GIẢI THÍCH
BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983
CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
***
***
QUYỂN II:
DÂN THIÊN CHÚA
—***—
PHẦN II
CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI
***
MỤC III
NHỮNG TỔ CHỨC KẾT HỢP CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
I. GIÁO TỈNH VÀ GIÁO MIỀN
1. Giáo tỉnh
– Các giáo hội địa phương phải được tập họp lại thành những giáo tỉnh, để cổ võ hoạt động chung của những giáo phận lân cận nhau, và để hỗ trợ thích đáng hơn mối dây liên lạc giữa các giám mục giáo phận (đ 431 §1).
Điều luật trên đi đúng với tinh thần của Vaticanô II (xc. “Christus Dominus” số 39-40).
– Nay không còn những giáo phận miễn trừ nữa, mỗi giáo phận địa phương phải sáp nhập vào giáo tỉnh của lãnh thổ (đ 431 §2). Điều này liên quan đến những giáo phận hiện nay vẫn trực thuộc quyền Tòa thánh.
– Việc thành lập, bãi bỏ và thay đổi các giáo tỉnh thuộc quyền duy nhất tối cao trong Giáo hội (đ 431 §3).
– Quyền hành của giáo tỉnh thuộc về công đồng giáo tỉnh và trưởng giáo tỉnh (đ 432 §1).
– Các giáo tỉnh đương nhiên có tư cách pháp nhân (đ 432 §2).
2. Giáo miền
– Nếu thấy có ích lợi, theo đề nghị của hội đồng giám mục, các giáo tỉnh có thể được Tòa thánh tập họp lại thành giáo miền (đ 433 §1).
Giáo miền có thể thiết lập thành pháp nhân (đ 433 §2). Điểm cuối cùng trên đây càng phân biệt rõ giáo tỉnh và giáo miền, vì giáo miền có thể thủ đắc pháp nhân, còn giáo tỉnh thì đương nhiên. Giáo tỉnh có tính chất cần thiết, giáo miền thì không.
– Hội nghị các giám mục giáo miền phải ủng hộ sự hợp tác và mục vụ chung của miền. Những quyền hành mà luật dành cho hội đồng giám mục, lại không thuộc thẩm quyền hội nghị đó (đ 434).
II. TRƯỞNG GIÁO TỈNH
1. Định nghĩa
Đứng đầu giáo tỉnh là trưởng giáo tỉnh, cũng là tổng giám mục của giáo phận đã được ủy thác cho ngài. Chức vụ này gắn liền với tòa giám mục được Đức Giáo hoàng ấn định hoặc chuẩn y (đ 435).
2. Quyền hành
Ngoài những quyền hành của mỗi giám mục đối với giáo phận của mình, luật chung còn dành cho trưởng giáo tỉnh quyền cai quản có giới hạn đối với các giáo phận thuộc quyền ngài.
a. Trong giáo phận mình : quyền hành cũng y như các giám mục trong giáo phận, trừ biểu chương.
b. Trong các giáo phận thuộc tỉnh, quyền hành như sau:
– Trước hết là nhiệm vụ trông coi : ngài lo cho đức tin và phong hóa được tuân giữ cẩn thận, nếu có những lạm dụng thì thông báo cho Đức Giáo hoàng (đ 436 §1 số 1).
– Ngài cũng có nhiệm vụ thay thế : nếu giám mục nào bê trễ việc kinh lý, ngài kinh lý giáo phận đó, sau khi được Tòa thánh chấp thuận (đ 436 §1 số 2).
– Chỉ định giám quản giáo phận, nếu vị này trước đó không được chỉ định của các điều 421 và 425 (đ 436 §1 số 3).
– Khi hoàn cảnh đòi hỏi, ngài cũng có thể nhận được từ Tòa thánh một số nhiệm vụ riêng và quyền hành cần được xác định do luật riêng (đ 436 §2).
– Ngài không có quyền hành nào nơi giáo phận khác. Nhưng có thể cử hành các nghi lễ phụng vụ trong tất cả các nhà thờ y như giám mục trong giáo phận mình. Nhưng nếu cử hành tại nhà thờ chính tòa thì báo trước cho giám mục giáo phận (đ 436 §3).
3. Các huy hiệu
a. Dây biểu chương (pallium)
Lịch sử biểu chương không có gì chắc chắn và rõ ràng. Chỉ chắc một điều là từ thế kỷ V mới có biểu chương bên Tây, dùng dể chỉ quyền bính của các trưởng giáo tỉnh và chỉ ban cho các ngài mà thôi. Vì vậy, buộc các trưởng giáo tỉnh phải xin biểu chương nơi Tòa thánh.
Biểu chương có tính cách hoàn toàn bản thân, nên không thể đổi chác, trao tặng, di thác cho ai, dù ngài qua đời, nên phải chôn biểu chương cùng với ngài.
– Trong vòng 3 tháng từ khi tấn phong giám mục hoặc nếu đã được tấn phong rồi, thì từ sau khi đã được bổ nhiệm, trưởng giáo tỉnh phải xin Đức Giáo hoàng ban biểu chương, là dấu hiệu dành cho trưởng giáo tỉnh (đ 437 §1).
Biểu chương là một đai bằng len trắng được quàng quanh cổ, hai đầu dải để thõng, một ở trước ngực, một ở sau lưng. Trên đai len này có thêu 6 hình Thánh giá bằng lụa đen.
– Theo luật phụng vụ, trưởng giáo tỉnh có thể mang biểu chương trong tất cả các nhà thờ thuộc giáo tỉnh nhưng tuyệt đối không được dùng dây ấy ngoài giáo tỉnh mình, kể cả khi có sự chấp thuận của giám mục giáo phận (đ 437 §2).
– Nếu chuyển qua một tòa giáo tỉnh khác, phải xin biểu chương mới (đ 437 §3).
b. Thượng Phụ giáo chủ và Trưởng giáo chủ
Nói đúng, chỉ có một Thượng Phụ giáo chủ duy nhất trong tất cả bộ luật này là Đức Giáo hoàng. Còn các Thượng Phụ khác chỉ là những tước vị, và không có quyền hành như các Thương Phụ theo nghĩa cổ truyền. Dĩ nhiên, bộ giáo luật Đông phương dành nhiều chỗ hơn cho các Thượng phụ.
* Giáo chủ là gì?
Nguyên bản La tinh dùng tiếng Primas : giáo trưởng. Danh từ này xuất hiện vào thế kỷ IV, và được gán cho giám mục Carthago, vì có quyền hành trên khắp các tỉnh Bắc Phi. Ngày nay, tiếng “Primas” được áp dụng cho tòa giám mục cố cựu nhất của một vài quốc gia Âu châu và không nhất thiết trùng với thủ đô của nước ấy, thí dụ : Lion (Pháp), Toledo (Tây Ban Nha), Malines (Bỉ)…
Ngoài đặc ân danh dự, tước hiệu Thượng phụ và Trưởng giáo chủ không bao hàm một quyền nào trong Giáo hội La tinh, trừ khi rõ ràng định thể khác, đối với một vài vị, hoặc do đặc ân của Tòa thánh hoặc do một tập tục được chấp nhận (đ 438).
III. CÔNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG
Bộ Giáo luật đã đưa ra khái niệm và mục đích của các công đồng địa phương.
1. Công đồng toàn hội (toàn miền)
là hội nghị tập họp tất cả các giáo hội địa phương của cùng một hội đồng giám mục, được triệu tập mỗi khi thấy cần hoặc có ích, với sự chấp thuận của Tòa thánh (đ 439 §1).
2. Công đồng toàn tỉnh (công đồng giáo tỉnh)
Là hội nghị tập họp các giáo hội địa phương của cùng một giáo tỉnh (đ 440 §1).
Qui tắc và ấn định nơi điều 439 §1 cho công đồng toàn hội cũng được áp dụng cho công đồng toàn tỉnh (đ 439 §2).
Khi tòa giám mục trưởng giáo tỉnh khuyết vị thì không được triệu tập công đồng toàn tỉnh (đ 440 §2).
Không có hạn kỳ nào được ấn định cho việc họp của các công đồng này.
3. Việc hội họp các công đồng trên
a. Đối với công đồng toàn hội
Hội đồng giám mục có quyền:
1/. Triệu tập công đồng.
2/. Chọn nơi họp trong địa hạt tương ứng.
3/. Bầu một giám mục giáo phận để chủ tọa. Việc bầu này phải được Tòa thánh chuẩn y (không được bầu giám mục phó hay phụ tá).
4/. Ấn định chương trình làm việc, những vấn đề sẽ bàn luận, ngày khai mạc và thời gian họp, cũng như sự di chuyển, gia hạn và bế mạc (đ 441).
b. Đối với công đồng toàn tỉnh
Với sự đồng ý của đa số các giám mục thuộc quyền ngài, trưởng giáo tỉnh có quyền:
1/. Triệu tập (như vậy công đồng không được triệu tập khi trưởng giáo tỉnh khuyết vị).
2/. Chọn nơi họp trên địa hạt của mình.
3/. Ấn định chương trình làm việc, những vấn đề phải bàn luận, ngày khai mạc và thời gian họp, sự di chuyển, gia hạn và bế mạc (đ 442 §1).
Quyền chủ tọa là trưởng giáo tỉnh, khi ngài bị ngăn trở, thì một giám mục thuộc hạt, được các giám mục thuộc hạt bầu lên chủ tọa (đ 442 §2).
4. Thành viên của công đồng
A. Đối với công đồng toàn hội
1/. Để có là thăm quyết định phải mời những vị sau
a. Các giám mục giáo phận.
b. Các giám mục phó và phụ tá.
c. Các giám mục hiệu tòa đang đảm trách một nhiệm vụ đặc biệt do Tòa thánh hoặc hội đồng giám mục trao phó, trong địa hạt (đ 443 §1).
Có thể được mời với lá thăm quyết định : các giám mục hiệu tòa khác, kể cả các vị có công (hữu hàm), tức là đã nghỉ hưu sống trong địa hạt (đ 443 §2).
Như vậy, luật chung tỏ ra rộng rãi trong việc ban lá thăm quyết định cho các giám mục hiệu tòa tại các địa phương hơn là tại hội đồng giám mục.
2/. Chỉ có lá thăm tư vấn, phải mời những vị sau
a. Các tổng đại diện và đại diện giám mục của tất cả các giáo phận trên lãnh thổ.
b. Các bề trên thượng cấp của các tu hội dòng và các hội đời sống tông đồ. Số người sẽ do hội đồng giám mục ấn định. Họ sẽ được bầu bởi các bề trên cao cấp của các tu hội và hội có trụ sở trên lãnh thổ.
c. Các viện trưởng đại học của Giáo hội và đại học Công giáo, các khoa trưởng phân khoa thần học và giáo luật có trụ sở trên lãnh thổ.
d. Vài vị giám đốc đại chủng viện (số người cũng phải ấn định như số 2) (đ 443 §3).
Cũng có thể mời các vị sau:
– Một số linh mục và giáo dân, nhưng số người không được vượt quá nửa số các vị nói ở các số 1,2 và 3 (đ 443 §4).
– Các kinh sĩ hội nhà thờ chính tòa, hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ của mỗi giáo phận. Mỗi đơn vị chỉ gửi hai thành viên (đ 443 §5).
– Ít nhiều người khác với tư cách quan sát viên, tùy sự phán đoán của hội đồng giám mục hay trưởng giáo tỉnh và các giám mục thuộc tỉnh (đ 443 §6).
B. Đối với công đồng toàn tỉnh
Giống như công đồng toàn hội, với vài khác biệt:
– Các bề trên thượng cấp : số các vị sẽ được các giám mục giáo tỉnh ấn định, về số các giám đốc đại chủng viện cũng thế.
– Các quan sát viên được trưởng giáo tỉnh ấn định chung với các giám mục thuộc địa hạt.
1/. Bó buộc
– Tất cả những ai được triệu tập phải tới tham dự, trừ khi bị ngăn trở chính đáng, phải thông báo cho chủ tịch công đồng (đ 444 §1).
– Người được triệu tập có lá thăm quyết định có thể gửi người thụ ủy, nếu bị ngăn trở chính đáng, người thụ ủy có lá thăm tư vấn (đ 444 §2).
2/. Mục đích
Các công đồng phải lo thỏa mãn những nhu cầu mục vụ của dân Chúa. Tôn trọng luật chung của Giáo hội. Ấn định những gì thuận tiện để thực hiện việc mở mang đức tin, tổ chức hoạt động mục vụ chung, giữ gìn thuần phong mỹ tục, tuân thủ, áp dụng và bảo vệ kỷ luật chung của Giáo hội (đ 445).
3/. Sau công đồng
Sau khi bế mạc, vị chủ tịch phải chuyển tới Tòa thánh tất cả các văn kiện do công đồng biểu quyềt và chỉ được công bố sau khi được Tòa thánh thừa nhận. Công đồng có quyền ấn định cách công bố các sắc lệnh, và ấn định khi nào trở thành bắt buộc (đ 446).
IV. CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Đây là một trong những thể chế quan trọng nhất và hữu ích nhất do công đồng Vaticanô lập ra.
Bộ Giáo luật 1917 đã gần như không đề cập gì hết. Tại công đồng Vaticanô II, vấn đề này đã được thảo luận rất sâu rộng, do những liên quan thần học của sự việc.
Các hội đồng giám mục đã được tạo thành do sắc lệnh “Christus Dominus” (số 37 và 38). Nhiều văn kiện của công đồng cùng qui chiếu về vấn đề này. Tự sắc “Ecclesiae Sanctae” (số 41) đã đưa ra pháp chế đầu tiên cho cơ chế này, và nay đã được xác định về pháp lý. Có thể nói ngay rằng, về pháp lý, hội đồng giám mục không tạo thành một uy quyền ở giữa Tòa thánh và các giám mục : các giám mục vẫn trực tiếp liên lạc với Đức Giáo hoàng như xưa kia theo luật pháp phổ quát. Các hội đồng giám mục cũng không tự chúng và không chủ yếu là các hội nghị lập pháp (mặc dầu hội đồng có quyền ban hành các sắc lệnh). Thật ra, các hội đồng giám mục là những cơ quan của hiệp nhất và hiệp thông giữa các giám mục với nhau trong khuôn khổ của các công tác được minh định bởi các điều luật dưới đây.
Tóm lại, sắc lệnh Christus Dominus đã trình bày tầm quan trọng, mục đích và cách cấu trúc của cơ chế này.
Trong nhiều nước, các hội đồng giám mục đã chứng tỏ một sự thành công đáng kể về việc tông đồ, nên công đồng nghĩ rằng: đã tới lúc ở khắp nơi, các giám mục của mỗi nước, mỗi miền hãy thành lập một hội nghị duy nhất, và hãy tập hợp vào những thời điểm nhất định để gom chung lại những ánh sáng các kinh nghiệm khôn ngoan của mình.
Tự sắc Ecclesiae Sanctae đã đưa ra lệnh bắt buộc phải thành lập sớm hết sức trong những nơi chưa có hội đồng này.
* Tại Việt Nam
Hội đồng giám mục manh nha từ năm 1951 với hội nghị các giám mục ở Hà Nội.
Sự xuất hiện của hội đồng giám mục Việt Nam được ghi nhận trong niên giám 1967, lúc ấy chỉ gồm những giám mục miền Nam.
Đến năm 1980, mới thấy nói tới hội đồng giám mục bao trùm cả nước, với quy chế được phê chuẩn ngày 16-7-1980.
1. Định nghĩa
Là một thể chế có tính thường trực, là tổ chức kết hợp các giám mục một nước hoặc một lãnh thổ nhất định để cùng nhau thi hành một số nhiệm vụ cho các tín hữu Kitô thuộc địa hạt, để phát huy lợi ích cao hơn mà Giáo hội đem lại cho con người, nhất là bằng các hình thức và phương pháp làm việc tông đồ thích hợp với hoàn cảnh mỗi thời và mỗi nơi chiếu theo luật (đ 447).
Là một thể chế có tính thường trực: luôn luôn hành động, trong khi công đồng toàn miền thì có tính bất thường. Mục đích chính là mục vụ.
2. Thành lập hội đồng giám mục và các thành viên
Sau khi nghe ý kiến của các giám mục liên hệ, duy mình uy quyền tối cao của Giáo hội có quyền thành lập, bãi bỏ hoặc đổi mới các hội đồng giám mục. Đương nhiên có tư cách pháp nhân (đ 449 §2).
Hội đồng giám mục gồm các vị đứng đầu tất cả các giáo hội địa phương của cùng một nước (đ 448 §1).
Tòa thánh có thể lập hội đồng giám mục cho một lãnh thổ rộng hơn hay hẹp hơn, nhỏ hơn trong một nước hay lớn hơn một nước (đ 448 §2).
Các giám mục giáo phận, các vị tương đương, các giám mục phó, phụ tá, các giám mục hiệu tòa đang đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt do Tông tòa hay hội đồng giám mục ủy thác như lo về truyền giáo hay Công giáo tiến hành… đương nhiên là thành viên của hội đồng (đ 450 §1). Các giám mục hiệu tòa khác cũng như vị đại sứ của Đức Giáo hoàng, không phải là thành viên (đ 450 §2).
3. Qui chế
Phải có qui chế riêng và được Tòa thánh thừa nhận, trong đó phải dự trù phiên họp khoáng đại, hội đồng thường trực, văn phòng tổng thư ký cũng như các chức vụ và ủy ban khác (đ 451).
Nên nhớ, qui chế này không được phê chuẩn mà chỉ cần được thừa nhận bởi Tòa thánh. Giá trị và hiệu lực của qui chế không do sự thừa nhận của quyền trên nhưng do sự thỏa thuận của các giám mục, dĩ nhiên quyền trên có quyền đòi hỏi sửa đổi khi thừa nhận.
4. Chức vụ chủ tịch, quyền chủ tịch, tổng thư ký
Hội đồng giám mục bầu chủ tịch. Xác định người quyền chủ tịch khi chủ tịch ngăn trở chính đáng, và chỉ định tổng thư ký theo quy chế (đ 452 §1).
Chủ tịch hoặc người quyền chủ tịch (khi chủ tịch ngăn trở), chủ tọa các khóa họp chung và hội đồng thường trực (đ 452 §2).
5. Khóa họp thường kỳ khoáng đại
Mỗi năm họp ít là một lần. Hội nghị này được gọi là thường lệ hay thuờng kỳ. Và hơn nữa, nếu hoàn cảnh riêng đòi hỏi, theo qui chế. Đây là những hội nghị bất thường (đ 453).
Trong khóa họp khoáng đại, những thành viên chính thức đều có lá thăm quyết định (đ 454 §1).
Các giám mục phụ tá và hiệu tòa có là thăm quyết định hay tư vấn tùy qui chế ấn định (đ 454 §2).
6. Quyền làm luật
Hội đồng giám mục chỉ có thể ban hành những sắc lệnh tổng quát đối với những vấn đề mà luật phổ quát đã ấn định, hoặc một quyết định riêng do Tòa thánh ấn định, hoặc do yêu cầu của chính hội đồng (đ 455 §1).
Các sắc lệnh chỉ thành sự khi hội đủ ít là 2/3 số thăm của những thành viên có lá thăm quyết định. Các sắc lệnh này chỉ có hiệu lực sau khi được Tòa thánh thừa nhận và được công bố hợp pháp (đ 455 §2).
Cách thức công bố và thời điểm sắc lệnh có hiệu lực do chính hội đồng ấn định (đ 455 §3).
Kết thúc khóa họp, chủ tịch phải chuyển tới Tòa thánh bản tường trình các công việc, các sắc lệnh để Tòa thánh biết và thừa nhận các sắc lệnh, nếu có (đ 456).
7. Hội đồng giám mục và giáo hội địa phương
Hội đồng giám mục và chủ tịch đều không có thẩm quyền gì trên mỗi giám mục giáo phận (đ 455 §4).
Hội đồng thường trực có bổn phận chuẩn bị những việc phải bàn trong khóa họp và trông coi việc thi hành những quyết định của khóa họp (đ 457).
Văn phòng tổng thư ký có những nhiệm vụ sau:
a. Thảo các bản tường trình về những văn kiện, những sắc lệnh của hội đồng, các văn kiện của hội đồng thường trực và thông đạt các văn kiện đó cho các thành viên và soạn thảo những văn kiện khác do chủ tịch hay hội đồng thường trực ủy cho soạn thảo (đ 458 §1).
b. Thông đạt cho các hội đồng giám mục lân cận những văn kiện và tài liệu mà hội đồng giám mục trong phiên họp khoáng đại hoặc hội đồng thường trực đã quyết định (đ 458 §2).
8. Liên lạc giữa các hội đồng giám mục
Bộ Giáo luật tán trợ những liên lạc giữa các hội đồng giám mục, nhất là lân cận, để cổ võ và bảo toàn lợi ích lớn hơn (đ 459 §1).
Nhưng khi các hội đồng dự tính những hoạt động hoặc đề cập tới những vấn đề có tính cách quốc tế, thì phải hỏi ý kiến Tòa thánh (đ 459 §2).