hậu hóa nó. Ngài biết rằng Thiên Chúa chấp nhận mọi hữu thể nhân bản trong hoàn cảnh độc đáo của họ đến độ họ không bao giờ là một trường hợp trong muôn vàn trường hợp.

Bởi thế, luật lệ nhân bản chỉ có giá trị ut in pluribus (như trong nhiều trường hợp) nghĩa là trong đa số các trường hợp. Vì đặc tính tổng quát của chúng, chúng không bao giờ có thể bao trùm mọi trường hợp cá biệt thường rất phức tạp. Do đó, epikeia không bãi bỏ công lý; đúng hơn, nó là sự chính trực cao hơn.[49]

Lòng thương xót không hủy bỏ công lý, nhưng làm nó nên trọn và vượt quá nó.[50] Thánh Tôma còn cho rằng: công lý mà không có thương xót chỉ là bạo tàn; thương xót mà không có công lý là mẹ của phân hủy; do đó, cả hai phải gắn bó với nhau.[51] Lòng thương xót không những quan tâm tới việc phân phối của cải vật chất cách công bằng. Nó còn muốn công bằng với cả phẩm giá cá thể độc đáo của từng người nữa; nó là thứ công lý qui hướng về con người, chứ không qui hướng về sự vật. Lòng thương xót đem công lý tới để người ta “gặp nhau trong giá trị này là chính con người họ với phẩm giá riêng biệt của họ”. Như thế, theo một công thức của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nó có khả năng “phục hồi con người cho chính họ”. Và “theo một nghĩa nào đó… nó là hiện thân hoàn hảo nhất của công lý”.[52]

Trên bình diện luật pháp, aequitas canonical, tức sự công bằng theo giáo luật, tương hợp với epikeia. Theo định nghĩa cổ điển, nó giả thiết phải làm dịu tính khắc nghiệt của công lý luật pháp bằng lòng thương xót.[53] Như thế, theo học thuyết giáo luật truyền thống, công lý và lòng thương xót cùng với nhau sẽ có thế giá đối với việc áp dụng luật lệ của Giáo Hội một cách cụ thể, thực tế để đạt được các giải pháp công bằng và chính đáng. Bộ giáo luật cố tình kết thúc bằng lời tuyên bố này: qui luật cao nhất là phần rỗi các linh hồn.[54]

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, trong một bài diễn văn với Tòa Tối Cao Roma ngày 21 tháng Giêng năm 2012, đã đưa ra nhiều nhận định quan trọng và có tính nền tảng liên quan tới khoa giải thích luật lệ. Ngài hết lòng ủng hộ lối giải thích thương xót, công bằng, nhiệm cục, và một cách tổng quát, hỗ trợ lối giải thích luật lệ gọi là mục vụ.[55] Các nhận định này chỉ mâu thuẫn biểu kiến đối với lập trường trình bầy ở đây. Vì Đức Giáo Hoàng chỉ trích các chủ trương muốn đặt các xem xét của con người thay thế cho đặc tính khách quan của luật lệ trong việc xác định điều gì là chính đáng trong các trường hợp đặc thù. Ngài cho rằng khi làm thế, khoa giải thích luật lệ đã bị lấy hết ý nghĩa và liều mình sa vào mối nguy võ đoán vì hoàn cảnh, thay vì luật khách quan, đã trở thành qui phạm trong các xem xét này và, do đó, xuất hiện mối nguy mở rộng cửa cho những thất thường chủ quan; những thất thường luôn giải thích luật lệ trái ngược với ý nghĩa khách quan và ngữ nghĩa (literal meaning) của nó.

Dĩ nhiên, ta đồng ý với sự phê bình của khoa giải thích thương xót, hiểu theo lối ấy. Đương nhiên, nó không thể là lối giải thích chủ quan hoặc, đúng hơn, võ đoán, trái ngược với ý nghĩa của luật khách quan; nó cũng không thể là vấn đề đạo đức học hoàn toàn theo hoàn cảnh về công lý. Trái lại, trọng điểm là áp dụng ý nghĩa khách quan của luật lệ một cách loại suy (analogously) vào một hoàn cảnh cụ thể thường phức tạp để việc áp dụng luật thực sự hợp tình hợp lý (fair) và chính đáng trong một hoàn cảnh nhất định. Do đó, đây không phải là vấn đề tái giải thích võ đoán, mà đúng hơn là vấn đề đem áp dụng ý nghĩa của luật khách quan sao cho thích đáng đối với vấn đề đang có trong tay và đối với hoàn cảnh. Đây không phải là vấn đề lý thuyết, mà đúng hơn, là vấn đề lý trí thực tiễn; nói cách khác, đây là vấn đề khả năng phán đoán, một khả năng có trách nhiệm áp dụng các nguyên tắc tổng quát vào các hoàn cảnh cụ thể.[56] Lý trí thực tiễn lưu ý tới việc áp dụng loại suy và thực tiễn một luật lệ đã định sẵn vào một hoàn cảnh đặc biệt. Theo Aristotle, áp dụng không phải là một diễn dịch thuần luận lý hoặc một bao hàm (subsumption) thuần duy nghiệm, ngược với chủ nghĩa duy trí (intellectualism) của Socrates và Plato. Đúng hơn, đòi hỏi của luật chỉ trở nên hữu hiệu trong một áp dụng cụ thể.[57]

Theo Thánh Thomas d’Aquin, lối áp dụng các nguyên tắc tổng quát vào hoàn cảnh cụ thể này là trách vụ của đức khôn ngoan. Không nên lẫn lộn khôn ngoan với võ đoán, lanh lợi (shrewdness), mánh khóe (craftiness), ranh mãnh (slyness), khéo léo (cleverness) hay những tính tương tự. Đúng hơn, phải hiểu nó là recta ratio agibilium (lý lẽ đúng áp dụng vào thực hành).[58] Khôn ngoan liên quan tới việc áp dụng qui luật khách quan một cách thích hợp với sự kiện, với thực tại, và, do đó, với hoàn cảnh; nó giả thiết trước đó, người ta phải biện phân và trải nghiệm. Thẩm phán không những phải được đào tạo về luật lệ mà còn phải có kinh nghiệm trong sự việc nhân bản nữa.[59] Thực thế, không phải là ngẫu nhiên khi khoa các thẩm phán học được tiếng Anh gọi là jurisprudence (từng chữ: khôn ngoan về luật) chứ không phải là juris-science (từng chữ: khoa học về luật).

Về phương diện thần học, trọng điểm là làm sự thật trong yêu thương (Ep 4:15), nghĩa là làm điều đúng, do yêu thương hướng dẫn. Ngoài việc sở đắc khả năng phán đoán nhân bản ra, người ta còn mong thẩm phán Giáo Hội phải là một thẩm phán công chính và thương xót, theo gương Chúa Giêsu. Đương nhiên, vị này sẽ không bẻ cong ý nghĩa khách quan của luật theo mỗi hoàn cảnh vì một ý ngay lành bị hiểu sai, nhưng phải áp dụng ý nghĩa ấy sao cho công chính và hợp tình hợp lý trong mỗi hoàn cảnh. Ngoài ra, vì cảm thức thương xót Kitô Giáo, vị thẩm phán sẽ còn phải để mình được đánh động bởi hoàn cảnh của người khác và phải cố gắng hiểu người khác từ viễn ảnh của hoàn cảnh ấy.[60] Thế rồi, vị thẩm phán sẽ đưa ra một phán quyết hợp tình hợp lý, tuy nhiên, không phải một phán quyết có chức năng như một máy chém, mà đúng hơn, một phán quyết chừa chỗ cho “lỗ hổng thương xót”, nghĩa là, giúp khả thể để người khác thực hiện một khởi đầu mới, nếu họ có thiện chí. Vị thẩm phán nên lấy Chúa Giêsu Kitô, vị thẩm phán thương xót, làm gương mẫu của mình.[61] Chuẩn mực của vị này phải là lòng từ tâm nhân hậu (ἐπιείκεια, epieikeia) của Chúa Giêsu Kitô (2Cr 10:1).

Khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhấn mạnh một cách đúng đắn rằng việc giải thích giáo luật phải diễn ra trong Giáo Hội, thì điều này cũng có nghĩa việc ấy phải diễn ra trong tinh thần của Chúa Kitô và trong tình huynh đệ Kitô Giáo, trong tinh thần công lý không bị làm tan loãng nhờ một lòng thương xót được hiểu đúng nghĩa, nhưng tìm được sự nên trọn của nó trong đó và nhờ thế được chuyển tải vào lãnh vực xã hội.

 

 

 

 

 


[1] Xc. Walter Kasper, Katholische Kirche: Wesen-Wirklichkeit-Sendung (Freiburg i.Br.: Herder 2011), pp. 126-29, 190-96, 247-54.

[2] Thánh Augustin, In evangelium Ioannis, 13, 15-17; xem 6, 23.

[3] Thánh Augustin, “Về Phép Rửa”, I, 8,10 v.v…

[4] Thánh Augustin, “Về Phép Rửa”, VI, 28, 39. Xem: Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 14.

[5] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 15; Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Tái lập sự hiệp nhất), số 3.

[6] Karl Bopp, Barmherzigkeit im pastoralen Handeln der Kirche: Eine symbolische-kritische Handlungstheorie zur Neuorientierung kirchlicher Praxis (Munich: Don Bosco Verlag, 1998); Paul M. Zulehner, Gott ist Grӧẞer als unser Herz (1John 3, 20): Eine Pastorale des Erbarmens (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006).

[7] Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, “Diễn Văn Khai Mạc Công Đồng Vatican II” trong The Documents of Vatican II, do Walter M. Abbott hiệu đính (New York: Guild Press, 1966), pp. 716.

[8] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót), ngày 30-11-1980, số 7.

[9] Căn cứ vào bản chất của nó, chương trình cổ vũ tân Phúc Âm hóa không mới mẻ gì. Liên tiếp trong lịch sử Giáo Hội, vẫn đã có những nhà giảng thuyết và các phong trào gây kích động kêu gọi người ta thống hối, hồi tâm, và đổi mới. Thời gian sau Công Đồng Trento, các kỳ đại phúc (giảng phòng) bình dân và sau đó các kỳ đại phúc vùng và đô thị, đã chứng tỏ là các khí cụ có giá trị để đạt mục đích này. Trong những thời gần đây hơn, người ta có thể nghĩ tới Kỳ Đại Phúc Pháp và Kỳ Đại Phúc Paris. Từ thời Công Đồng Vatican II, Tông thư Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng), năm 1975, của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Thông điệp Redemptoris Missio các số 32-38 (1990) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có tính quyết định. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng chuyên lo việc Tân Phúc Âm Hóa và chính ngài triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề này vào mùa thu năm 2012. Liên quan đến đề tài này, xem: Walter Kasper, “Neue Evangelisierung als theologische, pastorale und geistliche Herausforderung” trong Das Evangelium Jesu Christi (Freiburg i.Br.: Herder, 2009), pp. 284-291.

[10] Lời Nguyện Thánh Lễ thứ ba, ban ngày, Lễ Giáng Sinh.

[11] Thánh Augustin, Tự Thú, I, 1.

[12] Thánh John Chrysostom, Chú Giải Thư gửi Tín Hữu Roma, 2.

[13] Điều này đúng liên quan tới cách trình bày của Tân Ước về Biệt Phái. Nó càng đúng hơn khi nói tới cách Thư thứ hai của Thánh Phêrô xử lý các kẻ đối nghịch mình.

[14] Thần học tranh biện là nền thần học bênh vực giáo huấn của Giáo Hội chống lại các phản bác.

[15] Xem: Kasper, Katholische Kirche, pp. 47tt, 417tt.

[16] Ibid., pp. 170-172.

[17] Thánh Augustin, In evangelium Ioannis, 26, 6, 13; Thánh Thomas d’Aquin, Summa Theologiae, pt. III, q.73, a.6. Xem: Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 47; Hiến chế Lumen Gentium, 3,7,11 và 26.

[18] Walter Kasper, Die Liturgie der Kirche (Freiburg i.Br.: Herder, 2010), pp. 70-74.

[19] Hugo Rhaner, “Der Schiibruch und die Planke des Heils”, trong Symbole der Kirche: Die Ekklesiologie der Väter (Salzburg: Müller, 1964), pp. 432-472.

[20] Thánh Gregorio thành Nazianzo, Oratio 39, 17. Xem: Heinrich Denzinger, Enchiridion Symbolorum: Definitionum et declarationum de rebus fidei et morum (Freiburg i. Br.: Herder, 1963), pp. 1672.

[21] Xem: Các tiểu luận về thống hối trong: Kasper, Die Liturgie der Kirche, pp. 337-422.

[22] Về chủ đề này, xem nghiên cứu của Bernhard Poschmann, Karl Rahner và Herbert Vorgrimler…

[23] Công Đồng Trent, trong Denzinger, Enchiridion, 1680 và 1707; ngược với Thượng Hội Đồng Pistoia, 2639. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliation and Penance (1984).

[24] Karl Rahner, “The Meaning of Frequent Confession of Devotion” trong Theological Investigations vol. 3, bản dịch của Karl-H. và Boniface Kruger (Baltimore: Helicon, 1967), pp. 177-189.

[25] Johann Baptist Metz, trong bản dự thảo quyết định của Thượng Hội Đồng toàn thể các Giám mục Đức, chủ yếu do ngài viết: Unsere Hoffnung: Ein Bekenntnis zum Glauben in dieser Zeit: Ein Beschluss der Gemeinsamen Synode der Bistümer in der Bundesrepublik Deutschland (Bonn: Sekretär der Gemeinsamen Synode der Bistümer in der Bundesrepublik Deutschland, 1976), 93-95.

[26] Dĩ nhiên, không thể và cũng không phải là ý định của tôi mô tả sau đây toàn bộ lịch sử việc Giáo Hội chăm sóc người nghèo và các dịch vụ xã hội của Giáo Hội. Về đề tài này, xem W. Schwer, “Armenpflege B. Christlich”, trong Reallexikon für Antike und Christentum, do Theodor Klauser, Ernst Dassmann và Georg Schöllgen, và các người khác hiệu đính (Stuttgart: Anton Hiersemann Verlag, 1950), 1:693-98; F. Hauck, “πτωχός, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, do Gerhard Kittell và các người khác hiệu đính (Stuutgart: Kohlhammer, 1949-79), 6:887tt; W.-D. Hauschild, “Armenfürsorge II”, Theologische Realenzyklopädia do Gerhard Müller, Horst Balz và Gerhard Krause hiệu đính (Berlin: Walter de Gruyter, 1977-2007), 4:14-23; T. Becker, “Armenhilfe III”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và các người khác hiệu đính (Freiburg: Herder, 1993-2001), 1:999. Vẫn còn nhiều tín liệu là cuốn: Adolf von Harnack, Die Mission und Ausbreitung des Christentums in den ersten Jahrhunderten (Leipzig: Hinrichs, 1924), pp. 170-220.

[27] Về lịch sử giải thích đoạn này, xem: Wolfgang Schrage, Der erste Brief an die Korinther (Neukirchen-Vluyn: Neukirchener Verlag, 1999), pp. 58-107.

[28] Về đề tài này, xem ấn bản đầu tiên của Joseph Ratzinger, Christian Brotherhood, bản dịch của W.A. Glen-Doepel (London: Sheed & Ward, 1966). Walter Kasper, “Christliche Brüderlichkeit” trong Kirche-Sakrament-Gemeinschaft: Zur Ekklesiologie bei Joseph Ratzinger, do Christian Schaller hiệu đính (Regensburg: Verlag Friedrich Pustet, 2011), pp. 55-66.

[29] Thánh Justino Tử Đạo, Hộ Giáo, 67; Tertullian, Hộ Giáo, 39.

[30] Tertullian, Hộ Giáo, 39.

[31] Thư gửi Diognetus, 5.

[32] Xem chương VIII.

[33] Thánh Gregorio thành Nazianzo, Second Oration, 78-90; ở đây 78, 81.

[34] Thánh Chrysostom, Chú Giải Thư Roma: Bài Giảng 9, n.7tt.

[35] Thánh Chrysostom, Các Bài Giảng về Tin Mừng Thánh Matthew, Bài 50, n.3 và 4.

[36] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, tiết 8, đoạn 3.

[37] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 76.

[38] Kasper, Katholische Kirche, pp. 463-68.

[39] Dietrich Bonhoeffer, “Costly Grace”, trong The Cost of Discipleship, bản dịch của R.H. Fuller, tái bản (New York: Macmillan, 1972), pp. 36-37.

[40] Kasper, Katholische Kirche, pp. 141-148, 274-276. Cũng nên xem Dietrich Bonhoeffer, “The Church of Jesus Christ and the Life of Discipleship” trong The Cost of Discipleship, pp. 201-268.

[41] Xem E. Ernst, “Binden und Lösen”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 2, do Josef Höfer và Karl Rahner hiệu đính (Freiburg: Herder, 1957-1968), 2:463tt.

[42] Xem Gl 5:19-21; Ep 5:5; Cl 3:5; 1Tx 4:4-8; Kh 21:8; 22:15.

[43] Xem 2Tx 3:6,14; 1Tm 6:4; 2Tm 3:5.

[44] Xem: Kasper, Katholische Kirche, pp. 238-254.

[45] R. Herzog, “Arzt”, Reallexikon für Antike und Christentum, 1:723 tt; V. Eid, “Arzt III”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 2, 1:1049tt.

[46] Trong cuốn Truth and Method, Hans-Georg Gadamer đã thực hiện một việc tốt là giải thích vấn đề nền tảng của khoa giải thích và các song hành đối với khoa giải thích thần học. Trong diễn trình này, ông cũng đã nhấn mạnh đến sự liên hệ của Aristotle. Trong ngữ cảnh này, các nhận định của ông quan trọng vì chúng cũng được rút tỉa từ Aristotle và được Thánh Thomas d’Aquin chấp nhận. Xem: Truth and Method, bản dịch sửa đổi của Joel Weinsheimer và Donald G. Marshall, ấn bản 2 có sửa đổi (New York: Continuum, 1993), pp. 307-341. Theo viễn ảnh thần học: H. Müller, “Barmherzigkeit in der Rechtsordnung der Kirche?”, Archiv für katholisches Kirchenrecht, 159 (1990): pp. 353-367; Thomas Schüller, Die Barmherzigkeit als Prinzip der Rechtsapplikation in der Kirche im Dienst der salus animarum: Ein kanonistischer Beitrag zu Methodenproblemen der Kirchenrechtstheorie (Würzburg: Echter, 1993); Walter Kasper, “Gerechtigkeit und Barmherzigkeit: überlegung zu einer Applikationstheorie kirchenrechtlicher Normen” trong Theologie und Kirche (Mainz: Matthias Grünewald Verlag, 1999), pp. 183-191; Kasper, “Canon Law and Ecumenism”, The Jurist 69 (2009), pp. 171-189.

[47] Xem: Yves Congar, Diversity and Communion (Mystic, CT: Twenty-Third, 1985), pp. 54-69.

[48] Aristotle, Nicomachean Ethics, V, 14; 1127b-1138a. Xem Günter Virt, Epikie: Verantwortlicher Umgang mit Normen: Eine historisch-systematische Untersuchung (Mainz: Matthias Grünewald Verlag, 1983).

[49] Xem: Thánh Thomas d’Aquin, Summa Theologiae, pt. II/II, q.120 a. 2.

[50] Thánh: Thomas d’Aquin, Summa Theologiae, pt. I, q.21 a. 3 ad 2.

[51] Thánh Thomas d’Aquin, Super Ev. Matthaei, cap.5, lc.2.

[52] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia (Thiên Chúa giàu lòng xót thương), 1980, số 14.

[53] Xem: Kasper, “Gerechtigkeit und Barmherzigkeit”, pp. 188.

[54] Bộ Giáo Luật, 1983, đ.1752.

[55] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, “La legge canonical si interpreta nella Chiesa” trong Osservatore Romano 152 (2012) số 18, 8.

[56] Về điều này, xem: Gadamer, Truth and Method, pp. 30-34.

[57] Ibid., pp. 312-313.

[58] Thánh Thomas d’Aquin, Summa Theologiae, pt. II/II, q.47. Xem: Josef Pieper, Prudence, bản dịch của Richard và Clara Winston (New York: Pantheon, 1959); Martin Rhonheimer, Praktische Vernunft und Vernünftigkeit der Praxis: Handlungstheorie bei Thomas von Aquin in ihrer Entstehung aus dem Problemkontext der aristotelischen Ethik (Berlin: Akademie Verlag, 1994); E. Schockenhoff, “Klugeit I”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, 6:151tt.

[59] Thánh Thomas d’Aquin, Summa Theologiae, pt. II/II, q.47 a.2, ad 1: “Rõ ràng, khôn ngoan (prudence) là khôn ngoan về sự việc nhân bản, nhưng nó không phải là đức khôn ngoan (wisdom) tinh ròng và thuần túy, vì nó không hẳn xử lý điều hoàn toàn tối hậu mà chỉ xử lý điều tốt cho con người, vốn không phải là điều tối hậu hơn cả hay điều tốt nhất trong các điều tốt hiện có. Do đó, Thánh Kinh đã sâu sắc nói rằng khôn ngoan là đức khôn ngoan cho con người, chứ không phải đức khôn ngoan tuyệt đối” (Saint Thomas d’Aquin, Summa Theologiae, vol.36: Prudence, bản dịch của Thomas Gilby, O.P. (New York: McGraw-Hill, 1974), pp. 11.

[60] Xem các nhận định rất hay của Gadamer về mối dây của tình huynh đệ như là điều cần có để cho lời khuyên: Truth and Method, pp. 323.

[61] Heinrich Mussinghoff, “Nobile est munus ius dicere iustitiam adhibens aequitate coniunctam”, trong Theoligia et ius canonicum, do Heinrich J. F. Reinhardt hiệu đính (Essen: Ludgerus-Verlag, 1995), pp. 21-37.