Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển II: Dân Thiên Chúa – Các Tu Hội Đời Và Hội Đời Sống Tông Đồ (4)

0
2208


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN II:

DÂN THIÊN CHÚA

—***—

PHẦN III

CÁC TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

CÁC HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ

***

MỤC IX

CÁC TU HỘI ĐỜI

 

A. KHÁI NIỆM

Các Tu Hội Đời đã nhận được qui chế trong Giáo Hội do Hiến chế tông tòa “Provida Mater Ecclesiae” của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 02-02-1947. Một năm sau, trong Tự sắc “Primo Feliciter Anno”, Đức Giáo Hoàng nói lên lòng cảm tạ Chúa khi thấy “đông đảo nhiều tâm hồn ẩn náu với Chúa Kitô trong Thiên Chúa sống trong thế gian đang sẵn sàng và quảng đại hướng tới sự thánh thiện và vui vẻ hiến dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa trong Tu Hội Đời” (13-02-1948).

Các Tu Hội Đời đã nhận được một luật riêng và Thánh bộ các dòng tu đã được ủy cho việc soạn thảo những luật lệ cần thiết. Vì được coi là một hình thức sống tận hiến đặc biệt thích hợp cho thời đại chúng ta, nên loại Tu Hội Đời này đã có một chỗ đứng trong pháp chế mới của Giáo Hội.

Các Tu Hội Đời cũng thuộc quyền Thánh bộ Rôma như các Tu Hội Tận Hiến. Từ khi có Hiến chế “Regimini Ecclesiae” ngày 15-08-1967, Thánh bộ này gọi là “Thánh Bộ Cho Các Tu Sĩ Và Các Tu Hội Đời” (S.C.R.I.S.).

Có tất cả 20 điều luật đã thích nghi các qui tắc chung của đời sống tu trì vào các Tu Hội Đời.

Pháp chế về các Tu Hội Đời trong bộ Giáo luật có thể nói là một trong những biến cố quan trọng nhất và ý nghĩa nhất. Đây là sự hòa hợp sâu xa giữa đoàn sủng của các Tu Hội Đời và chỉ thị quan trọng nhất của Công Đồng: sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giớ. Thật vậy, đời sống thánh hiến của Tu Hội Đời là sự thánh hiến của cuộc sống trần tục, một sự hiệp nhất chặt chẽ và chủ yếu của cuộc sống trần gian và cuộc sống thánh hiến. Với việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, các Tu Hội Đời có sứ mạng vượt qua tính nhị nguyên giữa Giáo Hội và thế gian, và trở thành điển hình của Phúc Âm và của Giáo Hội giữa lòng thế giới.

Sự đồng nghĩa giữa đời sống thánh hiến và đời sống tu hành đã bị phá vỡ bởi việc ban hành Tông hiến “Provida Mater Ecclesiae” ngày 02-02-1947. Văn kiện này đã chính thức hóa một hình thức đời sống thánh hiến ở giữa thế gian. Trong những năm sau đó, hơn 130 Tu Hội Đời đã được thành lập theo Giáo luật, và có chừng 600.000 người đã được thánh hiến theo tiếng Chúa gọi trong các Tu Hội Đời này, để đưa Phúc Âm vào lòng thế giới. Tuy nhiên, hình thức đời sống thánh hiến này vẫn chưa được người ta hiểu đúng, cả trong giới các tu sĩ và giáo sĩ. Nhiều người coi các người thánh hiến này là “một thứ người đời giả tạo”, những người khác lại coi đây là những tu sĩ có bản chất hàm hồ, không rõ, những tu sĩ trá hình làm người đời. Sự thật thì khác hẳn: đây là một đoàn sủng riêng biệt, một hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội để cải tạo thế giới từ bên trong thế giới và để thế giới được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.

Sự việc các Tu Hội Đời bước vào bộ Giáo luật là một niềm vui cho mọi người:

– Đối với các Tu Hội Đời, vì nay hình thức thánh hiến này có chỗ đứng trong thần học, trong Giáo luật và trong sinh hoạt của Hội Thánh.

– Đối với các tu sĩ, các Tu Hội Đời là một yếu tố quan trọng đặc biệt, giúp vượt qua cuộc khủng hoảng về căn cước thường xảy ra những năm gần đây: sự khủng hoảng này đã do sự kiện các tu sĩ muốn vay mượn những nét của “đời sống thánh hiến ngoài đời”, vì muốn có sự “nhập thế” thực sự hơn, nhưng do đấy mà nhiều Tu Hội Dòng đã đi quá giới hạn mà sự thánh hiến tu hành cho phép.

– Đối với các giáo dân, vì thấy rõ hơn chứng từ và niềm khuyến khích mà các thành viên của các Tu Hội Đời mang lại cho họ, do cách sống Phúc Âm ở giữa trần gian, trong những hoàn cảnh và tình trạng giống như họ.

B. LỊCH SỬ

Về khía cạnh lịch sử, có thể tóm lại như sau:

– Vào thế kỷ XVI, thánh nữ Angela de Merici đã muốn qui tụ một số thiếu nữ thành “nhóm thánh Ursula”, khấn khiết tịnh, chuyên vào việc giáo dục, và mang áo dòng. Dự án ấy quá táo bạo đối với tâm trạng thời đó, và chẳng bao lâu các cô phải mặc áo dòng và trở thành nữ tu dòng kín.

– Đến thế kỷ XVIII, khi cuộc cách mạng Pháp giải tán các dòng tu, cha Pierre Joseph Picot de Clorivière S.J. đã lập ra hai tổ chức tu chui, một dành cho các linh mục và nam giới (Hội các linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu) và một cho nữ giới (Hội con cái trái tim Đức Mẹ): cả hai theo đuổi đời sống tận hiến nhưng không sống cộng đoàn chung.

– Cho tới thế kỷ XIX, đứng trước tình hình của các xã hội Âu châu bị tục hóa, nhiều tổ chức đã ra đời với mục tiêu nhằm đưa men Phúc Âm vào giữa những môi trường đời: gồm bởi những người tận hiến cho Chúa qua lời khấn, nhưng không có tu phục và đời sống chung. Vài nhân vật tên tuổi: cha Jean Joseph Allemand ở Marseille, Pháp; chân phước Caterina Volpicelli ở Napoli, Ý.

– Năm 1900, qua Tông hiến “Condidate a Christo”, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên bố các hội dòng với lời khấn đơn cũng được nhìn nhận là dòng tu, thì các Tu Hội Đời chưa được Giáo Hội để ý tới, xét vì họ không có lời khấn công, không có tu phục, không có đời sống chung. Tình trạng ấy vẫn còn tiếp tục khi bộ Giáo luật 1917 ra đời.

– Đến năm 1941, Đức Giáo Hoàng Piô XII mới quyết định thiết lập một Ủy Ban Liên Bộ trong giáo triều để cứu xét vấn đề. Sau khi đã nhận được ý kiến thuận của Ủy Ban, ngài đã ban hành Tông hiến “Provida Mater Ecclesiae” (02-02-1947), chấp nhận các Tu Hội Đời như một hình thức của bậc trọn lành trong Giáo Hội. Tông hiến này được coi là “đại hiến chương” của Tu Hội Đời.

– Một năm sau, Tòa Thánh ban hành hai văn kiện: Tự sắc “Primo Feliciter Anno” của Đức Giáo Hoàng Piô XII (13-02-1948) và Huấn thị “Cum Sanctissimus” của Bộ tu sĩ (19-03-1948), nhằm để bổ túc thêm cho Tông hiến “Provida Mater Ecclesiae”.

– Công Đồng Vatican II bàn tới các Tu Hội Đời trong Sắc lệnh Đức ái trọn hảo.

– Sau Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tiếp tục giải thích thêm bản chất của các Tu Hội Đời qua những bài diễn văn đọc khi tiếp đại hội các Tu Hội Đời trên thế giới vào năm 1970, 1972, 1976; và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1980. Ngoài ra, Bộ Tu sĩ cũng ra nhiều văn kiện dành riêng cho Tu Hội Đời, thí dụ về bản chất thần học và pháp lý của Tu Hội Đời, về sự tham gia của những người đã có đôi bạn vào sinh hoạt của các Tu Hội Đời (1976), về vấn đề huấn luyện (1980), về bản chất của các mối dây cam kết (1981). Sau khi ban hành bộ Giáo luật 1983, Bộ Tu sĩ đã gửi một lá thư tới các Giám mục trên thế giới (06-01-1984) để giúp cho các ngài có một khái niệm về Tu Hội Đời.

Bộ Giáo luật 1983 đã dành riêng những điều từ 710-730 cho Tu Hội Đời, cùng với những điều 573-606 chung cho hết các Hội Dòng Tận Hiến. Phải nhìn nhận rằng, các Tu Hội Đời rất đa dạng về cách sinh sống; bởi thế, bộ Giáo luật chỉ ra vài nguyên tắc rất tổng quát, ngõ hầu mỗi Tu Hội có thể dễ dàng thích nghi với chủ trương riêng của mình.

I. Định Nghĩa

Điều 710 cho ta định nghĩa: Tu Hội Đời là một Tu Hội Tận Hiến, sống giữa đời, cố gắng đạt tới đức ái hoàn hảo và ra sức góp phần thánh hóa thế giới, nhất là từ bên trong.

Qua định nghĩa ấy, ta thấy có nhiều điều cần lưu ý:

– Cũng hệt như các Tu Hội Dòng, là những pháp nhân tập thể (đ. 114-116), được Giáo Hoàng thành lập, tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm để đạt tới mức trọn lành của đức ái bằng cách dấn thân phục vụ nước Chúa và lo cho ơn cứu độ của thế giới (đ. 573). Nhưng khác nhau: trong các Tu Hội Dòng, đời sống thánh hiến được đảm nhận bằng các lời khấn công và thể hiện bằng cuộc sống huynh đệ chung (đ. 607§2) và cách biệt đối với thế tục (đ. 607§3). Còn trong các Tu Hội Đời, đời sống thánh hiến được thực hiện không có lời khấn công (đ. 712), để sống giữa thế gian, và không buộc phải có đời sống chung với nhau (đ. 714).

Điều luật này nêu lên một số yếu tố chung cho bất cứ cuộc sống thánh hiến nào, và yếu tố riêng của các Tu Hội Đời. Các yếu tố chung là sự thánh hiến – hướng tới mức trọn lành của đức ái – và thánh hóa thế gian. Hai yếu tố sau cùng là mục tiêu mà sự thánh hiến phải hướng tới như hậu quả tất nhiên của mình. Yếu tố riêng biệt và chủ yếu của Tu Hội Đời là sống giữa thế gian để thánh hóa thế gian từ bên trong.

Vì tuyên khấn 3 lời khuyên Phúc Âm, nghĩa là gồm cả sự khiết tịnh trọn hảo, nên không thể thâu nhận những người đã lập gia đình.

II. Thiết Lập

Giống như các Tu Hội Dòng (đ. 579,589), các Tu Hội Đời có thể được thiết lập do Giám mục sau khi tham khảo ý kiến của Tòa Thánh (nếu thuộc luật giáo phận) hay do Tòa Thánh (nếu là Tu Hội thuộc luật Giáo hoàng). Sự thiết lập bao hàm việc phê chuẩn hiến pháp.

Tu Hội Đời cũng được phân loại thành giáo sĩ và giáo dân (đ. 588). Tuy nhiên, các thành viên giáo sĩ của các Tu Hội Đời thì được nhập tịch vào giáo phận chứ không phải vào Tu Hội, ngoại trừ khi có đặc ân của Tòa Thánh (đ. 266§3: đặc biệt đối với những người có trách nhiệm điều khiển Tu Hội). Việc tiến cử để lãnh chức thánh cũng tùy thuộc vào Giám mục giáo phận chứ không thuộc về ban lãnh đạo của Tu Hội (đ. 1019§2). Qui chế của các phần tử giáo sĩ được ấn định ở điều 715.

III. Vị Trí (Bậc Sống Của Thành Viên Trong Giáo Hội)

– Điều 711: thành viên của Tu Hội Đời do sự thánh hiến, không thay đổi địa vị Giáo luật của riêng mình trong dân Thiên Chúa, dù là giáo dân hay giáo sĩ, giữ nguyên những qui định của điều luật liên quan đến các Tu Hội Tận Hiến.

Theo luật của Thiên Chúa, có hai bậc sống căn bản trong Giáo Hội: bậc giáo sĩ và bậc giáo dân. Các tín hữu của cả hai bậc sống này đều có thể chọn đời sống thánh hiến, vì điều này không thuộc về cấu trúc phẩm trật của Giáo Hội (đ. 207).

Khi các tín hữu khấn dòng, họ hết là người đời để trở thành các tu sĩ, giáo sĩ hoặc giáo dân. Trái lại, khi các tín hữu tuyên khấn trong một Tu Hội Đời, họ bước vào đời sống thánh hiến, nhưng không thay đổi bậc sống “ở đời” của họ, dù họ là giáo sĩ hoặc giáo dân, trong khi họ sẽ phải sống như những người được thánh hiến ở giữa thế gian. Đó là đặc tính “đời” của các Tu Hội này. Cho nên sẽ có hai loại Tu Hội Đời: các Tu Hội Đời giáo dân và các Tu Hội Đời giáo sĩ (đ. 713).

IV. Những Ràng Buộc Thánh (Lời Khấn) (đ. 712)

Hiến pháp của Tu Hội phải ấn định rõ những ràng buộc trong việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, những ràng buộc này phải được phê chuẩn hoặc được thừa nhận bởi Giáo Hội.

Đây không phải là những cam kết riêng tư, chỉ buộc lương tâm, nhưng đây là những ràng buộc có tính pháp lý của một Tu Hội do Giáo Hội thành lập, có hiệu lực ở tòa ngoài và sự chuẩn chước được dành cho thẩm quyền của Giáo Hội. Các ràng buộc này có thể có nhiều hình thức khác nhau: lời thề, lời hứa, sự thánh hiến, lời khấn. Nhưng không thể là lời khấn công, vì như thế sẽ là lời khấn dòng. Đồng thời cũng không thể là lời khấn tư chỉ buộc lương tâm.

Hiến pháp cũng phải xác định những nghĩa vụ sinh ra do các ràng buộc này đối với Tu Hội cũng như đối với các thành viên. Sau cùng, phải tránh tất cả những gì giống như lối sống của các Tu Hội Dòng.

V. Các Hoạt Động Tông Đồ (đ. 713)

Tất cả cuộc sống của mọi thành viên các Tu Hội Đời phải hướng về việc tông đồ, nhưng hoạt động tông đồ của họ sẽ mang những sắc thái riêng biệt, tùy là thành viên giáo dân (§2) hay giáo sĩ (§3).

Các Tu Hội Đời có thể là Tu Hội giáo dân, giáo sĩ, hoặc hỗn hợp vừa giáo dân vừa giáo sĩ, mỗi thành viên sẽ hoạt động theo bậc sống của mình.

VI. Sinh Hoạt Của Các Thành Viên

1. Cách thức sinh sống

Những người thánh hiến ở giữa đời có thể sống nhiều cách khác nhau, từ cuộc sống đơn độc với nghề nghiệp của mình, đến cuộc sống tấp thể, với những hoạt động cá nhân hoặc tập thể, nhưng vẫn giữ được các nét của cuộc sống “ở đời”. Tức là có thể sống một mình ở tư gia, hay từng nhóm (đ. 714).

Các thành viên phải sống theo hiến pháp trong các điều kiện thông thường ở đời, một mình hoặc mỗi người trong gia đình mình, hoặc trong một nhóm huynh đệ.

Tuy nhiên, những nhà mà các nhóm này sống với nhau không phải là những “nhà dòng”. Bởi vậy không có sự thành lập theo Giáo luật, không có nội cấm, không buộc phải có bề trên nhà, và cũng không có quyền để Mình Thánh Chúa.

Các Tu Hội Đời là những cộng đồng, các thành viên cộng đồng không buộc “sống chung”, nhưng phải giữ sự hiệp thông trong sự hiệp nhất tinh thần và bác ái huynh đệ, bằng cách tích cực tham gia vào sinh hoạt của Tu Hội mình (đ. 716).

Đối với các giáo sĩ đã nhập giáo phận, thì phục quyền Giám mục giáo phận. Còn những ai đã nhập tịch Tu Hội, nếu được chỉ định thi hành những công tác riêng của Tu Hội, hoặc điều khiển Tu Hội, thì thuộc quyền Giám mục như các tu sĩ (đ. 715).

2. Việc quản trị (đ. 717)

Hiến pháp phải qui định hình thức cai trị của Tu Hội, xác định nhiệm kỳ của những người lãnh đạo và cách thức chỉ định vào chức vụ. Luật chung chỉ đòi hỏi vị lãnh đạo tối cao phải là người đã gia nhập vĩnh viễn vào Tu Hội (đ. 171§2). Một trách nhiệm quan yếu của cấp lãnh đạo là lo duy trì tinh thần hợp nhất và cỗ võ sự tham gia tích cực của mọi phần tử. Chúng ta nên biết là về cơ quan quản trị, bộ Giáo luật đã dùng từ ngữ khác với từ ngữ dành cho các dòng tu: “người lãnh đạo” (moderator) thay vì “bề trên” (superior).

3. Việc quản trị tài sản (đ. 718)

Ngoài những điều luật về tài sản của Giáo Hội trong quyển V, luật riêng còn phải xác định thêm về những nghĩa vụ của Tu Hội đối với những phần tử làm việc cho Tu Hội (nên lưu ý là các phần tử của Tu Hội Đời không buộc phải khước từ quyền sở hữu và quản trị tư sản như các tu sĩ, như vậy vấn đề tài sản chung được đặt ra không giống các dòng tu).

4. Đời sống thiêng liêng (đ. 719)

Nhằm hỗ trợ cho sự kết hợp với Đức Kitô, nguồn gốc của mọi hoạt động tông đồ. Vài phương thế chính yếu: cầu nguyện, đọc Sách Thánh, cử hành Thánh Thể (hằng ngày nếu được), bí tích Thống hối, linh hướng, tĩnh tâm thường niên,…

VII. Thâu Nhận Và Đào Tạo Các Thành Viên

Những qui định của bộ Giáo luật cũng rất tổng quát và dành việc xác định cho hiến pháp của mỗi Tu Hội. Sau đây là những qui tắc của luật chung: quyền nhận vào Tu Hội, vào thử để dấn thân bằng những ràng buộc thánh, tạm hay trọn đời, thuộc về bề trên cao cấp với ban cố vấn, chiếu theo hiến pháp (đ. 720).

1. Thâu nhận

Nhận những người sau đây vào kỳ thử là bất thành:

a/. Chưa tới tuổi trưởng thành.

b/. Người còn mắc lời khấn trong một Tu Hội Tận Hiến hoặc đã gia nhập một hội đời sống tông đồ.

c/. Người đã kết hôn khi còn dây hôn phối (đ. 721§1).

Hiến pháp có thể ấn định những ngăn trở khác đối với việc thâu nhận, cả về phương diện thành sự, hoặc đặt thêm những điều kiện (đ. 721§2).

Ngoài ra, những người được thâu nhận phải có sự trưởng thành cần thiết. Lý do: vì những khó khăn đặc biệt của cách sống tận hiến này, nên cần có những đòi hỏi gắt gao hơn về sự trưởng thành, hơn cả đối với việc bước vào đời sống tu sĩ (đ. 721§3).

– Tuổi trưởng thành theo pháp luật là 18 tuổi trọn thay vì 17 tuổi, tức là cao hơn ứng viên vào dòng tu (đ. 721§1).

– Bắt buộc thời kỳ thử ít là 03 năm (đ. 722§3), dài hơn thời kỳ tập tu theo Giáo luật là 01 năm.

– Thời gian gia nhập tạm ít là 05 năm (đ. 723§2), dài hơn đối với tu sĩ (05 năm thay vì 03 năm). Luật riêng của mỗi Tu Hội cũng không được ấn định thời gian này dài quá 10 năm.

Đối với các Tu Hội Đời, người ta không đề cập tới “tuyên khấn”, nhưng nói là “gia nhập”, trước là tạm, rồi trọn đời, hoặc “dứt khoát” (đ. 723§2,3,4). Thay vì “lời khấn”, người ta dùng danh từ rộng hơn “các ràng buộc thánh” (đ. 712, 713§1 và 724§1).

Đây cũng có thể là những lời khấn – không như các tu sĩ – nhưng cũng có thể là những cách dấn thân khác: quyết tâm, lời hứa,.v.v… vì các ràng buộc này có tính chất “thánh” nên được dâng lên Thiên Chúa.

Ngoài những phần tử thực thụ, các Tu Hội Đời cũng được phép kết nạp “những tín hữu ước mong đạt tới sự trọn lành Phúc Âm” dựa theo tinh thần của Tu Hội và tham gia vào sứ mạng của Tu Hội (đ. 725). Nói khác đi, các Tu Hội Đời cũng có thể thâu nhận “hội viên dòng ba” giống như các dòng tu. Các tín hữu được kết nạp như thế, không phải là những thành viên theo nghĩa chặt, vì họ cam kết giữ các lời khuyên Phúc Âm. Có thể coi họ là những thành viên theo nghĩa rộng.

2. Đào tạo (huấn luyện)

a/. Kỳ thử đầu

– Phải tổ chức sao cho các ứng viên hiểu rõ hơn ơn thiên triệu của họ, ơn gọi riêng của Tu Hội, và để họ được đào tạo theo tinh thần và lối sống của Tu Hội (đ. 722§1).

– Các ứng viên phải được đào tạo đúng cách để sống một cuộc đời theo lời khuyên Phúc Âm, và hiến cả cuộc đời vào việc tông đồ bằng cách sử dụng những hình thức rao giảng Phúc Âm thích ứng hơn với mục đích, tinh thần và đặc tính của Tu Hội (đ. 722§2).

– Các hiến pháp phải ấn định các thể thức của việc thử này và thời gian thử (đ. 722§3).

– Hết thời gian thử, ứng viên nào được nhận xét là xứng hợp, phải tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, được đóng ấn bằng một sự ràng buộc thánh, nếu không, người đó sẽ rời bỏ Tu Hội (đ. 723§1).

b/. Kỳ gia nhập tạm

– Theo hiến pháp, sự gia nhập lần đầu sẽ tạm thời, và sẽ kéo dài ít là 5 năm (đ. 723§2).

– Hết thời gian gia nhập này, thành viên nào được xét là xứng hợp sẽ được nhận cho gia nhập trọn đời hay dứt khoát, bằng những ràng buộc tạm thời phải được lập lại mãi (đ. 723§3).

c/. Kỳ gia nhập dứt khoát

– Được coi là ngang bằng với sự gia nhập trọn đời xét về một số hiệu quả pháp lý cần được xác định trong hiến pháp (đ. 723§4).

– Sau khi các ràng buộc thánh đầu tiên đã được kết ước, việc đào tạo phải được liên tục kéo dài theo hiến pháp (đ. 724§1).

Các thành viên phải được đào tạo một trật cả về đạo lẫn đời (kiến thức tôn giáo và nhân bản). Các vị điều hành Tu Hội phải nghiêm chỉnh chăm lo cho các thành viên được đào tạo thường xuyên về đường thiêng liêng (đ. 724§2).

VIII. Rời Bỏ Tu Hội

Về bản chất, các điều kiện về việc ra khỏi Tu Hội Đời cũng giống như ra khỏi Tu Hội Dòng.

1/. Hết thời gian gia nhập tạm, thành viên có thể tự do rời bỏ Tu Hội, hoặc bị loại ra, không được lặp lại những ràng buộc thánh vì những lý do chính đáng, bởi bề trên cao cấp sau khi tham khảo ý kiến ban cố vấn (đ. 726§1).

2/. Thành viên đã được gia nhập tạm: nếu tự ý xin vì lý do quan trọng, có thể được vị điều hành tổng quyền với sự đồng ý của ban cố vấn, cho phép rời khỏi Tu Hội (đ. 726§2).

3/. Thành viên đã gia nhập vĩnh viễn: muốn ra khỏi Tu Hội, sau khi đã cân nhắc kỹ và chín chắn trước mặt Chúa, người ấy sẽ xin Tòa Thánh, thông qua vị điều hành tổng quyền, ra khỏi Tu Hội, nếu là Tu Hội thuộc giáo hoàng, hoặc xin Giám mục giáo phận, như được ấn định trong hiến pháp (đ. 727§1).

4/. Nếu là giáo sĩ: phải giữ các qui định của điều 693 (đ. 727§2).

5/. Thành viên bị thải hồi: Thành viên bị loại khỏi Tu Hội, chiếu theo các điều 694 và 695. Ngoài ra, hiến pháp sẽ ấn định những lý do thải hồi khác, nghĩa là những lý do tương đối nghiêm trọng có thể buộc tội và được chứng minh theo pháp luật, và phải giữ các thủ tục (thể thức tiến hành) được ấn định trong các điều 677-700. Đối với thành viên bị thải hồi, sẽ áp dụng các qui định của điều 701 (đ. 729).

6/. Hậu quả: khi đã được phép riêng hợp pháp ra khỏi Tu Hội, thì chấm dứt hết mọi ràng buộc cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ do việc gia nhập (đ. 728).

7/. Chuyển sang Tu Hội khác

– Từ một Tu Hội Đời sang một Tu Hội Đời khác, phải giữ những qui định của các điều 684§1,2,4 và điều 685.

– Sang một Tu Hội Dòng hay một hội đời sống tông đồ, ngược lại, từ một Tu Hội Dòng hay hội tông đồ sang một Tu Hội Đời, buộc phải có phép Tòa Thánh và phải tuân theo các chỉ thị của Tòa Thánh (đ. 730).

***

MỤC X

CÁC HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ

 

I. KHÁI NIỆM

1. Danh xưng

Ủy ban tu chính bộ Giáo luật sau Công Đồng Vatican II đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải tìm ra một danh xưng cho thực thể mà bộ Giáo luật cũ gọi là “Các hội có đời sống chung và không có lời khấn” (Societates viventium in communi sine voto). Cuối cùng, danh xưng “Hội Đời Sống Tông Đồ” được ưng chọn hơn 5 danh xưng khác đã được đề nghị. Cách gọi cũ nêu lên được hai nét của đời sống các hội này, nhưng không nói lên mục đích tông đồ là nét chủ yếu đã làm nảy sinh các hội này.

2. Chỗ đứng trong bộ Giáo luật

Các hội này xếp vào chương của các “Hiệp Hội” hay vào chương của các “Tu Hội”? Nên coi những thực thể này là những hội đoàn nhằm mục tiêu nên thánh, hoạt động tông đồ, hay nên coi chúng như là những Tu Hội Tận Hiến tuy dù không có lời khấn?

Bộ Giáo luật dành cho các hội này một chỗ riêng, khác với các hiệp hội (đ. 298-329), và sát với các Tu Hội Tận Hiến, tuy không được xếp vào các Tu Hội Tận Hiến, vì họ không có dây ràng buộc thánh. Vì thế, bộ Giáo luật đã dùng kiểu nói: các hội này “ở bên cạnh” các Tu Hội kia.

II. LỊCH SỬ

Lịch sử của các hội này khá phức tạp

1/. Một số ra đời vào thời kỳ mà Giáo luật đặt ra một khuôn khổ nặng nề về các tu sĩ, khiến cho những người muốn theo đuổi đường trọn lành không thể xếp vào hàng tu sĩ được, vì không hội đủ điều kiện Giáo luật. Trường hợp điển hình nhất là các Nữ tử bác ái.

2/. Từ năm 1900, quan niệm Giáo luật về dòng tu không còn cứng rắn như trước, Tu hội truyền giáo Nữ tử bác ái không muốn thay đổi hình thức của họ để bước sang hàng ngũ dòng tu. Chúng ta cũng có thể nhận thấy động lực tương tự như vậy ở Việt Nam về các Thầy giảng nhà Đức Chúa Trời, các Hội Dòng Mến Thánh Giá và Hội Dòng nữ Đaminh trước đây. Nhưng từ khi ban hành bộ Giáo luật 1917, họ đã được dần dần cải tổ lại và chuyển sang thành Hội Dòng Tu.

3/. Một số tổ chức khác đã ra đời với mục tiêu rõ rệt là hỗ trợ nhau làm việc tông đồ, chứ không chú trọng tới việc tuân giữ kỷ luật tu trì. Ta có thể thấy động lực này nơi nhiều Tu hội truyền giáo của các linh mục. Dĩ nhiên các động lực có thể còn nhiều nữa, vì vậy các Tu hội đời sống tông đồ rất đa dạng, nhưng đại khái có thể gộp lại thành hai nhóm chính:

a/. Những Tu hội chú trọng về đời sống trọn lành: Oratoire (do thánh Philipphê Nêri, 1575), Lazaristes (do thánh Vinhsơn Phaolô, 1625, trước đó ngài đã lập Nữ tử bác ái, 1617), St. Sulpice (do Mr Olier, 1642), Eudistes (1643).

b/. Những Tu hội truyền giáo:

Các Tu hội chú trọng về đời sống trọn lành thì thuộc Bộ Tu sĩ, còn các hội truyền giáo thì thuộc Bộ Truyền giáo (Tông hiến “Pastor Bonus”, số 90).

III. ĐỊNH NGHĨA

– Các Tu hội đời sống tông đồ không phải là những Tu Hội có đời sống thành hiến, nhưng là những Tu hội có đời sống trọn lành. Họ hướng tới sự trọn lành bằng việc tuân giữ hiến pháp của Tu hội.

– Điều chủ yếu nơi các Tu hội này là buộc sống chung huynh đệ, và đây là điều khác biệt hẳn với các Tu Hội Đời.

– Cách sống của họ là lối sống của các tu sĩ, nhưng các Tu hội này khác với các Tu Hội Tận Hiến, vì họ không có “lời khấn dòng”, nhưng họ có một sự ràng buộc khác, được ấn định trong hiến pháp.

– Một số Tu hội khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, nên rất gần với các Tu Hội Tận Hiến. Nhưng không phải tất cả các hội đều thế, có Tu hội không buộc giữ khó nghèo (đ. 731§1,2).

Qua những điều định nghĩa và giải thích trên, ta thấy có 3 điểm đáng ghi nhận:

1/. Các Tu hội này “được coi như tương đương” với các Tu Hội Tận Hiến, vì nhắm tới sự trọn lành của đức ái (hiểu ngậm qua việc tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm), có đời sống chung (về điểm này, khác với những Tu Hội Đời).

2/. Khác với các Tu Hội Tận Hiến, vì không có “Lời Khấn Dòng”. Việc gia nhập được thực hiện qua “Lời Hứa Tư” được nhìn nhận.

3/. Một đặc trưng nữa là “mục tiêu tông đồ”. Vì vậy, gọi là các “Tu Hội Đời Sống Tông Đồ”.

Tóm lại, “Tu Hội Đời Sống Tông Đồ” có 3 đặc trưng:

– Theo đuổi sự trọn lành đức ái.

– Đời sống chung.

– Hoạt động tông đồ.

IV. PHÂN LOẠI

– Có Tu hội thuộc quyền giáo phận.

– Có Tu hội thuộc quyền Tòa Thánh.

Cả 2 loại Tu hội này đều có thể là:

– Tu hội giáo sĩ, hoặc

– Tu hội giáo dân (đ. 732).

Các sự phân biệt này rất quan trọng để xác định xem một Tu hội nào đó có quyền cai quản không (xc. đ. 596§2) ở tòa ngoài hoặc ở tòa trong (các đ. 967-969).

V. THIẾT LẬP VÀ GIẢI TÁN NHÀ HAY CỘNG ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG

Những điều luật về việc thiết lập và giải tán tu viện cũng được áp dụng cho các Tu hội này. Tức là do thẩm quyền của Tu hội cùng với sự ưng thuận trước bằng văn thư của Giám mục giáo phận (đ. 733§1). Sự ưng thuận cho lập nhà bao gồm quyền có ít nhất một nhà nguyện để cử hành và giữ Thánh Thể (đ. 733§2).

VI. HÌNH THỨC QUẢN TRỊ

Hiến pháp phải qui định các cơ quan quản trị: bề trên, hội đồng, tu nghị (đ. 734) (qui chiếu về các điều 617-633 về việc quản trị dòng tu). Các bề trên của Tu hội cũng được Giáo luật đồng hóa với các bề trên dòng tu.

VII. THÂU NHẬN PHẦN TỬ

Hiến pháp phải qui định những điều kiện nhận vào, cho thử, gia nhập, chương trình huấn luyện (đ. 735§1,2,3), phải qui chiếu những điều khoản qui định tương tự ở các Tu Hội Tận Hiến (đ. 642, 645).

Nên lưu ý: luật chung không nói tới các giai đoạn thử luyện khởi đầu, cam kết tạm thời, và vĩnh viễn như các Tu Hội Tận Hiến. Việc gia nhập vĩnh viễn vào Tu hội được gọi là “incorporatio” tương đương với “professio” trong các dòng tu.

Trong các Tu hội giáo sĩ, giáo sĩ sẽ nhập tịch vào chính Tu hội của mình, trừ khi hiến pháp định khác (đ. 736§1).

Về chương trình học vấn và việc lãnh chức thánh sẽ giữ các qui tắc về các giáo sĩ triều, trừ khoản 1 trên (đ. 736§2).

VIII. QUYỀN LỢI VÀ BỔN PHẬN

Hiến pháp phải xác định quyền lợi và bổn phận của các phần tử và của Tu hội (đ. 737).

– Tất cả các thành viên phải phục quyền các bề trên của mình theo hiến pháp, trong những sự liên hệ đến sinh hoạt nội bộ và kỷ luật của Tu hội (đ. 738§1)

– Phục quyền Giám mục giáo phận trong lãnh vực thờ phượng công khai, mục vụ cho các linh hồn và những việc tông đồ khác chiếu theo các điều 679-683 (đ. 738§2).

– Những quan hệ của thành viên đã gia nhập giáo phận với Đức Giám mục của mình, được xác định bởi hiến pháp hoặc bởi những kết ước riêng (đ. 738§3).

– Ngoài những nhiệm vụ phải tuân giữ theo hiến pháp, các thành viên còn phải giữ những nhiệm vụ chung của hàng giáo sĩ (đ. 739).

– Các thành viên phải ở trong một nhà hoặc một cộng đồng được thiếp lập cách hợp pháp, và phải giữ sự sống chung theo luật riêng. Trong đó cũng sẽ ra luật về sự vắng nhà hoặc cộng đồng (đ. 740).

IX. QUẢN TRỊ TÀI SẢN

Giống như việc quản trị tải sản Giáo Hội và các Tu Hội Tận Hiến. Duy có chỗ khác biệt với các tu sĩ là các thành viên của Tu hội “có khả năng thủ đắc, chấp hữu, và định đoạt tài sản”, xét vì họ không có lời khấn. Dĩ nhiên, luật riêng của mỗi Tu hội phải xác định rõ hơn về điểm này, cách riêng về sự phân biệt giữa tài sản riêng và tài sản của Tu hội. Dù sao những phần tử thủ đắc với danh nghĩa Tu hội thì thuộc về Tu hội (đ. 741).

X. RỜI BỎ TU HỘI VÀ THẢI HỒI

– Đối với thành viên chưa dứt khoát nhập tịch: ra khỏi Tu hội hay thải hồi sẽ do hiến pháp mỗi Tu hội quyết định (đ. 742).

– Đối với thành viên đã dứt khoát nhập tịch

1. Tự ý xin ra

Xin vị điều hành tổng quyền với sự đồng ý của hội đồng ngài, trừ khi hiến pháp dành việc việc này cho Tòa Thánh. Chấm dứt các quyền lợi và nghĩa vụ, giữ nguyên điều 693 (nếu là giáo sĩ) (đ. 743).

Chúng ta thấy khác với một tu sĩ dòng (đ. 691) (= phải có lý do nghiêm trọng, phải làm đơn xin bề trên tổng quyền, vị này phải chuyển đơn với ý kiến của mình và ban cố vấn tới Tòa Thánh hay Giám mục giáo phận).

2. Chuyển sang Tu hội khác

Vị điều hành tổng quyền với sự đồng ý của hội đồng ngài có quyền cho phép chuyển sang Tu hội tông đồ khác. Trong thời gian đó, các quyền lợi và nghĩa vụ sẽ bị ngưng. Vẫn có quyền trở lại trước khi dứt khoát nhập tịch Tu hội mới (đ. 744§1).

3. Thẩm quyền

Chuyển sang một Tu Hội Thánh Hiến hay từ một Tu Hội Thánh Hiến sang một Tu Hội Tông Đồ: cần phải có phép của Tòa Thánh, và phải tuân theo các chỉ thị của Tòa Thánh (đ. 744§2).

Giống như các tu sĩ dòng (đ. 684), nhưng ở đây không thấy nói gì về thời gian thử luyện khi chuyển từ Tu hội này sang Tu hội kia.

4. Loại bỏ một thành viên

Phải giữ các điều 694-704, cùng với những thích nghi cần thiết (đ. 746).

5. Sống ở ngoài Tu hội

Vị điều hành tổng quyền với sự đồng ý của hội đồng ngài, có thể cho phép một thành viên sống ngoài Tu hội không quá 3 năm. Các quyền lợi và nghĩa vụ nào không thích hợp với hoàn cảnh mới sẽ bị đình chỉ, nhưng vẫn được bề trên chăm sóc. Nếu là giáo sĩ, thì cần phải có sự đồng ý của vị thường quyền sở tại, nơi người ấy ở, phải tùy quyền ngài và được ngài chăm sóc (đ. 745).