Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển II: Dân Thiên Chúa – Các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến Và Tông Đồ (1)

0
2528


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN II:

DÂN THIÊN CHÚA

—***—

PHẦN III

CÁC TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

CÁC HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ

***

MỤC III

CÁC TU HỘI DÒNG

              

Đây là tiết dài nhất của phần III này, bàn về luật pháp truyền thống về các tu sĩ.

I. ĐẠO LÝ VỀ ĐỜI SỐNG TU TRÌ

1. Định nghĩa đời tu (đ 607 §1)

Giáo luật lấy lại các ý tưởng của Lumen Gentium số 44 và 45 và của Perfectae Caritatis số 1, được coi là bản tóm lược các tư tưởng của các bậc thầy vĩ đại đã viết về vấn đề này, khởi đầu là thánh Tôma Aquinô. Khoản 1 của điều 607 cũng là câu định nghĩa tốt nhất về đời sống tu trì.

“Tu” là sự dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, bộc lộ tâm tình yêu mến và phụng sự. Sự dâng hiến ấy không chỉ diễn ra từng lần, nhưng có tính cách liên lỉ và suốt đời. Ngoài chiều kích cá nhân, đời tu còn có chiều kích Hội thánh, vì nó biểu lộ cuộc kết hôn huyền nhiệm mà Đức Kitô đã thiết lập với Hội thánh như hiền thê. Thêm vào đó, đời tu còn có giá trị làm dấu chỉ của đời sống mai hậu.

Tóm lại, đời tu có 3 ý nghĩa:

– Dâng hiến toàn thân cho Chúa

– Một cuộc kết hôn huyền nhiệm (kỳ diệu)

– Dấu chỉ của nước trời.

2. Định nghĩa tu hội (đ 607 §2,3)

– Tiếng “tu hội” (institutum) đã được chọn, vì nó có một nội dung vừa rõ hơn, vừa rộng hơn. Các tiếng vẫn được dùng trước kia như ordo, congregatio, fraternitas, societas đều nằm gọn trong tiếng institutum của bộ Giáo luật mới. Nhưng không ai cấm các tu hội tiếp tục dùng các danh từ kia trong luật riêng của mình, vì các tiếng này đã thuộc về di sản riêng của mỗi tu hội. Giáo luật vẫn tôn trọng các danh xưng riêng đó (xc. đ 578 và 586).

– Tu hội:

Tóm lại trong 3 điểm:

* Tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm với lời khấn công (các tu hội đời và hội tông đồ không có lời khấn công). Lời khấn công ấy có tính cách vĩnh viễn. Nếu khấn tạm, thì sự tạm thời đó phải được lồng trong chiều hướng trọn vẹn và vĩnh viễn.

* Sống đời huynh đệ chung với nhau và dưới quyền của một bề trên (các hội tông đồ giống tu hội dòng về điểm này. Còn các tu hội đời không buộc). Đây là một yếu tố của Giáo luật, chứ không nằm trong bản chất thần học của đời tu, do đó, nhà lập pháp đã dự trù những luật trừ.

* Làm chứng công khai cho Chúa Kitô và Giáo hội bằng sự xa cách thế gian. Với lời khấn, các tu sĩ đã khước từ một số giá trị của thế gian: hôn nhân, tiền của, tự lập. Dưới khía cạnh đó, thì ai đi tu đều “từ bỏ đời”. Tuy nhiên, trong cách sống cụ thể, các tu hội diễn tả sự từ bỏ và xa lánh ấy một cách công khai tùy theo bản chất của mỗi tu hội. Thí dụ: bức rào nội vi (khác nhau tùy theo là dòng kín, dòng đan tu, dòng hoạt động tông đồ), qua tu phục, qua những hoạt động hay cơ sở tập thể (học đường, bệnh viện). Các tu hội đời thì làm chứng tá âm thầm ở giữa đời. Không có dấu hiệu gì cách biệt bên ngoài.

II. CÁC NHÀ DÒNG

1. Thành lập một tu hội

– Phân biệt sáng lập và thiết lập:

+ Sáng lập: Do một tín hữu nào đó được ơn Chúa soi sáng muốn lập nên một tu hội để theo đuổi một mục tiêu nào đó.

+ Thiết lập: Là một hành vi pháp lý, do thẩm quyền của Hội thánh phê chuẩn một tu hội đã hiện hữu.

Giáo luật để ý tới việc thiết lập hơn sáng lập.

Tiến trình thiết lập một tu hội:

1. Một người nào đó được Chúa đánh động, đến xin giáo quyền cho phép thiết lập một tu hội (trình bày ý định và dự án).

Nếu ý định ấy được tán thưởng, thì người ấy, với sự thỏa thuận của giáo quyền, khởi sự thử nghiệm tổ chức của mình dưới hình thức một hiệp hội (consociatio: đ 298)

2. Khi hiệp hội đã tiến triển về phẩm cũng như lượng, thì vị sáng lập trở lại với giáo quyền để xin thiết lập thành tu hội.

3. Có thể hình dung thêm một bước nữa, tu hội sẽ xin Tòa thánh châu phê.

Như vậy, trong tiến trình thiết lập tu hội, có 3 giai đoạn:

a. Thiết lập thành một hiệp hội

b. Thiết lập thành tu hội giáo phận

c. Châu phê như tu hội Tòa thánh

Tuy nhiên, Giáo luật coi giai đoạn thứ 2 mới là việc thiết lập theo nghĩa chặt, nói ở đ 579. Trên thực tế, nhiều tu hội (cách riêng ở Việt Nam), không hề nghĩ tới việc bước qua giai đoạn 3.

2. Thành lập một nhà dòng (đ 608)

Giáo luật dùng tiếng “Domus religiosa” = nhà dòng. Luật riêng và truyền thống của mỗi tu hội có thể dùng những từ ngữ và các cấp bậc khác nhau: abbatia, monasterium, conventus, prioratus v.v.. (abbatia và monasterium dành cho các dòng đan tu và kinh sĩ. Conventus được dùng trong các dòng hành khất). Vì thế bộ Giáo luật dùng tiếng “Domus religiosa” để chỉ chung cho tất cả.

a. Để thành lập một nhà dòng, cần có 3 điều kiện sau:

1. Phải có một cộng đoàn tu sĩ cư ngụ tại nhà này. Cần lưu ý: nhà được xác định bởi cộng đoàn, chứ không phải cộng đoàn được xác định bởi ngôi nhà (giống như giáo xứ và nhà thờ – xác định bởi giáo dân).

Bởi vì đời sống tu trì cốt yếu là cộng đoàn, nên rất hợp lý khi luật đòi hỏi cuộc sống đó phải diễn ra nơi một ngôi nhà “được lập nên một cách hợp pháp”, một nơi nhất định, không nhất thiết là toàn thể khu nhà, để cộng đoàn “sum họp nhân danh Chúa” (PC. số 15a).

Bộ luật không đưa ra một chỉ dẫn nào về con số tối thiểu thành viên phải có để làm thành một cộng đoàn, điều này để cho luật riêng định đoạt. Những khái niệm của luật cũ (đ 488, số 5) về “nhà chính thức” phải có ít nhất là 6 thành viên, và “nhà bán chính thức” đã không được duy trì nơi luật mới. Nhưng không nên quên qui định của điều 115 §2 đòi một “pháp nhân” phải gồm ít nhất là 3 thể nhân (mặc dù cộng đoàn địa phương không có “tư cách pháp nhân”).

Điều luật này không trực tiếp nhắm vào những cộng đoàn nhỏ “để thí nghiệm” đang trở thành “mốt” ít lâu nay. Thật ra cả 2 loại nhà này đều gián tiếp bị nhắm đến. Hy vọng rằng, từ nay, với lời lẽ rõ ràng của Giáo luật, một số điều hàm hồ sẽ được làm sáng tỏ, và bất cứ cộng đoàn tu sĩ nào cũng phải có những điều kiện được nêu lên ở điều luật này và nơi các điều tiếp sau đây. Nếu một cộng đoàn không có đủ những điều kiện đó thì không phải là một cộng đoàn tu sĩ nữa.

Giáo luật nói: cộng đoàn tu sĩ PHẢI ở trong một NHÀ… chữ “phải” nói lên một sự bắt buộc, một nghĩa vụ. Và “nhà” đây là danh từ cụ thể làm căn bản cho sự thành lập một nhà dòng, như sẽ thấy dưới đây.

2. Phải có vị bề trên, vì không có bề trên thì không có cộng đoàn, không có nhà dòng theo nghĩa Giáo luật. Đây không phải là một thứ quyền bính được chia sẻ, không rõ rệt. Nhưng đây là một người, với những đức tính và quyền hành theo qui định của Giáo luật về việc lãnh đạo tu hội (đ 617 -630).

3. Phải có ít nhất là một nhà nguyện, nếu không có nhà thờ (936). Về nhà nguyện, cần phải có những điều tối thiểu mà người ta thường bỏ quên (xc. các điều 1223-1229). Nhà nguyện được coi là trung tâm điểm của nhà dòng. Không những vì nơi đây có Thánh Thể, nhưng còn vì tất cả những sinh hoạt của nhà dòng hướng về nơi này.

b. Chính việc thành lập nhà dòng (đ 609 §1)

Tất cả các nhà dòng đều phải được thành lập cách hợp pháp (đ 608, 612) chiếu theo các qui tắc của luật riêng. Luật chung gồm nhiều qui định liên quan đến sự thành lập các nhà.

1/. Chính thẩm quyền của tu hội, theo hiến pháp sẽ quyết định việc thành lập các nhà, nghĩa là hiến pháp của các tu hội phải chỉ rõ ai có thẩm quyền thành lập. Thường đó là vị bề trên cao cấp trực tiếp (đ 609 §1).

2/. Đức giám mục phải biết các nhà dòng đã thành lập trong giáo phận của ngài, vì ngài có trách nhiệm về việc phụng thờ Chúa và việc tông đồ của các nhà dòng đó (đ 678, 683).

Vì thế, sự đồng ý của đức giám mục là cần thiết cho sự thành hiệu của việc thành lập nhà mới, phải có trước và được ban bằng giấy tờ.

3/. Đối với việc thành lập một đan viện còn phải có phép của Tòa thánh (đ 609 §2) và tất nhiên vẫn buộc phải giữ những qui định nơi khoản 1 trên.

4/. Khi thành lập nhà dòng thì phải để ý đến lợi ích của Giáo hội và tu hội, và phải đảm bảo những gì cần thiết cho các tu sĩ sống đời tu thích hợp (đ 610 §1). Bởi vậy, nên tránh việc xây cất nhiều nhà, dù có ích cho giáo hội địa phương, nhưng các điều kiện không cho phép các tu sĩ sống thường ngày những nhu cầu của họ cách thích đáng (đ 610 §2). Lời lẽ tuyệt đối: đây là các nhu cầu nói chung, trong đó có các nhu cầu vật chất, một điểm mà bộ luật cũ nói rõ ràng.

5/. Sự đồng ý của giám mục giáo phận cho phép thành lập nhà dòng của một tu hội bao gồm:

– a. Quyền sống theo đặc tính và mục đích riêng của tu hội.

– b. Quyền thi hành các việc riêng của tu hội chiếu theo luật, vẫn giữ nguyên các điều kiện đặt ra khi đồng ý.

– c. Quyền có nhà thờ, đối với các tu hội giáo sĩ, vẫn giữ nguyên qui định của điều 1215 §3, và quyền thi hành các thừa tác vụ thánh mà vẫn giữ những gì phải giữ do luật (đ 611).

– d. “Nếu nhà dòng thay đổi những việc tông đồ khác với mục đích đã được thành lập, cần phải có sự đồng ý của giám mục giáo phận. Nhưng nếu chỉ là sự thay đổi liên quan đến việc lãnh đạo nội bộ và kỷ luật, thì không cần sự đồng ý trên” (đ 612).

Thí dụ: đổi nhà tập thành nhà dành cho các tu sĩ già cả (không cần sự ưng thuận của giám mục).

Nếu một cộng đoàn theo một mục đích giáo dục được lập nên để lo dạy giáo lý cho xứ đạo, thì không có quyền đòi hỏi, thí dụ có một trường học trong giáo xứ. Nếu các tu sĩ tới đó để coi trường học, thì không được coi như có quyền giúp hoạt động phụng vụ trong giáo xứ, dù hoạt động này thích hợp với hiến pháp của tu hội.

c. Sự giải thể nhà dòng (đ 616)

1. Đối với các tu hội thuộc giáo phận, thẩm quyền dẹp bỏ một nhà dòng không phải là giám mục, nhưng là bề trên tổng quyền (mặc dù giám mục phải được tham khảo). Các hiến pháp phải có những qui định rõ ràng về vấn đề này, vì là vấn đề quan trọng và nghiêm trọng. Về của cải của nhà bị dẹp bỏ, phải tôn trọng các qui định của hiến pháp. Nếu hiến pháp không nói gì, thì sẽ áp dụng luật chung (xc. đ 123).

2. Chỉ Tòa thánh có quyền dẹp bỏ nhà dòng duy nhất của một tu hội, bởi vì như thế là dẹp bỏ tất cả một tu hội (đ 616 §2). Còn giải thể một nhà tự trị nói ở điều 613 là thuộc quyền tổng công nghị, trừ khi hiến pháp ấn định thể khác (đ 616 §3). Cần biết thêm: dẹp bỏ một nữ đan viện cũng là quyền của Tòa thánh, vì đây cũng là như dẹp bỏ một tu hội (đ 584).

III. NHỮNG NHÀ DÒNG TỰ TRỊ CỦA CÁC ĐAN SĨ HOẶC CÁC KINH SĨ SỐNG CHUNG

Có những luật riêng cho các nhà của các đan sĩ và các kinh sĩ sống chung, vì họ là những tu sĩ “sui juris” nghĩa là “tự trị”: họ không có bề trên dòng nào ngoài nhà của họ, và bề trên nhà của họ cũng là bề trên tổng quyển. Các nhà này được đặt dưới sự coi sóc của giám mục giáo phận (đ 615).

1. Điều 615 xác định: nay, các đan viện tự trị (monasterium sui juris) sẽ ở dưới sự trông coi của các giám mục giáo phận với hai điều kiện:

– Đan viện không có bề trên cao cấp nào khác ngoài vị bề trên nhà của mình.

– Và đan viện cũng không liên kết với một tu hội dòng, để bề trên của tu hội có thực quyền đối với đan viên, như được ấn định trong hiến pháp. Sự trông coi của đức giám mục được xác định bởi luật riêng, và cũng được dự trù bởi luật phổ quát (xc. các điều 628 §2, số 2; 637 §3,4; 699 §2).

2. Nhà dòng của các kinh sĩ sống chung và của các đan sĩ ở dưới quyển lãnh đạo và coi sóc của một vị điều hành (bề trên) là một nhà tự trị, trừ khi hiến pháp ấn định thể khác (đ 613 §1). Vị điều hành của một nhà tự trị đương nhiên là bề trên cao cấp do luật (đ 613 §2).

Một nhà tự trị là một nhà không có lệ thuộc vào bất cứ một nhà nào khác, mặc dầu cũng giữ một luật dòng như nhau. Đời sống tu trì được phát huy đầy đủ trong lòng của nhà dòng, với bề trên riêng của mình, đồng thời cũng là bề trên tối cao. Đó là viện phụ, hoặc tu viện trưởng.

IV. CÁC NHÀ DÒNG NỮ ĐAN TU  (= NỮ ĐAN VIỆN)

Đối với các nữ đan tu, do tình trạng đặc biêt của nhà này, nhất là vì luật nội cấm Giáo hoàng, cho nên, việc thành lập các nhà này đòi hỏi không những sự can thiệp của tu hội và của giám mục giáo phận, mà còn phải có phép của Tòa thánh (đ 609 §2).

“Các đan viện của nữ đan sĩ đã liên hiệp với một tu hội nam, thì giữ tổ chức đời sống riêng và việc lãnh đạo theo hiến pháp, các quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên phải được xác định sao cho lợi ích thiêng liêng có thể tiến triển nhờ sự liên hiệp đó” (đ 614).

Đây chỉ liên quan đến các nữ đan viện. Một hình thức pháp lý chỉ có thể là một sự liên kết, có thể có một vài ảnh hưởng đối với sự tự trị, như được đề cập nơi điều luật trước. Lịch sử cho thấy những hiệu quả tốt lành của những sự liên kết này. Trong bộ Giáo luật cũ, hình thức liên kết này có ngầm được công nhận, nhưng không có một điều luật nào nói đến một cách cụ thể.

***

MỤC IV

LÃNH ĐẠO CÁC TU HỘI

 

Phần này lấy lại nhiều định nghĩa và mhiều qui định của bộ luật cũ.

I. NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ LÃNH ĐẠO

Đây không phải là một thủ bản về phương pháp lãnh đạo, vì đây không phải là đối tượng của Giáo luật, nhất là bộ luật mới chủ trương dành cho mỗi tu hội tìm ra một đường lối lãnh đạo hợp với tinh thần của mình.

Quyền bính trong dòng tu không phải chỉ nhằm bảo đảm trật tự nội bộ, nhưng để giúp các thành viên sống tình huynh đệ và thăng tiến đời tu.

1. Quyền lãnh đạo của bề trên

Sắc lệnh về dòng tu của công đồng Vaticanô II đã bàn tới thần học về quyền bính trong cùng một số với lời khuyên tuân phục. Đạo lý của công đồng được tóm lại trong điều 618 như sau: quyền bính trong dòng tu cần được nhìn dưới 5 tiêu chuẩn:

a/. Tinh thần phục vụ, chứ không phải để thống trị.

b/. Bề trên không những phải cố gắng diễn đạt ý muốn của Chúa cho cộng đoàn, nhưng còn phải cố gắng họa lại gương nhẫn nại từ bi của Chúa nữa.

c/. Tôn trọng nhân vị của những người dưới quyền.

d/. Lắng nghe và đối thoại.

e/. Nhằm thiện ích của tu hội và Giáo hội.

2. Quyền của bề trên từ đâu mà có, do các phần tử trao cho hay do Giáo hội ủy thác?

Ngày nay đa số học giả khẳng định: do Giáo hội trao phó. Thí dụ: bề trên nhân danh Giáo hội nhận lời khấn của tu sĩ – Bề trên không thể tự tiện tháo lời khấn cho tu sĩ, nhưng phải căn cứ vào thẩm quyền mà Giáo hội ấn định (đ 618).

3. Ai lãnh đạo tu hội?

Việc lãnh đạo tu hội đòi hỏi nhiều cơ quan và chức vụ khác nhau, bộ Giáo luật chỉ giới hạn vào vài chức vụ chủ yếu: bề trên, ban cố vấn, các công nghị. Nhưng coi như chỉ có 2 hình thức chính thi hành việc lãnh đạo:

a/. Cá nhân (bề trên)

b/. Tập đoàn (công nghị)

Còn ban cố vấn có khi được xếp về phía bề trên, có khi được coi như biểu lộ cộng đoàn tham gia vào việc lãnh đạo.

4. Đối tượng sự phục vụ của bề trên hay trách nhiệm của bề trên

Các ngài phục vụ sự hiệp thông của cộng đoàn (đ 619)

Dựa theo văn kiện Mutuae Relationes (Những tương quan giữa các giám mục với các tu sĩ, số 13), những phục vụ chính của bề trên có thể xếp thành 3 điểm sau đây:

a/. Dạy dỗ: cung cấp lương thực thiêng liêng của lời Chúa, huấn đức theo tinh thần của tu hội.

b/. Thánh hóa: cổ võ đời sống đức ái trọn lành qua việc tuân giữ hiến pháp.

c/. Cai quản: phân bố các chức vụ trong cộng đoàn, lo liệu đáp ứng những nhu cầu của các phần tử, thúc đẩy những công tác nhằm thể hiện sứ mạng tu hội v.v…

II. CÁC BỀ TRÊN

1. Danh xưng

Tiếng Việt đã quen với tiếng “bề trên”, dịch sát với La ngữ “superior”, nhưng đó là một tiếng rất tổng quát. Trải qua lịch sử, các dòng tu đã đặt ra nhiều tiếng khác.

Thí dụ:

– Abbas (viện phụ) trong một số dòng đan tu.

– Magister (thủ trưởng) đối với một số dòng thời trung cổ: Đa Minh, dòng các hiệp sĩ.

– Minister (phục vụ): dòng Phanxicô, Chartreux.

– Praepositus, Rector, Moderator (giám đốc, điều hành) đối với các dòng ra đời từ thế kỷ XVI.

– Sau công đồng Vaticanô II, một số dòng nữ gọi là Responsabilis (chị phụ trách, người có trách nhiệm),…

2. Cấp bậc (các thứ bề trên)

Bộ Giáo luật không đi vào chi tiết các cấp bậc, mà chỉ dừng lại vài chức vụ then chốt:

a/. Bề trên cao cấp: gồm 3 thành phần sau:

– Bề trên tổng quyền, bề trên giám tỉnh, bề trên một nhà tự trị.

– Những đại diện của các vị trên.

– Viện phụ trưởng (viện phụ) của một đan viện tự trị (đ 620).

Như vậy, điều 620 cho chúng ta một định nghĩa rõ ràng và chặt chẽ hơn bộ luật cũ về bề trên cao cấp. Và theo điều 134 §1, bề trên cao cấp trong các tu hội giáo sĩ thuộc luật Tòa thánh được coi là thường quyền (Ordinarius).

+ Bề trên tổng quyền: Đứng đầu một tu hội, có toàn quyền trên các tỉnh dòng, các nhà và các phần tử của dòng (đ 622).

+ Bề trên giám tỉnh: Đứng đầu một tỉnh dòng, có toàn quyền trên tỉnh dòng và các phần tử của tỉnh (đ 621).

Điều 621 còn cho chúng ta một định nghĩa quan trọng về tỉnh dòng: nhiều nhà họp lại dưới quyền một bề trên gọi là tỉnh dòng. Một nhóm tối thiểu 3 nhà dòng (xc. đ 115 §2) được thành lập theo Giáo luật (các đ 608-610), có thể được coi là đủ để tạo thành một tỉnh dòng.

b/. Các bề trên khác: Có quyền trong giới hạn nhiệm vụ của mình (đ 622).

Như vậy, điều 622 cho thấy có hai loại bề trên:

– Loại thứ nhất là các bề trên tổng quyền, là những vị được luật pháp dành cho một quyền hành phổ quát, tối cao và trực tiếp đối với tu hội, và một quyền hành gián tiếp đối với các tỉnh dòng, các nhà và các thành viên.

– Loại thứ hai là các bề trên khác (bề trên tỉnh – bề trên nhà) có quyền trên tỉnh dòng hay nhà, quyền này ở dưới quyền của vị tổng quyền, nhưng là một quyền hành thường lệ, và là quyền riêng.

3. Chỉ định bề trên

Trong truyền thống các tu hội, có hai hình thức chính để chỉ định bề trên, bộ luật mới cũng chỉ nhận có hai hình thức đó, các cách thức khác bị gạt bỏ.

1). Bầu cử: Cộng đoàn bỏ phiếu.

2). Bổ nhiệm: Do cấp cao hơn chỉ định.

a/. Bề trên tổng quyền và bề trên các đan viện tự trị thì được chỉ định bằng cách bầu cử (đ 625 §1).

b/. Bề trên giám tỉnh hay địa phương: Có khác nhau:

– Cộng đoàn bầu – cấp trên chuẩn nhận hay bác bỏ, thí dụ: dòng Đa Minh.

– Do trung ương chỉ định sau khi thăm dò ý kiến của những người liên hệ, thí dụ: Dòng Tên và các dòng cận đại (đ 625 §2).

Bộ Giáo luật để cho mỗi tu hội tự do chọn cách thức nào thích hợp với bản chất của mình.

Tóm lại, đối với việc chỉ định bề trên tổng quyền, thì bầu cử là cách chỉ định duy nhất. Còn đối với các bề trên khác, Giáo luật để toàn quyền quyết định cho luật riêng.

Ngoài ra, trong việc bầu cử, Giáo luật còn dự trù hình thức thỉnh nguyện (postulatio), nghĩa là khi người được bầu mắc một ngăn trở nào đó có thể chuẩn chước (thí dụ: chưa đủ tuổi, hoặc đã quá số hạn kỳ). Để được thỉnh nguyện, đương sự phải hội đủ 2/3 tổng số phiếu thay vì đa số quá bán như thường lệ.

Cần lưu ý:

1. Cuộc bầu cử bề trên tổng quyền của một tu hội giáo phận (hay bề trên của một đan viện tự trị) được đặt dưới sự chủ tọa của giám mục giáo phận nơi tu hội đặt trụ sở (đ 625 §2). Chủ tọa có nghĩa là quan sát xem có làm đúng luật không, chứ không có nghĩa là giới thiệu hay quyết định ai thắng khi có hai người bằng phiếu.

Nên biết, trong luật cũ, tất cả các cuộc bầu bề trên tổng quyền các dòng nữ (dù thuộc Tòa thánh hay giáo phận) cũng đều phải do giám mục chủ tọa. Nay đã công nhận sự bình đẳng nam nữ trong khía cạnh này.

Sự can thiệp của giám mục với hai loại bề trên được đề cập nơi khoản 2 trên là do sự lệ thuộc của hai loại nhà dòng này đối với giám mục giáo phận.

2. Chỉ nên chỉ định những người xứng đáng và có khả năng thực sự. Tránh mọi thứ thiên vị và mọi hình thức xin phiếu (đ 626).

4. Tư cách để làm bề trên

Bộ Giáo luật cũ đặt ra một số điều kiện để được làm bề trên, thí dụ: phải là con sinh chính thức (cha mẹ có giá thú hợp pháp). Nếu là bề trên cao cấp thì phải đã khấn trọn được mười năm và được 40 tuổi.

Nay bộ Giáo luật mới để cho hiến pháp mỗi tu hội qui định và chỉ đòi 3 điều kiện sau:

1. Đã khấn trọn được một thời gian (đ 623) (như vậy cách gián tiếp cũng đòi hỏi về tuổi), lý do: không thể trao chức vụ lãnh đạo cho một người chưa phải là thành phần vĩnh viễn của tu hội.

2. Bề trên cao cấp không thể kiêm nhiệm chức vụ quản lý (đ 636 §1), lý do: vì ngại rằng các dự phóng của tu hội sẽ bị chi phối bởi những tiêu chuẩn kinh tài hơn là những tiêu chuẩn bác ái và tông đồ. Tuy nhiên, ở cấp bậc địa phương (nhất là khi cộng đoàn quá nhỏ), luật chung không cấm bất khả kiêm nhiệm.

3. Trong các tu hội giáo sĩ, bề trên phải là một giáo sĩ (đ 588 §2). Nên lưu ý: phó tế đã là giáo sĩ, do đó có thể làm bề trên. Đối lại, trong các tu hội giáo dân, một phần tử có chức thánh, thì đương sự không nhất thiết phải giữ chức vụ bề trên.

5. Nhiệm kỳ (đ 624)

Giáo luật nhấn mạnh về tính tạm thời của chức vụ bề trên, bởi vậy có 3 qui định:

a/. Có thời hạn: Nhiệm kỳ của chức vụ bề trên phải có hạn kỳ, nghĩa là phải có một thời gian nhất định, tùy mỗi tu hội ấn định, thí dụ: Dòng Đa Minh: bề trên tổng quyền: 9 năm, giám tỉnh: 4 năm, tu viện trưởng: 3 năm

b/. Cách quãng (không được liên tục): Luật riêng qui định các khóa bề trên. Luật cũ: tu viện trưởng là 3 năm, và chỉ được tái khóa một lần (có thể 2 khóa ở nhà này, và ở nhà khác liền sau đó). Nay: có thể được tái bầu, nhưng tránh đừng để tổng cộng các thời gian đó trở thành “một sự vĩnh viễn”, nghĩa là đừng tại chức trong một thời gian quá dài, dù là được tái bầu.

c. Bãi nhiệm: Cũng như các chức vụ khác trong Giáo hội, chức vụ bề trên có thể chấm dứt bằng những cách thức nói ở các điều 184-196: mãn nhiệm, từ chức, truất chức, thuyên chuyển,…

6. Hành sử chức vụ

Quyền hạn của các bề trên được xác định bởi luật chung và luật riêng (đ 617). Dĩ nhiên quyền hạn ấy khác biệt giữa các cấp bậc. Thêm vào đó, có những vấn đề mà bề trên không thể đơn phương hành động, có những vấn đề phải bàn hỏi hội đồng cố vấn, và có những vấn đề phải xin phép cấp trên hay giáo quyền.

A. Bề trên tổng quyền:

Một nhiệm vụ được Giáo luật dành riêng cho bề trên tổng quyền là phải gửi bản tường trình cho Tòa thánh (đ 592 §1), làm 6 năm 1 lần (chứ không phải 5 năm như trước).

B. Các bề trên cao cấp:

Có bổn phận kinh lý các nhà và các thành viên vào thời kỳ đã định chiếu theo các qui tắc của luật riêng (đ 628 §1).

C. Các bề trên nói chung:

a/. Có nghĩa vụ cư trú tại nhà mình (đ 629) điều này lặp lại nguyên văn qui định của luật cũ.

b/. Tạo điều kiện cho các thành viên có sẵn những cha giải tội thường xuyên (đ 630 §1,2,3). Chính bề trên không được giải tội cho họ trừ khi họ xin và không được bắt họ tỏ bày lương tâm với mình (đ 630 §4,5).

Như vậy, điều 630 này đã đơn giản hóa nền pháp chế rất phức tạp của bộ luật cũ. Những qui định chi tiết về các cha giải tội nay không còn nữa. Các tu sĩ có quyền tự do chính đáng muốn xưng tội với ai và khi nào tùy ý. Tuy nhiên, phải tôn trọng kỷ luật của tu hội. Điều này không có nghĩa là họ có quyền đòi hỏi đi ra ngoài cách bất thường để đi xưng tội, nếu nhà dòng có nội cấm tích cực, và cũng có nghĩa là các bề trên có lẽ được quyền can thiệp nếu những liên hệ với các cha giải tội hoặc các cha linh hướng gây phương hại nặng nề cho kỷ luật nhà dòng.

– Để tránh các bất tiện này, các bề trên có bổn phận tán trợ việc xưng tội thường xuyên bằng cách liệu cho các tu sĩ dễ gặp cha giải tội thích hợp.

– Trong các tu hội giáo sĩ thuộc quyền Tòa thánh, các bề trên có quyền tự do bổ nhiệm và ban quyền cho các cha giải tội (xc. đ 969 §2).

– Bởi vậy, “cha giải tội thường lệ” do vị thường quyền sở tại chuẩn nhận sau khi tham khảo ý kiến cộng đoàn, sẽ chỉ được bổ nhiệm cho các nữ đan viện, các nhà huấn luyện và các cộng đoàn đông người. Vì đối với những cộng đoàn ít người, thường chỉ gồm những thành viên chuyên hoạt động, họ có thể ra ngoài để xưng tội.

– Không bao giờ buộc phải xưng tội với cha giải tội thường lệ. Như vậy, một nữ đan tu nội cấm, một tu sĩ không thể ra ngoài vì đau yếu, vẫn có quyền xin một cha giải tội khác. Không nói rõ điều đó, nhưng bản văn phải hiểu như vậy.

– Các bề trên tu hội giáo sĩ thuộc quyền Tòa thánh có thể giải tội cho những người dưới quyền (đ 969 §2). Nhưng các ngài chỉ dùng phép này khi họ tự ý xin. Cha giáo tập và cha phụ tá của ngài sẽ chỉ giải tội cho các tập sinh khi họ tự ý xin và từng trường hợp riêng mà thôi (đ 985).

– Luật mới cũng lặp lại việc cấm các bề trên không được đòi hỏi người bề dưới phải tỏ bày việc lương tâm với mình, nhưng mời gọi các tu sĩ cởi mở tâm hồn, vì thường tình bề trên tu viện không chỉ là người cai quản và người mang sinh khí đến cho cộng đoàn, nhưng còn là vị thầy dạy tinh thần, như vai trò mà các điều 618 và 619 dành cho các ngài.

c/. Lo việc thường huấn cho các tu sĩ (đ 661).

III. CÁC HỘI ĐỒNG (BAN CỐ VẤN)

Luật buộc các bề trên phải có hội đồng cố vấn. Do đó, nếu tu hội có những cấp bề trên khác nhau thì cũng phải dự liệu những hội đồng cố vấn liên hệ. Luật riêng phải qui định: số các thành viên của hội đồng cố vấn, cách thức chỉ định, thẩm quyền (đ 627 §1).

Theo Giáo luật, các bề trên là những con người thể lý, không có trường hợp nào các bề trên tu hội là những tập đoàn. Trái lại, Giáo luật dự trù phải có các hội đồng cố vấn. Các bề trên phải làm việc với hội đồng của mình. Nên nhớ rằng các hội đồng này hoạt động theo các qui định của luật riêng, trong khuôn khổ của luật phổ quát (đ 127): theo hệ thống đa số phiếu của điều 119 §1 và 2, trừ khi có qui định khác của luật riêng.

1. Vai trò của hội đồng cố vấn

Theo nguyên ngữ, cố vấn (consilium) có nghĩa là lời khuyên. Nhưng trên thực tế, vai trò của các cố vấn không phải chỉ là khuyên bề trên, họ tham gia vào việc quản trị cùng với bề trên và kiểm soát việc làm của bề trên nữa. Ta có thể nhận thấy hai quan điểm chính về vai trò của hội đồng cố vấn:

a/. Là những người cộng sự viên của bề trên, góp ý với bề trên trong những vấn đề quan trọng, hoặc tạo thành một “ê-kíp” (đội, tổ) để làm việc. Đó là trường hợp các cố vấn do bề trên tổng quyền chọn lựa và không phải là thành phần đương nhiên của tổng công nghị.

b/. Trong nhiều tu hội, các cố vấn do công nghị bầu lên. Họ tượng trưng cho sự tham gia của cộng đoàn vào việc quản trị.

2. Số người

Tùy cấp bâc cũng như tùy chiều kích của đơn vị: trung ương, tỉnh, nhà, tu hội lớn, nhỏ. Một điều thực tế là hội đồng cố vấn nên gồm bởi số lẻ, để tránh kết quả số phiếu thuận nghịch ngang nhau.

Ngoài việc ấn định số cố vấn, luật riêng cũng phải nghĩ tới cách thức chỉ định và tư cách để giữ chức vụ.

3. Quyền hạn

Luật riêng sẽ xác đinh quyền hạn tùy theo cấp bậc. Một điều quan trọng là giá trị pháp lý của ý kiến của hội đồng: biểu quyết hay tư vấn. Chiếu theo điều 127 §2, khi luật đòi bề trên phải có sự thỏa thuận (consensus) của hội đồng cố vấn, thì ý kiến có tính cách biểu quyết, bề trên buộc phải theo ý kiến của đa số hội đồng cố vấn, dù trái với ý kiến của mình; còn khi luật nói là bề trên phải tham khảo (consilium), thì chỉ có giá trị tư vấn, bề trên không buộc theo. Khi không rõ là biểu quyết hay tư vấn, phải suy đoán là tư vấn.

4. Thủ tục

Điều 127 nhắc nhở vài qui tắc tổng quát, cần được luật riêng xác định rõ ràng hơn.

– Bề trên phải triệu tập hội đồng cố vấn, chứ không thể chỉ tham khảo ý kiến riêng từng người.

– Phải ấn định túc số (số người để các buổi họp có giá trị, thường là quá bán. Trường hợp khẩn trương, tối thiểu phải có hai cố vấn. Trường hợp biểu quyết trục xuất một phần tử, điều 699 §1 đòi phải có ít là 4 cố vấn.

IV. CÁC CÔNG NGHỊ (TU NGHỊ)

Ở thời kỳ hậu công đồng Vaticanô II, Giáo hội đã nêu cao tầm quan trọng của các tổng công nghị, coi đó là dụng cụ để thích ứng với các hoàn cảnh hôm nay. Bởi vậy Giáo luật đã phản ảnh sự lưu tâm của công đồng đối với mối hiệp nhất nơi các cộng đoàn và đối với sự tham dự của tất cả mọi thành viên vào ích chung (PC số 14,15). Đây là một đổi mới chưa từng thấy trong bộ luật cũ (chỉ nhắc tới, chứ không đặt ra cách thức và quyền hạn của tổng công nghị).

1. Phân loại

Tùy cấp độ:

– Toàn tu hội: Tổng công nghị

– Cấp tỉnh: Tỉnh hội

– Nhà (tu viện): Tu viện hội

Cấp nhà, thì tất cả các tu sĩ đều có thể tham dự, cấp tỉnh và toàn tu hội, thì các tu sĩ bầu đại diện.

2. Quyền hạn

Tổng công nghị là cơ quan quyền hành tối cao của tu hội trong thời gian các khóa họp. Tuy nhiên, tổng công nghị không thể thay thế các bề trên, vì các trường hợp liên quan đến các cá nhân vẫn được dành cho các bề trên. Vậy quyền hạn chủ yếu của các công nghị là: bầu cử, lập pháp và bàn luận.

Trong nhiều tu hội, các tổng công nghị giữ cả 3 vai trò một lúc, nghĩa là trong một khóa họp, vừa bầu bề trên và các chức vụ khác, vừa thảo hoạch những qui tắc về việc điều hành và hoạt động của tu hội.

Trái lại, trong nhiều tu hội cổ có sự phân biệt những loại công nghị khác nhau. Trong khoảng cách giữa hai công nghị bầu cử, còn có những công nghị được triệu tập với nhiệm vụ kiểm điểm đường lối của ban lãnh đạo, việc thực thi các nghị quyết của công nghị lần trước.

Thí dụ: Dòng Đa Minh 9 năm mới có tổng công nghị bầu cử (hiến pháp số 397) giữa thời gian đó có hai tổng công nghị cách nhau 3 năm: 1 gồm các giám định viên (tức là đại biểu của các bề dưới) và một gồm những giám tỉnh (đại biểu của các bề trên) (hiến pháp số 406).

– Các công nghị có thể họp thường lệ hoặc ngoại lệ.

Dưới khía cạnh pháp lý, công nghị là cơ quan gồm bởi những phần tử của tu hội, hành sử quyền hành một cách tập đoàn. Điều 631 trao cho tổng công nghị những công tác sau:

a/. Bảo vệ di sản tinh thần của tu hội, thích nghi và canh tân nó, thí dụ: soạn thảo và duyệt chính hiến pháp.

b/. Bầu bề trên tổng quyền.

c/. Bàn những vấn đề hệ trọng, thí dụ: cắt đặt các chức vụ trung ương, thiết lập các tỉnh, đề ra hướng đi của tu hội, những vấn đề liên quan đến giáo hội địa phương, những vấn đề tài chính nghiêm trọng,.v.v…

d/. Ban hành các qui tắc có tính cách bắt buộc tất cả mọi phần tử. Nói khác đi, tổng công nghị là cơ quan lập pháp của tu hội.

V. QUẢN TRỊ TÀI SẢN

Mục bàn về các tài sản rất ngắn. Luật bảo hãy coi quyển V: về tài sản Giáo hội, vì tài sản của tu hội – pháp nhân công trong Giáo hội – là tài sản của Giáo hội. Nhiều qui định được dành cho luật riêng.

1. Quyền quản trị tài sản

– Các tu hội, các tỉnh dòng và các nhà có quyền thủ đắc, quản trị và chuyển nhượng các tài sản, trừ khi hiến pháp cấm đoán (đ 634 §1). Nhưng vì các tài sản của tu hội là tài sản của Giáo hội, theo điều 1257, do đó phải được quản trị theo qui định của luật chung (quyển V), và luật riêng, vì tài sản này cũng là tài sản của tu hội (đ 635 §1).

– Luật chung cũng lưu ý về việc sử dụng và quản trị các tài sản, nhưng dành cho luật riêng ấn định những qui tắc thích hợp cho đúng với tinh thần khó nghèo, tránh mọi hình thức xa hoa, lợi nhuận quá đáng hoặc tích lũy không xứng hợp (đ 634 §2 và 635 § 2), nghĩa là đòi hỏi các tu hội phải làm chứng nhân về tinh thần khó nghèo mà xã hội ngày nay rât nhạy cảm hơn ngày xưa.

2. Các quản lý

Phải có vị quản lý cho mỗi tu hội, mỗi tỉnh dòng và nhà dòng, tách biệt khỏi bề trên (đ 636 §1). Luật buộc như thế, vì cần có sự chuyên môn cho việc quản lý và để bề trên không bị vướng mắc về vấn đề quản trị tài sản. Dĩ nhiên vị quản lý phải “làm việc dưới sự lãnh đạo” của bề trên liên hệ và phải tính sổ theo thời điểm và cách thức do luật riêng ấn định (đ 636 §2). Các người quản trị khác cũng phải trình sổ sách cho vị có thẩm quyền như vậy.

– Đối với các đan viện tự trị phải báo cáo cho vị thường quyền sở tại về việc quản lý tài sản mỗi năm một lần. Còn đối với các tu hội giáo phận, đức giám mục có quyền thường xuyên được biết về sổ sách chi thu, không cần phải đợi mỗi năm một lần như đối với các đan viện (đ 637).

– Có sự phân cấp giữa quản trị thông thường và ngoại thường. Để thực hiện một hành vi quản trị ngoại thường cần phải có phép của bề trên (đ 638 §1,2). Hơn thế nữa, có khi phải xin phép Tòa thánh khi nghiệp vụ vượt quá số tiền được ấn định cho từng vùng, hoặc nếu là các đồ vật đã dâng cúng cho Giáo hội nhằm thực thi một lời khấn, hoặc nếu đồ vật quí giá vì giá trị nghệ thuật hay lịch sử (đ 638 §3).

3. Việc vay mượn và nợ nần

Điều 639 nêu nguyên tắc: Ai vay nợ và cam kết các nghĩa vụ thì người đó phải lãnh lấy tất cả trách nhiệm. Căn cứ vào các trường hợp người vay là pháp nhân hoặc thể nhân, có phép hay không có phép, chúng ta thấy như sau:

a/. Đối với pháp nhân: bề trên cho phép, sẽ không phải chịu trách nhiệm về các món nợ và các nghĩa vụ cam kết, nhưng chính pháp nhân đi vay nợ hoặc cam kết sẽ chịu trách nhiệm.

b/. Nếu một thành viên cam kết về tài sản riêng của mình, thì người đó sẽ lãnh trách nhiệm, dù được bề trên cho phép, phương chi khi không có phép. Nếu người đó hành động do ủy nhiệm của bề trên, thì tu hội phải chịu trách nhiệm, dù là đối với tài sản riêng của tu sĩ (tài sản mà tu sĩ không hoặc chưa buộc phải từ bỏ, xin coi điều 688 §2,4).

c/. Nếu một thành viên không có phép (và tất nhiên không có ủy nhiệm), thì tất nhiên chính thành viên phải chịu trách nhiệm, chứ không phải pháp nhân. Đây không cần phân biệt tài sản riêng của tu sĩ hay tài sản của tu hội. Trong mọi trường hợp, tu hội luôn có quyền khởi tố để đòi thành viên bồi thường do hành vi trái phép (không có phép bề trên). Điều luật dùng từ “kết ước” (contractus) để chỉ hành vi giao dịch kiếm lời. Nên nhớ: về những kết ước, điều 1290 của bộ Giáo luật thừa nhận giá trị của các khoản trong bộ dân luật. Sau cùng, Giáo luật dạy các bề trên phải hết sức thận trọng trong việc cho phép vay nợ: phải chắc chắn có thể trả được nợ trong thời gian hợp lý.

4. Lời khuyên

“Tùy hoàn cảnh mỗi địa phương, các tu hội hãy ra sức làm chứng tá tập thể cách nào đó về đức ái và nghèo khó, và tùy sức góp phần nào của cải mình để đáp ứng những nhu cầu của Giáo hội, và việc cứu trợ những người túng thiếu” (đ 640).