Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển IV: Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội

0
3046


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN IV

NHIỆM VỤ THÁNH HÓA CỦA GIÁO HỘI

—***—

NHỮNG ĐIỀU DẪN NHẬP

 

Trước khi bàn về từng phần, Bộ Giáo Luật dành 6 điều dẫn nhập về việc phụng tự.

1. Thế nào là việc phụng vụ?

Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ thánh hóa nhờ phụng vụ, được thực hiện bằng những dấu chỉ bên ngoài nhân danh Giáo Hội, bởi những người được đề cử cách hợp pháp (đ. 834 §1,2).

Điều 834 cho thấy rằng, để thành một tác động phụng vụ, phải có ba điều kiện hay ba yếu tố:

– Cử hành nhân danh Giáo Hội,

– Bởi người được Giáo Hội chính thức ủy thác cho,

– Bằng các lễ nghi do Giáo Hội thiết lập và được ghi trong các sách phụng vụ.

2. Những người thi hành nhiệm vụ này

Các Giám mục, Linh mục, Phó tế là những người có chức thánh, và tất cả các tín hữu, mỗi cấp độ tham gia vào việc phụng tự theo chức phận của mình (đ. 835 §1-4).

3. Cách thức thực hiện

– Bằng tác vụ Lời Chúa để khơi dậy và soi sáng lòng tin (đ. 836).

– Cử hành cách công khai và công cộng, tức là tất cả cộng đồng cùng tham gia vào việc cử hành phụng vụ (đ. 837 §1-2).

4. Thẩm quyền trong lãnh vực phụng vụ

Thẩm quyền điều hành phụng vụ có 3 cấp độ:

– Cấp 1 là Tòa Thánh với trách nhiệm điều hành phụng vụ trong toàn Giáo Hội, cách riêng trong việc soạn thảo các sách phụng vụ, thuộc “Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí tích”.

– Cấp 2 là hội đồng Giám mục lo việc dịch thuật các sách phụng vụ ra tiếng bản quốc cũng như thích nghi chúng vào văn hóa địa phương.

– Cấp 3 là Giám mục trong mỗi Giáo phận, có trọng trách ấn định các qui luật phải tuân theo trong việc cử hành phụng vụ (đ. 838 §1-4).

5. Những phương thế thánh hóa khác

Tuy phụng vụ chiếm hàng chính yếu trong nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội, nhưng không phải là phương tiện duy nhất, còn nhiều phương thế khác như cầu nguyện, các hành vi tu đức và hoạt động bác ái xã hội. Vị thường quyền sở tại phải liệu sao cho phù hợp với các qui luật của Giáo Hội (đ. 839 §1,2).

Tóm lại, các điều của phần dẫn nhập về nhiệm vụ thánh hóa, Giáo Luật chú trọng cách riêng đến phụng vụ.

Sau phần dẫn nhập, quyển IV được chia làm 3 phần:

– Phần I: Gồm 7 Bí tích, đây là phần dài nhất.

– Phần II: Về các việc phụng tự khác như: Các á Bí tích, phụng vụ các giờ kinh, an táng, tôn kính các thánh, lời khấn, lời thề.

– Phần III: Các nơi thánh (nhà thờ, nhà nguyện, nghĩa trang), thời gian thánh (tức là việc thánh hóa thời gian qua việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng, giữ chay và kiêng thịt).

***

PHẦN I

CÁC BÍ TÍCH

***

MỤC I

MỘT VÀI KHÁI NIỆM

 

Trước khi đi vào từng Bí tích, Bộ Giáo Luật dành 9 điều (đ. 840 – 848) để trình bày một ít khái niệm về các Bí tích.

1/. Các Bí tích do Chúa Kitô thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội, là những phương thế để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa loài người, nên các thừa tác viên và các tín hữu phải cử hành với hết lòng kính cẩn (đ. 840).

2/. Chỉ uy quyền tối cao của Giáo Hội mới có quyền ấn định những qui tắc và những điều kiện về sự thành hiệu của các Bí tích (đ. 841).

3/. Bí tích Rửa Tội được coi là điều kiện không thể thay thế để lãnh các Bí tích khác. Ba Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa được coi là ba Bí tích khai tâm Kitô giáo (đ. 842).

4/. Phải ban Bí tích cho những ai hội đủ những yếu tố sau:

– Xin vào lúc thích hợp (về thời giờ và nơi chốn).

– Đã có sự chuẩn bị chu đáo tùy mỗi Bí tích.

– Không bị Giáo Luật cấm, nghĩa là không bị vạ tuyệt thông (đ. 843).

5/. Xét theo nguyên tắc “hiệp thông” thì không nên trao hoặc lãnh Bí tích, cho hoặc bởi, người ở ngoài Giáo Hội. Tuy nhiên, xét theo nguyên tắc “phần rỗi” thì đôi khi vì nhu cầu thiêng liêng của linh hồn, cần phải trao hoặc lãnh Bí tích, cho hoặc bởi người không phải phần tử của Giáo Hội, nhất là ba Bí tích Giải Tội, Thánh Thể, Xức Dầu (đ. 844).

6/. Ba Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức ghi “ấn tích”, nên mỗi người chỉ lãnh một lần duy nhất. Nếu hồ nghi điều gì thì ban Bí tích với điều kiện đi kèm (đ. 845).

7/. Phải cử hành Bí tích theo nghi lễ của Giáo Hội, không được tùy tiện thay đổi (đ. 846).

8/. Về Dầu thánh:

– Phải dùng Dầu đã được Giám mục làm phép.

– Trước đây chỉ được dùng dầu ô-liu, nhưng nay có thể dùng dầu từ các thảo mộc khác. Đây là một bước tiến trong việc thích nghi vào điều kiện văn hóa địa phương, vì không phải nơi nào cũng có dầu ô-liu.

– Trong trường hợp cần phải xức dầu bệnh nhân mà không có sẵn dầu đã làm phép, thì Linh mục có thể làm phép dầu ngay trong chính lúc cử hành Bí tích.

Có ba thứ dầu:

– Dầu Thánh (Sanctum Chrisma – S.C.), dùng trong Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức.

– Dầu Dự Tòng (Oleum Sanctum – O.S. hoặc Oleum Catechumenorum – O.C.), dành cho việc chuẩn bị lãnh Bí tích Rửa Tội.

– Dầu Bệnh Nhân (Oleum Infirmorum – O.I.), dùng xức cho bệnh nhân (đ. 847).

9/. Về thù lao:

Không được đòi hỏi quá mức ấn định (việc ấn định này tùy theo quyết định của mỗi Hội Đồng Giám Mục và Giám mục Giáo phận), dĩ nhiên không cấm nhận những gì người ta dâng. Cần cho giáo dân hiểu: thù lao là điều tách biệt với thừa tác vụ thánh.

***

 MỤC II

BÍ TÍCH RỬA TỘI

I. KHÁI NIỆM

1. Bản chất

– Là cửa ngõ để bước vào các Bí tích khác, hay nói cách khác, là điều kiện cần thiết để lãnh các Bí tích khác.

– Cần để được ơn cứu độ.

2. Hiệu quả

– Giải thoát khỏi tội lỗi: tội nguyên tổ, tội riêng.

– Trở nên con Thiên Chúa.

– Thông dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô cũng như tham dự và chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương đế của Ngài.

– Trở thành phần tử của Giáo Hội Công Giáo, tham dự vào sứ mạng thánh hóa và truyền giáo của Giáo Hội.

Trở nên chủ thể nghĩa vụ và quyền lợi trong Giáo Hội.

3. Điều kiện để Bí tích được hữu hiệu

– Rửa bằng nước và đọc theo mô thức như trong sách nghi lễ (đ. 849-850).

II. CỬ HÀNH

– Phải cử hành theo nghi thức đã được Giáo Hội phê chuẩn trong sách phụng vụ (đ. 850).

– Chất liệu là nước đã được làm phép (đ. 853).

– Cách thức: Đổ nước trên đầu hoặc dìm xuống nước, đồng thời đọc “mô thức” Rửa Tội[1] (đ. 854).

– Thời gian: Lúc nào cũng được, mong ước nhất là đêm vọng phục sinh hay các ngày Chúa Nhật (đ. 856).

– Nơi chốn:

+ Tại nhà thờ giáo xứ (đ. 857).

+ Phải có giếng Rửa Tội hay một hình thức tương tự (đ. 858).

+ Có thể rửa ở nhà thờ khác không phải giáo xứ (đ. 859).

+ Khi khẩn cấp có thể rửa tại nhà riêng (tư gia), bình thường thì không được (đ. 860 §1).

+ Khi có phép của Giám mục, có thể Rửa Tội tại bệnh viện (đ. 860 §2). Trừ trường hợp cần thiết hay vì lý do nào khác bắt buộc.

III. TÁC VIÊN

– Thông thường: Giám mục, Linh mục, Phó tế (đ. 861 §1). Theo thường lệ, chủ chăn trong phạm vi lãnh thổ của mình. Thí dụ: Linh mục chính xứ trong giáo xứ (đ. 862), trừ trường hợp khẩn cấp. Việc Rửa Tội cho người lớn, những người tròn 14 tuổi trở lên, phải đệ trình Giám mục Giáo phận (đ. 863).

– Ngoại thường: Khi thiếu tác viên thông thường, thì giáo lý viên hoặc người nào được vị thường quyền sở tại ủy thác. Trường hợp khẩn cấp, bất cứ ai cũng được, kể cả người không phải là Kitô hữu, nếu biết làm theo đúng cách (đ. 861 §2).

Cha mẹ và người đỡ đầu:

– Cha mẹ: Ước ao họ có mặt trong buổi lễ.

– Người đỡ đầu: Buộc phải có người đỡ đầu (đ. 872-873). Người đỡ đầu do chính đương sự chọn hay cha mẹ chọn. Người đỡ đầu phải đủ 16 tuổi, là người Công Giáo, không mắc hình phạt Giáo Luật, không phải là cha mẹ ruột của đương sự (đ. 874). Không quy định nam cho nam, nữ cho nữ, nên có quyền tự do chọn người đỡ đầu. Bộ Giáo Luật không cấm giáo sĩ tu sĩ đỡ đầu.

– Phải giáo huấn cho cha mẹ và người đỡ đầu hiểu ý nghĩa của Bí tích này, cũng như những nghĩa vụ liên quan đến vai trò và trách nhiệm của người đỡ đầu (đ. 851 số 2).

IV. THỤ NHÂN

1. Điều kiện tổng quát: Chưa bao giờ lãnh Bí tích Rửa Tội (đ. 864).

2. Điều kiện chi tiết:

a/. Đối với người lớn:

– Có ý muốn lãnh nhận

– Qua một thời gian huấn giáo, tìm hiểu, học hỏi

– Sử dụng trí khôn bình thường

– Có khả năng tuyên xưng đức tin (đ. 865 §1).

– Lãnh Bí tích Thêm Sức, Mình Thánh Chúa liền sau khi Rửa Tội (đ. 866).

– Nếu nguy tử, có thể Rửa Tội ngay (đ. 865 §2).

b/. Đối với trẻ em:

– Cha mẹ và người đỡ đầu cũng phải được giáo huấn, cũng như cần thiết phải bày tỏ sự ưng thuận thay cho em nhỏ (đ. 868).

– Thay mặt em nhỏ để tuyên xưng đức tin.

– Rửa Tội sau khi sinh một vài tuần (để em nhỏ đủ khỏe về thể lý khi ra ngoài), nếu nguy tử thì Rửa Tội ngay (đ. 867).

3. Những trường hợp phức tạp

– Hồ nghi không biết đã Rửa Tội hay chưa Rửa Tội, hoặc Rửa Tội nhưng đã thành sự hay không. Phải điều tra cẩn thận, và khi Rửa Tội trong trường hợp này cần kèm với điều kiện (đ. 869 §1).

– Người đã Rửa Tội trong một Giáo Hội Kitô khác không phải Công Giáo, thì không được Rửa Tội lại với điều kiện đi kèm, trừ khi hồ nghi về tính thành sự của Bí tích (đ. 869 §2).

– Đối với trẻ em bị bỏ rơi hay vô thừa nhận, phải được Rửa Tội (đ. 870).

– Trường hợp thai bị sẩy, nếu còn sống, phải Rửa Tội, tùy theo mức độ có thể được (đ. 871).

Tất cả những trường hợp trên, dùng công thức với điều kiện đi kèm: “Nếu (anh, chị, em, con,…) chưa Rửa Tội, thì Tôi rửa (anh, chị, em, con,…), Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

V. CHỨNG THỰC VÀ GHI VÀO SỔ RỬA TỘI

– Nếu không có người đỡ đầu, thừa tác viên Phép Rửa Tội phải lo cho ít nhất là có một người nào đó để chứng minh việc đã ban Phép Rửa Tội (đ. 875).

– Chỉ cần lời khẳng định của một chứng nhân đáng tin cậy, hoặc chỉ cần lời thề của người đã được Rửa Tội, thì cũng đủ chứng minh đã lãnh Phép Rửa Tội (đ. 876). Đó là khi giấy tờ bị thất lạc, cha mẹ đã chết.

– Linh mục chính xứ, sau khi Rửa Tội, phải ghi ngay vào sổ Rửa Tội đầy đủ lý lịch của người được Rửa Tội (đ. 877 §1).

– Nếu là con của một người mẹ không có hôn thú, thì ghi tên của người mẹ. Tên người cha cũng được ghi, nếu tư cách của người đó được chứng minh do người đó tuyên bố trước Linh mục chính xứ. Trong những trường hợp khác, chỉ cần ghi tên người được Rửa Tội, không nói gì đến tên cha hoặc tên cha mẹ (đ. 877 §2).

– Nếu là con nuôi, thì phải ghi tên cha mẹ đẻ (đ. 877 §3).

– Nếu một thừa tác viên khác không phải Linh mục chính xứ Rửa Tội, thì phải báo cho Linh mục chính xứ biết để ghi vào sổ Rửa Tội (đ. 878).

– Đặt tên thánh: chỉ lưu ý cha mẹ hay người đỡ đầu và cả Linh mục chính xứ đừng đặt những tên xa lạ với tinh thần Kitô giáo (đ. 855).

***

 MỤC III

BÍ TÍCH THÊM SỨC

 

I. KHÁI NIỆM

1. Bản chất

– Dẫn đưa tín hữu tiến lên trên con đường khai tâm Kitô giáo.

– Ghi ấn tích vào linh hồn và chỉ lãnh một lần.

2. Hiệu quả

Kết quả là ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó gắn bó với Giáo Hội hơn, tham gia tích cực vào sứ vụ tông đồ của Giáo Hội, đặc biệt qua việc làm chứng cho đức tin bằng lời nói và việc làm (đ. 879).

II. CỬ HÀNH

Nghi thức căn bản gồm hai yếu tố:

– Đặt tay lên đầu và đọc lời nguyện ban 7 ơn Chúa Thánh Thần.

– Xức dầu thánh trên trán và đọc mô thức (đ. 880).

– Cử hành tại nhà thờ và trong thánh lễ. Nếu có lý do chính đáng có thể cử hành ngoài thánh lễ và ở một nơi xứng đáng (đ. 881).

III. TÁC VIÊN

– Thông thường: Đức Giám mục (đ. 882).

– Năng quyền: Giáo Luật ban cho một số Linh mục năng quyền ấy, đó là: Linh mục đứng đầu một Giáo Hội địa phương ngang hàng với Giám mục. Thí dụ: Viện phụ đối địa, Giám quản Tông Tòa hay Giám quản Giáo phận (đ. 883 §1).

– Người được ủy nhiệm của Giám mục để Rửa Tội cho người lớn (đ. 883 §2).

– Người được ủy quyền của Giám mục hay của cơ quan khác có thẩm quyền. Thí dụ: số người Thêm Sức quá đông (đ. 884).

– Trường hợp nguy tử, các Linh mục đều có quyền (đ. 883 §3).

Người đỡ đầu:

– Phải hội đủ những điều kiện như người đỡ đầu Rửa Tội. Giáo Luật khuyên nên chọn cũng người đỡ đầu lúc Rửa Tội. (đ. 892).[2]

IV. THỤ NHÂN

– Người đã Rửa Tội (đ. 889)

– Người đã đến tuổi khôn (đ. 891)

– Phải qua một lớp huấn giáo, giáo lý, học hỏi tìm hiểu (đ. 890)

– Về tuổi: Giáo Luật dành cho hội đồng Giám mục quyết định (đ. 891).

V. CHỨNG MINH VÀ GHI VÀO SỔ THÊM SỨC

– Để chứng minh, phải giữ những qui định của điều 876 (đ. 894).

– Phải ghi tên người Thêm Sức, tên tác viên, tên cha mẹ và tên người đỡ đầu, nơi và ngày Thêm Sức vào sổ Thêm Sức của Tòa Giám mục và của giáo xứ (đ. 895).

– Nếu người nào ban Thêm Sức, phải sớm nhất có thể thông báo cho Linh mục chính xứ của thụ nhân (đ. 896).

***

 MỤC IV

 BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

Mở đầu Bí tích này là hai điều dẫn nhập (đ. 897,898) trình bày đức tin của Giáo Hội đối với Bí tích Thánh Thể.

I. BẢN CHẤT

– Là Bí tích cao trọng nhất

– Nói nên sự hiện diện của Đức Kitô

– Chỉ hy lễ Đức Kitô dâng trên thánh giá

– Nói nên sự hiệp nhất với Chúa Kitô và với nhau

– Là trung tâm của phụng vụ và mọi hoạt động của Kitô giáo (đ. 897).

Đó là những điều cốt yếu về Bí tích Thánh Thể, là giáo lý và cũng là định tín của Giáo Hội. Vì thế các tín hữu phải tỏ lòng cung kính Bí tích Thánh Thể bằng cách:

– Tích cực tham dự thánh lễ

– Siêng năng rước lễ

– Hết lòng tôn thờ (đ. 898)

II. CỬ HÀNH

Cử hành Bí tích Thánh Thể hay thánh lễ là hoạt động của chính Đức Kitô. Mặc dù chỉ có các Giám mục, Linh mục mới là hiện thân của Đức Kitô trong vai trò chủ tế, nhưng tất cả các tín hữu đều có phần chủ động trong thánh lễ, vì thánh lễ được dâng nhân danh Giáo Hội. Vì vậy, cử hành Bí tích Thánh Thể là hành động của toàn thể Giáo Hội (đ. 899 §1-3).

III. TÁC VIÊN

1. Tác viên cử hành Bí tích Thánh Thể

– Để cử hành Bí tích hữu hiệu, Giáo Luật chỉ đòi một điều kiện phải là Linh mục (đ. 900 §1), không bị cản trở Giáo Luật như: mắc vạ tuyệt thông, cấm chế, huyền chức (đ. 900 §2). Như vậy, việc cử hành Thánh Thể trong các Giáo Hội Anh giáo, Tin lành xét theo Giáo Luật là vô hiệu.

– Linh mục có trọn quyền chỉ lễ cho bất cứ ai, người còn sống cũng như đã qua đời (đ. 901).

– Linh mục có thể đồng tế. Nhưng không được cử hành thánh lễ riêng khi có một thánh lễ đồng tế đang diễn ra trong nhà thờ. Thí dụ: cùng một lúc không có hai thánh lễ trong một nhà thờ hay nhà nguyện (đ. 902).

– Linh mục phải được nhận cho cử hành thánh lễ, chỉ cần có giấy chứng minh (đ. 903).

– Khuyến khích Linh mục dâng thánh lễ hằng ngày, dầu không có giáo dân tham dự (đ. 904).

– Mỗi ngày, Linh mục chỉ được dâng lễ một lần, trừ trường hợp luật cho phép như đồng tế hay vị thường quyền cho phép vì lý do mục vụ (đ. 905).

– Trừ khi vì lý do chính đáng và hợp lý, Linh mục đừng dâng lễ khi không có ít nhất là một giáo dân tham dự (không phải là người giúp lễ), có lý do chính đáng và hợp lý chứ không nói sự cần thiết nghiêm trọng. Bởi vì, bản chất cộng đồng của thánh lễ phải được biểu lộ bằng sự tham dự của ít là một tín hữu. Cho nên, thường xuyên dâng lễ một mình không có ai tham dự là điều không thể được chấp nhận (đ. 906).

– Phó tế và giáo dân không được đọc các lời nguyện, đặc biệt là kinh tạ ơn hay những việc dành cho Linh mục hay chủ tế (đ. 907).

– Linh mục không được cử hành Bí tích Thánh Thể chung với Linh mục hay thừa tác viên thuộc các Giáo Hội hay các cộng đoàn không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo (đ. 908).

– Linh mục mắc tội trọng không được cử hành thánh lễ (đ. 916).

– Linh mục cần chuẩn bị dâng lễ bằng cầu nguyện, và sau thánh lễ hãy tạ ơn Chúa (đ. 909).

2. Tác viên trao Thánh Thể

– Thông thường: Việc cho rước lễ là Giám mục, Linh mục và Phó tế (đ. 910 §1).

– Ngoại thường: Những người đã lãnh nhận tác vụ giúp lễ và tín hữu nào đã được chỉ định theo điều 230 §3 (đ. 910 §2).

– Khi có mặt tác viên thông thường, không mắc bận công việc khác, thì không được chỉ định các tác viên ngoại thường hoặc sử dụng những tác viên này.[3]

– Việc đưa Thánh Thể như của ăn đàng là một bổn phận của người có trách nhiệm[4] (đ. 911 §1). Khi khẩn cấp, bất cứ Linh mục nào cũng được phép, nhưng phải báo lại với người hữu trách (đ. 911 §2).

IV. THAM DỰ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

A. Tham dự thánh lễ

– Những người đã Rửa Tội và duy trì hiệp thông với Giáo Hội mới có quyền tham dự thánh lễ.

– Buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ Chúa Nhật, là ngày kính nhớ Đức Kitô phục sinh.

– Nơi đâu vị thường quyền địa phương cho phép, thánh lễ Chúa Nhật có thể cử hành ngay từ chiều thứ bảy (Xc. đ. 1248).

B. Rước lễ

– Bất kỳ ai đã Rửa Tội và không bị luật cấm, có thể và phải được nhận cho rước lễ (đ. 912).

– Những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế, những người cố chấp, mắc tội nặng chỉ được rước lễ sau khi đã lãnh Bí tích Giải Tội (đ. 916).

– Đối với trẻ em, nếu hiểu được Bí tích Thánh Thể, có thể cho rước lễ (đ. 913 §1,2). Cha mẹ, người thay thế cha mẹ, Linh mục chính xứ phải lo cho các em sớm được rước lễ (đ. 914).

– Các tín hữu chỉ được rước lễ tối đa hai lần một ngày, nhưng chỉ trong thánh lễ mà họ tham dự (đ. 917). Nhưng nếu có lý do chính đáng, có thể xin rước lễ ngoài thánh lễ (đ. 918).

– Buộc phải rước lễ mỗi năm ít là một lần trong Mùa Phục Sinh (đ. 920 §1,2).

– Khi nguy tử, phải được rước lễ như của ăn đàng (đ. 921 §1). Mặc dầu đã rước lễ rồi, vẫn được rước lễ như của ăn dàng lần nữa trong ngày ấy (đ. 921 §2).

– Phải lo liệu cho bệnh nhân nhận của ăn đàng càng sớm càng tốt khi còn tỉnh táo (đ. 922).

– Tín hữu có thể được rước lễ bởi một tác viên không Công Giáo (đ. 923) (Xc. đ. 844 §2).

– Để được rước lễ, phải sạch tội trọng (đ. 916) và giữ chay lòng trước một giờ (đ. 919 §1).

– Chỉ rước lễ dưới hình thức Bánh Thánh. Trường hợp cần thiết, có thể rước lễ dưới hình thức Rượu. Việc rước lễ cả hai hình Bánh và Rượu được qui định riêng (đ. 915).

V. NGHI THỨC CỬ HÀNH BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Được mô tả chi tiết trong sách lễ Rôma, Giáo Luật chỉ chú trọng đến vài điểm có tính cách kỷ luật.

1. Chất liệu

– Bánh phải được làm bằng bột mì nguyên chất. Phải dùng Bánh không men (đ. 926).

– Rượu tự nhiên ép từ trái nho và có pha một chút nước lã (đ. 924 §1-3).

2. Mô thức (lời truyền phép)

– Buộc phải đọc đúng mô thức (công thức) được qui định trong sách lễ Rôma

– Tuyệt đối cấm đọc mô thức trên bánh và rượu ở ngoài thánh lễ (đ. 927).

3. Ngôn ngữ

– Thánh lễ phải được cử hành bằng ngôn ngữ La tinh,

– Hoặc một ngôn ngữ nào khác mà bản văn phụng vụ đã được Tòa Thánh phê chuẩn (đ. 928).

4. Phẩm phục

Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Linh mục và Phó tế phải mặc lễ phục theo nghi thức qui định (đ. 929).

5. Thời gian

– Có thể cử hành thánh lễ vào bất cứ ngày nào và giờ nào,

– Ngoại trừ những trường hợp luật phụng vụ không cho phép. Thí dụ: ba ngày thứ Năm, Sáu, Bảy tuần thánh (đ. 931).

6. Địa điểm

– Phải cử hành thánh lễ ở nơi thánh, nghĩa là nhà thờ, nhà nguyện, phòng nguyện, nghĩa trang (đ. 932 §1) và trên một bàn thờ đã cung hiến hay làm phép.

– Ngoài nơi thánh, có thể trên một bàn xứng đáng, nhưng phải luôn có khăn phủ bàn và khăn thánh. Bộ luật mới không đòi hỏi phải đặt viên đá thánh nữa (đ. 932 §2).

– Có thể cử hành thánh lễ trong nhà thờ của một Giáo Hội hay một cộng đoàn không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Ngược lại, chúng ta có thể cho phép các anh em Kitô hữu ly khai mượn nhà thờ để cử hành lễ nghi của họ. Cả hai trường hợp đều phải có phép của vị thường quyền sở tại (đ. 933).

7. Ngoài ra

– Đối với Linh mục già, bệnh, đau yếu, không thể đứng thì có thể ngồi, nhưng không được cử hành trước dân chúng, trừ khi vị thường quyền sở tại cho phép (đ. 930 §1).

– Đối với Linh mục mù lòa, có thể cử hành thánh lễ với bất cứ bản văn nào đã được chuẩn nhận, nếu cần, với một Linh mục khác (đ. 930 §2).

VI. LƯU GIỮ VÀ TÔN THỜ THÁNH THỂ

1/. Những nơi phải lưu giữ Thánh Thể: nhà thờ chính tòa, nhà thờ giáo xứ, nhà thờ hay nhà nguyện của cộng đoàn dòng tu hay hội đời sống tông đồ (đ. 934 §1 số 1).

2/. Những nơi có thể lưu giữ Thánh Thể: phòng nguyện của các Giám mục, các nhà thờ, nhà nguyện khác, nếu có phép của vị thường quyền sở tại (đ. 934 §1 số 2).

3/. Nếu có lý do chính đáng, vị thường quyền có thể cho phép lưu giữ Thánh Thể ở một nhà nguyện khác nữa trong cùng một nhà. Thí dụ: nhà tập trong tu viện (đ. 936).

4/. Ngoài những nơi trên, cấm chỉ giữ Thánh Thể trong người hoặc đem đi đường, trừ khi vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi (đ. 935).

5/. Phải có người chăm nom, và phải có Linh mục cử hành thánh lễ ít nhất mỗi tháng hai lần (đ. 934 §2).

6/. Nhà thờ có lưu giữ Thánh Thể, hằng ngày phải mở cửa ít là một số giờ để tín hữu đến cầu nguyện (đ. 937).

7/. Thánh Thể được lưu giữ trong một nhà tạm của nhà thờ hay nhà nguyện (đ. 938 §1). Được đặt ở chỗ nổi bật, dễ thấy, trang hoàng mỹ thuật (đ. 938 §2). Phải bất di bất dịch, làm bằng chất liệu cứng, không trong suốt và khóa kín (đ. 938 §3).

8/. Thánh Thể phải được lưu giữ trong bình thánh theo số lượng đủ cho nhu cầu các tín hữu và năng được thay mới (đ. 939).

9/. Trước nhà tạm, phải có một ngọn đèn luôn cháy sáng (đ. 940).

10/. Có thể trưng bày Thánh Thể hoặc trong bình thánh hoặc trong mặt nhật (đ. 941 §1), nhưng trong lúc cử hành thánh lễ thì không được (đ. 941 §2).

11/. Hàng năm, thỉnh thoảng nên trưng bày Thánh Thể cách long trọng để cộng đoàn tôn thờ suy gẫm (đ. 942).

12/. Tác viên trưng bày Thánh Thể và ban phép lành là Linh mục hay Phó tế. Nếu chỉ trưng bày mà không ban phép lành, thì tác viên giúp lễ hay tác viên ngoại lệ cho rước lễ có thể làm được (đ. 943).

13/. Nên rước kiệu Thánh Thể qua các đường phố, nhất là trong những ngày lễ trọng Mình và Máu Đức Kitô (đ. 944).

VII. BỔNG LỄ

1/. Linh mục được quyền nhận bổng lễ theo ý người xin (đ. 945). Lịch sử đã chấp nhận như thế từ thế kỷ XII. Trong Tông thư “Firma in traditione” ngày 13-5-1974, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói về bổng lễ như sau:

– Bổng lễ là một thứ hy sinh để bày tỏ ước muốn tham dự tích cực vào hy lễ thánh lễ.

– Bổng lễ là dấu chỉ hợp nhất của tín hữu với nhu cầu của Giáo Hội; họ muốn góp phần với Giáo Hội nhằm giúp giáo sĩ sinh sống hoặc những công tác khác.

– Tỏ ra niềm tin của người xin lễ vào sự trung gian của Giáo Hội.

2/. Phải chỉ những lễ riêng biệt theo ý của mỗi người xin (đ. 948). Dù tiền lễ đã nhận và bị mất, vẫn buộc phải dâng lễ (đ. 949).

3/. Nếu số tiền xin không xác định số lễ, thì số lễ này phải tính theo mức đã định (đ. 950).

4/. Dù có nhiều ý lễ trong một thánh lễ, thì chỉ được giữ bổng lễ của một ý lễ người xin, còn các ý lễ khác tùy theo vị thường quyền ấn định (đ. 951, §1). Nếu đồng tế ngoài lễ đã dâng trong cùng một ngày, không được nhận bổng lễ đồng tế ấy (đ. 951 §2).

5/. Các thành viên các tu hội cũng phải tôn trọng những điều trên (đ. 952 §3).

6/. Không được nhận số bổng lễ quá số lễ dâng trong một năm (đ. 953).

7/. Có thể cử hành thánh lễ ở nhà thờ khác với bổng lễ đã nhận (đ. 954), tức là người ta xin ở nhà thờ này nhưng Linh mục có thể làm ở nhà thờ khác.

8/. Linh mục nào cũng phải cẩn thận và kỹ lưỡng về sổ lễ (đ. 955 §4).

9/. Số lễ không làm hết trong một năm, cùng với bổng lễ, phải trao lại cho vị thường quyền (đ. 956).

10/. Trong các nhà thờ thuộc tu hội Dòng hay hội Đời Sống Tông Đồ, nghĩa vụ trên thuộc về Bề trên liên hệ (đ. 957).

11/. Những ai phụ trách nhà thờ, phải có một sổ riêng về số lễ, ý chỉ và bổng lễ chưa làm hoặc đã làm (đ. 958).

 



 [1] Mô thức Rửa Tội: “T… rửa anh (chị, em, cháu, con,…)! Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. A-men!”.

[2] Bộ luật cũ năm 1917 thì đòi người đỡ đầu Rửa Tội khác với người đỡ đầu Thêm Sức

[3] Đây là câu trả lời của ủy ban giải thích Giáo Luật ngày 20 – 2 -1987, và đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chuẩn y.

[4] Tức là Linh mục chính, phó xứ