Giải Thích Kinh Thánh

0
1210


Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.

 

Sở dĩ phải đặt vấn đề giải thích Kinh Thánh vì hai lý do: một đàng Kinh Thánh là một bản văn cổ, nên muốn đọc và hiểu cần phải tuân theo một số nguyên tắc vẫn áp dụng chung cho các bản văn cổ (chưa nói đến những nguyên tắc thuộc phạm vi đức tin, bởi Kinh Thánh là một tác phẩm nhân-thần). Đàng khác, lại phải trình bày ý nghĩa, thông điệp của Kinh Thánh cho người khác. Vì đó phải có một số những qui luật để giải thích.

Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu hai phần của vấn đề:

A. Lý thuyết về giải thích Kinh Thánh

B. Các nghĩa của Kinh Thánh

—–***—–

LÝ THUYẾT VỀ GIẢI THÍCH KINH THÁNH

I. TỪ NGỮ

Giải thích, chú giải bắt nguồn từ hai từ Hy-lạp : hermêneuô và exegêsis. Từ hermêneuô và các từ phát xuất bởi đó : hermeneus, hermêneutikhos  đều phát xuất từ chữ hermês (thần Hermes, Mercure). Người Hy-lạp coi thần Hermes là sứ giả, là thông ngôn cho các thần minh. Vì đó herméneutique có nghĩa là khoa học giải thích, cắt nghĩa, chú giải. Từ exêgêomai cũng có nghĩa như thế.

Vậy theo nguyên tự thì hai từ trên đồng nghĩa với nhau. Nhưng cách chung, người ta coi herméneutique là khoa học về những qui luật giúp khám phá và giải thích ý nghĩa của một bản văn hay nói tắt, khoa học về các nguyên tắc chú giải. Còn exégèse là kỹ thuật áp dụng các nguyên tắc đó. Herméneutique như thế là một khoa học, còn exégèse là một nghệ thuật, một hình thức ứng dụng khoa học.

Muốn giải thích Kinh Thánh, cần biết bản chất Kinh Thánh là gì. Phương pháp giải thích tốt nhất là phương pháp đáp ứng đầy đủ bản chất của Kinh Thánh. Đức tin cho chúng ta biết Kinh Thánh là một công trình của Thiên Chúa và của con người (divino-humaine), do đó chỉ có phương pháp chú giải nghiêm túc nếu biết đáp ứng đúng khía cạnh chủ yếu đó. Lời Chúa đối với chúng ta qua ngôn ngữ nhân loại. Chúa đã tôn trọng những hình thái, những giới hạn của ngôn ngữ đó. Bởi thế khi giải thích Kinh Thánh chúng ta cũng phải sử dụng những qui tắc dùng để khảo sát các tài liệu văn chương cổ xưa. Tuy nhiên Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, là măïc khải. Đó là đặc điểm riêng phân biệt Kinh Thánh với mọi tác phẩm khác. Thiên Chúa muốn dùng Kinh Thánh để giáo huấn và xây dựng Hội Thánh do Chúa Kitô đã thiết lập, vì thế người giải thích phải đọc và chú giải Kinh Thánh trong Chúa Thánh Thần và trong tấm lòng thành kính của Kinh Thánh còn Hội Thánh là cơ quan có sứ mệnh gìn giữ và giải thích Kinh Thánh (x. MK số 12).

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC PHÁT XUẤT TỪ TÍNH CHẤT NHÂN LOẠI CỦA KINH THÁNH

1. Phục hồi nguyên bản

Vấn đề trước tiên là phục hồi lại nguyên bản. Chỉ có bản văn gốc mới có giá trị phong phú về mọi mặt. Dịch là mất mát, một bản dịch hoàn hảo cách mấy cũng không thể phản ánh mọi đặc trưng của nguyên bản. Tuy nhiên vì bản gốc thất lạc, nên nhà chú giải phải sử dụng những cảo bản hoàn hảo nhất còn sót lại. Nhờ so sánh các cảo bản với nhau theo những qui luật của khoa hiệu đính bản văn (critique textuelle) nhà chú giải sẽ loại bỏ được những lỗi do những người sao chép không hiểu, hoặc bất cẩn hay do cẩu thả. Thêm vào đó, những đặc điểm trong cách hành văn của một tác giả có thể giúp nhà chú giải chọn hoặc sửa lại một kiểu nói cho khả dĩ nhất. Dĩ nhiên đây chỉ là lý thuyết, trong thực hành, nhà chú giải còn phải hết sức cẩn thận và theo những qui luật rất tế nhị của khoa hiệu đính bản văn.

Về điểm này, giữa Công giáo và Tin lành có đường lối rất khác nhau vào hồi thế kỷ XIX. Tin lành thì dễ dãi trong việc sửa đổi bản văn, còn Công giáo thì bảo thủ, do dự, viện lý dễ dàng sửa đổi bản văn là tỏ ra thiếu trọng kính Lời Thiên Chúa. Ngày nay, cả hai đã gặp gỡ nhau và có những quan niệm tương đối dung hòa hơn. Đức giáo hoàng Piô XII trong thông điệp Divino Afflante Spiritu (EB 548) cổ võ việc thiết lập lại bản văn gốc dựa theo những tiến bộ của khoa hiệu đính bản văn. Ngược lại các nhà chú giải Tin Lành cũng tỏ ra thận trọng hơn.

2. Thông thạo ngôn ngữ Kinh Thánh

a. Híp-ri

Hầu hết các sách Cựu Ước đều được soạn bằng tiếng Híp-ri (Gr 10,11 ; Đn 2,4-7, 28 ; Edr 4,8-6.18 ; 7,12-16 bằng tiếng Aram ; Kn, 2 Mcb bằng tiếng Hy-lạp ; Br, Gđt, Tb, 1 Mcb, Đn 3,24-90 ; 13,14 ; Et 10, 4-10, Hc không rõ viết bằng tiếng Híp-ri hay Aram vì không còn bản gốc trừ Hc 3,6-16 ; 30,11-52, 30 mới tìm được). Còn Tân Ước thì được viết bằng tiếng Hy-lạp, nhưng tất cả các tác giả Tân Ước, trừ thánh Luca đều là người Do-thái. Do đó dầu viết bằng tiếng Hy-lạp, nhưng các ngài đã suy nghĩ theo kiểu cách Do-thái và chịu ảnh hưởng ngữ pháp Híp-ri rất nhiều. Vì thế muốn hiểu sâu hiểu sát Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước, cần biết tiếng Híp-ri. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để học hỏi, nên đây là một vài đặc điểm trong tiếng Híp-ri giúp ta biết sơ qua và thận trọng hơn trong khi giải thích:

– Động từ Híp-ri chỉ có hai thì: parfait và imparfait. Parfait chỉ một hành động đã hoàn tất ; còn imparfait chỉ một hành động, quá khứ hoặc tương lai, chưa hoàn tất.

– Tiếng Híp-ri nghèo tính từ nên hay dùng danh từ ở thuộc cách (génetif) thay thế. Vd : Thiên Chúa của sự tốt lành thay vì Thiên Chúa tốt lành; dân tộc của sự trung tín thay vì dân tộc trung tín.

– Tiếng Híp-ri không có hình thức so sánh cấp hơn (comparatif) và cấp tuyệt đối (superlatif). Nên để diễn tả một ý hơn kém thì họ dùng một chữ phản nghĩa ; vd. Ml 1,2.3 : “Ta thương Giacóp và ghét Esau”. Còn muốn diễn tả một ý về tuyệt đối vd: như “rất thánh” họ sẽ nói là sanctum sanctorum hoặc nói vinculum perfectionis để chỉ một quan hệ rất chặt chẽ.

– Mệnh đề chính và mệnh đề phụ trong tiếng Híp-ri thường liên kết với nhau bằng chữ “và”. Vì đó nhà chú giải cần ý tứ khi gặp chữ “và”, nên dựa vào văn mạch mà giải thích ý nghĩa. Vd : chữ “và” trong St 14,18 phải hiểu là “vì”. Đôi khi tác giả Híp-ri lại hiểu ngầm từ nối, vd : Is 62,5  “(như) chàng thanh niên cưới nàng…”.

b. Hy-lạp

– Động từ Hy-lạp có ba dạng : chủ động, thụ động và trung bình. Dạng trung bình để chỉ hậu quả của động từ ảnh hưởng trên chính chủ từ, vd: Cv 13,21 : êtêsantô  basileia, họ xin (cho họ) một vị vua.

– Về thì, động từ Hy-lạp có thêm thì aorist : aorist 1 và 2. Thì này chỉ một hành động xảy ra trong quá khứ, thế thôi!

– Về lối mệnh lệnh, lối liên tiếp và lối vô định cũng có phân biệt hiện tại và aorist, vd. Ga 20,17 : mê mou haptou ở thì hiện tại, lối mệnh lệnh có ý bảo thôi hoặc tiếp tục điều người ta đang làm rồi.

3. Tìm hiểu thể văn

Khi biên soạn một tác phẩm Kinh Thánh, mỗi soạn giả đều đã chịu ảnh hưởng môi trường văn hóa của thời đại mình, ảnh hưởng những cách thức diễn tả tư tưởng của thời đại. Những hình thức ấy đều có những qui luật riêng của nó. Vì thế văn loại, thể văn có thể gọi là hình thức diễn tả tư tưởng, có những đặc điểm và những định luật riêng hay nói cách khác, đó “là những khuôn khổ mà tư tưởng của một môi trường nhân loại tự nhiên rập theo, là những hình thức diễn tả mà tự nhiên nhà văn dùng tùy theo mục đích ông nhằm tới” (Gelin). Mỗi hình thức lại có một qui luật riêng, do đó muốn hiểu điều tác giả nói thì cần biết tác phẩm đó thuộc loại văn nào và đâu là qui luật của loại văn đó. Thiếu điểm này có thể có nguy cơ hiểu sai ý tác giả.

Phân tích những yếu tố chung của bất cứ thể văn nào, người ta thấy có bốn đặc điểm này : một nội dung được diễn tả qua cách kết cấu, có một từ vựng và một lối văn. Đó là bốn yếu tố chung của bất cứ thể văn nào. Tùy theo cách vận dụng mà nó thành nhiều loại thể văn khác nhau. Vd : một bộ luật thì nội dung là các quyết định của quyền lập pháp, kết cấu gồm hai phần chính: dân luật và hình luật, trong hai phần đó lại được sắp xếp từ tổng quát đến chi tiết. Từ vựng chuyên môn và hạn hẹp, lối văn luật chính xác và khô khan. Cách chung, người ta chia ra làm hai loại thể văn : văn xuôi và văn vần. Sau đó có nhiều kiểu tái phân chia khác nhau. Đây là một vài văn loại chính trong Kinh Thánh.

a. Thể văn lịch sử

Đây là thể văn quan trọng nhất. Nhưng ta nên nhớ rằng khoa lịch sử đối với soạn giả thánh chỉ là phương tiện để ông trình bày điều gì đó, vd : như thế giáo dục về mặt tôn giáo. Do đó soạn giả không bận tâm sao cho sự kiện được tường thuật chính xác và khách quan, đó là lý do tại sao đôi khi soạn giả bỏ hay phóng đại một chi tiết, tùy theo chủ đích giáo huấn ông đang nhắm.

1). Lịch sử tài liệu

Lịch sử trong sách Samuen và các Vua. Loại lịch sử này thường dùng những tài liệu của Đền Thờ (x. 1 V 15,15-6, 7) và của triều đình (x. 1 V 20 ; 22,1-38 ; 2 V 3,4-27 ; 9,1-10.27) hay hồi ký của những người đã chứng kiến tận mắt (x. 1 V 17 ; 2 V 18,17-20 ; 19 ; 24,18-25 ; 21).

2). Lịch sử anh hùng ca

Ghi lại một số truyền thống truyền khẩu, với những trình thuật về các Tổ phụ trong Ngũ Thư hay những cuộc chinh phục xứ Canaan trong sách Giôsuê và Thủ Lãnh.

3). Lịch sử bình dân

Rải rác trong sách Gs, Tl, V và Đn. Đặc điểm loại này là hơi phóng đại, vd: Tl 16,3. Khi chú giải loại này nên cẩn thận đối với khía cạnh ma thuật của trình thuật (x. 1 Sm 28,3-14).

4). Lịch sử khởi nguyên đặc biệt 11 chương đầu sách St

Loại này thường sử dụng một số yếu tố trong huyền thoại ngoại giáo để diễn tả niềm tin độc thần và một số chân lý của tôn giáo mặc khải.

5). Lịch sử khuyến thiện

Thường được sử dụng trong các sách sau Lưu đầy, vd: Tb, Gđt, Et. Tuy nhiên cũng có trong Gn và Đn (3 – 6). Tác giả đi từ một dữ kiện Kinh Thánh để đưa ra bài học xây dựng.

6). Lịch sử chủ đề

Đây là thể văn của sách Sbn. Soạn giả coi Đavít là một vị vua lý tưởng, làm mẩu mực để phán đoán các vua khác.

b. Thể văn trữ tình

Đây là thể văn của các Tv, sách Dc và Ac, một số bài ca trong các sách lịch sử, ngôn sứ và thư thánh Phaolô (vd: Rm 8,38-39 ; 11,3-36. Đặc điểm của loại này là sử dụng hình ảnh nhiều và thích lối nhân hình hóa (vd : Xh 15,8 ; Tv 98,7-8).

c. Thể văn giáo huấn

Đây là thể văn của sách Kn, một số đoạn Tin Mừng. Văn loại này dùng một số hình thức diễn tả đặc biệt như châm ngôn, ẩn dụ, ám dụ, dụ ngôn.

d. Thể văn luật pháp

Ta gặp trong Ngũ Thư, đặc biệt trong Đnl. Trong Tân Ước cũng có thể văn này như trong Bài Giảng Trên Núi hay những chỗ nói về qui luật sống của Hội Thánh sơ khai. Đặc điểm của thể văn này là cách dùng lối điều kiện (x. Xh 21,12) và lối mệnh lệnh (x. Xh 20,13).

e. Thể văn ngôn sứ

Thể văn đặc biệt của các sách ngôn sứ. Yếu tố chính của thể văn ngôn sứ là lời sấm ; ngoài ra thể văn này còn pha thêm nhiều thể văn như lịch sử (các đoạn tự thuật), trữ tình (các đọan biểu lộ tình cảm cá nhân Hs, Gr, Ed), giáo huấn (Is 11,1-4).

f. Thể văn khải huyền

Tiếp nối thể văn ngôn sứ, manh nha từ thời Êdêkien và Dacaria, khai triển trong sách Đanien và lên đến điểm cao trong sách Khải huyền. Soạn giả sách Khải huyền ưa sử dụng những thị kiến, giấc mơ, những hình ảnh thiên thần, những hiện tượng trong vũ trụ những con thú, những đồ vật…; thường nhìn về quá khứ để đoán định tương lai và nhấn mạnh đến khía cạnh cánh chung.

g. Thể văn thư tín

Đây là một thể văn đặc biệt của Tân Ước, chia làm thư riêng (lettre) và thư công khai (épitre). Thư riêng có tính cách hoàn toàn cá nhân, đôi khi bí mật, không có tính cách văn chương, có tính cách nhất thời vì đáp ứng một nhu cầu rõ rệt. Thư công khai trình bày có hệ thống mạch lạc, lối văn chải chuốt, theo một đề tài nào đó. Có thể đề gửi cho một người nhưng lại nhằm đối tượng độc giả không nhất định.

4. Tìm hiểu văn mạch

Một hai định nghĩa văn mạch cũng giúp cho ta thấy được mức độ quan trọng của nó. Nguyễn Văn Đức – Lê Ngọc Trụ : văn mạch là nghĩa đặc biệt của một câu văn, một mệnh đề hay một từ ngữ chỉ có một nghĩa riêng đối với toàn diện bài văn, khác với nghĩa thông thường. Robert: toàn bộ bản văn ở chung quanh một yếu tố ngôn ngữ (từ, câu, lời) chi phối ý nghĩa, giá trị của yếu tố ấy.

Văn mạch quan trọng vì nó soi sáng giúp ta hiểu được ý nghĩa của bản văn. Một câu nói ở một hoàn cảnh này có thể có nghĩa tốt, nhưng cũng một câu đó đặt vào hoàn cảnh khác có thể có nghĩa ngược lại.

Người ta quen phân chia văn mạch : văn chương, tâm lý, lịch sử, sứ ngôn và phụng vụ.

a. Văn mạch văn chương là phần bản văn đi liền trước hoặc sau đoạn văn ta đang đọc. Còn được gọi là văn mạch lý luận, ngữ pháp, vật chất. Văn mạch văn chương có thể là văn mạch gần, phần đi liền trước hoặc sau đoạn văn; hoặc văn mạch xa, phần còn lại của tổng thể văn chương trong đó có đoạn văn, tức là chương, phần, sách hoặc toàn bộ tác phẩm của một tác giả.

b. Văn mạch tâm lý là do sự liên kết tự phát giữa những ý tưởng kỷ niệm, biến cố, sự vật… nên không có liên hệ hợp lý với nhau, nhưng được tác giả liên kết trong cùng một đoạn văn vì lý do tâm lý nào đó, vd. vì ông đang xúc động mạnh, hoặc vì những ý tưởng và sự vật đó có tương quan nào đó xét về hình ảnh và từ ngữ (âm vận…) hoặc vì những ý tưởng và sự vật đó trùng hợp trong thời gian hay không gian. Vd : 2 Cr 10 -13 và Gđ, Tin Mừng Ga.

c. Văn mạch lịch sử là một lời nói, một hành động được đặt trong toàn bộ những hoàn cảnh nào (biến cố, thể chế, phong tục, dữ kiện văn hóa…) ; đó là văn mạch lịch sử làm cho lời hoặc việc đó có một ý nghĩa. Nhiều khi phải nại đến văn mạch lịch sử để xác định một sự kiện xảy ra khi nào, để liên hệ một biến cố với lịch sử thế giới, để giải thích một quan niệm xa lạ đối với ta bằng cách đặt trong khuôn khổ chung những quan niệm thời xưa. vd : Lc 3,1-2 ; Ga 12,1…

Một số quan niệm trong Tân Ước vẫn làm cho ta bỡ ngỡ, nếu được đặt vào trong khuôn khổ các quan niệm chung thời đó, vd : những gì thánh Phaolô nói về thân phận người phụ nữ và nô lệ.

d. Văn mạch sứ ngôn là văn mạch của những lời loan báo tương lai, trong đó những biến cố thực sự có thể cách xa nhau trong không gian và thời gian, lại được liên kết với nhau cùng một bình diện. Vd : những diễn từ có sắc thái khải huyền đã liên kết việc thành Giêrusalem bị phá với ngày tận thế, quang lâm và phán xét.

e. Văn mạch phụng vụ không không phải là văn mạch của Kinh Thánh, mà là văn mạch do việc dùng những đoạn văn Kinh Thánh khác nhau trong cùng một nghi lễ Phụng vụ. Hội Thánh dùng như thế để các đoạn văn đó soi sáng lẫn nhau làm thành một thứ chú giải bộc phát. Do đó ta cũng nên lưu ý đến văn mạch này khi giải thích bản văn.

5. Tìm hiểu những đoạn song hành

Một trong những điểm khá quan trọng cần chú ý khi giải thích Kinh Thánh đó là các đoạn song hành. Song hành là giống nhau về từ ngữ, tư tưởng, sự kiện giữa hai đoạn văn. Có thể có song hành trong cùng một tác phẩm, trong nhiều tác phẩm do cùng một tác giả, song hành giữa những tác giả khác nhau.

a. Song hành trong cùng một tác phẩm: ít có tác giả diễn tả được một mạch các tư tưởng của mình, thường thì phải nói đi nói lại nhiều lần, nhất là nếu đó là một tư tưởng mới, xúc tích những trực giác mới, hoặc nếu phải giải thích một điều gì khó hiểu, giới thiệu một nhân vật phức tạp, tạo một bầu khí tâm lý gồm nhiều sắc thái tế nhị.

b. Song hành trong những tác phẩm của cùng một tác giả: trường hợp này phải tế nhị thì hơn vì phải lưu ý rằng : đó là hai tác phẩm viết cho hai đối tượng độc giả, bàn về hai vấn đề khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau của tư tưởng, nghệ thuật của tác giả… vì đó những chỗ song hành ít khi chặt chẽ như trong cùng một tác phẩm. Tuy nhiên khó khăn đó cũng không quá đáng!

c. Song hành giữa những tác giả khác nhau: lại phải tế nhị hơn nữa vì hai tác giả là đã có nhiều dị biệt (tính tình, thời đại, văn hóa, giáo dục, vấn đề,…). Tuy nhiên cách chung cũng có nhiều chỗ gặp nhau nên nếu không gượng ép, trái lại có chừng mực, đúng phương pháp vẫn có thể có kết quả. Hơn nữa dầu có nhiều tác giả viết nhưng do một Thiên Chúa là tác giả chính, nên không thể có mâu thuẫn thật sự được.

Việc tìm hiểu các đoạn văn song hành có thể giúp

– soi sáng một phương diện của mầu nhiệm Đức Kitô (bản thân, sứ mạng, tín thư…) vd: Mt 1,1 và St 5,1 ; Mt 2,19-20 và Xh 4,19-20.

– soi sáng một phương diện của lịch sử cứu độ: vd: Mt 3,2 và 4,17 ; 10,7 cho thấy tính liên tục trong lịch sử cứu độ : Mt 14,19 và 26,26 : bánh và Thánh Thể.

– làm sáng tỏ ý nghĩa của một từ ngữ, một công thức. Vd: từ proskunêô?của Mt 4,9 : 2,2 rồi ở 8,2 và 9,18 so với St 37,7-10.

– cho thấy rằng một thực tại, một ý tưởng, một cách diễn tả nào đó có liên hệ với một chủ đề thần học Kinh Thánh, vd : Ga 2,1-12 tập trung nhiều chủ đề quan trọng của Kinh Thánh : hôn lễ, bữa tiệc, rượu kỳ diệu thời Mêsia, vinh quang, nước thanh tẩy, đức tin, dấu chỉ,…

– cho thấy quan điểm thần học khác nhau giữa hai hoặc nhiều tác giả cùng thuật lại cùng một sự kiện hay nói lên một tư tưởng. Đặc biệt hữu ích khi áp dụng vào các Tin Mừng nhất lãm. Vd : dụ ngôn con chiên lạc trong Mt 18,12-14 và Lc 15,5-7 : dụ ngôn bữa tiệc trong Lc 14,16-24 và Mt 22,1-14.

6. Tìm hiểu tác giả

Văn là người: một tác phẩm văn học bao giờ cũng phản ánh tác giả đã tạo ra nó, vì thế cũng như bất cứ nhà phê bình văn học nào, nhà chú giải, trước khi giải thích một tác phẩm Kinh Thánh cần tìm hiểu lịch sử của tác giả : quê quán, đời sống, phong tục, tài năng và cộng đoàn trong đó tác giả sinh hoạt nữa ; thêm vào đó trình độ văn hóa và tâm lý tác giả khi biên soạn cũng giúp hiểu đúng một tác phẩm. Vd : thánh Matthêu thích hệ thống bởi người là một nhân viên quan thuế. Thánh Luca là một lương y nên tâm tính hiền hòa, sử dụng những danh từ y học chính xác, và cũng là người có văn học nên hành văn khác với thánh Máccô (vd. Mc 3,8 và 5,42 so với 8,40-42 hoặc 16,4 so với Mt 27,60).

Cách chung cần lưu ý là các tác giả Kinh Thánh đều là người Trung Đông, thích dùng hình ảnh, thậm chí những hình ảnh táo bạo (vd : Am 4,1 ; Dc 23,22). Một điểm khác là các tác giả Do-thái thường bỏ qua nguyên nhân đệ nhị để gán một số biến cố, dù đó là biến cố chẳng tốt đẹp gì, do nguyên nhân đệ nhất là Thiên Chúa. Vd : Xh 4,21 ; 7,3 ; 2 Sm 24,1… Điểm cuối cùng, đó là các tác giả Kinh Thánh thích sử dụng lối nhân hình hóa khi nói về Thiên Chúa. Để ý điểm này, nhà chú giải sẽ hiểu đúng ý nghĩa của các đoạn St 2,7 ; 2,21-22 ; 8,16…

7. Tìm hiểu hoàn cảnh soạn thảo và mục đích tác phẩm

Một trong những yếu tố quan trọng chi phối cách suy nghĩ, diễn tả, chi phối tư tưởng của một tác giả, đó là hoàn cảnh soạn thảo và mục đích của tác phẩm. Muốn tìm yếu tố này, có thể đọc thật kỹ tác phẩm. Vd. nhờ những câu 1,11-12 ; 5,1 ; 7,1 ; 8,1 ta biết thánh Phaolô viết thư 1 Cr nhân dịp có người báo tin cho người biết có những chia rẽ và lạm dụng ở Côrintô đồng thời người cũng viết để giải đáp những câu hỏi đã được các tín hữu đặt ra. Tương tự như thế, ta biết lý do thánh Phaolô viết thư Gl nhờ các câu 1,6-9 ; 3,2 ; 5,1; 5,8 và cũng nhờ biết lý do ấy ta dễ thông cảm với những phản ứng, những lời nói đôi khi quá đáng, vd. 2,11 ; 3,1 ; 5,12…

Ngoài ra, nếu hiểu mục đích chính của tác giả, ta dễ dàng hiểu lối lý luận của ông hơn và sẽ cảm thông hơn khi giải thích những đoạn văn có lối lý luận một chiều. Vd : Tin Mừng theo thánh Matthêu và Tin Mừng theo thánh Luca, một bên giới thiệu Đức Giêsu là Mêsia các ngôn sứ loan báo, một bên giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế nhân từ. Hướng về hai mục tiêu khác nhau như thế nên cũng có nhiều nét khác biệt nhau. Vd : Mt 6,7 so với Lc 11,2 ; Mt 15,24 so với tính phổ quát của ơn cứu độ trong Tin Mừng thánh Luca

Tóm lại, nếu biết hoàn cảnh soạn thảo và mục đích của tác phẩm, ta sẽ hiểu tác giả, hiểu tín thư ông muốn trình bày, nội dung tư tưởng, cách trình bày vấn đề, việc lựa chọn và sử dụng từ ngữ của tác giả.

8. Tìm hiểu nội dung môi trường sống của tác giả và độc giả

Điểm cuối cùng trong những điều kiện cần phải có để khảo sát và hiểu bất cứ bản văn nào là phải am hiểu môi trường văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, địa dư của tác giả và của những độc giả mà tác phẩm nhắm tới. Vd. hiểu địa dư và thời tiết của xứ Palestine sẽ giúp đánh giá đúng giá trị của nước trong những câu Tv 1,3 ; Is 35,6…; nếu không biết sơ qua về lịch sử Rôma thì làm sao có thể hiểu được biết bao hình ảnh được phác họa trong sách Khải huyền…

Trên đây là những nguyên tắc của khoa học áp dụng vào công tác khảo sát bất cứ bản văn cổ không nhất thiết phải là Kinh Thánh. Nhưng nó giúp để hiểu Kinh Thánh bởi vì về một phương diện Kinh Thánh cũng là lời của nhân loại. Những điều vừa nói chỉ là tổng quát, khi tìm hiểu cụ thể một tác phẩm Kinh Thánh nào nhất định ta sẽ nói chi tiết theo những điều trình bày trên.

III. NHỮNG NGUYÊN TẮC PHÁT XUẤT TỪ TÍNH THẦN LINH CỦA KINH THÁNH

Khi khảo sát các bản văn Kinh Thánh, ta phải sử dụng những nguyên tắc, những phương pháp của khoa học vì lẽ Kinh Thánh đã do những tác giả loài người ở những môi trường xã hội, địa lý, chính trị, văn hóa, kinh tế khác nhau viết ra. Nhưng còn một tác giả khác tạo nên Kinh Thánh đó là Thiên Chúa. Do đó bên cạnh những nguyên tắc khoa học, ta còn phải có một số tiêu chuẩn thích ứng với tính cách thần linh của Kinh Thánh:

1. Chức năng Giáo huấn của Hội Thánh

“Nhà chú giải nào không nhận Thiên Chúa là tác giả và đức tin với Hội Thánh là những phương thế cần thiết để đến với Kinh Thánh, thì vẫn còn ở ngoài Kinh Thánh. Ấy là chưa nói đến việc có thể làm biến chất Kinh Thánh” (P. Synave và P. Benoit)

Đức Kitô đã làm người, đã chết và phục sinh để cứu độ mọi người. Người đã thiết lập Hội Thánh để dẫn con người vào con đường cứu độ. Kinh Thánh được trao cho Hội Thánh cũng không ngoài mục đích ấy : làm nguồn mạch và là cảm hứng cho công tác huấn giáo của Hội Thánh. Cũng một Thánh Thần đã thúc đẩy các soạn giả thánh viết vẫn hằng trợ giúp Hội Thánh để Hội Thánh hiểu ý nghĩa của các tác phẩm đó. Như vậy phải đặt và phải đọc Kinh Thánh trong khung cảnh một Hội Thánh sống động như thế mới hội được ý nghĩa đích thực. Trong thực hành, Hội Thánh hành sử vai trò hướng dẫn của mình qua:

a. Việc giải thích thực sự

Hội Thánh mới là nhà chú giải Kinh Thánh đích thực. Ở đây không có ý nói Hội Thánh có nhiệm vụ tuyên bố những chi tiết liên quan đến khoa phê bình hay lịch sử là đúng hay sai. Nhưng, ta vẫn quen nói Hội Thánh tuyên bố những gì liên quan đến đức tin và phong hóa (res fidei et morum). Đây không phải chỉ nói đến những tín điều, mà cả những chân lý khác có liên quan đến đức tin mà nếu chối bỏ thì cũng hàm ý chối bỏ cả tín điều ; vd : vấn đề linh hứng. Hội Thánh có thể – theo nghĩa chặt của kiểu nói res fidei et morum – giải thích Kinh Thánh một cách khẳng định (positivement), trực tiếp và bất khả ngộ ; vd  ex cathedra với một số vấn đề : Lc 22,19 và 1 Cr 11,24 (Dz 319), Mt 16, 16-19, Ga 21,15-17 (Dz 3054).

Nhưng khẳng định long trọng như thế là điều họa hiếm. Thường Hội Thánh có thể giải thích cách gián tiếp bằng hai cách : trưng dẫn bản văn khi đang nói về một tín điều nào hoặc bác bỏ cách giải thích có sai lầm đúng nghĩa (erreur formelle). Tuy nhiên, cũng đừng nên phóng đại quá mức!

b. Các thông điệp về Kinh Thánh

Đây cũng là một cách xác định ý nghĩa một đoạn văn Kinh Thánh do quyền giáo huấn thông thường nhưng không phổ quát (ordinaire non universel) các thông điệp của các Đức giáo hoàng không phải và cũng không có ý là những quyết định ex cathedra. Đó là những chỉ dẫn quan trọng và nó càng quan trọng bởi vì nó đã xuất phát từ thế giá cao nhất của quyền giáo huấn. Trong thời đại của chúng ta, có ba thông điệp : Providentissimus Deus của Đức giáo hoàng Lêô XIII, 1893, Spiritus Paraclitus của Đức giáo hoàng Bênêđictô XV, 1920 ; và Divino Afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII, 1943. Cả ba đã gióng lên những tiếng nói đầy khích lệ cho khoa nghiên cứu và chú giải Kinh Thánh. Trong đó thông điệp cuối cùng, âm vang của hai thông điệp trước, được coi là một trong những tài liệu của Giáo Hoàng quan trọng nhất trong lịch sử Hội Thánh.

c. Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng

Ủy ban này do Đức giáo hoàng Lêô XIII thiết lập năm 1902 với hai mục đích : cổ võ và hướng dẫn các nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh. “Để khắp nơi trong chúng ta, Kinh Thánh nên đối tượng của nỗ lực nghiên cứu sâu sắc hơn như thời đại đòi hỏi, đồng thời cũng được bảo vệ khỏi mọi luồng gió lầm lạc và cả mọi ý kiến giải thích không chắc chắn”.

Ủy ban có nhiệm vụ khảo hạch và chuẩn y các giáo sư Kinh Thánh dạy tại các đại học, cũng như ra những qui tắc, tích cực hay tiêu cực làm căn bản cho nhiều nghị quyết.

Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm bách chu niên thông điệp Providentissimus Deus (1893) và ngũ thập chu niên thông điệp Divino afflante Spiritu (1943), một văn kiện mới của Ủy Ban được công bố, đáp ứng sự mong đợi của nhiều người trong Dân Thiên Chúa. Đây không phải là một thông điệp mới, nhưng là một Văn kiện, xác định và mở rộng các đường hướng đã được Hiến chế tín lý của Công đồng Vaticanô II về Mặc khải, Dei Verbum, khai mở. Văn kiện này mang tên là Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh, đề ngày 15.4.1993, được  Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II long trọng giới thiệu ngày 23.4.1993. Theo Đức Gioan Phaolô II, ba điểm đặc biệt của Văn kiện này là : tinh thần cởi mở, quân bình và dung hoà và nhấn mạnh đến sự kiện Lời trong Kinh Thánh hiện đang ngỏ với mọi người trong nhân loại, thuộc mọi thời gian và không gian (x.  các Bài đọc thêm, trích đoạn Văn kiện).

d. Hiến chế Mặc khải: chương ba Hiến chế tín lý về Măïc khải, Dei Verbum, của Công đồng Vaticanô II bàn về ơn linh hứng và việc giải thích Kinh Thánh cách chung chương này muốn các tín hữu chú ý đến những khía cạnh quan trọng nhất trong giáo huấn đã đề cập trong những tài liệu có trước. Tuy nhiên, ở đây có một sự tiến bộ đáng kể về phương diện tín lý. Cách trình bày vấn đề hoàn toàn tích cực và lo lắng sao cho khỏi khô cứng một vị thế thần học riêng nào đã là một sự khuyến khích cho nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh tự do và có hiệu quả. Mặt khác, Hiến chế cũng mở ra một vùng đất mới mẻ : cần có các nhà chú giải trợ giúp Hội Thánh có một phán đoán chín mùi về “vấn đề Kinh Thánh”.

2. Sự nhất trí của các Giáo phụ

Các lối cắt nghĩa của các Giáo phụ cũng là một nguyên tắc cho việc giải thích đích thực. Nhưng nên lưu ý là chỉ trong phạm vi những vấn đề thuộc đức tin và phong hóa mà thôi và chỉ khi nào có sự nhất trí (consensus unanimis) của các ngài về một điểm nào mà thôi. Do đó thông điệp Divino afflante Spiritu đã bênh vực sự tự do chính đáng của khoa chú giải khi viết : “Trong vấn đề bao la chứa đựng trong Kinh Thánh, Sách Luật hay sách Sử, Giáo huấn hoặc Ngôn sứ, có rất ít bản văn đã được các Giáo phụ nhất trí (consensus unanimis) cũng không nhiều, do đó còn nhiều điểm, và những điểm rất quan trọng cần phải để cho các nhà chú giải dùng hiểu biết và tài nghệ tự do bàn bạc và giải thích”.

3. Quy tắc loại suy đức tin

Trong thực hành, qui tắc hữu ích nhất đối với nhà chú giải công giáo đó là qui tắc “loại suy đức tin”, nghĩa là sự phù hợp của một tư tưởng đạo lý hoặc cách giải thích Kinh Thánh nào đó với toàn bộ đạo lý công giáo. Nguyên tắc này được áp dụng thường nhất là cách tiêu cực, tức là cách giải thích Kinh Thánh nào đi ngược với Giáo huấn của Hội Thánh thì phải loại trừ.

Tóm lại, Kinh Thánh là một sứ điệp hiện sinh : hiện sinh cho người của thời đại, của môi trường trong đó Kinh Thánh đã được viết ra, nhưng cũng vẫn hiện sinh cho chúng ta ở đây và lúc này, vì Kinh Thánh đã được viết ra cho chúng ta và vì chúng ta (Rm 15,4 ; 2 Tm 3,16). Do đó mà phải kết hợp cách hài hòa những nguyên tắc của khoa học với những nguyên tắc của đức tin để tìm ra sứ điệp của Kinh Thánh.

***

CÁC NGHĨA CỦA KINH THÁNH

Ngôn ngữ của loài người là phương tiện truyền đạt tư tưởng, là phương tiện để có sự cảm thông giữa người với người. Nội dung mà người nói muốn thông đạt cho người nghe gọi là nghĩa.

Do sự kiện Kinh Thánh được linh hứng, ta có thể tin rằng một khi sử dụng những phương tiện hợp lý lành mạnh mà tìm được nghĩa nội dung điều tác giả loài người muốn trình bày, thì đó cũng là điều tác giả chính, Chúa Thánh Thần muốn nói. Vấn đề Kinh Thánh có một nghĩa hay nhiều nghĩa ngày nay vẫn còn tranh luận ; nhưng theo một số, và cũng là điều ta sắp làm, Kinh Thánh là một cuốn sách đặc loại nên trong bản văn có thể có những nghĩa khác nhau ngoài những người mà tác giả loài người muốn trình bày. Trước khi tìm hiểu sơ lược các nghĩa, cũng cần lưu ý là ngày nay những lý thuyết giải thích hiện đại dựa theo những triết lý, rồi những tiến triển của việc nghiên cứu các nền văn chương giúp cho việc tìm ý nghĩa phong phú hơn. Ngày xưa, tuy chưa được hưởng những thành tựu của triết học và khoa học như ngày nay, nhưng người ta cũng đã cho rằng bản văn Kinh Thánh có nhiều cấp ộ ý nghĩa. Thường nhất là nghĩa đen (nghĩa theo chữ) và nghĩa thiêng liêng. Khoa chú giải thời Trung cổ phân biệt trong nghĩa thiêng liêng ba khía cạnh khác nhau liên hệ tới chân lý được mmặc khải, đến cách sống phải theo và đến mục tiêu cuối cùng phải hoàn thành. Do đó có câu đối nổi tiếng của Augustin de Danemark (thế kỷ XIII) tóm tắt bốn nghĩa như sau : “Littera gesta docet, quid credas allegoria, moralis quid agas, quid speres anagogia” (Chữ dạy cho biết các biến cố, ngụ ngôn cho biết điều bạn phải tin, luân lý dạy điều bạn phải làm, thần bí chỉ điều bạn phải hy vọng) (x. Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo, số 115-119 ; Văn kiện Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh, II, B).

I. NGHĨA ĐEN (sens littéral)

(xin đọc Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Roma 1993, II, B, 1).

1. Định nghĩa

Nghĩa đen hay nghĩa theo chữ là “chánh nghĩa của một tiếng hay một lời, nghe thì hiểu ngay, không cần suy nghĩ xa” (Từ điển Việt Nam, Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ).

Đây là nghĩa tác giả Kinh Thánh nhằm tới trước tiên, và là ý nghĩa ông muốn trình bày qua những từ ông sử dụng. Nhưng qua từ ngữ của con người, soạn giả thánh lại nói lên điều Thiên Chúa muốn ngỏ. Do đó ý nghĩa của từ ngữ loài người cũng đồng thời là nghĩa của Lời Thiên Chúa. Không thể có chuyện một đàng là nghĩa theo loài người và một đàng khác là nghĩa Thiên Chúa muốn. Nhưng tác giả loài người muốn nói gì qua những từ ngữ ông sử dụng, thì đó chính là điều Thiên Chúa muốn. Đây là đối tượng tìm kiếm riêng của khoa chú giải Kinh Thánh.

2. Phân loại

Có những kiểu phân loại khác nhau tùy xét theo khía cạnh, vd: theo tiêu chuẩn ngữ pháp, luận lý, theo đề tài, theo việc dùng lời nói…

Thánh Tôma đưa ra một phân biệt ngắn gọn: khi nói nghĩa theo chữ, có hai điều: một là theo nghĩa đen của câu nói, vd: em bé đang cười. Hai là theo nghĩa bóng, tưởng tượng hay ám chỉ, vd: đóa hoa đang hé môi cười trước gió xuân (x. Expos. in Gal 5, lect 7). Có thể nói rõ thêm:

a. Nghĩa đen, sát mặt chữ (sens littéral propre) là nghĩa phát xuất từ những tiếng được sử dụng theo nghĩa (signification) nguyên ngữ, những tiếng được hiểu theo nghĩa ngữ pháp  (signification grammaticale). Nghĩa đen sát mặt chữ là nghĩa thông thường của một bài văn, một câu nói. Vd: “Đức Giêsu lên một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon…; từ trên thuyền, Người ngồi dạy dỗ dân chúng” (Lc 5,3). “Con bò biết người tậu nó, con lừa biết chuồng của chủ; Israel không hay không biết, dân Ta không hiểu không tường” (Is 1,3).

b. Nghĩa bóng, nghĩa vượt mặt chữ (sens littéral impropre) là nghĩa (sens) phát xuất từ những tiếng được sử dụng không theo nghĩa (signification) nguyên ngữ, nghĩa ngữ pháp (signification grammaticale), nghĩa thông thường, nhưng theo nghĩa bóng. Vd : “Kìa Đức Chúa, Người đến uy hùng, cánh tay Người làm Người thống trị !” (Is 40,10). “Cánh tay” ở đây không hiểu theo nghĩa ngữ pháp tức là một trong tứ chi con người, nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng là ”quyền năng”, là ”sức mạnh”.

Nghĩa bóng hay nghĩa vượt mặt chữ lại có thể thuộc vào hai trường hợp sau : hoặc riêng một từ hoặc toàn bài văn.

– Riêng một từ gọi là ẩn dụ (métaphore). Ẩn dụ là “cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi biểu thị đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia trên cơ sở của mối quan hệ liên tưởng về nét tương đồng giữa hai đối tượng”. Vd : ”Chúa phù trì che chở ; dưới cánh Người bạn có chỗ nương thân” (Tv 91,4). Đây là kiểu so sánh vắn tắt, nhưng từ biểu thị sự so sánh như : “cũng như, như” được hiểu ngầm.

Vd:    “Đức Chúa là mục tử của tôi,
          Tôi chẳng thiếu thốn gì
          Trên đồng cỏ tươi, Người chăn dắt tôi” (Tv 23, 1-2).

Đây cũng là một lối so sánh vắn tắt

Vd:   “Họ như cây trồng bên suối nước” (Tv 1,3).

– Toàn bài văn gọi là dụ ngôn (parabole) hay ngụ ngôn (allégorie). Đây là trường hợp toàn bài văn được hiểu theo nghĩa bóng.

Dụ ngôn (paraballein, đặt cạnh, so sánh) là một câu chuyện do người ta tạo ra, nhưng phù hợp với những qui luật và phong tục trong cuộc sống con người, mục đích để so sánh hầu được hình ảnh so sánh, một thực tại duy nhất ; một chi tiết tự nó không có ý nghĩa bóng. Do đó điều quan trọng là tìm ra ý chính của dụ ngôn, tìm ra đối tượng mô thức của dụ ngôn, đó chính là khía cạnh mà câu chuyện đời gặp gỡ thực tại tôn giáo.

Vd. Dụ ngôn hạt cải lớn lên (Mt 13,31-32) : tất cả dụ ngôn chủ yếu trình bày sự lớn mạnh mau chóng của Nước Trời và được so sánh bằng hình ảnh từ khi còn là hạt cho tới lúc thành cây cải lớn. Trong lối so sánh ẩn dụ và dụ ngôn, trước tiên phải hiểu nghĩa đen, nghĩa cụ thể rồi sau đó chuyển lên một nghĩa khác.

Ngụ ngôn (allégorie – allo-agoreuô), còn gọi là phúng dụ, “là cách tổ chức các hình ảnh sinh động cụ thể để biểu thị một ý niệm về triết lý nhân sinh (hay thần linh) đưa trên cơ sở liên tưởng nét giống nhau giữa hình ảnh sinh động cụ thể và ý niệm triết lý nhân sinh (hoặc thần linh).

Ngụ ngôn cũng là một kiểu so sánh được triển khai liên tục thành một câu chuyện. Nhưng khác với dụ ngôn ở chỗ toàn câu chuyện của dụ ngôn chỉ có một ý nghĩa, còn trong ngụ ngôn thì mỗi chi tiết đều có một nghĩa bóng. Ngụ ngôn là một chuỗi những ẩn dụ (métaphores). Do đó trong ngụ ngôn, phải tìm nghĩa bóng của mỗi chi tiết sau đó liên kết tất cả thành một thực tại.

Trong Kinh Thánh hiếm có ngụ ngôn. Đây là những ngụ ngôn chính:

– Tl 9, 8-15 : cây cối đi tìm một vị vua.

– 2 V 14,9 : cà cuốc ở Liban xin cưới con gái cây hương nam làm vợ.

– Is 5, 1-6 : bài ca vườn nho.

– Lc 10, 30-37 : người Samari nhân hậu.

– Ga 10, 1-18 : người Mục tử tốt lành.

– Ga 15, 1-7 : Cây Nho đích thực.

– Ep 6, 13-16 : bộ binh giáp.

Ngụ ngôn hiếm hơn dụ ngôn ; ngụ ngôn thuần túy lại càng hiếm hoi. Đa số là ngụ ngôn có pha lẫn một số chi tiết dụ ngôn. Vd : cái tháp và máy ép trong Is 5,2 không có nghĩa nào đặc biệt mà chỉ để soi sáng cho điều quả quyết : Thiên Chúa săn sóc Dân của Người mọi bề như ông chủ đối với vườn nho. Có khi là dụ ngôn pha lẫn một số chi tiết ngụ ngôn, vd : dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,3-8…).

c. Tượng trưng: Tượng trưng là “mượn vật có hình thể để biểu hiện cho vật không có hình thể” (Từ điển Việt Nam, Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ), “một dấu cụ thể gợi lên (do một liên hệ tự nhiên) một cái gì không có mặt, hoặc không thể nhận thấy được” (A. Lalande).

Tượng trưng có thể là một thị kiến, một tác động, một danh xưng, một sự vật, một con số.

Người ta chia thành : biểu tượng tự nhiên : tự bản chất sự vật, hình ảnh tượng trưng dẫn đến một thực tại khác. Vd : chìa khóa (Mt 16,19) ; Akhiya xé áo làm 12 mảnh (1 V 11,29-39) ; cái gông (Gr 27) và biểu tượng qui ước : theo cách suy nghĩ, phong tục, quen dùng một sự vật, con số… để tượng trưng. Vd : số 13 ở Tây Phương, số 7, số 6…

Tượng trưng khác với dụ ngôn và ngụ ngôn ở chỗ cái biểu đạt (signifiant) trong tượng trưng là có thật trong khi ở dụ ngôn và ngụ ngôn có thể là ngụy tạo.

Tượng trưng cũng khác với tiên trưng ở chỗ cái biểu đạt trong tượng trưng tự nó không có ý nghĩa chỉ được đưa ra để ám chỉ một điều gì khác. Còn trong tiên trưng cả hai (cái biểu đạt và cái được biểu đạt) đều có ý nghĩa riêng tác giả nhắm tới, ví dụ, dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,1-9) với phần giải thích sau đó (Mc 4,13-20), hoặc dụ ngôn bọn thợ làm vườn nho sát nhân (Mc 12,1-11).

Có người còn cho rằng nên giả thiết chỗ nào câu chuyện vượt quá giới hạn của các qui luật trong cuộc sống con người và có những nét mà chỉ có nghĩa nếu đối chiếu với hình ảnh Nước Thiên Chúa thì ở đó có những yếu tố ngụ ngôn, ví dụ : gặt 30, 60, 100 (Mc 4,8)  hoặc số tiến nợ 10.000 nén bạc (Mt 18,23-25). Đó là những điều vượt quá phạm vi loài người.

Ngoài ra những phương thức trong văn phong (stylistique) cũng rất hữu ích cho việc tìm ra nghĩa theo chữ.

– Phép khoa trương : làm nổi bật một ý tưởng bằng cách nói quá đi, ví dụ Mt 19,24 ; Ga 21,25.

– Phép bỏ lửng : hình thức đột ngột im lặng biểu lộ sự e thẹn uất ức hoặc châm biếm, ví dụ : Ga 6,62 ; Cv 23,9.

– Phép đối ngẫu : đặt gần nhau hai ý tưởng, hai kiểu nói đối nghịch để làm nổi bật sự tương phản.

– Chuyển từ nghĩa cụ thể sang nghĩa thiêng liêng, ví dụ : Mt 15,11 ; Mt 19,12 ; Ga 18,32 ; Ga 6.

– Phép hoán dụ : diễn tả một ý niệm bằng một từ chỉ một ý niệm khá có liên hệ tất yếu với ý niệm thứ nhất, ví dụ dùng cái bên ngoài để chỉ cái bên trong, dùng dấu chỉ thay thực tại; hậu quả thay nguyên nhân, ví dụ Mt 10,34 ; 1 Cr 11,26.

– Phép đề dụ : dùng chất liệu chỉ đồ vật, một phần thay toàn thể số ít thay số nhiều hay ngược lại, ví dụ Mt 16,18 ; Mc 16,15.

– Phép hoán xưng : chỉ một nhân vật bằng một danh từ chung hoặc một kiểu nói vòng diễn tả đặc tính của con người ấy, ví dụ : Cv 3,14-15 ; Mt 4,3.

– Mỉa mai : chế giễu bằng cách nói ngược lại điều mình muốn nói, ví dụ : Ga 8,57 ; 1  Cr 4,3…

– Nói giảm : giảm nhẹ để người nghe hiểu nhiều hơn, ví dụ : 1 Cr 7,25

– Ám chỉ : nói ngầm, gián tiếp, xa xa để người ta ngầm hiểu, ví dụ thư Híp-ri có nhiều chỗ ám chỉ nghi thức ngày lễ sám hối Do-thái ; 1 Pr nhiều chỗ ám chỉ phép rửa.

– Nói ngược đời : đưa ra ý kiến trái với ý kiến, lý luận thông thường, trái với việc thường xảy ra, ví dụ : Mt 5,40 ; 1 Cr 9,18…

– Nhân cách hóa : trình bày một sự vật, con vật, tư tưởng như là một người, ví dụ : Rm 3,19 ; 4,15 ; 7 ; 1 Cr 15.

– Tác giả đồng hóa mình với người đối thoại : ví dụ Rm 3 – 7 ; Ep 2,13.

Tóm lại, nghĩa theo chữ (nghĩa đen hay nghĩa bóng) là một nghĩa thật của Kinh Thánh. Nhiệm vụ hàng đầu và không thể không có của nhà chú giải là vận dụng kiến thức và các phương pháp hiện đại để tìm ra nghĩa này. Đó là lời khuyên trong thông điệp Divino afflante Spiritu (EB 550). Và văn kiện “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh” (Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, 23.4.1993) cũng nói rõ : “Nghĩa mà người ta gọi là nghĩa theo chữ không những là hợp pháp, nhưng còn tuyệt đối cần thiết để tìm cách xác định ý nghĩa rõ rệt của những bản văn như chúng đã được các tác giả cho ra đời. Thánh Tôma Aquino đã quả quyết rằng nghĩa này có một tầm quan trọng căn bản (ST I, q.1, a.10 ad 1)”.

II. NGHĨA TIÊN TRƯNG (sens typique)

(xin đọc Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Roma 1993, II, B, 2).

1. Giải thích

Nghĩa tiên trưng trong Kinh Thánh hệ tại ở điểm này: một số sự vật hoặc một số sự kiện Kinh Thánh thuật lại, ngoài ý nghĩa riêng, nó còn báo trước một thực tại cao hơn, vượt hẳn chữ viết, nó là hình ảnh của các thực tại hoặc mầu nhiệm tương lai.

Như vậy không kể nghĩa theo chữ, trong Kinh Thánh còn có một nghĩa khác gọi là tiên trưng (sens typique, typologique), là nghĩa “mà Thiên Chúa đã ban cho những thực tại, vật, người, biến cố trong lịch sử Cựu Ước nhằm chuẩn bị, báo trước, biểu thị những thực tại hoàn hảo của nhiệm cục Tân Ước ; nghĩa này thường chính các soạn giả Cựu Ước thuật lại những thực tại ấy cũng không biết, nhưng Thiên Chúa đã biết và đặt trước vào bản văn Kinh Thánh như một mầm mống cho mạc khải sẽ có sau” (P. Benoit).

2. Nền tảng

Nghĩa tiên trưng như vậy do một Thiên Chúa mà có, bởi vì Người vừa là tác giả của Kinh Thánh, vừa làm chủ lịch sử, cho nên Người có thể sắp xếp những thực tại Cựu Ước như sự việc, biến cố, nhân vật thế nào để những thực tại ấy báo trước những thực tại Tân Ước. Nhưng nghĩa tiên trưng đó các soạn giả Cựu Ước không biết được, do đó cần có mặc khải giúp cho ý nghĩa được biểu lộ, hay nói khác đi, chỉ khi Đức Kitô đến thì nghĩa tiên trưng mới được bộc lộ.

3. Điều kiện

– Thực tại: thực tại lịch sử hay ít là văn chương về con người, sự vật thật sự để có thể là hình ảnh ám chỉ một thực tại khác cao siêu hơn.

– Tương xứng: có sự tương xứng phần nào giữa hình ảnh và thực tại nó ám chỉ. Khi Tân Ước coi một thực tại Cựu Ước là tiên trưng thì không hẳn mọi phương diện của thực tại ấy đều có ý nghĩa nhưng chỉ những phương diện nào về mặt tôn giáo phù hợp với thực tại của Tân Ước mới là hình ảnh của những thực tại này.

– Ý Thiên Chúa: thực sự Thiên Chúa muốn dùng con người, sự việc để tiên báo một nhân vật, một sự việc khác cao hơn. Thiếu điều kiện này, không còn nghĩa tiên trưng nữa mà chỉ còn nghĩa thích ứng. Có thể biết điều kiện này nhờ chính Tân Ước, tức là qua lời giải thích của Đức Giêsu, các Tông Đồ và các soạn giả Tân Ước; cũng có thể căn cứ vào các giải thích thường xuyên của Hội Thánh (Giáo phụ, Thần học gia, khoa Huấn giáo, Phụng vụ).

4. Nghĩa tiên trưng và nghĩa đầy

Nghĩa tiên trưng và nghĩa đầy giống nhau ở chỗ cả hai đều là ý nghĩa phong phú hơn của lời Cựu Ước khi được dùng lại trong Tân Ước, đã được ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô chiếu soi: cả hai đều có sẵn trong Cựu Ước và được Thiên Chúa đặt ở đó, tuy có thể tác giả Cựu Ước không biết.

Nhưng khác nhau ở chỗ nghĩa đầy thì gắn liền với các lời, các từ của bản văn Cựu Ước, vì nghĩa đầy chỉ là một cách hiểu nghĩa đen sâu xa hơn ; còn nghĩa tiên trưng thì gắn liền với các thực tại (con người, biến cố, sự vật) phát xuất từ ý nghĩa toàn bộ của một thực tại trong Cựu Ước. Ví dụ ông Melchisédech, việc vượt Biển Đỏ, con Rắn đồng…

Tuy không phải là nghĩa theo chữ, những nghĩa tiên trưng lại đặt nền tảng vững chắc trên nghĩa theo chữ đầu tiên, bởi vì những thực tại tiên trưng cũng đã đến với ta nhờ các từ ngữ soạn giả thánh sử dụng. Thậm chí khi soạn giả không ý thức mình đang mô tả một tiên trưng, thì tiên trưng cũng vẫn xuất phát từ các lời ông sử dụng. Ví dụ việc ông Ápraham sát tế con, Manna trong sa mạc.

Tiên trưng có thể là một thực tại thuần túy văn chương. Ví dụ nhân vật Giona chỉ là một nhân vật do văn chương tạo ra. Bởi vì điều kiện chủ yếu là : nghĩa tiên trưng phải ở trong chính những lời của Kinh Thánh.

Trong nghĩa tiên trưng, hai hình ảnh tiên trưng và đối tượng là hai thực tại khác hẳn nhau dầu có gặp gỡ nhau ở điểm chung. Điểm chung này chính là giá trị tôn giáo chung của hai thực tại. Trong nghĩa đầy thì giá trị tôn giáo này ở trên một bình diện liên tục còn trong nghĩa tiên trưng thì lại thuộc hai bình diện cũ và mới.

III. NGHĨA ĐẦY (sens plénier, sensus plenior)

(xin đọc Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Roma 1993, II, B, 3).

1. Định nghĩa

Nghĩa đầy là “nghĩa sâu xa của Kinh Thánh (le sens biblique profond) do chính Thiên Chúa khi mặc khải và linh hứng một lời đã muốn như thế, thường thường soạn giả thánh không biết ; đó là nghĩa nằm trong nghĩa theo chữ” (J. Coppens).

2. Lý do

Vấn đề là có thể có một nghĩa trọn vẹn hơn mà tác giả khi viết lại không ý thức không?

a. Trong thông điệp Providentissimus Deus của Đức giáo hoàng Lêô XIII : “… Vì Kinh Thánh là công trình của Chúa Thánh Thần, những chữ ở trong đó đều che giấu nhiều chân lý vượt hẳn sức lực và sự thấu đáo của lý trí nhân loại, như những mầu nhiệm của Thiên Chúa và những gì liên quan đến các mầu nhiệm đó. Ý nghĩa đôi khi rộng rãi và bị ẩn giấu hơn điều văn tự và các qui luật của khoa chú giải xem ra đã chỉ dẫn được”.

b. Vì Thiên Chúa là tác giả chính của Kinh Thánh, khi muốn cho mặc khải được khai triển về sau này, thì Người đã dẫn dắt soạn giả thánh một cách nào đó để ông dùng chữ dùng lời của mình diễn tả một chân lý mà ngay lúc ấy ông chưa thể thấu đào được ý nghĩa trọn vẹn (A. Béa).

Có thể áp dụng điều thánh Tôma nói về các ngôn sứ vào trường hợp soạn giả thánh. “Bởi vì trí tuệ của ngôn sứ là một dụng cụ khiếm khuyết (instrumentum deficiens), nên ngay cả những ngôn sứ đích thực cũng không biết những gì Chúa Thánh Thần nhằm đến trong các thị kiến và hành động của họ” (ST II-II ; q.173 a.4). Vậy, khi sử dụng ngôn ngữ của thời đại mình để trình bày những chân lý siêu nhiên mà ý nghĩa đầy đủ chỉ có được sau này, thì chính những kiểu nói, những từ ngữ ông sử dụng đã mở ra cho một nội dung phong phú hơn.

3. Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn của nghĩa đầy là mặc khải về sau, mặc khải của Tân Ước. Nhưng không phải cứ chỗ nào Tân Ước bảo rằng “Kinh Thánh hoàn tất” là đương nhiên ở đó có nghĩa đầy đâu. Để có nghĩa đầy, cần phải có một sự đồng tính giữa nghĩa theo chữ tác giả thánh có ý hiểu với nghĩa mà Tân Ước cho phép gán cho bản văn ấy. Nói cách khác, cả hai bên phải nhắm cùng một đối tượng, cùng một thực tại huyền nhiệm. Nhưng bên này mới thấy một cách mơ hồ, lờ mờ còn bên kia thì đã được măïc khải đầy đủ” (IB, I tr. 205).

Như vậy, nghĩa đầy không vượt quá giới hạn của nghĩa theo mặt chữ, cho dù chỉ có thể nhận ra nhờ ánh sáng mặc khải toàn vẹn. Nó vẫn thực sự là nghĩa theo mặt chữ, là nghĩa của Kinh Thánh. Đối tượng của những kiểu nói, những từ ngữ vẫn là một đối với Thiên Chúa và tác giả thánh, chỉ có khác nhau ở cấp độ hiểu biết rõ rệt mà thôi. Ví dụ:

– Những lời Đức Giêsu thốt lên khi ở trên thập giá, so với Tv 22.

– St 3,14-15 : “Đức Chúa là Thiên Chúa nói với con rắn…”, Kn 2,23-24 : ”Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người để được bất hoại… còn chết có nhập vào trần gian là do quỉ đố kỵ…”,  Kh 12,9 : ”vậy người ta đã quăng nó đi, con rồng lớn, con rắn thái sơ, thằng quỉ, thằng Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ”.

IV. NGHĨA HẬU KẾT (sens conséquent)

Nghĩa hậu kết là nghĩa suy diễn từ những chữ của Kinh Thánh nhờ suy luận. Còn có thể gọi nghĩa này là kết luận thần học. Đây không phải là một nghĩa của Kinh Thánh mà chỉ là một suy luận rút từ Kinh Thánh mà thôi. Gọi là nghĩa là nói theo nghĩa rộng. Ví dụ : 1 Cr 9,7-11 khi thánh Phaolô giải thích Đnl 25,4 ; Mt 22,31-32 dẫn Xh 3,6.

Nghĩa hậu kết, vì là một kết luận thực hành nên cũng có lợi ích lớn cho đời sống người Kitô hữu bởi nó sống động và cụ thể. Tuy nhiên nên dè dặt và cẩn thận khi sử dụng kẻo lại suy diễn một nghĩa nào đó hoàn toàn không được hàm ẩn trong bản văn Kinh Thánh.

V. NGHĨA ỨNG DỤNG (sens accomodatice, sensus accomodatus)

Khi đem một số lời nào đó của bản văn Kinh Thánh áp dụng vào những thực tại khác với những thực tại mà bản văn thực sự muốn diễn tả, khác với những thực tại soạn giả thánh muốn trình bày, lúc đó ta có nghĩa ứng dụng.

Các soạn giả thánh cũng đã sử dụng kiểu này, ví dụ:

– Rm 10,18 so với Tv 19,5

– 2 Cr 8,15 so với Xh 16,18

– Hr 13,5 so với Gs 1,5

Hội Thánh cũng năng sử dụng, nhất là trong Phụng vụ, kiểu ứng dụng này, ví dụ:

– Cn 8,22 áp dụng vào Đức Maria

Hc 24

– Hc 44,1-50 áp dụng vào các thánh tiến sĩ Hội Thánh

Các nhà giảng thuyết ngày nay cũng có thể sử dụng phương thức này, ví dụ áp dụng Tv 110,4 cho các linh mục Tân Ước, Ga 1,47 cho một người có hạnh kiểm tốt. Tuy nhiên nên dè dặt và chừng mực, vì tuy không thể nói phương thức này là không hợp lệ (vì nó đặt cơ sở trên hiệu lực đặc biệt của những lời trong Kinh Thánh : loại suy hay ám chỉ), nhưng cũng phải nói ngay là nghĩa ứng dụng không phải là một nghĩa thực sự của Kinh Thánh. Việc lạm dụng không phải không có những nguy hiểm. Thông điệp Divino afflante Spiritu đã cảnh giác rằng : ”Vậy nghĩa thiêng liêng, đã được Thiên Chúa muốn và ấn định, các nhà chú giải công giáo phải cẩn thận bộc lộ và trình bày như thế giá của Lời Thiên Chúa đòi buộc. Nhưng họ phải kính cẩn lo sao đừng trình bày những nghĩa ẩn dụ (significations métaphoriques) khác của sự vật và các sự kiện như thể là những nghĩa chân thực của Kinh Thánh. Vì nếu như, đặc biệt trong sứ vụ giảng thuyết, một cách sử dụng rộng rãi và có ẩn dụ so sánh một bản văn Kinh Thánh có thể giúp soi sáng và làm nổi bật một số điểm thuộc đức tin và phong hóa, miễn là phải dè dặt và chừng mực, thì vẫn không bao giờ được quên rằng cách sử dụng Lời Thiên Chúa đây có tính cách ngoại tại và là phụ, chêm vào. Có thể là, và nhất là ngày nay, kiểu sử dụng này không phải không nguy hiểm, bởi vì các tín hữu, nhất là những người đến với các thánh khoa như thể đến với các khoa đời, nhằm tìm điều Thiên Chúa có ý nói với chúng ta qua những văn chương (chữ) thánh hơn là điều một soạn giả hay một diễn giả hùng hồn trình bày khi dùng tài khéo để vận dụng (jouer) các lời Kinh Thánh”.